In this paper, the tectonic stress field in the Southeast Continental Shelf of Vietnam region has established on the
base of seismic focal mechanism, volcanic and borehole geophysic data. It is shown that, the tectonic stress field of
study region complicatedly changes in the space. In the West region, the stress field of lateral strike-normal dip slip
pattern with the NNW-SSE maximum compressive direction is predominant. This stress field reactivates sub-longitudinal
faults in the left lateral strike - normal dip slip active mechanism, concurrently, creates the strike-slip displacement
components in the modern movements of NW-SE and NE-SE faults.
Predominant in the East region is the tectonic stress field of the normal-lateral slip or pure normal dip-slip patterns
with the maximum tensional stresses changing from the WNW-ESE in the Mang Cau - Phu Quy and KT.109° fault zones
to NW-SE direction in the Northeast Nam Con Son basin. This stress field reactivates sub-longitudinal and NE-SW
faults, respectively, in the normal-right lateral slip and normal dip-slip active mechanisms.
9 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 616 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trường ứng suất và các chuyển động hiện đại trong vỏ trái đất khu vực đông nam thềm lục địa Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
35(1), 1-9 Tạp chí CÁC KHOA HỌC VỀ TRÁI ĐẤT 3-2013
TRƯỜNG ỨNG SUẤT VÀ CÁC CHUYỂN ĐỘNG
HIỆN ĐẠI TRONG VỎ TRÁI ĐẤT KHU VỰC
ĐÔNG NAM THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM
DƯƠNG QUỐC HƯNG, BÙI NHỊ THANH,
NGUYỄN VĂN LƯƠNG, NGUYỄN VĂN ĐIỆP
E - mail: quochunghdh@yahoo.com
Viện Địa chất và Địa Vật lý Biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ngày nhận bài: 7 - 9 - 2012
1. Mở đầu
Nghiên cứu trường ứng suất kiến tạo giúp
chúng ta có cái toàn diện và sâu sắc hơn về các lực
khống chế, chi phối các biến dạng nội mảng, từ đó
đưa ra những đánh giá chính xác hơn về nguồn
gốc, cơ chế hình thành và mức độ tiềm ẩn các tai
biến địa chất có thể phát sinh. Tuy nhiên, cho đến
nay, những hiểu biết của chúng ta về trường ứng
suất kiến tạo khu vực Đông Nam thềm lục địa Việt
Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ lược, bước đầu.
Nguyên nhân của hiện trạng này là sự thiếu số liệu
cơ cấu chấn tiêu động đất, trong khi các phương
pháp địa hình - địa mạo và vật lý kiến tạo lại khó
áp dụng ở khu vực nghiên cứu.
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu
trường ứng suất tại chỗ (in-situ stress field) theo tài
liệu khoan dầu khí bước đầu được áp dụng ở khu
vực nghiên cứu [1, 4]. Tư tưởng chủ đạo của
phương pháp này là xem xét các đặc trưng phá hủy
trên thành giếng khoan như những chỉ thị ứng suất
tại các giếng khoan khảo sát. Theo đó, hướng sập
lở thành giếng khoan được xác định là hướng ứng
suất ngang cực tiểu; hướng các khe nứt giãn căng
phát sinh trong quá trình khoan, được xem là
hướng ứng suất ngang cực đại; trong khi ứng suất
thẳng đứng, với độ lớn bằng tải trọng của cột nước
và đất đá nằm phía trên độ sâu khảo sát, được xem
là thành phần ứng suất cơ bản thứ ba của trạng thái
ứng suất [4, 9]. Tuy nhiên, các kết quả đạt được
theo hướng nghiên cứu này vẫn còn hạn chế:
Việc định nghĩa các thành phần ứng suất như
trên chỉ đúng đắn trong trường hợp chế độ ứng suất
giãn căng, nhưng không phù hợp đối với chế độ ứng
suất kiểu nghịch hoặc trượt bằng. Bởi vì, trong hai
trường hợp này, các khe nứt phát sinh trong quá
trình khoan, luôn định hướng vuông góc hoặc lệch
45° so với các ứng suất ngang cực đại và cực tiểu.
Các trạng thái ứng suất xác định theo tài liệu
khoan chịu ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố địa
phương như điều kiện địa chất thủy văn, thành
phần thạch học, tính chất cơ lý của đất đá, hoạt
động của các đứt gãy liền kề. Vì vậy, các trạng thái
ứng suất bậc cao này không phản ánh hoặc phản
ánh không đầy đủ các đặc điểm trường ứng suất
khu vực.
Vì những lý do trên, việc đồng nhất thành phần
ứng suất ngang cực đại (hướng các khe nứt phát
sinh trong quá trình khoan) thuộc chế độ ứng suất
giãn căng, với hướng ứng suất nén cực đại của
trường ứng suất trượt bằng, theo số liệu cơ cấu
chấn tiêu động đất, nhằm mục đích thiết lập trường
ứng suất kiến tạo khu vực là không hợp lý.
