Trong những năm gần đây, một lần nữa người ta lại bàn luận sôi nổi về vấn đề: các bộ môn khoa học nhân văn, cụ thể là triết học, có cần cho những chuyên gia về các khoa học tự nhiên và các khoa học kỹ thuật hay không? Nếu không cần thì liệu có nhất thiết phải loại bỏ triết học ra khỏi chương trình giảng dạy ở các trường đại học hay không? Quan điểm này đã được thể hiện ở việc thay thế môn thi đầu vào nghiên cứu sinh là triết học bằng môn lịch sử khoa học và triết học về khoa học. Chủ trương này cũng đã được trình bày trong bài viết của I.Komarov đăng trên Báo “Poisk”, số 1 và 2 năm 2006 và trong bài viết của V.Utraikin cũng đăng trên Báo “Poisk”, số 47 năm 2006. Đương nhiên, tâm trạng được thể hiện trong các bài viết này cũng là tâm trạng phổ biến ở các nhà khoa học và giảng viên các bộ môn khoa học tự nhiên. Có thể trình bày thực chất của quan điểm này thông qua một số luận điểm mà thoạt nhìn, có vẻ như là xác đáng ở một chừng mực nhất định.Nhiệm vụ của các trường đại học là phải đào tạo ra những chuyên gia lành nghề trong một lĩnh vực hoạt động nào đó – kỹ sư xây dựng, bác sĩ, luật sư, nhà hóa học, nhà toán học, v.v Đó cũng là chức năng chủ yếu của bất kỳ trường đại học nào. Hàng năm, nền kinh tế quốc dân đòi hỏi phải có một số lượng chuyên gia nhất định để thay thế cho những người nghỉ việc vì những lý do nào đó. Chỉ sau vài năm, những chỗ làm bỏ trống đó không được bổ sung thì đời sống xã hội sẽ bị tê liệt: những công xưởng, các nhà máy điện ngừng hoạt động, các bệnh viện không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân, các trường học đóng cửa do thiếu giáo viên, v.v Do vậy, xã hội và nhà nước luôn cần đến một hệ thống đào tạo chuyên gia – hệ thống giáo dục đại học. Và cũng chính vì vậy mà nhà nước cần phải cấp ngân sách cho việc đào tạo những chuyên gia mới.Thế nhưng, nếu mục đích chủ yếu của các trường đại học là đào tạo ra các chuyên gia tương lai trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể, thì chương trình học tập lại cần phải đáp ứng chính mục đích ấy. Tất cả những gì không trực tiếp định hướng vào việc đào tạo chuyên gia tương lai đều phải loại ra khỏi chương trình học tập. Trong thời đại hiện nay, chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng đòi hỏi phải có tri thức chuyên ngành sâu sắc. Mọi nỗ lực của sinh viên đều phải được định hướng vào việc tiếp thu tri thức ấy. Sinh viên không còn thời gian để làm bất kỳ việc gì nữa. Chương trình học tập không những đã quá tải, mà hàng năm, lượng kiến thức cần thiết cho một chuyên gia tương lai lại còn tăng lên nữa. Do vậy, một điều hoàn toàn hiển nhiên là cần phải giải phóng chương trình học tập khỏi tất cả những gì không cần thiết cho việc làm chủ nghề nghiệp tương lai.
17 trang |
Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 1783 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Triết học trong hệ thống giáo dục đại học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRIẾT HỌC TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (*)
A.L.NIKIFOROV(**)
Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra quan điểm của mình về việc
loại bỏ các bộ môn khoa học nhân văn (triết học, sử học, đạo đức
học, thẩm mỹ học,…) khỏi chương trình giảng dạy ở các trường đại
học nhằm trao đổi ý kiến với một số học giả có quan điểm tán đồng
việc loại bỏ này. Với những luận cứ lý luận và thực tiễn xác đáng,
tác giả đã khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của các bộ
môn khoa học nhân văn, nhất là triết học trong việc đào tạo các nhà
khoa học chuyên ngành, các chuyên gia không chỉ giỏi chuyên môn,
mà còn trở thành những công dân chân chính của đất nước – những
công dân có nhân cách, biết sáng tạo ra cuộc sống của chính mình
một cách có suy nghĩ, có trách nhiệm, hiểu rõ những giá trị đích
thực của cuộc sống, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích dân
tộc,… Không chỉ thế, triết học ngoài chức năng thế giới quan và
phương pháp luận, nó còn đem lại cho các nhà khoa học, các
chuyên gia sự hiểu biết đúng đắn về mục đích của hoạt động nhận
thức, hoạt động thực tiễn, về giá trị xã hội của khoa học và gợi mở,
kích thích mạnh mẽ đối với sáng tạo khoa học của họ. Với quan
điểm này, tác giả đã khẳng định, triết học không chỉ cần, mà còn rất
cần trong việc đào tạo các nhà khoa học chuyên ngành, các chuyên
gia và do vậy không thể loại bỏ hay cắt giảm.
