Việt Nam được các tổ chức thế giới
đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch
sinh thái rất cao, tuy nhiên thực trạng hoạt
động và khai thác du lịch sinh thái ở Việt
Nam còn nhiều bất cập do nhận thức sai
lệch về loại hình du lịch sinh thái hoặc các
nhà kinh doanh du lịch với tình trạng kinh
doanh “ăn xổi”, không quan tâm đúng mức
đến du lịch sinh thái khiến cho tình trạng
khai thác du lịch sinh thái hiện nay chưa đi
đúng hướng và để lại nhiều hậu quả môi
trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của
người dân địa phương nơi diễn ra các hoạt
động du lịch sinh thái. Trên cơ sở giữ gìn,
bảo vệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn, xử
lý tốt mối quan hệ tự nhiên - con người - xã
hội và tổ chức quản lý tốt du lịch sinh thái
thì du khách nước ngoài mới cảm thấy hài
lòng và đến Việt Nam ngày càng nhiều
hơn. Vấn đề du lịch sinh thái tại Việt Nam
là bảo vệ, phát huy giá trị của môi trường
sinh thái tự nhiên và nhân văn trong du
lịch. Tìm cách hạn chế tác động xấu của
biến đổi khí hậu đến cộng đồng dân cư các
vùng miền nói chung và khách du lịch nói
riêng. Ngoài ra, du lịch sinh thái tại Việt
Nam cũng phải tính đến “sức chứa” của
điểm tham quan để tránh tình trạng quá tải
làm ảnh hưởng đến môi trường sống của
sinh vật, con người địa phương hoặc là chất
lượng của sản phẩm du lịch sinh thái. Nghị
quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày
16-01-2017 đã xác định mục tiêu đưa du
lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn, sẽ tạo điều kiện cho loại hình du lịch
sinh thái Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Kỳ
vọng, trong những năm sắp tới, du lịch Việt
Nam sẽ bứt phá và đạt nhiều thắng lợi.
10 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 809 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Về phát triển loại hình du lịch sinh thái tại Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
109
VỀ PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH
DU LỊCH SINH THÁI TẠI VIỆT NAM
DEVELOPING ECOTOURISM IN VIETNAM
PHAN HUY XU
và VÕ VĂN THÀNH
PGS.TS.GVCC. Trường Đại học Văn Lang, xuphanhuy@gmail.com, Mã số: TCKH11-18-2018
ThS. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vonhanchi@gmail.com
TÓM TẮT: Du lịch sinh thái phát triển từ thập niên 1990 và có xu hướng ngày càng tăng
mạnh. Nhìn chung, tài nguyên phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam rất đa dạng và phong
phú, gắn với không gian 7 vùng du lịch đã được quy hoạch, mỗi vùng có tài nguyên du lịch
đặc trưng thu hút du khách. Nhưng trên thực tế, loại hình và sản phẩm du lịch sinh thái ở
Việt Nam chưa gây được ấn tượng đến du khách, đặc biệt là du khách thụ hưởng du lịch
sinh thái cao cấp với những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn tổ hợp thể
chất, tinh thần và tâm trí của họ. Bài viết này, chúng tôi bàn về loại hình du lịch sinh thái
ở Việt Nam với những luận điểm cơ bản như nhận thức về du lịch sinh thái, tiềm năng,
thực trạng, những giải pháp giúp cho loại hình du lịch này phát triển có bản sắc, dấu ấn
và hòa vào chuẩn mức chung của du lịch sinh thái thế giới.
Từ khóa: du lịch sinh thái; du lịch thiên nhiên; du lịch xanh.
ABSTRACTS: Ecotourism has flourished since the 1990s and become more and more
developed. In general, resources for ecotourism development in Vietnam are diverse and
plentiful, associated withthe seven planned areas of tourism which each has its own unique
tourism resources to attract tourists. In fact however, ecotourism products and products in
Vietnam have not impressed visitors, especially visitors enjoying high-end ecotourism with
high demands on quality products to satisfy their physical, spritual and mental well-being. In
this article, we discuss about ecotourism in Vietnam with basic insights such as ecotourism
awareness, potential, status and solutions for developing ecotourism withits own identity,
impression and harmony with the general standard of world ecotourism.
Key words: ecotourism; nature-based tourism; green tourism.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, ở nước ta nhiều nơi phát triển
du lịch sinh thái ồ ạt, mạnh ai nấy làm, không
đúng với bản chất và nội hàm của khái niệm
du lịch sinh thái. Do đó, hiệu quả thấp không
hấp dẫn du khách và phản tác dụng. Vì vậy,
chúng ta cần nắm vững khái niệm và đặc điểm
của du lịch sinh thái để xây dựng điểm đến và
khu du lịch sinh thái đúng nghĩa khoa học.
