Bài tập học kỳ môn Luật Hình sự Module 2 đề số 4
Đề bài số 4:
A, B, K uống rượu say, đi loạng choạng và ngã ở dọc đường, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn nằm bên đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sang cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an.
Hỏi: Hành vi của H, Q cấu thành tội gì? Tại sao?
8 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3186 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kỳ môn Luật Hình sự Module 2 đề số 4, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài số 4:
A, B, K uống rượu say, đi loạng choạng và ngã ở dọc đường, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn nằm bên đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sang cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an.
Hỏi: Hành vi của H, Q cấu thành tội gì? Tại sao?
BÀI LÀM
Ta thấy hành vi của H và Q cấu thành tội trộm cắp tài sản vì nó đã thỏa mãn các dấu hiệu được quy định trong cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản, cụ thể là:
* Chủ thể của tội phạm:
Trong tình huống của đề bài không đề cập đến có dấu hiệu hạn chế về năng lực hành vi, mắc bệnh tâm thần… và độ tuổi nên ta mặc nhiên coi H và Q là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
* Khách thể của tội phạm:
Hành vi của H và Q đã thực hiện xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản được luật hình sự bảo vệ. Cụ thể trong tình huống này là xâm phạm đến quyền sở hữu của chị B đối với tài sản trị giá 10 triệu đồng.
Đối tượng tác động là nữ trang bằng vàng trị giá 10 triệu đồng đang thuộc quyền sở hữu của chị B. Đây là một tài sản có giá trị khá lớn, thoả mãn dấu hiệu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt của tội này (nằm trong khoảng từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng ).
* Mặt khách quan của tội phạm:
Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ.
Tội trộm cắp tài sản có đặc điểm nổi bật là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi mất họ mới biết bị mất tài sản.
Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản có hai dấu hiệu phân biệt với hành vi chiếm đoạt khác. Đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu chiếm đoạt tài sản đang có chủ.
Thứ nhất, hành vi của tội trộm cắp tài sản có tính đặc thù, đó là hành vi “lén lút” - cố ý thực hiện một việc làm không minh bạch, vụng trộm, giấu diếm không để
lộ cho người khác biết, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của họ một cách trái pháp luật. Những hành vi lén lút trên thực tế có thể được thực hiện một cách giấu diếm, vụng trộm (trường hợp che giấu toàn bộ sự việc phạm tội); nhưng cũng có thể được thực hiện một cách công khai, trắng trợn như không có ý che đậy hay giấu diếm hành vi của người phạm tội (trường hợp chỉ che giấu hành vi phạm tội đối v ới người chủ, người quản lý tài sản). Sự công khai ở đây có hai hình thức: Công khai sự vi phạm pháp luật của hành vi và công khai thực hiện hành vi trên thực tế, nhưng xét về bản chất thì nó che giấu tính chất phi pháp của hành vi hay nói cách khác đó là hành vi chiếm đoạt đã được che đậy.
+ Công khai sự vi phạm pháp luật của hành vi: là trường hợp người phạm tội chỉ thực hiện việc “lén lút” với chủ tài sản, còn những người xung quanh, người phạm tội không cần giấu diếm hay che đậy hành vi vi phạm pháp luật của mình.
+ Công khai thực hiện hành vi, nhưng bản chất chiếm đoạt của hành vi đã được che đậy: là trường hợp người phạm tội công khai thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhưng bản chất tội phạm của hành vi đã được che đậy, nguỵ trang bằng những thủ đoạn khác nhau.
Như vậy, hành vi “lén lút” không nhất thiết là việc làm mà không ai biết, nó có thể được thực hiện một cách giấu diếm, vụng trộm, nhưng cũng có thể được thực hiện một cách công khai, giữa nơi đông người. Tuy nhiên, việc giấu diếm hay công khai thì chúng đều có một đặc điểm chung, đó là sự “lén lút” với chủ tài sản. Bởi nếu không “lén lút” với chủ tài sản thì hành vi của họ sẽ không còn là phạm tội “Trộm cắp tài sản” nữa.
Trong tình huống trên ta thấy hành vi “lén lút” của H và Q được thể hiện ở tình tiết:
H và Q công khai thực hiện hành vi chiếm đoạt, lấy tài ngay trên người và trước mặt chị B. Nhưng xét về bản chất thì hành vi của H và Q được coi là lén lút bởi
vì khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản H và Q lợi đã lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ tài sản là chị B (bởi vì chị đang trong trạng thái say rượu nằm mê mệt bên lề đường, không biết mọi việc xảy ra cũng như không biết là có người đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chị) để chiếm đoạt tài sản của chị. Dấu hiệu chứng minh là gần sáng chị B mới tỉnh giấc và mới biết mình vừa bị mất tài sản và chị đi báo công an. Hành vi của H và Q tuy là thực hiện công khai (ngay trước mặt, trên người của chị B), nhưng xét về bản chất là “lén lút” đối với chủ tài sản là chị B bởi vì chị không biết (đang trong trạng thái bất tỉnh nhân sự do say quá).
Thứ hai, dấu hiệu tài sản chiếm đoạt là tàn sản đang có chủ:
Tài sản được coi là có chủ là: Tài sản đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm; tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.
