Tài nguyên vị thế địa - Kinh tế và địa - chính trị đảo Bạch Long Vĩ

As a small island located near the approximately centre of The Gulf of Tonkin, the Bach Long Vi island possesses great values on geo-economic and geo-politic position resources. On the geoeconomic resources, the island is a priority site for the country’s sea-island economy development; a central location in the economic space of the Gulf f of Tonkin; belonging directly to Haiphong city-the biggest economic centre in the Northern coastal zone; an advantageous area to develop many marine services such as fishery logiistics, petroleum, tourism, seeking for/and rescue, health, environment, banking and telecom etc. On the geo-politic resources, the island possesses very great values on the determination, enlargement, and guard of national marine sovereignty and benefit; national defense and security concerning the country’s Northern Part; and sea-island culture with the deepfelt love of Vietnam country in the far island.

pdf9 trang | Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 530 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tài nguyên vị thế địa - Kinh tế và địa - chính trị đảo Bạch Long Vĩ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
207 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 13, Số 3; 2013: 207-215 ISSN: 1859-3097 TÀI NGUYÊN VỊ THẾ ĐỊA - KINH TẾ VÀ ĐỊA - CHÍNH TRỊ ĐẢO BẠCH LONG VĨ Trần Đức Thạnh1, Lê Đức An2 1Viện Tài nguyên và Môi trường Biển-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 246 Đà Nẵng, Ngô Quyền, Hải Phòng, Việt Nam E-mail: thanhtd@imer.ac.vn 2Viện Địa lý- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Ngày nhận bài: 5-11-2012 TÓM TẮT: Là một đảo nhỏ nằm gần giữa vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vĩ có những giá trị to lớn về tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị. Về tài nguyên địa - kinh tế, đảo là một vị trí ưu tiên đối với phát triển kinh tế biển - đảo của đất nước; vị trí trung tâm trong không gian kinh tế vịnh Bắc Bộ; trực thuộc Hải Phòng - trung tâm kinh tế lớn nhất ở Duyên hải phía Bắc; địa bàn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình dịch vụ biển như hậu cần nghề cá, dầu khí, du lịch, tìm kiếm cứu nạn và y tế, môi trường, ngân hàng và viễn thông... Về tài nguyên địa - chính trị, đảo có những giá trị rất lớn về khẳng định, mở rộng và đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển; an ninh quốc phòng liên quan tới phần phía Bắc của đất nước; văn hoá biển đảo với tình yêu tổ quốc sâu đậm nơi đảo xa. Từ khóa: Đảo Bạch Long Vĩ, vị thế địa kinh tế và địa chính trị, tài nguyên. MỞ ĐẦU Đảo Bạch Long Vĩ (BLV) nằm gần giữa vịnh Bắc Bộ (VBB), trong hệ toạ độ 20o07'35'' - 20o08'36''B và 107o42'20'' - 107o44'15''Đ, cách cảng Hải Phòng 135km về phía Đông Nam. Đảo có hình dáng đồi thoải dạng hình tam giác, góc nhọn nhất nằm ở phía Đông Bắc, độ cao tuyệt đối 61,5m, cao tương đối khoảng 90m, nhô lên từ mặt đồng bằng đáy biển sâu khoảng 30m. Tính theo đường 0m lục địa, đảo có chu vi 6,7km. Theo niên giám thống kê năm 2011 của Hải Phòng, huyện đảo BLV có diện tích 3,2km2 [3]. Diện tích đảo nổi trên mực triều cao nhất là 1,78km2, trên mực biển trung bình (ngang 0m lục địa) là 2,33km2; đến mực triều thấp nhất là 3,05km2. BLV là đảo đá trầm tích Đệ Tam duy nhất ở ven bờ Việt Nam, đặc biệt có trầm tích Paleogen lộ ra tại đảo [1, 8]. Nằm giữa VBB, đảo BLV làm tăng thêm giá trị cho vịnh, đồng thời được thừa hưởng và hội tụ tất cả các phần giá trị của vịnh. BLV có giá trị lớn về tài nguyên vị thế - đó là những lợi ích có được từ vị trí địa lý và các thuộc tính về cấu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan, sinh thái của một khu vực, có giá trị sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Tài nguyên vị thế được đánh giá theo ba hợp phần: vị thế tự nhiên, vị thế địa-kinh tế và vị thế địa- chính trị [6]. Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu về tài nguyên địa - kinh tế và tài nguyên địa - chính trị của đảo. GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN ĐỊA-KINH TẾ Vị trí ưu tiên đối với phát triển kinh tế biển - đảo của đất nước Do có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển nên đảo BLV được đặc biệt quan tâm và ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng dân sự hoá đảo và được thể Trần Đức Thạnh, Lê Đức An 208 hiện rõ qua các chủ trương và nghị quyết của Đảng. Từ năm 1997, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 20-CT/TW ngày 22/9/1997 về phát triển kinh tế biển, trong đó nhấn mạnh cần quy hoạch và xây dựng chương trình phát triển kinh tế hải đảo, trước hết tập trung vào một số đảo quan trọng về kinh tế và quốc phòng, an ninh như Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Sơn, Phú Quý, Lý Sơn, Cát Bà, Cô Tô, Vĩnh Thực và BLV. Trong Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị (khoá IX) về việc xây dựng và phát triển Tp. