Trong suốt 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy còn nhiều thiếu sót và bất cập cùng với sự phát triển của đất nước, tri thức khoa học ngày càng có vai trò quan trọng. Thế kỉ 21 - thế kỉ có nhiều biến đổi sâu sắc và phổ biến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn thế giới.Cả thế giới đang dần tiến tới xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức. Nhờ áp dụng các kỹ thuật Khoa học - Công nghệ của thế giới mà chúng ta có thể đi thẳng tới nền kinh tế tri thức mà không qua kinh tế công nghiệp. Đó là sự lựa chọn hợp lý và đúng đắn. Vấn đề là phải hiểu biết và vận dụng nó để đưa tri thức khoa học vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chứ không phải xây dựng nền kinh tế tri thức riêng biệt cho một khu vực nào đó. Kinh tế tri thức theo cách hiểu nào đó là của mọi người, nó phải được thẩm thấu vào trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế và xã hội. Đất nước Việt Nam đã đi qua chiến tranh thắng lợi rất vẻ vang, vậy tại sao chúng ta không thể chiến thắng trong việc xây dựng và phát triển đất nước? Nhất định chúng ta sẽ làm được và làm tốt bởi mang trong mình sức mạnh đoàn kết dân tộc và bản tính thông minh lao động sáng tạo của con người Việt Nam. Những thắng lợi bước đầu của công cuộc đổi mới đã cho thấy rõ điều đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực tri thức khoa học còn gây ra nhiều tiêu cực như: gây ô nhiễm môi trường, gây ra nhiều bệnh tật mới, làm cho xã hội phân hoá giàu nghèo, Nếu biết khắc phục các mặt tiêu cực, phát huy các mặt tích cực thì nước ta sẽ nhanh chóng phát triển, theo kịp các nước trên thế giới.
21 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1742 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Vai trò của tri thức khoa học trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
T
rải qua một thời gian dài sống trong chiến tranh, đất nước Việt Nam phải hứng chịu bao đau thương mất mát. Sau cuộc chiến đất nước hoang tàn, đổ nát với một cơ sở vật chất cũ kĩ, lạc hậu. Vậy mà trải qua hơn 20 năm kể từ ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, giờ đây chúng ta đang được sống trong nền kinh tế - văn hoá - chính trị ổn định. Cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là từ năm 1988 trở lại đây. Đó là năm chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện. Về mọi mặt đời sống xã hội có những chuyển biến sâu sắc, tích cực. Đảng và Nhà nước đã vận dụng có sáng tạo tư duy của Triết học Mác-Lênin: "Bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội". Vì vậy con người là sản phẩm của xã hội nhưng cũng chính con người làm nên xã hội ấy, ý thức chỉ tồn tại ở con người, chỉ con người mới có những tư duy khoa học sáng tạo tiếp thu và phát huy tri thức của nhân loại. Thành công của chúng ta trong công cuộc đổi mới không thể không kể đến vai trò của tri thức khoa học. Chính tri thức khoa học đã giúp ta tiến những bước tiến dài trên con đường đổi mới một cách vững chắc và hiệu quả. Chúng ta luôn coi khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự phát triển đất nước.
Bài tiểu luận với đề tài: "Vai trò của tri thức khoa học trong công cuộc đổi mới của Việt Nam" sẽ giúp chúng ta một phần nào đó hiểu được thế nào là tri thức khoa học và những đóng góp to lớn của nó trong công cuộc đổi mới của đất nước ta, đồng thời thể hiện quan điểm cách nhìn của giới trẻ Việt Nam về cuộc sống và những biến đổi lớn lao của đất nước mình.
Chương I :Tìm hiểu chung về
tri thức khoa học
1-Tri thức khoa học
1.1-Khái niệm về tri thức
Tri thức là lĩnh vực rất rộng, có thể xem xét ở nhiều cấp độ, khía cạnh khác nhau. Tri thức có thể là tri thức đời thường (còn gọi là tri thức tiền khoa học, tri thức kinh nghiệm đời thường hoặc có sách viết là tri thức thường nghiệm), tri thức nghệ thuật và tri thức khoa học (kinh nghiệm và lý luận). Như đã biết, tri thức nghệ thuật là phương thức đặc thù nhằm nắm bắt hiện thức về mặt thẩm mĩ. Tri thức đời thường dựa trên lẽ phải và ý thức thông thường, nó là cơ sở định hướng quan trọng cho các hành vi hàng ngày của con người. Hình thức này của tri thức phát triển phong phú thêm cùng với sự tiến bộ của tri thức khoa học. Xét về nguồn gốc phát sinh và phương thức hoạt động, tri thức là một hiện tượng xã hội.
1.2-Khái niệm về tri thức khoa học
Tri thức khoa học là những kiến thức thu được qua những quá trình học tập một cách công phu.
Tri thức khoa học bao gồm tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận. Trong đó tri thức kinh nghiệm là trình độ thấp, còn tri thức lý luận là trình độ cao của tri thức khoa học. Giữa hai trình độ này của tri thức khoa học có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm tiền đề, cơ sở cho nhau cùng phát triển, phản ánh ngày càng gần đúng hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về thế giới vật chất đang vận động không ngừng.
*Tương quan giữa hai cấp độ của tri thức khoa học:
Tri thức kinh nghiệm chủ yếu thu nhận được thông qua quan sát và thí nghiệm. Nó nảy sinh một cách trực tiếp từ thực tiễn, từ lao động sản xuất đến đấu tranh xã hội hoặc từ thí nghiệm đến khoa học. Xét một cách toàn diện và đầy đủ hơn, tri thức kinh nghiệm lại được chia làm hai loại:
+ Thứ nhất, là loại tri thức kinh nghiệm thông thường, còn gọi là tri thức tiền khoa học, tri thức thường nghiệm. Tri thức thường nghiệm thông thường chủ yếu thu nhận được từ những quan sát hàng ngày trong cuộc sống. Loại tri thức này phản ánh trực tiếp vẻ bề ngoài và mang đậm màu sắc cảm tính nhưng không đồng nhất với nó. Đương nhiên, tri thức ở cấp độ này hình thành từ nhận thức giản đơn, từ sự tác động một cách trực tiếp của sự vật lên các cơ quan cảm giác, từ những "lẽ phải thông thường", và là trình độ thấp mà người ít học vấn vẫn có thể có được.
