Nơi cất trữ an toàn: thế kỷ 18 trước công nguyên
Hy Lạp và La Mã: thế kỷ thứ 4 trước công nguyên
Tôn giáo và ngân hàng: thế kỷ 12 và 13
Ngân hàng cho các Hoàng đế châu Âu: thế kỷ 13 và 14
Đế chế Fugger: thế kỷ 15-16
Ngân hàng và Séc/cheque: từ thế kỷ 16
Ngân hàng quốc gia: thế kỷ 17 và 18
Tiền giấy: 1661-1821
Đế chế Rothschild: từ cuối thế kỷ 18
22 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1640 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Lịch sử ngành ngân hàng thế giới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lịch sử ngành ngân hàng thế giới
Bức tranh nhiều mảnh ghép của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho thấy còn rất
nhiều điều phải làm. Với lợi thế đi sau, phần đông có cùng suy nghĩ ngành ngân
hàng Việt Nam có thể "đi tắt, đón đầu'' và nhanh chóng làm chủ các công nghệ
kiếm tiền tiên tiến nhất. Các sản phẩm cho vay bán lẻ, thu phí thanh toán và phổ
cập sử dụng thẻ tín dụng... được xem như tương lai và tiềm năng đột phá. Có thể
không phải vậy khi nhìn vào quá trình phát triển hệ thống ngân hàng quốc tế từ khi
những hoạt động tín dụng manh nha được hình thành vào thế kỷ 18 trước Công
nguyên.
Những dịch vụ ngân hàng đầu tiên không dành cho đông đảo người dân bình
thường. Các hoàng tộc, vương triều và một số ít nhà buôn giàu mới là đối tượng
phục vụ của ngân hàng nguyên thủy.
Ngân hàng là tổ chức tài chính nhận tiền gửi và cung cấp các khoản vay. Những
ngân hàng đầu tiên được biết tới trong lịch sử nhân loại là các đền thờ cổ đại.
Nơi cất trữ an toàn: thế kỷ 18 trước công nguyên
Vào khoảng ba nghìn năm trước Công nguyên. Hình thức ngân hàng sơ khai được
nhiều nhà sử học cho rằng đã hình thành trước khi con người phát minh ra tiền.
Ban đầu, tài sản gửi tại "ngân hàng'' là các loại ngũ cốc, sau đó là gia cầm, nông
sản, rồi đến kim loại quý như vàng. Đền thờ là nơi an toàn để cất trữ tài sản. Đó là
các công trình được xây dựng kiên cố, thường xuyên có người tới hành lễ. Và xét
về tâm linh thì ngay những tên trộm táo tợn nhất cũng có ý tránh chốn linh thiêng
này.
Tại Ai Cập và Mesopotamia, vàng được gửi vào các đền thờ. Nhưng những tài sản
quý giá này lại ngủ yên trong đó, trong khi, ở bên ngoài xã hội, các nhóm thương
nhân và hoàng tộc lại rất cần sử dụng chúng. Các nhà khảo cổ học tìm được những
tàng tích cho thấy tới đầu thế kỷ 18 trước công nguyên, tại Babylon, dưới thời trị
vì của Hammurabi, thầy tu trông giữ đền thờ bắt đầu cho các nhà buôn mượn tài
sản cất trữ trong đền. Khái niệm ngân hàng ra đời.
Hy Lạp và La Mã: thế kỷ thứ 4 trước công nguyên
Người Hy Lạp cổ đại nắm giữ những bằng chứng xa xưa nhất về hoạt động ngân
hàng. Các ngân hàng của người Hy Lạp vận hành đa dạng và phức tạp hơn bất kỳ
xã hội nào trước đó. Các đền thờ Hy Lạp cũng như các cá nhân và tổ chức hành
chính tại các thành đô đã biết tới những giao dịch tài chính như cho vay, gửi tài
sản, trao đổi tiền tệ, và định giá tiền đúc thông qua xác định khối lượng và mức độ
thuần khiết của kim loại. Thậm chí, người Hy Lạp đã sử dụng các giao dịch tín
dụng ghi sổ. Tại các hải cảng, nơi tập trung nhiều hoạt động giao thương, người
cho mượn tiền viết giấy tín dụng cho người cần sử dụng tiền. Người cầm giấy này
có thể "đổi'' lại thành tiền khi đến thành phố khác. Nhờ vậy mà người ta tránh
được việc phải mang theo một lượng tiền lớn trong các chuyến buôn bán giữa các
thành bang.
Pythius nổi tiếng là người lập ra và điều hành ngân hàng thương nhân (merchant
bank) khắp vùng Tiểu Á đầu thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Nhân vật này được
các nhà sử coi là nhà ngân hàng tư nhân đầu tiên. Một điểm đáng chú ý là tại các
thành bang Hy Lạp, rất đông chủ ngân hàng là người lai hoặc người nước ngoài.
Vào khoảng năm 371 trước công nguyên, Pasion, một nô lệ, đã trở thành nhà ngân
hàng Hy Lạp giàu có và nổi tiếng nhất, đã được tự do và được công nhận tư cách
công dân của Athena. Dường như người Hy Lạp, với trình độ phát triển khoa học
cao, đã xem nhẹ lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Điều này giúp lý giải việc Hy Lạp đạt
tới nền văn minh đỉnh cao từ rất sớm nhưng không có đóng góp hiểu biết đáng kể
trong lĩnh vực kinh tế đương đại.
Hoạt động tín dụng ngân hàng phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ thứ 4 trước công
nguyên ở vùng Địa Trung Hải. Tại Ai Cập, từ rất sớm, ngũ cốc đã được sử dụng
như một loại tiền tệ bên cạnh kim loại quý (vàng và bạc). Các kho chứa ngũ cốc
của triều đình thực hiện chức năng của ngân hàng. Khi đế chế Hy Lạp chinh phục
Ai Cập, thời kỳ trị vì của hoàng gia Ptolemies (330-323 B.C.), những kho chứa
nằm rải rác được tổ chức lại thành một hệ thống ngân hàng ngũ cốc, và được quản
lý tập trung tại Alexandria- nơi ghi chép và lưu trữ tài khoản của các tất cả các
ngân hàng ngũ cốc. Mạng lưới ngân hàng này hoạt động như hệ thống tín dụng
thương mại, trong đó, việc thanh toán được thực hiện bằng ghi sổ từ tài khoản này
sang tài khoản khác mà không cần chuyển tiền trên thực tế. Đây chính là bản chất
và hình thức đầu rõ ràng nhất của các nghiệp vụ bù trừ hay thanh toán điện tử của
các ngân hàng hiện đại.
Cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, đảo Delos ở vùng đất Aegean cằn cỗi, trở
thành trung tâm ngân hàng quan trọng của vùng Địa Trung Hải. Nơi đây cũng nổi
tiếng với hải cảng sầm uất và đền thờ thần Apollo tráng lệ. Cũng giống như tại Ai
Cập, giao dịch bằng tiền được thay thế bởi các hóa đơn tín dụng và việc thanh toán
được thực hiện dựa trên những chỉ dẫn đơn giản với các tài khoản giữ riêng cho
mỗi khách hàng. Sau khi người La Mã chinh phạt các đối thủ cạnh tranh là
Carthage và Corinth, Delos càng trở nên quan trọng. Hệ thống ngân hàng của
Delos gần như được các ngân hàng ở Rome sao chép lại.
Thành Rome cổ đại đã hoàn thiện các qui tắc và thủ tục hành chính của ngân hàng,
cũng như các tổ chức và giao dịch tài chính. Lãi suất tiền vay và lãi tiền gửi được
sử dụng rộng rãi với kỹ thuật tính toán phát triển và trong môi trường cạnh tranh.
Trong thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, các khoản nợ được coi là đã chính thức
thanh toán sau khi số tiền tương ứng đã chuyển tới ngân hàng. Nhà nước La Mã bổ
nhiệm công chứng viên ghi nhận các giao dịch ngân hàng. Tuy vậy, sự phát triển
của các ngân hàng La Mã gặp phải cản trở lớn từ thói quen sử dụng tiền mặt trong
giao dịch của người La Mã. Trong thời gian trị vì của Gallienus (260-268 sau
Công nguyên), hệ thống ngân hàng La Mã từng bị gián đoạn sau khi các ngân
hàng từ chối tiền bằng đồng mà vị Hoàng đế cho đúc ra.
Khi đế chế La Mã suy vong, các hoạt động thương mại giảm đáng kể nên các ngân
hàng cũng không còn cần thiết. Thêm vào đó, giáo lý Cơ đốc cổ ngăn cấm thực
hiện các giao dịch ngân hàng và coi việc tính lãi (cả với tiền gửi và tiền cho vay)
là không có đạo đức. Sau khi La Mã sụp đổ, hoạt động ngân hàng bị cấm tại tây
Âu và chỉ được phục hồi trở lại vào thời điểm các cuộc thập tự chinh xuất hiện.
Tôn giáo và ngân hàng: thế kỷ 12 và 13
Phần lớn các tôn giáo có nguồn gốc tại vùng Cận Đông không cản trở hành vi cho
vay nặng lãi. Các xã hội này tin rằng những thực thể vô tri giác có đời sống giống
như cây cỏ và động vật, và do đó, cũng có khả năng tự tái tạo. Tại các vùng châu
thổ lưỡng hà (Mesopotamia), vùng đất khởi thủy của đạo Do Thái Hitties, vùng
Canaan và Ai Cập, việc tính lãi vay được coi là hợp pháp và triều đình thường đặt
ra một mức lãi suất cố định. Chỉ có một sự khác biệt trong đạo lý của người Do
Thái. Trong phần cuối của kinh Hebrew, người Do Thái không được tính lãi trong
các khoản vay với người Do Thái. Lãi suất chỉ được áp dụng trong giao dịch với
những kẻ vô thần hoặc không thuộc Do Thái giáo.
Người theo đạo Cơ đốc không được phép cho vay nặng lãi. Và đó là cơ hội cho
các nhà ngân hàng thuộc tôn giáo khác. Khi cuộc Thập tự chinh bắt đầu đầu, các
vương triều châu Âu thịnh vượng cần các hoạt động tài chính. Người Do Thái,
xuất hiện ở hầu khắp các lĩnh vực và nghiệp nghiệp, đáp ứng nhu cầu này. Nhưng
sự thành công của họ, sự hiện hiện đông đảo những người cùng tôn giáo Do Thái
mang lại nhiều nguy hiểm cho chính họ.
Một nhóm khác cũng nổi lên trong thời kỳ này là các Hiệp sĩ thánh chiến (Knights
Templar), những người sau vài năm đã trở thành các nhà ngân hàng hùng mạnh ở
khắp châu Âu và Trung Đông. Cũng giống như người Do Thái, các Hiệp sĩ có
những nghi lễ tôn giáo riêng và dễ dàng trở thành nạn nhân của lời đồn tai tiếng,
ngờ vực và ruồng bố.
Việc kinh doanh ngân hàng mang lại nhiều lợi nhuận dần được chuyển sang tay
`những người anh em' có nguồn gốc Cơ đốc giáo, được biết tới đầu tiên là những
người Lombards. Lombard, tiếng Latinh viết là Langobardi, còn được gọi biết tới
với tên Langobards hay Longobards, là nhóm người có nguồn gốc chủng tộc
German, đến từ phía bắc châu Âu và định cư tại vùng lưu vực sông Danube. Tới
năm 568, dưới sự chỉ huy của vua Alboin tiến vào nước Italia và lập nên Vương
triều riêng, tồn tại tới năm 774. Hậu duệ của người Lombards, các thương nhân tại
Genoa, Milan, Venice và Florence là những người đầu tiên lập nên hệ thống ngân
hàng hiện đại và đưa và thực hành các nghiệp vụ quan trọng.
Ngân hàng cho các Hoàng đế châu Âu: thế kỷ 13 và 14
Trong suốt thế kỷ 13, các nhà ngân hàng ở bắc Italy, được biết tới tên gọi chung
''những người Lombards'', dần thay thế vai trò của người Do Thái trong hoạt động
truyền thống: cung cấp tiền bạc cho những người giàu có và quyền lực, các hoàng
gia châu Âu. Kỹ năng kinh doanh của ngân hàng được phát triển với phát kiến về
nghiệp vụ ghi sổ kép và cách thức bù trừ nghĩa vụ tín dụng của khách hàng trên
ghi chép sổ sách giữa các ngân hàng trong hệ thống, vốn được các ngân hàng ở
Genoa áp dụng từ thế kỷ 12. Cách thức kế toán sáng tạo này giúp họp tránh được
``tội lỗi'' cho vay nặng lãi được qui định trong giáo lý Cơ đốc. Lợi nhuận của
khoản vay được ghi trong các tài khoản dưới dạng quà tặng tự nguyện của người
vay hoặc phần thưởng cho những rủi ro mà nhà ngân hàng đã trải qua. Hẳn nhiên,
những món quà và phần thưởng của các hoàng tộc đứng đầu châu Âu không bao
giờ có giá trị nhỏ.
Các ngân hàng tại Siena và Lucca, Milan và Genoa đều thu lợi từ những thương
vụ mới này. Nhưng xứ Florence mới thực sự chiếm phần lớn nhất. Hệ thống ngân
hàng Florence thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế nhờ đồng tiền vàng florin nổi
tiếng. Được đúc lần đầu tiên vào năm 1252, đồng florin nhanh chóng nhận được
sự tín nhiệm và công nhận rộng rãi, thực sự trở thành đồng tiền mạnh (hard
currency) vào thời đó.
