Kết luận
Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến ba
mươi năm đầu thế kỉ XX chủ yếu gồm ba nhóm chính là các công ti người Việt, người Hoa và
người Pháp. Bởi đây là mối quan hệ cạnh tranh tay đôi, tay ba khá phức tạp.
Tàu của những người Pháp được sự ưu ái của chính phủ Pháp ở thuộc địa nên dễ dàng cạnh
tranh được được với tàu người Hoa khi họ đã kinh doanh mảng này ở Bắc Kỳ từ rất lâu. Người
Việt cũng rất khó cạnh tranh với tàu người Pháp ngay trên chính quê hương của mình do vốn ít,
trang thiết bị tàu thô sơ, không được hỗ trợ tài chính. Nhưng tàu Pháp đã vấp phải trở lực lớn
khi những tàu Đức tấn công thị trường vận tải biển ở khu vực Bắc Kỳ. Do tàu Đức cũng ngang
ngửa về mức độ hiện đại của trang thiết bị tàu, sức chứa lớn và đây cũng là một đối thủ lớn của
Pháp ở cả chính quốc và thuộc địa.
Trước sự xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, tàu của người Hoa đã khôn khéo lách luật
bằng cách trốn tránh kê khai thông tin di chuyển nhằm trốn thuế, giảm chi phí. Thậm chí, cách
người Hoa đương đầu với đối thủ người Pháp là tuyên bố chỉ tập trung vào đối tượng hành
khách bình dân, người bản địa chứ không muốn chở đối tượng hành khách sang trọng người
Pháp. Các tàu của họ cũng thiết kế khá thô sơ phù hợp với đối tượng hành khách họ hướng tới.
Người Việt bước vào kinh doanh lĩnh vực vận tải đường thủy tiêu biểu nhất phải kể đến
Bạch Thái Bưởi. Do đặc thù của giai cấp tư sản Việt Nam mới lên, tiềm lực về kinh tế và chính
trị còn non yếu. Nên ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX này giai cấp
tư sản Việt Nam được đánh giá là lần đầu tiên có bước nhảy vọt từ kinh doanh sơ khai lên quy
mô lớn đó là thành lập được công ti. Lần đầu tiên ở Bắc Kỳ nổi lên giới chủ người Việt trong
bối cảnh lệ thuộc chặt chẽ vào người Pháp có cơ hội cạnh tranh với người Pháp, thể hiện chủ
nghĩa yêu nước, dân tộc sâu sắc.
Lí do tạo lên sức cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhóm công ti kinh doanh lĩnh vực vận tải
đường thủy từ cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX bởi giai đoạn này các tuyến
đường bộ và các hãng vận tải đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu về vận chuyển khối lượng
hàng hóa lớn, đến được nhiều vùng giàu tài nguyên như vận tải đường thủy.
8 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 294 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
128
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2020-0016
Social Sciences, 2020, Volume 65, Issue 2, pp. 128-135
This paper is available online at
SỨC CẠNH TRANH CỦA CÁC CÔNG TI VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY Ở BẮC KỲ
TỪ CUỐI THẾ KỈ XIX ĐẾN BA MƯƠI NĂM ĐẦU THẾ KỈ XX
Phan Thị Thu
Trường Trung học phổ thông Anhxtanh Hà Nội
Tóm tắt. Hoạt động của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến ba
mươi năm đầu thế kỉ XX diễn ra rất sôi nổi, cạnh tranh khốc liệt. Các công ti người Pháp
được bảo trợ bởi chính phủ Pháp, có lợi thế về khoa học kĩ thuật đã tìm cách đánh bại
những công ti của nhiều quốc gia. Trong khi đó, công ti người Hoa đã tận dụng lợi thế về
vốn và kinh nghiệm kinh doanh, đã có chỗ đứng chân ở hầu hết các thương cảng, bến bãi ở
Bắc Kỳ để cạnh tranh mạnh mẽ với người Pháp, hạn chế ảnh hưởng của chính quyền. Ra
đời sau, công ti của người Việt buộc phải tìm cách đánh bại thị phần của những thương
nhân Hoa Kiều trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sông. Khá nhiều lần công ti của
người Việt dám đương đầu cạnh tranh với các công ti của người Pháp trong các tuyến di
chuyển đường sông nhưng vận tải đường biển thì không phải là đối thủ của người Pháp.
Người Châu Âu đến Bắc Kỳ kinh doanh vận tải cũng vấp phải khá nhiều trở lực so với
người Pháp.
Từ khóa: Sức cạnh tranh, công ti vận tải đường thủy, Bắc Kỳ.
1. Mở đầu
Kinh doanh vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ
XX, dù là giai đoạn mới phát triển của các nhóm công ti vận tải đường thủy nhưng đã có những
cuộc cạnh tranh phức tạp, tranh giành thị phần khốc liệt. Mối quan hệ cạnh tranh tay đôi, tay ba
trong kinh doanh vận tải đường thủy giữa những tàu của người Việt với người Hoa; giữa người
Pháp – người Hoa – người Việt diễn ra thường xuyên và không công bằng ở mọi tuyến đường.
