Dưới góc độ triết học, tác giả tiếp cận ba vấn đề về nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc chuyển lên sản xuất hàng hoá. Thứ nhất, phân tích bản chất và hạn chế của nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc. Thứ hai, bàn về bản chất và tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá. Thứ ba, làm rõ việc chuyển kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hoá là một quá trình mang tính quy luật, tất yếu, cần có những điều kiện trực tiếp: phát triển lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội, thị trường, năng lực tổ chức và quản lý, nhân tố tài chính, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ .
12 trang |
Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 1887 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiếp cận từ giác độ triết học nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc chuyển lên sản xuất hàng hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIẾP CẬN TỪ GIÁC ĐỘ TRIẾT HỌC NỀN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỰ
CẤP, TỰ TÚC CHUYỂN LÊN SẢN XUẤT HÀNG HÓA
LÊ HUY THỰC (*)
Dưới góc độ triết học, tác giả tiếp cận ba vấn đề về nền kinh tế nông nghiệp
từ tự cấp, tự túc chuyển lên sản xuất hàng hoá. Thứ nhất, phân tích bản chất
và hạn chế của nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc. Thứ hai, bàn về bản
chất và tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá. Thứ ba,
làm rõ việc chuyển kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng
hoá là một quá trình mang tính quy luật, tất yếu, cần có những điều kiện trực
tiếp: phát triển lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội, thị trường,
năng lực tổ chức và quản lý, nhân tố tài chính, áp dụng khoa học, kỹ thuật và
công nghệ...
1. Bản chất và hạn chế của nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc
Trong nhiều tài liệu mácxít, khái niệm "tự cấp, tự túc" còn được viết là "tự
cung tự cấp", v.v.. Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã có những
luận giải sâu sắc về nền kinh tế tự cấp, tự túc. Trong Tiền công, giá cả và lợi
nhuận, C.Mác viết: "Người nào sản xuất ra một vật phẩm cho nhu cầu trực
tiếp của mình để chính mình tiêu dùng vật phẩm ấy thì người đó làm ra một
sản phẩm, chứ không phải một hàng hóa. Với tư cách là người sản xuất tự
cung tự cấp, người đó không có gì dính dáng tới xã hội cả"(1). Như vậy, theo
quan điểm của C.Mác, sản xuất tự cấp, tự túc là sản xuất ra vật phẩm chỉ để
tiêu dùng chứ không phải để đem bán. Quan niệm như vậy về sản xuất tự cấp,
tự túc còn được Ph.Ăngghen trình bày rõ trong một số tác phẩm nổi tiếng.
Chẳng hạn, trong Chống Đuyrinh, ông viết: "Trong xã hội thời trung cổ,... sản
xuất nhằm chủ yếu là để thỏa mãn sự tiêu dùng của bản thân... Do đó, ở đây
không có trao đổi, và vì vậy sản phẩm cũng không mang tính chất hàng hóa.
Gia đình người nông dân sản xuất ra hầu hết những vật họ cần dùng: cả công
cụ và quần áo, cũng như thực phẩm"(2). Trong một tác phẩm khác,
Ph.Ăngghen viết: "Trong xã hội Ấn Độ thời cổ và trong cộng đồng gia tộc
Nam Xlavơ, các sản phẩm không biến thành hàng hóa. Các thành viên của
công xã trực tiếp tổ chức thành xã hội để sản xuất; công việc được phân chia
theo tập quán và các nhu cầu; các sản phẩm cũng đều được phân phối như thế
theo yêu cầu tiêu dùng. Sự sản xuất trực tiếp có tính xã hội, cũng như việc
phân phối trực tiếp, loại trừ mọi sự trao đổi hàng hóa, do đó cũng loại trừ cả
việc biến sản phẩm thành hàng hóa"(3). Rõ ràng, các nhà sáng lập chủ nghĩa
xã hội khoa học đã nhấn mạnh: sản xuất chỉ để tự cấp, tự túc, đáp ứng nhu
cầu người lao động thì không phải là sản xuất hàng hóa.
