3 - Xác định rõ nội dung chủ yếu để khai thác tài nguyên du lịch trên địa bàn nông thôn là phát triển du
lịch sinh thái, du lịch văn hóa với phương thức đa dạng hóa chủ thể tham gia. Tài nguyên du lịch nông
thôn sẽ được khai thác để tổ chức các loại hình du lịch mới, gắn kết các chương trình du lịch hiện có với
các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao chất lượng các chương trình. Đặc biệt coi trọng mối quan hệ liên
kết, đối tác trong cung ứng các dịch vụ phục vụ tối đa nhu cầu của du khách.
4 - Hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương và tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện
các quy hoạch đã được phê chuẩn, tránh tình trạng làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông thôn kém
tính bền vững. Xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với các địa phương khác nhau như
mô hình trang trại hoặc mô hình du lịch theo quy mô làng để du khách có thể tham gia các hoạt động của
làng trong vài ba ngày với các tiện nghi dịch vụ có chất lượng và nhất là các công trình vệ sinh ở nông
thôn;
5 - Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật và sản phẩm du lịch làm cho các làng
quê Việt Nam trở nên dễ tiếp xúc hơn và tạo thuận lợi trong liên kết giữa các làng, các khu vực trong thu
hút khách du lịch.
6 - Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý dịch vụ du lịch, mở các lớp cho cán bộ chính quyền các địa
phương nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; xây dựng các quy ước của các làng trong khai thác du
lịch, tránh tình trạng làm ăn chụp giật như hiện nay. Tuyên truyền, phổ biến cho dân cư địa phương về
phát triển du lịch nông thôn, đưa chương trình này vào dạy trong các trường phổ thông ở các địa
phương.
7 - Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch, đưa chương trình đào tạo phát triển
du lịch nông thôn vào các cơ sở đào tạo. Các doanh nghiệp lữ hành khi xây dựng các chương trình du
lịch nông thôn cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của các địa phương có tài nguyên du lịch và có mối liên hệ
chặt chẽ khác trong hệ thống du lịch là chính quyền, cư dân các địa phương và khách du lịch.
8 - Tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn
được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp
phát triển du lịch với phát triển nông thôn, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại./
5 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 650 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển du lịch nông thôn ở nước ta hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phát triển du lịch nông thôn ở nước ta hiện nay
11:28' 14/9/2009
TCCS - Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đang trở thành vấn đề
được quan tâm hàng đầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là chủ đề được rất nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm và cho rằng với nông dân, cần phải có cách nhìn mới phù hợp hơn và
họ cần được đối xử như là những doanh nghiệp nông thôn. Trong quá trình phát triển hiện nay,
khi tư liệu sản xuất quan trọng trong nông nghiệp là đất đai đang bị thu hẹp, nhường chỗ cho các
dự án công nghiệp, dịch vụ thì việc phát triển du lịch nông thôn tại những địa phương có nhiều
tiềm năng du lịch cần được quan tâm hơn để góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập từ
dịch vụ cho nông dân.
1 - Về sự ra đời và phát triển của du lịch nông thôn trên thế giới
Khái niệm du lịch nông thôn đã manh nha cùng với sự hình thành của ngành đường sắt ở châu Âu. Tuy
nhiên, cho mãi đến những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ XX, du lịch nông thôn mới được xem là một
loại hình du lịch và phổ biến ở hầu hết các quốc gia ở châu Âu như Pháp, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Hà Lan,
Đan Mạch, Thụy Điển... Lúc bấy giờ, khái niệm du lịch nông thôn được quan niệm tương đồng với các
loại hình du lịch ở nông trại, du lịch di sản, du lịch xanh, du lịch nhà nghỉ ở nông thôn... Sự khác biệt về
du lịch nông thôn ở các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển là ở chỗ: tại các quốc gia đang
phát triển, người ta xem du lịch nông thôn là đa dạng hóa thu nhập từ nông nghiệp, góp phần chống đói
nghèo, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và
bảo vệ môi trường. Vì vậy, du lịch nông thôn ở các nước này phát triển theo chiều rộng. Còn ở các quốc
gia phát triển thì loại hình du lịch này lại phát triển theo chiều sâu mà nguyên nhân chính là do các khu
vực nông thôn ngày càng bị thu hẹp lại.
