Kết luận
Các huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang là nơi
được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh đẹp
hùng vĩ, với di sản ruộng bậc thang đã được Bộ
Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản
cấp quốc gia, với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống
gần như nguyên vẹn, đây là nơi có tiềm năng to
lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Với điểm
mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mình,
muốn phát triển du lịch cộng đồng, đòi hỏi địa
phương cũng như tỉnh Hà Giang cần phải có nhiều
giải pháp đồng bộ để thúc đẩy du lịch phát triển.
Trong đó, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây
dựng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh
hoạt động xúc tiến, quảng bá; liên kết trong phát
triển du lịch là những giải pháp thiết yếu cần thực
hiện ngay nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại
khu vực này.
7 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 11/01/2022 | Lượt xem: 345 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực phía tây tỉnh Hà Giang: Tiềm năng, cơ hội và thách thức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
63
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở KHU VỰC PHÍA TÂY
TỈNH HÀ GIANG: TIỀM NĂNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Nguyễn Quang Hợp
Tóm tắt
Phát triển du lịch cộng đồng đang là một xu hướng trong phát triển du lịch ở các địa phương mà có điều
kiện thuận lợi. Hà Giang là một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, được thiên nhiên ưu đãi với phong
cảnh hùng vĩ, nhiều địa điểm tham quan phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, đây cũng là địa phương mà văn
hóa bản địa cơ bản còn giữ được nguyên trạng. Đối với Hà Giang, phát triển du lịch đã và đang được địa
phương chú trọng phát triển, nhất là đối với khu vực phía Bắc của tỉnh, với cao nguyên địa chất đã được
UNESCO đưa vào di sản. Ngoài ra, khu vực phía Tây mặc dù du lịch chưa thực sự phát triển, nhưng cũng
có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Bài báo này nhằm mục tiêu đánh giá những cơ hội,
thách thức và tiềm năng trong phát triển du lịch của khu vực này, đồng thời gợi ý một số giải pháp cho
tỉnh trong phát triển du lịch cộng đồng.
Từ khóa: Hà Giang, Du lịch cộng đồng, tiềm năng, cơ hội.
DEVELOPING COMMUNITY TOURISM IN THE WESTERN REGION OF HA GIANG
PROVINCE: POTENTIAL, OPPORTUNITIES AND CHALLENGES
Abstracts
Developing community tourism is a new trend of the tourist industry in the regions having naturally
favourable conditions. Ha Giang is a province located in the Northern mountainous region which is
favoured by nature with majestic scenery and many famous destinations for visitors. In addition, this is also
the province in which the indigenous culture still remains intact. Developing tourism has been considered
as a priority of Ha Giang in social economic development, especially in the northern areas of the province
with the geological plateau which has been recognized as a heritage by UNESCO. In the Western region,
although tourism has not really developed, it also has a great potential for developing community tourism.
This paper aims to assess the opportunities, challenges and potential for tourism development of this region,
and to suggest some solutions for Ha Giang province to develop community tourism.
Key words: Ha Giang, Community tourism, potential, opportunities.
JEL classification: H, O
1. Đặt vấn đề
Hà Giang đã và đang từng bước viết tên mình
lên bản đồ du lịch của Việt Nam với lợi thế về
thiên nhiên hùng vĩ, sự độc đáo về phong tục tập
quan của người dân bản địa. Bên cạnh khu vực
phía Bắc của tỉnh đã có nền tảng vững chắc trong
phát triển du lịch, khu vực phía Tây cũng đang
từng bước phát triển và coi du lịch là hướng đi
quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo
tồn văn hóa truyền thống của địa phương, cũng
như khai thác các lợi thế về thiên nhiên. Để đẩy
mạnh phát triển du lịch, Đảng bộ tỉnh Hà Giang
đã có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV
về việc “Phát triển văn hóa gắn với du lịch sinh
thái, văn hóa lịch sử, địa chất, tâm linh”; Ban
Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số
62 -CTr/TU ngày 29/03/2013 về phát triển văn
hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013-2020; UBND
tỉnh ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày
26//2013 để triển khai thực hiện chương trình của
Ban thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp, các
ngành gắn công tác phát triển du lịch với việc khai
thác, bảo tồn các giá trị văn hóa. Quy hoạnh tổng
thể phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020,
định hướng đến năm 2030 đã được lập và thông
qua tại Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày
11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính
trị, tỉnh Hà Giang đã tạo cơ chế thông thoáng, thu
hút đầu tư như ưu tiên hỗ trợ hạ tầng; đẩy mạnh cải
cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Đồng thời, có chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay
vốn lãi suất thấp để các hộ dân đầu tư phát triển du
lịch (theo Nghị quyết số 35/2016/NQ -HĐND;
Quyết định số 17/QĐ-UBND). Trên cơ sở đó, các
địa phương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, dự án cụ
thể hóa các chương trình phát triển du lịch theo điều
kiện đặc thù về tài nguyên du lịch của từng địa
phương. Khu vực phía Tây của tỉnh Hà Giang là một
trong những địa điểm du lịch hấp dẫn, có nhiều cảnh
đẹp kỳ thú được thiên nhiên ban tặng như đỉnh Chiêu
Lầu Thi với độ cao 2402m, những thửa ruộng bậc
thang trải dài khắp các xã, rừng chè san tuyết cổ thụ
hàng trăm năm tuổi, Ngoài ra, nơi đây cũng đang
quy tụ 16 dân tộc anh em như Nùng, Dao, Mông, La
Chí ... cùng sinh sống với những phong tục tập quán
truyền thống đa dạng và được người dân bảo tồn, giữ
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
64
gìn, đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa truyền thống.
