Phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm

Giải pháp về xúc tiến quảng bá - Tổ chức những chương trình Famtrip thực sự hiệu quả. Mời các công ty du lịch có tiềm năng đưa khách về làng cổ, không nên tổ chức tràn lan, không có định hướng gây lãng phí kinh phí mà không đạt được hiệu quả. Để Famtrip hiệu quả, theo chúng tôi, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm nên mời các công ty du lịch chuyên tổ chức cho khách Tây ba lô trên phố cổ (đây là những nhóm khách có nhu cầu khám phá những địa điểm độc lạ và chi phí thấp); những công ty chuyên tổ chức cho khách Pháp (đây là đối tượng khách có những chương trình tham quan rất bài bản, quan tâm tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống); những công ty chuyên tổ chức đón khách Việt kiều và khách miền Nam (đây cũng là những nhóm khách có nhu cầu trải nghiệm sự khác nhau giữa làng Bắc Bộ, làng Trung Bộ và làng Nam Bộ). Tổ chức các chuyến Famtrip chuyên biệt cho Đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Thông qua các nhân viên Đại sứ quán, những tinh hoa văn hóa của làng cổ Đường Lâm có cơ hội được quảng bá ra nước ngoài. - Thuê đạo diễn tài danh, xây dựng những bộ phim thật đặc sắc về làng cổ. Thông qua những thước phim quảng cáo thật sự có hồn, có chất nghệ thuật thì sức lan toả của nó ra cộng đồng sẽ mạnh mẽ hơn. - Thiết kế ngay một fanpage, chạy quảng cáo trên fanpage này trong thời gian khoảng từ 3 - 5 năm liên tục, làm sao để thông tin về làng cổ Đường Lâm đến được khoảng 10 triệu người dùng Facebook thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều nguồn khách lẻ đến với làng cổ.

pdf6 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 733 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
89Số 29 (Tháng 9 - 2019) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM PHẠM THỊ HẢI YẾN, ĐỖ TRẦN PHƯƠNG Tóm tắt Du lịch cộng đồng hiện nay đang được xem là xu hướng của phát triển du lịch bền vững, là một phương thức phát triển du lịch rất hiệu quả, nó không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Trên cả nước có rất nhiều địa phương đã áp dụng thành công mô hình du lịch cộng đồng. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng phát triển du lịch tại làng cổ Đường Lâm - một di sản cấp quốc gia đặc biệt và đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng để du lịch Đường Lâm phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Từ khóa: Du lịch cộng đồng, di sản văn hóa, làng cổ Đường Lâm Abstract Community-based-tourism (CBT) is now considered a trend of sustainable tourism development, a very effective way of developing tourism, which not only brings many economic benefits but also contributes to conservation and promotion of local unique cultural values. Across the country there are many localities that have successfully applied the CBT model. The paper deeply analyzes the tourism development situation in the ancient village of Duong Lam - a special national heritage and proposes some solutions for developing community based tourism, making Duong Lam develop tourism sustainably and commensurate with its inherent potential. Keywords: Community-based tourism, cultural heritage, Duong Lam ancient village 1. Du lịch cộng đồng 1.1. Khái niệm Du lịch cộng đồng (DLCĐ) hiện nay đang được xem là xu hướng của phát triển du lịch bền vững, là một phương thức phát triển du lịch rất hiệu quả, vì vậy có rất nhiều công trình nghiên cứu về du lịch cộng đồng ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ xin đưa ra một khái niệm mà nội hàm của DLCĐ được hiện lên rõ nét nhất. Trong Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam đưa ra khái niệm: Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương: Phong cảnh, văn hoá [4, tr.3]. 