Tiểu luận Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975

LỜI MỞ ĐẦU Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn VN cần được nhìn nhận trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô. Ở tầm vĩ mô, yếu tố kỳ ảo thể hiện một quan niệm mới của các nhà văn về thế giới, là sự mở rộng và chiếm lĩnh hiện thực hết sức sinh động. Còn ở tầm vi mô, yếu tố kỳ ảo chính là các hình thức nghệ thuật cụ thể như: đối thoại tâm linh, cổ tích hóa, liêu trai hóa, tôn giáo hóa, huyền thoại hóa . Sau 1975, đặc biệt là sau năm 1986, đời sống văn học VN có nhiều thay đổi. Trong bức tranh chung ấy, chúng ta rất dễ nhận ra sự khởi sắc của thể loại truyện ngắn. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã nhận ra xu hướng vận động mới. Nguyên Ngọc từng hồ hởi nhận định “vài ba năm trở lại đây chúng ta được mùa truyện ngắn”; Hoàng Minh Tường thì nhiệt tình khẳng định “ Chưa bao giờ truyện ngắn lại tung phá và biến ảo như thời kỳ này” [1]. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, các tác giả văn học thời kỳ này cũng có ý thức đổi mới trên bình diện nghệ thuật. “Nếu theo dõi các cuộc thi truyện ngắn gần đây sẽ thấy xu hướng nổi rõ - đa số các cây bút trẻ được người đọc ái mộ thường viết kiểu hiện thực huyền ảo”[2]. Yếu tố kỳ ảo được đưa vào trong văn học khá dày đặc, trở thành một “dòng” riêng với những tên tuổi như: Võ Thị Hảo, Lưu Sơn Minh, Hòa Vang, Phạm Hải Vân, Nguyễn Huy Thiệp Như vậy, tìm hiểu yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn VN từ các phương diện quan niệm, hình thức nghệ thuật và xu hướng vận động là vấn đề có ý nghĩa. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đã có khoảng lùi cần thiết 30 năm. Đó là khoảng thời gian đủ để đưa ra những nhận định có tính tổng kết về vấn đề khá mới mẻ trong đời sống văn học như Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại.

doc18 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2269 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn VN hiện đại từ sau 1975 Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn VN cần được nhìn nhận trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô. Ở tầm vĩ mô, yếu tố kỳ ảo thể hiện một quan niệm mới của các nhà văn về thế giới, là sự mở rộng và chiếm lĩnh hiện thực hết sức sinh động. Còn ở tầm vi mô, yếu tố kỳ ảo chính là các hình thức nghệ thuật cụ thể như: đối thoại tâm linh, cổ tích hóa, liêu trai hóa, tôn giáo hóa, huyền thoại hóa... Sau 1975, đặc biệt là sau năm 1986, đời sống văn học VN có nhiều thay đổi. Trong bức tranh chung ấy, chúng ta rất dễ nhận ra sự khởi sắc của thể loại truyện ngắn. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã nhận ra xu hướng vận động mới. Nguyên Ngọc từng hồ hởi nhận định “vài ba năm trở lại đây chúng ta được mùa truyện ngắn”; Hoàng Minh Tường thì nhiệt tình khẳng định “ Chưa bao giờ truyện ngắn lại tung phá và biến ảo như thời kỳ này” [1]. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, các tác giả văn học thời kỳ này cũng có ý thức đổi mới trên bình diện nghệ thuật. “Nếu theo dõi các cuộc thi truyện ngắn gần đây sẽ thấy xu hướng nổi rõ - đa số các cây bút trẻ được người đọc ái mộ thường viết kiểu hiện thực huyền ảo”[2]. Yếu tố kỳ ảo được đưa vào trong văn học khá dày đặc, trở thành một “dòng” riêng với những tên tuổi như: Võ Thị Hảo, Lưu Sơn Minh, Hòa Vang, Phạm Hải Vân, Nguyễn Huy Thiệp… Như vậy, tìm hiểu yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn VN từ các phương diện quan niệm, hình thức nghệ thuật và xu hướng vận động là vấn đề có ý nghĩa. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đã có khoảng lùi cần thiết 30 năm. Đó là khoảng thời gian đủ để đưa ra những nhận định có tính tổng kết về vấn đề khá mới mẻ trong đời sống văn học như Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Thực ra, yếu tố kỳ ảo đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử văn học nhân loại. Có lẽ, trong các tác phẩm văn học dân gian cổ đại, yếu tố kỳ ảo đã có mặt, phản ánh nhận thức còn “ngây thơ”, niềm tin lý tưởng của người cổ đại về thế giới. Yếu tố kỳ ảo thành một dòng chảy liên tục trong dòng chung của lịch sử văn học nhân loại từ thời cổ đại, qua trung đại đến cận đại. Tuy chưa bao giờ đứt đoạn, nhưng tần số xuất hiện, ý nghĩa biểu hiện, quan niệm về cái kỳ ảo ở mỗi thời kỳ lại khác nhau. Do đó, yếu tố kỳ ảo cũng bắt nguồn từ những tiền đề, cơ sở tâm lý, xã hội nhất định. Những yếu tố này có tác động trở lại với quan niệm về cái kỳ ảo của người cầm bút và diện mạo của nó trong nền văn học ở từng quốc gia. Cơ sở tâm lý của yếu tố kỳ ảo xuất phát từ tưởng tượng của con người. “Giai đoạn đầu tiên và thứ nhất của tưởng tượng phải kể là tưởng tượng hoang đường”[3]. Như vậy, yếu tố kỳ ảo không phải là cái gì hư vô bên ngoài con người mà nó được bắt nguồn từ chính thế giới tưởng tượng, tinh thần, thế giới nội tâm bí ẩn của con người. Nhưng rõ ràng, sự thể hiện yếu tố kỳ ảo trong văn học mỗi thời kỳ lại không giống nhau. Nó