MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Khái niệm chung
1.1.Khái niệm
1.2. Thực trạng về vấn đề tỉ giá ở VN hiện nay
2. Tác động của tỉ giá đến nền kinh tế
2.1.Tỷ giá với lạm phát
2.2.Tỷ giá với cán cân thương mại:
2.3.Tỷ giá với đầu tư nước ngoài
2.4.Tỷ giá với Lãi suất
2.5.Tỉ giá với tâm lý số đông
2.6.Tỉ giá với tình trạng đô la hóa
3.Nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng về tỉ giá ở VN hiện nay
3.1.Nguyên nhân về thực trạng tỉ giá bất cập ở VN
3.2.Một số giải pháp
16 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1898 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Tỉ giá hối đoái và tác động của tỉ giá đến nền kinh tế Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIỂU LUẬN MÔN KINH TẾ VĨ MÔ
TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ TÁC ĐỘNG CỦA TỶ GIÁ ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Tỷ giá là một biến số kinh tế vĩ mô quan trọng có tác động tới nhiều mặt hoạt động của nền kinh tế. Nó ra đời từ hoạt động ngoại thương và quay trở lại tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu và cán cân thương mại của mỗi quốc gia. Xây dựng thành công một chính sách điều hành tỷ giá thích hợp là một vấn đề vô cùng khó khăn phức tạp. Vì vậy để nghiên cứu về vấn đề này tôi chọn đề tài “Tỷ giá và tác động của tỷ giá đến nền kinh tế Việt Nam”. Vì độ dài bài viết có hạn nên ở đây tôi chỉ đề cập đến tác động của sự thay đổi tỷ giá giữa USD và VND.
Khái niệm chung:
1.1.Khái niệm:
Tỷ giá hối đoái (thường được gọi tắt là tỷ giá) là sự so sánh về mặt giá cả giữa hai đồng tiền của hai nước khác nhau. Cũng có thể gọi tỷ giá hối đoái là giá của một đồng tiền này tính bằng giá của một đồng tiền khác.
Chế độ tỷ giá hối đoái là cách thức một đất nước quản lý đồng tiền của mình liên quan đến các đồng tiền nước ngoài và quản lý thị trường ngoại hối. Chế độ tỷ giá hối đoái ở mỗi nước và mỗi thời kỳ có thể khác nhau, song về cơ bản gồm chế độ tỷ giá "thả nổi" theo đó thị trường quy định những biến động của tỷ giá hối đoái, hoặc ngược lại hoàn toàn là chế độ tỷ giá hối đoái "cố định" theo đó nhà nước sẽ can thiệp để tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của nước mình với đồng tiền nước khác không đổi, hoặc là một chế độ nằm giữa hai giải pháp góc đó (thả nổi có điều tiết).
1.2. Thực trạng về vấn đề tỉ giá ở VN hiện nay:
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 6/2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 6 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, song mức độ điều chỉnh không lớn như năm 2011, cụ thể các lần điều chỉnh như sau:
Ngày 11/6/2008, điều chỉnh lên 16.461 VND/USD (+1,99%).
Ngày 25/12/2008, điều chỉnh lên 16.989 VND/USD(+ 3%).
Ngày 26/12/2009, điều chỉnh lên 17.961 VND/USD (+ 5,44%).
Ngày 11/2/2010, điều chỉnh lên 18.544 VND/USD (+ 3,36%).
Ngày 18/8/2010, điều chỉnh lên 18.932 VND/USD (+ 2,09%).
Ngày 11/2/2011, điều chỉnh lên 20.693 VND/USD (+ 9,3%).
Việc điều chỉnh tỷ giá trong năm 2011 có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, cụ thể nó có thể đưa tỷ giá chính thức sát với tỷ giá thị trường, tổ chức kinh tế và cá nhân sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng nhiều hơn, giao dịch ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn, tính minh bạch của thị trường cao hơn, sẽ không còn cảnh tổ chức kinh tế và ngân hàng mua bán chui ngoại tệ, gây ra nhiều hệ quả xấu cho cả các ngân hàng và khách hàng.
Mặc dù động thái của Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, việc duy trì và giữ tỷ giá chính thức sát với tỷ giá thị trường là vấn đề rất khó cho cơ quan quản lý, khi mà tỷ giá biến động do nhiều nguyên nhân như lạm phát cao, thâm hụt cán cân thương mại lớn, lãi suất thay đổi liên tục và đặc biệt là việc các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu cơ găm giữ ngoại tệ, làm cho cân đối cung cầu ngoại tệ bị mất cân đối nghiêm trọng, gây áp lực lớn lên tỷ giá.
