Kết luận
Do có nhiều tương đồng về không gian, địa lý và bối cảnh lịch sử, nguồn tài nguyên
DSVH các nước Đông Nam Á đều được sở hữu nét đặc trưng Á Đông riêng không thể hòa lẫn.
Trước/trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thời kỳ 4.0 hiện nay, sự tương đồng trên là cơ sở,
nền tảng thuận lợi để tạo ra liên kết mới cùng với những cam kết mạnh mẽ trong quản lý, bảo tồn
và phát triển du lịch DSVH ASEAN, góp phần vào sự thịnh vượng chung của khu vực cũng như
các nước thành viên. Tăng cường sự liên kết hợp tác các DSVH nói riêng và mối liên hệ trong
khu vực nói chung trong việc thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2025, phát triển ASEAN thành điểm
đến du lịch chất lượng cao với những trải nghiệm độc đáo, đa dạng”. Với những ý nghĩa trên, sự
liên kết giữa bộ ba: Quản lý – bảo tồn – phát triển du lịch DSVH cũng như sự kết nối, hợp nhất
giữa các thành viên ASEAN chính là sự chung tay giữ gìn văn hóa và DSVH quá khứ cho tương
lai và sự phát triển bền vững.
12 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 503 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và sự kết nối, phát triển du lịch Việt Nam – Asean bền vững trong thời đại số, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100 89
Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và sự kết nối, phát triển du lịch
Việt Nam – Asean bền vững trong thời đại số
Hoàng Thùy Linh1*, Ngô Thị Kim Liên2
1Trường Đại học Văn Lang
2Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
*Tác giả liên hệ, Email: linhan274.lh@gmail.com
THÔNG TIN TÓM TẮT
Ngày nhận: 25/05/2020
Ngày nhận lại: 21/07/2020
Duyệt đăng: 23/08/2020
Từ khóa:
quản lý, bảo tồn di sản văn
hóa, phát triển du lịch bền
vững
Keywords:
management, conservation of
cultural heritage, sustainable
tourism development
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra những nguy cơ,
thách thách đối với tài nguyên DSVH cũng như công tác quản
lý, bảo tồn DSVH của Việt Nam và ASEAN, mối quan hệ biện
chứng giữa quản lý, bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) và phát
triển du lịch bền vững; từ đó xây dựng một số giải pháp kết nối
DSVH, phát triển du lịch ASEAN bền vững trong thời đại số.
Với các phương pháp lịch sử, logic, phân tích, tổng hợp, nghiên
cứu đã chỉ ra được trong thời đại số và hội nhập quốc tế, tài
nguyên DSVH và công tác quản lý, bảo tồn DSVH của Việt
Nam, ASEAN đứng trước nhiều tác động lớn. Do vậy, cần bằng
mối quan hệ giữa quản lý, bảo tồn DSVH với phát triển du lịch
có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Di sản
và Du lịch. Việc kết nối DSVH, phát triển du lịch ASEAN được
coi là giải pháp hữu hiệu cho sự thống nhất chung và sự phát
triển phồn thịnh của khu vực.
ABSTRACT
The study was conducted in order to find out the risks and
challenges to the cultural heritage resources as well as the
management and conservation of cultural heritage of Vietnam
and ASEAN, dialectical relationship between management,
conservation of cultural heritage and sustainable tourism
development; Since then, building some solutions aim to
connect cultural heritage and sustainably develop ASEAN
tourism in the digital age. By using historical methods, logic,
analysis and synthesis, the study has shown that in the digital
age and international integration, cultural heritage resources and
the management and conservation of cultural heritage of
Vietnam and ASEAN are facing many great impacts. Therefore,
balancing the relationship between the management,
conservation of cultural heritage and tourism development plays
an important role in heritage development strategy and tourism
industry. Connecting cultural heritage and developing ASEAN
tourism is considered an effective solution for the general unity
and prosperous development of the region.
90 Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100
1. Giới thiệu
Việt Nam - ASEAN là “thiên đường” DSVH, là một trong những điểm đến du lịch hấp
dẫn nhất hành tinh. Khách du lịch đến khu vực ASEAN đều muốn trải nghiệm các DSVH và tôn
giáo đa dạng, truyền thống dân tộc và kiến trúc thời thuộc địa. Đối với xã hội đương đại, DSVH
trở thành chìa khóa mở cánh cửa quá khứ, kết nối họ với những thành tựu tiêu biểu của quá trình
phát triển lịch sử, văn hóa – xã hội để tìm ra những giải pháp tối ưu góp phần cải tạo thực tại,
hướng tới phát triển bền vững. Trong xu thế toàn cầu hóa, cùng với sự bùng nổ của internet và
công nghệ thông tin đã mang đến cơ hội hợp tác kinh tế, trao đổi tri thức, giao lưu giữa các nền
văn hóa. Bối cảnh đó cùng với sự sáng tạo, thúc đẩy khám phá với những cam kết mạnh mẽ đối
với bảo tồn, kết nối và phát huy giá trị DSVH là một trong những tiền đề quan trọng tạo ra liên
kết mới để phát triển du lịch Việt Nam – ASEAN bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung
của khu vực cũng như các nước thành viên.
2. Tài nguyên di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại
2.1. Tài nguyên di sản văn hóa Việt Nam
DSVH là một thuật ngữ thường được sử dùng để chỉ các sản phẩm vật chất, tinh thần,
được chắt lọc từ quá khứ có tính lịch sử, văn hoá, khoa học. Đó là một trong số thuật ngữ được
định nghĩa nhiều nhất (sau thuật ngữ “văn hóa”). Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Jukka
Jokilehto (Jokilehto, 2005) đã tuyển chọn được 60 định nghĩa về DSVH/tài sản văn hóa. Tuy
nhiên về DSVH của tổ chức UNESCO thường được sử dụng phổ biến. Theo “Công ước Bảo vệ
DSVH và thiên nhiên của thế giới” UNESCO xác định DSVH gồm các di tích, quần thể kiến trúc
và thắng cảnh. Tuy nhiên trong thực tế, di sản không phải lúc nào cũng có thể phân loại rõ ràng.
Một điểm di sản không đơn thuần hoàn toàn là văn hóa hoặc thiên nhiên, vật thể hay phi vật thể.
