Tiểu luận Một vài phong tục trong lễ Tết Nguyên Đán truyền thống

MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU NỘI DUNG 1. Tết Nguyên Đán có từ bao giờ? 2. Tết Nguyên Đán - nét đẹp truyền thống dân tộc 3. Một số phong tục đi liền với Tết Nguyên Đán 3.1. Tết Táo Quân 3.2. Chuẩn bị đón Tết 3.3. Cúng Giao Thừa 3.3.1. Tại sao cúng giao thừa ngoài trời? 3.3.2. Sửa lễ giao thừa 3.4. Lễ cúng Thổ Công 3.5. Một số phong tục trong ngày Tết cổ truyền 3.5.1. Tống cựu nghênh tân 3.5.2. Ngày Tết 3.5.3. Theo phong tục cổ truyền VN 3.5.4. Tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết 3.6. Lễ Khai hạ LỜI KẾT TÀI LIỆU THAM KHẢO LỜI NÓI ĐẦU "Phong" là nền nếp đã lan truyền rộng rãi; "Tục" là thói quen lâu đời. Nội dung "phong tục" bao hàm theo đó mọi mặt sinh hoạt xã hội. Nhắc đến "phong tục", ta luôn có thể hình dung ra rất nhiều những nền nếp, thói quen vô cùng quen thuộc, gần gũi nhưng cũng vô cùng da dạng và phong phú. Bởi lẽ, phong tục có thứ đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân rất bền chặt, có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Hơn thế nữa, trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta, có nhiều thuần phong mỹ tục cần cho đạo lý làm người, cho kỷ cương xã hội. Tuy vậy, trên một đất nước với 54 dân tộc, sinh sống trên khắp mọi miền đất nước thì việc tìm hiểu về phong tục dân tộc dường như là một công việc vô cùng hấp dẫn và cũng thật khó khăn! Bởi lẽ đó, em chỉ xin bước đầu tìm hiểu một vài phong tục gần gũi, quen thuộc nhất của dân tộc nói chung, cụ thể là lễ Tết Nguyên Đán. Trong khả năng của mình, mong muốn tìm hiểu về một vài phong trong lễ tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc mà bản thân được chứng kiến, được tìm hiểu qua sách vở, được trải nghiệm thực tế và nhất là cảm thấy tâm đắc với những điều mình được học, được tìm hiểu và được chứng kiến! *** Phong tục không ngừng biến đổi theo trào lưu biến đổi văn hóa xã hội, nhưng là những biến đổi có quy luật, không dễ dàng được mọi nguời, mọi nhà tuân theo. Vì phong tục hay thì sẽ được mọi người bắt chước, lưu truyền, còn phong tục dở thì nhiều người cũng bắt chước nhau bỏ dần. Bản thân trong mỗi phong tục cũng lại có những thói quen được dần cải biến cho phù hợp với thời đại mà vẫn giữ cái cốt lõi mang tính bản chất của từng phong tục. Lễ tết cũng không tách mình khỏi những qui luật phát triển đó. Chính bởi thế, khi nói đến bất kể một lễ tết nào cũng không thể quên nhắc đến những sự tích được coi như khởi nguồn lý giải cho sự ra đời của nó, và hơn thế, còn để diễn tả ý nghĩa sâu sắc, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. *** Nói đến lễ tết Việt Nam gắn liền với một nét đặc trưng của lao động truyền thống ở Việt Nam. Đó là nghề lúa nước mang tính thời vụ cao. Người nông dân khi có việc hay theo vụ mùa thì làm lụng tất bật, tối tăm mặt mũi, miếng ăn cái ở cũng đại khái, cho nên lúc rảnh rỗi, người Nông nghiệp có tâm lý chơi bù, ăn bù. Chính vì lẽ đó mà ở Việt Nam ta, Tết nhất cũng nhiều mà hội hè cũng lắm. Theo nghiên cứu, chữ "Tết" là biến âm từ chữ "tiết" mà ra ("Cơ sở văn hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm). Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào khoảng trống trong lịch thời vụ. Lễ Tết gồm có hai phần: Cúng tổ tiên và ăn uống bù cho những lúc lao động vất vả. "Tết" đi liền với "ăn Tết". Dưới đây xin được đi vào cụ thể một vài phong tục trong lễ Tết Nguyên Đán truyền thống tiêu biểu.

