Tiểu luận Nâng cao trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay

Quản lý Nhà nước về y tế là làm sao triệt tiêu hết những khe hở để không ai có thể lợi dụng người bệnh để làm giàu hay kiếm lợi bất chính. Cái nguy hại hơn trong thói quen đó là sự đổ lỗi cho cơ chế với thói quen phổ biến đùn đẩy trách nhiệm, không có tinh thần vì người bệnh như người bác sỹ cố tìm thứ thuốc tương tự mà rẻ tiền để kê toa cho bệnh nhân nghèo của mình. Và nếu có chuyện gì xảy ra đối với người bệnh thì họ tự cho mình là người đứng ngoài cuộc, thờ ơ, vô trách nhiệm với những hậu quả mà họ gây ra cho người bệnh. Nó là nguy cơ biến người cán bộ vốn là “đầy tớ của nhân dân, vì nhân dân phục vụ” thành những người sợ chịu trách nhiệm, không dám đấu tranh vì cái mới, cái hợp lý, hợp lòng dân. Đây cũng là mục tiêu cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của Đảng, của Nhà nước, các cơ quan ban ngành trong việc cải cách, sửa đổi những chủ trương, chính sách về y tế, sẽ không còn tồn tại những y, bác sỹ không có trình độ chuyên môn, thiếu trách nhiệm như bác sỹ T, hay trường hợp đáng tiếc nào như trường hợp của chị H xảy ra.

doc15 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2347 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Nâng cao trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Học viện tài chính - Học viện hành chính quốc gia Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và hỗ trợ đào tạo Lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý hành chính nhà nước Ngạch chuyên viên Tiểu luận cuối khoá Đề tài: Nâng cao trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay Người thực hiện: Hoàng Thị Hồng Vân Đơn vị công tác: Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán I Hưng Yên, tháng 01 - 2004 Lời nói đầu Sức khoẻ là vốn quý của mỗi người, là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trước hết bằng hoạt động chăm sóc sức khoẻ của ngành y tế. Đảng và Nhà nước ta chủ trương phải phấn đấu để mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ. Vấn đề chăm sóc sức khoẻ, trước hết là trách nhiệm của từng người dân, sau đó là trách nhiệm của cộng đồng, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, các trung tâm y tế, các phòng khám tư nhân được mở ra, tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi trong việc khám chữa bệnh, cung cấp thuốc cho người bệnh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người hành nghề. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại nhiều cơ sở y tế (bệnh viện, trạm xá) xuống cấp, thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ y bác sỹ giỏi phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, nhiều bệnh viện bị quá tải, các trung tâm y tế, các phòng khám tư nhân chưa được ngành y tế quản lý chặt chẽ. Do đó ở một số người, một số bộ phận, một số trường hợp đã có những biểu hiện tiêu cực làm tổn hại đến đạo đức, uy tín của ngành y và người thầy thuốc. Có những trường hợp gây bất bình trong nhân dân. Hiện nay ở nước ta hệ thống các trường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chưa trú trọng nhiều đến việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, y đức, phong cách làm việc phục vụ bệnh nhân cho những người thầy thuốc tương lai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của chất lượng dịch vụ y tế bị giảm sút. Thêm vào đó là các phương tiện, máy móc thiết bị y tế phục vụ cho công tác giảng dạy học tập, nghiên cứu, khám chữa bệnh lạc hậu, cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thường xuyên sửa đổi bổ sung những chủ trương, chính sách về chăm sóc sức khoẻ cho người dân, chỉ đạo cho ngành y tế trong việc chủ trương nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân, nâng cao y đức, khắc phục những tiêu cực trong ngành y, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với thầy thuốc. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó, nan giải cần phải có thời gian dài và một sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan, ban ngành có liên quan. Đây cũng là lý do tôi chọn đề tài “Nâng cao trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay”. Bài viết được chia làm 3 phần: Phần I: Tình huống thực tế Phần II: Một số phương án, kiến nghị Phần III: Kết luận Do hạn chế về kiến thức chuyên môn và thời gian, nên bài viết không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của những người quan tâm để bài viết được hoàn thiện hơn. Xin trân trọng cảm ơn! Phần II: Tình huống thực tế 1. Nội dung tình huống Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài báo viết về sự nhầm lẫn của một bác sỹ trong việc khám bệnh, xét nghiệm máu cho một bệnh nhân. Câu chuyện đó như sau: Chị H là một giáo viên cấp II, chị đã lập gia đình năm 1999. Chị H luôn là một giáo viên dạy giỏi, gương mẫu, được bạn bè đồng nghiệp và gia đình yêu quý. Tháng 6 năm 2001, chị được chồng đưa đi khám thai tại bệnh viện N, khi đó thai nhi đã được 7 tháng tuổi. Người trực tiếp khám cho chị H là bác sỹ T. Không chỉ khám thai cho chị H, Bác sỹ T còn làm thêm xét nghiệm máu cho chị H. Kết quả xét nghiệm máu của Chị H theo bác sỹ T là dương tính. Bác sỹ T đã không thực hiện xét nghiệm lại mẫu máu của chị H và đã thông báo cho chị H cùng chồng chị. Chị H và gia đình vô cùng bất ngờ và đau xót. Chị bị chồng và gia đình nghi ngờ, gia đình chồng xa lánh, xua đuổi, bạn bè, đồng nghiệp nhìn chị với ánh mắt nghi ngờ, khinh bỉ. Chị H đã bị buộc phải thôi việc với lý do “Không đủ tư cách để tiếp tục đứng trên bục giảng”. Đau đớn, tủi nhục nhiều lần chị H muốn tự vẫn, nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng chị lại thôi. Tháng 8 năm 2001 chị sinh con, nhưng đứa bé không được chào đón này đã chết trước khi chào đời. Chị H đau đớn, hoảng loạn và trở thành người mất trí. Thương xót con, gia đình mẹ đẻ chị H đã đón chị về nhà chăm sóc. Gia đình chị không tin vào kết quả xét nghiệm của bác sỹ T nên đã đưa chị đi làm lại xét nghiệm máu tại bệnh viện tuyến trên. Kết quả xét nghiệm máu lần này của chị H là âm tính. Gia đình chị H đã làm đơn kiện bác sỹ T và gửi lên bệnh viện N. Sau nhiều lần đâm đơn, đơn kiện của gia đình chị H mới được Bệnh viện N chấp nhận. Bệnh viện N đã giải quyết theo cách: Xin lỗi và đền bù cho gia đình chị H một số tiền nhỏ đồng thời chuyển bác sỹ T đến một bệnh viện cùng tuyến khác làm việc với cương vị là một bác sỹ chính. Gia đình nhà chồng chị H đã đón chị về lại gia đình, nhà trường nơi chị H công tác cũng đã nhận lại chị về làm việc, nhưng tất cả đã trở nên vô nghĩa với chị H vì bây giờ chị đâu còn như ngày xưa nữa, chị đã trở nên điên loạn và ngây dại. Kết quả của một việc làm thiếu trách nhiệm, không có trình độ chuyên môn của bác sỹ T, sự thiếu khoan dung của gia đình chồng, cơ quan nơi chị H công tác đã dẫn đến bi kịch cho chị H và gia đình. 2. Mục tiêu xử lý tình huống Đây chỉ là một tình huống nhỏ trong hàng ngàn tình huống xảy ra trong các bệnh viện. Trên thực tế, những vấn đề tiêu cực, sai sót trong khám chữa bệnh còn nhiều nhưng chưa được Nhà nước, các cơ sở, trung tâm y tế quan tâm ngăn chặn và xử lý thoả đáng. Tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, kể cả những bệnh viện đầu ngành, khi người dân đến khám và chữa bệnh, họ thường phải chờ đợi trong thời gian khá lâu mới đến lượt. Khi được khám chữa bệnh, họ thường được nhận những câu hỏi, câu trả lời không mấy nhiệt tình, đôi