Du lịch sinh thái giúp cân bằng các mục
tiêu phát triển mà UNESCO và các tổ chức
thế giới đưa ra: Kinh tế - xã hội - môi trường
hoặc: Kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường,
trong đó, con người là trung tâm của mọi sự
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 11, Tháng 9 - 2018
110
phát triển. “Người ta dự báo rằng, đến thế kỷ
XXI con người sẽ biết sống hòa điệu với thiên
nhiên, hơn là phá phách tự nhiên và triết lý
của thế kỷ XXI là triết lý Tân tự nhiên (Neo-
Naturalism)” [15, tr.332]. Trước đây, con
người luôn xem mình ngự trị thiên nhiên, cố
gắng cải tạo thiên nhiên và đó là quan điểm
sai lầm trong quá trình phát triển khiến cho
con người đã và đang phải trả giá bằng
những biến đổi khí hậu, thiên tai (nguyên
nhân gián tiếp của con người) và nhân tai.
Với nhận thức mới hiện nay, trong cuộc
chinh phục tự nhiên, con người đang từng
bước nhận ra rằng, mình không thể đóng vai
ông chủ, mà cần phải là những người bạn
thân thiện với môi trường sống [7, tr.373]. Bà
Gro H. Brundtland (1990), nguyên Thủ
tướng Na Uy từng nhận định: “Có hai mối
nguy hiểm lớn đang rình rập chúng ta: chạy
đua vũ trang hạt nhân và nguy cơ ô nhiễm.
Tức là hai quả bom: quả bom hạt nhân và
quả bom sinh thái” [3, tr.269]. Theo cách nói
của bà, “quả bom sinh thái” đang dần hiện
hữu rõ nét hơn với môi trường sinh thái toàn
cầu. Trong bài viết này, chúng tôi làm rõ khái
niệm du lịch sinh thái cũng như những đặc
trưng của nó, tiềm năng và thực trạng phát
triển du lịch sinh thái ở Việt Nam cùng với
những giải pháp cho du lịch sinh thái phát
triển bền vững, có điểm nhấn và góp phần
vào mục tiêu đưa ngành Du lịch Việt Nam
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. NỘI DUNG
2.1. Các khái niệm liên quan
Từ năm 2002, Tổ chức Du lịch Thế
giới (UNWTO) đưa ra thông điệp “Du lịch
sinh thái - chìa khóa để phát triển du lịch
bền vững” đã hướng các quốc gia đến phát
triển sinh thái như một loại hình du lịch cơ
bản của phát triển bền vững. Trên thực tế, ở
nhiều nước việc tập trung phát triển du lịch
thiên nhiên và du lịch sinh thái đang là một
ngành kinh doanh sinh lợi, nhiều triển vọng
phát triển và đóng vai trò quan trọng trong
thu hút ngoại tệ [2].
Có nhiều khái niệm về du lịch sinh thái
đã được đề xuất theo góc độ chuyên môn
và cách nhìn của các tổ chức, cá nhân các
nhà nghiên cứu du lịch học. Khái niệm du
lịch sinh thái đã được các nhà sinh thái học
đưa ra vào những năm 1960 và các nhà
nghiên cứu du lịch chấp nhận trong những
năm 1980 khi du lịch sinh thái là một phân
khúc du lịch phát triển nhất trong những
năm 1990 [18, tr.12]. Một số quan niệm nổi
bật về du lịch sinh thái, theo Tổ chức Liên
minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN):
“Du lịch sinh thái là sự đi du lịch tham quan
có trách nhiệm đối với môi trường tại những
nơi còn tương đối nguyên sơ để thưởng thức
và hiểu biết về thiên nhiên, có hoặc không
kèm theo đặc trưng văn hóa bản địa, có sự
hỗ trợ đối với công tác bảo tồn và ít tác động
đến môi trường, giúp du khách tham gia
thiết thực và có ích đối với văn hóa xã hội
của người dân địa phương” [16, tr.113].
Bộ quy tắc ứng xử đạo đức toàn cầu
trong du lịch của WTO (nay là UNWTO)
từ năm 1999 cũng đã khẳng định, du lịch
thiên nhiên và du lịch sinh thái đặc biệt có
lợi để làm phong phú và nâng cao vị thế
của du lịch, giúp họ tôn trọng các di sản
thiên nhiên, cư dân địa phương và phù hợp
với năng lực thực hiện của các điểm tham
quan [17]. Trước và sau đề xuất của Tổ
chức Du lịch thế giới (1999), một loạt các
quốc gia phát triển du lịch ngày càng quan
tâm đến du lịch sinh thái, chẳng hạn như Úc
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
111
(1994), Hoa Kỳ (1998), Nepal, Malaysia,...
đưa ra định nghĩa du lịch sinh thái làm
khung lý thuyết triển khai phát triển du lịch
sinh thái trong thực tiễn [8, tr.131- 133].
Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Du
lịch sinh thái tại Québec, Canada (2002) đã
cố gắng làm rõ sự nhầm lẫn này bằng cách
sử dụng khái niệm du lịch sinh thái như
một công cụ thực hiện bảo tồn và phát triển
bền vững với một số đặc điểm nhận diện du
lịch sinh thái như: Du lịch sinh thái đóng
góp một cách tích cực cho việc bảo vệ các
di sản tự nhiên và văn hóa; Du lịch sinh
thái đưa cộng đồng dân cư địa phương
tham gia việc phát triển và khai thác loại
hình du lịch này, đồng thời đóng góp vào
việc nâng cao cuộc sống của họ; Du lịch
sinh thái cung cấp cho du khách sự diễn
giải về các tài nguyên tự nhiên và văn hóa;
Du lịch sinh thái phù hợp với du lịch cá
nhân cũng như các chuyến du lịch được các
tổ chức cho các nhóm nhỏ [18, tr.13-14].
Các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng
đề xuất những định nghĩa về du lịch sinh
thái, có thể kể đến Hector Ceballos
Lascurain, người Mexico (kiến trúc sư, nhà
môi trường học, cố vấn du lịch sinh thái
quốc tế từ năm 1987) đã đưa ra định nghĩa
du lịch sinh thái: “Du lịch sinh thái đến
những khu vực tự nhiên ít bị ô nhiễm hoặc
ít bị xáo trộn với những mục tiêu đặc biệt:
nghiên cứu, trân trọng và thưởng ngoạn
phong cảnh và giới động thực vật hoang dã
cũng như những biểu thị văn hóa (cả quá
khứ và hiện tại) được khám phá trong
những khu vực này” [8, tr.131].
Tại Việt Nam, Hội thảo “Xây dựng
chiến lược phát triển du lịch sinh thái ở
Việt Nam” (1999) đề xuất định nghĩa du
lịch sinh thái: “Là loại hình du lịch dựa
vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với
giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ
lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự
tham gia tích cực của cộng đồng địa
phương” [14]. Luật Du lịch (2005): “Du
lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào
thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa
phương với sự tham gia của cộng đồng
nhằm phát triển bền vững” [Khoản 19,
Điều 4]. Luật Du lịch Việt Nam sửa đổi
(2017): “Du lịch sinh thái là loại hình du
lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc
văn hóa địa phương, có sự tham gia của
cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo
vệ môi trường” [Khoản 16, Điều 3].
Đặc điểm của du lịch sinh thái
Martha Honey với bài viết Ecotourism
and sustainable development - Who owns
paradise?, cho rằng du lịch sinh thái có bảy
đặc điểm: 1) Những đặc điểm du lịch tự
nhiên; 2) Hạn chế những tác động tiêu cực
đến sinh thái (từ khách sạn, rác thải, hành vi
du khách); 3) Xây dựng nhận thức đúng đắn
về môi trường (giáo dục du khách và cộng
đồng địa phương); 4) Cung cấp lợi ích tài
chính trực tiếp cho việc bảo tồn; 5) Cung cấp
tài chính và quyền lợi hợp pháp cho người
dân địa phương; 6) Tôn trọng văn hóa bản
địa; 7) Vấn đề dân chủ và thể chế [4, tr.29].
Theo Hector Ceballos Lascurain, trong
lời nói đầu bài Global ecotourism policies and
Case studies - Perspectives and Constraints,
hầu hết các nhà nghiên cứu du lịch đều cho
rằng, du lịch sinh thái có những đặc điểm
như sau: 1) Hoạt động của du lịch sinh thái
được tiến hành trong một bối cảnh tự nhiên
tương đối chưa bị xáo trộn; 2) Những tác
động tiêu cực của hoạt động du lịch được
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 11, Tháng 9 - 2018
112
giảm thiểu; 3) Hoạt động du lịch hỗ trợ cho
sự bảo tồn di sản tự nhiên và văn hóa; 4)
Liên quan đến các cộng đồng địa phương
trong quá trình thực hiện và cung cấp lợi ích
chọ họ; 5) Đóng góp cho sự phát triển bền
vững và là một công việc có lợi; 6) Yếu tố
giáo dục/đánh giá/giải thích (di sản tự nhiên
và văn hóa) phải được hiện hữu [5].
Loại hình du lịch sinh thái có một số đặc
điểm nổi bật như sau: 1) Gắn liền với giáo
dục môi trường, bảo vệ hệ sinh thái thông
qua du lịch; 2) Chú trọng mối quan hệ giữa
con người và thiên nhiên hoang dã; (3) Giảm
thiểu tác động tiêu cực của du khách đến môi
trường, văn hóa bản địa [11, tr.146].
Nhìn chung, các định nghĩa về du lịch
sinh thái có sự thống nhất cao về nội dung
với bốn đặc điểm: Du lịch sinh thái phải
được thực hiện trong môi trường tự nhiên
còn hoang sơ hoặc tương đối hoang sơ gắn
với văn hóa bản địa; Du lịch sinh thái hỗ
trợ tích cực cho công tác bảo tồn các đặc
tính tự nhiên, văn hóa và xã hội tại điểm
tham quan; Du lịch sinh thái có tính giáo
dục môi trường cao và có trách nhiệm với
môi trường; Du lịch sinh thái phải mang lại lợi
ích cho cư dân địa phương và có sự tham gia
của cộng đồng dân cư địa phương [18, tr.14-17].
