Tiểu luận Thi pháp văn học dân gian trong bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà...

I. ĐẶT VẤN ĐỀ Ca dao là thể loại văn học dân gian được các nhà nghiên cứu để tâm đến nhiều bởi giá trị nhiều mặt của nó. Có thể nói, mảnh đất ca dao rộng lớn và sâu sắc nhiều mặt vẫn là khoảng đất rộng rãi và hấp dẫn, đôi khi bí ẩn cho nhưng ai quan tâm, yêu thích vẻ đẹp ca dao. Vũ Ngọc Phan trong cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam”. Nxb Khoa học xã hội, 1978, đã “coi đó là tiếng tơ đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng”. Trong ca dao, hình ảnh quê hương đất nước hiện lên với tất cả vẻ đẹp mộc mac, gần gụi và thân thương nhất. Đó là con đường mềm mại, quanh co, một vẻ đẹp rất Việt Nam như: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh, nước biếc như tranh hoạ đồ” Nơi ải Bắc xa xôi là: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh” Huế đẹp mộng mơ có: “Núi Truồi ai đắp mà cao Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu” II. PHẦN NỘI DUNG 1. Giải đáp những địa danh và làm sáng tỏ những ý trong bài ca dao trên(*) - Về địa danh Trấn Vũ. Hiện nay có sự tranh cãi về địa danh này. Ý kiến thứ nhất cho rằng: Trấn Vũ là chùa Trấn Quốc trên đảo cá Vàng, thuộc đường Cổ Ngư (hiện nay là đường Thanh Niên) Ý kiến khác lại cho rằng: Trấn Vũ là đền Quán Thánh. Đền này nằm ở đầu đường Cổ Ngư, nhiều người gọi là đền Quán Thánh rồi suy nhầm ra là đền này thờ ông Quan Công. Tuy nhiên, Đền Quán Thánh chỉ là cái tên nhân dân thường gọi, thực ra tên đền là Trấn Vũ Quán, trong Trấn Vũ Quán thờ đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 4096 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Thi pháp văn học dân gian trong bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà..., để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ Ca dao là thể loại văn học dân gian được các nhà nghiên cứu để tâm đến nhiều bởi giá trị nhiều mặt của nó. Có thể nói, mảnh đất ca dao rộng lớn và sâu sắc nhiều mặt vẫn là khoảng đất rộng rãi và hấp dẫn, đôi khi bí ẩn cho nhưng ai quan tâm, yêu thích vẻ đẹp ca dao. Vũ Ngọc Phan trong cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam”. Nxb Khoa học xã hội, 1978, đã “coi đó là tiếng tơ đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng”. Trong ca dao, hình ảnh quê hương đất nước hiện lên với tất cả vẻ đẹp mộc mac, gần gụi và thân thương nhất. Đó là con đường mềm mại, quanh co, một vẻ đẹp rất Việt Nam như: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh, nước biếc như tranh hoạ đồ” Nơi ải Bắc xa xôi là: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh” Huế đẹp mộng mơ có: “Núi Truồi ai đắp mà cao Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu” Và có cảnh hồ Tây, nơi kinh thành Thăng Long văn vật với nét vẽ độc đáo,, nên thơ, rất đỗi thân thuộc và gần gũi: “Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương Mịt mù khói toả ngàn sương Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ”(*) PHẦN NỘI DUNG Giải đáp những địa danh và làm sáng tỏ những ý trong bài ca dao trên(*) - Về địa danh Trấn Vũ. Hiện nay có sự tranh cãi về địa danh này. Ý kiến thứ nhất cho rằng: Trấn Vũ là chùa Trấn Quốc trên đảo cá Vàng, thuộc đường Cổ Ngư (hiện nay là đường Thanh Niên) Ý kiến khác lại cho rằng: Trấn Vũ là đền Quán Thánh. Đền này nằm ở đầu đường Cổ Ngư, nhiều người gọi là đền Quán Thánh rồi suy nhầm ra là đền này thờ ông Quan Công. Tuy nhiên, Đền Quán Thánh chỉ là cái tên nhân dân thường gọi, thực ra tên đền là Trấn Vũ Quán, trong Trấn Vũ Quán thờ đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ Song Trấn Vũ ở đây chỉ có thể là chùa Trấn Quốc, chứ không thể là đền Quán Thánh như ý kiến thứ hai. Bởi lẽ đền Quán Thánh là đền thờ theo Đạo giáo, mà chuông là một vật đặc trưng của Phật giáo. Như vậy có thể kết luận “Tiếng chuông Trấn Vũ” là tiếng chuông vọng ra từ chùa Trấn Quốc - “canh gà Thọ Xương” Canh gà ở đây là tiếng gà gáy báo canh ( canh một, canh hai…, canh năm), đây là một cách tính thời gian ban đêm của người xưa. Thọ Xương, theo Wikipedia Tiếng Việt, hiện nay có hai nơi là xã Thọ Xương, một là ở thị xã Bắc Giang, một ở Thọ Xuân – Thanh Hoá. Thọ Xương trong bài ca dao này là một địa danh cũ của Thăng Long (Hà Nội). Cho đến đời Nguyễn vẫn còn huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Hiện nay còn lại một di tích có dấu tích của huyện Thọ Xương xưa, chính là Văn Chỉ Thọ Xương, ngõ 222 Bạch Mai. - “Nhịp chày Yên Thái” Làng Bưởi – Yên Thái – Hà Nội có nghề làm giấy dó. Nhịp chày ở trong bài ca dao này là nhịp chày giã bột giấy từ Yên Thái vọng ra. Khu vực xung quanh hồ Tây dọc theo phố Thuỵ Khuê ngày nay, trước đây là mấy làng làm giấy dó, đó là các làng: Hồ Khẩu, Kẻ Bưởi, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái. 2. Phân tích bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương Mịt mù khói toả ngàn sương Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” Không giống như tình trạng khuyết danh của phần lớn các sáng tác dân gian, bài ca dao này xác định được tác giả cụ thể. Đây là một bài thơ của Dương Khuê, một tác giả đời Nguyễn. Sáng tác theo phong cách dân gian, ngay sau khi ra đời nó đã được đông đảo quần chúng thuộc, được dân gian hoá và người ta đã chấp nhận nó như một tác phẩm dân gian: ca dao Bài ca dao mang màu sắc của một bài thơ cổ điển, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Trong ca dao, thiên nhiên có mối quan hệ chặt chẽ trong việc bộc lộ tình cảm của nhân vật trữ tình. Bài ca dao này thuộc bộ phận ca dao có yếu tố miêu tả trực tiếp thiên nhiên. Ở đây, thiên nhiên được miêu tả trong những chi tiết gần gũi, quen thuộc với cuộc sống của người dân. Người ta tả gió, trăng, sông, nước, cây cối…Lối miêu tả gây ấn tượng gợi lên một không gian với đặc trưng của miền đất kinh kì. Cảnh vật của hồ Tây được miêu tả thật nên thơ: hình ảnh, màu sắc, đường nét, âm thanh hài hoà, sống động, rõ nét pha chút mơ hồ, mờ ảo của màn sương đêm. Từ góc nhìn cận cảnh của tác giả, từng khóm trúc với những cành vươn rộng, uốn cong xuống, la đà sát mặt nước, sát mặt đất, đu đưa trước làn gió nhẹ. Từ láy tượng hình “la đà” - một nét vẽ thoáng, gợi cảm và ấn tượng. “la đà” là sà xuống thấp và đưa đi, đưa lại theo chiều ngang một cách nhẹ nhàng. Đặt vào trong văn cảnh cụ thể của bài ca dao, nó là một tính ngữ đầy sức gợi, được tác giả sử dụng tinh tế. Có thể dễ dàng nhận thấy ngay câu đầu tiên của bài, tác giả đã sử dụng một mô típ quen thuộc trong ca dao: mô típ “gió đưa”. Những ai yêu ca dao đã quá quên thuộc với những câu ca như: “Gió đưa cây cải về trời Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” “Gió đưa tờ giấy lên mây Gió đưa cô ấy lại đây ăn trầu” Hay: “Gió đưa cây cửu lý hương, Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn. Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn, Đã bưng lấy bát, lại dằn lấy mâm” (Ca dao) ……. “Gió đưa” ở những câu ca dao vừa kể trên được nói đến như một sự việc, một cái cớ để nhằm bộc lộ tình cảm của nhân vật trữ tình, tuyệt nhiên không phải là tả cảnh. Nhưng “Gió đưa cành trúc la đà” lại là một câu tả cảnh thể hiện những quan sát tinh tế của tác giả, điều này hiếm thấy thấy ở những câu ca dao cùng sử dụng mô típ “gió đưa”. “Cành trúc la đà” - một chuyển động nhẹ nhàng, êm ái, là sự kết hợp hài hoà, ý vị của thiên nhiên: cành trúc và gió. Tác giả đã khéo lấy cái vô hình (gió) làm đòn bẩy để tả cái hữu hình (cành trúc). Cơn gió nhẹ nhàng, mơn man đưa đẩy cành trúc mềm mại, tạo nên một bức tranh thi vị. Câu ca dao đầu tiên trong cái nhìn cận cảnh của tác giả đã phác hoạ nên một bức tranh phong cảnh với tất cả vẻ yên bình, êm ả và thơ mộng vốn có của nơi kinh kì cổ xưa. Thời gian được nói đến trong bài ca dao này là khoảng thời gian nửa đêm về sáng. Trong không gian đêm tối ấy, thị giác bị hạn chế, tác giả bằng sự tinh nhạy của mình, đã hướng thính giác đón âm thanh từ xa vọng lại: “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” Câu ca dao ngắt nhịp 4/4 tạo hai vế tiểu đối: “Tiếng chuông Trấn Vũ” đối với “canh gà Thọ Xương” cân xứng, hoà hợp như chính âm thanh tiếng chuông chùa Trấn Vũ với tiếng gà gáy sang canh từ làng Thọ Xương vọng tới, hoà hợp như sự hoà hợp của thiên nhiên (gió và trúc). Với nghệ thuật tả cảnh hết sức tinh tế, tác giả sử dụng thủ pháp của Đường thi, dùng âm thanh để phác hoạ nên bức tranh phong cảnh. Trong thơ xưa, ta đã từng biết đến những câu thơ miêu tả âm thanh tinh diệu như: “Tịch mịch u trai lý Chung tiêu thính vũ thanh Tiêu tao kinh khách trẩm Điểm tích sổ tàn canh…” (Thính vũ - Nguyễn Trãi) hay: “Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên Giang phong ngư hoả đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự Dạ bán trung thanh đáo khách thuyền” (Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế) Thủ pháp miêu tả âm thanh từ trong Đường thi được tác giả sử dụng tinh tế nhưng không dập khuôn. Trong cảm hứng về thiên nhiên, đất nước, con người một cách sâu lắng, tác giả đã diễn tả trọn vẹn một tiếng chuông ngân dài trong màn sương đêm như hơi thở. Đặt trong khung cảnh thiên nhiên, nhịp sống con người hài hoà tinh tế của bài ca dao, tiếng chuông nghe thật ấm áp và cảnh vật trở nên rất có hồn. Phải chăng đó là tiếng hồn thiêng dân tộc: tiếng chuông Trấn Vũ ngân lên như ru hồn người vào cõi xa xăm, huyền thoại. Vẫn trong phép đối của câu ca dao, đối lập với âm thanh ngân vang, vọng về của tiếng chuông như tiếng của nghìn xưa là tiếng gà gáy sang canh – âm thanh của nhịp sống đời thường dân dã: “canh gà Thọ Xương”. Cũng tiếng gà ấy trong một câu ca dao khác: “Lao xao gà gáy rạng ngày Vai vác cái cày, tay dắt con trâu” Tiếp nối cái chuỗi âm thanh dân dã, đời thường ấy là tiếng chày giã bột để làm giấy dó ở phường Yên Thái vang lên rộn rã, nhịp nhàng. Lụa làng Trúc, giấy Yên Thái là sản phẩm nức tiếng kinh kì Thăng Long từ thời nhà Lý, là nièm tự hào của những người thợ thủ công tài hoa: “Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng May áo cho chàng cùng sóng áo em…” hay: “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh chơảng Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co” (Tụng Tây Hồ phủ) Tiếng gà gáy, tiếng chày giã bột giấy đó đã diến tả nhịp sống lao động cần mẫn của nhân dân nơi ba mươi sáu phố phường. Cái hay, cái độc đáo của bài ca dao này là ở sức gợi của nó. Toàn bài, tuyệt nhiên không thấy miêu tả hay nhắc đến bóng dáng của con người. Nhưng qua những âm thanh ấy, ta cảm nhận được nhịp sống của nhân dân ta một thời thanh bình, no ấm và yên vui. Bài ca dao tràn ngập âm thanh. Đó là những âm thanh êm đềm trong sự mịt mờ của cảnh vật Tây Hồ: “Mịt mù khói toả ngàn sương” Sương xuống phủ tràn khắp không