Tây Ninh là một tỉnh nằm ở cửa
ngõ phía Tây của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam, lại là tỉnh có lợi thế để phát
triển du lịch. Đặc biệt là thế mạnh về phát
triển du lịch về nguồn. Với số lượng khá
lớn các di tích lịch sử, cách mạng gắn với
lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn
năm, những công trình văn hóa độc đáo,
danh thắng nổi tiếng, nên khi đến đây, du
khách sẽ được tham dự các lễ hội văn hóa
tâm linh mang màu sắc riêng, thực hiện
các hành trình về nguồn với các hoạt
động thăm lại các căn cứ chiến trường
xưa, chiến khu cách mạng vang danh một
thời, đặc biệt với khu Căn cứ Trung ương
Cục miền Nam được ví như là Việt Bắc
đối với Hà Nội [7] sẽ là một “địa chỉ đỏ”
của hoạt động du lịch về nguồn. Những
thế mạnh đã được khẳng định, cùng sự
đánh giá đầy đủ về hiện trạng và hệ thống
những giải pháp hợp lí như đã trình bày ở
trên sẽ giúp cho hoạt động du lịch về
nguồn có vị thế độc tôn trong phát triển
du lịch tỉnh. Trong tương lai không xa,
du lịch về nguồn sẽ trở thành một trong
những loại hình du lịch chủ đạo không
chỉ ở Tây Ninh mà còn đối với vùng
Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Nam và cả
nước
10 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 828 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển du lịch về nguồn – thế mạnh của du lịch tỉnh Tây Ninh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
128
PHÁT TRIỂN DU LỊCH VỀ NGUỒN –
THẾ MẠNH CỦA DU LỊCH TỈNH TÂY NINH
NGUYỄN TRỌNG HIẾU*
TÓM TẮT
Tây Ninh có vị trí địa lí thuận lợi, nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di
tích văn hóa, lịch sử và căn cứ địa cách mạng thuận lợi phát triển loại hình du lịch về
nguồn. Phát triển du lịch về nguồn là một trong những thế mạnh nổi trội của du lịch tỉnh
Tây Ninh; tuy nhiên hiện nay, thế mạnh này chưa được khai thác đúng mức. Việc nghiên
cứu tiềm năng cũng như thực trạng phát triển du lịch về nguồn là cơ sở khoa học cho việc
đề xuất các giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch tỉnh Tây Ninh.
Từ khóa: tỉnh Tây Ninh, du lịch về nguồn.
ABSTRACT
Developing history tourism – the advantage of tourism in Tay Ninh Province
Tay Ninh has a favorable geographical location, and rich tourism resources with
many cultural relics, historical and revolutionary bases which are suitable for the
development of history tourism. Developing history tourism is the advantage of tourism in
Tay Ninh Province. However, this advantage has not been properly exploited. Researching
about potentials as well as the reality of history tourism development is the scientific
foundation for suggestions to stably develop tourism in Tay Ninh province.
Keywords: Tay Ninh Province, history tourism.
1. Đặt vấn đề
Tây Ninh là một trong số ít địa
phương ở Việt Nam có nhiều di tích lịch
sử, di sản văn hóa tôn giáo đặc trưng, có
giá trị cho khai thác phát triển du lịch.
Tây Ninh không chỉ “sôi động” trong lịch
sử cổ đại và cận đại, mà còn sáng chói
các trang vàng với truyền thống dựng
nước và giữ nước thời hiện đại. Trong hai
cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, Tây
Ninh được chọn làm căn cứ đầu não của
cách mạng miền Nam, được mệnh danh
là “Thủ đô kháng chiến miền Nam”. Hiện
nay toàn tỉnh có 22 di tích được Nhà
nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp
* NCS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM
quốc gia, có căn cứ Trung ương Cục
miền Nam được công nhận là di tích lịch
sử loại đặc biệt và có rất nhiều di tích văn
hóa cấp địa phương đã và đang được xếp
hạng [3]. Trong nhiều năm qua, ngành du
lịch đã khai thác những thế mạnh này để
phát triển du lịch và đã trở thành một “địa
chỉ đỏ” trong hành trình du lịch về nguồn
của du khách trong và ngoài nước. Tuy
nhiên, hiện nay, thế mạnh này chưa được
khai thác đúng mức, du lịch về nguồn
chưa thực sự khẳng định vị thế nổi trội
của mình. Việc nghiên cứu tiềm năng,
thực trạng và giải pháp để phát triển du
lịch về nguồn phù hợp là cơ sở khoa học
cho việc phát triển bền vững ngành du
lịch tỉnh Tây Ninh.
