Tiểu luận Vương quốc Chămpa

Đông Nam Á được coi là một khu vực có vai trò quan trọng trong toàn bộ lịch sử thế giới ngay từ thời cổ đại. Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội rất thuận lợi và khá tương đồng giữa các nước trong khu vực mà các quốc gia cổ đại được hình thành rất sớm ở vùng đất này. Trên lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ trong quy luật phát triển chung của khu vực cũng đã xuất hiện nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở Bắc Bộ, còn phần Trung và Nam Bộ trước khi Việt Nam là một quốc gia thống nhất, tồn tại tiểu quốc đó là nhà nước Chămpa.

doc19 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 5321 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Vương quốc Chămpa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Biên giới phía Nam Cham-pa Biên giới năm 1653 Biên giới năm 1611 Biên giới năm 1471 Biên giới năm 1306 Biên giới năm 1069 Biên giới phía Bắc Cham-pa BẢN ĐỒ CHÍNH TRỊ CỦA VƯƠNG QUỐC CHĂM - PA A. MỞ ĐẦU I. LÝ DO NGHIÊN CỨU Đông Nam Á được coi là một khu vực có vai trò quan trọng trong toàn bộ lịch sử thế giới ngay từ thời cổ đại. Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội rất thuận lợi và khá tương đồng giữa các nước trong khu vực mà các quốc gia cổ đại được hình thành rất sớm ở vùng đất này. Trên lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ trong quy luật phát triển chung của khu vực cũng đã xuất hiện nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở Bắc Bộ, còn phần Trung và Nam Bộ trước khi Việt Nam là một quốc gia thống nhất, tồn tại tiểu quốc đó là nhà nước Chămpa. Vương quốc này có quá trình tồn tại và phát triển trong khoảng 17 thế kỷ (từ đầu công nguyên đến thế kỷ XVII), có quan hệ với nhiều quốc gia khác trong khu vực về chính trị - kinh tế - văn hóa. Đến nay, Chămpa đã trở thành một phần lãnh thổ không thể tách rời của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Vì thế việc nghiên cứu về vương quốc Chăm – pa luôn là một vấn đề cơ bản, quan trọng và được quan tâm trong lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ đối ngoại nói riêng. Đặc biệt, những năm gần đây, phần lịch sử vương quốc Chăm – pa được đưa vào giảng dạy trong chương trình lịch sử lớp 10 THPT. Với tính chất nhạy cảm và phức tạp của nó đòi hỏi người giáo viên lịch sử phải nắm vững thực chất của tiến trình lịch sử để giải quyết các vấn đề dựa trên cơ sở khoa học đúng đắn. Tuy nhiên, nguồn tư liệu nghiên cứu về vương quốc cổ này phần lớn là tư liệu gián tiếp, phản ánh chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa chính xác các niên đại, các sự kiện lịch sử. Bởi vậy, cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống trong lịch sử Chăm – pa, nhiều mâu thuẫn gây tranh cãi mà vẫn chưa có đáp án. II. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Quá trình nghiên cứu về vương quốc cổ Chăm – pa là một quá trình từng bước nhận thức về sự tồn tại của vương quốc này từ tên gọi, phạm vi lãnh thổ, cương vực, cư dân, nhà nước, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các giai đoạn phát triển… + Vương quốc Chăm – pa được phản ánh trong thư tịch cổ Trung Quốc như Thủy kinh chú, Hậu Hán thư, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư… là những tài liệu phản ánh sớm nhất, tương đối đều đặn qua từng thời kỳ, nhưng tập trung chủ yếu trong giai đoạn từ đầu công nguyên đến khoảng thế kỉ XII – XIII, về sau thưa dần. Trên cơ sở phản ánh việc bang giao triều cống của Chăm - pa đối với Trung Quốc, các sử gia Trung Quốc cũng đã ghi chép được những thông tin cơ bản về địa lý, lịch sử, các sản vật, tập tục, đời sống của cư dân Chăm – pa. + Sau đó là những tác phẩm Sử học dưới thời kì phong kiến của Việt Nam cũng đã nhắc về vương quốc này ở những khía cạnh khác nhau. Song họ vẫn cho rằng, Chăm – pa là quốc gia nào đó ngoài lãnh thổ của dân tộc Việt Nam chứ không phải là một bộ phận của cư dân Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ như trong Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc tới vương quốc cổ Chăm – pa dưới tên gọi là Chiêm Thành với sự thành lập nhà nước Lâm Ấp, nhắc đến mối quan hệ giữa Chiêm Thành với đời Lý, Trần, đặc biệt là thời Trần. Hay trong Lịch triều hiến chương loại chí, trong phần Bang giao chí có đề