Thực trạng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc cơ tu tại xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Để đánh giá tính hiệu quả của một dự án DLDVCĐ, các chỉ số kinh tế như thu nhập đầu người, lượt khách, doanh thu du lịch theo năm, thường đóng vai trò quyết định. Ngược lại, khi đánh giá tính bền vững của dự án DLDVCĐ, vấn đề không chỉ tập trung vào các chỉ số thống kê trong thời gian dự án được triển khai mà còn phải thực hiện đánh giá, dự đoán hướng phát triển và dựa vào chỉ số thống kê dài hạn sau khi dự án kết thúc. Trong thực tiễn, để phát triển một điểm DLDVCĐ theo các nguyên tắc bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan bao gồm chính quyền địa phương - cộng đồng - tổ chức tài trợ - hệ thống doanh nghiệp du lịch chứ không chỉ dựa vào một hoặc hai chủ thể. Trường hợp ở Ta-Bhing, chúng tôi cho rằng việc chỉ dựa vào FIDR hoặc nỗ lực của chính quyền để phát triển DLDVCĐ là chưa đủ. Thêm vào đó, Ta-Bhing là một trong những trường hợp nghiên cứu phức tạp, có sự đan xen, chồng lấn các dự án phát triển cộng đồng, y tế, nông nghiệp, phục hồi nghề truyền thống với dự án DLDVCĐ. Hơn nữa, mục tiêu của nhà tài trợ FIDR là khá tham vọng khi tập trung vào việc phát triển toàn diện (chứ không chỉ là du lịch) một cộng đồng thuộc nhóm dân tộc ít người. Do đó, để phát triển DLDVCĐ một cách toàn diện, phải có các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, về tổ chức, quy hoạch, quản lý và cả về truyền thông, giáo dục, có như vậy, DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu mới có hiệu quả dài lâu trong tương lai, đảm bảo tính phát triển bền vững đúng như định hướng ban đầu của các bên liên quan khi quyết định làm DLDVCĐ nơi đây.

pdf9 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 383 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc cơ tu tại xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Số 32 (Tháng 6 - 2020)86 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CỦA DÂN TỘC CƠ TU TẠI XÃ TA-BHING, HUYỆN NAM GIANG, TỈNH QUẢNG NAM TRƯƠNG SỸ TÂM* LÊ HỒNG THANH* Tóm tắt Khoảng hơn chục năm trở lại đây, du lịch dựa vào cộng đồng bắt đầu xuất hiện và dần phát triển ở Việt Nam, gắn với việc khai thác và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng. Được triển khai từ năm 2012, mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc Cơ Tu tại xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được định hướng phát triển theo hướng bền vững, chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Cơ Tu. Trên cơ sở các kết quả điền dã dân tộc học, bài viết phân tích thực trạng hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc Cơ Tu tại xã Ta-Bhing; áp dụng khung phân tích SWOT chỉ ra cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu cũng như một số vấn đề đặt ra đối với du lịch cộng đồng nơi đây. Từ khóa: Du lịch dựa vào cộng đồng, Cơ Tu, Ta-Bhing, phát triển bền vững Abstract Over the past ten years, community-based tourism has begun to appear and gradually developed in Vietnam, associated with the exploitation and promotion of the unique cultural identity of the community. Launched in 2012, the community-based tourism model of the Co Tu ethnic group in Ta- Bhing commune, Nam Giang district, Quang Nam province is oriented towards sustainable development, with a focus on environmental protection, restoration and promotion of the traditional cultural values of the Co Tu people. Based on the ethnographic fieldwork results, the article both analyzes the real situation of community-based tourism activities of the Co Tu ethnic group in Ta-Bhing commune and researches the application of the SWOT model to point out opportunities, challenges, strengths and weaknesses as well as some issues posed for community-based tourism here. Keywords: Community-based tourism, Co Tu, Ta-Bhing, sustainable development Đặt vấn đề Là một trong những loại hình du lịch khá phổ biến trên thế giới, du lịch dựa vào cộng đồng (Community-based tourism) mới du nhập vào Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Đây là mô hình du lịch gắn bó chặt chẽ với văn hóa bản địa, ít chịu sự tác động của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ hiện nay. Điểm khác biệt của mô hình du lịch dựa vào cộng đồng (DLDVCĐ) so với các loại hình du lịch khác là ngoài việc nhấn mạnh vào hiệu quả kinh tế, còn hướng tới mục tiêu bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, DLDVCĐ nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng bản địa trong hoạt động phát triển du lịch, từ đó giúp nâng cao vị thế của các nhóm dân tộc thiểu số. Với những đặc thù này, DLDVCĐ rất phù hợp với xu hướng phát triển bền vững nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng ở Việt Nam. Được triển khai từ năm 2012, mô hình DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu tại xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được định hướng phát triển theo hướng bền vững, mang * ThS., Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội 87Số 32 (Tháng 6 - 2020) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA lại nhiều hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân nơi đây, trở thành một mô hình DLDVCĐ tiêu biểu. Có được những thành công này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức hợp tác quốc tế và các cấp chính quyền địa phương. Điều này đặt ra vấn đề là: Sau khi các tổ chức phi chính phủ rút khỏi điểm du lịch và chính quyền địa phương cắt giảm sự hỗ trợ, những ưu thế của DLDVCĐ trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, có được đảm bảo trong thời gian tới hay không? Đồng bào có tự đứng vững được để tiếp tục làm du lịch không? Từ kết quả nghiên cứu thực địa1 để phân tích thực trạng hoạt động DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu ở Ta-Bhing, bài viết hy vọng phần nào mang lại cái nhìn khách quan và câu trả lời thỏa đáng. 1. Khái quát về dự án du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc Cơ Tu tại xã Ta-Bhing Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ ngân sách và Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR)2 phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức triển khai tại xã Ta-Bhing. Đây là một xã vùng thấp thuộc huyện Nam Giang có diện tích 2.28,18 km² gồm 7 thôn, dân số 2.218 người gồm các dân tộc Kinh, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Ve, trong đó, người Cơ Tu là đông nhất3. Nơi đây có thế mạnh về văn hóa tộc người đặc sắc, bên cạnh đó, lại thuộc khu vực rừng núi Trường Sơn - Tây Nguyên với cảnh quan hùng vĩ và sản vật rừng phong phú. Khởi nguồn cho sự ra đời của dự án DLDVCĐ là việc tổ chức FIDR hỗ trợ đồng bào dân tộc Cơ Tu khôi phục nghề dệt thổ cẩm (dệt cườm) truyền thống vốn đã bị mai một, vì sản phẩm không có đầu ra. Dự án khôi phục nghề dệt thổ cẩm được triển khai trong thời gian 2008 - 2012. Cho đến năm 2011, Hợp tác xã (HTX) thổ cẩm đầu tiên của bà con dân tộc Cơ Tu được thành lập. Đây cũng là HTX dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và được chứng nhận “Làng nghề truyền thống”. Sản phẩm dệt cườm Cơ Tu bắt đầu tạo được chỗ đứng trên thị trường, được bày bán ở nhiều điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh và được nhiều du khách ưa thích. Qua quá trình triển khai dự án này, người Cơ Tu đã có đủ năng lực để tự quản lý sản xuất, xúc tiến bán hàng cũng như điều hành hoạt động của nhóm. Cũng từ đó, người Cơ Tu nơi đây đã bắt đầu nhận ra giá trị của “văn hóa Cơ Tu” như một “báu vật” cần gìn giữ và phát huy. Từ thành công của dự án khôi phục nghề dệt thổ cẩm, cùng với chính sách phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch, người dân và chính quyền huyện Nam Giang đã tiếp tục đề nghị FIDR hỗ trợ triển khai dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu từ năm 2012. Dự án hướng đến mục tiêu phát huy tinh thần chủ động của cộng đồng trong việc phát triển kinh tế - du lịch, bảo vệ môi trường, văn hóa và thay đổi chất lượng cuộc sống. Qua hình thức du lịch này, những người làm dự án mong muốn du khách có thể thưởng thức và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu cũng như giao lưu học hỏi với người dân địa phương, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng người Cơ Tu. Để phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn Quảng Nam, phục vụ cho phát triển du lịch, các nhà sáng lập dự án đã sử dụng phương pháp rất độc đáo là “Săn tìm kho báu”. Theo chúng tôi, tên phương pháp này được gợi mở từ một tập tục xa xưa nhưng khá nổi tiếng của tộc người Cơ Tu ở Quảng Nam là tục “Săn máu”4. Đây là một tập tục đã từng gây nên nỗi ám ảnh về những trận chiến đẫm máu trong quá khứ. Với phương pháp này, người Cơ Tu phải tự trả lời câu hỏi “Kho báu của họ là cái gì?”; khi đó, thay vì “săn máu”, họ sẽ “săn tìm” những báu vật trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, trao đổi, đồng bào Cơ Tu đã tìm ra được những “báu vật” của mình, đó chính là: nghề dệt thổ cẩm truyền thống, điệu múa truyền thống Tung Tung Ya Yá, nhà cộng đồng - Gươl, ẩm thực truyền thống Với những “báu vật” tìm được, tổ chức FIDR hướng dẫn người dân cách biến chúng thành những sản phẩm du lịch. Với phương châm “vừa học vừa làm”, ngay từ những ngày đầu khi dự án còn sơ khai, các chuyên gia đã cùng với người dân tổ chức đón đoàn để bà con hiểu được thế nào là một đoàn khách du lịch, biết được các nhu cầu khi đi du lịch của khách, từ đó tự rút kinh nghiệm, tự cải Số 32 (Tháng 6 - 2020)88 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA thiện. DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu bắt đầu từ con số “0” và dần phát triển. Trên cơ sở đó, HTX du lịch Ta-Bhing được thành lập, hoạt động du lịch dần đi vào khuôn khổ và bước đầu bộc lộ tính chuyên nghiệp. