Thứ nhất, cần phát triển cơ sở hạ tầng tại
vùng Tây Nam Bộ để không phải phụ thuộc
vào cảng biển, cảng hàng không của Đông
Nam Bộ. Có thể xây dựng cảng biển nước
sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm
logistics tại Cần Thơ để hoạt động sản xuất
Tây Nam Bộ không phải phụ thuộc quá
mức vào hệ thống cảng biển, các điểm kết
nối tại Đông Nam Bộ.
Thứ hai, thông điệp lớn nhất cho các địa
phương cách xa Đông Nam Bộ là: nếu
không có may mắn thì phải nỗ lực cải thiện
thể chế. Hay nói cách khác, nếu các địa
phương xa Đông Nam Bộ (không có may
mắn) thì cần nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế.
Thứ ba, tỷ trọng công nghiệp cao hơn
làm thu nhập/người lớn hơn vì làm hoạt
động công nghiệp tạo nhiều việc làm với
thu nhập cao hơn. Đây là lý do các địa
phương Tây Nam Bộ luôn muốn xây dựng
các khu công nghiệp để thu hút doanh
nghiệp vào cho dù tỷ lệ lấp đầy là rất thấp.
Để phát triển công nghiệp ở các địa phương
không gần Đông Nam Bộ, các địa phương
cần phát triển công nghiệp chế biến các sản
phẩm nông nghiệp. Hoặc, các địa phương
có những điều kiện tự nhiên thuận tiện cho
phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng
gió, mặt trời, dòng chảy, sinh khối )
thì Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy
phát triển.
10 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 293 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vị trí địa lý và thể chế trong phát triển kinh tế vùng Tây Nam Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
11
Vị trí địa lý và thể chế trong phát triển
kinh tế vùng Tây Nam Bộ
Phạm Sỹ An1, Trần Thị Mai Thành2
1, 2 Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Email: phamsian@gmail.com
Nhận ngày 28 tháng 10 năm 2019. Chấp nhận đăng ngày 17 tháng 11 năm 2019.
Tóm tắt: Vị trí địa lý và thể chế kinh tế là hai yếu tố quan trọng định hình sự phát triển của các nền
kinh tế. Bài viết sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá vai trò của vị trì địa lý và thể chế kinh tế đến
sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ. Các địa phương gần với vùng
Đông Nam Bộ - nơi có nền kinh tế phát triển - sẽ có trình độ phát triển cao hơn (thu nhập trên đầu
người vùng Đông Nam Bộ) và cơ cấu kinh tế nghiêng về có tỷ trọng công nghiệp lớn hơn so với
các địa phương xa dần và cơ cấu kinh tế tốt hơn. Do đó, bài viết cho thấy vị trí địa lý và thể chế
kinh tế đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nam Bộ. Để nâng cao mức
sống người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng tích cực, các địa phương trong
vùng cần cải thiện thể chế kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.
Từ khóa: Phát triển kinh tế, vị trí địa lý, thể chế kinh tế.
Phân loại ngành: Kinh tế học
Abstract: Geographic location and the economic institutional framework are the two important
factors that shape the development of economies. The article provides analysis and assessment of
their roles in the economic development of provinces and cities in Vietnam’s southwestern region.
Localities close to the southeastern region, where the economy is developed, have higher levels of
development (per capita income in the region) and higher proportions of industry in the economic
structure compared to farther localities, and better economic structures. Therefore, the article shows
that geographic location and the economic institutional framework play an active role in promoting
economic development in the southwestern region. In order to improve the people's living
standards and change the economic structure in a positive way, localities in the region need to
improve their economic institutional frameworks and develop their infrastructure.
Keywords: Economic development, geographical location, economic institutional framework.
Subject classification: Economics
Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
12
1. Giới thiệu
Việt Nam có khoảng 95 triệu dân (năm
2018), diện tích 331.235,7 km2 chia làm 6
vùng, gồm Đồng bằng sông Hồng, Trung
du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và
Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông
Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Vùng Đồng bằng
sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành phố là
Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre,
Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên
Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà
Mau và thành phố là Cần Thơ. Tây Nam Bộ
chiếm 19% tổng dân số cả nước, 12% diện
tích quốc gia, có thế mạnh trong phát triển
nông nghiệp của Việt Nam.
