Tiểu luận Cấu trúc văn bản truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Cho đến nay, hầu như giới nhà văn và giới nghiên cứu phê bình văn học đều coi Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm tiêu biểu, mang dấu ấn rõ nhất phong cách Nguyễn Minh Châu ở thể loại truyện ngắn. Tập sách Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX (tập 4) cũng chọn tuyển truyện ngắn này. Mới đây tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 1 tháng 10 năm 2007) cũng chọn và coi đó là tác phẩm hay nhất của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Chiếc thuyền ngoài xa sẽ được đưa vào giảng dạy ở chương trình chính thức Ngữ văn 12 bắt đầu từ năm học 2008 – 2009. Giới thiệu mấy lời như vậy để khẳng định vị trí xứng đáng của tác phẩm trong nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung, trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn lớn Nguyễn Minh Châu nói riêng - mà công lao đóng góp của ông đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2 – 2000). Để góp phần phân tích giảng dạy tốt hơn tác phẩm này chúng tôi xin đưa ra một hướng tiếp cận. Chúng tôi coi đây chỉ là một kinh nghiệm cá nhân, rất mong được sự trao đổi ý kiến của các bạn đồng nghiệp. Trước hết cần đặt truyện ngắn này trong cảm hứng sáng tác chung của Nguyễn Minh Châu giai đoạn đầu những năm 80 ở thế kỷ trước, đó là cảm hứng luận đề. Cảm hứng luận đề thể hiện ở một loạt truyện Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Hương và Phai, Bến quê, Khách ở quê ra, Mẹ con chị Hằng, Sống mãi với cây xanh, Mảnh đất tình yêu, Một lần đối chứng, Chiếc thuyền ngoài xa có tính luận đề ở chỗ nhà văn đã cho “đối chứng” với các quan niệm lạc hậu, lỗi thời, cổ hủ, xưa cũ về con người, về cuộc đời và cả về nghệ thuật. Ngay chính Nguyễn Minh Châu, lúc sinh thời cũng có lần tâm sự rằng chính mình cũng chưa thích “một vài truyện tính chất luận đề về đạo đức để lộ ra quá rõ”(1). Chiếc thuyền ngoài xa cũng thể hiện điều này ở một vài câu văn, ví dụ: “Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khoắc trong phần của tâm hồn”. Nó chỉ là một vài vết gợn để lộ ra mục đích thuyết giáo của tác giả, không ảnh hưởng tới chủ đề chính của tác phẩm là luận đề về quan niệm giữa chân lý nghệ thuật và cuộc sống. Chính cảm hứng luận đề này đã chi phối Chiếc thuyền ngoài xa và Một lần đối chứng: nhà nghệ sĩ phải nhìn kĩ, nhìn sâu vào những gì tưởng là đẹp đẽ, hài hoà để nhận ra bản chất của nó, từ đó mà có trách nhiệm cao hơn, sâu sắc hơn với cuộc đời và con người. Truyện được viết xong trong tháng 8 năm 1983, nghĩa là ở những năm trước của công cuộc đổi mới (tính từ năm 1986). Đầu những năm 80 của thế kỷ XX nước ta lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải có những cơ chế mới thích hợp để thay thế cơ chế quan liêu bao cấp đã lỗi thời, kể cả phải thay đổi lối bao cấp về tư tưởng. Nhìn ở phương diện văn học ta mới thấy những truyện như Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một sự báo hiệu công cuộc đổi mới trong văn học, từ đề tài, nhân vật cho đến cách viết Chính vì thế mà nhà văn được đánh giá rất cao, “là người cảm nhận ra sớm nhất, sâu xa nhất, tận máu thịt tâm tưởng mình cái yêu cầu bức bách sống còn của cuộc trở dạ nọ, mà ngày nay chúng ta gọi là công cuộc đổi mới” (2), “là một hiện tượng văn học mới” (3) Phải đặt Chiếc thuyền ngoài xa vào bối cảnh những năm trước đổi mới chúng ta mới thấy rõ vị trí tiên phong của nhà văn trong việc đổi mới văn học nước nhà. Do đặc trưng thể loại là dung lượng ngắn, chi tiết cô đọng, hàm súc, cốt truyện thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế để hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện ra một nét bản chất trong đời sống, nên các tác giả truyện ngắn rất chú ý tới việc sáng tạo tình huống. Tiến hành phân tích giảng dạy một tác phẩm truyện ngắn chúng ta cũng rất nên quan tâm tới yếu tố này. Xét dưới góc độ lý thuyết thì tình huống đóng vai trò bộc lộ các mối quan hệ, địa vị xã hội và tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề tác phẩm. Chiếc thuyền ngoài xa đã sáng tạo ra một tình huống nghịch lý, oái oăm, trớ trêu. Vì là một truyện mang tính luận đề, mang tính tư tưởng, nhân vật trong truyện cũng là nhân vật tư tưởng, không phải là nhân vật tính cách nên trọng tâm phân tích truyện ngắn này nên đi sâu hơn vào phương diện tình huống. Bởi nhờ tình huống này mà tính tư tưởng của tác phẩm mới được thể hiện rõ.

doc23 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3142 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Cấu trúc văn bản truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
a phải là một tác phẩm nghệ thuật, dĩ nhiên, như anh nhận thức, cần tránh lặp lại, nhàm chán và quen thuộc. Phùng rời Hà Nội gần sáu trăm cây số, “phục” ở một bờ biển, nơi vẫn còn lưu dấu cuộc chiến tranh: đó là bãi chiến trường. Tâm thế Phùng là sẵn sàng chờ đợi, anh quen được Phác, một cậu bé thông minh ở vùng biển đó. Sau gần tuần lễ, anh chụp được khá nhiều tấm hình cảnh ngư dân đánh mẻ lưới cuối cùng lúc bình minh lên. Nhưng tấm hình để đời, kiệt tác mà anh hằng mong muốn thì chưa có. Nghệ thuật nhiếp ảnh, qua cách hành xử của Phùng, ít nhiều là thứ quà tặng của thiên nhiên.     Và rồi thì anh cũng có một cảnh trời cho: “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào… Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn  bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Những cảm xúc nghệ thuật mà Phùng đón nhận trước vẻ đẹp thiên nhiên quả làm cho ta cảm động. Nó là niềm hạnh phúc, nỗi sung sướng của kẻ luôn sẵn ý thức và trách nhiệm với con đẻ tinh thần mà mình hằng tâm nuôi dưỡng. Phùng rơi vào trạng thái “lên đồng”, một trạng thái cần có trước lúc sinh thành những cảm xúc sáng tạo: “trong giây phút bối rối ấy, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Vào khoảnh khắc đó, Phùng hoàn toàn thành tâm với nghệ thuật, nó vừa là cái toàn thiện, cái đạo đức, cái trong ngần, vừa là hạnh phúc…Anh được nó nâng đỡ, ban tặng đồng thời sáng tạo nó, cảm nhận nó. Và trong chốc lát anh “bấm liên thanh một hồi hết một phần tư cuốn phim”. “ Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại” trong ống kính có lẽ là cái đẹp đạo đức của thiên nhiên. Thiên nhiên, ngay cả khi dữ dội nhất, tàn nhẫn nhất, người ta vẫn thu được khoảnh khắc rất đẹp: núi lửa, tia chớp, sóng thần, bão cát … Thiên nhiên là bản thể tự nó. Cái gọi là “vẻ đẹp” kia chẳng qua là một chuỗi những thỏa thuận nằm ngoài nó, do con người tạo nên.     Nhưng câu chuyện đột nhiên chuyển sang một hướng khác, sau khoảnh khắc trời cho ấy, Phùng rơi vào một khoảnh khắc, một tình huống “hiện thực cuộc sống” ban cho. Chính từ lúc này, Phùng vấp phải một thách đố khác, có lẽ còn nghiệt ngã hơn cả sự sáng tạo nghệ thuật – thách đố lí giải, nhận thức hiện thực.     