Nền kinh tế tự nhiên là nền kinh tế trong đó sản phẩm do người lao động làm ra
không phải để trao đổi trên thị trường mà chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu kinh tế
nội bộ. Vậy, thực chất của kinh tế tự nhiên là sản xuất tự cấp, tự túc. Trong
Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước, Ph.Ăngghen
cho rằng, nền kinh tế đó là cơ sở của phương thức sinh hoạt cổ truyền của các
cộng đồng nông thôn, và chế độ thị tộc tuyệt đối không thể dung hợp với nền
kinh tế tiền tệ(4). Tiền tệ là một loại hàng hóa đặc biệt và vì vậy, kinh tế tiền tệ
là kinh tế hàng hóa. Theo quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, kinh
tế tự nhiên, tự cấp, tự túc mang tính phổ biến trong xã hội thị tộc xa xưa và
trong các xã hội ấy không có kinh tế hàng hóa.
Lịch sử xã hội loài người đã phát triển đến giai đoạn văn minh công nghiệp.
Nền kinh tế tự cấp, tự túc trong thời đại ngày nay tuy không còn mang tính
phổ biến nhưng nó vẫn tồn tại. V.I.Lênin đã chỉ rõ, ở nước Nga, vào năm
1921, "có năm chế độ khác nhau, hay là năm kết cấu, năm hệ thống kinh tế
khác nhau; nếu tính từ dưới lên trên thì như sau: thứ nhất là kinh tế gia
trưởng, đó là nền kinh tế nông dân tự cung tự cấp, hoặc là ở trong trạng thái
du cư hoặc nửa du cư…; thứ hai là kinh tế hàng hóa nhỏ, nó bán sản phẩm
trên thị trường; thứ ba là kinh tế tư bản, đó là sự xuất hiện của các nhà tư bản,
của tư bản tư nhân không lớn lắm; thứ tư là chủ nghĩa tư bản nhà nước; và thứ
năm là chủ nghĩa xã hội"(5). Trong đó, kinh tế tự cung tự cấp ở vào trình độ
thấp kém, lạc hậu nhất, nó đồng nghĩa với kinh tế gia trưởng, sản xuất nhỏ và
hoàn toàn khác với nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
Tóm lại, bản chất của nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc là sản xuất ra vật
phẩm để tự tiêu dùng, người sản xuất không có sản phẩm dư thừa để bán và
cũng không có điều kiện mua sản phẩm lao động của người khác.
Một nền kinh tế nông nghiệp sản xuất tự cấp, tự túc như vậy rõ ràng có nhiều
hạn chế trên mọi khía cạnh: trình độ lực lượng sản xuất, năng suất lao động,
tính hiệu quả... Trên thực tế, nó chỉ tạo ra được một khối lượng sản phẩm ít
ỏi. Người lao động trong nền kinh tế sản xuất ấy không có nhu cầu hoặc
không có điều kiện thực hiện nhu cầu tiêu dùng nhiều sản phẩm lao động
khác. Không có nhu cầu hoặc không thực hiện được nhu cầu thì không có lợi
ích. Không có lợi ích, tức là không tạo ra được động lực phát triển xã hội. Tất
nhiên, nhu cầu và lợi ích đề cập ở đây là nhu cầu và lợi ích lành mạnh, chính
đáng.
Nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc với quy mô nhỏ bé, giới hạn trong phạm
vi đơn vị gia đình (mảnh vườn, thửa ruộng không lớn) và phương thức canh tác
đơn giản, được tiến hành bằng những công cụ thô sơ (cái cày, cái liềm, cái
cuốc…) để xới xáo đất ruộng, vườn, gieo hạt, cấy, trồng, v.v., xa lạ với tiến bộ
khoa học, kỹ thuật - một động lực phát triển xã hội. Con người lao động ở đấy
chỉ dựa vào kinh nghiệm và sự may rủi, chỉ biết vun vén cho riêng bản thân và
gia đình mình. Họ có tầm nhìn hạn hẹp, trạng thái tâm lý không ổn định, thậm
chí tự bằng lòng với sự kém cỏi của mình,… Họ đã quen với sự tĩnh lặng, khép
kín của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu.
