Tác động của thiên tai đến sinh kế các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai

Lào Cai là tỉnh thường xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm với mức độ nghiêm trọng. Thiên tai nguy hiểm xảy ra phổ biến cả theo không gian và thời gian dưới các dạng: cháy rừng, rét đậm - rét hại, lũ ống - lũ quét, Hậu quả của chúng gây nhiều thiệt hại to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Tỉnh Lào Cai có trên 637 ngàn người bao gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 64% dân số toàn tỉnh. Đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai là định cư ở vùng núi, trên các sườn dốc, ven các khe suối. Cộng đồng các dân tộc thiểu số Lào Cai hiện có khoảng 12 nguồn sinh kế khác nhau, trong đó mỗi hộ có 3 - 5 hoạt động sinh kế chính. Ngoài trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm thì hoạt động đánh bắt thủy sản, các hoạt động phi nông nghiệp khác (đan lát, thêu, rèn, ) là các nguồn thu phụ của các hộ gia đình. Do tập quán định cư và canh tác nông nghiệp trên đất dốc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất là vùng cao, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dân tộc chịu hậu quả nặng nề nhất là người Mông, tiếp theo là người Dao.

pdf7 trang | Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 584 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác động của thiên tai đến sinh kế các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
342 35(4), 342-348 Tạp chí CÁC KHOA HỌC VỀ TRÁI ĐẤT 12-2013 TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI ĐẾN SINH KẾ CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LÀO CAI ĐÀO THỊ LƯU, LÊ VĂN HƯƠNG Email: daoluu2007@gmail.com Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Ngày nhận bài: 12 - 9 - 2013 1. Mở đầu Hiện nay, sinh kế bền vững đang là mối quan tâm hàng đầu của con người. Nó là điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển nâng cao đời sống nhưng vẫn đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng môi trường tự nhiên. Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm sâu trong lục địa bị chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần thay đổi, khác biệt theo thời gian và không gian. Đây là một trong những tỉnh phải đối mặt với các thiên tai như hạn hán, cháy rừng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, băng giá, sương muối,... Những tác động này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh kế người dân địa phương nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Có sinh kế phải thay đổi, thậm chí mất đi và cũng có sinh kế mới xuất hiện. Thực tế cho thấy việc lựa chọn hoạt động sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: điều kiện tự nhiên, xã hội, yếu tố con người, vật chất, cơ sở hạ tầng, Bài báo này trình bày kết quả điều tra nghiên cứu về hiện trạng sinh kế và những tác động của thiên tai tới sinh kế đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai trong những năm gần đây nhằm làm cơ sở cho việc đề xuất phát triển các mô hình sinh kế bền vững. 2. Khái quát khu vực nghiên cứu Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới nằm phía tây bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 296km theo đường sắt và 345 km theo đường bộ. Toàn tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên là 635.708 ha, trong đó đất nông nghiệp là 76.253,82 ha (chiếm 12,0% diện tích tự nhiên) bao gồm đất trồng cây hàng năm: 53.665 ha, đất trồng cây lâu năm: 10.512 ha, đất cỏ dùng vào chăn nuôi: 3.840,78 ha, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 1.241,35 ha chiếm 5,04%. Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 418.361 ha, chiếm 65,77% diện tích đất tự nhiên, trong đó: đất có rừng 296.160 ha, đất không có rừng: 122.201 ha. [8, 12]. Địa hình Lào Cai gồm nhiều đồi núi và thung lũng. Độ cao trung bình khoảng 100-200m so với mực nước biển. Địa hình thấp nhất là các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên với độ cao trung bình của cả huyện là 100m. Các huyện có độ cao trung bình lớn nhất là Sa Pa (1600m), Mường Khương (1000m), Bắc Hà (1200m) [10]. Nhìn chung, địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh, nhiều nơi tạo thành vách đứng dễ gây quá trình sập lở, trượt khối. Lào Cai là tỉnh có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm thường từ 22 đến 24°C, cao nhất 36°C, thấp nhất 10°C (có nơi dưới 0°C như ở Sa Pa). Lượng mưa trung bình năm trên 1.700 mm, sương mù thường xuất hiện phổ biến trên toàn tỉnh, có nơi mật độ rất dày. Trong các đợt rét đậm thường xuất hiện sương muối, ở những vùng có độ cao trên 1.000 m (Sa Pa, Bát Xát) hàng năm thường có tuyết rơi [11]. Năm 2011 dân số trung bình toàn tỉnh Lào Cai là 637.520 người, mật độ dân số 100 người/km2. Toàn tỉnh có 25 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,09%, bao gồm: dân tộc Mông chiếm 21,21%, dân tộc Tày chiếm 15,84%, dân tộc Dao chiếm 14,05%, dân tộc Giáy chiếm 4,7%, dân tộc Nùng chiếm 4,4% còn lại 4,49% là các dân tộc ít người khác như: Phù Lá, La Chí, Bố Y, Sán Dìu, Sán Chay, Hà Nhì, Thái, Sa Phó,[4, 8]. 343 Về phát triển kinh tế, giai đoạn 2006 - 2010 tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh Lào Cai bình quân đạt 13%/năm, trong đó tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6,7%/năm, ngành công nghiệp và xây dựng 21%/năm và dịch vụ đạt 11,9%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 15,7 triệu đồng/người, gấp 3,1 lần so với năm 2005. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP liên tục giảm, từ 35,4% năm 2005 xuống còn 27,9% năm 2010, ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 26,5% năm 2005 lên 34,2% năm 2010, dịch vụ giảm từ 38,1% năm 2005 xuống còn 37,9% năm 2010 [10]. 3. Đặc điểm sinh kế đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai Sinh kế (livelihood) hay cách mưu sinh của một người, một nhóm người phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn lực, năng lực ra quyết định và những hoạt động kiếm sống để đạt được mục tiêu và ước mơ của họ. Sinh kế bền vững thể hiện khả năng thích nghi để duy trì sức sản xuất lâu dài của nguồn tài nguyên, khả năng chống đỡ với các cú sốc hay các áp lực bên ngoài, khả năng duy trì đời sống, sinh hoạt độc lập ít phụ thuộc vào bên ngoài [2, 9]. Dựa vào các tài liệu, các báo cáo và các nghiên cứu thu thập được cũng như kết quả điều tra năm 2012 chúng tôi nhận thấy trồng lúa và nương rẫy là hoạt động sinh kế chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề thủ công được xem là các nguồn cung cấp tiền mặt quan trọng của nông hộ. Tuy nhiên, sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, chưa có các điển hình về sản xuất hàng hóa. Chúng tôi thống kê được 12 nguồn sinh kế khác nhau (bảng 1) nhưng không phải hộ nào cũng hội tụ đủ các nguồn sinh kế, mỗi hộ có trung bình 3 đến 5 hoạt động chính. 