Trước cảnh tượng liền kề với khoảnh khắc nghệ thuật, Phùng kinh ngạc đến mức “trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Phùng lao tới nơi người đàn ông “tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ” đang dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà “cao lớn với những đường nét thô kệch”, “lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két”… Nhưng Phùng đã bị cản lại bởi “bóng một đứa con nít”, đó là Phác, con trai của cặp vợ chồng kia. Phác giật chiếc thắt lưng từ tay người đàn ông, lão “dang thẳng cánh tay cho thằng bé hai cái tát”. Rồi lão lẳng bặng bỏ đi về phía bờ nước để trở về thuyền. Kết thúc cái cảnh tượng ấy, “bãi cát lại trở về với vẻ mênh mông và hoang sơ”, chỉ còn Phùng, cậu bé Phác và tiếng sóng ngoài khơi, tất cả chìm vào cõi im lặng…     Có lẽ, đó là một hiện thực “quái đản”. Một hiện thực hiển nhiên mà không thể lí giải. Người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng sự hành hạ của chồng. Người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn như một thói quen, vô cảm và bản năng. Những đứa con bất lực nhìn cảnh bạo lực diễn ra ở chính cha mẹ chúng. Tất cả đều im lặng, triền miên ở ngay nơi chiến tranh vừa đi qua. Tất cả đều diễn ra đằng sau cái vẻ đẹp đơn giản và toàn bích của thiên nhiên. Một hiện thực quái đản xâm lấn ngay sau phút giây hạnh phúc của người nghệ sĩ. Một nỗi đau và dìm nén nỗi đau, một bình yên và phá hoại bình yên, một dư chấn và một khoảng lặng cứ đan cài nhau giữa muôn trùng tiếng sóng biển. Và rồi, cũng như trong câu chuyện cổ quái đản, tất cả đều biến mất, tất cả cứ lặp lại…     Lần thứ hai chứng kiến, Phùng trở thành người hùng, anh đánh quật gã đàn ông vũ phu bằng cú đánh của người “không cho phép hắn đánh một người đàn bà, cho dù đó là vợ và tự nguyện rúc vào xó bãi xe tăng kín đáo cho hắn đánh …”. Phùng nhân danh một người lính-  những người đã đổ máu để giành lại bình yên cho đồng bào mình, chăng? Hay ở anh còn có một động cơ “đạo đức” của người nghệ sĩ - người biết thưởng thức và giữ gìn vẻ đẹp toàn thiện chứ không phải là toàn ác, tha hóa?     Phùng đã nhờ Đẩu, người bạn đồng ngũ nay là chánh án huyện phụ trách địa bàn, can thiệp vào trường hợp gia đình vợ chồng thuyền chài này. Những cú đánh của Phùng chỉ là phản ứng nhất thời, anh cần đến tiếng nói của một quan tòa. Nhưng rút cuộc, cả Đẩu và Phùng chỉ như những đứa trẻ, đi hết bất ngờ rồi phẫn nộ rồi im lặng trước lời thú tội, kể lể của người đàn bà: “Đây là chị nói thành thực, chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Hóa ra, ở người đàn bà xấu xí và tội nghiệp này là cả một hiện thực “bất khả tri”. Bà nhẫn nhục chịu đựng sự hành hạ của chồng như chức phận mà mình có được, thỏa nguyện vì chức phận đó. Trong thâm tâm bà, những nỗi đau đớn mà mình gánh chịu xứng đáng như thế vì bởi bà… đẻ nhiều con quá. Điều đó đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo khổ còn bám riết lấy gia đình này. Nhưng thực tế, cái đói, cái nghèo khổ đâu chỉ bởi bà đẻ nhiều, mà nó cũng là một thiên chức rất đàn bà thôi. Trong lời thú tội ngậm ngùi, chân thật và tê tái của bà, có những câu hỏi không dễ trả lời, những mâu thuẫn khó giải thích: để yêu thương và sống qua muôn nỗi khó khăn, cơ cực, đôi khi người ta phải chấp nhận sự tàn nhẫn, tha hóa, phi đạo đức.     Người chồng vốn dĩ hiền lành, nghĩa hiệp. Sự khốn cùng, mong manh của đời sống chài lưới đã biến ông ta thành vũ phu. Có phải là một Chí Phèo, một quĩ dữ bước ra từ cái làng chài hẻo lánh kia không? Tại sao, dưới xã hội mới này, nơi mà “giấc mơ đại tự sự”  đã lan tỏa trong mọi không gian nhỏ hẹp của đời sống, vẫn có những mảnh đời đau đớn, tha hóa kia?     Hành động vũ phu hay là sự bế tắc, hay là sự giải thoát của những con người tội nghiệp?. “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu…Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão…đưa tôi lên bờ mà đánh…”. Rõ ràng, đây là một giải thoát trong bế tắc, một giải thoát đẫm nước mất và đau đớn.     Cả Đẩu và Phùng đều thốt lên: “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được”. Họ không thể hiểu tại sao hai con người nhỏ bé kia lại chấp nhận sống và yêu thương bằng kiểu lạ lùng như vậy. Dù lời kể của người đàn bà phần nào giúp họ nhận ra những ẩn ức thẳm sâu nhưng họ vẫn dừng lại trên bờ vực của sự nhận thức hiện thực. Họ chưa thể nào dò thấu đáy sâu của nỗi ẩn ức kia cũng như hiện thực đang diễn ra trước mặt họ.      Tình huống mà Phùng không lường trước trong chuyến đi này có phải là tình huống dựng của nhà văn? Nhà văn đặt nhân vật và độc giả vào một tình huống phải nhận thức. Nhưng nhân vật đã không lí giải được hiện thực, tiếng nói của quan tòa cũng trở nên lạc lõng. Họ chấp nhận nó bằng những thỏa thuận bên ngoài. Cơn bão biển khơi lại nổi lên, biển động, gia đình thuyền chài này rất có thể lại phải nhịn ăn, đói rách. Cái cảnh tượng thường tình kia, sẽ lại xẩy ra. “Con sói con” - cậu bé Phác, lại phải thủ một con dao trong mình để trấn áp người cha, trấn áp người đàn ông lầm lũi kia… Những dự cảm buồn như vết xước trở đi trở lại trong tâm hồn. Những tâm hồn đầy vùng tối.     Phùng đã có một tấm hình để đời, được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Nhưng ám ảnh về cảnh tượng đằng sau bức ảnh thì không thể xóa mờ. Đằng sau vẻ đẹp vĩnh hằng kia cũng là nỗi đau vĩnh viễn. Nghệ thuật đã che giấu, khỏa lấp cái tha hóa, phi đạo đức? Hay nghệ thuật “bất khả tri” trước hiện thực ?. Cũng như chiếc thuyền ngoài xa, nghệ thuật chỉ có thể nắm bắt được cái bóng của nó, cái bóng của hiện thực. Vẻ ngoài của nghệ thuật, đôi khi như màn sương làm “mờ hóa” khả năng tri nhận ở chúng ta. Bất khả tri trở thành niềm day dứt của người nghệ sĩ. Với người nghệ sĩ, thiên chức là ngưỡng vọng và sáng tạo một vẻ đẹp toàn thiện nhưng sẽ là kẻ tội đồ nếu vẻ đẹp ấy làm che khuất và quên đi những bất hạnh trong đời. Cái đẹp không chỉ là đạo đức, nó là sự phản tỉnh.     Cá nhân Phùng, Đẩu sẽ không đủ sức lí giải, chấm dứt bi kịch của gia đình thuyền chài kia. Họ chưa đủ làm ánh sáng để xua đi vùng tối trong tâm hồn những con người bé nhỏ, khổ đau. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên, Phùng hoàn toàn thấu nhận. Trước số phận của người đàn bà, Phùng là người ngoài cuộc. Mâu thuẫn đó dường như đeo đẳng suốt hành trình sáng tạo của nghệ thuật.     3. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn giàu chất điện ảnh do có sự gia tăng của kiểu chi tiết – hình ảnh. Trường đoạn Phùng chứng kiến người chồng hành hung vợ là trường đoạn được kể bằng hình ảnh. Nó diễn ra dưới một cú quay toàn cảnh kéo dài. Kịch tính đến nghẹt thở, bất ngờ đến choáng váng. Yếu tố “động” của chi tiết được bao bọc trong sự yên tĩnh của cảnh, cảm giác máy quay không di chuyển. Lời thoại rút giảm tối đa, những hình ảnh khô khốc và bạo liệt. Tiếng nghiến răng ken két của gã đàn ông vũ phu, tiếng thắt lưng quật tới tấp vào người đàn bà ngưng đọng giữa tiếng sóng biển. Thứ âm thanh dẫn dắt cảm xúc người đọc - người xem vào những mao mạch trí nhớ khác nhau, hoặc rát buốt hoặc tê cóng hoặc câm nín. Kết thúc trường đoạn, cảnh vật trở nên bình lặng, yên ả như chưa hề nhuốm sắc thái bạo lực khốc liệt. Một sự trả về hờ hững của thiên nhiên. Ống kính dừng lại ở một khoảnh khắc bình yên mà nhức buốt tâm can…Sử dụng yếu tố điện ảnh, Nguyễn Minh Châu tạo nên hiện thực gần như một cuốn phim tư liệu, chân thực và xúc động. Là kiểu truyện ngắn mở ra tình huống nhận thức, Nguyễn Minh Châu còn sử dụng tính biểu tượng. Biểu tượng từ việc đặt tên nhân vật đến biểu tượng trung tâm: chiếc thuyền ngoài xa. Chiếc thuyền ngoài xa hay là sự bất khả tri, là một hiện thực khác chìm khuất sau những điều chúng ta có thể kiểm soát và chứng kiến được ? Chiếc thuyền ngoài xa mãi mãi là một khát vọng tìm kiếm, với tới để níu giữ, để nhìn lại. Khi chiếc thuyền vẫn còn ở ngoài xa, những định giá và huyễn tưởng về nó vẫn chỉ nằm trong một lớp sương mờ ảo mà thôi.     Năm 1983, khi Chiếc thuyền ngoài xa ra đời, đất nước vẫn chưa thoát khỏi dư chấn của chiến tranh, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Số phận cá nhân nằm im dưới lớp băng hà của “giấc mơ đại tự sự”. Với những dự cảm thời cuộc sắc bén và tài năng nghệ thuật của mình, Nguyễn Minh Châu đã giúp lớp băng hà kia có những vết nứt cần thiết. Vết nứt để nhìn ra vùng tối, và có thể, đón nhận vùng sáng./. Vi Thùy Linh và một kiểu tư duy về lời Năm 1995, Vi Thuỳ Linh đăng in bài thơ đầu tay của mình trên báo Tiền phong. Năm 1999, nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập thơ Khát của chị; Nguyễn Trọng Tạo khi viết lời tựa cho tập thơ đó, đã xác quyết mạnh mẽ rằng: Vi Thùy Linh đi vào thơ hiện đại bằng “con ngựa chữ nghĩa dậy thì”. Năm 2000 nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành tập Linh. Trong lúc tỏ ý tán thưởng tập thơ ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã cao hứng cho rằng: so với các nhà thơ nữ trên văn đàn, Linh không chỉ “đáng kể nhất”, mà còn “nguy hiểm nhất”.Khoảng 5 năm sau, Vi Thuỳ Linh công bố tập thơ Đồng Tử, tập này được nhà thơ Vũ Mão ưu ái viết lời giới thiệu. Năm 2008, tập thơ song ngữ đầu tiên của chị ra đời. Đợi đến khi ViLi in love hiện diện trước công chúng, Vi Thuỳ Linh bất ngờ tuyên bố, chị sẽ tạm dừng thơ, để chuyển sang viết tuỳ bút và văn xuôi... Vi Thuỳ Linh thích sống một cuộc đời “động”, một cuộc đời nhiều thử thách và nhiều bí mật. Chị nhìn thấy ý nghĩa cuộc đời này chỉ được tạo sinh trong những cuộc đi dài, không thể ngừng nghỉ, cho nên chị đã dấn thân, thậm chí cả liều lĩnh để được khám phá, và được chinh phục những đỉnh cao, mà nếu chỉ có nhiệt huyết thôi thì không thể nào với tới được: “Viết văn không thể học mà thành được. Tôi không tin người ta có thể học và viết được thơ”. Thuỳ Linh nhấn mạnh rằng: viết thơ làm văn phải có “cảm xúc và tư chất”, vì nhờ chúng mà mỗi người có cái giọng riêng. Công thức sáng tạo đó của Linh, không mới mẻ gì cả. Song chắc chắn, nó đã biểu hiện một kiểu tư duy thơ, một cách làm cho thơ tồn tại, theo nghĩa mà ở đó một sự thuần lí tính không đưa đến sự thành công đáng kể nào. Thuỳ Linh sinh năm 1980, nhưng đã có nhiều dấu hiệu khác biệt so với cái vùng tư duy và xúc cảm ở tuổi đó nhiều lắm. Chị sinh ra vào buổi những thi điệu đã quá già, mà những người đến với thơ ca bằng một tấm lòng trẻ chưa thật nhiều. Vì thế, chị đã từ chối không vin dựa vào truyền thống; không sống, không viết “theo kiểu bầy đàn”. Nhưng chị cũng không thể làm thay đổi cái bản thể đích thực của mình, để trở thành một người rụt rè trước những cái đã thành “phong tục”. Thuỳ Linh “dám mới”, thậm chí sốt sắng cải tạo tinh thần của thi ca. Và đến giờ, chị đã trở thành một người “mất nết”. Vi Thuỳ Linh thường nói về sự “sinh nở” của thơ ca, của con người. Nỗi ám ảnh về sự “sinh nở”, về sự tồn tại, về bản chất giới tính…đã vây riết Thuỳ Linh, bao bọc Thuỳ Linh. Thuỳ Linh đưa cuộc sống và tâm hồn mình vào trang viết. Chị không viết cái gì khác mình. Chị đã “sống được bằng ngòi bút”. Thuỳ Linh rất sợ sự thất bại, chị càng nói một cách tự tin và mạnh mẽ bao nhiêu, thì nỗi lo âu cố hữu trong lòng chị càng lộ rõ bấy nhiêu. Thuỳ Linh rất thích sự “cô đơn”, cho nên thường vẽ ra trên khung giấy của mình hình ảnh một nhà thơ độc mã trên con đường sáng tạo; thế nhưng chị cũng thường xuyên tụng ca sự hoà hợp của tâm hồn, của thể xác- theo cách mà nỗi cô đơn sẽ trở thành thù địch của nó. Vi Thuỳ Linh muốn chinh phục độc giả bằng tài năng, bản lĩnh của mình: tôi muốn viết “sao cho cả những chị bán miến, anh xích lô cũng đọc được và thích thơ mình”[1]. Song lại giao ước trước với mọi người rằng: thơ của Linh không thuộc về công chúng; không phải “ai muốn sử dụng thì sử dụng”, muốn “hát thơ” của tôi thì phải tôn trọng luật bản quyền. Chỗ này Vi Thuỳ Linh bảo “nghề viết giúp tôi sống ổn...tôi tự lực để tạo dựng tên tuổi trong thơ và thơ ca cũng giúp tôi tự lực trong cuộc sống”; còn chỗ kia chị lại nói: “tôi không bao giờ nghĩ đến việc mình làm tiền với thơ. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, tôi đã cảm thấy phản bội với mình, với thơ,...mục đích của tôi không phải biến thành ngôi sao, không phải để nổi tiếng, không phải để làm tiền”. Thuỳ Linh đã đặt tình yêu và tình dục đẹp lên trên tất cả, nhưng vẫn không quên phê phán những người không từ bỏ được tham, sân, si và không diệt được dục. Thuỳ Linh thích mình trở thành thủ lĩnh, thành người mở đường: “tôi hay dấn thân vào những cái chưa ai làm, hoặc không ai làm được”, “tôi biết tất cả những người đi đầu bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi...”, tôi đã “đương đầu chịu nạn…cho những người viết trẻ”. Nhưng chị vẫn thường trích dẫn ý tưởng của người khác theo kiểu: bất kì ai muốn biểu hiện sự gặp gỡ, sự đồng điệu nằm ngoài không - thời gian hoặc muốn an toàn thì không còn cách nào tốt hơn thế. Thuỳ Linh tự nhủ mình phải tận hiến, tận lực cho sự sáng tạo và cho tình yêu chẳng khác gì một kẻ cuồng tín. Nhưng lại rất tỉnh táo, thậm chí lạnh lùng trước những kẻ mà chị cho rằng hắn “chẳng đáng một xu thời gian”. Thuỳ Linh than phiền vì mình đã “đánh mất tuổi thơ”, đã đánh mất cảm giác thèm muốn ngay khi còn rất nhỏ. Nhưng lại nói nhiều về những ham muốn rất bản năng của con người. Thuỳ Linh tự nhận mình “biết sống khiêm nhường”, nhưng thường thuận miệng tạo cho phát ngôn của mình một ấn tượng nào đấy, chị tâm sự: “tôi ghét những câu trung dung, ba phải, thiếu cá tính”. Thuỳ Linh tôn vinh sex, tôn vinh tình dục, nhưng lại tự nhận mình đã sùng mộ lối sống hướng thượng và thánh thiện. Chị đã sống, đã đi và đã viết thật mạnh mẽ, thật táo bạo. Nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình vẫn còn yếu đuối và đang “trông cậy vào sự chở che của đấng siêu nhiên”. Thuỳ Linh cảm thấy mình “hiện đại, mãnh liệt…một cách khác biệt”, nhưng lại nói nhỏ với mọi người