Văn hóa chăm ở An Giang trong phát triển du lịch

- Khách du lịch đánh giá du lịch văn hóa Chăm ít cuốn hút và họ không thích đến vùng người Chăm ở An Giang là do dịch vụ du lịch ít (31,8%), tiếp đến là thông tin quảng bá du lịch văn hóa người Chăm thiếu (12,1%), sản phẩm du lịch nghèo nàn (11%) Vì thế bên cạnh sức hút mà du lịch văn hóa Chăm đang có, để văn hóa Chăm có sức hút hơn nữa đối với khách du lịch, chúng ta cần có giải pháp toàn diện, trong đó chú trọng đến nguồn cung dịch vụ du lịch (đối với đề tài này tập trung đến dịch vụ du lịch văn hóa), cách thức quảng bá du lịch văn hóa người Chăm và xây dựng sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch văn hóa nói riêng. 4. KẾT LUẬN Có thể thấy ở An Giang, văn hóa của người Chăm có nhiều giá trị độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch. Cộng đồng Chăm ở An Giang với những làng nghề dệt nổi tiếng; các thánh đường có kiến trúc đặc biệt; cách thức ăn uống cùng với những món ăn được chế biến phù hợp với môi trường sống cũng như tuân theo quy định ẩm thực của tôn giáo Hồi giáo (rất phù hợp để phục vụ khách du lịch theo tôn giáo Hồi giáo); trang phục của người Chăm kín đáo và thể hiện rõ sự khéo léo trong may mặc của phụ nữ Chăm; hôn nhân và lễ hội Chăm chứa đựng nhiều yếu tố tôn giáo Islam mang tính khép kín trong cộng đồng đã thu hút sự quan tâm và tìm hiểu của du khách.

pdf15 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 368 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Văn hóa chăm ở An Giang trong phát triển du lịch, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
124 CHUYÊN MỤC SỬ HỌC - KHẢO CỔ HỌC - DÂN TỘC HỌC VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VŨ THU HIỀN* Văn hóa và du lịch có mối quan hệ hữu cơ. Văn hóa Chăm Islam tạo nên sắc thái độc đáo riêng có tại An Giang. Bài viết giới thiệu các giá trị văn hóa Chăm ở An Giang có tiềm năng trong phát triển du lịch; đồng thời tiến hành khảo sát văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch qua 100 khách trong nước đi du lịch đến vùng cộng đồng Chăm ở An Giang. Từ đó bài viết đưa ra một số nhận xét về vai trò văn hóa Chăm trong phát triển du lịch ở An Giang. Từ khóa: văn hóa, du lịch, văn hóa Chăm, phát triển du lịch, An Giang Nhận bài ngày: 26/6/2019; đưa vào biên tập: 28/6/2019; phản biện: 13/7/2019; duyệt đăng: 10/2/2020 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Văn hóa ngày càng thể hiện lợi thế trong việc tăng cường sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch, của vùng và quốc gia; tạo ra sự khác biệt trong một thị trường toàn cầu rộng lớn. Từ cuối những năm 1990, liên kết giữa du lịch và văn hóa trở nên mạnh mẽ. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên văn hóa trong du lịch được nhiều quốc gia triển khai. Sự đa dạng về tiêu dùng và cung ứng sản phẩm trong lĩnh vực văn hóa đã phổ biến những năm đầu của thế kỷ XXI ở thị trường du lịch với các hình thức du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch lễ hội và du lịch trải nghiệm Ở An Giang, cộng đồng Chăm Islam có nền văn hóa độc đáo và đã được triển khai mô hình du lịch cộng đồng Chăm ở Châu Phong. Tuy nhiên, phát triển du lịch gắn với văn hóa Chăm ở An Giang những năm qua chưa thực sự khai thác được các tiềm năng và lợi thế nơi đây. Do đó, nghiên cứu về vai trò văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch là trọng tâm mà bài viết hướng tới. * Trường Đại học Tài chính Marketing. VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 125 2. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Một số khái niệm liên quan Trong bài viết này, tác giả thống nhất một số khái niệm văn hóa tộc người, văn hóa du lịch, phát triển du lịch bền vững và khách du lịch như sau: - Theo tác giả Ngô Văn Lệ (2004: 318): “văn hóa tộc người được hiểu là bao gồm tổng thể các yếu tố về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, giúp cho việc phân biệt tộc người này và tộc người khác. Chính văn hóa tộc người là nền tảng nảy sinh và phát triển ý thức tự giác tộc người”. Như vậy, văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng và đặc thù tộc người, nó thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt tộc người. Do đó, văn hóa của một tộc người luôn là điều thu hút sự tìm hiểu, khám phá từ người bên ngoài. - Văn hóa du lịch được định nghĩa theo nhiều cách. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng định nghĩa của Phan Huy Xu và Võ Văn Thành. “Văn hóa du lịch là một hệ thống các giá trị được du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, cộng đồng dân cư và nhà nước tích lũy và sáng tạo qua biểu hiện tương tác giữa các thành tố trên trong hoạt động du lịch và với tài nguyên du lịch” (Phan Huy Xu và Võ Văn Thành, 2016: 60). Theo đó, văn hóa du lịch bao gồm toàn bộ các thực thể văn hóa do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động du lịch. Quan điểm phát triển du lịch trong bài viết này là phát triển bền vững được hiểu theo Luật Du lịch (2017). “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Quốc hội, 2017). “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến” (Quốc hội, 2017); trong đó, khách du lịch nước ngoài là khách thăm viếng, lưu trú tại một quốc gia hoặc một vùng khác với nơi ở thường xuyên trên 24 giờ và nghỉ qua đêm tại đó với các mục đích như nghỉ dưỡng, tham quan, thăm viếng người thân và khách du lịch trong nước là công dân của một nước du lịch trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. 