Huyện đảo Cô Tô có những điều kiện phù
hợp để phát triển loại hình DLCĐ homestay.
Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền Cô Tô cũng xem
DLCĐ là một sản phẩm chủ đạo trong chiến
lược phát triển du lịch của địa phương. Tuy
nhiên, khảo sát thực địa cho thấy, với tốc độ
gia tăng số lượng nhà nghỉ, khách sạn như
hiện nay, loại hình du lịch homestay đang bị
cạnh tranh bởi nhiều loại hình lưu trú khác.
Nếu không có sự định hướng phù hợp cùng
với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, loại hình
du lịch thân thiện với môi trường này khó có
khả năng giữ vững được vị trí của nó như thời
gian đầu ngành Du lịch manh nha phát triển
trên huyện đảo, thay vào đó là các hoạt động
du lịch khác có mức độ tiêu thụ tài nguyên tự
nhiên lớn, ảnh hưởng đến môi trường xã hội
nhân văn và có thể mang lại những hệ quả
tiêu cực, rút ngắn chu kỳ vòng đời sản phẩm
du lịch. Tóm lại, để đảm bảo sự phát triển bền
vững, phù hợp với nhiều mục tiêu khác nhau:
an ninh quốc phòng, nâng cao thu nhập cho
người có điều kiện kinh tế thấp trên đảo,
chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời, bảo vệ
và giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, nhân
văn ở Cô Tô thì việc duy trì và tạo sự ưu tiên cho
DLCĐ cần phải được xác định là mục tiêu quan
trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện phát
triển sản phẩm du lịch nơi đây.
9 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 496 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển loại hình du lịch homestay ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Số 32 (Tháng 6 - 2020)104
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH DU LỊCH HOMESTAY
Ở HUYỆN ĐẢO CÔ TÔ, TỈNH QUẢNG NINH HIỆN NAY
NGUYỄN ANH TUẤN*
Tóm tắt
Trong khoảng gần mười năm triển khai hoạt động du lịch đến nay, Cô Tô dần trở thành một điểm
đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Việc phát triển loại hình du lịch homestay ở Cô Tô
bên cạnh những mặt thuận lợi còn có những khó khăn nhất định. Vấn đề đặt ra hiện nay là Cô Tô cần
phải chú trọng đến việc quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn và
dành sự ưu tiên đầu tư cho loại hình du lịch homestay nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững du lịch.
Từ khóa: Du lịch cộng đồng, homestay, huyện đảo Cô Tô
Abstract
For nearly ten years of implementing tourist activities, Co To has gradually become an attractive
destination for domestic and foreign tourists. There are lots of advantages as well as difficulties in the
development of home-stay tourism of Co To. The current matter is that the management and rational
use of natural ecological and human resources must be concerned and the type of homestay tourism in
Co To needs to be given priority to achieve the aims of sustainable development tourism.
Keywords: Community tourism, home-stay, Co To island district
Huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh quốc
phòng ở khu vực biển đảo phía Bắc của Việt
Nam. Trong những năm qua, lĩnh vực dịch vụ
- du lịch của Cô Tô đang ngày càng được chú
trọng đầu tư phát triển và từng bước khẳng
định vai trò của mình trong cơ cấu kinh tế của
huyện đảo. Tiềm năng và thế mạnh của du lịch
Cô Tô được thể hiện rõ nét qua sức hấp dẫn
của những bãi biển đẹp, cát trắng, nước trong,
bờ thoải, gắn với cảnh quan của hệ sinh thái
rừng đa dạng được bảo tồn gần như nguyên
vẹn mang lại vẻ đẹp hoang sơ. Cô Tô cũng là
vùng biển được coi là đa dạng sinh học hàng
đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái
điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có
hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Là một nơi có
cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, người dân thân
thiện, nhưng cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch
còn yếu và thiếu, địa hình xa xôi cách trở vì
nằm ngoài vịnh, giao thông không thuận lợi,
Cô Tô khó thu hút các nhà đầu tư hơn so với
các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ninh.
Với những điều kiện đặc thù như vậy, loại hình
du lịch dựa vào cộng đồng homestay có lợi thế
là chi phí đầu tư thấp, sử dụng nguồn nhân lực
tại chỗ, là một sản phẩm du lịch phù hợp để
huyện đảo Cô Tô chú trọng đầu tư phát triển.
Vấn đề hiện nay là cần nhận diện được những
thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển loại
hình du lịch dựa vào cộng đồng homestay ở * ThS., Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
105Số 32 (Tháng 6 - 2020)
VĂN HÓA DU LỊCH
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Cô Tô để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp
để phát triển du lịch bền vững lâu dài.
1. Loại hình du lịch dựa vào cộng đồng
homestay
Từ lâu, khái niệm “du lịch cộng đồng” (DLCĐ)
đã được đề cập rộng rãi tại nhiều quốc gia
và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy còn có sự
khác biệt ít nhiều về mặt nội dung, nhưng về
cơ bản, khái niệm DLCĐ chứa đựng các yếu tố
chủ yếu sau:
- Du khách là tác nhân bên ngoài, là tiền đề
mang lại lợi ích kinh tế và sẽ có những tác động
nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị
về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn
khi đến với một cộng đồng địa phương cụ thể.
- Cộng đồng địa phương là người kiểm soát
các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ
du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận
thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống
tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống
của cộng đồng địa phương.
- Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi
ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc
điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội
nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách.
- Cộng đồng địa phương ngày càng được
tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và
thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm
du lịch phục vụ du khách. Từ đó, cộng đồng ngày
càng phát huy vai trò làm chủ của mình.
Homestay là một loại hình du lịch gắn với
cộng đồng theo xu hướng tích cực khám phá,
tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống
và trao đổi trực tiếp với người dân bản xứ. Loại
hình du lịch homestay không chỉ có tác động
tích cực đến sự phát triển chung của du lịch
mà còn đang có tác động sâu sắc đến xã hội
như: Tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi
trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của
người dân bản địa và du khách; tạo ra sự giao
lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân
tộc và các quốc gia khác nhau; tăng cường các
mối quan hệ trong cộng đồng người dân; sự
gắn bó của chính quyền địa phương và người
dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách
ứng xử trong cộng đồng người dân. Đồng
thời, loại hình du lịch này cũng có tác động
đến kinh tế, đó là: thu hút các nhà đầu tư vào
du lịch và các lĩnh vực khác như hệ thống giao
thông, trường học, mở rộng và nâng cấp các
làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích
lịch sử; tạo ra nguồn thu nhập cho người
dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình
nghèo; góp phần vào chương trình xóa đói
giảm nghèo tại địa phương.
Nhìn rộng hơn ở tầm kinh tế vĩ mô, loại
hình du lịch homestay cũng là cách thức tạo
nên tính độc đáo trong bức tranh kinh tế du
lịch của địa phương. Homestay hứa hẹn tạo
nên diện mạo riêng để dần hình thành nên sản
phẩm du lịch đặc thù.
Trong bài viết này, tác giả sử dụng khái
niệm homestay do Tổng cục Du lịch Việt Nam
đưa ra và được hướng dẫn cụ thể tại Thông
tư số 88 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Homestay là nơi sinh sống của người sở hữu
nhà hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho
thuê lưu trú, có trang thiết bị tiện nghi cho khách
cho thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả
năng đáp ứng của chủ nhà [2].
Dịch vụ homestay phải đảm bảo được các
tiêu chuẩn căn bản như sau:
1. Cơ sở lưu trú: Phải sạch sẽ và an toàn;
phải thông gió, không ẩm mốc và không có
mùi; có đủ ánh sáng tự nhiên vào phòng; có
mái che chắn và không thấm nước; giường
ngủ đạt tiêu chuẩn sạch sẽ; có phòng tắm và
các tiện nghi vệ sinh; sử dụng phương pháp
truyền thống để chống muỗi; tiêu chuẩn nhà
ở thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN
1800:2009.
2. Thực phẩm và dinh dưỡng: Thực phẩm
chuẩn bị tốt; nhà bếp sạch sẽ, thông thoáng
vệ sinh; có nước uống sạch; cộng đồng có một
nhà hàng phục vụ ăn uống.
3. An toàn: Cộng đồng phải có người trực
để đảm bảo an toàn, an ninh; có phương tiện
Số 32 (Tháng 6 - 2020)106
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
thông tin để báo động các nguy hiểm sắp xảy
ra. Nếu khách bị đau ốm, bị thương tích có
thể tiếp cận nhanh và thuận tiện với nơi cấp
cứu; dự án hoặc người thực hiện Homestay
phải khuyến cáo du khách bảo vệ tài sản của
mình và nhắc nhở họ mang theo người các
loại thuốc cần dùng; các ổ khóa trong nhà phải
được duy trì thường xuyên.
2. Những thuận lợi và khó khăn, hạn chế
trong khai thác loại hình du lịch homestay
ở Cô Tô
2.1. Thuận lợi
Về tài nguyên thiên nhiên, Cô Tô có nguồn
tài nguyên du lịch tự nhiên độc đáo: bãi biển
đẹp nguyên sơ, đa dạng sinh vật biển, có hệ
sinh thái rạn san hô (là tài nguyên du lịch biển
rất quan trọng); cảnh quan đa dạng có cánh
đồng, núi đồi, hồ nước ngọt tự nhiên và đặc
biệt khí hậu cực kỳ trong lành phù hợp cho du
lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng. Cô Tô còn là một
trong những khu vực có đa dạng sinh học cao
của tỉnh Quảng Ninh. Ngoài tài nguyên biển,
huyện đảo còn có diện tích rừng tương đối
lớn (2.767ha), độ che phủ của rừng đạt 58,2%
trên tổng diện tích huyện đảo [5, tr.11]. Rừng
trên đảo đa số là rừng phục hồi, đặc biệt có
rừng trâm bầu (rừng chõi) là một tài nguyên
quý, phân bố chủ yếu ở đảo Cô Tô lớn, ngoài
tác dụng là rừng phòng hộ còn tạo cảnh quan
đẹp, là tài nguyên sinh thái tự nhiên có thể
khai thác du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn cũng có một
số điểm mang tính bổ trợ cho du lịch về với tự
nhiên như đền thờ Bác Hồ, lễ hội truyền thống
hàng năm và nhà thờ đạo. Một thuận lợi nữa
tạo tiền đề cho du lịch Cô Tô phát triển là vị trí
của đảo nằm trong tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh
có bề dày kinh nghiệm, có nhiều thành tựu
trong phát triển du lịch ở phía Bắc. Vị trí địa lý
gần di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long
cũng là một trong những lợi thế sẵn có của Cô
Tô để phát triển du lịch.
