Cuộc đời Người, những giá trị tinh thần bất tử của Người là tài sản vô giá của dân tộc. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, và non sông đất nước ta” (Lê Duẩn). Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hoá Việt Nam. Một con người hội tụ những nét phẩm chất tuyệt vời và với chính những phẩm chất này đã giúp Người lãnh đạo nhân dân ta trải qua cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
9 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1896 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Hồ Chí Minh là hình ảnh sự khôn ngoan của Phật, lòng nhân từ của Chúa, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lê Nin, sự ung dung của một người chủ gia tộc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nhà nghiên cứu Hélène Tourmaire đánh giá:
“Hồ Chí Minh là hình ảnh sự khôn ngoan của Phật, lòng nhân từ của Chúa, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lê Nin, sự ung dung của một người chủ gia tộc… Tất cả được kết hợp hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên”.
Bài viết
‘‘Bao nhiêu sao sáng bấy nhiêu anh hùng vì dân, mà bác Hồ ngôi sao sáng vô ngần, cuộc đời của bác chói ngời gương người cộng sản, quyết làm theo lời bác dạy khuyên. Quê hương yêu dấu Bắc – Nam chung một dòng máu, đoàn kết bên nhau đàn cháu ngoan của bác Hồ…, nguyện xứng cháu của bác Hồ Chí Minh!’’.
Có thể nói rằng không ai là người Việt Nam lại không biết đến Chủ Tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng lại càng được giáo dục kỹ lưỡng về Người. Những bài hát như trên là xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, dù Người mất đã hơn 40 năm nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách giáo khoa các cấp cũng luôn nói tới Người từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Tất cả đều nhằm mục đích làm cho mọi người hiểu rằng: không bao giờ được quên công lao to lớn của Người đối với dân tộc và kêu gọi hãy “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Con người của Bác là sự tổng hợp của tinh hoa văn hóa nhân loại, đó là sự kế thừa tư tưởng đạo đức Phương Đông, sự chọn lọc những tinh túy từ văn hóa phương Tây, đặc biệt quan trọng là tư tưởng đạo đức cũng như những tấm gương trong sáng của Mác, Ăng ghen, Lê nin đã để lại. Không quá cường điệu khi Hélène Tourmaire, một nhà văn và cũng là nhà báo viết: “Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.
Qua nhận xét của nhà văn Hélène Tourmaire người ta thấy nhiều yếu tố tưởng chừng như đối lập nhau nhưng lại cùng tồn tại trong con người Hồ Chí Minh. Tất cả đã tạo nên một con người thật vĩ đại!
***
1. Lòng nhân từ của Chúa:
Hồ Chí Minh quan niệm: Con người không phải là thần thánh, có cả cái tốt và cái xấu. Bởi vậy, phải "làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi". Người yêu cầu phải thức tỉnh, tái tạo lương tâm, đánh thức những gì tốt đẹp trong con người.
"Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy, và chính Người là biểu tượng, là tinh hoa của khoan dung, nhân ái Việt Nam.
Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu hiện ở lòng yêu thương mênh mông, sâu sắc đối với con người, ở niềm tin vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ có lầm lạc, còn nhỏ nhen, thấp kém; từ đó Người nhắc nhở chúng ta "phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi". "Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ".
Đối với những quan lại cũ, cả với những người từng có nợ máu với cách mạng, Người cũng khuyên "không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới,... mà nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung". Để làm được điều đó, Người nhắc nhở chúng ta phải vượt qua những thiên kiến, hẹp hòi. "Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu".
Chính sách đại đoàn kết và tấm lòng khoan dung, độ lượng của Bác Hồ đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hoá được nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ, một lòng một dạ đi theo cách mạng và kháng chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh.
Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu hiện ở thái độ trân trọng, cái nhìn rộng lượng đối với những giá trị khác nhau của văn hoá nhân loại, là chấp nhận giao lưu, đối thoại, tìm ra cái chung, nhằm đạt tới sự hoà đồng, cùng phát triển.
Hồ Chí Minh xa lạ với mọi thói kỳ thị văn hoá. Trong khi chống Pháp, Người vẫn yêu mến và đề cao văn hoá Pháp; chống Mỹ và vẫn ca ngợi truyền thống đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Mỹ. Bản thân Người là hình ảnh kết tinh của tinh hoa văn hóa nhân loại Đông và Tây. Trong một thế giới cộng sinh về văn hóa, có sự giao lưu giữa cái chung và cái riêng, cái đồng nhất và cái dị biệt, khoan dung Hồ Chí Minh là chấp nhận đối thoại về giá trị, là truy tìm cái chung, cái nhân loại để hòa đồng. Người đã viết: "Tuy phong tục mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. ấy là dân nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ".
