Hiện nay, bằng nhận thức trực quan, có thể thấy tiềm năng du lịch ở núi và chùa Am
Các là rất lớn, nhưng đầu tư để tôn tạo và khai thác thế nào cho bền vững quả là điều không
dễ dàng. Đây vừa là điểm du lịch tâm linh, nhưng cũng là điểm du lịch sinh thái. Vì vậy, trong
quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phải chú trọng cả hai nội dung cơ bản đó. Ngoài quy hoạch về di
tích, phải quy hoạch cụ thể về sinh thái, cảnh quan của núi và rừng Am Các. Ngay hồ Hao
Hao dưới chân núi nếu đầu tư, tôn tạo một cách hợp lý cũng sẽ góp phần thu hút khách.
Riêng quần thể (hệ thống) chùa Am Các cũng cần phải được trùng tu, tôn tạo một cách
bài bản, khoa học, nhưng cũng phải rất linh hoạt để phù hợp với việc khai thác giá trị trong
phát triển du lịch.
Tóm lại, để núi và chùa Am Các thực sự trở thành một trọng điểm du lịch sinh thái và
tâm linh tiêu biểu ở trong tỉnh, trong nước, chính quyền và các ngành, các cấp có liên quan
cần vào cuộc để triển khai nhanh chóng những vấn đề cơ bản như đã nói ở trên.
6 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 326 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiềm năng phát triển du lịch của chùa am các (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
68
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA CHÙA AM CÁC
(HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA)
Phạm Tấn
PGS.TS Trần Văn Thức2
Tóm tắt: Núi và chùa Am Các là một quần thể di tích - danh thắng độc đáo ở vùng đất
phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Cho đến nay, do sự hủy hoại của thiên nhiên và biến động lịch sử,
các kiến trúc cổ của ngôi chùa không còn. Tuy nhiên, núi và chùa Am Các vẫn ẩn chứa nhiều
giá trị lịch sử - văn hóa bước đầu được khẳng định qua các đợt khảo sát, nghiên cứu, khai
quật khảo cổ học và vô số hiện vật còn lại. Nếu biết khai thác, Núi và chùa Am Các có nhiều
tiềm năng phát triển du lịch, sẽ trở thành một điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái lớn
không chỉ của xứ Thanh mà của cả nước.
Từ khóa: Núi và chùa Am Các; giá trị văn hóa - lịch sử; phát triển du lịch.
Từ xưa, núi Am Các đã được liệt vào hàng danh sơn của xứ Thanh, nước Việt. Sách Đại
Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi chép cụ thể như sau: “Núi Am
Các: Ở xã An Sơn cách huyện Ngọc Sơn 18 dặm về phía Tây Bắc, hình núi quanh co, có chín
ngọn rất cao, sản ra thứ trúc hoa, nhân dân hay trồng chè, cũng được nhiều lời”3. Tiếp đó,
sách Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1888) cũng chép tương tự: “Núi Am Các: Ở phía Tây
Bắc huyện hạt. Thế núi cong phẳng, có 9 đỉnh nhô cao. Trên núi có loài tre hoa, dân chúng thì
phần nhiều trồng nghề chè xanh”4. Đây là một dãy núi lớn, rất bề thế, chạy dài theo hướng từ
Tây Bắc đến Đông Nam qua các xã Phú Lâm, Phú Sơn, Nguyên Bình, Định Hải và Các Sơn
(thuộc vùng đất trung du, bán sơn địa phía Tây huyện Tĩnh Gia ngày nay). Dãy núi dài gần
20km, riêng phần núi có ngôi chùa cổ (mà dân địa phương vẫn gọi là chùa Am Các) thuộc về
địa phận của xã Định Hải. Vùng đất này ở thời cuối Lê, đầu Nguyễn thuộc tổng Vân Trường,
huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, còn ở thời Đồng Khánh (1886 - 1888) gần cuối thời Nguyễn
thuộc về xã Yên Thái, tổng Yên Thái, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia. Từ cuối năm 1953 đến
nay, vùng núi có chùa Am Các mới ổn định trong địa bàn của xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia.