Về phía chính quyền địa phương, những
năm gần đây, chính quyền huyện đảo Cô Tô đã
phát huy được tiềm năng du lịch: lợi thế đảo
xa, thiên nhiên ưu đãi, vùng biển còn hoang
sơ, môi trường trong lành, con người thân
thiện và xác định được hướng phát triển phù
hợp: du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch
cộng đồng, xây dựng văn hóa du lịch Du lịch
đã trở thành một ngành mũi nhọn với lượng
du khách tăng nhanh chóng và là nguồn thu
quan trọng cho ngân sách huyện: “Được sự
quan tâm của tỉnh, huyện đang tích cực kết hợp
với tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch với định
hướng xen kẽ phát triển kinh tế chuyển hướng
du lịch. Đó là một chuỗi kết nối của các điểm du
lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh: Vân Đồn,
Cô Tô, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều. Đây là kết
nối quan trọng, cùng với việc kết nối với các tỉnh
lân cận cũng được sự quan tâm của tỉnh. Chính
quyền địa phương vào cuộc rất mạnh về vấn đề
du lịch” (PVS, Th., nam, Trưởng phòng VH&TT).
Cụ thể: Về thủy lợi, huyện Cô Tô đã lập quy
hoạch và tiến hành xây dựng, cải tạo nhiều
hồ nước ngọt (hồ nước ngọt thị trấn Cô Tô, hồ
Trường Xuân, hồ Chiến Thắng I, Chiến Thắng
II, và 10 hồ nước ngọt khác) để đáp ứng nhu
cầu của người dân địa phương và nâng cao
khả năng sẵn sàng đón tiếp khách du lịch vào
mùa cao điểm. Về giao thông vận tải, huyện đã
tập trung phát triển các đội tàu cao tốc có chất
lượng cao để phục vụ khách du lịch. So với tàu
gỗ - phương tiện vận chuyển truyền thống của
người dân địa phương, tàu cao tốc rút ngắn
thời gian di chuyển từ cảng Cái Rồng ra đảo
xuống còn ¼ thời gian, chỉ còn hơn 70 phút.
Các tuyến đường nội bộ trong đảo cũng được
nâng cấp, làm mới gồm hơn 30km nối liền
trung tâm thị trấn đến các bãi biển, đảo nhỏ
khác nhằm thuận tiện hóa quá trình di chuyển
đến các điểm du lịch nhỏ trong đảo. Về chính
sách hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp trong
hoạt động phục vụ khách du lịch, huyện đã hỗ
trợ các hộ dân số tiền 15 - 30 triệu đồng/hộ để
tu sửa, chuyển mục đích sử dụng tàu thuyền từ
đánh bắt cá sang phục vụ khách du lịch; hỗ trợ
các cơ sở sản xuất đặc sản địa phương 100 triệu
107Số 32 (Tháng 6 - 2020)
VĂN HÓA DU LỊCH
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
đồng mỗi cơ sở để phát triển thương hiệu, sản
xuất sản phẩm địa phương đặc thù phục vụ
cho nhu cầu của khách du lịch [4, tr.71].
Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tích cực tạo
điều kiện, hỗ trợ cho nhân dân tham gia phát
triển du lịch với việc ban hành và triển khai
thực hiện 30 nghị quyết về các cơ chế chính
sách hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế,
trong đó có những nghị quyết đã hoàn thành
và đã đóng góp vào việc phát triển kinh tế du
lịch, nâng cao đời sống của nhân dân như:
- Một số cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí
để mời Đoàn viên Thanh niên trong Chương
trình Hành trình biển đảo 2012;
- Đối với du lịch, hỗ trợ lãi suất cho các hộ
dân vay vốn 200.000.000 đồng trong 5 năm sẽ
được hỗ trợ 50% lãi suất;
- Cơ chế hỗ trợ hộ dân mua xe điện, hỗ trợ
đóng tàu cao tốc...;
- Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất,
đi kèm là tạo nguồn thực phẩm cũng như các
dịch vụ để phục vụ du lịch [4, tr.72].
Đó là những cơ chế chính sách góp phần
cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân và phát huy
tiềm năng du lịch của huyện đảo. Bên cạnh đó,
được sự đầu tư và giúp đỡ của tỉnh, của các
tổ chức có liên quan, huyện đảo luôn duy trì
và mở rộng các lớp đào tạo nguồn nhân lực
về DLCĐ và đều được nhân dân hưởng ứng và
tham gia đông đảo. Đây là những hoạt động
thiết thực để đưa DLCĐ huyện đảo bắt kịp với
xu thế chung của cả nước.
Về phía người dân địa phương tham gia
phát triển du lịch homestay, qua khảo sát thực
tế tại đảo Cô Tô, chúng tôi nhận thấy thái độ
của người dân địa phương có thể được xếp
vào nhóm thân thiện. Cư dân địa phương ở đây
vốn là những người đến từ 14 tỉnh thành khác
nhau, chủ yếu là các tỉnh ở đồng bằng sông
Hồng như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam
Với đặc điểm văn hóa nông nghiệp là hiếu
khách, họ rất cởi mở và tích cực giao tiếp với
khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa.
Những vấn đề thường gặp ở khách du lịch là
ăn uống, đi lại, lưu trú thường được người dân
địa phương giúp đỡ đầy thiện ý, không vụ lợi.