Đây chính là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng
đồng, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói
chung của tỉnh, cũng như nâng cao đời sống của
người dân... Để du lịch cộng đồng ở khu vực phía
Tây tỉnh Hà Giang có thể phát triển được, vấn đề
mấu chốt là cần phải có những đánh giá toàn diện về
tiềm năng, cơ hội, cũng như các thách thức để từ đó
có được những giải pháp chiến lược, phù hợp với
điều kiện của vùng.
2. Tổng quan về du lịch cộng đồng
Du lịch là hoạt động đã xuất hiện cách đây từ
rất lâu. Có nhiều quan điểm khác nhau về du lịch.
Ngay trong Luật Du lịch (2017) đã xác định “Du
lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi
của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên
trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm
đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí,
tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết
hợp với mục đích hợp pháp khác”. Đây được đánh
giá là khái niệm mang tính bao quát và phù hợp
với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tác giả cũng
đồng tình với khái niệm này.
Về du lịch cộng đồng, trong nghiên cứu của
Đỗ Anh Tài và các cộng sự (2019) đã tổng hợp từ
nhiều quan điểm khác nhau để đưa ra “Du lịch cộng
đồng loại hình du lịch phát triển dựa trên sự mong
muốn khám phá của du khách để tìm hiểu thêm về
cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn
hóa khác nhau nên hoạt động du lịch cộng đồng
thường liên kết với người dân từ thành thị đến các
vùng nông thôn để thưởng thức cuộc sống tại đó
trong một khoảng thời gian nhất định”. Như vậy,
phát triển du lịch cộng đồng chính là việc người dân
phát huy các lợi thế sẵn có của mình để đón du
khách đến tham quan, trải nghiệm và hưởng thụ các
dịch vụ mà chính người dân đem lại. Từ đây có thể
thấy, du lịch cộng đồng đa dạng, tùy thuộc vào từng
địa phương mà có các loại hình khác nhau như: Du
lịch sinh thái; Du lịch văn hóa; Du lịch nông
nghiệp; Du lịch bản địa; Du lịch bản làng
Du lịch cộng đồng là vấn đề đã và đang được
nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Phát
triển du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích
cho người dân bản địa, mà còn góp phần vào bảo
tồn và phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã
hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trên thế giới
và Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu về du
lịch cộng đồng và phát triển DLCĐ. Sau đây là
một số nghiên cứu cụ thể:
Tosun và Timothy (2003) đã đưa ra mô hình
chuẩn để quy hoạch du lịch cộng đồng bằng việc
kết hợp 03 chiến lược - viết tắt là “PIC” (Planning,
Incremental, Collaborative). Trong đó nhấn
mạnh, mô hình mà tác giả nghiên cứu không dùng
để thay thế cho phương thức lập kế hoạch theo
kiểu truyền thống mà nên ứng dụng trong một bối
cảnh rộng hơn giúp các bước lập kế hoạch diễn ra
một cách hợp lý, toàn diện. Đồng thời, cũng khẳng
định, mô hình sẽ hiệu quả hơn nếu các thành viên
cộng đồng được phép tham gia vào quá trình lập
kế hoạch. Từ góc độ lý thuyết để đi vào vận dụng
thực tiễn, nghiên cứu của Etsuko Okazaki (2008)
đã đề xuất mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên
cơ sở tổng hợp hệ thống lý luận cơ bản về cộng
đồng, sự tham gia của cộng đồng, du lịch dựa vào
cộng đồng, đặc biệt tác giả đề cập đến lý thuyết
“vốn xã hội” trong nghiên cứu của mình từ đó áp
dụng mô hình lý thuyết vào tình huống thực tế ở
Palawan, Philippines. Sotear Ellis (2011) cho rằng
phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình du
lịch cộng đồng thường gặp phải thách thức bởi vấn
đề nhận thức của các bên liên quan.
