Tổ chức Du lịch Thế giới ngay từ năm
1999 đã đưa ra Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu
về Đạo đức trong du lịch, trong đó chỉ ra
các nguyên tắc cơ bản để hướng dẫn phát
triển du lịch và được xem như một khung
tham chiếu cho các bên có liên quan trong
hoạt động du lịch với mục tiêu giảm thiểu
các tác động tiêu cực của du lịch đối với
môi trường, con người và di sản (thiên
nhiên và văn hóa) trong khi vẫn tối đa hóa
lợi ích của du lịch trong việc thúc đẩy phát
triển du lịch bền vững, xóa đói giảm nghèo
cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị
và hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc và
tôn giáo. Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về
Đạo đức trong du lịch hướng tới mục tiêu
tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm
và phúc lợi cho cộng đồng, hướng tới phát
triển du lịch có trách nhiệm.
10 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 472 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Về đạo đức trong hoạt động du lịch, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
104
VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
ETHICS IN TOURISM
PHAN HUY XU
và VÕ VĂN THÀNH
PGS.TS. GVCC. Trường Đại học Văn Lang, xuphanhuy@gmail.com, Mã số: TCKH10-04-2018
ThS. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vonhanchi@gmail.com
TÓM TẮT: Nguyên tắc phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm hướng tới sự cân
bằng trong mối quan hệ giữa con người và con người trong môi trường xã hội, giữa con
người và môi trường tự nhiên. Con người cần giữ mối quan hệ tốt, hiểu biết và tôn trọng
các mối quan hệ thông qua cá nhân và cộng đồng. Để đảm bảo cho các ứng xử đạo đức
trong hoạt động du lịch, các bộ quy tắc ứng xử mang tính quốc tế lần lượt ra đời như Bộ
quy tắc Đạo đức trong du lịch, Peter Mason & Martin Mowforth, 1995, Bộ quy tắc ứng xử
Môi trường cho du lịch, UNEP, 1995, Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về Đạo đức trong du
lịch, WTO, 1999. Ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra Bộ quy tắc ứng
xử Văn minh du lịch thông qua Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL, ngày 02-3-2017, hướng
du lịch đến phát triển bền vững và có trách nhiệm, đưa du lịch Việt Nam trở thành một
ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ khóa: Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức trong du lịch, hoạt động du lịch.
ABSTRACTS: The principles of developing sustainable and responsible tourism towards
the balance of human-human and human - nature relations. Human beings need to
maintain good relationships, understand and respect relationships among individuals and
communities. In order to ensure ethical conduct in tourism activities, a number of
international codes of conduct Codes of Ethics in Tourism (Mason & Mowforth, 1995),
Environmental Codes of Conduct for Tourism (UNEP, 1995), Global Code of Ethics for
Tourism (WTO, 1999) were introduced. In Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and
Tourism released The Code of Conduct for civilized behavior in tourism under Decision
No. 718/QĐ-BVHTTDL, dated 2nd March 2017 to head Vietnam’s tourism towards
sustainable and responsible development which will turn tourism into a spearhead
economic sector.
Key words: Code of conduct, ethics in tourism, tourism activity.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo số liệu hằng năm của Tổ chức Du
lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu
đang tăng trưởng đều đặn và ổn định. Năm
2016, số lượng du khách đi du lịch bên
ngoài lãnh thổ của họ hơn 1.235 triệu lượt
người, tăng lên 3,9% (tức tăng khoảng 46
triệu lượt du khách so với năm 2015) và là
năm thứ 7 liên tiếp lượng khách liên tục
tăng lên từ năm 2009 [10]. Tuy nhiên, du
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018
105
lịch thế giới đang đối mặt với những vấn đề
lớn như xâm hại thiên nhiên, di sản văn
hóa, xói mòn đạo đức trong mối quan hệ
giữa người và người phát sinh trong quá
trình hoạt động du lịch. Bộ quy tắc ứng xử
toàn cầu về Đạo đức trong du lịch mà
UNWTO đưa ra năm 1999 có vai trò tích
cực trong việc giảm thiểu những tác động
tiêu cực trong du lịch, xóa đói giảm nghèo,
cải thiện chất lượng cuộc sống người dân,
đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội,
đặc biệt là tại các nước đang phát triển và
ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong
việc tăng cường hữu nghị, hiểu biết, hòa
bình thế giới. Ở Việt Nam, nhận thức được
tình hình thực tế trong hoạt động du lịch,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra Bộ
quy tắc ứng xử Văn minh du lịch (2017) để
hướng du lịch đến phát triển bền vững và
có trách nhiệm. Trong bài viết này, chúng
tôi bàn đến vấn đề đạo đức trong hoạt động
du lịch với một vài luận điểm như quan
niệm về đạo đức trong du lịch thông qua Bộ
quy tắc ứng xử toàn cầu về Đạo đức trong
du lịch cũng như Bộ quy tắc ứng xử Văn
minh du lịch ở Việt Nam.
