Thứ năm, đảm bảo công tác thanh tra,
kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin
trên môi trường mạng được thực hiện
tốt trong bối cảnh các hoạt động kinh
tế chia sẻ tăng lên nhanh chóng. Xây
dựng cơ chế để các bên trong hoạt
động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát
được việc sử dụng thông tin của các
nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng
dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình
theo đúng thỏa thuận giữa các bên.
Thứ sáu, tăng cường nhận thức của
các bên trong nền kinh tế chia sẻ, bao
gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người
dân. Quy định rõ trách nhiệm của các
cá nhân và doanh nghiệp về khai báo
thông tin về các hoạt động của kinh tế
chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà
nước, bao gồm các thông tin hoạt
động, nghĩa vụ thuế và các quy định
quản lý chuyên ngành. Xây dựng cơ
chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa
chính quyền các cấp và các doanh
nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và
các hộ kinh doanh. Xây dựng cơ chế,
chính sách giảm thiểu rủi ro cho các
bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ
bao gồm cảnh báo sớm cho người
cung cấp dịch vụ, bảo vệ người tiêu
dùng.
8 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 312 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển kinh tế chia sẻ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (256) 2019
37
PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHIA SẺ
VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
TRẦN MINH TÂM*
Kinh tế chia sẻ đang là mô hình được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam đi đầu phát triển một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên
tiến trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa.
Thông qua nhận diện những thách thức của việc phát triển mô hình kinh tế chia
sẻ, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về chính sách nhằm giúp quản lý hiệu
quả mô hình kinh tế này trong thời gian tới.
Từ khóa: kinh tế chia sẻ, thực trạng kinh tế chia sẻ, giải pháp quản lý nhà nước
Nhận bài ngày: 9/7/2019; đưa vào biên tập: 11/7/2019; phản biện: 20/8/2019; duyệt
đăng: 4/12/2019
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa và
hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất
hiện những cơ hội kinh doanh mới
trên phạm vi rộng lớn hơn so với
trước đây. Cùng với các quá trình
này, sự phát triển nhanh chóng của
cách mạng công nghiệp 4.0 và
“internet vạn vật” lại càng góp phần
phát triển các mô hình kinh doanh
mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
(gồm TPHCM, Bình Phước, Tây
Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa
- Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang)
(Thủ tướng Chính phủ, 2007) là vùng
kinh tế phát triển năng động, có tốc
độ tăng trưởng kinh tế cao, bền
vững, dẫn đầu cả nước trong phát
triển một số ngành sản xuất và dịch
vụ tiên tiến như các ngành sản xuất
linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm,
các dịch vụ thương mại, logistics, tài
chính, viễn thông, du lịch. Chính vì
vậy, khu vực này đã và đang được
dự báo là khu vực tiềm năng để phát
triển và ứng dụng mạnh mẽ kinh tế
chia sẻ.
Dù mới xuất hiện vài năm nay, nhưng
kinh tế chia sẻ (sharing economy)
đang được kỳ vọng sẽ đem lại vô vàn
cơ hội, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo
cho hàng loạt lĩnh vực của nền kinh
tế. Trong bối cảnh mô hình tăng
trưởng truyền thống không còn nhiều
dư địa, kinh tế chia sẻ được kỳ vọng
sẽ là “chìa khóa” để các tỉnh thuộc
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có
thể tận dụng, phát huy những thành
tựu cách mạng khoa học - công nghệ,
trở thành nhân tố động lực mới, góp
phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và
phát triển bền vững.
*
Học viện Chính trị khu vực II.
TRẦN MINH TÂM – PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHIA SẺ
38
2. KINH TẾ CHIA SẺ
Trên thực tế có rất nhiều định nghĩa
khác nhau về kinh tế chia sẻ và không
có một định nghĩa chung cho tất cả
mọi trường hợp hay mọi quốc gia. Tuy
nhiên nhìn chung, tất cả các tên gọi
khác của mô hình kinh tế chia sẻ đều
có chung đặc điểm là một mô hình
kinh doanh mới kinh doanh ngang
hàng, tận dụng lợi thế của phát triển
công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí
giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn
khách hàng thông qua các nền tảng
số.
