Nền nghệ thuật cổ điển Đông Nam Á
chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nền nghệ thuật
truyền thống Ấn Độ, cho nên cũng giống
nghệ thuật Ấn Độ, nghệ thuật cổ điển Đông
Nam Á chịu sự chi phối mạnh mẽ của hai
tôn giáo lớn trong lịch sử Ấn Độ là Ấn Độ
giáo và Phật giáo. Trong khoảng 13 thế kỷ
đầu Công nguyên, nền nghệ thuật cổ điển
Đông Nam Á đã phát triển cả về chiều sâu
lẫn bề rộng, với các phong cách nghệ thuật
đa dạng và độc đáo.
Các công trình nghệ thuật kiến trúc và
điêu khắc trong nền nghệ thuật cổ điển
Đông Nam Á thể hiện sự tiến triển của cả
hình thức lẫn nội dung tôn giáo (cụ thể ở
đây là Ấn Độ giáo và Phật giáo) theo từng
thời kỳ lịch sử. Dấu ấn tôn giáo trong nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc của nền nghệ
thuật cổ điển Đông Nam Á tuy vô cùng
đậm nét, nhưng cũng có sự hòa trộn với
những yếu tố tín ngưỡng bản địa và cảm
hứng nghệ thuật của chủ thể sáng tạo, đóng
góp vào kho tàng văn hóa nghệ thuật của
nhân loại
11 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 649 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dấu ấn tôn giáo trong kiến trúc và điêu khắc của nghệ thuật cổ điển đông nam á (thế kỷ I–thế kỷ XIII), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân
128
DẤU ẤN TÔN GIÁO TRONG KIẾN TRÚC VÀ ĐIÊU KHẮC CỦA
NGHỆ THUẬT CỔ ĐIỂN ĐÔNG NAM Á (THẾ KỶ I – THẾ KỶ XIII)
RELIGIOUS LANDMARK IN ARCHITECTURE
AND SCULPTURE OF SOUTHEAST ASIAN CLASSICAL ART
NGUYỄN ĐỨC QUÂN
ThS. Trường Đại học Văn Lang, nguyenducquan@vanlanguni.edu.vn, Mã số: TCKH13-07-2019
TÓM TẮT: Trong quá trình giao thoa văn hóa giữa văn hóa bản địa và văn hóa Ấn Độ, cư
dân Đông Nam Á đã kết hợp để sáng tạo cho dân tộc mình những yếu tố văn hóa độc đáo
không thể so sánh với bất kỳ dân tộc nào khác. Trong những thành tựu văn hóa đặc sắc đó,
nền nghệ thuật cổ điển Đông Nam Á nổi bật lên không chỉ là minh chứng cho sự giao lưu
văn hóa mà còn bởi sự sáng tạo đa dạng, phong phú mang đầy màu sắc bản địa. Tôn giáo
là nguồn cảm hứng chính của nghệ thuật cổ điển Đông Nam Á và nghệ thuật cổ điển ở
Đông Nam Á là sự thể hiện, mang đậm dấu ấn thế giới tâm linh phong phú đó. Tôn giáo và
nghệ thuật kết hợp, bổ sung cho nhau góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của từng dân tộc
trong khu vực Đông Nam Á.
Từ khóa: Ấn Độ; Đông Nam Á; tôn giáo; nghệ thuật cổ điển; kiến trúc; điêu khắc.
ABSTRACT: In the process of blending local culture and Indian culture, Southeast Asian
people have combined to create unique artistic features, unlike any other people. Among
these unique cultural achievements, Southeast Asian classical art stands out not only as a
testament of cultural exchange, but also by its diverse creativity and colorful indigenous
features. Religion was the main source of inspiration for Southeast Asian classical art and
classical art in Southeast Asia was an expression, containing the rich spiritual world.
Religion and art combined, complemented each other to contribute to the cultural identity
of each ethnic group in Southeast Asia.
Key words: India; Southeast Asia; religion; classical art; architecture; sculpture.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những thế kỷ đầu Công nguyên,
những làn sóng văn hóa từ bên ngoài đã tác
động, ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực Đông
Nam Á, đặc biệt, văn hóa Ấn Độ đã góp
phần làm xuất hiện những quốc gia đầu tiên
ở khu vực này. Những ảnh hưởng đến từ
bên ngoài mang lại những thay đổi quan
trọng trên hầu hết các hoạt động đời sống
vật chất, tinh thần, nhưng không thể làm
thay đổi được nhiều giá trị văn hóa bản địa,
ngược lại những yếu tố văn hóa ngoại nhập
đó được tiếp biến và truyền tải bằng những
hình thức thể hiện riêng biệt mang đậm tính
đặc trưng của dân tộc đã tiếp biến chúng.
Trong số những yếu tố văn hóa được tiếp
biến vừa đề cập, tôn giáo đóng vai trò chủ đạo
trong việc thể hiện đặc điểm ở các nền nghệ
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 13, Tháng 01 - 2019
129
thuật cổ điển Đông Nam Á. Có thể nói, nghệ
thuật cổ điển Đông Nam Á là một nền nghệ
thuật phục vụ nhu cầu tâm linh của cư dân
bản địa. Qua nghệ thuật, cư dân bản địa thể
hiện niềm tin tôn giáo mãnh liệt của mình và
từ niềm tin đó, cư dân bản địa đã đạt đến sự
sáng tạo nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Từ cơ sở
này, khu vực Đông Nam Á đã sở hữu được
một nền văn hóa, nghệ thuật phát triển rực rỡ,
độc đáo, khó có nơi nào so sánh được.
