Tác động tâm lý của điều tra viên trong hoạt động điều tra vụ án mua bán người

Kết luận Từ kết quả phân tích trên, có thể thấy việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý trong khi tiến hành các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai nạn nhân trong vụ án mua bán người rất quan trọng. Điều tra viên tùy vào những trường hợp cụ thể có thể sử dụng những phương pháp tác động tâm lý như: phương pháp truyền đạt thông tin, phương pháp thuyết phục, phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy, phương pháp giao tiếp có điều khiển và phương pháp ám thị gián tiếp để tác động đến tâm lý của các đối tượng nhằm giúp họ có sự thay đổi về nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi khai báo cho phù hợp. Việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý trong khi tiến hành điều tra vụ án mua bán người cần tuân thủ các nguyên tắc tác động tâm lý và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mới đem lại hiệu quả cao. Cùng với đó, để quá trình tác động tâm lý có hiệu quả, cần có sự kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp và cần kết hợp với một số thủ thuật được sử dụng trong quá trình điều tra.

pdf10 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 273 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác động tâm lý của điều tra viên trong hoạt động điều tra vụ án mua bán người, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
57Số chuyên đề 2 - 2020 Khoa học Kiểm sát TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐIỀU TRA VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG... ĐIỀU TRA VỤ ÁN MUA BÁN NGƯỜI TRẦN THỊ THANH* Vụ án mua bán người có một số đặc điểm đặc trưng là hiện trường không tập trung, ít hoặc không có nhân chứng, khó thu thập thông tin về quá trình phạm tội bởi người phạm tội thường dẫn dụ một cách trực tiếp mà không để lại chứng cứ. Trong khi đó, việc tìm ra chứng cứ là yếu tố quyết định để đấu tranh với tội phạm này. Do vậy, khi tiến hành các hoạt động điều tra nói chung, hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai nạn nhân nói riêng, Điều tra viên cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về nội dung và phương pháp tác động tâm lý để việc xét hỏi không làm tổn thương thêm những người bị xét hỏi và thu được thông tin quan trọng nhằm giải quyết vụ án. Từ khóa: Tác động tâm lý, mua bán người, lấy lời khai nạn nhân, hỏi cung bị can. Ngày nhận bài: 08/7/2020; Ngày biên tập xong: 12/7/2020; Ngày duyệt đăng: 12/7/2020 Human trafficking cases have some features like unfocused scene, few or no witnesses, difficulties in collecting information on the criminal process because offenders often lure victims directly without leaving evidence. Meanwhile, finding evidence is a decisive factor to fight against this crime. Therefore, when conducting investigative activities in general, taking suspect’s interrogation and victim’s testimonies in particular, Investigators need to prepare carefully in terms of content and psychological impact methods so that interrogation does not hurt interrogated person and gets important information to resolve the case. Keywords: Psychological impact, human trafficking, taking victim’s testimony, suspect’s interrogation. 1. Đặt vấn đề Theo Từ điển tiếng Việt, “Tác động" là "làm cho một đối tượng nào đó có những biến đổi nhất định”, tức bất kể kích thích nào gây ra sự biến đổi (nội dung, tính chất, hình dạng, kích thước) của đối tượng đều được coi là tác động. Tác động có thể kèm theo mục đích định trước, được gọi là tác động tự giác, nhưng cũng có thể là những tác động tự nhiên, hay tác động thành nhiều hình thức khác nhau, trong đó tác động đến con người là hình thức phức tạp nhất. Trong Từ điển tâm lý học, A.V.Pêtơrôpxki và M.G.Iarôsepxki đã giải thích rằng “Tác động là sự chuyển dịch có định hướng các vận động hoặc thông tin từ thành viên này đến các thành viên khác tham gia tương tác. Tác động có thể mang tính trực tiếp khi vận động và thông tin hàm chứa trong đó được thể hiện dưới xung vận động (chẳng hạn như: động chạm, đánh) hoặc mang tính gián tiếp khi thông tin và xung vận động được thể hiện dưới dạng tổ hợp các tín hiệu thông báo về một điều gì đó, mức độ thay đổi về trạng thái và hành vi của chủ thể mà tác động hướng tới, có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của chủ thể tác động”.1 Như vậy, khi đối tượng của tác động là con người thì cơ chế biến đổi của sự tác động không còn đơn giản chỉ là những phản ứng tương ứng mà mọi tác động từ bên ngoài đều phải thông qua ý thức chủ quan, sự lựa chọn, tiếp nhận của họ. Một số nhà khoa học khi nghiên cứu về tác động tâm lý cũng cho rằng tác động tâm lý là hoạt động tích cực và chủ động của con người, biểu thị phương thức tác động của cá nhân hay của * Tiến sĩ, Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội 58 Khoa học Kiểm sát Số chuyên đề 2 - 2020 TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐIỀU TRA VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG... bộ phận người này đến một cá nhân hay một bộ phận người khác trên phương diện tâm lý nhằm làm chuyển biến, hình thành hay xóa bỏ những đặc điểm nào đó trong đời sống tâm lý của họ. Dưới khía cạnh của khoa học tâm lý, hoạt động điều tra hình sự là quá trình tái tạo lại sự việc phạm tội đã xảy ra trong quá khứ, căn cứ vào những dấu vết, những chứng cứ, những tài liệu đã thu thập được. Đây là hoạt động tích cực của Điều tra viên, mà cốt lõi là xác định sự thật về vụ án, về người thực hiện hành vi phạm tội thông qua biện pháp tố tụng. Trong hoạt động điều tra, các cán bộ điều tra không những phải huy động khả năng trí tuệ của mình để định hướng hoạt động điều tra, thu thập tin tức, tài liệu, chứng cứ của vụ án mà còn phải tích cực suy nghĩ, tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Hoạt động điều tra bao gồm các hoạt động: bắt người phạm tội; khám xét người, đồ vật, nơi ở, thư tín; khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng người bị hại; tổ chức nhận dạng; đối chất; thực nghiệm điều tra; giám định... Để tiến hành hoạt động điều tra hiệu quả, đòi hỏi Điều tra viên phải hiểu được đặc điểm tâm lý của các chủ thể tham gia để từ đó có những cách thức, biện pháp tác động tâm lý cho phù hợp, hiệu quả, đạt được mục đích trong từng hoạt động điều tra. Khái niệm buôn bán người được quy định khá chi tiết tại Điều 3 Nghị định thư Palermo và được cộng đồng quốc tế thừa nhận: Buôn bán người được hiểu là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe dọa, sử dụng vũ lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác vì mục đích bóc lột. Pháp luật Việt Nam quy định về tội mua bán người và các tội danh liên quan theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 tại Điều 150 – Tội mua bán người, Điều 151 – Tội mua bán người dưới 16 tuổi và Điều 297 – Tội cưỡng bức lao động là tội có liên quan đến mua bán người. Mặc dù pháp luật Việt Nam không dùng cụm từ "buôn bán người" mà vẫn dùng cụm từ "mua bán người" nhưng về cơ bản, nội dung trong các điều luật đã được thay đổi cho phù hợp với tinh thần của Nghị định thư Palermo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ở Việt Nam, mua bán người xảy ra ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước, tuy nhiên một số tỉnh được ghi nhận là điểm nóng về tội phạm mua bán người gồm: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Nội, Điện Biên, Quảng Ninh Việc tập trung này cũng phản ánh một thực tế rằng, trong giai đoạn 2011 - 2015, phần lớn các trường hợp mua bán người ở Việt Nam bị truy tố liên quan tới việc các nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc (70%), Campuchia (10%) và Lào (6%). Theo báo cáo Chương trình Hành động Quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Công an, trong 05 năm này, có 4.495 nạn nhân bị mua bán được phát hiện1. Theo thống kê, các vụ án mua bán người ở Việt Nam đã bị phát hiện, truy tố chủ yếu là vì mục đích bóc lột tình dục. Các đối tượng phạm tội trong các vụ án mua bán người thường lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người. Về thủ đoạn, các đối tượng phạm tội thường rất tinh vi, cấu kết với những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, và vùng biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt nạn nhân. Một số đối tượng là người nước ngoài, chủ yếu là công dân Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (thuộc Trung Quốc), Malaysia, v.v. thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế dưới dạng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn giả, v.v. rồi đưa ra nước ngoài 1 Ban chỉ đạo 138/CP, Báo cáo số 439/BC-BCĐ ngày 10/12/2015 về Tổng kết thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015, tr 2. 59Số chuyên đề 2 - 2020 Khoa học Kiểm sát TRẦN THỊ THANH bán. Bên cạnh đó, còn một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài, khi về thăm quê hoặc trốn về lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những người khác, kể cả người thân trong gia đình bán ra nước ngoài. Có những đối tượng chuyên làm ăn buôn bán qua lại biên giới hay kinh doanh dịch vụ ở dọc biên giới, do thông thuộc địa bàn hoặc lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý biên giới, đã lừa nạn nhân ra nước ngoài bán. Với những đối tượng này, việc thu thập thông tin về quá trình phạm tội qua lời khai của họ không dễ, trong khi đó một trong những cách thức để giải quyết những vụ án mua bán người lại phụ thuộc rất nhiều vào lời khai của đối tượng phạm tội và lời khai của nạn nhân. Chính vì vậy, việc tìm hiểu tâm lý, đặc điểm nhân thân về từng đối tượng có ý nghĩa quan trọng để giúp Điều tra viên áp dụng các chiến thuật, biện pháp tác động tâm lý phù hợp. Xuất phát từ những nội dung phân tích ở trên, có thể hiểu tác động tâm lý của Điều tra viên trong hoạt động điều tra các vụ án mua bán người là những cách thức, biện pháp có tổ chức, có kế hoạch mà Điều tra viên sử dụng trong khi tiến hành các hoạt động điều tra (hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai nạn nhân, đối chất...) nhằm mục đích làm thay đổi, hình thành, hay xóa bỏ hiện tượng tâm lý nào đó ở chủ thể tham gia giúp họ khai báo trung thực, đầy đủ và chính xác về hành vi, mục đích, phương pháp phạm tội mua bán người cũng như các tình tiết khác của vụ án. Hoạt động điều tra vụ án mua bán người được tiến hành bằng nhiều biện pháp khác nhau. Bài viết này chỉ tập trung vào phân tích tác động tâm lý của Điều tra viên khi tiến hành hoạt động hỏi cung bị can, hoạt động lấy lời khai nạn nhân của tội phạm mua bán người. 