Kết luận
Nhân đạo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối
với sự phát triển của xã hội loài người. Chính vì
vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm chỉ
đạo, thực hiện nhân đạo phù hợp với điều kiện
kinh tế - xã hội của đất nước và coi đó là một
trong những nguyên tắc quan trọng trong chính
sách kinh tế - xã hội của công cuộc đổi mới, xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy,
chế định hình phạt tử hình là một trong những
chế định quan trọng của pháp luật hình sự, đặc
biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà hình phạt
tử hình trở thành một trong những tiêu chí quan
trọng để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia.
Do vậy, chủ trương hoàn thiện pháp luật về hình
phạt tử hình và hạn chế phạm vi của hình phạt tử
hình là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của
Đảng ta, phù hợp với xu thế của thế giới và tình
hình của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xem xét xóa
bỏ hình phạt tử hình đối với các loại tội phạm nào
cần có sự cân nhắc thận trọng và cần dựa vào tính
nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm đó để loại
bỏ một cách phù hợp và hiệu quả nhất
6 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 291 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hình phạt tử hình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Email: hoangquyenlaw109@gmail.com
Bàn về những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi,
bổ sung năm 2017 về hình phạt tử hình
Discussing new points of the Penal Code 2015 amended and supplemented
in 2017 about the death penalty
Dương Đức Chính, Hoàng Thị Quyên*, Phạm Thị Thanh Tâm
Duong Duc Chinh, Hoang Thi Quyen, Pham Thi Thanh Tam
Khoa Luật, Đại học Duy Tân, 03 Quang Trung, Đà Nẵng, Việt Nam
School of Law, Duy Tan University, 03 Quang Trung, Da Nang, Vietnam
(Ngày nhận bài: 30/12/2019, ngày phản biện xong: 10/01/2020, ngày chấp nhận đăng:.............)
Tóm tắt
Bài viết tập trung nghiên cứu vấn đề lý luận về những điểm mới của hình phạt tử hình theo quy định tại Bộ luật Hình sự
2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nguyên tắc nhân đạo trở thành một nguyên tắc quan trọng trong toàn bộ chủ trương,
đường lối của Đảng và trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc thay đổi và hoàn thiện pháp luật về hình
phạt tử hình để phù hợp với tính nhân đạo và phù hợp với mục đích răn đe, giáo dục của hình phạt này là vấn đề hết sức
cần thiết.
Từ khóa: Hình phạt tử hình, quyền con người, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Abstract
The paper focuses on studying theoretical issues about new points of the death penalty according to the Penal Code
2015 amended and supplemented in 2017. The humanitarian principle has become an important principle in the whole
Communist Party’s guidelines and the entire Vietnamese legal system. Therefore, it is essential to change and improve
the law on the death penalty to suit the humanitarian and deterrent purposes.
Keywords: Death penalty, human rights, 2015 Penal Code amended and supplemented in 2017.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN
DTU Journal of Science and Technology 07(38) (2020) .........
1. Đặt vấn đề
Nguyên tắc nhân đạo trở thành một nguyên tắc
quan trọng trong toàn bộ chủ trương, đường lối
của Đảng và trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt
Nam, đặc biệt là hiện nay khi chúng ta đang xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Điều đó
đòi hỏi phải kịp thời hoàn thiện các quy định của
pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng
nhằm đảm bảo tính khoan hồng và nhân đạo xã
hội chủ nghĩa. Trước yêu cầu nói trên, pháp luật
về hình phạt tử hình đã không ngừng thay đổi và
hoàn thiện để phù hợp với tính nhân đạo và phù
hợp với mục đích răn đe, giáo dục của hình phạt
này. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước
ta về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền
con người, đảm bảo tính khoan hồng và nhân đạo
theo tinh thần Hiến pháp [1] và Nghị quyết số 49-
NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách
tư pháp và để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng,
79
chống một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng,
nguy hiểm, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung
2017 đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh và
quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối
với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi
xét xử”; “Không thi hành án tử hình đối với người
đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội
tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án
đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham
ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức
năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm
hoặc lập công lớn.” (Điều 40).
2. Khái niệm và đặc điểm của hình phạt tử
hình
Khái niệm hình phạt được quy định tại Điều
30 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế
nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định
trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng
đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm
tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của
người, pháp nhân thương mại đó”.