2. NỘI DUNG
2.2.1. Giai đoạn sơ kỳ - Phong cách nghệ
thuật cổ điển Phù Nam (thế kỷ II - thế kỷ V)
Dòng nghệ thuật cổ điển Ấn Độ hóa ở
Đông Nam Á xuất hiện sớm nhất trên địa bàn
thuộc lãnh thổ Phù Nam cổ. Tuy những di
vật hiện tồn không còn nhiều và trong tình
trạng hư hỏng nặng (kiến trúc lẫn điêu khắc)
nhưng cùng với các hiện vật được công tác
khảo cổ phát hiện trong thời gian gần đây và
những nghiên cứu mới nhất về vương quốc
cổ Phù Nam, chúng ta có thể đưa đến một
nhận định chung về nền nghệ thuật Phù Nam.
Ban đầu, nghệ thuật Phù Nam mô phỏng
những khuôn mẫu nghệ thuật Ấn Độ, sau đó
đi dần đến việc thể hiện những mô hình đó
qua sự sáng tạo chủ quan mang đậm dấu ấn
bản địa của cư dân Phù Nam cổ, bước đầu
định hình được một phong cách nghệ thuật
nhằm phục vụ nhu cầu tôn giáo (Bàlamôn
giáo và Phật giáo) theo quan điểm nhân sinh
quan, thế giới quan của cư dân bản địa.
Những hiện vật được tìm thấy ở các di
chỉ thuộc văn hóa Phù Nam cho thấy cả
Bàlamôn giáo lẫn Phật giáo đều tồn tại và
phát triển với nhiều hình thức thể hiện độc
đáo, theo những phong cách nghệ thuật Ấn
Độ. Ban đầu, Bàlamôn giáo chiếm ưu thế
hơn, nhưng về sau, Phật giáo lại giữ vai trò
quan trọng và biến Phù Nam “trở thành một
trung tâm Phật giáo ở Đông Nam Á” [6, tr.266].
Hầu hết dấu tích kiến trúc của vương
quốc Phù Nam còn lại ngày nay có niên đại
vào khoảng thế kỷ V, trong tình trạng hư hại
nặng nề, khó có thể tái hiện được nguyên
trạng. Ở di chỉ Óc Eo, các nhà nghiên cứu
phát hiện được một bệ đài thờ lớn trên đó còn
dấu tích nền của hai điện thờ. Cái lớn hơn
được bố trí theo trục Đông-Tây, chỉ còn lại
một nền lớn bằng gạch. Cái nhỏ hơn được bố
trí theo trục Bắc-Nam và có ba tầng. Tầng
thấp nhất là một nền gạch, trên là một phòng
hình chữ nhật được xây dựng bằng kỹ thuật
ghép mộng những phiến đá granite. Trên các
đầu cột của gian phòng này còn lưu lại những
dấu tích của tay đỡ mái vòm bên trên cửa
chính, gồm hai đà ngang bằng đá granite.
Cách đó không xa là một cấu trúc di tích kiến
trúc bằng gạch với nhiều phòng và một hiên
nhà,...
Từ những di chỉ kiến trúc đổ nát còn sót
lại vừa đề cập, các nhà nghiên cứu suy đoán
chúng tương tự một ngôi đền Ấn Độ, cấu trúc
đổ nát còn lại phần nào thể hiện ngọn núi vũ
trụ Meru, là nơi linh thiêng của người Ấn Độ.
“Có lẽ còn có gỗ, gạch và vữa xây để tạo thành
một cái tháp hình chóp nhằm tạo thành một
hình ảnh hoàn hảo về ngọn núi vũ trụ” [9, tr.23].
Kiến trúc đổ nát này cho thấy Bàlamôn giáo
hiện diện từ rất sớm ở Phù Nam trước khi đạo
Phật thịnh hành. Theo một số nhà nghiên cứu
đánh giá, “ý tưởng Ấn Độ về ngôi đền như là
trung tâm của vũ trụ đã xuất hiện sớm trong
thiên niên kỷ thứ nhất tại Phù Nam” [10, tr.221].
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ít nhất
hai pho tượng thuộc phong cách Amaravati
ở An Giang. Phong cách Amaravati xuất
hiện ở miền Trung Ấn Độ vào khoảng thế
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân
130
kỷ III đến thế kỷ II TCN. Theo phong cách
này, Đức Phật mặc áo cà sa bó thân, vạt áo
xếp thành những gợn sóng nhỏ lăn tăn, đều,
đồng tâm.
Cùng phong cách với những bức tượng
Phật được phát hiện ở An Giang là một số
tượng Phật nhỏ bằng đồng phát hiện ở miền
Nam Thái Lan với những đặc trưng như
“tính khái quát, ước lệ nhưng khỏe, chắc
của nghệ thuật Amaravati” [2, tr.49]. Niên
đại của nhóm tượng mang phong cách
Amaravati này có niên đại khoảng thế kỷ
III - thế kỷ IV. Ngoài ra, ở một số địa điểm
khác thuộc địa bàn vương quốc cổ Phù
Nam cũng phát hiện được nhiều tượng Phật
bằng đá, gỗ, đồng được chế tác theo phong
cách, kiểu dáng tượng Phật đứng
(Buddhapad), lấy ý tưởng từ hình dáng Đức
Phật trên những điện thờ ở hang Ajanta và
được xếp vào phong cách Hậu Gupta (thế
kỷ IV - thế kỷ V).