2.2. Phƣơng pháp nghiên cứu Để thực hiện bài viết này, tác giả sử dụng hướng tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu văn hóa học: Địa bàn nghiên cứu Hiện nay cộng đồng Chăm Islam ở tỉnh An Giang tập trung hình thành 9 làng Chăm là: Quốc Thái, Đa Phước, Nhơn Hội, Vĩnh Trường, Khánh Bình (huyện An Phú), Châu Phong (thị xã Tân Châu), Khánh Hòa (huyện Châu Phú), Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) và Mỹ Long (Long Xuyên). Trong bài viết này, chúng tôi chọn làng Chăm Châu Phong làm địa điểm chính để tiến hành khảo sát và điền dã. TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 126 Phương pháp nghiên cứu - Điền dã dân tộc học Đây là phương pháp được sử dụng nhằm khảo sát tình hình thực tiễn. Trước khi tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi, tác giả đã đi điền dã 2 lần tại cộng đồng Chăm ở An Giang (tháng 11/2016 và tháng 8/2017) nhằm tham dự và quan sát sinh hoạt văn hóa của người Chăm Islam, tìm hiểu về văn hóa Chăm ở An Giang và tiềm năng văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch. - Khảo sát bảng hỏi Từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019 tác giả sử dụng bảng hỏi phỏng vấn 100 khách du lịch trong nước tại An Giang (xem Phụ lục) nhằm xác định văn hóa Chăm ở An Giang thu hút khách du lịch như thế nào? Sau khi khảo sát, tác giả sử dụng phần mềm SPSS 16.0 để xử lý bảng hỏi thông qua thống kê mô tả là chủ yếu. Từ đó, đưa ra những nhận xét, đánh giá của khách du lịch về văn hóa Chăm Islam ở An Giang trong phát triển du lịch. Ngoài hai phương pháp trên, tác giả còn thực hiện thu thập và tham khảo các tài liệu nghiên cứu đã được công bố dưới nhiều hình thức khác nhau có liên quan đến bài viết. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch Người Chăm Islam ở An Giang hiện nay sống tập trung ở 5/11 huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh An Giang: thành phố Long Xuyên, thị xã Tân Châu và các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành. Họ sống quần tụ hình thành 9 làng Chăm, phân bố ở 8 xã trên địa bàn. Người Chăm ở An Giang theo tôn giáo Islam, và tôn giáo này chi phối sâu sắc mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của họ khiến họ có sự khác biệt về văn hóa ngay với cả với chính người Chăm khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận. 3.1.1. Thánh đường Đối với cộng đồng người Chăm theo đạo Islam, mỗi làng hay ấp cư trú của họ đều có thánh đường (Masjid) hay tiểu thánh đường (Surau) riêng. Người Chăm theo đạo Islam nên họ tôn thờ thánh Alah, cầu nguyện mỗi ngày 5 lần. Tất cả các tín đồ là nam đều phải đến thánh đường làm lễ vào trưa thứ sáu hàng tuần. Tín đồ nữ được hành lễ tại nhà. Người Chăm Islam nói riêng và các tín đồ Hồi giáo nói chung cho rằng, nếu đến thánh đường cầu nguyện sẽ mang lại cho họ nhiều phúc đức hơn là việc hành lễ tại nhà. Thánh đường thường được xây dựng ở trung tâm của làng, nhưng nếu không có đất, họ phải chọn nơi nào rộng rãi có chỗ làm nghĩa địa chung. Nguyên tắc xây dựng thánh đường là phải theo hướng Đông - Tây để khi quỳ lạy tín đồ hướng mặt vào mihrab ở bức tường phía hậu, tức là về thánh địa La Mecque. Thánh đường thường có hồ nước bên phải như một nơi đình tạ để các tín đồ lấy nước tẩy thể. Thánh đường có hàng hiên bao quanh rộng rãi với các cửa đều xây uốn theo mỹ thuật Hồi giáo. Bên trong thánh VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 127 đường không hề có tượng, duy bên cạnh mihrab có một chiếc đồng hồ quả lắc và cuốn Hồi lịch lớn. Mihrab ở bức tường phía hậu đôi khi có trang hoàng ở xung quanh vòm cung một vài kiểu đắp vẽ sơ sài và diễn đàn minbar là cái bục thường phủ một tấm thảm. “Một vài thánh đường còn có một căn phòng ở sát ngay phía hậu tẩm, dùng làm thư viện, phòng hội họp hay nơi trú ngụ tạm của khách lữ hành. Bên góc thánh đường có những tháp cao nhưng thường là tháp giả. Khi kêu gọi tín đồ đến hành lễ, ông Muezzin đứng trước hiên thánh đường chứ không leo lên tháp được. Vì vậy, để báo hiệu giờ hành lễ, người Chàm ở Tây Ninh và Châu Đốc còn dùng trống lớn đánh nhiều hồi liên tiếp” (Nguyễn Văn Luận, 1974: 208). Thánh đường Hồi Giáo mang nét kiến trúc và bố cục riêng, vừa lạ vừa đặc biệt. Nơi đây được coi là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm Islam và cũng là nơi người Chăm Islam tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thánh đường thực sự là điểm tham quan có giá trị đối với khách du lịch khi đến An Giang (Phương Nghi, 2015). Theo tác giả Nguyễn Mạnh Cường (2010: 18), tại An Giang có 12 thánh đường và 13 tiểu thánh đường với kiến trúc độc đáo. Trong số các thánh đường đó, thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia. Thánh đường này còn được gọi là “chùa Chăm An Giang”, là nơi cho phép du khách vào tham quan. Đây cũng là một trong những thánh đường Hồi giáo có lối thảm cho nữ giới vào thánh đường. Thánh đường nằm ở vị trí thuận tiện, từ bến phà Châu Giang, rẽ tay trái là đến. Với vị trí thuận lợi và được công nhận là di sản quốc gia, Mubarak là thánh đường nổi bật để khách du lịch đến tham quan và chiêm ngưỡng. Hay như thánh đường Masjid Jamiul Azhar - một trong những thánh đường lớn nhất tại An Giang, thuộc địa phận xã Châu Phong. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar có lối kiến trúc mái vòm, biểu tượng trăng lưỡi liềm (thể hiện rõ nét kiến trúc Hồi giáo). Công trình này được coi là một trong những thánh đường đẹp nhất Việt Nam. 3.1.2. Làng nghề truyền thống Người Chăm có sản phẩm dệt nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ với lụa Tân Châu được sản xuất tại các làng dệt của người Chăm như làng dệt Hà Bao xã Đa Phước, huyện An Phú và Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Phú Châu, An Giang. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trước năm 1945, nhiều gia đình người Chăm ở An Giang có hoạt động sản xuất chính là dệt, và hàng dệt của họ được mang đi buôn bán. Đa số phụ nữ Chăm đều biết dệt. Đến trước năm 1975, nghề dệt của người Chăm ở An Giang có phần suy giảm vì không cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, nghề dệt vẫn được nhiều gia đình duy trì. Sau năm 1975, nghề dệt có một giai đoạn ngắn phát triển trở lại do nhu cầu thị trường tăng TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 128 và sự hỗ trợ của chính quyền nhằm duy trì và củng cố nghề dệt cổ truyền (Vũ Thu Hiền, 2019: 48). Năm 1998, một số gia đình người Chăm ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu đã tập hợp được một số phụ nữ có tay nghề tổ chức thành một hợp tác xã dệt mang tên Hợp tác xã dệt Châu Giang, nhằm giữ gìn nghề dệt truyền thống và tạo công ăn việc làm cho họ, Năm 2006, Hợp tác xã dệt Châu Giang tập hợp được khoảng 40 khung dệt, với khoảng 40 - 50 thợ dệt (Bùi Thị Phương Mai, 2016: 394). Các nghệ nhân đã tìm tòi, nghiên cứu để nắm bắt thị trường, đẩy mạnh việc đa dạng hóa về chủng loại và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Cũng theo Bùi Thị Phương Mai (2016: 390) “Nghề dệt là nghề truyền thống, tồn tại và phát triển liên tục trong cộng đồng Chăm. Ở An Giang, làng nghề dệt của người Chăm tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận là làng nghề thủ công có lịch sử lâu đời và nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ từ những năm trước 1975”. Làng nghề dệt của người Chăm nơi đây không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm. Tác giả Bùi Thị Phương Mai (2016: 393) cho biết: khi nhà nước thực hiện chính sách mở cửa, nghề dệt của người Chăm ở An Giang có nguy cơ suy giảm mạnh do không cạnh tranh nổi với thị trường, đa số gia đình Chăm ở An Giang đã bỏ nghề dệt. Theo quan sát và phỏng vấn của chúng tôi đối với người Chăm ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang thì ngay bản thân các cô gái Chăm ở An Giang cũng không còn nhiều người biết dệt. Làng nghề dệt của người Chăm ở An Giang mang đặc trưng văn hóa độc đáo, là một điểm đến hấp dẫn trong chương trình du lịch. Vì thế, một trong những giải pháp để bảo tồn làng nghề dệt, tránh nguy cơ nghề dệt Chăm ở An Giang bị mai một là phát huy làng nghề dệt trong phát triển du lịch ở An Giang. 3.1.3. Nhà ở Do vị trí vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thường bị ngập lụt vào những tháng nước lũ nên nhà của người Chăm ở An Giang thường đa số là nhà sàn và sống tập trung dọc theo hai bên ven sông. Đây là một trong những nét khác biệt so với nhà ở của người Chăm khu vực miền trung. Nhà sàn của người Chăm nơi đây phần lớn làm từ những cây gỗ tròn và gỗ xẻ thành tấm. Họ chọn những loại gỗ tốt nhất, chịu được mối mọt, ẩm ướt, có thể ngâm lâu ngày mà không bị mục. Một ngôi nhà có giá trị không chỉ bởi được cất từ các loại gỗ chất lượng tốt mà còn có màu sắc tự nhiên bền bỉ với thời gian, độ bóng ánh lên nét sang trọng và tạo thêm vị thế cho gia chủ. Người Chăm cất một căn nhà rất công phu, từ việc đi tìm mua gỗ đến việc xẻ gỗ, bào, chuốc, trang trí và ráp thành khung hoàn VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 129 chỉnh đều làm thủ công. Để mua được các loại gỗ tốt dựng nhà, nhiều khi họ phải mua từ Campuchia. Mái nhà thường được lợp bằng lá dừa nước. Trong những năm gần đây, họ dùng ngói lợp mái để bền chắc hơn (Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, 1991: 92). Cũng theo các tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp (1991: 93), nhà sàn Chăm có cấu trúc gồm sườn nhà, khung nhà và sàn nhà. Tất cả cấu trúc này được đặt vững trên các cột, tạo sự liên kết vững chắc, khi cần thiết có thể di chuyển toàn bộ khung nhà mà không phải tháo rời. Nội thất trong nhà người Chăm Islam bày trí khá đơn giản. Họ thích đặt một tủ kính tại phòng khách và phía bên trong tủ kính thường trưng bày một số vật dụng đẹp hoặc có giá trị. Thêm vào đó là những câu kinh Qur’an, có nhà còn