Trong bài báo này, các tác giả giới thiệu
phương pháp sử dụng tài liệu núi lửa để nghiên cứu
trường ứng suất kiến tạo khu vực. Về thực chất,
đây chỉ là sự kế thừa và phát triển phương pháp
nghiên cứu ứng suất theo số liệu khoan đã được
giới thiệu trong [4, 11]. Tuy nhiên, do núi lửa có
nguồn gốc sâu và quy mô lớn, các trạng thái ứng
suất xác định theo tài liệu núi lửa, có thể phản ánh
đầy đủ các đặc điểm của trường ứng suất kiến tạo
khu vực [9]. Các chỉ thị ứng suất từ nguồn tài liệu
này, kết hợp với các cơ cấu chấn tiêu động đất hiện
có cho phép làm chi tiết hơn khung cảnh địa động
lực hiện đại ở khu vực Đông Nam thềm lục địa
Việt Nam.
2
2. Phương pháp nghiên cứu ứng suất kiến tạo
theo tài liệu núi lửa
2.1. Các chế độ ứng suất cơ bản
Dưới tác động của trường ứng suất kiến tạo với
các ứng suất cơ bản δ1> δ2> δ3, vỏ Trái Đất bị biến
dạng và dịch chuyến theo các phương thức khác
nhau. Tùy thuộc vào sự định hướng của các trục
ứng suất cơ bản so với phương ngang, các hệ thống
đứt gãy có thể sinh mới hoặc tái hoạt động theo các
cơ chế trượt bằng, thuận và nghịch. Trên hình 1,
đường thẳng SH, thể hiện hướng mặt trượt (hướng
bắc-nam, Az = 0°), liên quan với các trục ứng suất
cơ bản bằng các mối quan hệ dưới đây:
- Trong chế độ ứng suất trượt bằng (hình 1a):
các ứng suất cực đại và cực tiểu, δ1 và δ3, đều nằm
ngang, lệch 45° so với hướng mặt trượt SH (hướng
đứt gãy); ứng suất trung gian δ2 dốc đứng; các bề
mặt ứng suất tiếp tuyến cực đại, nP1 và nP2, định
hướng bắc - nam và đông - tây, giao cắt nhau dọc
theo trục ứng suất trung gian; vector trượt nằm
ngang (λ1,2 = 0°) theo các hướng bắc - nam và
đông - tây.
- Trong chế độ ứng suất thuận (hình 1b): ứng
suất cực tiểu δ3 nằm ngang, vuông góc với phương
mặt trượt SH; ứng suất trung gian δ2 nằm ngang,
song song với SH; ứng suất cực đại δ1 dốc đứng;
các bề mặt nP1 và nP2 cắt nhau dọc trục ứng suất
trung gian, đều song song với phương mặt trượt
SH; vector trượt chúi xuống dưới (λ1,2 = –90°).
Hình 1. Các chế độ kiến tạo cơ bản và các mô hình
trạng thái ứng suất liên quan
- Trong chế độ ứng suất nghịch (hình 1c): ứng
suất cực đại δ1 nằm ngang, vuông góc với mặt trượt
SH; ứng suất trung gian δ2 nằm ngang, song song
với phương mặt trượt SH; ứng suất cực tiểu δ3 dốc
đứng; nP1 và nP2 giao nhau dọc trục ứng suất trung
gian, đều song song với SH; vector trượt hướng lên
trên (λ1,2 = +90°).
Như vậy, chỉ trong các chế độ ứng suất kiểu
thuận hoặc nghịch, trục ứng suất trung gian δ2 mới
có sự định hướng song song với phương đứt gãy,
khi đó, trục ứng suất cực tiểu δ3 (chế độ ứng suất
thuận) hoặc cực đại δ1 (chế độ ứng suất nghịch)
nằm ngang, vuông góc với phương đứt gãy.
2.2. Phương pháp xác định ứng suất kiến tạo
theo số liệu núi lửa
Để thuận tiện cho việc phân tích đối sánh với
số liệu cơ cấu chấn tiêu động đất, trong các mô tả
dưới đây, chúng tôi sử dụng các khái niệm ứng suất
nén, trung gian và giãn, ký hiệu bởi P, B và T để
thay thế các khái niệm ứng suất cực đại, trung gian
và cực tiểu, δ1, δ2 và δ3 đã sử dụng ở trên, theo đó δ1
≈ P, δ2 ≈ B và δ3 ≈ T. Trong thực tế, một trạng thái
ứng suất thường đặc trưng bởi 7 thông số động lực:
3 trục ứng suất cơ bản P, B và T; 2 bề mặt ứng suất
tiếp tuyến cực đại, nP1 và nP2 và 2 góc trượt λ1 và
λ2, tạo lập giữa các vector trượt với phương ngang
trên các bề mặt trượt.. Do tính trực giao giữa các
thông số trạng thái ứng suất, nên trong thực tế chỉ
cần biết trước sự định hướng của 2 trong 7 thông
số nêu trên, 5 thông số còn lại hoàn toàn có thể xác
định được. Các tổ hợp thông số cần biết trước để
tạo lập một trạng thái ứng suất có thể là P^B; P^T;
B^T; nP1^λ1, nP2^λ2, λ1^λ2,...