Là một nhà ngoại giao biết thương lượng, có đầu óc thực tế, Hồ Chí Minh biết tìm ra mẫu số chung cho mọi cuộc đối thoại. Người nói với người Pháp: "Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức tự do, bình đẳng, bác ái độc lập".
Với các tôn giáo, Hồ Chí Minh thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo, khẳng định lẽ sống cao đẹp, những giá trị đạo đức - nhân văn của các vị sáng lập, không hề bài bác, phủ định mà khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
2. Sự khôn ngoan của Phật:
Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm. Ngay khi Nho giáo đã trở thành quốc giáo, Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh trong nhân dân từ tín ngưỡng đến phong tục tập quán, lối sống… Tất nhiên, Phật giáo là tôn giáo, nên có nhiều mặt hạn chế không tránh khỏi. Nhưng những mặt tích cực cũng đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong tư duy, hành động, cách ứng xử của con người Việt Nam. Những mặt tích cực của Phật giáo Việt Nam đã đi vào đời sống tinh thần dân tộc và nhân dân lao động. Gia đình Bác Hồ là gia đình nhà Nho nghèo, gần gũi với nông dân, cũng thấm nhuần tinh thần đó và để lại dấu ấn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh là con người của hành động, hành động rất thiết thực. Con người ấy không viết nhiều, không nói nhiều, không viết dài nói dài, song là con người làm, làm rất nhiều. Con người ấy nói ít, làm nhiều, thậm chí không cần nói, chỉ cần làm để rồi bằng việc làm cụ thể mà thuyết phục người ta làm theo mình. Nhưng như thế không hề là chủ thuyết của một nhà “triết học vô ngôn”, hoặc một “chính khách vô ngôn”. Hồ Chí Minh không phải không có những tác phẩm, những công trình, những bài viết, những diễn văn, những lời kêu gọi... Nhưng, tác phẩm lớn hơn cả, bài học sâu sắc nhất chính là cả cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.
Giờ đây đọc lại hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh, khởi đầu từ những năm 20 của thế kỷ trước, cho đến tư tưởng chỉ đạo hai cuộc chiến tranh cứu nước, giải phóng dân tộc là trước sau như một nhất quán với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mới thấy “vào thời ấy, hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ, khó lòng tưởng tượng. Nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con ngừơi mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại” (Phạm Văn Đồng).
Đó là một con người sáng tạo, rất sáng tạo, con người đổi mới, thường xuyên đổi mới, đổi mới rất táo bạo. Con người ấy “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn”. Từ quan điểm, đường lối cho đến cách sống, cách nói, cách viết, Hồ Chí Minh quyết liệt chống sự sáo mòn, hướng tới cái thiết thực, đạt tới hiệu quả cao nhất.
Trong con người ấy có sự hòa quyện nhuần nhị lý trí với tình cảm và tâm linh, sự gắn kết rất tự nhiên giữa tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ, với bản lĩnh tinh nhạy của một chính khách, và sự khoan hòa nhân ái của một lãnh tụ nhân dân. Đặc điểm nổi bật ấy tạo ra phong thái rất độc đáo của Hồ Chí Minh không trộn lẫn vào đâu được. Nhờ vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi tầng lớp nhân dân một cách dễ dàng vì nó gần gũi với cách cảm, cách nghĩ của họ, vừa rất truyền thống, vừa rất hiện đại. Biết cách làm cho dễ hiểu để đến được với người có trình độ học vấn thấp, song lại biết cách nâng cao lên để diễn đạt được chân lý của cuộc sống, thể hiện được khát vọng thầm kín và sâu xa của con người, nhất là những con người cùng khổ, con người bị áp bức.
3. Tinh thần nhiệt tình Cách Mạng của Lê nin:
Trong gần 50 năm mang danh hiệu người cộng sản, khi thuận lợi, lúc khó khăn, dù khi chỉ là một người thợ ảnh bình thường hay đã trở thành vị Chủ tịch nước đầy uy tín và danh vọng, ở buổi cách mạng thắng lợi ròn rã hay khi bị kẻ thù dồn dập phản kích, lúc nào Bác Hồ của chúng ta cũng tỏ ra là một người cộng sản kiên định, thủy chung, nghĩa khí, thắng không kiêu, bại không nản, vô cùng khiêm tốn nhưng cũng rất mực tự hào về danh hiệu người cộng sản của mình.