Ở Việt Nam cũng có nhiều nghiên cứu về
phát triển du lịch cộng đồng, khi mà lĩnh vực này
không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, hầu hết các
nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào mục
tiêu hệ thống hóa cơ sở lý luận về phát triển du
lịch cộng đồng, về đánh giá thực trạng và tiềm
năng phát triển du lịch cộng đồng tại các địa
phương. Các nghiên cứu tiêu biểu ở Việt Nam bao
gồm: Võ Quế (2006) trong cuốn sách “du lịch
cộng đồng - Lý thuyết và vận dụng tập 1” đã đưa
ra một số lý thuyết về phát triển du lịch dựa vào
cộng đồng cũng như đưa ra một số mô hình phát
triển du lịch dựa vào cộng đồng tại một số nước
trong khu vực ASEAN. Nguyễn Thị Thu Nhàn
(2010) với nghiên cứu “Phát triển du lịch gắn với
cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sapa theo hướng
phát triển bền vững” đã phân tích thực trạng phát
triển du lịch cộng đồng ở Sapa để đưa ra các giải
pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với đồng
bào dân tộc thiểu số; Đề tài nghiên cứu khoa học
cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng bảo vệ môi trường
du lịch với sự tham gia của cộng đồng góp phần
phát triển du lịch bền vững trên đảo Cát Bà - Hải
Phòng” của tác giả Phạm Trung Lương và cộng sự
(2002) đã phân tích thực trạng và nhấn mạnh vào
sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi
trường du lịch của từng thành phần tham gia; Tác
giả Nguyễn Thị Mai (2013) với nghiên cứu “Phát
triển du lịch cộng đồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh
Đắk Lắk” đã phân tích, đánh giá thực trạng phát
triển du lịch cộng đồng tại huyện Buôn Đôn, tỉnh
Đắk Lắk bằng ma trận SWOT để từ đó đề xuất các
giải pháp phát triển loại hình du lịch này cho địa
phương trong thời gian tới.
Từ những nghiên cứu này có thể thấy, phát
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
65
triển du lịch cộng đồng không còn là vấn đề mới,
nhưng lại là hướng phát triển bền vững mà các địa
phương có điều kiện về tài nguyên tự nhiên, tài
nguyên văn hóa có thể học hỏi để từ đó tạo ra sự
phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và
tinh thần cho người dân, đồng thời bảo tồn được giá
trị tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nguồn dữ liệu: Bài báo sử dụng các dữ liệu
trong công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của
Đỗ Anh Tài và các cộng sự (2019) “Nghiên cứu xây
dựng các mô hình liên kết trong phát triển du lịch
cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân
tại các huyện phía Tây thuộc tỉnh Hà Giang” trong
đó, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra tổng số 1560
mẫu bao gồm: 60 mẫu là cán bộ quản lý địa
phương; 200 đại diện doanh nghiệp; 800 du khách
trong và ngoài nước và 500 người dân địa phương.
Về số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của
tỉnh Hà Giang, các huyện và các xã trong khu vực
phía Tây của tỉnh Hà Giang; các bài báo, các tài
liệu nghiên cứu đã được công bố.
Phương pháp nghiên cứu: Bài báo sử dụng
các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây:
- Phương pháp thống kê mô tả: Phương pháp
này được sử dụng để mô tả kết quả hoạt động của
ngành du lịch tại hai huyện thuộc khu vực phía tây
của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích SWOT: Được sử
dụng trong đánh giá thực trạng, tiềm năng phát
triển du lịch cộng đồng tại các huyện phía Tây của
tỉnh Hà Giang.