Các nghiên cứu cho thấy, đứt gãy tạo núi lửa
thường hoạt động trong chế độ ứng suất thuận, với
trục ứng suất nén, P dốc đứng, các trục ứng suất
trung gian và ứng suất giãn, B và T, đều nằm
ngang theo các hướng song song và vuông góc với
đường phương đứt gãy. Vì vậy, việc xác lập các
trạng thái ứng suất tại các tâm núi lửa, dựa vào tổ
hợp thông số, B^T, có thể thực hiện theo trình tự
dưới đây:
- Xác định vị trí các tâm núi lửa theo tài liệu địa
chấn dầu khí và địa chấn nông phân giải cao
(hình 2).
- Nghiên cứu quan hệ giữa núi lửa với bình đồ
đứt gãy kiến tạo; xác định phương vị của các đứt
gãy liên quan đến các tâm núi lửa đang xem xét.
- Tại vị trí các tâm núi lửa, ứng suất trung gian
B được xác định nằm ngang, song song phương
đứt gãy, trong khi ứng suất giãn T nằm ngang và
vuông góc với nó. Trong trường hợp núi lửa xảy ra
tại nút giao của hai đứt gãy, trục ứng suất giãn T
được xác định như đường phân giác của góc tạo
bởi T1 và T2 (là các hướng ứng suất tách giãn xác
định theo đứt gãy 1 và 2).
a) b) c)
3
3. Trường ứng suất kiến tạo và các chuyển động
hiện đại trong vỏ Trái Đất khu vực Đông Nam
thềm lục địa Việt Nam
3.1. Hệ thống đứt gãy hoạt động Pliocen-Đệ Tứ
Trên cơ sở phân tích, đánh giá và kế thừa các
kết quả nghiên cứu đứt gãy đã có [4, 6, 9, 11], kết
hợp với các kết quả xác định đứt gãy bổ sung theo
tài liệu động đất và địa chấn thăm dò, thực hiện
trong khuôn khổ công trình này, bình đồ đứt gãy
hoạt động Pliocen - Đệ Tứ khu vực Đông Nam
thềm lục địa Việt Nam đã được thành lập, bao gồm
14 đứt gãy, phân bố theo 3 hướng á kinh tuyến,
ĐB-TN và TB-ĐN. Các đặc điểm hình thái động
học và hoạt tính kiến tạo của các đứt gãy được mô
tả ngắn gọn như dưới đây:
3.1.1. Hệ đứt gãy phương á kinh tuyến
Đứt gãy Kinh tuyến 109° đóng vai trò ranh giới
phía đông khối Kon Tum, bắt nguồn từ nam đảo
Hải Nam, qua sườn lục địa Trung Bộ và rìa phía
đông bể Nam Côn Sơn, sau đó tiếp tục phát triển
xuống phía nam. Trên nhiều tuyến địa chấn của
NOPEC, Malugin và Mandrell, qua thềm lục địa
miền Trung, đứt gãy biểu hiện là một sườn dốc,
nghiêng phía đông, bắt nguồn từ dưới sâu và phát
triển tới đáy biển hiện đại. Hoạt tính kiến tạo của
đứt gãy thể hiện bởi sự có mặt các chấn tâm động
đất và núi lửa, nằm dọc theo đới đứt gãy.
Đứt gãy Mãng Cầu - Phú Quý bắt nguồn từ ven
biển Ninh Thuận, chạy dọc kinh tuyến 109°, qua
rìa tây địa lũy Hòn Hải, tiếp tục phát triển xuống
phía nam qua bể Nam Côn Sơn. Trong đới đứt gãy,
đã ghi nhận 14 trận động đất với M ≤ 6,1, trong đó,
11 trận động đất được nhận định có nguồn gốc núi
lửa [9]. Các tài liệu hiện có cho phép xác định 4
ngọn núi lửa ở khu vực đảo Hòn Tro, trong đó, 3
núi lửa hình thành năm 1923 và 01 núi lửa hình
thành sớm hơn [9, 10]. Trên các tuyến địa chấn cắt
qua đông bắc bể Cửu Long và đới nâng Côn Sơn,
đứt gãy Mãng Cầu - Phú Quý thể hiện là một đới
sụt biên độ lớn. Dọc theo nó, phát hiện nhiều núi
lửa Pliocen - Đệ Tứ và hiện đại (hình 2).
Đứt gãy Tây Phú Quý bắt nguồn từ trong đất
liền, qua phía đông mũi Liên Hương, bể Cửu Long
và tiếp tục phát triển qua đới nâng Côn Sơn tới
phía tây đới nâng Mãng Cầu thuộc bể Nam Côn
Sơn. Đứt gãy liên quan đến một số động đất yếu
M≤4,0.
Đứt gãy Mũi Né - Côn Sơn từ trong đất liền,
phát triển qua phía đông mũi Né, qua bể Cửu Long,
đi vào đới nâng Côn Sơn tới phía tây đới nâng
Mãng Cầu. Hoạt tính kiến tạo của đứt gãy thể hiện
bởi dải chấn tâm mật độ cao dọc theo đới đứt gãy.