1.2. Nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng a. Thừa nhận, hỗ trợ và thúc đẩy sự sở hữu cộng đồng đối với du lịch Điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển hoạt động DLCĐ tại một địa phương chính là tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài Số 29 (Tháng 9 - 2019)90 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA nguyên du lịch nhân văn như phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục, các loại hình sinh hoạt cộng đồng... Do vậy, hoạt động DLCĐ dựa vào việc khai thác các giá trị ấy cần giúp cộng đồng hiểu được vai trò là người chủ từ đó họ có ý thức tham gia, duy trì và phát triển hoạt động du lịch tại địa phương mình. b. Thành viên của cộng đồng được tham gia từ lúc bắt đầu của mọi khía cạnh Sự tham gia của cộng đồng địa phương từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện và đánh giá là rất quan trọng để đảm bảo một cách tốt nhất quyền sở hữu của địa phương và phát huy được tối đa sự tham gia của địa phương. c. Nâng cao chất lượng cuộc sống DLCĐ góp phần giải quyết việc làm giúp thay đổi cơ cấu việc làm địa phương, đào tạo nguồn lao động tại chỗ, cải thiện chất lượng lao động ở các vùng địa phương, và giảm di cư từ nông thôn ra các đô thị. d. Đảm bảo sự bền vững của môi trường DLCĐ đóng góp trực tiếp về mặt kinh tế trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường. e. Bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo của cộng đồng địa phương Các cộng đồng không chỉ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cung cấp các trải nghiệm du lịch thành công, mà còn phải hiểu các tác động tích cực và tiêu cực của du lịch có thể ảnh hưởng đến họ và môi trường văn hóa của họ do thiếu quy hoạch và quản lý. f. Củng cố giao lưu văn hoá DLCĐ mở ra cơ hội tiếp cận, trao đổi, giao lưu với nhiều nền văn hóa mới trên thế giới, qua đó mở mang dân trí. g. Tôn trọng sự khác biệt văn hoá và phẩm giá con người Khách du lịch tham gia hoạt động DLCĐ thường có xu hướng mong muốn khám phá các đặc trưng văn hóa của các địa phương ở nơi hẻo lánh, xa xôi và khác biệt so với văn hóa của chính họ. Do vậy, hoạt động DLCĐ cần giúp du khách hiểu hơn về các giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương nơi họ đến để từ đó hình thành thái độ tôn trọng các giá trị ấy cũng như tập thể tạo ra chúng. h. Phân chia lợi ích công bằng trong các thành viên của cộng đồng DLCĐ là một giải pháp mang lại sự công bằng và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm với cộng đồng địa phương, tạo cơ hội cho sự phát triển bình đẳng. i. Sử dụng phần trăm thu nhập nhất định từ du lịch để đầu tư vào phúc lợi cộng đồng Trong việc chia sẻ lợi ích, doanh thu từ các hoạt động du lịch thường được chia cho tất cả những người tham gia, một phần để riêng đóng góp cho toàn bộ cộng đồng địa phương thông qua quỹ cộng đồng, quỹ này có thể được sử dụng cho các mục đích như tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cầu, đường, điện, nước hoặc các lĩnh vực phúc lợi cộng đồng khác như y tế và giáo dục 2. Di sản văn hóa tiêu biểu và thực trạng khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm 2.1. Di sản văn hóa tiêu biểu Nằm cách Hà Nội khoảng 50km, trong vùng văn hóa xứ Đoài, làng cổ Đường Lâm bao gồm 5 thôn là: Mông Phụ, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Đông Sàng, Cam Lâm, nằm trong địa giới hành chính xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Làng đã được dành tặng nhiều mỹ từ: “Làng cổ thuần Việt”, “Làng cổ đá ong”, “Bảo tàng sống về văn hóa nông thôn”. Với diện tích 164ha, dân số hơn 8.000 người, làng cổ Đường Lâm đang là một địa chỉ thu hút khách du lịch tìm hiểu về văn hóa làng quê Việt Nam, du lịch thôn dã, du lịch trải nghiệm homestay đồng quê. Theo thống kê của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, làng hiện có 98 ngôi nhà cổ, 5 đình, 4 đền, 2 chùa cổ, hàng chục quán, điếm, giếng cổ, văn chỉ, võ chỉ, miếu, nhà bia, nhà 91Số 29 (Tháng 9 - 2019) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA tưởng niệm. Trong đó, những di sản nổi bật đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch: Di tích tôn giáo - tín ngưỡng - Đình làng Mông Phụ: Một ngôi đình thiêng trong tâm thức của người dân xứ Đoài nói riêng và người dân cả nước nói chung. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử Việt Nam (Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh). Sự độc đáo của ngôi đình chính là những mảng chạm khắc rồng, phượng, cỏ cây, hoa lá hết sức tinh xảo. - Đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh: Trong lịch sử bang giao Việt Nam - Trung Hoa, có rất nhiều sứ thần Việt Nam tiêu biểu “Đi sứ 4 phương mà không làm nhục mệnh vua”, giữ vững quốc thể cho đất nước. Giang Văn Minh là một trong số những sứ thần như vậy. Đền thờ ông được xây dựng từ thời vua Tự Đức, hiện còn một tòa bái đường và một gian hậu cung khá thâm nghiêm để du khách đến chiêm bái. - Đền thờ Phùng Hưng: Đến đây du khách có dịp tưởng nhớ đến người anh hùng dân tộc, người đã tự xưng là Đô Quân, phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ bạo tàn của nhà Đường. Hiện đền thờ còn cụm công trình bái đường và hậu cung mang dáng dấp kiến trúc của thế kỷ XIX. - Đền thờ và lăng Ngô Quyền: Một công trình có nhiều nét kiến trúc tương đồng với đền thờ Phùng Hưng, mang dấu ấn kiến trúc của thế kỷ XIX để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc có công đánh bại cuộc tấn công xâm lược của quân Nam Hán. Ông được lịch sử ghi nhận là ông tổ trung hưng của Đại Việt và là người có công chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. - Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự): Một ngôi chùa độc đáo, được xây dựng từ thế kỷ XVII nổi tiếng với phong cách kiến trúc độc tháp, tháp chuông uy nghi, tháp Cửu phẩm liên hoa mang ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và một hệ thống tượng Phật phong phú, có thể coi là nhiều nhất ở Việt Nam (287 pho tượng). Di tích kiến trúc cổ - Cổng làng Mông Phụ: Là điểm nhấn đầu tiên khi du khách đến với làng cổ Đường Lâm. Một cổng làng đơn sơ, nằm dưới tán của cây đa cổ thụ mang lại nhiều cảm xúc cho du khách, gợi lại được nhiều đặc trưng của làng quê Việt Nam với “cây đa, bến nước, sân đình”. - Ngôi nhà cổ của ông Hà Nguyên Huyến: Là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm bởi màu xanh cây cối. Vốn có nghề nấu tương, ông Huyến dành hầu hết diện tích sân làm nơi chế biến. Các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân gạch. - Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng: Được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, chủ yếu bằng gỗ mít và gỗ lim nhưng những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn [1]. - Ngôi nhà cổ của ông Hà Văn Vĩnh: Được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. 5 công trình cổ có giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa lịch sử trong làng cổ Đường Lâm, bao gồm công trình cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Giang Văn Minh, hai căn nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng và ông Hà Văn Vĩnh đã được nhận giải thưởng về Bảo tồn di sản văn hóa năm 2013 của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các giá trị văn hóa khác - Hệ thống đường làng cổ đá ong, cảnh quan xung quanh làng cũng là những đối tượng tham quan hấp dẫn đối với du khách. Dạo quanh làng, du khách như được trở về với một không gian sống yên bình của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa. Số 29 (Tháng 9 - 2019)92 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA - Ở Đường Lâm cũng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tiêu biểu vào dịp tết Trung thu, Tết Nguyên đán, hội Xuân. Đặc biệt là các lễ hội được tổ chức quy mô như lễ hội Bà Chúa Mía tại chùa Mía, lễ tế Phùng Hưng tại đền thờ Phùng Hưng. Các hoạt động lễ hội này làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân làng cổ, bên cạnh đó cũng là một tài nguyên văn hóa quý giá để phát triển du lịch. 2.2. Thực trạng khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch cộng đồng Thực trạng sản phẩm du lịch Hiện nay, Đường Lâm chưa có nhiều sản phẩm du lịch, đến Đường Lâm du khách chỉ mới tham quan một chương trình gần như là duy nhất và cố định với lịch trình như sau: Cổng làng Mông Phụ - Đình Mông Phụ - Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh - Nhà cổ ông Hà Văn Vĩnh - Nhà cổ ông Nguyễn Văn Hùng - Đền thờ Phùng Hưng - Lăng Ngô Quyền - Chùa Mía - Mua đặc sản tại cơ sở bánh kẹo Hiền Bao. Ngoài những di tích cơ bản ở trên, tại Đường Lâm chưa có hoạt động bổ trợ nào để hấp dẫn du khách. Do vậy, hầu như khách chỉ đến và lưu lại nơi đây trong khoảng thời gian không quá một ngày. Thực trạng nguồn khách Số lượng khách du lịch nội địa đến với Đường Lâm hầu như không thay đổi trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2018, trong khi đó lượng khách du lịch quốc tế cũng tăng không đáng kể. Điều đó chứng