bị chi phối bởi bầu tâm lý xã hội đương thời. Do vậy, yếu tố kỳ ảo cũng bắt nguồn từ những tiền đề xã hội nhất định. Yếu tố kỳ ảo gắn chặt với tâm lý lo sợ của con người về những gì không lý giải được hoặc không được phép lý giải. Yếu tố kỳ ảo thời cổ đại chỉ là sự huyễn tưởng thế giới thực tại mà con người hiểu theo trí tưởng tượng ngây thơ chất phác nguyên thủy. Nhưng, ngay cả với con người thời hiện đại, thế giới tự nhiên vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật mà giới hạn con người chưa thể đạt đến để lý giải nó “cái biết của con người càng lớn lên bao nhiêu thì cái chưa biết của nó cũng lớn lên bấy nhiêu” [4]. Mặt khác, yếu tố kỳ ảo còn được sử dụng để phản ánh thái độ của con người về những ẩn ức xã hội, những điều kiêng kị trong xã hội không được phép nói đến. Một trong những mục đích của việc sử dụng yếu tố kỳ ảo chính là để “thoả mãn cái lý tưởng đạo đức đang mâu thuẫn với một môi trường xã hội nhất định” [5]. Về khái niệm, tên gọi của yếu tố kỳ ảo cũng chưa thật thống nhất. Mỗi người lại đưa ra cách hiểu khác nhau. Xuất phát từ những tiền đề về tâm lý, xã hội, chúng tôi cho rằng cái kỳ ảo chính là sản phẩm của trí tưởng tượng, là phương thức tư duy nghệ thuật được biểu hiện bằng những năng lực, yếu tố có tính siêu nhiên, nằm ngoài tư duy lý tính của con người. Nó tham gia vào sự phát triển của cốt truyện và tạo nên những phản ứng nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ, hay nói cách khác, nó tạo nên những cú “sốc” về tâm lý, nhận thức, làm xuất hiện những dấu hỏi về nguồn gốc xuất hiện. Yếu tố kỳ ảo không hoà tan vào các dạng thức khác của tưởng tượng, không bao gồm biện pháp nhân hóa. Như vậy, việc xuất hiện trở lại của yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại đã cho thấy sự đổi mới thực sự của văn học trên nhiều bình diện. Trước hết, đó là sự mở rộng đề tài phản ánh của văn học. Bởi lẽ, cả một thời gian dài 30 năm từ 1945 đến 1975, nền văn học của chúng ta phục vụ cho nhiệm vụ trọng đại nhất của dân tộc lúc bấy giờ là tuyên truyền, vận động và cổ vũ cho cuộc kháng chiến vệ quốc. Đề tài được ưu tiên số một lúc bấy giờ là cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân chống lại kẻ thù. Văn học tập trung xây dựng những con người điển hình của thời đại mới. Tất cả hướng về cuộc sống chung, những tình cảm lớn như tình đồng chí, tình quân dân “Còn gì đẹp trên đời hơn thế / Người với người sống để yêu nhau”(Tố Hữu). Vì thế, những tiếng nói cá nhân, những tâm tư nguyện vọng của cá nhân chưa được văn học quan tâm phản ánh đúng mức. Tính chất bất thường của thời chiến cũng phản ánh đầy đủ vào diện mạo của nền văn học. Các thể loại có quy mô lớn như sử thi, tiểu thuyết dài tập cũng phát triển khá mạnh. Nhưng kể từ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, những vấn đề rộng lớn, những tình cảm lớn thuộc về một thời đã dần nhường chỗ cho những vấn đề về số phận cá nhân. Những tiếng nói riêng đã dần trở thành tâm điểm chú ý của văn học. Đề tài của văn học không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà đã chuyển dần sang địa hạt tâm linh, những trăn trở uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người - đặc biệt là những số phận vừa đi qua cuộc chiến. Những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người không tự lý giải được bằng hình thức suy lý một thời là những nhân tố quyết định hướng các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kỳ ảo. Yếu tố kỳ ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu” con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy. Bên cạnh đó, yếu tố kỳ ảo cũng cho thấy sự bứt phá của các nhà văn ra khỏi lối viết được xem là “khuôn vàng thước ngọc” một thời. Tác động của các trào lưu văn học thế giới như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn của chúng ta giai đoạn này. Sự xuất hiện ngày một nhiều trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975 chính là dấu hiện đổi mới, những nỗ lực cách tân nghệ thuật không thể phủ nhận của các nhà văn hiện đại giai đoạn từ khoảng sau 1986 đến năm 2000. Nguyễn Huy Thiệp được xem là nhà văn sử dụng yếu tố kỳ ảo sớm nhất giai đoạn sau Đổi mới (1989). Viết về cái kỳ ảo, sau Nguyễn Huy Thiệp là hàng loạt cây bút có tên tuổi như Võ Thị Hảo, Lưu Sơn Minh, Quế Hương, Phạm Hải Vân, Hòa Vang. Bên cạnh những cây bút quen thuộc đó còn xuất hiện các gương mặt mới như Nguyễn Thị Ấm, Minh Thu, Huy Nam, thậm chí cả những cây bút nghiệp dư như Văn Như Cương cũng tỏ ra mặn mà với yếu tố kỳ ảo. Như vậy, yếu tố kỳ ảo thực sự là nhu cầu của con người trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX trong việc phản ánh đời sống khách quan và đời sống tinh thần, tâm linh của con người thời hiện đại. Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại thể hiện quan niệm của nhà văn tập trung ở một số phương diện như: Quan niệm của con người về thế giới đa chiều và con người tâm linh; quan niệm về sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá trị chân thiện mỹ; cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý. Thông qua yếu tố kỳ ảo, các nhà văn bộc lộ quan niệm về một thế giới đa chiều. Thế giới đa chiều là thế giới ở đó tồn tại song song những yếu tố khả giải - bất khả giải, duy lý - phi lý, tất nhiên - ngẫu nhiên. Thế giới ấy không được nhìn nhận một cách an nhiên như trước mà đã đầy nỗi niềm khắc khoải âu lo. Nếu như ở giai đoạn trước, thế giới được nhìn nhận với con mắt lạc quan đầy tin tưởng, con người luôn tin vào ý chí, sức mạnh và những quy luật đã chiếm lĩnh được, thì giờ đây, con người nhận ra rằng thế giới vẫn mang trong mình nó nhiều điều bí ẩn, những điều con người chưa thể biết trước và đầy bất trắc. Những điều đó thuộc về cái ngẫu nhiên. Nó là một khả năng có thể đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng có khi lại là nỗi đau, niềm bất hạnh và những tấn bi kịch. Nàng Bua trong Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp và người họa sĩ trong Bức tranh thiếu nữ áo lục của Quế Hương là những ví dụ tiêu biểu. Nàng Bua trở thành “người giàu nhất bản, nhất Mường” từ sau khi ngẫu nhiên đào được một chum đầy vàng bạc. Nàng trở thành người đàn bà hạnh phúc “khi lấy một người thợ săn hiền lành, góa bụa và không con cái”. Nhưng sự giàu có ấy đã không mang lại cho nàng hạnh phúc trọn vẹn. Nàng đã chết khi trở dạ đẻ giữa “đống chăn mềm ấm áp”. Cũng như vậy, bi kịch của người họa sĩ trong Bức tranh thiếu nữ áo lục lại bắt đầu từ lúc “vị cứu tinh” tình cờ xuất hiện. “Anh ta đến chỉ tình cờ núp mưa và chợt rùng mình trước bức tranh ế ẩm của người họa sĩ vô danh (…). Vốn sống bằng nghề môi giới tranh, anh ta đánh hơi thấy mình sẽ được gì từ cái gallery thưa thớt mấy người này. Anh ta trở lại với một trùm buôn tranh với tầm cỡ quốc tế, đặc biệt sính tranh Á Đông (…). Từ đó, cuộc sống của ông không còn yên ổn nữa. Tiền bạc, danh vọng ùa vào nhà ông như một lũ xâm lăng. Chúng làm mất quân bình mọi cái, khuân đi mọi cái, thay đổi mọi cái. Ngay cả ông cũng không nhận ra vợ con, bạn bè mình. Họ đẹp ra, sang ra, thân tình hết mực nhưng… hoàn toàn xa lạ”. Qua quan niệm về cái ngẫu nhiên trong cuộc đời, các nhà văn có xu hướng muốn đối thoại với quan niệm một thời về thế giới, sự tồn tại và con người. Thế giới được nhìn nhận dưới sự chuyển hóa của những mặt đối lập họa - phúc, ngẫu nhiên - tất nhiên, may - rủi… Cuộc sống vì thế được soi chiếu đa diện, sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, thế giới đa chiều còn là thế giới bí ẩn của tâm linh. Thế giới tâm linh trước đây ít được đề cập hoặc gán cho nó cái mác duy tâm thì nay đang được nhìn nhận một cách nghiêm túc, chín chắn hơn. Con người hiện đại đã phải thừa nhận nó như một phần không thể tách rời của cuộc sống con người. Thế giới tâm linh được biểu hiện trước hết qua niềm tin vào sự tồn tại thế giới siêu nhiên bên trên con người: “Hình như có một đấng chí tôn nào đó cầm tay dắt tôi đi qua hết cái khổ cái nhục vô cùng của những đời người, những kiếp người” (Tính chất kỳ lạ của con người - Nguyễn Minh Châu) hay “Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt ở bên trên tôi kia, đang chuyển vần rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận” (Thương nhớ đồng quê - Nguyễn Huy Thiệp). Mặt khác, thế giới tâm linh còn được thể hiện qua những biến động tinh tế diễn ra trong tâm hồn người. Thế giới ấy tồn tại cả chiều không gian thứ tư: không gian tâm trạng. Trong không gian tâm trạng đó xuất hiện con người tâm linh với những dằn vặt, đổ vỡ. Đó là sự dằn vặt tâm hồn vì sự xa rời chuẩn mực đạo đức, ăn năn vì những lỗi lầm trong quá khứ (Nạn dịch, Muối của rừng, Chiếc tù và bị bỏ quên của Nguyễn Huy Thiệp, Hoa đại trắng của Đức Ban, Tiếng rừng của Hiền Phương…). Con người tâm linh cũng được bộc lộ qua sự linh cảm những mối quan hệ linh ứng không thể giải thích được. Linh cảm sợ hãi của người mẹ trong Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp chính là một phần biểu hiện của con người tâm linh. “… Khoảng gần trưa, thấy ở đường Năm có đám đông kêu la khóc lóc đang chạy. Mẹ tôi tự dưng ngã chúi xuống ruộng, thất thanh gọi tôi. (…).Tôi và chị Ngữ sợ hãi, tưởng mẹ tôi trúng gió. Mẹ tôi mặt tái đi, tay giơ tới trước mặt như sờ nắn ai. Mẹ tôi gọi: “Nhâm ơi Nhâm! Sao em Minh con máu me đầy người thế này?”. Chị Ngữ lay mẹ tôi: “U ơi u, sao u nói gở thế?”. Có mấy người từ đám đông trên đường Năm bỗng chạy tách ra băng qua đồng. Có ai đó gào to thảm thiết (…). Anh Ngọc (…) chạy ở phía trước. Anh nói không ra hơi, tôi nghe loáng thoáng, chỉ biết rằng cái Minh em tôi và cái Mị, con dì Lưu đèo nhau đi học về qua ngã ba thì bị ô tô chở cột điện cán chết…” Rõ ràng là, bằng việc khám phá và thể hiện thế giới đa chiều và con người tâm linh, các nhà văn sau 1975 đã xây dựng một kiểu mô hình nhân vật gần gũi hơn, thực hơn trong văn học. Con người thời kỳ này đã được đặt ra ngoài “bầu không khí vô trùng vốn có”, bước dè dặt, vừa đi vừa vấp ngã trước một thế giới đa chiều đầy biến ảo. Con người phải đối diện với chính mình, với số phận của mình với tư cách là một con người riêng lẻ, không nhân danh ai, không dựa vào ai. Nhận thức về thế giới khách quan và nhận thức thế giới tâm linh trở thành một nhu cầu không thể thiếu của con người. Đó là cách tiếp cận hết sức biện chứng về thế giới, mang lại cái nhìn không đơn giản xuôi chiều về cuộc đời và con người - những điều vốn hết sức “đa sự” và phức tạp. Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại còn là sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá trị chân - thiện - mỹ. Yếu tố kỳ ảo trước hết là tiếng chuông cảnh tỉnh con người về sự đổ vỡ những giá trị đạo đức truyền thống, tập trung tô đậm tình cảnh tha hóa sâu sắc của con người thời hiện đại. Giấc ngủ nơi trần thế của Nguyễn Thị Ấm tố cáo sự lạnh lùng vô cảm của con người, Hồn trinh nữ của Võ Thị Hảo, Cứu tinh của Hồ Anh Thái nói về sự tàn nhẫn vô lương, Thợ may của Phạm Hải Vân lại bàn về lòng tham cố hữu của con người… Cái ác qua yếu tố kỳ ảo được thể hiện dưới nhiều hình thức hết sức đa dạng. Có khi nó là sự thể hiện mặc cảm phụ bạc và con người tâm linh sám hối như trong Hoa đại trắng của Đức Ban (Bông hoa đại như có mối liên hệ với người vợ đã bị chồng phụ bạc, ruồng rẫy để theo nhân tình mới). Cũng có khi đó là thói nghiện ngập, đam mê thái quá đến mức bệnh hoạn như trong Điếu cày của Phạm Hải Vân. Như vậy, bằng việc hữu hình hóa cái ác qua yếu tố kỳ ảo, các cây bút viết truyện ngắn sau 1975 đã thể hiện nỗi lo âu khắc khoải về sự suy mòn của nhân tính, của đạo lý truyền thống. Giữa lúc giá trị đạo đức bị tấn công từ nhiều phía, ở hiền chưa chắc đã gặp lành, con người tìm đến yếu tố kỳ ảo để tìm đến một giải pháp thăng bằng tâm linh giữa xã hội đầy biến động. Mặc dù truyện ngắn sau 1975 có xu hướng nghiêng nhiều về cảm hứng khai thác, khám phá mặt trái đời sống con người, nói như Vũ Quần Phương “trước mải mê với cái cao cả, nay say sưa với cái thấp hèn…”, thì đây đó vẫn ánh lên cái nhìn đầy bao dung độ lượng, vẫn le lói niềm tin bất diệt vào bản tính tốt đẹp của con người, khẳng định sức sống lâu bền của những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Tiệc xòe vui nhất của Nguyễn Huy Thiệp là sự khẳng định, ngợi ca lòng trung thực của con người, là thiên tính “đáng quý và khó kiếm nhất” hơn cả sự dũng cảm, khôn ngoan và giàu có của người đời. Hạnh của Nguyễn Minh Dậu là niềm tin vào quy luật nhân quả, tin vào sự bất diệt và trường cửu của lương tri, của lòng tốt và vị tha. Hoa chanh cuối vụ của Văn Như Cương cũng là câu chuyện ấm áp, ẩn chứa cái nhìn đầy nhân hậu về cuộc đời, làm sáng lên niềm tin vào con người cả trong những hoàn cảnh trắc trở, bất hạnh. Chi tiết kỳ ảo bàn tay đứa bé bị quắp bẩm sinh “từ từ nở ra như năm cánh hoa. Giữa bàn tay trắng hồng là một nụ hoa chanh còn tươi nguyên và cũng đang từ từ xòe cánh”. Bàn tay ấy đã cứu được người mẹ hồi sinh, là niềm tin của tác giả vào “phép lạ thường ngày”, lẽ công bằng và sự bồi hoàn đền đáp của số phận. Trong khi đó, Bức tranh thiếu nữ áo lục của Quế Hương và Nhân gian của Hoa Ngõ Hạnh lại thể hiện sự nâng niu, đề cao cái Đẹp giữa cuộc đời trần thế. Bi kịch lặp lại bị thả trôi sông của bốn ông Cầm, Kỳ, Thi, Họa khi kết duyên cùng nàng Bảo Trân có sắc đẹp khuynh thành chính là sự gắn kết không thể chia cắt của tài và sắc, tài với tình trong cõi nhân gian. Cái đẹp vẫn tồn tại, cứu rỗi tâm linh con người, vượt lên trên những khổ đau hệ lụy của đời sống dù cho nhiều khi nó cũng phải trải qua lắm nỗi truân chuyên. Thế giới vẫn được xây dựng trên lòng trung thực, khát vọng công lý và vẻ đẹp trường tồn. Tóm lại, việc tiếp cận con người ở hai chiều tốt - xấu là sự dằn lòng bứt phá đầy đau đớn của con người khi vươn tới những khát vọng chân chính. Điều đó phản ánh phạm vi hiện thực đời sống đã được mở rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, văn học đã áp sát hơn với đời sống “Đời sống được phản ánh một cách gân guốc sống động, thậm chí không hề né tránh cả những mảng tối nhất. Người đọc sửng sốt và kinh ngạc, hả hê và phẫn nộ. Thì ra, văn chương không phải chỉ là một thứ trang sức” (Hoàng Minh Tường). Hơn thế, truyện ngắn Việt Nam hiện đại còn là lời nhắc nhở con người cần có thái độ ứng xử chừng mực, phù hợp hơn. Làm cho ghê sợ trước cái ác chính là đích hướng thiện của truyện ngắn sử dụng yếu tố kỳ ảo trong giai đoạn sau 1975. Yếu tố kỳ ảo không chỉ biểu hiện quan niệm về thế giới đa chiều và con người tâm linh, sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về Chân - Thiện - Mỹ mà còn thể hiện cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý. Có thể khẳng định không quá lời rằng chính nhu cầu nhận thức lại thực tại trên tất cả các phương diện đã là một trong những động lực mạnh mẽ đưa nhà văn đến với cái kỳ ảo. Những vấn đề về nhân sinh, về kiếp người ở cấp độ tư tưởng, triết lý cũng được bàn luận. Những vấn đề nhạy cảm này luôn thuộc về phần “ẩn ức xã hội”, những điều cấm kị ít được