Khẳng định chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng chỉ có thể và đã thực sự xuất hiện trong bối cảnh của nền văn minh công nghiệp hoá đã hình thành ở phương Tây nửa đầu thế kỷ XIX, trong bài viết này, xuất phát từ quan niệm duy vật về lịch sử và lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội với tư cách hạt nhân của học thuyết Mác, tác giả đã đưa ra và luận giải mối quan hệ giữa triết học Mác và nền văn minh công nghiệp hoá.
11 trang |
Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 1868 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Triết học Mác và nên văn minh công nghiệp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRIẾT HỌC MÁC VÀ NỀN VĂN MINH CÔNG NGHIỆP
ĐỖ MINH HỢP (*)
Khẳng định chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng chỉ có
thể và đã thực sự xuất hiện trong bối cảnh của nền văn minh công
nghiệp hoá đã hình thành ở phương Tây nửa đầu thế kỷ XIX, trong
bài viết này, xuất phát từ quan niệm duy vật về lịch sử và lý thuyết
hình thái kinh tế – xã hội với tư cách hạt nhân của học thuyết Mác,
tác giả đã đưa ra và luận giải mối quan hệ giữa triết học Mác và
nền văn minh công nghiệp hoá. Từ sự luận giải đó, tác giả đã đi đến
kết luận: Khi xây dựng lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội, C.Mác đã
đưa ra những đặc trưng và giá trị sâu xa của loại hình phát triển
văn minh này vào quan niệm của ông về tiến trình phát triển của lịch
sử nhân loại trong tương lai.
Có thể nói, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay đối với giới
triết học chúng ta là vấn đề số phận của chủ nghĩa Mác trong bối
cảnh đang diễn ra các xu hướng phát triển mới của nền văn minh thế
giới đã hình thành cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Nhiều phương diện của vấn đề này sẽ còn gây ra những cuộc tranh
luận gay gắt. Hoàn toàn không có tham vọng đưa ra câu trả lời dứt
khoát cho vấn đề phức tạp và hệ trọng này, trong bài viết này, chúng
tôi chỉ muốn phác họa một số cách tiếp cận với việc giải quyết nó.
Trước hết, cần phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa Mác nói chung, triết
học Mác nói riêng chỉ có thể và đã thực sự xuất hiện trong bối cảnh
nền văn minh công nghiệp đã hình thành ở phương Tây do có những
biến đổi căn bản của các nền văn hóa tồn tại trước nó.
Vốn đặc trưng cho nền văn minh công nghiệp, do những đổi mới về
công nghệ, về kỹ thuật trong lĩnh vực hoạt động sản xuất và các lĩnh
vực khác, sự biến đổi thường xuyên của quan hệ xã hội và nếp sống
đã hình thành một phương hướng phát triển cùng với sự định hướng
rõ nét vào tương lai. Cùng với đó, sự phát triển văn hoá trong xã hội
công nghiệp cũng đưa ra một sự định hướng tương tự: những điều
tốt đẹp hơn còn ở phía trước, trong tương lai. “Tiến bộ” trong sự
phát triển văn hóa này đã được đánh giá một cách tích cực, còn “lý
tưởng về tiến bộ” bắt đầu giữ một trong những vị trí tối cao trên
thước đo giá trị của nền văn minh công nghiệp. Một cái gì đó tương
tự như vậy đã không thể có trong xã hội truyền thống. Tư tưởng về
tiến bộ với tư cách một giá trị cũng không thể có trong xã hội truyền
thống. Những chuyển biến xã hội nhằm cải biến truyền thống thường
bị đánh giá một cách tiêu cực. Tư tưởng về tiến bộ xã hội và cải tạo
cách mạng với tư cách cuộc vận động hướng đến một trật tự xã hội
tốt đẹp trong tương lai chỉ có thể phát triển trong bản tính sâu xa của
nền văn minh công nghiệp. Học thuyết Mác về tiến bộ xã hội và về
chủ nghĩa cộng sản đã hình thành chính trong điều kiện như vậy.
Hạt nhân của học thuyết Mác là quan niệm duy vật về lịch sử và lý
thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Mỗi bộ phận cấu thành đó đều gắn
liền với những quy định về mặt thế giới quan của nền văn minh công
nghiệp, đều đã xuất hiện với tư cách khái quát hoá thực tiễn xã hội
và tiến trình lịch sử của nền văn minh ấy.
Tác động mang tính quyết định của sự phát triển kỹ thuật, công nghệ
sản xuất đến mọi mặt của đời sống xã hội đã thể hiện rõ ở giai đoạn
phát triển công nghiệp. Làm xuất hiện nền sản xuất đại cơ khí, cuộc
cách mạng công nghiệp đã cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa phát
triển sản xuất và những biến đổi trong cơ cấu xã hội của xã hội.