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đảo BLV được nhấn mạnh cần phải được xây dựng để sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Chính phủ đã ra Nghị định số 15/NĐ/CP ngày 09/02/1992 về việc thành lập huyện đảo BLV thuộc Tp. Hải Phòng. Cho đến nay, BLV trở thành một trong mười huyện đảo ven bờ của cả nước, có khoảng cách thuộc loại xa bờ nhất và diện tích tự nhiên chỉ lớn hơn huyện đảo Cồn Cỏ. Đó là một sự ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước gắn phát triển tổ chức hành chính với phát triển kinh tế BLV và vùng biển xung quanh đảo. Để thúc đẩy nhanh chóng phát triển tổ chức hành chính và kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 379/TTg ngày 27/7/1994 phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật tổng thể xây dựng BLV trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện, phát triển kinh tế - quốc phòng - xã hội toàn diện, một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường VBB. Sự ưu tiên đặc biệt đối với phát triển đảo còn được thể hiện qua quyết sách đưa lực lượng thanh niên xung phong ra xây dựng đảo theo Công văn số 3110/NC-CP ngày 13/8/1998 của Văn phòng Chính phủ về xây dựng huyện đảo BLV thành huyện đảo thanh niên. Đồng thời, Chính phủ đã có các chủ trương cụ thể, quyết định về phát triển một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu tại đây như: xây dựng “Trung tâm dịch vụ nghề cá ngư trường VBB theo Quyết định 339/TTg; “Trung tâm nuôi thuỷ sản quý hiếm” theo Thông báo số 40-TB/VPCP của Văn phòng Chính Phủ và “Khu du lịch” theo Công văn số 2112/VPCP-KTTH ngày 17/5/1999 của Văn phòng Chính phủ. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến 2020, gồm 16 khu, trong đó có BLV. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, BLV đã khẳng định được lợi thế và định hướng phát triển kinh tế của mình trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội Tp. Hải Phòng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025 với việc UBND Tp. Hải Phòng đã ra Quyết định số 1056/QĐ-UBND ngày 01/6/2009 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 huyện đảo BLV. Vị trí trung tâm của không gian kinh tế vịnh Bắc Bộ VBB là một vùng biển phát triển kinh tế năng động với các lĩnh vực hàng hải, nghề cá, khai khoáng, du lịch và các dịch vụ khác. Vượt qua VBB là những tuyến đường hàng hải quan trọng của Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là từ cảng Hải Phòng (Việt Nam) và Bắc Hải (Trung Quốc). Lòng đất dưới đáy và khối nước của vịnh chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là về dầu khí và hải sản [4, 7]. Nằm ở trung tâm vịnh, khu vực biển - đảo BLV được hưởng thụ từng phần của tất cả các lợi thế này và vấn đề chỉ ở chỗ làm thế nào để phát triển các lợi ích ấy. Hình 1.Vị trí đảo Bạch Long Vĩ trong không gian phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ (Nguồn: Nguyễn Thành Biên và nnk, 2008. Báo cáo quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050) BLV là một đơn vị hành chính cấp huyện của Tp. Hải Phòng, nhưng có quan hệ không gian kinh tế gần cách đều với tất cả các tỉnh thành thuộc dải ven bờ Tây VBB từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, gồm 8 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số 6 thành phố (1 loại I; 5 loại II), 7 quận, 4 thị xã và 34 huyện, với 7 triệu dân, mật độ 397 người/km2, Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị 209 chiếm 40,3% dân số các tỉnh ven biển, có tổng GDP năm 2007 chiếm khoảng 18% toàn quốc (461.443 tỷ đồng). Nhóm GDP cao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá và Nghệ An, cao hơn bình quân cả nước 1,3 - 1,6 lần. Tốc độ tăng trưởng các tỉnh hàng năm 8,3 - 15,3% giai đoạn 2001-2007, cao hơn trung bình cả nước (7,7%) [2, 5]. Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Bắc Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó mức tăng trưởng kinh tế các tỉnh, thành đến năm 2020 đều trên 12% với cơ cấu chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp và dịch vụ. Trong không gian phát triển vùng, BLV có vai trò như là vị trí cửa ngõ, phụ trợ cho các dòng vào và dòng ra trong quá trình phát triển kinh tế hội nhập và hướng ngoại (hình 1). Đây là nơi có những cơ hội phát triển lớn gắn với vành đai kinh tế VBB, nối tuyến với hai hành lang kinh tế Hải Phòng - Côn Minh và Hải Phòng - Nam Ninh thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Hợp tác một vành đai và hai hành lang được thực hiện từ năm 2005 ở 4 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam và 5 tỉnh, thành của Việt Nam là Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh với tổng diện tích 869.000km2, dân số 184 triệu người. Các lĩnh vực hợp tác gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến và điện lực ... trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Kông [5, 9]. Trực thuộc Thành phố Hải Phòng - Trung tâm kinh tế lớn nhất ở Duyên hải phía Bắc BLV là một trong số 15 quận, huyện trực thuộc Tp. Hải Phòng, xa trung tâm thành phố nhất, nhưng là một điểm tựa để mở rộng phát triển kinh tế Hải Phòng, đồng thời được thừa hưởng những nền tảng cơ bản và sức lan tỏa của một thành phố lớn loại I, trực thuộc trung ương để phát triển kinh tế của chính mình. Đây chính là một lợi thế phát triển kinh tế của vùng biển đảo BLV. Hải Phòng nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng núi ven biển Đông Bắc, có dân số 1.878 triệu người (năm 2011), diện tích đất tự nhiên 1.507km2, chiếm 0,47% của cả nước, có một vị trí thuận lợi đối với phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt quan trọng đối với an ninh, quốc phòng. Hải Phòng chỉ cách thủ đô Hà Nội 100km, có điều kiện giao thông thuận tiện, kể cả đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và hàng không, vì thế trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của cả nước và của vùng duyên hải Bắc Bộ; là thành phố cảng, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước.Với vị trí địa lý đặc biệt, điều kiện tự nhiên thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, giàu có, Hải Phòng có tiềm năng lớn phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Hải Phòng nằm trong trọng điểm kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh của vùng kinh tế Bắc Bộ. Đây là điểm nút của tuyến vành đai kinh tế VBB nối với hai tuyến hành lang kinh tế. Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt nhiệm vụ đến năm 2020 phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thủy sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Theo định hướng phát triển kinh tế đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng dịch vụ của Hải Phòng là 55 - 56%; công nghiệp 37 - 38%; nông nghiệp 6 - 7% vào năm 2015 và tương ứng 62 - 64%; 33 - 34% và 3 - 4% vào năm 2020 (nguồn: Thành ủy Hải Phòng, 2007). Việc phát triển hệ thống cảng (đặc biệt cảng nước sâu Lạch Huyện), dịch vụ cảng, vận tải biển đảm bảo đến năm 2015 lượng hàng thông qua các cảng 55 - 60 triệu tấn/năm; đến năm 2020 đạt 80 - 100 triệu tấn/năm. Hải Phòng đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ và phương tiện nổi; kinh tế thuỷ sản và du lịch. Cùng với định hướng phát triển đó của Hải Phòng, huyện đảo BLV phát triển theo mô hình kinh tế đảo tiền tiêu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp - nông nghiệp, trong đó tỷ trọng dịch vụ đến năm 2015 là 80%, năm 2020 trên 80%. Địa bàn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình kinh tế dịch vụ biển. Với vị trí thuận lợi nằm giữa VBB có nhiều hoạt động kinh tế sôi động và với điều kiện diện tích tự nhiên cho phép, BLV có tiềm năng trở thành một trung tâm dịch vụ quan trọng về nhiều lĩnh vực ở Trần Đức Thạnh, Lê Đức An 210 quy mô khác nhau: hậu cần nghề cá, dầu khí, du lịch, tìm kiếm cứu nạn và y tế, dịch vụ môi trường, ngân hàng và viễn thông, ... Dịch vụ hậu cần nghề cá. BLV là một trong các ngư trường tốt nhất của VBB, vào mùa cá tập trung 800 - 900 tầu thuyền đánh bắt, đến từ nhiều địa phương [7]. Thực tế đã đặt ra cho vùng biển đảo nhiều yêu cầu dịch vụ, từ nơi trú đậu tránh gió bão, cung cấp xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, ngư cụ, đến sửa chữa nhỏ, thu mua hải sản, bảo quản, chế biến; dịch vụ tài chính và y tế. Chính vì vậy, Nghị quyết số 32-NQ/TW đã đặt nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng đảo BLV sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ”. Trung tâm này còn phục vụ hữu hiệu cho thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá, đáp ứng được tình hình hợp tác sử dụng, khái thác bền vững tài nguyên sinh vật trong VBB và trong tương lai là một ưu thế kinh tế dịch vụ tại đây. BLV còn có thể trở thành một cửa khẩu với xuất nhập khẩu tiểu ngạch, chủ yếu về hải sản, có ý nghĩa kinh tế lớn vì thu hút được hàng hóa hải sản trôi nổi trên biển, mà Nhà nước không kiểm soát được. Mặc dù cơ sở hạ tầng bến bãi và khu dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng và đưa vào sử dụng chưa phải là đồng bộ và hiện đại, nhưng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá BLV đi vào hoạt động từ cuối tháng 3 năm 2003 đã phát huy được tác dụng. Từ khi cảng, khu neo đậu tầu và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đi vào hoạt động, tầu thuyền đánh cá đến ngư trường BLV tăng lên rất nhanh. Ngoài ra, còn nhiều tầu thu mua, dịch vụ thuỷ sản đến đây kinh doanh buôn bán nhộn nhịp. Dịch vụ dầu khí. Trong những năm tới, dịch vụ dầu khí có thể hoạt động và mang lại lợi ích đáng kể khi tiềm năng dầu khí trở thành hiện thực. Nhận thức được khả năng này, một khu đất rộng 8,53ha kế cận phía Đông cảng hiện nay cần được quy hoạch dự trữ cho dịch vụ dầu khí bao gồm hệ thống các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, nhà hội thảo, phòng nghiệp vụ địa chất dầu khí, kỹ thuật khai thác và kinh tế mỏ, khu hậu cần kỹ thuật, thiết bị thăm dò và khai thác dầu khí, ... Khu này trở thành cơ sở hậu cần của trường dầu, bãi giếng, giảm tải và chí phí xây dựng giàn khoan trên biển. Dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng. Du lịch BLV sẽ trở thành một điểm hấp dẫn trong hệ thống du lịch biển Việt Nam nối liền với Cô Tô, Móng Cái, Hạ Long - Bái Tử Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò và các điểm du lịch phía Nam. Do vị trí thuận lợi, BLV sẽ là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế từ tầu du lịch vượt đại dương nếu được tổ chức tốt. Đối tượng du lịch ở đây là cảnh quan bờ đảo có bãi đá, bãi cát và vành đai xanh, các công trình kiến trúc như nhà đèn biển, trạm khí tượng, trạm nghiệm triều, cảng, công viên cây xanh, không khí trong lành, các công trình văn hóa như nhà bảo tàng, đài tưởng niệm, đền chùa, khu nuôi Bào ngư, khu bảo tồn biển có cảnh quan ngầm độc đáo. Các hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng giữa biển khơi bao gồm du lịch lữ hành quốc tế; du lịch khoa học địa chất và sinh thái, du ngoạn không gian du lịch ba chiều: mặt biển đảo, trên không và dưới đáy biển; nghỉ dưỡng ngắn ngày (cuối tuần, sinh nhật, ...) và dài ngày (kỳ nghỉ hè, kỳ nghỉ đông, kỳ trăng mật,...). Phát triển các loại hình vui chơi và giải trí như tắm biển, lặn biển; lướt ván, bơi thuyền; câu cá và lặn bắt Bào ngư. Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn và y tế trên biển. BLV có điều kiện thuận lợi cho hình thành và phát triển một trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển thực hiện các dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, thông tin cảnh báo thiên tai về gió bão và lốc tố trên biển. Đặc biệt, nhu cầu dịch vụ y tế trên biển rất cao, mang tính nhân đạo và hỗ trợ người dân hoạt động kinh tế và thực hiện các quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên VBB. Ví dụ, vào ngày 11/8/2012, tại khu vực biển BLV, tàu cá mang số hiệu QNa 46386TS trong lúc đang đánh mực thì có 2 thuyền viên bị thương nặng do tai nạn. Quân y Đồn Biên phòng BLV đã sử dụng hệ thống thông tin liên lạc hướng dẫn thuyền trưởng sơ cứu người bị nạn, đồng thời cho tàu chạy vào đảo để cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện đảo. Ngày 12/8, hai người bị nạn được các bác sĩ kịp đưa vào Hải Phòng để điều trị tiếp và đã qua khỏi tai nạn ( 3.cand). Dịch vụ môi trường. Việc phát triển dầu khí có thể còn kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển do dầu. Khi đó BLV sẽ là một tâm điểm phát hiện và xử lý kịp thời rất tốt các vụ tràn dầu, hạn chế thiệt hại cho môi sinh, con người và các hoạt động trên biển khác. Hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên biển với quy mô ngày càng lớn sẽ phát thải một lượng chất thải trên VBB ngày càng lớn và yêu cầu bảo vệ môi trường vịnh ngày càng cao tất yếu dẫn đến quy định bắt buộc một số chất thải không được xả thải tự do ra môi trường. Hoạt động thu gom rác thải trên biển để xử lý là một nhu cầu tất yếu trong tương lại và BLV trở thành một điểm dịch vụ xử lý rác thải, nhất là rác thải rắn. Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị 211 GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN ĐỊA - CHÍNH TRỊ Giá trị về chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển Giá trị khẳng định chủ quyền biển đảo Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển Việt Nam ngày 12/5/1977, quy định các đảo của Việt Nam đều có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với nội dung của Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển là các đảo có đời sống kinh tế riêng hoặc thích hợp cho con người đến ở đều có quyền có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Thông qua nội dung Luật biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 và nội dung của Hiệp định phân định VBB giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000, có thể thấy BLV có giá trị to lớn và vững chắc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại vùng trung tâm VBB. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tiến hành quản lý hành chính đảo từ khi đảo còn vô chủ. Quá trình thiết lập và củng cố chủ quyền của Việt Nam trên đảo diễn ra lâu dài, liên tục, hoà bình và không gặp bất kỳ một sự phản đối nào [4, 6]. Cho đến cuối thế kỷ XVIII trên đảo BLV không có người sinh sống thường xuyên và chỉ là nơi tránh gió bão của ngư dân Việt. Ngày 26/6/1887, Chính phủ Pháp và Nhà Thanh (Trung Quốc) ký Công ước hoạch định biên giới khu vực Bắc kỳ. Điều 3 của Công ước quy định các đảo nằm về phía Tây của đường kinh tuyến 105°43' Đông Pari (kinh tuyến 108003'13" Đông Greenwich) thuộc về Việt Nam. BLV nằm ở phía Tây của kinh tuyến này đã đương nhiên được thừa nhận thuộc chủ quyền Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, sau khi phát hiện nguồn nước ngọt trên đảo, ngư dân tỉnh Quảng Yên đã ra lập nghiệp trên đảo. Năm 1920, chính quyền tỉnh này đã khuyến khích dân cư ra đảo sinh sống, lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt trên đảo và khai thác hải sản. Năm 1937, Chính phủ Bảo Đại phái một tiểu đội gồm 12 người dựng đồn, lập chế độ lý trưởng ở đảo, đổi tên đảo thành BLV. Về mặt hành chính, đảo trực thuộc quyền quản lý của trưởng hạt Cô Tô. Sau đó, có nhiều người ra sinh sống ở đảo, sản phẩm thu được tại đảo được bán ở Việt Nam, không được đem bán sang Trung Quốc. Thời đó, BLV có ba cụm dân cư lập thành một làng lớn có lý trưởng đứng đầu, có khoảng 70 - 80 nóc nhà, số người khoảng 200, với 30 phụ nữ và 60 trẻ em. Trên đảo có 20ha đất trồng trọt, gồm khoai lang, lạc, rau và cả ruộng lúa nước; vật nuôi có bò, lợn và gia cầm. Trong một bài báo hồi đó, một tác giả người Pháp (P.A. Lapicque) giới thiệu về đảo BLV (tỉnh thành xưa ở Việt Nam, tr. 36-42, Nxb. Hải Phòng, 2003) và cho biết BLV là một điểm trong vòng khép kín các đảo phải đi tuần tra định kỳ do chính quyền Đông Dương quy định: xuất phát từ vịnh Hạ Long đến Cô Tô - BLV - Hoàng Sa - các đảo ven bờ Trung Kỳ và kết thúc ở trạm thuế quan Cát Bà. Ngày 16/01/1957, Nhà nước Việt Nam đã tiếp quản quyền quản lý đảo với 238 người dân. Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 049-TTg ngày 15/02/1957 về vấn đề tiếp nhận đảo BLV do nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bàn giao, quy định về mặt hành chính đảo BLV là một xã trực thuộc UBND Tp. Hải Phòng. Cuối năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân của Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt và toàn bộ dân cư của đảo đã được sơ tán vào đất liền, nên từ năm 1965 đến năm 1992, trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang. Chính phủ ra Nghị định số 15/NĐ/CP ngày 9/12/1992 quy định thành lập huyện BLV thuộc Tp. Hải phòng. Ngày 26/2/1993, 62 thanh niên xung phong và một số hộ ngư dân đầu tiên đã ra sinh sống và làm việc trên đảo. Huyện đảo BLV có dân số 910 người vào năm 2011 [3], nhưng chưa ổn định, thường xuyên ở mức trên 1.000 người. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn dân vãng lai từ các tàu cá neo đậu quanh đảo và công nhân của các đơn vị xây dựng. Nếu tính tổng cộng cả dân cư thường xuyên và vãng lai thì khu vực huyện đảo thường có 3.500 đến 4.000 người, với mật độ dân trên đảo xấp xỉ 2.000 người/km2. Giá trị mở rộng chủ quyền quốc gia trên biển. Theo đường phân định ranh giới VBB giữa Việt Nam và Trung Quốc của Hiệp định ký kết này 25 tháng 12 năm 2000 tại Bắc Kinh thì diện tích vịnh phía Việt Nam khoảng 53,23% và phía Trung Quốc khoảng 46,77%. Hiệp định quy định đường phân định từ điểm số 9 đến điểm số 21 là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước và đường biên giới này đi cách đảo BLV điểm gần nhất về phía Đông là 15 hải lý. Trong Hiệp định, đảo BLV đã được hưởng khoảng 25% hiệu lực, mang lại cho Việt Nam khoảng 300km2 giữa vịnh với những tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong khối nước và lòng đất dưới đáy [4, 6]. Thỏa thuận phân định này có được là nhờ vị thế đặc biệt và vai trò mở rộng chủ quyền vô cùng to lớn của đảo. Trần Đức Thạnh, Lê Đức An 212 Là một đảo có đời sống kinh tế sôi động nằm giữa VBB, BLV còn có đóng góp to lớn trong quá trình thực thi Hiệp định và các thỏa thuận khác, là cầu nối hợp tác hòa bình và hữu nghị giữa hai nước. Việc giành được một vùng