treo hình thánh địa Mecca. Các biểu tượng hoa văn trước hiên nhà, trên mái hay chạm khắc trên cánh cửa, trần nhà, tủ, giường đều không theo một khuôn mẫu và ý nghĩa nào nhất định. Có lẽ nhờ vậy mà bước vào mỗi căn nhà của người Chăm, người ta lại được ngắm những kiểu chạm khắc riêng biệt trên các bộ phận của ngôi nhà, làm nên sự phong phú. Tùy theo điều kiện kinh tế, người Chăm cất nhà theo độ rộng và dài khác nhau. Nhà càng khá giả và đông con thì ngôi nhà chia gian càng nhiều để tiện sinh hoạt. Mỗi gian gần như một ngôi nhà hoàn chỉnh. Ở giữa những ngôi nhà sàn thường có một cột lớn rất to gọi là cột bà, gian nào cũng có cửa sổ để đón ánh sáng; ngày xưa phụ nữ thường ít đi ra ngoài nên cửa sổ là nơi họ hay ngồi thêu thùa hoặc quan sát bên ngoài. Giữa mỗi gian nhà có một bậc gỗ khá cao để phân biệt rõ vị trí ngồi và chỗ ở của từng thành viên trong gia đình. Theo thứ tự, gian đầu tiên trong nhà là nơi tiếp khách và chỉ dành cho đàn ông ngồi, gian thứ hai là chỗ nghỉ của cha mẹ, gian thứ ba là của con gái đầu đến gian cuối cùng là nhà bếp. Một số nhà có điều kiện khá hơn, họ còn đóng kín trần nhà bằng nhiều lớp gỗ nhỏ, điêu khắc hoa văn bên trên, vừa tạo vẻ đẹp trong phòng khách, vừa tránh nóng hiệu quả. Nhà sàn người Chăm An Giang thích hợp với điều kiện môi sinh (vùng sông nước), phong tục tập quán, và văn hóa Chăm theo tôn giáo Islam. Mặc dù, ngày nay ngôi nhà của người Chăm An Giang đã có những thay đổi, tuy nhiên nhà sàn của người Chăm ở An Giang thực sự trở thành nét văn hóa độc đáo đối với du khách muốn tìm hiểu đời sống văn hóa dân tộc Chăm ở vùng đất này. 3.1.4. Ẩm thực Người Chăm ở An Giang có nét văn hóa ẩm thực rất độc đáo không chỉ vì sự sáng tạo trong nấu nướng, mà còn vì những cấm kỵ tôn giáo nhất định. Theo phong tục và cũng là giáo luật, người Chăm Islam không ăn thịt heo, thịt chó cùng các loài vật lai từ heo, chó. Họ cũng kiêng ăn những con vật sống được ở hai môi trường trên cạn TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 130 và dưới nước như rắn, rùa Sự chi phối của tôn giáo trong ẩm thực đối với các tín đồ Hồi giáo còn thể hiện trong tháng ăn chay Ramadan, và việc tuyệt đối không uống rượu, bia trong cộng đồng Chăm Islam (Vũ Thu Hiền, 2017). Nhắc đến ẩm thực truyền thống, không thể bỏ qua những món mặn truyền thống thường dùng trong những lễ tiệc của đồng bào Chăm ở An Giang như cà ri, cơm nị, cà púa, tung lò mò, hay các loại bánh truyền thống ha-pum, pây-kgah, cha-đoll, pây-nung, đin-pà-gòn và ha-nàm-căn... Hầu hết các món ăn ưa thích của người Chăm An Giang được sáng tạo trên cơ sở phối hợp hài hòa những nguyên vật liệu sẵn có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thịt bò, đường thốt nốt của người Khơme ở vùng biên giới; hành tiều của người Hoa (Triều Châu, ở Sóc Trăng); các loại gia vị của người Việt như dừa (Bến Tre), tiêu (Hà Tiên, Phú Quốc), sả ớt Có thể nói, các món ăn đặc sản của người Chăm ở An Giang là một lợi thế của điểm đến du lịch. Ẩm thực là nét văn hóa đặc sắc mà khách tham quan du lịch đến An Giang đều thưởng thức, hoặc tìm mua mang về làm quà tặng. Ngày nay trong xu thế hội nhập, văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm ở An Giang đã có điều kiện phát huy, tạo được uy tín và thiện cảm với mọi người. Người Chăm đã lập nhiều quán ăn, nhà hàng chuyên doanh, hoặc cơ sở sản xuất các đặc sản. Đây là tín hiệu rất tốt không chỉ đáp ứng yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa, mà còn là điều kiện để người Chăm An Giang cải thiện đời sống kinh tế, cũng như phong phú hóa văn hóa ẩm thực Nam bộ, đồng thời cung cấp dịch vụ ẩm thực độc đáo đến du khách. Đặc biệt họ chính là nguồn cung cấp dịch vụ ẩm thực tốt nhất cho những du khách theo đạo Hồi khi đến An Giang. Vì vậy, sẽ là một điểm nhấn trong mô hình du lịch cộng đồng Chăm Islam nếu có dịch vụ dạy chế biến món ăn truyền thống của người Chăm và phục vụ ẩm thực Chăm. 3.1.5. Trang phục Trang phục của người Chăm Islam là một sự tổng hợp khá phức tạp bởi nhiều yếu tố mà chủ yếu là sự kế thừa yếu tố cổ truyền của dân tộc gốc ở trung bộ cùng với những yếu tố riêng mang tính chất địa phương cư trú vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và mang đậm dấu ấn Hồi giáo. Một bộ y phục của phụ nữ Chăm gồm: khăn đội đầu, áo và váy; bộ thường phục của nam giới gồm: mũ, áo, và xà rông. Trang phục của người Chăm Islam, đối với nữ không thể thiếu chiếc khăn đội đầu hay còn gọi là “khănh pum”. Chiếc “khănh pum” có thể là khăn hình chữ nhật, hình vuông hay hình tam giác thường được làm bằng vải mịn, mỏng, màu trắng hoặc màu đen, đôi khi là màu nhạt khác thêu viền quanh bằng họa tiết “hoa dây leo” bằng chỉ màu. Thường ngày, phụ nữ Chăm An Giang thường mặc áo ngắn, áo bà ba hoặc áo kiểu, áo sơ mi như VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 131 người Việt. Tuy nhiên, họ vẫn giữ chiếc áo dài truyền thống “tah”. Đây là loại áo được may từ bốn mảnh vải khổ hẹp và hai mảnh nhỏ ở hai bên sườn và nách, áo chui đầu và không xẻ tà. Đối với người lớn tuổi, chiếc áo “tah” được may và mặc theo kiểu cách cổ truyền, còn đối với các