McManus (McManus, 1997) từng đưa ra quan điểm về sự thận trọng trong việc phân chia và
nhóm gộp di sản. Bởi tư duy máy móc sẽ dẫn đến việc phân loại sai do con người và cảnh quan
có mối liên quan năng động, khăng khít từ khởi thủy. Chính sự không rõ ràng đó đã tạo nên sự
đa diện, đa dạng, đa loại của tài nguyên DSVH.
Thực tế chứng minh, sự khác biệt văn hóa, đa diện, đa loại, đa dạng của DSVH là một
trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hút, lực hấp dẫn đối với việc quảng bá hình ảnh quốc
gia; đồng thời, tạo nên nguồn lợi không nhỏ của tổng thu nhập quốc dân. Tổ chức Du lịch thế
giới ước tính: 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực tìm hiểu văn hóa. Khách du lịch DSVH
đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn những khách
du lịch khác (Pham Phuong, 2015). Ở một số quốc gia giá trị DSVH đóng góp khoảng 10% GDP
hàng năm. Điển hình, Italia mỗi năm thu hút trên 50 triệu khách quốc tế và đem lại nguồn thu
gần 170 tỷ USD (xấp xỉ 85% tổng GDP của Việt Nam năm 2016) (Vu, 2017). Do vậy, loại tài
nguyên đặc biệt này không chỉ là đối tượng thụ động nhận sự đầu tư, quan tâm của nhà nước,
cộng đồng mà còn; là nguồn “nguyên liệu” đầu vào để phát triển du lịch văn hóa, tạo ra sản
phẩm và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội to lớn. Mặc dù được đánh giá là dữ
liệu, chìa khóa quan trọng để mở cách cửa quá khứ và chứa đựng giá trị đa diện quá khứ - hiện
tại – tương lai nhưng “đáng tiếc, nhiều tài nguyên văn hóa đã không được phát huy đúng cách.
Chúng ta cần biến những tài nguyên này thành những nguồn lực cho hiện tại và tương lai”
(Yamashita, 2010).
Việt Nam là một quốc gia thiên về âm tính đã tạo nên cách ứng xử sự hài hòa, tiếp biến,
dung hợp. Chính điều đó đã mang đến cho Việt Nam kho tàng DSVH: gần 40 nghìn di sản vật
thể, 60 nghìn di sản phi vật thể. đáng chú ý có: 8 DSVH và thiên nhiên thế giới được UNESCO
Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100 91
công nhận1 ; 2 DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp2; 7 DSVH phi vật thể đại diện của
nhân loại3; 3000 lễ hội dân gian thể hiện sự độc đáo về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân
tộc Việt Nam. Với sự phong phú, đa đạng, du lịch di sản đã có nhiều đóng góp quan trọng cho
phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch:
Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16,2% so với năm trước. Năm 2018, ngành
du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 8,39% GDP; tăng 21,4% so với năm 2017. Giai đoạn 2011-
2018, tổng thu từ khách du lịch tăng 4,8 lần (25%/năm). Về xã hội, năm 2018, ngành du lịch tạo
ra gần 1,1 triệu việc làm trực tiếp trong tổng số gần 3 triệu việc làm liên quan đến du lịch với
hơn 1.985 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 28.000 cơ sở lưu trú (tăng hơn 2 lần so với năm 2011).
Chỉ tính riêng 8 Di sản vă hóa thế giới, năm 2017 đã thu hút gần 16 triệu lượt khách trong nước
và quốc tế thu về hơn 2.500 tỷ đồng (Luu, 2019). Nhiều sản phẩm di lịch DSVH trở thành
thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến cũng
như sản phẩm du lịch của Việt Nam, thúc đẩy kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên
vùng và quốc tế. Những con số trên đã nói lên giá trị và vai trò của DSVH đối với ngành du dịch
Việt Nam; đồng thời, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa và hình ảnh Việt Nam trong khu vực
cũng như trên thế giới.
Năm 2019, đánh dấu thành công của di lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên
18 triệu lượt người, con số cao nhất từ trước đến nay (Luu, 2019); đồng thời, được World Travel
Awards vinh danh ở hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Dù vậy, nguồn tài nguyên
DSVH Việt Nam vẫn bị đánh giá vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng vốn có. Đặc biệt,
phải đối diện với nhiều thách thức lớn về tư duy, thực trạng của thời kỳ đổi mới đất nước, hiện
tượng biến đổi khí hậu, xu thế toàn cầu hóa và thời đại số trên thế giới. Đó là:
a. Sự xung đột lợi ích: Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình kinh tế, Việt Nam từng bước
ứng dụng có hiệu quả mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và đạt được nhiều thành tựu
về kinh tế, văn hóa, xã hội. Với văn hóa, chính sự chuyển đổi, quá độ đó, một mặt góp phần làm
phong phú nên văn hóa dân tộc; nhưng mặt khác, đó là sự giằng co, đấu tranh, giằng xé giữa cũ -
mới, tốt - xấu, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điều đó khiến nhiều truyền thống tốt đẹp
của dân tộc dần mai một, một số giá trị tích cực trong nhân sinh quan của người Việt bị đẩy
xuống hàng thứ cấp nhường chỗ cho hai cặp phạm trù song sinh “tiền” – “quyền”, gây khủng
hoảng niềm tin và đứt gẫy hệ hệ giá trị. Điều đó đã khiến cho di sản phải tồn tại trong một xã hội
đang chứa đựng nhiều xung đột lợi ích. Sự xung đột lợi ích trong cách đánh giá giá trị di sản;
xung đột lợi ích giữa quản lý, bảo tồn và khai thác di sản; xung đột lợi ích giữa kinh tế với văn
hóa, giữa cộng đồng chủ thể của di sản với các nhà quản lý, nghiên cứu... Minh chứng điển hình
cho một trong số xung đột lợi ích kể trên là: việc xây dựng nhiều khu đô thị, thương mại hoặc
khu du lịch sinh thái – tâm linh của một số tập đoàn lớn như Sun Group, FLC, Vin Group không
được khảo sát khai quật khảo cổ học thực thi Luật Di sản trước khi xây dựng; hay việc di chuyển
dân cư và sự thay đổi không gian sinh sống, các hoạt động thương mại hóa các hoạt động văn
hóa của tộc người, các nhóm người... Bằng một trong những cách đó di sản vật thể, môi trường
1 Bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Đô thị cổ Hội An (1999), Khu đền tháp
Mỹ Sơn (1999), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long
(2010), Thành nhà Hồ (2011) và Quần thể danh thắng Tràng An (2014).