Trong những năm gần đây, một lần nữa người ta lại bàn luận sôi nổi
về vấn đề: các bộ môn khoa học nhân văn, cụ thể là triết học, có cần
cho những chuyên gia về các khoa học tự nhiên và các khoa học kỹ
thuật hay không? Nếu không cần thì liệu có nhất thiết phải loại bỏ
triết học ra khỏi chương trình giảng dạy ở các trường đại học hay
không? Quan điểm này đã được thể hiện ở việc thay thế môn thi đầu
vào nghiên cứu sinh là triết học bằng môn lịch sử khoa học và triết
học về khoa học. Chủ trương này cũng đã được trình bày trong bài
viết của I.Komarov đăng trên Báo “Poisk”, số 1 và 2 năm 2006 và
trong bài viết của V.Utraikin cũng đăng trên Báo “Poisk”, số 47 năm
2006. Đương nhiên, tâm trạng được thể hiện trong các bài viết này
cũng là tâm trạng phổ biến ở các nhà khoa học và giảng viên các bộ
môn khoa học tự nhiên. Có thể trình bày thực chất của quan điểm
này thông qua một số luận điểm mà thoạt nhìn, có vẻ như là xác
đáng ở một chừng mực nhất định.
Nhiệm vụ của các trường đại học là phải đào tạo ra những chuyên
gia lành nghề trong một lĩnh vực hoạt động nào đó – kỹ sư xây dựng,
bác sĩ, luật sư, nhà hóa học, nhà toán học, v.v.. Đó cũng là chức năng
chủ yếu của bất kỳ trường đại học nào. Hàng năm, nền kinh tế quốc
dân đòi hỏi phải có một số lượng chuyên gia nhất định để thay thế
cho những người nghỉ việc vì những lý do nào đó. Chỉ sau vài năm,
những chỗ làm bỏ trống đó không được bổ sung thì đời sống xã hội
sẽ bị tê liệt: những công xưởng, các nhà máy điện ngừng hoạt động,
các bệnh viện không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân, các trường
học đóng cửa do thiếu giáo viên, v.v.. Do vậy, xã hội và nhà nước
luôn cần đến một hệ thống đào tạo chuyên gia – hệ thống giáo dục
đại học. Và cũng chính vì vậy mà nhà nước cần phải cấp ngân sách
cho việc đào tạo những chuyên gia mới.
Thế nhưng, nếu mục đích chủ yếu của các trường đại học là đào tạo
ra các chuyên gia tương lai trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể, thì
chương trình học tập lại cần phải đáp ứng chính mục đích ấy. Tất cả
những gì không trực tiếp định hướng vào việc đào tạo chuyên gia
tương lai đều phải loại ra khỏi chương trình học tập. Trong thời đại
hiện nay, chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng đòi
hỏi phải có tri thức chuyên ngành sâu sắc. Mọi nỗ lực của sinh viên
đều phải được định hướng vào việc tiếp thu tri thức ấy. Sinh viên
không còn thời gian để làm bất kỳ việc gì nữa. Chương trình học tập
không những đã quá tải, mà hàng năm, lượng kiến thức cần thiết cho
một chuyên gia tương lai lại còn tăng lên nữa. Do vậy, một điều
hoàn toàn hiển nhiên là cần phải giải phóng chương trình học tập
khỏi tất cả những gì không cần thiết cho việc làm chủ nghề nghiệp
tương lai.
Xu hướng giảm thiểu lượng thời gian dành cho các bộ môn khoa học
nhân văn, như triết học, sử học, đạo đức học, thẩm mỹ học, v.v. ở
các trường thuộc khối khoa học tự nhiên là dựa trên luận cứ này.
V.Utraikin đã khẳng định rằng, “Cần phải ĐƯA TẤT CẢ NHỮNG
THỨ ĐÓ RA KHỎI DANH MỤC NHỮNG CHUẨN TẮC NGHỀ
NGHIỆP đối với ... các nhà toán học, các nhà vật lý học, v.v.. Đồng
thời, phải đưa vào chương trình đào tạo tất cả những môn học mà
chuyên gia thực thụ không thể thiếu chúng. Việc cắt giảm ngân sách
chi cho các bộ môn khoa học nhân văn ấy là cần thiết. Hãy để cho
sinh viên nào, nghiên cứu sinh nào muốn nhận được học vấn về triết
học, sử học, đạo đức học và thẩm mỹ học phải tự mình trả kinh phí
cho chúng như cho một học vấn bổ sung. Không nên bắt buộc họ
phải học các môn học ấy thông qua quy định, thi cử, thi đầu vào, thi
tối thiểu”.