rằng: “tôi sống theo nguyên tắc đạo đức truyền thống” đấy các bạn ạ. Thùy Linh quả quyết: “tôi sống và viết vì đời sống giá trị thực sự, chứ không vì đời sống dư luận”. Nhưng thực tế thì chị vẫn phản ứng khá mạnh mẽ trước các hiện tượng dư luận mà chị coi thường. Thuỳ Linh cảm thấy cuộc sống hiện tại của mình “thiếu bình yên và che chở”: “tôi tự lực làm tất cả, kể cả việc an ủi và chở che cho mình bằng tấm thân gầy mảnh và tâm hồn nhạy cảm”. Song chị vẫn bảo mọi người rằng : “bạn tôi...luôn che chở và bảo vệ tôi”. Một mặt Thuỳ Linh chối từ dan díu với văn chương truyền thống, mặt khác lại thừa nhận: có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn mà chị từng đọc và ngưỡng mộ đã ảnh hưởng đến mình. Trước kia chị bảo “trong nghệ thuật, tôi không có thần tượng...khi viết tôi không bị ảnh hưởng của ai...tôi tâm niệm mình phải làm cái gì đó khác lạ...phải viết khác với người khác...hoặc người khác muốn cũng không viết được”. Về sau chị nói: “tôi chịu ảnh hưởng của những người đàn ông...tôi bị ảnh hưởng của niềm tin Á Đông về kết thúc có hậu”. Vi Thuỳ Linh đã cảm thấy mình được trấn an khi nhà cách mạng Ấn Độ bảo rằng - thơ cần cho con người, thơ cần thiết cho nhân dân. Nhưng đến lúc chị bày sàng giữa chợ một món thơ tân kì kiểu Thuỳ Linh, và làm marketting một cách chuyên nghiệp về nó, thì không ít người vẫn cứ kiên nhẫn tuyệt thực. Tư duy của Thuỳ Linh khá phức tạp. Chị có một tư duy đa phức. Không nên đòi hỏi và không thể đòi hỏi ở chị, mỗi lúc tư duy phải tuyệt đối chính xác. Chị không thuộc về một trật tự nào cả. Chị có thể tự đối thoại với chính mình, và được phép tự mâu thuẫn để cái vỏ của thơ ca nơi chị căng cựa nứt ra. Chúng ta hiếm khi bắt gặp trong lời của Vi Thuỳ Linh sự thống nhất, hoà hợp của các đối cực. Đa phần các đối cực được đặt cạnh nhau và quan hệ với nhau theo cách mà chúng được phép đi đến tột cùng giới hạn của nó. Đối với Vi Thuỳ Linh mọi cảm xúc, nghĩ suy đều phải đạt đến điểm cực đại của mình. Lời của Linh vẫn hay bị hơ quá lửa. Chẳng phải chúng ta thường chạm mặt với sự cháy nóng hoặc sự cực đoan đến khó chịu của chị đó ư?. Mọi lời của Vi Thuỳ Linh đều tập trung vào đề tài tình yêu và sự vĩnh cửu. Tình yêu làm nên sự vĩnh cửu, sự vĩnh cửu chỉ có được nhờ tình yêu. Ngoài tình yêu, Thuỳ Linh không còn một cái tôi nào khác, cũng không biết đến một chân lí nào hơn. Thuỳ Linh luôn nghĩ rằng trên đời này chỉ có tình yêu sinh ra chân lí, chỉ có tình yêu mới làm rạn nứt được những lề lối đã cũ mòn, vµ chỉ có tình yêu mới đem lại giá trị đích thực cho con người cá thể. Cá tính của Thuỳ Linh, năng lượng tinh thần của Thuỳ Linh đều dồn tụ vào lĩnh vực tình yêu, triển khai thành tình yêu và quy tụ về tình yêu. Tình yêu vừa trở thành cảm hứng, vừa trở thành động lực sáng tạo của Thuỳ Linh. Thuỳ Linh quan niệm: nhà thơ có thể tìm thấy mình trong tình yêu; và có thể biến đổi mình, biến đổi thơ bằng tình dục. Linh bảo: tôi tôn vinh sự hoà quyện thể xác trong tình yêu, tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp thân thể, và luôn khai thác, ngợi ca vẻ đẹp ấy. Linh nhấn mạnh rằng, sex đánh dấu sự tồn tại của tôi, của con người, sex làm cho sự sống của tôi thăng hoa, sex đánh dấu cái mùi đặc trưng của tôi trong nghệ thuật. “Người ta mê nhau vì mùi”. Linh đến với thơ ca, và đã thành công trước hết ở việc tạo ra cái mùi đó. Thơ của Vi Thuỳ Linh đậm đặc mùi của tình yêu, của tình dục. Thơ của Linh chỉ có mùi của Linh, cảm giác của Linh. Mùi của Linh được bộc lộ bằng thơ, bằng lời, bằng tất cả các động từ và tính từ quyến rũ. Mùi của Linh được hình thành từ và trong quan niệm mới về sự thật, về đạo đức, về giá trị, về ý nghĩa…Mùi của Linh sinh ra từ nỗi đam mê được sáng tạo. Trong Tuỳ viên thi thoại, Viên Mai có viết rằng: làm thơ cũng giống với nấu rượu. Thơ và rượu đều có mùi. Người thạo uống rượu nếm đủ mùi sẽ nói, rượu này từ Nam Kinh tới, rượu này do Tô Châu đưa lại. Người sành thơ nếm đủ thơ, sẽ nói thơ này của Vi Thuỳ Linh, thơ kia của Trần Dần, Lê Đạt. Nhưng: do đâu mà rượu ở mỗi nơi có vị riêng? Viên Mai nói: cái ngon giống nhau mà vị khác nhau vì mỗi nơi có cách nấu khác nhau. Sáng tạo thơ ca cũng vậy, mỗi người một cách làm. Thơ của Linh được làm ra từ công thức do Linh tự chế, nên đã thực sự có một mùi riêng, một vị riêng- không thể hoà lẫn với các trang viết khác. Chẳng phải ngẫu nhiên, Vi Thuỳ Linh từng tỏ ý bất bình trước chuyện: một số cô gái trẻ ra sách, khi trả lời phỏng vấn đều nói rằng họ đã vượt qua Linh. “Đỗ Hoàng Diệu chẳng hạn. Cô ấy tuyên bố, bằng chuyện viết về tình dục, Đỗ Hoàng Diệu đã đưa tôi vào quá khứ”. Có lẽ đọc những câu thơ viết về tình dục của Linh, và một số văn thi sĩ khác, chúng ta nên tính tới cả ba mặt: sinh học- tâm lí và tâm linh. Nietzche nói: “Trong một tình yêu đích thực, chính tâm hồn bao bọc lấy thân thể”.  Xét trên phương diện chất liệu, Vi Thuỳ Linh không đem đến cho chúng ta một cái mới nào. Trước khi có Linh và thơ Linh, tình yêu và tình dục đã có một chỗ đứng nhất định trong đời sống trần tục, đời sống tâm linh và cả ở văn chương. Đối với trường hợp Vi Thuỳ Linh, tôi nghĩ, nên bàn tới một tinh thần cải tạo thi ca đan xen trong những nhận xét về vấn đề cá tính, tư tưởng của chị. Song tất cả những điều đó chỉ thực sự đầy đủ ý nghĩa, khi được liên hệ với những rào cản của văn hoá, của xã hội đã tồn tại từ trước hoặc đang hình thành, bao gồm cả những định kiến và nỗi dè dặt của mỗi chúng ta. Không nên tin nhiều vào câu chữ, vào “những tít lạ, những chữ lạ”. Vì trên thực tế, ngôn ngữ không chỉ thể hiện tư tưởng mà còn xuyên tạc tư tưởng. Điều đó, cũng tương tự với điều mà chúng ta có thể nói được rằng: trước Vi Thuỳ Linh người ta dùng nhiều tính từ để nói về tinh yêu, tình dục, nhưng đến Vi Thuỳ Linh, các động từ đã thay nó để làm nhiệm vụ đó, và sự thực thì chúng đã làm được một cách vẻ vang. Vi Thuỳ Linh ao ước: nếu bây giờ được quay trở lại, vẫn còn mang cái đầu bây giờ, thì tôi sẽ mới ngay từ năm 1995 chứ không phải đợi mãi đến 1999[2]. Vi Thuỳ Linh đã xây dựng một không gian thơ của mình, đã nói về thơ của mình một cách một cách hồ hởi và đầy tin tưởng; chị hình dung mỗi hành động sáng tạo của mình đều giống với một cuộc sinh nở rất nhọc nhằn, nhưng đầy ý nghĩa. Thuỳ Linh đã bị chữ ám, đã bị thơ ám đến nỗi chẳng còn biết mình tạo ra thơ hay thơ đã sinh ra mình nữa. Thơ bao bọc ảo tưởng cùng lòng ham muốn vô bờ bến của chị. Thơ nhấn chìm chị vào cảm giác của một tình yêu trần thế. Thơ đánh thức ở chị cái ham muốn được thăng hoa từ bản năng tính dục ở con người. Thơ đem lại cho Vi Thuỳ Linh một không gian đủ lãng mạn và đủ hưng phấn để chị bộc lộ những mặt mạnh và mặt yếu thuộc về phái tính. Thơ trở thành một phương tiện giải toả xúc cảm tình dục vốn đã hoà trộn một cách tự nhiên và hấp dẫn trong tình yêu lứa đôi ở chị. Thuỳ Linh không để cho mình yên trong những suy nghĩ về thơ, và trong cách làm thơ. Linh nói về thơ một cách đầy suy tư so với những người viết trẻ cùng thời. Tôi luôn thấy một Vi Thuỳ Linh kiêu hãnh không có giới hạn, một Vi Thuỳ Linh muốn trở thành đàn ông để “làm được nhiều hơn những gì mình muốn”, một Vi Thuỳ Linh muốn làm một người đàn bà thật khác biệt, nhưng cũng đầy ham muốn đời thường. Chị bảo: tôi muốn “được làm một người đàn bà bình thường”. Nhưng lại thêm: “tôi có vẻ đẹp riêng biệt, nữ tính cũng riêng biệt”, “nếu ở đảo hoang chắc chắn tôi sẽ sống dữ dội hơn”.  