+ Thứ hai, là loại tri thức kinh nghiệm khoa học, thu thập từ những thí nghiệm khoa học, từ sự khái quát các thực nghiệm khoa học.
Trong sự phát triển của xã hội, hai loại tri thức này có sự xâm nhập, bổ sung lẫn nhau, giả định và chuyển hoá nhau, làm phong phú hơn quá trình nhận thức thế giới. Loại tri thức kinh nghiệm dược hình thành thông qua so sánh, đối chiếu và được kiểm nghiệm qua thực tiễn đã chứa đựng nhiều yếu tố khoa học, giúp con người nhận thức và cải tạo thực tiễn, gọi là tri thức kinh nghiệm khoa học. Tri thức kinh nghiệm khoa học đúng như Ph. Ăngghen chỉ ra, có tác dụng: "Chọn lọc lại những giả thuyết… gạt bỏ những giả thuyết này, sửa đổi những giả thuyết khác cho đến lúc cuối cùng, quy luật được xác định dưới hình thức thuần khiết" (C. Mac và Ph. Ăngghen, 1978-1995, tập 20, tr. 733). Tri thức kinh nghiệm là những hiểu biết được tích luỹ từ cuộc sống hàng ngày. Tri thức kinh nghiệm đã giúp cho con người có được những hình dung thực tế về các sự vật, hiện tượng, biết cách ứng xử trước các hiện tượng tự nhiên và trong các quan hệ xã hội. Theo thời gian và bằng kinh nghiệm sống, số lượng và chất lượng tri thức kinh nghiệm ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, chứa đựng những mặt đúng đắn, nhưng còn riêng biệt, chưa thể đi sâu vào bản chất các sự vật và do vậy, "tri thức kinh nghiệm chỉ giúp cho con người phát triển đến một khuôn khổ nhất định" (Vũ Cao Đàm, 2002, tr. 13).
Tri thức kinh nghiệm (ở cả hai cấp độ nói trên), có vai trò quan trọng không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày, cũng như trong mọi hoạt động xã hội khác để xây dựng cuộc sống con người. Chính kinh nghiệm là cơ sở để kiểm tra lý luận, sửa đổi và bổ sung lý luận đã có, là luận cứ đanh thép để tổng kết, khái quát và hình thành nên lý luận mới. Song cũng cần nhận thấy rằng, dù có vai trò rất quan trọng nhưng tri thức kinh nghiệm mới chỉ nhận thức được những lớp thuộc tính bề mặt, chưa có khả năng đi sâu vào khám phá được những mối liên hệ phức tạp bên trong của sự vật. Tri thức kinh nghiệm mới chỉ là những hiểu biết về những mặt riêng rẽ, rời rạc về các mối liên hệ bên ngoài của đối tượng. Vì thế, dù đã mang tính trừu tượng và khái quát nhất định nhưng tri thức kinh nghiệm mới chỉ là bước đầu và còn nhiều hạn chế.
Nói tóm lại, tri thức kinh nghiệm là sự phản ánh cái hiện tượng, cái đơn nhất, cái cụ thể, cái trực tiếp, bề ngoài của sự vật. Nó mới chỉ là một hình thức, một trình độ của nhận thức, nên chưa thể nắm bắt được một cách đầy đủ, toàn diện cái tất yếu, cái bản chất sâu sắc, cũng như các mối liên hệ bên trong của sự vật, hiện tượng. Ph. Ăngghen nhận xét trong Biện chứng của tự nhiên: "Sự quan sát theo kinh nghệm tự nó không bao giờ có thể chứng minh được đầy đủ tính tất yếu" (C. Mác và Ăngghen, 1978-1995, tập 20, tr. 718). Về điểm này, triết gia duy tâm khách quan Đức nổi tiếng thời cận đại là G.V. Heget cũng từng khẳng định rằng, nếu chỉ dừng lại ở sự quan sát kinh nghiệm thì chỉ: ''… biến đổi kế tiếp nhau… nhưng nó không cho ta thấy tính tất yếu của mối liên hệ" (C. Mác và Ăngghen, 1978-1995, tập 20, tr. 963).
Để nắm bắt được bản chất của sự vật thì nhận thức của con người tất yếu phải chuyển lên trình độ tri thức lý luận. Đây là một trình độ cao hơn về chất so với tri thức kinh nghiệm. Tri thức lý luận được khái quát từ tri thức kinh nghiệm. Nó tồn tại trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật, giả thuyết, lý thuyết, học thuyết nào đó. Lý luận hình thành từ kinh nghiệm nhưng nó không xuất hiện một cách trực tiếp, tự phát và không phải mọi lý luận đều xuất phát trực tiếp từ kinh nghiệm. Hồ Chí Minh nói: "Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội, được tích luỹ lại trong quá trình lịch sử" (Hồ Chí Minh, 1995-1996, tập 8, tr. 497).
Tri thức lý luận ở vào trình độ cao nhất của tri thức khoa học, là sản phẩm của tư duy bậc cao. Cố nhiên nó phải là kết quả của quá trình nghiên cứu, học tập nghiêm túc, bền bỉ, có hệ thống của con người. Một sự nghiên cứu cẩu thả, hời hợt, không chịu đào sâu, thiếu kiên trì, không chuyên tâm, chắc chắn không thể đem lại hiểu biết ở trình độ tri thức lý luận được. Nó là sự phản ánh gián tiếp, trừu tượng, khái quát khách thể nhưng là sự phản ánh sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn tri thức kinh nghiệm. Tri thức lý luận mang lại những hiểu biết có tính bản chất, bên trong, vạch ra những mối liên hệ tất nhiên, và tính quy luật của đối tượng. Một sự hiểu biết như vậy sẽ cho phép con người tiến gần sát đến chân lý về sự thật. Như C. Mác chỉ ra, nhiệm vụ của nhận thức lý luận là: "đem quy sự vận động bề ngoài chỉ biểu hiện trong hiện tượng về sự vận động bên trong thực sự" (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1993, tập 3, tr. 65). Tri thức lý luận chính là sự khái quát từ tri thức kinh nghiệm; là một trình độ cao hơn về chất so với tri thức kinh nghiệm. Tri thức lý luận dù được hình thành từ tri thức kinh nghiệm nhưng không phải hình thành một cách tự phát và không phải tri thức lý luận nào cũng hình thành từ kinh nghiệm. Nhờ tính độc lập tương đối này mà có lúc lý luận có thể đi trước các dữ liệu kinh nghiệm. Tri thức lý luận là sự biểu hiện chân lý chính xác hơn, hệ thống hơn, có tính bản chất sâu sắc hơn và vì thế, phạm vi ứng dụng của nó cũng rộng hơn nhiều so với tri thức kinh nghiệm (Hội đồng Trung Ương, 1999, tr. 363).
