Tỷ lệ sống và tăng trưởng của san hô thử nghiệm phục hồi ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Quảng Nam

Việc di dời san hô cứng để phục hồi cho kết quả khả quan về tỷ lệ sống (78,30%). Khu vực Bãi Bấc san hô có tỷ lệ sống cao nhất là 85,54%, kế đến là Rạn Mè (84,40%). Hai khu vực còn lại là Bãi Hương và Hòn Tai có tỷ lệ sống của san hô thấp hơn 80,00%. Tốc độ tăng trưởng trung bình nhanh nhất thuộc về giống Montipora dạng phiến – 3,22 mm/tháng, kế đến là giống Acropora dạng cành – 2,25 mm/tháng và chậm nhất là Pachyseris dạng phiến – 1,64 mm/tháng. Từ các kết quả trên, trong điều kiện không có san hô cành thì các giống Montipora, Pocillopora, Echinopora, Acropora dạng phiến là lựa chọn tốt nhất cho việc phục hồi san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm. Lời cảm ơn: Các tác giả chân thành cảm ơn Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện nội dung này. Cảm ơn các đồng nghiệp ở Phòng Nguồn lợi Thủy sinh – Viện Hải dương học và các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc triển khai hoạt động phục hồi, thu thập số liệu và góp ý chỉnh sửa báo cáo này.

pdf9 trang | Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 603 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tỷ lệ sống và tăng trưởng của san hô thử nghiệm phục hồi ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Quảng Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
94 Tuyển Tập Nghiên Cứu Biển, 2015, tập 21, số 1: 94-102 TỶ LỆ SỐNG VÀ TĂNG TRƯỞNG CỦA SAN HÔ THỬ NGHIỆM PHỤC HỒI Ở KHU BẢO TỒN BIỂN CÙ LAO CHÀM - QUẢNG NAM Hứa Thái Tuyến1, Võ Sĩ Tuấn1, Phan Kim Hoàng1, Huỳnh Ngọc Diên2 1Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam 2Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm Tóm tắt Phục hồi san hô cứng đã được tiến hành ở Cù Lao Chàm tại một số khu vực suy thoái do tác động của bão lũ bất thường trong những năm gần đây. Thử nghiệm phục hồi được thực hiện vào tháng 4 năm 2012 và sau đó tiến hành kiểm tra vào các tháng 7 và 9 năm 2012, 4 và 8 năm 2013 ở 4 địa điểm Bãi Bấc (2.778 tập đoàn dạng phiến), Bãi Hương (2.033 tập đoàn dạng phiến), Rạn Mè (228 tập đoàn dạng cành) và Hòn Tai (342 tập đoàn dạng cành). Ở khu vực Bãi Bấc, san hô phục hồi có tỷ lệ sống cao nhất là 85,54%, kế đến là Rạn Mè (84,40%). Hai khu vực còn lại là Bãi Hương và Hòn Tai có tỷ lệ sống của san hô thấp hơn 80,00%. Các loài được lựa chọn phục hồi là Acropora sp., Echinopora sp., Montipora sp., Pachyseris spp. và Porites sp.. Tốc độ tăng trưởng trung bình nhanh nhất thuộc về giống Montipora dạng phiến (3,22 mm/tháng), kế đến là giống Acropora dạng cành (2,25 mm/tháng) và chậm nhất là Pachyseris dạng phiến (1,64 mm/tháng). Khả năng phục hồi san hô ở khu vực Cù Lao Chàm là hoàn toàn có thể nếu kiểm soát tốt địch hại và rong bám trên san hô. SURVIVAL AND GROWTH RATE OF HARD CORALS REHABILITATED IN CU LAO CHAM MARINE PROTECTED AREA, QUANG NAM PROVINCE Hua Thai Tuyen1, Vo Si Tuan1, Phan Kim Hoang1, Huynh Ngoc Dien2 1Institute of Oceanography, Vietnam Academy of Science & Technology 2Management Board of Cu Lao Cham MPA Abstract Rehabilitation of hard corals in Cu Lao Cham MPA was conducted during 2012 - 2013 in order to restore some reef areas degraded