biển rộng đầy tiềm năng xung quanh đảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế đất nước. Hiệp định phân định VBB đã tạo ra một vành đai an toàn, ổn định tình hình, tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần củng cố thế trận quốc phòng - an ninh trên biển. Trước kia, BLV thường bị tàu nước ngoài vào đánh cá phi pháp và nhiều lần xâm nhập sâu, bao vây đảo. Với Hiệp định được ký, vành đai phòng thủ đã được đẩy ra cách đảo 15 hải lý, giảm bớt căng thẳng về bảo vệ chủ quyền vùng đảo. Lợi ích kiểm soát đường biên giới, vùng đánh cá chung và vùng quá độ trên VBB Hình 2. Đường phân định ranh giới, vùng đánh cá chung và vùng quá độ Việt - Trung trong vịnh Bắc Bộ (Nguồn: Hiệp định Việt - Trung về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong VBB và Hiệp định hợp tác nghề cá ngày 25/12/2000) Theo Hiệp định hợp tác nghề cá và Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá VBB, vùng đánh cá chung giữa hai nước có tổng diện tích là 33.500km2, chiếm khoảng 27,9% diện tích vịnh. Thời hạn vùng đánh cá chung có hiệu lực là 12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn. Hiệp định còn xác định vùng quá độ có diện tích 9.080km2. Tổng công suất máy tàu của Trung Quốc được phép vào vùng quá độ đánh bắt là 78.200 CV sẽ giảm dần 25% mỗi năm (tương đương 230 chiếc) và chấm dứt hoạt động sau 4 năm. Tàu cá Việt Nam sang hoạt động tại hai vùng nước Hiệp định phía Đông đường phân định tương đương về số lượng và tổng công suất tàu cá Trung Quốc sang hoạt động ở hai vùng nước Hiệp định phía Tây đường phân định. Hiệp định hợp tác nghề cá Việt - Trung tạo điều kiện cho quản lý tốt hơn tài nguyên sinh vật trong VBB, phù hợp với quy định về hợp tác giữa các nước ven biển nửa kín theo Công ước năm 1982 về Luật biển. Hợp tác hai bên trong vùng đánh cá chung và đánh cá tạm thời giúp tránh được việc đánh bắt cạn kiệt tài nguyên bằng các phương thức huỷ diệt. Tuy nhiên, vùng biên giới cả trên đất liền và trên biển, nhất là nơi giàu có tài nguyên thiên nhiên, luôn là vùng nhạy cảm. Do nằm gần sát đường phân định biên giới trên biển và nằm sát phía Bắc vùng đánh cá chung (hình 2), đảo BLV có giá trị kiểm soát đường biên giới, vùng đánh cá chung và vùng quá độ trên VBB, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm và các tình huống đặc biệt hoặc khẩn cấp cần xử lý. Giá trị về đảm bảo an ninh quốc phòng Đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, VBB có tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng và an ninh, nhưng với Việt Nam càng đặc biệt quan trọng vì liên quan tới cả một nửa phía Bắc của đất nước, từ vĩ tuyến Cồn Cỏ trở ra, trong đó có thủ đô Hà Nội. Một cứ điểm quân sự vững chắc giữa VBB Đảo BLV là một chiến hạm lớn không thể bị đánh chìm, một cứ điểm quân sự vững chắc giữa VBB. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước sự tấn công điên cuồng của tầu chiến và máy bay hiện đại nhất, với hàng ngàn tấn bom đạn, BLV vẫn kiên cường đánh trả, bắn rơi 24 máy bay, bắn cháy và bắn chìm nhiều tầu chiến địch, góp phần đánh tan ý đồ chiến lược của Mỹ và đã vinh dự được công nhận là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Với một diện tích đủ lớn, địa hình đồi cao 50 - 60m, các mũi đá ra sát bờ biển, có điều kiện mở đường giao thông thuận Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị 213 tiện, làm sân bay trực thăng hoặc sân bay phản lực, lập các căn cứ phòng thủ, địa đạo và bến cảng, BLV đủ điều kiện để trở thành một thành trì vững chắc bảo vệ toàn vẹn vùng biển chủ quyền của đất nước. Giữ được đảo là giữ được toàn bộ vùng biển chủ quyền trên VBB, cũng đồng thời là khống chế được cả khu vực trung tâm VBB. Mắt xích quan trọng nhất trong phòng tuyến các đảo ven bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việc liên kết giữa các đảo, cụm và tuyến đảo với nhau sẽ tạo thành một trận tuyến phòng thủ vững chắc trên mặt biển để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của nước ngoài. Tuyến phòng thủ tiền tiêu đó bao gồm các đảo Vĩnh Thực - Trần- Thanh Lân - Hạ Mai - BLV - Hòn Mê - Hòn Mắt, ... trong đó BLV là có vai trò số một, do vị trí tiền tiêu - biên giới giữa VBB của đảo. Ở vị trí này, đảo có thể có được thông tin nhanh nhất, đa dạng, nhiều chiều của đối phương, nhưng đồng thời lại là nơi đối phương có thể tiếp cận sớm nhất, quan tâm đến nhiều nhất trong các ý đồ chiến thuật của họ. Trạm gác, tháp canh tiền tiêu và bao quát rộng lớn trên VBB Nằm giữa VBB, BLV án ngữ đường vào cảng cửa ngõ Hải Phòng và kiểm soát tất cả các con đường hàng hải trong vịnh. Từ đảo, bằng các phương tiện quan sát hiện đại, có thể kiểm tra, kiểm soát mọi ngả đường thủy từ phía Nam, phía Bắc và phía Đông vịnh đi vào Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Hơn thế nữa, mọi hoạt động quân sự trong vịnh cũng đều có thể được phát hiện nhanh chóng kịp thời, kể cả các hoạt động không quân. Có thể nói BLV là một trong các cứ điểm quan trọng nhất, là tai - mắt của Bộ chỉ huy bảo vệ vùng biển chủ quyền trong VBB và cả vùng đất liền Bắc Bộ. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, các cuộc không kích, pháo kích của đối phương vào Hải Phòng và các tỉnh ven VBB đều đi qua BLV và được phát hiện kịp thời. Trong giai đoạn hòa bình, đảo vẫn là một tiền đồn quan trọng đứng gác trong VBB, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, canh phòng và bảo vệ đảo cùng vùng biển xung quanh.Với vị trí tiền tiêu đặc biệt quan trọng đã được khẳng định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đảo đã trở thành căn cứ tiền đồn vững chắc để tham gia vào mạng lưới bảo vệ, kiểm soát vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, kiểm tra các hoạt động tàu thuyền ra vào, đi lại trên vùng biển của ta. Đảo là địa bàn thuận lợi để bố phòng và triển khai lực lượng quân sự khi cần thiết. Cơ sở hậu cần và vị trí trung chuyển cho các hoạt động tác chiến xa bờ BLV là cơ sở hậu cần và vị trí trung chuyển cho các hoạt động tác chiến xa bờ. Với vị trí giữa vịnh của mình, đảo có điều kiện vô cùng thuận lợi làm nhiệm vụ hậu cần cho các tầu thuyền làm nhiệm vụ an ninh trên biển trong hòa bình và thực thi các nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh hoặc chống khủng bố. BLV cũng có thể trở thành nơi dự trữ chiến lược, làm nhiệm vụ trung chuyển cho các hoạt động của tầu thuyền xa bờ và dài ngày. Ngoài ra, đảo còn là các cơ sở hậu cần trên biển cả về nhân lực và vật lực, làm cầu nối giữa đất liền với biển khơi, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho các hoạt động quân sự trên biển. Đây là một trong những tiền đồn kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên biển, phòng thủ từ xa, làm tốt việc phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với an ninh quốc phòng. Trong bối cảnh quốc tế và tiềm lực quân sự hiện nay, nếu chỉ dựa vào yếu tố quân sự thì không đủ để giữ đảo. Phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh sẽ tạo điều kiện bảo vệ đảo tốt hơn. Nhưng nếu chỉ lo phát triển kinh tế - xã hội, lơ là cảnh giác thì sẽ dễ để mất an ninh, chủ quyền trên đảo. Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh không chỉ là nhiệm vụ của huyện đảo và Tp. Hải Phòng, mà cần phải có sự chỉ đạo sát sao của Trung ương. Giá trị về văn hoá biển đảo Đảo BLV là một điểm sáng của văn hoá Việt Nam trên biển, mang đậm nét huyền thoại. Người Việt nhận mình là con Rồng, cháu Tiên và Rồng là một hình tượng thiêng liêng nhưng quen thuộc trong đời sống văn hóa - tâm linh của người Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Nhiều vùng đất nổi tiếng của đất nước gắn với tên Rồng (Long): thủ đô thì có Thăng Long (Rồng Thăng); đồng bằng thì có Cửu Long (Chín Rồng); sông thì có Hoàng Long (Rồng Vàng, ở Ninh Bình); vịnh thì có Hạ Long (Rồng Hạ) và Bái Tử Long (Rồng Phục), đảo thì có BLV (Đuôi Rồng Trắng), quần đảo có Long Châu (Ngọc Rồng) ở vùng biển Hải Phòng và bãi biển có Long Hải (Rồng Biển) ở Tp.Vũng Tàu. Hạ Long, Bái Tử Long và BLV có chung một truyền thuyết đẹp. Thủa xưa, khi người Việt gặp nạn giặc ngoại xâm, Ngọc Trần Đức Thạnh, Lê Đức An 214 Hoàng đã sai Rồng mẹ đưa theo một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp dân đánh giặc. Nơi Rồng mẹ xuống là vịnh Hạ Long, nơi Rồng con xuống là vịnh Bái Tử Long, còn nơi đuôi Rồng quẫy nước trắng xóa là đảo BLV. Đảo BLV còn có những tên đẹp khác như Phù Thuỷ Châu (Hòn Ngọc nổi trên mặt nước) và Hoạ Mi (hình dáng đảo được liên tưởng với chim hoạ mi). Phạm Quang Trung và đồng nghiệp (1999), đã dùng hai tên Hoạ Mi và Phù Thủy Châu để đặt tên cho hai phân vị địa tầng địa chất mới được thành lập là Hệ tầng Hoạ Mi (N12 - N2 hm) và Hệ tầng Phù Thuỷ Châu (E3 ptc) [8]. Chùa Bạch Long Tự đã được xây dựng và hoàn thành vào ngày 22/3/2009, được thiết kế với diện tích 300m2 trong khuôn viên 1.000m2 toạ lạc ở khu vực trung tâm đảo. Đi chùa thờ Phật là một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh và văn hoá người Việt, dù ở hòn đảo nhỏ giữa biển khơi. Đồng thời, chùa Bạch Long Tự để lại dấu ấn cùng thời gian, mãi mãi góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng biển đảo BLV. “BLV đảo quê hương” như tên bài hát của nhạc sỹ Huy Du là hình ảnh tuyệt đẹp của tình yêu quê hương nơi biển