nói đến. Vì thế, yếu tố kỳ ảo chính là phương tiện tuyệt diệu để các nhà văn đề cập đến điều đó một cách cởi mở và dân chủ hơn. Trước hết, đó là cảm hứng nhận thức về ý nghĩa, giá trị sự sống của con người. Mượn nhân vật Đường Tăng, tác giả Trương Quốc Dũng đã cho người đọc ngộ ra được chân lý vừa cao siêu lại vừa giản đơn: muốn giải thoát cho con người, trước hết anh phải là người, là người với ý nghĩa đầy đủ, chân xác nhất của nó. Đường Tăng không thể đạt được mục đích cao cả ban đầu vì “trên đường thỉnh kinh cứu rỗi người đời, ông dần xa lạ với con người. Và khi đã không còn là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người”. Điều này cho ta hiểu vì sao khi Thiên sứ chỉ cho Đường Tăng nhìn thấy xác phàm của mình đang trôi dạt dưới cầu mà mắt ông ta lại “vô hồn”! Cũng mượn hình thức “giả cổ” kiểu Tây Du Ký, Hòa Vang đã cố công nhận thức lại chính Con Người, bản chất Người qua cuộc tuyển “thiên sứ”. Những kết luận gây choáng váng được nhà văn đưa ra hết sức quyết liệt: “Nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của con người. Gồng gánh suốt đời là thuộc tính thứ hai của con người. Đau đớn thay, có thể ăn thịt người khi đói khát, cùng cực cũng là một thuộc tính của con người…”. Tác giả đã làm cho người đọc nhận thức được mặt trái, hạn chế của con người đồng thời cũng thể hiện dấu hiệu tự nhận thức cá nhân trong văn học hiện nay. Tình yêu trần thế cũng là đề tài “hấp dẫn” cảm hứng triết lý của nhà văn. Triệu Huấn qua Yêu pháp đã thừa nhận “tình yêu thắng hận thù, làm lu mờ đạo pháp và tiêu tan thói tham quyền hiếu chức”. Nhưng cũng có khi đó là sự chiêm nghiệm cay đắng “Yêu là yêu còn lấy là một chuyện khác hẳn (…). Yêu mà không lấy, lấy mà không yêu. (…) Yêu rồi lại bỏ. Đó là quy luật của tình yêu hiện đại” hay “Bây giờ người ta không lấy nhau vì tình yêu nữa đâu. Đơn giản là anh đẹp trai thì tôi yêu, anh nhiều tiền thì tôi lấy. Tội gì không tận hưởng cuộc sống lúc còn đang trẻ trung, kẻo sau này hối chẳng kịp…”, Tính triết lý mạnh mẽ đã tạo nên tiếng nói đa thanh trong quan niệm nhân sinh của truyện ngắn hiện đại. Tính triết lý cho phép con người có cái nhìn biện chứng hơn, thấu triệt hơn về cuộc sống. Cảm hứng triết luận về người phụ nữ và số phận của họ cũng được truyện ngắn sau 1975 chú ý khai thác. Võ Thị Hảo qua chùm truyện Tim vỡ, Nàng tiên xanh xao, Hành trang người đàn bà Âu Lạc tỏ ra đặc biệt hứng thú với đề tài này. Dựa vào cảnh ngộ những người phụ nữ mang nỗi đau của “cả giới đàn bà”, Võ Thị Hảo tìm ra những quy luật nghiệt ngã của đời người phụ nữ “Ôi! Khốn khổ! Khốn khổ cho đàn bà! Kiếp người ngắn ngủi, mà các người thì suốt đời đuổi theo những cao siêu mây gió” (Tim vỡ) hay “Ôi! Đàn bà! Đàn bà muôn đời vẫn vậy, vẫn không thoát ra khỏi dây xích của sự nhẹ dạ…” (Nàng tiên xanh xao). Qua việc tô đạm nỗi thống khổ và bất hạnh, Võ Thị Hảo làm bật lên phẩm chất bao dung độ lượng của người phụ nữ. Hành trang người đàn bà Âu Lạc là tiếng nói chống lại tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong xã hội, là sự giãi bày nỗi khổ của người phụ nữ thời hiện đại. Gánh nặng ấy không giảm bớt mà ngày một “đầy thêm những mỹ từ ca ngợi đàn bà. Và mỗi mỹ từ lại óc ách đầy những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của đàn bà, những sợi tóc bạc, những vệt nhăn nheo trước tuổi”. Tính triết lý còn thể hiện ở cảm hứng nhận thức lại thực tại. Giờ đây, con người không dễ dàng chấp nhận một chiều giản đơn. Những điều xưa nay vốn phải chấp nhận như những tiền đề tất nhiên phải vậy thì nay cũng được đem ra bàn lại. Những quan niệm nhận thức lại đôi khi cho chúng ta những phát hiện thú vị, mới lạ về những điều vốn quen thuộc. Ví dụ trong Sự tích những ngày đẹp trời, Hòa Vang đã dựng lên cuộc gặp gỡ muộn mằn giữa Mị Nương và Thủy Tinh. Chứng minh rằng Thủy Tinh vô tội và yêu rất hết mình, rất đáng thương, tác giả đã thể hiện quan điểm chống lại sự bảo thủ trong suy nghĩ, những tư tưởng bảo thủ như “những triền đê che chắn bình yên một thời nhưng cũng che khuất tầm mắt một thời”. Cảm hứng nhận thức lại cũng được thể hiện rõ trong sự dằn vặt của Đường Tăng trước khi lên cõi Phật. Đường Tăng hiện lên hết sức trần thế, thậm chí đôi lúc vị kỷ, tính toán “mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài”. Những phát hiện thực sự gây sốc mà cũng hết sức thấm thía! Như vậy, yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam cần được nhìn nhận trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô. Ở tầm vĩ mô, yếu tố kỳ ảo thể hiện một quan niệm mới của các nhà văn về thế giới, là sự mở rộng và chiếm lĩnh hiện thực hết sức sinh động. Còn ở tầm vi mô, yếu tố kỳ ảo chính là các hình thức nghệ thuật cụ thể như: đối thoại tâm linh, giấc mơ, cổ tích hóa, liêu trai hóa, tôn giáo hóa, huyền thoại hóa… Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn này vừa mang những nét chung của cái kỳ ảo Phương Đông vừa mang nét riêng phản ánh bầu không khí thời đại. Yếu tố kỳ ảo giai đoạn này đã có sự