3.1. Sinh kế nông nghiệp Gắn với môi trường tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, từ lâu người dân các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc nói chung và ở tỉnh Lào Cai nói riêng đã luôn duy trì các mô hình đa dạng sinh kế. Sinh kế trồng trọt: các hoạt động trồng trọt là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai. Với họ, canh tác lúa được tiến hành cả ở ruộng trũng và nương rẫy. Bên cạnh lúa, các loại cây trồng khác như ngô, sắn, đậu tương là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho các cộng đồng. Các nhóm tộc người sống ở vùng núi thấp hoặc ở các thung lũng chân núi (như Tày, Nùng, Sán Dìu,) vừa làm ruộng (ruộng nước hoặc ruộng bậc thang), vừa tận dụng các mảnh nương trên các sườn đồi gần nơi cư trú để trồng trọt các loại nông sản ngoài lúa như chuối, bông, sắn, đu đủ, mía, ngô, khoai để bổ sung cho nền kinh tế tự cấp tự túc của gia đình. Trong khi đó, mô hình nông nghiệp chủ yếu của các nhóm dân tộc thiểu số sống tại các vùng cao (Mông, Phù Lá, Hà Nhì,...) là canh tác nương rẫy (gieo trỉa lúa nương và trồng các loại hoa màu). Nhóm các dân tộc này ở Lào Cai sử dụng hơn 50% tổng diện tích gieo trồng cho các loại cây hoa màu, chủ yếu là ngô và sắn. Đặc biệt, có sự khác biệt đáng kể trong việc sử dụng đất canh tác của nhóm hộ nghèo và nhóm không nghèo. Trong khi nhóm không nghèo dùng 70% diện tích cho canh tác lúa, thì nhóm nghèo sử dụng khoảng 1/2 diện tích cho trồng cây lương thực khác. Bảng 1. Các hoạt động sinh kế chính của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai TT Hoạt động sinh kế hộ gia đình 1 Trồng lúa, ngô 2 Trồng rau 3 Trồng hoa 4 Trồng cây dược liệu (thảo quả) 5 Chăn nuôi trâu/bò,ngựa, dê 6 Chăn nuôi lợn 7 Chăn nuôi gà 8 Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản 9 Trồng rừng 10 Trồng và thu hái lâm sản ngoài gỗ 11 Nghề thêu - dệt thổ cẩm 12 Rèn, đúc, đan lát Nguồn: Kết quả điều tra năm 2012 Tại Lào Cai sản xuất lúa gạo đóng góp hơn 50% thu nhập từ trồng trọt của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Giáy, trong khi các hộ người Mông và các dân tộc khác thu nhập từ trồng trọt chỉ chiếm từ 38 đến 41% (bảng 2). Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nhóm hộ nghèo và không nghèo, giữa các nhóm theo giới tính của chủ hộ trong cơ cấu sử dụng đất canh tác không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào trong cơ cấu thu nhập từ trồng trọt. Trong khi nhóm không nghèo tập trung chủ yếu vào trồng lúa hơn là nhóm nghèo, tỷ lệ thu nhập từ lúa gạo trong tổng số thu nhập từ trồng trọt giữa hai nhóm là gần như nhau. Điều này phản ánh thực tế là nhóm không nghèo đa dạng hoá các hoạt động sinh kế hơn nhóm hộ nghèo, đặc biệt trong các hoạt 344 động làm công ăn lương và các hoạt động tạo thu nhập phi nông nghiệp khác. Mặc dù tỷ lệ thu nhập từ sản xuất lúa gạo trong tổng thu nhập từ trồng trọt của nhóm không nghèo không khác biệt nhiều so với nhóm nghèo, nhưng thu nhập bình quân đầu người từ lúa gạo của nhóm hộ không nghèo cao hơn 3,4 lần nhóm hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Bảng 2. Cơ cấu thu nhập từ trồng trọt (%) Dân tộc Lúa gạo Cây hoa màu Cây lâu năm Cây ăn quả Cây trồng khác Mông 38,5 52,4 4,3 1,8 3,2 Tày 62,8 22,5 7,8 5,1 1,9 Dao 50,6 35,5 9,3 2,7 2,0 Giáy 52,4 30,9 7,6 5,5 3,6 Các dân tộc khác 40,8 42,7 11,3 4,1 1,2 Nguồn: [1] Sinh kế chăn nuôi: những hoạt động này đóng góp trung bình khoảng 15% vào tổng thu nhập của hộ gia đình, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn. Kết quả điều tra cho thấy chăn nuôi gia cầm là hoạt động chăn nuôi chính ở các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Trung bình, thu nhập từ nuôi gia cầm chiếm khoảng 45% thu nhập từ chăn nuôi. Chăn nuôi lợn là hoạt động chăn nuôi quan trọng đứng thứ hai sau chăn nuôi gia cầm. Mặc dù vậy, đại gia súc là tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong các hộ gia đình. Ngoài việc cung cấp sức kéo cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, gia súc sinh sản được coi là nguồn tiết kiệm quan trọng của hộ nông dân. Đối với các hộ không có trâu, bò, thay vì việc cày bằng gia súc, người dân phải cày bừa bằng tay hoặc nhờ đến sự trợ giúp của các thành viên khác trong cộng đồng. Trong trường