đảo. Đó là tình yêu thiết tha với thiên nhiên và con người nơi đảo xa của Tổ quốc, ở đó có thôn xanh Phủ Thuỷ Châu với trúc anh đào xanh thắm, quê hương của Bào ngư với sóng bạc đầu và gió biển rì rào năm tháng. Hòn đảo đầy nắng gió giữa biển xanh ấy ngày càng được khu vực và thế giới biết đến như một huyện đảo trù phú, an lành, hòa bình và hữu nghị của Việt Nam. KẾT LUẬN Về tài nguyên địa - kinh tế, BLV là một đảo tiền tiêu, nên đặc biệt được ưu tiên đối với phát triển kinh tế. Đảo nằm ở vị trí trung tâm của không gian kinh tế VBB, nên được hưởng thụ từng phần của tất cả các lợi thế của vịnh. Đảo trực thuộc Hải Phòng, trung tâm kinh tế lớn nhất ở duyên hải phía Bắc, nên vừa là một điểm tựa để mở rộng phát triển kinh tế Hải Phòng, đồng thời được thừa hưởng những yếu tố nền tảng của một thành phố lớn loại I, trực thuộc trung ương. Đảo là địa bàn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình dịch vụ biển như hậu cần nghề cá, dầu khí, du lịch, tìm kiếm cứu nạn và y tế, dịch vụ môi trường, ngân hàng và viễn thông, ... Về tài nguyên địa - chính trị, BLV có giá trị khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở khu vực trung tâm VBB, có lợi ích to lớn mở rộng chủ quyền quốc gia trên biển và kiểm soát đường biên giới, vùng đánh cá chung và vùng quá độ trên VBB. Đây là một cứ điểm quân sự vững chắc giữa VBB; một mắt xích quan trọng nhất trong phòng tuyến các đảo ven bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; là trạm gác, tháp canh tiền tiêu và bao quát rộng lớn trên vịnh và là cơ sở hậu cần và vị trí trung chuyển cho các hoạt động tác chiến xa bờ. Đảo BLV còn là một điểm sáng của văn hoá Việt Nam trên biển, mang đậm nét huyền thoại, một địa danh đẹp, thiên nhiên đẹp và sâu đậm tình yêu biển đảo nơi xa. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Đức An, Uông Đình Khanh, 2012. Địa mạo Việt Nam: cấu trúc - tài nguyên - môi trường. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội. 659tr. 2. Cục Thống kê tỉnh các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), 2008. Niên giám Thống kê các tỉnh năm 2007. Nxb. Thống kê. Hà Nội. 3. Cục Thống kê Tp. Hải Phòng, 2012. Niên giám thống kê Tp. Hải Phòng 2011. Nxb. Thống kê. Hà Nội. 287tr. 4. Lưu Văn Lợi, 2007. Những điều cần biết về Đất, Biển, Trời Việt Nam, 303tr. Nxb. Thanh Niên. Hà Nội. 5. Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử, Đỗ Công Thung, Trần Đình Lân, Đinh Văn Huy, Phạm Hoàng Hải, 2011. Định hướng quản lý tổng hợp vùng bờ biển Bắc Bộ. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội. 250tr. 6. Đức Thạnh, Lê Đức An, Nguyễn Hữu Cử, Trần Đình Lân, Nguyễn Văn Quân và Tạ Hoà Phương, 2012. Biển đảo Việt Nam - Tài nguyên vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội. 324tr. 7. Thược, 2010. Nghề cá VBB qua những chặng đường điều tra nghiên cứu. Nxb. Nông nghiệp. Hà Nội. 200tr. 8. Phạm Quang Trung, Nguyễn Quốc An, Đỗ Bạt, Đặng Vũ Khởi, 1997. Tài liệu mới về tuổi trầm tích Đệ Tam ở đảo Bạch Long Vĩ. Tài nguyên và Môi trường biển. T.IV. Nxb. KH&KT. Hà Nội. Tr. 81-87. 9. Viện Nghiên cứu Trung Quốc, 2007. Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây). Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc. Số 5. Tr. 82-85. Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị 215 GEO-ECONOMIC AND GEO-POLITIC POSITION RESOURCES OF THE BACH LONG VY ISLAND Tran Duc Thanh1, Le Duc An2 1Institute of Marine Environment and Resources-VAST 2Institute of Geography-VAST ABSTRACT: As a small island located near the approximately centre of The Gulf of Tonkin, the Bach Long Vi island possesses great values on geo-economic and geo-politic position resources. On the geo- economic resources, the island is a priority site for the country’s sea-island economy development; a central location in the economic space of the Gulf f of Tonkin; belonging directly to Haiphong city-the biggest economic centre in the Northern coastal zone; an advantageous area to develop many marine services such as fishery logiistics, petroleum, tourism, seeking for/and rescue, health, environment, banking and telecom etc. On the geo-politic resources, the island possesses very great values on the determination, enlargement, and guard of national marine sovereignty and benefit; national defense and security concerning the country’s Northern Part; and sea-island culture with the deepfelt love of Vietnam country in the far island. Keywords: Bach Long Vi island, geo-economic and geo-politic position, resources.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3525_11917_1_pb_1915_2079587.pdf
Tài liệu liên quan