Trong trường hợp này, tài sản mà H và Q chiếm đoạt là số nữ trang bằng vàng đang nằm trên người của chị B. Khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, H và Q cũng hoàn toàn biết rõ rằng số nữ trang và tài sản khác trên người chị B mà mình chiếm đoạt được là tài sản đang có chủ - và chủ tài sản đó là chị B, chị có quyền sở hữu đối với toàn bộ số nữ trang đó. Điều này thỏa mãn dấu hiệu “tài sản đang có chủ” của cấu thành tội phạm tội trộm cắp tài sản.
Thứ ba, dấu hiệu chiếm đoạt trong CTTP tội trộm cắp tài sản được hiểu là chiếm đoạt được, tội này chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
- Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.
- Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.
- Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu.
Tản sản mà H và Q đã chiếm đoạt thuộc loại vật nhỏ gọn và “chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an”, có nghĩa là H và Q đã chiếm đoạt được tài sản.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của H và Q trong trường hợp này là cố ý trực tiếp bởi chúng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật và thấy được hậu quả do hành vi của mình gây ra. Nhưng M vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Không những vậy H và Q còn có mục đích là mong muốn chiếm đoạt được toàn bộ số trang sức.
Mục đích chiếm đoạt tài sản nảy sinh trước khi thực hiện hành vi lấy đi toàn bộ tài sản. Dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội trộm cắp tài sản.
H và Q cùng thực hiện hành vi lấy tài sản của chị B, cùng nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây ra. Vì thế, H và Q là đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản.
Có ý kiến cho rằng hành vi của H và Q cấu thành tội cướp tài sản.
Nhưng theo quan điểm của cá nhân em thì H và Q không thể phạm tội cướp tài sản. Vì:
Cướp tài sản là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản. Về khách thể của tội phạm này, hành vi cướp xâm hại đồng thời hai quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản. Đây là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản.
Xét trong tình huống của đề bài, H và Q không dùng bất cứ hành vi dùng vũ lực, doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hay không dùng bất cứ hành vi nào khác khiến cho chị B lâm vào tình trạng không thể chống tự vệ được để lấy tài sản. Mà ở đây, H và Q chỉ lợi dụng tình trạng say của chị B để lén lút chiếm đoạt tài sản. Hơn nữa, hành vi của bọn chúng thực hiện chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu chứ không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. Bởi chúng không có hành vi nào tác động vào cơ thể của chị B, không làm cho chị B bị thương tích hay tổn hại gì về sức khoẻ. Chúng chỉ nhằm mục đích là lấy được tài sản của chị B (chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu ).
Theo như trên thì hành vi của H và Q đã thực hiện không thể cấu thành tội cướp tài sản.
Có một quan điểm khác lại nói hành vi của H và Q cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì cho rằng: H và Q đã lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài để lấy đi tài sản một cách công khai. Tức là H và Q đã lợi dụng tình trạng say rượu của chị B để chiếm đoạt tài sản của chị, một cách công nhiên, không cần phải che giấu hành vi của mình với mọi người.
Tuy nhiên ta có thể khẳng định và chứng minh rằng H và Q không “công nhiên chiếm đoạt tài sản” của chị B:
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Tức là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình tiết vụ án ta thấy, H và Q có lấy tài sản ngay khi có chủ sở hữu tài sản ở đó. Thậm chí chúng còn lấy tài sản đang ở trên người chị B. Nhưng lúc này chị B đang say mê mệt nên không hề hay biết gì về hành vi chiếm đoạt mà chúng đang thực hiện. Ngay sau khi mất tài sản, chị B cũng không hề hay biết, mà chỉ đến lúc gần sáng thì chị mới biết (rất lâu sau khi mất chị mới biết bị mất tài sản). Hành vi chiếm đoạt tài sản cũng không có tính chất công khai, ngang nhiên lấy tài sản trước mắt chị B. Mặc dù H và Q không dùng bất cứ vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực nào nhằm uy hiếp tinh thần của chị B. Mà chúng chỉ lợi dụng tình trạng say của chị B để lấy tài sản. Hay nói cách khác là H và Q có ý thức che giấu, giấu diếm hành vi lấy tài sản cảu mình đối với chị B. Dấu hiệu này hoàn toàn trái ngược hẳn với dấu hiệu cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được nêu ở trên. Vì ở tội này, người chủ tài sản biết được ngay có người lấy tài sản của mình. Do đó hành vi của H và Q là hành vi mang tính chất lén lút chứ không thỏa mãn dấu hiệu công khai trước chủ tài sản, vì vậy hành vi của H, Q không cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Từ những phân tích và lập luận trên, ta có thể khẳng định hành vi của H và Q cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điều 138 BLHS năm 1999.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 1, 2 - Đại học Luật Hà Nội. NXB Công an nhân dân, năm 2007.
BLHS của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – NXB Chính trị quốc gia năm 2000.
Bình luận khoa học BLHS - phần các tội phạm - tập 1, 2 - Bình luận chuyên sâu. Đinh Văn Quế thạc sĩ luật học - TAND tối cao. NXB thành phố Hồ Chí Minh, Năm 2000.
Bình luận khoa học BLHS Năm 1999 ( Phần chung và phần các tội phạm ). NXB Công an nhân dân.
BLHS năm 1999 và toàn bộ các văn bản hướng dẫn thi hành đến năm 2005. NXB tư pháp, năm 2005.
Từ điển pháp luật hình sự - PGS.Ts Nguyễn Ngọc Hoà và PGS. Ts Lê Thị Sơn. NXB tư pháp, Năm 2006.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 2727873 bamp224i s7889 4 HS.docx