Mục đích của bài báo này là xem xét toàn diện bối cảnh
ngập lụt của thành phố Vĩnh Long, bao gồm: hiện trạng hệ
thống thoát nước, các giải pháp chống ngập hiện hữu, dự báo
về tác động của biến đổi khí hậu và những định hướng
chương trình cấp quốc gia, quy hoạch liên quan là cơ sở quan
trọng để xây dựng chiến lược ứng phó giảm thiểu rủi ro ngập
lụt của thành phố Vĩnh Long. Từ đó thấy rằng quá trình đô
thị hóa đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, khiến hệ thống
thoát nước thành phố Vĩnh Long không thể đáp ứng trước
bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mặc dù các giải
pháp kỹ thuật công trình đã được áp dụng, nhưng hiệu quả
còn thấp. Bài báo đã nghiên cứu sử dụng phương pháp chiến
lược phát triển đô thị (CDS) để xây dựng các chiến lược ứng
phó rủi ro ngập lụt một cách linh hoạt, toàn diện cho thành
phố Vĩnh Long dựa trên phân tích cụ thể về chiến lược
SWOT. Vận dụng các cơ sở khoa học mới đã được áp dụng
trong thoát nước đô thị như: nâng cao khả năng phục hồi,
thoát nước đô thị bền vững (SUDS) vào việc triển khai chiến
lược thành các mục tiêu cụ thể, trong đó quan trọng nhất là
phát triển hệ thống thoát nước mưa theo nguyên tắc SUDS
và nâng cao khả năng tự ứng phó của cộng đồng trước rủi ro
ngập lụt cho thành phố Vĩnh Long hiện nay
5 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 725 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng và giải pháp ứng phó ngập lụt tại thành phố Vĩnh Long, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
99 Tạp chí Khoa học Lạc Hồng Số Đặc Biệt
Journal of Science of Lac Hong University
Special issue (11/2017), pp. 99-103
Tạp chí Khoa học Lạc Hồng
Số đặc biệt (11/2017), tr.99-103
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ NGẬP LỤT TẠI
THÀNH PHỐ VĨNH LONG
Reality and solutions that respond to flooding disaster in Vinh Long city
Huỳnh Trọng Nhân1, Nguyễn Thành Trung2
nguyentrung23@gmail.com
1Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, Vĩnh Long, Việt Nam
2Kỹ thuật Công trình, Trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai, Việt Nam
Đến tòa soạn: 02/08/2017; Chấp nhận đăng: 18/09/2017
Tóm tắt. Bài viết này nhằm đánh giá rủi ro ngập lụt ở khu vực TP Vĩnh Long và phân tích các dự báo trong tương lai. Đồng thời
nghiên cứu phương pháp chiến lược phát triển đô thị (CDS) nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó ngập lụt tại thành phố Vĩnh Long
dựa trên các cơ sở khoa học về khả năng phục hồi và hệ thống thoát nước đô thị bền vững (SUDS).
Từ khoá: Ngập lụt đô thị; Chiến lược phát triển đô thị
Abstract. The article will assess flood damage and analysis of future forecasts in the research area. Based on theories of urban
resilience and Sustainable drainage systems (SUDS), this research use city development stratergies (CDS) method to propose
solutions that respond to flooding disaster in Vinh Long city.
Keywords: Flooding disaste; City development stratergies
1. GIỚI THIỆU
1.1 Bối cảnh ngập lụt hiện tại ở thành phố Vĩnh Long
Đô thị Vĩnh Long nằm trên giồng đất ven sông Tiền do
phù sa bồi lấp, có cao trình khá thấp so với mực nước biển.
Cao trình từ 1m đến 2m chiếm 74.4% diện tích thành phố.
Địa hình bằng phẳng với độ dốc nền nhỏ hơn 2°. Do đặc điểm
của đất giồng, khu vực có dạng lòng chảo, địa hình cao dần
về phía bờ sông Tiền. Địa hình tự nhiên bằng phẳng, sông
ngòi dày đặc là điều kiện thuận lợi để xây dựng đô thị, bố trí
mạng lưới thoát nước. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố bất lợi
vì hệ thống thoát nước công trình có cao độ đáy cống, rãnh
thấp hơn mực thủy triều, dẫn đến hiện tượng ngập kéo dài do
triều cường kết hợp mưa lớn.
