Tuy có mức độ khác nhau, song “trở về với tự nhiên” là xu hướng chung của con người trong các nền văn minh. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích xu hướng quay về với thiên nhiên trong nền văn minh cổ đại; phân tích quan niệm của triết học Mác, của triết học phương Tây hiện đại và quan niệm đạo đức sinh thái mới về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong nền văn minh công nghiệp. Theo tác giả, mong muốn trở về sống hoà mình vào thiên nhiên là đặc trưng của nền văn minh xanh.
13 trang |
Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 1841 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trở về với tự nhiên - Một phản ứng của nền văn minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRỞ VỀ TỰ NHIÊN MỘT SỰ PHẢN ỨNG CỦA NỀN VĂN MINH
PHẠM THỊ OANH (*)
Tuy có mức độ khác nhau, song “trở về với tự nhiên” là xu hướng
chung của con người trong các nền văn minh. Trong bài viết này,
tác giả đã phân tích xu hướng quay về với thiên nhiên trong nền văn
minh cổ đại; phân tích quan niệm của triết học Mác, của triết học
phương Tây hiện đại và quan niệm đạo đức sinh thái mới về mối
quan hệ giữa con người và tự nhiên trong nền văn minh công
nghiệp. Theo tác giả, mong muốn trở về sống hoà mình vào thiên
nhiên là đặc trưng của nền văn minh xanh. Cuối cùng, tác giả khẳng
định rằng, phát triển bền vững là chiến lược đúng đắn nhất của
nhân loại; rằng, một trong những cơ sở để thực hiện sự phát triển
bền vững chính là năng lực của con người trong việc nhận thức
đúng và hành động phù hợp với quy luật của giới tự nhiên.
Trong lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại, con người đã
không ngừng tác động vào tự nhiên, cải biến giới tự nhiên để tạo ra
đời sống xã hội, điều kiện tồn tại mới ngày càng văn minh, tiến bộ
hơn. Lịch sử đã chứng minh những thành tựu hết sức kỳ diệu của
loài người. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, sự tác động
của con người lên tự nhiên cũng làm xuất hiện những mặt trái, gây ra
hậu quả khôn lường, đôi khi còn ghê gớm hơn cả những gì mà con
người vừa đạt được. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi xã
hội phát triển đến một trình độ văn minh nhất định thì lại xuất hiện
sự phản đối chính những thành tựu của nền văn minh đó. Xu hướng
trở về tự nhiên đã xuất hiện ngay từ thời kỳ cổ đại và có những biểu
hiện rất khác nhau trong những điều kiện lịch sử nhất định. Dưới
đây, bài viết chỉ đề cập đến một số khuynh hướng điển hình ở
phương Đông và phương Tây:
1. Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn minh rực rỡ
và lâu đời nhất của nhân loại. Chế độ tông pháp chặt chẽ và hà khắc
kéo dài suốt các thời kỳ cổ, trung đại với Nho giáo làm nền tảng đã
trói buộc con người của đất nước này trong vô vàn mối quan hệ xã
hội gò bó, như ngũ luân, tam cương… Con người sinh ra đã không
còn thuộc về bản thân họ mà thuộc về gia đình, tông tộc, hoàng
thượng…; do vậy, họ phải luôn phấn đấu hết mình để "tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ"… Nho giáo đã tuyệt đối hóa các quan hệ
xã hội, bỏ qua cái bản ngã, “cái tôi”, cái cá nhân của con người. Bản
ngã tự nhiên - bản ngã thứ nhất của con người đã không được quan
tâm, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên bị xem nhẹ. Đó là mặt
thiếu hụt hay tính chất không toàn diện của Nho giáo.
Coi tất cả những chuẩn mực đạo đức và trật tự lễ giáo của nhà Chu
mà Nho giáo tôn sùng chẳng qua chỉ là công cụ thống trị con người,
làm méo mó, xuyên tạc cái bản ngã tự nhiên của con người, Đạo
giáo đã phủ nhận những giá trị ấy và coi đó là nguồn gốc của xung
đột. Lão Tử cho rằng, trong xã hội không chuộng người giỏi khiến
dân không giành giật, không chuộng của quý khiến dân không trộm
cướp… Với quan niệm đó, ông chủ trương xóa bỏ mọi ràng buộc,
quy phạm xã hội để trả lại cho con người bản tính tự nhiên vốn có,
đưa xã hội trở lại thời kỳ mông muội ban đầu khi con người mới
sinh ra; bởi, nguồn gốc, cội rễ sâu xa của con người là tự nhiên, là
"Đạo". Đạo huyền vi, sâu kín, thuần phác, tự nhiên. Đạo là bản thể, là
nguồn gốc, là quy luật phố biến chi phối sự vận động, biến hóa của
con người và vạn vật. "Vô vi nhi vô bất vi" - Đạo thường không làm
gì mà không gì không làm. Thuận theo Đạo trời là sống một cách tự
nhiên, thuần phác, không giành giật bon chen, vị kỷ, tư lợi, không làm
gì trái với bản tính tự nhiên của Đạo.