2. Cơ sở tác động tâm lý của Điều tra viên trong hoạt động điều tra vụ án mua bán người Hiện nay, có một số quan điểm khác nhau về hệ thống các phương pháp tác động tâm lý sử dụng trong giải quyết vụ án hình sự. Cụ thể, trong tập 5 “Tâm lý học hình sự” thuộc Bộ khoa học hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân, khi bàn về các phương pháp tác động tâm lý trong hoạt động điều tra hình sự cũng đã chỉ ra một số phương pháp tác động như: Phương pháp thuyết phục, phương pháp truyền đạt thông tin, phương pháp hướng dẫn tư duy, phương pháp ám thị gián tiếp, phương pháp tác động tâm lý bằng gợi nhớ. Về bản chất, phương pháp gợi nhớ ở đây gần giống với phương pháp truyền đạt thông tin, bởi nhóm tác giả đã định nghĩa phương pháp gợi nhớ là phương pháp làm sống lại, xuất hiện lại trong đầu óc người bị tác động những vấn đề hay tình tiết của vụ án mà họ đã bị quên, bằng cách đưa ra những thông tin có liên quan đến vấn đề đó. Như vậy, giữa hai phương pháp này có sự gần nhau về cách thức, vì vậy có thể gộp lại với nhau thành một phương pháp21. Giáo trình Tâm lý tư pháp của Trường Đại học Luật Hà Nội đã đề cập đến các hệ thống phương pháp tác động tâm lý sử dụng quá trong trình giải quyết vụ án hình sự mà các chủ thể tiến hành có thể sử dụng gồm: Phương pháp truyền đạt thông tin, phương pháp thuyết phục, phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển, phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy, phương pháp ám thị gián tiếp và phương pháp mệnh lệnh32. Trong trường hợp để tác động đến những chủ thể tham gia như bị can, nạn nhân, người làm chứng trong vụ án mua bán người, Điều tra viên có thể sử dụng một số phương pháp tác động tâm lý sau: Một là, phương pháp truyền đạt thông tin Phương pháp truyền đạt thông tin là phương pháp Điều tra viên sử dụng những thông tin có liên quan đến các vấn đề bị can đang quan tâm để tác động đến họ, làm thay đổi nhận thức, làm xuất hiện những 2  Nguyễn Xuân Yêm (Chủ biên) (2013), Tâm lý học hình sự, NXB Công an nhân dân, Hà Nội. 3  Đặng Thanh Nga (Chủ biên) (2008), Giáo trình tâm lý học tư pháp, NXB Công an nhân dân, Hà Nội. 60 Khoa học Kiểm sát Số chuyên đề 2 - 2020 TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐIỀU TRA VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG... cảm xúc nhất định và dẫn đến những thay đổi trong thái độ và hành vi của bị can, đáp ứng yêu cầu của hoạt động hỏi cung bị can. Điều tra viên có thể sử dụng nhiều phương thức truyền đạt thông tin đến người bị tác động như tác động bằng ngôn ngữ nói, bằng ngôn ngữ viết, có thể dùng tài liệu, hình ảnh, băng hình, băng ghi âm hoặc những đồ vật cụ thể Hình thức truyền đạt thông tin cũng có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Phương pháp truyền đạt thông tin thường được sử dụng trong những trường hợp sau: - Khi cần làm tăng tri thức, hiểu biết của người tiếp nhận thông tin. Ví dụ trong hoạt động hỏi cung bị can, nếu là hỏi cung lần đầu, Điều tra viên tiến hành hỏi cung cần phải phổ biến quyền và nghĩa vụ của bị can. - Khi cần giúp người tham gia tố tụng tái hiện những tình tiết bị quên hoặc nhầm lẫn. Việc tiếp nhận thông tin sẽ làm tích cực hoá hoạt động trí tuệ của người tham gia tố tụng, làm xuất hiện trong đầu óc họ những liên tưởng, tạo khả năng nhớ lại tình tiết bị quên. - Khi cần làm thay đổi thái độ, lập trường của người tham gia tố tụng. Việc cung cấp thông tin tạo điều kiện để người tham gia tố tụng phân tích, xem xét lại thái độ và quyết định của mình, làm xuất hiện khả năng thay đổi quyết định đó. - Khi cần làm xuất hiện những xúc cảm, tình cảm nhất định, hoặc thay đổi trạng thái cảm xúc của người tham gia tố tụng. Những thông tin có ý nghĩa đặc biệt được đưa ra vào thời điểm bất ngờ, tác động mạnh lên người bị tình nghi, bị can, bị cáo... làm họ không tự chủ được và phải từ bỏ thái độ ngoan cố của mình. Hai là, phương pháp thuyết phục Phương pháp thuyết phục là việc Điều tra viên sử dụng lý lẽ để lập luận, phân tích, giải thích nhằm giúp bị can nhận thức rõ đúng, sai; phải, trái; thiệt, hơn về các vấn đề liên quan tới họ để họ thay đổi thái độ, nhận thức, quan điểm. Nội dung của phương pháp thuyết phục là đưa ra những sự kiện, những tình huống cụ thể, phân tích, giải thích giúp người bị tác động thấy rõ đúng, sai, lợi, hại, tốt, xấu... nhằm thay đổi thái độ, quan điểm, lập trường của họ, hoặc xây dựng quan điểm mới. Phương pháp thuyết phục được thực hiện bằng nhiều hình thức: - Thuyết phục lôgic: Hình thức này là thông qua sự phân tích, lập luận