Thuỳ Linh nói nhiều về thời gian: thời gian yêu, thời gian sống, thời gian viết...Muốn chiếm giữ nhiều thời gian để sáng tạo và tận hưởng. Muốn sống trong thời gian, xuyên qua thời gian bằng cách “trôi qua nhiều cuộc đời”. Thời gian của Thuỳ Linh luôn giàu mơ ước, dự định, khao khát. Thời gian ấy gắn liền với sự sáng tạo, với những mặc định về thiên chức, về sứ mệnh của giới tính. Thời gian được tạo thành bởi những việc làm hối hả, bề bộn. Thời gian được hình dung từ niềm ham sống và cách sống quyết liệt, cuống quýt của nhà thơ. Thời gian vận động và ngưng lại trong kí ức. Thời gian được cảm nhận từ phương diện ý nghĩa của nó đối với mỗi cá thể người. Thuỳ Linh đã có nhiều cố gắng giá trị hoá từng khoảnh khắc thời gian, vì chị “quý thời gian”. Sự sáng tạo của Thuỳ Linh luôn diễn ra trong ồn ào, với biết bao hệ luỵ ngoài ý muốn. Nhiều khi chị cảm thấy mình bị tổn thương, bị ngáng trở bởi những lời đàm tiếu của dư luận. Song về cơ bản, Vi Thuỳ Linh luôn mạnh mẽ. Chị sống bằng một kiểu tư duy mở, viết bằng một lối nghĩ suy nhiều ham muốn, nhiều đỏi hỏi. Chị thực sự có năng lực làm mới và luôn nghĩ mình sinh ra để làm mới thi ca. Không nên ngạc nhiên khi thấy Vi Thuỳ Linh tức giận vì ai đó chê thơ cô rất dở. Nhưng cũng nên dành một góc để nhớ- bài học sau đây. Một phóng viên của tờ báo nọ đã đưa ra một tình huống giả định thế này: nếu ai đó chê thơ của chị rất dở, chị sẽ đối đáp thế nào? Vì Thùy Linh hồn nhiên bảo: anh đã đọc thơ tôi chưa, thử đọc những câu thơ dở của tôi và phân tích cho tôi xem nó dở thế nào; nếu anh không làm được điều đó thì đích thị anh đã a dua nói xấu tôi rồi. Thuỳ Linh kết lời bằng một giọng có vẻ kiên quyết: “gặp những hạng người không biết gì nhưng a dua nói theo…tôi rất khinh thường”. Vi Thuỳ Linh rất thích sự độc lập trong ý tưởng và nhận định. Nhưng chị đã có phần cực đoan trong quan hệ với độc giả ở trường hợp đó. Đành rằng, thái độ dứt khoát và thẳng thắn của chị thật đáng quý. Song, có lẽ, sẽ hợp hơn nếu chị thừa nhận, ngoài cái tôi của chị ra, thì cái tôi của người khác cũng có giá trị. Tôi thấy, ở những trường hợp mà sự chủ quan và tự tin thái quá kiểu đó xảy ra, Vi Thuỳ Linh thường quên nói to lên rằng- tôi cũng rất cần sự thông hiểu và sẻ chia của độc giả, nhưng tôi rất ghét sự hồ đồ; đối với tôi ngoài những cái hữu lí và lôgíc ra thì không còn gì có thể chứng tỏ được một nhận định nào đó đã thật công bằng và khách quan đối với thơ của tôi cả. Thuỳ Linh tự tin nói về cái tôi độc sáng của mình. Ý thức về cái tôi ở Thuỳ Linh gắn liền với ý thức về hưởng thụ, về quyền sở hữu. Chị bảo: tôi không bao giờ ăn cắp thơ của ai và cũng sẽ ngăn chặn để không ai ăn cắp ý tưởng sáng tạo của tôi bằng cách đăng kí bản quyền. Vi Thuỳ Linh rất chuyên nghiệp trong việc chống lại sự lãng quên. Chị cũng biết cách giữ cho cái riêng, cái độc đáo của mình không để ai có thể mô phỏng, tranh đoạt được. Vi Thuỳ Linh có xu hướng đối lập mình với người khác bằng cách tự tách mình ra khỏi phong trào, ra khỏi cái xu thế chung của đám đông. Chị sẵn sàng nghi ngờ lời nói của người khác, nhưng chớ có ai nghi ngờ cái giọng nói sang sảng của chị: “Tôi nghi ngờ những ai khoe có tới cả nghìn bài thơ, tôi viết cũng nhiều lắm, nhưng còn lại khoảng 200 bài khiến tôi hài lòng. Càng ngày tôi càng cảm thấy viết khó hơn vì tôi khắt khe với mình hơn”. Thuỳ Linh thường nói về lao động sáng tạo một cách có lí luận. Lí luận của Linh thật gần gũi và phổ biến đối với những người mới bước vào nghề. Vì vậy, giả sử sau khi sàng lọc quặng thơ, Linh tạm hài lòng với hai trăm bài thơ đã sáng tạo, thì chúng ta cần nhìn phóng khoáng hơn nữa, để nhận thấy rằng, trên thực tế có đến hai trăm lẻ một bài thơ của Linh đọc được. Với Vi Thuỳ Linh, nhà thơ cũng cần nói nhiều về sự sáng tạo của mình, về vị trí của mình trong nền văn học cả nước, và nếu có dịp cũng nên thổ lộ cho độc giả biết mình đã nhọc nhằn, vất vả ra sao để có được thành tựu lớn lao chừng ấy: “tôi làm việc quá tải và bạc đãi cơ thể mình”, tôi đã “tiêu xài những năm tháng thanh xuân của mình cho việc viết”, “tôi thuộc về thơ nhưng không chỉ dành riêng cho thơ”, “muốn làm thơ tôi phải cắt giấc ngủ của mình”... và phải“ trả bằng máu, nước mắt và sự sống”. Khẩu âm của Vi Thuỳ Linh rất hoạt, vì chị đã hiểu rằng những tiếng nói ngoài thơ có thể làm cho sáng tác của mình thơ hơn nữa. Vi Thuỳ Linh có một cách riêng để buộc mọi người nhớ đến thơ, đến tình yêu và sự sống của chị. Chẳng hạn, khi được hỏi về một chặng thơ mới, Vi Thuỳ Linh đã giới thiệu rất hấp dẫn thế này: “ tôi đã im lặng thật lâu để sốc lại tinh thần, để thoát xác khỏi “Đồng tử”. Bởi chính tôi tự khắt khe với chính mình, tôi không muốn nối dài “Đồng tử”…tôi, một Vi Thuỳ Linh mới mẻ và bất ngờ. Mỗi lần đến tôi sẽ mang theo một niềm bí mật”. Vi Thuỳ Linh quan niệm: sống trong“thời buổi bùng nổ của Internet, của truyền hình cáp, của telephone... thì không thể im lặng”, chị chủ trương"phải biến văn học thành một nhu cầu,... khuyếch trương thương hiệu của nhà thơ để công chúng số đông chú ý đến văn học", vì : "mỗi người chỉ cần tò mò một chút, quan tâm một chút, sẽ tạo thành hiệu ứng dây chuyền". Vi Thuỳ Linh đi trên con đường mới, và chị cũng đã tìm được những cách thức mới để tác phẩm của mình có thêm cơ hội tiếp xúc với độc giả. Chắc chắn chị phải sống cùng nhịp với cuộc sống hiện đại, thì mới nhận thấy, giờ đây, muốn làm cho tác phẩm của mình được sống, được đọc, được đầu tư - người làm thơ luôn phải chủ động tạo ra những khế ước ngoài thơ. Khế ước này luôn hiện ra thành lời, tồn tại bằng lời, và thường có sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng. Với Linh “tất cả mọi thứ phải làm văn bản, hợp đồng…”, phải có người thứ ba làm chứng. Sự “thành thật” của một cá nhân không thể chỉ thổ lộ ở một không gian hẹp. Nó phải loang lan rộng rãi, vì công chúng có quyền được biết đến nó và đang chờ đợi nó. Trong tư duy của Linh, những sự thực đích thực của thế giới, của tâm hồn luôn được đưa lên bệ phóng. Thuỳ Linh biết cách “tự toả sáng để trở nên lộng lẫy”. Chị nói về thơ của mình, nói về tính cách của bản thân không ít hơn những lời phê bình về tác phẩm của chị. Làm thơ đối với chị trở thành nhu cầu, thành định mệnh, thành sự sống, thành minh triết theo kiểu của thơ, thành một cách đi tìm chính mình ở những nơi thơ nhất. Làm thơ, đối với Thuỳ Linh cũng quan trọng không kém việc con người hằng ngày phải ăn