Phát triển tư tưởng đó của Lão Tử theo tinh thần tuyệt đối hóa bản
tính tự nhiên của con người và tách nó ra khỏi mọi quan hệ xã hội,
Trang Tử chủ trương sống tự nhiên, thuần phác, gần gũi với thiên
nhiên, sống tự do tự tại, không màng danh lợi, chống lại mọi ràng
buộc của trật tự, lễ giáo hà khắc. Theo ông, cuộc đời chỉ là một giấc
mộng ngắn ngủi. Qua giấc mơ hóa bướm, ông ca ngợi vẻ đẹp của
những sinh linh bé nhỏ, đẹp đẽ và tự do, nhởn nhơ bay lượn; đồng
thời, bộc lộ khát vọng con người được hòa nhập vào tự nhiên. Trong
thiên "Tề vật luận", Trang Tử cho rằng, vật và ta đều bình đẳng,
"trời đất cùng sinh với ta, vạn vật và ta là một".
Như vậy, có thể nói, Đạo giáo đã thể hiện một tư tưởng chính trị - xã
hội và triết lý nhân sinh độc đáo, đối lập với những đường lối tư
tưởng đương thời, chống lại mọi trật tự, giáo lý ràng buộc khiến con
người đánh mất cái bản ngã tự nhiên của chính mình. Coi trọng sự
hòa hợp, thống nhất trong quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa
mọi sinh vật trong vũ trụ, Đạo giáo đã đề cao thái độ tôn trọng tự
nhiên, mô phỏng trật tự của tự nhiên. Ngày nay, quan niệm đó vẫn
còn có ý nghĩa to lớn, khi mà xã hội văn minh đang đứng trước nguy
cơ của những vấn đề môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, quan niệm của
Đạo gia mong muốn con người trở về hòa nhập hoàn toàn vào tự
nhiên, đồng nhất con người với tự nhiên còn mang nặng tính cảm
tính; nó chỉ phù hợp với một xã hội còn ở trình độ phát triển thấp
kém, nhất là về mặt kinh tế. Nếu như con người cứ mãi mãi “ăn
lông, ở lỗ”, hái lượm, bắt cá để sống thì liệu họ có còn là con người
theo đúng nghĩa của từ này nữa không? Quan niệm này dẫn đến thái
độ thụ động của con người trong quan hệ với tự nhiên, nó triệt tiêu
năng lực sáng tạo và những sức mạnh to lớn của con người trong
việc cải tạo tự nhiên - điều mà theo Ph.Ăngghen, là cái chủ yếu để
phân biệt con người với loài vật.
2. Vào nửa cuối thế kỷ XX, ở phương Tây phong trào trở về với tự
nhiên đã diễn ra khá rầm rộ. Văn minh phương Tây lấy con người
làm trung tâm. Con người được tôn vinh với sức mạnh khổng lồ, cả
về thể lực lẫn trí lực, với khả năng và khát vọng khám phá, chinh
phục tự nhiên, làm chủ và thống trị tự nhiên. Tinh thần duy lý đề cao
sức mạnh của khoa học, của trí tuệ con người; đề cao tính tích cực,
chủ động, sáng tạo của con người trong quan hệ với tự nhiên đã thúc
đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sản xuất vật
chất. Tinh thần ấy đã góp phần tạo nên diện mạo của nền văn minh
phương Tây với những thành tựu rực rỡ.
Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu từ khi máy hơi nước ra đời
năm 1764 cùng với sự xuất hiện của tầu hỏa, ô tô, máy ủi… thể hiện
sự tiến bộ của văn minh nhân loại. Của cải tăng lên nhanh chóng, tốc
độ và quy mô khai thác tự nhiên ngày càng gia tăng, bộ mặt thế giới
thay đổi từng ngày. "Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai
cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều
hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia
gộp lại"(1). Song, sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp với
mục tiêu duy nhất là phát triển kinh tế đã để lại những hậu quả nặng
nề. Ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi mà những vấn đề môi trường chưa
đặt ra bức xúc như hiện nay, C.Mác và Ph.Ănghen đã sớm nhận ra
hậu quả này và cảnh báo: "Chúng ta cũng không nên quá tự hào về
những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần
ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng
ta"(2). Đáng tiếc là những tư tưởng rất có giá trị của các ông về vấn
đề này chưa được các thế hệ sau quan tâm đầy đủ. Ngày nay, con
người đã phải trả giá đắt cho những gì mà họ đạt được. Những thành
tựu của nền văn minh công nghiệp hóa ra lại trở thành những thứ vũ
khí có sức mạnh hủy diệt thiên nhiên, tàn phá môi trường – cội
nguồn sản sinh ra con người và xã hội loài người.
Việc tiêu thụ quá lãng phí các nguồn tài nguyên ít hoặc không có
khả năng tái tạo, nạn phá rừng bừa bãi, cộng với một khối lượng
khổng lồ các chất thải công nghiệp và giao thông, các chất thải hạt
nhân cùng chất độc hóa học... đã dẫn tới nạn ô nhiễm nặng nề môi
trường sống, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng lỗ thủng
tầng ôzôn, hiệu ứng nhà kính, thay đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai,
dịch bệnh… ngày càng ghê gớm và tàn khốc.
Phong trào trở về tự nhiên nổi lên rầm rộ ở nhiều nước phương Tây
vào những năm 60 của thế kỷ XX và trở thành lối sống của một bộ
phận dân cư. Một số thanh niên tụ tập thành các nhóm và kéo nhau
trở về thôn quê hoặc những nơi hoang dã để sống như trong thời kỳ
nguyên thủy. Phong trào bảo vệ môi trường cũng lan rộng vào những
năm 60, 70 như là cuộc cách mạng về môi trường lần thứ nhất và
bùng phát lần thứ hai vào những năm 80 của thế kỷ XX, mạnh mẽ
hơn, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngày 22 tháng 04 năm 1970,
hơn 20 triệu người Mỹ đã tổ chức mít tinh, diễn thuyết, tuyên truyền
về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường. Các tổ chức "Hòa bình
xanh" đã có những hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường. Họ
nỗ lực không mệt mỏi, thậm chí bất chấp cả sinh mạng để chống lại
việc săn cá voi ở Nhật Bản, buộc các công ty ở châu Âu phải hủy bỏ
kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gen… Những hoạt động
tích cực của họ đã bước đầu làm thức tỉnh ý thức bảo vệ môi trường
ở nhiều nước trên thế giới. Những hành động đó, theo A.Toffler, là
sự phản ứng từ bản năng sinh tồn của con người chống lại nguy cơ
đe dọa địa cầu.
Sự phát triển của xã hội không thể tách rời môi trường tự nhiên.
Khẩu hiệu “Hãy sống thân thiện với tự nhiên” một lần nữa vang lên
như một mệnh lệnh của nền văn minh. Mệnh lệnh đó gần như đã
được nhân dân toàn thế giới ủng hộ, thể hiện trước tiên qua các Hội
nghị thượng đỉnh về “Môi trường và Phát triển” do Liên hợp quốc tổ
chức vào các năm 1972 ở Stốckhôm (Thuỵ Điển), 1992 ở Rio de
Janneiro (Brazin), năm 2002 ở Johannesburg (Nam Phi). Từ các Hội
nghị quốc tế này, chiến lược phát triển bền vững đã được thông qua
và bắt đầu triển khai ở nhiều nước. Tuy nhiên, để thực hiện chiến
lược phát triển mới – chiến lược phát triển bền vững, điều quan
trọng đầu tiên mà con người phải làm là thay đổi thái độ và cách ứng
xử của mình đối với tự nhiên, chuyển từ hành động mang tính bóc
lột, tước đoạt tự nhiên sang thiết lập quan hệ thân thiện và đồng tiến
hoá với tự nhiên; nghĩa là, cần phải xây dựng đạo đức sinh thái mới,
phù hợp với sự phát triển của thế giới ngày nay.