Với lực lượng sản xuất thủ công, lạc hậu, người lao động không có tri thức,
chủ yếu dựa vào kinh nghiệm…, nền kinh tế tự cấp, tự túc không thể tạo nên
năng suất lao động cao, không tạo ra tích lũy cần thiết để tái sản xuất mở
rộng...
Một hạn chế khác nữa của nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc là người lao
động ở đây vô hình trung đã đóng cửa, tuyệt giao với bên ngoài. Tại sao vậy?
Vì họ không cần mua bán, trao đổi gì hết. Đặc điểm này của người nông dân,
của nền sản xuất tự cung tự cấp trong xã hội cũ là một hạn chế; trong thời đại
ngày nay, hạn chế đó cần phải được khắc phục, thay đổi. Lúc này cần phải
mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới, nếu dân tộc, quốc gia nào còn bế
quan toả cảng là tự giết mình.
Hiện nay, mỗi vùng, miền của Việt Nam, cũng như toàn thế giới, phải đẩy
mạnh sản xuất, cần có quan hệ, mua bán, trao đổi hàng hoá với địa phương,
quốc gia khác để đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu của mình và học tập kinh
nghiệm từ bạn bè, đồng chí, thu được lãi suất, lợi nhuận chính đáng, v.v. giúp
cho việc phát triển với tốc độ cao và bền vững. Muốn vậy, chúng ta cần làm
nhiều việc. Một trong số đó là giáo dục ý thức, tinh thần, kỷ luật lao động mới
cho giai cấp nông dân, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào
sản xuất để chuyển nền kinh tế nông nghiệp còn nhiều biểu hiện tự cấp, tự túc
lên sản xuất hàng hóa trong thời kỳ đổi mới để phát triển và tiến lên chủ nghĩa
xã hội.
2. Bản chất và tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng
hóa
Theo C.Mác, sản xuất hàng hóa, lưu thông hàng hóa phát triển và thương mại(6)
là những tiền đề lịch sử cho sự xuất hiện của tư bản. Ba tiền đề ấy, nếu phân tích
thì thấy tiền đề 2 và 3 đều là hệ quả của tiền đề 1 (sản xuất hàng hóa), bởi phải
có sản xuất hàng hóa thì mới có lưu thông hàng hóa và thương mại (mua bán
hàng hóa). Nói cách khác, sản xuất hàng hóa là tiền đề có ý nghĩa quyết định làm
xuất hiện tư bản.
Quan niệm của chủ nghĩa xã hội khoa học về bản chất của sản xuất hàng hóa như
thế nào? Luận điểm sau của Ph.Ăngghen đã trả lời cho câu hỏi đó: "Chúng tôi
(tức C.Mác và Ph.Ăngghen – T.G.) dùng "sản xuất hàng hóa" để chỉ giai đoạn
phát triển kinh tế trong đó những vật phẩm được sản xuất ra không phải chỉ để
thỏa mãn những nhu cầu của người sản xuất mà còn để trao đổi, nghĩa là được
sản xuất ra với tính cách là những hàng hóa... Giai đoạn ấy kéo dài từ thời kỳ bắt
đầu sản xuất để trao đổi cho đến ngày nay; nó chỉ đạt tới sự phát triển đầy đủ của
nó trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nghĩa là trong những điều kiện mà nhà
tư bản, kẻ sở hữu các tư liệu sản xuất, dùng tiền công thuê công nhân"(7). Sự
diễn giải đó của Ph.Ăngghen trong lời tựa cuốn Sự phát triển của chủ nghĩa xã
hội từ không tưởng đến khoa học xuất bản bằng tiếng Anh năm 1892 đã làm rõ
quan niệm coi sản xuất hàng hóa là nền sản xuất vừa để thỏa mãn nhu cầu của
người lao động, vừa để trao đổi sản phẩm tạo ra với tính cách những hàng hóa.