Vị trí địa lý Tây Nam Bộ có một số đặc
điểm ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển
của vùng. Vùng đất bằng phẳng, thấp, chỉ
cao hơn mực nước biển nên khi nước biển
dâng, vùng Tây Nam Bộ bị ảnh hưởng rất
nặng nề. Việt Nam là một trong năm quốc
gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến
đổi khí hậu, Tây Nam Bộ của Việt Nam
được coi là một trong ba vùng đồng bằng
của thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng
nhất. Nên Tây Nam Bộ vừa có thế mạnh là
phát triển nông nghiệp (lúa, thủy sản, trái
cây) do vị trí địa lý đem lại nhưng vừa chịu
rủi ro do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tây Nam Bộ cạnh Đông Nam Bộ là vùng
phát triển nhất Việt Nam vì thế Tây Nam
Bộ vừa được hưởng lợi vừa bị chịu thiệt ở
vị trí này.
Sự phát triển và thịnh vượng của một
quốc gia, vùng, địa phương được quyết
định bởi 3 nhân tố sản xuất chính là vốn,
lao động và công nghệ/năng suất. Nhưng
vốn, lao động và “công nghệ” chỉ được coi
là nguyên nhân “thứ cấp” của tăng trưởng
và phát triển kinh tế; đằng sau các nhân tố
này là các nguyên nhân “nền tảng” khác
như thể chế kinh tế hay vị trí địa lý.
Thể chế kinh tế - những ràng buộc được
tạo ra bởi con người [4] - có tác động mạnh
mẽ đến thịnh vượng của các quốc gia [1].
Acemoglu và Robinson (2012) cho rằng thể
chế là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thịnh
vượng của quốc gia chứ không phải là các
yếu tố khác - như vị trí địa lý [2].
Ngược lại, có nhiều nghiên cứu với các
bằng chứng kinh tế lượng lại cho thấy vị trí
địa lý đóng vai trò quyết định đến phát triển
kinh tế và thịnh vượng của quốc gia [7].
Bài viết này xem xét ảnh hưởng của vị
trí địa lý và thể chế kinh tế đến thu nhập
người dân của các địa phương vùng Tây
Nam Bộ và đi đến kết luận cả vị trí địa lý
và thể chế kinh tế đều có tác động tích cực
đến phát triển kinh tế. Có một ưu điểm và
một nhược điểm của bài viết này.
Thứ nhất, về ưu điểm, việc lựa chọn các
địa phương vùng Tây Nam Bộ vào phân
tích ảnh hưởng của thể chế kinh tế và vị trí
địa lý đến phát triển kinh tế sẽ loại bỏ
những yếu tố phức tạp khác như sự khác
biệt trong chính sách thương mại, chính
sách phát triển công nghiệp, thể chế chính
trị trong phân tích ảnh hưởng của thể chế
kinh tế và vị trí địa lý đến phát triển kinh tế.
Thứ hai, về nhược điểm, do hạn chế về
số liệu, nghiên cứu này không xây dựng mô
hình kinh tế lượng và có những phân tích
định lượng nghiêm ngặt. Bài viết này sẽ chỉ
phân tích hệ số tương quan, trực quan từ
các đồ thị quan hệ giữa các biến số và dựa
Phạm Sỹ An, Trần Thị Mai Thành
13
vào những lý thuyết, bằng chứng thực
nghiệm từ các nghiên cứu để củng cố kết
luận của nghiên cứu.
2. Vị trí địa lý trong phát triển kinh tế
của Tây Nam Bộ
Vị trí địa lý trong phát triển kinh tế địa
phương của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ
được đo bằng khoảng cách từ các tỉnh,
thành Tây Nam Bộ đến Thành phố Hồ Chí
Minh (Tp. HCM) được thể hiện trong đồ thị
1(a). Khoảng cách này phản ánh chính xác
vị trí địa lý của các tỉnh, thành phố trong
tương quan với Tp. HCM. Chẳng hạn, Long
An sát Tp. HCM có khoảng cách ngắn nhất,
tiếp đến là Tiền Giang và Bến Tre. Hai địa
phương có khoảng cách xa nhất là Bạc Liêu
và Cà Mau.