Bên cạnh đó, TP. Vĩnh Long hiện có khoảng 700 căn nhà
xây cất ven và trên sông, rạch [1]. Việc lấn chiếm kênh rạch
đặt ra thách thức đối hệ thống thoát nước đô thị là cản trở
thoát nước và ô nhiễm môi trường. Các công trình nhà ở lấn
chiếm sông rạch làm giảm tiết diện kênh rạch, thậm chí lấp
hoàn toàn. Ngoài việc đảm nhận vai trò là tuyến thoát nước
chủ yếu của đô thị, kênh rạch còn có vai trò điều tiết lưu
lượng nước. Do đó, lấn chiếm kênh rạch làm khả năng thoát
nước của hệ thống kênh rạch không đáp ứng được khi có mưa
lớn, triều cường, và gây ngập úng kéo dài.
Hệ thống công trình thoát nước hiện tại của thành phố
Vĩnh Long là hệ thống thoát nước chung, nhưng chưa được
xử lý cuối nguồn. Hệ thống thoát nước không được đầu tư
xây dựng đồng bộ, mà chủ yếu là được xây dựng theo các dự
án đường giao thông riêng lẻ. Vì vậy, các công trình trên
mạng lưới không cùng thông số kỹ thuật như: kích thước hố
ga, kích thước cống rãnh, quy cách đấu nối. Tại khu vực
trung tâm thành phố (phường 1), mạng lưới thoát nước không
theo lưu vực rõ ràng, các tuyến cống đấu nối phức tạp làm
ảnh hưởng thủy lực trong cống. Cuối tuyến cống có sử dụng
van ngăn triều và 4 trạm bơm tại cửa xả để chống ngập khi
triều cường kết hợp mưa lớn. Tuy nhiên, các van ngăn triều
hiện tại đang bị rò rỉ, khi triều cường nước vẫn chảy ngược
trong hệ thống cống gây ngập.
Hình 1. Vị trí của Vĩnh Long trong vùng
1.2 Hiện trạng ngập lụt ở Vĩnh Long hiện nay
Theo kết quả khảo sát của Công ty Công trình công cộng
Vĩnh Long [1] và tác giả cập nhật đến năm 2015 cho thấy đô
thị bị ngập do nước mưa chiếm 54%, do mưa kết kết hợp
triều cường, lũ chiếm 46%. Thành phố đang chịu tác động
kép do triều cường, nước dâng và mưa, nước thải chậm tiêu
thoát. Các điểm ngập do mưa lớn ở TP. Vĩnh Long được thể
hiện qua Bảng 1.
Bảng 1. Bảng thống kê các điểm ngập tại TP. Vĩnh Long
Thực trạng và giải pháp ứng phó ngập lụt tại thành phố Vĩnh Long
100 Tạp chí Khoa học Lạc Hồng Số Đặc Biệt
Các giải pháp công trình đang được áp dụng để chống
ngập gồm [1]:
- Cải tạo hệ thống thoát nước: nạo vét, nâng cấp một số
đoạn đường quan trọng.
- Đê bao: tuyến đê bao kết hợp kè dọc sông Cổ Chiên, các
tường chắn cục bộ.
- Đôn nền: áp dụng đối với công trình xây mới nhưng
không có sự thống nhất cao trình xây dựng giữa các khu vực
nên gây ngập lụt cục bộ.
Hình 2. Vị trí và hình ảnh thực tế các điểm ngập khu vực trung
tâm thành phố
- Van ngăn triều và trạm bơm: đang sử dụng ở khu vực
trung tâm thành phố.
