Sinh kế của cộng đồng địa phương dựa vào điểm du lịch: Những vấn đề đặt ra hiện nay

Sinh kế là điều kiện để con người có thể thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của mình. Sinh kế càng quan trọng hơn đối với các cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương và với các mục tiêu thiên niên kỷ, việc xóa nghèo, giảm nghèo là một mục tiêu đặc biệt quan trọng. Do đó, nghiên cứu sinh kế được chú ý quan tâm để giúp cộng đồng nghèo có được chiến lược sinh kế tốt nhất dựa trên việc sử dụng nguồn vốn sinh kế, cùng với đó là những chính sách hiệu quả để đạt được kết quả sinh kế có lợi nhất cho cộng đồng, để cộng đồng có thể thực hiện được sinh kế bền vững, có khả năng phục hồi trước những tổn thương trong cuộc sống. Điểm du lịch xuất hiện có vai trò như một “đầu tàu” kéo nền kinh tế của địa phương đi lên. Trong bối cảnh đó, cộng đồng địa phương có cơ hội để thực hiện chiến lược sinh kế mới. Đó là các loại hình sinh kế dựa vào điểm du lịch, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ du lịch. “Cơ thể kinh tế” địa phương mạnh lên cũng như cộng đồng địa phương thu được những lợi nhuận mà điểm du lịch mang lại. Tác động rõ rệt nhất tới cộng đồng của điểm du lịch thể hiện qua những đổi thay diện mạo vật chất và mức sống cư dân. Bên cạnh đó, điểm du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến văn hóa, xã hội. Chính vì lý do đó, nghiên cứu sinh kế dựa vào điểm du lịch một mặt sẽ thấy được cộng đồng đã thực hiện sinh kế như thế nào, với mức độ ra sao và thu lại được những gì. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra cộng đồng thực hiện sinh kế mất gì, mà chủ yếu là về mặt văn hóa, xã hội. Ngoài ra, việc chỉ ra tác động ngược trở lại của các chiến lược sinh kế đến điểm du lịch, đặc biệt là hình ảnh du lịch, cũng là một việc quan trọng để tìm ra các giải pháp vừa đảm bảo lợi ích cho cộng đồng trong mối quan hệ với tài nguyên du lịch, với chính quyền địa phương, với doanh nghiệp và du khách, vừa đảm bảo tốt nhất cho hình ảnh điểm du lịch.

pdf7 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 467 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sinh kế của cộng đồng địa phương dựa vào điểm du lịch: Những vấn đề đặt ra hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
79Số 26 - Tháng 12 - 2018 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA SINH KẾ CỦA CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG DỰA VÀO ĐIỂM DU LỊCH: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY ĐOÀN VĂN THẮNG Tóm tắt Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế, cung cấp việc làm và đóng góp vào ngân sách quốc gia, địa phương. Ở một số nơi có điểm du lịch, một bộ phận dân cư của cộng đồng địa phương đã dựa vào sự phát triển du lịch để thay đổi các chiến lược mưu sinh. Quá trình thích ứng với sinh kế mới đưa đến nhiều thay đổi tại cộng đồng trên các phương diện thu nhập, diện mạo vật chất, lối sống và các thực hành văn hóa. Cộng đồng được gì và mất gì trong quá trình thay đổi sinh kế, đưa đến những thay đổi về mặt văn hóa là vấn đề cần được quan tâm. Từ khóa: Cộng đồng, sinh kế, điểm du lịch Abstract Tourism is considered a smokeless industry, which plays an important role in changing the economic structure, providing jobs and contributing to national and local budgets. In some places where there are tourist sites, a part of the local community has relied on tourism development to change their livelihood strategies. The process of adapting to new ways of livelihood leads to many changes in the community in terms of income, appearance of material, lifestyle and cultural practices. What the community can gain and lose in the process of changing the ways of livelihood, resulting changes in cultural aspects is concerned matter. Keywords: Community, livelihoods, tourism site 1. Bối cảnh Trong những năm qua, diện mạo nông thôn Việt Nam trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi dưới tác động của phát triển kinh tế. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và kinh tế thị trường như một lực tác động tạo ra những biến đổi từ các thực hành văn hóa, lối sống đến các mối quan tâm về vấn đề quyền lực, sự sở hữu, sử dụng tài nguyên và việc lựa chọn, quyết định các phương thức mưu sinh Trong bối cảnh đó, xuất hiện tình trạng “nhạt” nông nghiệp đã diễn ra tại nhiều cộng đồng nông thôn khi đứng trước quá trình thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị; trước sức hút từ các khu công nghiệp, các chiến lược sinh kế mới và các cơ hội thu nhập tốt hơn từ quá trình di dân nông thôn - đô thị trong việc tìm ra con đường giải quyết vấn đề kinh tế hộ gia đình. Ở cấp độ có tính vĩ mô, các học giả và nhà quản lý quan tâm đến các nghiên cứu, hỗ trợ việc hoạch định chính sách nhằm tìm ra con đường “cải tạo” nông thôn với hy vọng “thủ tiêu” cơ chế làng xã cũ và các mặt hạn chế của nó để đưa các làng xã này trở thành “nông thôn mới” với kỳ vọng mang lại cho cộng đồng nông thôn những yếu tố tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần. Trong mục tiêu phát triển nông thôn và giảm nghèo, sinh kế trở thành mục tiêu nghiên cứu và phân tích nhằm tìm ra những chiến lược hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống của cộng đồng bởi nó là phương tiện để đảm bảo đời sống. Theo định nghĩa của DFID (Department for International Development - Số 26 - Tháng 12 - 201880 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Bộ Phát triển Quốc tế Anh), “sinh kế bao gồm các khả năng, các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết để kiếm sống” (5, tr.5). Trong khung phân tích sinh kế bền vững của DFID, vốn sinh kế được chia thành 4 loại: Vốn nhân lực, vốn vật chất, vốn xã hội, vốn tự nhiên và vốn tài chính. Sinh kế bền vững có thể được hiểu như sau: “Một sinh kế sẽ phải tùy thuộc vào khả năng và của cải (cả nguồn lực vật chất và xã hội) và những hoạt động mà tất cả là cần thiết để mưu sinh. Sinh kế của một người hoặc của một gia đình chỉ có thể là bền vững khi họ có thể đương đầu và phục hồi trước những căng thẳng và biến động, và tồn tục được hoặc nâng cao thêm các khả năng và của cải của mình hiện nay và của cả trong tương lai mà không làm tổn hại đến các nguồn lực môi trường” (2, tr.104). Sinh kế của con người rất đa dạng, tùy từng điều kiện tự nhiên, trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội mà có các chiến lược sinh kế khác nhau với các nhóm khác nhau thực hiện sinh kế. Gần biển, bám biển; gần rừng, bám rừng, với các hình thức khai thác đơn giản nhất của cộng đồng đến những công việc có tính chất phức tạp như làm nghiên cứu khoa học hay các nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng và chất xám cao như công nghệ điện tử, vũ trụ Sinh kế không phải là thứ bất biến đối với bất cứ cá nhân, cộng đồng nào. Một tác động từ bên ngoài hay tính chủ động của con người sẽ làm thay đổi chiến lược sinh kế và từ đó dẫn tới những biến đổi về mức sống cùng các vấn đề kéo theo nó khi kinh tế thay đổi. Có những ví dụ về vấn đề thay đổi sinh kế do tác động từ bên ngoài, điển hình là việc “xâm lăng” của công nghiệp hóa, đô thị hóa đến các vùng nông thôn. Một mặt, cộng đồng cư dân phải thay đổi chiến lược sống, thích nghi với các sinh kế mới, mặt khác là những thay đổi về văn hóa xã hội. Có một loại tác động thường không được chú ý nhiều như đối với vấn đề công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng cũng mang lại những tác động rất lớn tới việc lựa chọn chiến lược sinh kế, tới đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của