2. NỘI DUNG
2.1. Quan niệm về đạo đức và đạo đức
trong du lịch
Văn hóa được con người sáng tạo ra
với các giá trị chân, thiện, mỹ. Muốn vậy,
những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa
đó phải có tài và có đức mà đức là cái gốc,
theo quan niệm phương Đông, đứng đầu
trong tam bất hủ (lập đức, lập công và lập
ngôn). Đức có được từ sự tích lũy cái thiện
mà thành, nếu không tiếp tục làm điều thiện
(tích đức) nữa thì sẽ mất đức! “Tích thiện
chi gia, tất hữu dư khương, tích bất
thiện chi gia, tất hữu dư ương” [Kinh dịch].
Tức là: Nhà làm điều thiện sẽ có dư điều
phúc, nhà làm điều bất thiện cũng sẽ có
thừa tai vạ. Ở phương Tây, Matthiew
Arnold cho rằng: Việc thụ đắc văn hóa là
phương tiện cho sự hoàn thiện đạo đức và
cái tốt trong xã hội [11, tr.41].
Đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn
mực được xã hội thừa nhận, quy định và
điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với
cá nhân, cũng như giữa cá nhân với cộng
đồng nhằm duy trì tính nhân bản của xã hội
loài người. Dưới góc độ lịch sử, đạo đức
thể hiện trình độ phát triển loài người, nhận
diện tính nhân bản trong bậc thang giá trị
của con người. Đạo đức giúp cho con người
phân biệt giữa “ham muốn” và “nhu cầu”,
kiểm soát sự tham lam quá độ, dục vọng vô
biên của con người. Nhờ đạo đức, con
người biết hành động theo nghĩa vụ hoặc tự
giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù
hợp với lợi ích của cộng đồng. Ngoài ra,
đạo đức còn là một phạm trù lịch sử phản
ánh các quan hệ xã hội, vừa mang tính kế
thừa và điều chỉnh dựa trên tình trạng phát
triển của xã hội loài người. Chất lượng
cuộc sống không chỉ được đo bằng vật chất
mà còn bao gồm đạo đức và tinh thần. Trên
thực tế, có thể có người giàu có về vật chất
nhưng lại nghèo nàn về tâm hồn, đạo đức.
Đạo đức có những thước đo mang tính giá
trị của riêng nó, những giá trị mà con người
hướng đến làm cho cuộc sống của con
người nhân bản hơn, văn minh ngày càng
được nâng cao. Nói tóm lại, đạo đức làm
quan hệ con người với con người mang tính
nhân bản hơn. Đối với cá nhân và cộng
đồng, đạo đức cũng phải được rèn luyện từ
những quy tắc hành xử nhân bản từ bắt
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
106
buộc đến tự giác. Một số phạm trù cơ bản
của đạo đức như: nghĩa vụ, lương tâm, cắn
rứt lương tâm, ý thức trách nhiệm, tự giác,
cơ chế xấu hổ, dư luận xã hội, trong đó,
nghĩa vụ và lương tâm là hai phạm trù cần
được giải thích và hiểu đúng.
Nghĩa vụ, là trách nhiệm đối với cộng
đồng, xã hội khi nhu cầu cá nhân mâu
thuẫn với lợi ích xã hội thì cá nhân phải
biết hy sinh cái riêng.
Lương tâm, là tiếng nói bên trong đầy
uy quyền chỉ dẫn, thôi thúc con người làm
điều tốt, ngăn cản điều xấu. Lương tâm
được hình thành từ thấp đến cao trong quá
trình lao động sản xuất và giao tiếp xã hội.
Đạo đức trong du lịch về cơ bản dựa
trên những quy tắc ứng xử trong du lịch mà
các thành phần tham gia vào hoạt động du
lịch đồng thuận và thực thi. Các thành phần
(hoặc các bên) tham gia vào hoạt động du
lịch là du khách, nhà cung ứng dịch vụ du
lịch, cộng đồng địa phương, các cơ quan
quản lý nhà nước và tài nguyên du lịch đều
được UNWTO (1999) đề cập trong Bộ quy
tắc ứng xử đạo đức Toàn cầu trong du lịch
(chúng tôi sẽ phân tích thêm ở mục sau).
Tác giả Trần Thị Minh Hòa (2013),
phân tích 6 mối liên hệ cơ bản giữa các bên
liên quan vào hoạt động du lịch, cụ thể là:
(1) Khách du lịch và nhà cung ứng dịch vụ
du lịch; (2) Khách du lịch với cộng đồng
dân cư; (3) Khách du lịch với cơ quan quản
lý Nhà nước; (4) Nhà cung ứng dịch vụ du
lịch với cộng đồng dân cư; (5) Nhà cung
ứng dịch vụ du lịch với cơ quan quản lý
Nhà nước; và (6) Cơ quan quản lý Nhà
nước và cộng đồng dân cư [6, tr.21-24].