3. Những quy phạm đạo đức, pháp luật truyền thống… nhằm điều
chỉnh quan hệ giữa con người với tự nhiên trước đây không đủ để
duy trì và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.
Nó đòi hỏi phải xây dựng một nền đạo đức mới - đạo đức sinh thái.
Ở phương Tây hiện đại, đạo đức sinh thái do Lêopolt - một nhà khoa
học Mỹ đặt nền móng, phát triển mạnh vào những năm 60 của thế kỷ
XX. Đây là một nỗ lực về mặt lý luận nhằm xây dựng những quy
tắc, chuẩn mực hướng dẫn con người thiết lập mối quan hệ tương
giao mới với tự nhiên; trong đó, không cho phép con người khai thác
tự nhiên chỉ vì lợi ích của bản thân mình. Đạo đức sinh thái hiện đại
lên án thái độ chính phục theo kiểu “bất chấp” quy luật của con
người đối với tự nhiên. Họ phê phán mạnh mẽ các quan niệm duy ý
chí truyền thống, tuyệt đối hoá con người của phương Tây trong mối
quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đó là các quan niệm: thứ nhất,
của chủ nghĩa nhân bản Hy - La cổ đại coi "con người là thước đo
của vạn vật"...; thứ hai, của chủ nghĩa duy lý thế kỷ XVII - XVIII
coi con người là chủ nhân và chúa tể của giới tự nhiên; thứ ba, của
Thiên Chúa giáo coi con người mang bản chất thần thánh của Chúa
thiêng liêng và có quyền thống trị giới tự nhiên. Với những quan
niệm này, con người rơi vào chủ nghĩa duy lý, duy nhân loại cực
đoan và phản sinh thái; tự cho mình là sinh thể trung tâm, thượng
đẳng hay đó là chủ nghĩa vị kỷ chủng loại - nguyên nhân sâu xa của
vấn đề môi trường đang đè nặng lên nhân loại hôm nay.
Các nhà đạo đức sinh thái chủ trương xây dựng những quy phạm tự
thân, tự giác điều chỉnh thái độ của con người hướng tới tôn trọng tự
nhiên; xây dựng mối quan hệ hài hòa với tự nhiên, môi trường trên
một tiền đề căn bản là quyền sống, quyền tồn tại của tự nhiên. Theo
đó, mỗi người đều phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ mọi sinh
mệnh trong tự nhiên. Luân lý đạo đức mới này được gọi là đạo đức
sinh thái "tôn trọng sinh mệnh". Taylor - nhà đạo đức sinh thái người
Mỹ đã đưa ra những luận điểm có tính nguyên tắc, mà ông gọi là
quan điểm duy sinh vật, cho luân lý đạo đức của mình. Những luận
điểm đó là:
* Hệ môi sinh là một mạng lưới bao gồm những thành phần liên kết
chặt chẽ với nhau.
* Mọi sinh vật, mọi cộng đồng đều có lợi ích riêng và phải được tôn
trọng như nhau.
* Mỗi sinh vật là một trung tâm sống có mục đích riêng, có giá trị
nội tại là quyền sống, quyền tồn tại. Giá trị đó phải được xem là một
ý niệm triết lý - đạo đức để con người thấy được bổn phận với thiên
nhiên.
* Loài người là một thành viên bình đẳng của cộng đồng sinh vật.
Cần phủ nhận ưu thế tuyệt đối của loài người theo quan điểm truyền
thống để tạo nên một quan điểm mới về bình đẳng loài và bổn phận
tôn trọng các loài của con người.
Quan điểm của Taylor có những mặt tích cực và được ủng hộ mạnh
mẽ, tuy nhiên vẫn bị phê phán. Những người phê phán cho rằng,
quan điểm này đã đưa phạm trù đạo đức, phạm trù của xã hội loài
người vào thế giới sinh vật và do vậy, không thể thực hiện được.
Hơn nữa, quy luật đấu tranh sinh tồn làm cho quan điểm này khó
đứng vững.
Năm 1933, A.Leopol đã phát triển, mở rộng quan điểm duy sinh vật
ra toàn bộ cộng đồng sinh vật và cả những điều kiện tồn tại của
chúng. Ông đã trình bày một cách có hệ thống về giá trị quan sinh
thái "tôn trọng sinh mệnh". Yêu cầu đặt ra là loài người phải lấy sự
hoàn chỉnh, ổn định và vẻ đẹp của hệ thống sinh thái làm nguyên tắc
luân lý và tiêu chuẩn của thiện, ác. Ông cũng đã nói tới quyền sống,
quyền tồn tại của mọi sinh vật. Toàn bộ những điều kiện môi trường,
như đất, nước, không khí, động vật, cỏ cây, con người đều là những
nhân tố hợp thành của thiên nhiên, có giá trị sinh thái nhất định và
cần phải được tôn trọng. Đây là những luận điểm cơ bản của khuynh
hướng duy môi sinh hay duy sinh thái.