Sẽ có ý kiến cho rằng, khoảng cách giữa
các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và Tp. HCM sẽ
không phản ánh chính xác chi phí vận
chuyển vì khoảng cách giữa địa phương A
đến Tp. HCM có thể xa hơn khoảng cách
giữa địa phương B đến Tp. HCM nhưng
chất lượng đường sẽ tốt hơn nên thời gian
có thể sẽ ngắn hơn. Để giải quyết vấn đề
này, chúng tôi lấy cả thời gian di chuyển từ
các địa phương Tây Nam Bộ đến Tp. HCM
để đo lường “khoảng cách”. Tuy nhiên, cả
khoảng cách tính bằng km và thời gian có
hệ số tương quan xấp xỉ bằng 1. Hay nói
cách khác, khoảng cách tính bằng km phản
ánh tương đối chính xác khoảng cách di
chuyển tính bằng thời gian. Chất lượng
đường nói chung không có sự chênh lệch
quá lớn. Mạng lưới đường quốc lộ của Tây
Nam Bộ nói chung thường rất nhỏ bé.
(a) Khoảng cách (km)
Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
14
(b) Khoảng cách và thời gian
Đồ thị 1. Khoảng cách từ các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đến Thành phố Hồ Chí Minh [9]
Tại sao các địa phương gần với Đông
Nam Bộ lại quan trọng? Vị trí địa lý đem
lại sự dồi dào về khoáng sản, đất đai màu
mỡ hay gần biển sẽ tạo ra lợi thế phát triển
cho địa phương, nhưng gần Đông Nam Bộ
cũng đem lại lợi thế rất lớn, là nhân tố
quan trọng để thu hút các nguồn lực cho
phát triển.
Thứ nhất, Đông Nam Bộ có những cảng
biển để từ đó có thể xuất khẩu sang các
nước khác. Vì thế, gần Đông Nam Bộ cũng
có nghĩa gần với những điểm đấu nối ra bên
ngoài, chi phí giao thông thấp hơn. Do đó,
doanh nghiệp cũng muốn đặt trụ sở, cơ
sở sản xuất tại các địa phương gần Đông
Nam Bộ.
Thứ hai, các khu công nghiệp của Đông
Nam Bộ (Tp. HCM, Bình Dương, Đồng
Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) sau một thời gian
dài thu hút các doanh nghiệp đã dần được
lấp đầy, chi phí thuê mặt bằng trở nên đắt
đỏ hơn; vì thế, các nhà đầu tư muốn tìm
một địa điểm gần với Đông Nam Bộ với chi
phí thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh
rẻ hơn nhưng cũng phải đảm bảo gần với
các điểm kết nối là các cảng biển, sân bay
của Đông Nam Bộ.
Trên thực tế, đã có làn sóng doanh
nghiệp từ Đông Nam Bộ tràn về các địa
phương của Tây Nam Bộ, vì sát với Tp.
HCM, Long An sẽ là địa phương được lựa
chọn đầu tiên, tiếp đến là Tiền Giang và
Bến Tre. Sau đó, các địa phương có khoảng
cách kế tiếp có khả năng được lựa chọn cao
hơn những địa phương có khoảng cách xa
hơn. Tuy nhiên, khoảng cách càng gần thì
ảnh hưởng của vị trí địa lý càng mạnh,
nhưng khoảng cách càng xa thì quyết định
doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều
yếu tố khác thay vì khoảng cách. Chẳng
hạn, một doanh nghiệp muốn gần cảng biển
của Đông Nam Bộ thì họ sẽ quyết định lựa
chọn Long An hay Tiền Giang thay vì Cà
Mau hay Bạc Liêu. Nhưng một doanh
Phạm Sỹ An, Trần Thị Mai Thành
15
nghiệp phải quyết định giữa Cà Mau hay
Bạc Liêu hay Kiên Giang thì họ sẽ không
đưa biến số “khoảng cách với Đông Nam
Bộ” vào trong quyết định mà quyết định sẽ
chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.
