“Công tác đào tạo ngành Trắc địa – Bản đồ trong giai đoạn mới”
Trong suốt thế kỷ XX, con người đã tập trung nỗ lực lớn vào việc đo đạc và lập bản đồ trên phạm vi toàn cầu, cho cả đất liền và đáy biển, mức độ thông tin ngày càng chi tiết hơn. Đặc biệt, trong 20 năm cuối của thể kỷ XX, công nghệ đo đạc và bản đồ đã có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt: công nghệ truyền thống dựa trên các phương pháp đo góc, đo cạnh, xử lý ảnh chụp mặt đất bằng mô hình quang học đã được thay thế bằng công nghệ số dựa trên nền tảng của công nghệ vệ tinh và công nghệ thông tin.
Đến nay, có thể nói con người đã có được thông tin khá chi tiết về Trái đất trên phạm vi toàn cầu, thông tin được cập nhật thường xuyên, giúp cho con người nhận thức rất rõ ràng về Trái đất, đồng thời vươn tới nhu cầu nhận thức trên phạm vi vũ trụ, đóng vai trò quan trọng mang tính dẫn đường cho công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người. Mô hình lãnh thổ trước đây là bản đồ trên giấy, nay được bổ sung và thể hiện bằng hệ thống thông tin địa lý trên máy tính.
Công nghệ đo đạc và bản đồ hiện đại trước hết tạo được những công cụ mới với tầm hoạt động rộng hơn, đầy đủ hơn, chi tiết hơn, chính xác hơn, kịp thời hơn. Sau đó, công nghệ mới đã tạo được khả năng giảm giá thành sản phẩm, giảm đáng kể thời gian thi công, không phụ thuộc yếu tố ngoại cảnh, cũng như không phụ thuộc vào chủ quan của con người.
3 trang |
Chia sẻ: banmai | Lượt xem: 1941 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Công tác đào tạo ngành Trắc địa – Bản đồ trong giai đoạn mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
“Công tác đào tạo ngành Trắc địa – Bản đồ trong giai đoạn mới”
TS. Trần Bạch Giang- Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam
Trong suốt thế kỷ XX, con người đã tập trung nỗ lực lớn vào việc đo đạc và lập bản đồ trên phạm vi toàn cầu, cho cả đất liền và đáy biển, mức độ thông tin ngày càng chi tiết hơn. Đặc biệt, trong 20 năm cuối của thể kỷ XX, công nghệ đo đạc và bản đồ đã có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt: công nghệ truyền thống dựa trên các phương pháp đo góc, đo cạnh, xử lý ảnh chụp mặt đất bằng mô hình quang học đã được thay thế bằng công nghệ số dựa trên nền tảng của công nghệ vệ tinh và công nghệ thông tin. Đến nay, có thể nói con người đã có được thông tin khá chi tiết về Trái đất trên phạm vi toàn cầu, thông tin được cập nhật thường xuyên, giúp cho con người nhận thức rất rõ ràng về Trái đất, đồng thời vươn tới nhu cầu nhận thức trên phạm vi vũ trụ, đóng vai trò quan trọng mang tính dẫn đường cho công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người. Mô hình lãnh thổ trước đây là bản đồ trên giấy, nay được bổ sung và thể hiện bằng hệ thống thông tin địa lý trên máy tính.
Công nghệ đo đạc và bản đồ hiện đại trước hết tạo được những công cụ mới với tầm hoạt động rộng hơn, đầy đủ hơn, chi tiết hơn, chính xác hơn, kịp thời hơn. Sau đó, công nghệ mới đã tạo được khả năng giảm giá thành sản phẩm, giảm đáng kể thời gian thi công, không phụ thuộc yếu tố ngoại cảnh, cũng như không phụ thuộc vào chủ quan của con người.