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Hiếu
_____________________________________________________________________________________________________________
129
2. Khái quát về tỉnh Tây Ninh
Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông
Nam Bộ, nằm trong tọa độ địa lí 10o57’
đến 11o47’ vĩ độ Bắc và 105o49’ đến
106o23’ kinh độ Đông. Ở phía Đông, Tây
Ninh giáp hai tỉnh Bình Phước và Bình
Dương với ranh giới tự nhiên là sông Sài
Gòn và hồ Dầu Tiếng với tổng chiều dài
hơn 66km. Phía Đông Nam giáp Thành
phố Hồ Chí Minh (TPHCM) với đường
ranh giới dài hơn 20km, tiếp giáp về phía
Nam là tỉnh Long An với chiều dài hơn
30km. Về phía Bắc và Tây, Tây Ninh tiếp
giáp hai tỉnh Svay Riêng và Kông Pông
Chàm của Cam-pu-chia có đường biên
giới dài 240km với hai cửa khẩu quốc tế
là Mộc Bài và Xa Mát cùng hàng chục
cửa khẩu tiểu ngạch.
Nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc,
cách thủ đô Hà Nội 1818km, cách
TPHCM - trung tâm kinh tế của khu vực
phía Nam - 99km, Tây Ninh có vị trí
chiến lược quan trọng trong mối quan hệ
giao thương quốc tế giữa nước ta với
Cam-pu-chia, và xa hơn là với các nước
trong khu vực Đông Nam Á. Tây Ninh
lại nằm ở vị trí trung chuyển giữa hai
trung tâm kinh tế lớn vào bậc nhất của
bán đảo Đông Dương là TPHCM và thủ
đô Phnom Penh (Cam-pu-chia), đồng
thời nằm trên tuyến đường xuyên Á có
cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Điều
đó tạo điều kiện cho Tây Ninh trở thành
đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa cũng
như thu hút khách du lịch của nước ta với
Cam-pu-chia.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, một trung tâm kinh tế
năng động và phát triển mạnh nhất của
Việt Nam, so với các tỉnh trong vùng
trọng điểm, Tây Ninh có những lợi thế so
sánh nhất định để phát triển du lịch, dịch
vụ. Với khoảng cách không xa (khoảng
99km) TPHCM, một trung tâm chính trị,
văn hóa, khoa học kĩ thuật, đầu mối giao
thông của khu vực Nam Bộ và cả nước
(đây là là thị trường có nhu cầu về nghỉ
ngơi giải trí, du lịch rất lớn) đã tạo điều
kiện cho Tây Ninh có thể sử dụng các
công trình kĩ thuật hạ tầng như cảng biển,
sân bay... hiện có của TPHCM. Mặt khác,
Tây Ninh có lợi thế rất lớn trong việc
thông thương và kết nối tour, tuyến du
lịch với Cam-pu-chia và các nước
ASEAN. Đường biên giới quốc gia dài,
giáp với nhiều tỉnh của Cam-pu-chia với
hàng chục cửa khẩu. Đặc biệt, hai cửa
khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát là hai
cửa ngõ thuận lợi nhất để kết nối với
Cam-pu-chia, Thái Lan và xa hơn có thể
kết nối với Ấn Độ.
Trong tương lai, Tây Ninh sẽ trở
thành một trong những cửa ngõ quan
trọng đối với việc phát triển các mối quan
hệ kinh tế, thương mại và du lịch giữa
Việt Nam với các nước trong khu vực
ASEAN, cũng như các nước vùng Trung
Á thông qua tuyến đường bộ Xuyên Á.
3. Thế mạnh về tài nguyên cho phát
triển du lịch về nguồn
Tây Ninh có lịch sử hình thành và
phát triển lâu đời, là vùng đất vốn có
truyền thống anh hùng suốt quá trình
dựng nước và giữ nước đã được ghi nhận
bằng nhiều di tích văn hóa lịch sử. Hiện
nay, toàn tỉnh đã có 22 di tích được nhà
nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa
cấp quốc gia và có rất nhiều di tích văn
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
130
hóa cấp địa phương đã và đang được đề
nghị xếp hạng [3]. Các di tích lịch sử
cách mạng này trở thành đối tượng khai
thác để phát triển du lịch, đặc biệt là du
lịch về nguồn, trên nền tảng tôn vinh
những thành quả đấu tranh giữ nước của
các thế hệ trước và giáo dục các thế hệ
trẻ lòng yêu đất nước, lòng biết ơn đối
với những người có công trong cuộc
kháng chiến cứu nước.
- Núi Bà Đen: thuộc xã Ninh Sơn,
cách thị xã Tây Ninh 11km về phía Đông
Bắc, cách TPHCM 110km. Núi nằm
trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử
nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và
nhiều huyền thoại tại Tây Ninh.