khi còn là sự cáu gắt vô cớ của các y bác sỹ. Tâm trạng băn khoăn lo lắng của những người bệnh và người nhà bệnh nhân thôi thúc họ có thể làm mọi cách để được chữa khỏi bệnh: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Đây là điều kiện tốt để những tiêu cực có đất sinh sống. Hơn thế, những người bệnh luôn mong muốn tìm được những bác sỹ giỏi, có uy tín chữa bệnh cho mà thực chất đây chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý, việc này cũng là một sự khó khăn và phải có sự quen biết hay phải có lý do đặc biệt nào đó và thế là lại có tiêu cực. Tiêu cực xảy ra không chỉ trong khám chữa bệnh mà còn cả trong điều trị bệnh. Nếu người nhà của bạn phải vào viện thực hiện một cuộc phẫu thuật dù đó chỉ là “tiểu phẫu” thì chi phí cho việc đi lại làm thủ tục, chi phí cho các y bác sỹ để họ quan tâm săn sóc chu đáo không phải là nhỏ. Và nếu gia đình bạn không phải là khá giả thì liệu có thể trang trải đủ số chi phí này không? Những tiêu cực này như một dây chuyền, tự động chuyền từ người này sang người khác, nếu có ai đó đi trái “quy định” này thì không hiểu sẽ có những chuyện gì xảy ra. Từ xưa đến nay, nghề thầy thuốc luôn là một nghề được xã hội trọng vọng “Lương y như từ mẫu”. Tuy nhiên, với những tiêu cực như vậy liệu hình ảnh đẹp về người thầy thuốc có còn trong tâm trí mỗi người dân hay không? Để hạn chế tiêu cực, sai sót trong việc khám và chữa bệnh, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế, đối với người thầy thuốc, Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa tới việc nâng cao trình độ, kiến thức, trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho người dân, quan tâm, ngăn ngừa và hạn chế những tiêu cực không đáng có trong ngành y. Trở lại tình huống trên, chỉ vì một hành vi “tắc trách”, thiếu trách nhiệm, thiếu trình độ chuyên môn của bác sỹ T đã gây cho chị H và gia đình một bi kịch không đáng có: Chị H trở nên điên loạn, cháu bé sơ sinh bị chết, gia đình chị H tan vỡ. Bệnh viện N đã bồi thường và trực tiếp xin lỗi gia đình chị H, nhưng liệu có đền bù được những gì đã mất mát của chị H và gia đình hay không? Và liệu một bác sỹ thiếu trách nhiệm, thiếu trình độ chuyên môn như bác sỹ T có băn khoăn, day dứt về việc làm tắc trách của mình đã gây ra hậu quả đáng tiếc cho gia đình chị H hay không? Và liệu khi bác sỹ T được chuyển đến một bệnh viện khác làm việc có thể để xảy ra những trường hợp tương tự nào khác hay không? Quyết định xử lý, điều chuyển bác sỹ T sang bệnh viện khác như vậy đã hợp lý chưa? Thiết nghĩ, bệnh viện N cần phải xem xét lại quyết định điều chuyển bác sỹ T sang bệnh viện khác. Và nên chăng cần phải xem xét, chỉnh đốn lại đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện về trình độ chuyên môn, phong cách, thái độ chăm sóc phục vụ người bệnh. Bi kịch của gia đình chị H được bắt đầu từ sự yếu kém về trình độ chuyên môn, thiếu trách nhiệm của bác sỹ T, nhưng cũng không thể thiếu một phần trách nhiệm của gia đình chị H và nhà trường nơi chị H công tác, giảng dạy. Nếu gia đình chị H bình tĩnh hơn, khoan dung hơn, tin tưởng vào chị H hơn thì đã không có hành động cư xử thiếu tình người như vậy. Và đáng trách hơn là chồng chị H, đáng lẽ anh phải là người hiểu và tin vào chị H hơn bất cứ ai, nhưng anh đã không như vậy và bi kịch ngày hôm nay cũng có một phần lỗi nơi anh. Thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, cư xử thiếu tình người của cơ quan nơi chị H công tác và của bệnh viện N - đại diện cho các cơ quan nhà nước đã làm mất lòng tin yêu và sự kính trọng của người dân, làm giảm lòng tin của người dân với chế độ, với nhà nước. Người dân băn khoăn lo lắng rằng liệu những người không có trình độ chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm như bác sỹ T làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước có nhiều hay không và liệu họ có thể sẽ gây ra những hậu quả nào nữa cho người dân vô tội hay không? Đây là một câu hỏi khó cho những người làm công tác quản lý, các cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế trong nhiều năm qua, việc tuyển dụng cán bộ công chức, y bác sỹ trong các bệnh viện, cơ quan Nhà nước còn nhiều lỏng lẻo, không đảm bảo được yêu cầu về y đức đối với người bác sỹ. Một tình trạng phổ biến trong các bệnh viện hiện nay là thái độ thiếu tôn trọng người bệnh, thái độ lạnh lùng, những câu hỏi nhát gừng của các y bác sỹ với bệnh nhân. Đối với bệnh nhân và người nhà, họ luôn phải chấp nhận và chịu đựng những thái độ như vậy và coi đó là “chuyện thường” vốn có ở mọi bệnh viện và mọi nơi, có nghĩa là họ đã và vẫn quen với chuyện này rồi. Và điều đó cũng có nghĩa là người dân không còn tin tưởng vào sự quản lý của các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực này nữa. Cuối cùng, người chịu khổ lại là những người dân nghèo không có tiền nhưng “lỡ mang bệnh”. Nhiều trường hợp bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng cấp cứu nhưng nếu không làm “thủ tục” trước thì vẫn “phải đợi”. Nhiều người cho rằng hiếm thấy có trường hợp bệnh nhân cấp cứu nào được các y bác sỹ cấp cứu, chăm sóc ngay khi chưa làm thủ tục nhập viện, với phương châm “cứu người là trên hết”. Xã hội càng phát triển, thu nhập và đời sống của người dân càng cao, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ càng nhiều. Các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân “mọc lên như nấm sau cơn mưa”. Đây là một điều đáng mừng đối với xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà các cơ sở tư nhân này cống hiến cho xã hội như việc cung cấp những dịch vụ khám chữa bệnh nhanh chóng, thuận tiện, có chất lượng... do các cơ sở này đầu tư những trang thiết bị y tế hiện đại, thuê được những bác sỹ giỏi, có kinh nghiệm thì các sơ sở y tế này vẫn còn tồn tại nhiều điều cần phải bàn. Đó là giá cả của dịch vụ khám chữa bệnh còn quá cao, chưa được Nhà nước kiểm soát, thuốc sử dụng cho việc khám chữa bệnh không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không qua kiểm nghiệm của bộ y tế, trình độ của một số y bác sỹ chưa được chuẩn hoá... nên vẫn không tránh khỏi có sai sót xảy ra. Và cuối cùng thiệt thòi vẫn thuộc về những người bệnh - những người sử dụng dịch vụ đó. Nếu bạn quan sát một y bác sỹ nào đó làm việc trong bệnh viện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính bạn sẽ nhận thấy một sự khác biệt rất rõ nét. Đây cũng là tình trạng chung của ngành y tế nước ta. Một câu hỏi được đưa ra là tại sao lại có sự khác biệt này? Và vấn đề then chốt của tình trạng này là gì? Theo ý kiến của nhiều y bác sỹ, đó là vấn đề tiền lương và chế độ ưu đãi của nhà nước đối với họ. Đây chỉ là lý do bao biện cho những hành động, việc làm không mấy tận tâm nhiệt huyết của họ đối với người bệnh. ở họ thiếu tinh thần “tử vì nghiệp”, hay “tất cả vì sức khoẻ cộng đồng”. Tuy nhiên, đây chỉ là suy nghĩ của một bộ phận nhỏ những y bác sỹ, và bên cạnh đó luôn vẫn còn có những y bác sỹ giỏi, tận tâm với nghề, chu đáo, nhiệt tình, có trách nhiệm với người bệnh Trên thực tế trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân, cho cộng đồng, trong đó có cả những chính sách về chế độ ưu đãi đối với những người làm công tác y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, tận tâm hơn với nghề. Mặc dù vậy, những chủ trương, chính sách này còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế công tác khám chữa bệnh ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Chẳng hạn, thời gian qua, Chính phủ có chủ trương niêm yết giá thuốc tân dược trên thị trường, tuy nhiên chính sách ra đời không bao lâu thì lại phải tạm đình chỉ vì nó không phù hợp với tình hình thực tế của nước ta, tạo điều kiện cho các cơ sở, trung tâm y tế, các cửa hàng bán thuốc nâng giá thuốc lên. Cuối cùng người tiêu dùng thuốc - những người bệnh là người chịu thiệt, phải mua thuốc với giá cao hơn gấp nhiều lần so với trước khi có chính sách về giá thuốc của Chính phủ. Đây là một bài học cho những người hoạch định chính sách: cần phải gắn chính sách vào điều kiện thực tế, chính sách phải mang tính khả thi, phục vụ đắc lực cho cuộc sống, nếu không hậu quả của nó thật khó lường. Cũng trong thời gian qua Bộ y tế cũng đã có chính sách tăng lương, tăng mức phụ cấp trực cho các y bác sỹ, điều này đã phần nào giúp y bác sỹ yên tâm hơn với công việc, tận tâm hơn với nghề của mình. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sẽ không còn tồn tại tiêu cực trong lĩnh vực khám chữa bệnh nữa. Và đó cũng là vấn đề nan giải đối với các cơ quan Nhà nước, các cơ quan hữu quan. Một vấn đề tiêu cực khác trong việc khám chữa bệnh của các y bác sỹ đó là việc một bác sỹ vừa chẩn bệnh, kê toa thuốc, vừa bán thuốc, hay hưởng hoa hồng trực tiếp trên số thuốc kê cho bệnh nhân. Khi những y bác sỹ này đã mất lương tâm, cho thuốc vì hoa hồng họ được hưởng chứ không phải vì người bệnh. Vai trò của Bộ y tế trong việc này rất rõ ràng: Phải chấm dứt chuyện bác sỹ vừa kê toa thuốc, vừa bán thuốc, quy định rõ việc ghi toa và trao cho bệnh nhân để chấm dứt chuyện bỏ thuốc không nhãn mác vào túi ni lông, dặn dò người bệnh uống thuốc theo màu... Để kiểm soát tình hình này, các cơ quan, ban ngành có liên quan cần phải có những chủ trương, chính sách thích hợp, quan trọng hơn là cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt cho người dân về giá thuốc, về phác đồ điều trị. Hy vọng một khi giá thuốc được kiểm soát, người bác sỹ không còn điều kiện bị mua chuộc bởi hoa hồng cao, và sẽ làm đúng thiên chức của mình. Phần II: Một số phương án, kiến nghị Để lấy lại lòng tin của người dân đối với ngành y tế nói riêng, đối với Đảng, Nhà nước, với các cơ quan Nhà nước nói chung, đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan phải không ngừng chăm lo hơn nữa đối với đời sống của nhân dân. Đặc biệt là chính sách chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Giảm bớt những thủ tục không đáng có, tăng cường các biện pháp hạn chế tiêu cực, xử lý những sai phạm một cách nghiêm minh, đem lại công bằng cho người dân. Muốn vậy Nhà nước ta cần ban hành một hệ thống luật và các văn bản dưới luật về y tế đầy đủ và đồng bộ, phù hợp với thực tiễn nước ta. Luật và các văn bản dưới luật về y tế của Nhà nước là cơ sở pháp lý để chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp quản lý mọi hoạt động y tế, nhằm chăm sóc sức khoẻ cho người dân ở địa phương cũng như toàn quốc. Tuy nhiên, từ luật đến thực tế thực thi luật bao giờ cũng có “độ trễ”. Do đó đòi hỏi các cơ quan ban hành phải có sự giải thích, hướng dẫn, phổ biến, chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra và xử lý những trường hợp, những hành vi không đúng, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của đất nước. Thêm vào đó, cần phải mở rộng việc tuyên truyền phổ biến luật, chính sách y tế tới mọi người dân để họ hiểu rõ về luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Do đó họ có thể giúp các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm của những cán bộ công chức, các y bác sỹ trong quá trình khám chữa bệnh. Các cấp chính quyền lãnh đạo cần chỉ đạo sát sao hơn nữa và phối hợp