Quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm tối ưu hóa các quy định của BLTTHS năm 2015 về quyền bào chữa của người bị buộc tội phù hợp với thực tiễn, nhất là về trình tự, thủ tục đăng ký bào chữa và sự có mặt của người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong các hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư liên tịch về đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự, xây dựng quy chế làm việc của người bào chữa khi tiếp xúc với người bị bắt, người bị tạm giữ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam hoặc cơ sở giam giữ khác. Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc không thực hiện hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện, đảm bảo quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ. Hai là, ngoài việc tối ưu hóa luật định phù hợp với thực tiễn cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền bào chữa và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc hiểu biết, tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ và gia đình họ, cũng như từ phía cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án là một đảm bảo quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ. Theo đó, trại tạm giam, nhà tạm giữ và cơ sở giam giữ cần tạo điều kiện cho người bị bắt, người bị tạm giữ muốn tự mình bào chữa được tiếp xúc với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Khi thực hiện quyền bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm giải thích đầy đủ các quy định về quyền bào chữa và phải lập biên bản về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của những người này, trong đó có quyền bào chữa và được lưu tại hồ sơ vụ án như một quy định bắt buộc. Để đảm bảo tốt nhất cho yêu cầu lựa chọn người bào chữa, các đoàn luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý cần có danh sách các luật sư và trợ giúp viên pháp lý (ghi rõ địa chỉ liên hệ, điện thoại, khái quát về năng lực.) gửi đến các cơ sở tạm giữ, tạm giam, được niêm yết công khai. Các cơ quan tố tụng cần phải tạo mọi điều kiện cho người bào chữa thực hiện tốt chức năng chuyên trách là bào chữa. Về cá nhân người bào chữa cần phải nhận thức và nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình khi tham gia tố tụng, không làm trì trệ hay cản trở hoạt động tố tụng và phải bảo vệ quyền lợi cho người bị bắt, người bị tạm giữ.

pdf10 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 218 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
72 Quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Đỗ Khánh Ly1 1 Học viện An ninh nhân dân. Email: Dokhanhly220195@gmail.com Nhận ngày 22 tháng 4 năm 2019. Chấp nhận đăng ngày 29 tháng 5 năm 2019. Tóm tắt: Quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội để họ có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Trong những năm qua, quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giam giữ trong các vụ án có dấu hiệu hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã có nhiều thay đổi nhằm đảm bảo cho các hoạt động tố tụng hình sự được khách quan, toàn diện, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Từ khóa: Tố tụng hình sự, người bị bắt, người bị tạm giữ, quyền bào chữa. Phân loại ngành: Luật học Abstract: The right to defence is one of the important rights of people accused so that they can protect their legitimate rights and interests while participating in criminal proceedings. In recent years, such right of people arrested and temporarily detained in cases with criminal signals under the 2015 Criminal Procedure Code has undergone various changes to ensure that the activities of criminal proceedings are objective, comprehensive, preventing wrongdoings from being committed and criminals from evading justice. Keywords: Criminal proceedings, the arrested, detainees, right to defence. Subject classification: Jurisprudence 1. Đặt vấn đề Quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội để họ có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Quyền bào chữa có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho các hoạt động tố tụng hình sự được khách quan, toàn diện, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Do đó, ngoài hệ thống pháp luật của các quốc gia, quyền bào chữa của người bị buộc tội cũng Đỗ Khánh Ly 73 được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và khu vực, như: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966, các Nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào năm 1988, các Nguyên tắc cơ bản về Vai trò của Luật sư năm 19902 Ở Việt Nam, quyền bào chữa của người bị buộc tội là một quyền hiến định, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay và quyền này ngày càng được mở rộng3. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, trước khi BLTTHS năm 1988 được ban hành, các văn bản pháp luật tố tụng hình sự quy định người bào chữa chỉ có thể tham gia vào vụ án khi kết thúc điều tra. Đến BLTTHS năm 1988 quy định quyền bào chữa sớm hơn, từ khi có quyết định khởi tố bị can. BLTTHS năm 2003 quy định quyền bào chữa có từ khi có quyết định tạm giữ. Đến BLTTHS năm 2015 đã có thêm bước tiến nữa khi quy định quyền bào chữa xuất hiện ngay từ khi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt. Phạm vi quyền bào chữa ngày càng mở rộng đó là bước tiến quan trọng thể hiện sự tiến bộ của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. BLTTHS năm 2015 chưa có định nghĩa thuật ngữ “người bị bắt” mà liệt kê những trường hợp người bị bắt là: người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã và người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp. Còn đối với người bị tạm giữ, Điều 59 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ” [9]. Như vậy, có thể thấy người bị bắt, người bị tạm giữ trong tố tụng hình sự là người bị tình nghi là tội phạm và cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, cách ly họ với xã hội để họ không thể tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra. Điều này cho thấy người bị bắt, người bị tạm giữ cũng là những người bị buộc tội và bị yếu thế, dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự. Chính vì vậy, cần phải đảm bảo quyền bào chữa cho họ. Bài viết này đề cập quyền bào chữa; những hạn chế, bất cập; và giải pháp bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giam giữ trong BLTTHS năm 2015. 2. Quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 2.1. Quyền tự bào chữa Người bị bắt, người bị tạm giữ theo quy định của BLTTHS 2015 có quyền: được biết lý do mình bị bắt, bị tạm giữ; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ khi bị bắt và bị tạm giữ; trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu để chứng minh sự vô tội hoặc đưa ra những tình tiết làm giảm trách nhiệm hình sự cho mình. Trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết yêu cầu của họ. Nếu không chấp nhận, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản, nêu lí do và phải thông báo cho người bị bắt, người bị tạm giữ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá; Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 74 khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người tới cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 30 Hiến pháp 2013 và Chương XXXIII BLTTHS 2015. Việc khiếu nại có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản 2.2. Quyền nhờ người khác bào chữa Người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ có quyền lựa chọn người bào chữa. Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 BLTTHS 2015: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa” [9]. Người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, bào chữa viên nhân dân hoặc trợ giúp viên pháp lý (trừ những người không được bào chữa được quy định tại khoản 4 Điều 72 BLTTHS năm 2015 gồm: người đã tiến hành tố tụng vụ án đó, người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó; người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc), trong đó: (1) Luật sư là người bào chữa phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tiêu chuẩn luật sư, điều kiện hành nghề của luật sư là: công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân luật; đã được đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư; có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Người có đủ tiêu chuẩn nói trên muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một đoàn luật sư; (2) Người đại diện của người bị buộc tội là người đại diện theo pháp luật của cá nhân (Điều 136 Bộ luật dân sự 2015). Thông thường, người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội thường là những người ruột thịt, thân thích của người bị buộc tội như: bố, mẹ, anh, chị, em ruột, vợ, chồng; (3) Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; trung thành với Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức pháp lý; đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình; (4) Trợ giúp viên pháp lý là công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý. Tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý là: có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa để bào chữa miễn phí cho người bị bắt, người bị tạm giữ nếu nằm trong 14 Đỗ Khánh Ly 75 nhóm đối tượng quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý [11] gồm có: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính như: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV mà Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội (Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017). Việc mở rộng diện người bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ không chỉ để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ mà còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, khi việc tiếp cận luật sư còn nhiều hạn chế và đa phần trợ giúp viên pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa (Điều 75 BLTTHS năm 2015). Như vậy, so với các quy định trước đây, BLTTHS 2015 bổ sung người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ có quyền mời người bào chữa. Trong các trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì nếu người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ (Điều 76 BLTTHS năm 2015). Người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ để xác nhận việc từ chối. Để tạo điều kiện cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án, Điều 78 BLTTHS năm 2015 quy định thủ tục “đăng ký bào chữa” thay cho thủ tục “cấp giấy chứng nhận người bào chữa” trước đây; đồng thời rút ngắn thời gian đăng ký bào chữa từ 03 ngày xuống còn 24 giờ. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ, trừ một số trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như vậy, Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 76 BLTTHS năm 2015 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn (kể từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở cơ quan công an) thay vì tham gia từ khi có quyết định tạm giữ như trước đây. Khi người bào chữa tham gia tố tụng thì có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại điều 73 BLTTHS năm 2015. Trong đó, BLTTHS năm 2015 quy định bổ sung cho người bào chữa quyền thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, khoản 3, Điều 73 BLTTHS 2015 cũng đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của người bào chữa: “Trường hợp người bào chữa vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật” [9]. Các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa về thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để người bào chữa tham gia theo quy định (Điều 79 BLTTHS năm 2015). Như vậy, nhìn chung các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ về cơ bản đã phù hợp với các quy định quốc tế về bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. 3. Những hạn chế, bất cập trong thực tiễn Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 quy định người bị buộc tội (trong đó có người bị bắt, người bị tạm giữ) có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Việc sử dụng từ “hoặc” là chưa rõ ràng vì có thể dẫn đến sự hiểu nhầm là người bị buộc tội chỉ có thể chọn một trong hai hình thức bào chữa, khi tự mình bào chữa thì sẽ không được nhờ người khác bào chữa hoặc ngược lại. Trong khi đó, quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa là hai nội dung của quyền bào chữa, có mối quan hệ tương hỗ. Điều này có nghĩa là khi bị can nhờ người khác bào chữa cho mình thì họ vẫn có quyền tự bào chữa và ngược lại. Thứ hai, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì người bị bắt, người bị tạm giữ có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Nhưng trên thực tế, phần lớn người bị bắt, người bị tạm giữ là những người thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, ngay cả khi được giải thích đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền bào chữa, người bị bắt, người bị tạm giữ cũng khó có khả năng thực hiện việc tự bào chữa cho mình hoặc nhờ người bào chữa trong quá trình tố tụng hình sự. Đặc biệt, đối với người bị bắt, người bị tạm giữ mà không có người thân thích hoặc có người thân thích nhưng không đủ điều kiện về năng lực dân sự thì rất khó tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm hình sự đối với chính bản thân họ, cũng như khó tiếp cận được với người bào chữa, bởi họ đang bị cách ly. Thứ ba, BLTTHS năm 2015 quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người Đỗ Khánh Ly 77 thân thích của họ. Quy định này trên thực tế khó đảm bảo thời hạn thực hiện đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... hoặc trong trường hợp phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ. Bởi vì ở những khu vực này, việc di chuyển, đi lại rất khó khăn do điều kiện về cơ sở hạ tầng, phương tiện chưa đáp ứng được và thường chịu sự ảnh hưởng, tác động của điều kiện thời tiết (miền núi, vùng cao trời mưa có thể đi lại rất khó khăn, khu vực hải đảo gió mạnh, biển động thì các phương tiện vận tải không được phép lưu thông...), nên để chuyển được đơn đến đúng người bào chữa hay người đại diện hoặc người thân thích của họ đôi khi phải mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc gặp đúng người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ đôi khi cũng không hề dễ dàng trong thực tế, nhất là các trường hợp ở xa, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.... Thứ tư, BLTTHS năm 2015 đã thay thế thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa thành thủ tục đăng ký bào chữa làm cho thủ tục tham gia tố tụng của người bào chữa được rút ngắn hơn. Tuy nhiên, các thủ tục này áp dụng trong thực tiễn hiện nay phát sinh một số vấn đề bất cập, như: cách thức gửi thủ tục đăng ký và nhận thông báo đăng ký bào chữa chưa cụ thể, ảnh hưởng đến thời hạn đăng ký và gửi thông báo đăng ký cho người bào chữa, cũng như không thống nhất thời gian gặp mặt giữa người bào chữa và người được bào chữa. Hiện nay, việc gửi hồ sơ đăng ký của người bào chữa được thực hiện bằng hai cách: nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan điều tra hoặc gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên, việc nộp trực tiếp một số trường hợp không thực hiện được do không gặp được người tiếp nhận hồ sơ nên phải chờ hoặc về gửi qua bưu điện. Trường hợp gửi hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện thì việc tiếp nhận, chuyển giao đến cơ quan điều tra có thẩm quyền theo đường văn thư, hành chính mất rất nhiều thời gian, dẫn đến cách tính