cập tới mối quan hệ bang giao giữa Chiêm Thành với các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt là triều vua Lê Thánh Tông… + Từ sau cách mạng tháng Tám trở đi, với những thành tựu của nền khảo cổ học, những vấn đề liên quan đến nhà nước Chăm – pa được sáng tỏ và quan tâm hơn, nước Chăm – pa được trả lại đúng vị trí của mình, là một bộ phận, là một quốc gia được thành lập sớm trên lãnh thổ của nước ta ở phía Nam. Ví dụ như tác phẩm “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” – Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn (chương 6: sự thành lập và phát triển của nước Lâm Ấp), “Lịch sử Việt Nam” – Huỳnh Công Bá – NXb Thuận Hóa, 2004 cũng đề cập một cách toàn diện về Chămpa…. Đặc biệt đã xuất hiện tác phẩm chuyên khảo “Vương quốc Chămpa” – Lương Ninh. Đây là công trình nghiên cứu từ nhiều năm từ những bài viết của tác giả trình bày các giai đoạn phát triển của Chămpa và các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… B. NỘI DUNG I. CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VƯƠNG QUỐC CHĂM – PA 1. Cơ sở hình thành a. Điều kiện tự nhiên Dải đất miền Trung Việt Nam, địa bàn sinh trưởng và phát triển của Vương quốc Chăm – pa, trải dài dọc theo bờ biển Đông từ Bắc xuống Nam với cấu tạo đặc trưng là hẹp ngang. Nơi đây bị ngăn cách với vùng lục địa phía trong bởi dãy Trường Sơn. Ở nhiều nơi, núi ăn sâu ra biển khiến cho độ dốc địa hình rất lớn. Hệ thống sông tuy dày đặc nhưng do đặc điểm địa hình nên thường ngắn và dốc, lưu lượng phù sa thấp. Các đồng bằng trong vùng vì thế thường nhỏ hẹp, phân bố dọc ven biển và kém màu mỡ hơn các đồng bằng khác ở miền Bắc và miền Nam. Những dòng sông và những con đèo vắt ngang từ dãy Trường Sơn ra biển Đông trở thành những ranh giới tự nhiên chia cắt các đồng bằng duyên hải miền Trung. Dải đồng bằng ven biển với hệ thống sông dày đặc và khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghề nông trồng lúa nước. Tuy vậy, do đồng bằng nhỏ, sông dốc gây khó khăn cho công tác thuỷ lợi nên nông nghiệp trồng lúa nước trong vùng phát triển manh mún, nhỏ hẹp, không tạo được một nền tảng vững chắc về kinh tế cho Vương quốc. Vị trí ven biển khiến cho cư dân ở đây từ sớm đã thạo đi biển. Nghề đánh cá phát triển, trở thành một hình thái kinh tế quan trọng bên cạnh nghề nông trồng lúa nước. Vị trí đó vừa giúp Chăm – pa mở rộng giao lưu kinh tế và văn hoá với nước ngoài, nhưng lại vừa tiềm ẩn những nguy cơ bị xâm lấn từ bên ngoài. Sự tồn tại của các ranh giới tự nhiên (sông, đèo, núi…) chia cắt các vùng miền không chỉ khiến sự đi lại, giao lưu khó khăn mà còn làm cho tình trạng phân tán trong lịch sử Vương quốc khá phổ biến. b. Sự phát triển liên tục của các nền văn hóa khảo cổ học Chăm – pa là vương quốc ra đời trên cơ sở những nền văn hóa bản địa, không phải là nền văn hóa ngoại lai, bắt nguồn từ văn hóa Tiền Sa Huỳnh phát triển lên văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời với nền văn hoá Hạ Long, Quỳnh Văn ở miền Bắc; Hàng Gòn, Cần Giờ (Văn hoá Tiền Óc Eo) ở miền Nam, ở miền Trung xuất hiện các nền văn hoá Bình Châu, Long Thạnh - sơ kỳ đồng thau (hay còn gọi là văn hoá Tiền Sa Huỳnh) cùng hàng loạt các di tích Bàu Trám, Bàu Né, Gò Miếu, Phú Hoà (Quảng Nam, Đà Nẵng), Gò Lồi (Quảng Ngãi), Xóm Cồn, Bình Hưng, Mũi Né (Khánh Hoà)… có niên đại nửa đầu thiên niên kỷ I TCN. Đến khoảng giữa thiên niên kỉ I TCN (thế kỉ VII – VI TCN), cư dân miền Trung tiến vào thời đại hậu kỳ đồ đồng - sơ kỳ đồ sắt với nền văn hoá Sa Huỳnh phân bố khắp các địa điểm từ Quảng Bình đến Đồng Nai và một phần Tây Nguyên. Văn hoá Sa Huỳnh có sự giao lưu giữa cư dân kim khí Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa. Như vậy, chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh là tộc người nói tiếng Nam Đảo với nhiều yếu tố Nam Á, là tiền thân của người Chăm. Trên cơ sở đối chiếu niên đại và các đặc trưng văn hóa ở giai đoạn hậu kỳ của văn hóa Sa Huỳnh với niên đại, nội dung văn hóa Chăm – pa ở giai đoạn sớm, kết hợp với các thư tịch cổ Trung Quốc viết về Lâm Ấp – Chămpa cho phép chúng ta suy luận một cách logic rằng: văn hóa Chămpa được nảy sinh từ văn hóa Sa Huỳnh. Từ những đặc trưng về di tích, di vật, không gian phân bố và sự phát triển văn hóa một cách tiếp nối, liên tục đã cho chúng ta