2. Tác động của tỉ giá đến nền kinh tế
2.1. Tỷ giá với lạm phát:
Trên lý thuyết, khi một nước có lạm phát, sức mua đồng nội tệ giảm, với tỷ giá hối đoái không đổi, hàng hoá dịch vụ trong nước đắt hơn trên thị trường nước ngoài. Theo quy luật cung cầu, người dân trong nước sẽ chuyển sang dùng hàng ngoại nhiều hơn vì giá rẻ hơn; điều tất yếu xảy ra là nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo cầu ngoại tệ tăng, làm cho tỷ giá hối đoái cũng tăng. Tương tự vì tăng giá, cư dân nước ngoài sẽ dùng ít hàng nhập khẩu hơn. Hoạt động xuất khẩu giảm sút, làm cho cung ngoại tệ trên thị trường giảm; đây cũng là nguyên nhân làm tỷ giá hối đoái tăng. Như vậy, lạm phát ảnh hưởng đến cả cung và cầu ngoại tệ theo hướng tăng giá ngoại tệ, tác động cộng gộp làm cho tỷ giá hối đoái tăng nhanh hơn. Trên thị trường tiền tệ, lạm phát làm đồng tiền mất giá, người dân sẽ chuyển sang nắm giữ các tài sản nước ngoài nhiều hơn, cầu ngoại tệ gia tăng đẩy tỷ giá hối đoái tăng. Trong trường hợp các quốc gia đều có lạm phát thì những tác động trên sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát tương đối giữa các quốc gia. Quốc gia nào có tỷ lệ lạm phát cao hơn, đồng nội tệ quốc gia đó sẽ mất giá một cách tương đối và tỷ giá hối đoái tăng. Đối với nước ta hiện nay, lạm phát đang ở mức cao nên việc tăng tỷ giá là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát ở Việt Nam trong năm 2011 chủ yếu đến từ các nguồn khác chứ không phải từ việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi:
Thứ nhất, việc điều chỉnh giá điện (tăng 15.28% so với mức giá năm 2010) bắt đầu từ 1.3.2011 và việc cho phép các hàng hóa năng lượng quan trọng như xăng, dầu, than “vận hành theo cơ chế thị trường” chắc chắn sẽ là một cú hích đáng kể đối với lạm phát.
Thứ hai, xu thế giá thế giới của các hàng hóa cơ bản (đặc biệt là năng lượng, thực phẩm, vật tư nông nghiệp và kim loại) tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng giá trong nước vì nền kinh tế của chúng ta đã trở nên rất mở. Không những thế, như một hiện tượng có tính quy luật, giá hàng hóa cơ bản ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) một khi đã tăng thì thường tăng cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Chẳng hạn như trong năm 2010, chỉ số giá hàng hóa cơ bản ở các nước đang phát triển là 31% trong khi trên toàn thế giới chỉ là 19%.
Thứ ba, trong năm 2010, với tốc độ tăng cung tiền và tín dụng đều ở mức trên 25% và tỷ lệ đầu tư trên 40% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP thực chỉ là 6,8% thì lạm phát tiền tệ sau một độ trễ nhất định sẽ được thể hiện trong chỉ số giá. Điều chỉnh tỷ giá và tăng giá điện đều là những việc không thể không làm để giảm sự méo mó trong giá thị trường, vốn là một điều kiện cần để nền kinh tế có thể giảm chi phí giao dịch và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không thay đổi phương thức điều hành mang tính đối phó và thiếu phối hợp như hiện nay thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tiếp tục phải “chịu trận” trước một loạt các cú sốc lớn và dồn dập. Rõ ràng là để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô thì cách tư duy và điều hành vĩ mô của Chính phủ phải được thay đổi một cách cơ bản.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, cho rằng tỷ giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI, tác động đến lạm phát bởi các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu được tính theo tỷ giá mới, thậm chí xuất hiện những loại hàng hóa “ăn theo” đà tăng của tỷ giá. Áp lực lên lạm phát là một trong những lo ngại, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên đến trên 150% so với GDP với nhiều mặt hàng nguyên liệu thiết yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua các nhà nhập khẩu của Việt Nam đều phải mua USD với tỷ giá thị trường chợ đen. Vì vậy, việc điều chỉnh lần này trên sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới chi phí thực sự của những nhà nhập khẩu. Giá hàng hóa có thể tăng lên nhưng áp lực sẽ không quá lớn.
2.2. Tỷ giá với cán cân thương mại:
Cán cân thương mại của một nước là chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu. Một nền kinh tế khi xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ sẽ thu được ngoại tệ. Để tiếp tục công việc kinh doanh, các nhà xuất khẩu phải bán ngoại tệ lấy nội tệ, mua hàng hoá dịch vụ trong nước xuất khẩu ra nước ngoài. Trên thị trường cung ngoại tệ sẽ tăng, làm tỷ giá hối đoái giảm. Ngược lại, khi nhập khẩu hàng hoá dịch vụ, các nhà nhập khẩu cần ngoại tệ để thanh toán cho đối tác và đi mua ngoại tệ trên thị trường. Hành động này làm cầu ngoại tệ tăng, tỷ giá hối đoái tăng. Tác động của hai hiện tượng trên là ngược chiều trong việc hình thành tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối đoái cuối cùng sẽ tăng hay giảm phụ thuộc vào mức độ tác động mạnh yếu của các nhân tố, đó chính là cán cân thương mại. Nếu một nước có thặng dư thương mại, cung ngoại tệ lớn hơn cầu ngoại tệ, tỷ giá hối đoái sẽ giảm, đồng nội tệ lên giá. Khi thâm hụt thương mại, tỷ giá hối đoái sẽ tăng, đồng nội tệ giảm giá (đây là trường hợp ở nước ta hiện nay).