cộng đồng, đó chính là tác động của các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch lớn, nổi tiếng, giàu tiềm năng. Việc xuất hiện điểm du lịch đã cung cấp sinh kế mới, thay đổi cách làm ăn kinh tế, từ đó đưa đến sự thay đổi trong đời sống văn hóa của người dân. Du lịch đang trở thành một ngành công nghiệp được khai thác có hiệu quả tại Việt Nam. Điều này được chứng minh qua các con số thống kê về số lượng khách nội địa, khách quốc tế và doanh thu tăng qua các năm. Nhiều điểm du lịch được hình thành, thu hút vốn đầu tư, kéo theo kinh doanh du lịch làm lợi cho các doanh nghiệp và cho cả cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương một mặt được hưởng lợi, mặt khác đóng góp một phần vào phát triển các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch, tham gia bảo vệ tài nguyên du lịch và được nhìn nhận như một bên tham gia, một đối tác của ngành du lịch nhằm đảm bảo lợi ích trong trong mô hình có sự tham gia của Chính quyền - Doanh nghiệp du lịch - Cộng đồng - Du khách. Nghiên cứu sinh kế dựa vào điểm du lịch là một hướng tiếp cận để thấy được cộng đồng đã tận dụng và chịu tác động như thế nào từ một yếu tố mới xuất hiện trong cuộc sống, đặc biệt là với những người nông dân nhiều thế hệ quen với kinh tế nông nghiệp và văn hóa từ nền kinh tế nông nghiệp sản sinh ra. Nghiên cứu như vậy sẽ chỉ ra được cộng đồng được gì và mất gì, cụ thể hơn là tìm hiểu những biến đổi về kinh tế, đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng địa phương do tác động của điểm du lịch đem lại. Ngoài ra, nghiên cứu sinh kế dựa vào điểm du lịch cũng chỉ ra loại hình nào ảnh hưởng đến hình ảnh điểm du lịch và cần có cách xử lý ra sao. Do đó, đây là một công việc vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn. 2. Điểm du lịch và cơ hội thay đổi chiến lược sinh kế của cộng đồng địa phương 2.1. Khái niệm điểm du lịch Theo Quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu chiến lược của du lịch Việt Nam là phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hiện đại, mang đến những sản phẩm du lịch chất lượng, 81Số 26 - Tháng 12 - 2018 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh như vậy, ngành du lịch phải ra sức khai thác các tiềm năng du lịch từ nguồn vốn du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên để đạt chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó là lợi nhuận khiến các doanh nghiệp du lịch sẵn sàng chi một khoản lớn trong chiến lược kinh doanh của mình. Do đó, các điểm tài nguyên du lịch được rót vốn đầu tư, khai thác, biến thành các điểm du lịch và trong chiến lược kinh doanh sẽ được quảng bá rộng để trở nên nổi tiếng, có sức hút, hay tạo ra “lực hấp dẫn du lịch”. Vậy điểm du lịch là gì? “Theo nghĩa chung nhất, điểm du lịch là những chỗ hoặc cơ sở mà khách du lịch hướng đến và lưu trú, điểm du lịch có thể là những chỗ không có dân cư. Đó là nghĩa rộng của điểm du lịch. Tuy nhiên, trong kinh tế du lịch, điểm du lịch là một nơi, một vùng hay một đất nước có sức hấp dẫn đặc biệt với người dân ngoài địa phương và có những thay đổi nhất định trong kinh tế do hoạt động du lịch gây nên” (6, tr.112). Điểm du lịch có thể là một điểm lớn hay nhỏ có tài nguyên du lịch. Trong đó, theo cách phân loại đơn giản nhất, tài nguyên du lịch bao gồm: tài nguyên du lịch văn hóa, tài nguyên du lịch tự nhiên. Do đó, ngoài khái niệm điểm du lịch, cũng cần làm rõ khái niệm điểm tài nguyên. Có thể định nghĩa điểm tài nguyên là nơi có một hay nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách nhưng chưa được khai thác. Như vậy, cũng có thể hiểu điểm du lịch là điểm đã khai thác tài nguyên du lịch. Điểm du lịch có thể chia thành điểm du lịch tự nhiên và điểm du lịch văn hóa nếu đặt cách phân chia theo quan điểm nhị