gian, tác giả tưởng như là khói toả. Từ láy tượng hình “Mịt mù” với từ “khói” và động từ “toả” mang đến cho câu ca dao ý nghĩa biểu cảm đặc biệt. Thủ pháp so sánh được sử dụng khéo léo và kín đáo, màn sương đêm được ví như “khói toả”. Tác dụng tạo hình của phép so sánh giúp cho cách diễn tả vừa cụ thể, vừa mang tính khái quát lại rất giàu chất thơ. Xuân Diệu đã viết về ca dao như thế này: “Ca dao cũng là thơ, một loại thơ riêng biệt”, với bài ca dao này, điều đó thật chuẩn xác. Hình ảnh Hồ Tây trong sương sớm được ví với một tấm gương. Thủ pháp so sánh một lần nữa được vận dụng một cách thần tình, vẽ nên cảnh sắc tuyệt đẹp: “mặt gương Tây Hồ”. Hồ Tây yên tĩnh mênh mông và bao la, nước trong xanh, phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ, trong cảm nhận của tác giả, không hề bị che lấp bởi màn sương bao phủ. Qua hàng nghìn năm, đây là một thắng cảnh của kinh thành Thăng Long - cố đô của các triều đại Lý, Trần, Lê chói lọi trong sử sách, biểu tượng thiêng liêng của hồn nước nghìn năm. Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ thông thường của quần chúng nhân dân nhưng đã được sử dụng theo phương thức trữ tình của thơ ca. Bài ca dao này cũng không ngoại lệ. Ngôn ngữ của nó đã mang tính chất nghệ thuật hoá, có phần gần gũi với ngôn ngữ của thơ ca bác học nhưng vẫn không mất đi tính chất tự nhiên trong sáng vốn có của các sáng tác dân gian. Bài ca dao hàm xúc chỉ trong hai cặp lục bát. Đây là kết cấu lục bát phổ biến trong ca dao (từ thứ 6 của câu dưới vần với từ thứ 6 của câu trên). Hơi thơ lục bát nhuần nhị đã mang lại cho bài ca dao sự giản dị, gần gũi và trong sáng. “Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương Mịt mù khói toả ngàn sương Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” Với hai cặp lục bát ngắn gọn này, tác giả đã gói vào trong đó tất cả cảnh đẹp thiên nhiên Tây Hồ với những hình ảnh, âm thanh bằng những cảm nhận tinh tế, diễn tả cái hay, cái đẹp của sự và tình, lời và ý, chữ và nghĩa. Mà cái hay, cái đẹp của ca dao chính là nằm trong những yếu tố đó. Với bài ca dao này, những hình ảnh, âm thanh có sức gợi, những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng hiệu quả…chính là nhằm hướng đến khắc hoạ bức tranh thiên nhiên, hình ảnh đất nước tươi đẹp, cuộc sống bình yên, no ấm và không kém phần thi vị trong cảm nhận của tác giả. Qua đó ta còn thấy được cái tình của tác giả đối với thiên nhiên, đất nước, con người. Như đã nói ở trên, đây là một sáng tác của Dương Khuê, nó mang đậm phong cách ca dao bởi lẽ: mở đầu bằng mô típ “gió đưa” quen thuộc trong ca dao truyền thống, hơi thơ lục bát nhuần nhị đậm chất ca dao. Hơn thế nữa đề tài mà tác giả hướng đến là phong cảnh non sông đất nước(một bộ phận trong ca dao). Mặc dù có tác giả xác định nhưng bài ca dao không thể hiện cái riêng, cá tính của tác giả. Đó là một điệu hồn trong trẻo trong cảm nhận về cảnh đẹp của quê hương xứ sở. KẾT LUẬN Trong “Lời bạt cho dân ca miền Nam Trung Bộ”, Xuân Diệu có viết: “Những câu ca dao từ Nam chí Bắc như có đất, có nước, như có cát, có biển, như có mồ hôi người, chúng ta sẽ cảm thấy dần dần nơi khoé mắt một giọt ướt sáng ngời. Đó là một giọt tinh tuý, chắt ra từ ruột già của non sông”. Bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà…” cũng là cái giọt tinh tuý ấy. Nó làm đẹp thêm tâm hồn mỗi người con đất Việt, làm ta thêm yêu Hà Nội, yêu quê hương đất nước. Nhớ Thăng Long nghìn xưa, lòng bồi hồi tự hào về nền văn hiến Đại Việt.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThi pháp văn học dân gian.doc