Tới đầu thế kỷ 14, hai dòng họ Bardi và Peruzzi là những người giàu có nhất tại
Florence nhờ vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Họ tổ chức việc thu và
chuyển tiền dựa trên các hệ thống phong kiến quyền lực nhất, đặc biệt là nhờ Đức
Giáo hoàng. Hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hóa trở nên thuận tiện với
những hóa đơn trao đổi (bill of exchange) mà nhà Bardi và Peruzzi cấp cho các
thương nhân. Khi xuất trình những hóa đơn này, thương nhân có thể nhận được
tiền ở bất kỳ ngân hàng trong hệ thống. (Đây là hình thức tương đồng với việc sử
dụng cheque ngày nay).
Các ngân hàng xứ Florence đảm bảo dịch vụ này nhờ số lượng chi nhánh ở khắp
nước Italia và tại các trung tâm buôn bán lớn của châu Âu. Tới đầu thế kỷ 14, hệ
thống ngân hàng Bardi đã hiện diện tại Barcelona, Seville và Majorca; Paris,
Avignon, Nice và Marseilles; London, Bruges, Constantinople, Rhodes, Cyprus và
Jerusalem.
Quyền lực của xứ Florence còn được củng có bởi những khoản nợ lớn mà các chủ
ngân hàng ở đây đang nắm giữ. Con nợ, không ai xa lạ, chính là các vị Hoàng đế
uy quyền bậc nhất châu Âu. Cũng chính vì lẽ đó, không lâu sau, các ngân hàng
này rơi vào cảnh tồi tệ.
Năm 1340, vua Edward III của nước Anh thực hiện thương vụ cực kỳ tốn kém:
cuộc chiến với nước Pháp, sự khởi đầu của một thế kỷ chiến tranh. Vị Hoàng đế
vay rất nhiều tiền từ xứ Florence. Nhà Peruzzi cho vua Edward III vay 600.000
florin vàng còn nhà Bardi cung cấp khoản vay 900.000 florin vàng. Tới năm 1345,
nhà vua vỡ nợ và cả hai dòng họ ngân hàng Florence cũng lâm vào cảnh phá sản.
Tuy vậy, vai trò trung tâm ngân hàng châu Âu của xứ Florence vẫn tiếp tục sau
thảm họa này. Nửa thế kỷ sau, những gia tài lớn nhất lại được các gia tộc ngân
hàng ở đây tạo dựng. Lần này hai dòng họ lừng danh của thế kỷ 15: Pazzi và
Medici.
Đế chế Fugger: thế kỷ 15-16
Vào đầu thế kỷ 15, nhà Medici xứ Florence là đế chế ngân hàng lớn nhất châu Âu.
Về sau, vì theo đuổi quyền lực chính trị, nhà Medici đã không tập trung cao nhất
cho các hoạt động kinh doanh tạo ra tiền. Sau Lorenzo Vĩ đại, tình trạng tài chính
của gia tộc ngày càng trở nên tồi tệ.
Một trong những cái tên được biết tới nhiều nhất trong thời kỳ đầu của lịch sử
ngân hàng thế giới là dòng họ Medici ở xứ Florence. Xuất thân từ những người
nông dân, rồi tham gia các hoạt động buôn bán và ngân hàng, dòng họ Medici dần
trở thành một trong các gia đình quyền lực nhất châu Âu trong suốt thời gian từ
giữa thế kỷ 14 đến 1748. Dưới sự dẫn dắt của Giovanni Medici từ đầu thế kỷ 15 và
sau đó là Cosimo, dòng họ xứ Toscan (thuộc Italia) dần mở rộng các hoạt động
ngân hàng ra ngoài ranh giới xứ Florence với các chi nhánh tại Milan, Geneva,
Bruges, Ancona, Pisa, London và Avignon. Chi nhánh tại Rome quản lý tài khoản
của Đức giáo hoàng.
Tại Florence, ngân hàng Medici nhận tiền gửi của những người Florence giàu có.
Các khoản tiền gửi này có thể được rút ra theo định kỳ từ ba tháng đến một năm và
hưởng mức lãi suất khoảng 10 phần trăm mỗi năm. Dòng họ Medici cũng dần
quản lý xứ Florence, thể hiện sức mạnh kết hợp giữa tài chính và chính trị. Sự kết
hợp này đã vô cùng hữu ích vào năm 1452 khi cả hai xứ Naples và Venice gây
chiến với Florence. Đối mặt cùng lúc với hai mối hiểm hoạ, Cosimo đã cho đòi
các khoản nợ tại hai thành phố thù địch khiến cho chiến tranh không thể nổ ra bởi
hai thành phố này không còn đủ nguồn tài chính để thuê quân lính.
"Dòng họ Medici đạt tới đỉnh cao dưới thời Lorenzo (1449-1492), cháu trai của
Cosimo. Lorenzo được coi là hình ảnh mẫu mực của một quý ông thời kỳ Phục
Hưng. Ông là người trị vì xứ Florence, nhà thơ, học giả, một người say mê nghệ
thuật, và một chủ ngân hàng. Danh tiếng này, tuy vậy, cũng có giá của nó. Dưới
thời kỳ Lorenzo, dòng họ Medici đã cho vua nước Anh Edward IV vay tiền để tài
trợ cho Cuộc chiến Hoa hồng (Wars of the Roses). Khi vị vua nước Anh không thể
trả nợ, ngân hàng đã bị mất một số tiền lớn và buộc phải đóng cửa chi nhánh tại
London. Dòng họ Medici cũng tham gia tích cực các hoạt động chính trị tại Nhà
thờ Thiên chúa Giáo, và rất có uy tín với các thế lực ngầm. Dòng họ Medici luôn
là những chủ ngân hàng đầy thủ đoạn, sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để loại bỏ đối
thủ cạnh tranh.
Dòng họ Medici bắt đầu suy yếu từ thế kỷ 16 khi xứ Florence bị xâm lược nhiều
lần. Vào thế kỷ 16, ngân hàng Medici thoát khỏi cảnh phá sản nhờ sự giúp đỡ của
Fuggers, một ngân hàng lớn ở miền nam nước Đức. Đến thế kỷ 18, ngân hàng
Medici chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của chính mình. Nhưng tên tuổi của dòng họ
Medici và ngân hàng Medici xứ Florence còn mãi trong lịch sử ngân hàng thế
giới."
--Jane E. Hughes và Scott B. MacDonald, 2002. International Banking: Text
and Cases.
Nhà Medici sau cùng cũng nhận được tước hiệu Công tước xứ Florence nhưng vị
trí đứng đầu ngành ngân hàng đã lọt vào tay ngân hàng Đức- dòng họ Fugger.
Cũng giống như nhà Medici, nhà Fugger tích lũy gia sản khổng lồ bằng việc chăm
sóc tài chính cho Giáo hoàng và các hoàng tộc.