Núi Bà Đen không chỉ hấp dẫn du
khách bởi phong cảnh núi non hùng vĩ,
bởi các chùa chiền, hang động đẹp và gắn
với câu chuyện huyền thoại dân gian về
vị nữ thánh Lý Thị Thiên Hương (tức Bà
Đen) thời Tây Sơn. Núi Bà Đen còn là
một căn cứ địa cách mạng bất khả xâm
phạm, nơi lưu giữ nhiều chứng tích anh
hùng qua hai cuộc kháng chiến cứu nước
của quân và dân Tây Ninh.
Với đỉnh cao nhất Nam Bộ, núi Bà
Đen trở thành một vị trí chiến lược đặc
biệt quan trọng, nên trong suốt 2 cuộc
kháng chiến giải phóng dân tộc (1946 -
1975), lực lượng cách mạng và phản cách
mạng đã giành giật nhau quyết liệt quả
núi này. Nơi đây có nhiều hang động,
từng là căn cứ của quân và dân ta trong
kháng chiến. Động Kim Quang, động
Cây Đa vốn là căn cứ của Huyện ủy,
Huyện đội Tòa Thánh (nay là huyện Hòa
Thành), phía Đông của núi là căn cứ
Huyện ủy Dương Minh Châu. Nơi đây
lưu giữ nhiều chiến tích của quân giải
phóng, vừa chiến đấu, vừa bảo vệ căn cứ
và có rất nhiều đơn vị bám núi đánh địch
như: Đoàn Hậu cần 32, Tiểu đoàn 47
trinh sát Đặc biệt, Liên đội 7 anh hùng
đã chiến đấu suốt 15 năm ở núi. Ngày 21-
01-1989, Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT)
(nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
công nhận xếp hạng núi Bà Đen là Di
tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng
cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số
100/VH-QĐ. Ngày nay, núi Bà Đen
không chỉ có ý nghĩa tham quan, tín
ngưỡng mà còn là dấu ấn của chiến
trường xưa, nơi lưu giữ những kỉ niệm về
một thời oanh liệt và oai hùng của quân
và dân ta.
- Di tích lịch sử - văn hóa Chiến
thắng Tua Hai: Di tích căn cứ nằm trên
quốc lộ 22B thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng
Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh,
nằm về hướng Bắc cách thị xã Tây Ninh
7km. Tại đây, đêm 25 rạng sáng 26-01-
1960, thực hiện Nghị quyết 15 TW theo
sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, lực lượng
vũ trang cách mạng cùng với nhân dân
Tây Ninh đã tiến hành trận tập kích tiêu
diệt căn cứ Trung đoàn 32, Sư đoàn 21
ngụy tại Tua Hai – trận đánh mở màn
phong trào đồng khởi vũ trang toàn miền
Nam đã đi vào lịch sử và trở thành một di
tích lịch sử cách mạng. Địa điểm chiến
thắng Tua Hai được Bộ VHTT công nhận
là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
theo Quyết định số: 937/QĐ-BT ngày 23-
7-1993. Chiến thắng Tua Hai đã đi vào
lịch sử như trận chiến mở màn cho phong
trào Đồng Khởi trên khắp miền Nam và
có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Hiếu
_____________________________________________________________________________________________________________
131
mạng cho các thế hệ trẻ, nhất là với đối
tượng học sinh, sinh viên.
- Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam: Đã
được công nhận là Di tích lịch sử - văn
hóa cấp quốc gia theo Quyết định số
839/QĐ ngày 31-8-1990 của Bộ trưởng
Bộ VHTT; được Thủ tướng Chính phủ
công nhận là di tích quốc gia đặc biệt tại
Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10-05-
2012. Trong những năm tháng diễn ra
cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước,
vùng đất thép Tây Ninh đã được Trung
ương Đảng chọn làm căn cứ cho một số
cơ quan đầu não của cách mạng miền
Nam Việt Nam, trong đó có căn cứ Trung
ương Cục miền Nam (thường gọi tắt là
R) là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ
đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền
Nam đặt tại Nam Bộ. Di tích nằm trong
khu vực Chàng Riệt, cạnh suối “Tiên
Cô”, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên,
tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh
khoảng 64km về hướng Bắc theo quốc lộ
22B. Toàn bộ căn cứ rộng 72ha, giữa khu
rừng già, cách biên giới Việt Nam –
Cam-pu-chia 3km. Khu vực ngoại vi căn
cứ được xây dựng nhiều tuyến bảo vệ với
hệ thống chốt, trạm gác. Bên trong có các
cơ quan trực thuộc Trung ương Cục như:
Ban An ninh, Ban Tuyên huấn, Bộ chỉ
huy Quân sự Miền, Bệnh viện, Nhà in,
Công binh xưởng
Đến với căn cứ, du khách sẽ được
viếng thăm nhà trưng bày di tích lịch sử
với khoảng 1000 hình ảnh, hiện vật về
đời sống sinh hoạt và chiến đấu của các
chiến sĩ cách mạng trong chiến khu xưa.