uống, phải hít thở, phải yêu thương.. để sống: “tôi không thể không viết và không yêu”. Thuỳ Linh chủ trương khám phá tất cả những cảm xúc bí ẩn và bay bổng của con người bằng tưởng tượng, bằng sự thể nghiệm nhập vai. Đọc thơ Linh phải đẩy Linh ra xa để mà đối thoại, mà tranh cãi về sự khác thường. Vi Thuỳ Linh thuộc kiểu người sinh ra để làm “những chuyện lớn” một cách lãng mạn, đôi khi khá viển vông. Không phải ngẫu nhiên mà chị cho rằng mình có khả năng thay máu cho thơ - bằng cách đưa vào thơ lời thẳng thắn, mạnh bạo về sex, về tình dục đẹp. Thuỳ Linh chống lại “sự cam chịu và giả dối” bằng cách công khai những cảm giác, những cảm xúc libido có ở mỗi con người. Linh nói: tôi không chỉ “miêu tả và phục hiện cuộc sống trên trang viết mà còn muốn tạo dựng, phơi mở một thế giới khác trong chính thế giới hiện thực này”. Với chị, không có gì có thể cấm đoán, có thể kiểm duyệt, có thể làm biến dạng cảm xúc libido của con người, kể cả những tín đồ của một kiểu thơ “thanh sạch” nào đấy; không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được sự vận động của thơ; không có một cái nhìn khắt khe nào có thể chế ngự được lòng ham muốn của chị. Chẳng phải qua thơ và trong thơ, Vi Thuỳ Linh đạt được những khoái cảm đẹp đẽ nhất, tiêu biểu nhất về libido, về những xúc cảm đang bị nhiều người hắt hủi, xua đuổi ư? Ở một phương diện nào đó, chị đã biến thơ ca thành một dạng khảo cứu cảm xúc và bản năng để tổ chức ra bản thân mình. Chị nói “ tình dục đẹp thăng hoa sự sống, những câu thơ hay nhất của tôi thường khởi phát trong sự tôn vinh và thăng hoa ấy”, hay “sex cho con người tìm kiếm và tìm thấy, trong cảm xúc nhiều biến đổi của họ”. Xét cho cùng, đối với người này thì libido chỉ tồn tại dưới dạng vô thức, tiềm thức, còn đối với Linh xung năng libido đã được chuyển hoá một cách tự nhiên thành tự ý thức trước khi tái xuất hiện dưới hình thức thơ. Hay đối với ai đó libido chỉ được thể hiện dưới dạng một ám chỉ, còn đối với Linh, nó không được phép giấu giếm, nó phải xuất hiện một cách đường hoàng, đầy tự tin ở nơi mà nó phải có mặt. Lời của Linh gói đựng cả một “ý thức chuyên chế” hoá thơ ca đương đại. Chị muốn kiểm soát tất cả, nên nuôi tham vọng “vẽ bản đồ tình yêu cho đủ hết mọi người”. Chị đặc biệt có hứng khởi trước nhận định- cho rằng Vi Thuỳ Linh đã “giải phóng phụ nữ trong thi ca”. Tôi thấy, Vi Thuỳ Linh muốn trấn áp dư luận để xây dựng một vị trí vững chắc của mình ở thơ, bằng những tuyên ngôn có sức nổ lớn; chị muốn phục sinh tâm hồn và làm cho trái đất “non tơ trở lại”. Mọi nhà thơ có quyền nói to những khao khát của mình lên. Không ai ngăn cấm được họ điều đó. Linh cố gắng vận động để tu duy cũ tiêu trầm đi. Chị thực sự mang trong mình một kiểu tư duy thơ hiện đại.   Giống với nhiều tác giả trẻ khác, sau giai đoạn viết một cách bồng bột và đầy bản năng - Vi Thuỳ Linh cũng cảm thấy mình viết rất khó vào: “hồi đầu tôi viết bằng bản năng, bây giờ khi cảm xúc đến thì tôi kìm nó lại, nung nấu nó trong đầu, sau đó triển khai nó trong một cấu trúc mà tôi chọn...tôi viết chậm hơn trước đây, khó nhọc hơn trước đây”, “càng ngày tôi càng cảm thấy viết khó hơn vì tôi khắt khe với chính mình hơn”. Phải chăng Vi Thuỳ Linh đang nói về cái quy luật khắc nghiệt của sự viết? Thật ra, Vi Thuỳ Linh đang quảng cáo thơ mình, đang nói về quá trình xây dựng thương hiệu của chị. Ở đây, hoàn toàn không đơn giản chỉ có chuyện Vi Thuỳ Linh thấm thía sự nhọc nhằn của nghề chữ, càng không phải đến lúc này cảm hứng của chị đã loãng, vốn sống đã cạn hoặc đã nổi tiếng rồi thì phải thận trọng hơn. Vi Thuỳ Linh biết cách làm duyên, làm dáng cho cách nói, câu nói của mình. Chị biết tiếp thị- biết PR. Hễ có dịp chị lại tự bình thơ của mình, mở cánh cửa thơ của mình để rút ngắn khoảng cách với người đọc. Chị đã bình thơ từ ý thức của một người thủ xướng, đã mở những ngăn thơ một cách chủ động. Đằng sau những ô cửa thơ sang trọng của chị, ta thấy có một thế giới “rõ ràng một cách bí ẩn”. Đằng sau “những ma trận chữ” của chị vừa có một con đường rộng mở, vừa có một cái ngõ để- nếu- thích- thì ta rẽ vào. Bất kì nhà thơ nào cũng phải tạo ra lời. Lời của nhà thơ, chẳng những phải in đậm dấu ấn riêng về cách tổ chức lời, mà còn phải đầy ắp tư tưởng. Nhưng để làm được điều đó, nhà thơ phải quan tâm đến kĩ thuật tạo ra lời. Kĩ thuật tạo ra lời, bao giờ cũng nói lên được tính chất chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp của người thợ lời. Bất kì ở đâu và lúc nào, Vi Thuỳ Linh cũng cố gắng để tạo dựng được cho lời một tính cách, một thái độ, một âm hưởng... Lời trở thành sự hiện hữu duy nhất của của Linh, trở thành sự thật duy nhất về Linh. Không có một “Vi Thuỳ Linh nhà thơ” ở ngoài lời. Lời đồng nhất với sự thực, với giá trị, với cá tính, với vẻ đẹp, với những gì riêng biệt và độc đáo. Lời của Linh thuộc loại lời trần tình. Linh lấy tính cách, lấy tình cảm của mình làm thơ; lấy “lời thực” và sự bạo liệt làm vẻ hiện đại; lấy “cảm giác thèm khát” không được thoả nguyện làm thi cách. Lời thơ gắn với sự tồn tại của từng tác giả. Không có lời nào lại không có chủ thể. Bản thể của lời, giá trị của lời không phải cái gì khác ngoài ý thức của chủ thể tạo ra lời đó. Lời thể hiện chức năng của chủ thể. Mỗi lời mang một giá trị. Tôi thiên về cách đọc tư duy của chủ thể xuyên qua các lời, không đối lập lời thơ với các lời văn nghệ thuật khác, vì tôi xem các sự kiện phát ngôn của nhà thơ luôn luôn vận động, và nó có thể tồn tại ở dạng văn bản này hoặc văn bản kia, thậm chí chuyển hoá từ cái này sang cái khác. Khởi thuỷ từ Lời. Mọi lời nói đều có khả năng khai mở (ở mức độ nào đó) tư duy của chủ thể sáng tạo. Nếu trước thế kỉ XX, từ Platon, Aristotle đến Hegel, đặc trưng của các loại thể văn học chỉ được xét trong phạm vi khép kín của lời nói nghệ thuật, thì đến thế kỉ XX, người ta nghiên cứu thể của tác phẩm văn học trong cùng một dãy với các thể loại lời nói. Chính Bakhtin, người đầu tiên nêu lên tư tưởng này, đã khẳng định rằng, có bao nhiêu lĩnh vực hoạt động của con người, thì cũng có bấy nhiêu thể loại lời nói. Tôi quan niệm: mỗi kiểu lời nói ứng với một kiểu phát ngôn; mỗi kiểu phát ngôn thể hiện một cách tư duy của chủ thể; muốn biết tư duy của chủ thể ra sao, thì không còn cách nào khác ngoài việc cần phải khảo sát các kiểu phát ngôn của anh ta.   