Từ quan niệm ấy của chủ nghĩa xã hội khoa học, có thể suy ra nền kinh tế nông
nghiệp sản xuất hàng hóa là nền sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm
cho nhu cầu tiêu dùng của người sản xuất, mà còn để trao đổi, mua bán. Trong
Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen cũng khẳng định: chỉ khi nào những người nông
dân thời trung cổ "sản xuất được một số dư ngoài nhu cầu của bản thân và ngoài
số phải nộp cho chúa phong kiến dưới hình thức hiện vật, thì chỉ khi đó họ cũng
sản xuất ra hàng hóa; số dư đó, được ném vào trao đổi xã hội, nhằm để đem bán,
đã trở thành hàng hóa"(8). Ở đây, tác giả cuốn luận chiến nổi tiếng đã nói rõ bản
chất của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa là nền kinh tế không chỉ tạo
ra được số sản phẩm đủ cho người lao động sử dụng, mà còn có sản phẩm dư để
trao đổi ngoài thị trường.
Việc mua bán, trao đổi sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng
hóa góp phần thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nông phẩm của một đối tượng rộng
lớn hơn, đó là cả cộng đồng xã hội. Nhờ có trao đổi, mua bán mà người sản
xuất nông nghiệp không những trực tiếp tiêu dùng sản phẩm lao động của
mình, mà còn có thể cung cấp sản phẩm cho cả cộng đồng xã hội, khu vực và
thế giới; do vậy, được đối tác cung cấp lại những sản phẩm hàng hóa khác,
đặc biệt là tiền. Có được những hàng hóa, vật phẩm đó, người sản xuất hàng
hóa trong nông nghiệp càng có điều kiện để duy trì và phát triển sản xuất.
Đáp ứng, thỏa mãn được nhu cầu của số đối tượng đông đảo, thực hiện được
nhiều lợi ích hơn và đặc biệt, kích thích nền sản xuất xã hội phát triển, v.v. là
những dấu hiệu chứng tỏ tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất
hàng hóa so với nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc.
Ngoài ra, khi trao đổi sản phẩm hàng hoá giữa các vùng, miền, quốc gia này
với vùng, miền, quốc gia khác, người lao động cũng như quần chúng nhân
dân nói chung còn được thưởng thức, tận hưởng những giá trị văn hoá chứa
đựng trong đó. Nói cách khác, nhờ quá trình đó, người lao động nông nghiệp
thực hiện được nhiều nhu cầu hơn. Nhu cầu được thực hiện thì trở thành lợi
ích - động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển xã hội
Kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá phát triển là nền tảng vững chắc tạo
nên sự thay đổi toàn diện theo hướng tích cực của đời sống kinh tế – xã hội ở
khu vực nông thôn. Đây là một trong những nhân tố cơ bản có tác dụng và ý
nghĩa lớn để củng cố, giữ vững sự ổn định chính trị. Chế độ chính trị được
củng cố, không có biến động phức tạp… là điều kiện cực kỳ quan trọng để
phát triển tất cả các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội. Vị trí, vai trò này của
kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá đã được thực tiễn khẳng định. Vì thế,
nó cần được phát triển hơn nữa để góp phần vào thực hiện mục tiêu dân giàu,
nước mạnh.
Tính ưu việt nói trên của nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa đã lý giải
vì sao trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương và tích cực
chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa.
3. Chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng
hóa: tính tất yếu và những điều kiện
Kinh tế nông nghiệp ở trình độ tự cấp, tự túc, sản xuất nhỏ có đặc trưng điển
hình là sở hữu tư nhân, manh mún về ruộng đất. Theo C.Mác, "chế độ sở hữu
ruộng đất nhỏ loại trừ sự phát triển những sức sản xuất xã hội của lao động,
những hình thái xã hội của lao động, sự tập trung tư bản xã hội, việc chăn
nuôi theo quy mô lớn, việc ứng dụng khoa học một cách tiến bộ vào nông
nghiệp"(9). Kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc như thế rõ ràng là vật cản, đi
ngược lại xu thế vận động, phát triển của lực lượng sản xuất, của sản xuất và
của khoa học, kỹ thuật. Thực tế cho thấy, lực lượng sản xuất và khoa học, kỹ
thuật không ngừng phát triển. Đặc biệt, khoa học, kỹ thuật trong thời đại hiện
nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và hầu như tất cả các quốc gia,
dân tộc đều tranh thủ ứng dụng thành tựu của nó để phát triển. Nền sản xuất
nông nghiệp tự cấp, tự túc vốn không có nhu cầu, thậm chí xa lạ, thù địch với
khoa học, kỹ thuật; vì vậy, nó không thể tồn tại được trong giai đoạn lịch sử
mới và tất yếu phải chuyển lên sản xuất hàng hóa. Đến lượt mình, nền sản
xuất hàng hoá lại đặt ra nhu cầu thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kỹ thuật,
công nghệ hiện đại. Sự tác động biện chứng đó sẽ khiến sản xuất và các lĩnh
vực khác của đời sống xã hội phát triển.
Thực tế đã cho thấy, sau mỗi cuộc phân công lao động, nền sản xuất xã hội lại
được chia tách ra thành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau: chăn nuôi tách khỏi
trồng trọt, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, v.v.. Từ đấy, con người lao
động và lao động được chuyên môn hóa. Mặt khác, con người có nhu cầu tiêu
dùng rất nhiều sản phẩm lao động của nhiều ngành nghề, chứ không giới hạn
ở một số sản phẩm lao động của một vài ngành nghề nào đó. Những năm gần
đây, tại nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển, người ta tính ra rằng, nông
nghiệp cần tới sản phẩm của khoảng từ 90 đến 100 ngành công nghiệp khác
nhau để làm tư liệu sản xuất và phục vụ sản xuất. Càng ngày nông nghiệp
càng cần đến những tư liệu sản xuất công nghiệp hơn, còn những tư liệu sản
xuất do sức lực và phương tiện của chính nó sản xuất ra lại giảm đi(10). Điều
này chứng tỏ nông nghiệp cần hàng hóa của ngành kinh tế khác, và do vậy,
cũng cần sản xuất ra sản phẩm hàng hóa để đổi lấy tiền, rồi dùng tiền này
mua hàng hóa, sản phẩm của những ngành kinh tế khác. Thực tế hiển nhiên
không thể phủ nhận được ấy cho thấy, nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc
vốn không có mua bán, trao đổi hàng hoá, nếu còn tồn tại trong thời đại hiện
nay là một phi lý; vì thế, nó phải được chuyển lên sản xuất hàng hóa, và việc
chuyển này mang tính tất yếu, hợp quy luật.
Nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa có khả năng đáp ứng được nhiều
nhu cầu, đem lại không ít lợi ích cho xã hội nói chung và người lao động nói
riêng. Nó ưu việt, tiến bộ hơn hẳn so với nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự
túc. Bởi vậy, đối với nước ta, việc chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp,
tự túc lên sản xuất hàng hóa là vấn đề cấp bách trong thời kỳ đổi mới, công
nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việc chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa là
một vấn đề mang tính bức thiết và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử xã
hội. Phải có những nhân tố, điều kiện để cho quá trình đó được thực hiện nhanh
và hiệu quả nhất. Về vấn đề này, các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học
cũng như giới nghiên cứu, giảng dạy lý luận của chúng ta đã bàn luận tương
đối kỹ.
