mở đầu
Phần I: Thực trạng quản lý chất thải rắn và độc hại trên địa bàn tỉnh Sơn La
1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý chất thải rắn và độc hại ở tỉnh Sơn La:
2. Hiện trạng chất thải rắn và độc hại trên địa bàn tỉnh Sơn La:
3. Những thuận lợi, khó khăn trong việc quản lý chất thải rắn và chất thải độc hại:
Phần II: Các định hướng ưu tiên trong quản lý chất thải rắn và chất thải độc hại
1. Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo:
2. Các mục tiêu chủ yếu:
3. Nhiệm vụ:
4. Định hướng ưu tiên:
5. Một số giải pháp chủ yếu:
6. Các dự án cần ưu tiên thực hiện:
15 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1670 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Quản lý chất thải rắn và độc hại Trên địa bàn tỉnh Sơn La, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề:
Quản lý chất thải rắn và độc hại
Trên địa bàn tỉnh Sơn La.
---------
mở đầu
Chất thải rắn và độc hại rất đa dạng về chủng loại, thành phần cũng như nguồn phát sinh. Căn cứ vào nguồn phát sinh, chất thải rắn và độc hại bao gồm:
- Chất thải sinh hoạt: Là các loại chất thải phát sinh trong mọi hoạt động của con người, gia đình, công sở, trường học, khu vực đóng quân của các lực lượng vũ trang, chợ, trung tâm thương mại, khu du lịch, các nơi sinh hoạt và vui chơi giải trí công cộng…
- Chất thải xây dựng: Gồm các phế thải được thải loại ra trong quá trình xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, an ninh quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật và công trình xây dựng khác.
- Chất thải bệnh viện: Gồm các chất thải phát sinh trong mọi hoạt động của các bệnh viện và các cơ sở y tế. Trong chất thải bệnh viện có chất thải y tế là loại chất thải độc hại phát sinh từ các hoạt động chuyên môn trong quá trình khám, chữa bệnh, xét nghiệm tại các bệnh viện và cơ sở y tế.
- Chất thải công nghiệp: Là tất cả các loại chất thải loại ra từ dây chuyền sản xuất của các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Theo tính chất nguy hại, chất thải được phân làm 2 loại: Chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất gây ô nhiễm có một trong các đặc tính gây nguy hại như dễ cháy, dễ nổ, độc hại, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, trực tiếp hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại tới môi trường và sức khoẻ con người. Chất thải nguy hại có trong chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp và một phần nhỏ trong chất thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp và chất thải xây dựng… Còn lại là chất thải không nguy hại.
Lượng chất thải trên nếu không được quản lý tốt sẽ có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. ảnh hưởng của chất thải rắn và độc hại khi không được thu gom thường gây ô nhiễm dạng vùng, đường tập trung vào các khu vực đông dân cư hoặc dọc các trục đường giao thông.
Việc xây dựng, vận hành một bãi chôn lấp chất thải đồng nghĩa với việc tập chung một lượng lớn chất ô nhiễm vào cùng một địa điểm. Do đó, việc lựa chọn địa điểm, việc xây dựng bãi chôn lấp chất thải phải đồng thời tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tới môi trường.
Các biện pháp giảm thiểu cần đặc biệt trú trọng đến việc giảm thiểu ô nhiễm nước (nước mặt và nước ngầm); giảm thiểu ô nhiễm không khí (mùi, các khí độc, bụi, ồn...) và phải kèm theo phương án vận hành đúng quy trình kỹ thuật, phương án phòng ngừa sự cố đột xuất gây ô nhiễm môi trường mở rộng ra ngoài khu vực bãi chôn lấp.
Phần I
Thực trạng quản lý chất thải rắn và độc hại
trên địa bàn tỉnh Sơn La
1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý chất thải rắn và độc hại ở tỉnh Sơn La:
Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên 14.055 km2 chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 64 tỉnh thành phố trong cả nước; có 11 đơn vị hành chính (1 thị xã, 10 huyện) với 12 dân tộc chủ yếu. Độ cao trung bình 600 – 700m so với mặt biển, địa hình chia cắt sâu và mạnh; có 2 cao nguyên Mộc Châu và Sơn La – Nà Sản, địa hình tương đối bằng phẳng. Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Tiềm năng về tài nguyên nước rất lớn với 35 suối lớn; 2 sông lớn là sông Đà dài 280 km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu; 7.900 ha mặt nước hồ Hoà Bình và 1.400 ha mặt nước ao hồ. Mật độ sông suối 1,8 Km/km2 nhưng phân bố không đều, sông suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh do địa hình núi cao, chia cắt sâu. Dòng chảy biến đổi theo mùa, biên độ dao động giữa mùa mưa và mùa khô khá lớn. Mùa lũ thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm nhưng diễn ra sớm hơn ở các nhánh thượng lưu và muộn hơn ở hạ lưu. Có đến 65 – 80% tổng lượng dòng chảy trong năm tập trung trong mùa lũ này.