Thuỳ Linh có một kiểu tư duy riêng về lời. Chị biết cách và thường làm cho lời của mình toát lộ một vẻ lạ. Ở đâu Vi Thuỳ Linh cũng “lắm lời”, “nhiều lời”. Ta tưởng chị đang dùng những mặt mạnh của giới để cưỡng bức độc giả chấp nhận những tìm tòi nào đó về câu chữ. Nếu coi sự nhiều lời của thơ, của chị gợi ra một trữ lượng cảm xúc dồi dào, một sự tư duy không ngừng nghỉ, thì sự nhiều lời của các bài trả lời phỏng vấn lại gây cho độc giả ấn tượng sâu đậm về một nhà thơ đang ở “độ tuổi cuồng nhiệt nhất của đời người”[3]. Cũng có trường hợp cho thấy, Linh nói nhanh, nói nhiều, chỉ vì “sợ không nói hết ý”, hoặc sợ chưa nói rõ được bản chất của sự việc. Tư duy của Linh ưa diễn dịch và loại trừ. Linh diễn dịch bằng cách tiến dần đến sự loại trừ; loại trừ một cách cực đoan, một cách quyết liệt. Bằng chứng thể hiện ở chỗ, Linh thường đối lập mình với đám đông, với “cái có trước”, thậm chí cả “cái đồng thời” để làm nổi bật những nét riêng, nét độc đáo vốn có ở mình. Đối với Linh, mọi phát ngôn đều chỉ thuộc về một trong hai đối cực: hoặc thế này, hoặc thế kia. Thùy Linh luôn dứt khoát trong lời nói, quyết đoán trong hành động. Chị không thích những cái mơ hồ và thường không hay trả lời lấp lửng, kiểu chẳng có cũng chẳng không, chẳng đúng cũng chẳng sai, hay vừa thế này lại vừa thế khác…Ở tư duy của Linh, chưa có chỗ đứng xứng đáng cho “nguyên lí bất định” của vật lí lượng tử. Khi tạo lời, Linh chọn lọc từ ngữ, nhưng không gọt lời của mình cho vừa khuôn lời nào cả. Linh thật với lời, với cảm xúc mình. Ngay cả khi nó gai góc xù xì chị vẫn xốc nó lên giữa ngày mở sáng. Lời của Linh có một âm sắc riêng, một giọng riêng. Linh biết cách giữ lời của mình, không để người khác mượn giọng. Đọc Linh, nghe Linh phải chú ý quan hệ giữa chủ thể với lời. Linh sinh ra cuộc sống của lời, đem lại tính chất tự nhiên và tự do nhất cho nó. Linh cấp cho lời nội lực mạnh mẽ của mình và khiến nó không phải nguỵ trang dưới bất kì hình thức nào để tồn tại. Lời của Linh chỉ diễn dịch Linh. Rômen Rôlăng hoàn toàn có lí khi cho rằng: “chỉ có ai sáng tạo, người đó mới sống”. Trong một số cuộc thoại, Thuỳ Linh thường khiêu khích độc giả bằng nhiều lời quyết liệt. Tính chất quyết liệt trong lời thoại của chị luôn bảo với chúng ta- không nên mất công tìm hàm ngôn làm gì. Song trên thực tế sinh động của lời thì chúng ta vẫn nên tỉnh táo trước cách chọn chữ, dùng chữ, tạo chữ của chị. Tư duy của Thuỳ Linh, nhìn chung không thật mềm để có thể nới rộng những giới hạn của sự sáng tạo. Vi Thuỳ Linh chỉ sáng tạo trong cái giới hạn mà chị đã vạch sẵn cho mình. Thơ của Linh, lời của Linh giống với một con dao hai lưỡi. Tôi nhớ, Vi Thuỳ Linh từng ví sự lao động của mình với một người thợ lò. Cả Linh và người thợ lò ấy đều phải cật lực mới đúc thành công những nguyên liệu của mình thành “con dao chữ”.     Vi Thuỳ Linh quan niệm lời thơ cốt ở sự chân thật: “dù không còn ai làm thơ tôi vẫn làm thơ… mãnh liệt và thành thật; tôi nhấn mạnh sự thành thật, vì… xung quanh, người ta “diễn quá nhiều”. Chỗ nào Vi Thuỳ Linh cũng nói đến “sự chân thật” của lời, và “sự mãnh liệt” của cảm xúc. Xem ra, ý thức về thể loại của Vi Thuỳ Linh chỉ quẫy đạp được trong cái vùng ấy. Chừng nào nhà thơ có ý thức mới về thể loại thì chừng đó thơ sẽ được đổi mới từ trong cốt tuỷ. Chừng nào quan niệm của nhà thơ hãy còn cũ, thì chừng ấy dù có nỗ lực sáng tạo bao nhiêu đi nữa, thơ cũng chỉ mới trong cái giới hạn có trước và đã cũ rồi của nó mà thôi. Nhiều người nghĩ rằng, đánh giá nhà thơ chỉ nên nhằm vào sáng tác của họ. Điều đó chẳng sai chút nào. Song cách làm đó, có phần cực đoan, nếu không muốn nói- đã thiếu đi một cái nhìn biện chứng. Con người khác con vật ở chỗ, nó “tạo nên một sản phẩm theo cái mô hình trong óc”[4] nó. Vậy nên, đối với người nghiên cứu, cả ba phương diện sau đây không thể xem nhẹ phương diện nào: thứ nhất- “mô hình quan niệm” của nghệ sĩ; thứ hai- sản phẩm được tạo ra từ cái “mô hình quan niệm” của anh ta; thứ ba - quan hệ giữa cái “mô hình quan niệm” và cái “mô hình thực tại” do anh ta tạo ra.     Nương theo cách nhìn vừa nêu trên, chúng ta sẽ thấy hiện tượng sau đây: nếu nghệ sĩ viết về đề tài cũ bằng một tư duy cũ, trang văn chắc chắn sẽ chứa đầy âm khí. Nhưng viết về đề tài cũ bằng một tư duy mới, hiển nhiên trang văn vẫn sống động khác thường. Còn nếu viết về đề tài mới, mà tư duy cũ thì cũng chẳng có gì đáng bàn nữa. Vi Thuỳ Linh viết về đề tài chưa cũ, hơn nữa lại bằng một kiểu tư duy có nhiều điểm mới mẻ, điều đó phải được thừa nhận. Nhưng trước khi chúng ta công nhận, Vi Thuỳ Linh đã lật ngửa thơ của mình ra để dán lên đó cái nhãn mác “hàng mới” từ phương xa về. Ta thì quen dùng “hàng cũ”, “hàng tồn kho”, nên e dè trước một vài kiểu lạ.  Có lẽ vì thế, chị vẫn làm mình làm mẩy mỗi khi chúng ta đi qua. Kể cũng lạ, mà cũng thật bình thường.                Giai thoại về nhà văn Nguyễn Minh Châu Nguyễn Trung Thu Ngay sau hôm biết chuyện này, tôi đến nhà Xuân Quỳnh kế lại đầu đuôi sự việc và nói: “Mọi chuyện là như thế, chứ anh Châu không hề tác động, không chạy chọt gì đâu, đừng nghĩ oan về anh Châu, tội nghiệp”. Xuân Quỳnh chăm chú nghe xong cười ré lên và nói ríu rít như không tỏ ra có chút xíu gì áy náy về sự hiểu lầm anh Châu sất cả. Nguyễn Minh Châu bị “gẫy” Một dịp nhà văn Nguyễn Minh Châu về quê và được một cán bộ tuyên huấn dẫn đến trường học nói chuyện văn chương. Nhà văn mới nói được một chập thì các cử tọa tỏ ra “không thèm nghe”, cứ làm việc riêng, mỗi lúc một ồn ã, rồi thì kẻ ra người vào khá nhốn nháo. Nhà văn cũng đã thấy ngao ngán, chưa biết xử sự thế nào thì đồng chí cán bộ tuyên huấn dẫn nhà văn đi nói chuyện xông lên bục “quảng cáo” về nhà văn rất kêu, nào Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn, nổi tiếng khắp nước và khắp… thế giới; nào Nguyễn Minh Châu làm đến chức Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn… Người cán bộ bước xuống, Nguyễn Minh Châu sau một lát né sang một bên, tiếp tục ra đứng trước micro đăng đàn. Nhưng tình thế không hề xoay chuyển tốt lên, ngược lại thêm xấu đi. Nguyễn Minh Châu nghĩ, lúc này thượng sách là đánh bài chuồn, bèn “nói tóm lại” vắn tắt ít phút, cám ơn mọi người “đã chú ý lắng nghe, “hẹn một dịp khác gặp lại”… rồi rút lui vội. Điều thú vị là khi Nguyễn Minh Châu kể lại cho bạn bè về cái lấn đăng đàn “bị gẫy 100%” của mình như trên, nhà văn không hề tỏ ra mảy may đau khổ gì sất, ngược lại còn có vẻ… khoái. Xuân Quỳnh "đền" Nguyễn Minh Châu Một chiều cuối năm 1985, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đến nhà tôi chơi. Khi Quỳnh và Vũ xách túi sửa soạn ra về, tôi rủ: “Anh Châu có nhà đấy, ta sang anh Châu đã…”. Tôi rủ Quỳnh và Vũ thế vì tôi biết là cả hai đều rất quý Nguyễn Minh Châu mà nhà tôi thì chỉ cách nhà anh Châu có mươi bước, và đã như thành lệ, trước đấy, lần nào Quỳnh và Vũ ghé đến chơi nhà tôi, chúng tôi cũng đều kéo sang anh Châu trò chuyện mãi. Lần này Quỳnh từ chối ngay: “Quỳnh và Vũ đang vội, để khi khác”. Vũ thì không nói gì, chỉ cười cười. Tôi nghĩ ngay, không hẳn hai bạn “vội” và cảm thấy có điều gì đây… Tối hôm đó tôi sang nhà anh Châu, vừa thông báo vừa thăm dò: “Quỳnh và Vũ chiều nay ghé bên tôi. Rủ sang anh nhưng Quỳnh nói vội không sang được”. Anh Châu buồn buồn chậm rãi: “Bà ấy ghét mặt tôi đấy. Mấy tháng nay bà ấy cứ lảng mặt tôi. Cái hôm tập Bến quê in xong, tôi đến nhà xuất bản lấy sách, bà ấy mắng tôi một trận té tát, bảo tôi chạy để in tác phẩm”. À ra vậy, tôi nói với anh