Chống ngập ở nội ô thành phố Vĩnh Long trong nhiều năm
qua chủ yếu là dựa vào hệ thống van một chiều được lắp đặt
ở các tuyến đường kết hợp với các trạm bơm của công ty
TNHH Một thành viên Công trình công cộng. Thế nhưng khi
triều lên cao tràn qua đường thì hệ thống van một chiều gần
như không còn tác dụng. Vì vậy, các phương pháp chống
ngập của khu vực được đánh giá là mang tính công trình,
chưa tiếp cận toàn diện để ứng phó ngập lụt đô thị. Mặc dù
thành phố thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến thoát
nước nhưng hiệu quả giải pháp mang lại chưa cao. Số lượng
điểm ngập, thời gian ngập có chiều hướng gia tăng do áp lực
đô thị hóa và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Vì vậy,
các giải pháp giảm thiểu ngập lụt của đô thị trong tương lai
đòi hỏi cần tiếp cận đến các hướng khác như: chính sách quản
lý, tài chính, tăng cường khả năng hồi phục của đô thị để
giảm thiểu rủi ro của ngập lụt đến kinh tế sản xuất đô thị,
sinh hoạt của người dân.
1.3 Các dự báo tình trạng ngập lụt theo kịch bản biến đổi
khí hậu (BĐKH)
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là thách thức lớn của
ĐBSCL trong tương lai. Thành phố Vĩnh Long được dự báo
nằm trong khu vực ngập lụt nghiêm trọng. Để có tầm nhìn
chiến lược về giảm thiểu rủi ro ngập lụt, nghiên cứu giới
thiệu các số liệu chính trong các kịch bản biến đổi khí hậu và
nước biển dâng tại khu vực nghiên cứu.
Theo kịch bản quốc gia về BĐKH ở Việt Nam, các kịch
bản phát thải khí nhà kính được chọn nhằm cập nhật kịch bản
BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam trong báo cáo này bao
gồm: B1 (kịch bản thấp), B2, A1B (kịch bản trung bình), A2
và A1FI (kịch bản cao). Đối với tỉnh Vĩnh Long, đến năm
2050, lượng mưa có thể tăng 2 đến 4%, và nước biển dâng
theo kịch bản thấp là 23cm, cao là 27cm [2].
Bảng 2. Bảng dự báo lượng mưa và mực nước biển dâng tại Vĩnh
Long trong vòng 100 năm tới [2]
Theo dự báo của Viện thủy lợi miền Nam [3], nước biển
dâng 1m có thể làm 39% diện tích ở ĐBSCL có nguy cơ bị
ngập, 35% dân số trong vùng sẽ bị ảnh hưởng. Đa số đô thị
bị ngập trên 1,0m, trong đó nghiêm trọng nhất là 2 thành phố
Cần Thơ và Vĩnh Long. Theo Báo cáo Dự án Xây dựng kế
hoạch hành động ứng phó BĐKH của tỉnh [4], hiện trạng
diện tích ngập của TP Vĩnh Long là 1972,86ha chiếm 41,3%
diện tích đô thị, đến 2050 dự báo diện tích ngập tăng lên đến
3050,38ha chiếm 63,9% diện tích.
Những số liệu khí tượng thủy văn thực tế cho thấy chiều
hướng tăng lên của biến đổi khí hậu đang diễn ra. Theo số
liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh
Long, mực nước sông, rạch trên địa bàn tỉnh tăng lên hàng
năm do nước biển có xu thế ngày càng dâng cao. Cuối năm
2011, mực nước sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận lên mức xấp
xỉ 2m. Ở nội đồng, mực nước sông rạch lên cao nhất trong
chuỗi quan trắc nhiều năm của Trung tâm, đạt mức từ 1,75 -
1,78m [4]. Bên cạnh đó, sau khi hiện tượng El Nino suy yếu,
La Nina sẽ gây mưa bão và ngập lụt nhiều hơn vào các năm
2017-2020.
2. NỘI DUNG
2.1 Những cơ sở khoa học về ứng phó rủi ro ngập lụt
Với điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho công tác chống
ngập (địa hình thấp, bằng phẳng; lượng mưa lớn; đỉnh triều
ngày càng cao) và những diễn biến phức tạp của biến đổi khí
hậu, các giải pháp giảm thiểu ngập lụt của đô thị trong tương
lai cần sự linh hoạt và tiếp cận theo các hướng khác nhau
trong hoạt động ứng phó ngập lụt. Do đó, nghiên cứu tập
trung vào các cơ sở khoa học về chiến lược trong đô thị, các
giải pháp mềm và có khả năng thích ứng cao, hạn chế can
thiệp vào hệ thống sinh thái tự nhiên.