nguyên: chia tài nguyên du lịch thành hai thực thể tự nhiên và văn hóa. Trong đó, điểm du lịch tự nhiên được hiểu là điểm du lịch mà các hoạt động của nó chủ yếu dựa vào khai thác giá trị các tài nguyên du lịch tự nhiên. Thường thì các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch núi, du lịch biển sẽ gắn với điểm du lịch loại này. Đối với điểm du lịch văn hóa, các giá trị khai thác sẽ tập trung vào các trung tâm lịch sử, văn hóa, giáo dục. Đặc biệt là việc khai thác các sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng còn tồn tại nhiều nét văn hóa truyền thống như các làng điển hình ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn. Các doanh nghiệp du lịch cũng thường kinh doanh tại những cộng đồng xa trung tâm đô thị, đặc biệt như ở Việt Nam là các cộng đồng tộc người thiểu số có văn hóa được mô tả là khác lạ, kỳ bí, do đó có sức hút đặc biệt với du khách, cả khách nội địa và khách quốc tế. Các trung tâm tôn giáo cũng là một nguồn tài nguyên lớn cho du lịch để tạo nên các điểm du lịch tôn giáo. Ngoài ra, các trung tâm kinh tế, chính trị cũng là nơi thu hút được hoạt động du lịch. Trên thực tế, hiếm có điểm du lịch nào chỉ bao gồm một nhân tố tự nhiên hoặc văn hóa mà chủ yếu là các điểm du lịch có sự kết hợp nhiều yếu tố. Ngoài ra, cũng có thể chia điểm du lịch thành điểm du lịch có ý nghĩa địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế, hay chia thành hai loại điểm: điểm du lịch có ý nghĩa hạn chế và điểm du lịch có ý nghĩa tuyệt đối. Điểm du lịch có ý nghĩa hạn chế khi chỉ thu hút được một số Năm Chỉ tiêu 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Tổng thu từ khách du lịch (Nghìn tỉ đồng) 68,00 96,00 130,00 160,00 200,00 230,00 337,83 400,00 510,90 Tốc độ tăng trưởng (%) 13,3 41,2 35,4 26,1 25,0 15,0 * 18,4 27,5 Bảng 1. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2009 - 2017 Chú thích: * Theo phương pháp thống kê mới (Nguồn: Tổng cục Du lịch) Số 26 - Tháng 12 - 201882 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA du khách hạn chế ở một vài địa phương, vùng, hay đất nước. Điểm du lịch có ý nghĩa tuyệt đối là điểm du lịch thu hút không hạn chế số lượng du khách. 2.2. Điểm du lịch - cơ hội sinh kế của cộng đồng địa phương Cộng đồng là một khái niệm có độ co giãn về nội hàm và ngoại diên nên khó có một định nghĩa thống nhất. Theo nhà nghiên cứu Lương Hồng Quang, khái niệm cộng đồng (community) được sử dụng để chỉ các đối tượng có những đặc điểm khác nhau về quy mô, đặc tính xã hội. Rộng nhất có thể kể đến các khối tập hợp người, các liên minh rộng lớn như cộng đồng thế giới, cộng đồng châu Âu Nhỏ hơn có thể áp dụng cho một kiểu/ hạng xã hội, căn cứ vào các đặc tính tương đồng như tôn giáo, sắc tộc như cộng đồng người Do Thái, cộng đồng người Thanh giáo Ở cấp độ nhỏ hơn, cộng đồng được sử dụng để chỉ các đơn vị cơ bản như cộng đồng làng hay một nhóm xã hội có những đặc tính chung về giới, nghề nghiệp, thân phận xã hội (3, tr.5). Cũng theo ông, cộng đồng là một tập hợp người được nhận diện dựa trên yếu tố địa vực, nghề nghiệp và văn hóa. Trong đó, yếu tố địa vực thường gắn chặt với đất đai, là đặc điểm để khu biệt một cộng đồng. Những cộng đồng làng thường gắn với yếu tố này. Tuy nhiên có những kiểu cộng đồng ít gắn với yếu tố địa vực mà sự phân định cộng đồng được dựa trên sự chia sẻ chung tính chất nào đó. Nhìn chung, yếu tố địa vực là đặc điểm khu biệt cộng đồng. Yếu tố kinh tế vừa (hay nghề nghiệp) vừa tạo ra sự đảm bảo về mặt vật chất, vừa tạo ra một sự chia sẻ chung về địa vị kinh tế, cách thức làm ăn, về tổ nghề,... Yếu tố văn hóa rõ ràng có vai trò quan trọng trong xác định đặc điểm nhận dạng một cộng đồng, là một biểu thị có tính tổng hợp khi nhận biết các cộng đồng, trong đó đặc biệt chú ý đến các khía