biết rằng cư dân Sa Huỳnh đã có một nền nông nghiệp trồng lúa nước rất phát triển. Bên cạnh đó là nghề đánh cá, và nghề thủ công như làm đồ gốm, dệt vải bông, từng bước mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với những cư dân trong khu vực và Ấn Độ, Trung Hoa… cho nên đã tạo ra một nền kinh tế đa dạng cùng với một nền văn hoá đặc sắc với những đặc trưng không lẫn vào đâu được. Với những thành tựu đã đạt được trên các phương diện của đời sống vật chất, phương thức hoạt động kinh tế và đặc biệt là sự phát triển của kỹ nghệ luyện kim sắt, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã nhanh chóng đạt tới đỉnh cao huy hoàng vào đầu thời đại đồ sắt. Và họ có thể bước vào một xã hội có giai cấp và nhà nước sơ khai – là tiền đề cho sự ra đời của vương quốc Chăm – pa. 2. Tên gọi - Lâm Ấp: là một quốc gia được xem là vương quốc đầu tiên của Chămpa, vốn thuộc huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam thuộc Hán. Và theo Lê Văn Siêu trong tác phẩm “Việt Nam văn minh sử”, vương quốc này tồn tại cho đến khoảng thế kỷ VII (năm 605), lãnh thổ từ Quảng Bình – Quảng Nam. - Chămpa: được biết đến qua tài liệu bia kí dưới vương triều Gangaraja, có tư liệu cho rằng là thế kỷ VI, tư liệu khác cho là năm 875, Lâm Ấp được đổi tên là Chămpa. Tên Chămpa có thể đặt theo tên 1 địa danh thuộc phía Bắc Ấn Độ và hạ lưu sông Hằng. - Chiêm Thành: theo Trần Trọng Kim, là tên gọi được bắt đầu vào khoảng thế kỉ IX. 3. Cư dân Đây cũng là một quá trình nhận thức từ những yếu tố chung chung tới những yếu tố cụ thể. + Thời Hán minh đế, Trương Trọng làm thái thú ở Nhật Nam nói rằng: cư dân ở đây tính hung hãn, chiến đấu gan dạ, quen ở núi ở nước, không quen đất bằng. + Nhà Hán gọi các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam là dân Bách Việt, tên tộc Bách Việt (xuất hiện lần đầu tiên trong Sử ký – Tư Mã Thiên) để ám chỉ những tộc người khác nhau, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (chủ yếu là miền Nam Trung Quốc và bắc Việt Nam), người Lâm Ấp theo người Hán là một tộc người ở Bắc Việt. + Theo Trần Trọng Kim: cư dân ở đây thuộc giống Mã Lai + Theo Lê Văn Siêu: người Lâm Ấp từ miền Nam Ấn Độ hoặc từ hải đảo đến. Bởi vì căn cứ trên 1 tấm bia khắc ở thế kỉ IX có ghi tên một vị vua khai sáng nước Lâm Ấp thuộc chi của vương triều Bharagavar của Ấn Độ. Và người đến Lâm Ấp là những người thuộc dòng dõi quý tộc của Ấn Độ thất thế phải phiêu dạt sang đây. + Trong thời gian gần đây, khảo cổ học đã chứng minh sự có mặt của người Nam Đảo ở bờ biển Việt Nam từ cuối thiên niên kỉ II TCN. Tuy nhiên, những đợt thiên di đáng kể của họ đến vùng đất này nằm trong khoảng thời gian từ 500 năm TCN cho đến đầu CN và tập trung rõ nhất ở Sa Huỳnh. Cũng trong thời gian này dấu vết những vùng quần cư của họ còn rải rác đến Quảng Bình và lan đến vùng ven biển thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Rõ ràng, người Nam Đảo đã đến bờ biển Việt Nam từ rất sớm, ít ra là từ trên dưới 1000 năm TCN, ăn đời ở kiếp ở đây và chắc là đã diễn ra một quá trình cộng cư đơn giản, hòa bình với những nhóm cư dân bản địa sống thưa thớt nhưng có mặt từ trước khi người Nam Đảo thiên di tới. Như vậy, có thể thấy rằng, dân cư của vương quốc Chămpa ở thời điểm đầu tiên: là kết quả của sự cộng cư lâu dài của hai nhóm người: nhóm bản địa Môn cổ hay Nam Á (tức người núi) thuộc ngữ hệ Môn – Khmer và nhóm Nam Đảo (tức người biển) thuộc ngữ hệ Malayo - Polynesia mới di cư vào trong giai đoạn đầu thiên niên kỉ I TCN. Cũng trên địa bàn văn hóa Sa Huỳnh, truyền thuyết Chăm có nói đến 2 bộ lạc Cau và Dừa. Bia kí Chăm thế kỉ IX đề cập lại vấn đề này. Từ hai bộ tộc này hình thành nên hai tiểu quốc Bắc Chăm và Nam Chăm. Tên tộc Cau – Dừa mất đi khi tộc chung thống nhất ra đời và gọi theo tên nước – tộc người Chăm. 4. Cương vực - Theo Tấn thư: thì Lâm Ấp giáp biên giới với Phù Nam - Việt Nam sử lược: khoảng từ Quảng Bình – Quảng Trị. - Lê Văn Siêu: cương giới của Lâm Ấp chủ yếu ở Quảng Nam và Bình Định. Tóm lại, dựa trên những tư liệu thành văn và khảo cổ học, cương vực nước Lâm Ấp mà sau này là Chămpa gồm các dải đồng bằng ven biển Duyên hải miền Trung và một phần cao nguyên, từ Sông Gianh (Quảng Bình) đến sông Dinh – Bình Thuận. Vương quốc Chămpa được chia thành 5 khu vực, đây có thể là tên những địa phương: + Amarapati ngày nay thuộc Quảng Nam + Indrapura tên kinh dô ở khu vực Quảng Nam + Vijaya nay thuộc Bình Định + Kauthara nay thuộc Nha Trang + Panduganra nay thuộc Phan Thiết. Như vậy, sự ra đời của vương quốc Chămpa được bắt nguồn từ văn hóa Sa Huỳnh và sự kết hợp giữa cư dân bản địa cùng với các tộc người Nam Đảo di cư tới theo đường biển. Đồng thời, trong quá trình ra đời nhà nước Chămpa, bằng con đường hoà bình, văn minh Ấn Độ đã xâm nhập và có một địa vị quan trọng trong đời sống của cư dân, từ tôn giáo tín ngưỡng đến thiết chế chính trị và phương thức tổ chức xã hội… II. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ SUY VONG CỦA LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC CHĂMPA. 1. Thời kỳ sơ kỳ vương quốc Chămpa (II - X) Cuối thế kỉ II TCN, nhà Hán đã chinh phục các vùng đất phía nam thành quận huyện trực thuộc Đế chế Hán. Nhà Hán đặt toàn bộ dải đất miền Trung phía Nam sông Gianh thành quận Nhật Nam, gồm 5 huyện, trong đó, huyện xa nhất nằm ở phía nam đèo Hải Vân (Quảng Nam, Quảng Ngãi) là huyện Tượng Lâm (nghĩa là Rừng Voi). Trên cơ sở phát triển cao của nền kinh tế thời văn hoá Sa Huỳnh, xã hội Cham-pa phân hoá ngày càng rõ nét. Nhưng sự phân hoá này về cơ bản vẫn là sự phân hoá giàu nghèo. Mâu thuẫn xã hội chủ yếu trong xã hội Cham-pa là mâu thuẫn giữa những người bị cai trị với chính quyền nhà Hán thống trị tàn bạo. Vì thế, hàng loạt cuộc đấu tranh của nhân dân các quận huyện đã liên tục bùng nổ. Riêng ở huyện Tượng Lâm, theo sử Trung Quốc, chỉ trong vòng 100 năm, nhân dân đã 7 lần khởi nghĩa. Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), dân Tượng Lâm phối hợp với dân 2 quận Cửu Chân và Nhật Nam, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên thuộc dòng dõi của bộ tộc Dừa, đánh đuổi quân Hán và giành thắng lợi. "Khu" không phải là tên riêng mà là tước vị, phiên âm từ chữ "Kurung" (như các vua Hùng của người Việt cổ – hay chữ "Varman" của người Chăm từ tiếng Phạn, có nghĩa là tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua). Năm 192, vương quốc Cham-pa đầu tiên ở phía bắc ra đời, sử Trung Quốc gọi là Lâm Ấp (huyện Tượng Lâm trong tiếng Hán gọi là Tượng Lâm Ấp, sau bỏ chữ Tượng và chỉ gọi là Lâm Ấp). Có giả thuyết cho rằng Lâm Ấp (đọc là Lin-yi) là phiên âm tiếng Hán của từ Li-u (nghĩa là "dừa") trong tiếng Chăm cổ, vì vậy, tên gọi Lâm Ấp có thể lấy theo tên của bộ tộc Dừa đã lập nước. Bộ lạc Dừa (Narikela vam'sa) cư trú ở vùng Quảng Nam, Bình Định và bộ lạc Cau (Kramuka vam'sa) ở vùng Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Sau khi giành được độc lập, hai bộ lạc đã thống nhất thành Vương quốc Cham-pa. Các vua Lâm Ấp dựa vào lực lượng quân sự hùng hậu, tiến hành các cuộc tấn công các nước láng giềng, mở rộng lãnh thổ. Đến thế kỉ VI, lãnh thổ vương quốc cổ Cham-pa đã kéo dài suốt dọc đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam, từ Đèo Ngang (Bắc Quảng Bình) đến sông Dinh (Hàm Tân, Bình Thuận). Như vậy, vương quốc Cham-pa ra đời là không chỉ là kết quả trực tiếp của một cuộc đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của nhà Hán mà còn là kết quả của công cuộc thống nhất các bộ tộc và các cuộc chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ, dựa trên cơ sở phát triển cao của nền văn hoá Sa Huỳnh và dưới ảnh hưởng của những yếu tố văn hoá ngoại sinh Trung Hoa, Ấn Độ. Vương quốc cổ Cham-pa phát triển qua 3 giai đoạn: 1.1.Giai đoạn Vương triều Sin-ha-pu-ra (II – giữa VIII) Kinh đô đầu tiên ở Sin-ha-pu-ra (“Thành phố Sư tử”) nay là Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) nên gọi là Vương triều Sin-ha-pu-ra. Lãnh thổ trải dài từ Quảng Bình đến Khánh Hoà. 1.2.Giai đoạn Vương triều Vi-ra-pu-ra (giữa VIII – 854) Vương triều Vi-ra-pu-ra (Vương triều Ra-ja-pu-ra) là vương triều của các dòng vua miền Nam, lập năm 757, tồn tại trong gần 1 thế kỉ, gồm 6 đời vua. Kinh đô ở Vi-ra-pu-ra nay thuộc Phan Rang. Tên nước là Pan-du-ran-ga (tiếng Hin-đu, tiếng Chăm cổ là Pan-ran) hay là Hoàn Vương quốc (sự trở về của vương quyền) Địa bàn bao gồm 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay. Thành tựu nổi bật nhất mà giai đoạn này để lại cho chúng ta ngày nay đó là hệ thống Tháp Chàm mang phong cách rất riêng (Phố Hài, Hoà Lai, Po Nagar). 