4. Nội dung nghiên cứu và thảo luận
4.1. Khái quát về Du lịch cộng đồng khu vực
phía tây tỉnh Hà Giang
Hà Giang là tỉnh địa đầu của tổ quốc với 23
dân tộc cùng sinh sống, từ đó tạo ra sự đa dạng về
bản sắc văn hóa mà không phải nơi nào cũng có
được. Bên cạnh đó, với sự ưu đãi của thiên nhiên,
nhiều danh lam thắng cảnh như cao nguyên đá,
ruộng bậc thang... đã tạo cho nơi đây một tiềm
năng to lớn để phát triển du lịch, mà nhất là du lịch
cộng đồng. Đối với tỉnh Hà Giang nói chung và
khu vực phía tây nói riêng, hình thức du lịch cộng
động, du lịch homestay đã sớm hình thành tại
nhiều thôn bản như: thôn Bản Lạn (huyện Bắc
Mê); thôn Thanh Sơn (huyện Vị Xuyên); thôn Nà
Ràng (huyện Xín Mần); thôn Chì (huyện Quang
Bình), Kể từ khi du lịch cộng đồng phát triển,
nhiều hộ dân đã có thêm thu nhập từ 10 - 20 triệu
đồng/ năm từ du lịch, có những hộ thu nhập tăng
thêm 100 triệu đồng/ năm. Lượng khách du lịch
đến với Hà Giang ngày càng tăng. Đối với khu vực
phía tây, mà trong đó huyện Hoàng Su Phì và
huyện Xín Mần là hai địa phương đã sớm chú
trọng phát triển du lịch cộng đồng, lượng khách
qua hai năm 2016-2017 được thể hiện qua bảng số
liệu 01 dưới đây:
Bảng 1: Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch tại hai huyện phía Tây
của tỉnh Hà Giang giai đoạn 201 7- 2019
Chỉ tiêu
Huyện Hoàng Su Phì Huyện Xín Mần
Năm
2017
Năm
2018
Năm
2019
TTBQ
(%)
Năm
2017
Năm
2018
Năm
2019
TTBQ
(%)
1. Số lượt khách
(lượt)
15.328 28.600 50.000 180,6 28.060 28.692 29.136 101,9
- Du khách quốc tế
(Lượt)
4.718 8.000 3.680 88,3 5.685 6.556 4.093 84,9
- Du khách trong
nước (lượt)
10.610 20.600 46.320 208,9 22.375
22.136
25.043 105,8
2. Doanh thu từ du
lịch (tỷ đồng)
17,25 22,5 65,0 194,1 14,03 14,49 14,57 101,9
Nguồn: Phòng văn hóa huyện Hoàng Su Phì và Huyện Xín Mần
Đến với 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần,
du khách không những được khám phá, tìm hiểu
thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên đa
dạng mà còn được hòa mình vào cuộc sống mang
đậm bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của người
dân nơi đây. Trong giai đoạn 2017-2019, lượng
khách đến với hai địa phương này đều tăng, thể
hiện qua tốc độ tăng trưởng qua các năm. Đặc biệt
là huyện Hoàng Su Phì có tốc độ tăng trưởng ấn
tượng là 180,5% năm, còn đối với huyện Xín Mần
là 101,9% năm. Điều này có được là do Huyện
Hoàng Su Phì đã có nhiều hoạt động kích cầu du
lịch, các hoạt động lễ hội, cũng như thiên nhiên
ban tặng cho huyện nhiều danh lam thắng cảnh.
Trong khi khách du lịch trong nước có xu hướng
tăng đều qua các năm, thì khách quốc tế lại có xu
hướng giảm ở năm 2019 ở cả hai huyện. Nguyên
nhân là bởi ảnh hưởng của dịch Covid dẫn đến giai
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
66
đoạn cuối năm, lượng khách quốc tế đến với khu
vực này giảm rõ rệt. Doanh thu từ hoạt động du
lịch ở cả hai địa phương này đều tăng qua các năm
và đã có những đóng góp quan trọng vào nguồn
thu của địa phương, nhất là ở huyện Hoàng Su Phì.
Từ đây cho thấy, mặc dù lượng khách quốc
tế có xu hướng chững lại vì ảnh hưởng của dịch
bệnh, nhưng nhìn chung, du lịch đã có những đóng
góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật
chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, những
kết quả đó chưa tưng xứng với tiềm năng và thế
mạnh của địa phương này. Muốn phát triển du lịch
cộng đồng, điều quan trọng là phải tìm ra được
điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của
vùng, từ đó mới có thể có những chính sách phát
huy tiềm năng và lợi thế cho vùng.
4.2. Phân tích SOWT về phát triển du lịch cộng
đồng ở khu vực phía Tây tỉnh Hà Giang
Trên cơ sở khảo sát và đánh giá toàn diện điều
kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của các huyện khu
vực phía Tây của tỉnh Hà Giang, chúng ta có thể rút
ra được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và
thách thức cho khu vực này trong phát triển du lịch
cộng đồng được thể hiện qua bảng dưới đây:
Bảng 02: Phân tích SOWT trong phát triển du lịch cộng đồng > Định dạng văn bản
Điểm mạnh (S) Cơ hội (O)
-Văn hóa bản địa đa dạng và về cơ bản vẫn giữ
được những nét văn hóa dân tộc truyền thống.
- Thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều điểm du lịch
hấp dẫn du khách.
- Nằm trên trục đường lối giữa Hà Giang và
Lào Cai.
- Sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính
quyền địa phương.
- Hạ tầng cho du lịch tương đối tốt, các
homestay được đầu tư nhiều hơn.
- Sự quan tâm của chính quyền từ tỉnh đến địa
phương đối với phát triển du lịch ngày càng lớn.
- Khu vực phía tây của tỉnh đã được tỉnh Hà
Giang đưa vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
- Nhu cầu du lịch trải nghiệm, du lịch khám
phá của du khách, kể cả du khách trong nước ngày
càng nâng cao.