Về lý thuyết, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng việt xuất đi nước ngoài. Chẳng hạn hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông lâm thủy hải sản. Trong tháng 1/2011, Việt Nam xuất khẩu gạo thu về được 194 triệu USD. Với tỷ giá mới, số tiền VND tăng thêm là 269,5 tỷ đồng. Tương tự, cao su xuất được 337 triệu USD, số tiến tăng thêm nhờ tỷ giá mới tới 468,3 tỷ đồng; Thủy sản xuất được 400 triệu USD, số tiền tăng thêm nhờ tăng tỷ giá tới 586 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể nâng giá mua cho nông dân hoặc điều chỉnh linh hoạt giá bán ra thị trường nước ngoài. Tất nhiên, tỷ giá tăng có hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nhưng để tăng xuất khẩu doanh nghiệp còn phải và tìm kiếm bạn hàng, quảng bá sản phẩm và bảo đảm chất lượng sản phẩm chứ không chỉ dựa vào lợi thế do tỷ giá đem lại. Vì vậy, việc tăng tỉ giá USD/VND có tác động làm cải thiện cán cân thương mại. Thâm hụt thương mại hàng hóa 2010 lên tới 12,4 tỷ USD (chiếm 12%GDP), bằng 17.3% kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, và việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện thâm hụt thương mại. Đồng nội tệ giảm giá sẽ làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn khi hàng hóa sản xuất có sức cạnh tranh hơn, trong khi đó nhập khẩu sẽ giảm đi và cán cân thương mại được cải thiện.
Việc tăng tỷ giá với tỉ lệ khá cao vào tháng 2/2011 có thể là một biện pháp đau đớn, song cần thiết và bất khả kháng trong tình hình hiện nay nhằm làm cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, xuất khẩu có thể thuận lợi hơn và qua đó, có thể giảm nhập siêu ở mức độ nhất định. Xuất khẩu có thể có lợi nếu tỉ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm cao (như gạo, hải sản) trong khi tác động thúc đẩy hạn chế hơn đối với các sản phẩm lắp ráp điện tử vì tỉ lệ hàng nhập lên đến 90% giá thành. Tuy nhiên, những hệ lụy đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thì cần phải bàn thêm.
Trước hết, với mức nhập khẩu lên đến 84 tỉ USD trên GDP 102 tỉ USD năm 2010 (chiếm 82%GDP), trong đó chỉ 10% là hàng tiêu dùng, 20% là trang thiết bị, máy móc, còn lại khoảng 70% là đầu vào cho hoạt động kinh tế như xăng dầu, sắt thép, bông sợi..., nền kinh tế nước ta quá phụ thuộc vào nhập khẩu và việc điều chỉnh tỉ giá mạnh như lần này sẽ dẫn đến tăng giá đáng kể các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu kể trên và qua đó tác động tới giá thành sản phẩm và giá mua của người tiêu dùng. Những mặt hàng không thuộc loại thiết yếu như mỹ phẩm, ô tô sang trọng có thể giảm nhập khẩu ở mức độ nhất định, song tỉ lệ các mặt hàng này không quá lớn, trong khi các nguyên vật liệu cơ bản của nền kinh tế vẫn phải tiếp tục nhập với mức giá nhập khẩu cao hơn. Người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu mức tăng giá, ước tính khoảng 3% từ sự điều chỉnh tỷ giá này. Giá một số mặt hàng đã tăng lập tức, như gas, ô tô và khó tránh khỏi việc tăng giá các mặt hàng khác trong thời gian tới do giá đầu vào nhập khẩu tăng lên khoảng 10%. Cho nên, tác động của tỷ giá tới cán cân thương mại không đến mức như nhiều người kỳ vọng.
Ngoài ra, việc tăng tỉ giá cũng có các tác động không tốt như: Tạo ra sự đắt đỏ hơn cho những hàng hóa nhập khẩu và những mặt hàng nhập khẩu này sản xuất và bán trong nước, nếu sản xuất và bán trong nước nhiều. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp hay cộng tăng tỷ giá vào giá bán như vậy sẽ tạo ra một cái giá bán mới của mặt hàng nhập khẩu. Nếu mặt hàng nhập khẩu mà tỉ trọng lớn trong mặt bằng giá xã hội thì sẽ tạo ra mặt bằng giá mới. Điều này thì chưa ai dám chắc chắn nhưng nó tác động là điều đương nhiên. Nhưng nó cũng có tác động tích cực như nếu mặt hàng đó có giá trị cao, người tiêu dùng sẽ từ chối mua. Lúc đó các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác, hoặc các mặt hàng tiêu dùng trong nước ví dụ như ôtô nhập khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu cộng dồn đẩy giá lên cao khách hàng sẽ từ chối và sử dụng ôtô sản xuất trong nước. Điều này có tác động đến việc giảm nhập siêu, thực tế đã chứng minh khi giá xăng dầu tăng cao và thiếu ngoại tệ nhập khẩu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là lựa chọn của khách hàng trong nước và đến giờ không có hàng để bán. Đợt điều chỉnh lần này hướng đến kích cầu sản xuất trong nước như một mục tiêu, đây là điểm mới. Trong bất kỳ một doanh nghiệp nhập khẩu nào cũng có những dự phòng rủi ro về tỉ giá. Doanh nghiệp nào lơ là cũng phải dự phòng đến 50%, thì mức tăng 9,3% nằm trong mức đó.
Cũng bàn về xuất - nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng “Không phải tăng tỉ giá là tăng giá trị xuất khẩu”. Tỉ giá liên tục được điều chỉnh, mới đây nhất là lần điều chỉnh tăng thêm 9,3% (11.2.2011). Ông Bùi Kiến Thành cho rằng: Các nhà nghiên cứu, cũng như các chuyên gia đã nhiều lần nói về việc muốn cạnh tranh xuất khẩu thì phải hạ giá tiền VND xuống. Để cho VND rẻ đi và giá hàng xuất khẩu của Việt Nam rẻ hơn để thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng theo ông, đó là những bài học này có tính chất giáo điều, không áp dụng cho Việt Nam được. Bởi vì, tại Việt Nam chỉ nhìn hai ngành xuất khẩu chủ lực là da giày và may mặc thì hơn 90% là nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2010, da giày xuất khẩu 4,56 tỉ USD, dệt may xuất khẩu được 5,52 tỉ USD. Tổng cộng lại là 10,8 tỉ USD. Trong khi đó, nhập khẩu của hai mặt hàng này là 8,8 tỉ USD. Như vậy, xuất ròng của hai sản phẩm chiến lược trên chỉ còn 1,2 tỉ USD thôi. Đây là vấn đề của nền kinh tế gia công chủ yếu nhập khẩu, còn phần giá trị gia tăng chủ yếu là lao động. Vì thế, nếu đồng bạc VN rẻ đi thì nguyên liệu nhập khẩu sẽ đắt lên. Như vậy giá thành sản phẩm sẽ tăng lên chứ không phải giá thành sẽ rẻ hơn để xuất khẩu. Tỉ giá chỉ ổn định khi cán cân thanh toán cân bằng và cán cân thương mại nghiêng về xuất chứ không phải nhập.