Cùng với đó, một quan niệm đặc biệt về mối liên hệ giữa con người
với kỹ thuật, một cách lý giải mới về bản thân sự tiến hóa của con
người đã xuất hiện ở thời đại cách mạng công nghiệp, bắt đầu từ
nước Anh giữa thế kỷ XVIII, sau đó lan sang tất cả các nước Tây Âu
và Bắc Mỹ.
Trong bối cảnh đó, nhà tư tưởng người Mỹ - B.Franklin quan niệm
con người là động vật biết chế tạo ra công cụ. Còn nhà triết học
người Mỹ khác - R.Emerson và nhà khoa học, triết học người Đức -
E.Kapp (người đương thời với C.Mác) đã phát triển tư tưởng về
công cụ và phương tiện hoạt động như là các cơ quan đặc biệt của
con người và như là sự kế tục và tăng cường thể xác của con người.
Mặc dù, tư tưởng này dưới hình thức chung, đã được đưa ra ngay từ
trong triết học Cổ đại (Aristotle), song việc nghiên cứu nó một cách
có hệ thống đã dẫn tới một quan niệm mới về quan hệ của con người
với giới tự nhiên xung quanh con người. E.Kapp lý giải môi trường
tự nhiên này như là sự “ngoại hóa” thể xác con người, như sự biểu
hiện các cơ quan của con người và những chức năng của chúng. Và,
khi chuyển dịch một cách hình ảnh công nghệ và kỹ thuật sản xuất
sang tất cả mọi lĩnh vực hoạt động sống của con người, ông đã lý
giải đạo đức, pháp luật, nhà nước, v.v. như là các công nghệ đặc
biệt.
Những thành tựu hiện thực của cách mạng công nghiệp và lối sống
mà nó sinh ra đã dẫn tới quan niệm về con người như một thực thể
kỹ thuật, thực thể cải tạo thế giới. Quan niệm về con người với tư cách
chủ thể sáng tạo lịch sử, thực thể cải tạo thế giới đã được C.Mác phát
triển trong Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844 và các tác phẩm khác
của ông những năm 40 và 50 của thế kỷ XIX. Đến lượt mình, tư tưởng
nhân học triết học này đã trở thành một trong những cơ sở quan trọng
nhất để C.Mác xây dựng quan niệm duy vật về lịch sử.
C.Mác đã xem xét tồn tại vật chất – thể xác của con người không chỉ
là sự hoạt động và tái sản xuất tổ chức sinh học của con người, mà
còn là sự tái sản xuất và phát triển thành quả sáng tạo của con người
– “giới tự nhiên thứ hai”, hệ quả trung gian hóa sự thích nghi của
con người với môi trường tự nhiên xung quanh. Coi “giới tự nhiên
thứ hai” là “giới tự nhiên tinh thần vô cơ của con người, là món ăn
tinh thần mà con người phải chuẩn bị trước rồi mới có thể thưởng
thức và tiêu hoá được” và “đó cũng là một bộ phận của đời sống con
người”, C.Mác khẳng định: “Giới tự nhiên – cụ thể là cái giới tự
nhiên trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con
người – là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới
tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người,
thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường
xuyên giao tiếp để tồn tại”(1). Và, khi kế thừa, tiếp thu truyền thống
lý giải sự tồn tại vật chất của con người như sự sống của thể xác
(“con người là một bộ phận của giới tự nhiên”), ngay lập tức, C.Mác
nhận xét rằng, không nên quy thể xác này về thành tố sinh học, vì nó
còn bao hàm cả “thân thể vô cơ” với tư cách thành tố thứ hai của thể
xác con người. Rằng, khi đó, trong tồn tại vật chất của mình, con
người thể hiện ra là một hệ thống. Sự tồn tại của nó nhất thiết phải
có sự trao đổi vật chất giữa con người với môi trường tự nhiên và
bản thân quá trình trao đổi này cũng đã không còn là một quá trình
sinh học thuần tuý, nó là một quá trình xã hội cần thiết cho sự phát
triển “thân thể vô cơ” của con người - đó chính là quá trình sản xuất
ra của cải vật chất. Đây là một điểm mới trong quan điểm nhân học
triết học của C.Mác.
