MỤC LỤC
TRỊNH CÔNG SƠN - TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM 2
A. ĐẶT VẤN ĐỀ 4
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 5
I. CÁI ĐẸP TRONG ÂM NHẠC MANG ĐẬM CHẤT THƠ 5
1. Mối quan hệ giữa cái đẹp trong thơ và cái đẹp trong nhạc Trịnh Công Sơn 5
2. Trịnh Công Sơn - quan điểm sáng tác 6
II. CÁI ĐẸP TRONG CA TỪ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN 8
1. Cái đẹp từ xác chữ 8
1.1. Cái đẹp từ thể thơ 9
1.2. Cái đẹp từ kết cấu 12
1.3. Cái đẹp từ nhịp điệu 15
1.4. Cái đẹp ở ngôn từ 17
1.4.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh 18
1.4.2. Sự lạ hóa ngôn từ 19
2. Cái đẹp của hồn thơ 20
3. Điều còn lại sau cùng 23
C- KẾT LUẬN 24
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VÀ BỨC HỌA VỀ CỐ NHẠC SĨ 25
TRỊNH CÔNG SƠN 25
28 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 7909 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Cái đẹp của ca từ trong nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Đại học khoa học xó hội và nhõn văn
Khoa Văn học
-------µ-------
Bài tiểu luận giữa kỳ:
Mỹ học đại cương
CHỦ ĐỀ: CÁI ĐẸP CỦA CA TỪ TRONG NHẠC PHẨM TRỊNH CÔNG SƠN
GVHD:
SV :
Lớp :
TRỊNH CÔNG SƠN - TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM
Trịnh Công Sơn quê ở Huế, sinh ngày 28/2/1939, mất ngày 1/4/2001 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông là hội viên Hội nhạc sĩ Việt nam, từng là Phó tổng biên tập phụ san Thế giới Âm nhạc (Hội nhạc sĩ Việt Nam).
Thời niên thiếu, ông ở Huế, rồi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn, lên dạy học ở Blao (Lâm Đồng). Sau đó bỏ hẳn dạy học về sống và sáng tác tại Sài Gòn.
Từ sau năm 1975, ông về Huế hoạt động ở Hội văn học nghệ thuật một thời gian rồi trở lại thành phố Hồ Chí Minh sống và hoạt động âm nhạc, hội họa.
Ca khúc đầu tiên: Ướt mi (Nxb An Phú, Sài Gòn).
Từ sau 1975, ông về Huế hoạt động ở Hội văn học nghệ thuật một thời gian rồi trở lại thành phố Hồ Chí Minh sống và hoạt động âm nhạc, hội họa.
Ca khúc đầu tiên: Ướt mi (Nxb An Phú, Sài Gòn – 1959).
Các tập ca khúc: Tuổi đá buồn, Khói trời mênh mông, Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Một cõi đi về, Huyền thoại mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên, Những bài ca không năm tháng...cùng với nhiều album trên băng cassette, băng video, đĩa CD, VCD.
Năm 1972, ông đã được Đĩa vàng ở Nhật Bản với bài Ngủ đi con (trong Ca khúc da vàng) phát hành trên hai triệu đĩa.
Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách Khoa “Encyclopédie de tuos pays du monde” (coll. Les Millions).
A- ĐẶT VẤN ĐỀ
Nếu như Văn Cao đến bên đời như một dòng thác ba nhánh đổ ào ạt với con sóng cách mạng “Tiến quân ca” – trào dâng mạnh mẽ thì Trịnh Công Sơn lại như một dòng sông với phù sa lắng đọng cả thơ-nhạc-họa để gom góp cho đời một dòng chảy êm êm: dòng nhạc Trịnh. Người ta không nhắc đến Trịnh Công Sơn với một bài ca nào riêng rẽ, người ta nhớ “Ướt mi” rồi chẳng biết tự khi nào lại hát “Huyền thoại mẹ”. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn làm thành một dòng nhạc riêng trong muôn vàn tiếng hát Việt Nam. Gần nửa thế kỷ qua, từ tác phẩm đầu tay năm 1959 - Ướt mi được nhà xuất bản An Phú, Sài Gòn ấn hành, âm nhạc Trịnh Công Sơn vượt qua cả đường biên lãnh thổ, cả sự trôi chảy miên viễn của thời gian. Hơn 600 bài hát của Trịnh Công Sơn - những món quà mà ông mang tặng cho người “trong cuộc liên hoan trên đất đai xứ sở này” – có mấy ai yêu hết và nhớ hết. Nhưng ở mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi thời thế và tùy theo tâm trạng mà người ta yêu, người ta nhớ đến một khúc hát nào dó. Ca khúc của ông vang lên trong đêm Hà thành nườm mượp những lo âu, phá tan rồi hòa mình vào tiếng thì thầm của lăng miếu, bia mộ trên đất Huế nhẹ nhàng, cô tịch; rồi đi sâu hơn, lẫn vào cơn mưa Sài Gòn ồ ạt để gột rửa cái không gian bấn loạn của thị thành đầy mưu toan vội vã. Bên một góc phố xa lạ nào của phần kia trái đất, ở Nhật, ở Mỹ, ở Pháp…có lẽ nhạc Trịnh cũng đang được cất lên.
Vậy cái gì đã làm nên âm nhạc Trịnh Công Sơn, làm nên tình yêu đến mê đắm của công chúng đói với những bài hát của ông? Nhạc sĩ Văn Cao lí giải: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim”. Quá trình hơn 40 năm sáng tác của Trịnh Công Sơn là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ. Phía cuối cuộc hành trình ấy, người đọc tìm thấy sự bất diệt trong ca khúc của ông. Thi ca, chất thơ là cái đẹp vĩnh hằng chan chứa trong ca từ Trịnh Công Sơn chính là cái nguyên do chính đáng nhất để âm nhạc của ông đi thẳng vào trái tim vốn đa cảm trong lồng ngực con người, và cứ ở đó như đã thế, vẫn thế. Âm nhạc Trịnh Công Sơn như một bài thơ, đúng là một bài thơ, sâu sắc và thấm thía đến từng chữ, từng câu, không có chữ thừa, không có chứ thiếu: “Cái đẹp trong ca từ, cả xác chữ lẫn hồn thơ, bảng lảng lờ mờ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng, đẹp làm sao nhưng cũng hơi ma quái thế nào…”.