Dân số tỉnh Sơn La là 975.460 người (thống kê năm 2004), mật độ bình quân 69 người/km2. Theo tiến độ xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La thì thời kỳ cao điểm số lượng lao động ở đây có thể lên đến 18.500 người. Nếu kể cả số người đi theo thì số dân tăng cơ học này có thể tới 20 – 30 ngàn người.
Trong những năm qua, nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy lợi thế, gắn với thị trường. Các ngành, lĩnh vực; các vùng, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư tạo được sự đột phá trên một số lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư phát triển, tích cực chủ động triển khai nhiệm vụ chuẩn bị xây dựng thuỷ điện Sơn La; tạo các điều kiện quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
2. Hiện trạng chất thải rắn và độc hại trên địa bàn tỉnh Sơn La:
Để đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần ngày càng cao của mình, con người phải sử dụng những sản phẩm sẵn có của tự nhiên, hoặc thông qua các quá trình sản xuất để biến chúng thành những sản phẩm phù hợp với những nhu cầu đó. Sản xuất càng phát triển, đời sống càng được nâng cao và dân số càng tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc các chất thải sinh ra từ các quá trình sản xuất đổ vào môi trường này càng lớn. Nếu không được kiểm soát và xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Tỉnh Sơn La cũng không ngoài tình trạng chung đó. Trong những năm qua, cùng với những thành tựu trong việc tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, đã đặt Sơn La trước những thách thức về môi trường với mục tiêu phát triển bền vững. Đó là: Sự suy giảm tài nguyên rừng, tình hình thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ô nhiễm môi trường đô thị và khu công nghiệp, suy thoái đất và những tai biến môi trường… Trong đó, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm do chất thải rắn và chất thải độc hại (cả chất thải rắn, lỏng và khí).
Sự gia tăng dân số quá nhanh; quá trình đô thị hoá; hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, y tế… và nhận thức còn hạn chế của người dân đã tạo ra nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn và chất thải độc hại là một trong những tác nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường ở tỉnh Sơn La hiện tại và trong tương lai:
- Rác thải sinh hoạt: Lượng rác thải sinh hoạt phụ thuộc chủ yếu vào số dân và mức sống. Hiện nay, số dân sống ở khu vực thị xã, thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp ước tính khoảng 150.000 người (tương đương với 15% dân số toàn tỉnh). Nếu trung bình mỗi người mỗi ngày thải ra môi trường 0,5 kg rác thì lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị là 75 tấn mỗi ngày. Số rác này mới được thu gom, xử lý bằng cách chôn lấp ở các bãi rác khoảng 50 - 60%, còn lại đổ vào môi trường tự nhiên. Số dân sống ở nông thôn khoảng 825.500 người, nếu mỗi người mồi ngày thải ra 0,3 kg rác thì lượng rác thải mỗi ngày là 247,65 tấn. Số rác này hầu như đổ trực tiếp vào môi trường.
- Nước thải sinh hoạt: Nếu tính trung bình lượng nước sử dụng bình quân 1 người trong 1 ngày là 100 lít; lượng nước thải sinh hoạt thực tế bằng 75% lượng nước cấp thì lượng nước thải ở các thị xã, thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp của Sơn La mỗi ngày là 11.250 m3. Theo tính toán, trong đó có khoảng 9,75 tấn các chất ô nhiễm. Số nước thải này hàng ngày đổ trực tiếp vào môi trường không qua xử lý.