due to impacts of typhoon and flooding in recent years. The rehabilitation had been practiced since April 2012, using technique of coral fragment transplantation and followed by monitoring of survival and growth rate of transplanted corals in July, September 2012 and April, August 2013 at 4 sites (Bai Bac and Bai Huong with 2,778 colonies and 2,033 colonies of foliose life form respectively; Ran Me and Hon Tai with 228 colonies and 342 colonies of branch corals respectively). The survival rate of transplanted corals is quite good with high value in Bai Bac (85.58%) and Ran Me (84.40%) but a bit lower in Bai Huong and Hon Tai (less than 80%). Among selected species, foliose corals of Montipora genus had the fastest growth rate (3.22 mm/month), followed by branch corals of Acropora (2.25 mm/month) and foliose corals of Pachyseris (1.64 mm/month). The experiment indicated that more extensive rehabilitation of hard corals can be done, considering controls of coral predators and seaweed competition. 95 I. MỞ ĐẦU Trong những năm gần đây, hầu hết các rạn san hô đều nằm trong tình trạng suy giảm về độ phủ, diện tích phân bố cũng như việc biến mất một cách báo động của các quần thể sinh vật rạn, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao. Có nhiều nguyên nhân gây ra sự suy giảm này, song những tác động này chủ yếu đều do các hoạt động của con người. Theo những thống kê gần đây, diện tích rạn san hô trên thế giới đã mất khoảng 19% và khoảng 5% số rạn đang trong tình trạng có chiều hướng suy thoái nghiêm trọng và mất đi trong vòng 10 – 20 năm tới (Wilkinson, 2008). Trước thực trạng suy giảm đáng báo động như trên, nhiều quốc gia cố gắng tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng hệ sinh thái thông qua việc xây dựng các khu bảo tồn biển, phục hồi quần cư và tái tạo nguồn lợi sinh vật. Một trong những giải pháp đó là tiến hành các hoạt động nghiên cứu cho việc phục hồi rạn san hô với mục đích nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi đối với rạn san hô, cải thiện các vùng rạn bằng cách làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi nguồn lợi tự nhiên, đồng thời cải thiện chất lượng hệ sinh thái rạn san hô (Aska, 1981; D’itri, 1985; Nakamura và cs., 1991; Seaman và Sprague, 1991; Maragos, 1992; Jaap, 2000; Fox và cs., 2003). Ở Việt Nam, các thử nghiệm về phục hồi rạn san hô được Viện Hải dương học tiến hành ở Côn Đảo năm 2001 trong khuôn khổ của chương trình hợp tác với WWF; năm 2002 tại khu vực Rạn Trào (phối hợp với Liên minh Sinh vật biển Quốc tế (MIA) có sự tham gia của cộng đồng địa phương); năm 2002 – 2004 ở Hòn Ngang – Bình Định và vịnh Nha Trang (Nguyễn Tác An, 2006); năm 2005 ở Hòn Mây Rút Ngoài – Phú Quốc thuộc dự án UNEP/GEF Biển Đông đã cho một số kết quả nhất định. Các thử nghiệm khác cũng được tiến hành như xác định kích thước mảnh tập đoàn di trồng dưới 50g là thích hợp (Nguyễn Tác An, 2006) hay việc cắt từ 10 - 50% số lượng cành trên một tập đoàn cho đều không gây ảnh hưởng gì đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của các tập đoàn này (Trong báo cáo tổng kết đề tài cơ sở về “Đánh giá sự ảnh hưởng của việc cắt cành các tập đoàn san hô trong quá trình phục hồi rạn san hô” do Hoàng Xuân Bền chủ trì thực hiện năm 2006). Nhằm phục vụ cho phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang, công trình công bố của Titlyanov và cs. (2002) đã nêu lên những yêu cầu về các yếu tố môi trường trong điều kiện nuôi trồng san hô nhân tạo như ánh sáng, nhiệt độ, độ muối, muối dinh dưỡng, lượng trầm tích, cung cấp khí, thức ăn cho san hô, nền đáy và về lựa chọn kích thước san hô nuôi giữ. Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng cũng đã thử nghiệm nuôi san hô trong các điều kiện thí nghiệm ở các độ muối và chế độ chiếu sáng khác nhau đối với các loài Acropora digitifera, A. hyacinthus, Porites rus, Porites lutea, Pavona cactus, Pavona decussata (Trong báo cáo Đề tài DT.MT.2004.365 “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, trồng phục hồi một số loài san hô và thả rạn nhân tạo tại Cát Bà do Đỗ Văn Khương chủ trì thực hiện năm 2004). Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là một trong những tiên phong trong hệ thống bảo tồn biển Việt Nam. Đây cũng là vùng mà hoạt động du lịch biển đang phát triển mạnh, đồng thời áp lực lên các vùng rạn san hô đang gia tăng do nhiều nguyên nhân. Nghiên cứu năm 2008 cũng chỉ rõ sự suy giảm độ phủ san hô cứng ở Cù Lao Chàm ở một số khu vực mà nguyên nhân có thể là do tác động của bão lũ bất thường vào năm 2006. Thực tế trên đây cho thấy sự cần thiết phải tiến hành các giải pháp phục hồi san hô cứng ở khu bảo tồn biển quan trọng này nhằm hỗ trợ cho phục hồi đa dạng sinh học và nguồn lợi rạn, đáp ứng nhu cầu bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên. Xuất phát từ nhu cầu trên, hoạt động phục hồi san hô cứng đã được triển khai trong khuôn khổ 96 của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số khu bảo tồn biển trọng điểm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện. Bài báo này cung cấp một số dẫn liệu về tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của một số giống loài san hô được triển khai thực hiện ở Cù Lao Chàm nhằm làm cơ sở cho việc mở rộng qui mô phục hồi rạn san hô ở vùng biển này. II. PHƯƠNG PHÁP 1. Lựa chọn địa điểm Dựa trên kết quả khảo sát (Trong báo cáo tổng kết đề tài “Đa dạng sinh học và chất lượng môi trường Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: 2004 – 2008” do Nguyễn Văn Long và cs. thực hiện năm 2008) kết hợp với tham vấn ngư dân và Ban Quản lý Cù Lao Chàm, hai khu vực Bãi Bấc và Bãi Hương (Hình 1) được lựa chọn để phục hồi san hô với các tiêu chí là có độ phủ san hô tương đối thấp (khoảng 15% ở Bãi Bấc và 5% ở Bãi Hương). Một điều thuận lợi là hai khu vực này nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với các đặc điểm là ít chịu tác động của nước ngọt và sóng gió trong mùa mưa bão và độ sâu từ 2 – 6m sâu. Nền đáy đá tảng và san hô khối chết thuận lợi cho việc phục hồi san hô dạng phiến. Hai điểm rạn khác là Rạn Mè và Hòn Tai là hai khu vực có độ phủ san hô tương đối thấp với nền rạn hẹp và phía ngoài là cát thuận lợi cho việc thiết lập các giá thể nhân tạo là khung nhựa để phục hồi san hô dạng bàn, cành. Nước ở hai khu vực này trong hơn và độ sâu lớn hơn so với hai khu vực Bãi Bấc và Bãi Hương, ít chịu tác động của nước ngọt và sóng gió trong mùa mưa bão. Để tạo nguồn cho phục hồi tại hai khu vực