Tiểu luận Những thách thức mới của nông nghiệp Việt Nam

Những thách thức mới của nông nghiệp Việt Nam Viện Nghiên cứu rau hoa quả Gosford, Úc Việt Nam có khả năng gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập vào thị trường nông sản thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), vào năm 2003 thế giới nhập khẩu 548 tỉ đô la Mỹ nông sản. Các loại nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như gạo có mức nhập khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ; chè, cà phê và ca cao 35,6 tỉ đô la Mỹ và hồ tiêu khoảng 525 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên rau quả mới là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 97 tỉ đô la Mỹ.

pdf13 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1812 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những thách thức mới của nông nghiệp Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những thách thức mới của nông nghiệp Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Vọng Viện Nghiên cứu rau hoa quả Gosford, Úc Việt Nam có khả năng gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập vào thị trường nông sản thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), vào năm 2003 thế giới nhập khẩu 548 tỉ đô la Mỹ nông sản. Các loại nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như gạo có mức nhập khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ; chè, cà phê và ca cao 35,6 tỉ đô la Mỹ và hồ tiêu khoảng 525 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên rau quả mới là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 97 tỉ đô la Mỹ. Những vấn đề nông nghiệp phải đối đầu khi gia nhập WTO Bên cạnh những lợi ích do việc gia nhập WTO mang lại, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức mới rất phức tạp và khó khăn. Đây là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, không phải chỉ thuần là vấn đề kinh tế, mà quan trọng hơn là sự thay đổi của xã hội nông thôn. Đây là vấn đề lớn cần quan tâm vì nông nghiệp vẫn là nguồn sống của 70% dân Việt Nam ở nông thôn. Những thách thức mới Việt Nam phải đối đầu là: 1. Cạnh tranh khốc liệt trong và ngoài nước. Một khi gia nhập WTO, trước hết Việt Nam phải mở cửa cho hàng ngoại tràn vào. Như vậy nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh vừa ở sân nhà vừa ở thị trường quốc tế. Báo cáo của FAO (năm 2003) cho biết chỉ riêng khu vực châu Á, đã có gần 1 tỉ tấn nông sản đang chờ để cạnh tranh một khi Việt Nam mở cửa. 2. Tăng khả năng lây lan dịch bệnh Hàng ngoại khi nhập vào Việt Nam sẽ có khả năng mang theo dịch bệnh. Nếu không có một đội ngũ kiểm dịch đầy đủ ở mọi cửa khẩu, một chế độ kiểm dịch nghiêm khắc và một danh sách rõ ràng, công khai về việc được và không được nhập các loại cây, con (để tránh tình trạng lờ mờ như nhập muỗi làm thức ăn cho cá kiểng) thì dịch bệnh sẽ thâm nhập và lây lan rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và sức khỏe người dân. Một ví dụ rất đáng tham khảo là châu Úc trong mấy năm gần đây đang gặt hái một thành quả hết sức to lớn từ chế độ kiểm dịch vô cùng gắt gao của họ: đó là độc quyền xuất khẩu hàng tỉ đô la Mỹ thịt bò sang Nhật và châu Âu vì bò Úc an toàn, không hay chưa bị nhiễm bệnh bò điên. 3. Phá hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Để đối phó với cạnh tranh ngày càng gay gắt, cũng như tăng lượng hàng hóa sản xuất theo yêu cầu của thị trường, nông dân và các nhà sản xuất sẽ càng lúc càng sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên như nước, đất đai, rừng cây… làm cạn kiệt những tài nguyên này. Đồng thời cũng lạm dụng việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm môi sinh bị phá hoại. 4. Một bộ phận nông dân không thích hợp với nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất manh mún bị “đào thải”. Vì sức ép của thị trường, và cũng để khỏi bị đẩy vào cảnh lạc hậu, Việt Nam sẽ phải nhanh chóng phát triển và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp. Điều này sẽ buộc nông dân phải học hỏi để có kiến thức, từ đó thay đổi kỹ thuật và thói quen làm việc để hợp với yêu cầu mới. Cho nên một bộ phận nông dân không có kiến thức hoặc không chịu trau dồi kiến thức sẽ bị đào thải. Tương tự, kiểu sản xuất manh mún cũng không thể tồn tại do yêu cầu cần có một lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều và giá rẻ. 5. Đòi hỏi về an toàn và chất lượng ngày càng gay gắt. Giới tiêu thụ ngày nay, đặc biệt là thị trường nhập khẩu, được tự do lựa chọn nơi mua hàng và có kiến thức ngày càng cao về chất lượng của nông sản, sẽ đòi hỏi những tiêu chuẩn mới vừa cao về chất lượng và an toàn vệ sinh, vừa nghiêm khắc về chế độ nuôi trồng và tính bền vững trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Chu trình nông nghiệp công nghệ cao (best practice) sẽ trở thành tiêu chuẩn sản xuất mới thay thế chu trình nông nghiệp an toàn (Gap - Good Agricultural Pratices). Một hiệp hội nông nghiệp hữu hiệu cho nhà nông chính là lối ra Rõ ràng nông dân sẽ là người trực tiếp đương đầu với sức ép một khi gia nhập WTO. Sức ép này sẽ vô cùng nặng nề buộc nông dân phải thay đổi tư duy và thói quen làm việc. Hiện đại hóa nông thôn sẽ nhờ đó mà phát triển. Nhưng sẽ có một số nông dân không có khả năng thích nghi với điều kiện sản xuất mới. Họ sẽ bị “đào thải”, tạo nên những vấn đề khó khăn cho xã hội ở nông thôn. Hiện nay, mặc dù Việt Nam có hàng triệu nhà nông giỏi trên mảnh ruộng dăm ba sào nhưng lại hiếm có nhà nông sản xuất hàng hóa lớn trên vài ba trăm mẫu. Mặc dù nhà nông Việt Nam kiểm soát sâu bệnh tốt nhưng hiếm có nhà nông biết đến hoặc nghiêm chỉnh làm theo