Xem xét ca từ của Trịnh Công Sơn để thấy rằng, ca khúc chỉ có thể là nghệ thuật và sự cứu rỗi con người khi nó đẹp như một bài thơ. Người nghệ sĩ viết nhạc nhưng cũng cần hành trình vào bề sâu của ngôn ngữ, lao động sáng tạo một cách nghiêm túc.
B- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. CÁI ĐẸP TRONG ÂM NHẠC MANG ĐẬM CHẤT THƠ
1. Mối quan hệ giữa cái đẹp trong thơ và cái đẹp trong nhạc Trịnh Công Sơn
Được sinh ra từ đời sống tinh thần phong phú và đa phức của loài người, những đứ con của nghệ thuật là một thể hợp nhất khó tách rời. Đứng trên nhiều góc độ khac nhau người ta đã cố gắng phân chia nghệ thuật thành bảy loại hình: kiến trúc, hội họa, âm nhạc, văn học, điêu khắc, điện ảnh, sân khấu. Nhưng ranh giới giữa chúng vẫn là sợi dây mảnh dẻ đến vô hình, Kôginốp đã gọi: kiến trúc là âm nhạc ngưng tụ, âm nhạc bằng đá. Hoa văn là âm nhạc được khắc họa, âm nhạc của thị giác. Nhảy múa là âm nhạc của cơ thể. Thơ trữ tình là âm nhạc của ngôn ngữ. Âm nhạc là kiến trúc của âm thanh, là hoa văn của thính giác, là thơ trữ tình không lời…
Trong sợi dây liên kết bền vững của văn học và các loại hình nghệ thuật thì mối liên hệ giữa văn học và hội họa, văn học và âm nhạc là hai mối liên hệ cơ bản nhất. Mặc dù ca từ của Trịnh Công Sơn cũng giống như những bức họa khắc tạc nên hàng loạt hình ảnh siêu thực , tượng trưng. Nói đến mối quan hệ thơ ca - âm nhạc, tức là phải nói đến ảnh hưởng của hai loại hình nghệ thuật này: Nghệ thuật ngôn ngữ và nghệ thuật âm thanh. Âm nhạc và thơ ca cùng có một phương thức phản ánh, là phương thức phản ánh trữ tình. Ca từ tìm thấy trong thơ ca những tiếng hát thiết tha của cảm xúc con người, nên trong hành trình đến với trái tim, ca từ chọn thơ ca làm bạn đồng hành. Và như thế ca từ trong âm nhạc mang chất thơ rõ rệt. Cũng có thể nói rằng, chất thơ là đặc trưng quan trọng bậc nhất của ca từ âm nhạc. Một bài hát hay phải đẹp như một bài thơ trữ tình đặc sắc. Trong những tác phẩm thanh nhạc của âm nhạc Việt Nam, dường như ta thấy hình tượng ngôn ngữ và hình tượng âm nhạc trùng khớp. Nghe nhạc Văn Cao, ta thấy ông sang trọng như một ông hoàng với “tứ nhạc phong phú, nét nhạc thanh thoát và dìu dặt, người thưởng thức đi vào cõi êm đềm, quấn quít giữa sự giao duyên thơ và nhạc”. Còn âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó là những bài thơ - nhạc với ca từ đẹp đến độc đáo, lạ kỳ, đó là cái đẹp trong cõi thơ Trịnh Công Sơn.
2. Trịnh Công Sơn - quan điểm sáng tác
Sinh thời Trịnh Công Sơn đã từng viết: “ Tôi rất ngại nói về mình mặc dù đã có nhiều cơ sở xuất bản báo chí trong và ngoài nước đề nghị viết về một quá trình khá dài trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi” (Thế giới âm nhạc - tháng 1/1997). Quả thật, hơn 600 bài của ông thì hiếm có ai biết hết, nhưng những bài viết như chuyện trò, tâm sự của ông thì những người yêu nhạc Trịnh và yêu văn học đều không lấy làm lạ. Ông viết về những trăn trở trong đời riêng, kỷ niệm về sự ra đời của những ca khúc, đặc biệt ông còn tỏ bày suy nghĩ về vai trò, chức năng của âm nhạc, nghệ thuật, về cội nguồn sáng tạo, lý giải sự quyện hòa thơ - nhạc trong sáng tác của mình.
Trịnh Công Sơn viết nhạc, sáng tác ca khúc, vẽ tranh khong phải như một kẻ chọn nghề mà như một định mệnh. Âm thanh, ngôn ngữ, hình khói vây bủa và choáng ngợp tâm lý của người nghệ sĩ thiên tài ấy, dù cho năm tháng đầu đời ông chối bỏ và coi viết lách là nỗi ám ảnh “xướng ca vô loài” (chữ của Trịnh Công Sơn). Ông sáng tác bởi ông tìm thấy tự do và tìm thấy mối giao cảm giữa hồn mình và hồn nhân loại trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn. Trịnh Công Sơn viết: “ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành…”. Nghệ thuật đối với ông là yêu cầu tự thân, là tiếng nói thôi thúc được cất lên, được hát lên, và trên hết nó là đời sống của ông; mỗi câu chữ và mỗi nốt nhạc cũng có một thân phận, một cuộc đời riêng của nó. Cuộc đời ấy dù ở trên môi hay trong trái tim con người thì theo Trịnh Công Sơn cũng là “thăng hoa đồng thời cũng để an ủi. Sản phẩm văn nghệ chỉ đẹp khi có khả năng xóa đi những nỗi giận hờn”. Ông nói nhiều về vai trò của tiếng hát, của nghệ thuật; nghệ thuật sinh ra từ thân thể của người nghệ sĩ, nó hàm chứa “một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc, khi thoát thai, dù là thơ dại nó cũng phải ngợi ca và an ủi, vỗ về linh hồn nhân loại, nó nhắc nhở con người một điều giản dị: “Tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại cũng có nghĩa là tôi mất đi. Tôi mất đi nhưng tiếng hát còn ở lại. Ơr lại như một chứng tích vừa buồn bã, vừa huy hoàng của một cõi đời” (Thế giới Âm nhạc. 1996). Tiếng hát câu ca như một cuộc rong chơi của con người nhỏ bé muốn chống lại cái vô hạn vô cùng của thời gian trôi chảy. Thân xác con người rồi có ngày cũng sẽ trở về với cát bụi, nhưng tâm hồn thì sẽ bất tử cùng tiếng hất, tiếng hát muốn vậy, theo Trịnh Công Sơn phải “chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái” (Thế giới Âm nhạc,1/1997). Âm nhạc thánh thiện phải như một bản kinh cầu gột rửa những bụi bặm tị hiềm trong góc khuất con người. Đó chẳng phải là mong ước của riêng cuộc đời những câu hát mà còn là cái đích vươn lên của những câu thơ, những bức tranh và những bộ phim…Đó chính là chức năng, nhiệm vụ của nghệ thuật dù ở bất kỳ một lĩnh vực nào.