trên, Rạn Mè và Hòn Tai được lựa chọn làm vườn ươm. Khu vực rạn cho là Hòn Lá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là có độ phủ san hô dạng phiến tương đối cao, không quá xa so với khu vực phục hồi, độ sâu phân bố san hô cũng tương đương với độ sâu của khu vực phục hồi. Riêng khu vực Vũng Nhàn tuy độ phủ san hô dạng cành, bàn thấp nhưng do sự hiếm gặp của san hô dạng cành, bàn ở vùng biển Cù Lao Chàm nên việc thu mảnh tập đoàn san hô dạng cành ở vùng này để phục hồi là cần thiết. Hình 1. Sơ đồ khu vực lấy giống () và phục hồi san hô (•) Fig. 1. Map showing the sites of fragment collection () and rehabilitation (•) 97 2. Số lượng tập đoàn và kỹ thuật phục hồi Tổng số 5.381 tập đoàn dạng cành và phiến (Bảng 1) được phục hồi vào tháng 4 năm 2012 bằng phương pháp di dời san hô theo hướng dẫn phục hồi của Heeger & Sotto (2000). Các loài được lựa chọn phục hồi gồm Acropora sp., Montipora spp., Porites sp. dạng cành, Pachyseris spp. và Pocillopora sp. dạng phiến. Tiến hành cắt các tập đoàn san hô tại vùng cho (Hòn Lá) là nơi san hô có độ phủ cao. Tùy theo dạng tập đoàn và mức độ cần phải cắt, dùng kìm, kéo cắt, búa cắt nhẹ các tập đoàn để tránh ảnh hưởng đến các tập đoàn khác cũng như tránh sự gãy vụn của tập đoàn cần di dời, đặt tập đoàn đã cắt vào các rổ nhựa lớn rồi vận chuyển lên tàu và lưu trữ tạm thời trong các xô nhựa lớn đổ đầy nước và sục ôxi để vận chuyển đến vị trí phục hồi, trong quá trình vận chuyển thay đổi nước thường xuyên. Đến vị trí phục hồi, các mảnh tập đoàn san hô được cố định trên các giá thể là nền đáy rắn (thềm san hô chết...) với khoảng cách trung bình giữa các tập đoàn 0,5 – 1,5m với cách gắn phần lớn nhất của mảnh san hô tiếp xúc với bề mặt giá thể, khi mảnh ở vị trí thẳng đứng hầu hết các polyp hướng lên trên. Bảng 1. Số lượng, dạng tập đoàn san hô ở các địa điểm phục hồi Table 1. Number of colony fragments, lifeform categories of rehabitated corals Địa điểm Số lượng tập đoàn Dạng tập đoàn Bãi Bấc 2.778 Phiến Bãi Hương 2.033 Phiến Rạn Mè 228 Cành Hòn Tai 342 Cành Tổng 5.381 San hô dạng phiến được cố định bằng cách đóng 2 đinh sắt xuống nền rạn san hô chết và đặt mảnh san hô vào giữa, dùng dây rút nhựa siết chặt lại (Hình 2). Các mảnh tập đoàn san hô dạng bàn và bán khối sẽ được đặt trong các ống nhựa, cũng do kích thước các tập đoàn san hô quá nhỏ nên dùng dây buộc cố định mảnh tập đoàn bên ngoài ống, sau đó đem xuống cắm vào các ống nối (Hình 3) trên giá thể là các khung nhựa PVC kích thước 1 m2 được cố định xuống nền đáy bằng các cọc sắt. Hình 2. Cố định mảnh tập đoàn san hô trên nền tự nhiên ở Bãi Bấc và Bãi Hương Fig. 2. Fixation of colony fragments on coral rocks at Bai Bac and Bai Huong Hình 3. Cố định mảnh tập đoàn san hô trong giá thể khung nhựa ở Hòn Tai và Rạn Mè Fig. 3. Fixation of colony fragments on PVC quadrats at Hon Tai and Ran Me 98 3. Theo dõi sự phát triển san hô trong quá trình phục hồi 3.1. Theo dõi tỷ lệ sống: Trong từng đợt khảo sát, các chuyên gia sẽ đếm số lượng các tập đoàn san hô sống và chết bắt gặp trên từng loại giá thể nhân tạo và tự nhiên theo thang bậc sống 100%, sống 75%, sống 50%, sống 25% và chết 100%. Sau đó tính toán % tỷ lệ sống theo công thức: % Sống = (N1/N0)x100 Trong đó: N0 là số lượng