Phan Huy Xu & Võ Văn Thành (2016), nêu
và phân tích 10 mối lên hệ giữa các thành
tố cấu thành nên văn hóa du lịch. Các mối
quan hệ ấy bao gồm: (1) Quản lý Nhà nước
với tài nguyên du lịch; (2) Quản lý Nhà
nước với cộng đồng dân cư; (3) Quản lý
Nhà nước với du khách; (4) Quản lý Nhà
nước với nhà cung ứng dịch vụ du lịch; (5)
Du khách với tài nguyên du lịch; (6) Du
khách với cộng đồng dân cư; (7) Du khách
với nhà cung ứng dịch vụ du lịch; (8) Cộng
đồng dân cư với tài nguyên du lịch; (9)
Cộng đồng dân cư với nhà cung ứng dịch
vụ du lịch; (10) Nhà cung ứng dịch vụ du
lịch với tài nguyên du lịch [4, tr.71-101].
Thực chất của 6 mối quan hệ cơ bản trong
du lịch (Trần Thị Minh Hòa, 2013) hay 10
mối quan hệ ứng xử có tính tương tác
(Phan Huy Xu & Võ Văn Thành, 2016) là
ứng xử đạo đức đa chiều kích giữa các
thành phần tham gia vào hoạt động du lịch.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa các bên
tham gia vào hoạt động du lịch cũng chính
là ứng xử hài hòa về đạo đức trong hoạt
động du lịch.
2.2. Quá trình xây dựng và thông qua Bộ
quy tắc ứng xử toàn cầu về Đạo đức
trong du lịch trên thế giới
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kinh
tế thế giới phục hồi, ngành du lịch ngày
càng tăng trưởng mạnh và trở thành một
nhu cầu không thể thiếu của con người.
Những dòng khách du lịch nội địa hoặc du
lịch ra nước ngoài, trải nghiệm vẻ đẹp thiên
nhiên, những nét hay, mới lạ về văn hóa
của các dân tộc, trở nên phổ biến. Vấn đề
đạo đức trong du lịch (Ethics in tourism
industry) đã được các học giả quan tâm và
đặt ra để giải quyết những va chạm giữa du
khách với nhà cung ứng dịch vụ du lịch,
giữa du khách với cộng đồng địa phương
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018
107
và thậm chí giữa du khách với chính quyền
sở tại cũng như các mối liên hệ đa chiều
kích trong hoạt động du lịch.
Từ năm 1992, có hội nghị Thượng
đỉnh tại RIO và AIEST đặt ra cách tiếp cận
bền vững hơn với vấn đề đạo đức, đặc biệt
từ khi du lịch được định hướng phát triển
bền vững [2, tr.27]. Mặc dù có những cố
gắng của các tổ chức thế giới, giới học giả
du lịch học nhiều nơi trên thế giới, tuy
nhiên, những thảo luận, đề xuất bộ luật
đạo đức cho ngành du lịch gặp trở ngại và
không ít lần thất bại. Một cố gắng của
Peter Mason và Martin Mowforth (1995)
về Bộ quy tắc Đạo đức trong du lịch và
cùng thời gian này Chương trình Phát triển
Liên Hợp quốc (UNEP, 1995) đề xuất Bộ
quy tắc Ứng xử Môi trường cho du lịch đã
gợi lại vấn đề đạo đức trong du lịch tại
Hội nghị Thượng đỉnh Rio (1992). Tổ
chức Du lịch Thế giới (WTO, nay là
UNWTO) họp các thành viên thuộc các
vùng lãnh thổ khác nhau tại Phiên họp Đại
hội đồng tại Santiago, Chile ngày 01-10-
1999 đã thông qua Bộ quy tắc ứng xử toàn
cầu về Đạo đức trong du lịch [7]. Bộ quy
tắc đưa ra 10 Điều, gồm 48 Khoản khuyến
cáo ứng xử của các bên tham gia vào hoạt
động du lịch, khẳng định quyền du lịch và
tự do đi lại của du khách, xác định nguyện
vọng với mong muốn thúc đẩy trật tự du
lịch thế giới hướng tới công bằng, trách
nhiệm đối với các thành phần tham gia vào
hoạt động du lịch và hướng đến du lịch
bền vững. Bộ quy tắc này được xem là
thành tựu rất nổi bật của du lịch thế giới
trong một thời gian dài.