thiếu nữ, chiếc áo dài được cải tiến theo kiểu hiện đại (cổ đứng, tay Raglan...). Dịp đám cưới, áo dài được cô dâu mặc có màu sắc rực rỡ. Áo dài do chính tay người phụ nữ Chăm tạo nên trên khung dệt cổ truyền. Với khả năng dệt thuần thục, phụ nữ Chăm cũng tạo cho mình các loại váy với họa tiết quen thuộc như hình chóp (kachôn), hoa dây leo (ha ghéh) hay hoa lồng đèn (kum xapéh). Thông thường người già mặc váy mở (váy quấn), người trẻ mặc váy kín (váy may dính lại). Trong ngày lễ, phụ nữ phải mặc y phục kín hết cả thân thể, chỉ được chừa một phần mặt, che kín cả tóc mai và họ phải mặc váy trắng và áo “măh thna” màu trắng (màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch để đến với thượng đế Allah). Trên đầu của người Chăm Islam, đối với nam không thể thiếu là mũ (nón lễ). Trước kia loại mũ phổ biến nhất là “Kapeak” được nhập từ tín đồ Islam Malaysia và Indonesia bằng nỉ hoặc bằng nhung đen. Nhưng hiện nay, loại mũ người Chăm Islam ưu chuộng đó là mũ tròn, đội úp chụp vừa vặn trên đỉnh đầu, được móc bằng chỉ trắng hay may bằng vải trắng. Đội “Kapeak” chứng tỏ sự tươm tất, trong sạch, lịch sự. Với bé trai và nam thanh niên Chăm Islam thường mặc áo sơ mi hoặc áo thun tay ngắn, nhưng các vị trung niên trở lên lại thích mặc áo “chêva”. Đây là kiểu áo rộng, màu trắng, dài quá mông, cổ cao, tay dài và hơi rộng, hai bên sườn và nách có thể nối thêm miếng vải hình tam giác để thân áo thêm rộng rãi, phía dưới áo, hai bên vạt may thêm hai túi để đựng đồ dùng. Đồ mặc dưới phổ biến của nam giới Chăm Islam là xà rông. Xà rông thường dệt họa tiết kẻ sọc hoặc phổ biến nhất là loại ô vuông to màu nâu đỏ, xanh dương sậm, xanh lá cây hoặc màu tím. Trong ngày cưới, trang phục của nam giới giống trang phục của vị Hadji đi hành hương ở thánh địa La Méque. Đó là áo “Kơrông” màu trắng, dài phết gót cùng với xà rông trắng, trên đầu quàng thêm chiếc khăn trắng dài đến quá lưng, ngoài ra còn đội thêm chiếc vòng ykal quanh đầu nhằm để giữ chiếc khăn choàng khỏi rớt. Ngày nay, bên ngoài trang phục truyền thống, chú rể có thể mặc bộ vest thể hiện vẻ cứng cáp, chắc chắn cho trang phục. Trang phục là một trong những thành tố để phân biệt người Chăm Islam với các tộc người khác ở Việt Nam. Hơn nữa, do chịu sự chi phối của Hồi giáo, đặc biệt từ Malaysia và Indonesia nên người Chăm đã tạo ra những loại trang phục độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch, đặc biệt là những khách du lịch theo tôn giáo Islam. Du khách người Malaysia và Indonesia theo đạo Hồi thường mua TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 132 sản phẩm may mặc của người Chăm về làm quà. Có thể thấy, trang phục của người Chăm Islam tại An Giang cũng là tiềm năng du lịch nhân văn có thể khai thác trong phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến An Giang như: cho thuê trang phục để khách du lịch mặc chụp hình, hay bán trang phục may sẵn phục vụ du khách mua về mặc hay làm quà tặng... 3.1.6. Lễ hội Hầu hết người Chăm An Giang là tín đồ Hồi giáo, do đó họ có hệ thống lễ hội phong phú, độc đáo, đặc biệt là những lễ hội mang đậm màu sắc tôn giáo như lễ Ramadan, Roya Hadji, hay lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed... và lễ hội ở đây được tổ chức rất trang trọng. Lễ mừng sinh nhật nhà tiên tri - giáo chủ Mohammed vào ngày 12 tháng 4 Hồi lịch hằng năm là dịp để con cháu người Chăm tìm hiểu về cội nguồn, về sự ra đời của đạo Hồi. Buổi sáng ngày hội, các tín đồ tập họp nhau trong masjid để cùng làm lễ cầu nguyện Subub và đọc thánh sử ca ngợi Mohammed trước đó mười một ngày. Sau buổi lễ, họ cùng nhau xức dầu thơm (sản xuất tại Mecca) như muốn thụ hưởng “phước lộc” của Thượng đế. Tháng Ramadan là tháng lễ của người Chăm Islam mà nhiều người gọi là lễ nhịn ăn hay tháng ăn chay. Tháng Ramadan kéo dài từ mùng 1 đến ngày 30 của tháng thứ 9 Hồi lịch. Bước vào tháng Ramadan, trừ trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú hay người già bệnh tật, còn lại tất cả người Chăm Islam phải nhịn ăn, uống và hút thuốc từ trước khi mặt trời mọc đến mặt trời lặn mỗi ngày. Sau giờ này, người ta có thể ăn uống thoải mái. Ý nghĩa của lễ Ramadan này là sự sẻ chia, cảm thông với những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc trong cộng đồng để mọi người yêu thương nhau hơn; đồng thời rèn luyện cho họ sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất. Ðể chuẩn bị, trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc cùng nhau mua sắm bánh trái hoặc bò để khi "ra lễ" sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng rãi hoặc tại Thánh đường. Thực ra ngày lễ “nhập chay” không đặc biệt bằng lễ “Aid-al-Ceigher” kết thúc mùa chay, mà người Chăm gọi là Roya Pittack - coi như ngày hội. Hôm làm lễ mãn chay (mùng 1 tháng 10 Hồi lịch), mọi người ai nấy đều vui vẻ, ăn mặc tươm tất hơn, phụ nữ đua nhau đeo nữ trang và choàng khăn diêm dúa. Ngay sáng sớm, các bô lão và thanh niên đã tụ tập ở sân thánh đường. Sau khóa lễ cầu nguyện cho sự bình an, mọi người hỷ xả lỗi lầm cho nhau và kết thúc buổi lễ bằng một bữa tiệc tại Madjid. Sau đó, họ đi viếng mộ và đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất. Nhân dịp này, họ đi thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau. Người Chăm ở An Giang xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước, và chuẩn bị đầy đủ đặc sản để đãi khách, bất kể thân, sơ. Đây thực sự như ngày tết của tín đồ Islam và là VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 133 lễ tết mang đặc trưng của người Chăm Islam, rất đáng tìm hiểu đối với khách du lịch khi đến An Giang. Lễ hội Roya Hadji được tổ chức từ ngày 7 đến 10 tháng 12 (hồi lịch) tại các thánh đường Hồi giáo. Vào ngày lễ, toàn thể tín đồ phải lắng nghe ông Khotip nói lại sự tích ngày thánh Lbrôhim. Buổi tối, tổ chức cuộc thi đọc kinh Coran và chấm giải nhất cho ai đọc hay và thông suốt. Sau phần hành lễ, người Chăm thường tổ chức các cuộc vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao như ca hát, đua ghe... Giống như Tết của người Việt, đây là dịp để mọi người thăm viếng, vui chơi và chúc mừng, cầu nguyện điều lành cho nhau. Ngoài ra trong ngày Roya Hadji, người Chăm An Giang thực hiện nghi lễ Qur ban làm thịt một con vật như: bò, cừu, dê dâng tế đến thánh Allah. Sau đó thịt sẽ được phân phát cho bà con trong làng cùng thưởng thức. Bên cạnh đó, các gia đình làm ăn dư giả trong năm, đến ngày này cũng trích ra một khoản tiền, gặp trực tiếp gia đình nghèo khó để giúp đỡ. Nhờ đó, cộng đồng người Chăm ở An Giang rất gắn bó, thân thiết với nhau. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm An Giang còn gọi lễ hội này là “Roya yêu thương”. Vào dịp lễ Roya Hadji, nhiều du khách nước ngoài hay các cộng đồng dân tộc anh em đến các làng Chăm An Giang tham quan, chung vui đều được các gia đình người Chăm tiếp đãi hết sức chân tình, nồng hậu, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo và thú vị. Bên cạnh các lễ hội tôn giáo, 10 năm gần đây, Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Chăm An Giang được định kỳ tổ chức 2 năm một lần luân phiên giữa các huyện có dân tộc Chăm cư trú. Lễ hội thường kéo dài 3 ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 10 Hồi lịch. Ngày hội không chỉ thu hút người Chăm tham gia mà còn đón chào rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự các hoạt động lễ hội như xem biểu diễn nghệ thuật, trang phục truyền thống, các hoạt động thể dục - thể thao, trò chơi dân gian... Với du khách, ngoài lễ nghi tôn giáo, lễ hội của người Chăm còn mang đậm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. 3.1.7. Hôn nhân Giáo lý Islam quan niệm: hôn nhân là tiêu chuẩn đầu tiên, làm thước đo chuẩn mực của mỗi người. Cả Chăm Islam và Chăm Bàni đều coi độc thân là tội lỗi. Vì vậy họ thường sớm gả con. Đám cưới trước hết phải đảm bảo nguyên tắc và điều kiện là hôn nhân đồng tôn giáo và chỉ được tiến hành khi trai gái đến tuổi dậy thì. Điều này có nghĩa là các thành viên trong cùng một cộng đồng tôn giáo mới có quyền kết hôn với nhau. Nếu có xảy ra cuộc hôn nhân khác đạo, thì người ngoại đạo phải cải theo đạo Islam trước khi cử hành hôn lễ. Còn tuổi dậy thì ở người Chăm Islam được đánh dấu bằng lễ “karơh” (đối với nữ), lễ “khotan” (đối với nam). Trong hôn nhân có sự bình quyền tương đối giữa nhà trai và nhà gái, cho tự do tìm hiểu giữa nam nữ trước hôn nhân. Giáo lý TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 134 Islam có những quy định khắt khe đối với phụ nữ trong hôn nhân và vai trò của họ trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, giáo lý Islam trong cộng đồng người Chăm ở Việt Nam đối với người phụ nữ khá dung hòa trong quan hệ giới và quan hệ xã hội. Người Chăm đa số tuân thủ chế độ một vợ một chồng, rất ít người đàn ông Chăm có 3 - 4 vợ. Người Chăm xem hôn nhân là một cam kết mãnh liệt đối với xã hội và mang phẩm cách của con người có trách nhiệm. Hôn nhân của người Chăm Islam chịu sự chi phối mạnh mẽ của tôn giáo. Trong hôn nhân, người Chăm Islam đảm bảo cho phụ nữ sự an toàn tương đối về kinh tế, mặc dù họ không đặt nặng yếu tố kinh tế trong hôn nhân, song người chồng phải chịu trách nhiệm duy trì và đảm bảo an toàn về kinh tế cho cả gia đình. Đây là một phong tục độc đáo của người Chăm Islam, và thời gian tổ chức đám cưới của người Chăm thường được tổ chức vào các dịp lễ hội của họ, điều này dễ khiến khách du lịch tò mò, thích tìm hiểu và bị cuốn hút. 3.2. Điểm đến du lịch vùng ngƣời Chăm ở An Giang qua đánh giá của du khách nơi này 3.2.1. Kết quả khảo sát Qua ý kiến của 100 du khách nội địa (58% nữ, 42% nam, tuổi trên 18 có trình độ học vấn từ trung học trở lên) đến tham quan cộng đồng Chăm ở An Giang từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019 về mức ảnh hưởng của các thành tố văn hóa người Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch, cho thấy: (1) Hình thức khách du lịch biết đến du lịch ở cộng đồng Chăm ở An Giang: Trong tổng số 100 phiếu khảo sát có 30,6% biết về cộng đồng Chăm ở An Giang thông qua gia đình/ bạn bè, tiếp đến là 23,9% thông qua internet, 23,1% thông qua tivi, 13,4% thông qua tạp chí/báo, 6,7% thông qua chương trình của hãng lữ hành, 3,7% là du khách sống gần đây và 