chặt chẽ để tác động vào nhận thức của đối tượng, từ đó dẫn đến sự thay đổi về thái độ, lập trường của họ. - Thuyết phục tình cảm: Hình thức này chủ yếu tác động vào lĩnh vực tình cảm, gợi lên những xúc cảm, tình cảm tích cực có lợi cho việc thay đổi thái độ, lập trường của đối tượng. - Thuyết phục thông qua cổ động, tuyên truyền: Hình thức này tác động vào nhận thức của nhiều người nhằm giúp họ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, thông qua cổ động, tuyên truyền pháp luật mà thuyết phục người dân về sự cần thiết phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thuyết phục là một nghệ thuật. Do vậy, khi thuyết phục bị can cần tiến hành các bước như sau: Tác động tạo uy tín với bị can, chiếm lòng tin của bị can với Điều tra viên; Gieo mầm hoài nghi vào nhận thức, quan điểm của bị can; tế nhị trình bày quan điểm của người thuyết phục; nêu ra những giải pháp có thể để bị can suy nghĩ, lựa chọn. Điều tra viên khi tiến hành trên thực tế cần vận dụng linh hoạt các bước, đảm bảo nguyên tắc “kiên trì” và “dần dần”. Ba là, phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy là phương pháp mà Điều tra viên đưa ra các câu hỏi liên quan đến các tình tiết xảy ra của vụ án để kích thích, định hướng và phát triển hoặc thay đổi quá trình tư duy ở bị can nhằm đáp ứng yêu cầu, mục đích của chủ thể tác động. Bản chất của phương pháp này trong hoạt 61Số chuyên đề 2 - 2020 Khoa học Kiểm sát TRẦN THỊ THANH động giải quyết vụ án hình sự là việc chủ thể đặt ra nhiệm vụ định hướng, phát triển các quá trình tư duy ở người tham gia tố tụng, thông qua việc đặt ra một loạt câu hỏi chi tiết để khám phá sự hiểu biết rõ ràng những thông tin về vụ việc. Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy thường được sử dụng trong những trường hợp sau đây: - Giúp người tham gia tố tụng, đặc biệt là người làm chứng, người bị hại nhớ lại tình tiết bị quên. Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra nhằm tác động đến tư duy và trí nhớ của đối tượng. - Thay đổi thái độ, quan điểm, lập trường của đối tượng tác động. Câu hỏi đặt ra nhằm tác động đến tư duy và từ đó ảnh hưởng đến thái độ, tình cảm của đối tượng, làm xuất hiện những thái độ và xúc cảm cần thiết. - Đấu tranh với đối tượng có thái độ khai báo gian dối. Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy đấu tranh rất hiệu quả đối với đối tượng có thái độ khai báo gian dối. Phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy có thể thực hiện ở 3 dạng: + Đặt câu hỏi dẫn dắt sự liên tưởng: Điều tra viên đặt ra những câu hỏi buộc bị can khi trả lời phải liên tưởng tới sự kiện phạm tội hoặc hành vi che giấu tội phạm và dự đoán logic câu hỏi tiếp theo của Điều tra viên. + Đặt câu hỏi làm biến đổi hướng tư duy của đối tượng: Điều tra viên đặt câu hỏi khác với sự chuẩn bị trước của bị can, buộc bị can không thể sử dụng câu trả lời đã chuẩn bị sẵn để đối phó mà thường phải trả lời đúng sự thật hoặc sát với sự thật đã xảy ra. + Đặt câu hỏi chi tiết vào điểm bị can khai gian dối: Điều tra viên căn cứ vào những điểm bị can cố tình bịa đặt khai báo sai sự thật để đặt ra những câu hỏi chi tiết, hỏi sâu về vấn đề đó (mặc dù những điều này không có giá trị chứng minh tội phạm). Bốn là, phương pháp ám thị gián tiếp Ám thị là phương pháp tác động tâm lý mang tính cưỡng chế tâm lý. Đó là sự tác động của một người đến một hay một nhóm người khác, làm cho họ tiếp nhận một cách không phê phán những lời lẽ chứa đựng tư tưởng, ý muốn của người ám thị và thực hiện theo ý muốn đó. Ám thị có hai hình thức: ám thị trực tiếp và ám thị gián tiếp. Ám thị trực tiếp là hình thức ám thị được thực hiện khi thông tin ám thị được truyền thẳng đến đối tượng. Trong hỏi cung bị can, phương pháp ám thị thường được sử dụng dưới dạng gián tiếp. Phương pháp ám thị gián tiếp là phương pháp Điều tra viên đưa ra những câu hỏi và thông tin về sự kiện nào đó không có quan hệ trực tiếp đến vụ án, nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với cuộc sống của người được ám thị, nhằm làm cho họ hiểu rằng những vấn đề đã được cơ quan có thẩm quyền biết thì chắc chắn những vấn đề khác cũng đã biết hoặc sẽ biết, từ đó họ phải phải suy nghĩ, cân nhắc và thay đổi thái độ và hành vi. Để phương pháp ám thị đạt hiệu quả, Điều tra viên cần bịt kín mọi nguồn tin với người bị tác động, đặc biệt là nguồn tin về kết quả điều tra, thu thập thông tin về người bị tác động. Chủ thể hoạt động tư pháp cần có quá trình nghiên cứu tỉ mỉ về quá trình hoạt động trước đó của người bị tác động (nắm thông tin về đời tư, những điểm yếu, những mối quan hệ vốn có). Những thông tin về người bị tác động mà chủ thể tác động đưa ra phải chính xác là có thực, đúng thực tế cuộc đời của người bị tác động. Thái độ của Điều tra viên phải nhẹ nhàng nhưng cương quyết, tỏ ra hiểu biết tường tận về đời tư, các quan hệ, sinh hoạt của người bị tác động. Năm là, phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển Dưới góc độ tâm lý, hoạt động hỏi cung bị can là hoạt động giao tiếp hai chiều giữa Điều tra