Hình phạt tử hình là một loại hình phạt truyền
thống, có từ lâu đời. Thuật ngữ hình phạt tử
hình có tên tiếng Anh là “death penalty” hay là
“capital punishment”. Capital có nguồn gốc từ
tiếng Latin là capitalis, trong đó có gốc của từ
kaput, có nghĩa là đầu. “Capital punishment” có
nghĩa là hình phạt mà khi áp dụng, người bị áp
dụng sẽ bị mất đầu, tức là tước bỏ quyền sống của
một người. Trong tiếng Pháp hình phạt này có tên
“peine de mort” hay còn gọi là “peine capitale”;
trong tiếng Đức nó có tên gọi là“todesstrafe”.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự:“Tử hình
là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người
phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong
nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm
phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma
túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.
Từ định nghĩa này cho thấy, hình phạt tử hình có
những đặc điểm sau:
Thứ nhất, hình phạt tử hình là hình phạt
nghiêm khắc nhất - tước đoạt mạng sống của
người phạm tội, không một hình phạt nào trong
hệ thống hình phạt có khả năng này. Hình phạt tử
hình tước bỏ quyền được sống - quyền năng tự
nhiên, thiêng liêng, cao quý nhất của con người.
Áp dụng tử hình đối với người phạm tội là loại bỏ
hoàn toàn sự tồn tại của họ trong đời sống xã hội
vì lợi ích chung của cộng đồng.
Thứ hai, tử hình chỉ áp dụng đối với người
phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định
trong Bộ luật Hình sự. Chỉ khi hành vi phạm tội
gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội, người phạm
tội ở vào các trường hợp được Bộ luật Hình sự
dự liệu trước, cùng với bản án có hiệu lực của
Tòa án, việc áp dụng tử hình mới có giá trị pháp
lý thực tế.
Thứ ba, hình phạt tử hình không đặt ra mục
đích cải tạo, giáo dục người bị kết án. Tuy nhiên,
tử hình vẫn đạt được mục đích phòng ngừa riêng
của nó khi loại bỏ khả năng phạm tội mới của
người bị kết án. Và mục đích phòng ngừa chung
khi có tác dụng răn đe mạnh mẽ, ngăn ngừa những
cá nhân không vững vàng trong xã hội đi vào con
đường phạm tội. Xuất phát từ điểm này chúng ta
có thể thấy hình phạt tử hình luôn có tính chất
không thể thay đổi. Bởi nếu ở những hình phạt
khác, khi phát hiện có oan sai, chúng ta vẫn có
thể khắc phục được hậu quả. Nhưng người bị
kết án tử hình thì sau đó dù có chứng minh được
người đó hoàn toàn vô tội, cũng không làm cách
nào để họ có thể sống lại để tiếp tục cuộc sống
mà họ đáng được có.
Thứ tư, quy định về hình phạt tử hình trong
Bộ luật Hình sự vẫn phù hợp với nguyên tắc nhân
đạo vì hình phạt này tuy tước đi quyền sống của
người phạm tội nhưng để bảo vệ lợi ích của cả
cộng đồng, loại trừ nguy cơ đe dọa cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng hình phạt tử hình chỉ
được áp dụng với một số loại tội danh, và loại trừ
đối tượng bị tử hình là người chưa thành niên,
phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới
80
36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm
tội hoặc khi bị xét xử.
3. Những quy định mới về hình phạt tử hình
trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung
2017
Thứ nhất, bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội
danh
Trên tinh thần quán triệt tư tưởng cải cách tư
pháp, bám sát các tiêu chí cũng như điều kiện áp
dụng hình phạt tử hình nêu trên, bảo đảm sự kết
hợp hài hòa, cân đối giữa yêu cầu bảo đảm quyền
con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền
sống theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và yêu
cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời
thể hiện sự thận trọng cần thiết trong việc bỏ
hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể, Bộ
luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bỏ hình
phạt tử hình đối với 07 tội danh: (1) Tội cướp
tài sản; (2) Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là
lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; (3)
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; (4) Tội chiếm
đoạt chất ma túy; (5) Tội phá hủy công trình, cơ
sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia;
(6) Tội chống mệnh lệnh; (7) Tội đầu hàng địch.
- Tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự
năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017): Cướp
tài sản là một trong các tội phạm nghiêm trọng
nhất trong số các tội xâm phạm sở hữu. Bản chất
của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người
khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác
tấn công nạn nhân làm cho họ không thể chống
cự được. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, đây là
tội xâm phạm quyền sở hữu của người khác, đối
tượng chính bị xâm hại ở đây là tài sản. Mục đích
của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của
người khác chứ không phải là xâm phạm tính
mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm
chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm
trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp.
Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội
cướp tài sản đều gây chết người, do vậy, việc áp
dụng hình phạt tù chung thân đối với tội phạm
này là đủ nghiêm khắc. Nếu chứng minh được
người phạm tội có ý định tước đoạt sinh mạng
của nạn nhân thì có thể xử lý về tội giết người mà
hình phạt cao nhất là tử hình.
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực,
thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193 Bộ luật
Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm,
thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, được hiểu
là hành vi làm (tạo) ra sản phẩm, hàng hoá của
các đối tượng nêu trên một cách trái phép giống
như những sản phẩm hàng hoá được Nhà nước
cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị
trường (tức hàng thật) gây nhầm lẫn hoặc để lừa
dối khách hàng.
Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm,
thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, được hiểu
là hành vi mua hàng của các đối tượng nêu trên
mà mình biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng
các thủ đoạn gian dối để bán cho khách hàng với
giá của hàng thật. Đối với loại tội phạm này, mức
phạt chung thân là phù hợp cho hành vi vi phạm.
- Tội phá hủy công trình, phương tiện quan
trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 Bộ luật Hình
sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Theo Bộ luật Hình sự năm 1985 thì đây là một
trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đến Bộ
luật Hình sự năm 1999, tội phạm này được chuyển
về Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng,
trật tự công cộng. Như vậy, đã có sự chuyển đổi
về khách thể xâm hại từ an ninh quốc gia sang
trật tự, an toàn xã hội và do vậy, tầm quan trọng
và yêu cầu bảo vệ khách thể đối với tội này cũng
đã có sự thay đổi không còn ở mức cao như trước
đây. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với tội
phạm này là đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, thực tiễn
cũng cho thấy, trong khoảng gần 10 năm trở lại
đây, các Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình
đối với những người phạm tội này.
- Tội chống mệnh lệnh (Điều 394 Bộ luật Hình
sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tội đầu
hàng địch (Điều 399 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi,
81
bổ sung năm 2017): Đây là các tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà hành vi phạm tội
này gây ra sau đó có thể không nằm trong ý muốn
chủ quan của người phạm tội, thậm chí có trường
hợp khi thực hiện các hành vi này, bản thân người
phạm tội chưa hình dung được hết những hậu quả
mà hành vi phạm tội của mình có thể gây ra. Trong
trường hợp chứng minh được rằng, các hậu quả
đặc biệt nghiêm trọng đó nằm trong ý muốn chủ
quan của người phạm tội thì có thể hành vi phạm
tội của họ đã vượt ra ngoài phạm vi tội chống
mệnh lệnh hoặc đầu hàng địch. Khi đó sẽ kết hợp
xử lý về các tội phạm khác có liên quan. Hơn nữa,
tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch chủ yếu
xảy ra trong thời chiến và khi đó hậu quả của nó sẽ
cực kỳ nghiêm trọng, còn trong điều kiện thời bình
như hiện nay thì hậu quả của hành vi phạm tội này
cũng có mức độ không giống như thời chiến. Do
vậy, hình phạt tù chung thân đối với các tội phạm
này là đủ nghiêm khắc mà không cần thiết phải
tước đi sinh mạng của người phạm tội. Hơn nữa,
theo Báo cáo số 3870/BQP-VPC ngày 07 tháng 12
năm 2012 của Bộ Quốc phòng về Tổng kết 11 năm
thi hành Bộ luật Hình sự thì trong những năm qua
các Tòa án quân sự chỉ áp dụng hình phạt tử hình
đối với hai tội là: Tội gián điệp và tội giết người.
Còn đối với các tội phạm khác mặc dù có quy định
hình phạt tử hình nhưng các Tòa án quân sự không
áp dụng.
Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế - xã hội thay
đổi, việc áp dụng hình phạt tử hình với các tội
danh về ma túy bao gồm Tội tàng trữ trái phép
chất ma túy và Tội chiếm đoạt chất ma túy là
không phù hợp. Nên việc bỏ hình phạt tử hình đối
với hai tội danh này là điều hết sức cần thiết. Như
vậy, theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung
năm 2017 thì sẽ còn 18 tội danh áp dụng hình
phạt tử hình. Việc quy định thu hẹp phạm vi áp
dụng hình phạt tử hình là cần thiết, thể hiện tính
nhân văn của pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa,
phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng,
chống tội phạm và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số quy định
của Bộ luật hình sự 1999 về hình phạt tử hình
Điều 40 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi,
bổ sung năm 2017 có quy định: “Không áp dụng
hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở
lên khi phạm tội hoặc khi xét xử” và “Không
thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở
lên”. Đây được coi là một trong những điểm mới
của Bộ luật Hình sự nhận được nhiều ý kiến trái
chiều. Sỡ dĩ điều luật này nhận được nhiều phản
hồi như vậy là bởi các nguyên nhân:
Một là, pháp luật là để bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo
vệ bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân
dân. Tuy nhiên ở nước ta, thời gian qua mặc dù
Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển
khai quyết liệt các chủ trương, biện pháp trong
đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự,
an toàn xã hội, nhưng tình hình tội phạm và vi
phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp. Nếu quy
định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với
người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét
xử” và “Không thi hành án tử hình đối với người
đủ 75 tuổi trở lên” dẫn đến hệ quả tội phạm sẽ lợi
dụng người đủ 75 tuổi trở lên tham gia các hoạt
động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với
số lượng lớn; tiến hành các hoạt động khủng bố,
xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm các tội
đặc biệt nghiêm trọng khác mà không sợ bị áp
dụng hình phạt tử hình. Quy định này là một kẽ
hở lớn trong pháp luật hình sự để các thế lực thù
địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng
chống phá Đảng, Nhà nước.
Hai là, người sống 75 tuổi trước đây là hiếm,
song ngày nay rất phổ biến. Người 75 tuổi nhìn
chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí tuệ, sự
chênh lệch so với tuổi thấp hơn nhưng không nhiều.
Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, lứa tuổi này
còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm
trọng, ở nước ta cũng thế. Họ còn có thể là những
người cầm đầu các tổ chức tội phạm, xâm phạm
an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền, giết người,
82
hiếp dâm..., như: “Vụ án Lê Đức Mỹ, 82 tuổi, trú
tại thành phố Tây Ninh, phạm tội hiếp dâm trẻ em
mà nạn nhân là bé gái 7 tuổi, 5 tháng” [5] hay “Vụ
án Nguyễn Văn Tài, 85 tuổi, trú tại thành phố Nam
Định phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với
43 nhát dao chính là vợ của bị cáo” [4]. Như vậy
vấn đề đặt ra ở đây là người trên 75 tuổi vẫn đủ sức
khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội,
tại sao lại được miễn trừ án tử hình và nếu nhân
đạo quá với tội phạm thì sẽ vô nhân đạo với xã hội
nên cần phải cân nhắc kỹ.
Ba là, đã là pháp luật thì mọi công dân phải bình
đẳng, không nên có sự ưu tiên. Một câu hỏi đặt ra,
tại sao lại được miễn trừ án tử hình với người đủ 75
tuổi và như vậy có đảm bảo nguyên tắc mọi người
đều bình đẳng trước pháp luật theo Hiến pháp hay
không. Bên cạnh đó “Cần phải đặt vấn đề ngược
lại, người già nói chung hay 75 tuổi trở lên là người
có vốn sống lớn, hiểu biết xã hội sâu sắc, có kinh
nghiệm ứng xử, theo lẽ thường họ càng không được
phạm tội. Đằng này nếu xảy ra trường hợp người
đủ 75 tuổi trở lên phạm vào tội ác có khung hình
phạt tử hình như tội giết người, hiếp dâm trẻ em,
buôn bán ma túy... lại được miễn hình phạt tử hình
là không phù hợp với đạo lý” [4].
Bốn là, đối với quy định không áp dụng,
không thi hành án tử hình đối với người bị kết án
từ 75 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để
trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm
tính nghiêm minh của pháp luật.
Ngoài ra nhằm hạn chế hình phạt tử hình, đồng
thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng
khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước,
Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người
bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận
hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại
ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác
tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát
hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”
thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người
bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù
chung thân.
Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong
hệ thống hình phạt của Nhà nước, tước đi quyền
quan trọng và thiêng liêng của con người, đó là
quyền sống. Vì vậy việc áp dụng hình phạt này
cần phải căn cứ vào đặc điểm và điều kiện cụ thể
của đất nước. Ở nước ta, tử hình vẫn được coi
là hình phạt cần thiết và phải có, nhằm trừng trị
những người phạm tội để giữ nguyên kỉ cương
phép nước, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn
xã hội.