Đỉnh điểm có sự cạnh tranh tay tư tranh giành thị phần Bắc Kỳ diễn ra trong thời kì chiến tranh
thế giới thứ nhất: giữa người Pháp – người Hoa – người Việt – người Châu Âu. Vấn đề này đã
được tác giả Lê Minh Quốc nhắc đến trong cuốn sách Bạch Thái Bưởi khẳng định nhân tài nước
Việt xuất bản năm 2007 [1]. Tác giả Lê Minh Quốc đã dành một thời lượng đáng kể đề cập tới
cuộc cạnh tranh trên các chuyến tàu giữa tư sản người Việt là Bạch Thái Bưởi và những chủ tàu
người Hoa. Mới đây nhất, tác giả bài viết cũng có bài nghiên cứu nói riêng về mối quan hệ cạnh
tranh giữa người Việt và người Pháp thông qua một vụ kiện tụng có tên “Về vụ kiện thuê tàu
Albert Sarrault của Bạch Thái Bưởi với Hạm đội Đông Dương (1923): tiếp cận từ nguồn tài liệu
lưu trữ”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.107-113, số 64 (tháng 8/2019)
[2]. Tuy nhiên, những nghiên cứu trên chủ yếu đi sâu vào một mối quan hệ cạnh tranh đơn tuyến.
Chính vì vậy, trong bài nghiên cứu này, tác giả muốn dựa vào nguồn tư liệu tiếng Pháp khai thác
được, đặc biệt là tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội để làm rõ thêm và đầy đủ các
mối quan hệ cạnh tranh, biểu hiện của sự cạnh tranh và rút ra một vài nhận xét về các công ti vận
tải đường thủy ở khu vực Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX.
Ngày nhận bài: 1/1/2020. Ngày sửa bài: 17/1/2020. Ngày nhận đăng: 5/2/2020.
Tác giả liên hệ: Phan Thị Thu. Địa chỉ e-mail: phanthu2206@gmail.com
Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX...
129
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Các mối quan hệ cạnh tranh giữa các công ti
Từ cuối thế kỉ XIX, các hoạt động thâu tóm lẫn nhau của các công ti vận tải đường thủy
theo chiêu thức “cá lớn nuốt cá bé” để tồn tại diễn ra phổ biến. Đến đầu thế kỉ XX, thị trường
vận tải càng trở nên sôi động khi công ti người Việt của Bạch Thái Bưởi bắt đầu tham gia vào
thị trường bằng cách mua lại tàu cũ hoặc thuê tàu của Pháp, của người Hoa để giảm chi phí. Sự
có mặt của tàu Đức ở Bắc Kỳ là mối đe dọa đối với sự độc quyền của chính quyền thực dân
Pháp, đặc biệt là công ti Marti – công ti được giao nhiệm vụ chủ yếu là khai thác vận tải đường
thủy ở Bắc Kỳ. Tất cả các công ti này phải đối mặt với những thương nhân người Hoa - lực
lượng nắm giữ thị phần chủ yếu về nông sản và vận tải ở Bắc Kỳ trước đó. Các cuộc sáp nhập
công ti, phân tách, mua bán công ti hoặc mua bán tàu là cuộc đấu trí căng thẳng của người đứng
đầu các công ti.
Năm 1909, công ti có xưởng đóng tàu lớn nhất ở Bắc Kỳ là Marti đứng trước nguy cơ phá
sản, phải cho thuê và bán dần các con tàu. Năm 1910 công ti Lapicque và công ti Deschwanden
mua lại một phần công ti Marti với mong muốn độc chiếm thị phần đường thủy phía Nam Trung
Quốc và Vịnh Bắc Bộ, chèn ép công ti người Việt đang bắt đầu chen chân vào thị trường vận
tải. Bạch Thái Bưởi đã nhanh chân hơn trong kế hoạch mua lại nhà xưởng của Marti để nó
không lọt vào tay của Lapicque. Việc suy yếu và bán gần hết tài sản dẫn đến kết cục Marti chính
thức tuyên bố phá sản năm 1915.
Năm 1917, Hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, Bạch Thái Bưởi đã nhân cơ hội mua
lại 6 chiếc tàu và một số sà lan của công ti rất nổi tiếng này. Bạch Thái Bưởi không muốn
những con tàu đó rơi vào tay tư sản người Hoa hoặc người Pháp, tránh tăng thêm sức mạnh cho
đối thủ cạnh tranh. Muốn khẳng định được vị thế của công ti, Bạch Thái Bưởi phải cho các công
ti đối thủ thấy khả năng thâu tóm, chiếm lĩnh thị trường của mình. Hơn nữa, thời điểm này Bạch
Thái Bưởi đã mua được xưởng máy của Marti nên việc cho sửa chữa lại tàu để sử dụng sẽ đơn
giản hơn. Công ti của người Việt bắt đầu trở thành đối thủ có tầm ảnh hưởng đối với công ti của
người Pháp và người Hoa.
Năm 1918, công ti Sauvage đã mua lại quyền được khai thác các tuyến đường sông trước
đây thuộc về công ti Marti từ Thống sứ Bắc Kỳ, chính thức thành lập công ti do ông Fortuné
Sauvage đứng đầu được chính quyền thực dân tài trợ.