Ở Pháp, Bộ Du lịch đã phát triển đa dạng hóa các loại hình
du lịch (như du lịch bãi biển và du lịch nông thôn) để thu hút
du khách nước ngoài. Trong thời gian tới, tại Pháp có
khoảng 300 điểm ở các vùng nông thôn sẽ được lựa chọn
để thực hiện các dự án lắp đặt các thiết bị, phát triển các
phương tiện giao thông công cộng nhằm thu hút khách du
lịch quốc tế.
Ở Trung Quốc, từ năm 1990, chính phủ đã tuyên bố một chương trình du lịch nông thôn nhằm mục đích
chống đói nghèo tại một số tỉnh như Vân Nam, Quảng Đông... Các điểm du lịch tại những khu vực nông
thôn rộng lớn của Trung Quốc hằng năm tiếp đón 300 triệu khách du lịch, đạt doanh thu 40 tỉ NDT (5,13 tỉ
USD). Theo các số liệu chính thức của Tổng cục Du lịch Trung Quốc, 30 điểm du lịch nông thôn quanh
Thượng Hải đã đón 3,91 triệu khách du lịch trong năm 2006, tăng 86% so với năm 2005; hằng năm có
khoảng 60 triệu du khách từ khu vực thành thị chọn đến các vùng nông thôn trong "3 tuần nghỉ vàng" vào
tháng 5, tháng 10 và thời gian diễn ra Lễ hội Mùa xuân.
Ở Nhật Bản, từ năm 1995, Bộ Nông Lâm Thủy sản đã thiết lập chương trình nhà nghỉ nông thôn khắp
trên đất nước. Các nhà nghỉ nông thôn này chủ yếu do các nông hộ cá thể hay dựa vào trang trại. Du
khách được phục vụ các dịch vụ ăn nghỉ tại các nhà nghỉ nông thôn hoặc tham gia các hoạt động hằng
ngày ở đây như trồng trọt, gặt hái, câu cá...
Ở Hàn Quốc, du lịch nông thôn bắt đầu vào năm 1984 từ một dự án của chính phủ nhằm tăng thu nhập
cho nông dân. Nhiều làng quê Hàn Quốc trước đây vốn nghèo nàn, nhờ chương trình này mà bộ mặt đã
thay đổi hẳn, thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể.
Du lịch nông thôn có trước du lịch sinh
thái, nhưng du lịch nông thôn ít được biết
đến, vì đó chỉ là nguồn thu nhập thêm
của các trang trại, còn du lịch sinh thái
phát triển mạnh đến mức trở thành một
hiện tượng của ngành du lịch.
Ở Thái Lan, từ lâu chính phủ đã có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nông thôn theo mô
hình các trang trại hoặc các khu làng khép kín, có đầy đủ các dịch vụ phục vụ du khách. Từ năm 1997,
du lịch nông thôn đã phát triển khá nhanh, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế.
Ngoài ra, du lịch nông thôn còn có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa,
Lat-vi-a, Tây Ban Nha, In-đô-nê-xi-a, Nê-pan, Ấn Độ... Đáng chú ý là Anh, Pháp, Đức và Áo là những
quốc gia thống trị thị trường du lịch nông thôn toàn cầu với hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh loại hình
du lịch này ở mỗi nước.
Do những điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên khác nhau, nên hình thức du lịch nông thôn cũng khác nhau
theo từng vùng, quốc gia, lãnh thổ. Chẳng hạn, ở Ô-xtrây-li-a, du lịch nông thôn chủ yếu dựa vào các
trang trại lớn; ở Nhật Bản, hình thức du lịch chủ yếu là các nhà nghỉ thân thiện ở nông thôn; ở Hàn Quốc,
du lịch nông thôn được tổ chức theo các trang trại nhỏ; ở Đài Loan, du lịch nông thôn được tổ chức theo
nhóm sở thích của cộng đồng; Trung Quốc và ấn Độ là những quốc gia có nhiều làng nên du lịch nông
thôn được tổ chức theo quy mô làng. Phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần bảo tồn di sản và bảo vệ
môi trường; giảm nghèo thông qua phát triển kinh kế nông thôn, phát triển ngành, nghề; giúp phát triển
du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác; giáo dục, huấn luyện và tăng cường kỹ năng cho cộng
đồng; tạo việc làm cho phụ nữ và sử dụng sản phẩm địa phương, giúp phát triển nông nghiệp sinh thái.