Vậy, có mối tương quan nào giữa thu
nhập (GDP/người) và khoảng cách từ Tp.
HCM đến các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Hệ
số tương quan giữa khoảng cách và tổng
sản phẩm/người là -0,33, có nghĩa là
khoảng cách càng xa thì thu nhập người dân
càng giảm. Vị trí địa lý gần với Đông Nam
Bộ đóng vai trò quan trọng trong phát triển
kinh tế tại địa phương vì những lợi ích mà
Đông Nam Bộ đem lại như những lập luận
trên [Đồ thị 2].
Đồ thị 2. GDP/người và khoảng cách [8]
Với 2 lợi ích gần Đông Nam Bộ đem lại
cho Tây Nam Bộ (gần cảng biển và làn
sóng doanh nghiệp chuyển về một số địa
phương gần Đông Nam Bộ), cơ cấu kinh tế
ở các địa phương gần Đông Nam Bộ hơn
cũng khác với các địa phương ở xa Đông
Nam Bộ. Đồ thị 3 cho thấy các địa phương
gần Đông Nam Bộ hơn thì tỷ trọng công
nghiệp cũng có xu hướng cao hơn, hay nói
cách khác các địa phương càng xa Đông
Nam Bộ thì tỷ trọng công nghiệp càng thấp
và các địa phương càng xa Đông Nam Bộ
thì tỷ trọng nông nghiệp càng lớn. Các địa
phương gần Đông Nam Bộ sẽ thu hút các
doanh nghiệp (trong lĩnh vực công nghiệp),
thúc đẩy phát triển công nghiệp nên một
mặt làm cho sản lượng trong ngành công
nghiệp tăng mạnh hơn (so với sản lượng
trong ngành nông nghiệp). Nhưng mặt
khác, phát triển công nghiệp sẽ lấy đất nông
nghiệp để làm khu công nghiệp, xây dựng
các cơ sở hạ tầng, đô thị nên bản thân cơ sở
cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm. Như
vậy, gần Đông Nam Bộ hơn sẽ làm cho cấu
Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
16
trúc kinh tế nghiêng về công nghiệp và
ngược lại xa Đông Nam Bộ sẽ làm cho cấu
trúc kinh tế nghiêng về nông nghiệp. Cũng
xin lưu ý: không phải địa phương nào gần
Đông Nam Bộ hơn cũng có tỷ trọng công
nghiệp cao hơn những địa phương xa Đông
Nam Bộ hơn bởi vì có nhiều yếu tố định
hình cơ cấu của nền kinh tế các địa phương.
Nhưng ở đây, yếu tố khoảng cách đóng vai
trò quan trọng trong chừng mực nhất định
trong việc định hình cấu trúc kinh tế. Vì
thế, khoảng cách càng gần Đông Nam Bộ
thì địa phương đó có xu hướng có tỷ trọng
công nghiệp cao hơn và địa phương nào
càng xa Đông Nam Bộ thì tỷ trọng nông
nghiệp của địa phương đó có xu hướng
thấp hơn.
Phát triển công nghiệp sẽ tạo nhiều công
ăn việc làm với mức thu nhập cao hơn so
với trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, có
thể mường tượng, những địa phương có tỷ
trọng công nghiệp lớn hơn sẽ có
GDP/người cao hơn. Ngược lại, những địa
phương có tỷ trọng nông nghiệp trong cơ
cấu kinh tế địa phương lớn hơn sẽ có
GDP/người thấp hơn. Đồ thị 4 thể hiện mối
tương quan giữa hai đại lượng này tương
đối rõ nét. Các tỉnh, thành có tỷ trọng công
nghiệp cao có mối quan hệ dương với
GDP/người và các tỉnh, thành có tỷ trọng
nông nghiệp cao có mối quan hệ âm (tỷ lệ
nghịch) với GDP/người.
Các phân tích trên cho thấy, các địa
phương gần Đông Nam Bộ sẽ có nhiều lợi
thế để thu hút doanh nghiệp và phát triển
công nghiệp, từ đó làm gia tăng sản lượng
và thu nhập người dân tại địa phương. Vị trí
địa lý gần Đông Nam Bộ với thế mạnh về
cơ sở hạ tầng là một lợi thế cho các địa
phương có khoảng cách gần gũi.