Từ khi rời Tổ quốc (1911) cho đến năm 1917, Hồ Chí Minh đã đến nhiểu nước thuộc địa và nhiều nước tư bản đế quốc. Trong khoảng thời gian đó, Hồ Chí Minh được bổ sung thêm những nhận thức mới về những gì ẩn dấu đằng sau các từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên Người đã nghe. Khoảng cuối năm 1917, khi trở lại Pari, Hồ Chí Minh đã làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội của nước Pháp và nhiều nước trên thế giới. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia Đảng xã hội Pháp (SFIO), một đảng tiến bộ lúc bấy giờ thuộc Quốc Tế II. Việc Hồ Chí Minh tiếp thu bản luận cương của Lê nin thàng 7 – 1920 và trở thành người cộng sản vào cuối năm đó đã tạo nên bước ngoặt căn bản trong tư tưởng của Người.
Thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lê nin đã giúp Hồ Chí Minh nhìn nhận, đánh giá, phân tích, tổng kết các học thuyết, tư tưởng, đường lỗi các cuộc cách mạng một cách khoa học; cùng với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình để đề ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn. Chủ nghĩa Mác – Lê nin là nguồn gốc lý luận, cơ sở chủ yếu nhất của sự hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay từ khi còn trẻ, Hồ Chí Minh đã có hoài bão lớn, có bản lĩnh kiên định, giàu lòng nhân ái và sớm có chí cứu nước, tự tin vào mình. Tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới là những đức tính dễ thấy ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Phẩm chất đó được rèn luyện, phát huy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nhờ vậy, giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa nhiều học thuyết, quan điểm khác nhau, giữa biết bao tình huống phức tạp, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, phân tích, tổng hợp, khái quát hình thành những luận điểm đúng đắn và sáng tạo, hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Sự ung dung của người chủ gia tộc:
Tất cả những người Việt Nam được tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều hâm mộ Người. Vì sao? Vì Hồ Chí Minh là người không lạm dụng, một người nhân ái và cũng là người dũng cảm. Hãy thử nhớ lại vẻ ung dung của Người khi xuống tàu đối đầu với tướng D'Argenlieu, cũng tức là với quân đội Pháp. Những hành vi như thế hấp dẫn toàn nhân loại. Hiểu được điều đó chúng ta sẽ thấy rằng việc diễn dịch tư tưởng Hồ Chí Minh một cách máy móc, giống như cách người ta gỡ từng sợi vải ra khỏi một mảnh vải thổ cẩm được dệt nên một cách tinh xảo từ những nguyên liệu mang bản sắc dân tộc và tinh hoa của nhân loại, sẽ là một sai lầm, thậm chí là một hành động xúc phạm đến Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời kỳ lạ của mình, Bác đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất, tổng hợp nhất tư tưởng của mình qua việc luôn luôn đưa ra các giải pháp chính trị mềm dẻo và hữu hiệu, với một phong thái ung dung, nhẹ nhàng và giản dị như chính cách Người ăn mặc, đi lại, nói năng. Ở Hồ Chí Minh chúng ta nhận thấy sự kết hợp hài hoà của đạo đức con người, đạo đức cách mạng với chủ nghĩa cộng sản, qua đó Người đưa ra những tiêu chí của đạo đức như là yếu tố cơ bản của một nhà chính trị của nhân dân. Không phải vô cớ mà mỗi khi nói đến Hồ Chí Minh người ta thường liên tưởng, và hoàn toàn có lý, đến những vĩ nhân đại diện cho nhân dân như Gandhi, như Nerhu...
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử. Những quyết định của Người đã tạo nên những thay đổi có tính chất bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911) cho đến lúc về cõi vĩnh hằng (năm 1969), suốt sáu thập niên hoạt động không ngừng nghỉ, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc và nhân dân, Người đã để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp vĩ đại và một di sản tinh thần vô giá. Thực tiễn cách mạng từ lúc Đảng ta ra đời đến nay đã khẳng định: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi.
*
Tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới là những đức tính dễ thấy ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Phẩm chất đó được rèn luyện, phát huy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nhờ vậy, giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa nhiều học thuyết, quan điểm khác nhau, giữa biết bao tình huống phức tạp, hình ảnh của Người vẫn hoàn chỉnh trong một dáng dấp rất tự nhiên.
***
Lời kết:
Cuộc đời Người, những giá trị tinh thần bất tử của Người là tài sản vô giá của dân tộc. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, và non sông đất nước ta” (Lê Duẩn). Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hoá Việt Nam. Một con người hội tụ những nét phẩm chất tuyệt vời và với chính những phẩm chất này đã giúp Người lãnh đạo nhân dân ta trải qua cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 31683.doc