Sinh thái học bề sâu do Naess sáng lập với ý đồ tìm kiếm sự hòa
đồng giữa con người với tự nhiên bằng trực giác. Trực giác cho phép
con người nhận biết bản thể của các sinh vật trong vũ trụ. Về thực
chất, không có chủ thể, không có khách thể tồn tại độc lập, không có
sự tách biệt giữa người và vật, mọi thực thể đều được cấu tạo bằng
quan hệ với nhau. Con người là một hữu thể mà bản chất của nó chỉ
được xác định qua quan hệ với các hữu thể khác, là một mắt lưới
trong mạng lưới các hữu thể rộng lớn. Thế giới quan cũ đã sai lầm
khi gán cho con người một ưu thế tuyệt đối. Sinh thái học bề sâu chủ
trương một chủ nghĩa bình đẳng môi sinh và cho rằng, nếu con
người không biết đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa vạn vật mà cố xác
lập một quan hệ chủ tớ với thiên nhiên thì sẽ tự tách biệt đối với
chính mình. Sinh thái học bề sâu gặp gỡ tư tưởng truyền thống
phương Đông cổ đại ở chỗ: sự tự thực hiện bản ngã hay là thanh hóa
bản ngã, đó là sự đồng hóa của tiểu ngã với đại ngã, giữa cá thể với
vũ trụ, làm cho bản ngã của mình lan rộng và hòa nhập với đại ngã
của toàn vũ trụ. Trong quá trình thanh hóa bản ngã, con người hòa
nhập với môi trường, yêu mến, tôn trọng thiên nhiên như chính cha,
mẹ, anh, chị em ruột thịt, như chính bản thân mình, đó là nghệ thuật
sống của nhà hiền triết.
Nhìn chung, các quan điểm đạo đức sinh thái đều phê phán mạnh mẽ
chủ nghĩa duy lý truyền thống, khi nó phát triển theo hướng đề cao
một cách thái quá trí tuệ, khoa học, kỹ thuật dẫn tới sự thiếu hụt
trong đời sống tâm hồn, tình cảm, đạo đức đặc biệt là trong quan hệ
giữa con người và tự nhiên. Theo họ, sự thiếu hụt này cần được bù
đắp và có thể tìm thấy sự cân bằng trong một số học thuyết phương
Đông cổ đại. Có thể khẳng định rằng, luân lý đạo đức sinh thái hiện
đại là một sự cảnh tỉnh đối với loài người trước nguy cơ hiện thực về
khủng hoảng sinh thái - mặt trái của nền văn minh. Những quan
điểm này có một số yếu tố hợp lý (như luận điểm về sự liên kết chặt
chẽ giữa các thành phần trong hệ môi sinh...) và phần nào cũng phù
hợp với quan điểm mácxít và quan điểm truyền thống phương Đông.
Tuy nhiên, đây là một khuynh hướng cực đoan và không tưởng khi
mà nó phủ nhận hoàn toàn vai trò của trí tuệ, của sự sáng tạo con
người cũng như những thành quả của văn minh nhân loại. Nó có
nguy cơ dẫn tới thái độ duy sinh thái thuần tuý và một lần nữa muốn
hoà tan con người vào tự nhiên. Điều đó là không cần thiết.
* *
*
Con người cứ mải miết chinh phục tự nhiên, mải miết làm giàu mà
không biết rằng họ giàu lên bao nhiêu thì cũng đồng thời nghèo đi
bấy nhiêu. Nền văn minh công nghiệp đem lại gì cho con người, nếu
đằng trước họ là những "khu rừng già bằng bê tông" và đằng sau là
những hoang mạc? Người ta đổ xô ra thành thị để sống trong những
tòa nhà chọc trời nhưng lại thiếu không khí để thở, thiếu ánh mặt trời
và không gian tự nhiên... Nhân loại đang khao khát được sống gần
gũi với thiên nhiên. Trở về với thiên nhiên trở thành một trào lưu
thời thượng. Đây thực sự là lối sống ngược lại với nền văn minh
công nghiệp hiện đại.