chu trình nông nghiệp an toàn GAP và kiểm tra chất lượng (QA) - là tấm “hộ chiếu” để xuất khẩu và cũng để cạnh tranh với hàng ngoại trong nước. Nhà nước sẽ không có khả năng ngay tức khắc hiện đại hóa nông thôn, chuyển giao công nghệ cao cho toàn bộ nông dân để chất xám được sử dụng trên đồng ruộng. Tuy nhiên Nhà nước có khả năng giúp nông dân tổ chức những hiệp hội để nhà nông-nhà kinh doanh-nhà nước hợp tác làm việc, qua đó việc chuyển giao công nghệ về kỹ thuật sản xuất, chu trình nông nghiệp an toàn GAP, hoặc các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu… được thực hiện nhanh chóng. Đó là điểm sinh tử của chính nhà nông và nhà kinh doanh. Kinh nghiệm của các nước như Úc, Nhật cho thấy không có một tổ chức nào đóng góp một cách tích cực và hữu hiệu vào nông nghiệp cho bằng một tổ chức do chính nông dân đứng ra đảm đương, dưới sự trợ giúp của nhà nước. Úc là một ví dụ điển hình nói lên tính hữu hiệu của tổ chức nông dân đó. Ở đây việc tổ chức, nghiên cứu, đào tạo chuyên viên, giao dịch mua bán… của những ngành nông nghiệp chính như thịt bò, lúa mì, lúa gạo, bông vải, rau quả… đều do hiệp hội nông dân tự đảm trách với sự trợ giúp của Bộ Nông nghiệp. Vì vậy, với tổng sản lượng lương thực chỉ khoảng 25 tỉ đô la Mỹ, vậy mà mỗi năm nông nghiệp Australia đã đem về cho đất nước 18-20 tỉ đô la Mỹ ngoại tệ. Việt Nam đã vượt đích 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu gạo vào tháng 8-2005. Trước mắt sẽ là một chặng đường gay go hơn vì từ đây Việt Nam phải cạnh tranh trong một thị trường mới, một thị trường tự do vì đã gia nhập WTO. Nếu nông dân được tham gia vào những hiệp hội có tổ chức hợp lý để qua đó họ được nhanh chóng trang bị đầy đủ kỹ thuật công nghệ cao, thì việc cạnh tranh tốt với hàng ngoại tại sân nhà và chỉ tiêu đạt 4 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu nông lâm sản vào năm 2010 không phải là điều vượt quá tầm tay. Trích Thời báo Kinh tế Sài Gòn Tháng 09/2005 Nông nghiệp: chặng đường phía trước TS. Trần Thượng Tuấn Thời khắc nước ta trở thành thành viên WTO đang đến gần. Điều đó mở ra cơ hội lớn cho nước ta trên bước đường hội nhập kèm theo những thách thức không nhỏ và không giống nhau trong từng lĩnh vực. Nhạy cảm nhất cho đến nay trong tiến trình toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển và cả các nước phát triển vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Đó là lĩnh vực còn nhiều bất đồng nhất, dẫn đến vòng đàm phán Doha dù được khởi động từ năm 1999, đến nay vẫn trong tình trạng bế tắc. Khoa học - kỹ thuật đi trước Để vượt qua những khó nhăn và thách thức này, điều cấp thiết nhất là hoàn chỉnh chiến lược phát triển nông nghiệp, tạo bước chuyển về chất lượng và sức cạnh tranh trong giai đoạn hậu WTO. Cho đến nay, trong nông nghiệp vẫn còn ít nhiều tư duy tự cấp tự túc, thiếu chú trọng tập trung khai thác các sản phẩm có lợi thế so sánh, dựa vào nguồn nhân lực dồi dào và điều kiện tự nhiên đặc thù, đa dạng của đất nước. Cây bông vải không thích hợp với điều kiện của đồng bằng sông Cửu Long, nên cho năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao hơn so với nhập khẩu, vậy mà đã từng có chủ trương phát triển bông vải trong khu vực này. Trong khi chưa chọn được giống thích hợp với điều kiện sinh thái nóng và ẩm của miền Nam, giống bò sữa nhập hoặc lai cho năng suất sữa trung bình chỉ bằng một nửa so với vùng ôn đới, vậy mà vẫn có chủ trương phát triển ồ ạt. Trách sao hàng loạt nhà chăn nuôi chẳng điêu đứng vì thua lỗ. Hơn nữa, mỗi con bò sữa ở châu Âu và Bắc Mỹ còn được trợ giá hơn 2 đô la/ngày, thì sữa bò trong nước làm sao cạnh tranh nổi. Vì sao cứ phải lao vào cuộc chiến mà phần bại khó tránh khỏi đã có thể đoán trước được? Khi chủ trương phát triển cây bông vải, đậu nành và bắp ở đồng bằng sông Cửu Long được phát động, trong một cuộc họp tại TPHCM, có nhà lãnh đạo trong Chính phủ hỏi tôi về trường hợp cây đậu nành. Tôi xin phép được nói thẳng: Với kinh nghiệm của mình, tôi đảm bảo đậu nành sản xuất ở ĐBSCL có thể đạt năng suất cao nhất nước, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, Brazil và một số nước khác, chưa nói là chi phí phòng trừ sâu bệnh rất cao; hơn nữa Mỹ còn trợ giá cho đậu nành rất nhiều. Vì vậy trước khi quyết định mở rộng sản xuất, cần cân nhắc lợi ích giữa tự sản xuất với giá thành cao và nhập khẩu với giá rẻ. Theo thỏa thuận với Mỹ, cũng có nghĩa là cả với các nước khác, khi gia nhập WTO, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nông sản, đối với đậu nành thuế suất sẽ giảm từ 15% xuống còn 5% trong ba năm, còn bông vải sẽ được hưởng mức thuế 0% ngay lập tức. Trong thời đại toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, tư duy tự cấp tự túc sẽ đẩy nền nông nghiệp nước ta vào ngõ cụt, mà hậu quả trước tiên nông dân sẽ gánh chịu. Cần sớm xác định và tập trung phát triển những loại nông sản có lợi thế so sánh, và xóa bỏ hẳn cách nghĩ không nên nhập những thứ mà chúng ta có thể sản xuất được, bất kể với mức chi phí nào, của thời kỳ trước “mở cửa”. Nói điều đó không có nghĩa là phải xóa sổ các loại cây trồng, vật nuôi nói trên ở nước ta, mà khi hình thành ý định mở rộng sản xuất ra ngoài các địa bàn truyền thống, bước đi cần thiết phải làm trước là đầu tư nghiên cứu tạo ra giống mới và quy trình canh tác đảm bảo sản phẩm thu được có tính cạnh tranh trên thị trường. Đáng tiếc là trình tự ngược lại đã được áp dụng trong không ít trường hợp, như đã nói ở trên. Chỉ khi nào khoa học - kỹ thuật đi trước một bước, thì nền nông nghiệp nước ta mới có đủ năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập. Cần một chính sách