1.3.Giai đoạn Vương triều In-dra-pu-ra (859-982) Vương triều của các dòng vua miền bắc, gồm 12 đời vua. Đóng đô ở In-dra-pu-ra (Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam). Khoảng giữa thế kỉ IX, tên gọi Cham-pa trở thành tên gọi chính thức xuyên suốt lịch sử Cham-pa. Tuy nhiên, dựa trên nội dung một số bia ký, nhiều học giả khẳng định rằng tên gọi Cham-pa đã xuất hiện ngay từ thế kỉ VI, thậm chí không ít người khẳng định rằng tên gọi này có thể ra đời ngay từ thế kỉ IV, thời vua Bha-dra-var-man. 2. Thời kì thống nhất và thịnh vượng – thời kì Vijaya (X - XV) Kinh đô là Chà Bàn (Vi-jay-a) gọi theo tiếng Chăm cổ là Cha Ban, Chanar Pal, lấy theo tên hiệu của đức vua sáng lập (nghĩa là thắng lợi) thuộc Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định. Sử Trung Quốc gọi là Phật Thệ (Phật Thành) (hay Tân Châu, Đại Châu). Thời kỳ này được chia làm 3 giai đoạn. + Giai đoạn thống nhất và phát triển (XI – XIII) + Giai đoạn phát triển thịnh đạt (XIII – giữa thế kỉ XIV) + Giai đoạn khủng hoảng (cuối thế kỉ XIV - 1471) Sự phát triển đỉnh cao dưới hai vương triều: Sin-ha-var-man III (1265-1277) (In-dra-var-man, 1277-1285) Sin-ha-var-man V (sử gọi là Chế Mân, 1285-1307). Hai vị vua này đã lãnh đạo nhân dân Cham-pa tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thắng lợi. Đồng thời, Cham-pa tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phía Tây, bao gồm cả một phần cao nguyên Trường Sơn, làm chủ cả vùng ven biển Đông. Sự phát triển hùng mạnh được duy trì đến giai đoạn vua Po Binasor, hiệu là Chế Bồng Nga, đã 4 lần đem quân tấn công thẳng vào kinh đô Đại Việt. Trong cuộc tấn công ra Thăng Long lần thứ 4 (1390), Chế Bồng Nga bị tướng ta là Trần Khát Chân giết chết. Từ đó trở đi, Chiêm Thành ngày càng bị thu hẹp lãnh thổ xuống phía nam. Sau trận chiến năm 1471 của vua Lê Thánh Tông thì nhà nước Chiêm Thành đã suy yếu đến mức gần như không còn được nhắc đến trong sử sách. 3. Thời kì khủng hoảng và suy vong (sau 1471) Do nền tảng kinh tế thiếu vững chắc cộng với các cuộc chiến tranh hao người tốn của với Đại Việt, Cam-pu-chia, lãnh thổ Cham-pa từ sau thế kỉ XI ngày càng bị thu hẹp. Thế kỉ XI, Cham-pa cắt ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) cho nhà Lý. Thế kỉ XIV, để xin cưới công chúa Huyền Trân, vua Chế Mân đã dâng cho nhà Trần là hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên). Thời Hồ, Cham-pa phải cắt 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Biên giới Cham-pa lùi vào Bình Định. Năm 1471, Cham-pa gây hấn với Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông đã thân chinh đánh dẹp, đẩy biên giới Cham-pa lùi về phía nam đèo Cả (Phú Yên). Năm 1653, chúa Nguyễn đã lệnh Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp và lập trấn Thuận Thành. Sự tồn tại của Vương quốc Cham-pa đến đây về cơ bản chấm dứt, tuy nhiên, chúa Nguyễn và giai đoạn đầu nhà Nguyễn vẫn cho phép Cham-pa thực hiện cơ chế tự trị trên phạm vi Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay. Đến năm 1832, cuộc cải cách của vua Minh Mạng xác lập đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước đã đổi trấn Thuận Thành thành tỉnh Bình Thuận. Từ đó, Cham-pa trở thành một bộ phận thống nhất, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. 4. Nguyên nhân suy vong của Chămpa + Địa bàn của quốc gia Cham-pa cổ là duyên hải hẹp dọc miền Trung. Trong buổi đầu, nó là cơ sở kinh tế - xã hội quan trọng để thành lập vương quốc cổ. Nhưng về sau, địa bàn này gây khó khăn trở ngại cho sự phát triển trình độ sản xuất và đời sống kinh tế của Vương quốc Cham-pa, làm cho cư dân Cham-pa ngày càng lạc hậu đi trong phát triển sản xuất. Vương quốc này cũng không vượt qua cái khung dân số cần thiết để tự nó đáp ứng với bối cảnh của mình. Như vậy, Cham-pa thiếu một cơ sở kinh tế vững chắc cho sự tồn tại của quốc gia thống nhất. + Trong lịch sử Cham-pa, tình trạng chia rẽ, tản quyền phổ biến trong nội bộ vương quốc đã làm cho đất nước tự suy yếu đi rất nhiều. Đó có thể coi là “tấn bi kịch chính trị” của nhà nước Cham-pa. + Đường lối sai lầm, nhất là trong chính sách đối nội - đối ngoại của các vương triều Cham-pa. Đây là điểm chủ yếu quyết định vận mệnh của Cham-pa. Trong 10 thế kỉ đầu, khi còn sung sức, còn khả năng thuận lợi để phát triển thì lại dồn