4. Đề xuất kiến nghị
Để góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực
tế, đồng thời đảm bảo tính nhân đạo sâu sắc, thể
hiện là một đặc ân của Nhà nước, tác giả xin đưa
ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, khi loại bỏ hình phạt tử hình với
một loại tội nào đó, cần quy định là hình phạt tù
chung thân không được giảm án. Hiện có nhiều
quốc gia áp dụng hình phạt chung thân không
giảm án để thay thế án tử hình, như thế cũng
đủ sức trừng trị và răn đe tội phạm. Loại án này
đã trở nên rất phổ biến ở nhiều quốc gia và khu
vực trên thế giới như Bulgaria, Anh, xứ Wales,
Estonia, Hà Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh,
Ukraine, Mỹ. Xét từ góc độ quyền sống của con
người, việc áp dụng tù chung thân không giảm
án là giải pháp tạo cho người đã bị kết án tử hình
một cơ hội để tiếp tục được sống, được lao động,
gặp gỡ người thân, đồng thời cũng tạo cơ hội
khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình
điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị kết án tử
hình. Đồng thời đảm bảo được tính nghiêm minh
của pháp luật.
Thứ hai, khi xóa bỏ một loại hình phạt nói
chung và hình phạt tử hình nói riêng đối với một
loại tội phạm nào đó thì cũng phải đảm bảo tính
đồng bộ và thống nhất, chứ không được làm có
tính chất cục bộ. Đảm bảo sự thống nhất và đồng
bộ này không chỉ liên quan đến hình phạt chính
mà bao hàm cả hình phạt bổ sung.
Thứ ba, đối với đối tượng người bị kết án là
người đủ 75 tuổi trở lên cần phải rà soát, đánh
83
giá thấu đáo trong từng trường hợp, từng tội danh
cụ thể; đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm
trọng, đặc biệt nghiêm trọng và gây ra hậu quả
lớn, nguy hiểm cho xã hội thì cần phải áp dụng
hình phạt tử hình dù ở độ tuổi nào, nhằm răn đe,
giáo dục mọi người và nên coi người đủ 75 tuổi
trở lên là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ
luật Hình sự 2015. Do đó, điểm o khoản 1 Điều
51 cần được chỉnh sửa như sau: 1. Các tình tiết
sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình
sự:... “o) Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội
hoặc khi xét xử”.
5. Kết luận
Nhân đạo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối
với sự phát triển của xã hội loài người. Chính vì
vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm chỉ
đạo, thực hiện nhân đạo phù hợp với điều kiện
kinh tế - xã hội của đất nước và coi đó là một
trong những nguyên tắc quan trọng trong chính
sách kinh tế - xã hội của công cuộc đổi mới, xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy,
chế định hình phạt tử hình là một trong những
chế định quan trọng của pháp luật hình sự, đặc
biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà hình phạt
tử hình trở thành một trong những tiêu chí quan
trọng để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia.
Do vậy, chủ trương hoàn thiện pháp luật về hình
phạt tử hình và hạn chế phạm vi của hình phạt tử
hình là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của
Đảng ta, phù hợp với xu thế của thế giới và tình
hình của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xem xét xóa
bỏ hình phạt tử hình đối với các loại tội phạm nào
cần có sự cân nhắc thận trọng và cần dựa vào tính
nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm đó để loại
bỏ một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Hà Nội.
[2] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(2015), Bộ luật Hình sự, Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia - Hà Nội.
[3] Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW của
Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm
2020.
[4] Báo đời sống và pháp luật, Chân dung cụ ông 82 tuổi
giết vợ.
an-ninh-hinh-su/chan-dung-cu-ong-85-tuoi-giet-vo-
vi-chuyen-chan-goi-a36472.html
[5] Dương Phan, Cụ ông 82 tuổi hiếp dâm trẻ em, lãnh
án 14 năm tù.
cu-ong-82-tuoi-hiep-dam-tre-em-lanh-an-14-nam-
tu-347591.html
[6] Ngọc Lương, Đề xuất bỏ án tử hình với người đủ 75
tuổi trở lên là không hợp lý.
luat/de-xuat-bo-an-tu-hinh-voi-nguoi-75-tuoi-tro-
len-khong-hop-ly-629934.html
[7] Trịnh Quốc Toản, Hình phạt tử hình trong luật hình
sự Việt nam.
xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=29
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ban_ve_nhung_diem_moi_cua_bo_luat_hinh_su_2015_sua_doi_bo_su.pdf