2 Bao gồm: Ca trù (2009) và hát Xoan Phú Thọ (2011).
3 Bao gồm: Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Huế (2008), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Quan
họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở
Phú Thọ (2012), Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2013), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014).
92 Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100
di sản biến mất, di sản phi vật thể bị triệt tiêu hoặc biến dạng. Thực trạng trên đã khiến cho nhà
quản lý đứng trước sự lựa chọn: Sức cám dỗ của các dự án bất động sản, sự bành trướng của các
tập đoàn kinh tế lớn mang đến những miền đất hứa hay giữ gìn, bảo tồn tính nguyên vẹn giá trị
văn hóa của tài nguyên di sản.
b. Nguồn nhân lực làm di sản: Trong một số bài viết hoặc các công trình nghiên cứu gần
đây là nêu ra một số nguyên nhân khiến chính sách, chiến lược về tài nguyên DSVH chưa được
triển khai hiệu quả là do: Đội ngũ người làm di sản vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu
cầu thực tế hiện nay; chương trình đào tạo bị động, đơn lẻ, ít đổi mới và chưa thường xuyên cập
nhật vấn đề, cách thức xử lý tình huống mang tính thời sự; tầm nhìn đơn ngành, kiến thức đào
tạo chưa thực sự có tính thời đại để người thực hành di sản có những giải pháp phù hợp trước
những biến đổi không ngừng của hoàn cảnh cụ thể; “công tác nghiên cứu, đánh giá và thu thập
thông tin còn nặng về giấy tờ, thủ tục, chưa có những tiếp cận liên ngành đồng bộ trong đánh giá
giá trị tài nguyên di sản để đưa ra phương thức bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp và khoa học”
(Lam, Chu, & Nguyen, 2019).
c. Kinh phí và cơ chế chính sách: Nguồn kinh phí cho việc bảo tồn trùng tu và phát huy
di sản chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước dẫn đến tình trạng thiếu hụt kinh phí, thậm chí nhiều
trường hợp không được sử dụng hiệu quả. Để hỗ trợ kinh phí cho công tác trên, một trong số
biện pháp hữu hiệu hiện nay của Việt Nam là thực hiện xã hội hóa. Tuy nhiên, mặt trái kinh phí
xã hội hóa khiến cho việc quản lý, bảo tồn trùng tu và phát huy di sản phụ thuộc vào lợi ích và
đáp ứng yêu cầu của bên cấp tiền, cá biệt có những yêu cầu chỉ có thể đáp ứng lợi ích kinh tế
nhóm mà không phù hợp với các tiêu chí khoa học và Luật Di sản. Để tháo gỡ những bất cập,
khó khăn, Nhà nước đã xây dựng một số chính sách, giải pháp trong công tác bảo tồn, và phát
huy giá trị tài nguyên di sản nhưng sự thụ động, ỷ lại trông chờ của chính quyền, cộng đồng ở
một số địa phương khiến di sản bị tách ra khỏi cộng đồng, biến thành xa lạ. Bên cạnh đó, khác
với sự thờ ơ, là sự quan tâm, chăm chút khai thác, tận thu từ di sản, thậm chí hiểu sai vấn đề của
công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của không ít địa phương và cộng đồng dân cư đã làm
xuất hiện hiện tượng di sản hóa di sản, nhận danh hiệu di sản để “làm tiền” hay hội chứng “Di
sản Thế giới” làm biến dạng tính chất, ý nghĩa và giá trị của tài nguyên di sản.
Trước những thách thức, khó khăn trên, để bảo tồn và phát huy giá trị, ý nghĩa to lớn của
DSVH đối với mọi cá nhân cũng như cộng đồng, tài nguyên DSVH Việt Nam không những tiếp
tục tồn tại, là biểu tượng cho sự thăng hoa sáng tạo của con người mà còn phải hướng đến kết nối
di sản, phát triển du lịch DSVH bền vững, truyền thống dân tộc, thúc đẩy phát triển ngành du
lịch của khu vực. Đây là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế các nước
ASEAN.
2.2. Tài nguyên di sản văn hóa ASEAN
ASEAN là khu vực có nhiều DSVH thế giới và trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du
khách toàn cầu. UNESCO đã công nhận 38 đia danh là Di sản Thế giới (trong đó có 23 DSVH, 1
Di sản hỗn hợp) (Huy Vu, 2019) tại 9 quốc gia ở Đông Nam Á bởi sự độc đáo của các giá trị văn
hóa, cảnh quan và bối cảnh lịch sử. Trong những năm qua, các nước khu vực ASEAN, đã có
những bước tiến quan trọng cho việc khẳng định giá trị, vị thế các di sản, đặc biệt phải kể đến 4
quốc gia đang nắm giữa 27 trong số 38 Di sản Thế giới ở Đông Nam Á có trong danh sách của
UNESCO, đó là Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippine. Với thế mạnh đó, năm 2018, các
nước ASEAN đã đón hơn 129 triệu du khách và theo Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016
– 2025, dự kiến năm 2025 sẽ đón 152 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2025 và 187 triệu vào
năm 2030 (Huy Vu, 2019); đồng thời dự kiến đến năm 2027, các Di sản sản thế giới sẽ được dự
báo đóng góp 563 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN với mức tăng trưởng
Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100 93
5,7% (Huy Vu, 2019). Những con số hiện thực và dự đoán trên đã minh chứng cho một bức
tranh khởi sắc về giá trị di sản và phát triển du lịch của ASEAN. Song đi cùng với thành quả đó
là hiện trạng quá tải du lịch, khiến sự phát triển của văn hóa, xã hội (minh họa Bảng 1), từng loại
di sản đang đối diện với nguy cơ hủy hoại.
Đối với DSVH vật thể: Hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm, chiến tranh, xung
đột tôn giáo, tin ngưỡng hoặc đứt gẫy truyền thống do sự khác biệt, sai lầm trong quan điểm tại
một thời điểm lịch sử nhất định khiến nhiều công trình tôn giáo bị phá hủy một cách vô tình hoặc
hữu ý. Thêm vào đó, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo chưa hợp lý dẫn đến hiện tượng “hiện đại
hóa” và “hoành tráng hóa” di tích làm phá vỡ khối kiến trúc, tính chân thực và lịch sử của di tích.