viên và bị can, hay là sự thể hiện quan hệ tương tác giữa Điều tra viên với bị can của vụ án. Trong đó, Điều tra viên tiếp xúc, tác động, đấu trí với bị can, 62 Khoa học Kiểm sát Số chuyên đề 2 - 2020 TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐIỀU TRA VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG... làm cho bị can khai báo. Như vậy, trong mối quan hệ này, Điều tra viên luôn giữ vai trò chủ đạo, phối hợp, tác động và điều hành các cuộc tiếp xúc với bị can nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Ngược lại, bị can là đối tượng bị tác động, thực hiện các nghĩa vụ do Điều tra viên đặt ra một cách thụ động. Do đó, để đạt được các mục đích của hoạt động hỏi cung, Điều tra viên luôn phải điều khiển tâm lý giữa họ với bị can. Khi sử dụng phương pháp này, Điều tra viên phải quan sát biểu hiện bên ngoài của bị can (nét mặt, cử chỉ,...) để nắm bắt tâm lý của từng bị can và có phương pháp xét hỏi cho phù hợp. Phương pháp giao tiếp tâm lý có điều khiển là phương pháp tác động tâm lý, nhưng đồng thời cũng là kĩ năng giao tiếp của Điều tra viên trong hỏi cung bị can. Ngoài ra, phương pháp này còn đạt hiệu quả cao hơn nếu như được áp dụng cùng với các phương pháp tác động tâm lý khác. Sáu là, phương pháp mệnh lệnh Mệnh lệnh là phương pháp cưỡng chế tâm lý, đòi hỏi đối tượng tác động phải thực hiện, hoặc chấm dứt ngay một hành động nào đó, không phụ thuộc vào ý muốn của họ. Chẳng hạn, khi khám xét một địa điểm nào đó, Điều tra viên sử dụng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc đối tượng có liên quan phải thực hiện những hành vi nhất định, phục vụ cho việc khám xét. Trong trường hợp này, đối tượng phải có nghĩa vụ chấp hành ý chí của Điều tra viên. Để phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả, việc sử dụng phương pháp mệnh lệnh trong hoạt động tố tụng hình sự là cần thiết. Tuy nhiên, do tính cưỡng chế cao nên đối tượng bị tác động sẽ không có sự tự do về mặt ý chí. Việc sử dụng phương pháp này cần thận trọng để tránh vi phạm quyền công dân. 3. Tác động tâm lý của Điều tra viên trong một số hoạt động điều tra khi giải quyết vụ án mua bán người 3.1. Tác động tâm lý của Điều tra viên trong hoạt động hỏi cung bị can phạm tội mua bán người Tâm lý của người phạm tội mua bán người có những đặc điểm khác so với tâm lý của những người phạm tội khác. Bởi tính chất đặc trưng của loại tội này nên ở bị can có một số đặc điểm tâm lý như: Về nhận thức: Kết quả thực tế đã thống kê phần lớn những người phạm tội mua bán người là những người đã từng có tiền án tiền sự về hành vi này nên họ có kinh nghiệm và thường tạo thành đường dây khép kín để thực hiện hành vi, hoặc những người nước ngoài cấu kết với môi giới tại nước sở tại để hình thành đường dây mua bán xuyên quốc gia, thậm chí có những người trước đó là nạn nhân của mua bán người nhưng sau đó lại trở thành người thực hiện hành vi dụ dỗ, mua bán người Họ đều hiểu hành vi họ đang làm là trái pháp luật nhưng vì những khoản tiền họ thu được nên bằng mọi cách thực hiện hành vi mua bán người dưới các hình thức khác nhau. Họ dường như ít ý thức và không phải chịu sự ám ảnh về hậu quả hành vi phạm tội gây ra, bởi hậu quả ngay tức khắc để lại từ những vụ mua bán người không nguy hiểm như những vụ án khác. Về trạng thái tâm lý: Người phạm tội mua bán người dù là phạm tội lần đầu hay tái phạm đều có trạng thái tâm lý căng thẳng, luôn lo lắng, bồn chồn khi nghĩ đến việc họ bị phát hiện, bị bắt và chịu hậu quả pháp lý nhất định. Sự căng thẳng này càng cao khi vụ án có những đồng phạm khác, vì khi một trong những đồng phạm bị bắt họ sẽ tố giác, khai ra hành vi phạm tội. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bị can tỏ ra lì lợm, nhất là trường hợp nạn nhân có thể trở thành đồng phạm hoặc chính nạn nhân đó trở thành người thực hiện hành vi phạm tội. Ở một số khía cạnh nhất định, người phạm tội cảm thấy yên tâm trong hầu hết những vụ án mua bán người, ít hoặc không có nhân chứng. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những vụ án mua 63Số chuyên đề 2 - 2020 Khoa học Kiểm sát TRẦN THỊ THANH bán người nhằm mục đích tình dục thì nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân ít hoặc không dám tố giác hành vi phạm tội. Hơn nữa, nếu trẻ em là nạn nhân thì người phạm tội lại càng yên tâm hơn vì cho rằng trẻ nhỏ hạn chế về nhận thức, ngôn ngữ, khả năng phòng vệ chưa cao, việc khai thác thông tin khó khăn. Bên cạnh đó, vụ án mua bán người thường không để lại hiện trường, hoặc nếu có là bất định khó kiểm soát. Thời gian diễn ra cũng bất định, ít hoặc thậm chí không có vật chứng vì những người phạm tội sử dụng công nghệ thông tin, hoặc giao tiếp thỏa thuận trực tiếp, do đó họ khó bị phát hiện cho đến khi bị tố giác. Ngoài ra, nạn nhân khi bị đưa ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, đi lại, mối quan hệ, người phạm tội yên tâm rằng nạn nhân khó thoát khỏi nên không sợ bị tố giác. Về hành vi xử sự: Để thực hiện được hành vi lừa gạt các đối tượng những bị can phạm tội mua bán người