Các trận động đất mạnh M=5,2-5,3 (2005 - 2007)
là các phá hủy địa chấn trượt bằng trái-thuận
hướng BĐB-NTN, dốc 70-80° về phía đông, gần
trùng với hướng cắm của đứt gãy [9].
Hình 2. Biểu hiện núi lửa hiện đại trên tuyến địa chấn nông qua đứt gãy Mãng Cầu - Phú Quý
Đứt gãy Mũi Kê Gà bắt nguồn từ trong lục địa,
chạy qua phía đông mũi Kê Gà, qua bể Cửu Long,
sau đó tiếp tục phát triển hướng nam tây nam, hòa
nhập với đứt gãy Đông Côn Sơn ở phía đông Côn
Đảo. Trong phạm vi bể Cửu Long, đứt gãy phân
cách các cấu trúc á vỹ tuyến ở phía tây với các cấu
trúc ĐB-TN ở phía đông (hình 3). Dọc theo đới đứt
gãy đã ghi nhận được một số động đất yếu với
4
magnitude M≤ 4,0.
Đứt gãy Đắk Mil - Bình Châu từ phía bắc, phát
triển qua Đắk Mil (Đắk Lắk) tới Bình Châu (Bình
Thuận), khống chế phương phát triển của các thể
đá granit Creta muộn và bị phân cắt bởi các đứt
gãy ĐB-TN. Đứt gãy có độ sâu xuyên cắt vỏ, dốc
70-80° về phía tây và có biểu hiện hoạt động trượt
bằng trái - thuận trong Pliocen - Đệ Tứ [6, 9].
Đứt gãy sông Đồng Nai bắt nguồn từ rìa tây
vòm nâng Natuna, phát triển lên phía bắc, đi vào
đới nâng Côn Sơn ở khoảng 9°N. Đứt gãy dốc
hướng tây, phân cách đới phân dị phía tây và đới
chuyển tiếp Trung Tâm của bể Nam Côn Sơn. Hoạt
tính kiến tạo biểu hiện bởi sự có mặt các dải sụt hạ
phương á kinh tuyến trên địa hình đáy trầm tích
Pliocen và đáy biển hiện đại [9].
Hình 3. Sơ đồ phân bố chấn tâm động đất và núi lửa khu vực Đông Nam thềm lục địa Việt Nam
5
3.1.2. Hệ đứt gãy phương đông bắc - tây nam
Đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải phân cách miền
cấu trúc vỏ lục địa Kon Tum - Hà Tiên phía tây bắc
với miền cấu trúc vỏ lục địa tách giãn, vát mỏng
Cửu Long - Côn Sơn phía đông nam. Hoạt tính
kiến tạo của đứt gãy biểu hiện bởi sự có mặt dải sụt
đáy trầm tích Đệ Tứ, phương ĐB-TN, chạy sát bờ
biển, từ Vũng Tàu đến phía nam vịnh Phan Thiết
[9] và một số chấn tâm động đất và núi lửa phân bố
dọc đới ven biển từ Vũng Tàu đến Ninh Thuận.
Trận động đất lịch sử M=5,1 (1882), ở phía nam
Mũi Né, theo các dấu hiệu phun nổ kéo dài, được
nhận định có nguồn gốc núi lửa.
Đứt gãy Đông Côn Sơn gồm nhiều đứt gãy
thành phần, phát triển từ đông bắc thềm Phan
Rang, tới vùng đảo Phú Quý, sau đó phân tách
thành hai nhóm, chạy dọc theo sườn tây bắc và
đông nam đới nâng Côn Sơn, tạo ra các cấu trúc sụt
bậc về phía hai bể liền kề. Hoạt tính kiến tạo của
đứt gãy biểu hiện bởi sự có mặt các đới sụt hạ đáy
biển, quan sát được trên các tuyến địa chấn qua
vùng đảo Phú Qúy, sự có mặt các chấn tâm động
đất và núi lửa phân bố dọc theo đới đứt gãy [9, 12]
Đứt gãy Hồng - Tây Mãng Cầu bắt nguồn từ rìa
đông vòm nâng Natuna, phát triển phương á kinh
tuyến tới phía tây nâng Mãng Cầu. Từ đây, nó
chuyển hướng ĐB-TN, chạy dọc rìa tây bắc bể
Nam Côn Sơn. Hoạt tính kiến tạo của đứt gãy biểu
hiện bởi sự có mặt các chấn tâm động đất và núi
lửa, tại nơi giao cắt với các đứt gãy sâu á kinh
tuyến. Tài liệu hiện có cho phép xác định sự có mặt
của trên 10 núi lửa Pliocen - Đệ Tứ, tại tọa độ
khoảng 8°53’N, 108°40’E [10].