hợp phải mượn trâu, bò của các thành viên khác, các hộ phải làm trả công với tỷ lệ 1 đến 3 công người tương ứng với 1 công trâu bò (bảng 3). Ngoài trâu bò, để có thêm sức kéo cho sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hoá, người dân ở Lào Cai còn nuôi ngựa và chăn nuôi dê. Bảng 3. Cơ cấu thu nhập từ sinh kế chăn nuôi (%) Dân tộc Lợn Trâu, bò Gia súc khác Gia cầm Khác Mông 30,4 7,6 4,8 43,3 14,6 Tày 32,6 4,4 2,6 46,1 14,6 Dao 30,4 9,1 3,0 43,7 13,9 Giáy 40,5 6,2 4,9 47,2 2,9 Dân tộc khác 25,1 3,6 4,4 61,0 6,2 Nguồn: [1] 3.2. Sinh kế trồng và quản lý rừng Rừng chiếm phần lớn đất thuộc sở hữu của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai nhưng thu nhập từ hoạt động lâm nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, trồng và quản lý rừng vẫn là một hoạt động sinh kế quan trọng của người dân ở đây. Hiện nay Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy ở tỉnh Lào Cai được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009, đã tạo điều kiện cho 11.356 hộ gia đình có diện tích nương, rẫy đang canh tác trên đất lâm nghiệp với diện tích gần 21 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương. Đây là cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia trồng rừng, làm thay đổi tập quán canh tác theo phương thức truyền thống, kém hiệu quả sang phương thức sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Hoạt động sinh kế trồng và quản lý rừng đã đóng vai trò quan trọng cho cuộc sống của người dân Lào Cai như cung cấp củi khô, măng và các sản phẩm thu hái từ rừng. 3.3. Sinh kế nuôi trồng, đánh bắt thủy sản Đây là một hoạt động sinh kế thiết yếu tại cộng đồng các dân tộc thiểu số Lào Cai. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình của vùng miền núi, cả diện tích nuôi và nguồn lợi thủy sản vẫn còn hạn chế. Hiện nay nuôi trồng thủy sản mới chỉ tập trung tại một số địa phương trong tỉnh như xã Quang Kim, xã Bản Vược của huyện Bát Xát; xã Gia Phú, xã Phú Nhuận của huyện Bảo Thắng, xã Long Khánh của huyện Bảo Yên, Riêng đối với các huyện vùng cao như Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn việc nuôi trồng thủy sản của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Do đó, nguồn thực phẩm từ thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương, đa phần các thủy sản phải chuyển từ nơi khác đến nên giá thành rất cao. Nguyên nhân chính là do điều kiện khí hậu thời tiết của các huyện tương đối khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, nguồn nước hạn chế, địa hình tương đối hiểm trở. Thực tế cho thấy chủ yếu đồng bào miền núi Lào Cai nuôi thả cá trong các ao nhỏ, nhằm cung cấp thực phẩm tại chỗ cho mỗi gia đình. Song, cũng chỉ có một phần nhỏ số hộ gia đình có một vài ao nhỏ còn phần lớn các hộ không có ao nuôi. Đặc biệt, diện tích ao sở hữu và mức độ thâm canh của những hộ nghèo thường nhỏ hơn và thấp hơn so với các hộ trung bình và khá giả trong cùng một cộng đồng. Sinh kế nuôi trồng thủy sản 345 của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai chỉ được tiến hành ở mức thấp, thả cá là chính và rất ít khi cung cấp thức ăn nên năng suất không cao. 3.4. Sinh kế khác Ngoài các sinh kế trên, các dân tộc thiểu số Lào Cai còn có nhiều hoạt động sinh kế bổ trợ khác như làm nghề thủ công gia đình, săn bắt hái lượm và trao đổi hàng hóa. Các nghề thủ công gia đình truyền thống của các tộc người thiểu số Lào Cai chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ. Nhiều nghề trong đó gắn với rừng như nghề chế tác đồ gỗ, làm mây tre đan,... Đặc biệt, sinh kế tự nhiên (săn bắt, hái lượm) trước đây có vai trò rất quan trọng đối với mỗi gia đình và cộng đồng. Người dân các tộc người thiểu số ở Lào Cai không chỉ biết khai thác lâm, thổ sản từ rừng (gỗ để làm nhà, củi đun, rau xanh, thịt thú rừng, cây thuốc,) mà còn rất giỏi trong việc đánh bắt động vật thủy sinh phục vụ đời sống. 4. Tác động của thiên tai tới sinh kế đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai 4.1. Loại hình thiên tai Lũ ống, lũ quét: Lào Cai là trọng điểm của tai biến lũ quét - lũ bùn đá, trượt - lở do ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện khí hậu và địa hình.. Lũ quét thường xảy ra trên các thung lũng, thềm khe suối (kể cả các khe suối lưu vực nhỏ). Mức độ tàn phá của lũ quét, sạt lở đất hết sức bất ngờ và khốc liệt gây tổn thất về người, công trình hạ tầng và đời sống kinh tế văn hoá xã hội vùng thiên tai, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số nơi kinh tế kém phát triển, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đặc trưng điển hình của thiên tai này là xảy ra cục bộ ở một vùng, một khu dân cư, một bản làng; những người bị thiệt mạng thường trong một gia đình hoặc có quan hệ dòng họ với nhau. Rét đậm - rét hại: hiện tượng này xảy ra vào các thời kỳ giá rét kéo dài nhiều ngày. Trời rét buốt về đêm và sáng sớm, nhất là ở các vùng núi cao. Trong những ngày rét đậm rét hại thường có sương muối tăng dần với cường độ ngày càng dày đặc và kéo dài. Nhiệt độ không khí trung bình ngoài trời khoảng 15°C, vùng cao khoảng 8°C. Ở Sa Pa, Bắc Hà và Bát Xát, nhiệt độ đo được từ 2°C đến 0°C, có nơi xuống dưới 2°C (-2°C) [11]. Cháy rừng: tỉnh Lào Cai có trên 418 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó chiếm 1/2 là rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh, Lào Cai có tới 100.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, tập trung ở khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên và các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Mường Khương. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 202 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 1.000 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 900 ha, rừng trồng 163 ha, mức độ thiệt hại 62,3%. Các vụ cháy rừng chủ yếu xảy ra vào quý I, quý II hàng năm trong điều kiện thời tiết khô hanh. Kết quả điều tra năm 2012 của nhóm nghiên cứu cho thấy đa số các hộ cho rằng lũ ống, lũ quét, rét đậm, rét hại là nguyên nhân làm cho đồng bào quyết định thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là những loại hình thiên tai mà cộng đồng các dân tộc thiểu số Lào Cai thường phải đối mặt. Có tới 50% số hộ cho rằng thiên tai tác động mạnh tới cuộc sống sản xuất của cộng đồng địa phương, 30% cho rằng tác động trung bình. Đặc biệt có 12% số hộ được hỏi đã phải di chuyển nơi ở do thiên tai. 4.2. Tác động của thiên tai đến sinh kế Theo lý thuyết sinh kế mà tổ chức phát triển Anh (DFID) đưa ra, với một cộng đồng hay nhỏ hơn là một hộ gia đình đều có 5 loại nguồn vốn tạo thành một ngũ giác sinh kế và ngũ giác này sẽ bị thay đổi khi có các điều kiện bên ngoài tác động vào. Năm nguồn vốn bao gồm vốn xã hội (S), vốn tài chính (F), vốn con người (H), vốn vật chất (P), và vốn tự nhiên (N) [1, 2]. Thiên tai ở Lào Cai có tác động trực tiếp lên 3/5 nguồn vốn sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số như sau: Tác động đến nguồn vốn tự nhiên: Đối với tất cả các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung, ở Lào Cai nói riêng, tự nhiên là những yếu tố đầu vào cơ bản để các sinh kế được thực hiện. Mọi hoạt động kinh tế truyền thống của người dân đều được hình thành và phát triển trên cơ sở của các đặc điểm môi trường tự nhiên nơi họ cư trú. Họ luôn cố gắng tìm hiểu để có giải pháp thích ứng - vừa có thể khai thác, vừa gìn giữ các nguồn lực tự nhiên. Lào Cai vốn được đặc trưng bởi địa