Giá cả dành cho khách du lịch được tính theo
giá địa phương, nghĩa là không có sự chênh
lệch giá khi bán cho người bản địa và khách
du lịch. Điều này tạo nên một đặc tính hấp dẫn
du lịch rất riêng của đảo Cô Tô khi so sánh với
các điểm du lịch lân cận như Cát Bà, Hạ Long
và Đồ Sơn. Đây chính là lợi thế lớn tác động
đến chính sách và mục tiêu phát triển du lịch
của các cấp chính quyền và nhân dân ở huyện
đảo Cô Tô.
Để phát triển kinh tế gia đình, mọi người
dân địa phương có điều kiện và mong muốn
tham gia kinh doanh du lịch đều có thể được
cấp phép kinh doanh homestay. Vì vậy, nếu
như năm 2010 mới chỉ có vài ba hộ ở xã Đồng
Tiến (một xã nghèo của huyện, người dân chủ
yếu làm nghề đánh bắt hải sản) tham gia loại
hình này, thì hiện nay, trên toàn huyện đảo đã
có hơn 60 hộ gia đình đăng ký kinh doanh du
lịch homestay.
Bên cạnh đó, Chương trình “Hành trình tuổi
trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2012 của Đoàn
Thanh niên đã tập trung được hơn 1.000 hộ
dân, trong đó có nhiều hộ nghèo tham gia, tạo
điều kiện cho nhân dân tăng nguồn thu nhập
và làm quen với hoạt động dịch vụ du lịch.
“Đoàn Thanh niên đã đứng ra thế chấp cho các
hộ dân để mỗi nhà dân xây dựng từ 1- 2 phòng,
hoặc từ một cơ sở vật chất sửa chữa thành 1
phòng có thể đảm bảo được đón khách. Đoàn
Thanh niên tham mưu cho huyện phát hành 500
thư mời đi các địa phương trong cả nước theo
kênh của Đoàn Thanh niên. Đến cuối mùa hè
năm 2012, có 40 đoàn với khoảng 2.000 đoàn
viên thanh niên đến Cô Tô. Đây là những thuận
lợi bước đầu cho du lịch Cô Tô, là lượng khách
nhất định xuất phát từ chương trình đó theo chủ
trương của huyện” (PVS, H., nam, Phó bí thư
Huyện đoàn Cô Tô).
Về phía khách du lịch, qua khảo sát các
diễn đàn du lịch trên mạng internet cho thấy,
Số 32 (Tháng 6 - 2020)108
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Cô Tô ngày nay được khách du lịch, đặc biệt là
khách du lịch thuộc nhóm trẻ đánh giá là một
điểm đến hấp dẫn, chi phí hợp lý và là điểm
cần phải đến trong mùa vụ du lịch kéo dài từ
tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Thông tin
chi tiết về xe, tàu, giá nhà nghỉ, khách sạn và
các điểm cần phải đến trên đảo được giới trẻ
chia sẻ rất đầy đủ trên các diễn đàn internet,
facebook, twitter và các blog cá nhân. Ý kiến
phản hồi sau mỗi chuyến du lịch đi đến Cô Tô
thường tích cực. Các dịch vụ du lịch thường
được đánh giá cao là: ẩm thực, thái độ thân
thiện của người dân địa phương, môi trường
tự nhiên. Những bất cập thường được nhắc
đến là: thời gian di chuyển, phương tiện vận
chuyển và giá cả trong mùa cao điểm, những
ngày nghỉ cuối tuần.
Cô Tô có lợi thế so sánh với những điểm
du lịch biển trong đất liền là có môi trường tự
nhiên trong lành, môi trường xã hội chưa bị tác
động mạnh bởi hoạt động du lịch và nguồn tài
nguyên biển vô cùng phong phú có thể đáp
ứng và thỏa mãn nhu cầu khách du lịch ở mức
độ cao.
2.2. Khó khăn và hạn chế
Về tài nguyên du lịch nhân văn, việc tổ
chức lễ hội dân gian, các hình thức biểu diễn
dân gian, các sự kiện hiện đại và xây dựng
những điểm tham quan thắng cảnh chưa thực
hiện thường xuyên và quy mô còn nhỏ hẹp,
chưa khai thác hết được đặc điểm đa dân tộc
của cư dân huyện đảo Cô Tô. Huyện vẫn đang
xây dựng những điểm tham quan thắng cảnh
tâm linh như chùa, nhà thờ, và nâng cấp đền
thờ Bác Hồ nên văn hóa tâm linh chưa được
phát huy. “Tới đây, chúng tôi cần phải lựa chọn
và gây dựng một số điểm nhấn về hoạt động vui
chơi giải trí có tính hấp dẫn cao để phục vụ nhu
cầu giải trí của du khách, chứ hiện giờ Cô Tô vẫn
chưa có lễ hội truyền thống hay hiện đại nào đặc
sắc, hoạt động văn hóa giải trí trên đảo còn nghèo
nàn” (PVS, Th., nam, Trưởng phòng VH&TT).
Chính sách phát triển du lịch của huyện
đảo Cô Tô đã được hình thành và duy trì ổn
định từ năm 2012 đến nay. Hệ thống chính
sách này phù hợp với định hướng phát triển
du lịch chung của đất nước, của tỉnh và thỏa
mãn các điều kiện đặc thù khác của huyện.
Tuy nhiên, một số chính sách khác lại mâu
thuẫn với chính sách phát triển du lịch ở đây,
điển hình là việc huyện không khuyến khích
các doanh nghiệp ngoài đảo, ngoài tỉnh tham
gia vào hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở du
lịch do vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng
khu vực biển đảo và do chính sách bảo trợ cho
người dân bản địa hưởng quyền ưu đãi trong
lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Với chính sách ưu tiên cấp phép kinh doanh
du lịch cho doanh nghiệp địa phương và người
dân địa phương, sự góp mặt của các doanh
nghiệp mạnh ở ngoài huyện Cô Tô bị hạn chế
đáng kể, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế.
Đây là một trong những nét đặc thù, cũng là
vấn đề đặt ra trong chiến lược phát triển du
lịch biển đảo ở Cô Tô. Ngoài mục tiêu đảm bảo
an ninh quốc phòng khu biên giới biển, chính
quyền Cô Tô cần nghiên cứu một cơ chế phù
hợp với thực tiễn, cơ chế đó cần đảm bảo sự
tham gia của các doanh nghiệp lớn bên ngoài
đồng thời vẫn đáp ứng được những yêu cầu về
an ninh quốc phòng của huyện đảo.
Cô Tô là một hải đảo nằm ngoài vịnh Hạ
Long, nên thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi
sóng to gió lớn hơn so với các điểm du lịch
nằm sâu trong vịnh. Vấn đề thời tiết luôn có
tác động mạnh, đôi khi mang yếu tố quyết
định đến chính sách phát triển du lịch ở đây.
Thời tiết và những tác động của môi trường tự
nhiên mang tính bất khả kháng ở Cô Tô dẫn
đến hoạt động du lịch phải dựa trên những
đặc thù khí hậu, thời tiết để điều chỉnh theo, từ
đó, chúng quy định mùa vụ du lịch diễn ra tại
đây. Tác động thời tiết ở Cô Tô có thể gây nên
ảnh hưởng trên một số phương diện sau:
+ Hạn chế khả năng di chuyển, đi lại, vận
chuyển khách du lịch: Khi có bão, hoặc đơn
giản có gió lớn trên biển; sóng biển cấp 5, cấp 6
thì mọi chuyến tàu ra đảo, dù là tàu gỗ hay tàu
109Số 32 (Tháng 6 - 2020)
VĂN HÓA DU LỊCH
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
cao tốc đều bị cấm di chuyển. Khách du lịch đi
trong thời điểm này đều phải nghỉ và chờ đợi ở
cảng Cái Rồng hoặc những cảng khác làm gia
tăng chí phí cho chuyến đi và tạo tâm lý không
tốt đối với du khách. Thời gian cấm di chuyển
cũng ảnh hưởng lớn đến hệ thống khách sạn,
nhà nghỉ, ăn uống và các dịch vụ bổ sung khác
trên đảo do không bán được sản phẩm gây
lãng phí nguồn lực, đặc biệt đối với các doanh
nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ.
+ Các bãi biển không thể đón tiếp khách du
lịch: Đặc thù của du lịch biển là phụ thuộc lớn
vào thời tiết, khi thời tiết đẹp, có nắng, nhiệt độ
phù hợp, khách du lịch sẽ đi tắm biển và tham
quan nhiều; ngược lại, khi trời âm u, nhiệt độ
quá lạnh (mùa đông) các bãi biển là nơi không
phù hợp cho các hoạt động tắm biển, ngắm
cảnh, thưởng thức ẩm thực biển và chụp ảnh.
Tác giả đã tiến hành một chuyến đi khảo sát
điền dã vào tháng 1 và nhận thấy các bãi biển
Vàn Chải, Hồng Vàn, ở đảo Cô Tô hầu như
không có khách. Các dịch vụ du lịch trong thời
điểm này ngưng hoạt động; trên biển và bãi
biển chỉ có các hoạt động lao động sản xuất
của người dân địa phương. Đây là một sự lãng
phí rất lớn, tuy nhiên là điều không tránh khỏi
đối với các điểm du lịch biển khi thời tiết miền
Bắc không thuận lợi cho phát triển du lịch biển
như các vùng biển ở miền Nam.
Yếu tố thời tiết gây nên những tác động
không nhỏ đến hoạt động du lịch, đặc biệt
chúng tạo nên tính thời vụ trong du lịch tại
huyện đảo Cô Tô. Thời điểm cho hoạt động du
lịch nhộn nhịp chủ yếu tập trung vào khoảng
thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
Như vậy trong một năm, Cô Tô chỉ có thể đón
tiếp khách du lịch trong 5 tháng; 7 tháng còn
lại, lượng khách đến rất ít gây nên sự lãng phí
lớn cho các cơ sở kinh doanh du lịch như nhà
nghỉ, khách sạn, trong đó có loại hình kinh
doanh du lịch homestay. Trong lĩnh vực kinh
doanh khách sạn, nhà nghỉ, thời gian khách
không đến lưu trú hay công xuất phòng không
đạt ngưỡng 50% đã gây nên những khấu hao,
khả năng thu hồi vốn và những chi phí phát
sinh cho bảo dưỡng duy trì phòng phục vụ
khách du lịch. Đối với người dân bản địa, thu
nhập từ du lịch bị ngắt quãng tạo nên tính
không ổn định trong nghề nghiệp và họ phải
tự tìm những ngành nghề khác để kiếm sống.