Ở thời Đồng Khánh (1886 - 1888), xã Yên Thái của tổng Yên Thái bao gồm các thôn,
trang như: thôn Yên Tôn, thôn Cổ Trinh, thôn Song, thôn Kiểu, thôn Lan, thôn Trúc, thôn
Đạo, trang Ngọc Tĩnh, trang Phú Nhuận, thôn Cổ Bản, thôn Các, thôn Ngọ, thôn Khả Lam,
thôn Nhân Lễ, thôn Quần Điềm, thôn Đồng Nặc, thôn Đồng Miệt, thôn Nhân Lễ Thượng,
thôn Hậu. Các thôn, trang còn lại của tổng Yên Thái là: thôn Trúc Cảnh, thôn Quỳnh Thượng,
thôn Nhân Mỹ, thôn Để Bồn, thôn Phượng Đam, thôn Đức Cảm, thôn Xuyết Tân, thôn Trung
Mỹ, thôn Cát Hào, thôn Đông, thôn Thượng Phúc, thôn Để, thôn Tào, thôn Bái Thượng, thôn
Đa Lộc, thôn Trung Áng, thôn Đồng Hương, thôn An Phú, thôn Hào Vinh, thôn Hưng Lễ,
thôn Kỳ Lộng, thôn Sơn Trà, xã Hoành Phố, thôn Bài, thôn Bồng5. 25 thôn - xã còn lại của
tổng Yên Thái này là thuộc địa bàn của các xã Thanh Thủy, Thanh Sơn hiện nay.
Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa
2
Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
3
Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 304.
4
Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế giới, 2003, tr 1118.
5
Đồng Khánh địa dư chí, sđd, tr 1115 - 1116.
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
69
Trong tất cả các thôn của tổng Yên Thái thời Đồng Khánh, có duy nhất một thôn mang
tên Các. Vì vậy, dãy núi đi qua thôn Các nên mới có tên là Các Sơn (tức núi Các).
Sở dĩ, sử sách xưa ghi chép tên dãy núi này là Am Các, bởi theo các nhà nghiên cứu thì
trên núi này xưa kia từng là địa điểm mà các đạo sĩ lập am để tu tiên ở đó.
Như vậy, phía Tây, Tây Bắc của huyện Tĩnh Gia (tức huyện Ngọc Sơn thời Lê -
Nguyễn) có một dãy núi cao, dài như một bức tường thành đồ sộ mọc lên ở ngay chính dải
đồng bằng nhỏ hẹp phía Nam tỉnh Thanh Hóa, cách bờ biển phía Đông chỉ từ 5 - 7 km. Từ
phía Tây Bắc đến Đông Nam đã có tới các thôn, trang cư trú một cách khá tập trung. Điều đó
chứng tỏ vùng đồng bằng trước núi rất gần với biển Đông này đã được con người tìm đến để
khai phá từ rất sớm, tạo ra những làng xóm cổ truyền với mật độ dày đặc.
Địa phận của xã Định Hải và Các Sơn ngày nay cùng phần lớn các làng ven núi Am Các
đều được xếp là vùng bán sơn địa và trung du của tỉnh Thanh Hóa. Ở phía Tây - mặt sau của
núi là sự liền mạch với vùng đồi núi trùng điệp, liên tiếp của huyện miền núi Như Thanh và
một phần đồi núi của huyện Nông Cống. Riêng xã Định Hải - chỗ núi Am Các vòng qua có
chiều dài tới 6 km. Từ đường quốc lộ 1A đi qua trung tâm xã để đến được vùng chân núi, mà
phía trái là hồ Hao Hao và bên phía phải là một dòng suối chảy từ trên núi để đổ về phía hồ.