Tại đây còn có sa bàn về toàn bộ khu căn
cứ giúp người xem có thể hình dung khái
quát chiến khu xưa. Nơi đây còn lưu giữ
nhiều kỉ vật gợi lại dấu ấn xưa với những
người từng tham gia kháng chiến. Ngoài
nhà trưng bày, khu di tích còn có nhiều
công trình đã đi vào lịch sử, như: nhà hội
họp tập thể; nhà ở của các cán bộ cao
cấp; nhà ở của chiến sĩ và các ban,
ngành; hầm giao thông; hội trường lớn và
hội trường nhỏ cùng các trang thiết bị
sinh hoạt và làm việc. Trong di tích còn
có các khu sản xuất, khu vườn của cán bộ
chiến sĩ trồng rau xanh, cây cảnh Di
tích còn bảo tồn một số hố bom B52 do
địch thả xuống trong những năm chiến
tranh; hệ thống bếp Hoàng Cầm - một
loại bếp theo kiểu hang chuột mà khi đun
nấu không có khói, nhằm tránh sự phát
hiện của địch.
- Di tích lịch sử - văn hóa Ban An
ninh Trung ương Cục miền Nam: Đã
được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa
cấp quốc gia tại Quyết định số 3777/QĐ-
BT ngày 23-12-1995 của Bộ VHTT. Di
tích tọa lạc tại ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập,
huyện Tân Biên, Tây Ninh. Khu di tích
hiện nay với trung tâm rộng 15ha, một số
hạng mục được trùng tu, phục chế, gồm:
nhà ở, hội trường, nhà làm việc, nhà bảo
vệ, hầm chữ A, hầm phẫu thuật, giếng
nước, bếp Hoàng Cầm, đường giao thông
nội bộ, giao thông hào và công sự chiến
đấu. Khu tôn tạo có diện tích rộng 5ha
gồm các hạng mục công trình: cổng
chính, đường vào đài tưởng niệm, nhà
khách, văn phòng Ban Quản lí di tích,
nhà truyền thống, hồ bơi Nơi đây,
nhiều năm nay, đã tạo được sức hút du
khách thuộc các lứa tuổi, các thế hệ từ
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
132
các địa phương trên khắp cả nước, và cả
khách quốc tế.
- Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ
Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam
(MTDTGPMN) Việt Nam: Đã được Bộ
VHTT công nhận xếp hạng di tích cấp
quốc gia tại Quyết định số 3518/QĐ-BT
ngày 04-12-1998.
Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam
Bộ, MTDTGPMN Việt Nam được thành
lập tại căn cứ Bắc Tây Ninh năm 1960.
Căn cứ Mặt trận phải di chuyển nhiều
nơi, nhưng chủ yếu là trên vùng căn cứ
Dương Minh Châu.
Khu di tích được chọn để phục hồi
tôn tạo hiện thuộc khu vực Suối Chò, xã
Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh,
một trong những nơi Ủy ban Trung ương
MTDTGPMN Việt Nam đã từng bám trụ
giữa lòng nhân dân để tập hợp lực lượng
toàn dân trong kháng chiến.
- Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hòa miền Nam (CPCMLTCHMN) Việt
Nam: Ngày 06-6-1969, tại vùng căn cứ
rừng Tà Nốt, một sự kiện lịch sử trọng
đại đã diễn ra, Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam Việt Nam, cùng các lực
lượng yêu nước khác đã tiến hành Đại
hội đại biểu quốc dân miền Nam, bầu ra
CPCMLTCHMN Việt Nam. Ngày nay,
di tích căn cứ đặt tại Trảng A Lân, xã
Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Di tích căn cứ đã được Bộ VHTT công
nhận xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết
định số 3518/QĐ-BT ngày 4-12-1998.
Năm 2000, công trình được đầu tư phục
hồi, tôn tạo, xây dựng trên diện tích đất
rừng 60ha, được chia thành 2 phân khu
chức năng: phân khu phục chế di tích
gốc, phân khu bảo vệ cảnh quan. Nơi đây
còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn về
CPCMLTCHMN khi còn non trẻ.
- Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Xứ
ủy Nam Bộ (còn gọi căn cứ Lê Duẩn) tại
Đồng Rùm: Đồng Rùm là một khu rừng
già nằm trong trung tâm căn cứ Dương
Minh Châu – nay thuộc xã Tân Thành,
huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Di tích
được khoanh vùng bảo vệ trên diện tích
50ha, trong đó khu di tích chính 20ha,
khu tôn tạo 5ha, khu rừng cần bảo tồn tạo
cảnh quan là 25ha.
Căn cứ Đồng Rùm (X40) là một di
tích có bề dày lịch sử trong suốt hai cuộc
kháng chiến giải phóng dân tộc. Nơi đây
đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan
trọng nên được công nhận là Di tích lịch
sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định
số 61/1999/QĐ-BVHTT ngày 13-09-
1999 của Bộ VHTT.
Ngoài các di tích kể trên, vùng đất
này còn nhiều di tích lịch sử khác gắn
liền với cuộc kháng chiến giải phóng
miền Nam như di tích căn cứ Bời Lời,
chiến khu Dương Minh Châu, địa đạo An
Thới, địa đạo Lợi Thuận và nhiều di tích
khác. Các căn cứ ở Bắc Tây Ninh nằm
trong tuyến các điểm liên hoàn của du
lịch Tây Ninh. Từ thị xã Tây Ninh theo
quốc lộ 22B tới cửa khẩu quốc tế Xa
Mát, trên đường đi du khách có thể ghé
thăm các di tích lịch sử như căn cứ Tua
Hai - Đồng Khởi, sân bay Thiện Ngôn,
căn cứ Lò Gò - Xóm Giữa, sông Vàm Cỏ
Đông Cùng với các tài nguyên điển
hình trên, những di tích này hứa hẹn một
tiềm năng to lớn trong việc phát triển loại
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Hiếu
_____________________________________________________________________________________________________________
133
hình du lịch về nguồn, một loại hình có
xu hướng phát triển mạnh trong những
năm gần đây.
4. Thực trạng phát triển loại hình
du lịch về nguồn ở Tây Ninh
Thực tiễn, trong nhiều năm qua,
loại hình du lịch về nguồn đã và đang
phát triển theo chiều hướng tích cực
trong hoạt động du lịch và đã đem lại
những thành quả đáng ghi nhận cho tỉnh
Tây Ninh. Hệ thống di tích được đầu tư
tôn tạo, nâng cấp, cơ sở hạ tầng phục vụ
du lịch được cải thiện, các dịch vụ du lịch
ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của
du khách, lượng khách du lịch nội địa gia
tăng, bước đầu thu hút được khách quốc
tế, góp phần nâng cao chất lượng đời
sống của người dân ở những địa phương
có di tích.
Những di tích đang được khai
thác phát triển du lịch
Trong nhiều năm qua cũng như
hiện nay, lượng khách du lịch về nguồn
trong nước đến với Tây Ninh chủ yếu là
từ thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận.
Khách đa phần là học sinh, sinh viên, cựu
chiến binh hoặc cán bộ, công chức; các
thành phần khác vẫn còn rất hạn chế.
Khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ thị
trường Cam-pu-chia, Mĩ, vì ở vị trí gần
và nhu cầu quay trở lại những địa điểm
có mối liên hệ với cuộc chiến tranh Việt
Nam - Mĩ. Mặc dù vị thế của loại hình du
lịch này được đánh giá cao trong ngành
du lịch tỉnh, nhưng việc khai thác lợi thế
phát triển du lịch về nguồn tại các di tích
lịch sử - văn hóa còn rất hạn chế, mới chỉ
tập trung vào một vài điểm chính, như:
- Khu di tích núi Bà Đen: Là một
trong những nơi có sức thu hút và đón
lượng du khách lớn nhất không chỉ của
Tây Ninh mà cả vùng Đông Nam Bộ.
Trong năm 2012 đã đón hơn 2 triệu lượt
khách đến với điểm du lịch núi Bà Đen
[5], phần lớn là vào dịp Hội xuân Núi Bà
với mục đích tâm linh, tín ngưỡng là chủ
yếu. Số du khách đến đây với mục đích
về nguồn ngày càng tăng nhanh vào dịp
lễ hội và những ngày kỉ niệm chiến thắng
ở Tây Ninh. Hiện nay, khi mà loại hình
du lịch về nguồn đã có hướng phát triển
kết hợp với du lịch tâm linh tại núi Bà
Đen, thì lượng khách đến Tây Ninh có
chiều hướng tăng về số lượng, đa dạng về
thành phần du khách (cả khách nội địa và
khách quốc tế).