Mới đây, tại Phiên họp cấp cao lần
thứ 22 của Đại hội đồng UNWTO đặt lại
vấn đề đạo đức trong du lịch, ngài Pascal
Lamy, Chủ tịch Ủy ban Thế giới về Đạo
đức trong du lịch (WCTE-The World
Committee on Tourism Ethics) đã phát
biểu: “Trong một thế giới kết nối, nơi
khối lượng kinh doanh du lịch bằng hoặc
thậm chí vượt quá lượng xuất khẩu dầu
thô, thực phẩm hoặc xe ô tô, thì điều
quan trọng là phải đưa ra một khuôn khổ
pháp lý để đảm bảo tăng trưởng được
giải quyết một cách có trách nhiệm và có
thể duy trì được du lịch theo thời gian”
[8]. Phiên họp này đã phê chuẩn Nghị
định khung của UNWTO về Đạo đức Du
lịch và được xem là “Một bước đi quan
trọng để đảm bảo phát triển du lịch được
thực hiện với sự tôn trọng đầy đủ về phát
triển bền vững, các vấn đề xã hội, phát
triển cộng đồng địa phương, nâng cao
hiểu biết giữa các nền văn hóa và giải
quyết các vấn đề về lao động” [9]. Ngài
Tổng thư ký UNWTO, Taleb Rifai cho
rằng: “Đây là một khoảnh khắc lịch sử
đối với UNWTO,... Một dấu hiệu mạnh
mẽ rằng các nước cam kết tạo ra một
động lực du lịch cho một tương lai tốt đẹp
hơn cho tất cả mọi người” [8].
Tóm tắt 10 điều trong Bộ quy tắc ứng
xử toàn cầu về Đạo đức trong du lịch
(1999) như sau: Đóng góp cho sự hiểu biết
và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và
xã hội loài người (Điều 1); Như là một
phương tiện cho sự hoàn thiện cá nhân và
cộng đồng (Điều 2); Một nhân tố của sự
phát triển bền vững (Điều 3); Sử dụng di
sản văn hóa của nhân loại và sự đóng góp
đối với di sản (Điều 4); Một hoạt động có
lợi cho các quốc gia và cộng đồng của
nước sở tại (Điều 5); Nghĩa vụ của các
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
108
thành phần tham gia trong hoạt động du
lịch (Điều 6); Quyền lợi cho du lịch (Điều
7); Quyền tự do đi lại của du khách (Điều
8); Quyền lợi của người làm việc và chủ
doanh nghiệp trong ngành du lịch (Điều 9);
Thực thi bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về
Đạo đức trong du lịch (Điều 10). Có thể
nói rằng, Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về
Đạo đức trong du lịch là triết lý của ngành
du lịch thế giới mà các quốc gia thành viên
UNWTO đồng thuận, vận dụng.
Phân tích một số điều trong Bộ quy tắc
ứng xử toàn cầu về Đạo đức trong du lịch
[4, tr.279-290].
Điều 1: Du lịch đóng góp vào sự hiểu
biết và tôn trọng giữa con người và con
người trong xã hội, gồm 6 Khoản có thể
tóm tắt những ý chính như sau: Hiểu biết
và xúc tiến các giá trị đạo đức thông
thường đến nhân loại, giá trị truyền thống,
văn hóa, xã hội của con người kể cả các
dân tộc ít người; Tôn trọng pháp luật, việc
làm và phong tục các vùng và quốc gia;
Tôn trọng và mến du khách; Chính quyền
địa phương bảo vệ du khách và quan tâm
đến sự an toàn cho họ và người làm du
lịch. Kết án những ai phá hủy tiện nghi du
lịch và các di sản văn hóa hoặc tự nhiên;
Du khách không được vi phạm pháp luật
nước sở tại, hành động phạm tội nơi quốc
gia, vùng họ đến du lịch; Du khách có
trách nhiệm làm quen với chính họ. Trong
thế giới phẳng ngày nay, con người có xu
hướng tránh xung đột, đối đầu mà tìm cách
học hỏi, chấp nhận những khác biệt của
nhau để tồn tại và phát triển. Đó cũng là nội
dung quan trọng của nhiều tổ chức thế giới,
ví dụ Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5
(ASEM 5) tại Hà Nội (2004) tuyên bố rằng:
“Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân
loại, là nguồn sáng tạo, cổ vũ và là động
lực quan trọng của phát triển kinh tế và tiến
bộ của xã hội loài người. Đa dạng văn hóa
là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới
hòa bình và ổn định hơn bởi đa dạng văn
hóa không loại bỏ mà đem lại sự hòa hợp,
khoan dung, đối thoại và hợp tác” (Trích).