2.3.Tỷ giá với đầu tư nước ngoài
Theo Thống đốc NHNN, tháng 2/2011 là thời điểm thích hợp và thuận lợi để điều chỉnh tỷ giá do nguồn ngoại hối dồi dào, các khoản vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA cũng đang giải ngân tốt... qua đó, sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định, không bị xáo trộn.
Thế nhưng, cũng tồn tại một thực tế khác. Đó là từ hơn nửa năm nay, tỷ giá trên thị trường phi chính thức luôn luôn vượt trần, có khi tới trên 10%. Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài (FDI, ODA và kiều hối) tuy lớn nhưng không đủ bù đắp thâm hụt thương mại cũng như khoản “sai số và thiếu sót” (mà nguyên nhân là do người dân và doanh nghiệp chuyển danh mục tiền tệ sang vàng và đô la). Kết quả là cán cân thanh toán luôn bị thâm hụt và dự trữ ngoại hối tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 dù tính theo con số tuyệt đối hay tính theo số tuần nhập khẩu. Như vậy, áp lực giảm giá tiền đồng tích tụ suốt nhiều tháng qua đã buộc NHNN phải “buông” tỷ giá.
Phá giá là liều thuốc đắng mà Việt Nam phải uống vì đang bị bệnh. Giúp giảm gánh nặng chi tiêu cho người nghèo trong cơn bão này, đầu tư thêm vào các cơ sở giáo dục, y tế dịch vụ công... là cần thiết song song với cắt giảm chi tiêu công không hiệu quả.
Mối liên hệ này khá phức tạp. Về nguyên tắc nếu phá giá để đưa tỷ giá về mức bền vững thì nền kinh tế sẽ ổn định hơn dù trong ngắn hạn tốc độ tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng vì các nhà đầu tư được giải toả rủi ro tỷ giá trong tương lai. Tuy nhiên nếu phá giá không đủ mạnh và uy tín của ngân hàng Trung ương không cao thì các nhà đầu tư có thể vẫn ngần ngại.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn số liệu và các nghiên cứu nghiêm túc như ở Việt Nam, việc phá giá chỉ có ý nghĩa “đánh tiếng” với các nhà đầu tư. Trong lần phá giá vừa rồi, ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hai tín hiệu rõ ràng: phá giá khá mạnh (9,3%) và chuyển sang chính sách điều hành tỷ giá mềm dẻo hơn. Cả hai tín hiệu này “đánh tiếng” cho các nhà đầu tư rằng ổn định vĩ mô sẽ được coi trọng. Một đợt thắt chặt tiền tệ mới (bằng chính sách lãi suất hoặc phi lãi suất) sẽ càng củng cố tín hiệu này.
Cần lưu ý rằng tỷ giá chỉ là một trong những nhân tố gây thâm hụt thương mại cao tại Việt Nam. Yếu tố chính vẫn là các dòng tiền từ bên ngoài đổ vào Việt Nam như FDI, FPI, ODA, kiều hối và các chính sách thương mại khác. Đợt điều chỉnh tỷ giá này sẽ thúc đẩy thu hút thêm các dòng vốn đầu tư gián tiếp, và giúp khối nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn trong việc giải ngân, nhờ sự ổn định tỷ giá có thể tiên đoán được trong thời gian tới.
Đối với đầu tư ra nước ngoài, người dân trong nước dùng tiền mua tài sản ở nước ngoài, có thể là đầu tư trực tiếp (xây dựng nhà máy, thành lập các doang nghiệp...) hay đầu tư gián tiếp (mua cổ phiếu, trái phiếu...). Những nhà đầu tư này muốn thực hiện hoạt động kinh doanh trên cần phải có ngoại tệ. Họ mua ngoại tệ trên thị trường, luồng vốn ngoại tệ chảy ra nước ngoài, tỷ giá hối đoái sẽ tăng. Ngược lại một nước nhận đầu tư từ nước ngoài, luồng vốn ngoại tệ chảy vào trong nước, làm cho cung ngoại tệ tăng, tỷ giá hối đoái giảm. Đầu tư ra nước ngoài ròng là hiệu số giữa luồng vốn chảy ra và luồng vốn chảy vào một nước. Khi đầu tư ra nước ngoài ròng dương, luồng vốn chảy vào trong nước nhỏ hơn dòng vốn chảy ra nước ngoài,tỷ giá hối đoái tăng. Tỷ giá hối đoái sẽ giảm trong trường hợp ngược lại, đầu tư ra nước ngoài ròng âm. Theo quy luật tối ưu hoá, luồng vốn sẽ chảy đến nơi nào có lợi nhất, tức là hiệu suất sinh lời cao nhất. Một nền kinh tế sẽ thu hút được các luồng vốn đến đầu tư nhiều hơn khi nó có môi trường đầu tư thuận lợi, nền chính trị ổn định, các đầu vào sẵn có với giá rẻ, nguồn lao động dồi dào có tay nghề, thị trường tiêu thụ rộng lớn, lãi suất cao và sự thông thoáng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ.