Những đặc điểm cơ bản của du lịch sinh
thái là dựa vào giá trị của cảnh quan thiên
nhiên, kết hợp với văn hóa bản địa nhằm nỗ
lực phát triển bền vững về môi trường, văn
hóa và cộng đồng cư dân bản địa.
Đặc điểm của du lịch sinh thái ở Việt
Nam: phát triển dựa vào giá trị (hấp dẫn)
của thiên nhiên và văn hóa bản địa, được
quản lý bền vững về môi trường sinh thái,
có giáo dục, diễn giải về môi trường, có
đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn và phát
triển cộng đồng [6].
Liên quan đến du lịch sinh thái, chúng
tôi trình bày thêm các thuật ngữ:
Khách du lịch sinh thái: là những du
khách tìm hiểu, trải nghiệm, thẩm nhận giá
trị sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn
tại các điểm đến.
Hệ sinh thái tự nhiên: là một hệ thống
mở hoàn chỉnh, bao gồm các quần xã sinh
vật và khu vực sống của sinh vật. Hệ sinh
thái bao gồm hệ động vật, thực vật, vi sinh
vật và môi trường vô sinh như ánh sáng,
nhiệt độ, chất vô cơ,... Hệ sinh thái thường
được chia thành hệ sinh thái tự nhiên và hệ
sinh thái nhân văn.
Hệ sinh thái nhân văn: là mối quan hệ có
hệ thống giữa con người, xã hội và tự nhiên.
Tóm lại, du lịch sinh thái không cho
phép con người can thiệp vào các hệ sinh
thái tự nhiên, cho dù là can thiệp mang lại
lợi ích kinh tế - xã hội cho con người và
con người chấp nhận đền bù bằng vật chất
cho những thiệt hại mà họ gây ra đối với tự
nhiên [18, tr.15].
2.2. Tiềm năng du lịch sinh thái Việt Nam
Tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho du
lịch sinh thái tại Việt Nam rất đa dạng và
phong phú. Nước ta có tài nguyên địa chất,
địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, động
thực vật rất đặc biệt (có khoảng 21.000 loài
thực vật, gần 12.000 loài động vật, trong đó
có nhiều loài đặc hữu, có những loài được
đưa vào Sách Đỏ của thế giới như Sao La,
Vooc mũi hếch, Bò biển,...), là 1/10 quốc
gia có đa dạng sinh học phong phú nhất thế
giới, xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức
độ đa dạng của tài nguyên sinh vật (theo
WCMC) và là một trong các nước được ưu
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
113
tiên cho bảo tồn toàn cầu. Đến hết năm
2017, UNESCO công nhận đến 10 khu dự
trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, 8 khu
Ramsar của thế giới. Trên cả nước có
khoảng 300 hang động, có 3.260 km bờ
biển với 125 bãi tắm, hầu hết là các bãi tắm
đẹp. Nước ta là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp
nhất thế giới, có nhiều sông, hồ nổi tiếng
như sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu; hồ
Ba Bể,... Hiện có 164 rừng đặc dụng, trong
đó có 31 vườn Quốc gia, 69 khu bảo tồn tự
nhiên, 45 khu vực bảo vệ cảnh quan, 20
khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa
học. Một số di sản tự nhiên được UNESCO
vinh danh như: Vịnh Hạ Long, Di sản
Thiên nhiên Thế giới (1994, 2000); Vườn
Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003,
2015); Công viên địa chất Cao Nguyên đá
Đồng Văn (2010); Di sản Tự nhiên và Văn
hóa Danh thắng Tràng An (2014); Công
viên địa chất Non nước Cao Bằng (2018).
Đây là những tài nguyên rất tốt để nghiên
cứu, tìm hiểu, phát triển loại hình du lịch
sinh thái, tham quan tìm hiểu về đời sống
động thực vật hoang dã và văn hóa bản địa.
Chính vì vậy, chiến lược phát triển du
lịch Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010, Chiến
lược phát triển du lịch Việt Nam cho thời
kỳ mới đến năm 2020, và tầm nhìn đến
năm 2030 luôn xác định du lịch sinh thái là
một trong các dòng sản phẩm du lịch chính,
có sức cạnh tranh cao so với các nước trong
khu vực và trên thế giới [2].
2.3. Thực trạng và thách thức của phát
triển du lịch sinh thái Việt Nam
Theo UNWTO (2002), loại hình du
lịch sinh thái đòi hỏi cao và chặt chẽ về ý
nghĩa giáo dục cho du khách sự tôn trọng,
bảo tồn thiên nhiên và văn hóa bản địa,
đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng
đồng địa phương. Du khách không chỉ
thưởng thức thiên nhiên mà quan trọng hơn
là phải biết tôn trọng, bảo tồn, giữ gìn thiên
nhiên, môi trường, đồng thời phải biết tôn
trọng, bảo tồn giá trị văn hóa và quyền lợi
kinh tế của cộng đồng địa phương. Lâu
nay, vì không nhận thức đúng về khái niệm,
nội dung của du lịch sinh thái và do lợi ích
cục bộ, cá nhân nên một số điểm du lịch
sinh thái đã làm sai lệch, tùy tiện. Chẳng
hạn, có những nơi người ta giết thịt động
vật, chặt phá cây rừng và xả rác khắp nơi;
Một số điểm du lịch sinh thái xây dựng giả
tạo, sai quy luật môi trường thiên nhiên,
làm hủy hoại tài nguyên. Cơ quan quản lý
cần có chính sách, chế tài xử lý theo pháp
luật đối với các điểm du lịch sinh thái trên.
Nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà khoa học
và cộng đồng dân cư cần gắn kết, hợp tác,
tổ chức, xây dựng điểm du lịch sinh thái
đúng như bản chất của nó [10].
Phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam
mới đi những chặng đường đầu tiên, bắt
đầu từ cuối thập kỷ 90 trở lại đây, du lịch
sinh thái mới nổi lên và dần dần phát triển
trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Lượng
khách du lịch trong và ngoài nước tăng lên
nhanh chóng, chiếm khoảng 8% tổng số
khách quốc tế. Để có thể phát triển du lịch
sinh thái bền vững và có trách nhiệm,
chúng ta cần hiểu đúng thế nào là du lịch
sinh thái và ứng dụng trong hoàn cảnh ở
Việt Nam. Cần thấy rằng, du lịch sinh thái
là loại hình du lịch dựa vào các giá trị tự
nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương
với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát
triển bền vững. Ở một khía cạnh khác, có
thể hiểu du lịch sinh thái là loại hình du
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 11, Tháng 9 - 2018
114
lịch mà lợi ích của nó gắn chặt với trách
nhiệm bảo tồn môi trường và cải thiện phúc
lợi cho người dân địa phương. Sản phẩm du
lịch sinh thái của Việt Nam chưa thật sự tạo
ra điểm nhấn trong cảm nhận của du khách
trong và ngoài nước.
Với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên
Hợp Quốc “Du lịch sinh thái - Chìa khóa
để xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi
trường”, du lịch Việt Nam cần có nhiều
luận cứ để nâng cao chất lượng du lịch sinh
thái và đóng góp cho du lịch Việt Nam trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn [2].
Tài nguyên thiên nhiên và nhân văn
của nước ta rất phong phú và đa dạng.
Tiềm năng về du lịch sinh thái rất lớn
nhưng thực tế để có một mô hình du lịch
sinh thái đúng nghĩa là không dễ dàng. Do
hiểu sai khái niệm du lịch sinh thái nên
nhiều nơi đã xây dựng mô hình du lịch sinh
thái giả tạo, khiên cưỡng, chắp vá, thay đổi
cảnh quan tự nhiên bằng cảnh quan nhân
tạo, chặt rừng, đào ao và kênh rạch, nuôi,
nhốt động vật và trồng một số cây,... rồi
treo biển quảng cáo đó là du lịch sinh thái.
Nơi đó, lại tiếp đón nhiều du khách làm cho
“sức chứa” quá tải. Du khách đến ngắm
cảnh và ăn nhậu thịt rừng các loại,... Như
vậy, rõ ràng đó không phải là một hình du
lịch sinh thái.
Thực trạng về du lịch sinh thái nhân
văn chưa có gì nổi trội và hấp dẫn. Về
hướng dẫn viên du lịch sinh thái còn rất
thiếu và yếu, đặc biệt chưa am hiểu khoa
học sinh thái nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Tuy nhiên, ở nước ta, cũng có trên 10 khu
du lịch sinh thái được vinh danh, đặc biệt là
Topas Ecolodge (ở Sa Pa) đã được Tạp chí
National Geographic ca ngợi. Ngoài ra,
một số địa phương đã giữ gìn, bảo vệ hệ
sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn
phục vụ tốt cho du lịch sinh thái. Nhưng ở
một số vùng miền, hệ sinh thái tự nhiên và
sinh thái nhân văn đang bị suy thoái. Theo
kết quả của báo cáo thường niên năm 2012
mang tên The Environmental Performance
Index (EPI) của hai trung tâm nghiên cứu
môi trường thuộc Đại học Yale và
Columbia thực hiện, về ảnh hưởng của chất
lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123
trong bảng xếp hạng 132 quốc gia khảo sát,
được xem là có không khí bẩn thứ 10 thế
giới. Ở miền núi, tình trạng phá rừng làm
cho cảnh quan đồi núi nham nhở, xơ xác,
ảnh hưởng đến du lịch sinh thái. Ở miền
biển và hải đảo, tình trạng rác thải và nước
xả thải công nghiệp làm cho du khách nước
ngoài phàn nàn. Ví dụ, một nhóm du khách
Hoa Kỳ đầu năm 2017 khi đến Cù Lao
Chàm đã phàn nàn về rác. Ở nông thôn,
cảnh vứt bừa rác, gà vịt, heo bị chết bệnh ra
sông, rạch. Một số nhà máy hoặc lò gạch
gây ô nhiễm nguồn nước và không khí
khiến cho dân địa phương bức xúc. Ở các
đô thị, nhất là các thành phố lớn, tình trạng
kẹt xe, rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh bẩn
đáng sợ đã làm cho du khách khó chịu.