Đối với DSVH phi vật thể: Nhiều di sản bị mai một, thất truyền, thậm chí bị trộn lẫn, pha
tạp với những xu hướng hiện đại và các loại hình khác. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều
nguyên do khách quan và chủ quan. Bản thân các loại hình DSVH phi vật thể tồn tại trong trí
nhớ, lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng nên sự biến đổi nhanh và mạnh là điều
khó nhận biết, tránh khỏi bằng cả cách định tính và định lượng. Nghệ nhân dân gian là những
người lưu giữ bí quyết và trao truyền các loại hình DSVH phi vật thể chưa được đề cao và tạo
điều kiện đúng mức. Thêm vào đó, quá trình di dân, đô thị hóa, toàn cầu hóa khiến cho chủ thể
của di sản có nhiều thay đổi dẫn đến “mỗi tương tác, tình yêu và trách nhiệm đối với di sản suy
giảm, nhiều tri thức bản địa biến mất hoàn toàn (Lam, Chu, & Nguyen, 2019).
Bên cạnh những nguy cơ hủy hoại lớn, hiện nay các loại DSVH còn phải đối diện nhiều
khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi sự kết nối trách nhiệm chung của cả khu vực ASEAN trong
công tác quản lý, bảo tồn và duy trì các di sản có tiềm năng kinh tế lớn nhằm đảm bảo phát triển
du lịch bền vững. Cụ thể:
Một là, triết lý về bảo tồn chưa có sự đồng nhất, đặc biệt là tính chân thực của di sản. Một
số quốc gia cho rằng tính chân thực của DSVH (nhất là phi vật thể) không quá quan trọng trong
việc quản lý, bảo tồn và phát huy di sản. Một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam lý luận và
thực hành về tính chân thực của loại hình di sản này còn khá cứng nhắc. Sự không nhất quán dẫn
đến tình trạng coi văn hóa là động lực phát triển xã hội nhưng lại không chấp nhận giá trị kinh tế
của DSVH. Điều đó đã gây ra những quan điểm trái ngược, thậm chí sai lầm trong quản lý, bảo
tồn và phát huy giá trị di sản.
Hai là, sự phát triển của toàn cầu hóa đã mang đến các làn sóng kinh tế lớn cùng các cơn
bão văn hóa và hiện tượng nhất thể hóa, toàn cầu hóa văn hóa với quan điểm văn hóa Châu Âu
làm trung tâm, văn hóa đại chúng Mỹ có sức lan tỏa và thịnh hành cùng với chiến lược quảng bá
“sức mạnh mền văn hóa” khiến văn hóa phương Đông nói chung bắt đầu bộc lộ sự yếu ớt, thiếu
bản lĩnh và sự đề kháng để bảo vệ được sự tử tế, tính nhân văn của văn hóa trước sự tấn công của
“Tây hóa”, nhất là cái ác, cái xấu. Thậm chí, trong không ít trường hợp chính văn hóa đã bị thiếu
văn hóa và vô văn hóa tác động dẫn đến tha hóa. Đây là một trong những thách thức to lớn cho
công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Bởi suy cho đến cùng, giá trị của DSVH
chính là cốt lõi của bản sắc dân tộc, hướng con người nhớ về nguồn cội, đến những điều thiện
lương; đặc biệt, đó còn là sợi dây để gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá
trị mới và giao lưu văn hóa.
94 Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100
Bảng 1
Tác động của Du lịch về văn hóa – xã hội
Tác động tích cực Tác động tiêu cực
- Nâng cao chất lượng sống.
- Thúc đẩy việc giao lưu gặp gỡ với du
khách (trải nghiệm giáo dục).
- Thay đổi tích cực về giá trị và phong
tụcm
- Khuyến khích giao lưu văn hóa.
- Tăng cường sự hiểu biết về các cộng
đồng khác nhau.
- Bảo lưu bản sắc văn hóa của cộng đồng
bản xứ.
- Tăng trưởng nhu cầu về các triển lãm
văn hóa và lịch sử.
- Dung hoa hơn với những khác biệt văn
hóa.
- Thỏa mãn nhu cầu tâm lý.
- Phát huy long tự hào về địa phương.
- Tôn trọng tài nguyên địa phương hơn.
- Nhiều thiết chế hoặc sự lựa chọn hơn cho
cộng đồng.
- Xây dựng nên một địa phương đẹp và thú
vụ hơn cho cộng đồng sở tại.
- Nhiều hoạt động cờ bạc, rượu chè, mại dâm.
- Gia tăng các loại tội phạm trộm cắp, ma túy, mại
dâm, buôn lậu và tội phạm an ninh phi truyền
thống xuyên quốc gia.
- Ảnh hưởng đến ngôn ngữ và văn hóa.
- Thay đổi lối sống không mong muốn.
- Thay thế cư dân địa phương vì sự phát triển du
lịch.
- Thay đổi tiêu cực về giá trị và phong tục, băng
hoại giá trị gia đình.
- Chia tách cư dân địa phương với tài nguyên tự
nhiên của chính họ.
- Cấu trúc xã hội thay đổi. Tăng sự chia tách trong
cộng đồng.
- Tai họa tự nhiên, chính trị, quan hệ công chúng.
- Tạo ra nền văn hóa dân gian giả.
- Người dân dần bị loại bỏ và thay thế trong các
mối quan tâm hoạch đinh và phát triển.
- Tương lai của địa phương bị mất kiểm soát bởi
sự phát triển của những người từ bên ngoài vào.
- Nhiều công trình không phù hợp với cộng đồng.
Source: Kreag (2001)
Ba là, trong bối cảnh đương đại với sự gia tăng quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, hiện
đại hóa, thương mại hóa cùng với sự biến đổi khí hậu và các xung đột đã khiến cho môi trường
phát huy di sản bị thay đổi. Nhiều chiến lược và chính sách được xây dựng liên quan đến bảo
tồn, phát huy giá trị bền vững các tài nguyên DSVH mới dừng lại ở khía cạnh lợi ích kinh tế
nhiều hơn từ góc độ văn hóa đối phó với biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và thương mại hóa.
Thêm vào đó, hiện trạng thực hành DSVH theo kiểu khách du lịch, sân khấu hóa, thương mại
hóa và các phương thức quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đã khiến cho DSVH bị xâm hại,
biến dạng, biến đổi, mất đi tính chân thực, nhân văn vốn có.