Phân công lao động xã hội, theo C.Mác, là điều kiện để tồn tại sản xuất hàng
hóa. Trong Tiền công, giá cả và lợi nhuận, ông viết: "để sản xuất ra hàng
hóa, người đó không những phải sản xuất ra một vật phẩm thỏa mãn một nhu
cầu xã hội nào đó, mà bản thân lao động của người đó còn phải hợp thành
một bộ phận không thể tách rời hay một phần của tổng số lao động mà xã hội
đã chi phí. Lao động của người đó phải phục tùng sự phân công lao động
trong xã hội"(11). Nhân tố, điều kiện phân công lao động xã hội để có sản
xuất hàng hóa còn được C.Mác lý giải rõ và cụ thể trong tác phẩm Tư bản. Ở
đấy, ông nhấn mạnh: "Muốn cho sản xuất biến thành hàng hóa thì sự phân
công lao động trong xã hội phải phát triển đến mức mà sự tách rời giữa giá trị
sử dụng và giá trị trao đổi, chỉ mới chớm nở trong việc trao đổi sản phẩm lấy
sản phẩm, thì nay phải hoàn thành hẳn"(12).
Thị trường cũng được C.Mác quan niệm là một nhân tố làm xuất hiện sản
xuất hàng hóa. Trong tác phẩm vừa dẫn ở trên, ông viết: "Sự trao đổi sản
phẩm khi các cộng đồng tiếp xúc với nhau và do đó đã dần dần biến những
sản phẩm ấy thành hàng hóa"(13). Như vậy, theo quan điểm của C.Mác, phân
công lao động và thị trường là hai nhân tố cơ bản làm xuất hiện sản xuất hàng
hóa. V.I.Lênin bình luận: "khái niệm "thị trường" hoàn toàn không thể tách
rời khái niệm phân công xã hội được, - sự phân công này, như C.Mác đã nói,
là "cơ sở chung của mọi nền sản xuất hàng hóa""(14).
Thị trường và phân công lao động xã hội là những nhân tố cơ bản làm xuất
hiện sản xuất hàng hóa. Vậy, thị trường và phân công lao động trong nền kinh
tế nông nghiệp cũng sẽ làm cho nền kinh tế này từ không sản xuất hàng hoá
trở thành sản xuất hàng hóa.
Việc coi trọng nhân tố thị trường trong sản xuất hàng hóa nói chung, trong
việc chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa
nói riêng là hoàn toàn chính xác và hợp lý. Bởi vì, đã có kinh tế hàng hóa thì
đồng thời phải có mua bán, trao đổi sản phẩm, và do vậy, tất yếu phải có thị
trường. Với lôgíc đó, chúng ta thấy học thuyết của I.M.Keynes là khó được sự
đồng tình của nhiều người đọc và không ít nhà nghiên cứu, vì nó đề cao quá
đáng vai trò chính sách kinh tế của nhà nước, như chính sách khuyến khích
đầu tư, chính sách thuế và công trái, chính sách khuyến khích kinh doanh và
tiêu dùng cá nhân, và tỏ ra coi nhẹ tác dụng cùng sự điều chỉnh của cơ chế thị
trường(15).
Ở Việt Nam, chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý và chính sách của
Nhà nước là những nhân tố cực kỳ quan trọng để chuyển nền kinh tế nông
nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa. Đảng ta là đảng duy nhất cầm
quyền. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và
đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà
nước đều hướng đến lợi ích của đất nước và của nhân dân, coi nhân dân là đối
tượng phục vụ. Bước chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản
xuất hàng hóa phải do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản
lý của Nhà nước.
A.Smít, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, đưa ra thuyết "bàn tay vô hình"
và nguyên lý "nhà nước không can thiệp" vào nền kinh tế hàng hóa. Theo
ông, nhà nước chỉ đôi khi có chức năng kinh tế nhất định, như trong trường
hợp các vấn đề kinh tế vượt quá khả năng của một doanh nghiệp(16). Có thể
Smít đã đúng khi ông nói về nhà nước tư sản. Nhưng, quan niệm, lý thuyết
của ông rõ ràng là sự phản ánh sai lầm về vai trò, chức năng của nhà nước nói
chung, của nhà nước xã hội chủ nghĩa nói riêng.