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch
mang lại cho du khách sự trải nghiệm, thẩm
nhận, cảm thụ, giải trí về thiên nhiên và
nhân văn. Nhưng thực trạng ô nhiễm môi
trường ở nhiều nơi khá trầm trọng đã và
đang làm cho du khách thất vọng. Đó là
chưa kể đến những sản phẩm du lịch sinh
thái nghèo nàn, dịch vụ du lịch còn yếu
kém đã làm cho phần lớn du khách nước
ngoài không trở lại Việt Nam (theo số liệu
khảo sát có đến hơn 85% du khách nước
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
115
ngoài không trở lại Việt Nam). Trên thực tế
cho thấy, hầu hết các điểm du du lịch sinh
thái của nước ta hiện nay đều không tuân
theo một nguyên tắc nào. Người ta chỉ làm
du lịch theo kiểu “mì ăn liền”, không cần
biết rằng một trong những yêu cầu cơ bản
để tiếp cận du lịch sinh thái là khả năng
nhận thức cùng với trách nhiệm cao đối với
các giá trị thiên nhiên, rằng mọi hoạt động
đều phải hướng tới sự phát triển bền vững.
Tất cả cần một hành động mới và cụ thể từ
giữ gìn vệ sinh với cộng đồng, hạn chế gây
ô nhiễm nước, không khí, rác thải, tiếng ồn
và tiết kiệm năng lượng.
Một thách thức nữa đối với du lịch
sinh thái Việt Nam đó là tác động xấu của
biến đổi khí hậu trong những năm gần đây
mà theo các nhà khoa học, Việt Nam có
khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu
Long, 11% diện tích Đồng bằng sông
Hồng, 3% diện tích của các địa phương
khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập
nước, sẽ có khoảng 10 - 12% dân số Việt
Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất
khoảng 10% GDP [19].
Như vậy, hệ sinh thái tự niên và sinh
thái nhân văn của nước ta sẽ bị tác động
lớn, ảnh hưởng không tốt đến du lịch sinh
thái. Những năm gần đây, chỉ lấy ví dụ ở
rừng tràm Trà Sư, An Giang, biến đổi khí
hậu đã làm nhiệt độ tăng cao, tình trạng hạn
hán kéo dài gây thiếu nước, tăng nguy cơ
cháy rừng; lũ lụt không theo quy luật, làm
thời gian phục vụ du lịch sinh thái ngắn lại,
đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng tràm
bị mất đi cũng ảnh hưởng đến tính hấp dẫn
đối với khách du lịch, cơ sở hạ tầng bị hư
hại, người dân địa phương bị ảnh hưởng
đến sức khỏe và đời sống [1].
Có thể dễ nhận ra những hạn chế trong
phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam: Du
lịch với số đông du khách tác động tiêu cực
đến môi trường tự nhiên, khu vực nhạy
cảm; Chưa có chiến lực trong quy hoạch,
phân vùng phát triển du lịch sinh thái; Quy
mô và hình thức tổ chức hoạt động du lịch
sinh thái còn nhỏ lẻ; Chưa có các nghiên
cứu thị trường bài bản cũng như việc quảng
bá du lịch sinh thái còn yếu; Công tác quản
lý du lịch sinh thái còn hạn chế; Thiếu sự
đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật;
Không tuân thủ các nguyên tắc phát triển
du lịch sinh thái, phá vỡ cảnh quan. Các
trung tâm giáo dục môi trường cho du
khách còn yếu.
Không gian phát triển du lịch sinh thái
ở Việt Nam dựa trên tổ chức không gian du
lịch Việt Nam bao gồm:
1) Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: Du
lịch sinh thái trải nghiệm thiên nhiên hùng
vĩ. Tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu hệ
sinh thái, đa dạng sinh học rừng á nhiệt đới
núi cao và rừng thường xanh nhiệt đới; Hệ
sinh thái nông nghiệp (ngắm cảnh theo
mùa, tham quan ruộng bậc thang).
2) Vùng Đồng bằng sông Hồng và
duyên hải Đông Bắc: Du lịch sinh thái,
khám phá đa dạng sinh học và di sản thiên
nhiên thế giới. Tham quan thắng cảnh, tìm
hiểu hệ sinh thái núi đá vôi ngập nước - di
sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu khu dự
trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng.
3) Vùng du lịch Bắc Trung Bộ: Du lịch
sinh thái hang động và đa dạng sinh học
Đông Trường Sơn. Tham quan, thám hiểm
hệ sinh thái núi đá vôi, hang động di sản
thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng;
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 11, Tháng 9 - 2018
116
Tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu đa dạng
sinh học Đông Trường Sơn.
4) Vùng duyên hải Nam Trung Bộ: Du
lịch sinh thái biển đảo. Tham quan, trải
nghiệm thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển:
cồn cát, rạn san hô, thảm cỏ biển.