Dù Việt Nam và khu vực ASEAN là một trong số “thiên đường” DSVH thế giới, mang
lại nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cho khu vực, song đó lại không phải là “nồi cơm Thạch
Sanh” chỉ để khai thác mà không tái tạo và sáng tạo những giá trị mới. Thông thường, tài nguyên
DSVH và các nguồn tài nguyên di sản khác thường nhạy cảm trước/trong một hoàn cảnh chính
trị, kinh tế, văn hóa – xã hội đặc biệt, nhất là trong bối cảnh đương đại hiện nay. Do vậy, để tài
nguyên DSVH phát huy được giá trị di sản, vừa là “đối tác” nhưng đồng thời trở thành “đối
tượng” cần được “chăm sóc” trong chiến lược phát triển du lịch bền vững, các quốc gia ASEAN
cần có sự kết nối, xây dựng kế hoạch đồng bộ và đồng thuận giữa bộ ba: quản lý - bảo tồn, phát
huy – phát triển du lịch bền vững.
Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100 95
3. Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững
3.1. Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa
Trong thời đại số, trước các làm sóng kinh tế lớn cùng với nhu cầu hội nhập đã làm xuất
hiện những mặt trái khiến các chân giá trị cộng đồng, và giá trị dân tộc bị xói mòn, đó là: Chủ
nghĩa vật chất, tính tư lợi đang dần chế ngự cùng với thói ham muốn vật chất, sống ảo, háo danh,
đam mê quyền lực để biến mình thành “sinh vật mang tính chính trị” (Aristotle); tiền bạc trở
thành thước đo, phân biệt đẳng cấp xã hội; cặp phạm trù tiền - quyền đang tỏ ra có sức mạnh
cám dỗ lớn. Thực trạng đó khiến cho xã hội dần trở nên ngột ngạt và khát khao hướng tới giá trị
nhân văn. Đó chính là lúc con người muốn quay về quá khứ, nguồn cội thông qua DSVH để
được xoa dịu và tìm ra giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững.
Theo báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” (Our Common Future), phát triển bền
vững là: “một quá trình đảm bảo rằng chúng ta sẽ để lại cho thế hệ sau một lượng tài sản vốn (tự
nhiên và con người tạo nên) không ít hơn lượng các tài sản chúng ta có hiện nay” (Garrod &
Fyall, 2000). Phát triển bền vững không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của hiện tại mà còn tạo
điều kiện, mang đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai (Garrod & Fyall, 2000).
Vì lẽ đó, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị kho tàng DSVH chính là sự đóng góp cho sự phát
triển bền vững bởi DSVH không đơn thuần hiện diện cho quá khứ mà nó còn là hiện thân của
đời sống văn hóa – tinh thần đương đại và trở thành hơi thở, nguồn sống cho tương lai. Xuất phát
từ vai trò, ý nghĩa trên, B McKercher và H Du Cros đã đưa ra khái niệm về quản lý, bảo tồn
DSVH là việc chăm sóc một cách có hệ thống, thích hợp, lâu dài và bền vững nhằm gìn giữ giá
trị văn hóa của DSVH vì sự phát triển của thế hệ hiện tại cũng như tương lai (McKercher & Du
Cros, 2002). Tuy nhiên, qua thực tế của nhiều quốc gia, cho thấy bảo tồn và quản lý DSVH là
một việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực của nhiều bộ phận, cá thể, cộng đồng liên quan
đến di sản. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo tồn nguồn di sản cần tuân thủ chặt chẽ các quy định,
quy tắc quản lý quốc tế; đồng thời tăng cường thể hiện vai trò năng động, tích cực của nước sở
tại trong việc xác lập công cụ pháp lý cho việc bảo vệ, xác lập ranh giới bảo vệ hiệu quả, mở
rộng vùng đệm và bảo vệ tốt vùng đệm cũng như các hệ thống quản lý và sử dụng bền vững.
Dựa trên nguyên lý: “Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu
nhân lực và vật lực của mỗi cộng cồng. Vì vậy, phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động lực
và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa” (Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc
tế phát triển văn hóa, 1992), UNESCO đã xây dựng nhiều văn bản mang tính pháp lý trong lĩnh
vực quản lý và bảo tồn di sản với mục đích hướng thế giới đến sự phát triển bền vững bằng cách
đưa “văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội” (Ủy ban quốc gia về Thập kỷ
quốc tế phát triển văn hóa, 1992). Cụ thể:
Năm 1972, UNESCO đưa ra “Công ước về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới”
với mục tiêu xây dựng chương trình nhằm phục hồi, bảo tồn các di tích, địa danh hay phong cảnh
nổi tiếng. Không chỉ quan tâm đến công tác phục hồi, bảo tồn các di sản vật thể hiện hữu,
UNESCO đã đưa ra một số văn bản liên quan đến việc giữ gìn và phát huy DSVH phi vật thể, đó
là: Văn bản “Đề nghị về việc bảo tồn văn hóa truyền miệng và văn hóa dân gian” (1989),
Chương trình “Những kiệt tác DSVH truyền miệng và phi vật thể” (2001) và Công ước quốc tế
về “Bảo vệ DSVH phi vật thể” (2003). Mục đích, yêu cầu của các văn bản, chương trình, công
ước trên là các quốc gia trên thế giới nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn,
phát huy di sản văn hói nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng; kêu gọi các nước hành động,
thiết lập một ủy ban bảo vệ và đưa ra những giải pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể nằm trong
đường biên quốc gia của họ; đặc biệt, các quốc gia, cộng đồng cần phát triển hành động cho công
việc bảo tồn các DSVH.
96 Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100
Ở Việt Nam, dù lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến động bới các cuộc chiến tranh giữ
nước nhưng vấn đề bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị DSVH luôn được đề cập trong các chủ
trương của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.
Giai đoạn phong kiến độc lập, mỗi triều đại có một quan điểm, chính sách và những
thăng trầm lịch sử khác nhau, song tựu chung một điểm: từ Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ,
hậu Lê, Mạc hay triều Nguyễn đều trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa. Khi đất
nước bước sang kỷ nguyên xây dựng đất nước của dân, do dân và vì dân, sự kiện Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ký và công bố sắc lệnh số 65/SL về “Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam” ngày
23/11/1945. Trong sắc lệnh trên, thuật ngữ “cổ tích” được hiểu với nghĩa DSVH, đã đặt nền
móng cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản của Việt Nam.
