Tiểu luận Phân tích những điểm khác biệt cơ bản về hình thức chính thể của nhà nước ở Anh và Mỹ

A. ĐẶT VẤN ĐỀ Anh và Mỹ là một trong những cường quốc của nền tư bản hiện tại. Với những cách thức tổ chức, cơ cấu bộ máy nhà nước hết sức đặc biệt, đúng đắn với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước đã tạo điều kiện cho sự phát triển của nền tư bản. Trong khuôn khổ bài tập lớn bộ môn lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, tôi xin đưa ra sự phân tích những điểm khác biệt cơ bản về hình thức chính thể của nhà nước ở Anh và Mỹ.

doc5 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3423 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích những điểm khác biệt cơ bản về hình thức chính thể của nhà nước ở Anh và Mỹ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. ĐẶT VẤN ĐỀ Anh và Mỹ là một trong những cường quốc của nền tư bản hiện tại. Với những cách thức tổ chức, cơ cấu bộ máy nhà nước hết sức đặc biệt, đúng đắn với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước đã tạo điều kiện cho sự phát triển của nền tư bản. Trong khuôn khổ bài tập lớn bộ môn lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, tôi xin đưa ra sự phân tích những điểm khác biệt cơ bản về hình thức chính thể của nhà nước ở Anh và Mỹ. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. Cơ sở lý luận Hình thức nhà nước là cách tổ chức quyền lực nhà nước và những phương pháp để thực hiện quyền lực nhà nước, hình thức chính thể là một trong ba yếu tố cụ thể của khái niệm chung – hình thức nhà nước. Vậy, chính thể là gì, hình thức chính thể là gì? Chính thể được định nghĩa là một khối thống nhất, bao gồm các thành tố liên hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau, không thể tách rời được (theo Nguyễn Như Ý, Đại Từ điển Tiếng Việt, Bộ GD và ĐT, Trung tâm ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, 1999). Hình thức chính thể là cách tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mối quan hệ cơ bản của các cơ quan đó. Khi xác định chính thể, trước hết, người ta dựa vào cách thức thành lập ra nguyên thủ quốc gia và nhiệm vụ, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia để xác định nhà nước đó thuộc về loại quân chủ hay cộng hoà. Nếu nguyên thủ quốc gia được hình thành bằng phương pháp truyền ngôi thì đây là nhà nước quân chủ. Và ngược lại, nếu nguyên thủ quốc gia được hình thành thông qua con đường bầu cử thì thuộc loại cộng hoà. Tiếp đến, muốn xác định nhà nước đó thuộc loại nào của quân chủ hoặc thuộc loại nào của cộng hoà thì cần phải xác định mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và lập pháp. Nếu chúng phụ thuộc và có sự phối kết hợp với nhau thì thuộc đại nghị. Ngược lại, nếu không có mối quan hệ kể trên thì thuộc loại tổng thống. II. Nguyên nhân hình thành nhà nước quân chủ đại nghị ở Anh và nhà nước cộng hoà tổng thống ở Mỹ 1. Hình thành nhà nước tư sản theo chính thể quân chủ đại nghị ở Anh a. Thời điểm ra đời Đầu thế kỷ XVII, Anh là nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Âu. Chế độ phong kiến với chỗ dựa là tầng lớp quý tộc và giáo hội Anh càng ngày càng cản trở sự phát triển của giai cấp tư sản. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản mới và giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng sâu sắc. Trải qua ba giai đoạn nội chiến (Nội chiến Anh lần thứ nhất (1642-1646), giữa phe Bảo hoàng của vua Charles I với quốc hội Dài hạn (The Long Parliament), Nội chiến Anh lần thứ nhì (1648-1649), giữa phe Bảo hoàng của Charles I với quốc hội Dài hạn, Nội chiến Anh lần thứ ba (1649-1651), giữa phe Bảo hoàng của vua Charles II với nhóm dân biểu còn lại (The Rump)) nhà nước tư sản Anh ra đời. b. Nguyên nhân hình thành nhà nước quân chủ đại nghị ở Anh Cách mạng tư sản Anh là một trong những cuộc các mạng tư sản đầu tiên của nhân loại, đã lật đổ quan hệ sản xuất phong kiến, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, tiến lên cách mạng mới, cuộc Cách mạng công nghiệp, từ đó đưa nước Anh trở thành một cường quốc về công nghiệp đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên, đây không phải là một cuộc cách mạng triệt để. Nói không triệt để ở đây bởi: chưa giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, giai cấp tư sản không dám duy trì nền cộng hoà mà phải liên minh với thế lực phong kiến, thiết lập nên nhà nước quân chủ lập hiến. Và chính cuộc cách mạng không triệt để, không đủ sức đánh bại được giai cấp phong kiến (mặc dù đã lỗi thời) ấy thì ở đó quyền lực nhà nước buộc phải chia sẻ giữa hai giai cấp thống trị là tư sản và phong kiến, điều đó đã dẫn tới hình thức chính thể quân chủ đại nghị ở Anh. Hơn nữa, do tập quán và tâm lý chính trị truyền thống cùng với chế độ quân chủ phong kiến đã tồn tại hàng trăm năm, nhân dân anh tin tưởng và tôn thờ Nữ hoàng Anh cũng như Hoàng gia Anh, tin tưởng đó là biểu tượng của sự thống nhất của vương quốc Anh. Đây cũng là lý do tại sao, Anh – một nước tư bản chủ nghĩa phát triển mà vẫn tồn tại chế độ quân chủ. 2. Hình thành nhà nước cộng hoà tổng thống ở Mỹ a. Thời điểm ra đời Nhà nước tư sản Mỹ ra đời sau cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Mỹ. Tuy đây là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lại mang tính chất của cách mạng tư sản, giải quyết một cách triệt để các vấn đề của cách mạng tư sản. Tuy nhiên, về thực chất, phải đến sau cuộc cách mạng lần thứ hai 1861 – 1865 thì cách mạng tư sản ở Mỹ mới thực sự triệt để. b. Nguyên nhân hình thành nhà nước cộng hoà tổng thống ở Mỹ Sau cuộc chiến tranh giành độc lập, nhà nước tư bản Mỹ ra đời. Hiến pháp năm 1787 thiết lập nhà nước cộng hoà tổng thống ở Mỹ. Nước Mỹ xây dựng nhà nước tư sản theo chính thể cộng hoà tổng thống bởi cuộc chiến tranh của Mỹ đã giành thắng lợi tuyệt đối vào tay giai cấp tư bản; chính thể cộng hoà tổng thống cho phép áp dụng được triệt để thuyết tam quyền phân lập và thể hiện đúng quan điểm thoả hiệp của các tầng lớp trong giai cấp tư sản. III. Sự khác biệt cơ bản về hình thức chính thể của nhà nước ở Anh và Mỹ 1. Nguyên thủ quốc gia Nguyên thủ quốc gia ở nhà nước Anh là Vương quyền Anh (hiện nay là nữ hoàng Elizabeth II) được hình thành theo nguyên tắc thế tập truyền ngôi. Nguyên thủ quốc gia trong hình thức chính thể quân chủ đại nghị không có thực quyền, hầu như không tham gia vào giải quyết các công việc của nhà nước, theo một loạt những nguyên tắc mà sau này đã trở thành những thành ngữ dân gian: “Nhà vua trị vì nhưng không cai trị” “Nhà vua không bao giờ làm sai” “Nhà vua không hại ai cả” “Nhà vua không chịu trách nhiệm gì cả” “Nhà vua không có quyền nên không gánh vác trách nhiệm” Nguyên thủ quốc gia nắm