Từ đó sẽ có một con đường mới mở để lên chùa trên sườn núi. Đi bằng ô tô, xe máy, hoặc leo
bộ trên con đường vòng vèo, mỗi lúc một cao lên, nhưng ai cũng cảm thấy sảng khoái bởi
cảnh đẹp kỳ thú của núi, rừng xung quanh. Hai bên đường lên chùa là rừng thông lá nhọn, các
cánh rừng tái sinh ở phía lưng chừng và đỉnh núi đã phủ kín một màu xanh thẫm cho cả vùng
núi non kỳ vĩ.
Đặc điểm của dãy núi Am Các là có độ dốc cao, các ngọn núi được phân bố dày đặc,
liên tiếp. Riêng trên địa bàn xã Định Hải, khoảng núi Am Các (nơi có chùa Am Các và rừng
núi liền mạch) mà địa phương quản lý đã chiếm tới 480 ha, được xác định điểm khởi đầu từ
xã Phú Lâm đến điểm kết thúc ở làng Các (xã Các Sơn). Vì dãy núi chạy từ Tây Bắc đến
Đông Nam, cho nên núi Am Các trên địa phận Định Hải ở phía Tây giáp với núi thuộc địa bàn
Phú Sơn, ở phía Bắc giáp với núi của xã Các Sơn, phía Đông (dưới chân núi) giáp làng Phú
Long và hồ Hao Hao (của xã Định Hải), và phía Nam giáp với núi của xã Nguyên Bình. Núi
Am Các nối liền với núi E - là núi chung của 3 xã Định Hải, Ninh Hải và Hải Nhân. Toàn bộ
phía Đông Nam cũng là núi tiếp núi. Núi Bằng và núi Trạn được nối với núi Bộc, núi Các, núi
Sắn để tạo thành một dãy vòng cung bao bọc phía Tây và Nam của xã Định Hải. Ngoài ra,
còn rất nhiều núi nhỏ khác như núi Đá Chồng (còn gọi là núi Con) và núi Cao ở phía Bắc xã
Định Hải - nơi giáp ranh với xã Hùng Sơn đã tạo ra cho nơi đây một địa hình hiểm trở, nhiều
hang động và cảnh quan thiên nhiên kỳ tú của xứ Thanh và nước Việt Nam.
Theo các nhà địa lý học, về mặt địa chất, núi Am Các nói riêng và toàn bộ vùng núi phía
Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa được hình thành chủ yếu bởi các đá trầm tích như đá cát kết và
đá phiến, còn các loại đá mác ma hoặc đá vôi chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp và rất hiếm gặp. Riêng
dãy núi Am Các, với đỉnh cao nhất khoảng trên 500 m lại nằm kề với vùng đồng bằng ven
biển nên cũng có ảnh hưởng đến khí hậu sinh cảnh của vùng này như Định Hải, Các Sơn
Hướng núi Tây Bắc - Đông Nam vuông góc với hướng gió Đông Bắc, hoặc cao áp từ Tây
Thái Bình Dương thổi tới đã làm cho vùng này có mưa nhiều hơn so với các vùng đồng bằng
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
70
khác. Điều đó, cũng góp phần làm cho dãy núi Am Các có nhiều khe, suối nhỏ, góp phần làm
cho hồ Hao Hao dưới chân núi lúc nào cũng nhận được nguồn nước bổ sung.
Do những đặc điểm trên, trên địa bàn của dãy núi Am Các nói riêng và vùng đồi núi
phía Tây Nam của tỉnh nói chung đều là vùng có rừng tự nhiên phát triển tốt với nhiều loại gỗ
quý như: lim, lát, sến, gụ và nhiều loài thú lớn như voi, hổ, báo Tuy nhiên, do sức khai
thác và tàn phá của con người mà những cánh rừng nguyên sinh đã không còn được như xưa
nữa. Nhưng trong vài thập kỷ trở lại đây, nhờ sự chú ý và quan tâm của nhà nước cùng các
ngành, các cấp có liên quan, rừng khu vực này đang được tái sinh. Hàng trăm, hàng ngàn
hecta rừng phía Tây Nam của tỉnh nói chung và Am Các nói riêng đã được trồng mới với các
loại cây như thông, bạch đàn Đến nay, tất cả đều cao tốt, che kín khắp các vùng đất trống
đồi trọc. Đi trên con đường lên núi, được ngắm các hàng thông lá nhọn, du khách dễ liên
tưởng như đang đi trên không gian của rừng thông Đà Lạt, và lên cao, nhìn thấy rừng tái sinh
lại có cảm giác như ở trong không gian của rừng và núi Yên Tử. Tất cả đều rất lãng mạn, nên
thơ và nên nhạc.