Từng khẳng định trong cuộc phỏng vấn : “Sự mất mát và cái chết là ám ảnh lớn nhất đời tôi”, nghệ thuật của Trịnh Công Sơn cất cánh từ bệ phóng của hai nỗi ám ảnh dai dẳng ấy - nó trở thành cội nguồn sáng tạo trong hầu hết các sáng tác thơ ca, âm nhạc, hội họa của ông. Nhưng cũng phải nhìn sâu hơn vào hai điều ông lo sợ. Xét đến cùng, Trịnh Công Sơn sợ cái chết và mất mát là bởi ông yêu cuộc sống quá nhiều và không muốn mất nó. Ông trân trọng tình yêu, lúc nào cũng muốn giữ cho mình một ý nghĩa bền vững: “Cuộc sống không thể có tình yêu”, ông đi qua cái huyên náo của cuộc đời và thích thú với sự tĩnh lặng trong những ngày nằm bệnh “nằm yên và theo dõi sự suy tưởng của mình trước cuộc đời. Nằm và cảm nhận cùng một lúc sự gần gũi và cả sự xa vắng đối với tất cả những gì đang tồn tại hoặc vây quanh đời sống chúng ta”; ông tri ân và ước mơ “tất cả chúng ta, đã cùng có mặt trước sau trong cuộc đời, đối với những ai đa đem đến những khúc hát, những bản tình ca, những lời rao truyền được hát lên như bi ca hoặc hạnh ca thì cũng nên có phút nhẹ lòng được nhớ lại và nghĩ đến”... Một tâm hồn yêu sống và tin cả vào niềm tuyệt vọng, lắng hồn xuống để được yêu cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng, tâm hồn ấy là tâm hồn rung cảm của một nhạc sĩ và cả một thi sĩ.
Quan điểm sâu sắc về vai trò của nghệ thuật, cội nguồn sáng tạo bắt nguồn từ rung cảm cuộc đời, Trịnh Công Sơn tìm cho mình một lối rẽ vào con đường ca khúc. Ông phác thảo chân dung mình: “Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và bằng nhiề phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc”. Gieo hạt mầm âm nhạc, nhưng cây nghệ thuật của Trịnh Công Sơn lại trĩu nặng những quả thơ, người nghe đã giật mình nói ông là nhạc sĩ đã xóa nhòa ranh giới giữa thi ca và âm nhạc. Trịnh Công Sơn đi giữa thơ và nhạc, người yêu thơ thấy ông nghiêng mình vào cõi thơ, người yêu nhạc lại thấy ông gần với cõi nhạc hơn. Có một lần ông tự ví von: ‘Tâm hồn tôi như là một ngôi nhà mà hội họa, âm nhạc và thi ca chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ ở trong đó”. Cái sự sống ấy là điều Thiện và cái Đẹp, là khát khao mang đén cho đời cái bất diệt.
Nhạc Trịnh Công Sơn giàu chất thơ, người ta lắng nghe mà suốt đờivẫn chưa hiểu hết những điều ông gửi gắm - đó cũng là độ dư ba đồng vọng mà một tác phẩm thơ phải có.
Đặc biệt, khi Trịnh Công Sơn viết về âm nhạc, về cuộc đời ông cũng dùng một lối viết của những áng văn xuôi - thơ. Đọc những trang viết thấm đẫm cảm xúc ấy, ngòi bút của ông là sự quện hòa đến thăng hoa của các loại hình nghệ thuật.
II. CÁI ĐẸP TRONG CA TỪ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
1. Cái đẹp từ xác chữ
Một ca khúc hay là sự kết hợp hài hòa giữa nét nhạc và ca từ. Ca khúc của TRịnh Công Sơn không chỉ hay mà còn tạo ra ám ảnh đối với người nghe. Có lẽ chính ca từ đã làm trong nhiệm vụ đó. Bởi mỗi bài hát của ông với ca từ đặc sắc như một bài thơ tâm sự, giãi bày. Theo Nguyễn Duy: “Chất thơ trong ca khúc Trịnh Công Sơn bảng lảng, lờ mờ khó phân định”, nó tỏa ra từ hồn thơ, thấm sâu vào xác chữ; nhưng thiết nghĩ nó không tạo ra sự thách đố cho người đọc, trái lại bắt đầu từ xác chữ tiến đến hồn thơ chúng ta có thể khám phá, định dạng được những đặc sắc của chất thơ trong sáng tác Trịnh Công Sơn. Chất thơ không tồn tại một cách vô hình, mà nó thể hiện sinh động ở hình thức từ cấp độ thể thơ đến ngôn từ, ở những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Để khẳng định nhạc Trịnh Công Sơn có mối liên hệ chặt chẽ với thơ ca, chúng tôi sẽ khám phá ca từ trong nhiều ca khúc của ông ở cả hai mặt là hình thức (xác chữ) và nội dung (hồn thơ).