Có thể nói, cái nhìn không mấy thiện cảm của một số nhà khoa học
thuộc các ngành khoa học chính xác đối với các bộ môn nhân văn
vốn đã có lịch sử từ xa xưa. Không muốn đi sâu vào quá khứ, trong
bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc lại những cuộc tranh luận giữa các
“nhà vật lý học” và các “nhà khoa học nhân văn” vào đầu những
năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó, dường như là các “nhà vật lý học”
và các “nhà khoa học nhân văn” đã đạt được một sự đồng thuận nhất
định. Song, cuộc tranh luận giữa họ, một lần nữa, lại bùng nổ. Thêm
vào đó, đối tượng tấn công lần này của các “nhà vật lý học” lại chính
là triết học. Tại sao lại như vậy? Tại sao lại không phải là các bộ
môn báo chí, giáo dục thể chất hay tâm lý học? Phải chăng, vì những
người đang đứng đầu các khoa chuyên ngành khoa học tự nhiên hay
các chuyên gia đang làm công tác quản lý tại Bộ Giáo dục - Đào tạo
đã từng nghe các bài giảng về triết học mácxít tại các trường đại học
vào những năm 50 - 60 và họ ngộ nhận dường như mình đã biết triết
học là gì và do vậy, có thể phán quyết về việc các cử nhân thời nay
có cần hay không cần biết triết học. Chúng ta vốn đã quen có thái độ
tôn trọng đối với ý kiến của các nhà khoa học và thói quen này, cho
tới nay, vẫn có một cơ sở nghiêm túc. Sau khi đã cống hiến sức lao
động của mình cho những hoạt động trong một lĩnh vực khoa học
hay kỹ thuật nào đó, sau khi đã bỏ ra không ít nỗ lực để nắm bắt hệ
thống các khái niệm, phương pháp và nguyên lý của lĩnh vực khoa
học ấy, người ta thường rất thận trọng đối với việc đưa ra ý kiến về
những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền nghề nghiệp của mình; họ ý
thức rất rõ rằng cần phải biết và hiểu nhiều để có thể đưa ra một
phán quyết có luận cứ trong bất kỳ một lĩnh vực chuyên ngành nào.
Thật kỳ lạ là trong bài viết của V.Utraikin, tiến sĩ khoa học toán lý,
chủ nhiệm bộ môn vật lý lý thuyết lại không có thái độ thận trọng tối
thiểu đối với bất kỳ một người có học vấn nào; ngược lại, toàn bộ
bài viết của ông ta lại cho thấy một thái độ tự tin đến mức thái quá
của một “chuyên gia” được kết hợp với sự ngu dốt đến mức không
còn gì để nói đối với lĩnh vực mà ông ta quyết định đưa ra lời phán
quyết.
Nhiều địch thủ hiện nay của triết học đang có ý định đồng nhất triết
học với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử,
vì họ chưa từng nghe nói đến các trường phái và các trào lưu triết
học khác. Với tư cách khoa học triết học chính thống, chủ nghĩa Mác
đã bị gạt bỏ như một học thuyết triết học cổ hủ và bị chính trị hóa
một cách thái quá, và do vậy, theo họ, cần phải loại bỏ triết học ra
khỏi chương trình giảng dạy tại các trường đại học.
Hơn nữa, những người theo quan điểm này còn cho rằng, ở thời kỳ
Xô viết, phương pháp biện chứng đã từng được tuyên bố là phương
pháp nhận thức phổ biến, là phương pháp chỉ đạo hoạt động nói
chung. Với tuyên bố đó, người ta đã gán ghép phương pháp này cho
khoa học và cho nhiều lĩnh vực hoạt động vật chất và tinh thần khác.
Vậy, nhà khoa học có thể rút ra được điều gì từ những luận điểm cho
rằng, điện tử cũng vô cùng vô tận như nguyên tử, hay đấu tranh giữa
các mặt đối lập là nguồn gốc của mọi sự vận động và phát triển?
Không có gì cả! Triết học đã được sử dụng với tư cách sự giám sát về
mặt tư tưởng hệ đối với các nhà khoa học, các chuyên gia và được nhồi
nhét vào đầu óc họ nhằm mục đích tuyên truyền cho hệ tư tưởng cộng
sản. Giờ đây, điều đó không còn cần thiết nữa và do vậy, triết học trở
thành bộ môn không nhất thiết phải đưa vào chương trình giảng dạy tại
các trường đại học.
Thế nhưng, nếu xem xét triết học hiện đại ở nước ngoài, thì đối với
các chuyên gia trẻ tuổi, họ có thể tìm thấy cái gì ở trong đó? Chúng
ta đã từng biết đến những câu chuyện về bộ não của con bướm hay
con dơi quan niệm thế giới là gì, nghĩa của từ “trò chơi” là gì, có hay
không có chòm sao Phi mã (Pegasus), v.v.. Những câu chuyện ấy
giống với những suy tư của các nhà triết học Trung cổ về việc có bao
nhiêu thiên thần có thể đứng ở đầu một cái kim. Những câu chuyện
này không để lại một dấu ấn nào trong ký ức của sinh viên và bị lãng
quên ngay sau khi họ đã trả thi môn triết học. Dường như, những suy
tư kiểu như vậy chỉ có ý nghĩa đối với các nhà triết học, và nếu quả
là như thế thì hãy để cho chúng tồn tại chỉ trong khuôn khổ của triết
học, không việc gì phải gán ghép chúng cho các khoa học chuyên
ngành khác.