Núi Am Các sớm được ghi tên vào hàng danh sơn của đất nước bởi sự cao lớn và hình
thế đặc biệt của nó. Đồng thời, ở dãy núi này, Lê Quý Đôn (trong sách Vân đài loại ngữ) và
các tác giả của bộ sách địa chí dưới triều Nguyễn đều có ghi chép đến loại cây trúc hoa và cây
chè đã sản sinh rất nhiều ở vùng này. Đây là những loại cây độc đáo mà người dân trong
vùng, trong tỉnh đã từng khai thác, chế biến để phục vụ nhu cầu đời sống. Hiện nay, dù rừng
tự nhiên đã có nhiều thay đổi, song giống trúc hoa và cây chè đặc sản như sử sách đã ghi chép
vẫn còn mọc rất nhiều. Nhân dân các làng, xã dãy núi Am Các vẫn còn trồng giống chè này ở
vườn nhà, vừa để uống, vừa để bán.
Về ngôi chùa cổ trên núi Am Các, không biết tên chữ của chùa là gì, nhưng từ lâu, dân
gian vẫn quen gọi với cái tên quen thuộc, đó là chùa “Am Các” (hay chùa Các). Đây là ngôi
chùa cổ có từ rất lâu đời. Qua những dấu tích còn lại, các nhà nghiên cứu và nhà khảo cổ học
đã có vài lần tổ chức điền dã, khảo sát tìm ra bằng chứng xác thực để khẳng định đây là ngôi
chùa ít nhất có từ thời Trần; tồn tại, phát triển đến tận thời Lê Trung Hưng và Nguyễn. Đây là
một quần thể di tích được tọa lạc từ thấp tới cao trên lưng sườn núi Am Các, bao gồm: Chùa
Trình - chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Riêng ở chỗ sườn núi phía dưới “chùa Hạ” vẫn
còn lưu giữ được khối đá cát kết tự nhiên khá to khắc hình Phật Quan âm ngự trên tòa sen như
một bức phù điêu đắp nổi. Đây là tác phẩm hiếm thấy trong hệ thống chùa còn lại ở trong tỉnh
và trong nước. Mặc dù mưa, gió, nắng, bão, thời gian làm xói mòn, nhưng bức phù điêu này
vẫn là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật cổ rất quý giá - một bằng chứng sinh động để chúng
ta có thể đoán định về đặc điểm kiến trúc và niên đại của ngôi chùa. Rất tiếc là phía sau và hai
bên khối đá có phù điêu ấy đều đã bị đất đá và cây rừng phủ lấp, nên chưa thể biết được ở đó
có kiến trúc gì không. Còn ở phía trước khối đá phù điêu, các nhà khảo cổ đã làm phát lộ một
nền móng vòng cung (được xếp bằng các hòn đá mồ côi) dài 15,3 m, rộng 2,8 m. Có lẽ, đó là
vỉa nền bảo vệ cho khối đá phù điêu. Theo tôi, đó có thể là khu vực phế tích của một ngôi
chùa cổ có trước cả chùa Hạ.
Từ chân núi đến vị trí phế tích có khối đá phù điêu tượng Phật độ chừng 1,5 km và từ
đây lên chùa Hạ cũng khoảng 1,5 km.