5) Vùng Tây Nguyên: Du lịch sinh thái -
trải nghiệm cảnh quan vùng cao nguyên đất
đỏ bazan. Tham quan, tìm hiểu các hệ sinh
thái rừng Khộp (rừng thưa lá rộng, rụng lá
theo mùa). Du lịch sinh thái gắn liền du lịch
cộng đồng và tham quan bản làng dân tộc.
6) Vùng Đông Nam Bộ: Du lịch sinh
thái sông. Tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái
dọc tuyến sông Sài Gòn, hệ sinh thái rừng
ngập mặn Cần Giờ.
7) Vùng Đồng bằng sông C u Long: Du
lịch sinh thái - hệ sinh thái đất ngập nước.
Tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái đất ngập
nước nội địa với hệ thống các kênh rạch
Đồng bằng sông Cửu Long; Tham quan, tìm
hiểu hệ sinh thái ngập mặn ven biển.
2.4. Một số giải pháp cần thiết để phát
triển du lịch sinh thái ở Việt Nam
1) Nâng cao nhận thức về du lịch sinh
thái (thông qua giáo dục, tuyên truyền...),
trong đó việc am hiểu đúng về khái niệm
du lịch sinh thái và đặc điểm du lịch sinh
thái để quy hoạch, xây dựng và quản lý
đúng đắn mô hình du lịch sinh thái.
2) Cần hoàn thiện cơ chế chính sách để
phát triển du lịch sinh thái tương xứng với
tiềm năng: phát triển du lịch sinh thái và
sớm hội nhập với thế giới, cần có chính sách
đúng đắn về cơ sở hạ tầng theo quy hoạch
và theo luật. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực,
cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên
phục vụ. Doanh nghiệp tư nhân cần tham
gia đầu tư và quản lý du lịch sinh thái có bài
bản. Cộng đồng dân cư địa phương cần
được thụ hưởng lợi ích xứng đáng.
3) Các nhà kinh doanh, nhà quản lý,
nhà khoa học và nhà dân cần có sự hợp tác,
liên kết trong việc quy hoạch, xây dựng,
quảng bá du lịch sinh thái.
4) Nhà kinh doanh và công ty lữ hành
không được thương mại hóa du lịch sinh
thái. Đảm bảo đạo đức du lịch sinh thái,
quan tâm đến “sức chứa” của điểm đến du
lịch sinh thái.
5) Cần đào tạo bài bản hướng dẫn viên
du lịch sinh thái, đặc biệt về kiến thức sinh
thái học (tự nhiên và nhân văn), ngoại ngữ
để cung cấp đúng đắn về giáo dục môi
trường cho du khách (hoặc đào tạo, cấp
chứng chỉ hướng dẫn du lịch sinh thái).
6) Cộng đồng địa phương phải được
tham gia và hưởng lợi trong các dự án phát
triển du lịch sinh thái, được trả công bằng
tiền, hiện vật từ du khách hoặc qua các nhà
tổ chức du lịch nhằm góp phần tôn tạo cảnh
quan sinh thái tại các cộng đồng mà du
khách đến tham quan.
7) Các cơ quan quản lý du lịch và chức
năng liên quan từ trung ương đến địa
phương cần kiểm tra chặt chẽ việc xây dựng
các điểm và khu du lịch sinh thái từ khâu
quy hoạch đến hoạt động. Xứ lý theo Luật
các điểm và khu du lịch có nhiều sai phạm.
3. KẾT LUẬN
Cho đến nay, quan niệm về du lịch
sinh thái vẫn còn được hiểu dưới nhiều góc
độ khác nhau, với nhiều tên gọi khác nhau,
mặc dù các nhà khoa học vẫn còn đang
tranh luận về định nghĩa này để có thể tìm
ra một định nghĩa chung nhất cho du lịch
sinh thái. Tựu trung lại, du lịch sinh thái có
những đặc điểm như Tổ chức Du lịch Thế
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk
117
giới (UNWTO), Tổ chức Liên minh Bảo
tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hoặc
quan điểm của các cá nhân nhà nghiên cứu
như Hector Ceballos Lascurain, Martha
Honey đã tổng kết. Ở Việt Nam, các tổ
chức và cá nhân các nhà nghiên cứu cũng
có quan niệm tương tự, cụ thể là Luật Du
lịch Việt Nam (2017). Đây là những quan
điểm phù hợp để triển khai phát triển du
lịch sinh thái ở nước ta. Du lịch sinh thái
không chỉ là về mặt tự nhiên mà còn có liên
hệ đến văn hóa, cụ thể là văn hóa cộng
đồng dân cư sở tại, “một trong hai giá trị
thiết yếu đối với con người, vượt ra ngoài
phương diện kinh tế thuần túy đó chính là
văn hóa và môi trường” [3, tr.276].