tỏ sản phẩm, dịch vụ du lịch ở nơi đây chưa thực sự hấp dẫn du khách, các chương trình xúc tiến hỗn hợp chưa thực sự hiệu quả, những giá trị văn hóa, những thông tin về Đường Lâm chưa thực sự đến được với du khách. Thực trạng quản lý Báo cáo tình hình quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm từ khi được phê duyệt cho đến nay của Ủy ban nhân dân Thị xã Sơn Tây đã nhận định về tình trạng yếu kém trong quản lý như sau: - Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế; - Công tác bảo tồn không gian cảnh quan tổng thể còn gặp nhiều khó khăn; - Nghiên cứu, tổng hợp các giá trị văn hóa phi vật thể và đời sống văn hóa khác chưa được triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ, khoa học; Chưa thu hút được các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ; Bảng 1. Số lượng khách nội địa và quốc tế ước tính trong những năm qua (Đơn vị tính: Lượt khách) (Nguồn: Số liệu của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm) 93Số 29 (Tháng 9 - 2019) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Đại đa số người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị di tích [3]. Qua những nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây như trên, chúng ta nhận thấy công tác quản lý tại làng cổ chưa phát huy được vai trò của người dân, người dân không được tham gia sâu vào trong quá trình hoạch định chính sách, phát triển du lịch. Chỉ khi nào người dân được tham gia trực tiếp, được hưởng lợi ích trực tiếp từ hoạt động kinh doanh du lịch thì lúc đó, công tác quản lý mới đạt hiệu quả. Thực trạng dịch vụ Hiện nay, tại làng cổ Đường Lâm chỉ có khoảng 4 - 5 nhà hàng kinh doanh phục vụ du lịch, họ cũng đã nỗ lực trong việc thiết kế, trang trí để những nhà hàng này mang dáng dấp của những ngôi nhà cổ, hòa mình vào không gian tổng thể của làng. Tuy nhiên, thực đơn chưa thực sự đặc sắc, chưa tạo ra được sự khác biệt so với những điểm du lịch khác. Bên cạnh đó, đội ngũ phục vụ bàn còn chưa chuyên nghiệp, không gian nhà hàng còn hẹp nên dẫn đến một số sự bất tiện cho du khách. Đến với Đường Lâm, du khách cũng chưa mua được sản phẩm lưu niệm nào mang dáng dấp, đặc trưng của làng cổ. Món đồ mà du khách có thể mang về được chủ yếu là chè lam, kẹo lạc, tương,... với giá trị kinh tế không cao. Điều này dẫn đến việc người dân khó có thể đảm bảo cuộc sống nhờ vào hoạt động kinh doanh du lịch. 3. Một số biện pháp phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm 3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách Đây là một trong những giải pháp mang tính quyết định nhất trong những nhóm giải pháp mà bài viết đưa ra bởi nó mang tính pháp lý để DLCĐ dựa vào đó mà hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, giải pháp về chính sách là một trong những giải pháp rất khó để đưa ra, có được những giải pháp đúng đắn về cơ chế chính sách thì cần phải có sự họp bàn kỹ lưỡng của các bên hữu quan trong hoạt động DLCĐ để đảm bảo giải pháp mang tính toàn diện và thiết thực. Trong bài viết này, tác giả chỉ gợi ý một số định hướng trong giải pháp. Các cơ quan quản lý và các nhà khoa học cũng như các bên hữu quan trong DLCĐ cần sớm ngồi lại với nhau, bàn thảo, tìm ra một cơ chế chính sách thoả đáng trong phát triển DLCĐ để đáp ứng được quyền lợi tối đa của các bên tham gia: Cơ chế hưởng ưu đãi đối với doanh nghiệp khi sử dụng nguồn lực lao động chính là người dân địa phương; cơ chế phân chia lại nguồn thu từ vé tham quan cho người dân, cho bảo tồn, cho duy trì cơ sở vật chất kỹ thuật và nộp ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia nguồn thu từ thuế thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; mức độ được tham gia vào quá trình quản lý du lịch của người dân địa phương; chính sách cụ thể về bảo vệ di sản văn hoá và tài nguyên du lịch; chính sách ưu đãi cho người dân phát triển mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng; chính sách đào tạo nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ; chính sách hỗ trợ cho hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch mới; chính sách, cơ chế trong xúc tiến quảng bá du lịch 3.2. Giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Để tour du lịch tại làng cổ thêm hấp dẫn, các nhà thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch cần phải thêm vào chương trình những hoạt động có giá trị mới như sau: Trải nghiệm đời sống làng quê; tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian; tham gia trải nghiệm sinh hoạt nông dân, nông thôn; phát triển loại hình homestay để du khách có thể lưu trú tại làng cổ; tham quan làng cổ bằng nhiều loại phương tiện vận chuyển khác nhau: Xe đạp, xe trâu, xe bò; trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống: Làm tương, chè lam, kẹo lạc 3.3. Giải pháp về bảo tồn Đối với việc bảo tồn văn hóa của làng cổ, cần chú trọng đặc biệt những vấn đề sau: Số 29 (Tháng 9 - 2019)94 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Nghiêm cấm các hoạt động xây dựng phá vỡ cảnh quan của làng cổ; bảo tồn nguyên trạng những giá trị văn hóa đặc biệt; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo những giá trị văn hóa đang bị xuống cấp; nghiên cứu, đánh giá tổng thể giá trị văn hóa có thể xây dựng thành những sản phẩm du lịch của làng cổ; tuyên truyền sâu rộng nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ di sản gắn với hoạt động du lịch. 3.4. Giải pháp về xúc tiến quảng bá - Tổ chức những chương trình Famtrip thực sự hiệu quả. Mời các công ty du lịch có tiềm năng đưa khách về làng cổ, không nên tổ chức tràn lan, không có định hướng gây lãng phí kinh phí mà không đạt được hiệu quả. Để Famtrip hiệu quả, theo chúng tôi, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm nên mời các công ty du lịch chuyên tổ chức cho khách Tây ba lô trên phố cổ (đây là những nhóm khách có nhu cầu khám phá những địa điểm độc lạ và chi phí thấp); những công ty chuyên tổ chức cho khách Pháp (đây là đối tượng khách có những chương trình tham quan rất bài bản, quan tâm tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống); những công ty chuyên tổ chức đón khách Việt kiều và khách miền Nam (đây cũng là những nhóm khách có nhu cầu trải nghiệm sự khác nhau giữa làng Bắc Bộ, làng Trung Bộ và làng Nam Bộ). Tổ chức các chuyến Famtrip chuyên biệt cho Đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Thông qua các nhân viên Đại sứ quán, những tinh hoa văn hóa của làng cổ Đường Lâm có cơ hội được quảng bá ra nước ngoài. - Thuê đạo diễn tài danh, xây dựng những bộ phim thật đặc sắc về làng cổ. Thông qua những thước phim quảng cáo thật sự có hồn, có chất nghệ thuật thì sức lan toả của nó ra cộng đồng sẽ mạnh mẽ hơn. - Thiết kế ngay một fanpage, chạy quảng cáo trên fanpage này trong thời gian khoảng từ 3 - 5 năm liên tục, làm sao để thông tin về làng cổ Đường Lâm đến được khoảng 10 triệu người dùng Facebook thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều nguồn khách lẻ đến với làng cổ. Kết luận Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển du lịch tại làng cổ Đường Lâm và định hướng phát triển du lịch cộng đồng của làng cổ, chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai, làng cổ Đường Lâm sẽ đón được một lượng khách du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Để làm được điều này, cần sự chung tay, chung sức của nhiều ban ngành, công ty du lịch, đặc biệt là sự tâm huyết, sáng tạo của cộng đồng trong khai thác du lịch nơi đây và sự trao quyền của cơ quan chức năng cho cộng đồng làm du lịch một cách chủ động, bền vững. P.T.H.Y (Th.S, Khoa Du lịch, Trường ĐHVHHN) Đ.T.P (Th.S, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐHVHHN) Tài liệu tham khảo 1. “Những ngôi nhà 300 năm vẫn đẹp ở làng cổ Đường Lâm”, https://vtv.vn/thu-vien-anh/ nhung-ngoi-nha-300-nam-van-dep-o-lang-co- duong-lam-20140823135203301.htm. 2. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2013), Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam, Hà Nội. 3. Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (2018), Báo cáo tình hình quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm từ khi được phê duyệt cho đến nay ngày 31/5/2018. 4. Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn (2012), Tài liệu hướng dẫn phát triển Du lịch cộng đồng, Hà Nội. Ngày nhận bài: 8 - 6 - 2019 Ngày phản biện, đánh giá: 8 - 9 - 2019 Ngày chấp nhận đăng: 25 - 9 - 2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfphat_trien_du_lich_cong_dong_tai_lang_co_duong_lam.pdf
Tài liệu liên quan