(a) Tỷ trọng nông nghiệp và khoảng cách
Phạm Sỹ An, Trần Thị Mai Thành
17
(b) Tỷ trọng công nghiệp và khoảng cách
Đồ thị 3. Tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp với khoảng cách [8], [9]
(a) Tỷ trọng công nghiệp và GDP/người
(b) Tỷ trọng nông nghiệp và GDP/người
Đồ thị 4. Tỷ trọng công nghiệp, nông nghiệp và GDP/người [8]
Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
18
3. Thể chế kinh tế trong phát triển kinh
tế Tây Nam Bộ
Nhân tố thứ hai là vai trò của năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh đối với sự thịnh vượng của
địa phương. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp
tỉnh (PCI) là một chỉ số tổng hợp, bao gồm
nhiều thành phần như gia nhập thị trường,
tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời
gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động,
dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao
động và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Chỉ số PCI được 2 tổ chức là Phòng Công
nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)
và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ
(USAID) phối hợp xây dựng. Chỉ số PCI
nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các
chính quyền địa phương, nhiều địa phương
đã thành lập các nhóm để cải thiện môi
trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh
cấp tỉnh theo kết quả của PCI. Chỉ số
này phản ánh chất lượng thể chế của
địa phương.
Theo nhiều nghiên cứu, những quốc gia
có thể chế tốt thường có mức thu nhập
người dân cao hơn so với những quốc gia
có thể chế tồi [3], [5], [6]. Ở đây, khi xem
xét cho cấp độ 13 tỉnh, thành phố của Tây
Nam Bộ, mối tương quan này cũng tương
đối rõ ràng. Địa phương nào có chỉ số PCI
cao hơn cũng thường có thu nhập người dân
cao hơn (Đồ thị 5). Như vậy, từ trực quan,
thể chế kinh tế tốt hơn cũng đồng thời làm
cho thu nhập người dân cao hơn.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa thể chế
kinh tế và thu nhập cho các địa phương có
một lợi thế so với nghiên cứu mối quan hệ
này cho các quốc gia vì khi nghiên cứu các
quốc gia có nhiều yếu tố đan xen dễ làm mờ
nhạt hoặc gia tăng vai trò của thể chế kinh
tế mà khi nghiên cứu cho các địa phương sẽ
loại bỏ được điều này.
Một lưu ý nữa khi nhìn vào đồ thị dưới
cho thấy mối tương quan ngược giữa PCI
và khoảng cách. Địa phương có khoảng
cách càng xa với Đông Nam Bộ thì chỉ số
PCI càng giảm. Có lẽ các địa phương càng
xa với Tp. HCM thì càng ít doanh nghiệp
và do đó động lực cải cách môi trường kinh
doanh sẽ càng giảm. Nếu như thế, cải thiện
môi trường kinh doanh và năng lực cạnh
tranh là do tác động của khoảng cách địa lý
nên không hẳn được chủ động giải quyết
bởi chính quyền địa phương.
(a) PCI và GDP/người
Phạm Sỹ An, Trần Thị Mai Thành
19
(b) PCI và khoảng cách
Đồ thị 5. Chỉ số năng lực cạnh tranh và GDP/người, khoảng cách [8], [9]
Tuy nhiên, khi bỏ 3 địa phương gần với
Đông Nam Bộ nhất là Long An, Tiền Giang
và Bến Tre khỏi mẫu thì hệ số tương quan
tăng lên -0,61 (từ -0,56). Như vậy, yếu tố
chủ quan, chủ động của lãnh đạo các địa
phương trong việc cải thiện môi trường
kinh doanh là rất quan trọng.