- Di tích đặc biệt Căn cứ Trung ương
Cục miền Nam: Căn cứ Trung ương Cục
miền Nam là cơ quan đầu não của cách
mạng miền Nam trong suốt cuộc kháng
chiến giải phóng dân tộc. Hầu hết khách
du lịch về nguồn đến với Tây Ninh đều
có nhu cầu đến địa điểm này. Tuy nhiên,
do sự hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng như
thiếu các điểm vui chơi, giải trí nên du
khách đến đây thường đi về trong ngày
cũng như chi tiêu khá ít. Theo ước tính
của Phòng quản lí và khai thác di tích,
tuy mỗi năm có đến hàng chục nghìn
khách du lịch trong nước và kể cả khách
quốc tế đến với di tích [7], nhưng việc
khai thác di tích phục vụ mục đích kinh
tế chưa đặt ở vị trí quan trọng, doanh thu
từ bán sản phẩm du lịch hàng năm còn
thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
cùng với núi Bà Đen là hai trong số
những di tích ở Tây Ninh đang được khai
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
134
thác chủ yếu cho loại hình du lịch về
nguồn. Trong những năm qua, lượng
khách đến có xu hướng tăng (cả số lượng
và thành phần), nhưng doanh thu còn rất
khiêm tốn, đặc biệt là di tích Căn cứ
Trung ương Cục miền Nam. Nguyên
nhân của tình trạng trên là do lãnh đạo
địa phương, ngành chưa xem Trung ương
Cục như là một điểm du lịch cần đầu tư
lớn, nên mới chỉ đầu tư ban đầu hoặc tôn
tạo, phục dựng lại một phần để tưởng
niệm, ghi lại dấu ấn xưa, chưa chú trọng
đến vấn đề tạo sức thu hút du khách, giữ
chân du khách; vì vậy, lượng khách quay
lại các điểm du lịch, các điểm vui chơi,
giải trí, sử dụng các dịch vụ du lịch còn
ít.
- Những di tích khác: Nhìn vào thực
trạng phát triển du lịch nói chung và loại
hình du lịch về nguồn nói riêng ở Tây
Ninh trong những năm qua, có thể thấy
số lượng các điểm dịch vụ du lịch, các
điểm vui chơi, giải trí đi kèm còn khá ít,
phần lớn những “địa chỉ đỏ” mới đang ở
dạng đầu tư ban đầu hoặc chỉ ở dạng tiềm
năng. Ngoài di tích Trung ương Cục
miền Nam và núi Bà Đen đang được đầu
tư khai thác và thu hút khách, các di tích
khác thì hầu như chỉ được tôn tạo với
mục đích tưởng niệm là chủ yếu. Tại
những điểm này, hoạt động dịch vụ quá
đơn sơ, không có nhà hàng, dịch vụ phụ
trợ và thường là du khách phải quay về
thị xã Tây Ninh mới có chỗ ăn, nghỉ. Do
vậy, những điểm này thường chỉ là các
điểm phụ trợ nằm trên tuyến hành trình
của du khách chứ không mang lại hiệu
quả kinh tế cao cũng như khả năng thu
hút khách. Khách du lịch chỉ ghé tham
quan, chiêm ngưỡng trong một thời gian
ngắn và chi tiêu không đáng kể vì hầu
như những nơi này chưa có các dịch vụ
cần thiết cho du khách. Việc khai thác
phục vụ du lịch nhất là loại hình du lịch
về nguồn tại những điểm này chưa được
quan tâm đúng mức nên giá trị du lịch
được khai thác chưa nhiều mặc dù tiềm
năng cho loại hình này là rất lớn.
Có thể thấy, loại hình du lịch về
nguồn ở Tây Ninh bên cạnh vấn đề chất
lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa
cao thì hoạt động xúc tiến, quảng bá du
lịch ở địa phương cũng chưa hiệu quả,
nhất là đối với các thị trường quốc tế.
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc lượng
khách nước ngoài đến những địa danh
này rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1% so với
lượng du khách đến đây trong cả năm [5].
Các đề án tiếp thị, giới thiệu điểm đến,
xác định thị trường, dòng khách gần như
chưa có. Khách du lịch về nguồn chủ yếu
xuất phát từ nhu cầu cá nhân và các tổ
chức đoàn thể với mục đích thăm lại
chiến trường xưa, tưởng nhớ đồng đội
hay giáo dục thế hệ trẻ.
Một trở ngại khác là hiện nay các
doanh nghiệp lữ hành ở Tây Ninh cũng
như ở TPHCM không mấy mặn mà khi tổ
chức các tour du lịch này, vì cơ sở vật
chất còn yếu, chất lượng dịch vụ chưa
cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhân
lực phục vụ chưa chuyên nghiệp, hướng
dẫn viên toàn tuyến tại các điểm hiểu biết
còn hạn chế về điểm đến. Bên cạnh đó,
việc phân loại thị trường du lịch, liên kết,
xây dựng chương trình tour... của các
doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm
du lịch đặc thù, không trùng lắp chưa tốt,
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Hiếu
_____________________________________________________________________________________________________________
135
làm cho loại hình du lịch về nguồn chủ
yếu mang tính tự phát, rời rạc, thiếu sự
hoàn thiện trong kết nối tour, tuyến trên
lãnh thổ và liên lãnh thổ.
Trong bối cảnh đất nước mở cửa
hội nhập như hiện nay, Tây Ninh cần tập
trung đầu tư khai thác tối đa những thế
mạnh từ các di tích lịch sử - văn hóa của
mình. Nếu phát triển loại hình du lịch về
nguồn thì chắc chắn sẽ tạo được nền
móng vững chắc cho du lịch Tây Ninh
phát triển, trở thành địa phương có du
lịch chiếm vị thế lớn trong du lịch vùng
Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam.