1,5% thông qua đài phát thanh - truyền hình. (2) Số lần đến và thời gian lưu trú: có hơn 52% du khách đến với người Chăm ở An Giang lần đầu, tiếp đến là 32% đến lần thứ 2 và từ lần thứ 3 trở lên có 16%. Đa phần khách du lịch lưu lại cộng đồng Chăm ở An Giang dưới 1 ngày chiếm đến 59%, từ 1 - 2 ngày, chiếm 29% và từ 3 - 5 ngày chiếm 12%. (3) Mục đích chuyến đi, và loại hình du lịch du khách lựa chọn: du lịch vào các dịp lễ nghỉ lễ có 30,3% lượt chọn; tham quan tìm hiểu văn hóa 20% lượt chọn; hành hương 13,8% lượt chọn; sự kiện thể thao/lễ hội 11% lượt chọn; thăm họ hàng/ bạn bè 9,7% lượt chọn, hội nghị 7,6% lượt chọn, mua sắm 5,5% lượt chọn và kinh doanh 2,1% lượt chọn trong tổng số 145 lượt chọn của 100 phiếu khảo sát; loại hình du lịch du khách thường chọn là: du lịch tham quan có 36,8% lượt chọn, tiếp đến là du lịch sinh thái 14,4% lượt chọn, du lịch tâm linh 13,2% lượt chọn, du lịch nghỉ dưỡng 9,8% lượt chọn, du lịch văn hóa và du lịch giải VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 135 trí có cùng tỷ lệ 6,9% lượt chọn, du lịch phượt 5,2% lượt chọn, du lịch thăm thân 4% lượt chọn, du lịch MICE 2,3% lượt chọn và cuối cùng là loại hình du lịch thể thao với 0,6% lượt chọn khi đến du lịch An Giang trong tổng số 174 lượt chọn của 100 phiếu khảo sát. (3) Những điều khách du lịch thích và muốn trải nghiệm khi đến vùng người Chăm ở An Giang: tìm hiểu văn hóa dân tộc Chăm chiếm 17,6% lượt chọn, tiếp đến là sản phẩm thổ cẩm đặc sắc và làng nghề cổ truyển của người Chăm cùng chiếm 14% lượt chọn, tham quan thánh đường 13,2% lượt chọn, lễ hội độc đáo 8% lượt chọn, ẩm thực cuốn hút 7,2% lượt chọn, giá cả hợp lý 5,6% lượt chọn, tính cách con người Chăm mến khách và thật thà chiếm 5,2% lượt chọn trong tổng số 250 lượt chọn của 100 phiếu khảo sát. Những điều khách du lịch tham quan/ trải nghiệm khi đến vùng người Chăm Islam, đó là thánh đường chiếm 21% lượt chọn, tiếp đến là làng nghề 20% lượt chọn, ẩm thực 12,2% lượt chọn, lễ hội 9,3% lượt chọn, nhà cổ 8,3% lượt chọn và tất cả những điểm trên của người Chăm chiếm 13,2% lượt chọn trong tổng số 205 lượt chọn của 100 phiếu khảo sát. (5) Những điều khách du lịch không thích khi đến vùng người Chăm ở An Giang: điều đầu tiên là dịch vụ du lịch ít chiếm 31,8% (55 lượt chọn), tiếp đến là thông tin quảng bá du lịch văn hóa người Chăm thiếu 12,1% (21 lượt chọn), sản phẩm du lịch nghèo nàn chiếm 11% (19 lượt chọn) Ngoài ra, danh lam thắng cảnh nghèo nàn, văn hóa tôn giáo Chăm có nhiều kiêng kỵ và phương tiện, đường xá đi lại khó khăn cũng là những điều du khách không thích khi đến du lịch ở cộng đồng Chăm ở An Giang. (6) Mức độ cuốn hút của du lịch văn hóa Chăm: Có 48% đánh giá mức độ ít cuốn hút của du lịch văn hóa Chăm Islam, tiếp đến là 43% văn hóa Chăm Islam có sự cuốn hút, có 5% không cuốn hút, và chỉ có 4% là văn hóa Chăm Islam rất cuốn hút trong 100 phiếu khảo sát. 3.2.2. Thảo luận Qua khảo sát vai trò các giá trị văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch, tác giả rút ra một số nhận xét: - Phần lớn khách du lịch được hỏi đến với cộng đồng Chăm An Giang vào các dịp lễ là chủ đạo (30,3%), tiếp đó mới đến tham quan tìm hiểu văn hóa. Qua đây cho thấy, cần lưu ý đến yếu tố thời gian khi xây dựng chương trình tham quan dành cho khách du lịch. - Đa số khách du lịch biết đến cộng đồng Chăm thông qua bạn bè, do đó công tác marketing điểm đến cần được chú trọng hơn khi muốn phát triển du lịch cộng đồng Chăm ở An Giang. Bên cạnh đó, khách du lịch đến đây lần đầu chiếm đa số (52%), song số lượng khách du lịch đến với cộng đồng Chăm ở An Giang lần thứ 3 trở lên vẫn còn chiếm 16% trong tổng số 100 khách du lịch được khảo TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 136 sát, chứng tỏ cộng đồng Chăm có sức hút khách du lịch quay trở lại. Bởi vậy, làm mới điểm đến, tạo ra những sản phẩm để du khách được trải nghiệm là nhân tố quan trọng giúp khách muốn quay lại với văn hóa cộng đồng Chăm Islam. - Khách du lịch đến với cộng đồng Chăm thích nhất là tìm hiểu văn hóa dân tộc, trong đó thích trải nghiệm và tham quan thánh đường, tiếp đến là làng nghề, ẩm thực, và lễ hội, rồi mới tới nhà cổ, và các thành tố khác. Với các điểm đến tham quan là chính, khách du lịch đa số ở lại cộng đồng Chăm dưới 1 ngày, tuy nhiên số lượng khách du lịch ở từ 3 đến 5 ngày vẫn chiếm 12% trong tổng số 100 phiếu khảo sát, điều này nói lên rằng bên cạnh tham quan điểm đến là loại hình du lịch chiếm đa số, khách du lịch cũng có nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tại nơi đây, do đó cần có sự phối hợp các loại hình du lịch tại điểm đến để khuyến khích sự tham gia lưu trú lâu hơn đối với khách du lịch. - Khách du lịch đánh giá du lịch văn hóa Chăm ít cuốn hút và họ không thích đến vùng người Chăm ở An Giang là do dịch vụ du lịch ít (31,8%), tiếp đến là thông tin quảng bá du lịch văn hóa người Chăm thiếu (12,1%), sản phẩm du lịch nghèo nàn (11%) Vì thế bên cạnh sức hút mà du lịch văn hóa Chăm đang có, để văn hóa Chăm có sức hút hơn nữa đối với khách du lịch, chúng ta cần có giải pháp toàn diện, trong đó chú trọng đến nguồn cung dịch vụ du lịch (đối với đề tài này tập trung đến dịch vụ du lịch văn hóa), cách thức quảng bá du lịch văn hóa người Chăm và xây dựng sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch văn hóa nói riêng. 