Tương tự như quá trình thích nghi của động vật với môi trường được
thực hiện thông qua sự cải biến cơ thể của chúng (hình thành các cơ
quan mới và các chức năng mới của chúng trong quá trình biến dị và
chọn lọc tự nhiên), sự thích nghi của con người với môi trường tự
nhiên cũng đòi hỏi phải cải biến và phát triển tổ chức cơ thể của con
người. Nhưng, bản thân tổ chức này là đa cấu trúc, bao hàm hai tiểu
hệ thống: cơ thể sinh học và “thân thể vô cơ”. Khác với động vật,
con người ngày càng làm chủ những điều kiện mới của tồn tại tự
nhiên không phải nhờ thường xuyên cải biến và làm phức tạp thêm
tổ chức sinh học của mình, mà nhờ phát minh ra những sản phẩm
nhân tạo mới và hình thành “giới tự nhiên thứ hai”, giới tự nhiên
“hiện thực của con người” – giới tự nhiên “nhân bản chân chính”,
“sinh thành trong lịch sử loài người”, “trong hành vi xuất hiện của
xã hội loài người”(2). Rốt cuộc, sự tiến hóa sinh học chuyển biến
thành một loại hình phát triển mới về chất – lịch sử xã hội của loài
người. Về điều này, C.Mác viết: “Toàn bộ lịch sử là sự chuẩn bị để
“con người” trở thành đối tượng của ý thức cảm tính và để nhu cầu
“của con người với tư cách là con người” trở thành nhu cầu [tự
nhiên, cảm tính]. Bản thân lịch sử là một bộ phận hiện thực của lịch
sử tự nhiên, của sự sinh thành của tự nhiên bởi con người”(3). Có
thể nói, đây lại là một điểm mới nữa của C.Mác trong quan điểm
nhân học triết học về sự phát triển của xã hội loài người.
Tư tưởng then chốt của chủ nghĩa Mác đã được hình thành như vậy.
Theo đó, sản xuất ra của cải vật chất và phát triển tư liệu sản xuất
(với tư cách thành tố cơ bản trong hệ thống các “cơ quan nhân tạo”
của con người) được quan niệm là nhân tố chủ yếu của lịch sử nhân
loại. Không chỉ thế, việc triển khai tư tưởng này còn được kích thích
bởi quan niệm đặc trưng cho nền văn hóa của thời đại công nghiệp –
đó là quan niệm về con người với tư cách thực thể cải tạo tự nhiên,
về hoạt động chủ yếu với tư cách sự tác động tích cực bằng kỹ thuật
của con người đến thế giới đối tượng. Tiếc rằng, lôgíc hình thành tư
tưởng then chốt này trong triết học xã hội của C.Mác thường bị bỏ
qua và xuyên tạc. Các quan điểm nhân học triết học của C.Mác bị
coi là thứ yếu trong triết học của ông; trong trường hợp tốt nhất,
quan điểm đó cũng chỉ được coi là cách tiếp cận “chưa chín muồi”
với chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Trong khi đó, không chỉ quan niệm về vai trò quyết định của sản
xuất trong hoạt động sống của con người, mà cả toàn bộ sự nghiệp
nghiên cứu của C.Mác về phương thức sản xuất đều gắn liền với
chính quan điểm nhân học triết học mà ông đã đưa ra. Nói một cách
cụ thể hơn, khi tách biệt vai trò quyết định của quan hệ sản xuất
trong hệ thống các quan hệ xã hội của con người, C.Mác đã xuất
phát từ quan niệm coi tồn tại vật chất của con người như sự tái sản
xuất và phát triển các yếu tố cấu thành “thân thể vô cơ” của con
người. “Thân thể vô cơ” này, theo C.Mác, được kế thừa về mặt xã
hội, được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác và sau bước chuyển
từ thời man rợ sang nền văn minh, sự phát triển của nó đã ngày càng
gia tăng và trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất để
đánh giá sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Do vậy, để trở
thành chủ thể của hoạt động, tức là để có được tồn tại người đích
thực, con người phải thường xuyên tiếp cận những lĩnh vực khác
nhau trong “thân thể vô cơ” của nền văn minh. Con người không thể
tồn tại, nếu nó không sử dụng giới tự nhiên và những sản phẩm do
mình sáng tạo ra, như là của cải vật chất và phương tiện hoạt động.
Nhưng, bản thân việc tiếp cận đó lại có nghĩa là cá nhân tham gia
vào hệ thống các quan hệ phức tạp giữa người với người, bởi bất kỳ
công cụ nào, bất kỳ đối tượng hay hệ thống đối tượng nào của “thân
thể vô cơ” đều thể hiện ra là kết quả của phân công lao động xã hội,
đều là lao động được vật hóa của người khác. Do vậy, khi con người
sử dụng phương tiện lao động để trở thành lực lượng sản xuất, thì
ngay lập tức, thông qua quá trình này, con người đã tham gia vào
quan hệ sở hữu, phân phối sản phẩm và phân công lao động xã hội.