doc18 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3040 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Một vài phong tục trong lễ Tết Nguyên Đán truyền thống, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU "Phong" là nền nếp đã lan truyền rộng rãi; "Tục" là thói quen lâu đời. Nội dung "phong tục" bao hàm theo đó mọi mặt sinh hoạt xã hội. Nhắc đến "phong tục", ta luôn có thể hình dung ra rất nhiều những nền nếp, thói quen vô cùng quen thuộc, gần gũi nhưng cũng vô cùng da dạng và phong phú. Bởi lẽ, phong tục có thứ đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân rất bền chặt, có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Hơn thế nữa, trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta, có nhiều thuần phong mỹ tục cần cho đạo lý làm người, cho kỷ cương xã hội. Tuy vậy, trên một đất nước với 54 dân tộc, sinh sống trên khắp mọi miền đất nước thì việc tìm hiểu về phong tục dân tộc dường như là một công việc vô cùng hấp dẫn và cũng thật khó khăn! Bởi lẽ đó, em chỉ xin bước đầu tìm hiểu một vài phong tục gần gũi, quen thuộc nhất của dân tộc nói chung, cụ thể là lễ Tết Nguyên Đán. Trong khả năng của mình, mong muốn tìm hiểu về một vài phong trong lễ tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc mà bản thân được chứng kiến, được tìm hiểu qua sách vở, được trải nghiệm thực tế và nhất là cảm thấy tâm đắc với những điều mình được học, được tìm hiểu và được chứng kiến! *** Phong tục không ngừng biến đổi theo trào lưu biến đổi văn hóa xã hội, nhưng là những biến đổi có quy luật, không dễ dàng được mọi nguời, mọi nhà tuân theo. Vì phong tục hay thì sẽ được mọi người bắt chước, lưu truyền, còn phong tục dở thì nhiều người cũng bắt chước nhau bỏ dần. Bản thân trong mỗi phong tục cũng lại có những thói quen được dần cải biến cho phù hợp với thời đại mà vẫn giữ cái cốt lõi mang tính bản chất của từng phong tục. Lễ tết cũng không tách mình khỏi những qui luật phát triển đó. Chính bởi thế, khi nói đến bất kể một lễ tết nào cũng không thể quên nhắc đến những sự tích được coi như khởi nguồn lý giải cho sự ra đời của nó, và hơn thế, còn để diễn tả ý nghĩa sâu sắc, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. *** Nói đến lễ tết Việt Nam gắn liền với một nét đặc trưng của lao động truyền thống ở Việt Nam. Đó là nghề lúa nước mang tính thời vụ cao. Người nông dân khi có việc hay theo vụ mùa thì làm lụng tất bật, tối tăm mặt mũi, miếng ăn cái ở cũng đại khái, cho nên lúc rảnh rỗi, người nông nghiệp có tâm lý chơi bù, ăn bù. Chính vì lẽ đó mà ở Việt Nam ta, Tết nhất cũng nhiều mà hội hè cũng lắm. Theo nghiên cứu, chữ "Tết" là biến âm từ chữ "tiết" mà ra ("Cơ sở văn hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm). Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào khoảng trống trong lịch thời vụ. Lễ Tết gồm có hai phần: Cúng tổ tiên và ăn uống bù cho những lúc lao động vất vả. "Tết" đi liền với "ăn Tết". Dưới đây xin được đi vào cụ thể một vài phong tục trong lễ Tết Nguyên Đán truyền thống tiêu biểu. *** NỘI DUNG Tết Nguyên Đán (hay Tết Cả) là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất, từ Nam Quan đến Cà Mau và cả vùng hải đảo, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa thời Lý, Trần, Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng. 1. Tết Nguyên Đán có từ bao giờ? Nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương. Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng mẫu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần. Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng chạp làm tháng đầu năm. Qua nhà Chu (1050 - 256 trước công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng mười một làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa: nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày tết khác nhau. Đến đời Đông Chu, Khổng Phu Tử ra đời, đổi ngày tết vào một tháng nhất định: tháng Dần. Mãi đến đời Tần (thế kỷ III trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười. Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa. Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loại Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng bảy. 2. Tết Nguyên Đán - nét đẹp truyền thống dân tộc Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần "lễ" cũng như phần "tết" đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Việc ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, thời điểm kết thúc mùa màng, mọi người rảnh rỗi nghỉ ngơi vui chơi, thăm viếng lẫn nhau... và cũng là lúc giao thời của đông tàn xuân tới, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất-Trời-Sinh vật), chữ NGUYÊN có nghĩa là bắt đầu, chữ ĐÁN có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp làm chính. Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời... người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này. Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn kilômét, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội : tình gia đình, tình thấy trò, con bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri, con nợ và chủ nợ... Tết cũng là dịp "tính sổ" mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan vui mừng chào đón một năm với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nhưng rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm này, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về... Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn. Không biết Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Những tục lệ trò vui trong dịp Tết, chiếc bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, cành đào, chậu quất khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành một phần hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ nhung tha thiết. Làm sao quên được thuở ấu thơ cùng đám trẻ con ngồi vây quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục chờ giờ vớt bánh! Làm sao có thể quên được những phiên chợ Tết rợp trời hoa! 3. Một số phong tục đi liền với Tết Nguyên Đán 3.1. Tết Táo Quân Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. Có nhiều tích lý giải về xuất xứ tập tục này. Trong đó có truyền thuyết như sau xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau. Sau đó, người vợ lấy được chồng giàu. Một hôm, đang đốt vàng mã ngoài sân, thấy một người vào ăn xin, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ nặng tình, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, đâm đầu vào lửa nốt! Trời thấy ba người đều có nghĩa nên phong cho họ làm "vua bếp". Từ tích đó mới có tục thờ cúng "Táo quân" và trong dân gian có câu: "Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một ba". Ngày nay cứ đến phiên chợ 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà bằng giấy và 3 con cá làm "ngựa" (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và 3 con cá chép được mang thả ở ao, hồ, sông... Theo tập tục, đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về trời để tâu việc trần gian, thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghĩ việc sau lễ "Phất thức" (tức lễ rửa ấn, rửa triện). Ở cấp triều đình, trong lễ này có sự hiện diện của nhà vua, các quan đều mặc phẩm phục uy nghiêm. Xem thế đủ biết rằng ngày tết được coi trọng như thế nào. Sau đó, các quan cất vào tủ, niêm phong cẩn thận. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa. Con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt, tội nặng thì giam chờ đến ngày mồng 7 tháng giêng (lễ khai hạ) mới tiến hành giải quyết. Như vậy, Tết Cả kéo dài từ ngày 23 tháng chạp (một tuần trước giao thừa) đến mồng 7 tháng giêng (một tuần sau giao thừa). Tập tục này vốn dĩ được lý giải bởi sự tích mang đậm dấu ấn trọng tình trọng nghĩa, được lưu truyền đến hiện nay vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa. Hơn thế nữa, câu chuyện Táo quân lên chầu Trời còn nhằm giáo con người ta vào việc rèn luyện, cố gắng sống tốt, sống thiện trong suốt năm để cuối năm được báo cáo công trạng, thành tích. Đó cũng là tính nhân văn sâu đậm trong tâm hồn người Việt và là nét đẹp của truyền thống dân tộc. 3.2. Chuẩn bị đón Tết Tết Nguyên Đán là một dịp lễ tết quan trọng nhất trong năm. Chính bởi ý nghĩa đó mà người người, nhà nhà đều bắt tay chuẩn bị đón một cái Tết sung túc, đầm ấm. Những ngày giáp Tết, nơi nơi đều nhộn nhịp khác thường. Nhà nào cũng tấp nập sửa soạn. Đàn ông, con trai lớn thu dọn nhà cửa, quét vôi, đánh bóng đồ đồng, treo tranh, câu đối mới, lau quét bàn thờ tổ tiên. Các bà, các cô lo việc ăn Tết, bày khay ngũ quả, dâng lên trời đất, tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính "ăn quả nhớ người trồng cây". Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết. Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành Mai, mấy ngày tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc... "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" Câu thơ kia vang vọng gợi nhớ lại đôi nét của Tết truyền thống xưa. Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của congười về sự đầy đủ, sung túc. Đặc biệt, ở mỗi gia đình đều làm bữa cơm tất niên, là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum vầy, quây quần bên mâm cơm gia đình, vui vẻ tiễn năm cũ qua đi, đón chào năm mới. Chính bởi ý nghĩa đó mà ai ai cũng cố gắng thu xếp mọi công việc để về đoàn tụ với gia đình trước bữa tất niên. Đây là một tập tục rất có ý nghĩa đề cao sự đầm ấm của hạnh phúc gia đình. 3.3. Cúng Giao Thừa Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, Tổ tiên trở về sum họp với con cháu. 3.3.1. Tại sao cúng giao thừa ngoài trời? Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch. Lễ trừ tịch: Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt Nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa. Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm, Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Cúng ai trong lễ Giao thừa? Các cụ ta ngày xưa cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung, tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Vì cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt. Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị bỏ đi thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ. 3.3.2. Sửa lễ giao thừa Chính bởi ý nghĩa quan trọng và linh thiêng của giây phút giao thừa nên người người, nhà nhà đều rất chú trọng chuẩn bị sửa soạn chu đáo cho thời khắc ấy. Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển. Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, nghi thức lễ giao thừa vẫn là một tập tục vô cùng quan trọng của mỗi gia đình người Việt, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù lễ vật có thể có khác đi, bàn thờ thì giản tiện hơn, tùy thuộc kinh tế gia đình, điều kiện tự nhiên và xã hội... nhưng mỗi mâm lễ vật cúng giao thừa vẫn biểu hiện sự thành kính như xưa, hay cũng là thành tâm thành ý của mỗi con người hướng về những điều linh thiêng, mang đậm hồn dân tộc. 3.4. Lễ cúng Thổ Công Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa. 3.5. Một số phong tục trong ngày Tết cổ truyền 3.5.1. "Tống cựu nghênh tân Đây là tập tục được tiến hành trước thời khắc giao thừa. Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng. Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dù lạ dù quen. Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành. 3.5.2. Ngày Tết Dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ đến già ai ai cũng biết, không nhắc thì thanh thiếu niên cũng mua cho được cành hoa gói bánh, nghèo cũng có chiếc bánh chưng, chai rượu. Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm. Đi chùa cúng lễ ngày Tết Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây  gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Ngày nay, tập tục này có biến đổi để hợp với yêu cầu của thời đại. Người ta sẽ không tự tiện hái lá, bẻ cành làm hại môi trường nữa, mà thay vào đó là mua cành lộc tượng trưng. Ý thức tôn trọng môi trường và phong tục dân tộc vẫn được kết hợp hài hòa, giàu ý nghĩa tượng trưng. Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm vào bình hương bàn thờ nhà mình. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm. Họ tin rằng xin được Lộc của trời đất thần phật ban cho thì sẽ làm ăn phát đạt quanh năm. Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ hay khi bước chân ra khỏi nhà, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.  Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hái lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. Ở thành thị thời trước, sáng mồng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giầu có lân cận và chúc họ "Lộc phước dồi dào". Những người này được thưởng tiền rất hậu. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính. Sau lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện. Cúng giao thừa xong cả nhà quây quần quanh mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu đầu tiên của năm mới, con cái chúc thọ ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích đựng trong những bao giấy đỏ. Lời chúc có câu có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. (Trong lời chúc chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc). Chúc Tết những người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa. Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao. Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức ruờm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mới vui lòng, năm mới từ chối sợ bị "giông" cả năm. Quà Tết, lễ Tết: Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tổ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò chúc tết thầy giáo, bệnh nhân chúc tết thầy thuốc, con rể chúc tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Lễ mừng thọ: ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui. Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng cụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ "mở cửa hàng lấy may", người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân. Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui. Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đế lế khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng. Thú tiêu khiển này nếu giữ được ý nghĩa vốn dĩ của nó thì không thành tệ nạn và hủ tục xấu như những sai trái, phạm pháp mà ngày nay trở thành vấn nạn của xã hội. 3.5.3. Theo phong tục cổ truyền VN Tết Nguyên Đán trước hết là tết của gia đình. Chiều 30 tết, nhà nhà làm lễ cúng "rước" gia tiên và gia thần, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn. Trong 3 ngày tết diễn ra 3 cuộc gặp gỡ lớn ngay tại một nhà. Thứ nhất là cuộc "gặp gỡ" của các gia thần: Tiên sư hay Nghệ sư - vị tổ đầu tiên dạy nghề gia đình mình đang làm. Thổ công - thần giữ đất nơi mình ở và Táo quân - thần coi việc nấu ăn của mọi người trong nhà. Thứ hai là cuộc "gặp gỡ" tổ tiên, ông bà... những người đã khuất. Nhân dân quan niệm hương hồn người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp Tết. Thứ ba là cuộc gặp gỡ của những người trong nhà. Như một thói quen linh thiêng và bền vững nhất, mỗi năm tết đến, dù đang ở đâu làm gì... hầu như ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Chính bởi vậy, cúng lễ ngày Tết cũng là một nghi thức vô cùng quan trọng. Thời gian này, người ta cúng gia tiên đủ ba ngày Tết, buổi sáng cúng cỗ mặn với những món đã làm sẵn, buổi chiều bánh mứt và pha trà mới, chiều mùng ba hóa vàng. Lúc ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải biết phụng dưỡng, vâng lời, làm vui lòng tất cả, ăn ở sao cho người lớn được vui lòng, hãnh diện. Khi các người quá cố, ngoài việc ma chay, chôn cất, con cháu phải thờ phụng các người. Trong việc thờ phụng, thường con cháu lập bàn thờ, cúng bái trong các ngày giỗ tết. Việc thờ cúng ông bà là do con cháu tỏ lòng thành kính và biết ơn những người đã khuất. Tết chính thức thường được lễ trong 3 ngày "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" - có nghĩa là ngày Tết được coi như một dịp để người người, nhà nhà sum vầy: mùng một Tết sang nhà nội chúc Tết, mùng hai sang nhà ngoại, mùng ba đến thăm thầy (ý nghĩa của truyền thống hiếu học và trọng tình trọng nghĩa của dân tộc). 3.5.4. Tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hót rác ngày Tết. Tập tục này có thể giờ đây chỉ được lưu truyền mà việc thực hiện có những khác biệt, nhưng nhìn chung, người ta vẫn giữ tâm niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" thể hiện ở thái độ, sinh hoạt giữ gìn, tránh quét hót rác đổ đi trong 3 ngày Tết. 3.6. Lễ Khai hạ Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng Giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống. Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ Khai Hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng Trời Ðất, người ta còn sửa lễ cúng Gia Tiên, cúng Thổ Công và thần Tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại. *** LỜI KẾT Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Tìm hiểu về Tết truyền thống ta nhận ra được rất nhiều những giá trị văn hóa thật tốt đẹp của dân tộc. Mỗi chúng ta chắc cũng mong muốn giá như phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính giá yêu trẻ... thì đất nước quê hương sẽ ngày càng thêm tươi đẹp, giàu mạnh, xã hội sẽ càng phát triển trên chính cái nền giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp đó. Tết là dịp để con người trở về cội nguồn. Ai dù có đi đâu xa vào ngày này, cũng cố trở về quê hương để được sum họp với người thân dưới mái ấm gia đình, thăm phần mộ tổ tiên, gặp lại họ hàng, làng xóm. Ngày Tết cũng làm cho con người trở nên vui vẻ hơn, độ lượng hơn. Nếu ai có gì đó không vừa lòng nhau thì dịp này cũng bỏ qua hết để mong năm mới sẽ ăn ở với nhau tốt đẹp hơn, hoà thuận hơn. Có lẽ đó là ý nghĩa nhân bản của Tết Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO Phong tục Việt Nam - 100 điều nên biết Nhà xuất bản văn hóa dân tộc Cơ sở văn hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm Một số trang web về tin tức, dân tộc học, văn hóa, du lịch. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docvhoc14.doc