Quyền lực của châu Âu được chuyển về Habsburgs, nơi gia đình Fugger sinh
sống, cuối thế kỷ 15. Tổ tiên nhà Fugger làm nghề dệt vải tại Augsburg và những
tài sản đầu tiên của gia đình đều năm trong ngành dệt. Người vay tiền nhà Fugger
đầu tiên là một hoàng tử Habsburgs vào năm 1487, với khoản đảm bảo là mỏ đồng
và bạc ở vùng Tirol. Kể từ đó, gia tộc này mở rộng và phát triển các hoạt động
khai mỏ và kim loại quý. Năm 1491, Maximilian, lúc này còn là hoàng tử của
vương triều Roman Thần thánh, nhận khoản vay đầu tiên từ nhà Fugger và đảm
bảo bằng các quyền lợi kinh tế thu được từ hai lãnh đại tại Áo. Sau khi lên ngôi
hoàng đế ở Habsburgs, Maximilian vẫn tiếp tục phải vay tiền của gia tộc Fugger.
Người vay nhiều tiền nhất từ nhà Fugger là cháu nội của Maximilian, vua nước
Đức Charles. Thừa hưởng từ cha ông ngai vàng của nước Đức và vương triều
Roman nhưng để giữ tước vị, Charles phải cạnh tranh với Hoàng đế nước Pháp,
Francis Đệ nhất. Để có tiền trang trải cho cuộc tranh cử, Charles tìm đến nhà
Fugger. Một lượng tiền khổng lồ đã được sử dụng để hối lộ bảy người bỏ phiếu:
852.000 florin. Gần hai phần ba số tiền này do nhà Fugger tài trợ (544.000 florin).
Chiến dịch vận động tranh cử thắng lợi. Charles V đăng quang.
Thời gian đó, mức lãi suất không bao giờ ở dưới 12%/năm. Và với một khoản vay
nóng, nhà ngân hàng ở thế kỷ 16 dễ dàng nâng mức lãi suất lên 45%. Cung cấp
dịch vụ ngân hàng cho các hoàng đế mang lại lợi nhuận.
Các cuộc chiến liên tiếp và những khoản chi tiêu của vương triều đều đặn làm suy
kiệt tài chính của Hoàng đề Charles. Cũng giống như những người đang trị vì các
quốc gia châu Âu vào thời kỳ đó, chi phí của Charles V vượt xa những nguồn lợi
có thể thu được. Phần chênh lệch được bù đắp bằng các khoản vay ngân hàng và
thường được hoàn trả bằng cách nhượng lại những nguồn thu lợi của hoàng gia.
Nhờ đó, nhà Fugger được trao toàn quyền hưởng số lợi tức từ Tây Ban Nha cùng
các mỏ bạc và thủy ngân vào năm 1525. Nhà ngân hàng này, từ đó, giữ vị thế đồng
thời là người thu lợi tức và người quản lý tài sản của vương triều. Nhưng mức lãi
suất cao của họ có thể nhanh chóng phá tan một vương quốc đã tham giá quá
nhiều cuộc chiến không mang lại lợi nhuận.
"Dòng họ Fugger. Fugger là một trong các dòng họ nổi tiếng nhất trong ngành
ngân hàng tại Đức vào giữa thời kỳ Trung cổ. Cuối thế kỷ 15, dòng họ Fugger nổi
lên như một gia đình buôn bán có thế lực tại thành phố Augsburg, và thường được
nhắc tới như những người chủ ngân hàng chuyên phục vụ dòng họ Hapsburg. Năm
1487, Jakob Fugger (1459-1525) cho Sigismund- Hoàng tử xứ Tyrol- vay 20.000
duca (đồng tiền vàng cổ châu Âu). Để đảm bảo cho khoản vay, vị lãnh chúa dòng
họ Hapsburg đã trao cho Jakob quyền kiểm soát các mỏ bạc tốt nhất vùng Schwarz
và toàn bộ doanh thu thuế của tỉnh Tyrol. Thời kỳ đó, nhu cầu sử dụng bạc rất lớn
nhằm phục vụ công việc chế tác các đồ trang sức tinh xảo. Bạc cũng là phương
tiện thanh toán, trao đổi xếp thứ hai sau vàng. Quyền kiểm soát các nguồn lực này
vừa mang lại nguồn lợi khổng lồ vừa củng cố sức mạnh tài chính của dòng họ
Fugger.
Với một khoản vay khác cho Hoàng tử Sigismund năm 1488, dòng họ Fugger đã
có quyền kiểm soát hoạt động khai thác bạc trên toàn bộ lãnh thổ. Khi kế tục
Sigismund nắm quyền cai quản Tyrol, năm 1490, Maximilian tiếp tục duy trì mối
quan hệ tín dụng này. Ngay sau đó, năm 1491, Maximilian có thêm một khoản vay
mới từ dòng họ Fugger nhằm tài trợ cho cuộc chiến thống nhất các lãnh địa thuộc
dòng họ Hapsburg. Maximilian trở thành Hoàng đế của Đế chế Roman (Holy
Roman Empire) vào năm 1493. Gia đình Fugger có một người bạn đầy quyền lực
và một khách hàng gắn bó.
Đến năm 1508, công việc kinh doanh của dòng họ Fugger đã trải khắp châu Âu
với các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dệt may, buôn bán hạt tiêu, bất động sản,
và khai thác mỏ bạc và đồng. Ngân hàng Fugger cũng tham gia tài trợ cho các
cuộc viễn chinh tại châu Mỹ. Hệ thống kinh doanh quốc tế của gia đình Fugger
cho phép họ cung cấp thêm một dịch vụ mới cho vương triều Hapsburg, khi đế chế
này mở rộng và nằm rải rác ở nhiều vùng địa lý trên khắp lục địa châu Âu. Các
lãnh địa chư hầu có nghĩa vụ nộp tiền cho vương triều Hapsburg. Họ thực hiện
nghĩa vụ của mình bằng nhiều đồng tiền khác nhau và việc vận chuyển thường tốn
rất nhiều thời gian và nguy hiểm. Kết quả là việc sử dụng hệ thống của gia đình
Fugger sẽ vô cùng tiện lợi cho hoàng gia. Với các lệnh chuyển đổi, tiền sẽ được
chuyển tới Augsburg chỉ trong vòng hai tuần. Có thể hình dung một cách đơn
giản, đại diện của gia định Fugger tại Antwerp nhận tiền và phát hành một giấy
ghi nhận tín dụng. Giấy chứng nhận này sẽ nhanh chóng được chuyển tới Đức và
đổi thành tiền mặt tại ngân hàng Fugger ở Augsburg .