Năm 1921, công ti Sacric mua lại công ti Roque. Ngân hàng Đông Dương đã tìm cách tăng
vốn cho công ti Sacric để Sacric đủ lực mua lại Roque. Công ti Roque trở thành cổ phần của
Sacric. Sự tham gia của ngân hàng Đông Dương đã khiến các hoạt động cạnh tranh trở nên căng
thẳng với lợi thế tài chính lớn thuộc về người Pháp.
Ngày 13/12/1924, một chiếc tàu cũ của công ti Messageries Maritimes đã được bán cho
công ti Bạch Thái Bưởi nhưng không lâu sau đó nó bị mất tích do trên đường vận chuyển gặp
bão lớn và bị nhấn chìm. Vào năm 1925, công ti của Bạch Thái Bưởi đã mua lại một chiếc nồi
hơi cũ của công ti Messageries Maritimes. Nó đã được vận hành 40 năm và được các chuyên gia
hàng hải Pháp đánh giá là không phù hợp để sử dụng an toàn [3; tr 4]. Điều này cũng khiến cho
công ti người Việt bị đánh giá là coi thường tính mạng của hành khách và mức an toàn của hàng
hóa khi vận chuyển. Nhưng đặt trong tình huống kinh doanh vận tải với số vốn thấp, những
khâu làm giấy tờ đăng ký hàng hải cho một con tàu ở xã hội thực dân rất khó khăn, tư sản người
Việt luôn bị o ép thì việc mua hoặc thuê tàu cũ là phương án khả thi.
Năm 1928, công ti Sauvage đã mua lại công ti của Bạch Thái Bưởi khi bị phá sản. Năm
1934, hãng của Nguyễn Hữu Thu phá sản đã phải bán lại công ti cho một đối thủ trước đây của
mình là người Trung Quốc.
Tuyến vận tải thường xuyên xảy ra những cạnh tranh gay gắt là tuyến Nam Định - Hà Nội,
Phan Thị Thu
130
chạy dọc sông Hồng. Đây là tuyến đường thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn cố ý do tranh
khách giữa tàu của Bạch Thái Bưởi với tàu thuyền người Hoa. Các tuyến vận tải đường biển,
ven biển là lợi thế của các công ti người Pháp cạnh tranh với các công ti ở Châu Âu quá cảng
qua các bến cảng thuộc khu vực Bắc Kỳ.
2.2. Biểu hiện của sự canh tranh giữa các công ti
2.2.1. Đối với công ti người Việt
Năm 1909, Bạch Thái Bưởi là người Việt đầu tiên lập công ti kinh doanh vận tải. Bước
vào nghề khi các đối thủ người Hoa đã có kinh nghiệm kinh doanh, người Pháp có nhiều lợi thế,
tư sản Bạch Thái Bưởi vẫn có những lần thắng đối thủ người Hoa, thâu tóm những tàu của
chính đối thủ mình bằng cách mua lại tàu. Bạch Thái Bưởi có sở thích rất đặc biệt là treo
những tấm bảng hiệu của các tàu người Hoa, người Pháp mà ông mua được thể hiện sự
thắng thế của mình trong các cuộc thương chiến. Bạch Thái Bưởi mua được xưởng đóng tàu
của Marti, mua lại tàu của người Hoa, mua lại tàu của công ti Deschwanden khi nó phá sản...
Các công ti người Việt bị cạnh tranh nhiều nhất nhưng nhờ có kĩ năng trong kinh doanh,
các công ti người Việt đã lật ngược tình thế và ngày càng trở lên lớn mạnh. Khi tàu bị hỏng hóc,
công ti Bạch Thái Bưởi rất hay bị chèn ép lấy phí sửa chữa cao. Công ti Lapicque thuê xưởng
sửa chữa tàu của Marti ở Hải Phòng không phải nhằm phục vụ cho công việc sửa chữa tàu mà
họ để không chỉ nhằm tạo áp lực gây khó khăn cho Bạch Thái Bưởi. Trước tình thế khó khăn
đó, để làm ăn lâu dài, Bạch Thái Bưởi đã đàm phán với riêng Marti, đưa một khoản lót tay và
thuyết phục thành công Marti bán lại xưởng sửa chữa đó cho mình.
Để chèn ép các tư sản người Việt, tư sản người Hoa đã dùng nhiều hình thức cạnh tranh.
Trên tuyến Hà Nội - Nam Định, người Hoa dựa vào lợi thế trường vốn hơn, hạ giá vé, nâng cao
chất lượng phục vụ và mua sắm tàu thuyền nhằm tranh giành khách. Công ti của Bạch Thái
Bưởi buộc phải hạ giá vé theo đến mức nếu tiếp tục kéo dài, công ti của Bạch Thái Bưởi sẽ phá
sản. Nhận thấy không thể tiếp tục chạy đua bằng cách giảm giá, công ti của Bạch Thái Bưởi tiếp
tục duy trì giá vé rẻ và nghĩ ra cách “khuyến mãi”: Biếu cho mỗi hành khách đi tàu một gói trà
nhỏ hoặc mời uống trà, bánh ngọt và giảm giá cước hàng hóa. Công ti mở cuộc lạc quyên bằng
cách đặt một cái ống trên tàu mời hành khách tùy tâm, ai muốn giúp ít nhiều thì bỏ tiền vào
trong ống đỡ cho chủ tàu. Cuộc lạc quyên đã hữu hiệu giúp doanh thu của ông dần dần tăng lên.