5. Một số giải pháp phát triển loại
hình du lịch về nguồn
Để khai thác tiềm năng phát triển
loại hình du lịch về nguồn, tạo ra những
sản phẩm du lịch chất lượng tốt, thu hút
ngày càng nhiều khách du lịch trong
nước và quốc tế, chúng tôi cho rằng các
cơ quan quản lí địa phương, các ngành
chức năng cần nghiên cứu xem xét thực
hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
5.1. Xây dựng đề án nghiên cứu tổng
thể các di tích lịch sử cách mạng trên
địa bàn tỉnh
Tỉnh Tây Ninh cần thực hiện điều
tra, đánh giá tổng hợp tiềm năng phát
triển du lịch về nguồn từ các di tích lịch
sử cách mạng; phân tích hiện trạng phát
triển cùng những khó khăn, tồn tại trong
quá trình khai thác tài nguyên để phát
triển loại hình du lịch này. Trên cơ sở đó,
đề xuất kế hoạch đầu tư trùng tu, tôn tạo
di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ
du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và
thực hiện các hoạt động xúc tiến trong
giai đoạn từ nay đến năm 2015 và các
năm tiếp theo, nhằm thu hút khách trong
nước và quốc tế.
5.2. Đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở
hạ tầng vật chất kĩ thuật
Trước hết, cần tập trung đầu tư xây
dựng hệ thống đường giao thông và
phương tiện vận chuyển đến các điểm du
lịch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
trọn gói vào các khu du lịch quy mô vừa
và nhỏ, đặc biệt là hệ thống các di tích ở
phía Bắc của tỉnh, đồng thời kêu gọi đầu
tư xây dựng cơ sở lưu trú các loại (khách
sạn cao cấp, khách sạn vừa và nhỏ) gần
các khu di tích, gần khu kinh tế cửa khẩu
(Xa Mát, Mộc Bài) để du khách thuận
lợi và dễ dàng đến các điểm di tích.
5.3. Xúc tiến quảng bá du lịch
Tận dụng tối đa các phương tiện
thông tin đại chúng, đặc biệt là ưu thế của
công nghệ thông tin để quảng bá và xúc
tiến các hoạt động du lịch nói chung,
trong đó có loại hình du lịch về nguồn,
phối hợp các doanh nghiệp khai thác du
lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng website về
du lịch Tây Ninh một cách chuyên
nghiệp để giới thiệu điểm đến. Các ngành
chức năng trong tỉnh có thể phối hợp với
tỉnh bạn Kông Pông Chàm (Cam-pu-
chia) trong việc lồng ghép các chương
trình, giới thiệu điểm đến, nhất là các
điểm du lịch nằm dọc theo tuyến biên
giới phía Bắc của Tây Ninh.
5.4. Hoàn thiện, bổ sung về cơ chế,
chính sách hợp lí
Tỉnh cần bổ sung, điều chỉnh các
chính sách và cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện
thuận lợi cho việc đầu tư vào các lĩnh vực
phát triển du lịch Tây Ninh, đặc biệt là
loại hình du lịch về nguồn. Khuyến khích
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
136
xã hội hóa trong công tác đầu tư, tôn tạo
và bảo vệ di tích, tập trung tuyên truyền,
khuyến khích sự tham gia của cộng đồng
địa phương trong việc giữ gìn cảnh quan
di tích, chứng cứ lịch sử, bảo vệ môi
trường khai thác du lịch.
5.5. Thực hiện liên kết các tour, tuyến
nội địa và quốc tế
Cần xúc tiến việc kết nối tour với
các địa phương xung quanh tới các điểm
đến trong tỉnh và thông tuyến lữ hành
quốc tế sang Cam-pu-chia; liên kết với
TPHCM cũng như nước bạn để hình
thành các tuyến liên nội địa và quốc tế.
Tập trung cho các tuyến có triển vọng,
nhất là tuyến TPHCM – Thị xã Tây Ninh
- Xa Mát - Phnom penh - Angkor Vat với
những sản phẩm nổi bật là các di tích lịch
sử, công trình kiến trúc, đáp ứng được
nhu cầu du khách tham quan, nghiên cứu,
mua sắm, tâm linh và về nguồn.