tập đoàn san hô trên giá thể (sống và chết), N1 là số lượng san hô sống theo thời gian kiểm tra. 3.2. Theo dõi tốc độ tăng trưởng: Tỷ lệ tăng trưởng được tiến hành theo dõi trên giá thể nhân tạo và trên nền đáy tự nhiên. Sử dụng phương pháp buộc thẻ có kí hiệu trên các tập đoàn san hô đã cố định, một cách ngẫu nhiên và phân bố đều khắp tập đoàn; Sau khi đeo thẻ, tiến hành đo chiều dài (dùng thước nhựa có chia vạch theo đơn vị milimet) từ vòng đeo thẻ đến điểm mút xa cuối cùng (L1). Tốc độ tăng trưởng được xác định theo công thức: L0 = (L2 – L1)/ (t2 - t1) Trong đó: (L2 – L1) chênh lệch kích thước giữa 2 lần kiểm tra (mm) và (t2 - t1) thời gian giữa 2 lần kiểm tra (tháng). Tiến hành kiểm tra vào các tháng 7 và 9 năm 2012, 4 và 8 năm 2013. Các phân tích và so sánh thống kê được thực hiện bằng ANOVA một nhân tố ở mức tin cậy 95%. III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 1. Tỷ lệ sống của san hô phục hồi Tỷ lệ sống trung bình (sống 25 – 100%) đạt 78,30% cho toàn khu vực phục hồi (bao gồm phục hồi trên nền rạn tự nhiên và khung nhựa). San hô phục hồi tại khu vực Bãi Bấc có tỷ lệ sống cao nhất (85,54%), kế đến là Rạn Mè (84,40%). Hai khu vực còn lại là Bãi Hương và Hòn Tai có tỷ lệ sống của san hô phục hồi thấp hơn 80,00%. Xét theo thời gian, có thể thấy rằng tỷ lệ sống của san hô phục hồi có xu hướng giảm dần ở tất cả các khu vực. Ở hai khu phục hồi trên nền đáy tự nhiên (Bãi Bấc và Bãi Hương) tỷ lệ sống của san hô ít có sự thay đổi trong khi ở khu vực phục hồi trên khung nhựa (Rạn Mè và Hòn Tai) tỷ lệ sống của san hô giảm mạnh (Hình 4). 0 10 20 30 40 50 60 70 80 90 100 Bãi Bấc Bãi Hương Hòn Tai Rạn Mè Trung bình 7/ 2012 9/ 2012 4/ 2013 8/2013 Hình 4. Tỷ lệ sống trung bình (%) của san hô ở các khu vực Fig. 4. The average survival rate (%) of rehabilitated corals So với kết quả thử nghiệm phục hồi san hô ở vùng đảo Cô Tô, Hòn Ngang Bình Định và trong phòng thí nghiệm ở Viện Hải dương học thì tỷ lệ sống của san hô ở Cù Lao Chàm thấp hơn nhiều (Bảng 2). Ở điều kiện phòng thí nghiệm, có thể khẳng định sự thay đổi nhiệt độ là nguyên nhân gây chết san hô (Nguyễn Xuân Hòa và Võ Sĩ Tuấn, 2011). Ở các thử nghiệm phục hồi san hô tại Bình Định và Hòn Ngang, các 99 yếu tố gây chết cho san hô phục hồi không được đề cập trong khi ở Cù Lao Chàm nguyên nhân gây chết là sao biển gai và rong biển. Cụ thể ở Hòn Tai san hô chết do bị sao biển gai ăn (Hình 5) hay bị rong bám như ở khu vực Rạn Mè (Hình 6). Vào đợt kiểm tra tháng 8/2013 thì ở khu vực Hòn Tai số lượng tập đoàn san hô sống 100% chỉ còn lại khoảng 40% tổng số tập đoàn được cấy. Mặc dù đã có một đợt bắt sao biển gai vào tháng 6/2013 nhưng các tập đoàn san hô bị ăn không có khả năng phục hồi lại được. Nếu xét riêng những tập đoàn san hô sống 100% thì tỷ lệ sống của san hô thấp hơn (Hình 7). Ở đợt kiểm tra vào tháng 9/2012 có rất ít tập đoàn san hô bị chết 1 phần nhưng đến tháng 4/2013 thì số lượng các tập đoàn san hô bị chết một phần (25 – 75%) tăng lên. Bảng 2. Tỷ lệ sống của san hô phục hồi ở các vùng khác nhau Table 2. Comparison of the average survival rate (%) of corals in different regions Khu vực Địa điểm Tỷ lệ sống (%) Nguồn tài liệu Cù Lao Chàm Bãi Bấc 85,54 Trong nghiên cứu này Bãi Hương 79,84 Hòn