Nền kinh tế chia sẻ cho phép các cá
nhân và các nhóm kiếm tiền từ các tài
sản đang sử dụng. Đó là các tài sản
nhàn rỗi (như ô tô và nhà ở) có thể
được thuê khi không sử dụng. Theo
cách này, tài sản vật chất được chia sẻ
dưới dạng dịch vụ. Đây là một phương
thức kết nối mới giữa người mua
(người dùng) và người bán (người
cung cấp) trong hoạt động kinh tế.
Nền kinh tế chia sẻ tạo ra cơ hội để
người tham gia có thể làm việc toàn
thời gian, bán thời gian hoặc làm việc
tự do, từ đó đem lại thu nhập tăng
thêm bên cạnh công việc hiện có của
người tham gia. Việc chia sẻ đem lại
cho người tiêu dùng khả năng được
tiếp cận với những dịch vụ/tài sản mà
họ không thể sở hữu. Chia sẻ cũng
giúp nâng cao phúc lợi xã hội, làm
cho việc sử dụng tài sản vật chất và
các nguồn lực nhàn rỗi khác trở nên
hiệu quả hơn, góp phần phát triển bền
vững và giảm những tác động tiêu
cực đến môi trường.
Kinh tế chia sẻ càng phát triển mạnh
mẽ khi có được sự cộng hưởng từ
cách mạng khoa học công nghệ,
internet. Khi internet lan rộng, loại
hình kinh doanh này sẽ kết nối những
người có tài sản nhàn rỗi và những
người cần sử dụng một cách hiệu quả
hơn. Nhờ vậy, mỗi người không chỉ là
người mua mà còn có thể bán thông
qua thương mại ngang hàng. Hiện
nay, nền kinh tế chia sẻ có nhiều mô
hình ứng dụng trên nền tảng công
nghệ như:
- Nền tảng hợp tác: các công ty cung
cấp không gian làm việc mở chung
cho các dịch giả tự do, doanh nhân và
nhân viên làm việc tại nhà ở các khu
vực đô thị lớn.
- Nền tảng cho vay ngang hàng: các
công ty cho phép các cá nhân vay các
cá nhân khác với mức lãi suất thấp
hơn so với các các tổ chức cho vay
tín dụng truyền thống.
- Nền tảng cung cấp dịch vụ thay cho
việc mua sản phẩm: khi đó, sản phẩm
trở thành dịch vụ, sở hữu trở thành
cho thuê.
- Nền tảng phân phối nguồn lực: phân
phối sản phẩm, dịch vụ từ nơi không
cần sang nơi cần hơn.
Có thể khẳng định, nền kinh tế chia sẻ
là phương thức áp dụng công nghệ
nhằm giảm sự lãng phí trong tiêu
dùng, hướng tới phát triển cộng đồng,
thành phố thông minh, nơi tài nguyên
được dùng một cách hiệu quả nhất.
Phá vỡ những rào cản, kinh tế chia sẻ
đưa công nghệ vào vận hành hệ
thống kinh doanh, tạo nên sự kết nối
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (256) 2019
39
mạnh mẽ, chia sẻ nhiều hơn, cạnh
tranh hơn và mang đến cơ hội kiếm
tiền cho tất cả mọi người. Đây chính
là những yếu tố minh chứng rằng,
kinh tế chia sẻ không phải một hiện
tượng nhất thời mà còn có tiềm năng
phát triển lớn mạnh hơn nữa trong
tương lai.
3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH
TẾ CHIA SẺ Ở KHU VỰC KINH TẾ
TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
Kinh tế chia sẻ đã hình thành từ khá
lâu, ở Việt Nam nó gắn liền với lối
sống văn hóa của người dân và quá
trình phát triển kinh tế - xã hội. Người
Việt Nam có truyền thống đoàn kết,
chia sẻ với nhau, chung tay thực hiện
nhiều công việc trong sản xuất và sinh
hoạt. Điều này trở thành nguồn cung
tiềm năng cho nền kinh tế chia sẻ.
Hiện nay, thị trường Việt Nam đã có
sự góp mặt của các công ty như: Uber,
Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob -
những mô hình kinh tế chia sẻ được
nhiều người sử dụng.
Grab là một ứng dụng định vị tự động
để đặt và điều phối xe trên điện thoại
thông minh. Grab hướng tới mục tiêu
cải tiến thị trường taxi địa phương
bằng khởi đầu đơn giản, chi phí hiệu
quả cho cả 2 bên cung (cá nhân và tổ
chức có phương tiện) và cầu (hành
khách). Với công nghệ này, Grab tối
ưu hóa quá trình kết hợp giữa cung
và cầu trong lĩnh vực vận tải.
Airbnb cũng xuất hiện tại Việt Nam từ
năm 2014, tính tới tháng 8/2018, Hà
Nội và TPHCM đã có 21.994 phòng
đăng ký cho thuê trên Airbnb (Dân trí
online, 2019). Nở rộ tại TPHCM và
phát triển sang các tỉnh lân cận như
Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu,
Airbnb đang thúc đẩy sự tăng trưởng
của nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm lợi
nhuận từ việc cho thuê lại tại đây.
TPHCM cùng với một số tỉnh thành
khác đã gia nhập mạng lưới của
Airbnb với số lượng phòng ngủ, nhà
cho thuê đạt trên 1.000 phòng.
Trong khi đó, Triip.me tại Việt Nam lại
biến những người địa phương bình
thường thành một hướng dẫn viên du
lịch nghiệp dư. Triip.me cho phép bất
kỳ ai cũng có thể tạo một gói sản
phẩm du lịch, đưa lên và bán cho
khách du lịch trên trang web. hoặc
ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Sản phẩm này cho ra đời ứng dụng
Wiki Triip, nơi tổng hợp thông tin trực
tuyến về các điểm đến du lịch hấp dẫn
của Việt Nam.
Mặc dù, chưa có số liệu thống kê
chính thức, đầy đủ về mô hình kinh tế
chia sẻ tại khu vực kinh tế trọng điểm
phía Nam nhưng sự phát triển và
những tiện ích mà mô hình kinh tế này
mang lại là không thể phủ nhận.
Tính đến năm 2017, cả nước có 866
đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện
tham gia thí điểm vận hành theo cách
thức của mô hình kinh tế chia sẻ.
Trong đó, trên địa bàn TPHCM có 506
đơn vị vận tải, 3 nhà cung cấp phần
mềm, 21.600 xe tham gia thí điểm
(Khanh Đoàn, 2018). Thống kê sơ bộ
của Sở Giao thông Vận tải TPHCM
cho thấy, trên địa bàn TPHCM, số
lượng xe hợp đồng điện tử theo mô
TRẦN MINH TÂM – PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHIA SẺ
40
hình kinh tế chia sẻ tăng rất nhanh (số
lượng xe năm 2015 và 2016 lần lượt
tăng gần 10 lần so với các năm trước
liền kề. Tỷ lệ tăng năm 2017 so với
năm 2016 cũng lên tới 38,2%).
Song hành cùng các loại hình trên,
mô hình kinh tế chia sẻ cũng đã mở
rộng sang lĩnh vực tài chính, ngân
hàng với sản phẩm dịch vụ cho vay
ngang hàng. Đây là mô hình kinh
doanh sử dụng nền tảng trực tuyến để
kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay
doanh nghiệp muốn vay vốn mà
không cần qua trung gian. Đây là
phương thức hoàn toàn khác biệt với
mô hình vay truyền thống.
Bên cạnh đó, một số dịch vụ khác
cũng đã xuất hiện như dịch vụ cung
cấp nền tảng cho phép người dùng tự
xây dựng tour cung cấp cho khách du
lịch khắp nơi trên thế giới, dịch vụ ăn
uống, lao động, hàng hóa tiêu dùng;
dịch vụ cung cấp ứng dụng điện thoại
kết nối người dùng với các nhà cung
cấp dịch vụ như dịch vụ sửa chữa
điện tử, điện lạnh, xây dựng; hình
thức gọi vốn cộng đồng cũng bắt đầu
nhen nhóm.