Du lịch nông thôn có các đặc điểm căn bản sau: (1) Nền tảng của du lịch nông thôn là nông nghiệp; (2)
Mô hình du lịch nông thôn có thể thay đổi theo thời gian và không gian cho phù hợp với tình hình; (3) Du
lịch nông thôn không cạnh tranh với các loại hình du lịch khác, sự phát triển của các ngành khác là tiền
đề cho du lịch phát triển. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành thì rất lớn; (4) Dễ phát sinh những hình
thái biến tấu của du lịch nông thôn; (5) Có tính liên ngành và liên vùng cao.
Từ những đặc điểm trên, phát triển du lịch nông thôn phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Bảo đảm tính
công bằng cho các chủ thể tham gia; đem lại lợi ích cho người dân địa phương và phát huy nội lực ở
từng địa phương; bảo tồn, phát huy vốn di sản và bảo vệ môi trường; luôn đổi mới và tạo sự khác biệt;
tăng cường mối liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để làm phong phú thêm sản phẩm; giữ gìn bản
sắc, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách.
Tuy xuất hiện trước du lịch sinh thái, nhưng du lịch nông
thôn ít được biết đến, bởi sức ảnh hưởng của du lịch nông
thôn bấy giờ chỉ ở mức độ các hoạt động trong trang trại và
được coi như là một nguồn thu nhập thêm của các trang trại.
Trong khi đó, du lịch sinh thái ra đời trong bối cảnh hình thành những loại hình du lịch có trách nhiệm với
môi trường. Du lịch sinh thái đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên và của nhiều
quốc gia thế giới. Du lịch sinh thái phát triển mạnh đến mức trở thành một hiện tượng của ngành du lịch.
Không dừng lại ở đó, tiếp nối các loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường là các loại hình du lịch
có trách nhiệm với cộng đồng ra đời, từ đó chúng ta có các khái niệm du lịch chống đói nghèo, du lịch
bản địa, du lịch cộng đồng... và khái niệm du lịch bền vững ra đời.
2 - Nông thôn Việt Nam và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn
Khu vực nông thôn có khoảng 75% dân cư đang sinh sống, có diện tích đất chiếm trên 92% diện tích
lãnh thổ Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp hơn dân cư thành phố
khoảng 2,5 lần và khoảng cách thu nhập ngày càng có xu hướng gia tăng. Tình trạng thiếu việc làm, thất
nghiệp ở nông thôn cũng cao hơn thành thị khoảng 7 triệu người. Mỗi năm, khu vực này có hơn 1 triệu
người được bổ sung thêm vào lực lượng lao động, hàng chục nghìn người dân di cư tự phát ra thành
phố và đến những địa phương có nhiều đất rừng để khai hoang, mong tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc di
cư này làm yếu cơ cấu xã hội ở vùng nông thôn, gia tăng nạn phá rừng, và tăng thêm áp lực ở thành phố
về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Sự yếu kém của khu vực nông thôn còn thể hiện ở cả kết cấu hạ
tầng như hệ thống đường sá, cung cấp nước tưới, tiêu, cung cấp điện và thông tin...
Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có 21
điểm du lịch miệt vườn, thu hút rất đông
khách trong nước và nước ngoài.