Nhờ những ưu điểm trên mà tri thức lý luận có vai trò rất quan trọng đối với thực tiễn, tác động và góp phần biến đổi thực tiễn thông qua hoạt động năng động có ý thức của con người. Lý luận là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và góp phần soi đường chỉ lối cho thực tiễn đi đúng hướng. V.I. Lênin đã chỉ ra vai trò quan trọng của lý luận: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng" (V.I. Lênin, 1974-1981, tập 26, tr. 30). Trước đó, C. Mác cũng đã chỉ ra vai trò quan trọng của lý luận, một khi nó thâm nhập được vào quần chúng nhân dân thì sẽ trở thành sức mạnh vật chất to lớn. Tri thức lý luận có thể dự kiến được sự phát triển và vận động của sự vật trong tương lai, dự báo được những phương hướng mới cho sự phát triển của thực tiễn. Lý luận khoa học làm cho hoạt động của con người chủ động hơn, tự giác hơn, hạn chế được sự mò mẫm, tự phát, mất phương hướng.
Tri thức lý luận và tri thức kinh nghiệm là hai trình độ phản ánh khác nhau nhưng chúng liên hệ hữu cơ, mật thiết với nhau và bổ sung cho nhau để nắm bắt chuẩn xác hơn bản chất của sự vật. Xét về nguồn gốc của hai trình độ nhận thức này, có tác giả nhầm tưởng nhận thức kinh nghiệm chính là nhận thức cảm tính, và nhận thức lý luận là đồng nhất với nhận thức lý tính. Cách hiểu trên là máy móc, siêu hình, không thấy được tính phức tạp của sự phản ánh bằng ý thức, một thuộc tính đặc biệt, chỉ riêng có ở bộ óc con người chứ không có ở bất cứ một hệ thống vật chất nào khác. Thực ra, nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận không đồng nhất với nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. "Ranh giới của nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận, do vậy, không trùng khớp với ranh giới của nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính". Và: "Nhận thức kinh nghiệm, trên thực tế, có một phần ở trình độ lý tính, do đó nó rộng hơn cảm tính, nhận thức kinh nghiệm bao hàm một phần công việc xử lý về mặt lý tính các tài liệu cảm tính" (Nguyễn Duy Quý, 2000, tr. 18-19). Cách hiểu trên phù hợp với tiến trình biện chứng nhận thức hiện đại, được Nguyễn Duy Quý mô tả trong tác phẩm Nhận thức thế giới vi mô. Nếu tuyệt đối hoá một trong hai giai đoạn của nhận thức, để đi đến sự phân định rạch ròi giữa hai trình độ của tri thức khoa học, nhận thức của chúng ta sẽ rơi vào một trong hai cực của quan điểm siêu hình về nhận thức mà lịch sử tư tưởng nhân loại đã từng cho thấy. Đó là chủ nghĩa duy cảm hoặc chủ nghĩa duy lý.
Chia sẻ và tán đồng quan niệm nói trên của Nguyễn Duy Quý, trong bài báo Từ tư duy kinh nghiệm đến tư duy lý luận, Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, tri thức kinh nghiệm thông thường "tuy đã ở vào giai đoạn nhận thức lý tính nhưng đó là lý tính chưa đầy đủ, chưa khoa học". Tri thức kinh nghiệm thường hướng tới "mô tả những đặc điểm, những mối liên hệ, quan hệ của đối tượng, hơn là phân tích, khái quát những bản chất của sự vật", bởi thế, "phạm vi của tri thức kinh nghiệm hẹp hơn, thuần phác và thô sơ hơn, ít triệt để hơn" (Hoàng Chí Bảo, 1988, tr. 54-55). Tuy nhiên, trên thực tế, ranh giới giữa tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận đôi khi chỉ là tương đối, vì không có một kết quả nào của nhận thức lại không phả là sự thống nhất biện chứng của hai quá trình nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.
Do tri thức kinh nghiệm có nội dung "khách quan hơn, bắt nguồn từ hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn của con người" (Hữu Ngọc, 1987, tr. 245) nên nó đóng vai trò là cơ sở cung cấp thông tin, dữ liệu chân thực để nhận thức được các thuộc tính, bản chất của đối tượng. Theo phương pháp nhận thức đi từ trừu tượng đến cụ thể thì tri thức kinh nghiệm chỉ là sự trừu tượng chung, mới chỉ nhận thức được một số mặt của đối tượng. Chính vì vậy, bước chuyển từ tri thức kinh nghiệm lên trình độ tri thức lý luận là tất yếu, khách quan nhằm nắm bắt được đầy đủ hơn bản chất của sự vật. Bước chuyển này phù hợp với con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý mà V.I. Lênin đã vạch ra trong tác phẩm Bút kí triết học: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn- đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan" (V.I. Lênin, 1974-1981, tập 29, tr. 179). Tách khỏi tri thức kinh nghiệm, tuyệt đối hoá tri thức lý luận, xa rời thực tiễn thì tri thức lý luận dễ trở thành giáo điều, ảo tưởng hoặc duy lý. Bởi vì: "lí luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (Hồ Chí Minh, 1995-1996, tập 8, tr. 496). Ngược lại nếu đè cao quá mức vai trò của tri thức kinh nghiệm mà coi thường tri thức lý luận cũng sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, một cực khác của lối tư duy siêu hình, máy móc. Đúng như Hồ Chí Minh nói: "Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng một mắt mờ" và "không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi" (Hồ Chí Minh, 1995-1996, tập 5, tr. 234). Tuyệt đối hoá vai trò của tri thức kinh nghiệm cũng dẫn đến thứ chủ nghĩa giáo điều kinh nghiệm, đây là "lối tư duy ở trình độ kinh nghiệm cảm tính, rất ít yếu tố duy lý, coi trọng tổng hợp thô sơ, hoặc suy diễn trừu tượng, coi nhẹ phân tích, chứng minh, quy nạp" (Trần Hữu Tiến, 1988, tr. 15). Thấy rõ ưu thế của tri thức lý luận so với tri thức kinh nghiệm, song cũng cần phải tỉnh táo nhận thấy rằng, do tính gián tiếp trong sự phản ánh hiện thực khách quan, nên lý luận có nguy cơ phản ánh sai sự thật do xa rời thực tiễn. Khả năng đó càng tăng lên nếu lý luận đó bị chi phối của các tư tưởng không khoa học. Trước đây, khi bàn về lý luận nhận thức, V.I. Lênin đã từng chỉ ra khả năng này, yêu cầu phải quán triệt chặt chẽ con đường biện chứng của nhận thức là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy từu tượng đến thực tiễn. Vì vậy, cần coi trọng lý luận nhưng không được thổi phồng vai trò của lý luận đến mức tách rời lý luận khỏi thực tiễn, làm cho lý luận mất hết sinh khí của nó. Điều này đã được Hồ Chí Minh nhắc nhở nhiều lần: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn là thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (Hồ Chí Minh, 1995-1996, tập 8, tr. 496).