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
71
Lên tới chùa Hạ, chúng ta bắt gặp một không gian khá bằng phẳng tới hơn chục ngàn
mét vuông, mà ở đó là phế tích của một ngôi chùa lớn, gồm chùa chính, dải vũ, nhà ở của sư
đến cổng tam quan, ao chùa và thành đá bao quanh toàn bộ khu vực, cùng rất nhiều hiện vật
đá, gạch, gốm của các thời kỳ Trần, Lê, Nguyễn. Hiện tại, trên nền chùa chính, nhà sư trụ trì
đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ để du khách và người gần, xa đến thắp hương. Các nhà
khảo cổ cũng làm phát lộ nền móng ở một số kiến trúc xung quanh chùa, chứng tỏ nơi đây đã
từng có những kiến trúc khung gỗ, không có chân cột, có niên đại sớm và có chỗ gạch và
móng tường được xếp so le để đỡ cho một kiến trúc khung gỗ có niên đại muộn hơn. Đặc biệt,
ở khoảng sân trước chùa mới làm vẫn còn nguyên bệ đá đội tượng hình hoa sen là một di vật
quý được chế tác từ đá khối cát kết. Ngoài ra, còn có các hiện vật đá được đơn vị bộ đội (thời
chống Mỹ) chất đống ở phía trước sân chùa gồm các chân tảng, bia 4 mặt có chóp hình mái và
các hiện vật bằng đá khác Đây đều là những hiện vật được chế tác từ đá xanh mang từ nơi
khác đến và không hiểu sao trong điều kiện đường trơn, dốc đứng trên quãng đường khá xa,
người xưa đã vận chuyển những hiện vật và khối đá xanh nặng hàng tấn lên được đến đây, có
thể là sức kéo của voi chăng? Tất cả chỉ là sự suy đoán! Cách bó móng ở các kiến trúc khu
chùa này là xếp chồng các hòn đá cuội có sẵn ở núi. Khi đào lên, các nhà khảo cổ còn thấy
nhiều gạch vồ (hình khối chữ nhật) và nhiều mảnh ngói của các thời (nhiều nhất là thời Lê
Trung Hưng). Điều đó chứng tỏ di tích chùa gốc đã từng bị tàn phá hoặc sụp đổ trước đây. Có
một điều rất lạ là các kiến trúc qua thám sát có niên đại muộn nhất là thời Trần, nhưng không
hiểu vì sao qua việc đào bới tự nhiên, hoặc do chỗ núi bị sói mòn, sư trụ trì và dân địa phương
lại nhặt được rất nhiều mảnh gốm cổ và sành, sứ, trong đó có cả gốm thế kỷ X, gốm Lý và
gốm Trần, Lê, Nguyễn. Điều đó, chứng tỏ trên sườn núi, ở những chỗ bằng phẳng đã từng có
con người đến đây cư trú để làm nhà, làm am để thờ tự Đã có một số nhà nghiên cứu suy
đoán vùng đất huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia thời Lê Nguyễn là vùng đất huyện Trường Lạc
thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X), và người đầu tiên suy đoán như vậy chính là giáo sư Đào Duy
Anh (Suy đoán này đã được viết trong sách Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ). Cũng chính
vì vậy, một số nhà nghiên cứu căn cứ vào ghi chép của sách Thiền uyển tập anh (một cuốn
sách cổ của Phật giáo Việt Nam có ghi lại các tông phái thiền học và sự tích các vị thiền sư
nổi tiếng cuối thời Bắc thuộc cho đến các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, trong đó có chép cụ thể về
vị đại sư Khuông Việt (tức Ngô Chân Lưu) để có suy luận rất đáng chú ý như: “Đại sư
Khuông Việt (933 - 1011): Chùa Phật Đà, hương Cát Lỵ, huyện Trường Lạc, họ Ngô tên là
Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (một thụy hiệu của vua Ngô Quyền). Ông dáng mạo
khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng, có chí cao xa. Thuở nhỏ theo học Nho, lớn lên theo