phát triển một bậc so với hình thức kỳ ảo truyền thống. Nó không đơn thuần là hình thức chuyển tải các vấn đề đạo đức theo kiểu “thưởng thiện, phạt ác” của ông Bụt, bà Tiên, nó còn là sự sợ hãi, trăn trở của con người nhân tính, khát vọng, tự do, dân chủ thấm đẫm tinh thần thời đại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi dân tộc ta vừa bước qua một biến cố lịch sử to lớn: cuộc chiến tranh vệ quốc. Yếu tố kỳ ảo là ước mơ, khát vọng của con người bấy lâu bị đè nén, hoặc chưa có dịp bộc lộ. Vì thế mà nó trở thành một xu hướng khá rộng, xuất hiện ở nhiều nơi và trong sáng tác của nhiều nhà văn. Nhưng, cũng như bất kỳ một xu hướng văn học nào, yếu tố kỳ ảo gần như đã kết thúc trọn vẹn vai trò lịch sử của nó. Manh nha từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, phát triển mạnh ở thập niên 90 rồi thoái trào ở những năm đầu thế kỷ XXI. Nói như thế không phải là sự biến mất hẳn của yếu tố kỳ ảo trong văn học. Người ta vẫn thấy bóng dáng của nó trong Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Nhưng rõ ràng, yếu tố kỳ ảo ở đây không có gì bứt phá hơn, mới hơn giai đoạn trước đó. Dường như nó nằm trọn trong phạm vi truyền thống của cái kỳ ảo khi nói về các vấn đề đạo đức, xã hội. Sự thoái trào của yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam đương đại có thể được lý giải từ nhiều nguyên nhân. Một là, sang đầu thế kỷ XXI, vấn đề về niềm tin, lý tưởng, đạo đức xã hội không còn bức thiết như khoảng thời gian đầu sau chiến tranh. Bên cạnh đó, nhu cầu đào sâu tìm hiểu con người cá nhân, con người bản thể đang trở thành tâm điểm chú ý của nền văn học. Vì thế, dễ nhận thấy, văn học đương đại đang quan tâm nhiều đến sự giải phóng cái tôi cá nhân, con người cá nhân tự do và hiện sinh. Chủ đề giới tính xuất hiện ngày càng nhiều trong văn học với rất nhiều tên tuổi như Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… Đây thực sự là vấn đề lớn cần nhiều thời gian xem xét và có sức vẫy gọi rất lớn với những ai tâm huyết muốn tìm hiểu. Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian VN Châu Minh Hùng Trong thực tế, quan điểm quần chúng có khi thống nhất với quan điểm chính thống (khi triều đại tiến bộ phù hợp với lòng dân) và nhiều khi đối lập (khi bản chất của triều đại hay hiện tượng nảy sinh của nó trái với lòng dân). Trường hợp thống nhất, truyền thuyết rất gần với chính sử. 1. Truyền thuyết dân gian thường được xem là “lịch sử của thời tiền sử”, ”dã sử ” hay “lịch sử hoang đường” [5]. Thói quen trong cách nhìn nhận ấy đã dẫn đến những nhầm lẫn nghiêm trọng về mặt khoa học. Cái gọi là “tiền sử” hay “dã sử” là một cách đối lập về phương diện lịch đại so với lịch sử chính thống. Trong khi, về mặt sự kiện, nhiều truyền thuyết vẫn tồn tại đồng đại với chính sử. Còn về sự ra đời, bao giờ truyền thuyết cũng đi sau chính sử. Phải có một độ lùi về mặt thời gian rất xa mới có truyền thuyết. Sử gia viết lịch sử ở thì hiện tại hay quá khứ gần, còn quần chúng chỉ xây dựng truyền thuyết ở chuyện “ngày xửa ngày xưa”, quá khứ đã hoàn thành qua mấy lớp sương mù của thời gian [2]. Khi xem truyền thuyết là “lịch sử hoang đường”, chúng ta tưởng chừng đã yên tâm về mặt thi pháp, tư duy thẩm mỹ của một thể loại văn học đặc thù [3], [6], nhưng rốt cuộc vẫn phải băn khoăn vì ngay trong chính sử của thời phong kiến lại có đầy những nhân tố thần linh, quỷ quái. Lịch sử bao giờ cũng mang sắc màu huyền thoại như một tất yếu trong thế giới tinh thần của nhân loại. Theo Lévi-Strauss, đó là cấu trúc tư duy chung của con người ở các thời đại, chỉ khác nhau ở cách nhìn, cách biểu đạt mà thôi. Yếu tố hoang đường chẳng bao giờ là hoang đường mà chẳng qua là một phương tiện biểu đạt của tư tưởng [4]. Cần phải thấy truyền thuyết dân gian là sản phẩm của dân gian, một cách huyền thoại hoá lịch sử trên tinh thần quan điểm quần chúng. 2.1. Ít có nhà viết sử như Tư Mã Thiên nhìn lịch sử bằng quan điểm quần chúng. Nhà viết sử đầy bản lĩnh ấy sẵn sàng chịu nhục hình để sống mà viết nên những trang sử thấm đẫm tinh thần quần chúng. Sử kí của ông là bộ sưu tập huyền thoại dân gian đúng hơn là lịch sử trong con mắt của sử quan. Thường áp lực hay sự nô dịch bởi chính trị làm cho sự thực của lịch sử trong trang viết của sử gia ít nhiều bị xuyên tạc hoặc nguỵ trang kín đáo. Không phải vô cớ mà Aristote nói “thơ thật hơn lịch sử” [1]. Lịch sử có những vùng mờ mà chính truyền thuyết với tư duy nghệ thuật qua cái nhìn tự do, dân chủ của quần chúng đã làm sáng tỏ những vùng mờ tối ấy bằng những cách biểu đạt tinh tế. Cái “hoang đường” mà ta quen gọi cho truyền thuyết thực chất lại chân thực hơn những điều tưởng chừng sáng rõ trong chính sử. Trong thực tế, quan điểm quần chúng có khi thống nhất với quan điểm chính thống (khi triều đại tiến bộ phù hợp với lòng dân) và nhiều khi đối lập (khi bản chất của triều đại hay hiện tượng nảy sinh của nó trái với lòng dân). Trường hợp thống nhất, truyền thuyết rất gần với chính sử. Những truyền thuyết về thời đại vua Hùng, truyền thuyết Nguyên Phong thời Lý - Trần, truyền thuyết Lam Sơn [3]… xét về quan điểm không khác với chính sử. Cho nên, nhiều bộ sử lớn của dân tộc ta và nhân loại đôi lúc cũng dùng truyền thuyết dân gian xen vào trang viết của mình. Ở Việt Nam, có trường hợp chuyển truyền thuyết dân gian thành truyền kỳ như một thứ bổ túc cho lịch sử chính thống bằng cách sửa đổi môt số tình tiết cho phù hợp với thể chế triều đại như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, hay Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ… Tuy nhiên, chính trường hợp đối lập mới là điều dễ thấy nhất về quan điểm quần chúng trong truyền thuyết so với chính sử. Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam thể hiện rất rõ ở lập trường lợi ích quần chúng đối lập với tầng lớp quý tộc phong kiến. Quần chúng xây dựng truyền thuyết như viết lịch sử cho chính mình đúng hơn là ngợi ca một triều đại. Trong điều kiện chế độ chưa có tự do dân chủ thì hiển nhiên những tư tưởng nổi loạn phải tìm cho mình một hình thức biểu đạt kín đáo, tinh tế. Chính những hình ảnh, hình tượng đa nghĩa làm cho truyền thuyết trở thành một thứ lịch sử mang hình thức nghệ thuật. 2.2. Chủ nghĩa Mac - Lênin khẳng định, quần chúng là lực lượng làm nên lịch sử. Lịch sử chính thống đề cao vai trò cá nhân, trong khi đó truyền thuyết xem nhân vật lịch sử là nhân tố kết tinh từ sức mạnh quần chúng. Tư tưởng này có cả một hệ thống trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Ở Việt Nam, từ truyền thuyết thời đại vua Hùng đến truyền thuyết thời Trần hay thời Lê sau này, theo chúng tôi, quần chúng mới là nhân vật chính chứ không phải các ông vua ở các thời đại ấy. Truyền thuyết về tứ bất tử (Thánh Gióng, Tản Viên, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh) và những đứa con của Lạc Long Quân trong các đền thờ thành hoàng ở các làng Việt cổ là những thần tượng kết tinh từ đời sống tinh thần quần chúng. Truyền thuyết Nguyên Phong hiển hiện hàng loạt anh hùng xuất thân từ nhân dân như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Lê Phụ Trần… Rõ nhất là các truyền thuyết Lam Sơn, vai trò Lê Lợi chỉ rõ nét khi Lê Lợi chưa ngồi ở ngai vàng, còn nhân vật chính lại là những con người bình dị như Hồ Ly phu nhân, nàng Ri Thạch Thành, bà Hoa Nương ở đất Hội Hiền… [3]. Những con người ấy, lịch sử có thể ghi công hoặc lãng quên, nhưng đối với dân gian mãi mãi là những linh hồn bất tử. Không nên giới hạn lịch sử ở công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mà cần nhìn lịch sử ở những phương diện quan trọng khác như lịch sử văn hoá, lịch sử xây dựng đất nước. Chính những truyền thuyết Trầu cau, Bánh chưng bánh dày, Quả dưa đỏ… đã tạo nên những nền tảng lịch sử đầu tiên của dân tộc. Câu chuyện tình yêu - tình nghĩa trong một gia đình lao động bình dị đã sáng tạo ra biểu tượng trầu cau trong phong tục hôn nhân và văn hoá giao tiếp của người Việt. Hoàng tử Lang Liêu không dùng cao lương mỹ vị của cung đình mà biết tận dụng cơm gạo bình dị của nhân dân để làm nên những chiếc bánh tượng trưng cho cả đất trời, nhân gian này để dâng vua. An Tiêm từ chối lộc vua với câu nói bất hủ “của cho là của nợ”, điều mà Nguyễn Trãi sau này tự răn mình: “lưng khôn uốn, lộc nên từ”. Lao động từ chính bàn tay của mình và niềm vinh quang mà An Tiêm có quyền được kiêu hãnh hơn là sống vinh thân phì gia ở cung đình. Theo chúng tôi, hiền sĩ đất Việt thường tìm về quần chúng để giữ gìn khí tiết hơn là ẩn dật với thiên nhiên như hiền sĩ phương Bắc. Quan điểm quần chúng thể hiện sâu sắc nhất ở một số truyền thuyết lớn ở Việt Nam. Đó là những truyền thuyết đánh giặc giữ nước. Chiến tranh xâm lược làm cho lịch sử đất nước này trải qua bao đau thương, gánh nặng lịch sử bao giờ cũng đè lên sự sống của quần chúng. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết Thánh Gióng, khi đất nước lâm nguy, không thấy quan lại nào đứng ra gánh vác mà sứ mệnh lịch sử lại đặt lên vai một đứa bé chưa biết nói cười. Không biết ai đã lập nên cái đền thờ Phù Đổng với cách gọi Thiên Vương hay Thiên Tử cho Gióng. Trong truyền thuyết, nguồn gốc và cả cái tên Gióng rất dân dã. Sự xuất hiện của bàn chân khổng lồ trên đồng ruộng không phải xác lập cái ngôi thiên tử cho Gióng mà chỉ là một biểu tượng cho sự hoà hợp giữa đất và trời, giữa thần linh và người mẹ nông dân đã cho ra đời một anh hùng quần chúng. Gióng thầm lặng như cái bản nhiên của người lao động, chỉ nói một câu “xin đi đánh giặc”. “Gióng ăn ba nong cơm bảy nong cà” với bao công sức gom góp từ quần chúng. Gióng đánh giặc xong bay về trời. Về trời không chỉ mang nghĩa là về với cõi bất tử mà còn mang nghĩa về với cõi hư không. Cả đánh giặc lẫn bay về trời đều nhằm mục đích tránh hiểm hoạ cho dân. Bởi cái to lớn khổng lồ của Gióng là cái hùng, cái cao cả của thời chiến nhưng cũng có thể là cái bi hay cái hài khi cuộc chiến đã đi qua, theo cách nói của Mac. Gióng là lẽ sống hồn nhiên vô tư của người lao động. Cái “hoang