mọi cố gắng đất tranh vùng đất phía Bắc trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Trong các thế kỉ XI – XII lại ra sức đối địch với 2 vương quốc mạnh – Đại Việt và Cam-pu-chia phát triển cực thịnh. Hành động này đã phung phí sức mạnh quốc gia, gây tổn hại không sao bù đắp được, làm cho đất nước kiệt quệ và suy sụp nhanh chóng. Sự xuất hiện của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong như một sự tình cờ của lịch sử song lại hoàn toàn tất yếu. Đang trên đà phát triển và có xu hướng mở rộng lãnh thổ vào Nam để tạo thành thế đối chọi với chính quyền Đàng Ngoài, trong khi triều đình mạt kỳ Cham-pa lại duy trì một thái độ kỳ thị, luôn luôn chống đối, chúa Nguyễn buộc phải gạt bỏ những rào cản cuối cùng trên con đường Nam tiến của mình. Năm 1653, quốc gia Cham-pa chính thức trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam với tên gọi trấn Thuận Thành, nhưng các vua Cham-pa còn được quyền tự trị cho đến trước 1832, sau cải cách hành chính của Minh Mạng. Như vậy, quá trình hình thành và suy vong của vương quốc Chămpa trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Chămpa được xem là một trong những vương quốc cổ đại ra đời sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình thành lập này nó đã tiếp thu văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc trong đó chủ yếu là văn hóa Ấn Độ. Trong quá trình đó người ta thấy Chămpa liên tục gây xung đột và có xu hướng mở rộng lãnh thổ lên phía Bắc. Tuy nhiên cuối cũng Chămpa cũng bị sáp nhật vào lãnh thổ Việt Nam như một tất yếu. III. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA CỦA VƯƠNG QUỐC CHĂM – PA. 1. Chính trị: a. Tổ chức bộ máy nhà nước: Lâm Ấp khi mới thành lập, sau một quá trình lệ thuộc vào nhà Hán nên cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến cách thức tổ chức chính quyền phong kiến sau khi giành độc lập. Trong đó: uy quyền lớn nhất thuộc về nhà vua, tên vua thường gắn với tên một vị thần. Nhà vua thường đội mũ cao, viền hoa vàng, có tua lông bằng lụa. Mỗi lần vua đi đâu thường ngồi kiệu vải mềm, có giá gỗ cho 4 người khiêng. Nhân dân thấy vua phải quỳ xuống, song quan lại yết kiến vua chỉ phải vái mà thôi. Dưới vua có 2 chức quan lớn là Tây – na – bà – đế tức người đứng đầu hàng ngũ quan võ và Tát – bà – địa – ca có lẽ là người đứng đầu quan văn. Dưới nữa là thuộc quan, trong số này có 8 viên quan lại cao cấp. Dưới thời Vijaya, hệ thống quan lại của Chămpa hoàn thiện hơn: bên cạnh vua có Phó vương và Thứ vương, do anh hoặc em vua đảm trách; trông coi mọi việc ở các miền vẫn là 8 viên quan lại lớn, mỗi miền 2 vị. ngoài ra còn có trên 50 văn lại các cấp đảm nhiệm công việc cai trị và thu thuế, 12 viên chức giữ kho đụn, 50 viên quan coi việc quân. Ngoài ra còn có các tăng lữ Bàlamon đảm nhiệm những chức sắc cao cấp về tôn giáo. Các quan chức đều không có lương mà do nhân dân cung cấp các thức chi dùng. b. Hệ thống hành chính: bao gồm nhiều đơn vị hành chính lớn, nhỏ khác nhau. Do lịch sử Chăm – pa là lịch sử của những biến động nên sự sắp xếp những đơn vị hành chính cũng có nhiều xáo trộn. Dưới thời Vijaya cả vương quốc Chămpa được chia làm 4 quận, cả nước có 38 châu lớn nhỏ, có hơn 100 thôn lạc, mỗi thôn có từ 300 đến 500 hộ, bên cạnh thôn lạc cũng đặt huyện, trấn. c. Quân đội và luật pháp: Để đảm bảo quyền thống trị, vua Chămpa thường duy trì một đạo quân thường trực đông đảo, nhất là dưới thời vua Chế Bồng Nga. Quân đội thường trực đông đến 4, 5 vạn người, Chế Bồng Nga có một đội thân binh 5000 người lúc nào cũng kề cận ông ta. Quân đội Chămpa gồm đầy đủ các binh chủng: bộ binh, tượng binh, kị binh, và thủy binh. Binh sĩ được nhà vua cấp cho lương thực, quần áo, trang bị vũ khí là lao, kích, nỏ, mũi tên bằng tre có tẩm thuốc độc. Ngoài ra, các vua còn lấy sức xây đắp hệ thống thành lũy đồ sộ và rải rác tại nhiều nơi – Trà Bàn (An Nhơn – Bình Định) là thành quan trọng nhất. Về luật pháp, trong lịch sử Cham-pa, không hề thấy có bóng dáng của luật pháp hay thể chế. Nhà vua cai trị đất nước bằng uy quyền của thần linh, bằng lòng tin và sự bảo hộ của thánh thần. Điều này chứng tỏ các quan hệ xã hội trong xã hội Chăm – pa còn khá đơn giản. d. Ngoại giao: Với Trung Quốc: tác động của Trung Quốc đối với Cham-pa yếu ớt hơn so với Đại Việt và