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia về du lịch của Nhật Bản, những người làm dự án đã nghiên cứu rất kỹ về tiềm năng du lịch của địa phương, về văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, về sức tải của cộng đồng, về cách thức kinh doanh, và đưa ra một bộ quy định về làm du lịch, gồm các nội dung sau: Thứ nhất, không đón khách lẻ, chỉ đón đoàn từ 6 người trở lên5. Quy định này xuất phát từ suy nghĩ của bà con rằng khách đi theo đoàn sẽ dễ quản lý vì họ có trưởng đoàn, còn khách lẻ thì bà con khó quản lý. Hơn nữa nếu đón khách lẻ thì “vô hình trung là họ đã làm mất đi cái tính chia sẻ trong cách làm du lịch cộng đồng trên địa bàn, họ làm là làm theo nhóm nên khi tiếp khách du lịch là họ cũng tiếp đón theo đoàn hoặc nhóm chứ không tiếp theo cá nhân” (PVS, O., nữ, 34 tuổi, cán bộ dự án của FIDR). Thứ hai, mỗi tháng, HTX chỉ đón 3 - 4 đoàn du khách chứ không đón khách ồ ạt. Điều này vừa nhằm đảm bảo chất lượng tour, vừa để đồng bào vẫn giữ được tập tục đi làm nương dài ngày và sinh hoạt bình thường - những điều vốn góp phần làm nên bản sắc của người Cơ Tu. Thứ ba, khách du lịch phải đặt tour trước 1 tuần để bà con sắp xếp đón tiếp. Thứ tư, tour chỉ diễn ra trong ngày, tức là khách không nghỉ qua đêm ở trong làng. Trước mắt, việc phát triển tour trong ngày, không lưu trú sẽ giảm bớt chi phí xây dựng nơi nghỉ cho du khách và không làm xáo trộn mô hình thôn làng của đồng bào Cơ Tu. Một chuyên gia người Nhật của FIDR giải thích: “Nếu có homestay thì bà con phải đầu tư, ít nhất phải có nhà vệ sinh đàng hoàng, có phòng, có giường tử tế để phục vụ, v.v. Nếu làm như vậy thì bà con phải vay mượn mới có thể làm được. Nhưng với hình thức như đã làm thì bà con không có gì vẫn có thể làm được du lịch” (PVS, M., nữ, 36 tuổi). Ngoài ra, du khách cần chú ý thực hiện nghiêm những quy định sau: Không tự ý đi lại trong thôn, không vào nhà dân, không chụp ảnh nếu chưa được phép của người dân; Không cho trẻ em tiền; Không vào nhà người dân hỏi mua những vật dụng, hàng hóa mà phải mua ở các điểm bán hàng được quy định... Một điều đặc biệt là tất cả các thôn trong xã đều tham gia vào dự án, việc điều phối các tour cũng như chia thu nhập sẽ được thực hiện công bằng cho các thôn. HTX du lịch Ta-Bhing là đầu mối duy nhất nhận tour, nhận khách và lần lượt phân bổ về các thôn. Tiền thu được từ các tour sẽ được HTX phân phối đều cho các thôn, tránh sự mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các thôn. Đến nay, cộng đồng Cơ Tu đã tự vận hành được dự án; việc kết nối với các doanh nghiệp lữ hành vẫn tiếp tục được duy trì, hoạt động đón khách diễn ra thường xuyên, đều đặn. 2. Thực trạng hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc Cơ Tu tại xã Ta-Bhing 2.1. Sản phẩm du lịch Dựa trên những “báu vật” trong kho tàng văn hóa Cơ Tu như đã nói ở trên, FIDR cùng bà con đã biến thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có thể kể ra một số sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của người Cơ Tu như: Xem và tham gia điệu múa truyền thống: Người Cơ Tu có nhiều điệu múa truyền thống như Tung Tung Ya Yá, Đinh Tút, múa sạp, trong đó, điệu Tung Tung Ya Yá có ý nghĩa nhận diện bản sắc dân tộc rất sâu sắc. Đây là điệu múa dành cho cả nam và nữ. Tung Tung là điệu múa nam, có ý nghĩa vươn lên cao, mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn; Ya Yá là điệu múa nữ, động tác uyển chuyển, toát lên sự đằm thắm, chung thủy và không bị khuất phục. Đến với thôn Pà Xua, sau khi được thưởng thức điệu múa Tung Tung Ya Yá do nhóm âm nhạc truyền thống Cơ Tu thực hiện, du khách sẽ được trưởng nhóm giới thiệu về ý nghĩa các động tác trong điệu múa, được mời cùng tham gia múa dưới sự hướng dẫn của các thành viên nhóm. Tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm: Dệt cườm là một kỹ thuật độc đáo của người Cơ Tu. Cườm được thiết kế theo kiểu hình học và một số môtip tượng trưng cho tự nhiên như lá, ngôi sao Đến với HTX dệt thổ cẩm thôn Zơ Ra, du khách sẽ được giới thiệu về lịch sử nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, 12 công đoạn dệt một mảnh vải, đặc trưng hoa văn Du khách được trực tiếp làm thử 1 công đoạn bất kỳ, mặc thử trang phục truyền thống Cơ Tu và chụp ảnh lưu niệm. 89Số 32 (Tháng 6 - 2020) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Thưởng thức ẩm thực truyền thống: Bữa ăn hàng ngày của người Cơ Tu khá đơn giản, thường gồm cơm hoặc sắn với rau trồng trên rẫy và cá, ốc bắt được từ các con suối. Vào dịp lễ, tết hoặc thết đãi khách quý, bà con mới nấu những món ăn cầu kỳ. Những món ăn làm nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu gồm có: Càroi Acon Ghi Zớ (chả nhộng ong), Slua (cháo sắn), bánh Gất tát (bánh ngô), Hóo cor (cơm lam), bánh Cuốt hay A cút (bánh sừng trâu), các loại thịt nướng, cá nướng, đặc biệt nhất là món Zờ Rá - một loại thức ăn hỗn hộp, nấu nhuyễn từ lá rừng, tiêu, thịt thú rừng hoặc cá suối. Về đồ uống, người Cơ Tu có một số món rượu ngon, được ủ từ các loại cây, lá rừng như Tr’đin, Tà Vạt và Aviết. Khi tiếp khách du lịch, trưởng nhóm ẩm thực và các hướng dẫn viên ngồi cùng mâm với du khách, giới thiệu về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến, ý nghĩa của