Điều chỉnh tỷ giá lần này là một bước nhằm lành mạnh hóa thị trường ngoại tệ, giúp tăng tính thanh khoản, cân bằng cung cầu ngoại tệ từ đó hỗ trợ việc thực thi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, kèm theo đó phải là một loạt biện pháp mạnh mẽ kiên quyết hạn chế đầu tư công, cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiệu quả hơn từ đó tăng năng suất, giảm chỉ số ICOR hơn nữa…Những biện pháp như vậy mới làm tăng giá trị nội tệ nhờ tăng trưởng kinh tế một cách chắc chắn, thực chất. Đó là cách lâu dài ổn định tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
2.4.Lãi suất
Lãi suất và tỷ giá hối đoái là 2 trong số những công cụ quan trọng để Chính phủ điều hành nền kinh tế vĩ mô của một nước. Tuy là 2 công cụ khác nhau nhưng giữa chúng có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau.
Xét trường hợp đồng VND và USD (các yếu tố khác không đổi):
Khi lựa chọn nắm giữ đồng tiền nội tệ và đồng ngoại tệ, người ta sẽ xem xét mức lãi suất thực tế của 2 đồng tiền này:
Khi lãi suất của VND cao hơn lãi suất của USD, người ta sẽ có xu hướng chuyển từ nắm giữ USD sang nắm giữ VND. Điều này làm cho nhu cầu VND tăng lên, cầu về USD giảm đi, từ đó giá USD sẽ giảm đi so với VND, hay tỷ giá giảm tới một mức mới mà cung cầu USD - VND trở nên cân bằng. Khi đó, lãi suất thực tế của VND và USD tương đương nhau (điều kiện ngang bằng lãi suất và không tính tới lạm phát).
Khi có ảnh hưởng của lạm phát, mặc dù lãi suất danh nghĩa tăng, nhưng lãi suất thực tế giảm, lúc này ngược lại - VND sẽ giảm giá so với USD, dẫn tới tỷ giá tăng. Ngược lại, khi đồng USD tăng giá, để tạo cân bằng trên thị trường ngoại hối, NHTW sẽ chủ động tăng lãi suất VND thông qua đẩy mạnh lượng cung ngoại tệ ra nền kinh tế đồng thời hút bớt đồng nội tệ về. Điều này làm cho cung cầu ngoại hối trở nên cân bằng.
Ở nước ta hiện nay, lãi suất huy động bằng VND khó có thể giảm xuống do tác động của việc tăng tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền gửi USD, do tác động của các hành vi và lực đẩy đưa đến ngang bằng lãi suất giữa lãi suất VND và lãi suất USD trong nền kinh tế Việt Nam đang bị đô la hóa trầm trọng:
Lãi suất VND = lãi suất USD + độ điều chỉnh kỳ vọng (%) của tỷ giá VND/USD.
Lấy thí dụ của việc điều chỉnh tỷ giá 9,3% của NHNN ngày 11/2/2011 (thay đổi tỷ giá liên ngân hàng từ 18.932 đồng đổi một đô la lên 20.693 đồng) ta có thể thấy công thức trên dự đoán khá chính xác mức thay đổi của tỷ giá từ vài tháng qua:
Lãi suất huy động VND (14%) = lãi suất USD (4%-5%) + điều chỉnh tỷ giá đã xảy ra (9,3%).
Một cách gián tiếp, ta cũng có thể hiểu rằng lãi suất VND phụ thuộc lãi suất USD và kỳ vọng về mức lạm phát vì khi lạm phát cao hơn có nghĩa là VND sẽ phải mất giá và USD lên giá. Lạm phát ở mức 11,75% ở Việt Nam năm 2010 đã cao hơn lạm phát ở Mỹ khoảng 10% và điều chỉnh tỷ giá 9,3% là suýt soát mức khác nhau về lạm phát.
Lãi suất đang được NHNN định hướng giảm, nhằm khuyến khích các DN vay với mức lãi suất thấp hơn để bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất huy động VND khó có thể giảm xuống do tác động của việc tăng tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền gửi USD, do luật ngang bằng lãi suất giữa lãi suất cho VND và lãi suất cho USD. Khi NHNN muốn tăng cung tiền và tín dụng nhanh chóng như mấy tháng vừa qua để làm giảm lãi suất VND, tác dụng thực tế lại ngược lại, vì tăng tiền lại làm tăng kỳ vọng lạm phát cũng như gây thêm áp lực lên tỷ giá trên thị trường tự do. Ngoài ra, lãi suất huy động trên USD lại tăng trong những tháng đầu năm 2011 do nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, đô la hóa đang rất cao, kết quả là lãi suất huy động trên VND vẫn khó giảm xuống ở hiện tại.
Ngoài ra, việc sử dụng vốn không hiệu quả và các khó khăn tài chính của các tập đoàn lớn trong thời gian qua làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng làm cho lãi suất trái phiếu khó điều chỉnh giảm.