Mong muốn trở về với tự nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên là
hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh. Điều này hoàn toàn
không mới mẻ và cũng không nằm ngoài bản chất người vốn có. Bởi
lẽ, con người ra đời từ tự nhiên, là bộ phận không thể tách rời của tự
nhiên, còn tự nhiên là "thân thể vô cơ" của con người. C.Mác đã
khẳng định: "... đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền
với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên
gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của
giới tự nhiên"(3). Vậy, trở về với tự nhiên phải chăng là quay lưng
lại với nền văn minh rực rỡ, huy hoàng hàng ngàn năm của nhân
loại? Đó là quan niệm hết sức cực đoan và phiến diện. Xã hội hoàn
toàn không tách rời tự nhiên mà trái lại, xã hội là sự tiếp nối của tự
nhiên, là trình độ phát triển cao hơn của giới tự nhiên. Sự phát triển
của xã hội loài người là khách quan và tất yếu. Nhưng con người
cũng trở nên phiến diện hơn nhiều nếu cứ tiếp tục giữ và hành động
theo quan điểm duy kinh tế, lấy tiêu chuẩn phát triển kinh tế nhanh
là mục tiêu duy nhất. Cần phải thay thế quan điểm cũ kỹ đó bằng một
quan điểm phát triển toàn diện hơn, bao gồm ba mục tiêu cơ bản: 1/ Mục
tiêu kinh tế: phát triển nhanh và an toàn; 2/ Mục tiêu xã hội: đảm bảo
công bằng xã hội, lấy chỉ số phát triển con người làm thước đo cao nhất;
3/ Mục tiêu sinh thái: khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên,
bảo vệ môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Đây chính là quan điểm phát triển bền vững đã được nêu trong báo
cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Ủy ban Môi trường và Phát
triển thế giới (WCED) năm 1987. Phát triển bền vững là sự phát
triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến các
thế hệ tương lai trong việc đáp ứng những nhu cầu của họ.
Quan điểm phát triển bền vững không đối lập với quan điểm duy
nhân loại đề cao năng lực sáng tạo, cải tạo tự nhiên của con người;
trái lại, càng khẳng định vai trò chủ thể của con người trong hoạt
động thực tiễn nhằm cải tạo tự nhiên một cách tích cực, mang tính tự
giác ở trình độ cao hơn.
Quan điểm phát triển bền vững cũng không đối lập với quan điểm
trở về tự nhiên. Phát triển bền vững đưa con người trở về với thiên
nhiên, nhưng không phải là cái thiên nhiên "mông muội tối tăm",
nguyên thủy, mà là một thiên nhiên được cải tạo, được làm giàu và
phát triển trên một trình độ mới - thiên nhiên mang tính người, đáp
ứng nhu cầu phát triển toàn diện của con người, không đối lập với
thiên nhiên hoang dã và chỉ có thể có được bằng sự tác động, cải tạo
hợp quy luật của con người. Như vậy, quan điểm phát triển bền vững
luôn có một cơ sở vững chắc, mà như C.Mác đã chỉ ra là, con người
có thể nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và sử dụng chúng
một cách có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn của mình.
Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa con người và tự nhiên là mối
quan hệ hai chiều, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Tự nhiên tác động
tới mọi mặt hoạt động của con người và xã hội, song sự tác động ấy
hoàn toàn tự phát. Còn mọi sự tác động của con người tới tự nhiên
đều "tất nhiên phải thông qua đầu óc của họ". Thế nhưng, con người
đã quá say sưa với những khiếm khuyết của mình trong nhận thức,
trong hành vi ứng xử với tự nhiên và chỉ đến khi phải trả giá đắt cho
những sai lầm của mình, loài người mới bừng tỉnh trước uy lực của
tự nhiên và hiểu rằng, chỉ có tôn trọng tự nhiên thì mới làm chủ
được tự nhiên. Phải chăng, đây chính là nguyên tắc căn bản để xây
dựng một nền đạo đức sinh thái mới làm kim chỉ nam cho hành động
của loài người./.
(*) Thạc sĩ, Trường Đại học Hải Phòng.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 1995, tr.603.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.654.
(3) C.Mác và PhĂng ghen. Sđd., t.42, tr.135.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_99__5767.pdf