các món ăn, thức uống Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác như: Nhà Gươl, các nhạc cụ truyền thống, các bài hát, bài thơ, truyện kể dân gian, kiến trúc nhà cửa, đồ mây đan, sản vật núi rừng làm quà lưu niệm Một chuyến tham quan, trải nghiệm DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu thường diễn ra trong vòng một ngày, thời gian khoảng 5 - 6 giờ. Một số tour mẫu đã được xây dựng để áp dụng tại đây (Bảng 1). Hiện tại có hai loại tour, một loại tour lễ hội festival thường gồm từ 6 khách trở lên và đi vào 3 hoặc 4 thôn, có tham gia vào các lễ hội; một loại tour gồm từ 2 đến 5 người là tour tìm hiểu khám phá đời sống dân tộc người Cơ Tu, thì chỉ đi 1 thôn hoặc 2 thôn. Giá vé một tour trải nghiệm là 1.200.000 đồng/người. Giá này chưa bao gồm chi phí di chuyển từ các nơi khác đến. Vẫn với mức giá này, nhưng nếu là đoàn dưới 6 người thì sẽ không có phần tái hiện lễ hội cộng đồng. Đoàn phải từ 6 người trở lên đồng bào mới tổ chức được hoạt động cồng chiêng đón tiếp, mô phỏng một số sinh hoạt thuộc phần hội, múa hát, trò diễn trong lễ hội. Quy mô tổ chức chương trình này còn tùy vào lượng khách, đoàn khách càng đông thì càng thuận lợi cho đồng bào tổ chức. 2.2. Lượng khách và doanh thu du lịch Không phải đến năm 2012 khi dự án DLDVCĐ được triển khai, du khách mới biết đến đồng bào Cơ Tu ở Ta-Bhing, mà trước đó, du khách đã có nhiều ấn tượng về cộng đồng này khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu trở nên nổi tiếng. Chính vì thế, ngay sau khi dự án được triển khai đã thu hút một lượng khách du lịch nhất định, mang lại doanh thu cho cộng đồng. Ngay trong năm đầu tiên dự án được triển khai thử nghiệm (từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2013), đã có 20 đoàn với 260 du khách, chủ yếu là khách châu Âu và Nhật Bản đến tham quan, mang về doanh thu hơn 93 triệu đồng, trong đó thu nhập của các nhóm cộng đồng hơn 51 triệu đồng, số tiền còn lại được giữ để đầu tư mua sắm phục vụ hoạt động sau này [4]. “Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có 700 - 800 khách du lịch đến với xã Ta-Bhing, Nam Giang; cá biệt, năm 2017 có khoảng 1.000 du khách, trong khoảng 50 đoàn, chủ yếu là khách quốc tế như Nhật Bản, Pháp. Doanh thu riêng mảng phí tour năm 2017 của Hợp tác xã Ta-Bhing đạt 560 triệu đồng. Riêng việc bán các mặt hàng đặc sản địa phương cho du khách năm 2017 đạt hơn 540 triệu đồng” [5]. Theo thông tin từ ông Bríu Thương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX du lịch Ta-Bhing, trong 6 tháng đầu năm 2018, HTX đón hơn 300 lượt khách đến tham quan, doanh thu khoảng 300 Thời gian Lịch trình 08:00 - 10:00 - Khởi hành từ Đà Nẵng/Hội An đến Nam Giang 10:00 - 15:00 - Tham quan và giao lưu với bà con Cơ Tu tại nhà Gươl - Thưởng thức điệu múa truyền thống Cơ Tu - Thưởng thức âm nhạc, tham gia chơi nhạc cụ truyền thống Cơ Tu - Thưởng thức bữa ăn đón khách truyền thống của người Cơ Tu - Tản bộ sinh thái: Thăm thác, đi bộ trong rừng, thăm nhà ở của đồng bào - Học hỏi cách thức dệt cườm thủ công truyền thống - Mua sắm các đặc sản địa phương (sản phẩm từ dệt, đan lát, rượu, sản vật rừng) 16:00 - 18:00 - Trở về Đà Nẵng/Hội An Bảng 1. Tour du lịch mẫu được xây dựng tại Ta-Bhing Số 32 (Tháng 6 - 2020)90 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA triệu đồng. Doanh thu từ phí tour của HTX là 600 triệu đồng/năm và từ bán sản phẩm khoảng 950 triệu đồng. HTX đang vận hành rất tốt và bà con rất phấn khởi với nguồn thu nhập thêm không nhỏ từ du lịch [3]. Lượng du khách đến Ta-Bhing có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ, từ chỗ chỉ có vài trăm người trong năm đầu tiên đến cả nghìn người mỗi năm sau này. Điều đó cho thấy hiệu quả của dự án cũng như sự hấp dẫn từ những “kho báu” của đồng bào Cơ Tu. Thực ra, nếu so sánh với các loại hình du lịch và các điểm du lịch khác, lượng du khách này không phải là một con số quá lớn, nhưng đó chính là kết quả nằm trong tính toán của những người làm dự án và chính những người dân về “sức tải” của cộng đồng để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của du lịch đến đời sống của đồng bào nơi đây. Khách du lịch chủ yếu đến từ các nước châu Âu và Nhật Bản. Theo thông tin từ một chuyên gia quản lý dự án người Nhật của FIDR, trong số những tour đã đến Ta-Bhing, có khoảng 70% là du khách nước ngoài, 30% là du khách trong nước (PVS, M., nữ, 36 tuổi). Không khó để lý giải về sự áp đảo của lượng khách nước ngoài, bởi điều thu hút đối với họ chính là được tìm tòi, trải nghiệm những nét văn hóa rất mới lạ ở các tộc người. Hơn nữa, dự án này được sự hỗ trợ từ những chuyên gia người Nhật, nên họ chính là những đại sứ quảng bá cho du lịch cộng đồng nơi đây, bằng chứng là có tới 70 - 80% tổng số du khách nước ngoài đến từ Nhật Bản. Trong khi đó, đối với khách nội địa, chi phí cho một lần trải nghiệm tại đây khá cao, do đó, chỉ phù hợp với đối tượng khách ưa mạo hiểm, khám phá và có khả năng chi trả cao. Trước những băn khoăn về phí tour (tức giá vé để được tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Ta-Bhing), chuyên gia dự án người Nhật của FIDR lý giải: “Về giá cả, đoàn càng đông thì chi phí càng rẻ”. Chuyên gia cho biết thêm: “Vì bà con ở miền núi, ở những địa điểm xa đồng bằng nên phương tiện đi lại khó khăn, chi phí cho mua thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm khác cao hơn so với ở thành phố. Thêm nữa, ở những điểm du lịch khác thì doanh thu bà con nhận được khi có đoàn du lịch tới rất ít, chủ yếu thuộc về các công ty du lịch nên chi phí mà khách du lịch phải bỏ ra sẽ rẻ hơn. Còn ở đây, khi tính giá tour, ngoài những sản phẩm du lịch bà con trực tiếp phục vụ khách, còn phải tính đến chi phí quản lý, chi phí tái đầu tư nữa, ví dụ như tập huấn cho nhóm, khôi phục các sản phẩm văn hóa truyền thống nên phí tour sẽ cao hơn. Chính vì có nguồn kinh phí vận hành riêng, nên bà con nơi đây có thể tự hoạt động trong 1 hoặc 2 năm mà sẽ không gặp khó khăn gì” (PVS, O., nữ, 36 tuổi). 2.3. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch Đến Ta-Bhing, điều khiến du khách bất ngờ là nếu nhìn vẻ bề ngoài thì ở đây không có gì giống một điểm du lịch bởi sự vắng bóng của hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng Đối với một số du khách, sự sơ sài về cơ sở hạ tầng (nhất là hệ thống nhà vệ sinh công cộng) gây ra không ít khó khăn; có những du khách muốn ngủ lại qua đêm để tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của người dân nhưng không có dịch vụ lưu trú qua đêm. Tại các thôn như thôn Zơ Ra, có một số điểm bán hàng lưu niệm, không phải tự phát mà do HTX du lịch Ta-Bhing lập nên và quản lý. Trong thôn Zơ Ra có một nhà sàn là nơi các bà các chị tập trung làm sản phẩm thổ cẩm. Bên cạnh đó là nhà trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm dệt thổ cẩm. Khách du lịch đến Ta-Bhing không tiêu tiền trực tiếp tại mỗi nhà dân, mà thông qua các “phiếu mua hàng” để đổi lấy hàng hóa tại các điểm bán hàng tập trung. Để đặt được một tour DLDVCĐ ở Ta-Bhing, du khách phải đăng ký trước một tuần và chỉ liên hệ qua email, chứ không có số điện thoại. Đối với người lần đầu đặt tour, việc liên hệ khá khó khăn và du khách thường phải mất thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, với quy định chỉ đón khách theo đoàn, không đón khách lẻ, dẫn đến thiệt thòi cho những du khách muốn trải nghiệm, nghiên cứu một mình với tư cách nhập thân văn hóa. Ngoài ra, việc không cho khách ngủ qua đêm tại làng khiến cho nhu cầu tìm hiểu sâu về cộng đồng Cơ Tu trở nên khó khăn. Nói về điều này, chuyên gia dự án người Nhật của FIDR cho biết: “Khi đặt tour, du khách nên thông qua các công ty du lịch, còn đặt tour trực tiếp tại cộng đồng thì bà con lại không có phương tiện để đưa đón, chính vì vậy sẽ gặp khó khăn khi di chuyển. Các công ty sẽ chủ động bán tour và sắp xếp đoàn cho mình trên trang web 91Số 32 (Tháng 6 - 2020) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA của họ. Nếu lên trang web của cộng đồng thì thường liên lạc qua email để bà con có thời gian sắp xếp, trả lời và khách phải chủ động việc đi lại từ nơi khác đến Ta-Bhing” (PVS, M., nữ, 36 tuổi). Tuy nhiên, khi được phỏng vấn, bỏ qua một số sự bất tiện nói trên, hầu hết du khách đều cảm thấy hài lòng về sự đón tiếp cũng như tình cảm chân thành của đồng bào và đều có nhiều ấn tượng tốt đẹp về văn hóa và con người Cơ Tu. 2.4. Sự tham gia của cộng đồng Đối với DLDVCĐ, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường du lịch hấp dẫn. Cộng đồng bản địa không chỉ là chủ nhân văn hóa mà còn có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá hiệu quả về văn hóa, lịch sử của địa phương với du khách. Bởi, bản thân họ nắm giữ những tri thức rất quý báu về tự nhiên, về văn hóa nơi họ đã sinh ra, lớn lên và đang sống. Khi người dân bản địa được hưởng lợi ích trực tiếp từ các di sản do thiên nhiên ban tặng và tổ tiên để lại, thì họ không chỉ coi đó là di sản mà còn là tài sản của cộng đồng. Điều đó sẽ thúc đẩy họ tích cực tham gia đóng góp vào các dự án phát triển du lịch bền vững tại địa phương. Việc phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của cộng đồng Cơ Tu trong hoạt động du lịch chính là một thành công rất lớn được đánh giá cao của Dự án DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu ở Ta-Bhing. Đến nay, mô hình này đã thu hút sự tham gia của hơn 2.500 người Cơ Tu với 451 hộ, tập trung chủ yếu tại xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang [1]. Xuất phát từ chính sáng kiến của người dân về việc họ muốn giới thiệu gì cho khách, dự án đã thành lập ở mỗi thôn các nhóm sáng kiến cộng đồng theo thế mạnh của từng thôn. Hiện nay HTX du lịch Ta-Bhing đã có hơn 20 nhóm sáng kiến. Tại mỗi nhóm lại có trưởng nhóm và các hướng dẫn viên riêng. Các thành viên trong ban điều hành tour có nhiệm vụ điều phối các nhóm cùng hợp tác phục vụ khách. Sau mỗi chuyến đón đoàn, ban điều hành và các nhóm sáng kiến đều tổ chức các cuộc họp đánh giá để cải thiện chất lượng phục vụ cho lần