Nói chung nếu áp lực lên tỷ giá không được ngăn chặn bởi sự giảm bớt tăng cung tiền và tín dụng sẽ khó lòng giải quyết được các bế tắc hiện tại của thị trường tín dụng và hệ thống lãi suất để "khai thông" cho các thị trường chứng khoán và nhà đất cũng như của cả nền kinh tế năm 2011. Chưa kể là tỷ giá của VND nếu lại vượt qua xa mức tâm lý 21.000 đồng/USD có thể làm niềm tin của dân cư, nhất là giới đầu tư, sa sút và có thể tạo ra các thiệt hại tài chính lớn hơn nhiều do "dòng xoáy" lạm phát - tỷ giá gây ra.
Việc thay đổi tỉ giá cũng có tác động tới lãi suất USD. Nhìn lại lần tăng giá ngày 18/8/2010, sau khi tỉ giá USD/VND liên ngân hàng (NH) tăng thêm 2,09%, tỉ giá ngoại tệ tại các NH tăng hết biên độ cho phép 3%, cán mức 19.500 đồng/USD, lập tức lãi suất USD của một số NH bắt đầu tăng theo tỉ giá. Tình hình tương tự khi tỉ giá mới được công bố (2/2011), tuy nhiên điều này làm cho thị trường sẽ dần ổn định, nguồn cung USD sẽ thông thoáng hơn. Thực tế khi tăng lãi suất là đã hỗ trợ giá trị tiền Đồng, trong khi lượng ngoại tệ đang được nắm giữ trong người dân và doanh nghiệp được cho là khá lớn, việc thu hút lượng ngoại tệ này đưa vào lưu thông trên thị trường sẽ giải tỏa lớn được căng thẳng ngoại tệ như hiện nay. Chính vì vậy, khi giá trị tiền Đồng được ổn định, lãi suất tiền gửi hấp dẫn thì lượng lớn ngoại tệ trên sẽ được cung ra thị trường để nắm giữ tiền Đồng, mục tiêu ổn định tỷ giá, thỏa mãn nguồn ngoại tệ phục vụ thanh toán quốc tế.. Doanh nghiệp sẽ mạnh tay bán USD rồi gửi tiết kiệm bởi lãi suất tiền gửi VND lên tới 14%/năm, cao hơn lãi suất USD 8% (hiện tại lãi suất tiết kiệm USD cao nhất là 6%/năm). Từ đó, nguồn cung USD lẫn huy động vốn bằng VNĐ của các NH sẽ tăng lên. Mặt khác, tỉ giá được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường cũng kích thích vốn đầu tư nước ngoài đổ vào VN, tăng thêm nguồn vốn USD.
Có thể thấy rằng lãi suất là công cụ giúp các nhà quản trị tài chính dự đoán và xác định tỷ giá trong tương lai để hoạch định chiến lược phòng chống rủi ro và chiến lược kinh doanh hiệu quả. Lãi suất đóng vai trò quan trọng trên thị trường hối đoái bởi vì các khoản tiền gởi lớn được buôn bán tại đó đều được trả lãi, mỗi khoản có một lãi suất, tùy theo đồng tiền mà nó được định danh.
Lợi tức của các khoản tiền gởi được mua bán trên thị trường hối đoái phụ thuộc vào lãi suất và các thay đổi dự kiến của tỷ giá hối đoái. Sự cân bằng thị trường hối đoái đòi hỏi sự ngang bằng về tiền lãi, điều kiện mà theo đó lợi tức dự kiến của các khoản tiền gởi của hai loại tiền bất kỳ là tương đương thì được đo bằng một loại tiền (nghĩa là đo bằng các đơn vị có thể so sánh với nhau được). Chỉ khi tất cả các tỷ suất lợi tức dự kiến đều bằng nhau, tức là khi đó điều kiện ngang bằng tiền lãi, thì sẽ không có tình trạng dư cung về một số dạng tiền gởi nào đó và cũng không có tình trạng dư cầu về một số loại tiền gởi khác. Thị trường hối đoái sẽ cân bằng khi không một loại tiền gởi nào ở trong tình trạng dư cầu hoặc dư cung. Do vậy, có thể nói rằng thị trường hối đoái sẽ cân bằng khi có điều kiện ngang bằng về tiền lãi.
2.5. Tỉ giá với tâm lý số đông
Nhân tố cuối cùng và cũng là nhân tố quan trọng nhất tác động đến tỷ giá hối đoái đó là tâm lý số đông. Người dân, các nhà đầu cơ, các ngân hàng và các tổ chức kinh doanh ngoại tệ là các tác nhân trực tiếp giao dịch trên thị trường ngoại hối. Hoạt động mua bán của họ tạo nên cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Các hoạt động đó lại bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, các tin đồn cũng như các kỳ vọng vào tương lai. Điều này giải thích tại sao, giá ngoại tệ hiện tại lại phản ánh các kỳ vọng của dân chúng trong tương lai. Nếu mọi người kỳ vọng rằng tỷ giá hối đoái sẽ tăng trong tương lai, mọi người đổ xô đi mua ngoại tệ thì tỷ giá sẽ tăng ngay trong hiện tại; Mặt khác, giá ngoại tệ rất nhạy cảm với thông tin cũng như các chính sách của chính phủ. Nếu có tin đồn rằng Chính phủ sẽ hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để giảm thâm hụt thương mại, mọi người sẽ đồng loạt bán ngoại tệ và tỷ giá hối đoái sẽ giảm nhanh chóng.( khi thâm hụt thương mại giảm, thì cầu về USD giảm, giá USD sẽ giảm trong tương lai)
Việc điều chỉnh tỷ giá vào tháng 2/2011 về sát với thị trường tự do sẽ khiến người dân và doanh nghiệp có ngoại tệ sẽ mạnh tay bán ngoại tệ cho ngân hàng. Trước đây, bán 100 USD cho ngân hàng thiệt hơn vì tỷ giá thấp hơn thị trường tự do, nay chênh lệch chỉ còn vài chục ngàn đồng nên người có ngoại tệ đỡ thiệt hơn. Nên có thể hy vọng ngân hàng sẽ mua được nhiều ngoại tệ hơn. Bằng việc kéo tỷ giá sát thị trường, tâm lý kỳ vọng đồng nội tệ mất giá sẽ được giải quyết, từ đó nhu cầu ảo mua để găm giữ ngoại tệ sẽ giảm bớt làm giảm sức ép lên quan hệ cung cầu ngoại tệ. Cung cầu cân bằng hơn, tính thanh khoản ngoại tệ tăng lên, thị trường ngoại hối sẽ ổn định hơn. Trong quý 4/2010, do chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do tới 10% đã phát sinh tình trạng 2 tỷ giá trong các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ đã không thể mua được theo tỷ giá chính thức mà phải chấp nhận thêm chi phí để có được ngoại tệ. Tính ra cũng sát thị trường tự do nhưng khoản chi phí phát sinh lại không được hạch toán vào đâu. Việc kéo tỷ giá chính thức sát với thị trường lần này đã giúp cho việc mua bán ngoại tệ ở ngân hàng minh bạch hơn, lành mạnh hơn. Với việc điều chỉnh lần này, ít nhất tỷ giá VND/USD sẽ ổn định trong một thời gian.