4. KẾT LUẬN Có thể thấy ở An Giang, văn hóa của người Chăm có nhiều giá trị độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch. Cộng đồng Chăm ở An Giang với những làng nghề dệt nổi tiếng; các thánh đường có kiến trúc đặc biệt; cách thức ăn uống cùng với những món ăn được chế biến phù hợp với môi trường sống cũng như tuân theo quy định ẩm thực của tôn giáo Hồi giáo (rất phù hợp để phục vụ khách du lịch theo tôn giáo Hồi giáo); trang phục của người Chăm kín đáo và thể hiện rõ sự khéo léo trong may mặc của phụ nữ Chăm; hôn nhân và lễ hội Chăm chứa đựng nhiều yếu tố tôn giáo Islam mang tính khép kín trong cộng đồng đã thu hút sự quan tâm và tìm hiểu của du khách. Văn hóa Chăm ở An Giang thực sự có tiềm năng trong phát triển du lịch, tuy nhiên, thông qua việc tìm hiểu về văn hóa Chăm ở An Giang và khảo sát khách du lịch, cho thấy sản phẩm du lịch văn hóa Chăm ở An Giang còn nghèo nàn, và khách du lịch chưa thực sự được trải nghiệm môi trường văn hóa Chăm ở An Giang. Do đó, cần phát huy vai trò của văn hóa Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch hơn nữa. Để thực hiện việc này, cần sự tham gia tích cực của người VŨ THU HIỀN – VĂN HÓA CHĂM Ở AN GIANG TRONG PHÁT TRIỂN 137 Chăm ở An Giang, sự phối hợp giữa các ngành văn hóa và du lịch, và cả hệ thống chính quyền, những nhà cung ứng dịch vụ du lịch.  PHỤ LỤC Nội dung khảo sát du khách về điểm đến vùng người Chăm ở An Giang: (1) Khách du lịch thích những gì khi đi du lịch vùng người Chăm ở An Giang? (Muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc Chăm, tham quan thánh đường, nhiều nhà cổ, di tích lịch sử, ẩm thực cuốn hút; văn nghệ - nghệ thuật đặc sắc, lễ hội độc đáo; sản phẩm thổ cẩm đặc sắc, làng nghề cổ truyền; tính cách mến khách, thật thà của người Chăm; an ninh trật tự, không trộm cướp, chèo kéo khách, đi hành hương kết hợp với du lịch, giá cả hợp lý). (2) Khách du lịch thích tham quan/trải nghiệm những điểm nào của người Chăm? (Thánh đường; nhà cổ; ẩm thực; trang phục; làng nghề; lễ hội; phong tục hôn nhân; tất cả những điểm trên). (3) Khách du lịch không thích gì khi đi du lịch ở cộng đồng Chăm ở An Giang (danh lam thắng cảnh nghèo nàn; sản phẩm du lịch nghèo nàn; dịch vụ du lịch ít; hàng lưu niệm không đặc trưng; ẩm thực khó ăn; lễ hội văn hóa không đa dạng; tính cách người Chăm khép kín, khó gần; phương tiện, đường xá đi lại khó khăn; văn hóa tôn giáo Chăm có nhiều kiêng kỵ; thông tin quảng bá du lịch văn hóa vùng người Chăm thiếu; vấn đề ô nhiễm môi trường...)? (4) Khách du lịch đánh giá mức độ cuốn hút của du lịch văn hóa Chăm Islam như thế nào? (5) Đóng góp một vài ý kiến, suy nghĩ để chúng tôi có thêm cơ sở khai thác văn hóa Chăm Islam phục vụ du lịch tốt hơn. TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 1. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 7/2016. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”. An Giang. 2. Bùi Thị Phương Mai. 2016. “Bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Chăm An Giang”, trong Kỷ yếu hội thảo Văn hóa đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước. An Giang, tr. 390-397. 3. Nghị quyết số 92/NQ-CP, 8/12/2014. 4. Ngô Văn Lệ. 2004. Tộc người và văn hóa tộc người. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM. 5. Nguyễn Đệ. 2002. “Vài nét về quá trình hình thành cộng đồng cư dân Chăm ở Nam Bộ”, trong Kỷ yếu hội thảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ những vấn đề lịch sử thế kỷ XVII - XIX. TPHCM: Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, tr. 431-435. 6. Nguyễn Mạnh Cường. 2010. Văn hóa - lối sống của người theo Hồi giáo. Hà Nội: Nxb. Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa. 7. Nguyễn Văn Luận. 1974. Người Chăm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam. Sài Gòn: Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản. 8. Phan Huy Xu, Võ Văn Thành. 2016. Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam. TPHCM: Nxb. Tổng hợp TPHCM. TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 1+2 (257+258) 2020 138 9. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp. 1991. Văn hóa Chăm. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. 10. Phương Nghi. 15/3/2015. “Thánh đường Hồi giáo của người Chăm An Giang”, Báo Dân Sinh, html, truy cập 14/6/2017. 11. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 2017. Luật Du lịch, https://luatvietnam.vn/van-hoa/luat-09-2017-qh14-quoc-hoi-115518-d1.html#noidung, truy cập tháng 12/10/2018. 12. Vũ Thu Hiền. 2017. “Ẩm thực người Chăm Islam”. Tạp chí Du lịch số 6/2017, tr. 26- 27. 13. Vũ Thu Hiền. 2019. Bảo tồn và phát huy văn hóa của cộng đồng Chăm ở An Giang trong phát triển du lịch. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. TPHCM: Trường Đại học Tài chính Marketing.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfvan_hoa_cham_o_an_giang_trong_phat_trien_du_lich.pdf