Cam-pu-chia, vì vậy, Cham-pa thường dùng con đường ngoại giao hoà bình, hàng năm vẫn cho người đem sản vật quý cống nạp cho vương triều phương Bắc. Tuy nhiên nó vẫn luôn ẩn chứa những xung đột giữa một bên muốn đô hộ và một bên vừa muốn độc lập vừa muốn mở rộng lãnh thổ. Với Cam-pu-chia: khi thân thiện khi đánh nhau (nhất là trong giai đoạn 1113-1220 gây tổn hại nghiêm trọng đến tiềm lực quốc gia) Với Đại Việt: tương đối phức tạp: không ít lần liên kết, hỗ trợ nhau, là đồng minh của nhau trong chiến trận. Nhưng cũng không ít lần hai bên giao chiến khốc liệt. Trong mối quan hệ giữa Đại Việt và Chăm – pa, vấn đề ranh giới lãnh thổ luôn là vấn đề nóng bỏng trong từng giai đoạn lịch sử. Qua nhiều con đường khác nhau: hôn nhân – hòa bình, chiến tranh – xung đột, bên cạnh đó còn có con đường thứ ba thể hiện rõ nhất từ thời Trần – Hồ là sự kết hợp giữa dân Việt và Chăm trong quá trình khai phá những vùng đất mới, từng bước đã sáp nhập lãnh thổ của Chăm – pa trở thành một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt. 2. Kinh tế: a. Nông nghiệp: là hoạt động kinh tế chính của cư dân Chăm – pa, họ sớm biết đến việc trồng nhiều loại lúa khác nhau. Ruộng cấy 2 mùa: mùa thu trồng lúa trắng, mùa xuân trồng lúa đỏ. Ngoài ra ở những vùng cao, họ còn trồng bắp, đậu, mè và các loại khoai, bầu, bí...Bên cạnh làm ruộng, người Chăm còn làm vườn, đánh cá, khai thác lâm thổ sản, đặc biệt họ còn làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. b. Thủ công nghiệp: cư dân Chămpa đã làm các nghề khai thác vàng, sản xuất muối, làm đồ gốm, dệt, nhuộm vải...Bên cạnh nghề thủ công nổi tiếng như nghề gốm, trạm khắc..., các nghề thủ công khác của Chămpa cũng rất phát triển. Người Chămpa có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đãi, nấu, đúc và khảm vàng. Về nghề dệt: kỹ thuật dệt của người Chăm rất tinh xảo, họ sử dụng các loại tơ tằm, sợi bông...để dệt lên những tấm vải hoặc thổ cẩm đầy hoa văn và hình ảnh. Người Chăm đã biết lợi dụng ánh sáng mặt trời để phát triển nghề sản xuất muối... c. Thương nghiệp: Việc trao đổi kinh tế - văn hoá với thế giới hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương trong lịch sử Cham-pa luôn luôn được đẩy mạnh. Bờ biển miền Trung nổi tiếng với những cảng thị từng được ghi vào hải đồ của nhiều thương nhân Ấn Độ, Trung Hoa, A-rập như cảng Hội An (Quảng Nam) và Thị Nại (Bình Định). Đây là nơi cập bến bắt buộc của mọi tàu thuyền trên đường thương mại Ấn Độ - Trung Quốc để tránh giống bão, san hô đá ngầm đồng thời mua nước ngọt và lương thực dự trữ. Hơn nữa, do Cham-pa có rất nhiều sản vật quý như đồ gốm, công cụ đồng, sắt, hương liệu, đặc biệt là gỗ trầm, gỗ kỳ nam…nên trong suốt thời gian tồn tại của mình, nhất là trong giai đoạn từ X – XV, Cham-pa đã giữ vai trò như một đầu mối, một trung tâm thương mại liên vùng. Người Chăm làm chủ cả vùng biển Đông, thậm chí còn đại diện cho cả Phi-lip-pin trong quan hệ ngoại giao và buôn bán với Trung Quốc. 3. Xã hội: 3.1. Cơ cấu xã hội Xã hội Cham-pa cho tới thế kỉ XVII phân hoá chưa rõ ràng: Quý tộc: hình thành từ vương triều Đồng Dương, nhưng không rõ nét. Quý tộc Cham-pa có sự hoà trộn kết hợp chặt chẽ giữa quan chức và các nhà tu hành. Chủ yếu là nông dân làm ruộng, giữ vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm những nhu cầu căn bản của vương quốc, sống trong các công xã – làng (gra-ma). Nô lệ cũng có vai trò rất quan trọng. Nô lệ có nguồn gốc từ tội phạm, tù binh chiến tranh hay do buôn bán. Nô lệ chỉ phục vụ triều đình và quý tộc, nhất là phục vụ trong các đền miếu. 3.2. Quan hệ xã hội Xã hội Chăm còn lưu giữ những dấu vết của quan hệ cộng đồng cổ xưa đi liền với chế độ mẫu hệ đậm nét. Chế độ mẫu hệ hiện nay vẫn tồn tại ở người Chăm miền Trung. Tuy đàn ông thực tế đóng vai trò to lớn trong cuộc sống nhưng chủ gia đình luôn là người đàn bà cao tuổi. Phong tục Chăm qui định con gái theo họ mẹ. Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, đặc biệt người con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ già nên được phần chia tài sản lớn hơn các chị. Xã hội Chăm thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng Ấn Độ. Nhưng sau đó, thương nhân và tu sĩ Ấn Độ bắt đầu giao tiếp dần với người Chăm, truyền cho giới quí tộc địa phương văn minh, văn hóa của họ, và luôn cả cách thức tổ chức xã hội. 4. Văn hóa 4. 