Điều 2: Du lịch là phương tiện để hoàn
thiện cá nhân và công đồng, gồm có 5
Khoản với những ý nghĩa cốt lõi như: Du
lịch nâng cao việc tự giáo dục, tha thứ lẫn
nhau, học hỏi lẫn nhau; Du lịch tôn trọng
tính cộng đồng, bình đẳng giới, cải thiện
quyền con người nhất là các nhóm người
dễ bị tổn thương: trẻ em, người già, người
tàn tật, người thiểu số và người bản địa;
Du lịch tình dục đi ngược lại mục tiêu cơ
bản của du lịch và pháp luật quốc tế và
quốc gia cần lên án, có biện pháp chế tài
và trừng trị; Cần khuyến khích du lịch có
mục đích tôn giáo, giáo dục và văn hóa và
trao đổi ngôn ngữ; Đưa vào chương trình
giảng dạy những giá trị của du lịch về mặt
lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa và cũng
như là những rủi ro của nó.
Điều 3: Du lịch, một nhân tố của phát
triển bền vững, gồm 5 Khoản với những ý
nghĩa cốt lõi như: Tất cả các thành phần
tham gia vào du lịch nên bảo vệ môi
trường tự nhiên, phát triển kinh tế liên tục
và bền vững cho hiện tại và tương lai;
Phát triển du lịch cần giữ gìn nguồn lợi
quý, hiếm, nước và năng lượng, tránh sản
sinh chất thải; Giảm áp lực các hoạt động
du lịch đối với môi trường và làm lợi cho
kinh tế địa phương; Cần bảo vệ di sản tự
nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học,
bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018
109
Giới hạn các hoạt động ở vùng nhạy cảm:
sa mạc, núi cao, ven biển, rừng nhiệt đới,
đất ngập nước,; Du lịch tự nhiên và sinh
thái như một thực thể có ích, làm giàu và
bền vững cho du lịch. tôn trọng di sản tự
nhiên, cộng đồng địa phương và giữ lấy
sức tải của khu vực.
Điều 4: Du lịch, hoạt động khai thác
những di sản văn hóa của nhân loại và
đóng góp để hoàn thiện và phát triển
chúng, gồm 4 Khoản với ý nghĩa cốt lõi
như sau: Những đối tượng khai thác của
du lịch đều thuộc về những di sản chung
của nhân loại và cộng đồng sống trong
các khu vực có các di sản này có quyền lợi
và nghĩa vụ đối gắn liền với chúng; Các
chính sách và hoạt động du lịch cần tôn
trọng các giá trị về thẩm mỹ, khảo cổ và
văn hóa của các di sản, phải được bảo vệ
và truyền bá lại cho thế hệ tương lai, phải
bảo tồn và nâng cấp các di sản; Nguồn thu
từ hoạt động tham quan di sản nên trích ra
ít nhất một phần để bảo tồn, bảo vệ và
phát triển di sản; Du lịch lập kế hoạch
giúp sản phẩm truyền thống, sản phẩm thủ
công mỹ nghệ, các phong tục dân gian
được bảo tồn và phát huy tránh tình trạng
làm mai một chúng.
Điều 5: Du lịch, hoạt động có lợi
nhuận cho quốc gia và cộng đồng sở tại,
gồm có 4 Khoản với những ý nghĩa cơ bản
như: Cộng đồng địa phương nên tham gia
với cá hoạt động du lịch và chia sẻ quyền
bình đẳng trong lợi ích kinh tế, xã hội và
văn hóa khác; Các chính sách du lịch cần
ứng dụng theo nhiều cách để giúp đỡ, làm
tăng mức sống của cộng đồng sở tại; Chú ý
đặc biệt khu vực dễ bị tổn hại và ít có cơ
hội phát triển; Cần có những công bố về
quy hoạch du lịch với cư dân địa phương
cùng với những tác động tích cực và tiêu
cực của nó và tiến hành đối thoại với cộng
đồng địa phương.
Điều 6: Nghĩa vụ của những thành
phần tham gia vào phát triển du lịch, gồm
6 Khoản với những nội dung cơ bản như:
Các nhà làm du lịch có nghĩa vụ cung cấp
cho du khách mục tiêu và các thông tin
chân thật về các điểm đến của họ, đảo bảo
các điều khoản trong hợp đồng về điều kiện
tự nhiên, giá cả và chất lượng dịch vụ mà
họ đã cam kết; Các nhà làm du lịch cần
hợp tác với chính quyền địa phương về an
ninh, an toàn, ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ
sức khỏe và an toàn thực phẩm. Nếu thiệt
hại, phải có nghĩa vụ đền bù thỏa đáng
theo giao kèo; Các nhà làm dịch vụ nên
đóng góp vào việc đáp ứng văn hóa và tinh
thần cho du khách; Giúp đỡ du khách hồi
hương trong những sự cố hoặc tình huống
đặc biệt; Chính phủ có công dân đi du lịch
cần thông báo, khuyến cáo những tình
huống nguy hiểm đến những nơi mà họ
đến; Cần cung cấp những thông tin chân
thật, công bằng về các sự kiện và tình trạng
hoạt động du lịch và cần lên án du lịch với
mục đích tình dục.