hình phức tạp và có ít diện tích đất canh tác. Các loại hình thiên tai như sạt lở đất, lũ quét làm mất diện tích đất canh tác làm hạn chế nguồn vốn sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số. Cháy rừng, rét đậm rét hại làm giảm hoặc phá hủy các diện tích đã được gieo trồng từ đó giảm 346 sản lượng lương thực sản xuất được. Kết quả nghiên cứu ở Lào Cai cho thấy diện tích lúa, hoa màu mất trắng do thiên tai ở Lào Cai từ năm 2000 đến năm 2011 là 12.104 ha (hình 1). Hình 1. Diện tích lúa, hoa màu mất trắng do thiên tai ở Lào Cai từ năm 2000 đến năm 2011 Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai (2011), năm 2011 hạn hán kéo dài trên địa bàn tỉnh cho nên diện tích gieo trồng chỉ đạt 93% so với kế hoạch, toàn tỉnh có 1,820 ha lúa bị hạn trong đó có khoảng 120 ha lúa phải gieo cấy lại, diện tích mất trắng lên đến 20 ha. Rét đậm rét hại cũng làm thiệt hại lớn đến sản xuất lúa. Đợt rét đậm rét hại vào năm 2008 ở Lào Cai đã gây thiệt hại hơn 84 tấn lúa giống do người dân phải gieo trồng lại sau khi đợt rét đậm đi qua. Không những chỉ tác động đến sản xuất lúa, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lâm nghiệp, cây ăn quả và hoa màu trong vườn. Bên cạnh đó, rừng và đất rừng là một nguồn vốn sinh kế quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng. Tuy nhiên không phải các hộ đều có rừng. Không những chỉ không tiếp cận được rừng và đất rừng, những hộ không có rừng còn bị hạn chế phát triển chăn nuôi đại gia súc do bãi chăn chính là các khu rừng đã được sở hữu bởi các hộ gia đình khác, điều này tạo nên sự cạnh tranh trong phát triển chăn nuôi giữa người có rừng và không có rừng. Những hộ tiếp cận với rừng và đất rừng thường có nguồn thu nhập đa dạng hơn. Do vậy, tính tổn thương do tác động của thiên tai ít hơn. Các hiện tượng thiên tai như cháy rừng, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn đến các sinh kế gắn với rừng của đồng bào. Tháng 2 năm 2009 đã xảy ra 04 vụ cháy rừng ở Lào Cai, đó là ở Sa Pa 02 vụ, Bắc Hà 01 vụ, Văn Bàn 01 vụ. Ngày 15/9/2009 xảy ra cháy rừng Hoàng Liên Sơn tại xã Bàn Lầu, huyện Mường Khương, Tp. Lào Cai, thiêu trụi gần 100 ha rừng tái sinh. Đặc biệt vụ cháy rừng Quốc gia Hoàng Liên vào đầu năm 2010 đã thiêu cháy 797,16 ha (trong đó rừng tự nhiên là 763,02 ha, rừng trồng 34,15 ha) [6]. Điều này đã tác động tiêu cực đến nguồn sinh thủy, gây nguy cơ hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cho một số hộ gia đình đang sinh sống ở vùng ven, vùng đệm; đất đai nơi bị cháy giảm độ màu mỡ và chai cứng, gây khó khăn cho canh tác nông - lâm nghiệp. Đặc biệt, vụ cháy làm thiệt hại một số diện tích thảo quả (9,5 ha) - nguồn thu chính của đồng bào dân tộc Mông, Dao,... ở vùng cao. Tác động đến vốn vật chấ: Một trong những tác động của thiên tai đến sản xuất chăn nuôi là thay đổi sự có sẵn nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Bên cạnh đó một số nghiên cứu quy nạp rằng thiên tai là nguyên nhân quan trọng dẫn đến dịch bệnh trên vật nuôi [3]. Thực tế cho thấy nhiệt độ thấp (rét đậm và rét hại) làm khan hiếm nguồn thức ăn cho vật nuôi đồng thời làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh từ đó gây chết vật nuôi. Đợt lạnh ở vùng núi phía Bắc vào năm 2008 đã làm chết hơn 60.000 con trâu bò, trong đó riêng tỉnh Lào Cai có 18.760 con trâu bò chết [6, 7]. 