Bài tập cá nhân Tố tụng dân sự đề 8
Anh A và chị B làm lễ cưới năm 1986 trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi cưới, chị B về chung sống với gia đình bố mẹ anh A tại phường P, quận H, nhưng chưa chuyển hộ khẩu về. Thời gian đầu hai người chung sống hạnh phúc, đến năm 2000 bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do anh A nghi ngờ chị B có quan hệ ngoại tình. Từ năm 2002 đến nay, chị B bỏ về sống với gia đình mẹ tại thôn Y, huyện Đ, Hà Nội và đăng ký tạm trú tại đây. Vợ chồng chưa có con chung. Tháng 5/2005, anh A đã làm đơn gửi đến Tòa án quận H với nội dung yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật giữa anh và chị B, vì anh chị không đăng ký kết hôn và hiện chị B đang sống với người đàn ông khác.
4 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2126 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập cá nhân Tố tụng dân sự đề 8, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI 08
Anh A và chị B làm lễ cưới năm 1986 trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi cưới, chị B về chung sống với gia đình bố mẹ anh A tại phường P, quận H, nhưng chưa chuyển hộ khẩu về. Thời gian đầu hai người chung sống hạnh phúc, đến năm 2000 bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do anh A nghi ngờ chị B có quan hệ ngoại tình. Từ năm 2002 đến nay, chị B bỏ về sống với gia đình mẹ tại thôn Y, huyện Đ, Hà Nội và đăng ký tạm trú tại đây. Vợ chồng chưa có con chung. Tháng 5/2005, anh A đã làm đơn gửi đến Tòa án quận H với nội dung yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật giữa anh và chị B, vì anh chị không đăng ký kết hôn và hiện chị B đang sống với người đàn ông khác.
a. Theo anh (chị) thì quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ việc nói trên là quan hệ hôn nhân thực tế hay quan hệ hôn nhân trái pháp luật? Tại sao?
b. Tòa án nhân dân (TAND) quận H có thẩm quyền giải quyết vụ án này hay không? Tại sao?
BÀI LÀM
a. Quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ việc trên là quan hệ hôn nhân thực tế, được pháp luật thừa nhận.
Theo Khoản 3 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2000:
“Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định”
Trong trường hợp trên, anh A và chị B làm lễ cưới hoàn toàn tự nguyện nhưng không đăng ký kết hôn. Như vậy, đây không phải là trường hợp kết hôn trái pháp luật.
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 77/2001/NĐ – CP:
“Những trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, mà chưa đăng ký kết hôn, thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận tiện cho đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này không bị hạn chế về thời gian.”
Theo các quy định trên, pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987. Trong trường hợp này, anh A và chị B làm lễ cưới hoàn toàn tự nguyện nhưng không đăng ký kết hôn từ năm 1986. Như vậy, pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B.
Qua phân tích, ta có thể thấy quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ việc nói trên là quan hệ hôn nhân thực tế bởi bên cạnh việc làm đám cưới năm 1986, anh chị chưa có con chung nhưng họ chung sống với nhau tại nhà bố mẹ anh A cho tới năm 2000 khi mối quan hệ rạn nứt và năm 2002, chị B đã bỏ về sống với bố mẹ chị tại thôn Y. Mặc dù không có con chung nhưng họ đã sống hạnh phúc với nhau 15 năm và pháp luật nước ta thừa nhận đó là quan hệ hôn nhân thực tế.
Theo Điểm a Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10:
“ Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”
Như vậy, việc anh A gửi đơn đến Tòa án với nội dung yêu cầu hủy hôn nhân
trái pháp luật giữa anh và chị B là không đúng. Tòa án cần hướng dẫn anh làm đơn
xin li hôn thì mới đúng theo pháp luật hiện hành.
b. TAND quận H có thẩm quyền giải quyết
Thứ nhất, như đã phân tích ở câu a, TAND quận H cần hướng dẫn anh làm đơn xin li hôn chứ không phải làm đơn yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật.
Thứ hai, chị B về nhà bố mẹ sống với gia đình mẹ chị tại thôn Y, huyện Đ, Hà Nội và đăng ký tạm trú tại đây từ năm 2002. Như vậy, có thể coi chị B hiện đang cư trú tại huyện Đ, Hà Nội. Bởi vậy, về vấn đề thẩm quyền của TAND quận H, căn cứ vào Điểm a, b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS ( phụ lục ) ta xác định được thẩm quyền như sau:
- Nếu quận H nằm trong tỉnh khác, không thuộc thành phố Hà Nội và anh A không đưa ra văn bản thỏa thuận giữa anh A và chị B về việc chọn TAND tỉnh mà anh cư trú thì vụ án do TAND thành phố Hà Nội giải quyết. Trong trường hợp anh A đưa ra được văn bản thỏa thuận thì vụ án do TAND tỉnh mà anh cư trú giải quyết.
- Nếu quận H nằm trong thành phố Hà Nội, nếu anh A không đưa ra được văn bản thỏa thuận của anh A và chị B về việc chọn TAND quận H là nơi giải quyết vụ án thì vụ án do TAND huyện Đ giải quyết. Trong trường hợp có văn bản thỏa thuận thì vụ án do TAND quận H giải quyết.
Vậy, TAND quận H có thẩm quyền giải quyết vụ án này nếu quận H nằm trong địa phận Hà Nội và anh A đưa ra được văn bản thỏa thuận giữa anh và chị B về việc chọn TAND quận H là nơi giải quyết vụ án.
Ý kiến cá nhân
Tình huống trên là một tình huống điển hình cho việc xác lập quan hệ vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trước ngày 03 tháng 01 năm 1987. Khi các vấn đề này xảy ra, việc giải quyết rất phức tạp từ nội dung cho đến việc xác định thẩm quyền của cơ quan giải quyết mặc dù đã có văn bản pháp luật khuyến khích và hướng dẫn đăng ký kết hôn cho các trường hợp này. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân nên cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm rà soát và hướng dẫn thực hiện việc đăng ký kết hôn đối với các trường hợp mà pháp luật thừa nhận là hôn nhân thực tế này nhằm tránh sự phức tạp khi có vấn đề liên quan xảy ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam - Trường Đại học Luật Hà Nội - NXB Tư pháp – 2005;
2. Bộ luật tố tụng dân sự 2005;
3. Luật hôn nhân và gia đình 2000;
4. Nghị quyết 35/2000/QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
5. Nghị định 77/2001 quy định về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000;
PHỤ LỤC
Điểm a,b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật TTDS quy định:
“Điều 35. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ca nhan ttds 1de 08.doc