hợp lý Chính sách ruộng đất có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của nền nông nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn có sự giằng co giữa hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Nên chăng cứ tiếp tục hô hào khẩu hiệu “người cày có ruộng”, được nêu ra trong giai đoạn chống thực dân phong kiến, mà không nhìn thấy thực tế là ruộng đồng ngày càng bị chia nhỏ, làm cho sản xuất kém hiệu quả, do khó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ hay hạn chế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật? Cùng trên một cánh đồng, nhưng sản xuất manh mún, mỗi người làm theo một kiểu, gây trở ngại cho nhau, thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường về hàng hóa chất lượng cao, khối lượng lớn, giá cạnh tranh. Thử tính thu nhập của một nông hộ với bốn nhân khẩu, có 1 héc ta ruộng. Giả sử ruộng có thể sản xuất lúa ba vụ, với năng suất cao, bình quân 5 tấn/héc ta/vụ. Từ 15 tấn lúa, bán với giá 2.300 đồng/ký như hiện nay, nông hộ thu được 34,5 triệu đồng. Với mức lời cao - 30%, thu nhập thực tế của cả gia đình là 10,35 triệu đồng, chia ra mỗi nhân khẩu được 2,5875 triệu đồng/năm hay 215.600 đồng/người/tháng, thấp hơn ngưỡng nghèo. Cho dù đạt được mức phấn đấu 50 triệu đồng/héc ta đi nữa, thì thu nhập bình quân đầu người cũng mới chỉ có 312.500 đồng/người/tháng. Với mức thu nhập ít ỏi như vậy, những nông hộ đó khó có cơ may phát triển và lo cho con cái ăn học chu đáo, chưa nói đến trường hợp ốm đau hay gặp thiên tai. Vậy mà số nông hộ có diện tích ruộng khoảng 1 héc ta trở lại ở nước ta đang chiếm một tỷ lệ lớn. Một số nước Tây Âu cũng có chính sách hạn điền, nhưng thay vì với mức giới hạn trên như ở nước ta, họ chỉ quy định mức giới hạn dưới, để tránh tình trạng chia ruộng đất quá nhỏ, làm giảm hiệu quả canh tác. Thiết nghĩ đó cũng là điều đáng cân nhắc đối với đề xuất nới rộng hạn điền, đi đôi với phát triển việc làm phi nông nghiệp và đào tạo cho nông dân. Trái ngược với tình trạng thiếu đất sản xuất của nông dân, các nông trường quốc doanh đang kiểm soát đến 25% diện tích đất nông nghiệp của quốc gia, nhưng sản xuất kém hiệu quả, chỉ tạo ra 1% GDP (theo TS. Lê Đăng Doanh). Sự bất hợp lý nói trên cần sớm có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất hẹp người đông và kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn của nước ta, dù có chấp nhận mở rộng hạn điền, những nông hộ có diện tích ruộng vài héc ta trở lại vẫn còn chiếm số đông, ít nhất trong vài thập kỷ tới, do công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển đủ sức thu hút phần lớn lao động nông thôn. Gần đây một số tỉnh, thành còn chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch. Điều đó càng đòi hỏi đẩy nhanh việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, để có đủ sức đầu tư cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trên diện rộng. Tình trạng nghèo khó và thu nhập bấp bênh của số đông nông dân không cho phép cứ tiếp tục duy trì cách nghĩ, cách làm cũ. Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở nông hộ, một thời đã mang lại hiệu quả trong việc chuyển nước ta từ tình trạng nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, cùng nhiều loại nông sản khác. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, sản xuất nhỏ lẻ lại trở thành cản ngại lớn cho bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Thử nghĩ về tình huống sau: Một địa phương có hàng chục ngàn héc ta vườn, cử một đoàn ra nước ngoài tiếp thị về các loại trái cây. Đối tác nhận thấy chất lượng và giá cả trái cây có thể chấp nhận được, nên đã cử đoàn sang đàm phán. Khi tìm hiểu kỹ lại, thì chất lượng trái cây không đồng nhất, khó tập trung số lượng lớn. Hy vọng xuất khẩu tan biến nhanh chóng. Tiếc thay, đó không phải là tình huống giả định, mà là chuyện đã xảy ra trong thực tế. Nguyên nhân không khó xác định - sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Do đó, tăng cường hợp tác hóa thông qua các chính sách và giải pháp thích hợp là vấn đề thiết yếu cho bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp. Phải chăng đó là vấn đề quan trọng nhất, khi bước vào thời kỳ hậu WTO, gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp? Trích Thời báo Kinh tế Sài Gòn tháng 06/2006 Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam trước yêu cầu hội nhập Vũ Xuân Mừng Các doanh nghiệp vừa và nhỏ việt Nam trước yêu cầu hội nhập hiện đang đóng một vai trò quan trọng, biểu hiện ở khả năng thu hút lao động và đóng góp GDP hằng năm trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đó vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn về phía Nhà nước cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp là biện pháp cơ bản nhất trong quá tình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu. Môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay của Việt Nam đang được cải thiện dần, tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước. Trước xu thế hội nhập kinh tế trong khu vực và toàn cầu, nhìn một cách khách quan, có thể nói hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn khá yếu, thể hiện trên nhiều mặt như: chất lượng hoàng hóa chưa cao, chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu và đòi hỏi của thị trường trong nước, khả năng thâm nhập thị trường khu vực và thế giới còn hạn chế... Mặt khác, do thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong sản xuất và lưu thông hàng hóa còn lớn nên kéo theo giá thành sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam đang luôn cao hơn mức bình quân của khu vực, hiệu quả kinh doanh