2.2. Giai đoạn chuyển tiếp - Phong cách
Tiền Angkor và Phong cách Trung Java
(thế kỷ VI - thế kỷ IX)
2.1.1. Phong cách Tiền Angkor (thế kỷ VI
- đầu thế kỷ IX)
Thuật ngữ Tiền Angkor là khái niệm
do các nhà nghiên cứu nghệ thuật đưa ra
với ý nghĩa là một giai đoạn nghệ thuật có
trước Angkor của toàn bộ vùng phía Nam
bán đảo Đông Dương. Phong cách nghệ
thuật Tiền Angkor xuất hiện ở một số nơi
với những giai đoạn khác nhau mang tên
gọi của những địa điểm kiến trúc chính như
Phnom Da, Sambor Prei Kuk, Prei Kmeng,
Prasat Andet, Kongpong Preah. Ngày nay,
số lượng các công trình kiến trúc và những
tác phẩm nghệ thuật của giai đoạn lịch sử
này không còn nhiều.
Tiêu biểu cho nền nghệ thuật thời kỳ
này là các đà ngang được tạo tác từ đá sa
thạch, thể hiện kỹ thuật chạm khắc nổi
công phu, cầu kỳ, trang trí phần trên cửa
đền, tháp. Đà ngang ở Sambor Prei Kuk thể
hiện hình ảnh hai Makara (biểu tượng của
thần tình yêu và khát vọng) có người cưỡi,
phun ra từ hai miệng mở to là những kết
cấu trang trí bằng hoa, lá, xâu chuỗi và
những chấm lớn được thể hiện bằng ba
vòng hoa kết hình ôvan làm nổi bật những
hình nhân. Bên dưới, hình tượng trang trí
được phun ra từ hai Makara là những chuỗi
trang sức.
Cuối thế kỷ VII, đặc trưng bản địa
trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc
xuất hiện qua các đà ngang ở Prei Kmeng,
“lần đầu tiên thể hiện những đường gợn
sóng hình ngọn lửa, hình thức trang trí này
trở thành một yếu tố đặc thù của nghệ thuật
Khmer, chúng nhô lên mọi nơi khắp các
mái hiên và những đường gờ” [9, tr.26].
Đặc điểm nghệ thuật thời kỳ Tiền
Angkor còn được thể hiện thành công ở
những pho tượng thần. Ban đầu là các pho
tượng Ấn Độ giáo, chế tác chủ yếu bởi đá
sa thạch, hình thức thể hiện gần gũi với
những pho tượng thần Bàlamôn giáo của
những vương quốc cổ khác nhau trong khu
vực như Phù Nam, Dvaravati, Sri Vijaya.
Xét về tổng thể, những pho tượng thời
kỳ Tiền Angkor thường thể hiện các nam
thần và nữ thần theo các điển tích Bàlamôn
giáo. Đặc trưng của tượng nam thần là sự
hiện hữu của yếu tố bản địa như “môi dày,
có ria mép, cánh mũi to, thân hình vạm vỡ,
vai rộng, ngực nổi vồng, tư thế mạnh mẽ dữ
dội nhưng vẫn không làm lu mờ tính mềm
mại, sống động của hình thể” [2, tr.88].
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 13, Tháng 01 - 2019
131
Tượng nữ thần được chia làm hai loại,
tượng trong những tư thế đứng khác nhau
và tượng bán thân. Đặc điểm của các tượng
nữ thần là “đều có khuôn mặt trái xoan
hoặc tròn trĩnh với hàng lông mày cong,
đôi mắt hình hạnh nhân xinh xắn và đôi
môi mọng diễn cảm, ngoài sự tôn vinh nét
đẹp cơ thể người phụ nữ còn pha lẫn với sự
gợi tình” [2, tr.86].
Như vậy, trong thời kỳ đầu xây dựng
nhà nước của mình, trong nghệ thuật và tôn
giáo, cư dân cổ Cambodia đã lấy Bàlamôn
giáo làm chủ đề thể hiện. Và không dừng
lại ở việc mô phỏng những mô hình, quy
tắc theo truyền thống văn hóa, tôn giáo Ấn
Độ, mà từ khá sớm, họ đã sáng tạo, đưa
nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng bản địa của
mình vào nền nghệ thuật tôn giáo và bước
đầu định hình được một số giá trị truyền
thống riêng của dân tộc, đạt được một số
thành tựu nổi bật nhất định trong nghệ thuật
kiến trúc và điêu khắc thời kỳ đầu. Đó cũng
là truyền thống độc đáo riêng của cư dân
Cambodia, tạo tiền đề cho sự phát triển văn
hóa dân tộc trong những giai đoạn sau.
2.2.2. Phong cách Trung Java (thế kỷ
VIII - thế kỷ IX)
Trước khi văn hóa Ấn Độ xâm nhập vào, ở
Indonesia (ngày nay) đã từng tồn tại những nền
văn hóa đồ đá, đồ đồng rất đặc sắc. Sự kết hợp
giữa truyền thống với những yếu tố văn hóa Ấn
Độ, nghệ thuật Indonesia lúc bấy giờ từng bước
thăng hoa. Sự hùng mạnh của vương triều
Sailendra góp phần làm xuất hiện dòng nghệ
thuật đầu tiên ở Indonesia, nghệ thuật Trung Java.