2.1.1Từ giảm thiểu rủi ro ngập lụt đến nâng cao “khả
năng phục hồi của đô thị”
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và
nước biển dâng dẫn đến những rủi ro thiên tai khó lường
trước. Do đó, từ những năm 70 của thế kỷ XX, những nghiên
cứu về đô thị tiếp cận đến quan điểm hệ sinh thái đã đưa ra
khái niệm “khả năng phục hồi của đô thị” (urban resilience).
Đây là hướng tiếp cận và giải quyết vấn đề trái chiều với
quan điểm “chống chọi” (“resistance”). “Khả năng phục hồi
của đô thị” là khả năng “hấp thụ” những xáo trộn do tác động
của thiên tai trong khi vẫn tiếp tục tồn tại (Holling, 1973) [7];
Khả năng chịu đựng của đô thị trước thảm họa thiên nhiên
với những tổn thất nhỏ nhất tới hoạt động sản xuất và đời
sống của người dân (Mileti, 1999) [8]; Khả năng chấp nhận
những tổn thất và hồi phục (UN, 2013) [9]; hay năng lực của
một thành phố có thể cân đối và tự tổ chức lại hầu hết mọi
hoạt động để giảm thiểu những thiệt hại cho sự phát triển của
đô thị (Liao, 2012) [10]. Những quan điểm trên đều có cùng
mục tiêu là làm thế nào một đô thị có khả năng tự điều chỉnh
(cả hệ thống) để có thể duy trì hoạt động và “đứng dậy” một
101
Huỳnh Trọng Nhân, Nguyễn Thành Trung
Tạp chí Khoa học Lạc Hồng Số Đặc Biệt
cách nhanh chóng sau sự “tấn công” và tiếp tục phát triển;
hơn là làm thế nào để đô thị không bị tác động hay không
chịu sự ảnh hưởng của thiên tai.
Với quan điểm tất cả các công trình chống lũ đều có “khả
năng chịu đựng” nhất định; trong khi ảnh hưởng của biến đổi
khí hậu là không lường, các nhà quy hoạch cần nhìn nhận:
- Hướng đến việc điều chỉnh môi trường sống của con
người cho phù hợp với các yếu tố đã tồn tại của tự nhiên sẽ
Hình 3. Sự khác nhau giữa đô thị “chống chọi” và đô thị “thích
ứng” [10]
bền vững hơn là lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để điều chỉnh
môi trường tự nhiên để phục vụ lợi ích ngắn hạn của con
người.
- Càng có sự tập trung con người, tài sản vào các đô thị
lớn thì những rủi ro thiệt hại càng cao; và nếu người dân đô
thị càng quá tin tưởng, trông chờ vào hệ thống bảo vệ của đô
thị thì năng lực ứng phó cộng đồng càng giảm, thiệt hại khi
xảy ra biến cố càng lớn.
- Quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật và công tác quản
lý đô thị do các nhà hoạch định chiến lược, quyết định hướng
phát triển của đô thị có vai trò rất quan trọng trong việc giảm
thiểu rủi ro và thiệt hại từ ngập lụt. Những rủi ro thường
“tiềm ẩn” và xuất hiện qua từng giai đoạn tương ứng với mức
phát triển của đô thị. [11]
2.1.2Phương pháp Chiến lược phát triển đô thị (CDS)
Chiến lược phát triển đô thị “là công cụ gắn kết các bên
liên quan chủ chốt với nhóm các nhà tài trợ trong việc hình
thành và thực hiện một chiến lược phát triển cho thành phố
một cách tổng thể, đề ra các dự án ưu tiên, tạo lập sự nhất
trí và khuyến khích sự tham gia hành động để biến các chiến
lược đó thành hiện thực” [12]. Đây là phương pháp quy
hoạch và quản lý đô thị trong tiến trình, gắn chặt mục tiêu
với kết quả, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch và kế hoạch
khi thực hiện các mục tiêu quản lý đô thị.
Bối cảnh của các đô thị hiện nay với nguồn lực tài chính
có hạn, trong khi đó ngày càng có nhiều nguồn đầu tư trực
tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển quốc tế và đầu tư tư nhân.
Nó dẫn đến sự tham gia của các đối tác mới với nhiều bên
liên quan khác nhau. CDS kết nối các bên liên quan lại với
nhau, tìm hiểu quan điểm của họ để góp phần tạo ra một
quyền sở hữu chung, không chỉ trong quá trình xây dựng
chiến lược phát triển mà còn trong việc thực hiện thành công
chiến lược đó. Vì vậy, nếu thành phố có tầm nhìn tương lai
và mục tiêu rõ ràng, thì nó có khả năng thu hút các nguồn lực
tài chính viện trợ từ bên ngoài. Quy trình thực hiện gồm 6
giai đoạn theo thứ tự như sau: chuẩn bị; hiện trạng và mục
tiêu chung; các giải pháp cụ thể; chương trình hành động;
thực hiện; kiểm tra và điều chỉnh.
2.1.3Quan điểm thoát nước đô thị bền vững SUDS
Hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững – Sustainable
Urban Drainage System (SUDS) vận dụng triệt để các
nguyên lý và chức năng của hệ sinh thái tự nhiên nhằm xây
dựng hệ thống thoát nước với một nguyên lý hoàn toàn khác
với các nguyên lý thoát nước mưa truyền thống. Với triết lý
“kỹ thuật tiêu thoát nước vì sự phát triển của đô thị không
được ảnh hưởng xấu đến môi trường thủy vực” [14], thay vì
đẩy/thoát thật nhanh nước mưa ra khỏi đô thị bằng các hệ
thống kênh hoặc hệ thống cống ngầm thì SUDS làm chậm lại
các quá trình nêu trên và đưa nước mưa phục vụ cộng đồng.
Các nguyên lý của SUDS là: hướng tới việc duy trì những
đặc thù tự nhiên của dòng chảy về dung lượng, cường độ và
chất lượng; kiểm soát tối đa dòng chảy từ nguồn, giảm thiểu
tối đa những khu vực tiêu thoát nước trực tiếp, lưu giữ nước
tại chỗ và cho thấm xuống đất, đồng thời kiểm soát ô nhiễm
[14].
Hình 4. Hệ thống thoát nước đô thị bền vững duy trì dòng chảy
như trước khi đô thị hóa [14]
2.1.4Kinh nghiệm “thêm chỗ cho sông” tại Hà Lan
Vì phần lớn diện tích cư trú là đất trũng, nên Hà Lan cũng
là nước có truyền thống trị thủy hàng trăm năm, với kỹ thuật
kiểm soát dòng chảy và mức cao thấp của mạng lưới nước.
Theo thời gian, việc xây đập, đê, kè chắn sóng ngày càng thu
hẹp và bê tông hóa không gian của các con sông. Tuy nhiên,
mực nước cao đến mức báo động giữa thập niên 90 của thế
kỷ XX và tình hình BĐKH đã khiến người ta phải nghĩ đến
một phương pháp khác tốt hơn. Những biện pháp này được
gọi chung là chương trình “Thêm chỗ cho sông” (Room for
the River). Mục đích của chương trình nhằm tăng độ an toàn
chống lụt vào năm 2015 và cải thiện một cách toàn thể, lâu
dài chất lượng không gian và môi trường của lưu vực sông
[8]. Chương trình đưa ra một loạt công cụ can thiệp cụ thể,
là sự kết hợp giữa các biện pháp kỹ thuật với một tầm nhìn
toàn diện về không gian.
Thực trạng và giải pháp ứng phó ngập lụt tại thành phố Vĩnh Long
102 Tạp chí Khoa học Lạc Hồng Số Đặc Biệt
Hình 5. Các giải pháp Thêm chỗ cho sông tại châu thổ
sông Hà Lan
Bài học kinh nghiệm từ chương trình này là việc từ chối
những phương pháp đắt tiền, công nghệ cao để chiến đấu với
nước. Chính sách “thêm chỗ cho sông” hữu hiệu nhờ biết
dùng kỹ thuật hài hòa, tận dụng những lực tự nhiên để tái
thiết lập trạng thái “sống chung với lũ”. Rõ ràng cách tư duy
như thế rất cần thiết cho bối cảnh các đô thị Việt Nam – đặc
biệt khi chuẩn bị đối phó với những hệ quả đã dự đoán của
BĐKH.