sau. Bên cạnh đó, chính quyền phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tổ chức các buổi tập huấn để hướng dẫn người dân các kỹ năng làm DLDVCĐ. Các kiến thức về kỹ năng giao tiếp, các khóa đào tạo dịch vụ ẩm thực, về hướng dẫn viên du lịch tại địa phương, những câu chuyện dân gian, các loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống,... đã được khơi dậy và được tổ chức một cách hợp lý, để cung cấp kỹ năng cho đồng bào nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất. Điều đáng chú ý là, người dân ở Ta-Bhing vẫn duy trì các công việc và đời sống sinh hoạt như bình thường, chỉ khi có tour thì mọi người mới tham gia làm du lịch. Một người dân địa phương đã tham gia khoảng 3 năm với tư cách là thuyết minh viên, cho biết, chị rất vui khi có cơ hội làm du lịch như thế này, bởi chị vẫn đảm bảo được các công việc bình thường của một người phụ nữ Cơ Tu như chăm sóc con cái, làm nương rẫy, mà lại có thêm thu nhập từ làm du lịch. Chị có cơ hội hiểu hơn về những giá trị đặc sắc truyền thống của chính cộng đồng, địa phương nơi mình sinh sống. Từ đó chị sẽ truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu và sự tôn trọng đối với dân tộc mình (PVS, C., nữ, 29 tuổi). Khi được hỏi rằng đâu là điều mà bạn cảm thấy ấn tượng nhất khi đến thăm Ta-Bhing, một du khách chia sẻ: “Có nhiều điều ấn tượng, nhưng điều làm cho tôi ấn tượng nhất đó là sự thân thiện và lòng hiếu khách của bà con. Thực ra ở nhiều nơi khác người ta cũng rất nhiệt tình, rất thân thiện nhưng ở đây mình cảm nhận được sự gần gũi tự nhiên của bà con, tức là không phải người ta đang phải cố tỏ ra thân thiện với mình” (PVS, T., nam, 45 tuổi). 2.5. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Công tác tuyên truyền, quảng bá về DLDVCĐ Cơ Tu đã và đang được thực hiện với nhiều phương thức khác nhau. Chuyên gia của FIDR cho biết: “Về công tác quảng bá du lịch thì chúng tôi đa số tận dụng phương tiện internet như facebook, website, v.v. Bên cạnh đó, chúng tôi đang liên kết với 10 công ty du lịch, lữ hành. Nhưng trên thực tế thì chúng tôi không cho một công ty nào đứng ra quản lý hay kiểm soát cộng đồng. Những công ty đó chỉ liên kết và thông qua cộng đồng để đặt tour” (PVS, M., nữ, 36 tuổi). Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, mô hình “DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu” có những nét riêng biệt độc đáo, vì vậy cần mở rộng kết Số 32 (Tháng 6 - 2020)92 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA nối với các điểm du lịch khác như thác Grăng và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông Hài khẳng định: “Thời gian tới, Sở sẽ giúp quảng bá mô hình này trên website du lịch Quảng Nam cũng như trong các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt sẽ giới thiệu 3 đơn vị lữ hành là Công ty Cổ phần Du lịch dịch vụ Hội An, Công ty Cổ phần Du lịch và thương mại Lê Nguyễn và Công ty Du lịch mạo hiểm lên khảo sát đưa khách đến” [4]. Một cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Giang cho biết: “Phòng đang xúc tiến quảng bá bằng hình thức phát tờ rơi, trên các trang mạng xã hội internet. Từ năm 2016, Phòng bắt đầu có cán bộ phụ trách về mảng công nghệ thông tin” (PVS, R., nam, 25 tuổi). Đến với DLDVCĐ Cơ Tu ở Ta-Bhing, du khách sẽ được tặng một số tờ rơi giới thiệu về tour du lịch mang tên “Hương sắc Cơ Tu”. Trong đó có những thông tin sơ lược về dự án, về những sản phẩm du lịch tiêu biểu; một số đề nghị đối với du khách tham quan, trải nghiệm tour. Về thông tin liên hệ với đơn vị điều hành tour, tờ rơi cung cấp 2 địa chỉ email (cotucbt@fidr.vn và fidrvn@fidr.vn) và 1 số điện thoại cố định. Việc quảng bá thông tin du lịch trên internet là một hình thức quảng bá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi tìm kiếm trên website là website chính thức của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, thì không có thông tin về điểm hay tour du lịch nào mang tên “DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu ở Ta-Bhing”, mà chỉ giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, làng truyền thống của người Cơ Tu. Điều đó cho thấy, những thông tin du lịch trên trang web của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam là những thông tin cũ và chưa được cập nhật. 3. Nhận xét về du lịch dựa vào cộng đồng của dân tộc Cơ Tu ở xã Ta-Bhing và một số vấn đề bàn luận Để nhận diện những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của mô hình DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu tại Ta-Bhing, chúng tôi áp dụng khung phân tích SWOT6 là một công cụ của ngành quản trị hiện đại giúp đánh giá và kiểm soát được những yếu tố bên trong - bên ngoài, từ đó đưa ra được những chiến lược phù hợp cho sự phát triển đúng hướng. Áp dụng SWOT, chúng tôi nhận thấy DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu ở Ta-Bhing có những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức sau: * Điểm mạnh: - Không phải huy động vốn do được FIDR lấy làm điểm hỗ trợ (Gồm