Gia tài của dòng họ Fugger, tuy vậy, cũng trở nên gắn bó vô cùng mật thiết với các
hoạt động của khách hàng lớn nhất, vương triều Hapsburg. Dưới thời Charles V,
người kế nghiệp Maximilian, chiến phí quá lớn trong các cuộc xung đột với người
Ottoman, Pháp, và người Tin lành tại Đức đã đặt tình trạng tài chính của vương
triều vào tình trạng căng thẳng đáng ngại. Mặc dù gia đình Fugger tin rằng họ đã
gia hạn quá mức với vương triều Hapsburd, họ vẫn phải miễn cưỡng tiếp tục cung
cấp các khoản tín dụng. Sức mạnh tài chính của dòng họ Fugger bị tổn hại nghiêm
trọng khi Philip II của Tây Ban Nha tuyên bố phá sản vào năm 1577. Gia sản của
dòng họ Fugger sụt giảm nghiêm trọng ngay sau đó."
--Jane E. Hughes và Scott B. MacDonald, 2002. International Banking: Text
and Cases.
Tới cuối thế kỷ 16, dòng họ Fugger rút khỏi các hoạt động tài chính rủi ro, sau một
số thảm họa gia đình, và duy trì hiện diện như một gia đình quí tộc sau khi bán đi
phần lớn tài sản.
Từ đây xuất hiện những triều đại ngân hàng mới, trong đó nổi bật và quyền lực
nhất là gia tộc Rothschild. Nhưng điểm đáng kể nhất của lịch sử ngân hàng thế kỷ
17 lại là mô hình kinh doanh với các dịch vụ thương mại hướng tới khách hàng
thông thường nhiều hơn các vị hoàng đế.
Từ Antwerp đến Amsterdam
Antwerp trở thành trung tâm tài chính của châu Âu vào đầu thế kỷ 16. Vị trí trung
tâm giao thương giữa vùng Baltic, Đại Tây Dương, và châu Á của Antwerp được
khẳng định khi chuyến tầu đầu tiên của người Bồ Đào Nha dỡ các kiện hàng hạt
tiêu và quế xuống bến cảng vào năm 1501. Quan trọng hơn, tại Antwerp có một
trong hai thị trường chứng khoán duy nhất vào thế kỷ 16. Tại đây, vốn và các
khoản tín dụng luôn sẵn sàng dành cho các thương gia có uy tín đang thiếu vốn
nhằm đổi lại mức thu thuế đảm bảo cùng các cam kết trả nợ. Randall Germain ghi
nhận về giai đoạn này như sau: "Sự phát triển của Antwerp, đặc biệt là thị trường
chứng khoán tại đây, báo hiệu sự chuyển dịch cấu trúc tài chính công cộng, phản
ánh sự bùng nổ cả khả năng cung cấp nguồn tài chính (đồng sovereign của Anh,
vàng của Mỹ và doanh thu từ việc cấp phép độc quyền thương mại) và nhu cầu sử
dụng các nguồn lực này.''
Antwerp đã thu hút các nhiều ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng Đức, như Fugger
hay Welser, đóng vai trò quan trọng tại đây, mặc dù các ngân hàng Italia cũng hiện
diện. Trong phần lớn thế kỷ 16, Antwerp phát triển thịnh vượng với hàng hoá từ
châu Á do người Bồ Đào Nha đổ xuống cảng biển tại đây, sau đó chuyển tới Đức,
vùng Baltic, và Anh quốc. Theo chiều ngược lại, các đồng tiền bạc và đồng của
Đức và Hungary chảy về Antwerp. Nhiều chuyến hàng lớn khởi hành từ đây với
nguồn tài trợ là các khoản vay từ ngân hàng Fugger hay Welser. Thời hoàng kim
của Antwerp trong lịch sử tài chính đi đến hồi kết vào thập kỷ 1580, khi cuộc
chiến tôn giáo giữa những người Tin lành và những người Thiên chúa giáo nổ là
tại Vùng đất trũng (ngày nay là khu vực Vương quốc Bỉ và Hà Lan). Thật không
may, Antwerp đã tham gia vào cuộc chiến với cộng đồng người Tin lành thiểu số,
những người phải gánh chịu cơn thịnh nộ của Philip II, người trị vì xứ Hapsburg
(Tây Ban Nha) theo đạo Thiên chúa. Năm 1585, quân đội Tây Ban Nha tiến vào
cướp phá Antwerp. Hậu quả nặng nề của sự kiện này là Antwerp đánh mất vai trò
của mình trong hệ thống tài chính quốc tế.
Hoạt động ngân hàng trong thế kỷ 16 cũng không tránh khỏi rủi ro này. Trong khi
nhiều ngân hàng lớn của Đức và Italia cho các vương triều châu Âu mượn tiền thì
việc thu hồi các khoản nợ gặp rất nhiều khó khăn. Hỗ trợ cho bên chiến bại đồng
nghĩa với việc người vay tiền sẽ bị xử tử và lãnh địa của họ bị tàn phá bởi các đạo
quân vô cùng hung hãn. Cũng không kém phần nguy hiểm, ngay cả các hoàng gia
lớn cũng có thể sử dụng quá mức nguồn lực tài chính của mình và thường dẫn tới
kết cục vỡ nợ. Vua Philip II của Tây Ban Nha đã phải tuyên bố phá sản vào năm
1557. Hậu quả tại hại của sự kiện này là các ngân hàng lớn của Đức đều bị tổn thất
nặng nề.
Khi Antwerp suy thoái là lúc Amsterdam nổi lên như trung tâm tài chính của thế
giới. Trong thế kỷ 16, người Hà Lan thống lãnh việc vận tải thương mại tại khu
vực Baltic và hoạt động rất tích cực tại các vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha và Bồ
Đào Nha. Cuộc chiến với Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 16 mở ra cho người Hà
Lan nhiều cơ hội thương mại quốc tế hơn. Đây là cơ hội để người Hà Lan nhanh
chóng thành lập đế chế của riêng mình, và cuối cùng đã giành được quyền kiểm
soát New Amsterdam (ngày nay là New York), các quần đảo châu Á mà ngày nay
là Indonesia, hàng loạt hòn đảo tại vùng Caribbean và Suriname, và trong một thời
gian ngắn là một phần Brazil và bờ biển phía đông châu Phi.
Người Hà Lan đã thực hiện các biến đổi sâu sắc trong tài chính vào đầu thế kỷ 17.
Mặc dù an ninh quốc gia liên tục bị đe doạ bởi các hoàng tử Đức, Pháp, và Tây
Ban Nha, nền độc lập của Hà Lan vào thế kỷ 17 được duy trì tương đối ổn định.
Môi trường chính trị ổn định là điều kiện đầu tiên giúp hoạt động thương mại
thăng hoa. Và do vậy, nhu cầu một hạ tầng tài chính phát triển hơn và phức tạp
hơn xuất hiện. Năm 1602, người Hà Lan cho thành lập các khu chợ có tổ chức
dành cho việc trao đổi các công cụ tài chính. Ngân hàng Ngoại tệ Amsterdam
(Amsterdam Exchange Bank) được thành lập năm 1609. Sở giao dịch chứng
khoán Amsterdam (Amsterdam Stock Exchange) mở cửa năm 1611. Để làm nền
móng cho các phát triển trên, người Hà Lan đã phát triển một hệ thống ngân hàng
vững mạnh, biến Hà Lan trở thành nỗi ghen tị với phần còn lại của châu Âu, đặc
biệt là Anh quốc.