Bên cạnh một số chủ trương của Đảng và Nhà nước đã ban hành về nhiệm vụ bảo tồn và
phát huy giá trị DSVH, Luật DSVH được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày
14/6/2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đây được coi là văn bản về quản lý, bảo tồn, phát
huy giá trị DSVH hoàn chỉnh nhất từ trước cho đến nay. Với ý nghĩa nhằm phát huy truyền
thống, ý thức trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và tổ chức hoạt động trên lĩnh vực DSVH;
đồng thời, động viên, thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, phát
huy giá trị DSVH dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11
hàng năm là “Ngày DSVH Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định
số 109/2017/NĐ-CP Quy định về “Bảo vệ và quản lý DSVH và thiện nhiên thế giới” nhằm thống
nhất chương trình tổng thể, kế hoạch, quy chế và trách nhiệm quản lý, bảo vệ Di sản Thế giới.
Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, giai đoạn 2011 – 2018, thông qua Chương tình
mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã “hỗ trợ
trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp, tu bổ di tích”,
đồng thời, huy động hàng nghìn tỷ đồng nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích (Phát huy giá
trị di sản văn hóa tạo cơ hội phát triển du lịch, 2019). Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục
hồi di tích, Việt Nam còn tích cực sưu tầm nghiên cứu, phục dựng trao truyền, tổ chức trình diễn
các DSVH phi vật thể. Công tác trên không những góp phần bảo tồn, phát huy giá trị DSVH mà
còn trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng dân cư
tại địa phương. Tuy đạt được những thành tựu quan trọng nhưng công tác quản lý, bảo tồn và
phát huy giá trị DSVH ở Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế như: (1) Triển khai quy hoạch di
tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời, công tác bảo vệ di sản nhiều nơi thực hiện chưa đúng với
“Luật Di sản”, nhiều di sản bị xâm hại, bị thương mại hóa dẫn đến tình trạng bị biến dạng, méo
mó. (2) Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp di sản bộc lộ nhiều bất cập bởi kiểu tư duy thích “hiện đại
hóa”, chạy theo “hào nhoáng” và làm mới di sản theo kiểu “nửa chừng xuân” đã khiến cho di sản
mất đi nét chân thực, tính độc đáo, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc vốn có của di sản. (3) Chính
sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai chưa kịp thời; chưa phát huy được thành tựu của khoa học, kỹ
thuật, kiến trúc của thời kỳ 4.0 trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản và hệ thống giải pháp toàn
diện phát huy giá trị DSVH trong chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Đối với khu vực ASEAN, trong những năm gần đây, vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát huy
giá trị DSVH có nhiều thay đổi, nhất là sự đổi mới về tư duy, nhận thức đến phương thức thực
hành. Phần lớn mỗi người dân trong cộng đồng ASEAN đã tự nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy
giá trị DSVH, coi đó là “liều thuốc” tăng cường sức kháng thể để bảo vệ bản sắc văn hóa, lưu giữ
cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi quốc gia dân tộc trước sự tấn công của các làn
sóng văn hóa lớn với chiến lược quảng bá, bành trướng “sức mạnh mềm”. Bên cạnh đó, các quốc
gia trong khu vực thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến DSVH và phát triển
di lịch nhằm tạo sự gắn kết, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về quá trình xây dựng, thực hiện các
Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100 97
chương trình mục tiêu quốc gia với mục đích: Thứ nhất, chống xuống cấp và tôn tạo di tích theo
hướng ta ra những sản phẩm văn hóa đặc thù nhưng không gây biến dạng, giữ gìn tinh thần vẹn
nguyên và sự lành mạnh của tài nguyên di sản. Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giữa quản lý, bảo
tồn và phát triển du lịch. Một mặt kiểm soát dòng người để đảm bảo không gây ra tình trạng quá
tải, ô nhiễm cảnh quan môi trường và sự xuống cấp của di sản tạo; nhưng mặt khác phải làm cho
các DSVH có sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế tạo động lực phát triển ASEAN
thành điểm đến du lịch chất lượng cao với những trải nghiệm độc đáo, đa dạng.
3.2. Mối quan hệ biện chứng giữa quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch
Trong tiến trình gia tăng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều quốc gia đã lựa chọn ưu
tiên ngành “công nghiệp không khói”, đặc biệt là du lịch DSVH là một trong số chiến lược phát
triển bền vững vì nó không chỉ đem lại nguồn lợi cao và còn truyền bá văn hóa dân tộc. Tuy
nhiên, không phải quốc gia nào và lúc nào cũng giải quyết được hài hòa mối quan hệ biện chứng
giữa hoạt động quản lý, bảo tồn DSVH và phát triển du lịch. Nhiều nhà nghiên cứu và thực hành
liên quan đến tài nguyên DSVH đang lo ngại các giá trị văn hóa vô giá của di sản đang bị đánh
đổi, xâm hại bởi các lợi ích thương mại. Trong khi đó, ngành du lịch lại thấy giá trị du dịch của
nhiều di sản chưa được thỏa đáng và đánh giá đúng mức. Sự “xung đột” và bất hợp tác này vẫn
thường xuyên xảy ra không chỉ ở các nước nghèo hay đang phát triển như Việt Nam mà nó hiện
hữu ở ngay cả các nước phát triển. Và trên thực tế, vì những lí do và lợi ích khác nhau, trong
không ít trường hợp, sự “xung đột” thường kết thúc với lợi thế về phía góp phần lớn cho phát
triển kinh tế - xã hội, đó là du lịch. Trên lý thuyết, du lịch tốt cho sự phát triển kinh tế và bảo tồn
di sản song thực tế, du lịch là một con dao hai lưỡi đối với vấn đề quản lý, bảo tồn DSVH nói
riêng và bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia nói riêng (minh họa Bảng 1). Hệ quả này
khiến mối quan hệ giữa hai bên căng thẳng, tạo ra những gánh nặng và thách thức cho chu trình
quản lý DSVH đảm bảo được sự cân bằng giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch một cách
bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh quan hệ “xung đột”, giữa quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch
còn có sự hợp tác. DSVH là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch bền vững. Ngược lại, đối với
di sản và người quản lý, du lịch tạo ta lợi nhuận có thể đầu tư cho những công việc quan trọng
của công tác quản lý bền vững các DSVH như tìm kiếm, lưu trữ, lập kế hoạch và bảo tồn
(McKercher & Du Cros, 2002).