Tư sản Hoa Kiều không chấp nhận thất bại, thuê người làng đến bến tàu Bạch Thái Bưởi
phóng uế bừa bãi. Bạch Thái Bưởi lại bỏ tiền ra thuê chính những người làng ấy dọn và đứng ra
giữ bến cho ông. Đó là một cách giải quyết khôn khéo vì nếu kiện cáo hoặc thuê người làng
khác thì có khi việc càng thêm rắc rối.
Để tiếp tục cạnh tranh trong tình trạng giá vé thấp, phương án lâu dài của Bạch Thái Bưởi
là kêu gọi, đánh thức tinh thần tương trợ của đồng bào. Công ti Bạch Thái Bưởi đưa ra khẩu
hiệu bình dị mà hàm chứa lòng tự hào dân tộc “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”. Chiêu mộ trả
công cho những người hành khất hát rong xuống tàu hát những bài khơi gợi lòng yêu nước, tổ
chức diễn thuyết cổ vũ cho tinh thần dân tộc, kêu gọi sự đoàn kết của đồng bào... Các giải pháp
tích cực trên đã cứu nguy cho công ti đang trên đà suy thoái và cạnh tranh được với người Hoa.
Những bài hát, bài thơ khuyến khích, khơi gợi tinh thần yêu nước trên tàu của Bạch Thái
Bưởi khiến nhiều người cảm động, đồng tình, rủ nhau đi tàu của ông ngày một nhiều hơn. Hoạt
động của công ti đã góp phần đánh thức được tinh thần đoàn kết dân tộc. Vì vậy, người Hoa dù
có xuống giá thấp hơn, có khuyến mãi nhiều hơn cũng không thể cạnh tranh. Bạch Thái Bưởi
biết rằng, dân tộc Việt Nam có lòng yêu nước và sự đoàn kết dân tộc hết sức gắn bó, không thế
lực nào có thể chiến thắng được. Quan trọng nhất là khơi dậy và phát huy được tinh thần đó. Vì
vậy, từ chỗ nguy cơ thua lỗ, phá sản ông đã thâu tóm được một số tàu của người Hoa bán thanh
lí lại vì không cạnh tranh nổi.
Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX...
131
Tàu của Bạch Thái Bưởi cho phép hành khách lựa chọn đỗ ở bất kì đoạn sông nào tiện cho
việc lên xuống tàu thuyền nhất. Dù biết là vi phạm, tăng chi phí vận hành tàu, tăng thời gian di
chuyển nhưng công ti vẫn chấp nhận những yêu cầu này vì mục đích cạnh tranh với các tàu khác.
Công ti người Việt hết sức quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo. Những quảng cáo về chuyến
tàu, giá vé của công ti Bạch Thái Bưởi trên báo Khai hóa nhật báo hay đặt cạnh hãng đối thủ là
công ti Sauvage để hành khách có sự so sánh những tiện ích, giá cả của các tàu Bạch Thái Bưởi.
Quảng cáo thường bằng thơ, chữ Nôm để phù hợp với trình độ dân trí kèm với hình ảnh
giống như các tờ báo phương Tây. Quảng cáo bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Trung, tiếng Pháp,
tiếng Việt) để hướng tới nhiều đối tượng hành khách. Nội dung đăng tin quảng cáo, công ti
Bạch Thái Bưởi sử dụng những vần thơ mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc và nhanh chóng đi vào lòng
người: Lấy chuyện tình yêu nam nữ, lồng vào đó nội dung ái quốc, kêu gọi tinh thần tương thân
tương trợ, đoàn kết và yếu tố dân tộc:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về... [1; tr. 37].
Học hỏi của người Âu Châu về kỹ thuật và mỹ thuật, quảng cáo của công ti Bạch Thái
Bưởi sử dụng nhiều hình ảnh trực quan, sinh động giúp cả người biết ít chữ cũng có thể hiểu
được nội dung.
2.2.2. Đối với các công ti người Hoa
Người Hoa kinh doanh ngành vận tải đường thủy ở khu vực Bắc Kỳ lâu đời nhất, mưu
mẹo nhất. Trước khi người Pháp đến Việt Nam xâm lược, cư dân Bắc Kỳ đã thấy có sự xuất
hiện của những tàu buôn từ Trung Quốc sang. Đây là lí do vì sao dân Việt có thói quen gọi người
Trung Quốc là “người Tàu”. Để biết chính xác thông tin từng chuyến vận chuyển của những tàu
buôn từ Trung Quốc sang rất khó bởi những tàu buôn này rất ít khi kê khai đầy đủ thông tin để
tránh sự kiểm soát thuế của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền Pháp. Nhờ trốn thuế, một số công
ti người Hoa có điều kiện để giảm giá vé, tăng sự cạnh tranh với các công ti khác.