Người Hà Lan thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế trong suốt thế kỷ 17 với
nguồn tài chính từ các quốc gia đang tìm hướng phát triển kinh tế qua các hải đội
của mình như Anh và Pháp. Sự thống lĩnh của người Hà Lan về tài chính, tuy vậy,
đã mở đường cho người Anh tiến lên vị thế này trong thế kỷ 19.
Ngân hàng và Séc/cheque: từ thế kỷ 16
Năm 1587, Banco della Piazza di Rialto mở cửa tại Venice với tư cách một sáng
kiến của nhà nước. Mục tiêu của nó là cất giữ an toàn các khoản tiền của thương
nhân và đảm bảo các giao dịch tài chính giữa Venice và đối tác ở bất kỳ đâu mà
không thực hiện di chuyển vật lý của tiền đúc.
Quá trình khảo cứu tư liệu về lịch sử phát triển ngành ngân hàng thế giới ghi nhận
các tài liệu đề cập tới dòng họ Goldsmid, ở một số tài liệu là Goldsmith. Mặc dù
cách viết có khác nhau nhưng phỏng đoán rằng đây chỉ là một đối tượng duy nhất:
những người làm nghề kim hoàn, đúc tiền vàng (loại tiền rất có giá trị vào thời
Trung cổ). Với vị thế ngày một quan trọng của tiền vàng trong buôn bán và cất trữ,
những người này giàu lên, có tích lũy. Việc sử dụng vốn của họ theo công nghệ
kiếm lãi vay rất hợp tự nhiên và qui luật thị trường.
Còn sức mạnh quyền lực thông qua van tín dụng là do con người tạo nên với các
kế hoạch thiết kế tinh vi, dày công chuẩn bị, điều phối cực tốt và thực thi hiệu quả
từng lần. Đại gia tộc Rothschild đặc trưng cho những phẩm chất đó. Họ vươn lên
trong sự tàn khốc của thị trường là điều ai cũng phải nghiêng mình kính nể.
Hình thức thanh toán không sử dụng tiền đúc đã từng được Hy Lạp cổ đại áp dụng
nhưng khi đó, những cá nhân cho vay tiền đối diện với rủi ro vỡ nợ cao. Sáng kiến
Venice, với chi phí và trách nhiệm thuộc về nhà nước, là nỗ lực cung cấp một
phương tiện đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh rủi ro. Các trung tâm thương
mại ở vùng Địa Trung Hải trong thời kỳ đó, đáng kể có Barcelona và Genoa, thậm
chí còn đi trước Venice với mô hình này. Các thành phố cảng phía bắc cũng nhanh
chóng học tập theo, Amsterdam năm 1609, Hamburg năm 1619 và Nuremberg
năm 1621.
Với phương thức giao dịch mới này, cheque, tiếng Việt gọi là séc, ra đời. Một hóa
đơn trao đổi, phương thức ban đầu của việc chuyển tiền không sử dụng tiền đúc, là
hợp đồng giữa các bên cá nhân và một hoặc nhiều hơn người cho vay tiền. Séc là
hóa đơn thanh toán giữa các ngân hàng. Việc thanh toán được thực hiện cho bất kỳ
ai nắm giữ và xuất trình séc với một trong số các ngân hàng tham gia cam kết trên
séc.
Việc sử dụng séc đơn giản và được chấp nhận rộng rãi từ cuối thế kỷ 17. Cùng
thời gian đó, các ngân hàng nhận ra họ có một nguồn lợi lớn hơn việc xử lý thanh
toán séc và chuyển tiền.
Tổng số tiền các khách hàng gửi tại ngân hàng là một số lớn, và chỉ một phần
trong số đó thường xuyên nhận được yêu cầu rút ra của khách hàng. Một phần số
tiền còn lại có thể sử dụng để cho vay, với một mức lãi suất và mang lại lợi nhuận
cho ngân hàng. Khi khách hàng nhận ra phần giá trị tiềm ẩn trong số tiền họ gửi tại
ngân hàng, nhà ngân hàng chấp nhận trả cho khách hàng một mức lãi tương ứng
với số tiền và thời gian gửi tiền trong ngân hàng. Lợi nhuận của ngân hàng khi này
là phần chênh lệch giữa lãi suất phải trả cho khách hàng và lãi suất nhận được từ
các con nợ.
Quá trình chuyển đổi từ các cá nhân cho vay tiền sang ngân hàng tư nhân diễn ra
chậm rãi trong suốt thế kỷ 17 và 18. Tại nước Anh, những gia đình chuyên nghề
kim hoàn bắt đầu nổi lên, nhờ sớm tham gia vào hoạt động giữ tiền trong thời kỳ
phát triển đầu tiên của ngân hàng. Sau đó, những gia đình này bắt đầu cho vay
tiền. Cuối cũng, sang thế kỷ 18, họ chuyển toàn bộ sang hoạt động ngân hàng thay
cho công việc tạo tác truyền thống.
Với ngân hàng tư nhân là một phần cấu trúc của đời sống thương mại, trong giai
đoạn tiếp theo, lịch sử phát triển ngân hàng ghi nhận sự ra đời của các ngân hàng
quốc gia.
Ngân hàng quốc gia: thế kỷ 17 và 18
Venice, sau khi là thành phố đầu tiên lập ngân hàng cho việc giữ tiền và thanh
toán bù trừ séc, cũng đi tiên phong trong việc cho phép một ngân hàng can dự vào
tài chính chính phủ. Năm 1617, Banco Giro được thành lập để giải quyết các vấn
đề mà Banco della Piazza di Rialto để lại sau khi thực hiện những khoản cho vay
không đảm bảo.
Con nợ của ngân hàng chính là nhà nước Venice. Banco Giro ra đời trên nguyên
tắc những chủ nợ của chính phủ chấp nhận nợ được thanh toán dưới dạng tín dụng
với ngân hàng mới. Để giải quyết một vấn đề trước mắt, những cơ hội mới được
tạo ra. Venice đã có một cơ chế tạo nguồn quỹ tài chính công trên cơ sở các khoản
tín dụng được đảm bảo.