Tài chính là một nhân tố, điều kiện không kém phần quan trọng để chuyển nền
kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa. Nền kinh tế sản xuất
hàng hóa là nền sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, mua bán. Cả mua và bán đều
cần tài chính, tiền bạc, điều này là quá đơn giản, dễ hiểu đối với nhiều người, vì
thế, không cần bàn luận thêm nữa ở đây.
Khoa học, kỹ thuật, công nghệ là một nhân tố quan trọng khác làm cho nền
kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc chuyển lên sản xuất hàng hóa. Việc áp
dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hàng hóa sẽ tạo nên
năng suất cao, sản phẩm nhiều về lượng và tốt về chất, giá thành hạ, hiệu quả
và giá trị kinh tế cao. Xem thường hoặc chưa coi trọng đúng mức vai trò của
tiến bộ khoa học, thiếu quan tâm, chú ý áp dụng, cải tiến kỹ thuật, công nghệ
trong sản xuất hàng hóa nói chung, trong nền kinh tế nông nghiệp sản xuất
hàng hóa nói riêng thì chắc chắn sẽ phải trả giá.
Vậy là, để chuyển kinh tế nông nghiệp từ tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hoá,
cần có những điều kiện cơ bản (phân công lao động xã hội; thị trường; năng
lực tổ chức và quản lý sản xuất, tài chính; tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công
nghệ…). Song, vấn đề đặt ra là, những yếu tố ấy không tự xuất hiện. Chính sự
phát triển của lực lượng sản xuất mới làm cho sản xuất phát triển. Sản xuất
phát triển mới dẫn đến phân công lao động xã hội và đòi hỏi ứng dụng khoa
học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Sản xuất phát triển mới làm ra
nhiều của cải vật chất dư thừa để đem bán, trao đổi ngoài phần phục vụ nhu
cầu trực tiếp của người sản xuất. Do vậy, thị trường ra đời. Bởi vậy, cần đặc
biệt chú ý phát triển lực lượng sản xuất trong kinh tế nông nghiệp. Đó phải
được coi là nền tảng cho bước chuyển của lĩnh vực hoạt động kinh tế này từ
tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá. Ở Việt Nam, điều kiện này càng đặc
biệt quan trọng.
Tóm lại, để có sản xuất hàng hoá nói chung và sản xuất nông nghiệp hàng hoá
nói riêng, ngoài việc phát triển các nhân tố cơ bản như phân công lao động xã
hội, thị trường, quản lý, tài chính, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ,
chúng ta còn cần phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển lực lượng sản xuất
trong nông nghiệp. Đó là tiền đề cực kỳ quan trọng, là điều kiện của điều kiện
đã bàn ở đây./.
(*) Nghiên cứu viên, Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị - Hành
chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.16. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1997, tr.170.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.378.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.427.
(4) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.168.
(5) V.I.Lênin. Toàn tập, t.43. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.187 - 188.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1993, tr.221.
(7) C.Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.22, tr.425 - 426.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.378.
(9) C.Mác và Ph. Ăngghen. Sđd., t.25, ph.II, tr.524.
(10) Xem: Khoa Kinh tế chính trị Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Kinh
tế chính trị Mác - Lênin, t.II. Nxb Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội,1976,
tr.370 - 371.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Sđd., t.16, tr.170.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.254.
(13) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.511.
(14) V.I.Lênin. Toàn tập. Sđd., t.1, tr.114.
(15) Xem: Nguyễn Đình Hợi (chủ biên). Kinh tế nông nghiệp. Nxb Tài chính,
Hà Nội, 1997, tr.164.
(16) Nguyễn Đình Hợi (chủ biên). Sđd., tr.163
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_79__4823.pdf