Tấm gương sáng của cộng đồng các quốc gia ASEAN trong việc giải quyết hài hòa mối
quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là Singapore, dù Thái Lan là điểm sáng cho sự thành công về
phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong khu vực và trở thành “thiên đường du lịch”. Để
cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Singapore đã áp dụng cách tiếp cận trùng tu và tôn tạo kiểu
tái sử dụng thích ứng (Adaptive Reuse). Đó là cách tư duy khôn ngoan và thực dụng thông qua
giảm thiểu tối đa các thiệt thòi tổn thất của chủ công trình, đồng thời khuyến khích thành phần tư
nhân tham gia vào bảo tồn để cân bằng giữa bảo tồn - phát triển. Đối với trùng tu tôn tạo, “nguyên
tắc cơ bản nhất được áp dụng là 3R – Giữ lại (Retention) tối đa, Trùng tu (Restoration) tinh tế và
Sửa chữa (Repair) cẩn trọng” (To Kien, 2018). Chính phủ Singapore đã và đang thực hiện bảo
tồn, trùng tu tôn tạo theo các quy định kỹ thuật phân chia khác nhau theo từng khu vực được phân
loại như: Khu vực lịch sử (khu vực lâu đời nhất, là cái nôi của thành phố, toàn bộ công trình phải
được bảo tồn, trùng tu), khu vực dân dư lịch sử (nằm gần trung tâm thành phố, có thể tôn tạo thêm
để tăng khả năng thích ứng với không gian hiện đại), khu vực “Khu định cư Thứ hai” (nằm xa hơn
khu trung tâm thứ nhất, cho phép chủ công trình có thể lựa chọn bảo tồn linh hoạt, tập trung vào
cảnh quan đường phố), khu vực bungalow (là khu vực đại điện cho phong cách kiến trúc của
nhiều thời kỳ lịch sử, tuy phải thông qua xét duyệt nghiêm ngặt nhưng chỉ khu nhà chính là nhất
thiết phải bảo tồn; phần còn lại của khu đất, chủ sở hữu có thể chia nhỏ để xây mới bổ sung);
khoảng du di linh hoạt trong áp dụng giữa trùng tu và tái sử dụng thích ứng (cho phép chủ sở hữu
98 Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100
khai thác tiền năng kinh tế, trong khi vãn giữ gìn bản sắc chủ đạo ở mặt tiền của công trình bảo
tồn) (To Kien, 2018). Nhìn chung, cách bảo tồn tôn tạo kiểu tái sử dụng thích ứng có thể được
xem là phổ biến và thành công nhất vì nó dung hòa được mẫu thuẫ giữa các nhóm lợi ích.
4. Kết nối di sản văn hóa, phát triển du lịch ASEAN bền vững trong thời đại số
Với chủ đề “ASEAN: Đồng nhất với thế giới”, năm 2019 vừa qua được chỉ định là “Năm
văn hóa ASEAN”. Đó là một năm có nhiều thành công của liên ngành Di sản – Du lịch ASEAN
nói chung vì không chỉ hướng được đến mục đích quảng bá các DSVH phong phú, đa dạng và
đặc sắc mà còn đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng, doanh
nghiệp, tổ chức, các nhân. ASEAN vốn được mệnh danh là “điểm đến du lịch hấp dẫn toàn cầu”
với nhiều nguồn tài nguyên DSVH thế giới. Do đó, việc kết nối DSVH, thúc đẩy phát triển du
lịch bền vững cuả cả khu vực là quyết sách quan trọng trong chiến lược phát triển mỗi quốc gia
ASEAN.
Trên cơ sở khẳng định vai trò của DSVH thế giới trong phát triển kinh tế - xã hội và du
lịch ASEAN; đồng thời, khuyến khích, ủng hộ khởi xướng những ý tưởng sáng tạo phát triển du
lịch DSVH trên nền tảng phát triển của công nghệ số trong thời đại của cuộc Cách mạng 4.0, các
nước ASEAN mong muốn đổi mới, kết nối giá trị di sản chung của khu vực. Đây được xem là
một giải pháp bền vững, không chỉ tạo dựng sức mạnh thống nhất trong khu vực cùng những
cam kết mạnh mẽ về quản lý, bảo tồn trên cơ sở ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại mà còn
hướng đến phát triển du lịch sáng tạo, du lịch khám phá với nhiều trải nghiệm mới. Tuy nhiên,
muốn đạt được kết quả như trên cần những sáng kiến, ý tưởng ứng dụng cụ thể thành tựu công
nghệ mới trong kết nối DSVH thế giới nói chung của khu vực, tạo dựng “sức mạnh thống nhất”
trong ASEAN. Để sự kết nối DSVH và phát triển du lịch ASEAN bền vững trong thời đại số
được hiệu quả có thể áp dụng một số khuyến nghị sau:
Một là, xây dựng chương trình quy hoạch tổng thể, dài hơi về phát triển du lịch gắn với
bảo tồn, phát huy các DSVH. Có chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp nhằm khai thác
được các yếu tố đặc trưng của DSVH, hướng đến quảng bá hình ảnh và truyền thống văn hóa đặc
sắc của vùng miền, quốc gia, khu vực trên cơ sở đề cao vai trò văn hóa bản địa cũng như sự tôn
trọng tính đa dạng của văn hóa.
Hai là, khai thác sức mạnh của truyền thông trong phát triển bền vững du lịch DSVH đến
các chủ thể của điểm đến du lịch di sản. Thông qua tổ chức sự kiện xúc tiến FAM/Press, chương
trình phát động thị trường, quan hệ công chúng hoặc tổ chức các chiến dịch truyền thông qua
mạng xã hội và các công nghệ tiên tiến hiện đại để quảng bá điểm đến du lịch DSVH cũng như
truyền tải thông tin về giá trị cốt lõi, các nguyên tắc bảo tồn của DSVH trong quá trình phát
triển; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn, phát huy các DSVH.