Hơn nữa, việc thay đổi tỷ giá theo hướng giá trị đồng nội tệ hạ thấp sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam, giúp cải thiện trước mắt cán cân thanh toán quốc gia. Khi cán cân thương mại được cải thiện (do tỷ giá ngoại tệ cao hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu) cùng với cán cân thanh toán vững lên sẽ củng cố dự trữ ngoại tệ quốc gia, từ đó tạo yếu tố tâm lý cũng như kỹ thuật ổn định giá trị đồng nội tệ của Việt Nam.
Theo ông Hồ Bá Tình, điều chỉnh tỷ giá là một việc làm cần thiết để ổn định tâm lý và kỳ vọng của người dân. Hiện nay, tỷ giá trần đã cao hơn khá nhiều so tỷ giá đang giao dịch trên thị trường phi chính thức. Như vậy, tỷ giá sẽ được giao dịch dựa trên cung cầu của thị trường và người dân sẽ không còn tâm lý đầu cơ, tích trữ USD. Do đó, cầu ảo về ngoại tệ sẽ giảm xuống. Ngoài ra, việc điều chỉnh này còn "giải thoát" tâm lý người dân và ngân hàng lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ vì phải lách luật. Quy mô thị trường chợ đen cũng được thu hẹp, các giao dịch USD trở nên minh bạch hơn. Thực tế, ba đợt điều chỉnh tỷ giá gần đây đều đã có tác dụng tích cực, giúp kéo giảm tỷ giá trên thị trường phi chính thức.
2.6. Tỉ giá với tình trạng đô la hóa
Việc biến động tỷ giá hối đoái có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân ấy gắn với tình trạng "đô la hóa" ở nước ta hiện nay. Mặc dù Chính phủ theo đuổi chính sách quản lý ngoại hối theo định hướng nhất quán "trên thị trường Việt Nam chỉ giao dịch bằng đồng Việt Nam", nhưng thực tế, ngoại tệ và vàng được sử dụng khá phổ biến như các phương tiện thanh toán trong giao dịch mua bán bất động sản, hàng hóa đắt tiền, vay, trả nợ, cất trữ. Những hàng hóa này thường là những hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ hoặc nhập khẩu từng liên kiện, nên giá của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào USD, do vậy để tránh rủi ro tỷ giá cho mình, các DN buộc phải niêm yết giá bằng USD. Mỗi khi có biến động về tỷ giá thì các ngoại tệ, nhất là USD gia tăng vai trò trên thị trường.
Ngày 11/2/2011 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD và thu hẹp biên độ giao dịch từ dao động 3% xuống dao động 1%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt trong thời gian gần đây.
Việc điều chỉnh tỷ giá này lập tức có hiệu ứng đối với thị trường tự do, nâng giá mua bán USD lên mức 21.350 - 21.500 đồng (11/2/2011). Sự điều chỉnh tỷ giá cũng ít nhiều tạo xung lực tăng giá vàng trong nước. Cùng với sự biến động của USD, giá vàng cũng tăng gần 200.000 đồng mỗi lượng, tuy vậy thời gian sau đó giá vàng trong nước giảm nhẹ theo giá vàng quốc tế. Xu hướng tăng giá USD trên thị trường tiền tệ quốc tế đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự ôn hòa của giá vàng trong thời gian gần đây.
Có thể nói việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá là động thái cần thiết, bình thường trong đời sống kinh tế thị trường đầy biến động, nhất là trong bối cảnh có sự gia tăng cuộc chiến tiền tệ với sự dịch chuyển liên tục thị giá các đồng tiền trên thế giới thời kỳ hậu suy thoái toàn cầu và chấm dứt bản vị vàng trong chính sách tiền tệ quốc gia và quốc tế.
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đã bị đô la hóa ở mức đáng kể, vàng và USD không chỉ được sử dụng như phương tiện cất giữ mà còn được tham gia vào quá trình thanh toán thì việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng niềm tin vào đồng tiền VN đòi hỏi phải có các biện pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm bội chi ngân sách, cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tăng hiệu quả đầu tư Nhà nước, minh bạch cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước... Chính bội chi ngân sách, đầu tư công kém hiệu quả đã gây ra hậu quả mà chính sách tiền tệ, tín dụng phải gánh chịu, dẫn đến lạm phát và giảm sức mua của đồng tiền VN. Như vậy, có thể thấy do chính sách tài khóa khập khiểng, không hợp lí dẫn tới chính sách tiền tệ phải điều chỉnh liên tục, chồng chéo, mâu thuẫn đã gây các hiệu ứng tâm lý không tốt dẫn tới nhiều bất cập trong nền kinh tế hiện nay. Điều người dân đang mong đợi ở Chính phủ là kiềm chế lạm phát và nâng cao hiệu quả nền kinh tế sẽ trở thành hiện thực sớm.
3.Nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng về tỉ giá ở VN hiện nay
3.1.Nguyên nhân về thực trạng tỉ giá bất cập ở VN
Khác với những lần trước, mặc dù lần này tỷ giá chính thức giữa đô la và tiền đồng tăng tới 9,3% (2/2011) nhưng chỉ một tuần sau khi điều chỉnh, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường gần như trở về trạng thái trước khi điều chỉnh.
Hình 3.2.Tỷ giá liên ngân hàng USD/VND đến ngày 8/4 (Nguồn: SBV)
Nguyên nhân đầu tiên khiến tỷ giá tăng trở lại là do sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông thường, sau mỗi lần NHNN tăng tỷ giá, thị trường sẽ điều chỉnh “quá mức” so với tỷ giá chính thức. Thế nên, để hạn chế và đảo ngược trạng thái điều chỉnh quá mức này, qua đó bảo vệ tỷ giá mới, NHNN phải can thiệp vào thị trường ngoại hối sau khi tăng tỷ giá. Tuy nhiên lần này mặc dù tỷ giá tăng tới 9,3% nhưng NHNN lại không có bất kỳ một nỗ lực can thiệp đáng kể nào. Điều này được thị trường diễn giải là do dự trữ ngoại hối thấp nên NHNN không có khả năng can thiệp để bảo vệ tỷ giá. Thêm vào đó, với trần tỷ giá mới thấp hơn tỷ giá trên thị trường, việc giảm biên độ giao dịch từ 3% xuống 1% không những không giúp tăng tính linh hoạt cho chính sách của NHNN mà còn làm cho tỷ giá chính thức hoàn toàn mất hiệu lực đối với cả thị trường liên ngân hàng cũng như thị trường phi chính thức.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ tình trạng ba đồng tiền có tính cố hữu của nền kinh tế. Khi tiền đồng mất giá, một cách tự nhiên người ta có xu hướng chuyển sang nắm giữ đô la và vàng. Cũng tự nhiên như thế, khi giá đô la trên thị trường cứ tiếp tục tăng, nhiều người sẽ muốn chuyển sang nắm giữ vàng. Nhu cầu vàng tăng đẩy giá vàng lên cao, từ đó khuyến khích việc nhập vàng (kể cả qua con đường không chính thức). Hai điều này làm tăng thêm nhu cầu đô la và làm xấu thêm tình trạng khan hiếm đô la trên thị trường, và vòng xoáy giá đô la và giá vàng cứ thế tiếp tục leo thang.
Nguyên nhân thứ ba là trong khi giá vàng, giá đô la đua nhau tăng như vậy thì thông tin về những đợt điều chỉnh giá lớn về điện, nước, xăng, dầu, cũng như lo lắng về tình trạng giá lương thực sẽ tăng cứ dồn dập đưa tới. Hệ quả là lạm phát kỳ vọng vốn đã ở mức cao càng trở nên cao thêm, đồng thời người ta cũng nghĩ tới khả năng về một đợt điều chỉnh tỷ giá mới, khiến cho hành vi chuyển sang nắm giữ vàng và đô la càng được tăng cường. Điều này thường được lý giải như là một hiện tượng “tâm lý”.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng để ổn định tỷ giá, điều then chốt là NHNN phải làm tăng sự hấp dẫn của tiền đồng một cách tương đối so với vàng và đô la. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la đủ lớn. Cụ thể là mức chênh lệch này trong ngắn hạn phải lớn hơn mức kỳ vọng giảm giá tiền đồng, còn trong trung và dài hạn phải lớn hơn mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ.
3.2.Một số giải pháp
Thực hiện sự đánh đổi trong năm 2011 là để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ nhiều chính sách chứ không thể hy vọng vào một biện pháp kỹ thuật đơn lẻ làm cứu cánh.
Chính phủ cần cung cấp cho thị trường những thông điệp chính sách kịp thời, rõ ràng và nhất quán. Tuyên bố và hành động chính sách phải đi đôi với nhau.
Cần phải duy trì chính sách tỷ giá cao để bình ổn giá cả thị trường và ngăn chặn tình trạng bán ra VND. Từ đó mới điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và đối phó với tình trạng nhập siêu thay vì áp dụng chính sách tỷ giá cố định trong thời gian dài.
Cần giảm ngay lãi suất USD tránh tình trạng đầu cơ.
Điều hành linh hoạt tỷ giá phù hợp với Cung - Cầu ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và của NHTM.
Có các giải pháp phát triển thị trường, sử dụng các công cụ phái sinh nhằm góp phần điều hành tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ cho thực thi chính sách tiền tệ chủ động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng chủ động cân đối và phòng ngừa rủi ro ngoại tệ.
Thực hiện chặt chẽ các biện pháp về quản lý, sử dụng ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ cả việc cho vay và bán ngoại tệ để thanh toán cho nhập khẩu các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, không cấp bách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ti giamp225.docx