thường xuyên thấp, rất khó cạnh tranh với hàng hóa của các nước xung quanh, đặc biệt càng khó khăn khi cạnh tranh với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên có nhiều, trong đó có thể nêu lên một vài nguyên nhân chính như: chúng ta chưa có một hệ thống chính sách đồng bộ, thống nhất trong việc đưa các chủ trương, chính sách vào các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất - kinh doanh còn chậm trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, bồi dưỡng và nâng cao tay nghề cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân; rồi chi phí sản xuất và dịch vụ còn thất thoát, lãng phí; tính công khai, minh bạch trong các hoạt động kinh doanh chưa cao.v.v. cũng là những nguyên nhân không kém phần quan trọng. Trong hệ thống các doanh nghiệp Việt nam, ngay cả các doanh nghiệp lớn của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm mà vẫn gặp phải những khó khăn trên thương trường, thì đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn nhiều lần. Việc làm sao để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tăng cương tính cạnh tranh đang là một thách thức đối với công tác quản lý vĩ mô của nước ta hiện nay. Bài viết này đề cập thực trạng, cũng như một số giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong quá trình phát triển, nhất là để chủ động gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi thời gian đang đến gần. Năm 2005, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt nam đã đóng góp 26% GDP của nền kinh tế. Cũng trong năm này, đã có thêm 18.400 doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời. Theo đó, ước tính đến năm 2010, cả nước sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Nguồn: Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp vừa và nhỏ). Các doanh ngiệp vừa và nhỏ tại Việt nam cũng đang sử dụng một lực lượng lao động khá lớn trên cả nước, hằng năm đã tạo thêm cho khoảng từ 26 đến 30 vạn lao động mới. Kết quả điều tra tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm 22 tỉnh, thành phố thuốc vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng là nơi tập trung số lượng lớn nhất các doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả nước) cho thấy, tại đây có tới 84.570 doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó, chỉ có 597 doanh nghiệp nhà nước, còn gọi là doanh nghiệp ngoài quốc doanh với các loại hình, cụ thể được phân chia như sau: - Doanh nghiệp tư nhân: 36.527 doanh nghiệp; - Công ty trách nhiệm hữu hạn: 39.950 doanh nghiệp; - Công ty cổ phần: 4.186 doanh nghiệp; - Công ty hợp doanh và hợp tác xã: 3.320 đơn vị. Nếu phân chia theo cơ cấu ngành nghề sẽ có: - Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 21,8%; - Công nghiệp và xây dựng chiếm 36,7%; - Thương mại và dịch vụ chiếm 41,5%. (Nguồn: Báo cáo tại hội nghị tổng kết khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp vừa và nhỏ). Các số liệu trên đây cho thấy vai trò và sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế nước ta. muốn đạt được tốc độ tăng trưởng công nghiệp từ 16,5% - 17%/năm trong 5 năm tới, phải có sự vươn lên và tăng trưởng đột biến trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của khối doanh nghiệp này đang đứng trước những khó khăn cơ bản sau đây. Thứ nhất, nguồn vốn của các doanh nghiệp này (mà chủ yếu là khối doanh nghiệp tư nhân) cơ bản là dựa vào vốn tự huy động, vốn vay từ nguồn nhàn rỗi trong dân, vay từ các ngân hàng thương mại... Các doanh nghiệp này nhận được rất ít sự trợ giúp về vốn từ nguồn ngân sách, mặc dù nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không có sự khác biệt so với các doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác, nguồn cho vay vốn từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay vốn ngân hàng nhằm thực hiện đổi mới thường phải chịu sự thẩm định rất ngặt nghèo, mặc dù phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục... nhưng có khi vẫn không được vay. Hoặc có trường hợp một doanh nghiệp cần vay ngân hàng khoản tiền bằng 30% vốn pháp định, nhưng ngân hàng đó yêu cầu phải có một khoản thế chấp gấp 3 lần mức vay! Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các đơn vị kinh tế. Do uy tín trên thương trường cũng như thương hiệu của các doanh nghiệp này chưa lớn. Mức độ rủi ro trong kinh doanh còn cao; trong khi đó, các nước vẫn còn có thói quen phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, chưa thực sự tạo ra môi trường bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp. Nói tóm lại, việc có được nguồn thông tin đầy đủ và được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với doanh ngiệp vừa và nhỏ thường khó khăn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Thứ ba, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất khó khăn trong việc đầu tư để thu hút được nguồn nhân lực tốt cho sản xuất - kinh doanh của mình. Thiếu đi nguồn nhân lực có khả năng, có trình độ chuyên môn cao, doanh nghiệp sẽ rất khó phát triển; khó tiếp nhận các kỹ thuật, công nghệ hiện đại cũng như chậm trễ trong việc đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất kinh doanh; mất đi các cơ hội kinh doanh trong nước và trong việc giao thương trên thị trường khu vực và thế giới. Cơ hội cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực giỏi, có trình độ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù phải trả lương và có chính sách đãi ngộ cao hơn so với các công ty danh tiếng, nhưng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi vẫn không thích đến làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để khắc phục