Học giả Xô Viết, G.I. Ruzavin, trong cuốn Các phương pháp nghiên cứu khoa học, cũng đã chỉ ra sự khác biệt giữa tri thức khoa học và tri thức thông thường. Theo tác giả, giữa chúng có đặc điểm chung là đều dựa trên các sự kiện khách quan, đều nhằm đạt tới chân lý khách quan. Trong đó tri thức khoa học nảy sinh từ những hiểu biết thông thường nhưng không phải là sự kế tục trực tiếp tri thức thông thường. Tri thức khoa học không chỉ tìm ra các sự kiện mới mà còn nhằm giải thích các hiểu biết mới này bằng các giả thuyết, lý thuyết, định luật đã có, hoặc đề ra các lý thuyết mới để giải thích chúng. Hơn nữa, con người chỉ có thể đạt đến tri thức khoa học thông qua những phương pháp nghiên cứu nhất định, dựa trên những quy luật nhất định của thế giới khách quan. Trong khi đó, tri thức thông thường được nhận thức một cách trực tiếp, là tư duy thực tế không có hệ thống và không có phương pháp (G.I. Ruzavin, 1983, tr. 3). Một số tác giả, trong công trình Lịch sử phép biện chứng mácxít, cũng có quan niệm tương tự. Theo họ, sự hiểu biết mang tính chất lý luận khoa học so với hiểu biết thông thường, được ví như là: "hai tấm gương của cùng một hiện thực, trong đó hiện thực này được thể hiện một cách khác nhau, nhiều khi đối lập nhau" (Nhiều tác giả, 1986, tr. 327).
Phân tích trên cho thấy, việc vươn lên từ trình độ tri thức kinh nghiệm đến trình độ tri thức lý luận là một tất yếu khách quan, nhằm nắm bắt bản chất sự vật một cách ngày càng đầy đủ hơn, gần đúng hơn. Hơn thế nữa, đối với nước ta, nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khắc phục " bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan" mà Văn kiện Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên quyết vạch ra (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1986, tr. 26)
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, triết gia cổ điển Đức, I.Kant, cũng đã chia tri thức ra thành tri thức khoa học và tri thức thông thường. Theo ông tri thức khoa học tuyệt đối là chính xác, mang tính phổ biến và tất yếu vì nó là tri thức siêu nghiệm có trước kinh nghiệm. Còn tri thức thông thường do dựa trên kinh nghiệm nên không tuyệt đối chính xác, không có tính tất yếu và phổ biến. Do quan điểm duy tâm chủ quan và vì không xem xét sự phát triển của tri thức kinh nghiệm theo quan điểm lịch sử nên ông đã giải quyết vấn đề tính phổ biến và tính tất yếu tiên thiên một cách duy tâm (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, 1962, tr. 54-55). Thực ra, ngay cả tri thức toán học, dù có vẻ rất cao siêu, trừu tượng nhưng như Ph.Ăngghen chỉ ra, nó cũng chỉ là sự phản ánh "những nhu cầu thực tiễn của con người từ việc đo diện tích các khoảng đất và việc lường diện tích của ngững bình chứa, từ việc đếm thời gian và từ cơ học " ( C.Mác, Ph. Ăngghen, 1978-1995, tập 20, tr. 59). Có thể khẳng định rằng: tri thức khoa học là kết quả của sự phản ánh thực tiễn, chứ không phải là sản phẩm thuần tuý tinh thần như G.V Hegel quan niệm, cũng không phải là cái tiên thiên có sẵn như cách hiểu của I.Kant. Tri thức chỉ có thể tìm thấy trong cuộc sống, trong thực tiễn chứ không thể dừng lại trong sách vở. Tri thức sách vở xét đến cùng chẳng qua là sự tổng kết cuộc sống và thực tiễn mà thôi. Sự phát triển của tri thức khoa học, cùng với hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật của nó ngày càng phong phú hơn cả về số lượng lẫn chất lượng, càng chứng tỏ "sự tách khỏi giới tự nhiên" của con người để chinh phục và ngày càng "nắm vững được mạng lưới " tự nhiên đó, đúng như nhận xét của V.I. Lênin trong Bút Ký triết học (V.I. Lênin, 1974-1981, tập 29, tr. 102)
Phân tích hai cấp độ của tri thức khoa học là tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận trên đây cho phếp chúng ta thấy được mức độ nông sâu của chúng, cũng như vai trò của từng cấp độ tri thức và sự đan xen và tác động qua lại giữa chúng một cách hữu cơ. Giữa các cấp độ, trình độ của các tri thức khoa học có sự tiếp nối, kế thừa lẫn nhau. Ngay cả trình độ tri thức kinh nghiệm (tiền khoa học) đã xuất hiện những mầm mống của lý luận. Tri thức kinh nghiệm, chính là cơ sở dữ liệu để khái quát, hình thành nên tri thức lý luận. Tri thức lý luận nâng tri thức kinh nghiệm lên trình độ cao hơn về chất, từ chỗ là cái cụ thể, đơn nhất trở thành cái có tính khái quát, phổ biến. Ngày nay, cùng với việc nâng cao trình độ học vấn của nhân dân, các thuật ngữ khoa học, công nghệ hiện đại cũng được các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và dần đI vào tri thức của quần chúng. Đó chính là cơ sở để họ tiếp nhận và nâng cấp từ trình độ tri thức kinh nghiệm lên tới trình độ tri thức lý luận và nâng cao khả năng du nhập tri thức khoa học áp dụng vào đời sống thực tiễn, biến tri thức đó thành sự giàu có và văn minh. Tri thức khoa học đã và đang đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, làm cho họ có thể làm chủ vận mệnh của mình.