- Nước thải công nghiệp: Căn cứ vào sản lượng sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp và phương pháp tính chất thải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể tính được lưu lượng và tải lượng nước thải công nghiệp của một số ngành công nghiệp của tỉnh Sơn La như sau: Trong 2005, nếu sản lượng than là 4.000 tấn, tinh bột sắn là 10.000 tấn, bia là 1.450.000 lít và xi măng là 100.000 tấn thì lượng nước thải trong năm 2005 của 4 ngành này là 886.000 m3, trong đó chứa các chất ô nhiễm như: BOD5 là 168,5 tấn và TSS là 561,5 tấn. Nếu lượng chất thải này không được xử lý theo đúng quy định sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước và đất. Đó là chưa tính đến nước thải của những ngành công nghiệp khác.
- Khí thải công nghiệp: Trong quá trình sản xuất, các ngành công nghiệp như ngành khai thác quặng, sản xuất vật liệu xây dựng và đặc biệt là các hoạt động khai thác và đốt than đã phát xả một tải lượng chất ô nhiễm không khí rất lớn. Những chất gây ô nhiễm không khí của các hoạt động này là bụi và các chất khí như SO2, NOx, CO… Do đặc điểm của Sơn La là tỉnh miền núi, có nhiều đỉnh núi cao, ảnh hưởng đến việc phát tán và tích tụ chất ô nhiễm trong không khí. Các điểm tập trung dân cư thường hình thành ở các vùng thấp và tương đối bằng phẳng như các thung lũng núi hoặc cao nguyên nên thường bị ảnh hưởng lớn, vì các chất khí thải công nghiệp và sinh hoạt không phát tán được qua các dãy núi nên thường tích tụ ở những khu vực này. Do đó, dù ô nhiễm không khí trong thời điểm hiện tại chưa phải ở mức độ nghiêm trọng nhưng việc phát triển các khu công nghiệp trong tương lai cần có sự đánh giá đúng mức về vị trí, địa hình và nhất thiết phải được trang bị các thiết bị xử lý chất thải trước khi đổ vào môi trường.
- Chất thải y tế: Năm 2005, tổng số giường bệnh ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La là 2.755 giường. Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới thì mỗi giường bệnh trong một năm sẽ thải ra trung bình 949 kg rác thải y tế, trong đó có 243 kg chất thải độc hại (gồm các mô, bệnh phẩm cắt bỏ trong phẫu thuật, bông gạc nhiễm bẩn, xy lanh, kim tiêm, dược phẩm…); 73 m3 nước thải y tế, trong đó 100% là chất thải độc hại. Như vậy, lượng chất thải y tế toàn tỉnh Sơn La trong năm 2005 là:
+ Rác thải: 2.614 tấn, trong đó có 426 tấn là chất thải độc hại;
+ Nước thải: 201.000 m3, trong đó 100% là chất thải độc hại.
Đáng lưu ý là số chất thải này hiện nay chưa được xử lý theo đúng quy định, mới ở mức độ thu gom rác thải, chôn lấp ở các bãi rác không đủ tiêu chuẩn.
- Sử dụng hoá chất trong nông nghiệp: Nhằm nâng cao năng suất cây trồng, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho số dân ngày càng tăng nhanh thì lượng hoá chất sử dụng trong nông nghiệp ngày càng nhiều. Theo các nhà khoa học thì 50% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sẽ thất thoát vào môi trường. Ước tính hiện nay, toàn tỉnh mỗi năm sử dụng khoảng 10.000 tấn phân bón và 20 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại (chủ yếu phun cho mía, chè cây ăn quả, rau xanh và một phần cho lúa). Như vậy, hàng năm môi trường phải gánh chịu khoảng 5.000 tấn phân bón và 10 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc đã sử dụng là: Wofatox, Basa, Hinosan, Padas, Bi 58, Photpho kẽm… Dư lượng hoá chất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường - đặc biệt là môi trường nước và đất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, làm mất tính đa dạng sinh học trong đất và nước, số chủng loại và lượng vi sinh trong đất bị suy giảm làm đất bị bạc màu.
- Vệ sinh môi trường nông thôn: Tình trạng sống thiếu vệ sinh ở nông thôn đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt (mới có khoảng 25% số hộ gia đình ở nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, trên 60% số hộ còn nuôi gia súc dưới gầm sàn). Rác và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào môi trường. Thêm vào đó, chất thải do hoạt động chăn nuôi cũng rất đáng kể. Hiện nay toàn tỉnh có 144.000 con trâu, 119.000 con bò và 478.000 con lợn (chủ yếu ở khu vực nông thôn). Theo cách tính toán của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) thì tải lượng ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi ở Sơn La trong 1 ngày sẽ là: 27.662 m3 nước thải; 177,8 tấn BOD5 ; 322,5 tấn COD và 1.123,6 tấn chất rắn lơ lửng. Những chất thải do hoạt động chăn nuôi này hầu như được thải trực tiếp vào môi trường.