Đây chính là lý do mà Cô Tô nên chú trọng phát
triển loại hình du lịch homestay như là một sản
phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển du
lịch của mình.
Cô Tô là một huyện đảo có khoảng cách
tương đối xa tính từ đất liền, hoạt động phát
triển du lịch mới chỉ thực sự bắt đầu chưa được
10 năm, một trong những khó khăn của huyện
đảo là ít được khách du lịch biết đến, do đó, việc
quảng bá sản phẩm du lịch cần phải được đẩy
mạnh. Tuy nhiên, hiện nay việc quảng bá cho
du lịch Cô Tô chưa được tiến hành một cách hệ
thống và chuyên nghiệp. Công tác quảng cáo,
giới thiệu về điểm du lịch chủ yếu chỉ tập trung
vào các trang mạng internet tiếng Việt, chưa
có những sự kiện lớn được tổ chức trên đảo và
việc giới thiệu chưa đầy đủ, mới chỉ tập trung
vào bãi biển, cảnh quan mà chưa chú trọng
vào ẩm thực, sản phẩm địa phương, văn hóa
biển, thái độ hiếu khách chân thành của người
bản địa.
Cùng với việc phát triển du lịch thì vấn đề
vệ sinh môi trường hiện cũng đang trở thành
vấn đề cần phải đặc biệt chú trọng giải quyết.
“Trước đây trên địa bàn thị trấn Cô Tô, 1 ngày có
khoảng 5 tấn rác, bây giờ có khi lên tới mười mấy
tấn. Trước đây, đường đi lại sạch, không có cát
như bây giờ. Nay giao thông đi lại quá tải, đường
bị hỏng do xe công trình có trọng lớn đi qua. Bên
cạnh đó, môi trường, không khí cũng bị ô nhiễm.
Trước đây, từ người già ở Hà Nội ra đây rất thích
không khí Cô Tô, mùa hè đi xe điện không có tý
bụi nào, bây giờ, đi xe điện từ bãi tắm về có thể
thấy đất đỏ cuộn lên, không còn sạch sẽ như
trước nữa” (PVS, Th., nam, cán bộ hưu trí, chủ
hộ kinh doanh du lịch homestay).
Số 32 (Tháng 6 - 2020)110
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Như vậy, để giữ gìn cảnh quan môi trường
trong sạch, đẹp là những giá trị cốt lõi của sản
phẩm du lịch nói chung và homestay nói riêng
trên đảo Cô Tô, cần phải giải quyết những vấn
đề như xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi
trường, bảo vệ tài nguyên rừng và tài nguyên
biển (khôi phục lại hệ sinh thái rạn san hô do bị
khai thác quá mức) để phát huy được hết thế
mạnh riêng có của mình, hướng tới mục tiêu
phát triển bền vững.
3. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn
tài nguyên để phát triển bền vững loại hình
du lịch homestay ở Cô Tô
DLCĐ homestay trên huyện đảo Cô Tô có
một quá trình phát triển tương đối khác biệt
so với các điểm DLCĐ homestay khác trên toàn
quốc: Thứ nhất, nếu như các điểm homestay
khác chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên nhân
văn, con người như các điểm dân tộc thiểu
số, làng Việt cổ, thì Cô Tô lại chủ yếu dựa vào
nguồn tài nguyên sinh thái tự nhiên như biển,
rừng và vị trí địa lý để phát triển DLCĐ. Thứ
hai, không giống các điểm homestay khác
như suối Voi, Sapa, làng cổ Bắc Ninh, bản Lác
được các tổ chức phi chính phủ định hướng
phát triển (như SNV - tổ chức phát triển Hà
Lan, UNDP - dự án phát triển Liên hợp quốc
và JICA của Nhật), du lịch homestay ở Cô Tô
được hình thành một cách tự phát. Do vậy, để
phát triển loại hình DLCĐ homestay ở huyện
đảo Cô Tô, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, học
hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đang
phát triển loại hình du lịch này, đồng thời
phải bám sát vào điều kiện, thế mạnh về tài
nguyên môi trường sinh thái tự nhiên để xây
dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thực tế
của huyện đảo Cô Tô.
Nhìn chung, DLCĐ homestay được chính
quyền huyện đảo và ngành Du lịch non trẻ
tại đây xem là loại hình du lịch phù hợp với
điều kiện hiện nay của Cô Tô. Bên cạnh việc
mở rộng thêm các hình thức kinh doanh lưu
trú khác như các khách sạn cao cấp, nhà nghỉ,
khách sạn trung cấp thì việc phát triển và quy
hoạch du lịch homestay một cách bài bản
cũng được đặt ra như một mục tiêu để phát
triển du lịch bền vững. Theo quan sát của tác
giả, với tốc độ gia tăng số lượng nhà nghỉ,
khách sạn như hiện nay, trong tương lai không
xa, loại hình du lịch homestay có thể bị cạnh
tranh từ nhiều phía trong ngành Du lịch. Nếu
không có sự định hướng phù hợp cùng với
sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, loại hình
du lịch thân thiện với môi trường này khó có
khả năng giữ vững được vị trí của nó như thời
gian đầu ngành Du lịch manh nha phát triển
trên huyện đảo, thay vào đó là các hoạt động
du lịch khác có mức độ tiêu thụ tài nguyên tự
nhiên lớn, ảnh hưởng môi trường xã hội nhân
văn trầm trọng và có thể mang lại những hệ
quả tiêu cực, rút ngắn chu kỳ vòng đời sản
phẩm du lịch. Với thực trạng đang diễn ra, cần
có sự quản lý và sử dụng một cách hiệu quả
các nguồn tài nguyên sinh thái tự nhiên, nhân
văn, ưu tiên phát triển loại hình du lịch thân
thiện với môi trường homestay ở Cô Tô.