Ban đầu, những công ti người Hoa được chính phủ Pháp ưu ái bởi không muốn đụng chạm
đến lợi ích của chính quyền Mãn Thanh. Đồng thời, chính quyền Pháp cho rằng việc xâm lược
Việt Nam là một bước bàn đạp tiến sang Trung Quốc. Đó là lí do tại sao người Pháp làm đường
sắt phía Bắc và ưu tiên phát triển ngành giao thông vận tải đường sông từ rất sớm. Năm 1882
khi thực dân Pháp tiến ra Bắc, họ muốn kiểm soát việc đi lại trên dòng sông Hồng, trở thành đối
thủ lớn của các thương nhân người Hoa ở đây.
Các tàu người Hoa thường xuyên cạnh tranh với tàu của người Việt. Khi các công ti Pháp
bán tàu, người Hoa luôn thể hiện mong muốn mua tàu, thuê nhiều bến đỗ, tranh khách, cố tình
va chạm tàu gây tai nạn với các tàu người Việt. Vị trí của các bến đỗ xếp theo thứ tự người
Pháp, bến của người Việt bị kẹp giữa, sau đó đến bến tàu của Hoa Kiều. Điều này sẽ gây thiệt
thòi cho người Việt trong việc đón khách.
Các thương nhân người Hoa sang khu vực các sông ở Bắc Kỳ kinh doanh đã lâu và cũng đã
kiếm được những món lợi khổng lồ. Tuy nhiên, từ khi có sự xuất hiện của công ti Marti – công
ti của người Pháp đầu tiên có mặt ở khu vực Bắc Kỳ thì việc kinh doanh vận tải, hàng hóa của
người Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn hơn.
Phan Thị Thu
132
Đứng trước sức cạnh tranh ngày càng lớn của các tàu Pháp, các thương nhân Trung Quốc
đã quyết định hợp tác, đoàn kết với nhau để ngăn chặn sự lớn mạnh của công ti vận tải tàu hơi
nước Marti đang dần có thế mạnh ở khu vực Bắc Kỳ, từ đó hi vọng tiếp tục đầu cơ các sản
phẩm vải, gốm, hương liệu. Thương nhân Trung Quốc đã từng bán vải rất đắt cho người dân ở
Bắc Kỳ vì sản phẩm này chưa có ai cạnh tranh với họ. Nhưng khi tàu hơi nước nhà Marti xuất
hiện nhiều trên sông Hồng cũng chở theo rất nhiều vải bán thì giá của sản phẩm bị hạ thấp
xuống. Đó là lí do tại sao tất cả các thương nhân Trung Quốc quyết định cùng nhau không dùng
tàu hơi nước để cạnh tranh với nhà Marti [4; tr. 1-3].
Dù ủng hộ các tàu của Pháp, Lãnh sự Pháp ở Trung Quốc cũng đưa ra những phân tích bi
quan về khả năng cạnh tranh giữa công ti Marti và thương nhân Trung Quốc. Tàu thuyền của
công ti Marti không đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển, vấn đề trộm cắp
đã trở nên phổ biến trên các tàu. Ngược lại, công ti người Hoa đảm bảo được sự an toàn, nguyên
vẹn của hàng hóa. Khi xảy ra mất cắp, công ti Marti không nhận trách nhiệm những hàng hóa bị
mất. Điều này đã tạo cơ hội cho thương nhân người Hoa thắng trong cạnh tranh với nhà Marti
[4; tr 5]. Lãnh sự Pháp đề xuất một giải pháp để công ti Marti hoạt động tự do không dưới sự
bảo trợ của chính phủ nữa. Đổi lại, chính phủ sẽ giảm thuế cho Marti để hạ giá vé xuống thấp hơn.
Vì giá là yếu tố quan trọng để cạnh tranh với người Trung Quốc chứ không phải tốc độ di chuyển.
Đây là cách hữu hiệu để phá vỡ sức ì của các công ti vận tải người Pháp có bảo trợ [4; tr. 8].
Các công ti của người Hoa được đánh giá cao hơn công ti Pháp trong tuyến Mũi Ngọc -
Móng Cái. Số liệu báo cáo của cảng Mũi Ngọc - Móng Cái năm 1905 - 1906 cho thấy hiệu suất
làm việc của công ti Messageries Maritimes so với công ti của người Hoa bị kém hơn. Khi đến
cầu cảng Mũi Ngọc, thuyền dừng ở đó và hành khách phải tự đến trung tâm của Móng Cái, cách
khoảng 5km. Trước đây tàu của Trung Quốc cũng chạy chuyến này đã huy động thêm một chiếc
thuyền phục vụ quãng đường 5km. Nhưng đến thời điểm Messageries Maritimes đảm nhận thì
phải tiến hành nạo vét lòng sông thì tàu mới đi được. Messageries Maritimes bị so sánh và tỏ ra
yếu thế hơn nhiều so với các công ti người Hoa [3; tr. 6].