thời hạn tiếp cận, cấp thông báo đăng ký bào chữa không rõ ràng, thậm chí kéo dài, ảnh hưởng đến thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng; về thủ tục, một số nơi khi tiếp nhận đơn yêu cầu người bào chữa thì ngoài các giấy tờ đã được quy định trong BLTTHS 2015 thì còn đòi hỏi cung cấp thêm các giấy tờ khác như: hợp đồng dịch vụ pháp lý, chứng chỉ hành nghề; thủ tục trợ giúp pháp lý hiện nay (Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017) còn phức tạp. Cụ thể, để được trợ giúp pháp lý, người bị bắt, người bị tạm giữ phải nộp các giấy tờ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý mà những giấy tờ này thường chỉ được giao cho người bị bắt, người bị tạm giữ mà không giao cho gia đình họ nên rất khó cho gia đình và bản thân người bị bắt, người bị tạm giữ có thể tiếp cận được trợ giúp viên pháp lý; đồng thời, còn phải nộp có các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Mặt khác, người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc gia đình họ sẽ khó có thể tìm được người bào chữa thông qua trợ giúp pháp lý ngay từ khi bắt đầu lấy lời khai vì phải thực hiện một số thủ tục hành chính để có thể có được những giấy tờ nêu trên. Ngoài ra, một số chủ thể tiến hành tố tụng thường ít chú trọng việc giải thích pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc gia đình họ, cũng như không yêu cầu trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Thứ năm, Điều 80 BLTTHS năm 2015 và Điều 22, Điều 34 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Điều 10 Thông Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 78 tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp người bào chữa theo quy định. Tuy nhiên, việc gặp riêng giữa người bị bắt, người bị tạm giữ với người bào chữa chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thường lúng túng khi tiếp nhận đề nghị này từ người bào chữa và hầu như chưa có trường hợp nào được giải quyết. Thứ sáu, hiện nay số lượng luật sư và trợ giúp viên pháp lý còn thiếu về số lượng và chất lượng còn nhiều hạn chế nên người dân khó tiếp cận với các dịch vụ pháp lý khi có nhu cầu hoặc phải trả giá quá cao cho các dịch vụ này. Trong nhiều vụ việc, người dân không thể nhờ luật sư cho nên quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được đảm bảo. Theo thống kê, tỷ lệ bình quân tổng số luật sư trên tổng số dân của Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực4 chủ yếu vẫn tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi có nơi không đủ số lượng luật sư để thành lập đoàn luật sư. Số lượng người bào chữa cũng phân bố không đồng đều giữa các vùng miền như hiện nay (một số nơi không có hoặc có số lượng luật sư và trợ giúp viên pháp lý rất ít và chỉ tập trung tại thành phố, thị xã của tỉnh) cũng đã gây nhiều khó khăn cho người bị bắt, người bị tạm giữ và người đại diện hoặc thân thích của họ cũng như khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc lựa chọn người bào chữa. 4. Giải pháp đảm bảo quyền bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm tối ưu hóa các quy định của BLTTHS năm 2015 về quyền bào chữa của người bị buộc tội phù hợp với thực tiễn, nhất là về trình tự, thủ tục đăng ký bào chữa và sự có mặt của người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong các hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư liên tịch về đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự, xây dựng quy chế làm việc của người bào chữa khi tiếp xúc với người bị bắt, người bị tạm giữ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam hoặc cơ sở giam giữ khác. Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc không thực hiện hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện, đảm bảo quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ. Hai là, ngoài việc tối ưu hóa luật định phù hợp với thực tiễn cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền bào chữa và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc hiểu biết, tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ và gia đình họ, cũng như từ phía cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án là một đảm bảo quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa của Đỗ Khánh Ly 79 người bị bắt, người bị tạm giữ. Theo đó, trại tạm giam, nhà tạm giữ và cơ sở giam giữ cần tạo điều kiện cho người bị bắt, người bị tạm giữ muốn tự mình bào chữa được tiếp xúc với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Khi thực hiện quyền bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm giải thích đầy đủ các quy định về quyền bào chữa và phải lập biên bản về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của những người này, trong đó có quyền bào chữa và được lưu tại hồ sơ vụ án như một quy định bắt buộc. Để đảm bảo tốt nhất cho yêu cầu lựa chọn người bào chữa, các đoàn luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý cần có danh sách các luật sư và trợ giúp viên pháp lý (ghi rõ địa chỉ liên hệ, điện thoại, khái quát về năng lực...) gửi đến các cơ sở tạm giữ, tạm giam, được niêm yết công khai. Các cơ quan tố tụng cần phải tạo mọi điều kiện cho người bào chữa thực hiện tốt chức năng chuyên