nhiều lĩnh vực không chỉ du lịch). - Nguồn khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao ổn định đến từ FIDR. - Đặc trưng văn hóa truyền thống, cách thức tổ chức cộng đồng, kiến trúc, phong tục tập quán đặc sắc, rất khác biệt với các nhóm dân tộc thiểu số khác. - Văn hóa truyền thống được bảo tồn khá nguyên vẹn từ trang phục đến kiến trúc nhà ở, nhà cộng đồng, các tập tục cổ xưa và biểu diễn dân gian - lễ hội. - Được FIDR quảng bá miễn phí qua sản phẩm dệt, được Nhà nước hỗ trợ quảng bá trong các hội làng nghề, sự kiện trong nước. - Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hay môi trường tự nhiên nguyên sơ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi công nghiệp hóa. - Có nghề truyền thống. - Tập tục, hành vi tín ngưỡng đã từng xảy ra như tục săn máu có thể gây tò mò cho khách du lịch thuộc nhóm đối tượng là các nhà nghiên cứu nhân chủng học, nhân học, tôn giáo tín ngưỡng và xã hội học (và những nhóm khách cùng mối quan tâm khác). * Điểm yếu: - Cộng đồng chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch và tiến hành tổ chức phục vụ du lịch. - Mục tiêu bị phân tán: Ngoài DLDVCĐ, xã Ta-Bhing phải phân bổ nguồn lực cho mục tiêu phát triển nghề truyền thống. - Khó thu hút khách du lịch nội địa. - Chưa có trang web riêng và các hình thức tuyên truyền quảng bá còn nghèo nàn. - Năng lực ngoại ngữ của cộng đồng còn thấp. - Một số tập tục, hành vi từng xảy ra trong quá khứ ảnh hưởng xấu tới tâm lý khách du lịch (Tục săn máu đã được tác giả người Pháp viết thành sách, phát hành toàn thế giới, nhiều bài báo gần đây cũng đề cập đến tập tục này). 93Số 32 (Tháng 6 - 2020) VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA - Chưa tổ chức được hoạt động homestay, hoạt động điển hình trong sản phẩm DLDVCĐ dẫn tới việc cộng đồng vẫn khá khép kín đối với khách du lịch. - HTX du lịch Ta-Bhing hoạt động chưa thực sự hiệu quả. - Ví trị địa lý xa xôi, khó khăn cho di chuyển, tiếp cận điểm của khách du lịch. - Chưa tự chủ quy trình khép kín trong DLDVCĐ (thị trường, tổ chức bán sản phẩm du lịch, thực hiện sản phẩm du lịch). * Cơ hội: - Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông, trong đó khách du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh và DLDVCĐ có tỷ lệ ngày càng tăng (đến từ các quốc gia phát triển). - Ngành Du lịch Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến công tác xúc tiến phát triển du lịch ra thị trường quốc tế (đầu tư tiền và chất xám nhiều hơn vào hoạt động marketing, promotion). - Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực du lịch ngày càng được hoàn thiện. Tránh được chi phí “lót tay”, bôi trơn khi đăng ký hoặc vận hành sản phẩm. - Hệ thống giao thông vận tải ở Quảng Nam ngày càng phát triển và được hiện đại hóa. - Thông tin liên lạc phát triển, trong đó có thể kể đến internet, tỷ lệ điện thoại di động được sử dụng trong giới trẻ - Nhiều điểm DLDVCĐ khác đang trong giai đoạn thoái trào do thời gian phát triển lâu, dịch vụ nhàm chán và không duy trì được mục tiêu phát triển bền vững (ví dụ: bản Lác, Hòa Bình). - Có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ FIDR, giai đoạn 3 có thêm sự tham gia của tổ chức cấp cao hơn là JICA với nguồn vốn và phạm vi hoạt động rộng hơn. Đặc biệt JICA đã có nhiều kinh nghiệm trong các dự án DLDVCĐ trên khắp nước ta. * Thách thức - Nhiều điểm DLDVCĐ khác đã rất phát triển và hút khách từ các trung tâm du lịch lớn như các điểm DLDVCĐ miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên và Hội An. - Áp lực phát triển du lịch bền vững dẫn đến những quy định bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa nghiêm ngặt hơn dành cho hoạt động du lịch dẫn đến không thể phát triển du lịch đại chúng (lấy số lượt khách làm chủ đạo). - Kinh tế khủng hoảng, thị trường bị thu hẹp lại do khách du lịch thắt chặt chi tiêu. - Thị trường du lịch bị giới hạn bởi nguồn khách do FIDR liên hệ và giới thiệu về điểm. - Xuất hiện nhiều điểm DLDVCĐ mới do các tỉnh thành học tập mô hình DLDVCĐ từ các điểm đã được thực hiện thành công. - Các công ty du lịch - lữ hành quan tâm không nhiều đến điểm. - Mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh khó được đảm bảo do phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ bên ngoài (FIDR, chính quyền địa phương). Kết luận Để đánh giá tính hiệu quả của một dự án DLDVCĐ, các chỉ số kinh tế như thu nhập đầu người, lượt khách, doanh thu du lịch theo năm, thường đóng vai trò quyết định. Ngược lại, khi đánh giá tính bền vững của dự án DLDVCĐ, vấn đề không chỉ tập trung vào các chỉ số thống kê trong thời gian dự án được triển khai mà còn phải thực hiện đánh giá, dự đoán hướng phát triển và dựa vào chỉ số thống kê dài hạn sau khi dự án kết thúc. Trong thực tiễn, để phát triển một điểm DLDVCĐ theo các nguyên tắc bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan bao gồm chính quyền địa phương - cộng đồng - tổ chức tài trợ - hệ thống doanh nghiệp du lịch chứ không chỉ dựa vào một hoặc hai chủ thể. Trường hợp ở Ta-Bhing, chúng tôi cho rằng việc chỉ dựa vào FIDR hoặc nỗ lực của chính quyền để phát triển DLDVCĐ là chưa đủ. Thêm vào đó, Ta-Bhing là một trong những trường hợp nghiên cứu phức tạp, có sự đan xen, chồng lấn các dự án phát triển cộng đồng, y tế, nông nghiệp, phục hồi nghề truyền thống với dự án DLDVCĐ. Hơn nữa, mục tiêu của nhà tài trợ FIDR là khá tham vọng khi tập trung vào việc phát triển toàn diện (chứ không chỉ là du lịch) một cộng đồng thuộc nhóm dân tộc ít người. Do đó, để phát triển DLDVCĐ một cách toàn diện, phải có các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, về tổ chức, quy hoạch, quản lý và cả về truyền thông, giáo dục, có như Số 32 (Tháng 6 - 2020)94 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA vậy, DLDVCĐ của dân tộc Cơ Tu mới có hiệu quả dài lâu trong tương lai, đảm bảo tính phát triển bền vững đúng như định hướng ban đầu của các bên liên quan khi quyết định làm DLDVCĐ nơi đây. T.S.T; L.H.T Chú thích 1 Các trích dẫn phỏng vấn sâu trong bài viết là tư liệu điền dã dân tộc học của nhóm tác giả tại xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, tháng 7/2018. 2 FIDR là một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản, được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy Đăng ký Văn phòng Dự án tại Đà Nẵng, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, cải thiện an ninh lương thực và phát triển DLDVCĐ. Tính đến nay, FIDR đã và đang triển khai hơn 40 dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, cứu trợ, tại một số tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 3 Số liệu tính đến 31/12/2012 theo Cổng thông tin điện tử huyện Nam Giang. 4 “Săn máu, lấy đầu người” từng là một tập tục có thật của người Cơ Tu ở Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tập tục này có từ xa xưa nhưng được công chúng biết đến và làm rúng động dư luận khi cuốn sách Những kẻ săn máu (Les Chasseurs de Sang) của Le Pichon - một người lính viễn chinh Pháp - được công bố. Trong hồi ký của nhà cách mạng Quách Xuân cũng nhắc nhiều đến tập tục này của người Cơ Tu. Cho đến nay, trong các công trình nghiên cứu về tộc người Cơ Tu, các nhà nghiên cứu Việt Nam đều thừa nhận: Săn máu là một tập tục có thật trong quá khứ của dân tộc Cơ Tu, là những cuộc chiến “săn máu - nợ đầu” kéo dài ngay trong tộc người này. Những mùa săn máu của người Cơ Tu trước đây chủ yếu liên quan đến quan niệm về thần linh của cộng đồng, dùng máu người để cúng Giàng, mong cho mùa màng được tốt, trong làng không còn ai bị “chết xấu”. Những trận chiến như vậy thường được đồng bào gọi với cái tên “giặc mùa”. 5 Về sau, trên thực tế, bà con vẫn tiếp khách nhóm nhỏ hơn, từ 2 đến 5 người nhưng chương trình tour sẽ rút gọn, du khách không được trải nghiệm phần tái hiện lễ hội cộng đồng, cũng không đi hết cả 7 thôn, mà chỉ đi tham quan 2 thôn, khám phá cuộc sống thường nhật của bà con. 6 SWOT là chữ cái đầu của 4 từ tiếng Anh: S (strength): điểm mạnh; W (weak): điểm yếu; O (oppotunity): cơ hội; T (threat): thách thức hay nguy cơ. SWOT là sản phẩm từ một nghiên cứu của Trường Đại học Standford (Mỹ) được tiến hành trên 500 tổ chức, doanh nghiệp toàn nước Mỹ. Không chỉ được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế học, phương pháp SWOT còn được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, trong đó có du lịch. Tài liệu tham khảo 1. BT (2017), “Mô hình Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu phát huy hiệu quả”, antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/mo-hinh-du-lich- dua-vao-cong-dong-co-tu-phat-huy-hieu- qua-217265.html 2. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu (2001), Du lịch bền vững, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 3. Gia Khang (2018), “Phát triển du lịch dựa vào giá trị văn hóa Cơ Tu”, vn/du-lich/201807/phat-trien-du-lich-dua-vao- gia-tri-van-hoa-co-tu-806512/ 4. Khánh Linh (2013), “Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu: Cải thiện sinh kế cho người dân”, thoi-su-kinh-te/201307/du-an-du-lich-dua-vao- cong-dong-co-tu-cai-thien-sinh-ke-cho-nguoi- dan-323339/ 5. P.H (2018), “Người Cơ Tu làm du lịch cộng đồng”, https://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/ nguoi-cotu-lam-du-lich-cong-dong-2018040916 2014782.htm 6. Đặng Quang Thành (2000), Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong kinh doanh du lịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 7. Trương Sỹ Tâm (chủ nhiệm) (2018), Du lịch dựa vào cộng đồng theo hướng bền vững của đồng bào dân tộc Cơ Tu xã Ta-Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 8. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên) (2012), Du lịch dựa vào cộng đồng, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. Ngày nhận bài: 31 - 5 - 2020 Ngày phản biện, đánh giá: 5 - 6 - 2020 Ngày chấp nhận đăng: 25 - 6 - 2020

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfthuc_trang_phat_trien_du_lich_dua_vao_cong_dong_cua_dan_toc.pdf
Tài liệu liên quan