Về nông nghiệp: Nông nghiệp là hoạt động chính của kinh tế nông thôn, chiếm 68% tổng giá trị sản
phẩm (GDP) ở nông thôn. Luật Đất đai năm 1993 đã tạo lập cơ sở pháp lý để hộ nông dân là đơn vị sản
xuất nông nghiệp tự chủ, và nhờ đó, đã tạo ra động lực nâng cao sản xuất, bảo đảm an toàn lương thực
cho hầu hết người dân. Nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất gạo, hiện nay đang đóng góp nhiều cho xuất
khẩu. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của nông dân vẫn còn rất thấp. Hầu hết nông dân không có đủ việc
làm, vì có ít đất đai (trung bình có 0,5 ha/hộ), ruộng đất lại bị chia thành rất nhiều mảnh nhỏ. Cơ khí hóa
nông nghiệp phát triển rất chậm. Tương tự, có nhiều việc phải làm để cải thiện giống cây trồng, vật nuôi
và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại. Do vậy, nếu so sánh với nông nghiệp của các nước Đông - Nam Á
khác như Thái Lan và Phi-lip-pin thì nông nghiệp Việt Nam không hiệu quả và không có tính cạnh tranh.
Sự tiếp cận của Việt Nam với thương mại thế giới ngày càng sâu rộng làm cho việc khắc phục những
thiếu sót này là đòi hỏi rất cấp thiết.
Về công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn: Khu vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn còn yếu, nhưng có
nhiều tiềm năng để phát triển. Do công nghiệp chưa phát triển nên chất lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam
thấp do hư hại trong quá trình chế biến; chi phí sản xuất đường mía cao hơn các nước khác; lãng phí
trong bảo quản, chế biến rau quả. Hơn nữa, quá nhiều nhà máy chế biến lại đặt ở thành phố, điều này có
nghĩa là chi phí nhiều cho việc vận chuyển nông sản nguyên liệu từ nông thôn và khu vực nông thôn
không có thêm việc làm do các nhà máy chế biến sản phẩm không ở gần nơi có nguồn nguyên liệu.
Một tiềm lực đáng kể ở nhiều vùng nông thôn là truyền thống làm hàng thủ công, như sản xuất đồ gốm
sứ, hàng dệt, đồng, da, sơn mài, mây tre và nón... Các mặt hàng này tuy có tiềm năng phát triển, nhưng
chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Các ngành dịch vụ tương đối yếu ở nông thôn do khó khăn
trong vận chuyển và nhu cầu của địa phương thấp. Du lịch đã được thiết lập như là một nguồn thu nhập
và là công việc đáng kể ở vài vùng nông thôn cụ thể. Du lịch có tiềm năng mang lại lợi ích trên phạm vi
rộng hơn, nếu được phát triển một cách bền vững.
Ở nước ta cho đến nay, khái niệm du lịch nông thôn vẫn chưa được nhắc tới trong các văn bản pháp lý,
mặc dù nước ta có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông thôn. Với phong cảnh thiên nhiên đẹp, địa
hình đa dạng gồm núi đồi, sông suối, biển đảo, hang động, hệ động, thực vật phong phú, vùng nông thôn
với những làng quê cổ kính vùng Bắc Bộ, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, những vùng đất có
lịch sử hình thành lâu đời, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử và truyền thống văn hóa tập tục của người
xưa, những cánh đồng bát ngát, phì nhiêu ở Nam Bộ... là những điều kiện cần và đủ để nước ta phát
triển du lịch nông thôn. Người Việt Nam nhân hậu, thủy chung, yêu chuộng hòa bình và giàu lòng mến
khách cùng với đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh, nhạy bén và giàu lòng quả cảm, đã làm nên những
nét văn hóa truyền thống đặc sắc Việt Nam từ chính tâm hồn mộc mạc ấy của mình. Làng quê với những
hoạt động của nghề nông, những nghề thủ công kiếm sống hằng ngày của người dân cư ngụ, là cả một
tài nguyên lớn của du lịch nông thôn mà du khách quốc tế rất quan tâm.