C.Mác gọi chúng là quan hệ sản xuất và coi chúng là cơ sở của đời
sống xã hội.
Có thể nói, đây là quan niệm về xã hội như một chỉnh thể đặc biệt,
luôn biến đổi nhờ cải biến phương thức sản xuất. Quan niệm đúng
đắn này của C.Mác là cái không thể coi nhẹ và loại bỏ như một số
địch thủ của C.Mác đã từng làm. Bởi lẽ, xét đến cùng, toàn bộ thực
tiễn phát triển của nền văn minh nhân loại ở thế kỷ XX đã khẳng
định rằng, chính những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong
lĩnh vực kinh tế là nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc cải
thiện chất lượng sống của con người và phát triển xã hội.
Khi so sánh sự phát triển của các hệ thống xã hội với sự tiến hóa của
các loài sinh vật, C.Mác đã viết: “Giống như là sự cấu tạo của những
xương hoá thạch đối với việc tìm hiểu tổ chức của các loài động vật
đã tiêu vong”, “những di vật của những tư liệu lao động cũng có một
tầm quan trọng” đối với việc “đánh giá những hình thái kinh tế – xã
hội đã biến mất”(4). Với phương pháp so sánh này, C.Mác đã dành
cho phương thức sản xuất và sự phát triển kinh tế (những cái quy
định mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên trong khuôn khổ những
điều kiện tự nhiên mà hoạt động sống của con người diễn ra ở trong
đó) vai trò quyết định đối với sự phát triển xã hội – vai trò mà
Darwin đã dành cho chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa sinh học. Cũng
với phương pháp này, sự phát triển của xã hội với tư cách một chỉnh
thể phức tạp đã được C.Mác phân tích một cách thuyết phục.
Quan niệm của C.Mác về vai trò quyết định của sản xuất trong tiến
bộ xã hội và trong sự cạnh tranh giữa các loại hình xã hội khác nhau
đã được minh chứng bởi lịch sử hình thành và phát triển của chủ
nghĩa tư bản ở giai đoạn công nghiệp. Tuy nhiên, với tinh thần biện
chứng, C.Mác cho rằng, bức tranh đó chưa phải là chân lý tối hậu,
nó cần được bổ sung và phát triển trong mối liên hệ mật thiết với
hiện thực xã hội luôn phát triển.
Triển khai tư tưởng về vai trò quyết định của phương thức sản xuất,
C.Mác đã đưa ra một luận điểm nổi tiếng về tiến trình lịch sử nhân
loại như là sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội.
C.Mác viết: “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu
Á, cổ đại, phong kiến và tư bản hiện đại là những thời đại tiến triển
dần dần của hình thái kinh tế – xã hội”(5). Và, “sự phát triển của
những hình thái kinh tế – xã hội” này đã được C.Mác coi là “một
quá trình lịch sử – tự nhiên”(6). Như vậy, có thể nói, về thực chất,
quan điểm mà C.Mác đưa ra về sự “tiến triển dần dần” của các hình
thái kinh tế – xã hội đã định hướng vào nguồn tư liệu lịch sử hạn chế
ở quá trình hình thành nền văn minh công nghệ, tiền sử và sự sinh
thành của nó. Và, theo chúng tôi, chính hạn chế này đã khiến chúng
ta gặp trở ngại khi giải quyết vấn đề phân kỳ lịch sử đối với các khu
vực nằm ngoài châu Âu, cụ thể là các xã hội phương Đông truyền
thống.