Đứt gãy Long Hải - Tuy Phong bắt nguồn từ
khu vực Cà Ná, chạy dọc ven bờ Tuy Phong qua
Bình Châu, Bình Thạnh, Hòn Bà, Mũi Chim đến
Long Hải và bị khống chế bởi đứt gãy Sông Sài
Gòn ở phía tây. Đứt gãy có độ sâu xuyên vỏ, dốc
về đông nam 70-75°. Hoạt tính kiến tạo của đứt
gãy biểu hiện bởi sự có mặt một số núi lửa trẻ ở
ven biển Tuy Phong và hiện tượng sụt hạ đáy biển
ở ven bờ Phan Thiết [6, 9].
Hoạt tính kiến tạo Pliocen - Đệ Tứ của đứt gãy
Long Hải - Tuy Phong biểu hiện bởi sự có mặt các
núi lửa ngầm phát hiện được tại ven bờ Tuy Phong
và hiện tượng sụt lún đáy biển khá phổ biến dọc
theo đứt gãy (hình 4).
Hình 4. Biểu hiện sụt lún đáy biển khu vực mũi Kê Gà - Bình Thạnh
Đứt gãy Đa Nhim - Tánh Linh dốc hướng đông
nam 78-85°, độ sâu xuyên cắt lớn, bề rộng ảnh
hưởng đạt tới 25km, được xác định là đứt gãy
thuận trong Eocen, xen cục bộ cơ chế nghịch-bằng
trái trong Miocen giữa-muộn và thuận-bằng trái
trong Pliocen - Đệ Tứ [8]. Hoạt tính kiến tạo của
đứt gãy biểu hiện bởi các điểm nước khoáng, nước
nóng phát hiện dọc đới đứt gãy và một vài chấn
tâm động đất tại đầu đông bắc, nơi giao cắt với các
đứt gãy TB-ĐN.
3.1.3. Hệ thống đứt gãy tây bắc-đông nam
Đứt gãy Sông Sài Gòn phân cách đới Đà Lạt
phía đông bắc và đới Cần Thơ phía tây nam, dốc
70-80° về tây nam, có bề rộng ảnh hưởng đạt tới
30km và độ sâu xuyên cắt vỏ [6]. Hoạt tính kiến
tạo của đứt gãy biểu hiện bởi sự cắt dịch đáy các
tầng trầm tích Pleistocen và Holocen, sự có mặt
các điểm nước khoáng nóng và dải núi lửa Pliocen
- Đệ Tứ, từ cửa sông Sài Gòn phát triển về phía
tây bắc.
6
Đứt gãy Bình Long - Bình Châu bắt nguồn từ
lãnh thổ Cam Pu Chia, phát triển hướng đông nam
tới bờ biển Bình Thuận, phân cách đới Dầu Tiếng -
Bà Rịa với đới Hàm Thuận - Đa My. Đứt gãy bị
phân cắt, dịch chuyển khoảng trên 20km dọc theo
đứt gãy Lộc Ninh - Thủ Dầu Một [6].
3.2. Trường ứng suất kiến tạo và các chuyển
động hiện đại trong vỏ Trái Đất
Trên hình 5, các trạng thái ứng suất được thể
hiện dưới dạng các cặp ứng suất cơ bản định
hướng gần nằm ngang. Đó là các cặp trục ứng
suất nén và giãn, P và T, tại cơ cấu chấn tiêu của
các trận động đất (bảng 1); các cặp trục ứng suất
giãn và trung gian, T/Sh và B/SH, tại vị trí các tâm
núi lửa và các giếng khoan dầu khí, trong đó, các
trạng thái ứng suất theo số liệu khoan dầu khí
được tham khảo, trích dẫn từ các tài liệu (bảng 2)
[4, 9, 11].
Hình 5. Sơ đồ phân bố ứng suất kiến tạo khu vực Đông Nam thềm lục địa Việt Nam
7
Bảng 1. Số liệu cơ cấu chấn tiêu của các trận động đất mạnh M 5,2-5,3 (2005, 2007)
trong đới đứt gãy Mũi Né - Côn Sơn [7, 12]
Tọa độ
TT N./Th./Ng.
φ0 λ0
H(km) M nP1AZo/δo/ λo nP2AZo/δo/ λo TAZo/δo BAZo/δo PAZo/δo
1 2005/11/07 10,08 108,26 12 5,2 23/79/ -22 117/69/-168 75/9 182/67 339/23
2 2005/11/08 10,12 108,28 10 5,3 27/82/ -22 120/68/-172 77/8 174/76 341/22
3 2007/11/28 10,02 108,28 12 5,2 22/82/ -19 115/72/-172 70/10 188/62 338/17
Bảng 2. Các trạng thái ứng suất xác định theo số liệu khoan dầu khí ở các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn [4]
Tọa độ giếng khoan (theo [10]) Phương vị của SH và Sh
TT λo(E) φo(N) AzH0 Azh0
Cơ sở số liệu để xác định SH [6]
1 108,25 10,00 85 355 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
2 108,29 10,02 75 345 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
3 107,98 9,81 80 350 Xác định từ hướng nứt nẻ phát sinh
4 108,06 9,87 92 02 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
5 108,03 9,84 94 04 Xác định từ hướng nứt nẻ phát sinh
6 107,59 9,23 02 92 Xác định từ hướng nứt nẻ sinh ra trong quá trình khoan
7 108,28 9,71 354 84 Xác định từ hướng nứt nẻ phát sinh
8 109,10 9,24 128 38 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
9 108,88 8,70 141 51 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
10 108,92 8,59 138 48 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
11 108,62 8,54 142 52 Xác định từ hướng nứt nẻ phát sinh
12 108,19 7,98 91 01 Xác định từ hướng sập lở thành lỗ khoan
13 109,10 7,37 134 44 Xác định từ hướng nối các điểm phun khí
Trường ứng suất kiến tạo khu vực Đông Nam
thềm lục địa Việt Nam được thiết lập trên cơ sở
phân tích đối sánh, xác định tính quy luật trong
phân bố không gian của các trạng thái ứng suất và
các trục ứng suất cơ bản. Trường ứng suất này
không đồng nhất, thể hiện sự khác biệt rõ rệt, về
tính chất cũng như sự định hướng của ứng suất cơ
bản, giữa phía tây và phía đông khu vực
nghiên cứu.