Để góp phần xóa đói, giảm nghèo, từ năm 2001, Tổ chức Phát triển quốc tế của Hà Lan (SNV) phối hợp
với sở du lịch của một số tỉnh thực hiện Chương trình Du lịch bền vững vì người nghèo và Sa pa (Lào
Cai) là điểm được lựa chọn làm thí điểm. Tại Thừa Thiên - Huế, SNV phối hợp với Sở Du lịch của tỉnh đề
ra nhiều chương trình thiết thực và cụ thể với những nội dung chính: nâng cao nhận thức về du lịch bền
vững; xóa đói, giảm nghèo; quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương; xây dựng mô hình du lịch cộng
đồng và quan hệ hợp tác giữa các bên liên đới trong du lịch. Với chương trình này, SNV hỗ trợ tư vấn kỹ
thuật cho các đối tác cấp tỉnh, huyện và cộng đồng để xây dựng mô hình du lịch bền vững, góp phần bảo
tồn môi trường, văn hóa và phát triển sinh kế cho người nghèo. Mô hình thí điểm tại vùng đồng bào dân
tộc thiểu số vốn khá nghèo nàn ở miền núi của tỉnh đã thu hút trên 30 đoàn khách quốc tế đến mua các
sản phẩm du lịch của địa phương. Từ năm 1986 tại Long Hồ (Vĩnh Long) đã xây dựng được mô hình du
lịch sinh thái ở nông thôn khá hiệu quả, mô hình đầu tiên từ ngôi nhà ba gian truyền thống của Nam Bộ
gắn liền với sông nước, kênh rạch, miệt vườn. Hiện nay mô hình này đã được nhân rộng lên 21 điểm du
lịch miệt vườn, thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn còn
thiếu sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhưng du lịch nông
thôn chưa phát triển bởi các lý do sau:
Một là, chưa có quy hoạch cụ thể cho từng địa phương để phát triển du lịch nông thôn, cụ thể là chưa có
một khung lý thuyết chung cho các khái niệm về loại hình du lịch này.
Hai là, du lịch phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Sự phát triển của du lịch
đã tác động đến đời sống con người, thiên nhiên và môi trường ở nông thôn về cả hai hướng tích cực
lẫn tiêu cực, mà phần nhiều là tiêu cực.
Ba là, do phát triển du lịch chưa gắn kết với địa phương nên các tài nguyên thiên nhiên được ngành du
lịch khai thác chưa hiệu quả và bền vững. Trong khi đó, người nông dân ở nông thôn vẫn đứng bên lề
các quá trình vận động của ngành du lịch, những hoạt động du lịch chỉ mới mang lợi cho Nhà nước và
khu vực tư nhân.
Bốn là, chưa có sự chuẩn bị tốt về nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương
có tài nguyên du lịch nông thôn để họ sẵn sàng tham gia hoạt động này, từ đó giảm bớt được những tệ
nạn thường gặp như chèo kéo khách, cung ứng sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng, dần làm mất đi
bản sắc văn hóa của địa phương.
Năm là, nông dân là những người đưa di sản sinh thái và văn hóa của mình tham gia hoạt động du lịch
nông thôn, nhưng trong thực tế lại thu được rất ít lợi từ hoạt động này.
3 - Một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đã được Đảng và Nhà nước ta xác định: tốc độ tăng
trưởng kinh tế ở nông thôn đạt 10% - 11% trong giai đoạn 2006 - 2010; phấn đấu để tốc độ tăng trưởng
nhanh chóng hơn ở khu vực công nghiệp và dịch vụ so với nông nghiệp để tạo việc làm, tạo 800.000 việc
làm mới mỗi năm trong khu vực kinh tế nông thôn; nâng cao mức thu nhập bình quân hằng năm ở nông
thôn lên 550 USD/người vào năm 2010, duy trì tỷ lệ giữa thu nhập bình quân ở nông thôn và thu nhập
bình quân quốc gia; cải thiện nhanh chóng kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông thôn; và bằng cách này, duy
trì mức dân số nông thôn, đồng thời chấp nhận giảm tỷ lệ trong cơ cấu dân số quốc gia.