tích cực với các đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tăng cường và hoàn thiện bộ máy chuyên môn về quản lý và khám chữa bệnh cho người dân, thực hiện tốt chương trình “Vì sức khoẻ cộng đồng”. Bộ y tế cần kết hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành có liên quan nhằm đề ra các biện pháp, chính sách chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Bộ y tế cần chú trọng hơn trong việc đầu tư các trang thiết bị, phương tiện máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đa dạng hoá các loại hình chăm sóc sức khoẻ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng. Cùng với việc đa dạng hoá các loại hình chăm sóc sức khoẻ cho người dân, Nhà nước, các cơ quan ban ngành hữu quan cần quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở y tế thuộc mọi thành phần y tế Nhà nước, y tế tư nhân... trong việc cấp giấy phép hành nghề, buôn bán thuốc, hay trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Các cơ sở sản xuất thuốc, là những nơi có quan hệ trực tiếp tới sức khoẻ của người dân, hiện nay, nạn buôn bán lậu tân dược, sản xuất và buôn bán thuốc giả, chất lượng không đảm bảo đang diễn ra rất sôi nổi. Để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước cần trú trọng đầu tư hơn nữa về vốn, trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, chính sách khuyến khích sản xuất, nhằm đẩy mạnh năng lực sản xuất thuốc trong nước, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sản xuất các loại thuốc, đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng, mạng lưới tổ chức cung ứng thuốc, đáp ứng yêu cầu dùng hàng trong nước của người dân. Do đặc thù nước ta còn nghèo, dân số đông, bệnh tật nhiều, chính vì vậy các doanh nghiệp Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong việc sản xuất và cung ứng thuốc phù hợp với túi tiền của nhân dân, bởi vậy các doanh nghiêp Nhà nước phải được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cả về chất và lượng. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, cần phải hoàn thiện bộ máy tổ chức y tế từ Trung ương đến các xã, thôn có chất lượng, đủ sức đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân. Mặt khác, nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, nhưng số lượng thầy thuốc, cán bộ y tế thuộc nhiều chuyên môn còn thiếu. Do đó đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nây là phải đào tạo các bác sỹ, dược sỹ, y tá, y sỹ với số lượng ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng cao, có khả năng nắm bắt được những kiến thức y học hiện đại, có trình độ chuyên môn cao, giỏi thực hành, có y đức tốt. Đặc biệt, các trường đào tạo bồi bưỡng cán bộ y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác giảng dạy kiến thức chuyên môn ngành y, giúp các em học sinh tiếp xúc với các trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại phục vụ trong công tác khám chữa bệnh. Đồng thời cần chăm lo hơn nữa tới vấn đề giáo dục cho các em trong việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức cần có của một người bác sỹ, một người thầy thuốc, giúp các em trở thành những người thầy thuốc giỏi, có đầy đủ y đức, được nhân dân kính trọng, xứng đáng với câu nói “lương y như từ mẫu”. Ngoài ra, các Bộ y tế, cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn tới việc đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước về y tế và phải chăm sóc, cải thiện đời sống của các y bác sỹ, các cán bộ y tế, giúp họ yên tâm trong công tác khám chữa bệnh, yêu nghề, tận tâm với nghề. Các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế có quyền sử dụng các phương pháp và được quyền sử dụng các phương tiện riêng đó là các quyết định hành