2.2.3. Đối với các công ti người Pháp
Lợi thế mà các công ti người Pháp có được là sự hỗ trợ của chính phủ về trợ giá, thuế, chính
sách cũng như các ưu tiên trong quá trình kinh doanh. Đây là lí do vì sao công ti người Pháp vào
thị trường Bắc Kỳ sau người Hoa nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Việc được
ưu ái hơn nên các công ti người Pháp có sức ì khá lớn. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu chính phủ
Pháp thay đổi chính sách chuyển hướng đối với công ti người Pháp. Bằng chứng là sau khi chính
phủ Pháp quyết định sẽ chuyển sang hỗ trợ các dịch vụ hành chính bằng tiền mặt thay vì công cụ
luật và thuế đã khiến các công ti trên không thể cạnh tranh nổi với sự năng động của các công ti
đối thủ. Nhiều công ti người Pháp phải thế chấp nhà, tài sản để được tham gia kinh doanh vận tải
đường thủy. Tất cả các công ti phải phát trái phiếu, phải có hợp đồng vận chuyển rõ ràng, các quy
định về phân hạng khách, quy cách đóng gói hàng hóa đều phải rất chi tiết và có báo cáo gửi lên
chính phủ hàng năm [5; tr. 8].
Những công ti người Pháp phải cạnh tranh gay gắt với tàu Đức, tàu Hoa, tàu Việt... Chính
phủ Pháp quy định các tàu khác không được phép to hơn tàu của Pháp để tạo lợi thế cho các tàu
Pháp. Nhưng công ti Marti vẫn vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các tàu Đức. Công ti của
Marti đã tìm cách liên kết với một công ti khá lớn của Anh là China Navigation cũng là đối thủ
của tàu Đức. Nhưng thị trường Bắc Kỳ không phải là mũi nhọn kinh doanh của công ti người
Anh này nên họ không mặn mà lắm với kế hoạch của Marti đưa ra. Vì thuyền trưởng của họ
thiếu kinh nghiệm trong những chuyến vượt qua eo biển Hải Nam khá nguy hiểm và hành trình
đòi hỏi đầu tư vốn lớn nên thương vụ này không thành công [6; tr. 6]. Chính vì vậy công ti
Marti ngày càng suy yếu. Một trong những lí do suy yếu là có sự cạnh tranh của tàu Đức ngang
ngửa về trang bị hiện đại của tàu. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra năm 1914, các tàu
Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX...
133
Đức giảm dần ở Bắc Kỳ bởi hoạt động thương mại của họ gặp khó khăn do chịu sức ép của
cuộc chiến tranh. Đức cũng là đối thủ của Pháp cả ở thuộc địa và chính quốc nên những thông
tin về chuyến tàu Đức được chính phủ Pháp cập nhập. Đặc biệt là từ năm 1914 đến năm 1917,
chính quyền Pháp rất căng thẳng chuyện tàu của Đức cập cảng vào Hải Phòng. Pháp nghi ngờ
chuyện Đức viện trợ cho Việt Nam. Vì vậy họ kiểm tra rất kỹ hành lí của khách đi tàu Đức. Chỉ thị
của Bộ trưởng thuộc địa không bán than cho các tàu Đức và cả những công ti ủng hộ Đức [7; tr. 2].
2.3. Nhận xét
Xét dưới góc độ phát triển, các hoạt động cạnh tranh sôi nổi của các công ti vận tải đường
thủy với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thổi làn gió mới vào nền kinh tế - xã hội Bắc
Kỳ vốn đã khép kín trước đó. Nhờ vậy, ngành vận tải đã có thể đóng góp cho sự phát triển của
rất nhiều ngành nghề khác liên quan đến nhu cầu vận chuyển, mở ra cơ hội kinh doanh cho các
nhà tư sản Việt Nam mới lên. Lần đầu tiên người Việt được đi tàu thủy hiện đại, được chứng
kiến những con tàu xuất dương cỡ lớn, được sử dụng dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp, được
làm quen với hình thức hoạt động theo kiểu công ti. Năm 1888 người Pháp đã xây dựng cảng
Hải Phòng trở thành một trong những cảng biển nổi tiếng, đầu tư bến bãi, kho tàng, xưởng sửa
chữa tàu thủy... giúp cho vận tải đường thủy trở thành một điểm sáng so với các ngành vận tải
khác. Bằng chứng là vận tải đường thủy có thể lớn mạnh thành các công ti kinh doanh chuyên
nghiệp tồn tại trong suốt những năm đầu thế kỉ XX.
Công ti vận tải đường thủy của người Pháp tuy còn một vài vấn đề chưa làm hài lòng chính
quyền Pháp ở thuộc địa nhưng xét trong tương quan so sánh với nhóm công ti người Việt và
người Hoa thì năng lực hoạt động của họ vẫn chiếm ưu thế hàng đầu. Hãng Messagerie
Maritimes nổi tiếng độc quyền ngành vận tải đường biển ở Việt Nam. Vận tải đường sông ở
miền Bắc có hãng Marti. Công ti của người Pháp thường đảm nhận được những tuyến vận tải
quốc tế, tuyến dài xuyên lục địa đòi hỏi phải có vốn lớn, công nghệ tàu vận tải hiện đại, thế lực
lớn. Khác với công ti người Việt chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường vận tải nội địa, chở khách,
chở hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân. Như vậy, xét về so sách không gian hoạt động, nhất
định nhóm công ti người Pháp là người thống trị mảng thị trường vận tải đường biển mà nhóm
người Hoa, người Việt rất khó cạnh tranh.