- Nằm trên trục quốc lộ nối Hà Giang với Lào
Cai nên khu vực phía Tây có cơ hội đón tiếp du
khách theo tuor từ Lào Cai sang Hà Giang và
ngược lại.
Điểm yếu (W) Thách thức (T)
- Hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống
nhà hàng khách sạn chưa phát triển.
- Hệ thống DN, nhất là DN lữ hành trong
vùng chưa phát triển.
- Chưa xây dựng được cơ chế hợp tác giữa
các thành phần tham gia vào phát triển DLCĐ tại
địa phương.
- Nhận thức của người dân, trình độ của đội
ngũ cán bộ quản lý về du lịch còn nhiều hạn chế,
nhất là về kỹ năng quản lý, kỹ năng cung cấp dịch
vụ du lịch còn thấp.
- Cạnh tranh giữa các vùng trong phát triển du
lịch, kể cả các vùng trong tỉnh Hà Giang cũng ngày
càng gay gắt.
- Với địa thế nằm giữa 2 khu vực có sự phát triển
du lịch mạnh của vùng (Lào Cai và phía Bắc tỉnh Hà
Giang), nơi mà hạ tầng du lịch đã có những bước tiến
xa đã làm khu vực này rơi vào thế mắc kẹt.
- Việc quá coi trọng phát triển du lịch, cũng dễ
dẫn đến việc bản sắc văn hóa, tài nguyên tự nhiên
bị xâm hại.
- Với đặc tính tự phát cao, nếu vì mục tiêu lợi
nhuận thì tính tự phát sẽ ngày càng cao hơn, rất dễ
dẫn đến việc tự cạnh tranh ngay trong bản thân
cộng đồng dân cư.
Nguồn: Tổng hợp từ nhóm nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích SOWT về phát triển du
lịch cộng đồng ở khu vực phía Tây của tỉnh Hà
Giang, việc đánh giá các tiềm năng, lợi thế của
vùng trong phát triển du lịch là rất quan trọng. Đó
là cơ sở, là tiền đề để đề xuất các giải pháp cho
phát triển du lịch cộng đồng sau này.
4.3. Tiềm năng và thách thức trong phát triển du
lịch cộng đồng phía tây tỉnh Hà Giang
4.3.1. Tiềm năng của khu vực trong phát triển du
lịch cộng đồng
Khu vực phía Tây của tỉnh Hà Giang mặc dù
không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển
du lịch ở khu vực cao nguyên đá phía Đông của
tỉnh. Tuy nhiên, nơi đây đã được thiên nhiên đã
ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ
như dãy Tây Côn lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi, thác
Tiên, Đèo gió, ruộng bậc thang cùng nhiều thác
ghềnh, hang động nổi tiếng... Đồng thời, đây cũng
là kho tàng văn hoá phong phú của 16 dân tộc anh
em cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc rất
ít người như: Pu Péo, Pà Thẻn, Cờ Lao, La Chí,
Lô Lô Tiềm năng về phát triển du lịch cộng
đồng của khu vực này bao gồm:
- Phát triển du lịch sinh thái; du lịch sinh thái
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
67
kết hợp nghỉ dưỡng. Khu vực phía Tây vừa có
phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa có di sản
ruộng bậc thang, mà trong đó khi mùa nước đổ và
mùa lúa chín đều có điều kiện thuận lợi để thu hút
khách du lịch. Đặc biệt, với hệ thống homestay,
việc phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ
dưỡng sẽ là tiềm năng lớn để phát triển.
- Phát triển Làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Với đặc thù văn hóa của đồng bào dân tộc ít người
và vẫn được bảo tồn tương đối nguyên trạng. Việc
hình thành các làng văn hóa du lịch cộng đồng là
cơ hội để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn văn
hóa bản địa của vùng.
- Phát triển du lịch mạo hiểm (các tour du
lịch: Dù lượn, leo núi), Du lịch khám phá
(trekking): khám phá các hang động, rừng nguyên
sinh, chinh phục đỉnh núi cao, xây dựng các tuyến
du lịch đi bộ.
4.3.2. Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng
đồng
Để đánh giá tiềm năng về phát triển du lịch
cộng đồng, Đỗ Anh Tài và cộng sự (2019) đã tiến
hành điều tra, khảo sát các đối tượng là nhà quản
lý, doanh nghiệp, du khách và chính người dân địa
phương về tiềm năng cho phát triển du lịch cộng
động tại khu vực phía Tây của tỉnh Hà Giang. Kết
quả khảo sát đã chỉ ra: Về tiềm năng phát triển du
lịch nghỉ dưỡng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi,
cùng với hệ thống homestay đủ tiêu chuẩn, du lịch
nghỉ dưỡng sẽ là tiềm năng lớn của địa phương.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy,
có tới 88,24% số cán bộ quản lý cấp huyện, xã và
94,74% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng phát
triển homestay đủ tiêu chuẩn sẽ tạo tiền đề cho
phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở địa phương. Tuy
nhiên, số lượng homestay còn ít, còn phân tán, các
sản phẩm thì còn đơn giản, chưa có sự kết hợp với
các yếu tố có sẵn của địa phương. Do đó, 89,47%
số doanh nghiệp cho rằng cần phải đa dạng hóa
các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng để thu hút khách
tốt hơn, cũng như kết hợp khai thác các sản phẩm
khác của địa phương được hiệu quả hơn.