3.2.1. Trong khu vực phía tây thềm lục địa Đông
Nam Việt Nam
Các cơ cấu chấn tiêu động đất mạnh M = 5,2-
5,3 (2005 - 2007), trong đới đứt gãy Mũi Né - Côn
Sơn cho thấy (bảng 1): trường ứng suất khu vực
này thuộc kiểu bằng-thuận với các trục ứng suất
nén và giãn, P và T, gần nằm ngang, tương ứng,
theo các phương BTB-NĐN và ĐĐB-TTN; ứng
suất trung gian B gần dốc đứng; các bề mặt ứng
suất tiếp tuyến cực đại, nP1 và nP2 có độ dốc lớn,
định hướng á kinh tuyến và á vĩ tuyến. Trường ứng
suất này làm tái hoạt động hoặc sinh mới các đứt
gãy phương á kinh tuyến (Mũi Né - Tây Mãng
Cầu, Mũi Kê Gà, Đắk Mil - Bình Châu, Sông Đồng
Nai) theo cơ chế bằng trái - thuận; đồng thời, tạo ra
các thành phần dịch chuyển trượt bằng phải và
bằng trái, tương ứng, trong các đới đứt gãy TB-ĐN
(Sông Sài Gòn, Bình Long - Bình Châu) và ĐB-
TN (Thuận Hải - Minh Hải, Long Hải - Tuy Phong
và Đông Côn Sơn).
Hoạt động trượt bằng trái-thuận trong các đới
đứt gãy á kinh tuyến khu vực phía tây được minh
chứng bởi cơ cấu chấn tiêu của 3 trận động đất
mạnh, M = 5,2-5,3 (2005, 2007), xảy ra trong đới
đứt gãy Mũi Né-Côn Sơn, trong đó, thành phần
bằng trái khoảng 2,6 lần lớn hơn thành phần thuận
[6, 9]. Trong đới đứt gãy Lộc Ninh - Sài Gòn,
thành phần trượt bằng trái được đánh giá theo sự
xê dịch sông suối ở hai cánh đứt gãy, có tốc độ
0,11 ± 0,07mm/năm trong Pliocen - Đệ Tứ [6].
Hoạt động theo cơ chế thuận-bằng phải trong
các đới đứt gãy Sông Sài Gòn và Bình Long-Bình
Châu Thành có thể được minh chứng bởi sự có mặt
dải núi lửa Pleistocen giữa - muộn - Holocen, nằm
giữa hai đới đứt gãy, từ cửa Sông Sài Gòn phát
triển về phía TB-ĐN. Thành phần dịch chuyển
trượt bằng phải dọc đứt gãy Sông Sài Gòn, với tốc
độ xấp xỉ 0,15 - 0,3 mm/năm, được đánh giá theo
biên độ xê dịch sông suối ở hai cánh đứt gãy [7].
8
Cơ chế dịch chuyển thuận - bằng trái trong các
đới đứt gãy ĐB-TN (Thuận Hải - Minh Hải, Long
Hải - Tuy Phong, Đông Côn Sơn, Hồng - Tây
Mãng Cầu) bị chi phối chủ yếu bởi hoạt động sụt
lún tốc độ cao trong các bể Cửu Long và Nam Côn
Sơn, và trong chừng mực nhất định, bởi trường
ứng suất kiến tạo trượt băng với hướng nén ép
BTB-NĐN, do chuyển động thúc trồi hướng đông
nam của khối Đông Dương. Trong Pleistocen giữa
- muộn - Holocen, bên cạnh việc hình thành các
trung tâm sụt lún mới, hoạt động sụt lún tại các bể
Cửu Long và Nam Côn Sơn đều có xu hướng gia
tăng, đạt tốc độ xấp xỉ 0,18-0,24mm/năm ở bể Cửu
Long, lớn hơn 5-6 lần tốc độ sụt lún Pliocen-
Pleistocen sớm tại bể này [6, 9]. Tuy nhiên, yếu tố
trượt bằng trái trong chuyển động hiện đại của hệ
thống đứt gãy ĐB-TN, cho đến nay vẫn chưa được
nghiên cứu đầy đủ.