Mở rộng khái niệm này theo lô-gic đưa tới khái niệm ngân hàng quốc gia, được
thành lập dưới dạng các liên kết với chính phủ. Ngân hàng quốc gia đầu tiên ra đời
là Ngân hàng Thụy Điển (Bank of Sweden), thành lập năm 1668. Cho tới nay ngân
hàng này vẫn hoạt động và thường được nhắc tới với tư cách tổ chức xét và trao
Giải thưởng Khoa học Kinh tế Tưởng nhớ Alfred Nobel. Cũng rất lâu đời và giữ
vai trò quant trọng trong lịch sử ngân hàng thế giới là Ngân hàng Anh (Bank of
England) được thành lập năm 1694, ban đầu là một công ty cổ phần, với thương
vụ đầu tiên là thu xếp khoản nợ 1,2 triệu bảng được vua nước Anh Willam sử
dụng trong cuộc chiến với Louis XIV của Pháp(Ellen Hodgson Brown, 2008. Web
of Debt).
Trong suốt thế kỷ 18, Ngân hàng Anh lần lượt thực hiện các công việc mà ngày
nay được xếp vào nhóm chức năng hoạt động của ngân hàng trung ương. Ngân
hàng này tổ chức veiẹc bán trái phiếu chính phủ khi cần huy động nguồn tài chính.
Nó cũng giữ vai trò ngân hàng thanh toán bù trừ cho các bộ và cơ quan chính phủ,
hỗ trợ và xử lý các giao dịch thường nhật của các tổ chức này.
Ngân hàng Anh cũng trở thành nhà ngân hàng của ngân hàng khác tại London, và
thông qua những ngân hàng này tiếp cận cộng đồng ngân hàng quốc tế. Các ngân
hàng London trong nửa cuối thế kỷ 18 hoạt động như đại diện tại kinh đô tài chính
của rất nhiều ngân hàng tư nhân qui mô nhỏ.
Toàn bộ các ngân hàng này đều sử dụng Ngân hàng Anh như nguồn tín dụng mỗi
khi gặp sự cố. Để đảm bảo chức năng này, ngân hàng quốc gia cần một lượng
vàng dự trữ rất lớn với toàn bộ lượng vàng của quốc gia được bảo quản cẩn mật
trong các hầm chứa.
Tiền giấy: 1661-1821
Tiền giấy xuất hiện lần đầu tiên tại châu Âu vào thế kỷ 17 tại Thụy Điển, vài năm
trước khi ngân hàng quốc gia đầu tiên ra đời. Năm 1656, Johan Palmstruch lập
Stockholm Banco. Dù đây là ngân hàng tư nhân nhưng có mối liên hệ rất mật thiết
với nhà nước. Một nửa lợi nhuận của ngân hàng này là khoản phải trả cho Bộ tài
chính của Hoàng gia Thụy Điển. Năm 1661, sau khi thảo luận cùng chính phủ
Thụy Điển, Palmstruch nhận được quyền phát hành giấy tín dụng có thể trao đổi.
Khi đưa giấy này tới ngân hàng của Palmstruch, một số lượng tiền xu đúc bằng
bạc đã được định trước sẽ được trao cho người xuất trình.
Giấy bạc Palmstruch được thiết kế rất ấn tượng. In trên mặt giấy là 8 chữ ký. Nếu
đạt đủ lòng tin của dân chúng, đó sẽ là loại tiền tệ lý tưởng. Giấy bạc này có thể
được sử dụng để mua hàng hóa trong chợ nếu từng người nắm giữ nó cùng có
chung niềm tin rằng sẽ đổi được môt lượng tiền đúc thực sự khi cầm giấy đến
ngân hàng.
Tiền giấy Palmstruch, 1661
Nhưng tai họa đã xảy ra. Palmstruch phát hành nhiều tiền giấy hơn số bạc có thể
đổi cho khách hàng. Đến năm 1667 Palmstruch bị thất sủng, và đối diện với án tử
hình, sau đó được giảm nhẹ xuống phạt tù, do gian lận.
Phải tới nửa thế kỷ sau, mới có một ngân hàng nữa ở châu Âu phát hành tiền giấy.
John Law, người sáng lập Banque Générale tại Paris vào năm 1716, thực hiện phát
hành tiền giấy vào tháng 1 năm 1719. Niềm tin của công chúng với đồng tiền này
đã bị sụt giảm nghiêm trọng một năm sau đó. Tháng 5 năm 1720, chính phủ Pháp
thông qua một sắc lệnh giảm một nửa giá trị của đồng tiền giấy này.
Với các hoạt động thương mại ngày càng phát triển trong thế kỷ 18, nhiều thử
nghiệm tiếp tục được thực hiện với tiền giấy của ngân hàng. Tất cả đều dẫn tới
một nhận thức rõ ràng về nhu cầu mở rộng cung tiền tệ dựa trên khả năng sẵn có
các kim loại quý.
Sau khi các ngân hàng quốc gia ra đời, công chúng dần có niềm tin hơn vào các
loại tiền giấy do những ngân hàng này phát hành và được đảm bảo bằng lượng tài
sản dự trữ của chính phủ. Trong bối cảnh đó, thậm chí, một chính phủ còn có thể
ban hành lệnh cấm tạm thời với việc thực hiện quyền đổi tiền giấy ra bạc. Qui định
này đã được áp dụng thành công tại Anh trong suốt thời gian chiến tranh với
Napoleon, từ 1797 đến 1821.
Với đồng tiền giấy do các chính phủ phát hành, mối nguy hiểm cố hữu chuyển từ
khả năng phá sản sang lạm phát. Sau khi kết thúc cuộc chiến với Napoleon, chính
quyền Anh bắt đầu sử dụng chế độ bản vị vàng để phòng ngừa nguy cơ này.
Đế chế Rothschild: từ cuối thế kỷ 18
William IX, lãnh chúa cai quản vùng Hesse-Kappel của Đức và ông chủ của khối
tài sản khổng lồ có nhiều năm quan hệ khăng khít với Mayer Amschel Rothschild,
một nhà ngân hàng Do Thái và là nhà buôn ở Frankfurt. William đánh giá rất cao
những lời khuyên của Rothschild trong lĩnh vực tài chính. Hai người cũng chia sẻ
niềm đam mê sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Vào năm 1801, William chính
thức bổ nhiệm Rothschild làm người đại diện cho vương triều của mình và khuyến
khích Rothschild sử dụng các kỹ thuật tài chính của mình hỗ trợ các hoàng gia
châu Âu trong những năm Napoleon liên tục khuấy đảo lục địa châu Âu.
Rothschild không bỏ lỡ cơ hội này. Năm 1803, nhà Rothschild đã cung cấp khoản
vay 20 triệu francs cho chính phủ Đan Mạch. Khoản vay dành cho Đan Mạch khởi
đầu cho nhiều giao dịch của các chính phủ châu Âu với gia tộc Rothschild. Chỉ
trong một thời gian ngắn, dòng họ Rothschild đã trở thành hệ thống ngân hàng
quyền lực nhất châu Âu, thậm chí còn có uy thế vượt cả các đại gia tộc nổi danh từ
trước như Medici và Fugger.