1.1. Cái đẹp từ thể thơ
Trịnh Công Sơn viết nhạc và lựa chọn thơ là người bạn đường trung thành với ca khúc trên hành trình đến với người nghe là điều có thể giải thích được. Trong văn học, người ta thường nói “nội dung nào hình thức nấy”. Tâm hồn và cái nhìn của ông đối với cuộc sống phù hợp với cách biểu hiện của thơ ca -một thể loại nặng về diễn đạt thế giới nội tâm, tình cảm của người viết.
Đối với ca từ Trịnh Công Sơn, người đọc nhiều khi chỉ quan tâm đến sự sáng tạo ngôn từ độc đáo, thế nhưng để có thể nói mỗi tác phẩm của ông giống như một bài thơ trữ tình đặc sắc thì chỉ nhắc đến ngôn từ là không đủ. Đọc ca từ Trịnh Sông Sơn có một điều thú vị là sự xuất hiện của thể thơ tương đương một bài thơ trọn vẹn.
Mỗi bài thơ trong sáng tác của ông đều có mặt mạnh trong nghệ thuật biểu hiện khác nhau. “Cái mạnh trong thơ năm chữ là chất hoài niệm”, thơ lục bát là khả năng thể hiện tâm tình sâu lắng… Như vậy, cách thứuc mà người viết lựa chọn một hình thứuc thơ để chuyển tải nội dung, cũng phần nào nói lên tâm trạng, phong cách của anh ta. Đối với Trịnh Công Sơn, thể thơ tự do và hợp thể chiếm ưu thế rất lớn trong các sáng tác của ông. Bởi thơ tự do diễn tả một cách trung thực nội dung, cảm xúc không bị lệ thuộc vào khuôn khổ và luật lệ thơ.
Thơ tự do của Trịnh Công Sơn là sự biến hóa linh hoạt của các thể thơ: thơ 7 chữ xen 5 chữ, thơ 5 chữ xen 7 chữ, thơ 6 chữ xen 7 chữ… Có thể gặp hiện tượng này ở nhiều sáng tác:
“Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi”
(Như cánh hạc bay).
Toàn bài thơ là sự kết hợp hài hòa của những câu thơ 7 chữ và câu thơ 5 chữ. Cũng có thể gặp thể 8 chữ xen 9 chữ ở bài: “Bên đời hiu quạnh”/
“Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quên nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ...”
Sự kết hợp giữa các thể thơ trong thơ tự do của Trịnh Công Sơn tạo cho thơ ông một đặc điểm riêng, đó là thơ tự do hợp thể. Đặc điểm này khiến cho những vần thơ, khổ thơ không bị rơi vào tình trạng “cắt năm cắt bảy” những câu thơ đang liền mạch mà nhiều bài thơ tự do của các tác giả khác đôi khi gặp phải. Do đó, kết cấu bài thơ không bị rời rạc mà hài hòa và chặt chẽ....Đó là nhân tố tạo nên vẻ đẹp trong ca từ và trong cả nội dung của ca khúc Trịnh Công Sơn.
Đọc những bài thơ - nhạc Trịnh ta cũng bắt gặp hồn thơ dân gian dung dị thân thương ấy:
“Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau”
(Nhớ mùa thu Hà Nội).
Và
“Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa
Mẹ về đứng dưới mưa
Che đàn con nằm ngủ”
(Huyền thoại mẹ)
Thể 4 chữ, 5 chữ trong ca từ Trịnh Công Sơn mang hơi thở dân gian nhưng đã được quỵệnhòa cùng sự sáng tạo tài hoa của ông nên nó cũng tạo nên một vẻ đẹp độc đáo lạ thường.
Thơ lục bát của Trịnh Công Sơn cũng có những nét mới. Nếu như Tố Hữu dung giọng tâm tình của lục bát để viết về các sự kiện lớn lao của đất nước thì Trịnh lại đưa vào thơ lục bát triết lý về cõi đời, cõi sống theo tư tưởng nhà Phật.
“ Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xôi cũng gần
Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đát trời
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng”.
(ở trọ).
Những bài thơ - nhạc khác của Trịnh Công Sơn ở thể 7 chữ, 8 chữ, 10 chữ dường như đều là sự biến đổi rát linh hoạt của thơ 4, 5 chữ và cả 3 chữ:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”
(Diễm xưa).
Về mặt thể thơ, chất thơ làm cho những ca khúc của Trịnh Công Sơn thực sự mang hình thức thơ ca. Ông tiếp nối những thể thơ truyền thống của thi ca Việt Nam và làm mới những bài thơ ấy bằng sự kết hợp linh hoạt, hài hòa xen kẽ các thể thơ trong thể tự do hợp thể - một thể thơ hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
1.2. Cái đẹp từ kết cấu
Tác phẩm nghệ thuật là một sinh mệnh thẩm mỹ được người nghệ sĩ tổ chức sắp xếp từ các yếu tố chất liệu hiện thực. Kết câu stác phẩm không thể hiện ra là một sự nhất quán giản đơn mà là tính tổ chức nội tại, làm chuyển hóa nó thành nhiều cấp độ trong cấu trúc của văn bản nghệ thuật. Kết cấu được xem xét ở cả chiều ngang và chiều dọc. Ơ chiều ngang với tương quan thể loại, ở chiều dọc trong tương quan với chính xác các mối quan hệ nội tại tác phẩm; nó tồn tại ở hai cấp độ: cấp độ hình tường và cấp độ trần thuật. Cấp độ trên gắn liền với toàn bộ tổ chức của thế giới nghệ thuật, đây là kết cấu bề sâu của văn bản nghệ thuật.
Ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức như những bài thơ, kết cấu của các ca khúc thuộc hình thức kết cấu của tác phẩm không có cốt truyện. Đây là hình thức kết cấu biểu hiện quá trình vận động bên trong của các trạng thái cảm xúc, là sự phân bố của đoạn thơ, các câu thơ, khổ thơ, sử dụng hình ảnh , hình tượmg thơ trên cơ sở một tứ thơ nhất định, qua đó nêu bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Ơ đây tứ thơ được hiểu như một ý chính, một ý lớn bao quát toàn bài thơ, nhưng không phải là một ý tưởng hoàn toàn trừu tượng mà đó là những gì rất cụ thể được lựa chọn làm điểm tựa cho vận động cảm xúc. Xác lập được ý thơ, toàn bộ bài thơ là sự tổ chức các yếu tố để triển khai tứ thơ.