3.2.2. Trong khu vực phía đông thềm lục địa Đông
Nam Việt Nam
Trong khu vực phía đông, trường ứng suất thay
đổi từ kiểu thuận - bằng phải, trong đới đứt gãy
Mãng Cầu Phú Quý và KT.109°, đến thuận thuần
túy ở đông bắc bể Nam Côn Sơn. Trường ứng suất
này bị chi phối chủ yếu bởi các hoạt động sụt lún
tốc độ cao tại các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và
trũng sâu Trung tâm Biển Đông.
Trong các đới đứt gãy Mãng Cầu - Phú Quý và
KT.109°, trường ứng suất đặc trưng bởi trục ứng
suất nén P dốc đứng; các trục ứng suất trung gian B
và ứng suất giãn T gần nằm ngang theo các phương
á kinh tuyến (ĐĐB-TTN) và á vỹ tuyến (TTB-
ĐĐN). Trường ứng suất này làm tái hoạt động các
đứt gãy á kinh tuyến theo cơ chế thuận - bằng phải.
Sự giãn căng vỏ Trái Đất theo phương á vỹ tuyến
tạo động lực thuận lợi cho các hoạt động sụt lún
kiến tạo và phun trào núi lửa. Sự tập trung núi lửa
Pliocen - Đệ Tứ và hiện đại trong các đới đứt gãy
Mãng Cầu - Phú Quý và KT.109°, nơi mà đáy trầm
tích Đệ Tứ sụt hạ tới độ sâu trên 1000m so với mức
trung bình 600-700m ở bể Nam Côn Sơn [6], là
minh chứng cụ thể về tác động của chế độ ứng suất
thuận - bằng phải, với thành phần thuận chiếm ưu
thế về độ lớn trong các đới đứt gãy này.
Ở đông bắc bể Nam Côn Sơn, các trạng thái
ứng suất xác định theo tài liệu núi lửa và khoan dầu
khí có đặc điểm tương tự nhau, đều thuộc chế độ
ứng suất kiểu thuận với trục ứng suất nén P dốc
đứng; các trục ứng suất giãn và trung gian, T và B,
nằm ngang theo các phương TB-ĐN và ĐB-TN.
Trường ứng suất này bị chi phối chủ yếu bởi các
hoạt động sụt lún tốc độ cao ở bể Nam Côn Sơn và
Trũng sâu Trung tâm Biển Đông. Sự giãn căng
của vỏ Trái Đất theo phương TB-ĐN làm tái hoạt
động hoặc sinh mới các đứt gãy ĐB-TN, đồng thời,
tạo động lực cho các hoạt động phun trào núi lửa
xảy ra dọc các đứt gãy này.
4. Kết luận
Bình đồ đứt gãy kiến tạo trẻ khu vực Đông
Nam thềm lục địa Việt Nam đã được xây dựng và
hoàn thiện, bao gồm 14 đứt gãy, phát triển theo ba
hướng chính: á kinh tuyến (7 đứt gãy), ĐB-TN (5
đứt gãy) và TB-ĐN (2 đứt gãy).
Trường ứng suất kiến tạo khu vực Đông Nam
thềm lục địa Việt Nam không đồng nhất, thay đổi
từ kiểu bằng - thuận ở phía tây sang kiểu thuận -
bằng phải hoặc thuận ở phía đông. Trường ứng
suất bằng - thuận đặc trưng bởi các trục ứng suất
nén và giãn gần nằm ngang phương BTB-NĐN và
ĐĐB-TTN, làm tái hoạt động các đứt gãy á kinh
tuyến theo cơ chế bằng trái - thuận; đồng thời, tạo
ra các yếu tố dịch chuyển trượt bằng trong các đới
đứt gãy TB-ĐN và ĐB-TN.
Trường ứng suất ở khu vực phía đông đặc
trưng bởi trục ứng suất nén dốc đứng, các trục ứng
suất giãn và ứng suất trung gian, gần nằm ngang,
một cách tương ứng, thay đổi từ hướng TTB-ĐĐN
và BĐB-NTN trong các đới đứt gãy Mãng Cầu-
Phú Quý và KT. 109°, đến TB-ĐN và ĐB-TN ở
đông bắc bể Nam Côn Sơn. Trường ứng suất này
bị chi phối mạnh mẽ bởi các hoạt động sụt lún tốc
độ cao tại các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và
Trũng sâu Trung tâm Biển Đông; làm tái hoạt động
các đứt gãy á kinh tuyến và ĐB-TN, tương ứng,
theo các cơ chế thuận - bằng phải và thuận; đồng
thời tạo động lực thuận lợi cho các hoạt động sụt
lún kiến tạo và phun trào núi lửa.
Công trình này được hoàn thành với sự hỗ trợ
về kinh phí của Đề tài: “Nghiên cứu trường ứng
suất kiến tạo hiện đại, xác định nguồn gốc các tai
biến địa chất trong vùng thềm lục địa Đông Nam
Việt Nam”, Mã số VAST09.02/11-12.