Các đền thờ Ấn Độ giáo ở cao nguyên
Dieng (thế kỷ VII hoặc thế kỷ VIII), được
xây dựng nhằm hiến dâng cho thần Siva là
những công trình kiến trúc cổ xưa nhất trên
đất nước Indonesia, mở đầu cho phong cách
nghệ thuật Trung Java. Gần như cùng thời
gian này là những công trình kiến trúc Phật
giáo, trong đó nổi bật hơn cả là kiến trúc
Borobudur (thế kỷ VIII). Hầu hết các đền
thờ ở Java đều được gọi là Candi. Candi là
những kiến trúc thờ phụng bằng đá nguyên
khối, các tầng bậc của kiến trúc được hạ
thấp độ cao, cấu trúc của các Candi gần gũi
với loại hình điện thờ đơn theo khuôn mẫu
Ấn Độ (một tháp nhọn và một mái cổng),
đảm bảo các yếu tố của hình ảnh thu nhỏ
của núi vũ trụ Meru. Candi còn được trang
trí bởi các vòng tường bên ngoài. Tiêu biểu
cho những Candi ở cao nguyên Dieng là
Candi Arjuna, Candi Puntadewa.
Những tác phẩm điêu khắc sớm ở giai
đoạn đầu thời kỳ Trung Java xuất hiện đầu
tiên ở cao nguyên Dieng và một vài nơi
khác, chủ đề thể hiện thường là những vị
thần Ấn Độ giáo. Trong số những pho
tượng còn lại khá nguyên vẹn là pho tượng
thần Siva ngồi trên đài sen vuông được thể
hiện theo truyền thống Ấn Độ. Nhưng
chính ở bức tượng này, đặc trưng của điêu
khắc Trung Java được thể hiện với những
đặc điểm “khuôn mặt dịu dàng hình ôvan, gò
má hơi cao, mũi thanh, cặp mắt to” [2, tr.195].
Từ nửa cuối thế kỷ VIII đến giữa thế
kỷ IX, nghệ thuật Trung Java sau một thời
gian tìm tòi, thử nghiệm, đột phá đã thăng
hoa rực rỡ. Các vị vua của vương triều
Sailendra xây dựng nhiều đền tháp tập
trung ở đồng bằng Kedu, điển hình nhất
thời kỳ này là đại Stupa Borobudur.
Borobudur (Đức Phật tôn kính) được
đánh giá “là một trong những công trình
kiến trúc vĩ đại do con người từng kiến tạo
nên” [9, tr.227]. Kiến trúc này được xây
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân
132
dựng vào cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX
dưới thời vương triều Sailendra. Tuy gọi là
Stupa nhưng Stupa Borobudur không thờ
thánh tích Phật như truyền thống, mà ở đây,
phổ biến nhất là những Stupa trổ hình mắt
cáo cùng những pho tượng Phật ngồi trong
tư thế thuyết pháp. Kiến trúc đồ sộ này có
khoảng “800 ngôi tháp hoặc cơ sở tưởng
niệm, không cái nào giống cái nào cả về
kích cỡ lẫn kiểu thức trang trí” [10, tr.256].
Những phù điêu chạm khắc nổi ở
Borobudur tập trung chủ yếu ở tầng nền và
bốn tầng bậc hình vuông. Hình thức thể
hiện phù điêu ở đây rất quyến rũ nhưng
trang nghiêm, lặng lẽ, mang dấu ấn của
phong cách cổ điển Ấn Độ, các phù điêu
trên tường tiếp nối nhau tạo thành một bức
tranh chạm khắc nổi hoành tráng, sinh động
về cuộc đời Đức Phật từ lúc sinh thành cho
đến khi đắc đạo.
Nghệ thuật Trung Java không chỉ nổi
tiếng với kiến trúc Borobudur. Vào thế kỷ
X, vương quốc Mataram thiết lập quyền cai
trị lên toàn bộ vùng Trung Java. Các công
trình kiến trúc nhằm phục vụ nhu cầu tôn
giáo tiếp tục được xây dựng. Tuy nhiên,
niềm tin tôn giáo lúc này đã có sự thay đổi,
thay thế cho Phật giáo là Ấn Độ giáo. Một
trong số các công trình kiến trúc tiêu biểu cho
giai đoạn lịch sử này là kiến trúc mang đậm
dấu ấn của Ấn Độ giáo - Loro Gionggrang.
Loro Gionggrang là một tổng thể kiến
trúc bao gồm hàng trăm ngôi đền lớn, nhỏ
tọa lạc trên ba khu đất hình vuông, tượng
trưng cho ba thế giới (thế giới của những
người trần tục, của các đạo sĩ và của thần
linh). Nổi bật trong đó, ba đền thờ ở trung
tâm, tôn thờ ba vị thần quan trọng nhất của
Ấn Độ giáo là Brahma, Visnu và Siva.
Theo các nhà nghiên cứu, “dường như cư
dân Java cổ không có sự phân biệt rõ ràng
trong việc thờ ba vị thần này và không có vị thần
nào quan trọng hơn vị thần nào” [3, tr.57].
Tương tự Borobudur, chính phù điêu
trang trí góp phần mang lại giá trị lớn lao
cho Loro Gionggrang. Phù điêu ở đây
mang đậm màu sắc Ấn Độ giáo, lấy sử thi
Ramayana làm đề tài thể hiện, 43 phù điêu
ở đền thờ Siva và 30 phù điêu ở đền thờ
Brahma mô tả những sự kiện cốt yếu của
bộ sử thi này.
Nhìn chung, phù điêu trang trí của nghệ
thuật Trung Java qua hai tổng thể kiến trúc
lớn Borobudur và Loro Gionggrang có vẻ
đẹp tràn đầy sức sống, mang lại cho người
chiêm ngưỡng cảm giác về sự hiện hữu của
chủ đề tôn giáo và nghệ thuật cổ điển Ấn Độ
ở đảo Java. Đây cũng là một đặc điểm nổi
bật của nghệ thuật Trung Java.