Kết cấu ca từ Trịnh Công Sơn phần lớn là kết cấu trùng điệp. Trong 63 ca khúc được tuyển chọn ở cuốn “Trịnh Công Sơn – một người thơ ca một cõi đi về” thì có đến 38 ca khúc được viết theo lối kết cấu trùng điệp. Đó không chỉ là sự lặp lại về mặt câu chữ mà là sự trùng điệp của ý thơ, tứ thơ, không phải là sự đồng nhất chết cứng, giống y hệt giữa các từ, các câu thơ, không phải là một sự nhân đôi đơn giản các khái niệm mà biểu thị một nội dung phức tạp hơn, mới hơn, khac hơn… Kết cấu trùng điệp ở đây mang tính thăng tiến, bình phương dung lượng ý nghĩa cho ý thơ. Bài thơ có sự vận động nội tại nhờ sự trùng lặp đặt ra này.
Với kết câu trùng lặp, cảm xúc của người viết cứ dâng theo cấu trúc bậc thang. Sự trùng lặp giống như một trò chơi khó để tác giả của nó bộc lộ khả năng suy tưởng. Giống như tự đặt ra câu hỏi, một câu hỏi giống nhau nhưng không phải chỉ có một câu trả lời. Trò chơi suy tưởng trong ca từ Trịnh Công Sơn vì thế mà kéo nhạc đi, kéo người đọc chìm dần vào thế giới nghệ thuật của bài thơ:
“ Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu...
Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Bơ vơ còn đến bao giờ.
Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Tôi xin năm ngón tay em thiên thần
Trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.
Điểm tựa của “Lời buồn thánh” là nỗi cô đơn, nỗi cô đơn ấy hiển hiện từ tứ thơ giản dị kia qua mỗi dòng , mỗi khổ lại rõ nét hơn bất cứ ở đâu. Kết cấu trùng điệp trong ca từ Trịnh Công Sơn tạo nên cao trào, kết tinh những nỗi niềm và mở ra sự suy tưởng cho người nghe. Đó không phải là kiểu kết cấu vòng tròn đơn điệu, đó là sự khép lại để mở ra, để người đọc tiếp tục cuộc chơi còn dang dở , cái tôi của nhà thơ biến mất và cái tôi của người đọc thăng hoa tạo nên cái đẹp của cảm xúc, của tâm hồn.
Bên cạnh kết cấu trùng điệp, két cấu đối lập cũng rất phổ biến trong ca từ của Trịnh Công Sơn ở cấp độ câu thơ. Câu thơ không chạy theo đường thẳng mà gập ghềnh và uốn khúc, đứt gãy theo mạch cảm xúc phức tạp, tinh tế. Cái đối lập có khi được nhận thấy dễ dàng bằng các hình ảnh thực:
- “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”
- “Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng” (Một cõi đi về).
- “Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời”.
(Lặng lẽ nơi này).
Nhưng cũng xuất hiện rất nhiều đối lập không dễ nhận ra và mang ý nghĩa sâu sắc, tạo ra cái mơ hồ, khó nhận biết mà người ta thường nói đến trong nhạc Trịnh. Chẳng hạn như:
“Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa”
(Cỏ xót xa đưa).
Hay:
“Nhật nguyệt trên cao
Ta ngôi dưới thấp
Một dòng trong veo
Sao lòng còn đục”
(Cũng sẽ chìm trôi).
Và:
“Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai
Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối”.
(Lặng lẽ nơi này).
Cái đối lập ở đây không nằm trong câu chữ mà sinh ra từ ý nghĩa. Mặc dù xuất hiện cả những từ đối lập: “cao-thấp”, “rộng-hẹp”, nhưng đó không phải là đối lập mà tác giả hướng đến. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ” là đối lập giữa sự sống và cái chết; khi ông lấy cái cao rộng của vầng nhật nguyệt đem đối lập với cái thấp bé của đời ta cũng là hướng đến cái “trong veo” cao cả vĩnh hằng tương thích với cái đục mờ, cái khoảng tối trong mỗi tâm hồn con người.
…Có thể khẳng định rằng, kết cấu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn làm cho ca từ của ông trở thành những bài thơ chặt chẽ chảy theo mạch cảm xúc được tổ chức một cách nghệ thuật chứ không phải đơn giản chỉ là những câu văn minh họa cho nét nhạc, tràn theo câu nhạc. Kết cấu trong mỗi ca khúc góp phần thể hiện cảm xúc đa chiều và những tư tưởng sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua ngôn từ.
1.3. Cái đẹp từ nhịp điệu
Nhịp điệu là bản chất của thơ ca, là đặc trưng quan trọng nhất của nghệ thuật thơ ca. Nhịp trong thơ diễn tả sự hài hòa du dương của âm thanh, tạo không khí, sắc thái thẩm mỹ riêng của bài thơ, tạo ra âm hưởng làm chỗ dựa cho tình cảm , góp phần diễn tả sự vận động của đời sống và tâm hồn. Nhịp điệu liên quan mật thiết đến tình cảm- yếu tố trụ cột của thơ. Arixtốt đã giải thích: “Nừu sự vận động mà chúng ta cảm thấy bằng tình cảm rơi vào một trật tự nhất định nào đó thì cái đó là nhịp điệu”(Nghệ thuật thơ ca).
Ca từ Trịnh Công Sơn được hát trên nền nhạc, bản thân nó được viết để phục vụ âm thanh nên có giai điệu rất rõ ràng. Nhịp điệu tạo nên chất nhạc và cả chất thơ, tạo ra sự cân đối cho những bài thơ-nhạc. Điều này lý giải vì sao, ca từ Trịnh Công Sơn chủ yếu viết theo thể tự do hợp thể, có những bài ít gieo vần nhưng vẫn thấm đượm chất thơ. Nếu từ bỏ nhịp điệu thì những lời ca ấy sẽ chỉ là những dòng văn xuôi đẹp chứ không được gọi là những bài thơ.