Công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu GPS đã nhanh chóng thay thế các thiết bị đo đạc lưới toạ độ, mở rộng tầm hoạt động tới vài nghìn km và tạo thêm khả năng định vị cả những đối tượng động. Công nghệ chụp ảnh vệ tinh đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, độ phân giải của ảnh đạt tới mức 0,5 mét với nhiều phổ khác nhau giúp cho khả năng thông tin nhanh để lập được các loại bản đồ địa hình, nghiên cứu các yếu tố vật lý và hóa học trên bề mặt đất. Ảnh radar giúp cho quá trình phân tích biến động của thông tin trên mặt đất rất hiệu quả. Công nghệ quét siêu âm đáy nước từ tầu đo đạc, quét laser mặt đất từ máy bay đã giúp cho quá trình lập bản đồ các loại tỷ lệ lớn chính xác và nhanh chóng. Công nghệ thông tin với kỹ thuật đồ hoạ hiện đại đã tạo nên một bước tiến trong việc xử lý thông tin thu nhận được về Trái đất (thông tin địa lý), tổ chức quản lý thông tin và xây dựng mô hình thông tin về lãnh thổ (hệ thống thông tin địa lý). Đến nay, toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất thông tin đo đạc và bản đồ đã được tổ chức dưới dạng công nghệ xử lý số, từ khâu thu nhận, xử lý, quản lý tới cấp phát thông tin.
Ngày 27 tháng 2 năm 2008 tại Quyết định số 33/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020”. Quan điểm chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam là:
1. Đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản phải được đi trước một bước nhằm bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong nước, đáp ứng nhu cầu tham gia hợp tác để giải quyết các bài toán toàn cầu và khu vực về nghiên cứu khoa học trái đất, về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
2. Lấy việc đầu tư cho khoa học và công nghệ trong ngành Đo đạc và Bản đồ làm giải pháp chủ yếu để phát triển. Việc phát triển khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ ở nước ta phải phù hợp với điều kiện trong nước đồng thời tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới; chủ động đáp ứng nhu cầu cần thiết về phát triển và ứng dụng các công nghệ thu nhận, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và hệ thống thông tin địa lý, lưu trữ và cung cấp thông tin, bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời và giá thành hạ.
3. Hệ thống thông tin đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chuẩn quốc gia thống nhất, phù hợp chuẩn quốc tế, đủ phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước về lãnh thổ, quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, giám sát khai thác tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát tình trạng môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của cộng đồng phục vụ quản lý sản xuất, dịch vụ, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao dân trí.
4. Phát huy nội lực, nhất là năng lực trí tuệ của người Việt Nam để phát triển và ứng dụng công nghệ đo đạc và bản đồ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm về xử lý thông tin địa lý, đi đôi với tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ.
5. Từng bước xã hội hóa dịch vụ đo đạc và bản đồ, thương mại hóa thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ.
Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra các mục tiêu:
1. Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới;
2. Bảo đảm việc xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hoạt động kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nghiên cứu khoa học về trái đất; nhận thức đúng hiện trạng và quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội; phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; đáp ứng thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng trong hoạt động kinh tế, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, sinh hoạt và nâng cao dân trí;
3. Xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có năng lực, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành;
4. Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh tổ chức và hoạt động của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, đảm bảo giá trị pháp lý của các loại bản đồ và số liệu đo đạc trong bản đồ.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp chính của Chiến lược là giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật về đo đạc và bản đồ, cụ thể là:
1. Nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học về đo đạc và bản đồ theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo gắn với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ mới; tăng số lượng cán bộ đào tạo tại các nước có trình độ khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ phát triển cao.
2. Đổi mới nội dung đào tạo về sử dụng và khai thác thông tin đo đạc và bản đồ trong những ngành đào tạo có liên quan như nông nghiệp, xây dựng, giao thông v.v..., trong đó trọng tâm là sử dụng công nghệ thông tin trong đo đạc và bản đồ.
3. Phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần giải quyết những bài toán toàn cầu và khu vực.
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật về đo đạc và bản đồ đã được xác định trong “Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020”, chúng tôi xin tham gia một số ý kiến về chương trình đào tạo đại học theo Chương trình khung ngành kỹ thuật trắc địa - bản đồ như sau:
- Chương trình đào tạo ngành kỹ thuật trắc địa - bản đồ gồm các chuyên ngành: Trắc địa, Bản đồ, Địa chính, Trắc địa mỏ - Công trình, Hệ thống thông tin địa lý do Khoa Trắc địa là đơn vị chủ quản với mục tiêu, khối lượng kiến thức và đề cương chi tiết được xây dựng cho từng chuyên ngành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đổi mới nội dung đào tạo về sử dụng và khai thác thông tin đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, nội dung kiến thức chuyên ngành về trắc địa biển còn thiếu. Đây là kiến thức rất cần thiết trong thực tiễn công tác đo đạc và bản đồ bản đồ hiện nay và trong những năm tới.