trong tay một phần quyền hành pháp, nhưng đó là hành pháp tượng trưng. Nữ hoàng Anh cũng như Hoàng gia Anh được coi là biểu tượng cho một nước Anh thống nhất. Với chức năng biểu tượng cho sự bền vững của dân tộc, nữ hoàng Anh có một vị trí rất quan trọng trong những thời điểm mà nền an ninh chủ quyền độc lập của quốc gia bị xâm phạm. Khi nền an ninh của quốc gia bị xâm phạm, với tư cách là người đứng đầu, biểu tượng cho sự bền vững của dân tộc, Nữ hoàng phải đứng ra kêu gọi tinh thần yêu nước, sự hi sinh của thần dân để bảo vệ đất nước. Khác hoàn toàn với nguyên thủ quốc gia ở Anh, nguyên thủ quốc gia trong hình thức chính thể cộng hoà tổng thống ở Mỹ là tổng thống. Tổng thống Mỹ được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm, do nhân dân gián tiếp bầu ra (thông qua các đại cử tri). Tổng thống đồng thời đảm nhiệm hai chức danh: nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu quyền hành pháp. Xét về quyền hạn, vai trò của tổng thống là rất lớn. Điều 2 hiến pháp Hoa Kỳ quy định: “Quyền hành pháp sẽ được giao cho tổng thống Hoa Kỳ”. Tổng thống có quyền: bổ nhiệm các bộ trưởng; tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang; trình dự án luật và dự án ngân sách lên nghị viện; ký các điều ước quốc tế và cử các đại diện ngoại giao; bổ nhiệm thẩm phán của pháp viện tối cao; ban bố hoặc phủ quyết các đạo luật của nghị viện. Như vậy, ta có thể thấy, nếu nói về nguyên thủ quốc gia ở Anh có thành ngữ: “Nhà vua trị vì nhưng không cai trị” thì khi nói về nguyên thủ quốc gia ở Mỹ có thể đối bằng câu “tổng thống không những trị vì, mà còn cả cai trị”. 2. Nghị viện Ở nhà nước tư sản Anh, nghị viện là cơ quan tối cao, có quyền giải quyết mọi vấn đề của nhà nước, hay chí ít thì những vấn đề của nhà nước phải được giải quyết đựa trên cơ sở của nghị viện. Theo quan điểm của V.I. Lenin: chế độ đại nghị là chế độ mà ở đó nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân chia quyền lực: quyền lực lập pháp, quyền lực hành pháp, quyền lực tư pháp. Trong đó quyền lực lập pháp của nghị viện có ưu thế hơn hẳn và những thành viên của nghị viện do nhân dân trực tiếp bầu ra có nhiều đặc quyền đặc lợi, nhưng lại không chịu trách nhiệm trực tiếp trước cử tri. Nghị viện thành lập ra chính phủ, hay nói cách khác, chính phủ - cơ quan nắm quyền hành pháp được thành lập từ cơ sở của thành phần hạ nghị viện. Chính vì lẽ đó, chính phủ chỉ được hoạt động khi vẫn còn sự tín nhiệm của nghị viện. trong trường hợp không còn sự tín nhiệm của nghị viện thì chính phủ phải từ chức, nghị viện thành lập ra chính phủ mới. Trong trường hợp khong thành lập được chính phủ mới thì nghị viện bị giải tán. Nước Anh là nước có cơ cấu hai viện: thượng nghị viện (viện nguyên lão) gồm đại quý tộc mới, không phải qua bầu cử mà do tầng lớp đại tư sản quý tộc cử ra; hạ nghị viện (viện dân biểu) đại diện cho tầng lớp trong cư dân và do nhân dân bầu ra. Về cơ bản, hạ nghị viện có quyền quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của nghị viện. Điểm khác nhau cơ bản giữa nghị viện của chính thể cộng hoà tổng thống ở Mỹ và chính thể quân chủ đại nghị ở Anh đó là, áp dụng học thuyết phân chia quyền lực một cách tuyệt đối (phân quyền cứng rắn), có sự độc lập của cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Nghị viện không bầu ra chính phủ, bởi vậy, chính phủ không phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Ở nhà nước Mỹ, nghị viện cũng có cơ cấu hai viện: thượng nghị viện và hạ nghị viện, song khác về bản chất với hai viện ở Anh. Thượng nghị viện là cơ quan đại diện của mỗi bang để khi hiến pháp trao cho thượng nghị viện những quyền rất độc lập thì các bang được thực hiện và biểu quyết hoàn toàn bình đẳng. Hạ nghị viện là cơ quan dân biểu, do dân chúng các bang bầu lên, số đại biểu tỉ lệ với số dân của biểu bang. Hai viện của nhà nước Mỹ với những thẩm quyền riêng của mỗi viện và những thẩm quyền chung đã thực hiện nguyên tắc kìm chế, đối trọng với quyền hành pháp (do tổng thống đứng đầu). Hiến pháp 1787 ngay từ đầu chủ trương lưỡng viện cân bằng (khác biệt hoàn toàn với hai viện ở nhà nước Anh). 3. Chính phủ Chính phủ là cơ quan nắm quyền hành pháp. Đứng đầu chính phủ ở Anh, là thủ tướng. Thủ tướng được hoàng đế bổ nhiệm, là thủ lĩnh đảng cầm quyền, đảng chiếm được đa số ghế trong hạ nghị viện. Hay nói cách khác, hạ nghị viện cử ra thủ tướng. Sau khi được hoàng đế bổ nhiệm, thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ (các bộ trưởng nhất thiết pảhi là đại biểu của nghị viện). Chính phủ được hình thành dựa trên cơ sở của nghị viện, nên Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Nguyên tắc này là cơ sở cho viẹc nghị viện có thể lật đổ chính phủ, và người đứng đầu chính phủ - thủ tướng – có quyền hoặc yêu cầu nguyên thủ quốc gia giải tán nghị viện. Tuy nhiên, ở Anh, lập pháp và hành pháp đều năm trong tay một đảng. Vì vậy, không mấy khi hạ viện bị giải tán. Hạ viện chỉ có thể bị giải tán nếu chính phủ thấy đảng của mình có đa số mỏng manh trong hạ viện, muốn có đa số ững chắc hơn thì yêu cầu hoàng đế giải tán hạ viện để bầu ra hạ viện mới với hi vọng sẽ có sự ủng hộ của đa số nhiều hơn. Còn ở nhà nước Mỹ với chính thể cộng hoà tổng thống, chính phủ được tổng thống lập ra và tổng thống cũng là người đứng đầu chính phủ. Ở nhà nước này không có thủ tướng. Không giống như chính thể quân chủ đại nghị ở Anh nói riêng hay các nhà nước có hình thức chính thể đại nghị nói chung, các bộ trưởng không hợp thành một cơ quan bàn bạc chịu trách nhiệm tập thể trước nghị viện, mà chỉ chịu trách nhiệm trước tổng thống. Trong hình thức chính thể này, các bộ trưởng chỉ là những người giúp việc cho tổng thống, thực hiện những chính sách của tổng thống, không được mâu thuẫn với đường lối, chính sách của tổng thống. Mọi quyết định của chính phủ đều là quyết định của tổng thống – Tổng thống là chính phủ và chính phủ là tổng thống. C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ Có thể nói, Anh và Mỹ đều là những nước tư sản phát triển được thiết lập dựa trên cơ sở sản xuất tư bản chủ nghĩa, cùng áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập nhưng lại có hình thức chính thể rất khác nhau. Để có sự tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay thì dù là hình thức chính thể quân chủ đại nghị như ở Anh hay hình thức chính thể cộng hoà tổng thống như ở Mỹ đều có hạt nhân hợp lý riêng, tạo mối liên kết bền chặt giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, phù hợp với tình hình kinh tế chính trị cũng như xã hội của Anh và Mỹ.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc273i7875m khc bi7879t c417 b7843n v7873 hnh th7913c chnh .doc
Tài liệu liên quan