Chính vì vậy, những người theo quan điểm này đã khẳng định rằng,
triết học không những là vô bổ đối với các kỹ sư, các nhà khoa học
tự nhiên, mà còn là tai hại đối với họ. Rằng, các nhà triết học đã nói
ra biết bao nhiêu điều ngu xuẩn về khoa học và về nhận thức khoa
học! Lúc đương thời, các nhà triết học Xô viết đã bác bỏ thuyết
tương đối, đã phỉ báng di truyền học và điều khiển học, đã gán ghép
cho phép biện chứng chức năng là phương pháp nhận thức phổ biến.
Và, cho tới nay, các nhà triết học vẫn đang ra sức tước bỏ niềm tin
của các nhà khoa học vào tính chân thực hay tính hữu ích của các kết
quả mà họ đã nhận được; vẫn đang bàn luận về tính quy định nào đó
về mặt văn hóa của bức tranh thế giới; vẫn đang so sánh các lý
thuyết khoa học với những câu chuyện thần thoại; vẫn đang nói về
vai trò lịch sử văn hóa của tôn giáo, v.v.. Các kỹ sư, các nhà khoa
học trẻ không cần đến tất cả những điều đó!
Môn thi đầu vào - triết học đã bị loại bỏ đối với nghiên cứu sinh.
Người ta đã hành động đúng! Giờ đây, cần phải giải thoát cho sinh
viên khỏi sự bắt buộc phải học, phải đọc những câu chuyện ba hoa
vô bổ và thậm chí là tai hại này. Xét đến cùng, việc giảng dạy triết
học tại các trường đại học chỉ là cần thiết cho bản thân các nhà triết
học, bởi họ chỉ có thể kiếm sống bằng công việc giảng dạy và do
vậy, họ kiên định với quan điểm đưa triết học vào chương trình
giảng dạy của tất cả các trường đại học một cách không phụ thuộc
vào chuyên ngành đào tạo của chúng.
Những suy nghĩ như vậy ngày càng được phổ biến một cách rộng rãi
hơn. Các phương tiện truyền thông đại chúng và các quan chức
ngành giáo dục – đào tạo luôn bày tỏ thái độ đồng tình với những
suy nghĩ ấy. Đương nhiên, Ban biên tập Báo “Poisk” của Liên hiệp
các hội khoa học cũng tán thành với những suy nghĩ ấy. Nhưng, nếu
xem xét một cách kỹ lưỡng những suy nghĩ ấy, chúng ta dễ dàng
nhận thấy rằng, tất cả những suy nghĩ này không hơn gì một sự pha
trộn giữa chính sách mị dân và sự ngu dốt đã được che đậy.
Chúng ta hãy xem xét luận điểm cho rằng, triết học là không cần
thiết và thậm chí còn là tai hại đối với nhà khoa học. Nếu quả là như
vậy thì phải chăng, những người tuyên truyền cho luận điểm này đã
không biết rằng, triết học và khoa học chỉ mới tách ra khỏi nhau ở
hai thế kỷ gần đây, còn trước đó, nhiều nhà khoa học đồng thời cũng
là các nhà triết học, còn các nhà triết học cũng có những khám phá
khoa học. Trong sự nghiệp sáng tạo của Descartes và Leibniz, của
Mach và Poincare, của Russel và Bor, khoa học và triết học đã đan
xen vào nhau một cách chặt chẽ tới mức chắc gì là có thể tách chúng
ra được. Tác phẩm quan trọng nhất của Newton có tên gọi là
“Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên”; còn ở Trường
Đại học Tổng hợp Viên, người ta đã thành lập tổ bộ môn Triết học tự
nhiên dành cho nhà vật lý học Mach. Bản thân Mach đã làm chủ
nhiệm bộ môn này, còn sau ông là nhà vật lý học nổi tiếng không
kém – L.Bolsman. Một trong những hội nghị cuối cùng được tổ chức
vào năm 1936, khi mà người ta thấy khó có thể họp tại Đức hay Áo,
các nhà thực chứng lôgíc đã tập hợp tại ngôi nhà của Bor ở Đan
Mạch. Bor đã nhiệt liệt chào đón các nhà triết học đến dự buổi khai
mạc hội nghị. Tại đó, các nhà khoa học đã khẳng định, khoa học
đích thực bao giờ cũng gắn liền với triết học, đó là còn chưa nói tới
việc xây dựng nhiều tư tưởng và lý thuyết khoa học đã được triết học
gợi mở. Triết học đem lại cho các chuyên gia trẻ tuổi quan niệm
chung về thế giới xung quanh và về bản chất của nhận thức. Triết
học còn nói với họ về mục đích của hoạt động nhận thức và về giá trị
xã hội của khoa học, giúp họ ý thức được địa vị của bộ môn khoa
học của mình trong hệ thống các khoa học. Không chỉ thế, triết học
còn truyền dạy cho họ thái độ khoan dung đối với ý kiến của người
khác và thái độ phê phán đối với quan điểm của bản thân mình. Và,
nếu muốn nói thêm nữa, còn có thể nhất trí rằng, triết học dẫu có cho
là không cần cho việc giải quyết những vấn đề kỹ thuật hay ứng
dụng khoa học chuyên ngành, song với những nhà khoa học có suy
tư về những vấn đề mang tính chất nền tảng trong lĩnh vực khoa học
của mình thì như lịch sử khoa học đã cho thấy, triết học đã gợi mở,
kích thích mạnh mẽ đối với sáng tạo khoa học. Còn nếu nói về các
lĩnh vực khoa học hiện đại, như thiên văn học, vũ trụ học, thuyết tiến
hóa sinh học, di truyền học, thì việc giải quyết những vấn đề khoa
học ở đây lại thường đi liền với các quan điểm triết học.