tình trạng trên, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tập trung sức để hướng đến các yêu cầu: tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng để từng bước thay thế hàng nhập khẩu, từ đó thật sự có được sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Muốn vậy, người đứng đầu các tổ chức, các đơn vị có trách nhiệm phải rà soát lại tất cả những quy định hiện có để triển khai có hiệu qủa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh nắm bắt các chỉ thị của các bộ, ngành từ trung ương đến các địa phương để xác định và lựa chọn đúng các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm lợi thế và có thị trường lớn, có khả năng cạnh tranh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chủ động trong việc tạo lập và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tổ chức sản xuất v.v.. mặt khác, phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu qủa hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng ỷ lại vào nhà nước, kiên quyết trong việc sáp nhập hoặc giải thể đối với những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hoặc thua lỗ kéo dài. Đối với các địa phương, cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch và có kế hoạch để định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư, đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bằng cách giảm các chi phí thủ tục hành chính, thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” với tất cả các loại hình doanh nghiệp bằng các cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương mình nhiều hơn. Quan tâm hỗ trợ cho sự ra đời và phát triển doanh nghiệp mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, ngày 23-11-2001, của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để đạt được các mục tiêu đó, theo chúng tôi cần nhanh chóng triển khai một số biện pháp sau đây. Một là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho các doanh nhân và những người sáng lập doanh nghiệp, giúp đội ngũ này có đủ khả năng quản lý về kỹ thuật - công nghệ; có kiến thức vững vàng về quản trị tài chính, marketting; về quả lý nguồn nhân lực trong quá trình điều hành sản xuất - kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó nguồn kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng có thể tiếp cận không chỉ trên thị trường nội địa mà kể cả thị trường các nước trong khu vực và thị trường toàn cầu. Hai là, hỗ trợ về kỹ thuật, tức là tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc nhận biết, đánh giá, lựa chọn máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các nguồn thông tin được cập nhật mới luôn quý giá và cần thiết cho các nhà quản lý các doanh nghiệp, giúp họ tránh bớt các rủi ro, bất ổn trên thương trường, nhờ đó mà tiên lượng được các nguy cơ và tranh thủ được nhưng cơ hội làm ăn tốt. Đây chính là việc mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt nam đang rất mong muốn được đáp ứng trong quá trình hội nhập. Ba là, các cơ quan trung ương, các ban, ngành, địa phương cần tập trung hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức, xúc tiến, hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn, thông qua từng lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh cụ thể. Chẳng hạn như các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành các cơ sở vệ tinh của các doanh nghiệp lớn, hoặc cùng tham gia nhưng hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp lớn.v.v.. Bốn là, Chính phủ, các ban, ngành trung ương và địa phương cần có các chính sách cụ thể đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn, sử dụng vốn, tạo sự thông thoáng về các thủ tục nhận vốn trên cơ sở quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các cơ chế, chính sách cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc thành phần kinh tế tư nhân có cơ hội tham gia vào việc sử dụng các nguồn vốn như ODA, ODB... như các thành phần kinh tế khác của nhà nước. Chúng ta cũng cần xây dựng một cơ chế đấu thầu trong việc sử dụng các nguồn vốn vay quốc tế. Việc mạnh dạn và kiên quyết phá bỏ cơ chế độc quyền trong việc chỉ cho các doanh nghiệp nhà nước tham gia các công trình sử dụng vốn vay từ các nguồn vỗn quốc tế, sẽ là cơ chế bảo vệ cho các nguồn vốn này được sử dụng một cách hiệu quả và an toàn. Chắc chắn sẽ không có tình trạng thất thoát và tham nhũng lớn như vụ PMU 18 vừa qua, nếu việc sử dụng vốn ODA cho xây dựng cơ bản được đấu thầu rộng rãi cho mọi thành phần kinh tế và mọi loại hình doanh nghiệp được cùng tham gia. Tóm lại, chiến lược sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi được “bảo hộ” bởi một luật lệ hoặc hệ thống văn bản dưới luật sẽ là “bà đỡ” quan trọng giúp thành phần kinh tế này xác định rõ hướng đầu tư để phát triển các loại sản phẩm bảo đảm đúng hướng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Và hệ quả tất yếu là giúp doanh nghiệp phát huy hiệu qủa công tác quản trị nội bộ, thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động, từng bước phát triển ổn định và bền vững. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ ngày càng có cơ hội khẳng định vịt trí, vai trò của mình; có những đóng góp quan trọng và thiết thực hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện Liên kết kinh tế một nhu cầu cấp bách đối với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay TS. Dương Đình Giám Liên kết kinh tế là một phương thức đã xuất hiện từ lâu trong hoạt động kinh tế, là sự hợp tác của hai hay nhiều bên và trong quá trình hoạt động, cùng mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế hiện nay, liên kết kinh tế đang ngày càng trở thành nhu cầu bức xúc, xuất hiện ở mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Bài viết này đề cập đến các vấn đề liên kết kinh tế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) ở lĩnh vực công nghiệp. I. Lợi ích của liên kết kinh tế: Liên kết kinh tế, như trên đã nói, là sự hợp tác cùng phát triển của hai hay nhiều bên, không kể quy mô hay loại hình sở hữu. Mục tiêu của liên kết kinh tế là các bên tìm cách bù đắp sự thiếu hụt của mình, từ sự phối hợp hoạt động với đối tác. Điều đó có nghĩa là, liên kết kinh tế có thể xuất hiện giữa các doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ với nhau (Cùng lớn, cùng nhỏ, hay lớn với nhỏ). Mà không phân biệt các DN thuộc loại hình sở hữu nào (DNNN, DN ngoài QD, hay DN có vốn đầu tư nước ngoài). Lợi ích của liên kết kinh tế rất đa dạng và có thể được khái quát như sau: 1.1. Liên kết kinh tế giúp DN khắc phục những bất lợi về quy mô. “To không phải là tốt”- Đó là câu châm ngôn mà chúng ta vẫn thường gặp trong đời sống hàng ngày. Câu nói có vẻ hài hước này, thực ra lại rất đúng trong tổ chức SX-KD công nghiệp. Chúng ta đều biết, trong hoạt động SX-KD, mỗi DN đều có một hoặc vài lĩnh vực hoạt động chủ đạo, mang tính đặc thù, chuyên biệt. Bên cạnh đó, là một loạt các hoạt động phụ, mà bản thân DN không thể thực hiện được, nhưng nó lại không thể thiếu đối với dây chuyền sản xuất chính. Ví dụ về mối liên hệ này có thể kể ra rất nhiều: Một nhà máy dệt vải, ngoài nguyên liệu chính là sợi phải mua của các nhà máy kéo sợi, họ còn cần dùng đến rất nhiều loại vật liệu phụ khác như bột sắn để cung cấp cho khâu hồ sợi; ống giấy cho cuộn vải; bao tải, dây đai cho khâu đóng kiện.v.v... chưa kể một loạt các loại phụ kiện khác như con thoi, go, cua roa, tay đập... bắt buộc phải có, để duy trì hoạt động cho các máy dệt. Hay như ở các nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy và ôtô, ngoài các bộ phận chính của chiếc xe máy là khung sườn và động cơ, thì còn phải cần rất nhiều loại phụ tùng, linh kiện khác như các loại phụ kiện nhựa, cao su, rồi các phụ tùng như chân chống, vành lốp, nan hoa, đệm ghế, các phụ kiện nội thất... mới tạo nên được một sản phẩm hoàn chỉnh. Thay vì tổ chức sản xuất đầy đủ tất cả các loại phụ tùng, linh kiện đó, các cơ sở này đã đặt gia công ở các cơ sở sản xuất khác, với hy vọng tiết kiệm chi phí và tìm kiếm được lợi nhuận cao hơn. Hình thức kinh doanh này (Tiếng Anh gọi là Outsoursing) đã xuất hiện từ lâu và hiện đang rất thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới. Để góp phần đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất đến năm 2010, mỗi năm 6 tỷ USD, hãng Ford của Hoa kỳ đã lên kế hoạch tăng gấp đôi trị giá linh kiện mua từ Trung Quốc, mỗi năm dự kiến đạt khoảng 2,5 - 3 tỷ USD. 1.2. Liên kết kinh tế giúp DN phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Như trên đã nói, liên kết kinh tế giúp DN khắc phục được những hạn chế về quy mô, thì ở một khía cạnh khác, liên kết kinh tế còn giúp cho DN phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Điều đó được thể hiện ở những nội dung sau: - Nhu cầu của thị trường là luôn thay đổi, điều đó buộc các DN vừa phải luôn thay đổi mẫu mã của các sản phẩm hiện có, vừa phải tìm cách đa dạng hoá sản phẩm. Để có được những thay đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường, DN cần phải có thông tin và có đủ khả năng triển khai nhanh các phương án sản xuất mới. Chính sự liên kết kinh tế sẽ giúp cho DN đạt được điều đó. Một DN chuyên sản xuất hàng may mặc thời trang, khi có một mốt mới xuất hiện, DN muốn triển khai sản xuất theo mẫu này. Mặc dầu nguyên liệu chính vẫn là vải, song, sản phẩm mới lại có nhu cầu sử dụng nhiều loại phụ liệu mới như ru băng, hạt cườm... Muốn triển khai sản xuất, DN phải liên kết với các cơ sở khác để có được các phụ liệu này. - Liên kết kinh tế giúp cho các DN tiêu thụ sản phẩm của mình được nhanh hơn. Điều đó được thể hiện rất rõ qua sự liên kết của hệ thống các nhà thương mại với các nhà sản xuất, thông qua hình thức đại lý bán hàng. Với hình thức liên kết này, các cửa hàng kinh doanh sẽ nhận làm đại lý bán buôn hay bán lẻ sản phẩm cho DN sản xuất. Và nhờ đó, sản phẩm của DN sẽ được đưa vào thị trường một cách nhanh chóng hơn, kịp thời hơn. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, hình thức liên kết này hiện đang rất phát triển ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa kỳ. Hình thức liên kết kinh tế này được thực hiện “xuyên quốc gia”, có nghĩa là xuất hiện các công ty bán buôn, bán lẻ phân phối hoặc kinh doanh thương mại chuyên bán sản phẩm do các công ty khác sản xuất (Tiếng Anh gọi là Original Equipment Manufactuer - OEM). Những hàng hoá do họ tiêu thụ có thể do chính họ thiết kế, sau đó đặt sản xuất hoặc do chính các nhà sản xuất thiết kế. Nhiều sản phẩm nổi tiếng thế giới đã được sản xuất và tiêu thụ theo hình thức này, như giày thể thao Wilson, các sản phẩm may mặc của Piecardin, hay các sản phẩm đồ thể thao cua hãng Nike, kể cả máy chơi game của hãng Microsoft... - Liên kết kinh tế còn giúp cho các DN có thể tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ và kỹ thuật mới, nhờ sự phối hợp với các nhà nghiên cứu ở các trường đại học hay cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. - Ngược lại, sự thay đổi của thị trường cũng thúc đẩy liên kết kinh tế. Trong thực tế, khi những thay đổi của thị trường vượt ra ngoài khả năng đáp ứng của DN, buộc các DN phải tìm cách liên kết với các đối tác khác để tìm kiếm sự hỗ trợ về vốn và công nghệ, kể cả việc tiến hành đặt gia công sản xuất ở bên ngoài những phụ kiện