Những Điều, Khoản của Bộ quy tắc
ứng xử toàn cầu về Đạo đức trong du lịch
phản ánh tính đạo đức trong du lịch của các
bên có liên quan, từ du khách, cộng đồng
địa phương, chính quyền sở tại, nhà đầu tư,
chính phủ có công dân đi du lịch cho đến
các phương tiện thông tin đại chúng. Mọi
khuyến cáo đều hướng đến ứng xử đạo đức
mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia
vào hoạt động du lịch. Bộ quy tắc trên
không khuyến khích du lịch vì mục đích
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
110
tình dục và xem đó là hình thức du lịch đi
ngược lại mục tiêu của UNWTO và các tổ
chức khác trên thế giới.
Có thể thấy rằng, tinh thần của Bộ quy
tắc ứng xử toàn cầu về Đạo đức trong du
lịch là một nỗ lực lớn của UNWTO và các
quốc gia thành viên nhằm hướng đến
những ứng xử văn minh, đạo đức, chuẩn
mực có tính phổ quát toàn cầu mà các
thành phần tham gia vào hoat động du lịch
được khuyến cáo thực thi. Sau Bộ quy tắc
này của UNWTO, nhiều quốc gia trên thế
giới cũng đề ra các nguyên tắc ứng xử
trong du lịch chẳng hạn như Code of
Conduct-tourism Australia, Code of ethics
for travellers, Code of Ethics for Travellers
and Tour operators, Formulating Shariah
compliant Ethical code for Tourists in
Malaysia,
2.3. Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch ở
Việt Nam
Thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay
nghèo nàn về sản phẩm du lịch, chất lượng
phục vụ chưa tốt, sự cạnh tranh không lành
mạnh trong kinh doanh, tệ nạn chèo kéo
khách, quy hoạch kém hiệu quả và phát
triển thiếu đồng bộ, sự ô nhiễm môi trường
đáng báo động tại các điểm du lịch, sự
xuống cấp nhanh của nhiều tài nguyên du
lịch (tự nhiên và nhân văn), tình hình an
toàn và an ninh cho du khách chưa được
đảm bảo, công tác quản lý nhà nước về du
lịch còn nhiều lỏng lẻo, Chúng tôi cho
rằng, nhiều vấn nạn về du lịch trên có liên
quan đến đạo đức trong du lịch. Do đó, một
trọng tâm của hoạt động du lịch là tôn trọng
sự bình đẳng trong quan hệ giữa người và
người, cải tạo và xây dựng một xã hội (thế
giới) tốt đẹp, hữu nghị, Đạo đức trong du
lịch phản ánh trình độ phát triển du lịch của
một quốc gia, cộng đồng địa phương.
Tại Việt Nam, một số địa phương đã
triển khai bộ quy tắc ứng xử trong hoạt
động du lịch như Bộ quy tắc ứng xử trong
hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố
Đà Nẵng (03-7-2015) [5]; Thành phố Hồ
Chí Minh với Bộ quy tắc ứng xử cho khách
du lịch (05-01-2017). Bộ Văn hóa, Thể
Thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc
ứng xử Văn minh du lịch (Code of Conduct
for Tourism civilization, 2017) (02-3-2017,
Quyết định số 718 - 2017). Đây là những
bộ quy tắc ứng xử mà các thành phần tham
gia vào hoạt động du lịch mong đợi, góp
phần “chuẩn hóa” hoạt động du lịch ở Việt
Nam. Có thể nói, Bộ quy tắc ứng xử văn
minh du lịch của Bộ ban hành kịp thời và
quan tâm đúng mức góp phần tích cực nâng
tầm phát triển của du lịch Việt Nam, hòa
chung vào những tiêu chuẩn dịch vụ du lịch
trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thể hiện quy
tắc ứng xử từ điều 3 đến 11. Những điều,
khoản cơ bản của bộ quy tắc này:
Điều 3: Những điều cần là đối với du
khách, với thông điệp: văn minh, tự trọng,
trách nhiệm; Điều 4: Những điều cần làm
đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh du
lịch, với thông điệp: chuyên nghiệp, thương
hiệu, chất lượng; Điều 5: Những điều cần
làm đối với doanh nghiệp lữ hành với
thông điệp: Chuyên nghiệp, uy tín, chất
lượng; Điều 6: Những điều cần làm đối với
hướng dẫn viên du lịch, với thông điệp:
Chuyên nghiệp, thân thiện, yêu nghề; Điều
7: Những điều cần làm đối với cơ sở lưu trú
du lịch với thông điệp: Sạch sẽ, thân thiện,
đồng bộ, chuyên nghiệp; Điều 8: Những
điều cần làm đối với đơn vị vận chuyển
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018
111
khách du lịch với thông điệp: An toàn,
chuyên nghiệp, thân thiện; Điều 9: Những
điều cần làm đối với nhà hàng, cơ sở cung
cấp dịch vụ ăn uống với thông điệp: Vệ
sinh, an toàn, văn minh, chuyên nghiệp;
Điều 10: Những điều cần làm đối với điểm
mua sắm phục vụ khách du lịch với thông
điệp: Uy tín, chất lượng, thân thiện; Điều
10: Những điều cần làm đối với điểm tham
quan, điểm du lịch với các thông điệp: Sạch
sẽ, hấp dẫn, bản sắc, thân thiện; Điều 11:
Những điều cần làm đối với cộng đồng dân
cư, với thông điệp: Hiếu khách, thân thiện,
văn minh.