5.6. Phát huy thế mạnh, nâng cao vị
thế của loại hình du lịch về nguồn
Cùng với những giải pháp nêu trên,
ngành chức năng tỉnh cần đặc biệt chú
trọng giá trị du lịch của các di tích, để du
lịch về nguồn trở thành loại hình du lịch
thu hút du khách, nhất là đối với những
người muốn về thăm chiến trường xưa,
hay muốn nghiên cứu tìm hiểu lịch sử. Di
tích lịch sử không chỉ là nơi tưởng niệm
ghi dấu những chiến công xưa mà còn có
giá trị hấp dẫn du khách mang lại hiệu
quả kinh tế cho địa phương, tích lũy
nguồn kinh phí phục vụ trùng tu, bảo tồn
di tích, nâng cao chất lượng cuộc sống
của cộng đồng địa phương nơi có di tích.
5.7. Khai thác và phát huy hiệu quả
lao động địa phương phục vụ tại các
điểm du lịch về nguồn
Cộng đồng dân cư địa phương
chính là chủ nhân của các nguồn tài
nguyên du lịch, và hơn ai hết, họ hiểu
được giá trị của các di tích lịch sử đó.
Tuy nhiên hiện nay, khi tiến hành các dự
án trùng tu, bảo tồn các di tích cũng như
tổ chức khai thác các nguồn tài nguyên,
các di tích phục vụ phát triển du lịch,
dường như vai trò của cộng đồng dân cư
địa phương chưa được chú trọng. Vì vậy,
việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa
phương, khuyến khích sự tham gia của
cộng đồng dân cư vào các hoạt động du
lịch và cùng nhau giải quyết các mâu
thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển
là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo việc
bảo tồn và khai thác phát triển du lịch.
Cùng với sự tăng trưởng của nền
kinh tế đất nước và địa phương, chất
lượng cuộc sống của người dân ngày
càng được nâng cao; nhu cầu du lịch tăng
mạnh về quy mô và chất lượng. Đó là cơ
sở, nền tảng để du lịch Tây Ninh tăng
cường đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao
chất lượng những sản phẩm hiện có.
Trước mắt, tỉnh cần nỗ lực tạo dựng một
số thương hiệu sản phẩm du lịch mang
đặc trưng của địa phương theo các hướng
chủ đạo là du lịch tâm linh, về nguồn và
du lịch sinh thái; trong đó, loại hình du
lịch về nguồn sẽ chiếm vị thế cao với thế
mạnh nổi trội từ những tiềm năng của
tỉnh.
6. Kết luận
Tây Ninh là một tỉnh nằm ở cửa
ngõ phía Tây của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam, lại là tỉnh có lợi thế để phát
triển du lịch. Đặc biệt là thế mạnh về phát
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Trọng Hiếu
_____________________________________________________________________________________________________________
137
triển du lịch về nguồn. Với số lượng khá
lớn các di tích lịch sử, cách mạng gắn với
lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn
năm, những công trình văn hóa độc đáo,
danh thắng nổi tiếng, nên khi đến đây, du
khách sẽ được tham dự các lễ hội văn hóa
tâm linh mang màu sắc riêng, thực hiện
các hành trình về nguồn với các hoạt
động thăm lại các căn cứ chiến trường
xưa, chiến khu cách mạng vang danh một
thời, đặc biệt với khu Căn cứ Trung ương
Cục miền Nam được ví như là Việt Bắc
đối với Hà Nội [7] sẽ là một “địa chỉ đỏ”
của hoạt động du lịch về nguồn. Những
thế mạnh đã được khẳng định, cùng sự
đánh giá đầy đủ về hiện trạng và hệ thống
những giải pháp hợp lí như đã trình bày ở
trên sẽ giúp cho hoạt động du lịch về
nguồn có vị thế độc tôn trong phát triển
du lịch tỉnh. Trong tương lai không xa,
du lịch về nguồn sẽ trở thành một trong
những loại hình du lịch chủ đạo không
chỉ ở Tây Ninh mà còn đối với vùng
Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Nam và cả
nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh (2012), Niên giám thống kê từ năm 2000 đến 2012.
2. Nguyễn Ngọc Dũng (1999), Địa lí Tây Ninh giảng dạy trong trường phổ thông, Nxb
Giáo dục Việt Nam.
3. Nguyễn Trọng Hiếu (2011), Phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh thời kì hội nhập, Luận
văn Thạc sĩ Địa lí Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
4. Nguyễn Trọng Hiếu (2013), “Khai thác hợp lí thị trường khách du lịch từ sản phẩm
du lịch của tỉnh Tây Ninh”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM,
(44), tháng 3-2013.
5. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh (2012), Báo cáo hàng năm và kế hoạch
năm tiếp theo, từ năm 2009 đến 2012.
6. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh (2009), Điều chỉnh quy hoạch tổng thể
phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
7. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh (2012), Tài liệu thuyết minh Căn cứ
Trung ương cục Miền Nam.
(Ngày Tòa soạn nhận được bài: 18-12-2013; ngày phản biện đánh giá: 22-01-2014;
ngày chấp nhận đăng: 18-02-2014)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 13_6388.pdf