Tai 75,20 Rạn Mè 84,39 Cô Tô Đặng Văn Châu 87,75 Nguyễn Đức Cự và cs., 2011 Khe Con 93,30 Khe Trâu 70,00 – 82,15 Bình Định Tây Hòn Ngang 88,60 – 89,30 Võ Sĩ Tuấn và cs., 2009 Nam Hòn Ngang 74,30 – 96,2 Phòng thí nghiệm Viện Hải dương học Trong phòng thí nghiệm có khống chế nhiệt độ (<29oC) 100,00 Nguyễn Xuân Hòa và Võ Sĩ Tuấn, 2011 Trong phòng thí nghiệm không khống chế nhiệt độ 86,66 – 100,00 Hình 5. Sao biển gai ăn san hô ở khu vực Hòn Tai Fig. 5. Coral eaten by Crown of thorn in Hon Tai Hình 6. San hô bị phủ rong ở khu vực Rạn Mè Fig. 6. Coral covered by seaweeds in Ran Me 100 0 10 20 30 40 50 60 70 80 90 100 Bãi Bấc Bãi Hương Hòn Tai Rạn Mè Trung bình 9/ 2012 4/ 2013 8/ 2013 Hình 7. Tỷ lệ sống trung bình (%) của san hô ở các khu vực Fig. 7. The average survival rate (%) of rehabilitated corals 2. Tốc độ tăng trưởng Tốc độ tăng trưởng trung bình của san hô phục hồi đạt 2,11 mm/tháng (Bảng 3). San hô ở khu vực phục hồi trên khung nhựa (Hòn Tai và Rạn Mè) có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với san hô phục hồi trên nền đáy tự nhiên ở Bãi Bấc và Bãi Hương (2,77 mm/tháng so với 1,88 mm/tháng). Tuy nhiên kết quả kiểm định (phân tích Anova 1 nhân tố) cho thấy sự sai khác không có ý nghĩa ở 2 giai đoạn từ tháng 4 – 9/2012 và tháng 9/2012 – 4/2013 với giá trị lần lượt là 0,20 < 2,71 và 1,23 < 2,76 ở P=95%. Sự khác biệt có ý nghĩa ở giai đoạn từ tháng 4 – 8/2013 với 3,09 > 2,82 ở mức P = 95%. Xu thế tương tự cũng thể hiện trong thử nghiệm phục hồi ở vùng đảo Cô Tô (Nguyễn Đức Cự và cs., 2011) trên 2 dạng giá thể nhân tạo (bồn bê tông) và nền đáy tự nhiên (lần lượt là 1,70 và 1,50 mm/tháng). Có thể cho rằng tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào dạng san hô. Ở khu Hòn Tai và Rạn Mè san hô chủ yếu là dạng bàn trong khi ở hai khu vực phục hồi tự nhiên san hô chủ yếu ở dạng phiến. Kiểm định tương tự cho 2 dạng san hô cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa ở 2 giai đoạn tháng 4 – 9/2012 và tháng 9 – 4/2013 với các giá trị lần lượt là 0,36 < 3,95 và 3,17 < 3,40 và có ý nghĩa ở giai đoạn tháng 4 – 8/2013 với giá trị 6,39 > 4,06 ở mức tin cậy 95%. Trong tổng số 161 tập đoàn thuộc 8 giống san hô được theo dõi tốc độ tăng trưởng (Bảng 4), có 3 giống có số lượng nhiều là Acropora, Montipora và Pachyseris. Tốc độ tăng trưởng trung bình nhanh nhất thuộc về giống Montipora dạng phiến (3,22 mm/tháng), kế đến là giống Acropora dạng cành (2,25 mm/tháng) và chậm nhất là Pachyseris dạng phiến (1,64 mm/tháng). Tuy nhiên, kết quả kiểm định cho thấy không có sự sai khác về tốc độ tăng trưởng của các giống trong các giai đoạn tăng trưởng (lần lượt là 0,76 < 3,11; 1,77 < 3,17 và 1,22 < 3,23) ở mức tin cậy 95%. Bảng 3. Tốc độ tăng trưởng trung bình (mm/tháng) của san hô ở các khu vực Table 3. The average growth rate (mm/month) of rehabilitated corals Địa điểm T4 – 9/2012 T9 – 4/2013 T4 – 8/2013 Trung bình Bãi Bấc 3,04 ± 2,84 1,86 ± 0,25 1,58 ± 2,58 2,16 Bãi Hương 2,59 ± 3,39 1,52 ± 0,95 0,58 ± 2,79 1,56 Hòn Tai 2,29 ± 1,57 2,42 ± 1,75 2,54 ± 4,43 2,42 Rạn Mè 2,45 ± 2,96 2,08 ± 1,91 4,88 ± 1,15 3,14 Trung bình 2,55 ± 2,82 1,93 ± 1,51 1,84 ± 3,43 2,11 101 Bảng 4. Tốc độ tăng trưởng trung bình (mm/tháng) của các loài san hô phục hồi Table 