1. Chữ viết Tiếp thu chữ Phạn - Ấn Độ, người Chăm đã sáng tạo ra chữ viết riêng của mình đó là hệ thống chữ Chăm cổ để ghi chép tiếng nói của mình gồm 16 nguyên âm, 31 phụ âm, khoảng 32 dấu âm sắc và chính tả, lần đầu tiên xuất hiện trên minh văn Đông Yên Châu thế kỷ IV. Đến thế kỷ XV, người Chăm cải tiến chữ Chăm cổ thành những nét thoáng đạt hơn, được sử dụng đến ngày nay. 4.2 Kiến trúc, điêu khắc Chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là Hin đu giáo. - Kiến trúc Chămpa là lối xây đền tháp bằng gạch có trang trí thêm những bức phù điêu, lá nhĩ, trụ đá...Tháp thường có hình vuông với một cửa chính và 3 cửa giả ở 3 mặt kia. Các cửa đều có trang trí vòm cuốn với hình thức hoa văn phong phú, đường nét khỏe khoắn, mỗi thời một kiểu. Hình tháp thường có 3 tầng, càng lên cao càng nhỏ lại, mỗi tầng mô phỏng vòm cuốn của tầng dưới. Trên chóp tháp là một khối đá nhọn. Kiến trúc Chămpa có các phong cách như phong cách Mỹ Sơn E1, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định. - Điêu khắc: trong thời kỳ đầu, hầu hết các tượng trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa đều là tượng thần, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể tìm thấy ở đó tính chất hiện thực, sinh động, tươi tắn và duyên dáng ví như tượng thần Parvati thuộc thế kỷ VIII trông rất giống người con gái bình thường, tươi tắn với nụ cười mỉm, nét mặt thanh tú của người Nam Á và bộ tóc tết kiểu Chăm độc đáo chẳng thua kém gì những pho tượng bán thân nổi tiếng thế giới hay tượng vũ nữ Apsara Trà Kiệu... Dưới thời kỳ Vijaya, đó là những bức tượng tròn và các loại phù điêu trang trí trên thân tháp và bệ thờ. Từng tượng có vẻ như muốn nở tung ra, bứt khỏi giới hạn của kiến trúc. Vào giai đoạn cuối, kiến trúc cũng như điêu khắc Chăm trở nên khô khắt, bướng bỉnh, đánh mất sự truyền cảm say đắm của thời kỳ đầu. Điều đó thể hiện kìm hãm, cạn sức sống và suy tàn của nền văn hóa này. 4.3 Tôn giáo, tín ngưỡng Thời kỳ đầu lập quốc quý tộc Chămpa đã tiếp thu và sử dụng ngay hệ thống thần quyền của Ấn Độ qua sự truyền bá của các tu sĩ, thương nhân Ấn Độ đến đây. Họ tôn thờ các thần sơ khai của người Ấn, đứng đầu là thần Indra – vị thần chủ của các thần, tiếp theo là thần Brama, thần Visnu, thần Siva, có cả đạo Phật phái Đại thừa. Hàng loạt đền miếu, tự viện Phật giáo, tượng thần bằng đá, bằng đồng và cả bằng vàng được tạo lập chiếm vị trí trung tâm, trang trọng trên lãnh thổ của vương quốc. Tín ngưỡng: cư dân Chămpa đã gắn liền và hơn nữa còn đồng nhất tổ tiên với các vị thần nào đó để thờ cúng và sùng kính. Sự sùng kính đó thân thiết và sâu sắc đến nỗi người ta cảm thấy dường như các hình thức tôn giáo chỉ là cái vỏ, và cái vỏ nào cũng được, còn cái ruột, cái thực chất lắng đọng chính là tình cảm đối với tổ tiên. 4.4. Phong tục – tập quán: Người Chăm rất lễ phép, gặp nhau thường chắp tay vái lạy hay cúi đầu chào. Họ cũng có tục ăn trầu và nhuộm răng đen như người Việt. Trong thư tịch cổ Việt Nam, Trung Hoa và cả trong văn bia Chăm đã ghi chép về tang lễ, người ta hỏa thiêu thi hài người chết, rồi vứt tro xương vụn xuống sông, suối, sau khi xếp mấy mảnh xương sọ vào trong hộp klong bằng vàng, đồng hay đất nung, cất chỗ kín một thời gian, vài năm rồi mới mang về nhà. Người phụ nữ có vai trò quan trọng đối với đời sống gia đình, cộng đồng và trong sản xuất. Trong lễ cưới, người con gái đóng vai trò chủ động, vào ngày cưới một thầy Bàlamôn dắt chàng rể đến gặp cô dâu. Ở đây quan hệ huyết thống tính theo dòng họ mẹ. KẾT LUẬN Như vậy, trên cơ sở những tìm hiểu ban đầu về vương quốc Chămpa, có thể thấy rằng, cư dân Chăm – pa đã tạo lập cho đất nước mình một nền văn minh đặc sắc với khả năng sáng tạo tuyệt vời. Tuy thời gian tồn tại của vương quốc này không dài nhưng đã có một vị thế quan trọng trong khu vực, khi sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đa dang, là một bộ phận không thể thiếu của văn minh Đại Việt. Vấn đề đặt ra sau khi nghiên cứu về vương quốc Chăm – pa là vì sao nói quá trình sáp nhập Chăm – pa vào Đại Việt là quá trình hội nhập tất yếu của lịch sử? Và sự giao lưu văn hóa Đại Việt – Chămpa thể hiện như thế nào? MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docV431416NG QU7888C CH258M PA.doc