chính mang tính đơn phương, cưỡng chế và buộc đối tượng quản lý là các trung tâm y tế, các cán bộ y tế, các y bác sỹ phải chấp hành. Chính vì lý do đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần tập trung hơn nữa trong việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy y tế mang tính chuyên môn hoá cao, tinh giản, phù hợp với thực tiễn nước ta, xây dựng một đội ngũ y bác sỹ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng “vừa hồng, vừa chuyên” luôn chăm lo cho sức khoẻ của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Phần III: Kết luận Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, trong đó có vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực trong việc chăm lo sức khoẻ và đời sống của nhân dân. Cụ thể nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực y tế, như chính sách niêm yết giá thuốc với mục đích thống nhất một giá thuốc trong cả nước hay việc tăng lương, tăng phụ cấp trực cho y bác sỹ... Tuy nhiên những chính sách này mới chỉ mang tính tình thế, không giải quyết vấn đề tận gốc chưa phát huy hết tác dụng của các chính sách và thực tế vẫn còn tồn tại những vấn đề tiêu cực trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Để lấy lại lòng tin của người dân đối với Nhà nước, với ngành y tế, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn tới tất cả các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ y tế, y bác sỹ phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh Nhà nước, tư nhân, đông y và tây y, đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần thiết lập một khung pháp lý thuận lợi tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của tất cả các trung tâm, cơ sở y tế, Có biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi gây thiệt hại cho người bệnh hoặc những biểu hiện tiêu cực trong quá trình khám chữa bệnh. Trong trách nhiệm của mình, Bộ Y tế đã áp dụng các biện pháp để kiểm soát hoạt động của các cơ sở y tế, cũng như kiểm soát giá thuốc. Tuy nhiên, để công tác quản lý lĩnh vực y tế có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác khams chữa bệnh của nhân dân trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải tham khảo cách thức quản lý của các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực này, từ đó đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn nước ta. Quản lý Nhà nước về y tế là làm sao triệt tiêu hết những khe hở để không ai có thể lợi dụng người bệnh để làm giàu hay kiếm lợi bất chính. Cái nguy hại hơn trong thói quen đó là sự đổ lỗi cho cơ chế với thói quen phổ biến đùn đẩy trách nhiệm, không có tinh thần vì người bệnh như người bác sỹ cố tìm thứ thuốc tương tự mà rẻ tiền để kê toa cho bệnh nhân nghèo của mình. Và nếu có chuyện gì xảy ra đối với người bệnh thì họ tự cho mình là người đứng ngoài cuộc, thờ ơ, vô trách nhiệm với những hậu quả mà họ gây ra cho người bệnh. Nó là nguy cơ biến người cán bộ vốn là “đầy tớ của nhân dân, vì nhân dân phục vụ” thành những người sợ chịu trách nhiệm, không dám đấu tranh vì cái mới, cái hợp lý, hợp lòng dân. Đây cũng là mục tiêu cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của Đảng, của Nhà nước, các cơ quan ban ngành trong việc cải cách, sửa đổi những chủ trương, chính sách về y tế, sẽ không còn tồn tại những y, bác sỹ không có trình độ chuyên môn, thiếu trách nhiệm như bác sỹ T, hay trường hợp đáng tiếc nào như trường hợp của chị H xảy ra. Mục lục Nội dung: Trang Lời nói đầu 1 Phần I: Tình huống thực tế 3 1. Nội dung tình huống 3 2. Mục tiêu xử lý tình huống 4 Phần II: Một số phương án, kiến nghị 7 Phần III: Kết luận 10

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc33570.doc
Tài liệu liên quan