- Đánh giá về tiềm năng lễ hội, văn hóa tại
địa phương. Đây là khu vực mà các lễ hội rất
phong phú, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và cơ
bản vẫn giữ được các nét văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, để khai thác được các lễ hội và văn hóa
địa phương, thì có tới 94,12% số cán bộ quản lý
địa phương cho rằng cần phải tổ chức thường niên
các lễ hội đặc trưng gắn với từng dân tộc ở các địa
phương để thu hút khách trong các thời điểm khác
nhau trong năm. Các doanh nghiệp cũng cho rằng,
tiềm năng văn hóa là rất lớn, nhưng quy mô tổ
chức thường nhỏ hẹp trong phạm vi làng, bản... do
đó để phát triển du lịch cộng đồng thì cần phải kết
nối với các doanh nghiệp du lịch để tổ chức các lễ
hội quy mô lớn hơn, công tác quảng bá cũng cần
phải chú trọng hơn nữa.
- Tiềm năng về các sản phẩm truyền thống
của địa phương. Cả cán bộ quản lý và doanh
nghiệp đều cho rằng, nâng cao chất lượng sản
phẩm, mẫu mã sản phẩm theo định hướng sản xuất
hàng hóa là cách thức nhằm nâng cao giá trị của
sản phẩm địa phương. Đồng thời, địa phương cần
tập trung khai thác các sản phẩm nông nghiệp đặc
trưng, gắn với du lịch để từ đó phát huy được lợi
thế của vùng.
- Nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát các du
khách đến với khu vực phía Tây của tỉnh Hà
Giang, hầu hết du khách (cả trong nước và ngoài
nước) đều thấy hài lòng với điểm đến, có nhiều cảm
xúc và nhiều trải nghiệm mới lạ. Trong số 1200 phiếu
khảo sát với du khách cho cả 2 đợt thì có đến 80% du
khách được khảo sát mới đến các huyện phía tây tỉnh
Hà Giang lần đầu. Tuy nhiên, họ đã rất vui vẻ bày tỏ
ý kiến sẽ quay trở lại và giới thiệu với bạn bè, người
thân về du lịch tại Hà Giang vì nơi đây có tiềm năng
lớn cho các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ
dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa và các sản
phẩm truyền thống của địa phương cũng rất độc đáo.
Trong tương lai, đây chính là cơ hội tốt mà các địa
phương cần nắm bắt trong phát triển DLCĐ dựa vào
kênh quảng bá rất hữu hiệu, đó chính là những du
khách đã từng trải nghiệm tại Hà Giang.
- Còn đối với người dân địa phương, 100% số
hộ dân được hỏi đều hiểu về những tiềm năng mà
địa phương có được như cảnh quan thiên nhiên độc
đáo hay bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc,
Họ rất ủng hộ và thể hiện sự sẵn sàng để tham gia
vào sự phát triển DLCĐ chung của địa phương.
Từ đây có thể thấy, khu vực phía Tây của tỉnh
Hà Giang là nơi có tiềm năng to lớn cả về tự nhiên,
văn hóa đến con người để phát triển đa dạng các
loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do xuất
phát điểm thấp, cùng với đời sống, nhận thức của
người dân còn hạn chế, nên để khai tác được các
tiềm năng và thế mạnh của vùng, đòi hỏi phải có
sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền
địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh
nghiệp và sự sẵn sàng của người dân. Có như vậy,
du lịch mới thực sự là mũi nhọn trong phát triển
kinh tế, xã hội của vùng.
4.3.3. Thách thức trong phát triển du lịch cộng
đồng ở khu vực phía Tây tỉnh Hà Giang
Bên cạnh những tiềm năng, để phát triển
được du lịch cộng đồng, không ít thách thức cũng
đã đặt ra cho khu vực phía tây của tỉnh Hà Giang.