Sự cạnh tranh giữa Bạch Thái Bưởi với người Hoa chứng tỏ sự trưởng thành về ý thức dân
tộc của tư sản Việt Nam trước sự chèn ép của tư sản người Hoa. Phong trào vận động tẩy chay
Hoa Kiều (chủ yếu là tư sản người Hoa) nổ ra năm 1919 đã thu hút nhiều người Việt tham gia.
Cuộc vận động trên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tư sản Pháp, một mặt để cạnh tranh với
tư sản người Hoa, một mặt để gây chia rẽ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng căn
bản nó vẫn xuất phát từ mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa các công ti.
Tuy cạnh tranh gay gắt nhưng cả công ti người Việt và người Pháp đều có xu hướng dễ hợp
tác với nhau hơn là hợp tác với công ti người Hoa. Lí do vì nước Pháp ở quá xa xôi, địa hình
sông ngòi, bờ biển Việt Nam không phải là sở trường của các thủy thủ tàu Pháp, nếu không kết
hợp với các công ti kinh doanh vận tải người Việt thì hàng hóa luân chuyển sẽ khó khăn hơn.
Tóm lại, trong bối cảnh chung của sự cạnh tranh kinh doanh vận tải đường thủy, giới tư sản
người Việt đã được nâng vị thế đánh giá ngang ngửa với tư sản người Pháp và người Hoa trong
một số thời điểm. Trong bối cảnh giai cấp tư sản dân tộc người Việt luôn phải lệ thuộc chặt chẽ
vào người Pháp, chịu sự kìm kẹp gắt gao của người Pháp, công ti vận tải đường thủy của Bạch
Thái Bưởi đã dám cạnh tranh tay đôi với người Pháp, người Hoa, thể hiện tinh thần dân tộc của
người Việt. Lần đầu tiên tư sản người Việt tạo dấu ấn mạnh mẽ bằng việc góp mặt vào sân chơi cạnh
tranh vận tải đường thủy, biến sự cạnh tranh Pháp - Hoa thành sự cạnh tranh Việt - Hoa - Pháp.
Giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX cũng là giai đoạn hoạt
động sôi động nhất của cả ba nhóm công ti vận tải đường thủy người Việt, người Hoa, người
Phan Thị Thu
134
Pháp. Giai đoạn này các tuyến đường bộ chưa phát triển thuận lợi bằng đường sông, các xe vận
tải đường bộ chưa hiện đại và sức vận tải không thể so sách được với các tàu thuyền di chuyển
trên sông thông ra các cửa biển. Các nhánh sông ăn sâu vào các vùng giàu tài nguyên, các điểm
tập kết lương thực, đông dân cư khiến cho thị trường vận tải đường thủy ở khu vực Bắc Kỳ càng
sôi động trong giai đoạn lịch sử này. Đây là lí do tạo lên sức cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhóm
công ti kinh doanh lĩnh vực vận tải đường thủy. Sự cạnh tranh đó ở một khía cạnh nhất định đã
giúp nền kinh tế Việt Nam có tính mở, người tiêu dùng có lợi vì giá thành di chuyển rẻ, chất
lượng phục vụ cao hơn.
3. Kết luận
Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến ba
mươi năm đầu thế kỉ XX chủ yếu gồm ba nhóm chính là các công ti người Việt, người Hoa và
người Pháp. Bởi đây là mối quan hệ cạnh tranh tay đôi, tay ba khá phức tạp.
Tàu của những người Pháp được sự ưu ái của chính phủ Pháp ở thuộc địa nên dễ dàng cạnh
tranh được được với tàu người Hoa khi họ đã kinh doanh mảng này ở Bắc Kỳ từ rất lâu. Người
Việt cũng rất khó cạnh tranh với tàu người Pháp ngay trên chính quê hương của mình do vốn ít,
trang thiết bị tàu thô sơ, không được hỗ trợ tài chính. Nhưng tàu Pháp đã vấp phải trở lực lớn
khi những tàu Đức tấn công thị trường vận tải biển ở khu vực Bắc Kỳ. Do tàu Đức cũng ngang
ngửa về mức độ hiện đại của trang thiết bị tàu, sức chứa lớn và đây cũng là một đối thủ lớn của
Pháp ở cả chính quốc và thuộc địa.
Trước sự xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, tàu của người Hoa đã khôn khéo lách luật
bằng cách trốn tránh kê khai thông tin di chuyển nhằm trốn thuế, giảm chi phí. Thậm chí, cách
người Hoa đương đầu với đối thủ người Pháp là tuyên bố chỉ tập trung vào đối tượng hành
khách bình dân, người bản địa chứ không muốn chở đối tượng hành khách sang trọng người
Pháp. Các tàu của họ cũng thiết kế khá thô sơ phù hợp với đối tượng hành khách họ hướng tới.