cạnh như truyền thống - lịch sử, tộc người, tôn giáo - tín ngưỡng, hệ thống giá trị - chuẩn mực, phong tục tập quán... (3, tr.16-18) Trong trường hợp nghiên cứu sinh kế của cộng đồng địa phương dựa vào điểm du lịch, có thể hiểu rằng đây là tập hợp cư dân sinh sống trong hoặc liền kề với với điểm du lịch. Cũng cần thống nhất một cách tương đối rằng đây là các cộng đồng thuộc khu vực nông thôn hoặc các khu vực hẻo lánh, văn hóa còn khá thuần nhất bởi sự khu biệt tương đối với cuộc sống bên ngoài. Các đặc điểm về yếu tố địa vực, kinh tế và văn hóa trong trường hợp này dễ dàng nhận biết để phản ánh các đặc trưng của cộng đồng. Bởi sinh sống gắn với các điểm tài nguyên du lịch, cho nên các tài nguyên du lịch tự nhiên cũng là một nguồn khai thác sinh kế của cộng đồng qua các hoạt động như săn bắn, khai thác tài nguyên rừng (đặc biệt là tại các khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...). Bên cạnh đó, với các tài nguyên nhân văn, cộng đồng địa phương thường được xem như là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị. Do đó, cộng đồng địa phương cần nhận được sự quan tâm và chia sẻ quyền lợi trong quá trình phát triển du lịch, cũng như cần được nâng cao nhận thức và mối quan tâm của họ trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa gắn với cộng đồng. Một tính chất phổ biến của điểm du lịch là sự đan xen, hay tính xen ghép với điểm sinh sống và hoạt động kinh tế của cộng đồng địa phương. Điều này thể hiện rõ nhất tại các điểm du lịch làng quê, du lịch phố cổ, du lịch văn hóa - lễ hội, Không những vậy, ngay cả các điểm du lịch tự nhiên như Cát Bà, Đồ Sơn, Hạ Long, Bãi Cháy, cũng là các khu vực dân cư có hoạt động kinh tế sôi động (1, tr. 31). Do đó, một khi điểm du lịch xuất hiện sẽ tạo ra những cơ hội thay đổi chiến lược sinh kế cho cộng đồng địa phương nơi đó vì những nhu cầu của du khách và chính bản thân ngành du lịch. Trước hết, du khách khi đến với điểm du lịch thường có nhu cầu khám phá văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và sử dụng các dịch vụ ăn, nghỉ, hỗ trợ đi lại, nghỉ ngơi Đặc biệt, những sự khác biệt, lạ lẫm thường trở thành điều thích thú đối với họ. Đó là cơ sở để cộng đồng địa phương nắm bắt cơ hội, thực hiện những dịch vụ phục vụ du khách từ loại hình đơn giản nhất cho đến các hình thức phức tạp. Các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có kinh doanh lưu trú, kinh doanh ăn uống, thậm chí các hoạt động bán rong 83Số 26 - Tháng 12 - 2018 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA cũng đem lại một nguồn thu nhập lớn trong cơ cấu kinh tế của các hộ gia đình. Các thứ vải thổ cẩm - một sản phẩm quá quen thuộc với người dân, trở thành món hàng đắt tiền tại Sa Pa khi du khách, đặc biệt là người nước ngoài, thấy cuốn hút trước những sản phẩm như vậy. Một món bánh quen thuộc, đơn giản của cộng đồng địa phương nhưng lại được khách du lịch mua nhiều làm quà cho bạn bè, người thân như bánh củ mài ở chùa Hương cũng tạo ra cơ hội việc làm cho không ít người sản xuất sản phẩm này, Dịch vụ ẩm thực cũng có cơ hội thu lợi nhuận lớn, giá cả của chúng thường cao hơn nhiều so với mặt bằng chung Và cũng bởi cộng đồng địa phương thường quan niệm khách du lịch là những người nhiều tiền và sẵn sàng chi cho những dịch vụ cần thiết nên những cảnh “chặt chém” thường xảy ra. Nói chung, điểm du lịch đã mang đến cho cộng đồng địa phương những cơ hội việc làm tại chỗ, tạo điều kiện cho họ sinh sống và tiến hành các chiến lược sinh kế thường nhật, tận dụng cơ hội từ điểm du lịch để có chiến lược sinh kế mới, góp phần tăng thu nhập kinh tế. Điểm du lịch xuất hiện cũng là một cơ hội kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp du lịch. Sau những sáng kiến của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và