học Phật, cùng bạn đồng học trụ trì đến chùa Khai quốc thụ giới cụ túc với thiền sư Vân
Phong, nhờ đó được đọc rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chí thiền học. Năm bốn mươi
tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng vời về kinh đô (Hoa Lư) để
hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong giữ chức Tăng thống. Năm thứ 2, niên hiệu
Thái Bình (971) sư được ban hiệu là Khuông Việt đại sư. Dưới triều Lê Đại Hành, sư đặc biệt
được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự Về sau lấy
cớ già yếu xin cáo quan về dựng chùa ở núi Du Hí thuộc quận nhà, rồi trụ trì ở đấy, người các
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
72
nơi đến theo học rất đông”. Hiện nay, đã có không ít nhà nghiên cứu nghiêng về quan điểm
cho rằng quê quán của vị quốc sư Ngô Chân Lưu là ở huyện Tĩnh Gia ngày nay và ngôi chùa
cổ trên núi Am Các rất có thể là ngôi chùa mà vị quốc sư họ Ngô đã từng khởi dựng và trụ trì
ở đó cho đến lúc viên tịch. Nhưng rất tiếc, cho đến nay vì chưa có điều kiện khảo sát và khai
quật khảo cổ một cách rộng rãi hơn ở toàn bộ khu vực chùa Am Các, cho nên chúng ta vẫn
chưa phát hiện được dấu vết kiến trúc của ngôi chùa cổ hồi thế kỷ X. Chỗ có khối đá khắc
hình tượng Phật và xung quanh đó, rất có thể có một kiến trúc chùa cổ (sớm hơn nhiều so với
chùa Hạ) còn bị vùi lấp bởi núi lở hoặc cây rừng đè trận (?). Đây chính là một ẩn số thú vị để
tiếp tục nghiên cứu, khảo sát.
Cách chùa Hạ khoảng 500 m theo đường đi lên đỉnh núi là chùa Trung. Phía trước chùa
là cả một không gian rộng lớn và khá bằng phẳng. Tuy nhiên, quy mô kiến trúc của chùa
Trung lại nhỏ hơn so với quy mô kiến trúc của chùa Hạ. Hiện tại, ở đằng sau và hai bên nền
móng chùa, vẫn còn rất nhiều cây trúc hoa mọc xen lẫn trong những lùm cây hoang dại khác.
Chùa Thượng tọa lạc ở đỉnh cao nhất của ngọn núi Các. Ở đây, sư trụ trì và dân thập
phương đã cùng nhau xây dựng được một tháp chuông và 3 gian nhà để du khách thập
phương cầu cúng.
Ngoài hệ thống chùa Hạ, Trung, Thượng như vừa nêu, sư trụ trì và dân thập phương còn
xây dựng thêm cả ngôi đền Mẫu để những người sùng Mẫu đồng hành cùng Phật giáo.
Tại điểm cao chùa Thượng, hoặc chỗ đền Mẫu mới dựng, du khách có thể chiêm
ngưỡng một không gian bao la hùng vĩ và thơ mộng của rừng núi điệp trùng, của hồ nước Hao
Hao hình cánh dơi, của đồng ruộng, xóm làng vùng ven biển. Những hôm trời quang mây và
trong trẻo, phóng tầm mắt về phía đông, có thể thấy được biển cả và đảo Nẹ, đảo Mê cùng
những con thuyền lúc ra khơi, vào lộng. Nếu có điều kiện, từ trên núi, du khách sẽ được ngắm
bình minh lên từ phía biển hoặc lúc hoàng hôn buông xuống tất cả đều huyền ảo, linh diệu
như cõi tiên
Có thể nói, núi và chùa Am Các là một quần thể di tích - thắng cảnh đặc biệt và hấp dẫn
như danh thắng chùa Hương, Yên Tử. Nếu ai đã từng được đến đây tham quan và chiêm
ngưỡng đều có những cảm nhận rằng đây là vùng danh thắng hết sức độc đáo, nên thơ và nên
nhạc. Danh thắng này hiển hiện ngay ở vùng đồng bằng ven biển phía nam tỉnh Thanh Hóa
nên bất kể du khách gần, xa nào cũng có thể thăm thú một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy
nhiên, để núi và chùa Am Các thu hút được đông đảo du khách gần, xa như chùa Hương, Yên