Người Việt bước vào kinh doanh lĩnh vực vận tải đường thủy tiêu biểu nhất phải kể đến
Bạch Thái Bưởi. Do đặc thù của giai cấp tư sản Việt Nam mới lên, tiềm lực về kinh tế và chính
trị còn non yếu. Nên ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX này giai cấp
tư sản Việt Nam được đánh giá là lần đầu tiên có bước nhảy vọt từ kinh doanh sơ khai lên quy
mô lớn đó là thành lập được công ti. Lần đầu tiên ở Bắc Kỳ nổi lên giới chủ người Việt trong
bối cảnh lệ thuộc chặt chẽ vào người Pháp có cơ hội cạnh tranh với người Pháp, thể hiện chủ
nghĩa yêu nước, dân tộc sâu sắc.
Lí do tạo lên sức cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhóm công ti kinh doanh lĩnh vực vận tải
đường thủy từ cuối thế kỉ XIX đến ba mươi năm đầu thế kỉ XX bởi giai đoạn này các tuyến
đường bộ và các hãng vận tải đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu về vận chuyển khối lượng
hàng hóa lớn, đến được nhiều vùng giàu tài nguyên như vận tải đường thủy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Minh Quốc, 2007. Bạch Thái Bưởi khẳng định nhân tài nước Việt. Nxb Trẻ, Hà Nội, tr.37.
[2] Phan Thị Thu, 2019. “Về vụ kiện thuê tàu Albert Sarrault của Bạch Thái Bưởi với Hạm đội
Đông Dương (1923): tiếp cận từ nguồn tài liệu lưu trữ”. Tạp chí Khoa học, Trường Đại
học Sư phạm Hà Nội, số 64 (tháng 8/2019), tr.107 – 113.
[3] Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin (Phủ Thống sứ Bắc Kỳ) - Hoàn chỉnh N0
10330, Défectuosités du Service des Mesageries fluviales à Mui Ngoc. (Những thiếu sót
của Sở vận tải đường sông ở Mũi Ngọc.), TTLTQG I, Hà Nội, tr.4 ; 6.
Sức cạnh tranh của các công ti vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX...
135
[4] A Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin (Phủ Thống sứ Bắc Kỳ) - Hoàn chỉnh N0
73050 - 07, Demande de nomination d'une Commission pour autoriser la mise en service
de navire “Jules Ferry”, formulée par Marti et d'Abbadie, Négociants à Haiphong. (Đơn
xin bổ nhiệm hội đồng để cấp phép hạ thủy tàu “Jules Ferry” của Công ti Marti et
d’Abbadie ở Hải Phòng), TTLTQG I, Hà Nội, tr.1 – 3; 5; 8.
[5] A Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin (Phủ Thống sứ Bắc Kỳ) - Hoàn chỉnh N0
73042, Exploitation du Service fluvial subventionné au Bas Tonkin. (Khai thác dịch vụ vận
tải đường sông có bảo trợ ở vùng đồng bằng Bắc Kỳ), TTLTQG I, Hà Nội, tr.8.
[6] Fonds du Gouvernement général de l'Indochine (Phủ Toàn quyền Đông Dương) - Hoàn
chỉnh N0 3237, A/s des contrats passộs avec M.M. Marti et Abbadie pour l'exploitation des
lignes de navigation fluviale au Tonkin (Về hợp đồng khai thác các tuyến đường sông ở
Bắc Kỳ ký với Công ti Marti và Abbadie), TTLTQG I, Hà Nội, tr. 6.
[7] Fonds de la Flotte Indochinoise (Hạm đội Đông Dương) N0 40, Contrôle de la circulation
des navires étrangers suspects et des marchandises déclarées à la sortie et au transit de
l'Indochine. 1914- 1917 (Kiểm soát việc lưu thông của các tàu nước ngoài bị tình nghi và
hàng hóa khai báo khi xuất bến và quá cảnh của Đông Dương), TTLTQG I, Hà Nội, tr.2.
ABSTRACT
The competitiveness of the water – routes transport companies in Tonkin
from the late nineteenth century to the first thirti years of the twentieth century
Phan Thi Thu
Anhxtanh High School, Hanoi
The activities of the water-routes transport companies in Tonkin from the late nineteenth
century to the first thirty years of the twentieth century were very exciting and fiercely
competitive. The French companies sponsored by the French government, with advantages of
science and technology, sought to defeat the companies of many countries. Meanwhile, the
Chinese companies took advantages of capital and business experience, had a foothold in most
commercial ports and wharves in Tonkin to strongly compete with France, and limit the
influence of the government. Later than others countries, some Vietnamese companies were
forced to find a way to beat the market share of Chinese merchants in the river transport sector.
Vietnamese companies dare to compete with French companies in river transport routes many
times, but they were not rivals of the French in sea transport. Europeans coming to Tonkin also
have many obstacles in transportation business compared to the French.
Keywords: The competitiveness, the water-routes transport companies, Tonkin.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- suc_canh_tranh_cua_cac_cong_ti_van_tai_duong_thuy_o_bac_ky_t.pdf