Hiện tại, trên huyện đảo đã xuất hiện hệ
thống các khách sạn, nhà nghỉ lớn khá chuyên
nghiệp, tuy nhiên, việc đón tiếp khách du
lịch vẫn một phần phải dựa vào loại hình du
lịch homestay, bởi lượt khách đến huyện đảo
quá đông trong mùa cao điểm (theo thống
kê của UBND huyện Cô Tô, mùa du lịch 2018,
có 240.000 lượt du khách, trong đó du khách
quốc tế là 4.541 lượt, tăng 121% so với năm
2017) [3]. Du lịch phát triển nhanh chóng dẫn
đến khó khăn trong việc quyết định phát triển
các điểm đến du lịch, đó là, nên trao quyền
quản lý nguồn tài nguyên, khai thác cho
những đối tượng nào: chính quyền, doanh
nghiệp, người dân địa phương hay là sự hợp
tác giữa ba chủ thể cung ứng dịch vụ du lịch
đó. Hiện nay, Cô Tô đang phải đối mặt với tình
trạng tranh chấp lợi ích thu được từ việc khai
thác nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên
đất quy hoạch phục vụ du lịch, các bãi biển,
các loại hình giải trí gắn với biển. Thêm nữa,
111Số 32 (Tháng 6 - 2020)
VĂN HÓA DU LỊCH
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
việc xác định dành nguồn tài nguyên du lịch
để phát triển loại hình du lịch nào cũng đang
là một vấn đề lớn cần lời giải của ngành Du
lịch. Câu hỏi cho ngành Du lịch ở đây là nên duy
trì hình thức homestay truyền thống hay là để
các doanh nghiệp đầu tư hệ thống nhà nghỉ,
khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch phát
triển một cách điển hình như những trung tâm
du lịch biển khác ở khu vực Quảng Ninh, Hải
Phòng và những địa phương có biển khác?
Du lịch homestay là một hình thức du lịch
được phát triển dựa vào cộng đồng (Community
- Based Tourism). Nguyên tắc phát triển loại
hình du lịch này là lấy cộng đồng làm trung
tâm; trao quyền cho họ trong công tác lập kế
hoạch, làm chủ những sản phẩm du lịch từ đó
họ kiểm soát phần lớn nguồn thu từ du lịch,
nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo và nâng
cao đời sống vật chất - tinh thần. Tuy nhiên,
đối với Cô Tô, hiện tượng khách du lịch tăng
đột biến và có xu hướng trở thành một điểm
du lịch lớn lại tạo ra những tác động chưa thể
dự báo trước và xuất hiện nhu cầu đầu tư du
lịch mạnh mẽ chứ không chỉ đơn thuần là
phát triển hình thức du lịch homestay như thời
điểm ban đầu. Tín hiệu đáng mừng là loại hình
du lịch homestay xuất hiện từ năm 2010 và
được triển khai chính thức từ năm 2012 ở Cô
Tô, sau gần 10 năm hoạt động đã phát triển
từ vài hộ kinh doanh ban đầu lên con số trên
60 hộ đăng ký kinh doanh hiện nay với chất
lượng dịch vụ ngày một ổn định. Việc gia tăng
mạnh lượng khách du lịch tạo ra một mâu
thuẫn là nên đặt việc khai thác tài nguyên du
lịch vào các công ty du lịch (nhà nước, tư nhân)
có nguồn vốn dồi dào hay vẫn duy trì việc khai
thác chúng trong đối tượng người dân địa
phương kinh doanh du lịch homestay? Nếu
để cho các doanh nghiệp du lịch khai thác,
vị thế và lợi ích của người dân địa phương có
thể bị suy giảm và phụ thuộc; còn nếu chỉ để
cho người dân khai thác, ngành Du lịch sẽ khó
phát triển mạnh mẽ và phát huy tối đa tiềm
năng du lịch tại đây.
Để khai thác du lịch nói chung, DLCĐ nói
riêng, cũng như giải quyết vấn đề quản lý,
phát triển nguồn tài nguyên, cần phải hướng
tới mục tiêu cân bằng lợi ích của các chủ thể
cung ứng du lịch (chính quyền, doanh nghiệp,
người dân địa phương). Các giải pháp cần tập
trung vào những hướng sau:
- Ngành Du lịch cần phối hợp với ngành
Tài nguyên môi trường, địa chất, chính quyền
địa phương xây dựng bản đồ chi tiết, trong đó
nghiên cứu kỹ lưỡng khu vực nào có thể để
doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và khu
vực nào dành cho phát triển du lịch homestay.
Việc xây dựng bản đồ tài nguyên du lịch cần
khách quan, tránh tình trạng phải di chuyển
những khu dân cư có sẵn. Các khu vực dành
cho doanh nghiệp cần phải xác định là ở
những địa điểm đẹp, ít nhà dân cư trú và cần
cải tạo (công việc cải tạo đất và mặt bằng nằm
trong khả năng của doanh nghiệp trong khi
đó rất khó khăn đối với các hộ gia đình).