2.3. Giai đoạn phát triển của nghệ thuật
kiến trúc và điêu khắc Đông Nam Á -
Champa, Angkor, Pagan (thế kỷ IX – thế
kỷ XIII)
2.3.1. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc
Champa (thế kỷ IX – thế kỷ XIII)
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, “từ
khi mới lập quốc, người Chăm đã chịu ảnh
hưởng của văn hóa Ấn Độ một cách sâu
đậm. Họ theo phong tục, tôn giáo, pháp
luật, tư tưởng, chính trị Ấn Độ” [5, tr.19].
Champa một vương quốc Ấn Độ hóa, tôn
giáo giữ vai trò chủ đạo, chi phối mọi hoạt
động đời sống xã hội. Nhưng với dân tộc
Chăm, văn hóa nghệ thuật phục vụ nhu cầu
tâm linh được thể hiện mang đậm dấu ấn
bản địa mặc dù chủ đề, nội dung tôn giáo
du nhập từ Ấn Độ.
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 13, Tháng 01 - 2019
133
Nền nghệ thuật của vương quốc cổ
Champa tồn tại nhiều phong cách nghệ thuật
với những đặc trưng riêng biệt. Giai đoạn
trước thế kỷ IX là sự tiếp thu, mô phỏng nghệ
thuật Ấn Độ. Giai đoạn kế tiếp là phong cách
Mỹ Sơn E1, phong cách Hòa Lai và phong
cách Đồng Dương (thế kỷ IX), sang thế kỷ X
nổi lên phong cách Mỹ Sơn A1 và sau cùng
là phong cách Bình Định (thế kỷ XI - XIII).
Các hình thức nghệ thuật (kiến trúc và điêu
khắc) ở Champa thường song hành với các
chủ đề tôn giáo. Mối quan hệ tương tác này
hòa quyện với nhau tạo nên một thể thống
nhất không tách rời và kết quả của quá trình
này là sự ra đời những kỳ quan nghệ thuật
độc đáo không thể tìm thấy cái thứ hai hoặc
để so sánh ở bất cứ nơi đâu, kể cả Ấn Độ.
Các tượng Visnu, tượng Phật thuộc
phong cách Hòa Lai được thể hiện đa dạng
và mang hơi hướng ảnh hưởng từ các vùng
khác nhau trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong thời kỳ này, Phật giáo Đại
Thừa được truyền bá vào vương quốc
Champa từ các quốc gia vùng hải đảo. Ở
phong cách Đồng Dương, đặc điểm nhân
chủng của cư dân bản địa cũng được thể
hiện rõ nét qua những hình nhân và thậm
chí lan sang cả tượng Phật, góp phần tạo
cho phong cách Đồng Dương những đặc
trưng độc đáo, kỳ lạ nhất trong nền nghệ
thuật Chăm,
Nền nghệ thuật Chăm ngoài mục đích phục
vụ tôn giáo còn có chức năng phục vụ nhà vua,
vị thần chủ duy nhất được xây dựng đền tháp
thờ. Vì thế, các tháp thờ thường gắn liền với
vương triều của một vị vua, thể hiện sự thần
thánh hóa các vị vua sau khi băng hà. Một đặc
trưng khác trong nghệ thuật Chăm là sự thay
đổi các phong cách nghệ thuật, chú trọng, nhấn
mạnh đến sự sáng tạo trong điêu khắc, trang trí
hơn là sự sáng tạo trong kiến trúc. Do đó, trong
nghệ thuật cổ điển Champa, nét chủ đạo nghệ
thuật rõ ràng là lĩnh vực điêu khắc. Tuy vậy,
kiến trúc tháp Chăm, một loại hình kiến trúc
vô cùng độc đáo của nhân loại, kỹ thuật xây
dựng tháp Chăm cho đến nay vẫn còn là
những ẩn số chưa được giải đáp thỏa đáng.
Người Chăm gọi những ngôi tháp gạch
của họ là Kalan. Hầu hết các Kalan hiện
tồn đều có tính chất đền thờ lẫn tính lăng
mộ của các vua chúa. Nghệ thuật kiến trúc
Chăm trong thời gian này trải qua các
phong cách nghệ thuật với đặc trưng khác
nhau: phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách
Hòa Lai, phong cách Đồng Dương, phong
cách Mỹ Sơn A1, phong cách Bình Định.
Nhưng nhìn chung, “cả kiến trúc lẫn điêu
khắc Champa đã đạt đến sự thể hiện hoàn
hảo trong lịch sử nghệ thuật cổ điển của
dân tộc họ” [8, tr.41].
2.3.2. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ
điển Angkor (giữa thế kỷ IX - thế kỷ XII)
Đầu thế kỷ IX, vương quốc Cambodia
bước vào một giai đoạn lịch sử huy hoàng
và phát triển thịnh vượng nhất của dân tộc -
thời kỳ Angkor (802 - 1432). Chính vì vậy,
nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gắn với
tôn giáo ở vương quốc này cũng bước vào
giai đoạn vô cùng rực rỡ.
Kiến trúc thời kỳ đầu giai đoạn cổ điển
Angkor là sự tìm tòi thay đổi về mặt chất
liệu xây dựng, quy mô to lớn, mặt bằng
kiến trúc phức tạp hơn những giai đoạn
trước kia. Các ngôi đền tháp vẫn là hiện
thân vật chất hóa ngọn núi thiêng Meru
theo truyền thống kiến trúc tôn giáo Ấn Độ,
nhưng đối với các vị vua Cambodia đương
thời, ngoài những ý nghĩa mang tính truyền
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân
134
thống tôn giáo Ấn Độ, đền tháp còn mang
một ý nghĩa mới, là nơi trú ngụ linh hồn
của các vị Thần - Vua của vương quốc khi
sống và chức năng lăng mộ khi nhà vua
băng hà. Các vị vua Cambodia coi mình là
hiện thân của thần linh, nên khi còn sống,
mỗi vị đều xây dựng cho mình một ngôi
đền - núi và quan niệm rằng, khi chết sẽ trở
thành vị thần nhập vào ngôi đền núi mà họ
đã xây.