Việt Nam được các tổ chức thế giới
đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch
sinh thái rất cao, tuy nhiên thực trạng hoạt
động và khai thác du lịch sinh thái ở Việt
Nam còn nhiều bất cập do nhận thức sai
lệch về loại hình du lịch sinh thái hoặc các
nhà kinh doanh du lịch với tình trạng kinh
doanh “ăn xổi”, không quan tâm đúng mức
đến du lịch sinh thái khiến cho tình trạng
khai thác du lịch sinh thái hiện nay chưa đi
đúng hướng và để lại nhiều hậu quả môi
trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của
người dân địa phương nơi diễn ra các hoạt
động du lịch sinh thái. Trên cơ sở giữ gìn,
bảo vệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn, xử
lý tốt mối quan hệ tự nhiên - con người - xã
hội và tổ chức quản lý tốt du lịch sinh thái
thì du khách nước ngoài mới cảm thấy hài
lòng và đến Việt Nam ngày càng nhiều
hơn. Vấn đề du lịch sinh thái tại Việt Nam
là bảo vệ, phát huy giá trị của môi trường
sinh thái tự nhiên và nhân văn trong du
lịch. Tìm cách hạn chế tác động xấu của
biến đổi khí hậu đến cộng đồng dân cư các
vùng miền nói chung và khách du lịch nói
riêng. Ngoài ra, du lịch sinh thái tại Việt
Nam cũng phải tính đến “sức chứa” của
điểm tham quan để tránh tình trạng quá tải
làm ảnh hưởng đến môi trường sống của
sinh vật, con người địa phương hoặc là chất
lượng của sản phẩm du lịch sinh thái. Nghị
quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày
16-01-2017 đã xác định mục tiêu đưa du
lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn, sẽ tạo điều kiện cho loại hình du lịch
sinh thái Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Kỳ
vọng, trong những năm sắp tới, du lịch Việt
Nam sẽ bứt phá và đạt nhiều thắng lợi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Thị Mỹ Lan (2017), Biến đổi khí hậu tác động đến du lịch sinh thái rừng tràm
Trà Sư, An Giang, luận văn Thạc sĩ 2017.
[2] Đỗ Thị Thanh Hoa (2016), Những vấn đề đặt ra tồn phát triển du lịch sinh thái ở Việt
Nam, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch,
traodoi/1230-nhung-van-de-dat-ra-trong-phat-trien-du-lich-sinh-thai-o-viet-nam.html.
[3] Gro H. Brundtland (1990), Gro Harlem Brundtland - Nhà môi trường Na Uy, Người
đưa tin UNESCO, tháng 9, in trong Tạp chí Người đưa tin UNESCO - Những vấn đề xuyên
thế kỷ.
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 11, Tháng 9 - 2018
118
[4] Martha Honey (1999), Ecotourism and sustainable development - Who owns paradise?,
Island press, Washington, USA.
[5] Micheal Luck, Torsten Kirstges (edited, 2003), Global ecotourism policies and Case
studies - Perspectives and Constraints, Channel View Publications, UK.
[6] Nguyễn Thị Minh Nguyệt (2016), Tổng quan về nghiên cứu du lịch sinh thái, Tạp chí
Văn hóa Nghệ thuật, số 382, tháng 4.
[7] Nguyễn Văn Kim (Chủ biên, 2016), Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam, Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội.
[8] Nguyễn Văn Thuật (2016), Ý kiến mới về du lịch sinh thái, Tạp chí Khoa học Đại học
Đồng Nai, số 01/2016.
[9] Phạm Trung Lương (Chủ biên, 2002), Du lịch Sinh thái - Những vấn đề về lý luận và
thực tiễn phát triển du lịch ở Việt Nam, Nxb Giáo dục.
[10] Phạm Trương Hoàng (2014), Hướng du lịch sinh thái phát triển bền vững, Báo Nhân
dân số ra ngày 22/8/2014.
[11] Phan Huy Xu, Võ Văn Thành (2016), Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam, Nxb Tổng
hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[12] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Du lịch.
[13] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch.
[14] Tổng cục Du lịch Việt Nam (1999), Kỷ yếu hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển
du lịch sinh thái ở Việt Nam.
[15] Trần Quốc Vượng và các tác giả khác (2015), Văn hóa Việt Nam - Những hướng tiếp
cận liên ngành, Nxb Văn học.
[16] Trần Thúy Anh (Chủ biên, 2010), Ứng x văn hóa trong du lịch, Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội.
[17] UNWTO (1999), Global Code of Ethics for Tourism, pdf. file.
[18] Võ Văn Sen, Ngô Thị Phương Lan, Ngô Thanh Loan (Chủ biên, 2018), Xây dựng sản
phẩm du lịch đặc thù Đồng bằng sông C u Long - Từ lý thuyết đến thực tiễn, Nxb Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
[19] Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 đưa tin Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới
(IPU) họp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/5/2017.
Ngày nhận bài: 09-8-2018. Ngày biên tập xong: 04-9-2018. Duyệt đăng: 24-9-2018
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ve_phat_trien_loai_hinh_du_lich_sinh_thai_tai_viet_nam.pdf