Nhịp điệu trong ca ừ Trịnh cũng như nhịp điệu trong thơ nói chung có thể phân thành hai loại: nhịp lời (nhịp ngôn từ)và nhịp ý (nhịp hình tượng).
Nhịp lời thể hiện ở những hình thức tiết tấu về ngữ âm, về số lượng âm tiết, đối ứng chủ yếu về thanh điệu. Có sự lặp lại rất hài hòa trong tiết tấu sau một chỗ ngắt hơi tương ứng về thanh điệu:
“ Một hôm/ bước chân về giữa chợ
Chợt thấy/ vui như trẻ thơ”.
(Đêm thấy ta là thác đổ).
Nhịp trong ca từ Trịnh Công Sơn không chỉ là sự lặp lại hài hòa mà còn là sự cách điệu điêu luyện không lặp lại:
“Nhìn/ những mùa/ thu đi
Em nghe/ sầu/ lên trong nắng
Và lá rụng/ ngoài song”.
(Nhìn những mùa thu đi).
Ca từ của Trịnh Công Sơn có sự vang bổng và hô ứng nhịp nhàng của nhịp điệu nên có chất thơ thấm đẫm. Lời ca của ông còn có vần – một sự cộng thanh làm nhịp cầu nối liền những câu thơ, thống nhất những bài thơ trong một âm hưởng trọn vẹn. Lời nhạc của Văn Cao cũng giàu chất thơ, nhưng là văn xuôi thơ, thường ít có những đoạn gieo vần:
“Đời đang vui đồng quê bao yêu dấu, bóng cau với con thuyền một dòng sông
Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn”.
(Làng tôi – Văn Cao).
Trái lại, trong ca từ của Trịnh Công Sơn vần được sử dụng rất phổ biến:
“Ngày mai em đi
Đồi núi trông em đợi chò
Sỏi đá trông em từng giừo
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ”.
(Biển nhớ).
Hay:
“Đêm thân xác mịt mùng
Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa”.
(Nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa).
…Ca từ Trịnh Công Sơn có vần tạo nên hòa âm, liên kết ý thơ, tạo nên độ vang của câu và bài, mang tính cảm giác cao khiến cho tac phẩm dễ nhớ, dễ thuộc. Có vần, “những bước thơ không có vẻ chông chênh, mà trái lại, hồn thơ dựa vào những câu thơ một cách vững chắc”(Xuân Diệu).Chính vì vậy, hai yếu tố vần và nhịp tạo nên vẻ đẹp của ca từ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn.
1.4. Cái đẹp ở ngôn từ
Không gian ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn là thế giới mê muội của cảm xúc. Nhạc và họa trong ca từ của ông tài hoa bởi nó được bao bọc trong tri giác và cảm giác. Ông dùng những chữ quen nhưng lại thổi cho nó một cái hồn mới lạ. Đối với ông, chữ không phải là chữ nữa mà là một sinh mệnh có đời sống riêng, đời sống của chữ là vô hạn và nó sẽ cứu cánh cho đời sống hữu hạn của một kiếp người, nó đứng ngoài và cao hơn số phận. Chính bởi vậy, mà tiếng Việt trong ca từ Trịnh Công Sơn lại một lần nữa thăng hoa với những kết hợp từ ngữ tài tình, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dạn, nhiều tầng, khả năng tưởng tượng bay bổng.
Ngôn ngữ Trịnh Công Sơn giàu tính nhạc bởi kết cấu trùng điệp, cân xứng và nhịp điệu hài hòa.
1.4.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh
Trịnh Công Sơn là người mê hội họa, đặc biệt ông thích tranh của danh họa Picaso - ông tổ của một phương pháp nghệ thuật đã làm thay đổi, cách tân quan điểm kinh viện của nghệ thuật thế giới - Nghệ thuật lập thể. Cùng với nghệ thuật đồng hiện, nghệ thuật lập thể cho phép nghệ sĩ trên cùng một không gian cụ thể, thời gian cụ thể, một mặt phẳng giới hạn… có thể biẻu hiện tất cả các góc cạnh của hiện thực đời sống, lịch sử qua thế giới quan của chính mình. Do ảnh hưởng của nghệ thuật lập thể, trong thế giới ngôn từ của mình Trịnh Công Sơn đã vẽ nên nhiều hình ảnh lập thể tạo nên bề dày cho ý tứ:
“Rồi từ nay em gọi
Tình yêu dấu chim bay
Gọi thân hao gầy
Gọi buồn ngất ngây”.
(Gọi tên bốn mùa).
Và:
“Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Còn tình yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người”
(Một cõi đi về).
Với không gian vô tận của nghệ thuật lập thể, những hình ảnh thơ của Trịnh Công Sơn có khả năng đi sâu, đi hết vào cõi mông lung của khoảng rộng tâm hồn tác giả. Ta thường gặp là không gian và thời gian trùng điệp, nhưng đó là thời gian, không gian của tâm tưởng, bước vào đó, người nghệ sĩ có những suy nghĩ sâu xa về kiếp sống, về tình yêu:
“Đời ta có khi là đóm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya”.
“Đời ta có khi là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe”.
Trong từng không gian, thời gian cụ thể, những suy ngẫmcủa tác giả đều gửi gắm vào một loạt các hình ảnh lập thể. Thế giới của Trịnh Công Sơn bởi vậy đa chiều, kỳ ảo trong cảm nhận của người nghe, người đọc.
Một đặc điểm nữa của hình ảnh trong ngôn từ Trịnh Công Sơn là tính tượng trưng, siêu thực. Đến với Trịnh Công Sơn, khu vườn siêu thực của thi ca Việt Nam lại thêm một lần nở rộ bởi sự cảm thụ thẩm mỹ rất tinh tế qua sự nhạy bén của các giác quan. Vị giác: “Tình yêu mật ngọt. Mật ngọt trên môi”(Lặng lẽ nơi này); xúc giác: “Vòng tay đã xanh xao nhiều. Ôi tháng năm, gót chân mòn trên phiếm du” (Mưa hồng); thính giác: “bàn tay nghe ngóng tin sang” (Biển nhớ); khứu giác: “Lời ca dạ lan ngại ngần”,…
Ngôn từ Trịnh Công Sơn nói bằng hình ảnh – hình ảnh lập thể và hình ảnh siwu thực, tượng trưng nhưng đó không phải là thế giới xa lạ, kỳ quái với tâm hồn con người mà nó đụng chạm vào sâu thẳm cói lòng mỗi chúng ta, bởi hình ảnh đi qua màng lọc tình cảm nhà thơ, mọi sự vật khắc họa lên đều có hồn, đều mang hồn người…Khi ấy, ngôn ngữ thơ mới thực sự là tiếng nói vút lên từ trái tim, từ tình cảm con người.