Là khu vực năng động sáng tạo, là
đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam được
đánh giá là mảnh đất “màu mỡ” cho
kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ với ý
nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn,
được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để các
tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam có thể tận dụng, phát huy những
thành tựu cách mạng khoa học - công
nghệ, trở thành nhân tố động lực mới,
góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh
và phát triển bền vững.
4. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ
4.1. Những mặt tích cực của kinh tế
chia sẻ mang lại
Đối với nhiều người đang sinh sống
tại các thành phố lớn của Việt Nam,
trước đây mỗi khi đi lại thường sử
dụng dịch vụ “xe ôm” hay taxi truyền
thống, còn nay họ sẽ “gọi Grab” qua
ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Chỉ sau vài năm, Grab - công ty khởi
nghiệp loại hình “taxi công nghệ” đã
làm thay đổi thói quen tiêu dùng của
người dân. Không những vậy, còn tác
động làm chuyển biến nhận thức cũng
như văn hóa kinh doanh của nhiều
doanh nghiệp truyền thống hoạt động
cùng lĩnh vực. Dưới sức ép cạnh
tranh từ “taxi công nghệ”, giá cước
của taxi truyền thống sẽ ít hấp dẫn
khách hàng nếu như taxi truyền thống
không điều chỉnh giá thấp hơn hoặc
nâng chất lượng dịch vụ cao hơn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp taxi
truyền thống nhanh chóng cũng buộc
phải thay đổi, ứng dụng công nghệ
mới với sự ra đời hàng loạt ứng dụng
cho phép khách hàng gọi xe không
cần qua tổng đài của taxi Mai Linh,
Vinasun, Thành Công...
Kinh tế chia sẻ mở ra những phương
thức, cơ hội kinh doanh mới dựa trên
Số lượng taxi công nghệ tại TPHCM.
Nguồn: Sở Giao thông Vận tại TPHCM.
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (256) 2019
41
nền tảng số, ứng dụng công nghệ của
cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thêm
việc làm, giúp người lao động nâng
cao thu nhập. Bên cạnh đó, dưới tác
động của kinh tế chia sẻ, thị trường
cũng trở nên minh bạch, cạnh tranh
tích cực với nhiều loại hình dịch vụ đa
dạng, đem lại lợi ích cho người tiêu
dùng. Đặc biệt, kinh tế chia sẻ còn
góp phần cải cách bộ máy hành chính
theo hướng Chính phủ số; thúc đẩy
cải cách thể chế nhằm phát triển nền
kinh tế số và tận dụng xu thế của cách
mạng công nghiệp 4.0. Qua việc tạo
ra áp lực cạnh tranh đối với các loại
hình kinh doanh truyền thống, kinh tế
chia sẻ thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao
chất lượng các hoạt động kinh tế.
Cùng với đó, kinh tế chia sẻ còn giúp
phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng
mọi nguồn lực để đất nước tiến lên
phía trước nhưng “không ai bị bỏ lại
phía sau”, mọi người đều được
hưởng thành quả từ tăng trưởng.
4.2. Những vấn đề đặt ra trong phát
triển nền kinh tế chia sẻ
Có thể thấy, kinh tế chia sẻ sẽ làm
thay đổi sự vận hành kinh tế toàn cầu
trong tương lai không xa. Nhưng len
lỏi vào nhiều ngành nghề kinh doanh
ở mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế
chia sẻ cũng gây ra không ít lúng túng
cho các cơ quan quản lý trong vấn đề
giải quyết xung đột lợi ích giữa mô
hình kinh tế này với mô hình kinh
doanh truyền thống; cạnh tranh không
công bằng, tập trung kinh tế; lao động,
việc làm, an sinh xã hội và nhất là
kiểm soát các nghĩa vụ tài chính đối
với các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân cung cấp dịch vụ.