Giải quyết vấn đề này, cần phải lưu ý rằng, khi phân tích lịch sử hình
thành và phát triển của các xã hội truyền thống ở phương Đông,
C.Mác đã đưa ra một loại hình quan hệ sản xuất đặc biệt mà ông gọi
là “phương thức sản xuất châu Á”. Khó khăn mà chúng ta gặp phải ở
đây chính là việc cần phải hiểu như thế nào về “phương thức sản
xuất châu Á” mà C.Mác đã đưa ra, nhưng bản thân ông lại không
giải thích gì thêm. Từ chỗ không giải quyết được khó khăn này, đã
có người cho rằng, khi thừa nhận sự tồn tại của “phương thức sản
xuất châu Á”, C.Mác đã tự mâu thuẫn với quan niệm của ông về sự
“tiến triển dần dần” của các hình thái kinh tế – xã hội với tư cách
“một quá trình lịch sử – tự nhiên”. Theo chúng tôi, cách lý giải này
không đúng. C.Mác không hề mâu thuẫn với quan niệm mà ông đã
đưa về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, về tính phổ quát
của các hình thái kinh tế – xã hội. Bởi lẽ, nếu quy giản “phương thức
sản xuất châu Á” về các hình thái tiền tư bản chủ nghĩa, khi có tính
đến những đặc điểm biểu hiện đặc thù của nó ở các khu vực khác
nhau, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa phong kiến với tư
cách một hình thái kinh tế – xã hội tất yếu sản sinh ra chủ nghĩa tư
bản ở một giai đoạn phát triển nhất định, thì sự tự phát triển của bất
kỳ xã hội phương Đông truyền thống nào cũng có thể chuyển biến
thành xã hội tư bản chủ nghĩa. Rằng, cách tiếp cận hình thái kinh tế
– xã hội của C.Mác không hề mâu thuẫn với cách tiếp cận về các nền
văn minh mà lịch sử nhân loại đã trải qua. Bởi lẽ, con đường hiện
thực của lịch sử nhân loại đã cho thấy, sự xuất hiện và phát triển của
nền văn minh công nghiệp hay bước chuyển của lịch sử nhân loại lên
chủ nghĩa tư bản chẳng qua cũng chỉ là con đường tiến hóa đặc biệt
của xã hội truyền thống. Rằng, chính C.Mác đã tách biệt con đường
này ra từ tiến trình lịch sử đa dạng của nhân loại và mô tả nó bằng
quan điểm về sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội.
Khi đó, do nhiệm vụ nghiên cứu tiến trình vận động lịch sử đã được
đặt ra, nên sự quan tâm chính đối với C.Mác là tìm ra các quy luật
vận động quá độ từ một hình thái lịch sử này lên một hình thái lịch
sử khác. Các hình thái này đã được C.Mác sắp xếp theo một dãy đơn
tuyến, mà mỗi hình thái đi trước đều được ông coi là những thang
bậc dẫn đến hình thái đi sau nó.
Cùng với quan niệm về năm hình thái cơ bản, C.Mác còn đưa ra một
sự phân loại khác đối với các giai đoạn phát triển của lịch sử nhân
loại, khi ông tách biệt: 1) các xã hội dựa trên sự lệ thuộc vào cá
nhân; 2) các xã hội dựa trên sự phụ thuộc vào những điều kiện vật
chất – kỹ thuật và 3) xã hội cộng sản chủ nghĩa. Người ta thường coi
sự phân loại này là bản phác thảo khái quát về lý thuyết hình thái
kinh tế – xã hội đã được C.Mác cụ thể hóa trong quan điểm về năm
hình thái.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể lý giải quan niệm của C.Mác về ba
giai đoạn đó của lịch sử nhân loại theo một cách khác. Cách lý giải
này đòi hỏi phải vượt ra khỏi khuôn khổ của lý thuyết hình thái kinh
tế – xã hội và phải nghiên cứu các loại hình phát triển khác của nền
văn minh nhân loại. Theo cách tiếp cận như vậy, chúng ta có thể lý
giải hình thái thứ nhất là sự xuất hiện các nền văn minh truyền
thống, hình thái thứ hai là sự xuất hiện nền văn minh công nghiệp
mà ở đó, “còn mang những dấu vết” của các xã hội truyền thống, và
do vậy, nền văn minh này đã bị “những dấu vết” đó làm biến dạng ít
nhiều. Còn chủ nghĩa cộng sản thì có thể được quan niệm là một loại
hình phát triển văn minh mới về chất, thay thế cho nền văn minh
công nghiệp.
Với cách tiếp cận này, C.Mác cho rằng, “đối với chúng ta, chủ nghĩa
cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không
phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ
nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xoá bỏ trạng thái
hiện nay”(7). Song, cách tiếp cận này của C.Mác, cho đến nay, vẫn
chưa được chúng ta nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống.
Như vậy, có thể nói, khi xây dựng lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội
trên cơ sở phân tích tiền lịch sử nhân loại và lịch sử của nền văn
minh công nghiệp với tư cách con đường tiến bộ chính của lịch sử
nhân loại, C.Mác đã đưa những đặc trưng và giá trị sâu xa của loại
hình phát triển văn minh này vào quan niệm của ông về định hướng
tiến bộ chung của lịch sử nhân loại trong tương lai. Đó chính là điều
mà chúng tôi muốn khẳng định trong bài viết này.r
(*) Tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 2000, tr.135.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr.179.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.42, tr.179.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.191.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.16.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.21.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.51.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_87__5149.pdf