Ba là, phát huy thế mạnh của DSVH trong liên kết phát triển du lịch giữa các vùng miền,
quốc gia trong khu vực ASEAN như ẩm thực, các DSVH và tôn giáo đa dạng, các loại hình nghệ
thuật, truyền thống dân tộc và sự lãng mạn trong các công trình kiến trúc trên nguyên tắc tôn
vinh, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Bồn là, xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về DSVH của các quốc gia trong khu vực
ASEAN, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác DSVH, phát triển du lịch di sản và
nâng cao khả năng kết nối của du khách (như thuyết minh đa ngôn ngữ, thuyết minh tự động giới
thiệu thông tin, lịch sử, thông tin về các loại hình DSVH trong ASEAN). Chú trọng chia sẻ, trao
đổi dữ liệu về các dòng khách giữa các điểm di sản trước/trong/sau tour du lịch. Xây dựng tour
du lịch về DSVH có chất lượng tiêu chuẩn và ổn định với các sản phẩm đặc trưng, đồng thời, bổ
trợ lẫn nhau giữa các điểm điến trong khu vực ASEAN
Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100 99
5. Kết luận
Do có nhiều tương đồng về không gian, địa lý và bối cảnh lịch sử, nguồn tài nguyên
DSVH các nước Đông Nam Á đều được sở hữu nét đặc trưng Á Đông riêng không thể hòa lẫn.
Trước/trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thời kỳ 4.0 hiện nay, sự tương đồng trên là cơ sở,
nền tảng thuận lợi để tạo ra liên kết mới cùng với những cam kết mạnh mẽ trong quản lý, bảo tồn
và phát triển du lịch DSVH ASEAN, góp phần vào sự thịnh vượng chung của khu vực cũng như
các nước thành viên. Tăng cường sự liên kết hợp tác các DSVH nói riêng và mối liên hệ trong
khu vực nói chung trong việc thực hiện mục tiêu: “Đến năm 2025, phát triển ASEAN thành điểm
đến du lịch chất lượng cao với những trải nghiệm độc đáo, đa dạng”. Với những ý nghĩa trên, sự
liên kết giữa bộ ba: Quản lý – bảo tồn – phát triển du lịch DSVH cũng như sự kết nối, hợp nhất
giữa các thành viên ASEAN chính là sự chung tay giữ gìn văn hóa và DSVH quá khứ cho tương
lai và sự phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
Garrod, B., & Fyall, A. (2000). Managing heritage tourism (Quản lý du lịch di sản). Annals of
Tourism Research, 27(3), 682-708.
Huy Vu (2019). Các nước Đông Nam Á hợp sức bảo tồn và phát triển di sản văn hóa [Southeast
Asian countries join to preserve and develop cultural heritage]. Retrieved February 15,
2020, from https://baomoi.com/cac-nuoc-dong-nam-a-hop-suc-bao-ton-va-phat-trien-di-
san-van-hoa/c/32403604.epi
Jokilehto, J. (2005). Definition of cultural heritage - Reference to documents in history [Định
nghĩa về di sản văn hóa - Tham khảo các tài liệu trong lịch sử]. ICCROM Working Groups'
Heritage and Society.
Kreag, G. (2001). The impacts of tourism [Tác động của du lịch]. Retrieved March 15, 2020,
from
Lam, D. T. M., Chu, A. L., & Nguyen, T. A. (2019). Tài nguyên di sản văn hóa trong bối cảnh
đương đại (Thách thức, khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị) (phần 2 và hết)
[Cultural heritage resources in contemporary context (Challenges, difficulties in
preserving and promoting values) (Part 2 and end)]. Retrieved February 10, 2020, from
djuong-djai-thach-thuc-kho-khan-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-phan-2-va-het.html
Luu, T. T. (2019). Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững
[Preserving and promoting cultural heritages for sustainable development]. Retrieved
May 15, 2020, from
su-phat-trien-ben-vung/
McKercher, B., & Du Cros, H. (2002). Cultural tourism - The partnership between tourism and
cultural heritage management [Du lịch văn hóa - Mối quan hệ giữa du lịch và quản lý di
sản văn hóa]. New York, NY: The Haworth Hospitality Press.
McManus, R. (1997). Heritage and tourism in Ireland - An unholy alliance? [Di sản và du lịch ở
Ireland - đồng minh phi thần thánh?]. Irish Geography, 30(2), 90-98.
Pham Phuong (2015). Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hướng tới du lịch có trách nhiệm
[Preserving and promoting cultural heritages towards responsible tourism]. Retrieved
May 10, 2020, from
100 Hoàng T. Linh, Ngô T. K. Liên. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(6), 89-100
Tạp Chí của Ban Tuyên Giáo Trung Ương (2019). Phát huy giá trị di sản văn hóa tạo cơ hội
phát triển du lịch [Promoting the value of cultural heritage to create opportunities for
tourism development]. Retrieved March 12, 2020, from
hoi/van-hoa/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-tao-co-hoi-phat-trien-du-lich-125393
To Kien (2018). Kinh nghiệm bảo tồn di sản kiến trúc đô thị theo hướng bền vững ở Singapore
và Nhật Bản [Experience in preserving sustainable urban architectural heritage in
Singapore and Japan]. Retrieved March 10, 2020, from
https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kinh-nghiem-bao-ton-di-san-kien-truc-do-
thi-theo-huong-ben-vung-o-singapore-nhat-ban.html
UNESCO. (1999). The nomination to Unesco for inscription on the world cultural heritage list-
Hoi An ancient town [Hồ sơ đề cử UNESCO Danh hiệu Di sản văn hóa thế giới - Phố cổ
Hội An]. Retrieved March 10, 2020, from
Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa. (1992). Thập kỷ thế giới phát triển văn
hóa [World cultural development decade]. Hanoi, Vietnam: Bộ văn hóa Thông tin và thể
thao.
Vu, G. M. (2017, March). Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trong chiến lược phát triển
bền vững: Những vấn đề đặt ra [Preservation and promotion of cultural heritage values in
sustainable development strategy: Issues recognized]. Paper presented at Kỷ yếu Hội thảo
Khoa học ″Di sản văn hoá với Chiến lược phát triển bền vững″, Bộ VHTTDL và Hội đồng
Di sản Văn hoá Quốc gia, Hà Nội.
Yamashita, S. (2010). Cultural heritage in the age of globalization: A pespective from the
anthropology of cultural resource. Paper presented at the Cultural Resource Studies Asian
Linkage Building Seminar 2010, Kanazawa University, Japan.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- quan_ly_bao_ton_di_san_van_hoa_va_su_ket_noi_phat_trien_du_l.pdf