thường thể hiện thái độ cởi mở, tích cực quan tâm đến mọi người một cách giả tạo để tạo sự tin tưởng từ những “con mồi” để họ nghe theo và bị mắc bẫy. Đối với vụ án mua bán người, khi thực hiện hành vi phạm tội luôn có đồng phạm, “con mồi” được chuyển qua những người lạ bằng ám hiệu, hoặc được tiến hành một cách có tổ chức, ổ, nhóm, đường dây mua bán người được thực hiện giữa những người thân thiết, thậm chí ruột thịt, do đó tạo sự khép kín, ít sơ hở khi thực hiện hành vi phạm tội. Xuất phát từ những đặc điểm tâm lý đặc trưng của bị can phạm tội mua bán người, trong quá trình hỏi cung bị can phạm tội mua bán người, Điều tra viên cần áp dụng một số những biện tác động tâm lý như: phương pháp truyền đạt thông tin, phương pháp thuyết phục, phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy, phương pháp giao tiếp có điều khiển và phương pháp ám thị gián tiếp. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm của vụ án mua bán người thì hai phương pháp tác động tâm lý nên sử dụng thường xuyên nhất là phương pháp truyền đạt thông tin và phương pháp thuyết phục. Bởi lẽ, bản chất của truyền đạt thông tin là sử dụng những chứng cứ, thông tin mà cơ quan điều tra đã thu thập được để đấu tranh với các bị can, từ đó bị can thay đổi thái độ khai báo và phá bỏ được tâm lý yên tâm. Bị can cũng hiểu rằng đối với vụ án mua bán người dường như không có hiện trường, rất ít hoặc không có người làm chứng, sự kiện lại thường xảy ra rất lâu nên để thu thập thông tin và chứng cứ không dễ. Tuy nhiên, một khi Điều tra viên đã có những chứng cứ, tài liệu quan trọng trong tay là cách thức đấu tranh tốt nhất với bị can phạm tội này. Bên cạnh đó Điều tra viên còn sử dụng phương pháp tác động này bằng cách cung cấp thông tin về những chính sách khoan hồng của nhà nước Việt Nam dành cho những người có thái độ khai báo thành khẩn, hợp tác trong quá trình điều tra, để từ đó giúp bị can điều chỉnh thái độ khai báo cho phù hợp và đạt được hiệu quả trong hỏi cung bị can. Trong quá trình hỏi cung bị can, Điều tra viên cũng có thể sử dụng phương pháp thuyết phục đối với các bị can để giúp bị can thay đổi thái độ, hợp tác với Điều tra viên. Khi thuyết phục, Điều tra viên nên thuyết phục vào mặt tình cảm của các bị can, đặc biệt đối với những bị can cùng giới tính nữ thực hiện hành vi mua bán với phụ nữ và trẻ em gái với mục đích tình dục, nhằm khơi gợi sự đồng cảm ở bị can để bị can ăn năn hối cải, từ đó khai nhận hành vi phạm tội của mình cũng như khai ra đồng bọn trong đường dây mua bán người. Điều tra viên cũng có thể thuyết phục bằng cách xoáy sâu vào mối quan hệ tình cảm có ý nghĩa quan trọng đối với bị can như con cái, bố mẹ, vợ chồng nhằm giúp bị can khơi dậy tình cảm gia đình để từ đó bị can thành khẩn khai báo với mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với những người thân yêu. Khi hỏi cung bị can, ngoài hai phương pháp tác động tâm lý trên, Điều tra viên còn có thể sử dụng phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy bằng cách đặt các câu hỏi phù hợp nhằm khai thác thông 64 Khoa học Kiểm sát Số chuyên đề 2 - 2020 TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐIỀU TRA VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG... tin về quá trình phạm tội từ bị can hoặc đồng phạm. Các câu hỏi này thường được tiến hành dưới các dạng khác nhau: câu hỏi để khẳng định vấn đề, câu hỏi khai thác thông tin, câu hỏi nhằm vạch trần lời khai gian dối. Các phương pháp giao tiếp có điều khiển hay phương pháp ám thị gián tiếp cũng có thể được sử dụng khi hỏi cung bị can phạm tội mua bán người. Tuy nhiên, để sử dụng phương pháp này, Điều tra viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tìm hiểu những điểm yếu không liên quan đến hành vi mua bán người hiện tại nhưng lại là bí mật đời tư của cá nhân, hoặc bản thân Điều tra viên phải là người có nhiều kinh nghiệm trong hỏi cung bị can thì mới có thể điều khiển giao tiếp khi hỏi cung bị can. 3.2. Tác động tâm lý của Điều tra viên trong hoạt động lấy lời khai nạn nhân trong vụ án mua bán người Nạn nhân là những người chịu hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi mua bán người. Nạn nhân của mua bán người bao gồm cả nam và nữ, được phân chia theo độ tuổi gồm những người dưới 16 tuổi và trên 16 tuổi. Về cơ bản, có sự khác nhau về thể chất và tinh thần giữa những nạn nhân trên 16 tuổi và dưới 16 tuổi, vì thế việc tác động tâm lý trong hoạt động lấy lời khai nạn nhân mua bán người cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, phần này chỉ ra cách tác động tâm lý chung mà chưa phân chia thành hoạt động lấy lời khai của người có nhóm tuổi khác nhau. Nạn nhân trong vụ án mua bán người có một số đặc điểm tâm lý đặc trưng sau: Về nhận thức: Hầu hết những nạn nhân của tội phạm mua bán người ban đầu đều không biết mình là nạn nhân, trở thành món hàng mua đi bán lại. Có thể họ đang mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống giàu sang, sau đó họ mới nhận ra thông qua những yêu cầu khắt khe, sự quản thúc chặt chẽ của