đường” trong truyền thuyết chẳng bao giờ là hoang đường mà luôn đứng trên đôi chân của hiện thực. Mâu thuẫn thường gặp trong nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam lại tập trung ở hai truyền thuyết nổi tiếng: An DươngVương và Sự tích Hồ Hoàn Kiếm. Mặc dù đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mac - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng các nhà nghiên cứu folklore vẫn đề cao vai trò cá nhân của An Dương Vương và Lê Lợi mà gần như không nói đến vai trò lịch sử của quần chúng [3], [5], [6]. Ảnh hưởng của chính sử thường làm ta quên mất nguyên bản của truyền thuyết. Có thể xem đây là hai truyền thuyết có tính liên hoàn vì sự xuất hiện của nhân vật Thần Kim Quy. Lưu ý đây không phải là nhân vật chức năng như ông Bụt, bà Tiên trong cổ tích mà được loại hình hoá như là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Bởi lẽ, chính Thần Kim Quy đóng vai trò chủ đạo về tấn kịch của lịch sử chứ không phải hai ông vua có thực kia. Con Rùa vốn hiền lành chậm chạp trong đời sống hoang dã đã từng đi vào nhiều chuyện dân gian với sự kiên trì và trí tuệ. Phải chăng đây là một cách huyền thoại hoá tinh thần quần chúng. Quần chúng đã hoá thân sức mạnh tinh thần của mình bằng một biểu tượng mang tính văn hoá lịch sử đậm nét. Gọi là truyền thuyết An Dương Vương vì ta quen thần tượng hoá vai trò lịch sử của cá nhân. Còn sự thực trong dân gian, truyền thuyết này còn mang nhiều tên gọi khác: Thần Kim Quy, Chiếc nỏ thần, Sự tích thành Cổ Loa, Sự tích ngọc trai - giếng nước, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Trong các trang chính sử sau này khi viết lại thời tiền sử ấy, chế độ phong kiến đề cao vai trò của An Dương Vương là điều dễ hiểu. Song, nguyên tác cái truyền thuyết này đâu có đề cao An Dương Vương. An Dương Vương có ý tưởng xây thành Cổ Loa nhưng “thành xây lên sụp xuống mãi không xong”. Bọn yêu tinh, ma quỷ trong câu chuyện chỉ có thể là cách nói kín đáo, ám chỉ sự tham nhũng ranh ma của lũ gian thần. Thành Cổ Loa hùng vĩ, gương mặt Âu Lạc sáng ngời một thời rõ ràng được xây dựng từ xương máu và trí tuệ của nhân dân. Nhân dân đã hư cấu nên vị Thần Kim Quy biểu đạt cho lý tưởng của chính mình: trí tuệ thông minh và trái tim bao dung độ lượng. Dùng nỏ thần trừ ma quỷ và đánh giặc là trí tuệ. Mở biển rẽ nước cứu thoát An Dương Vương là lượng hải hà bao dung. Cá nhân thường mắc phải sai lầm và thiển cận là tất yếu. Nước mất nhà tan là sai lầm của An Dương Vương về ý thức chính trị: mất cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ thù. Hiểu câu nói của Thần Kim Quy: "giặc ở sau lưng nhà vua đấy" chính là Mỵ Châu là một cái nhìn thiển cận. Việc An Dương Vương chém đầu con gái của chính mình và cầm sừng tê giác bảy tấc (xem như báu vật của quốc gia) đi xuống biển có thể xem là “hào hùng” chăng [5], hay chỉ là một hành vi chạy trốn trách nhiệm của giới cầm quyền. Rốt cuộc nỗi đau nước mất nhà tan vẫn thuộc về quần chúng. Quần chúng hóa giải bi kịch của mình bằng chuyện tình yêu “ngọc trai, giếng nước” để đối lập với chiến tranh thù địch. Vẫn trên tinh thần quan điểm quần chúng, hình tượng thần Kim Quy lại sáng lên một lần nữa ở truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm. Thay bằng chiếc nỏ thần là thanh gươm quý Thần Kim Quy trao cho Lê Lợi. Chiếc nỏ thần ngày xưa để mãi trong tay An Dương Vương có ngày rơi vào tay giặc, bây giờ thanh gươm quý trong tay Lê Lợi giết giặc xong biết đâu lại giết hại công thần. Tính chất hai mặt lợi - hại của vũ khí chiến tranh là câu chuyện muôn thuở của nhân loại. Quần chúng đã hoá giải cái bi kịch ấy bằng ý niệm về sự trả gươm. Nguyên bản truyền thuyết, Lê Lợi không phải tự giác trả gươm mà Rùa Vàng đòi gươm, Lê Lợi rút gươm chém Rùa Vàng, thanh gươm rơi xuống và Rùa Vàng mang thanh gươm lặn xuống nước. Cái bi của lịch sử được thay thế thành cái hài trong cái nhìn lạc quan của quần chúng. Nhân dân đã thanh lọc bi kịch của lịch sử bằng một nụ cười vừa nhẹ nhàng vừa thâm thuý như thế. 3. Khi nói về lịch sử, chúng ta coi trọng về tư liệu lịch sử mà chưa chú ý đúng mức cái hồn của lịch sử. Vì thế mà ở mỗi chúng ta có một thói quen tin vào chính sử hơn là truyền thuyết. Với tính chất truyền miệng, truyền thuyết là thứ lịch sử viết bằng bia miệng, không thể cụ thể hoá minh bạch sự kiện, không gian, thời gian lịch sử như chính sử mà chỉ kết tinh cái hồn của lịch sử qua những hình ảnh, hình tượng mang tính biểu trưng. Hồn lịch sử là hồn của một dân tộc. Yếu tố hoang đường trong truyền thuyết cần được nhìn nhận ở góc độ ấy. Nó chân thực hơn những sự kiện tưởng chừng minh bạch trong chính sử vì nó là sản phẩm tinh thần dân chủ. Nó cũng chẳng phải là kiểu nhận thức ấu trĩ ngây thơ về lịch sử mà rất thâm thuý sâu sắc bởi sự kết tinh của kinh nghiệm thực tiễn. "Viên ngọc quý" mà Hồ Chí Minh nói trong sáng tác dân gian lâu nay ẩn tàng trong truyền thuyết cần được mài sáng hơn nữa.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docVHDOCS 49.doc