* Tri thức khoa học có những đặc trưng sau:
-Tri thức khoa học là tri thức ở tầm quản lí được cái bản chất, quy luật, nguyên nhân, xu hướng của thế giới khách quan.
-Tri thức khoa học là tri thức có tính hệ thống về sự vật khách quan.
-Tri thức khoa học là tri thức chân thực về thế giới khách quan và không ngừng phải được kiểm tra và chứng minh bởi logic và thực tiễn.
2- Vai trò của tri thức khoa học đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội
Tri thức khoa học hình thành và phát triển trên cơ sở sản xuất và hoạt động thực tiễn. Vai trò của tri thức khoa học ngày càng tăng lên đối với sự phát triển của xã hội.
Ngày nay, tri thức khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Vai trò của nó được thể hiện ở chỗ tri thức khoa học trở thành điểm xuất phát, ra đời những ngành sản xuất mới, công nghệ mới, nguyên liệu mới. Không chỉ vậy khoa học còn là yếu tố tri thức không thể thiếu được của người lao động, biến người lao động thành người điều khiển, kiểm tra quá trình sản xuất. Đội ngũ các nhà khoa học, kĩ thuật viên trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất ngày một đông. Bản thân khoa học cũng đã là một lĩnh vực hoạt động sản xuất vật chất với quy mô ngày càng lớn.
Cùng với khoa học tự nhiên và khoa học kĩ thuật, các khoa học xã hội như kinh tế học, luật học, xã hội học… cũng không ngừng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Khoa học không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp con người có đầu óc tư duy sáng tạo, tầm nhìn sâu rộng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo vì phải nắm được cơ sở khoa học thực tế thì mới hoạch định được chính sách, đường lối phát triển của một tổ chức hay một quốc gia.
Nền kinh tế thế giới chuyển dần sang cơ cấu phát triển theo chiều sâu, đặc biệt là trong công nghiệp cơ cấu đó chuyển dịch khá nhanh về phía những ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ và trí tuệ cao. Chính tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã làm cho vai trò của năng lượng và lợi thế so sánh của nguyên liệu và sản phẩm sơ cấp trong công nghiệp giảm dần. Trước tình hình đó để tránh thua thiệt những nước xuất khẩu nguyên liệu và những sản phẩm sơ cấp - mà ở đây chủ yếu là các nước đang phát triển - phải tìm cách nhanh chóng nâng cao năng lực biến đổi tài nguyên thành sản phẩm tiêu dùng cao cấp, muốn như thế thì không có cách nào khác hơn là phảI tìm đến tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Như vậy do tác động của tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà yêu cầu phảI đổi mới về mặt kinh tế, từ cơ cấu sản xuất cho đến quan hệ giữa các quốc gia, trở thành một tất yếu không thể cưỡng lại được nếu như quốc gia đó muốn tồn tại và không bị nhấn chìm.
Ngày nay, việc quản lý xã hội, trong đó quan trọng là quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, xã hội thành công đến mức nào là tuỳ thuộc vào khả năng xử lý thông tin. Không theo kịp những biến đổi hết sức mới trong lĩnh vực này mà khư khư giữ lấy cách quản lý cũ, lạc hậu thì không tránh khỏi bỏ lỡ thời cơ có thể vươn lên để tiến kịp cùng thời đại và thoát ra sự trì trệ.
Tiến bộ khoa học - kỹ thuật một mặt tạo thời cơ thuận lợi cho các nước thoát ra khỏi sự lạc hậu và trì trệ nếu như biết định hướng đúng, nếu có một tiềm năng nhất định nào đó về nguồn vốn và nguồn nhân lực có trình độ cần thiết để tiếp thu các công nghệ tương đối hiịen đại. Khi đã có những kỹ thuật và công nghệ mới, tiến bộ thì vấn đề đặt ra tiếp theo là giải quyết việc làm cho số đông lao động dôi ra, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Nếu giải quyết tốt chúng thì khả năng hội nhập với trào lưu chung của thế giới là hiện thực. Song tiến bộ khoa hoc - kỹ thuật thời đại chúng ta còn có một mặt khác nghiệt ngã là hoàn toàn có khả năng nhấn các nước kém phát triển chìm sâu hơn trong cảnh lạc hậu và phụ thuộc, đồng thời còn tạo nên một khoảng cách còn lớn gấp bội so với khoảng cách đã từng tồn tại trước đây giữa họ và các nước phát triển nếu như họ không tìm ra con đường thích hợp hoặc cố tình duy trì cách làm ăn cũ, thói quen cũ, không thích nghi với những biến đổi của thời đại.
Như vậy trong thế giới hiện đại vừa liên kết hợp tác, vừa chứa đầy mâu thuẫn và cạnh tranh khốc liệt, mọi quốc gia trong đó có chúng ta, nếu không muốn giành cho một vị trí xứng đáng hay ít ra để không bị nhấn chìm, đều không thể cưỡng lại xu thế của thời đại là đổi mới mọi mặt trên cơ sở nhận thức, đánh giá và sử dụng đúng đắn, nhanh chóng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới nhất được loài người tạo ra, đồng thời biết khai thác những nguồn lực khác có thể khai thác. Sự tác động hết sức to lớn của tri thức khoa học - công nghệ ngày nay đang dẫn dắt các nền kinh tế của các nước phát triển đến "nền kinh tế tri thức". Đó chính là tiên đoán của C. Mác: "Khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp".