- Việc duy trì nghề cá và dịch vụ du lịch cần
phải được cân đối và không làm ảnh hưởng
lẫn nhau trong mùa cao điểm. Bãi biển là nơi
người dân tập kết sản phẩm đánh bắt được,
đồng thời cũng là ngư trường của họ. Tuy
nhiên, khi hoạt động du lịch được ưu tiên,
chính quyền địa phương cần xác định đâu là
nơi đánh bắt và tập kết hải sản, đâu là nơi dành
cho hoạt động du lịch. Để đạt được mục đích
này, chính quyền nên quy định một khu vực cụ
thể cho ngư dân và nghiên cứu khai thác du
lịch ở những bãi biển có điều kiện thuận lợi.
Nếu lợi ích giữa du lịch và ngư nghiệp cản trở
lẫn nhau, chính quyền có thể đầu tư xây dựng
cảng cá riêng ở vị trí tương đối xa so với những
bãi tắm truyền thống.
- Trong hoạt động cung cấp thông tin cho
khách du lịch, ngành Du lịch địa phương có thể
giới thiệu cả hai loại hình lưu trú là du lịch lưu
trú homestay - nhấn mạnh đến trải nghiệm,
tiếp xúc nhiều với người dân bản địa và du
lịch “truyền thống” lưu trú tại khách sạn, nhà
Số 32 (Tháng 6 - 2020)112
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
nghỉ, ít tiếp xúc với người dân bản địa. Việc ưu
tiên giới thiệu cho du khách đến các nhà nghỉ,
khách sạn là hành động lấy đi quyền tham gia,
công việc, thu nhập từ du lịch của người dân
bản địa và đi ngược lại với mục đích phát triển
DLCĐ ban đầu.
- Ngành Du lịch có thể nghiên cứu thị
trường mục tiêu khác nhau cho các loại hình
du lịch khác nhau. Ví dụ, loại hình du lịch
homestay có thể hướng vào thị trường khách
du lịch nước ngoài, những người có mong
muốn cao trong việc trải nghiệm văn hóa, lối
sống người bản địa; loại hình du lịch hiện đại
có thể lấy khách du lịch nội địa - những người
có nhiều hiểu biết về văn hóa bản địa làm thị
trường mục tiêu.
Có nhiều giải pháp khác nhau trong việc
khai thác nguồn tài nguyên, vấn đề tiên quyết
đặt ra là các giải pháp cần phải đảm bảo tính
công bằng trong việc sử dụng các nguồn tài
nguyên và mọi chủ thể cần phải được hưởng
lợi ích từ du lịch mang lại cho địa phương.
Kết luận
Huyện đảo Cô Tô có những điều kiện phù
hợp để phát triển loại hình DLCĐ homestay.
Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền Cô Tô cũng xem
DLCĐ là một sản phẩm chủ đạo trong chiến
lược phát triển du lịch của địa phương. Tuy
nhiên, khảo sát thực địa cho thấy, với tốc độ
gia tăng số lượng nhà nghỉ, khách sạn như
hiện nay, loại hình du lịch homestay đang bị
cạnh tranh bởi nhiều loại hình lưu trú khác.
Nếu không có sự định hướng phù hợp cùng
với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, loại hình
du lịch thân thiện với môi trường này khó có
khả năng giữ vững được vị trí của nó như thời
gian đầu ngành Du lịch manh nha phát triển
trên huyện đảo, thay vào đó là các hoạt động
du lịch khác có mức độ tiêu thụ tài nguyên tự
nhiên lớn, ảnh hưởng đến môi trường xã hội
nhân văn và có thể mang lại những hệ quả
tiêu cực, rút ngắn chu kỳ vòng đời sản phẩm
du lịch. Tóm lại, để đảm bảo sự phát triển bền
vững, phù hợp với nhiều mục tiêu khác nhau:
an ninh quốc phòng, nâng cao thu nhập cho
người có điều kiện kinh tế thấp trên đảo,
chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời, bảo vệ
và giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, nhân
văn ở Cô Tô thì việc duy trì và tạo sự ưu tiên cho
DLCĐ cần phải được xác định là mục tiêu quan
trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện phát
triển sản phẩm du lịch nơi đây.
N.A.T
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011), Quyết định
số 457/QĐ-BKHĐT Phê duyệt quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội của vùng biển đảo Cô Tô,
tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2008),
Thông tư số 88 Hướng dẫn thực hiện Nghị định
số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Du lịch về lưu trú du lịch.
3. Phạm Học (2018), “Năm 2018: Cô Tô đón
hơn 24 vạn lượt khách”,
com.vn/du-lich/201812/nam-2018-co-to-don-
hon-24-van-luot-khach-2414541/
4. Nguyễn Anh Tuấn (2015), Phát triển du lịch
homestay ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, Đề
tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Văn hóa
Hà Nội.
5. UBND huyện Cô Tô (2014), Quy hoạch phát
triển du lịch huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày nhận bài: 02 - 6 - 2020
Ngày phản biện, đánh giá: 12 - 6 - 2020
Ngày chấp nhận đăng: 25 - 6 - 2020
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- phat_trien_loai_hinh_du_lich_homestay_o_huyen_dao_co_to_tinh.pdf