Do vậy, những kiến trúc mang chức
năng tôn giáo được gia tăng về kích thước
lẫn kỹ thuật trang trí, chạm khắc với mong
muốn thể hiện đầy đủ nhất ý nghĩa, chức
năng của ngôi tháp thờ Vua - Thần theo
quan niệm của dân tộc. Đặc trưng của một
ngôi đền tháp thờ Vua - Thần ở Cambodia
là ngôi đền tọa lạc trên một quả núi tự
nhiên hoặc những nền tầng cao hình khối
nhỏ dần khi lên cao, trên đỉnh thường có
năm tháp tượng trưng cho năm đỉnh của
ngọn núi vũ trụ Meru, lục địa và đại dương
vũ trụ quanh núi Meru được thể hiện bằng
những hào nước và những lớp tường hoặc
hành lang. Để liên kết thế giới trần tục và
thế giới thiêng liêng, các nghệ nhân Khmer
cổ tạo tác những chiếc cầu đá (tượng trưng
cho cầu vồng), lan can hình rắn Naga bắc
qua những hào nước.
Như vậy, đặc điểm, hình thức thể hiện
một ngôi đền Khmer tiêu biểu thời Angkor
cổ điển là một tổng thể kiến trúc mang nội
dung, ý nghĩa thể hiện niềm tin tôn giáo rất
rõ nét của cư dân Khmer. Nhưng điểm
đáng lưu ý chính là sự sáng tạo, ra đời về
mặt kiến trúc (ngôi đền - núi) cũng như tôn
giáo (Thần - Vua) của dân tộc Khmer trong
thời kỳ lịch sử này.
Vua Jayavarman II (802 - 850), để
khẳng định quyền lực và sự tôn kính, sùng
tín của vương quốc đối với các vị thần Ấn
Độ giáo thiêng liêng đã cho xây dựng nhiều
công trình kiến trúc, công trình quan trọng
nhất là kinh đô Mahendraparvata trên núi
Phnom Kulên gần Angkor.
Đến nửa cuối thế kỷ IX đến thế kỷ XI,
nghệ thuật cổ điển Angkor thực sự phát
triển rực rỡ với nhiều công trình nghệ thuật
kiến trúc độc đáo. Hàng loạt các công trình
kiến trúc tiêu biểu như Preah Ko, Bakong,
Bakheng, Phnom Krom, Kravan, Pre Rup,
Banteay Srei ra đời.
Đầu thế kỷ XII, Cambodia bước vào
một trong những giai đoạn hùng mạnh nhất
của lịch sử. Hàng loạt các công trình kiến
trúc được xây dựng, nổi tiếng nhất là ngôi
đền - núi Angkor Wat. Nghệ thuật kiến trúc
và điêu khắc thời kỳ này được định danh
theo tên gọi của ngôi đền này. Đây thực sự
là một trong số ít các di tích kiến trúc, điêu
khắc nổi tiếng được biết đến nhiều nhất ở
Đông Nam Á.
Angkor Wat được xây dựng vào đầu
thế kỷ XII (1113 - 1150) nhằm dâng hiến
cho thần Visnu và dành riêng cho chính
nhà vua. Xét về mặt cấu trúc, mô hình
Angkor Wat vẫn tiếp tục thể hiện những
nguyên tắc truyền thống của một ngôi đền -
núi, tuy nhiên, kích thước của công trình
này được nâng lên một tầm vóc chưa từng
có trước đó. Bố cục, ý nghĩa cao siêu của
công trình kiến trúc Angkor Wat nhằm
minh họa “phúc lành của thượng giới sau
đó chảy cuồn cuộn ra phía bên ngoài, xuất
phát từ ngôi đền là trung tâm của vũ trụ
hoặc là thế giới của các thần linh. Nó đi
xuyên qua chiếc cổng vòng cung và băng
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 13, Tháng 01 - 2019
135
qua chiếc cầu có lan can hình con rắn để
làm lợi ích cho nhân loại” [10, tr.221-222].
Giá trị nghệ thuật của Angkor Wat là
sự hài hòa giữa điêu khắc với kiến trúc.
Điêu khắc ở đây không chỉ tô điểm mà còn
hòa hợp với từng thành phần và tổng thể
chung của kiến trúc. Chỉ riêng các mẫu
chạm khắc trên mép hào bao quanh đền dài
đến 10 km, hình tượng vũ công có đến hai
ngàn phiên bản không trùng lặp. Chủ đề
của các phù điêu trang trí điêu khắc ở
Angkor Wat từ trái sang phải, bắt đầu từ
góc phải mặt tường phía tây với chủ đề lần
lượt là chiến trận Kurukshetra, những cảnh
từ sử thi Ramayana, quân đội của vua
Suryavarman II, thần Yama, sự tích Khuấy
Biển Sữa, các phù điêu ghi chép văn tự cổ,
chiến thắng của thần Visnu trước những
con quỷ, chiến thắng của thần Visnu trong
hóa thân Krishna trước quỷ vương Bana,
cuộc chiến giữa các vị thần với những con
quỷ dữ, chiến trận Lanka,... Tất cả được bố
trí hợp lý giúp người xem hiểu được toàn
bộ nội dung sử thi. Đây thực sự là một tác
phẩm tạo hình lớn nhất của nhân loại.