2.2 Áp dụng phương pháp CDS xây dựng chiến lược ứng
phó rủi ro ngập lụt cho thành phố Vĩnh Long
Với mục tiêu xây dựng các giải pháp giảm thiểu ngập lụt
linh hoạt và tiếp cận theo các hướng khác nhau để ứng phó
với BĐKH, công cụ CDS đóng vai trò chủ chốt trong nghiên
cứu. Vì đối tượng để xây dựng chiến lược là các giải pháp
ứng phó ngập lụt, nên công cụ này là CDS của một chủ đề
phát triển, giải quyết một vấn đề của đô thị. Nó xác định các
mục tiêu chiến lược và đưa ra các giải pháp, các kế hoạch
hành động nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Bảng 3. Xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức
Bảng 4. Phân tích các chiến lược SWOT
Từ Bảng 3 và Bảng 4 bên trên sử dụng công cụ SWOT
để xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức
từ bối cảnh ngập lụt của thành phố Vĩnh Long, hiện trạng hệ
thống thoát nước, các giải pháp chống ngập hiện hữu, dự báo
về tác động của biến đổi khí hậu và những định hướng quy
hoạch liên quan; từ đó xây dựng các chiến lược kết hợp để
nâng cao khả năng ứng phó ngập lụt, phục hồi của thành phố
Vĩnh Long. Nghiên cứu xác định tầm nhìn để ứng phó ngập
lụt tại thành phố Vĩnh Long như sau: “Đến năm 2050, thành
phố Vĩnh Long phát triển được hệ thống thoát nước bền vững
(SUDS) với khả năng hồi phục cao, cộng đồng đô thị có khả
năng ứng phó trước các rủi ro ngập lụt do biến đổi khí hậu”.
Về mục tiêu, căn cứ trên các chiến lược, những mục tiêu
đề ra như sau:
- Nâng cấp hệ thống thoát nước riêng tại các khu vực đô
thị có xem xét đến yếu tố rủi ro ngập dài hạn.
- Phát triển hệ thống thoát nước mưa chậm theo nguyên
tắc SUDS.
- Quản lý kỹ thuật hệ thống thoát nước theo khung thích
ứng với BĐKH.
- Xây dựng hình thức PPP trong xây dựng và cải tạo hệ
thống thoát nước.
- Nâng cao nhận thức và khả năng tự ứng phó của cộng
đồng trước rủi ro ngập lụt.
Đối với mục tiêu phát triển hệ thống thoát nước đô thị bền
vững (SUDS), việc nâng cấp hệ thống thoát nước cần đảm
bảo hai nguyên tắc: trả về dòng chảy tự nhiên ban đầu nhờ
giải pháp làm chậm dòng chảy bề mặt; làm giảm lưu lượng
nước cần thoát nhờ giải pháp làm chậm dòng chảy và thấm.
Để giải pháp thực thi, chính quyền đô thị cần lồng ghép
phương thức này với quy hoạch phát triển không gian; quản
lý cao độ san nền, tiêu thoát nước của các khu vực đô thị mới
phát triển; đảm bảo sự thống nhất, phối hợp giữa thoát nước
với hệ thống thủy văn đô thị và toàn lưu vực, kể cả hệ thống
thủy nông, tiêu thoát lũ của khu vực.
Đối với mục tiêu nâng cao khả năng tự ứng phó của cộng
đồng, chương trình thực hiện cần đánh giá bối cảnh, lập bản
đồ đánh giá nguy hại, đánh giá tác động và ứng phó, thảo
luận để xây dựng các năng lực của cộng đồng và lập thứ tự
ưu tiên, các kế hoạch thực hiện.