XEM TIẾP>>>
TRIẾT HỌC TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (*) (tiếp theo)
A.L.NIKIFOROV(**)
Đối với triết học mácxít và quan hệ của nó với khoa học ở thời kỳ Xô
viết, chúng ta có thể nói, đây là một đề tài lớn và phức tạp, cần được
khảo cứu chuyên sâu. Gần đây, những người nhạo báng quá khứ thời Xô
viết của nước ta, muốn bôi nhọ nó vẫn đang ra sức nhấn mạnh chức năng
tư tưởng hệ của triết học mácxít và mô tả nó dưới dạng một kẻ giám sát
về mặt tư tưởng hệ đối với khoa học và các nhà khoa học. Không thừa
nhận di truyền học! Thủ tiêu điều khiển học! Nhưng chỉ cần suy nghĩ
chút ít rằng, chính vào thời kỳ Xô viết, khoa học Liên Xô đã đạt được
những thành tựu vĩ đại trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học; rằng
chính ở thời kỳ này, các nhà khoa học kiệt xuất, như I.P.Pavlov,
V.I.Vernadsky, P.L.Kapisa, S.I.Vavilov, L.L.Landau, A.N.Côlmôgôrov,
S.P.Côlôrev, I.V.Carchatov, v.v. đã sống và làm việc tại Liên Xô. Do
vậy, sự giám sát về mặt tư tưởng hệ mà hiện nay, người ta đang gào thét
về tính chất khắc nghiệt của nó, đã không có sự hạn chế đáng kể nào đối
với sự nghiệp sáng tạo của nhà khoa học. Thêm vào đó, cần phải nhắc
nhở những kẻ luôn mạt sát triết học rằng, chính những con người cụ thể
đã hoàn thành chức năng tư tưởng hệ của triết học mácxít, họ thích làm
và có nhiệm vụ thực thi công việc đó, còn các nhà triết học – các nhà
mácxít đích thực đã không làm công việc như vậy. Chỉ cần đọc các tác phẩm
của M.E.Omêlianovsky, V.S.Gott, V.F.Asmus, S.T.Melyukhlin,
E.V.Ilenkov, Yu.B.Môltranov, D.P.Gorsky, S.S.Averiốtev, đó là còn chưa
nói đến A.F.Lôsev và M.M.Bakhtin, cũng đủ để hiểu rằng, những con
người ấy tiến hành nghiên cứu những vấn đề triết học nghiêm túc, chứ
không phải là làm công việc “vận dụng” chủ nghĩa duy vật biện chứng
và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào các khoa học tự nhiên và các khoa học xã
hội. Và, giờ đây cũng khó có thể buộc tội các nhà triết học nổi tiếng của chúng
ta, như T.I.Oizerman, V.S.Schvưrov, V.A.Lektorsky, V.S.Stepin,
N.V.Môtôshilova, E.A.Mamtrur, P.P.Gaydenko (và hàng chục tên tuổi lớn
khác) về việc gán ghép hệ tư tưởng phản khoa học nào đó cho các nhà
khoa học. Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã (và đang) thể hiện là một
trong các khuynh hướng của triết học khoa học – theo nghĩa là nó định
hướng vào khoa học và cố gắng xem xét những kết quả của khoa học từ
lập trường thế giới quan, từ vị thế đối lập với tôn giáo và triết học tôn
giáo, với các khuynh hướng triết học có ý đồ bác bỏ hay bỏ qua những
thành quả của khoa học. Đây là một hệ thống triết học được nghiên cứu
kỹ lưỡng, cân đối và nhất quán, sâu sắc và táo bạo không kém gì các hệ
thống triết học của Kant và Hegel, của chủ nghĩa thực chứng, v.v.. Hạn
chế hiện thực (nói chính xác hơn là “bi kịch”) của triết học mácxít là ở
chỗ, nó trở thành triết học của nhà nước (quan phương) và giữ địa vị độc
quyền trong lĩnh vực nghiên cứu triết học. Hạn chế hiện thực đó đã đem
lại tai hại lớn nhất cho chính bản thân triết học.