Nghiên cứu Bộ quy tắc ứng xử văn
minh du lịch, chúng tôi thấy các điều, mục,
khoản ứng xử trên thực chất đề cập đến vấn
đề đạo đức trong du lịch. Chẳng hạn, Điều
3 (Những điều cần làm đối với khách du
lịch), Mục 1 (Nội dung quy tắc ứng xử) có
đến 20 Khoản, quy định những ứng xử của
du khách khi du lịch ở Việt Nam. Trong
thời gian qua, những ứng xử chưa văn minh
khi du khách đến Việt Nam như không tuân
thủ pháp luật, về sử dụng trang phục chưa
lịch sự, thiếu tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng,
phong tục tập quán địa phương, chen lấn,
xô đẩy, vứt rác bừa bãi, vẽ bậy lên di tích,
di sản tự nhiên và văn hóa, chọc phá vật
nuôi, bẻ hoa, bẻ cây cảnh,... rất phổ biến,
thậm chí dẫn đến xung đột giữa du khách
với cộng đồng địa phương ở điểm tham
quan, khu du lịch,... Xin đơn cử thêm Điều
5 (Những điều cần làm đối với doanh
nghiệp lữ hành), Mục 1 có đến 16 Khoản,
quy định ứng xử của doanh nghiệp đối với
du khách, cơ quan quản lý Nhà nước, cộng
đồng địa phương, tài nguyên du lịch, với
đối tác. Chúng ta thấy các phương tiện
truyền thông đăng tin một số doanh nghiệp
lữ hành chưa có giấy phép kinh doanh lữ
hành quốc tế nhưng ngang nhiên tổ chức
đưa khách Việt Nam ra nước ngoài, thậm
chí có một số hãng lữ hành đưa khách qua
Thái Lan rồi bỏ mặc như Công ty Travel
Life (701 khách), công ty EPAC ở Cần
Thơ. Đây là hành vi thiếu đạo đức trong
kinh doanh, không cam kết dịch vụ du lịch
với du khách và có dấu hiệu lừa đảo.
Gần đây, bà Lynne Ryan người Úc và
một số bạn du lịch đến Việt Nam, mua tour
của Đại lý du lịch Mùa xuân (Spring Travel
Agency). Đại lý du lịch này quảng cáo trải
nghiệm tour Hạ Long với dịch vụ cao cấp
nhưng trên thực tế lại giao cho tàu Hoàng
Phương 16 với chất lượng thấp thực hiện
tour cho nhóm khách trên. Nhóm du khách
Úc rất thất vọng với chuyến đi và bày tỏ sự
bất bình trên mạng xã hội, họ xem đó là
“một lời nói dối trắng trợn”. Nhà cung ứng
dịch vụ du lịch địa phương, cụ thể là Spring
Travel Agency không cam kết chất lượng
chuyến đi cho khách, ảnh hưởng đến uy tín
và hình ảnh du lịch Việt Nam, khiến Tổng
cục Du lịch Việt Nam phải lên tiếng xin lỗi.
Trên thực tế, hoạt động du lịch ở Việt Nam
hiện nay có không ít các nhà cung cấp dịch
vụ du lịch chưa quan tâm đến đạo đức kinh
doanh khiến du khách thất vọng mà Spring
Travel Agency là một trường hợp.
Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái
Bình Dương – PATA, lượng khách du lịch
quốc tế trở lại Việt Nam chỉ 6%. Yếu tố
quan trọng là tôn trọng du khách, không nói
dối, nâng cao chất lượng,... Ở Thái Lan du
khách quốc tế trở lại là 87% (VTV1, 18h10
ngày 13/6/2018).
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
112
Ngoài ra, cộng đồng địa phương với
văn hóa du lịch chưa cao, các điểm kinh
doanh du lịch như nhà hàng, khách sạn,
điểm tham quan du lịch, hướng dẫn viên
du lịch,... ứng xử thiếu tôn trọng du khách,
thậm chí là thiếu đạo đức nghề nghiệp, đạo
đức kinh doanh mà các phương tiện truyền
thông đưa tin như taxi, xích lô trấn lột du
khách, tình trạng nói thách trong kinh
doanh, doanh nghiệp lữ hành bỏ khách,
không cam kết dịch vụ như đã thỏa thuận.