3. Những thuận lợi, khó khăn trong việc quản lý chất thải rắn và chất thải độc hại:
3.1. Thuận lợi:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) trong 4 năm (2001- 2004) tăng bình quân 10,62%/năm, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, năm 2005 ước đạt 16%, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2001- 2005) đạt 11,65%/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải rắn và độc hại nói riêng.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, thuận lợi cho việc thu gom và vận chuyển rác từ nơi thu gom đến nơi xử lý và chôn lấp.
2.2. Khó khăn:
- Sơn La là tỉnh miền nỳi, điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, sản xuất hàng hoá chưa phát triển đồng đều giữa các vùng, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và cũn nhiều yếu kộm; sản xuất nụng lõm nghiệp chiếm tỷ trọng cao, thời tiết, khớ hậu diễn biến phức tạp, khắc nghiệt.
- Nhu cầu và áp lực về tăng trưởng kinh tế rất lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của con người, con người đã bất chấp hoặc không quan tâm đến những hậu quả, những thách thức về môi trường.
- áp lực về dân số, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và đô thị hoá cần khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng nhiều, quá mức chịu đựng của tự nhiên. Chất thải sinh hoạt và công nghiệp tăng lên. Đó là những nguy cơ và nguyên nhân gây ô nhiễm và đe doạ môi trường sinh thái.
- Hệ thống pháp luật thiếu, không đồng bộ; tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý còn bất cập; ý thức và trình độ của cộng đồng dân cư còn thấp… cũng là những nguyên nhân không nhỏ trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
- Lượng mưa tương đối lớn có ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới thu gom và xử lý rác thải. Địa hình chia cắt mạnh làm tăng khả năng xảy ra các sự cố môi trường liên quan đến việc thu gom triệt để chất thải rắn, cũng như liên quan đến bãi chôn lấp chất thải. Nền địa chất của Sơn La đa phần là nền trầm tích dọc theo sông suối và nền đá vôi bị phong hoá mạnh tạo nên các hang ngầm Karst. Việc lựa chọn địa điểm đặt bãi rác là rất khó khăn, chi phí xây dựng bãi rác sẽ cao do tăng kinh phí khảo sát, thiết kế, xử lý nước rỉ bãi rác, xây dựng các kè, mương ngăn nước kiên cố.
Phần II
Các định hướng ưu tiên trong quản lý
chất thải rắn và chất thải độc hại
1. Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo:
- Quản lý chất thải rắn và độc hại đã và đang là vấn đề cấp thiết để bảo vệ môi trường sống; đảm bảo sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; là cơ sở đảm bảo phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
- Lấy phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường là nguyên tắc xuyên suốt, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường sống.
- Người gây ô nhiễm, suy thoái, người được hưởng thụ chất lượng môi trường trong lành phải đóng góp tài chính để khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Kết hợp trách nhiệm vật chất với khuyến khích tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
- Phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ cao nhất sự hợp tác, giúp đỡ của bên ngoài.
- Công tác quản lý chất thải rắn và độc hại trong chiến lược bảo vệ môi trường phải được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường và xu thế diễn biến của môi trường trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
2. Các mục tiêu chủ yếu:
Phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường, cố gắng cao nhất giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc về môi trường, đảm bảo an toàn môi trường. Cụ thể:
- Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường: Tăng cường năng lực quản lý, ban hành đồng bộ các văn bản pháp quy để triển khai có hiệu quả cao nhất luật bảo vệ môi trường; ban hành các chính sách hỗ trợ phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh; đào tạo nâng cao kiến thức về môi trường cho cán bộ các cấp, các ngành, các đoàn thể. Xây dựng quy hoạch phát triển bền vững cho các đô thị, khu công nghiệp, nông thôn và các vùng sinh thái. Đặc biệt lưu ý tới quy hoạch các khu xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải y tế. áp dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các mô hình “sản xuất xanh”, bản làng sinh thái. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường.