TÀI LIỆU DẪN
[1] Aadnoy, B.S., 1990: Inversion technique
to determine the in-situ stress field from fracturing
data, J. Petrol. Sci. Engin., 4, pp.127-141.
9
[2] Aadnoy, B.S. and Bell J.S., 1998:
“Classification of drill-induced fractures and their
relationship to insitu stress directions”, Log
Analyst, 39, pp.27-42.
[3] Nguyen Thi Thanh Binh, Tomochika
Tokunaga, Neil R. Goulty, Hoang Phuoc Son, Mai
Van Binh, 2011: Stress state in the Cuu Long and
Nam Con Son basins, offshore Vietnam, Marine
and Petroleum Geology 28, p.973-979.
[4] Nguyễn Thị Thanh Bình, Tomochika
Tokunaga, Hoàng Viết Sơn, Mai Văn Bình, 2005:
Trường ứng suất hiện tại và áp suất thành hệ trong
bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Tuyển tập báo cáo
Hội nghị KHCN “30 năm dầu khí Việt Nam: Cơ hội
mới, thách thức mới”, Q.III. Viện Dầu khí, 536-560.
[5] Nguyễn Văn Hướng, Phan Trọng Trịnh,
Hoàng Ngọc Đang, 2011: Trạng thái ứng suất kiến
tạo hiện đại khu vực bể Cửu Long, T.33, 3ĐB. Tạp
chí Các Khoa học về Trái Đất, 457-464.
[6] Đỗ Văn Lĩnh, 2010: Lịch sử phát triển kiến
tạo Kainozoi lãnh thổ Nam Trung Bộ và mối liên
quan với động đất, Luận án Tiến sĩ Địa chất, Đại
học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh, 160tr.
[7] Nguyễn Văn Lương, Bùi Công Quế,
Nguyễn Văn Dương, 2008: Trường ứng suất kiến
tạo và các chuyển động hiện đại trong vỏ Trái Đất
khu vực Biển Đông. Tạp chí Khoa học và Công
nghệ Biển, T.8, số 1, 46-52.
[8] Mai Thanh Tân, 2004: Nghiên cứu đặc
điểm địa chất - địa chất công trình vùng đông nam
thềm lục địa Việt nam phục vụ chiến lược phát
triển kinh tế và xây dựng công trình biển. Báo cáo
Đề tài KHCN cấp Nhà nước KC-09-09.
[9] Bùi Nhị Thanh, 2012: Đặc điểm hoạt động
kiến tạo trẻ vùng Đông Nam thềm lục địa Việt
Nam và mối quan hệ với các tai biến địa chất trên
cơ sở tài liệu địa chấn, Luận án Tiến sĩ Địa chất,
Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội, 145tr.
[10] Đỗ Minh Tiệp, 1996: Sự phân dị theo thời
gian và không gian của bazan Kainozoi đáy Biển
Đông Việt Nam. Các công trình nghiên cứu Địa
chất và Địa vật lý Biển, Tập II, Nxb KH&KT Hà
Nội, 179-194.
[11] Phan Trọng Trịnh, 2010: Nghiên cứu hoạt
động kiến tạo trẻ, kiến tạo hiện đại và địa động lực
Biển Đông làm cơ sở khoa học cho việc dự báo các
dạng tai biến liên quan và đề xuất các giải pháp
phòng tránh, Báo cáo tổng kết Đề tài trọng điểm
cấp nhà nước KC-09-11/06-10. Viện Địa chất,
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội.
[12] Nguyễn Đình Xuyên, 2008: Hoạt động
động đất vùng Nam Bộ, Báo cáo chuyên đề, Đề
tài: Phân vùng nhỏ động đất Tp. Hồ Chí Minh do
Ths. Cát Nguyên Hùng chủ trì. Lưu trữ tại Sở
Khoa học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
SUMMARY
The tectonic stress field and modern movements in the Earth’s crust in the Southeast continental Shelf of Vietnam
In this paper, the tectonic stress field in the Southeast Continental Shelf of Vietnam region has established on the
base of seismic focal mechanism, volcanic and borehole geophysic data. It is shown that, the tectonic stress field of
study region complicatedly changes in the space. In the West region, the stress field of lateral strike-normal dip slip
pattern with the NNW-SSE maximum compressive direction is predominant. This stress field reactivates sub-longitudinal
faults in the left lateral strike - normal dip slip active mechanism, concurrently, creates the strike-slip displacement
components in the modern movements of NW-SE and NE-SE faults.
Predominant in the East region is the tectonic stress field of the normal-lateral slip or pure normal dip-slip patterns
with the maximum tensional stresses changing from the WNW-ESE in the Mang Cau - Phu Quy and KT.109° fault zones
to NW-SE direction in the Northeast Nam Con Son basin. This stress field reactivates sub-longitudinal and NE-SW
faults, respectively, in the normal-right lateral slip and normal dip-slip active mechanisms.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 3032_10209_1_pb_3388_2107942.pdf