4. The average growth rate (mm/month) of rehabilitated corals Giống san hô Số lượng tập đoàn Giai đoạn Trung bình/tháng T4 – 9/2012 T9 – 4/2013 T4 – 8/2013 Acropora sp. 56 2,45 ± 2,71 1,96 ± 2,30 2,34 ± 2,25 2,25 Montipora sp. 38 3,55 ± 2,21 3,40 ± 1,72 2,70 ± 2,85 3,22 Pachyseris sp. 58 2,22 ± 3,57 1,55 ± 0,92 1,17 ± 2,90 1,64 Porites sp. 9 1,15 ± 0,93 2,45 ± 0,93 - 1,80 So với kết quả thử nghiệm của Nguyễn Đức Cự và cs. (2011) ở vùng đảo Cô Tô thì san hô dạng phiến ở Cù Lao Chàm có tốc độ tăng trưởng trung bình chậm hơn (0,83 – 1,64 so với 1,92 – 2,02). Từ các kết quả trên, có thể cho rằng tỷ lệ sống của san hô bị ảnh hưởng bởi các nhân tố môi trường như địch hại là sao biển gai hay sự phát triển của rong bám trên các tập đoàn san hô và gây chết san hô. Kết quả kiểm định cho thấy tốc độ tăng trưởng của san hô không có sự khác biệt giữa các khu vực cũng như giữa các giống san hô khác nhau. Một yếu tố tác động từ hoạt động con người là việc xây dựng các công trình ven biển đã thải một lượng lớn trầm tích làm gia tăng độ đục và hạn chế độ xuyên của ánh sáng. Sự lắng xuống của chúng có thể giết chết các sinh vật như san hô bằng cách chôn vùi chúng hoặc làm nghẹt các polyp không có khả năng đẩy chúng ra đủ nhanh (Võ Sĩ Tuấn và cs., 2005). Sự phát tán vật chất lơ lửng từ hoạt động xây dựng cảng được ghi nhận ở Bãi Hương nhưng chưa có số liệu đánh giá. Với tỷ lệ sống trên 75% và tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 2,11 mm/tháng, có thể cho rằng khả năng phục hồi nhân tạo san hô qui mô nhỏ ở Cù Lao Chàm là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu kiểm soát được các tác nhân như sao biển gai hay rong phủ trên rạn san hô. Việc giảm tác động từ tự nhiên có thể khắc phục bằng các biện pháp như thường xuyên kiểm tra theo dõi bắt sao biển gai và làm vệ sinh để tránh rong bám vào san hô, gia cố lại các giá thể để tăng sự ổn định của san hô giúp chúng phát triển tốt hơn. Các tác động từ con người cũng có thể giảm thiểu bằng cách thi công các công trình dân sinh trong mùa khô để tránh một lượng lớn trầm tích theo nước mưa đổ xuống khu vực phục hồi; cần có các hướng dẫn và cam kết từ các công ty du lịch để tránh việc du khách dẫm đạp hay bẻ san hô cũng như bắt các sinh vật biển. IV. KẾT LUẬN Việc di dời san hô cứng để phục hồi cho kết quả khả quan về tỷ lệ sống (78,30%). Khu vực Bãi Bấc san hô có tỷ lệ sống cao nhất là 85,54%, kế đến là Rạn Mè (84,40%). Hai khu vực còn lại là Bãi Hương và Hòn Tai có tỷ lệ sống của san hô thấp hơn 80,00%. Tốc độ tăng trưởng trung bình nhanh nhất thuộc về giống Montipora dạng phiến – 3,22 mm/tháng, kế đến là giống Acropora dạng cành – 2,25 mm/tháng và chậm nhất là Pachyseris dạng phiến – 1,64 mm/tháng. Từ các kết quả trên, trong điều kiện không có san hô cành thì các giống Montipora, Pocillopora, Echinopora, Acropora dạng phiến là lựa chọn tốt nhất cho việc phục hồi san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm. Lời cảm ơn: Các tác giả chân thành cảm ơn Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện nội dung này. Cảm ơn các đồng nghiệp ở Phòng Nguồn lợi Thủy sinh – Viện Hải dương học và các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc triển khai hoạt động phục hồi, thu thập số liệu và góp ý chỉnh sửa báo cáo này. TÀI LIỆU THAM KHẢO Aska D. Y. (ed.), 1981. Artificial reefs: conference proceedings. Florida Sea Grant College, Report No. 41. 