3. KẾT LUẬN
Mục đích của bài báo này là xem xét toàn diện bối cảnh
ngập lụt của thành phố Vĩnh Long, bao gồm: hiện trạng hệ
thống thoát nước, các giải pháp chống ngập hiện hữu, dự báo
về tác động của biến đổi khí hậu và những định hướng
chương trình cấp quốc gia, quy hoạch liên quan là cơ sở quan
trọng để xây dựng chiến lược ứng phó giảm thiểu rủi ro ngập
lụt của thành phố Vĩnh Long. Từ đó thấy rằng quá trình đô
thị hóa đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, khiến hệ thống
thoát nước thành phố Vĩnh Long không thể đáp ứng trước
bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mặc dù các giải
pháp kỹ thuật công trình đã được áp dụng, nhưng hiệu quả
còn thấp. Bài báo đã nghiên cứu sử dụng phương pháp chiến
lược phát triển đô thị (CDS) để xây dựng các chiến lược ứng
phó rủi ro ngập lụt một cách linh hoạt, toàn diện cho thành
phố Vĩnh Long dựa trên phân tích cụ thể về chiến lược
SWOT. Vận dụng các cơ sở khoa học mới đã được áp dụng
trong thoát nước đô thị như: nâng cao khả năng phục hồi,
thoát nước đô thị bền vững (SUDS) vào việc triển khai chiến
lược thành các mục tiêu cụ thể, trong đó quan trọng nhất là
phát triển hệ thống thoát nước mưa theo nguyên tắc SUDS
và nâng cao khả năng tự ứng phó của cộng đồng trước rủi ro
ngập lụt cho thành phố Vĩnh Long hiện nay.
103
Huỳnh Trọng Nhân, Nguyễn Thành Trung
Tạp chí Khoa học Lạc Hồng Số Đặc Biệt
4. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ngô Thành Thía, Báo cáo về việc khảo sát thực tế và đề xuất
giải pháp chống ngập nước trong nội ô thành phố Vĩnh Long,
Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long, Vĩnh
Long, 2011.
[2] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kịch bản quốc gia về biến đổi
khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, NXB Tài nguyên -
Môi trường và Bản đồ VN, Hà Nội, 2012.
[3] Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Quy hoạch tổng thể thủy
lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng,
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Cần Thơ, 2012.
[4] Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, Dự án Xây dựng Kế hoạch Hành
động Ứng phó BĐKH của tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh
Long, Vĩnh Long, Vĩnh Long, 2012.
[5] Chính phủ, Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công
nghiệp Việt nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050,
2009.
[6] Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Điều chỉnh Quy hoạch
chung thị xã Vĩnh Long, Vĩnh Long, 2004.
[7] Holling, C. S., Resilience and Stability of Ecological Systems,
Annual Review of Ecology and Ssstematics, Volume 4, pp. 1-
23, Annual Reviews Inc, 1973.
[8] Mileti, D. S., Disasters by design: A reassessment of natural
hazards in the United State, Washington D.C, Joseph Henry
Press, 1999.
[9] United Nations, Global Assessment Report for Disaster Risk
Reduction – GAR2013, Geneva: United Nations, 2013.
[10]Liao K. H., A theory on Urban Resilience to Floods-A basis for
alternative planning practices, Resilience Alliance, 2012.
[11]Phan Nhựt Duy, Khả năng hồi phục của Đô thị: Kinh nghiệm
giảm thiểu rủi ro ngập lụt, Tạp chí Quy hoạch Đô thị - số 22,
2015.
[12] Võ Kim Cương, Chính sách đô thị, Hà Nội, NXB Xây Dựng,
2010.
[13] Đoàn Cảnh, Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật sinh thái xây dựng
hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững, TP. HCM, 2007.
[17] Hợp phần Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị
nghèo (SDU), Sổ tay Quy hoạch và Thiết kế đô thị ở Việt Nam,
Hà Nội, 2010.
TIỂU SỬ TÁC GIẢ
Nguyễn Thành Trung
Năm sinh 1986, Phù Cát, Bình Định. Tốt nghiệp Đại học tại Trường Đại học Lạc
Hồng năm 2009; Thạc sĩ tại Trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM năm 2013. Hiện
đang là nhân viên khoa Kỹ thuật – Công trình, Đại học Lạc Hồng. Lĩnh vực
nghiên cứu: Các công trình về cầu đường, quản lý giao thông, đô thị và công trình
đô thị
Huỳnh Trọng Nhân
Năm sinh 1987, Vĩnh Long. Tốt nghiệp đại học tại Trường Đại họcKiến Trúc Tp.HCM năm 2010; Thạc
sĩ tại Trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM năm 2013. Hiện đang là giảng viên khoa Kiến trúc, Trường
Đại học Xây dựng Miền Tây. Lĩnh vực nghiên cứu: Quy hoạch, đô thị và công trình đô thị
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 19_thanh_trung_trong_nhan_992_2116370.pdf