quảng bá du lịch, các doanh nghiệp du lịch tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ. Cùng với việc đầu tư kinh doanh du lịch, chính quyền và các doanh nghiệp du lịch phải giải quyết hài hòa sao cho cộng đồng địa phương cũng được chia sẻ quyền lợi. Các lý thuyết về du lịch bền vững hay du lịch cộng đồng đều nhắc tới vấn đề này. Đặc biệt, khái niệm du lịch cộng đồng còn khẳng định: du lịch cộng đồng là du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nói chung, một yếu tố quan trọng trong du lịch là có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng bản địa, cải thiện tính công bằng xã hội trong phát triển (1, tr.63). Do vậy, chính quyền thường tạo điều kiện để người dân đăng ký các điểm kinh doanh và các doanh nghiệp du lịch ngoài việc tập trung cho chiến lược kinh doanh của mình thường có chính sách thu hút lao động địa phương. Đây cũng là một yếu tố góp phần giải quyết nạn thất nghiệp và tạo ra nguồn thu nhập mới. Chính những điều này “sẽ làm giảm tình trạng di cư về các khu đô thị, làm ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và chương trình dịch chuyển cơ cấu của một số quốc gia” (7, tr.50). Ngoài ra, địa phương nơi có điểm du lịch sẽ được nhận những lợi ích nhất định về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông. Để phục vụ du lịch, các tuyến đường sẽ được mở rộng và hiện đại hóa giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng, thuận hiện hơn, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa. Do vậy, có thể thấy rằng, điểm du lịch không những tạo ra sinh kế mới, đem lại hiệu quả về mặt kinh tế cho cộng đồng mà còn góp phần giải quyết một số vấn đề văn hóa - xã hội. Một số tổ chức như DFID, WTO (World Tourism Organization - Tổ chức Du lịch thế giới) hay SNV (Netherlands Development Organisation - Tổ chức Phát triển Hà Lan) đã có những chương trình về tác động của du lịch đối với cộng đồng, đặc biệt họ nhắm tới du lịch vì cộng đồng nghèo. Trong đó, SNV đã phân tích những tác động tích cực của du lịch đến cộng đồng, một trong số đó có liên quan đến vấn đề sinh kế, có thể khái quát một vài vấn đề như sau: Trước hết, trong du lịch - một ngành công nghiệp mang khách hàng đến với sản phẩm, các sản phẩm du lịch được sản xuất và tiêu thụ gần như đồng thời. Do vậy, cộng đồng địa phương với các sản phẩm của mình không cần phải qua khâu trung gian mà trực tiếp đến tay du khách, do vậy sẽ đem lại nguồn thu nhập cao hơn, đặc biệt có lợi cho người nghèo. Thứ hai, có thể thấy rằng các tài nguyên du lịch có tính cạnh tranh cao thường chủ yếu tập trung ở các vùng xa trung tâm công nghiệp, đô thị bởi những nơi này còn giữ được những điều kiện thuần nhất về tự nhiên cũng như lối sống, phong tục, tập quán Do đó sẽ có sức thu hút du khách và có lợi thế trong kinh doanh du lịch. Bởi vậy, cộng đồng địa phương ở những nơi này có nhiều cơ hội dựa vào các điểm du lịch để cải thiện cuộc sống của mình bằng việc thực hiện các chiến lược sinh kế dựa vào điểm du lịch và làm nhân công cho các doanh nghiệp du lịch bằng các loại công việc Số 26 - Tháng 12 - 201884 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA thường xuyên hoặc bán thời gian. Đặc biệt, điểm du lịch sẽ tạo ra cơ hội việc làm lớn cho phụ nữ và những người trẻ, do đó góp phần phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo. Thứ ba, điểm du lịch tạo lợi ích phi vật chất cho cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa, giá trị tự nhiên của điểm du lịch mà không gian sinh hoạt, không gian sống của cộng đồng đan xen hoặc liền kề bởi cộng đồng sẽ hiểu được lợi ích của các giá trị đó trong việc tạo nguồn thu nhập và nâng cao mức sống của mình. Cuối cùng, cộng đồng sẽ được hưởng những lợi ích khác từ việc cơ sở hạ tầng được cải thiện về giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp nước, điều kiện vệ sinh, an sinh xã hội, an ninh công cộng, các dịch vụ y tế. Thông qua những phân tích trên có thể thấy rằng, điểm du lịch xuất hiện sẽ đem lại lợi ích cho chính địa phương có điểm bằng việc thu hút được các nguồn vốn đầu tư từ chính quyền và doanh nghiệp du lịch để từ đó tăng được nguồn vốn vật chất, bao gồm hệ thống điện, đường, trường, trạm. Mặt khác, việc tạo ra những công việc mới sẽ đem đến những nguồn lợi trực tiếp cho những nhóm thực hiện chiến lược sinh kế “bám” vào điểm du lịch trong nỗ lực nâng cao nguồn vốn tài chính của mình. 2.3. Một số xu hướng tiêu cực từ vấn đề sinh kế dựa vào điểm du lịch Khẳng định những tác động tích cực của điểm du lịch đến cộng đồng địa phương nhưng điều đó cũng không thể phủ định những mặt tiêu cực mang lại. Có thể coi điểm du lịch là “liều thuốc” chữa căn bệnh đói nghèo của cộng đồng địa phương và làm cho “cơ thể kinh tế” của cộng đồng mạnh lên. Tuy vậy, giống như thuốc, ngoài tác dụng chữa bệnh cũng có thể có tác dụng phụ. Điểm du lịch cũng mang lại những vấn đề mà về một khía cạnh nào đó, không ai muốn nó xảy đến. Trước tiên, về kinh tế: Cạnh tranh trong kinh doanh du lịch sẽ có thể biến những người dân địa phương trước đây sống cố kết bằng truyền thống cộng đồng nay trở thành những đối thủ kinh doanh, do đó có thể đưa đến những mâu thuẫn, giảm tính cố kết trong cộng đồng. Thêm một hiện tượng khác, đó là việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp du lịch với cộng đồng địa phương có thể gây ra những mâu thuẫn nhất định. Lợi nhuận thu được từ du lịch có thể tập trung phần lớn vào tay các doanh nghiệp du lịch từ bên ngoài. Cộng đồng địa phương có thể mất lợi thế kinh tế, xã hội và chính trị khi bị gạt ra ngoài di sản của chính họ. Các doanh nghiệp du lịch đẩy cộng đồng ra khỏi di sản được cho là của chính họ và biến họ trở thành những người làm thuê cho doanh nghiệp, thậm chí với mức lương rẻ mạt, tạm bợ theo mùa. Ngoài ra, “các dòng chuyển cư và di cư trong các khu vực phát triển du lịch cũng làm nảy sinh những va chạm và xung đột văn hóa giữa nhóm người bản địa và du khách, giữa họ với các nhóm di cư đến làm ăn tại khu du lịch” (4, tr.7). Thêm vào đó, sự khai thác quá mức tài nguyên du lịch, đặc biệt các tài nguyên tự nhiên để phục vụ phát triển kinh tế du lịch cũng là nguyên nhân gây ra suy thoái môi trường, suy thoái văn hóa. Về văn hóa, xã hội: Khi việc tập trung quá đông khách du lịch đến điểm du lịch sẽ gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng địa phương, cho dù đây là một cơ hội tốt để kiếm tiền. Người dân địa phương còn có thể bị tác động bởi những kiểu văn hóa ngoại lai mà du khách đem đến, gây ra sự vọng ngoại, đặc biệt là giới trẻ, những người dễ bị cuốn hút bới phong cách của du khách. Khi kinh tế phát triển, có điều kiện hơn, giới trẻ thường thay đổi cách sống như vốn có của cộng đồng mình. Việc đua đòi, tham gia các tệ nạn xã hội có thể sẽ diễn ra. Do đó, lối sống và văn hóa của cộng đồng địa phương có thể bị biến dạng. Như đã phân tích, sự cạnh tranh, giành khách hàng có thể sẽ biến những người dân địa phương sống quần tụ với nhau trong không gian của cộng đồng từ lâu trở thành những đối thủ của nhau. Bởi vậy, truyền thống duy tình, trọng tình, cố kết cộng đồng sẽ giảm đi. Một số vấn đề khác cũng sẽ được bàn đến như việc tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch sẽ khiến học sinh là con em của cộng đồng địa phương sao nhãng học hành, gây ảnh hưởng trực tiếp lên kết quả học tập. Hay nói cách khác, vốn con người không được quan 85Số 26 - Tháng 12 - 2018 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA tâm đúng mức vì những lợi ích kinh tế trước mắt. Ngoài ra, điểm du lịch còn kéo theo một số hiện