phục vụ cho sản phẩm chính của mình, như đã nói ở trên. 1.3. Liên kết kinh tế giúp DN giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Ngoài hai lợi ích cơ bản của liên kết kinh tế, được nói ở trên, liên kết kinh tế còn giúp cho DN giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Phát triển sản xuất là một quá trình vận động không ngừng, tích tụ tập trung rồi lại chia tách, sáp nhập để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và phù hợp với khả năng nội tại của DN, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận cao nhất, mà lại giảm thiểu được rủi ro. Quá trình đó diễn ra thực chất là thông qua các hoạt động liên kết kinh tế. Đứng trước một dự án sản xuất lớn, nhiều khi vượt quá khả năng sản xuất của DN. Nếu DN bỏ, thì sẽ mất cơ hội làm ăn, nhưng nếu DN đơn độc một mình triển khai thực hiện dự án, nhiều khi, do không kham nổi, sẽ dễ dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ. Để tránh được hiện tượng này, nhiều DN đã biết phân tán rủi ro bằng cách mời gọi các DN khác cùng tham gia thực hiện dự án, mỗi DN đảm nhận một phần công việc, tuỳ theo năng lực của từng DN. Như vậy, mỗi DN tham gia dự án chỉ phải chịu một phần rủi ro (nếu có). ở một khía cạnh khác, hai DN, trước đây là đối thủ của nhau, cạnh tranh nhau trên cùng một loại sản phẩm, trong cùng một thị trường. Nay, để giảm thiểu rủi ro do cạnh tranh, họ liên kết lại, cùng thoả hiệp để phân chia thị trường, kể cả việc sáp nhập để tạo nên độc quyền nhóm. II. Thực trạng liên kết kinh tế ở Việt Nam hiện nay: Hiện tại, liên kết kinh tế ở Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Đã có nhiều ví dụ minh chứng cho sự thành công của liên kết kinh tế, như liên kết giữa các DN sản xuất và lắp ráp ôtô, xe máy với các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng; liên kết trong gia công sản xuất hàng may mặc (liên kết giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp); liên kết trong thi công xây dựng các công trình lớn... (liên kết trong sản xuất công nghiệp, xây dựng); liên kết giữa các DN chế biến nông sản, thực phẩm với bà con nông dân trồng nguyên liệu... (liên kết giữa công và nông nghiệp). Hình thức liên kết cũng khá đa dạng, như gia công, thầu phụ, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm sản phẩm hay hiệp hội ngành nghề... Tuy nhiên, liên kết kinh tế ở Việt Nam đang tồn tại những nhược điểm sau: 2.1. Liên kết kinh tế chưa trở thành nhu cầu bức xúc trong hoạt động của doanh nghiệp. Một cuộc điều tra cho thấy, trên 50% số doanh nghiệp được hỏi, cho biết không có hoặc chưa có nhu cầu tìm kiếm sự liên kết; khoảng 30% số doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu tìm kiếm sự liên kết kinh tế để bù đắp sự thiếu hụt trong năng lực sản xuất của mình; và chỉ có gần 20% số doanh nghiệp cho biết là họ luôn có nhu cầu tìm kiếm các mối liên kết để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cả hiện tại và tương lai. Ngay trong một doanh nghiệp, nhu cầu liên kết kinh tế, nếu có xuất hiện, cũng chỉ tồn tại trong ý tưởng của các lãnh đạo doanh nghiệp, mà chưa trở thành nhu cầu của tất cả thành viên trong doanh nghiệp. Thực tế điều hành sản xuất kinh doanh cho thấy, chính các cán bộ quản lý cấp trung gian là những người dễ dàng nhận ra các nhu cầu về liên kết nhất, mà nếu họ không nêu ra, thì chủ doanh nghiệp cũng khó lòng mà nhận thấy. Đó là chưa kể, nếu những người lao động trực tiếp không nhận thức rõ được các lợi ích của liên kết kinh tế, thì trong công việc, họ sẽ không triệt để tuân thủ các quy định của các hợp đồng kinh tế, và do vậy sẽ dẫn đến hiệu quả không cao của doanh nghiệp khi thực hiện các liên kết kinh tế. ở một khía cạnh khác, liên kết kinh tế, nhiều khi lại được thực hiện bởi các mệnh lệnh hành chính, như sự sáp nhập, hình thành các tổng công ty, công ty... (Kể cả việc hình thành các mô hình công ty mẹ - công ty con, đang được triển khai rầm rộ hiện nay, nếu không được rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời), nên hiệu quả thực sự của liên kết kinh tế không cao, đôi khi lại có tác dụng ngược lại. 2.2. Môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho liên kết kinh tế. Như trên đã nói, liên kết kinh tế bấy lâu nay, chủ yếu vẫn là quá trình vận động tự thân của doanh nghiệp. Nhà nước hầu như chưa có được các cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện hay khuyến khích cho liên kết kinh tế phát triển. - Về phía doanh nghiệp, khi có nhu cầu tìm kiếm sự liên kết, nhưng không biết tìm ở đâu, bởi các thông tin về đối tác đôi khi không đầy đủ hoặc không đủ tin cậy để doanh nghiệp đi đến quyết định có nên liên kết với đối tác đó hay không. Nếu các hoạt động kiểm toán và công khai thông tin được tiến hành một cách thường xuyên thì cũng là cách giúp DN có điều kiện để tìm hiểu thông tin về các đối tác của mình một cách có hiệu quả hơn. - Năng lực liên kết của các DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, điều đó được thể hiện ở uy tín của các DN chưa cao, chưa đủ sức thu hút các DN nhỏ khác làm vệ tinh cho mình. Những DN có đủ năng lực như Lilama, Sông Đà... chưa nhiều, làm cho các quan hệ về liên kết kinh tế khó phát triển. Hy vọng rằng, với sự ra đời của một số tập đoàn kinh tế như Điện lực, Than và khoáng sản, Dệt may..., các mối quan hệ về liên kết kinh tế sẽ có điều kiện phát triển hơn. - Sự nhỏ bé về quy mô thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, làm cho các DN khó tiến hành các hoạt động liên kết. Song, vấn đề này sẽ sớm được khắc phục khi Việt Nam hiện đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. - Cơ chế chính sách của Nhà