Một là, về khoảng trống chính sách
Kể từ khi thâm nhập thị trường Việt
Nam tháng 2/2014, Grab liên tục báo
lỗ. Thanh tra việc chấp hành pháp luật
thuế đối với doanh nghiệp Grab và
Uber, Cục Thuế TPHCM đã truy thu
gần 67 tỷ đồng đối với Uber (Thanh
Lê, 2017), xử lý tăng thu và truy thu 3
tỷ đồng đối với Grab. Tuy nhiên, chỉ
có Grab chấp hành nộp đủ số thuế
nêu trên.
Trong năm loại hình dịch vụ của kinh
tế chia sẻ đang trở nên phổ biến ở
nước ta, việc thu thuế của Grab và
Uber mặc dù không dễ dàng, song
Nhà nước còn thu được. Một số loại
hình khác, chính sách quản lý thuế
hiện hành dường như bất lực. Rõ nét
nhất là việc thu thuế hoạt động đặt
phòng trực tuyến qua ứng dụng
Airbnb. Các cơ sở lưu trú của Việt
Nam tham gia kinh doanh trên Airbnb
phần nhiều là cá nhân và hộ gia đình,
toàn bộ giao dịch được thực hiện trực
tuyến thông qua mạng internet, được
Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh
toán quốc tế, không cần xuất hóa đơn
hay có hệ thống sổ sách kế toán. Vì
vậy, cơ quan thuế khó có thể kiểm
soát được doanh thu của họ nếu
không có sự phối hợp đồng bộ giữa
cơ quan thuế và ngân hàng cũng như
quy định bắt buộc công ty này phải
cung cấp đầy đủ các giao dịch phát
sinh tại Việt Nam.
Phân tích quá trình phát triển của các
mô hình kinh tế chia sẻ, có thể thấy
TRẦN MINH TÂM – PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHIA SẺ
42
phần lớn mang tính tự phát, cơ quan
quản lý khá lúng túng trong việc xác
định bản chất và cách thức kiểm soát.
Một phần nguyên nhân do hầu hết
văn bản pháp luật chưa bắt kịp những
thay đổi trong kinh tế chia sẻ, nhiều
chính sách mới ban hành thiếu đồng
bộ khi xử lý hoạt động kinh doanh
theo mô hình mới.
Chẳng hạn, vấn đề thuế, theo Bộ Tài
chính, nhìn chung các văn bản pháp
lý liên quan nghĩa vụ nộp thuế đã gần
như bao quát toàn bộ hoạt động kinh
doanh, tuy nhiên việc thực thi các
chính sách vẫn còn khoảng trống.
Việc quản lý thu thuế đối với các nhà
cung cấp nền tảng trung gian là tổ
chức, cá nhân nước ngoài không
thành lập tại Việt Nam nhưng có phát
sinh thu nhập tại Việt Nam là vấn đề
khó khăn. Ðể thu thuế đạt hiệu quả,
cần có sự phối hợp của các bộ, ngành
liên quan quản lý hoạt động kinh tế
chia sẻ trong việc hỗ trợ kết nối, cung
cấp thông tin quản lý thuế đối với tổ
chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh
xuyên biên giới; tổ chức, cá nhân trực
tiếp hoặc gián tiếp tham gia quản lý,
cung cấp, sử dụng dịch vụ internet,
thông tin trên mạng tại Việt Nam...
Hai là, những rủi ro trong hoạt động
kinh tế chia sẻ
Theo một số chuyên gia, vấn đề tài
chính, thu thuế vẫn chưa phải thách
thức lớn nhất của các mô hình kinh tế
chia sẻ. Hoạt động cho vay ngang
hàng (Peer to peer lending) hiện mới
có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia
nhưng đã bắt đầu biến tướng và tiềm
ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn tài
chính, tiền tệ. Một số sàn cho vay hiện
nay ấn định lãi vay 18%/năm, nhưng
lại thêm thu phí mỗi ngày 2.000
đồng/triệu đồng, tương đương lãi suất
90%/năm (Uyên Phương, 2018).