tượng xã hội như nạn tội phạm (nhất là nạn lừa đảo, móc túi du khách), ma túy, mại dâm, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch. Những phân tích trên cho thấy tác động của du lịch nói chung và các điểm du lịch nói riêng tới cộng đồng. Rõ ràng, khi nhìn nhận một vấn đề cần phải thấy được tính hai mặt của nó. Sự xuất hiện và phát triển điểm du lịch cũng như vậy. Đối với cộng đồng địa phương, điểm du lịch tạo ra những tác động có hướng tích cực trong việc thay đổi hiện trạng kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực cũng gây ra những ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. 3. Kết luận Sinh kế là điều kiện để con người có thể thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của mình. Sinh kế càng quan trọng hơn đối với các cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương và với các mục tiêu thiên niên kỷ, việc xóa nghèo, giảm nghèo là một mục tiêu đặc biệt quan trọng. Do đó, nghiên cứu sinh kế được chú ý quan tâm để giúp cộng đồng nghèo có được chiến lược sinh kế tốt nhất dựa trên việc sử dụng nguồn vốn sinh kế, cùng với đó là những chính sách hiệu quả để đạt được kết quả sinh kế có lợi nhất cho cộng đồng, để cộng đồng có thể thực hiện được sinh kế bền vững, có khả năng phục hồi trước những tổn thương trong cuộc sống. Điểm du lịch xuất hiện có vai trò như một “đầu tàu” kéo nền kinh tế của địa phương đi lên. Trong bối cảnh đó, cộng đồng địa phương có cơ hội để thực hiện chiến lược sinh kế mới. Đó là các loại hình sinh kế dựa vào điểm du lịch, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ du lịch. “Cơ thể kinh tế” địa phương mạnh lên cũng như cộng đồng địa phương thu được những lợi nhuận mà điểm du lịch mang lại. Tác động rõ rệt nhất tới cộng đồng của điểm du lịch thể hiện qua những đổi thay diện mạo vật chất và mức sống cư dân. Bên cạnh đó, điểm du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến văn hóa, xã hội. Chính vì lý do đó, nghiên cứu sinh kế dựa vào điểm du lịch một mặt sẽ thấy được cộng đồng đã thực hiện sinh kế như thế nào, với mức độ ra sao và thu lại được những gì. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra cộng đồng thực hiện sinh kế mất gì, mà chủ yếu là về mặt văn hóa, xã hội. Ngoài ra, việc chỉ ra tác động ngược trở lại của các chiến lược sinh kế đến điểm du lịch, đặc biệt là hình ảnh du lịch, cũng là một việc quan trọng để tìm ra các giải pháp vừa đảm bảo lợi ích cho cộng đồng trong mối quan hệ với tài nguyên du lịch, với chính quyền địa phương, với doanh nghiệp và du khách, vừa đảm bảo tốt nhất cho hình ảnh điểm du lịch. Đ.V.T (ThS., Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Đình Hòe (2001), Du lịch bền vững, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 2. Kooes Nefies (2003), Môi trường và sinh kế - Các chiến lược phát triển bền vững, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 3. Lương Hồng Quang (2018), Phát triển văn hóa dựa vào cộng đồng - Các tranh luận lý thuyết và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 4. Võ Quế (2006), Du lịch cộng đồng - Lý thuyết và vận dụng, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội. 5. Nguyễn Văn Sửu (2010), Khung sinh kế bền vững: Một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo, Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr.3-12. 6. Trần Đức Thanh (1999), Nhập môn khoa học du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 7. Phạm Ngọc Thắng (2009), Điều kiện để phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 10, tr.50-52. Ngày nhận bài: 17 - 10 - 2017 Ngày phản biện, đánh giá: 5 - 12- 2018 Ngày chấp nhận đăng: 25 - 12 - 2018

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfsinh_ke_cua_cong_dong_dia_phuong_dua_vao_diem_du_lich_nhung.pdf
Tài liệu liên quan