Những hệ quả xấu trong ứng xử trên khiến
khách nước ngoài thất vọng và ít quay trở
lại Việt Nam dù nước ta có tài nguyên du
lịch tự nhiên và văn hóa rất đa dạng,
phong phú.
3. KẾT LUẬN
Tổ chức Du lịch Thế giới ngay từ năm
1999 đã đưa ra Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu
về Đạo đức trong du lịch, trong đó chỉ ra
các nguyên tắc cơ bản để hướng dẫn phát
triển du lịch và được xem như một khung
tham chiếu cho các bên có liên quan trong
hoạt động du lịch với mục tiêu giảm thiểu
các tác động tiêu cực của du lịch đối với
môi trường, con người và di sản (thiên
nhiên và văn hóa) trong khi vẫn tối đa hóa
lợi ích của du lịch trong việc thúc đẩy phát
triển du lịch bền vững, xóa đói giảm nghèo
cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị
và hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc và
tôn giáo. Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về
Đạo đức trong du lịch hướng tới mục tiêu
tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm
và phúc lợi cho cộng đồng, hướng tới phát
triển du lịch có trách nhiệm.
Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về Đạo
đức trong du lịch của UNWTO được xem
như những triết lý phát triển du lịch mà
chúng ta cần đặc biệt quan tâm, rất cần cho
ngành du lịch ở bất cứ quốc gia nào. Thêm
vào đó, Bộ quy tắc ứng xử Văn minh du
lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quy định những ứng xử cụ thể của các
nhóm đối tượng tham gia vào hoạt động du
lịch sẽ là nền tảng cơ bản phát huy các giá
trị đạo đức trong thực tiễn hoạt động du
lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng
lại ở tính định hướng hành vi, tác dụng của
Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ
không thực sự đi vào cuộc sống mà cần
phải tuyên truyền mạnh hơn nữa. Hai bộ
quy tắc ứng xử trên đây vẫn chưa được lan
tỏa và thấm nhuần trong bộ phận những
người tham gia hoạt động du lịch ở nước ta.
Cần phổ biến sâu rộng nội dung hai bộ quy
tắc ứng xử này và kết hợp với việc kiểm
tra, kiểm soát thường xuyên những hành vi
ứng xử của các bên tham gia hoạt động du
lịch. Đồng thời cần có biện pháp chế tài
nghiêm các vi phạm đạo đức trong du lịch.
Có như vậy, du lịch Việt Nam mới phát
triển nhanh, bền vững và có trách nhiệm.
Tổng cục du lịch cùng với các cơ quan
chức năng nhanh chóng triển khai Bộ quy
tắc ứng xử văn minh du lịch trong hoạt
động du lịch và cần sự hỗ trợ rất nhiều từ
các cơ quan chức năng có liên quan, doanh
nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và
du khách. Du lịch Việt Nam ngày càng thể
hiện thế mạnh không những về mặt kinh tế
vốn được định hướng là ngành kinh tế mũi
nhọn (đóng góp GDP ngày càng cao) mà
còn hiệu quả về mặt quảng bá thiên nhiên,
đất nước, con người và văn hóa Việt Nam
ra thế giới.
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 10, Tháng 7 - 2018
113
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2017), Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch.
[2] David A. Fennel & David C. Malloy (2007), Codes of Ethics in Tourism: Practise,
Theory, Synthesis, Channel view publications, UK.
[3] Người đưa tin UNESCO (2016), Những vấn đề xuyên thế kỷ - Phỏng vấn các nhà hoạt
động hoa học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật hàng đầu thế giới, Nxb Thế giới.
[4] Phan Huy Xu & Võ Văn Thành (2016), Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam, Nxb Tổng
hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[5] Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng (2015), Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt
động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
[6] Trần Thị Minh Hòa (2013), Hoàn thiện mối quan hệ giữa các bên liên quan nhằm triển
khai hoạt động du lịch tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa
học Xã hội và Nhân văn, tập 29, số 3.
[7] UNWTO (1999), Global Code of Ethics for Tourism, pdf. file.
[8] UNWTO (2017a), 22
nd
UNWTO General Assembly in China: a week of important
achievements, search on 25
th
May 2018.
[9] UNWTO (2017b), Historical decision: approval of the UNWTO Framework
Convention on Tourism Ethics,
decision-approval-unwto-framework-convention-tourism-ethics, search on 25
th
May 2018.
[10] UNWTO Barometer (2017), Volume 15, January 2017.
[11] Lý Tùng Hiếu 2018: Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, bản
thảo (tác giả cung cấp).
Ngày nhận bài: 04-6-2018. Ngày biên tập xong: 13-6-2018. Duyệt đăng: 23-7-2018
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ve_dao_duc_trong_hoat_dong_du_lich.pdf