- Nhu cầu phát triển bền vững nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, nâng cao dân trí đang đòi hỏi ngành Đo đạc và Bản đồ các thể loại thông tin như sau:
+ Hệ quy chiếu tọa độ quốc gia hiện đại theo quan điểm động để kết nối chính xác với Hệ quy chiếu động quốc tế ITRF, Hệ quy chiếu tọa độ phục vụ quốc phòng, an ninh.
+ Một lưới điểm tọa độ quốc gia ở mức độ số lượng điểm tối thiểu cần chôn mốc trên thực địa; lưới điểm tọa độ quốc gia vừa là gốc tọa độ cho từng địa phương, vừa là khung tọa độ để nắn ảnh vệ tinh về tọa độ địa phương, vừa là lưới quan trắc dịch động vỏ Trái đất nhằm mục đích dự báo các tai biến địa chất bằng phương pháp đo đạc.
+ Một lưới độ cao quốc gia với số lượng điểm tối thiểu đo bằng phương pháp đo cao hình học điện tử để làm cơ sở xây dựng chính xác mô hình độ cao mặt đẳng thế "0" (mặt Geoid), mô hình số độ cao địa hình.
+ Một lưới điểm trọng lực ở mật độ phù hợp để vừa hiệu chỉnh chính xác hệ thống độ cao, vừa phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học về trường trọng lực Trái đất , vừa phục vụ thăm dò địa chất bằng phương pháp trọng lực.
+ Một hệ thống ảnh mặt đất chụp từ vệ tinh, máy bay ở tỷ lệ phù hợp, chụp bằng sóng ánh sáng ở các phổ phù hợp, bằng sóng radar, bằng sóng laser sao cho bảo đảm thu nhận thông tin bề mặt đất ở mức độ chi tiết cần thiết để lập bản đồ địa hình phục vụ các mục đích khác nhau, lập bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch xây dựng và các loại bản đồ chuyên ngành, chuyên đề, chuyên dùng khác; cập nhật thông tin trên các loại bản đồ và cơ sở dữ liệu địa lý; giám sát tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hiện trạng môi trường; cung cấp thông tin cho mục đích quản lý và quy hoạch các ngành, các địa phương, cho nhu cầu thông tin phục vụ điều hành kinh tế, cộng đồng và nâng cao dân trí.
+ Một hệ thống thông tin, bản đồ dưới dạng cơ sở dữ liệu địa lý, bản đồ điện tử, bản đồ trên giấy, tập bản đồ, atlas các thể loại về bề mặt đất liền, mặt biển, đáy biển ở các tỷ lệ phù hợp bảo đảm đủ thông tin, đủ độ chính xác, được cập nhật kịp thời.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ hiện tại và trong tương lai phải đáp ứng yêu cầu sản xuất các thông tin địa lý nhanh, đầy đủ, chính xác và với giá thành hạ. Vì vậy, nội dung kiến thức cần đào tạo cho các chuyên ngành của ngành kỹ thuật trắc địa - bản đồ cần đủ “liều lượng” để đáp ứng yêu cầu nêu trên.
- Trong thực tiễn hoạt động đo đạc và bản đồ hiện nay ranh giới giữa các chuyên ngành, đặc biệt là giữa đo đạc (trắc địa) và bản đồ xét trên góc độ phục vụ sản xuất ra sản phẩm thông tin địa lý, bản đồ điện tử gần như không tồn tại. Vì vậy, việc đổi mới nội dung đào tạo theo hướng này cần được quan tâm để đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo sơ đồ: Thu thập, xử lý thông tin ---> (xây dựng) CSDL địa lý ---> (biên tập) bản đồ.
- Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề rất “nóng” trên phạm vi toàn cầu, vì vậy, kiến thức trắc địa – bản đồ phục vụ nghiên cứu, cảnh báo và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai nói chung và của biến đổi khí hậu nói riêng cũng cần được xem xét trong nội dung đào tạo.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- congtacdaotaotracdia.doc