1.4.2. Sự lạ hóa ngôn từ
Linh hồn của ngôn ngữ thơ ca là sự bẻ cong những quy phạm của ngôn ngữ tiêu chuẩn, nó giúp thi sĩ mạnh dạn tìm tòi những hình thức biểu hiện được ý thơ của mình bên ngoài nhũng hình thức ngôn ngữ chung. Nghe, đọc ca từ Trịnh Công Sơn, nhiều khi người ta ngạc nhiên và thú vụ bởi những phi lý của ngôn ngữ. Trong những hình ảnh thơ cũng xuất hiện những liên tưởng, so sánh mới lạ bất ngờ:
- “Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm”
(Ru ta ngậm ngùi).
- “Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.
(Tình xa).
- “hòn đá lăn trên đồi
Hòn đá rơi xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy”
(Ngẫu nhiên).
- Xin đứng yên trong chiều, phơi tình chóng khô mau
Xin đứng yên trong chiều, treo tình rên chiếc đinh không”.
(Tình xót xa vừa).
Dưới ngòi bút tài hoa của ông, tiếng Viết quen mà lạ, tiếng Việt được nâng niu và mặc cho những bộ áo mới. Sự sáng tạo mới mử trong ngôn từ dã khiến kho ca từ của ông không bị chìm lẫn vào thế giới ngôn ngữ của các nhà thơ, nhạc sĩ khác. Với nhạc Trịnh, tiếng Việt bước đến một đỉnh cao mới: ngôn từ không dùng để tả mà quan trọng dùng để cảm thương nhân thế!
....
Có người đã từng nói rằng, những ca khúc của Trịnh Công Sơn nếu tách riêng phần lời ra, ta sẽ có tập thơ dày ngót nghìn trang. Nhận định này thiết nghĩ cũng không có gì là quá phiến diện. Sau những phân tích, tìm hiểu của chúng tôi, chất thơ “bảng lảng, mơ hồ” trong xác chữ của Trịnh Công Sơn có lẽ đã dân được gọi thành tên. Những sáng tạo của nhạc sĩ họ Trịnh chắc chắn sẽ có một giá trị nhất định đối với sự phát triển của hình thức thơ ca Việt Nam.
2. Cái đẹp của hồn thơ
Tác phẩm văn học sinh ra dù có một hình thức hoàn mĩ hay không thì cũng phải chuyển tải một điều gì đó dến với người đọc. Điều mà nhà văn gửi gắm đằng sau câu chữ đó là nội dung, là tư tưởng. Ca từ, âm nhạc của Trịnh Công Sơn cát lên, được ông mặc cho một chiếc áo hình thức tuyệt đẹp cũng là để nhằm làm tôn thêm vẻ đẹp tâm hồn, chuyển tải hồn thơ của ông.
Bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn đã có những dòng nhức nhối:
“Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế”
(Ướt mi)
“Nỗi sầu nhân thê” đã đeo bám, ám ảnh tong mọi bản tình ca của Trịnh Công Sơn suốt cả một đời viết nhạc. Tình yêu là cảm giác đầu đời, là nơi đầu tiên mà Trịnh Công Sơn ngưỡng vọng.
Tình yêu. Với Trịnh, tình yêu được thăng hoa để vượt qua cái thường tình, cái riêng tư vị kỷ. Trong một bài hát của mình, ông đã khẳng định: “Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”. Ơ giai đoạn đầu, tình khúc Trịnh Công Sơn mang nhiều nét trữ tình, lãng mạn. Ông vẽ ra bàu trờ có cánh bướm, cánh vạc, màu môi hồng ngọc; mơ một tiếng hát hân hoan như ngọc chảy trên tay người con gái, mỗi viên chứa tâm hồn đá núi ngàn năm. Đó là ước vọng thơ ngây của trái tim đầu mùa, chịu ảnh hưởng của các bậc tiền bối thuộc dòng ca khúc lãng mạn, trữ tình trước 1945, thể hiện một góc cạnh đa cảm của tâm hồn nghệ sĩ. Trịnh Công Sơn sâu sắc, gập ghềnh hơn với những tình ca không có lời kết:
“Này em xin cứ phụ người
Này em xin cứ phụ tôi
(...) Đời đã quen với những kiếp xa nhau”.
(Tình sầu).
Tình yêu siêu thoát tưởng đã gục ngã, nhưng không phải, không bi lụy than khóc khô khốc mà vạch ra một nét nhân bản sâu xa. Những linh cảm về đổ vỡ, hủy diệt làm “nhói lên những con âm tha thiết và tha thiết là vũ khí duy nhất của con người để kháng cự hủy diệt” (Hoàng Hưng).
Nếu như trong thơ Xuân Diệu ta bắt gặpcái quyện hòa đan kết của xác thịt và tâm hồn trong tình yêu thi đến với hồn thơ Trịnh Công Sơn ta thấy một nối đau dài mà tình yêu mang lại. Cái đau của một kiếp người được mở ra nhiều kiếp, nỗi thiệt thói phìng ra khi tình yêu cập bến bờ mất mất.