Châu: “Thế sao anh không kể đầu đuôi với Xuân Quỳnh?. Anh Châu bảo: “Tôi chả nói gì. Nói sao kịp với bà ấy đang cơn thịnh nộ”. Đầu đuôi là thế này: Sau khi anh Châu gửi nhà xuất bản Tác phẩm mới (bây giờ là nhà xuất bản Hội Nhà văn) bản thảo tập truyện ngắn Bến quê, tôi có hỏi thăm anh về tập truyện. Anh Châu cho biết: “Nhà xuất bản sắp đưa in nhưng gác lại Con mèo hoang và Con chim (tức truyện Một lần đối chứng và Chú chim). Tôi đã được anh Châu đưa cho đọc hai truyện này khi anh mới viết xong, tôi thấy đó là hai truyện tốt, hay và không hiểu sao khi nghe anh Châu nói thoáng qua như vậy mà tôi cứ đinh ninh là hẳn các anh, các chị nhà xuất bản nghĩ hai truyện này in được nhưg sợ nó “gai góc”, sợ bị cấp trên “xà lú” nên phải gác lại. Do vậy mà mấy hôm sau, không nói với anh Châu ý định của mình, tôi mượn anh bản thảo đánh máy hai truyện ngắn bị gác lại và đưa nhờ nhà phê bình Hà Xuân Trường đọc (bấy giờ Hà Xuân Trường là Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương Đảng và tôi là một cán bộ giúp việc cho anh). Tôi cứ đem điều mình đinh ninh nói với anh Hà Xuân Trường về việc gác lại hai truyện ngắn này. Chỉ qua một đêm, anh Hà Xuân Trường đã chuyển lại cho tôi bản thảo hai truyện ngắn và nói: “Truyện Chú chim thì còn có phần bối rối, chứ cái Một lần đối chứng là truyện ngắn hay đấy, truyện này không những đặt ra được vấn đề có ý nghĩa rất đáng suy nghĩ mà viết tài lắm - gác lại thì uổng quá”. Được sự đồng ý của anh Trường, tôi đã viết một bức thư ngắn gửi anh Vũ Tú Nam, bấy giờ là giám đốc và anh Nguyễn Kiên là phó giám đốc nhà xuất bản Tác phẩm mới nói ý kiến anh Hà Xuân Trường “để các anh tham khảo”. Xong các việc đó, hôm trả anh Châu bản thảo, tôi có kể lại với anh Châu. Anh Châu bình thản, không tỏ gì vui vẻ, đồng tình và cũng không tỏ ý phản đối việc tôi làm. Vài tháng sau, tập Bến quê được phát hành, anh Châu cho tôi sách trong đó có in truyện Một lần đối chứng. Tôi nghĩ mọi chuyện như thế là tốt đẹp, vui vẻ cả. Ngờ đâu, Xuân Quỳnh là người biên tập cuốn Bến quê đã đề xuất ý kiến gác lại hai truyện trên, không phải vì sợ nó gai góc, sợ bị “xà lù” gì cả mà là thấy chưa được. Riêng truyện Một lần đối chứng sau này tôi nghe Vũ nói, Xuân Quỳnh cho là nó có cái gì ác ác, thiếu nhân bản. Chắc khi thấy những người phụ trách chuyển ý kiến anh Hà Xuân Trường cho mình thì Xuân Quỳnh cho là anh Nguyễn Minh Châu chạy chọt cấp trên để in thêm truyện vào tập sách nên “ghét mặt mắng té tát” anh Châu. Ngay sau hôm biết chuyện này, tôi đến nhà Xuân Quỳnh kế lại đầu đuôi sự việc và nói: “Mọi chuyện là như thế, chứ anh Châu không hề tác động, không chạy chọt gì đâu, đừng nghĩ oan về anh Châu, tội nghiệp”. Xuân Quỳnh chăm chú nghe xong cười ré lên và nói ríu rít như không tỏ ra có chút xíu gì áy náy về sự hiểu lầm anh Châu sất cả: - Hôm ấy, Quỳnh mắng “cậu” một trận, “cậu” cứ đực ra, không cãi được câu nào… Nói đoạn, Xuân Quỳnh mở ngăn tủ lấy ra hai gói chè hương thượng hạng nhờ tôi “kính biếu anh Châu hộ Quỳnh, nói Quỳnh đền “cậu” ấy”. Trở về, tôi sang ngay anh Châu chuyển lời và chuyển quà của Xuân Quỳnh. Anh bóc gói chè đưa lên mũi hít hít rồi vừa pha trà vào ấm vừa cười nói: - Cái con mụ đốp Quỳnh này, nó ghê lắm… chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu Tiểu sử: - Tên: Nguyễn Minh Châu (1930-1989) - Quê: huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. - Tác phẩm: Cửa sông (1967), Dấu chân người lính(1972), Cửa sông (1967), Dấu chân người lính(1972)... - Nguyễn Minh Châu được Nhà nước tặng giải thưởng HCM về văn học và nghệ thuật năm 2000 Phong cách nghệ thuật: Trước 1975 -Nghiêng về cảm hứng anh hùng ca, phản ánh, tái hiện bức tranh hiện thực sinh động về con người và cuộc sống của nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. +Tác phẩm: Cửa sông (1967), ... Sau 1975 - Văn chương trở về với đời thường & khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức, thế sự -Có sự đổi mới trong đề tài & bút pháp -+Tác phẩm:Bến quê (1987)... Tác phẩm (Hoàn cảnh ra đời, Nhan đề, Chủ đề) Chiếc thuyền ngoài xa viết năm 1983 là truyện ngắn in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường , truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Nhan đề: Nghệ thuật nhìn xa, nhìn gần thì cái trần trụi, hiện thực cuộc sống bị phơi bày. Khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống thì nghệ thuật mới thiết thực. Chủ đề: Bằng tài năng của một cây bút giàu bản lĩnh, qua tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện tình yêu tha thiết đối với những cảnh đời, thân phận trớ trêu của con người và gửi gắm, chiêm nghiệm sâu sắc cảu mình về nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn với cuộc đời và vì cuộc đời; người nghệ sĩ không thể nhìn đời 1 cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều. Tóm tắt - Phùng_nghệ sĩ nhiếp ảnh, được phân công đến một vùng ven biển miền Trung , để chụp ảnh lịch. Sau nhiều ngày “phục kích”, anh chụp được một “cảnh đắt trời cho”: Cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh hết sức kinh ngạc: từ chính trong chiếc thuyền, một gã đàn ông vũ phu đã đánh đập người vợ hết sức dã man; đứa con trai, xông vào đánh lại bố.Phùng xông vào can thiệp.Nhưng lạ lùng thay, những ngày sau, cảnh tượng đánh đập vũ phu đó vẫn tiếp tục diễn ra. … - Theo lời mời của Đẩu_một người bạn chiến đấu của Phùng, nay là Chánh án toà án huyện -Người đàn bà hàng chài đã đến toà án. Đẩu và Phùng khuyên bà bỏ người chồng vũ phu, độc ác đó. Nhưng thật bất ngờ: người phụ nữ đã một mực từ chối lời khuyên cùng giải pháp của Đẩu và Phùng, nhất quyết xin không bỏ lão chồng vũ phu.Chị kể lại cuộc đời mình, gia cảnh của chị và người chồng… Đó cũng là lí do chị từ chối lời khuyên trên. - Những nhận thức mới bừng sáng trong Đẩu và Phùng sau câu chuyện. Và sự ám ảnh, trăn trở của Phùng khi nhìn bức ảnh Chiếc thuyền ngoài xa của mình sau chuyến công tác. Giá trị nội dung Thông qua tác phẩm, Nguyễn Minh Châu không chỉ xót xa thương cảm người phụ nữ bất hạnh mà còn lên án sự tàn nhẫn, thô bạo của người chồng trong gia đình. Đồng thời báo động tình trạng bạo lực trong gia đình đang làm khô héo, rạn vỡ tâm hồn con người. Ca ngợi tình mẫu tử, trân trọng khát vọng được sống trong yêu thương, yên bình của trẻ em. => Giá trị nhân đạo sâu sắc Giá trị nghệ thuật -Tình huống truyện độc đáo. - Giọng điệu trần thuật đa dạng: + Khách quan ngạc nhiên khi tả cảnh đời, cảnh biển. + Lo âu khi tái hiện lời thoại của người đàn bà + Xót thương, căm phẫn khi chứng kiến cảnh người đàn ông ngược đãi vợ con. + Day dứt khắc khoải khi thấy người đàn bà chưa tìm được lối thoát... - Nghệ thuật khắc họa nhân vật (Phùng, người phụ nữ hàng chài, Phác, Đẩu .) - Lựa chọn các chi tiết đặc sắc (bãi xe tăng cũ, vái lạy thằng Phác & Đẩu, chiếc thuyền xuất hiện.)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docnguyen minh chau.doc
Tài liệu liên quan