Tóm lại, có khoa học là bạn đồng hành thì xã hội ngày càng văn minh tiến bộ.
Chương II :Thực trạng tri thức khoa học trong công cuộc đổi mới của Việt Nam
1.Vai trò của tri thức khoa học trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
1.1.Tính tất yếu của công cuộc đổi mới:
Hiện nay trên thế giới đang diễn ra những biến đổi xã hội nhanh chóng và sâu sắc. Khoa học - công nghệ đã đạt được những thành tựu rất to lớn. So với các nước trên thế giới, Việt Nam tụt hậu rất nhiều. Cụ thể là:
- Trình độ công nghệ lạc hậu tụt xa so với các nước.
- Tiềm lực khoa học công nghệ yếu cả về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ lẫn nguồn vốn cho hoạt động khoa học công nghệ.
- Cơ chế quản lí khoa học công nghệ còn yếu kém.
- Khoa học công nghệ ít gắn bó với sản xuất kinh doanh.
Do vậy đổi mới chính là con đường duy nhất của chúng ta. Chỉ có đổi mới mới đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, trở thành một nước có nền kinh tế phát triển, làm cho "Dân giàu, nước mạnh, Xã hội công bằng, văn minh"
1.2.Tri thức khoa học là nền tảng và động lực cho sự phát triển của Việt Nam trong công cuộc đổi mới.
Trong công cuộc đổi mới, tri thức khoa học được xem là nền tảng và động lực của sự phát triển đất nước. Những cơ sở khoa học cùng những luận cứ khoa học đã giúp Đảng có một sự định hướng đúng đắn về đường lối chính sách phát triển của đất nước; vạch ra kế hoạch phát triển cho từng lĩnh vực cụ thể: Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch dịch vụ, Khoa học công nghệ… Nói đến vai trò nền tảng và động lực của tri thức khoa học trong công cuộc đổi mới là nói đến con đường công nghiệp hoá hiện đại hoá dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ, coi khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp và hàng đầu. Quan diểm này cho thấy rõ sự quyết tâm và lựa chọn sáng suốt của Đảng ta trong đổi mới tư duy, đổi mới quan niệm và đổi mới phương thức phát triển phù hợp với những đòi hỏi phải tiến hành công nghiệp hoá đi đôi với hiện đại hoá với tốc độ nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững trong những thập niên đầu thế kỉ 21.
Nhìn lại thế kỉ 20 đã qua chúng ta thấy có những đổi thay to lớn do khoa học - công nghệ mang lại. Trên thế giới sự xuất hiện các nhóm nước mới công nghiệp hoá (NIC) sau chiến tranh thế giới thứ 2 cũng không nằm ngoài ảnh hưởng lan toả của các thành tựu khoa học công nghệ thông qua quá trình chuyển giao công nghệ tiến bộ bằng các chính sách công nghiệp và nông nghiệp khôn ngoan, các nước NIC đã tận dụng được cơ hội tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới, thay đổi các phương thức sản xuất cũ vốn dựa trên lao động thủ công và tài nguyên chủ yếu để chuyển sang áp dụng các kĩ thuật cơ khí hoá, tự động hoá theo hướng tạo ra các giá trị gia tăng cao thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế. Nhờ đi theo con đường công nghiệp hoá dựa hẳn vào khoa học - công nghệ mà một số nước đã rút ngắn hẳn được thời gian cần thiết để làm tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người. Trước kia, nước Anh phải mất 58 năm, Mỹ mất 47 năm thì giờ đây Braxin chỉ mất 18 năm, Hàn Quốc 11 năm và Trung Quốc chỉ trong vòng 10 năm. Ta có thể so sánh Hàn Quốc và Gana vào những năm 60 và bây giờ. Điểm xuất phát hai nước đều có mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, đều là các quốc gia chậm phát triển. Vậy mà ngày nay, thu nhập đầu người của Hàn Quốc đã gấp hơn 6 lần của Gana. Vì sao có sự cách biệt lớn lao như vậy? Đó là do Hàn Quốc đã thu nhận và sử dụng tri thức khoa học sáng tạo và phù hợp với thực tiễn hơn.
Thực tiễn trong những năm qua ở Việt Nam cho thấy: ở đâu có sự sáng tạo trong công cuộc đổi mới các giải pháp về khoa học - công nghệ thì ở đó có sự tiến bộ vượt bậc. Thử hỏi nếu Việt Nam vẫn giữ nền kinh tế tập trung bao cấp chưa chuyển sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần thì hiện giờ đất nước chúng ta sẽ ra sao?
Về Nông nghiệp, với sự sáng tạo của Đảng ta trong chính sách khoán áp dụng trong nông nghiệp những năm 80 là một ví dụ điển hình cho thấy vai trò của chính sách trong việc tạo ra mức tăng trưởng sản lượng kỉ lục về lương thực mà không có một yếu tố sản xuất thông thường nào như: vốn, lao động, vật tư có thể mang lại (năm 2004 Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo). Chính sách mới làm cho người lao động làm việc có trách nhiệm và năng nổ sáng tạo hơn. Đảng đã đẩy mạnh và khuyến khích nông dân đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất như: sử dụng các loại giống mới, phân bón, máy móc sản xuất theo công nghệ cao của thế giới; nâng cấp hệ thống thuỷ lợi bằng cách đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống sông, đê ngăn chặn nước mặn.ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật và vật liệu mới trong thiết kế và thi công công trình là cho việc thực hiện công trình xảy ra nhanh chóng đáp ứng kịp thời nhu cầu, lợi ích của bà con nông dân.
Về công nghiệp, qua quá trình sáng tạo và triển khai chính sách mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã dẫn tới sự ra đời của một khu vực kinh tế mới - Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài rất năng động, có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, chiếm trên 15,5% GDP, trên 33% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các công ty xí nghiệp nhờ đi thẳng vào công nghệ hiện đại mà đã đạt được những thắng lợi ngoài cả sự mong đợi. Ví dụ điển hình là công ty chế biến sữa Vinamilk từ tình trạng vô cùng khó khăn đã vươn lên sản xuất ra được những sản phẩm cạnh tranh được với hàng nhập ngoại.