Cụ thể như sau:
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
68
Thứ nhất, hệ thống hạ tầng còn thiếu và yếu,
nhất là hạ tầng giao thông. Ngoài hệ thống trục
giao thống chính nối các các huyện trong vùng, hệ
thống giao thông đến với các điểm du lịch cơ bản
đều thiếu và yếu. Nhiều nơi, giao thông đi lại rất
khó khăn, điều đó cũng làm khả năng phát triển
của du lịch. Để phát triển được hệ thống giao
thông, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và vượt quá
ra khỏi khả năng của địa phương, cũng như của
tỉnh Hà Giang. Điều này, vô hình chung trở thành
rào cản lớn cho phát triển du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, hạ tầng cho phát triển du lịch cũng còn
nhiều bất cập, còn thiếu các hạ tầng thiết yếu như
nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn, các khu vực vui
chơi giải trí... cũng còn hạn chế.
Thứ hai, cạnh tranh giữa các vùng trong phát
triển du lịch, kể cả các vùng trong tỉnh Hà Giang
cũng ngày càng gay gắt. Việc nằm giữa hai vùng
du lịch phát triển (Lào Cai và phía đông tỉnh Hà
Giang) vừa là tiềm năng, những cũng là thách thức
lớn đối với du lịch của phía tây tỉnh Hà Giang.
Việc giữ chân du khách lưu trú sẽ khó khăn hơn,
vì thế nguồn thu từ du khách cũng sẽ bị ảnh
hưởng. Thách thức này càng lớn trong bối cảnh hạ
tầng du lịch của khu vực này còn hạn chế, vẫn
mang mầu sắc sơ khai nhiều.
Thứ ba, bảo tồn bản sắc văn hóa gặp nhiều
khó khăn. Việc phát triển du lịch, nếu không được
kiểm soát tốt sẽ dẫn đến vấn đề thương mại hóa
bản sắc văn hóa, làm mất đi những nét truyền
thống vốn có. Mà văn hóa mất đi, lại làm cho sức
hút về du lịch trong vùng sẽ giảm xuống, ảnh
hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch sau này.
Thứ tư, sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt
động du lịch của người dân, nhất là tính cộng đồng
trách nhiệm, hệ thống quản lý chưa đồng bộ rất dễ
dẫn đến tự cạnh tranh của các hộ làm du lịch, cũng
như cạnh tranh giữa các làng du lịch với nhau. Vì
vậy, để du lịch cộng đồng thực sự phát triển, thực
sự mang lại lợi ích cho cộng đồng người dân theo
nghĩa vốn có của nó, thì thách thức này cần phải
được quan tâm giải quyết.
4.4. Gợi ý giải pháp
Để phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực
phía Tây của tỉnh Hà Giang, qua đó góp phần khai
thác được thế mạnh của vùng. Một số giải pháp
cần thiết phải triển khai thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực cho phát
triển du lịch cộng đồng.
Do trình độ của cán bộ quản lý cũng như của
người dân còn hạn chế. Vì thế, muốn phát triển du
lịch cộng đồng cần địa phương cần phải thực hiện
việc đào tạo phát triển đội ngũ. Trong đó, đào tạo
kiến thức quản lý cho cán bộ làm công tác du lịch
địa phương và đào tạo kiến thức kỹ năng, nghiệp
vụ du lịch cho người dân địa phương. Các kiến thức
cần tập trung đào tạo là nghiệp dụ du lịch, kiến thức
về marketing, quảng bá du lịch. Hình thức đào tạo
phải gắn với cộng đồng, đào tạo tại chỗ trên cơ sở
vừa giảng dạy lý thuyết vừa gắn với thực hành.
Đồng thời đưa nội dung về phát triển du lịch vào
giảng dạy trong các trường phổ thông nhằm trang
bị kiến thức cho học sinh là người địa phương.
Thứ hai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du
lịch, nhất là hạ tầng về giao thông.
Do địa phương còn nhiều khó khăn về cơ sở
hạ tầng, nhất là về giao thông. Đây là trở ngại lớn
đối với phát triển du lịch địa phương. Vì thế, địa
phương cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ
thống giao thông, trong đó hệ thống giao thông kết
nối các điểm du lịch trong vùng cần chú trọng đầu
tư trước hết. Ngoài ra, hệ thống điện, nước sạch
cũng cần được đầu tư để nâng cao chất lượng của
hoạt động du lịch.
Thứ ba, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch
cộng động, tìm kiếm các thị trường cho du lịch
cộng đồng. Du lịch của khu vực phía Tây tỉnh Hà
Giang được ví như người con gái chưa được đánh
thức, chưa được nhiều người biết đến. Trong những
năm qua, tỉnh Hà Giang đã chú trọng nhiều đến
việc quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường lớn.
Tuy nhiên, đối với khu vực phía Tây thì chưa thực
sự được chú trọng. Vì thế, cần phải chú trọng công
tác quảng bá với nhiều hình thức như: Quảng bá
trên mạng xã hội, quảng bá qua truyền hình, quảng
bá qua các đợt xúc tiến du lịch... Hằng năm tổ chức
các đợt quảng bá như “lễ hội văn hóa các dân tộc”;
“lễ hội ruộng bậc thang”...