Quê hương: Đối với Trịnh Công Sơn, quê hương phải được nhắc đến trên hai ý nghĩa. Nghĩa hẹp, đó là nơi nhạc sĩ lớn lên, nơi nuôi dưỡng hồn thơ ông – mảnh đất Huế. Trong tất cả những bài hát của ông không có một bài nào viết riêng cho Huế, nhưng người nghe luôn thấy Huế hiện diện trong mọi bài ca mà ông đã viết. Mưa Huế, những con đường trên đất Huế, lăng miếu đền đài, tiếng thở dài buôn trùng rất xa xôi…tất cả đã theo nhau đi vào ca khúc của ông làm thành chất Huế đậm đặc, làm thành bầu không khí Huế…
Ơ nghĩa rộng, quê hương là tổ quốc, là đất nước Việt Nam đang chìm trong đau thương khói lửa; hướng về quê hương kẻ du ca về tình yêu thôi lang thang trên những nẻo đường ái tình, người xót xa nhìn quê hương đổ vỡ, run rẩy với những bất hạnh mà dân tộc đang từng ngày phải đối mặt. ..
Hồn thơ Trịnh Công Sơn đã hướng tới đau thương đổ nát trong chiến tranh không có một phút nào hạnh phúc với những chiến công mà chỉ có hành ảnh của những xác chết, hình ảnh của dân tộc bị đọa đày khốn cùng bởi “hố thẳm đã mở ra dưới chân dân tộc này. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi” (Lời dẫn cuốn Kinh Việt Nam).
Ông đi tìm quê hương, ôm lấy quê hương tơi tả rách nát với niềm hy vọng, khao khát chờ một ngày đứng dậy, vực lại quá khứ huy hoàng. Trịnh Công Sơn không viết về quê hương thanh bình, ông hướng đến quên hương của những ngày sắp tới, khi ba thành phố nắm tay nhau, ba dòng sông góp hội trùng dương. Ướ mong đó không phải của một người mà là của cả một dân tộc bị chia cắt. Trịnh Công Sơn đã nói lên tất cả những điều đó cho anh em của ông, cho tất cả những người yêu hòa bình, hạnh phúc.
Sau năm 1875, khi đất nước thống nhất, hòa bình lặp lại, Trịnh Công Sơn lần lượt đi thực tế nông trường cùng anh em thanh niên xung phong, nhưng dương như hồn thơ của ông vẫn “chứa đựng tâm trạng lo âu của con người nhạy cảm nhìn ra thế giới hiện đại”(Hoàng Phủ Ngọc Tường). Quê hương đã thanh bình, nhưng niềm thao thức về mất mát nơi quê hương vẫn không dứt trong hồn thơ Trịnh Công Sơn. Bài “Huyền thoại mẹ” được ông sáng tác 1980 ngợi ca người mẹ yêu nước nồng nàn, hết lòng vì đàn con chiến sĩ, chịu đựng bao đau khổ nhưng cuối cùng cũng “chìm dưới gian nan”. Ông viết về những người đã từng sống, chiến đấu, nhưng lại khái quát lên thành “huyền thoại” bới hình ảnh Mẹ gian nan đã gắn với quên hương đau thương trong cõi lòng ông.
Thân phận: Có nhiều người cho rằng Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của triết học hiện sinh khi viết về thân phận con người với những ám ảnh khôn nguôi của cái chết. Điều đó cóa lẽ không sai, bới trong những năm 1954-1975, “ảnh hưởng của triết học Tây phương hiện đại đến với văn học miền Nam là có thật. Khá rõ nét trong lối sống và trong tác phẩm, nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh” (Nguyễn Khắc Hoạch). Tuy nhiên, đối với Trịnh Công Sơn nỗi ám ảnh về cái chết còn bắt nguồn từ sự ra đi của người cha: “Trong giấc ngủ hằng đêm tôi thường nhìn thấy cái chết của ba tôi. Nỗi ám ảnh ấy chắc chắn không bắt nguồn từ lớp tro bụi dày của vô thức làm nên từ những cái chết của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù tội tra tần chết đi sống lại của ba tôi trong kháng chiến chống Pháp. Rõ ràng cái chết ấy được báo động qua một tâm hồn quá nhạy cảm của tuổi thơ”. Ba tôi mất đi khi tôi 15 tuổi. Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Cành về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa những bức xúc của cuộc sống, giữa những tháng ngày buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của nỗi lo âu thường trực về sự vắng bóng con người...”. Sự ra đi của người cha với một cái chết dường như được bào trước đã sớm in vào tâm hồn Trịnh nỗi ám ảnh bất toại về cái chết, giữa vùng trời tang thương của chiến tranh, nỗi ám ảnh ấy lại càng mạnh mẽ hơn...
Bởi vậy, trong hồn thơ Trịnh Công Sơn, thân phận là sự giằng xé vươn lên giữa những điều tưởng như đối lập: quá khứ và hiện tại, tuyệt vọng và tự tái tạo niềm tin, cảm giác không tìm thấy mình giữa dòng đời và lắng nghe mọi va đập, tìm cái tôi ẩn khuất trong chốn “đô thị tan nát của hồn mình”.
3. Điều còn lại sau cùng
Có người ví thơ-nhạc Trịnh Công Sơn như một dòng sông mênh mông, dào dạt và chảy xiết với ba nguồn mạch - hướng về tình yêu, quê hương, thân phận. Nhưng bởi là dòng sông nên dù góp lại từ bao nhiêu mạch nguồn thì cũng hòa làm một, đều có chung hướng chảy về biển cả và đều bắt nguồn sâu xa từ lòng đất, nơi bắt nguồn của mọi dòng sông. Lòng đất đó, với hồn thơ Trịnh Công Sơn chính là tình yêu thương. Và điều còn lại sau cùng của Trịnh Công Sơn với cuộc đời này khi mọi lời hoa mĩ đã mất đi cũng chính là tình yêu thương.
C- KẾT LUẬN
Sinh thời, Trịnh Công Sơn tâm sự: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những tình cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Nghệ thuật của Trịnh Công Sơn không mon men một thứ tình cảm bán mua, không dung dưỡng những xấu xa trần tục; chỉ thế thôi có lẽ nó đã đủ sức lay động trái tim con người, đủ sức làm nên một nét riêng cho âm nhạc của ông. Đó cũng chính là quà tặng đẹp nhất của cuộc sống đến với trái tim mỗi con người Việt Nam.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VÀ BỨC HỌA VỀ CỐ NHẠC SĨ
TRỊNH CÔNG SƠN
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- mh08.doc