Trong các ngành, bưu chính viễn thông, khai thác dầu khí và các ngành nghề khác nhờ những quyết định táo bạo trong đầu tư vào kĩ thuật công nghệ hiện đại mà đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, ổn định. Văn hoá giáo dục được nâng cấp, đầu tư cơ sở một cách thoả đáng.
Thực tế cho thấy sau 20 năm đổi mới dựa vào tiềm năng của đất nước và sự trợ giúp của Khoa học - công nghệ chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Về kinh tế, tổng sản lượng trong nước năm 2006 tăng gấp nhiều so với năm 1990. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất tăng nhiều. Nền kinh tế từ tình trạng hàng hoá khan hiếm nghiêm trọng nay đã sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đời sống của nhân dân dần được cải thiện. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua được cơn chấn động chính trị và sự hụt hẫng về thị trường, kinh tế tăng trưởng tương đối cao: Tổng sản phẩm trong nước trong 5 năm (2001-2005) tăng bình quân 7,5% trong một năm; tốc độ tăng GDP trong những năm qua: năm 2001 là 6,9%; năm 2002 là 7,08%; năm 2003 là 7,3%; năm 2004 là 7,7%. Tính đến năm 2005, GDP ước đạt 817622 tỷ đồng, bình quân đầu người là 9,8 triệu đồng (tương đương 600 USD). Giá trị nông - lâm - ngư nghiệp tăng bình quân 5,4%, trong đó: nông nghiệp tăng 5,6%, lâm nghiệp 0,4% và ngư nghiệp tăng 8,9%. Công nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhịp độ tăng giá trị sản xuất hàng năm là 15,7%. Đầu tư sản xuất ra sản phẩm có chiều sâu, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dịch vụ phát triển với giá trị trung bình là 7,6%/ năm. Lạm phát giảm đáng kể.
Về chính trị xã hội, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong những năm qua đã có đóng góp tích cực phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thế kỉ 20. Khoa học xã hội còn đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các văn bản dưới luật, các chính sách và hiệp định quốc tế, trong đó có hiệp định thương mại Việt - Mỹ, khoa học xã hội còn hướng vào giải quyết nhiều vấn đề cụ thể bức xúc trong thực tiễn phát triển kinh tế xã hội như: vấn đề toàn cầu hoá, quốc tế hoá, công nghiệp hoá - hiện đại hoá… Các vấn đề tôn giáo, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do vậy văn hoá phát triển lành mạnh với phương châm "Hoà nhập nhưng không hoà tan ". Bên cạnh việc tiếp thu văn hoá thế giới chúng ta không quên giữ gìn và phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Giáo dục ngày càng được chú trọng. Các quốc gia phát triển đã rút ra một điểm quan trọng là: Giáo dục là con đường ngắn nhất để phát triển, để tiến tới nền kinh tế tri thức hay còn gọi là nền kinh tế chất xám. ở Việt Nam từ năm 1997 đến nay, nhân lực Khoa học - Công nghệ cả nước đã tăng 2,3 lần. Cán bộ Khoa học công nghệ có trình độ Đại học đạt xấp xỉ 1,3 triệu và hàng năm bổ sung thêm khoảng 180 nghìn người. Cán bộ có trình độ tiến sĩ đã tăng lên gần 14,5 nghìn vào năm 2003. Trình độ, năng lực cán bộ trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng,giao thông vận tải, công trình điện, bưu chính viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí đạt mức trung bình tiên tiến trong khu vực. Bắt đầu từ năm 2000 chính phủ đã bố trí khoản ngân sách riêng để hàng năm chủ động gửi sinh viên cán bộ khoa học - công nghệ có năng lực đi đào tạo dài hạn tại các nước có nền Khoa học tiên tiến.
Khoa học - Công nghệ đã có khả năng làm chủ và thích nghi nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài trong các lĩnh vực như viễn thông, khai thác dầu khí, năng lượng…
Nhiều vấn đề cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước do thực tiễn đặt ra được các lực lượng Khoa học - Công nghệ nghiên cứu và giải quyết như: Cơ sở khoa học cho các phương án phòng chống thiên tai, các phương pháp sản xuất Vacxin phòng bệnh…
Rõ ràng, quan niệm về vai trò nền tảng và động lực phát triển của Khoa học - Công nghệ đối với sự phát triển vừa có cơ sở thực tiễn trong nước vừa hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khi lợi thế tương đối của các yếu tố lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang chuyển dần sang các yếu tố tri thức Khoa học - Công nghệ.
2. Những yếu kém và hạn chế của tri thức Khoa học-Công nghệ ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động Khoa học - Công nghệ ở nước ta cũng còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước và chưa thực sự đóng vai trò động lực - nền tảng cho phát triển. Sau đây là một số biểu hiện:
- Tiềm lực Khoa học - Công nghệ vẫn còn ở mức thấp so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu phát triển. Tỉ lệ cán bộ Khoa học - Công nghệ trên tổng số dân chưa cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, còn thiếu rất nhiều chuyên gia đầu ngành, việc đào tạo và đào tạo lại tiến hành chậm, nguy cơ hụt hẫng trong đội ngũ rất lớn, nhất là trong những ngành mũi nhọn như công nghệ tin học, sinh học, cơ khí, chế tạo máy. Việc xếp loại các cơ quan Khoa học - Công nghệ còn lúng túng, việc sử dụng đội ngũ trí thức còn lãng phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học còn thấp xa so với nhu cầu thực tiễn.
- Cơ chế quản lí kinh tế chưa thực sự gắn kết với các hoạt động Khoa học - Công nghệ với kinh tế xã hội, tạo động lực thực sự và nguồn lực dồi dào cho hoạt động Khoa học - Công nghệ phát triển.
- Cơ chế quản lí Khoa học - Công nghệ chậm và chưa được đổi mới một cách căn bản mặc dù tư tưởng đổi mới cơ chế quản lí đã xuất hiện từ rất sớm. Chưa có sự liên thông giữa cơ chế quản lí kinh tế và cơ chế quản lí Khoa học - Công nghệ. Chưa đảm bảo được quyền lợi vật chất và tôn vinh xứng đáng đối với các nhà khoa học có cống hiến lớn. Cơ chế hình thành, quản lí, đánh giá các đề tài Khoa học - Công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn để có thể chuyển đổi theo tinh thần đổi mới của luật Khoa học - Công nghệ.