Thứ tư, xây dựng mô hình quản lý du lịch
cộng đồng, hướng tới xây dựng liên kết trong phát
triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Mặc dù chính quyền địa phương đã rất tích
cực trong hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng
đồng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy hiện
nay chưa có mô hình quản lý thống nhất cho việc
quản lý du lịch cộng đồng của người dân. Vì vậy,
việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý là hết
sức cần thiết. Trong đó, cần phải gắn kết giữa quản
lý nhà nước của chính quyền với quản lý du lịch
của cộng đồng. Đồng thời, phải liên kết giữa
người dân, chính quyền với các doanh nghiệp
trong lĩnh vực du lịch. Có như vậy, việc phát triển
du lịch mới thực sự bền vững và hiệu quả.
Thứ năm, phát triển đa dạng các loại hình sản
phẩm du lịch.
Để khai thác được hết tiềm năng và lợi thế
của vùng về phát triển du lịch, địa phương cần chú
trọng phát triển các sản phẩm du lịch một cách đa
Chuyên mục: Quản trị - Quản lý - TẠP CHÍ KINH TẾ & QUẢN TRỊ KINH DOANH SỐ 13 (2020)
69
dạng. Chỉ khi có được sản phẩm du lịch thì mới có
thể hấp dẫn du khách, từ đó tăng nguồn thu cho
địa phương. Các sản phẩm du lịch cần hướng đến
như là: Làng văn hóa du lịch; Phát triển sản phẩm
du lịch văn hóa; đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích
lịch sử văn hóa, đưa các di tích lịch sử trở thành
điểm nhấn trong hoạt động khai thác du lịch; Phát
triển sản phẩm du lịch, sinh thái gắn với các hoạt
động khám phá, trải nghiệm...
5. Kết luận
Các huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang là nơi
được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh đẹp
hùng vĩ, với di sản ruộng bậc thang đã được Bộ
Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản
cấp quốc gia, với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống
gần như nguyên vẹn, đây là nơi có tiềm năng to
lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Với điểm
mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mình,
muốn phát triển du lịch cộng đồng, đòi hỏi địa
phương cũng như tỉnh Hà Giang cần phải có nhiều
giải pháp đồng bộ để thúc đẩy du lịch phát triển.
Trong đó, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây
dựng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh
hoạt động xúc tiến, quảng bá; liên kết trong phát
triển du lịch là những giải pháp thiết yếu cần thực
hiện ngay nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại
khu vực này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cevet Tosun and Dallen J. Timothy. (2003). Arguments for Community Participation in the Tuorism
Development Process, The Journal of Tourism studies.
[2]. Etsuko Okazaki. (2008). Acommunity – Based Tourism model: Its Conception and Use. Journal of
Sustainable Tourism.
[3]. Ellis, S. (2011). Community based Tourism in Cambodia: Exploring the Role of Community for
Successful Implementation in Least Developed Countries. (PhD Thesis), Edith Cowan University,
Australia.
[4]. Phạm Trung Lương và cộng sự. (2002). Nghiên cứu xây dựng bảo vệ môi trường du lịch với sự tham
gia của cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững trên đảo Cát Bà - Hải Phòng, Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Thị Mai. (2013). Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Luận văn
thạc sỹ ngành Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Thị Thu Nhàn. (2010). Phát triển du lịch gắn với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sapa theo
hướng phát triển bền vững. Luận văn thạc sỹ ngành Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Hà Nội.
[7]. Nghị quyết số 123-2014-NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về việc
thông qua quy hoạch tổng thể du lịch Hoàng Su Phì đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
[8]. Nghị quyết số 15 - NQ/HU ngày 26/6/2013 của Ban thường vụ Huyện ủy Hoàng Su Phì về phát triển
văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 – 2020.
[9]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2005). Luật Du lịch, Hà Nội.
[10]. Võ Quế (2006), Du lịch cộng đồng - Lý thuyết và Vận dụng (Tập 1), NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
[11]. Quyết định 49/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Hoàng Su
Phì đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.
[12]. Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt Quy
hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
[13]. Đỗ Anh Tài và cộng sự. (2019). Nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết trong phát triển du lịch
cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân tại các huyện phía tây của tỉnh Hà Giang. Đề tài NCKH
cấp tỉnh.
Thông tin tác giả:
1. Nguyễn Quang Hợp
- Đơn vị công tác: Trường Đại học Kinh tế & QTKD
- Địa chỉ email: nguyenquanghop1979@gmail.com
Ngày nhận bài: 20/06/2020
Ngày nhận bản sửa: 28/06/2020
Ngày duyệt đăng: 30/06/2020
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- phat_trien_du_lich_cong_dong_o_khu_vuc_phia_tay_tinh_ha_gian.pdf