Phát triển dịch vụ nói chung và du lịch nông thôn nói riêng ở nước ta có vai trò quan trọng để tăng trưởng
kinh tế, tạo nhiều việc làm mới ở nông thôn. Dự kiến những ngành này sẽ tăng trưởng GDP 14% mỗi
năm vào năm 2010 (so với 4% của nông nghiệp); và tỷ lệ những ngành này trong tổng việc làm ở nông
thôn sẽ tăng gấp đôi, từ 14% năm 2000 đến 28% năm 2010; và sẽ tạo 400.000 việc làm trực tiếp mới mỗi
năm và hàng trăm ngàn việc làm gián tiếp do hiệu ứng của ngành du lịch ở nông thôn.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, nhanh chóng phát triển du lịch nông thôn gắn với xóa đói, giảm nghèo
và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, cần thực
hiện tốt các giải pháp sau:
1 - Khi giải quyết việc thu hồi đất của nông dân để sử dụng cho các mục đích khác như đưa vào kinh
doanh, xây dựng khu đô thị mới, sân golf, nông dân phải được thương thảo theo thị trường, họ phải
được thỏa thuận đền bù với các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ khác đến kinh doanh trên đất nông
nghiệp mà họ đang sản xuất. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu để đưa nông dân tham gia tạo thêm giá trị
mới bằng chính tài nguyên “nông thôn” của họ để phát triển các dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch để
trực tiếp phục vụ cho các khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí...
2 - Cần có các nghiên cứu cơ bản về từng vùng nông thôn trong kế hoạch phát triển của các tỉnh, thành
phố trong cả nước. Xác định sức thu hút của tài nguyên du lịch trên địa bàn nông thôn trên cơ sở điều tra
và đánh giá toàn diện tài nguyên thông qua 9 tiêu chí chính sau: (1) mức độ hấp dẫn của tài nguyên du
lịch nông thôn của từng địa phương; (2) thời gian khai thác các tài nguyên; (3) các yếu tố môi trường; (4)
sức chứa của từng vùng; (5) độ bền vững trong khai thác tiềm năng du lịch nông thôn; (6) khả năng tiếp
cận; (7) điều kiện hạ tầng; (8) khả năng phát triển; (9) hiệu quả kinh tế và xã hội. Các tiêu chí trên giúp
cho việc lượng hóa tài nguyên theo thang bậc tạo cơ sở để tổ chức khai thác và quản lý, phát triển tài
nguyên trong du lịch của từng địa phương.
3 - Xác định rõ nội dung chủ yếu để khai thác tài nguyên du lịch trên địa bàn nông thôn là phát triển du
lịch sinh thái, du lịch văn hóa với phương thức đa dạng hóa chủ thể tham gia. Tài nguyên du lịch nông
thôn sẽ được khai thác để tổ chức các loại hình du lịch mới, gắn kết các chương trình du lịch hiện có với
các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao chất lượng các chương trình. Đặc biệt coi trọng mối quan hệ liên
kết, đối tác trong cung ứng các dịch vụ phục vụ tối đa nhu cầu của du khách.
4 - Hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương và tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện
các quy hoạch đã được phê chuẩn, tránh tình trạng làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông thôn kém
tính bền vững. Xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với các địa phương khác nhau như
mô hình trang trại hoặc mô hình du lịch theo quy mô làng để du khách có thể tham gia các hoạt động của
làng trong vài ba ngày với các tiện nghi dịch vụ có chất lượng và nhất là các công trình vệ sinh ở nông
thôn;
5 - Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật và sản phẩm du lịch làm cho các làng
quê Việt Nam trở nên dễ tiếp xúc hơn và tạo thuận lợi trong liên kết giữa các làng, các khu vực trong thu
hút khách du lịch.
6 - Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý dịch vụ du lịch, mở các lớp cho cán bộ chính quyền các địa
phương nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; xây dựng các quy ước của các làng trong khai thác du
lịch, tránh tình trạng làm ăn chụp giật như hiện nay. Tuyên truyền, phổ biến cho dân cư địa phương về
phát triển du lịch nông thôn, đưa chương trình này vào dạy trong các trường phổ thông ở các địa
phương.
7 - Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch, đưa chương trình đào tạo phát triển
du lịch nông thôn vào các cơ sở đào tạo. Các doanh nghiệp lữ hành khi xây dựng các chương trình du
lịch nông thôn cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của các địa phương có tài nguyên du lịch và có mối liên hệ
chặt chẽ khác trong hệ thống du lịch là chính quyền, cư dân các địa phương và khách du lịch.
8 - Tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn
được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp
phát triển du lịch với phát triển nông thôn, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại./.
Bùi Xuân Nhàn
In bài này Gửi bài này
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dulich_24_0375.pdf