Cho vay ngang hàng hoạt động đúng
bản chất sẽ là một công cụ hữu ích để
cung cấp các gói tín dụng khác nhau
cho doanh nghiệp hoặc giúp hàng
triệu người nghèo đặc biệt là những
trường hợp không thể có tài khoản
ngân hàng được tiếp cận thuận lợi với
những nguồn vốn vay. Nhưng với lợi
nhuận lớn như vậy, liệu rằng người
cho vay có thật sự chỉ là những người
có tiền dư thừa hay thực chất là tín
dụng đen núp bóng, còn người đi vay
cũng không khó để trở thành đối
tượng lừa đảo.
Bên cạnh đó, dù không phải ngành
nghề cấm kinh doanh, nhưng cơ quan
quản lý hiện cũng chưa định danh
được cho vay ngang hàng thuộc
ngành nghề kinh doanh gì, chịu sự
điều chỉnh của ngành luật nào. Các
giao dịch qua cho vay ngang hàng
hầu như đều không bảo đảm giá trị
pháp lý vì không có chữ ký điện tử để
được công nhận là hợp đồng số theo
Luật Thương mại điện tử. Nghiêm
trọng hơn, nếu gặp sự cố kỹ thuật,
sàn giao dịch mất hết thông tin như đã
từng xảy ra đối với sàn giao dịch tiền
ảo thì hệ lụy rất lớn, vì liên quan đến
tài sản của hàng nghìn, thậm chí hàng
triệu người cho vay qua sàn.
Ðối với cho vay ngang hàng, người đi
vay không chịu sự kiểm soát nào của
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 12 (256) 2019
43
pháp luật nên rủi ro của người cho
vay là khả năng mất tiền lớn. Còn rủi
ro của người đi vay là phải vay với lãi
suất cao, có khi gấp từ ba đến năm
lần trần lãi suất quy định. Trong
trường hợp huy động vốn nhưng sau
đó vỡ nợ, cả người đi vay và người
cho vay đều không nhận được sự bảo
vệ của pháp luật.
Một số vấn đề khác, các chính sách
về quản lý lao động, việc làm và an
sinh xã hội đối với người lao động và
chủ sử dụng lao động trong kinh tế
chia sẻ chưa đủ để bảo đảm quyền và
lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Hành lang pháp lý quản lý hoạt động
thanh toán điện tử đối với việc cung
cấp các dịch vụ xuyên biên giới cần
hoàn thiện hơn, nhằm bảo đảm chủ
quyền thanh toán đối với các doanh
nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ
xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt
Nam. Các quy định về an toàn thông
tin cũng cần được bổ sung đầy đủ, xử
lý triệt để hiện tượng bị mất thông tin
hoặc sử dụng thông tin sai mục đích.
5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Để phát triển bền vững kinh tế chia sẻ
và tận dụng các lợi thế cơ hội từ loại
hình kinh tế này, Nhà nước cần quan
tâm đến các quan điểm định hướng
và giải pháp tương ứng như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý
và kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh tế
chia sẻ tại Việt Nam. Bên cạnh đó,
cần phải tạo điều kiện cho các hoạt
động kinh tế chia sẻ phát triển đi kèm
với các chính sách khuyến khích các
mô hình kinh tế chia sẻ vì mục đích xã
hội. Đồng thời, cần đánh giá tác động
của từng loại hình kinh tế chia sẻ tới
nền kinh tế để có cơ chế quản lý phù
hợp, cần quản lý những lĩnh vực có
thể ứng dụng được mô hình này, có
lĩnh vực không cho phép để đảm bảo
quyền lợi của người tiêu dùng và tính
ổn định về mặt kinh tế - xã hội.