người chủ mưu. Nhiều nạn nhân sau một thời gian dài bị bán sang nước khác, bị bóc lột tình dục, đánh đập hoặc thời điểm ấy còn quá nhỏ nên không thể nhớ chi tiết những điều gì đã xảy ra với mình. Thậm chí có nhiều nạn nhân sau bao năm được giải cứu, hoặc được giúp đỡ thoát khỏi nơi đầy đọa trở về quê hương nhưng không nhớ nổi nơi mình sinh ra, và người thân của mình tên gì Nhiều nạn nhân cũng không hiểu họ có quyền được hỗ trợ hoặc không biết làm thế nào để tiếp cận các dịch vụ trợ giúp về sức khỏe, tinh thần và thể chất. Nạn nhân thậm chí hoài nghi, và nghĩ rằng các dịch vụ được cung cấp không liên quan đến những nhu cầu thực tế ngay lập tức của họ. Về trạng thái tâm lý: Khi mới bắt đầu biết mình trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nạn nhân bị sốc, bị sang chấn tâm lý, có sự tổn thương nặng về tâm lý khi sự thật được phơi bày, cảm giác vỡ mộng nhưng không có cách nào thoát khỏi khiến họ càng bi quan hơn. Một số nạn nhân khi biết sự thật, mặc dù không thể liên lạc với bên ngoài, không có lối thoát nên đành chấp nhận số phận, tuy nhiên âm ỉ bên trong họ là sự hi vọng có cơ hội để trốn thoát hoặc nhờ cậy những người cùng cảnh ngộ. Khi được giúp đỡ trốn thoát, được hồi hương, nạn nhân cảm thấy xấu hổ khi kể lại những gì đã xảy ra với bản thân, sợ sự kỳ thị, sỉ nhục từ bạn bè, người thân, xã hội, sợ bị tổn thương lần nữa khi phải nhắc lại. Có một số nạn nhân bị ám ảnh sâu sắc dẫn đến có những sang chấn về tinh thần như trầm cảm, u sầu, buồn chán và tự đổ lỗi cho bản thân. Đặc biệt đối với nạn nhân dưới 16 tuổi, nhận thức, kinh nghiệm sống còn hạn chế nên thường bị ảnh hưởng sâu sắc nhất và trở thành vết thương in hằn trong tâm lý, rất khó xóa nhòa. Về hành vi xử sự: Khi chưa phát hiện mình là nạn nhân của tội phạm mua bán người, họ thường có sự trung thành, duy trì mối quan hệ phụ thuộc vào kẻ mua bán người. Do vậy, họ thực hiện mọi yêu cầu của chúng, tin tưởng tuyệt đối người phạm tội vì nghĩ rằng chúng giúp mình 65Số chuyên đề 2 - 2020 Khoa học Kiểm sát TRẦN THỊ THANH có tiền trả nợ nần, được sang phương trời mới với những điều tốt đẹp hơn. Sau khi đã trở thành nạn nhân, họ xuất hiện nghi ngờ về những người mình gặp gỡ, môi trường xung quanh và quá trình tiếp xúc, giúp đỡ của cơ quan chức năng. Họ ngại tiếp xúc với các cơ quan chức năng vì thiếu tin tưởng hoặc lo lắng sẽ bị bắt giữ vì vi phạm luật trong quá trình bị bán: nhập cảnh trái phép, kết hôn giả, hoặc liên quan đến hoạt động mại dâm Từ những đặc điểm tâm lý đặc trưng của nạn nhân của tội phạm mua bán người, khi lấy lời khai của họ, Điều tra viên cần có sự cân nhắc để lựa chọn cách thức và phương pháp tác động tâm lý cho phù hợp và đạt hiệu quả cao. Trong trường hợp nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, khi tiến hành lấy lời khai, cơ quan điều tra nên phân công Điều tra viên là nữ để có thể thu thập được đầy đủ, chính xác các tài liệu từ lời khai, bởi Điều tra viên là nữ sẽ dễ gần gũi, chia sẻ, thông cảm, tin tưởng, động viên, tác động tâm lý, khích lệ để người bị hại chủ động khai báo thông tin về vụ án cũng như thông tin về đối tượng khai báo. Điều tra viên nên sử dụng phương pháp thuyết phục, tức là đưa ra những lời lẽ, lập luận hoặc bằng tình cảm để giúp nạn nhân xóa bỏ những rào cản về cảm giác xấu hổ, ngại ngùng, sợ hãi để yên tâm khai báo. Hơn nữa, quá trình thuyết phục cần làm cho nạn nhân tin tưởng, và cảm thấy mình được đồng cảm, được lắng nghe, đặc biệt được giữ bí mật về những thông tin đã khai báo. Muốn làm được điều này đòi hỏi khi lựa chọn Điều tra viên lấy lời khai, cần chọn Điều tra viên có kinh nghiệm sống, có kỹ năng làm việc với người bị hại hoặc người thân của họ như chia sẻ cảm thông với nỗi đau của nạn nhân, đặc biệt không làm tái tổn thương đối với nạn nhân; có kiến thức về tâm lý để tiến hành các biện pháp cấp bách nhằm ổn định tâm lý nạn nhân. Trường hợp nạn nhân mặc cảm, không tố giác, né tránh, không muốn cộng tác, Điều tra viên phải phối hợp chặt chẽ với các cán bộ, trung tâm hỗ trợ trẻ em, hội phụ nữ, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội về vấn đề này để động viên, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý để nạn nhân mạnh dạn cộng tác, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Điều tra viên. Ngoài ra, khi lấy lời khai nạn nhân Điều tra viên cũng có thể sử dụng phương pháp truyền đạt thông tin để tác động tới nạn nhân. Điều tra viên đưa ra những thông tin có ý nghĩa nhằm giúp nạn nhân định hình thái độ khai báo đúng đắn, hiệu quả trong quá trình lấy lời khai. Nhiều nạn nhân khi được giải cứu, trốn thoát về quê hương nhưng vì rất nhiều lý do không hợp tác, không tin tưởng vào cơ quan chức năng do vậy Điều tra viên cần cung cấp những thông tin cần thiết như số liệu thống kê nạn nhân của tội phạm mua bán người hàng năm, số nạn nhân chưa được giải cứu và đang bị đầy đọa, hoặc những thông tin có ý nghĩa khác liên quan đến vụ án được phép công bố giúp nạn nhân hiểu vai trò, trách nhiệm của bản thân trong quá trình giúp cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm mua bán người nhằm hạn chế nhất số người là nạn nhân của tội phạm này. Ngoài ra, trường hợp nạn nhân quên một số tình tiết về sự kiện đã diễn ra trước đó do thời gian xảy ra quá lâu hoặc do trí nhớ hạn chế, Điều tra viên có thể cung cấp một số thông tin cần thiết nhằm giúp họ nhớ lại và khai báo liền mạch hơn. Điều tra viên khi lấy lời khai nạn nhân có thể sử dụng phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy để tác động đến tâm lý của nạn nhân của tội phạm mua bán người. Bản chất của phương pháp này là Điều tra viên khai thác thông tin về vụ án, cũng như thông tin về đối tượng gây án dưới dạng câu hỏi. Các câu hỏi này trước khi được sử dụng trong lấy lời khai cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tiêu chí thân thiện với nạn nhân của tội phạm mua bán người, tránh việc làm tổn thương lần hai đối với họ. Do vậy, Điều tra viên cần có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn từ dễ hiểu, phù hợp với độ 66 Khoa học Kiểm sát Số chuyên đề 2 - 2020 TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐIỀU TRA VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG... tuổi, trình độ, giới tính, tạo được tâm lý tin tưởng giữa nạn nhân với Điều tra viên. Trong một số trường hợp cần thiết, Điều tra viên có thể sử dụng các câu hỏi gợi nhớ giúp nạn nhận nhớ lại, hồi tưởng lại những thông tin, tình tiết của vụ án, từ đó có thể khai báo chính xác thông tin của vụ án với Điều tra viên. Cuối cùng, khi lấy lời khai nạn nhân của tội phạm mua bán người, Điều tra viên có thể sử dụng phương pháp giao tiếp có điều khiển, hướng câu trả lời của nạn nhân trong quá trình lấy lời khai đi sâu vào khai báo những nội dung, tình tiết quan trọng có ý nghĩa đối với công tác điều tra vụ án như họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, đặc điểm nhận dạng của đối tượng, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, phương thức thực hiện, che giấu hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, Điều tra viên cần có sự kết hợp với các phương pháp tác động tâm lý khác như phương pháp truyền đạt thông tin, thuyết phục để đạt hiệu quả cao khi tiến hành lấy lời khai. Tóm lại, việc lấy lời khai nạn nhân của tội phạm mua bán người có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập thông tin về vụ án, đối tượng gây án, bởi đối với những vụ án mua bán người thường rất khó để thu thập những chứng cứ vật chất vì sự việc thường xảy ra đã lâu, hình thức thỏa thuận thường là trực tiếp, rất ít hoặc không có nhân chứng. Vì vậy, việc khai thác thông tin từ nạn nhân là điều bắt buộc phải làm để củng cố thêm chứng cứ trong vụ án. Tuy nhiên, việc lấy lời khai nạn nhân của tội phạm mua bán người cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chủ thể tiến hành lấy lời khai, về thời gian, không gian, địa điểm, cách thức sử dụng các phương pháp tác động tâm lý, kỹ năng mới giúp nạn nhân tin tưởng, yên tâm khai báo. 4. Kết luận Từ kết quả phân tích trên, có thể thấy việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý trong khi tiến hành các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai nạn nhân trong vụ án mua bán người rất quan trọng. Điều tra viên tùy vào những trường hợp cụ thể có thể sử dụng những phương pháp tác động tâm lý như: phương pháp truyền đạt thông tin, phương pháp thuyết phục, phương pháp đặt và thay đổi vấn đề tư duy, phương pháp giao tiếp có điều khiển và phương pháp ám thị gián tiếp để tác động đến tâm lý của các đối tượng nhằm giúp họ có sự thay đổi về nhận thức, từ đó điều chỉnh hành vi khai báo cho phù hợp. Việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý trong khi tiến hành điều tra vụ án mua bán người cần tuân thủ các nguyên tắc tác động tâm lý và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mới đem lại hiệu quả cao. Cùng với đó, để quá trình tác động tâm lý có hiệu quả, cần có sự kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp và cần kết hợp với một số thủ thuật được sử dụng trong quá trình điều tra./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Kiên Cường (2019), “Lấy lời khai người bị hại là phụ nữ và trẻ em trong vụ án hiếp dâm – Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên đối với các tội xâm hại sức khỏe, danh dự nhân phẩm phụ nữ và trẻ em, Hà Nội. 2. Đặng Thanh Nga (Chủ biên) (2008), Giáo trình tâm lý học tư pháp, NXB Công an nhân dân, Hà Nội. 3. Quốc hội (2015 sửa đổi bổ sung 2017), Bộ luật hình sự, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Quốc hội (2015), Bộ luật tố tụng hình sự, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. Đỗ Văn Thọ (1993), Tác động tâm lý trong hỏi cung bị can của Cảnh sát điều tra, Luận văn thạc sĩ. 6. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2017), Dự thảo tài liệu tập huấn về phòng chống mua bán người, Hà Nội. 7. Nguyễn Xuân Yêm (Chủ biên) (2013), Tâm lý học hình sự, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftac_dong_tam_ly_cua_dieu_tra_vien_trong_hoat_dong_dieu_tra_v.pdf
Tài liệu liên quan