- Cải thiện điều kiện môi trường ở những khu vực ô nhiễm và suy thoái: Thu gom, xử lý về cơ bản các chất thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt ở đô thị và khu dân cư đông đúc. Ưu tiên đầu tư cho việc ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Cải tạo các đoạn sông, ao, hồ, kênh mương đã bị ô nhiễm, các vùng đất bị suy thoái, xanh hoá môi trường đô thị, khu sản xuất công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo 100% dân số đô thị và 80% dân số nông thôn được dùng nước sạch; trên 75% hộ gia đình nông dân có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực tiểu thủ công nghiệp cơ bản được giải quyết. Khuyến khích các chương trình sử dụng khí sinh học và các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo phát triển. Cải tạo và quản lý tốt chuồng trại gia súc, phấn đấu 100% hộ nông dân không chăn thả rông gia súc và 55% số hộ có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh. Tăng cường quản lý có hiệu quả thị trường hoá chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y, kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
3. Nhiệm vụ:
3.1. Nhiệm vụ chung:
- Khi xây dựng và phê duyệt các dự án quy hoạch, dự án dầu tư phải lồng ghép và xem xét cùng với Chiến lược bảo vệ môi trường. Không cho đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường.
- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn; chú trọng quản lý chất thải rắn và độc hại – nhất là trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế.
- Khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu.
- ưu tiên phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm nặng, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thay đổi các thói quen, nếp sống không văn minh, không hợp vệ sinh; xây dựng công sở, xí nghiệp, nhà máy, gia đình, làng bản, khu phố sạch, đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường. Từng bước xã hội hoá công tác vệ sinh môi trường.
3.2. Nhiệm vụ cụ thể:
- Chấm dứt việc đổ rác và nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn vào môi trường tự nhiên.
- Tổ chức thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế bằng các phương pháp thích hợp. Trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp.
- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có các giải pháp khắc phục ô nhiễm có hiệu quả.
- Hạn chế sử dụng hoá chất trong nông nghiệp, thu gom và xử lý các loại bao bì đựng hoá chất sau khi sử dụng.
- Hình thành nếp sống hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn, tuyên truyền giáo dục kết hợp với bắt buộc các hộ gia đình ở nông thôn phải có công trình vệ sinh và chuồng trại gia súc đạt tiêu chuẩn, không thả rông gia súc.
- Trong công tác quy hoạch cần bố trí diện tích đất hợp lý để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho công tác bảo vệ môi trường.
Một số chỉ tiêu cụ thể:
- Quản lý môi trường đô thị: thu gom 90% rác thải thị xã Sơn La và Mộc Châu, 75% rác thải thị trấn thị tứ; xây dựng các bãi rác đúng tiêu chuẩn; hoàn thiện hệ thống cống thải; xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho thị xã Sơn La và Mộc Châu. Khắc phục triệt để ngập úng thị xã Sơn La.
- Quản lý môi trường CN và TCN: 100% cơ sở công nghiệp kiểm soát tốt môi trường; 100% chất thải độc hại được xử lý đúng quy định; cải thiện môi trường 100% cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
- Quản lý phát xả khí giao thông: 100% phương tiện cơ giới đạt tiêu chuẩn môi trường (TCMT); phát triển ngành cơ khí giao thông đủ khả năng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo TCMT; tăng cường thiết bị kiểm tra cho lực lượng kiểm tra giao thông.
- Cây xanh đô thị: Xây dựng rừng văn hoá tổng diện tích 50ha cho Thị xã và Mộc Châu, trồng đủ 10.500 cây phân tán và trồng cây dưới dạng rừng văn hoá, khu lâm viên ở mỗi thị trấn.
- Quản lý MT hoạt động khai khoáng: toàn bộ cơ sở khai khoáng phải ký quỹ hoàn phục MT theo Thông tư 126/1999; 100% cơ sở khai khoáng cách khu dân cư < 2km phải xử lý môi trường đạt TCMT.
4. Định hướng ưu tiên:
Nguyên tắc cơ bản để lựa chọn các định hướng ưu tiên trong quản lý chất thải rắn và độc hại là lựa chọn những vấn đề có tính bức xúc và khả năng giải quyết trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến ảnh hưởng của chất thải rắn và độc hại trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới, trong việc quản lý chất thải rắn và độc hại cần tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ theo thứ tự sau:
- Quản lý chất thải đô thị;
- Cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn: Quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động chăn nuôi;
- Quản lý chất thải y tế;
- Xã hội hoá công tác thu gom, xử lý chất thải;
- Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân;
- Hoàn thiện các văn bản pháp quy của tỉnh về lý chất thải rắn và độc hại; tăng cường năng lực quản lý về môi trường của các cơ quan Nhà nước;
- Quản lý hoá chất bảo vệ thực vật;
- Quản lý môi trường công nghiệp và thủ công nghiệp;
- Quản lý phát xả khí giao thông.
5. Một số giải pháp chủ yếu:
Để quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn và độc hại đòi hỏi có sự quan tâm và tham gia của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và của mọi người dân. Đối với tỉnh Sơn La, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
- Tỉnh cần tiếp tục rà soát, bổ sung Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược bảo vệ và phát triển môi trường trong từng giai đoạn phát triển. Quy hoạch phát triển của các ngành, các địa phương, các lĩnh vực không được trái với quy hoạch tổng thể của tỉnh và phải được xem xét, phê duyệt cùng Chiến lược bảo vệ và phát triển môi trường.
- Cần có chính sách đầu tư để từng bước thay đổi các trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu thải ra nhiều bụi và chất khí độc hại cho con người, lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tăng cường đầu tư những công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn năng lượng sạch, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học trong nông nghiệp để giảm bớt và xử lý các phế thải độc hại.
- Hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và đổi mới tổ chức quản lý để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về môi trường sinh thái. Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, sớm phát hiện và xử lý nghiêm minh những sai phạm trong việc bảo vệ môi trường. Ban hành những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; không sử dụng những thiết bị, nhiên liệu gây độc hại cho môi trường.
- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp kinh tế trong việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn và độc hại.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường. Đưa nội dung môi trường sinh thái vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo trở lên.
- Thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình để đạt được mức sinh thay thế, giảm bớt sức ép quá tải đối với môi trường.
- Mở rộng và củng cố các mối quan hệ hợp tác với các ngành, địa phương trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực này.
6. Các dự án cần ưu tiên thực hiện:
6.1. Xây dựng bãi rác đủ tiêu chuẩn ở các huyện và thị xã:
Mỗi huyện, thị xã được đầu tư xây dựng 1 bãi chôn lấp chất thải rắn đủ tiêu chuẩn, sức chứa đảm bảo chôn lấp chất thải rắn đến năm 2020.
Kinh phí xây dựng mỗi bãi rác của các huyện ước tính 1 tỷ đồng, riêng Thị xã khoảng 2 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện: Năm 2006.
6.2. Xây dựng hệ thống lò đốt chất thải y tế cho các bệnh viện trong tỉnh: Ước tính kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2006.
6.3. Xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải tại Thị xã: Công suất khoảng 3000 tấn phân hữu cơ/năm.
Kinh phí dự toán: Khoảng 15 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện: Trong năm 2007.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Hà Nội, 2004.
2.Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kỹ thuật xử lý môi trường nông thôn. Hà Nội, 2004.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005), phương hướng nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010). Sơn La, 2005.
4. Tỉnh uỷ Sơn La. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010); phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005). Sơn La, 2000.
5. UBND tỉnh Sơn La. Chỉ thị số 24/CT-UB về việc hưởng ứng chiến dịch "làm sạch thế giới" tại Sơn La. Thông tin Khoa học - Công nghệ và Môi trường Sơn La, số 3/2000.
6. UBND tỉnh Sơn La. Chuyên đề Quy hoạch phát triển đô thị năm 2010. Sơn La, 1995.
7. UBND tỉnh Sơn La. Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Sơn La đến năm 2010. Sơn La, 2001.
8. UBND tỉnh Sơn La. Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2010. Sơn La, 1995
9. UBND tỉnh Sơn La. Quy định về bảo vệ môi trường đô thị. Sơn La, 2003.
10. UBND tỉnh Sơn La. Quy hoạch tổng thể về cung cấp nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2000 - 2010. Sơn La, 1999.
11. Uỷ ban Kế hoạch tỉnh Sơn La. Điều tra hiện trạng môi trường phục vụ cho xây dựng kế hoạch tổng thể bảo vệ và phát triển lâu bền của tỉnh Sơn La 1996 - 2010. Sơn La, 1995.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chat thai ran va.doc