nước chưa có nhiều quy định liên quan đến việc thúc đẩy các mối liên kết kinh tế phát triển hoặc đã có thì lại khó đi vào cuộc sống do tâm lý sản xuất nhỏ, manh mún trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này được thể hiện rất rõ trong việc triển khai QĐ 80/TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. III. Một số giải pháp thúc đẩy liên kết kinh tế ở Việt Nam: 3.1. Đối với Nhà nước: - Việc thu thuế giá trị gia tăng có khấu trừ đầu vào, đã khắc phục được hiện tượng thuế trùng thuế đối với nguyên liệu và các bán thành phẩm, từ đó thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được đối với khu vực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sử dụng hoá đơn VAT do ngành Thuế phát hành, còn đối với các cơ sở sản xuất CN - TTCN ở nông thôn thì rất khó thực hiện, vì các cơ sở này thường đặt gia công sản phẩm, bán thành phẩm ở các hộ gia đình, mà những hộ sản xuất này thường không sử dụng hoá đơn VAT, nhưng cũng vẫn phải nộp một khoản thuế khoán cho địa phương. Để khắc phục hiện tượng trùng thuế này, hoặc là các địa phương thực hiện miễn thuế đối với các hộ và cơ sở sản xuất nguyên liệu hoặc bán thành phẩm để cung cấp cho các cơ sở sản xuất khác, hoặc là giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất có sử dụng nguồn nguyên liệu hay bán thành phẩm từ các cơ sở sản xuất và hộ gia đình (không có hoá đơn VAT). - Liên kết kinh tế theo tinh thần QĐ 80/TTg, sở dĩ chưa thu được nhiều kết quả như mong muốn, vì chúng ta triển khai quá đại trà, trong khi trình độ nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể trong các hợp đồng kinh tế còn quá sơ sài và non kém. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có những cơ sở sản xuất lớn, như nông, lâm trường, các trang trại là thường thực hiện đúng các cam kết đối với các các cơ sở chế biến. Trong thời gian tới, để hình thức liên kết giữa 4 nhà được triển khai có hiệu quả hơn, Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích sự phát triển của các nông, trang trại, như trợ giúp về các loại giống cây, con có năng suất cao, có khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt... hoặc hỗ trợ về thuỷ lợi, tưới tiêu... phù hợp với các cam kết của WTO, nhằm tạo ra được lượng nguyên liệu hàng hóa ổn định về số lượng và chất lượng cho công nghiệp chế biến. - Có chính sách khuyến khích các hình thức liên kết kinh tế như thầu phụ, OME, Outsoursing..., trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong chế biến nông, lâm sản, như hỗ trợ việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp có các hình thức liên kết với các doanh nghiệp trong nước. 3.2. Đối với các cơ sở sản xuất: - Nâng cao nhận thức về liên kết kinh tế: Các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế, để từ đó có thể chủ động tìm kiếm các mối liên kết trong hoạt động của mình. Cần chú ý rằng, sự liên kết có thể được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về công nghệ, liên kết về thị trường, liên kết về nhân lực, liên kết trong dây chuyền tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm... Việc tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp về liên kết kinh tế, như trên đã nói, cần được triển khai ở tất cả các bộ phận của doanh nghiệp. Cần nhớ rằng, trong doanh nghiệp, chính các cán bộ quản lý cấp trung gian là những người dễ dàng nhận ra các nhu cầu về liên kết nhất. Và chính họ là những người đề xuất để chủ doanh nghiệp lựa chọn và quyết định triển khai các quan hệ liên kết kinh tế. - Nâng cao trình độ công nghệ: Tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ để có thể chuyên môn hoá sâu, từ đó có điều kiện tham gia và mở rộng các mối quan hệ liên kết kinh tế. Thực tế cho thấy, chuyên môn hoá sâu và sự ổn định về công nghệ, chất lượng sản phẩm là những điều kiện quan trọng quyết định để có được những hợp đồng thầu phụ hay gia công kiểu OME. - Lựa chọn hình thức liên kết kinh tế phù hợp: Ngoài việc xác định được nội dung công việc cần phải liên kết và xác định được đối tác cần liên kết, một vấn đề hết sức quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý, đó là lựa chọn hình thức liên kết. Thực tế cho thấy, việc lựa chọn đúng hình thức liên kết, phù hợp với khả năng của các bên, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình liên kết. Ngoài ra, việc soạn thảo các hợp đồng liên kết kinh tế cần tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, dự kiến các mâu thuẫn, tranh chấp có thể xảy ra và hướng giải quyết các mâu thuẫn này, để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu sót của hợp đồng gây ra. 3.3. Đối với các hiệp hội ngành nghề: Tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc mở rộng các mối quan hệ liên kết kinh tế, thông qua các hoạt động sau: - Hiệp hội đứng ra làm vai trò tập hợp và điều phối sự phối hợp của các doanh nghiệp thành viên, khi có những hợp đồng kinh tế vượt quá khả năng của từng thành viên đơn lẻ. Làm được việc này sẽ tránh được tình trạng ép giá của các đối tác đặt hàng, mà chúng ta vẫn đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng lớn, đặc biệt là các mặt hàng may mặc và chế biến gỗ. - Chủ động tạo ra các mối quan hệ liên kết trong nội bộ các doanh nghiệp thành viên, bằng cách hướng các doanh nghiệp lớn ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp nhỏ trong cùng hiệp hội. - Đầu mối trong các họat động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cả ngành hàng và chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong hoạt động này. Nguồn: TCCN số tháng 1/2007

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftap chi kinh te1.pdf