- Thị trường Khoa học - Công nghệ còn manh nha chưa phát triển. Mặc dù giá trị các hợp đồng kí kết giữa các cơ quan Khoa học - Công nghệ với các tổ chức kinh tế xã hội, giữa trong nước và nước ngoài đang tăng lên nhưng vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng.
Chương III : Những giảI pháp cần thiết và cấp bách cho việc phát triển tri thức Khoa học ở nước ta hiện nay
Việt Nam là nước đi sau có nhiều khả năng tiếp cận những thành tựu Khoa học - Công nghệ của thế giới. Do đó có thể rút ngắn được quá trình Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước. ở các nước công nghiệp phát triển, kinh tế tri thức đang có những bước phát triển mạnh. Việt Nam không chỉ phải tích cực chuẩn bị cho bước phát triển này, mà cần phải tiếp nhận kinh tế tri thức ở những ngành, lĩnh vực mà ta có khả năng, ưu thế. Hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao trình độ Khoa học - Công nghệ và xây dựng tiềm lực khoa học. Đứng trước tình hình đó, Đảng và nhà nước đã vạch ra chiến lược: Phát triển đồng bộ các ngành khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để Khoa học - Công nghệ thực sự là động lực phát triển, vừa đảm bảo thực hiện công nghiêp hoá - Hiện đại hoá vừa tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đồng thời xây dựng tiềm lực Khoa học - Công nghệ, xây dựng cơ sở để từng bước phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, cụ thể là một số giải pháp sau:
- Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đại hội X của Đảng, nâng cao nhận thức toàn dân và các cấp, các ngành về vai trò nền tảng và động lực của Khoa học - Công nghệ trong sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước.
- Hai là, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lí kinh tế nhằm tạo lập môi trường kinh tế - xã hội theo hướng tạo điều kiện, vừa khuyến khích vừa ràng buộc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nghiên cứu đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao tính cạnh tranh thị trường trong nước và nước ngoài.
- Ba là, đưa luật Khoa học - Công nghệ vào cuộc sống rộng rãi hơn. Tiến hành tổng kết thực tiễn hoạt động Khoa học - Công nghệ những năm qua và kịp thời thể chế hoá những mô hình tốt, cách làm hay đã được thực tiễn thử thách và chứng minh. Đồng thời tích cực đổi mới về cơ bản cơ chế quản lí Khoa học - Công nghệ theo tinh thần luật Khoa học - Công nghệ để nhanh chóng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực Khoa học - Công nghệ.
- Bốn là, tháo gỡ các khó khăn, các ắch tắc để mở rộng và phát triển khai thông thị trường Khoa học - Công nghệ. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, cơ bản và lâu dài, để phát huy hết vai trò động lực của Khoa học - Công nghệ trong sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước.
- Năm là, chú trọng và ưu tiên cho nghiên cứu và thực thi các chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài tri thức khoa học bên cạnh các biện pháp chăm lo đào tạo nhân lực Khoa học - Công nghệ.
- Sáu là, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng Khoa học - Công nghệ để nhanh chóng hội nhập với thế giới và khu vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về thông tin Khoa học - Công nghệ, trang thiết bị nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
- Bảy là, đầu tư để phát triển giáo dục, khoa học ít ra với tỉ lệ không thấp hơn tỉ lệ trung bình của thế giới. Bằng mọi cách đẩy nhanh việc xáo nạn mù chữ và phổ cập giáo dục từng bước từ thấp đến cao. Gắn khoa học với sản xuất và đời sống, có chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài. Thực hiện tốt chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc.
- Tám là, tạo thị trường cho khoa học và công nghệ, đổi mới cơ chế tài chính nhằm khuyến khích sáng tạo và gắn ứng dụng khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh, quản lí dịch vụ. Coi trọng việc nghiên cứu cơ bản trong các ngành khoa học. Tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực khác cho khoa học và công nghệ. Thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra: coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Kết luận
Trong suốt 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy còn nhiều thiếu sót và bất cập cùng với sự phát triển của đất nước, tri thức khoa học ngày càng có vai trò quan trọng. Thế kỉ 21 - thế kỉ có nhiều biến đổi sâu sắc và phổ biến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn thế giới.Cả thế giới đang dần tiến tới xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức. Nhờ áp dụng các kỹ thuật Khoa học - Công nghệ của thế giới mà chúng ta có thể đi thẳng tới nền kinh tế tri thức mà không qua kinh tế công nghiệp. Đó là sự lựa chọn hợp lý và đúng đắn. Vấn đề là phải hiểu biết và vận dụng nó để đưa tri thức khoa học vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chứ không phải xây dựng nền kinh tế tri thức riêng biệt cho một khu vực nào đó. Kinh tế tri thức theo cách hiểu nào đó là của mọi người, nó phải được thẩm thấu vào trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế và xã hội. Đất nước Việt Nam đã đi qua chiến tranh thắng lợi rất vẻ vang, vậy tại sao chúng ta không thể chiến thắng trong việc xây dựng và phát triển đất nước? Nhất định chúng ta sẽ làm được và làm tốt bởi mang trong mình sức mạnh đoàn kết dân tộc và bản tính thông minh lao động sáng tạo của con người Việt Nam. Những thắng lợi bước đầu của công cuộc đổi mới đã cho thấy rõ điều đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực tri thức khoa học còn gây ra nhiều tiêu cực như: gây ô nhiễm môi trường, gây ra nhiều bệnh tật mới, làm cho xã hội phân hoá giàu nghèo,… Nếu biết khắc phục các mặt tiêu cực, phát huy các mặt tích cực thì nước ta sẽ nhanh chóng phát triển, theo kịp các nước trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
Lý luận, phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học - công nghệ _ PGS TS Đỗ Công Tuấn
Danh từ thuật ngữ khoa học
Sinh hoạt lý luận - Số 4 (47 - 2001) Học viện chính trị quốc gia HCM - phân viện Đà Nẵng
Tạp chí Cộng sản - Số 13 (7 - 2001)
Tạp chí Cộng sản - Số 19 (10 - 2001)
Tạp chí Khoa học xã hội - Số 5 (93) - 2006
Mục lục
Trang
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 35954.doc