Những kẻ đang rên rỉ một cách giả nhân giả nghĩa về sự chuyên chế tư
tưởng của triết học mácxít đối với các nhà khoa học cần phải biết rằng,
triết học Xô viết đã từng trải qua những trở ngại còn lớn hơn nhiều so
với khoa học. Bởi lẽ: thứ nhất, rất nhiều nhà triết học Nga đã buộc phải
rời bỏ đất nước và không thể tham gia vào đời sống triết học của nước
Nga. Triết học tôn giáo mà, trước Cách mạng Tháng Mười chiếm ưu thế
tuyệt đối ở Nga trong lĩnh vực nghiên cứu triết học, chủ yếu đã bị thủ
tiêu. Thứ hai, chính triết học đã bị thiệt hại nhiều nhất do có sự kiểm
duyệt về mặt tư tưởng hệ và do vậy, các nhà triết học nghiêm túc thường
phải tiến hành công việc nghiên cứu trong lĩnh vực nhận thức luận, lịch
sử triết học, lôgíc học, những vấn đề triết học của khoa học tự nhiên. Và,
giờ đây, khi mà triết học Nga được phục hồi, được giải phóng khỏi
những hạn chế về tư tưởng hệ, khi mà triết học tôn giáo được khôi phục,
khi mà các nhà tư tưởng nghiêm túc hướng vào lĩnh vực những vấn đề
triết học xã hội, thì dựa vào những ký ức về các bài giảng về chủ nghĩa
duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vốn đã bị cắt xén, một
số người ít hiểu biết lại lên tiếng đòi phải loại triết học ra khỏi chương
trình giảng dạy tại các trường đại học!
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét luận điểm thứ hai của các nhà khoa học
chuyên ngành. Họ nói rằng, vì nhà nước cần có các chuyên gia làm việc
trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, nên nhà nước chỉ
cần phải trả tiền cho việc giảng dạy các môn học chuyên ngành. Tất cả
những cái gì không có quan hệ trực tiếp với việc đào tạo chuyên gia đều
phải bị xoá sổ. Luận điểm này thoạt nghe thì có vẻ có lý, nhưng chỉ là
hợp lý trong trường hợp quên rằng, nhà nước không chỉ cần đến những
chuyên gia mà còn cần đến những công dân – những công dân có trách
nhiệm, có ý thức tuân thủ pháp luật, không thờ ơ đối với vận mệnh của
nhà nước và của đất nước, có năng lực ý thức được rằng đôi khi lợi ích
cá nhân cần phải phục tùng lợi ích của nhà nước và của xã hội. Việc làm
chủ một chuyên ngành nào đó chưa làm cho con người trở thành công
dân. Để giáo dục ý thức công dân thì người ta luôn phải cần đến các lĩnh
vực văn hóa nhân văn mà hiện đang bị một số người đề nghị loại ra khỏi
chương trình giảng dạy tại các trường đại học. Lịch sử đất nước luôn
đem lại cho con người ý thức về nguồn gốc của mình là một cộng đồng
dân tộc có chủ quyền, về vị trí của thế hệ mình trong dãy những thế hệ
thay thế lẫn nhau, hiểu được tính đặc thù và độc đáo của thời đại. Triết
học bao giờ cũng đem lại cho con người quan niệm đúng đắn về các mối
quan hệ xã hội, về bản chất và các chức năng của nhà nước và của pháp
luật, về mục đích tồn tại của con người, về cái thiện và cái ác, về mối
quan hệ qua lại giữa cá nhân với nhà nước và xã hội, về tự do và trách
nhiệm.
Đương nhiên, tính chuyên nghiệp là cái mà hiện nay, đang được đánh giá
cao. Vậy thì vì lẽ nào mà xã hội, xét đến cùng, lại cần đến các bác sĩ, các
luật sư không hề hiểu biết gì về những chuẩn tắc đạo đức tối thiểu? Và,
vì lẽ nào mà chúng ta lại cần đến các nhà sinh học thờ ơ đối với đối
tượng thí nghiệm – con chuột hay con người? Lẽ nào chúng ta lại phải
nhờ đến các nhà khoa học, các kỹ sư có thái độ sẵn sàng như nhau trong
việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử cũng như trong việc chế tạo bom
nguyên tử hay sản xuất thuốc nổ cho bọn khủng bố? Liệu những chuyên
gia như vậy có trở thành những công dân xứng đáng và có trách nhiệm
với đất nước mình hay không? Đã chắc gì như vậy. Việc đặt hy vọng vào
“tính chuyên nghiệp” sẽ đưa tới chỗ là, nếu đi theo con đường này thì xã
hội ta chẳng bao lâu sẽ bị biến thành một tổng thể những chuyên gia ích
kỷ, sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì cái lợi của bản thân. Xét đến cùng, ăn
cắp cũng là một nghề!