Cuối thế kỷ XII, Phật giáo Đại thừa
chính thức là quốc giáo ở vương quốc
Campuchia cổ, thay thế hoàn toàn Ấn Độ
giáo. Quần thể kiến trúc Angkor Thom với
trung tâm ngôi đền Bayon được xem là đại
diện tiêu biểu cho các công trình nghệ thuật
cổ điển Campuchia thời kỳ này.
Angkor Thom được xây dựng từ năm
1190 đến năm 1210. Đây là kinh đô cuối
cùng của đế quốc Khmer cổ đại. Tuy là một
công trình kiến trúc được xây dựng dưới
ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Phật
giáo Đại thừa nhưng những yếu tố truyền
thống văn hoá Ấn Độ trong kiến trúc vẫn
được bảo đảm. Angkor Thom vẫn là một
tiểu vũ trụ trên trần thế với cấu trúc được
“chia làm bốn phần trên một trục chính,
đền Bayon là trục giữa như là biểu tượng
mối liên hệ giữa Trời và Đất, bức tường
bao quanh Angkor Thom là biểu hiện của
những dãy núi xung quanh núi vũ trụ Meru,
những hào nước xung quanh là biểu tượng
cho đại dương vũ trụ” [7, tr.82].
Bayon là một đền tháp ba tầng. Tất cả
các bộ phận của kiến trúc đều có những
chỏm tháp cao thấp khác nhau. Có tất cả 52
tháp nhỏ chạm khắc mặt người nhìn ra bốn
hướng với phong cách và khuôn mẫu thể
hiện là khuôn mặt Đức Phật (cũng chính là
khuôn mặt của vua Jayavarman VII trong
hình tượng Bồ Tát). “Khuôn mặt với đôi
mắt khép hờ, miệng nở nụ cười khoan dung
và bí ẩn, có lúc như mỉa mai trêu cợt, có
lúc như vỗ về, thương cảm,... Tất cả đều
được thể hiện một cách sống động và kỳ
diệu đến lạ lùng” [3, tr.74]. Ngoài ra,
những phù điêu mô tả cảnh chiến trận,
những tiên nữ Apsara duyên dáng. Hình
thức thể hiện này có thể được xem là một
trong số những hình ảnh tượng trưng tiêu
biểu, rõ ràng nhất cho sự hợp nhất giữa thế
quyền với thần quyền trong chính trị của
lịch sử Cambodia cổ đại.
Độc đáo không kém phần kiến trúc,
phù điêu trang trí chạm khắc ở Angkor
Thom là nghệ thuật tạc tượng với “hai
điểm nổi bật là tính tâm linh và tính chân
dung sâu sắc” [2, tr.112]. Đặc điểm này thể
hiện rõ quan niệm, tư tưởng tôn giáo dưới
triều đại trị vì của vua Jayavarman VII.
Những tượng nam trong tư thế đường bệ,
cân đối, tĩnh, duy nhất chỉ có khuôn mặt
mới được trau chuốt nhằm làm nổi bật ý
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân
136
nghĩa nội tâm mang dấu ấn triết lý Phật
giáo. Có phần trái ngược với các tượng
nam, các bức tượng nữ tuy cũng trong tư
thế tĩnh nhưng bố cục gầy gò, những đường
nét đặc trưng vốn có của nữ giới bị giảm
thiểu tối đa trong việc thể hiện. Có thể nhận
xét rằng, loại hình nghệ thuật tạc tượng
trong giai đoạn này chú tâm đến việc thể
hiện những bức tượng có hồn, có nội tâm rõ
rệt nhưng mặt khác, đó cũng là những bức
tượng thiếu tính sinh động, thiếu sức sống
nhất trong lịch sử nghệ thuật cổ điển
Campuchia. Nguyên nhân có thể do xuất
phát từ sự chi phối của tôn giáo đối với nghệ
thuật cũng như mục đích của nghệ thuật
theo truyền thống văn hóa Ấn Độ, những
nguồn gốc cơ bản của giáo lý Phật giáo.
2.3.3. Phong cách cổ điển Pagan (thế kỷ
XI - thế kỷ XIII)
Myanmar là quốc gia duy nhất ở Đông
Nam Á có biên giới với Ấn Độ. Trước khi
Pagan - vương quốc thống nhất đầu tiên
được thành lập trên lãnh thổ Myanmar ngày
nay, một số vương quốc cổ đã từng tồn tại
trên lãnh thổ của quốc gia này: vương quốc
Pyu (thế kỷ III) ở vùng trung lưu sông
Irrawaddy, vương quốc của người Môn với
kinh đô là Thaton,...
Trong thời kỳ vương quốc Pagan thịnh
vượng (1044 - 1287), nền văn hóa dân tộc
được hình thành mang đậm dấu ấn Phật
giáo, nhiều ngôi chùa tháp được xây dựng.
Thế kỷ XII, vương quốc Pagan phát triển
về lãnh thổ lẫn kinh tế và văn hóa, xã hội
và là trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở khu
vực Đông Nam Á.