347 Trong tháng 1 và 2/2012 đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên 40 ngày gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh kế chăn nuôi của người dân ở các địa phương vùng cao tỉnh Lào Cai. Tháng 3/2012 ở Lào Cai xảy ra rét đậm, rét hại bất thường sau những ngày thời tiết nắng ấm, không khí lạnh tăng cường với cường độ mạnh và nhanh kèm theo mưa rào đã làm cho nhiệt độ hạ thấp đột ngột, nhiệt độ trung bình xuống dưới 10°C, tại các huyện vùng cao Bắc Hà nhiệt độ xuống 5,4°C, Sa Pa -2°C; mưa tuyết và băng giá đã xuất hiện ở nhiều xã tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương. Đợt rét đậm, rét hại này đã làm chết 14.030 con trâu bò của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Kết quả thu thập số liệu tại Lào Cai cho thấy từ năm 2000 - 2011, tổng số gia súc bị chết do thiên tai ở Lào Cai lên đến 44.802 con, trong đó chủ yếu là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó những năm thiệt hại nhất là 2000 (7.353 con), 2008 (19.471 con), 2011 (14.320 con). Cũng trong thời gian trên, thiên tai (chủ yếu là lũ ống, lũ quét) đã làm cho 1825 ngôi nhà của người dân (trong đó chủ yếu là của đồng bào các dân tộc thiểu số) bị sập hoặc bị cuốn trôi. Tác động đến vốn con người: thiên tai thường xuyên đe dọa đến tính mạng (trong đó có lực lượng lao động chính) và tài sản vốn đã ít ỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hậu quả do thiên tai ở Lào Cai trong những năm vừa qua rất nghiêm trọng cả về người, kinh tế, cơ sở hạ tầng và xã hội. Trong 10 năm qua, tỉnh Lào Cai xảy ra 18 trận lũ quét, lở đất làm hơn 250 người chết và 200 người bị thương. Có những trận lũ quét, trượt lở đất đã trở thành thảm hoạ (sạt lở đất tại thôn Sùng Hoảng xã Phìn Ngan (Bát Xát) tháng 9/2004, vùi lấp 03 ngôi nhà và 23 người chết; năm 2008 một đợt lũ quét và sạt lở đất làm 79 người chết và mất tích, 58 người bị thương. Ngày 2 - 4/8/2010 xảy hai trận lũ quét tại thị trấn Sa Pa, xã Mường Vi (Bát Xát) làm 02 người chết, 12 người bị thương. Ngày 6/9/2010 tại xã Lùng Cải, Bắc Hà lũ cuốn trôi 03 người,... Các nguồn sinh kế bị tác động do thiên tai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói của đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai. Theo số liệu điều tra thu thập được, năm 2011 số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 40.320 hộ, chiếm 27,69% tổng số hộ, trong có tới 87,96% số hộ nghèo là các dân tộc thiểu số. Một số dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao so với tổng số hộ là người dân tộc đó trên địa bàn như dân tộc Mông (39,04%), Dao (17,9%), Tày (15,75%). Các khu vực nghèo đói cao của Lào Cai tập trung ở các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Đây cũng chính là những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sinh kế của người dân địa phương. Bảng 4. Số hộ nghèo và tỷ lệ nghèo theo các dân tộc của Lào Cai năm 2011 Toàn tỉnh Mông Tày Giáy Dao Hà Nhì Phù Lá Dân tộc khác Hộ nghèo (hộ) 40320 15740 6352 1359 7218 522 931 3346 Tỷ lệ (%) 27,69 39,04 15,75 3,37 17,9 1,29 2,3 8,29 Nguồn: [5] 5. Kết luận Lào Cai là tỉnh thường xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm với mức độ nghiêm trọng. Thiên tai nguy hiểm xảy ra phổ biến cả theo không gian và thời gian dưới các dạng: cháy rừng, rét đậm - rét hại, lũ ống - lũ quét, Hậu quả của chúng gây nhiều thiệt hại to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Tỉnh Lào Cai có trên 637 ngàn người bao gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 64% dân số toàn tỉnh. Đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai là định cư ở vùng núi, trên các sườn dốc, ven các khe suối. Cộng đồng các dân tộc thiểu số Lào Cai hiện có khoảng 12 nguồn sinh kế khác nhau, trong đó mỗi hộ có 3 - 5 hoạt động sinh kế chính. Ngoài trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm thì hoạt động đánh bắt thủy sản, các hoạt động phi nông nghiệp khác (đan lát, thêu, rèn,) là các nguồn thu phụ của các hộ gia đình. Do tập quán định cư và canh tác nông nghiệp trên đất dốc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất là vùng cao, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dân tộc chịu hậu quả nặng nề nhất là người Mông, tiếp theo là người Dao. 348 Thiên tai làm giảm đáng kể thu nhập của nhóm người mà sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn lợi tự nhiên như: làm nương rẫy, nông nghiêp manh mún, đánh bắt thu lượm thủy sản, thu lượm sản phẩm phi gỗ từ rừng, Khi bị thiên tai tác động, một số hộ có thể nhanh chóng phục hồi sinh kế và tái thiết tài sản của họ nhưng nhiều hộ khác thì quá trình khắc phục chậm hơn. Đặc biệt đối với các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai, việc tái sản xuất tư liệu sản xuất là hoàn toàn không thể. Để góp phần hạn chế tác động thiên tai, cần tiếp tục xây dựng các dự án kế hoạch hàng năm về phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây nên. Đồng thời xây dựng và phát triển một số loại hình sinh kế mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán của người dân vùng cao kết hợp các chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Lời cảm ơn: Công trình này là một phần kết quả Dự án điều tra cơ bản mã số: VAST.ĐTCB- 02/12-13, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tập thể tác giả trân trọng cảm ơn PGS. TSKH. Nguyễn Địch Dỹ đã có những nhận xét, góp ý giúp hoàn thiện bài báo. TÀI LIỆU DẪN [1] Phạm Thái Hưng, Lê Đặng Trung và Nguyễn Việt Cường, 2011: Báo cáo: Nghèo của Dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Hiện trạng và thách thức ở các xã thuộc Chương trình 135, Giai đoạn II, 2006 - 2007, Hà Nội. [2] Scoones, I, 1998: Sustainable Rural Livelihoods: A Framework for Analysis. Institute of Development Studies. [3] Thornton P & Mario H, 2008: Climate change, vulnerability and livestock keepers: challenges for poverty alleviation Livestock and global climate change, 21-24. [4] Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Lào Cai, 2010: Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 tỉnh Lào Cai, Nxb. Thống kê. [5] Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo Lào Cai, 2012: Báo cáo kết quả xóa đói giảm nghèo tỉnh Lào Cai năm 2011. [6] Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, Báo cáo Tổng kết công tác Phòng chống lụt bão các năm từ 2000 đến 2011. [7] Center for Sustainable Rural Development, 2009: Need assessment on climate change mitigation and adaptation, a study in Backan province, pp. 54. Ha noi. [8] Cục thống kê Lào Cai, 2012: Niên giám thống kê Lào Cai 2011. [9] DFDI, 1999: Sustainable Livelihoods Guidace Sheets. [10] UBND tỉnh Lào Cai, 2010: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai 2011 - 2015. [11] Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, 2004: Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Lào Cai. [12] Sở TNMT Lào Cai, 2012: Báo cáo hiện trạng sử dụng đất 2011. SUMMARY Impacts of natural calamity on livelihood of ethnic minority in Lao Cai Province This article presents survey results about livelihood status and impacts of natural calamities on livelihood of ethnic minorities in Lao Cai province in recent years. Lao Cai is located in northern mountainous region of Vietnam. There are 25 ethnic minorities living with more than 12 kinds of livelihood. Among them, agricultural livelihood plays an important role in life of local people. However, many kinds of natural calamities often occur in Lao Cai, especially, forest fire, damaging cold - extreme cold, flash floods, pipe floods, happen extremely. They caused extremely serious damage to socio-economic development, especially for livelihood of ethnic minorities there.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4118_14579_2_pb_7764_2107850.pdf
Tài liệu liên quan