Chỉ quan tâm đến việc đào tạo các chuyên gia chứ không phải là những
công dân, nhà nước sẽ sụp đổ ngay khi phải đối mặt với thử thách đầu
tiên và nói chung, nhà nước đó chắc gì đã có thể tồn tại. Tổ tiên chúng ta
vốn không phải là các chuyên gia giỏi, khi mà thế hệ trước chúng ta, vào
năm 1941, đã buộc phải chống lại sự tấn công của quân đội phát xít
mạnh nhất thế giới thời ấy. Những người nông dân chưa từng nhìn thấy
máy kéo đã phải chiến đấu chống lại những người lính thiện chiến, được
trang bị quân dụng hiện đại nhất. Mặc dù thế, nhưng cuối cùng, những
người nông dân đó đã học được cách chiến đấu, đã làm chủ được kỹ
thuật quân sự và đánh bại các “chuyên gia” Đức. Chiến thắng đó chỉ có
được nhờ cha ông chúng ta là những công dân đích thực của Tổ quốc
mình và họ đã đặt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc lên trên lợi ích bản thân,
thậm chí lên trên cả mạng sống của bản thân mình. Các chuyên gia mà
những nhà cải cách đang rất chăm lo đến việc đào tạo sẽ bỏ ra nước
ngoài ngay khi có tiếng súng đầu tiên nơi biên thuỳ hay trở thành tay sai
cho một chính quyền nước ngoài. Với họ, ở đâu trả lương cao thì đó là
Tổ quốc! Những thời điểm quan trọng trong đời sống của các dân tộc và
các quốc gia đều cho thấy nhà nước luôn và trước hết cần đến những
công dân có khả năng cố kết cộng đồng để chiến thắng những mối đe
doạ, những hiểm hoạ chung.
Nhà nước luôn cần đến các công dân và cũng luôn cần đến các chuyên
gia lành nghề cho các lĩnh vực kinh tế quốc dân khác nhau. Hệ thống
giáo dục đại học của chúng ta đã và đang tồn tại, bất chấp cả những cải
cách tai hại trong những năm gần đây và nó đã đáp ứng được cả hai nhu
cầu xã hội ấy ở một chừng mực nhất định. Quy giáo dục đại học chỉ về
việc đào tạo nghề nghiệp có nghĩa là thủ tiêu một trong các chức năng cơ
bản của nó. Điều này sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho đất nước.
Đúng, chúng ta sẽ đào tạo ra những chuyên gia, nhưng đào tạo cho ai?
Cho kẻ trả nhiều tiền hơn, tức là cho nước ngoài, vì trên thế giới, bao giờ
cũng có những nước toan tính được việc mua chuyên gia sẽ rẻ hơn nhiều
so với đào tạo tại chỗ.
Cuối cùng, ở đây còn có một yếu tố quan trọng nữa. Khi chúng ta nói về
giáo dục đại học, về việc cải cách hay duy trì nó, thì chúng ta dường như
bao giờ cũng hướng về những người trẻ tuổi, đến đội ngũ sinh viên từ
quan điểm của nhà nước và của xã hội. Chúng ta sẽ đào tạo những lớp
người trẻ tuổi ấy thành ai – công dân? chuyên gia? công dân và chuyên
gia? Hay không phải cả hai? Song, cũng có thể nhìn nhận giáo dục đại
học và cấu trúc của nó từ quan điểm của lớp trẻ: tôi có thể nhận được cái
gì trong quá trình học tập ở đại học? Tiếc thay, công tác tuyên truyền và
quảng bá hiện nay đã nhồi nhét vào đầu thế hệ trẻ một khuôn mẫu cho
rằng, học đại học chỉ nhằm một mục đích thực dụng – nhận được ngành
nghề (nghiệp) cho phép kiếm được nhiều tiền. Mục đích này, trong điều
kiện hiện nay, đúng là một mục đích quan trọng. Nhưng đó không phải là
mục đích duy nhất và có thể, cũng không phải là mục đích quan trọng
nhất! Các trường đại học bao giờ cũng đem lại học vấn theo nghĩa rộng
của từ này; chúng đào tạo ra những con người được khai sáng. Người có
học khác với “kẻ ngu dốt bác học” (kẻ ít học nhưng lại muốn tỏ ra là có
học) ở chỗ, ngoài các tri thức chuyên ngành, người có học còn tự bổ
sung cho mình những lĩnh vực nào đó của văn hóa thế giới – văn học, sử
học, nghệ thuật, triết học. Trở thành một người có học - đó chính là mục
đích quan trọng hơn việc nhận được một nghề nào đó. Mặc dù lớp trẻ
không phải bao giờ cũng hình dung rõ mục đích này, song nó luôn hiện
diện trong ý thức của mỗi sinh viên và bản thân họ cũng luôn chờ đợi ở
trường đại học một điều gì đó quan trọng hơn là nhận được một nghề.
Đương nhiên, có những con người trẻ tuổi rất đam mê một lĩnh vực hoạt
động nghề nghiệp nào đó và không muốn hao tốn sức lực và thời gian
cho một cái gì khác. Quan niệm này không phải là mới và việc lên án
những cô cậu sinh viên bảo vệ nó là không nên. Các nhà cải cách giáo
dục đã dựa vào chính một nhóm ít ỏi những sinh viên như vậy để yêu cầu
loại bỏ các bộ môn khoa học nhân văn ra khỏi các trường đại học. Phải
nói rằng, những người trẻ tuổi ấy rất đáng được thương hại, nhưng họ sẽ
dần dần nhận ra được sự thật. Họ sẽ hiểu được rằng, cuộc sống của con
người không chỉ quy về việc hoàn thành các chức năng nghề nghiệp. Khi
kích thích tâm trạng tự sát của họ, những kẻ truyền bá tính chuyên
nghiệp trần trụi chỉ đáng được coi hoặc là ngu dốt đến mức không còn gì
để nói, hoặc chỉ biết hoàn thành một cái đơn đặt hàng xã hội, có thể nói,
là tệ hại.