trách là bào chữa. Về cá nhân người bào chữa cần phải nhận thức và nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình khi tham gia tố tụng, không làm trì trệ hay cản trở hoạt động tố tụng và phải bảo vệ quyền lợi cho người bị bắt, người bị tạm giữ. Ba là, thực hiện các biện pháp, cơ chế khác liên quan đến người bào chữa, như: phát triển đội ngũ người bào chữa cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, có cơ chế quy hoạch thích hợp trong việc phân bổ hợp lý đội ngũ người bào chữa giữa các khu vực, vùng miền; quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách cho người thực hiện bào chữa. Cần có cơ chế hỗ trợ rõ ràng đối với từng nhóm người bào chữa ở các khu vực khác nhau (đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo) nhằm động viên khuyến khích người bào chữa thực hiện quyền bào chữa cho người bị bắt bị tạm giữ trong bộ luật tố tụng hình sự. 5. Kết luận Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ đã trở nên quen thuộc với thể chế pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Việc tìm hiểu và nắm vững quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ không chỉ giúp cho bị can, bị cáo thực hiện trọn vẹn quyền công dân mà còn tạo nên tính công bằng trong hoạt động xét xử và tranh tụng. Trên cơ sở đó xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ. Chú thích 2 Khoản 1, Điều 11 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 ghi: “Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ” [4]. Điểm b, Khoản 3 Điều 14 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 ghi: “Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn” [5]. Khoản 1, Nguyên tắc 11 của Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào năm 1988 ghi: “Một người bị giam có quyền tự bào chữa hoặc được luật sư giúp đỡ theo quy định của pháp luật” [6] và Nguyên tắc 13 quy định: “Bất kỳ người nào, vào lúc bị bắt giữ và lúc bắt đầu bị giam hay bị cầm tù, hoặc ngay sau đó, đều phải được cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc bắt giữ, giam hay cầm tù Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 80 người đó cung cấp các thông tin tương ứng và giải thích về các quyền của người đó cũng như cách tận dụng những quyền như vậy” [6]. Khoản 1 Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư năm 1990 ghi: “Mọi người đều có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của luật sư theo sự lựa chọn của mình nhằm thiết lập và bảo vệ các quyền của mình đó trong mọi giai đoạn của tố tụng hình sự” [7]. 3 Điều 67 Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định quyền bào chữa: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư”. Những bản Hiến pháp tiếp theo mở rộng quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng phạm vi các đối tượng được đảm bảo quyền bào chữa, ngoài bị can, bị cáo mới có quyền bào chữa như các bản Hiến pháp trước đây thì ngay khi người bị bắt đã có quyền bào chữa theo quy định tại khoản 4 Điều 31: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” [8]. 4 Theo thống kê năm 2013, bình quân 1 luật sư phải phục vụ hơn 14.000 dân; trong khi tỷ lệ này tại Singapore là 1/1.000 dân, Thái Lan là 1/1.526 dân, Nhật Bản là 1/1.546 dân. Đó là chưa nói số luật sư ở Việt Nam chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội (1.630 luật sư) và Thành phố Hồ Chí Minh (2.880 luật sư); các tỉnh thành khác số luật sư chỉ khoảng 3-5 người [12]. Tài liệu tham khảo [1] Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (2018), Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT- BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23 tháng 01 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Hà Nội. [2] Hà Thái Thơ, Huỳnh Xuân Tình (2016), “Đảm bảo quyền bào chữa theo quy định của Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7. [3] Liên đoàn Luật sư Việt Nam (2019), Công văn số 02/LĐLSVN ngày 04 tháng 01 về việc góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Công an quy định về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của BLTTHS liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Hà Nội. [4] Liên Hợp Quốc (1948), Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Paris, Pháp. [5] Liên Hợp Quốc (1966), Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, New York. [6] Liên Hợp Quốc (1988), Các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào, New York. [7] Liên Hợp Quốc (1990), Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của Luật sư, Cuba [8] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [9] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật tố tụng hình sự, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội [10] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. [11] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Trợ giúp pháp lý, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [12] https://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/ doisong/103173/Ty-le-luat-su-tren-dan-so-cua- Viet-Nam-thap.html. Đỗ Khánh Ly 81

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfquyen_bao_chua_cua_nguoi_bi_bat_nguoi_bi_tam_giu_theo_bo_lua.pdf
Tài liệu liên quan