Hệ thống ngân hàng của nhà Rothschild nhanh chóng hiện diện tại các trung tâm
giao thương quan trọng nhất châu Âu. Mayer Amschel có năm người con trai. Ông
giữ người con cả, Anselm Mayer, ở bên cạnh để tiếp quản công việc của ngân
hàng tại Frankfurt. Bốn người con còn lại chia nhau mở các chi nhánh. Solomon
đến thành Viên. Nathay Mayer vượt biển sang London. Kalk phát triển tại Naples.
Jacob phụ trách vùng Paris.
Gia tộc Rothschild đã đặt cược rất lớn vào thất bại của Napoleon. Mặc dù Jacob
được Napoleon cho phép hoạt động tại Paris và có tham gia lo nguồn tài chính cho
các hoạt động chiến tranh của Napoleon, tất cả các quốc gia đối đầu với Napoleon
đều nhận được những khoản vay từ nhà Rothschild. Điều này không có gì đáng
ngạc nhiên nếu chúng ta đã tìm hiểu về cách thức kinh doanh và kiếm lợi nhuận từ
chiến tranh của gia tộc này.
Bằng việc tài trợ cho cả hai bên tham gia cuộc chiến, nhà Rothschild luôn nhận
được phần chia của người chiến thắng và là chủ nợ của kẻ chiến bại. Bằng hệ
thống liên lạc được xây dựng từ trước chiến tranh, quan hệ với các thế lực cầm
quyền, tiền và tài sản vẫn được chuyển qua lại giữa các chi nhánh của ngân hàng
Rothschild ngay trong thời kỳ chiến tranh. Một trong vô số trường hợp lẫy lừng là
việc Nathan chuyển một lượng tiền rất lớn cho chính phủ Anh tới Bồ Đào Nha
(phải đi qua nước Pháp) để trang trải cho đội quân của Anh đang chiến đấu tại đây.
Khi chiến tranh kết thúc, danh tiếng của gia tộc Rothschild vang dội khắp châu
Âu. Hệ quả của điều này là những quan hệ giao dịch tài chính khăng khít với chính
phủ của nhiều quốc gia. Tiếng tăm này cũng giúp dòng họ Rothschild phát triển
gia tài ngày một nhanh hơn. Cùng với sức mạnh tài chính hiển hiện, uy tín nhà
Rothschild với các vương triều cũng rất cao, và đặc biệt, họ luôn có được những
thông tin nhanh nhất và chuẩn ác nhất.
Khi đội quân của Napoleon tràn vào vùng Hesse-Kassel sau chiến thắng tại Jena
năm 1806, người bảo trợ của Mayer Amschel Rothschild là William phải bỏ trốn
và giao lại toàn bộ của cải cho nhà Rothschild. Trị giá lượng tài sản này vào
khoảng nửa triệu bảng (tiền thời bấy giờ). Bất chấp nỗ lực của những người đại
diện cho Napoleon trong việc yêu cầu Rothschild chuyển giao lượng tài sản này
cho Hoàng đế mới thắng trận, nhà Rothschild vẫn giữ nguyên vẹn và chuyển lại
toàn bộ số của cải trên, cùng tiền lãi cho người chủ thực sự vào năm 1815.
Nhờ có thông tin chính xác, ngày 20 tháng 6 năm 1815, Nathan Mayer Rothschild
biết được chiến thắng của Công tước Wellington trong trận chiến lịch sử với
Napoleon tại Waterloo hai ngày trước khi thắng lợi được quyết định thực sự trên
chiến trường. Trước đó, tài năng quân sự của Wellington luôn bị nghi ngờ. Với
thông tin quý báu này, dòng họ Rothschild đã giành thắng lợi tuyệt đối và vô cùng
to lớn trên thị trường tài chính nước Anh. Chính phủ Anh nhận được tin thắng trận
vào buổi chiều ngày chiến thắng. Trong khi đó, hệ thống truyền thông của nhà
Rothschild, rất nổi tiếng với việc sử dụng chim bồ câu đưa tin, đã nhận được tin
sớm hơn rất nhiều với những người truyền tin đợi sẵn ở hải cảng Ostend để
chuyển đi những thông tin mới nhất.
Các hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục phát triển cùng sự tiến bộ của xã hội loài
người với vai trò và ảnh hưởng ngày một quan trọng và sâu sắc hơn. Lịch sử thế
giới đương đại đang chứng kiến những biến cố lớn về kinh tế, chính trị, và xã hội
với căn nguyên sâu xa bắt đầu từ những trục trặc của hệ thống ngân hàng quốc tế.
Các phần nội dung tiếp theo giới thiệu những nguyên lý vận hành căn bản của hệ
thống ngân hàng. Từ đó, phần nào kiến giải cùng độc giả bản chất diễn biến phức
tạp trên các thị trường tài chính-tín dụng toàn cầu trong năm 2008. Đây cũng là
những nền tảng để tiếp tục quan sát và dự báo những biến chuyển kinh tế Việt
Nam và thế giới trong giai đoạn tiếp theo.
Lịch sử ngân hàng của thế giới có điểm thú vị là các hệ thống ngân hàng quyền lực
nhất luôn thuộc về dòng họ hoặc một nhóm người có chung tôn giáo, nguồn gốc
địa lý. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng đi liền với các hoạt động thương mại
nở rộ. Tuy vậy, các nhà ngân hàng thu lợi rất lớn từ các hoàng tộc, triều đình, và
nhà nước. Những lợi ích này bao gồm cả của cải vật chất và quyền lực chính trị.
Cho tới thế kỷ 20 và 21, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đã đạt tới qui mô vô
cùng lớn về giá trị tiền tệ, và các thể chế chống độc quyền quốc tế được áp dụng
rộng khắp, hệ thống tài chính-ngân hàng quốc tế về cơ bản vẫn nằm dưới sự kiểm
soát của một nhóm đại gia tộc kinh doanh tiền tệ. Câu chuyện này chúng ta sẽ sáng
tỏ hơn qua nhiều phần khác nhau của cuốn sách.
Nhiều học giả như Glyn Davies (2002), Murray N. Rothbard (1983), và Frederic
S. Mishkin (2004) đều sử dụng chung thuật ngữ ngân hàng thương nhân (merchant
bank) khi nhắc tới hình thái ngân hàng đầu tiên. Bắt nguồn từ các hoạt động buôn
bán, những thương nhân giàu có bắt đầu cho người khác "mượn dùng'' tài sản và
tiền trong giao thương. Khi của cải tích lũy đủ lớn, các thương nhân này còn hỗ trợ
tài lực cho các vương triều và hoàng gia, tạo dựng địa vị và quyền lực để trở thành
các đại gia tộc. Trong quá trình phát triển thương mại, khách hàng của các ngân
hàng cũng mở rộng sang đông đảo tầng lớp thương gia và dân cư. Từ đó, hình
thành các mô hình ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng bán lẻ...
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lich su nganh NHTG.pdf