Tử tỉnh, huyện, xã phải sớm vào cuộc lập ra một quy hoạch tổng thể, chi tiết cho việc bảo
tồn, tôn tạo di tích - thắng cảnh một cách hợp lý theo lịch trình, thời gian cụ thể. Hiện tại, với
sự tích cực vận động công đức của nhân dân trong, ngoài địa phương, sư trụ trì đã làm được
một số hạng mục như đường lên núi (được bê tông hóa) cho các phương tiện ô tô, xe máy và
khách bộ hành lên xuống được dễ dàng, nhanh chóng hơn, cùng một số hạng mục ở chùa Hạ,
chùa Thượng, và đền Mẫu. Và cũng mới chỉ dừng ở đó mà núi và chùa Am Các đã bắt đầu thu
hút được rất nhiều du khách. Đấy mới chỉ là sự khởi đầu nhưng cũng rất đáng khích lệ, cần
phát huy hơn nữa.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1990), Thiền uyển tập anh, đại sư Khuông Việt (933 - 1011), Nxb Văn học, Hà
Nội, tr 42 - tr45.
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
73
Hiện nay, bằng nhận thức trực quan, có thể thấy tiềm năng du lịch ở núi và chùa Am
Các là rất lớn, nhưng đầu tư để tôn tạo và khai thác thế nào cho bền vững quả là điều không
dễ dàng. Đây vừa là điểm du lịch tâm linh, nhưng cũng là điểm du lịch sinh thái. Vì vậy, trong
quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phải chú trọng cả hai nội dung cơ bản đó. Ngoài quy hoạch về di
tích, phải quy hoạch cụ thể về sinh thái, cảnh quan của núi và rừng Am Các. Ngay hồ Hao
Hao dưới chân núi nếu đầu tư, tôn tạo một cách hợp lý cũng sẽ góp phần thu hút khách.
Riêng quần thể (hệ thống) chùa Am Các cũng cần phải được trùng tu, tôn tạo một cách
bài bản, khoa học, nhưng cũng phải rất linh hoạt để phù hợp với việc khai thác giá trị trong
phát triển du lịch.
Tóm lại, để núi và chùa Am Các thực sự trở thành một trọng điểm du lịch sinh thái và
tâm linh tiêu biểu ở trong tỉnh, trong nước, chính quyền và các ngành, các cấp có liên quan
cần vào cuộc để triển khai nhanh chóng những vấn đề cơ bản như đã nói ở trên.
Tài liệu tham khảo
[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa.
[2]. Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế giới.
[3]. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1990), Thiền uyển tập anh, đại sư Khuông Việt (933 -
1011), Nxb Văn học.
POTENTIAL FOR TOURISM DEVELOPMENT OF AM CAC PAGODA
(TINH GIA DISTRICT, THANH HOA PROVINCE)
Pham Tan
Assoc.Prof. Dr. Tran Van Thuc
Abstract: Am Cac mountain and pagoda belong to a unique complex of relics and
landscapes in the southern region of Thanh Hoa province. So far, due to the natural
destruction of nature and historical fluctuations, the ancient architecture of the temple is no
longer available. However, Am Cac mountain and pagoda still contain many historical -
cultural values that were initially confirmed through archaeological surveys, excavations and
many other artifacts. Am Cac mountain and pagoda always contain great potentials for
tourism development to become a spiritual and eco - tourism site in Thanh Hoa in particular
and nationwide in general.
Keywords: Am Cac mountain and pagoda; historical - cultural values; tourism
development.
Người phản biện: TS. Nguyễn Thị Thục (ngày nhận bài 18/7/2019; ngày gửi phản biện
20/7/2019; ngày duyệt đăng 30/9/2019).
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tiem_nang_phat_trien_du_lich_cua_chua_am_cac_huyen_tinh_gia.pdf