4. Kết luận
Từ các phân tích trên, chúng tôi rút ra một
số kết luận quan trọng. Thứ nhất, vị trí địa
lý - khoảng cách giữa các địa phương Tây
Nam Bộ với Đông Nam Bộ đóng vai trò
quan trọng đến mức sống người dân các
tỉnh Tây Nam Bộ. Các địa phương càng gần
với Đông Nam Bộ hơn thì càng phát triển
hơn. Điều này là do lợi thế của các địa
phương khi ở gần với Đông Nam Bộ. Thứ
hai, thể chế kinh tế đóng vai trò quan trọng
trong phát triển kinh tế không kém gì so với
vị trí địa lý. Tuy nhiên, các địa phương cần
động lực để thúc đẩy cải thiện cơ chế
khuyến khích nhằm thúc đẩy nền kinh tế
phát triển, nâng cao mức sống và thịnh
vượng của người dân.
Vị trí địa lý và thể chế kinh tế là các
nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế
các địa phương vùng Tây Nam Bộ. Các địa
phương gần Đông Nam Bộ nói chung sẽ
phát triển hơn do gần cảng, gần điểm kết
nối. Các địa phương có thể chế kinh tế tốt
hơn cũng tạo nên thịnh vượng nhiều hơn.
Từ các nhận định này, bài viết gợi mở một
số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần phát triển cơ sở hạ tầng tại
vùng Tây Nam Bộ để không phải phụ thuộc
vào cảng biển, cảng hàng không của Đông
Nam Bộ. Có thể xây dựng cảng biển nước
sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm
logistics tại Cần Thơ để hoạt động sản xuất
Tây Nam Bộ không phải phụ thuộc quá
mức vào hệ thống cảng biển, các điểm kết
nối tại Đông Nam Bộ.
Thứ hai, thông điệp lớn nhất cho các địa
phương cách xa Đông Nam Bộ là: nếu
không có may mắn thì phải nỗ lực cải thiện
thể chế. Hay nói cách khác, nếu các địa
Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
20
phương xa Đông Nam Bộ (không có may
mắn) thì cần nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế.
Thứ ba, tỷ trọng công nghiệp cao hơn
làm thu nhập/người lớn hơn vì làm hoạt
động công nghiệp tạo nhiều việc làm với
thu nhập cao hơn. Đây là lý do các địa
phương Tây Nam Bộ luôn muốn xây dựng
các khu công nghiệp để thu hút doanh
nghiệp vào cho dù tỷ lệ lấp đầy là rất thấp.
Để phát triển công nghiệp ở các địa phương
không gần Đông Nam Bộ, các địa phương
cần phát triển công nghiệp chế biến các sản
phẩm nông nghiệp. Hoặc, các địa phương
có những điều kiện tự nhiên thuận tiện cho
phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng
gió, mặt trời, dòng chảy, sinh khối)
thì Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy
phát triển.
Chú thích
3 Bài viết là sản phẩm của đề tài khoa học Các giải
pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững vùng Tây
Nam Bộ trong bối cảnh mới, mã số KHCN-TNB,
ĐT/14-19/X18, thuộc Chương trình Khoa học và
Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây
Nam Bộ.
Tài liệu tham khảo
[1] Acemoglu, D., Johnson, S. và Robinson, J.
(2004), Institutions as the Fundamental Cause
of Long-Run Growth, NBER Working Paper
No. 10481, National Bureau of Economic
Research.
[2] Acemoglu, D. và Robinson, J. (2012), Why
Nations Fail: Origins of Power, Poverty and
Prosperity, Crown Publishers (Random
House).
[3] Dollar, D và Kraay, A. (2003), “Institutions,
Trade, and Growth”, Journal of Monetary
Economica, Vol. 50, No.1.
[4] North, D. C. (1991), “Institutions”, Journal of
Economic Perspectives, Vol. 5, No. 1.
[5] Hall, R, E., và Jones, C. I. (1997), “Levels of
Economic Activity Across Countries”, The
American Economic Review, Vol. 87, No. 2.
[6] Hall, R, E., và Jones, C. I.. (1999), “Why Do
Some Conuntries Produce So Much More Output
Per Worker Than Othere?”, The Quarterly
Journal of Economics, Vol. 114, No. 1.
[7] Sachs, J. D. (2001), Tropical
Underdevelopment, Working Paper 8119,
National Bureau of Economic Research.
[8]
tabid=706&itttemID=13412
[9]
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- vi_tri_dia_ly_va_the_che_trong_phat_trien_kinh_te_vung_tay_n.pdf