229p. 102 D’itri F. M. (ed.), 1985. Artificial reefs: marine and freshwater applications. Lewis Publishers, Michigan. 589p. Fox H. E., P. J. Mous, A. Muljadi, Purwanto and J. S. Pet, 2003. Enhancing reef recovery in Komodo National Park, Indonesia: coral reef rehabilitation at ecologically significant scales. Report from The Nature Conservancy, Southeast Asia Center for Marine Protected Areas in collaboration with Komodo National Park Authority. 19p. Heeger T. and F. Sotto, 2000. Coral farming. A tool for Reef Rehabilitation and Community Ecotourism, 98pp. Jaap W. C., 2000. Coral reef restoration. Environ. Eng., 15: 345-364. Maragos J. E., 1992. Restoring coral reefs with emphasis on Pacific reefs. In: Thayer GW (ed) Restoring the nation’s marine environment. Maryland Sea Grant College (UMSG- TS-92-06), pp. 141-221. Nakamura M., R. S. Grove, C. J. Sonu (Eds), 1991. Recent advances in aquatic habitat technology. Proceedings of the JAPANU. S. Symposium on Artificial Habitats for Fisheries, June 11-13, 1991, Tokyo. Southern California Edison Company, Environmental Research Report Series 91-RD-19. Nguyễn Đức Cự, Nguyễn Đăng Ngãi, Đào Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Đức Toàn và Đoàn Thị Nhinh, 2011. Một số kết quả thực nghiệm trồng phục hồi san hô tại quần đảo Cô Tô dựa vào cộng đồng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. T. 11 (Số 1): 85 – 95. Nguyễn Tác An, 2006. Nghiên cứu giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và khắc phục ô nhiễm môi trường biển tự sinh. Mã số KC.09-07. Tuyển tập các kết quả chủ yếu của chương trình “Điều tra cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển. Mã số: KC.09. Quyển II (Từ đề tài KC.09-07 đến đề tài KC.09-12). Bộ Khoa học và Công nghệ. Tr. 1 – 105. Nguyễn Xuân Hòa, Võ Sĩ Tuấn, 2011. Ảnh hưởng của nhiệt độ và bổ sung thức ăn đối với san hô nuôi giữ trong điều kiện phòng thí nghiệm. Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển toàn quốc lần thứ V. Quyển 4: Sinh học và nguồn lợi sinh vật biển. Nhà Xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, tr. 351 – 358. Seaman Jr. W., L. M. Sprague (eds), 1991. Artificial habitats for marine and freshwater fisheries. Academic Press, California, 285p. Titlyanov E. A., Vo Si Tuan, T. V. Tytlianova, 2002. On long-term maintenance and cultivation of hermatypic corals under artificial condition. Collection of Marine Research Works, vol. XII: 215 – 232. Võ Sĩ Tuấn (chủ biên), Nguyễn Huy Yết & Nguyễn Văn Long, 2005. Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, 212 trang. Võ Sĩ Tuấn, Nguyễn Xuân Hòa, Phan Kim Hoàng và Hoàng Xuân Bền, 2009. Phục hồi và bảo tồn rạn san hô ở Nam vịnh Quy Nhơn (Bình Định). Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, tập 9, số 2, tr. 35 – 49. Wilkinson C., 2008. Status of coral reef of the world: 2008. Global Coral Reef Monitoring Network and Reef and Rainforest Research Centre, Townsville, Australia, 296p.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf12_huathaituyen_trang94_102_6141_2070874.pdf
Tài liệu liên quan