Thứ hai, cần xây dựng môi trường
cạnh tranh bình đẳng giữa doanh
nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và
doanh nghiệp truyền thống. Nhà nước
cần có các chính sách thúc đẩy mô
hình này theo hướng nới lỏng các
điều kiện kinh doanh truyền thống (áp
dụng chung cho cả khu vực truyền
thống và khu vực kinh tế chia sẻ),
đồng thời nâng cao kiểm soát quản lý
đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong
việc cung ứng dịch vụ để tịnh tiến dần
sự công bằng giữa truyền thống và
công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý
của bộ máy nhà nước trong bối cảnh
cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi
mới quản lý nhà nước theo hướng
các bộ/ngành tăng cường phối hợp
với nhau trong công tác điều hành
quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin;
cần có quy chuẩn chung về thu thập
xử lý dữ liệu để có thể kết nối, lưu trữ
phân tích thông tin làm cơ sở đề ra
các chính sách phù hợp trong bối
cảnh công nghệ xóa mờ ranh giới
giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Thúc
đẩy xây dựng Chính phủ điện tử giai
đoạn 2020 - 2025.
Thứ tư, Bộ Tài chính chủ động nghiên
cứu đề xuất sửa đổi Luật Quản lý
TRẦN MINH TÂM – PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHIA SẺ
44
thuế, bổ sung quy định về việc cấp mã
số thuế cho các tổ chức, cá nhân kinh
doanh thông qua môi trường internet
tại Việt Nam cũng như hướng dẫn cụ
thể việc kê khai, nộp thuế qua mạng.
Ðây là cơ sở để yêu cầu các đối
tượng có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký,
kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế
với cơ quan thuế cho hoạt động kinh
doanh hay phát sinh nguồn thu nhập.
Ngoài ra, quy định này sẽ tạo điều
kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế,
phù hợp với cam kết khi gia nhập
WTO của Việt Nam, đồng thời cũng
ràng buộc các chủ thể tham gia hoạt
động phải tuân thủ pháp luật nước sở
tại.
Thứ năm, đảm bảo công tác thanh tra,
kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin
trên môi trường mạng được thực hiện
tốt trong bối cảnh các hoạt động kinh
tế chia sẻ tăng lên nhanh chóng. Xây
dựng cơ chế để các bên trong hoạt
động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát
được việc sử dụng thông tin của các
nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng
dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình
theo đúng thỏa thuận giữa các bên.
Thứ sáu, tăng cường nhận thức của
các bên trong nền kinh tế chia sẻ, bao
gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người
dân. Quy định rõ trách nhiệm của các
cá nhân và doanh nghiệp về khai báo
thông tin về các hoạt động của kinh tế
chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà
nước, bao gồm các thông tin hoạt
động, nghĩa vụ thuế và các quy định
quản lý chuyên ngành. Xây dựng cơ
chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa
chính quyền các cấp và các doanh
nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và
các hộ kinh doanh. Xây dựng cơ chế,
chính sách giảm thiểu rủi ro cho các
bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ
bao gồm cảnh báo sớm cho người
cung cấp dịch vụ, bảo vệ người tiêu
dùng.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Dân trí (online). 2019.
“Dịch vụ chia sẻ nơi ở Airbnb nở rộ tại TPHCM”. https://dantri.
com.vn/kinh-doanh/dich-vu-chia-se-noi-o-airbnb-no-ro-tai-tphcm-20190319143401172.
htm?, truy cập ngày 7/9/2019.
2. Khanh Đoàn. 27/72018. “Kinh tế chia sẻ „đặt hàng‟ gì cho chính sách?”,
chitai chinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-dat-hang-gi-cho-chinh-sach-1419 95.
html, truy cập ngày 7/9/2019.
3. Thanh Lê. 23/9/2017. “Uber bị truy thu thuế gần 67 tỷ đồng”, https://vnexpress.net/
kinh-doanh/uber-bi-truy-thu-thue-gan-67-ty-dong-3645695.html, truy cập ngày 9/8/2019.
4. Thủ tướng Chính phủ. 2007. Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 ban
hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng
điểm. Hà Nội.
5. Uyên Phương. 2018. “„Bẫy‟ lãi suất „cắt cổ‟ với dịch vụ vay tiền online”, https://bizlive.
vn/tai-chinh/bay-lai-suat-cat-co-voi-dich-vu-vay-tien-online-3450079.html, truy cập ngày
1/9/2019.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- phat_trien_kinh_te_chia_se_vung_kinh_te_trong_diem_phia_nam.pdf