Lẽ nào con người ta sinh ra chỉ để hoàn thành các chức năng xã hội nào
đó – lái xe hay bác sĩ, thợ mỏ hay giáo viên, nhà quản lý hay kỹ sư thăm
dò? Đương nhiên, nhà nước và xã hội sẽ chỉ cần đến người ấy để thay thế
một chi tiết nào đó trong cỗ máy kinh tế bị hư hỏng. Nhưng, điều đó liệu
có phải là đã đủ đối với mỗi con người hay không? Không, mọi người
đều muốn sống một cuộc sống phong phú, có đầy rẫy công việc và sự
kiện, đều muốn hiện thực hóa những năng lực bẩm sinh của mình, hưởng
thụ vẻ đẹp của thế giới và nghệ thuật. Nền văn minh hiện đại đã đem lại
những khả năng chưa từng thấy để đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng, cần phải
đạt tới một trình độ phát triển tinh thần nhất định thì người ta mới có thể
sử dụng được những khả năng ấy. Triết học chính là cái đặt cơ sở cho sự
phát triển như vậy tại các trường đại học và cũng chính triết học buộc
con người phải suy ngẫm về mục đích và những giá trị của cuộc sống.
Chính triết học đã phác hoạ cho con người những nét cơ bản của thế giới
văn hóa (lịch sử, văn học và nghệ thuật). Chính triết học đã nói với con
người rằng, cái Thiện và cái Đẹp quan trọng không kém gì cái Chân
trong cuộc đời. Nếu các môn học chuyên ngành biến sinh viên thành
chuyên gia, thì triết học và các bộ môn khoa học nhân văn khác lại giúp
hình thành nên nhân cách của sinh viên giúp họ trở thành người sáng tạo
ra cuộc sống của mình một cách có suy nghĩ và có trách nhiệm, thành
công dân của đất nước mình. Không tiếp cận với triết học và văn hóa
nhân văn, con người không hơn gì người máy chỉ biết hành động theo
chương trình do ai đó cài sẵn trong nó và ngoan ngoãn phục tùng những
chỉ dẫn theo quảng cáo và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Định hướng vào sự chuyên nghiệp hóa giáo dục đại học là xu hướng đã
tồn tại từ lâu ở Mỹ và Tây Âu – xu hướng biến phần lớn dân cư thành
“những con người một chiều” (Marcuse), thành “con người đại chúng”
(Ortega i Gasset), thành những người mà ý thức của họ, rất dễ bị điều
khiển. Rốt cuộc, đó là xu hướng xác lập nhà nước cực quyền toàn diện.
Hiện đang có nhiều nhà chính luận, nhiều nhà báo liệt kê Nhà nước Xô
viết vào loại một nhà nước cực quyền, thực hiện sự giám sát toàn diện
đối với lối ứng xử của con người, thể chế hóa lao động, nhu cầu, giải trí
của họ, đàn áp mọi biểu hiện của quan điểm khác, v.v.. Tuy nhiên, Nhà
nước Xô viết đã không giám sát suy nghĩ của con người, con người vẫn
được tự do trong lĩnh vực ý thức. Hiện nay, công nghệ tẩy rửa não, tuyên
truyền, quảng cáo, các phương tiện truyền thông đại chúng đều có khả
năng khống chế hoàn toàn ý thức của con người, gán ghép cho nó mọi
mục đích và giá trị, thức tỉnh mọi tình cảm và thái độ, hình thành sở
thích, thị hiếu, v.v.. Như vậy, không những hành vi mà cả ý thức của con
người trong xã hội hiện đại đều do nhà nước hay giới cầm quyền giám
sát. Lịch sử loài người chưa từng biết đến sự giám sát toàn diện như vậy.
Việc xua đuổi triết học ra khỏi các trường đại học sẽ tạo ra một bước tiến
quan trọng trên con đường dẫn tới sự nô dịch tinh thần con người.
Giới sinh viên, ngay từ thời Trung cổ, đã là một trong các nhóm xã hội
tích cực nhất. Sinh viên ở các thời đại khác nhau và ở các nước khác
nhau đều thường đi tiên phong trong các phong trào và các tiến trình
chính trị. Tước bỏ triết học và các bộ môn văn hóa nhân văn của sinh
viên cũng có nghĩa là làm suy yếu hay thủ tiêu hoàn toàn tính tích cực xã
hội của nhóm dân cư năng động nhất này. Phải chăng, đó chính là mục
đích của những kẻ phản đối triết học, sử học, đạo đức học, v.v.?./.
Người dịch: TS. ĐỖ MINH HỢP
Người hiệu đính: PGS.TS.ĐẶNG HỮU TOÀN
(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
(*) Bài đăng trên Tạp chí Những vấn đề triết học, số 6, 2007 (tiếng Nga).
(**) Giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Triết học, Viện Hàn
lâm khoa học Nga.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_89__0038.pdf