Trong lịch sử nghệ thuật cổ điển
Myanmar, Pagan là nơi xuất phát điểm và
cũng là nơi đánh dấu sự thành công rực rỡ
nhất và tiêu biểu nhất. Ngay sau khi được
thống nhất (năm 1044), đô thị cổ Pagan
được quy hoạch lại, ngày nay nơi đây là
một địa điểm có mật độ các công trình kiến
trúc tôn giáo dày đặc, “khoảng 2230 công
trình kiến trúc tôn giáo bao trùm lên diện
tích 16 dặm vuông” [11, tr.3-4]. Trong số
đó, hầu hết là những công trình kiến trúc
Phật giáo Tiểu Thừa, còn lại là “đền
Nathlaung Kyaung là ngôi đền Ấn Độ giáo
duy nhất hiến dâng cho thần Visnu. Đền
Payathonzu và Abeyadana có những đặc
điểm Phật giáo Đại Thừa” [11, tr.5].
Ở Myanmar có hai loại hình kiến trúc
tôn giáo chủ yếu: các tháp (Stupa -
Cetiyas), và loại kiến trúc chùa (Gu -
hang). Ở Myanmar, những ai có điều kiện
đều được phép xây dựng chùa làm công
đức. Kiến trúc tháp thường to lớn, đồ sộ và
quy mô hơn chùa nên chỉ có tầng lớp quý
tộc giàu có mới đủ khả năng xây dựng.
Kiến trúc chùa nhỏ hơn, thường do cư dân
góp tiền, góp công xây dựng.
Chùa tháp ở Myanmar có mô hình gần
giống những tháp ở Ấn Độ nhưng chức
năng chủ yếu của chùa tháp Myanmar
nhằm thể hiện tinh thần Phật giáo. Đó là
những biểu tượng Phật giáo cụ thể, rõ ràng,
hình thức được xây dựng như ngọn núi đồ
sộ, chóp tháp phủ vàng tượng trưng cho
năng lượng và sức mạnh của ngọn lửa
thiêng. Trong số đó, chùa tháp cao nhất là
Thatbyinnyu (cao 61m), chùa tháp đẹp nhất
ở Pagan là Ananda.
Chùa tháp Ananda xây dựng vào năm
1090, kiến trúc tiêu biểu của chùa tháp
Myanmar. Chùa tháp có bình đồ hình
vuông, mỗi cạnh dài khoảng 80m, độ cao
khoảng 52m. Các mái chùa cong nghiêng
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 13, Tháng 01 - 2019
137
mang dấu ấn phong cách Môn và nhấp nhô
những chóp phụ, viền mái là những hàng
tường hình răng cưa, bên dưới là những
mảng trang trí tráng men thể hiện các điển
tích về tiền kiếp của Đức Phật. Gian thờ
chính đặt tượng Phật mạ vàng cao 10m trên
một bệ tượng cao 3m. Khuôn mặt Đức Phật
thể hiện theo quan niệm Phật giáo như
những bức tượng Phật khác, phảng phất nụ
cười đầy ẩn ý, điềm tĩnh, bình thản. Đối
diện tượng Phật là những ô cửa sổ, ánh
sáng chiếu qua ô cửa soi sáng gương mặt
Đức Phật nổi bật lên giữa một không gian
mờ ảo của gian thờ. Dưới chân tượng là hai
tượng người trong tư thế quỳ. “Đó là những
tác phẩm điêu khắc chân dung duy nhất có thể
tìm thấy trong các chùa ở Pagan” [3, tr.64].
Bên cạnh kiến trúc là những thành
phần trang trí, điêu khắc tô điểm thêm cho
công trình kiến trúc. Hình thức thể hiện
tượng trong nghệ thuật cổ điển Myanmar là
tượng Phật với phong cách sao chép những
khuôn mẫu cổ xưa, không chú trọng đến
việc cải tiến hình mẫu. Ngoài những bức
tượng Phật trong các chùa, tháp là những
tượng Phật đặt đơn độc ngoài trời. Đây
thường là những bức tượng với sự thể hiện
đơn giản, kích thước to lớn, nổi bật giữa
cảnh quan thiên nhiên.
Nhìn chung, kiến trúc tôn giáo ở Pagan
tuy chịu nhiều ảnh hưởng của kiến trúc và
tôn giáo Ấn Độ, nhưng cư dân ở đây đã
sáng tạo cho dân tộc mình những đặc điểm,
sắc thái riêng độc đáo. Đó là trình độ điêu
luyện về mặt xây dựng gạch và lớp vữa giả
đá trát gạch làm cho công trình kiến trúc
tuy được xây bằng gạch nhưng có dáng vóc
như được làm bằng đá. Giá trị nghệ thuật
của kiến trúc tôn giáo Myanmar là sự phối
hợp đều đặn, nhịp nhàng giữa các yếu tố,
các thành phần kiến trúc, tạo được ấn tượng
mạnh khi đứng nhìn từ xa. Một đặc điểm
mà không có công trình kiến trúc nào khác
ở Đông Nam Á đạt được là sự phối hợp
màu sắc của kiến trúc (màu trắng của
tường, màu vàng của các đỉnh chóp tháp)
vừa làm tăng thêm vẻ đẹp của kiến trúc vừa
thể hiện được quan niệm tôn giáo.
3. KẾT LUẬN
Nền nghệ thuật cổ điển Đông Nam Á
chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nền nghệ thuật
truyền thống Ấn Độ, cho nên cũng giống
nghệ thuật Ấn Độ, nghệ thuật cổ điển Đông
Nam Á chịu sự chi phối mạnh mẽ của hai
tôn giáo lớn trong lịch sử Ấn Độ là Ấn Độ
giáo và Phật giáo. Trong khoảng 13 thế kỷ
đầu Công nguyên, nền nghệ thuật cổ điển
Đông Nam Á đã phát triển cả về chiều sâu
lẫn bề rộng, với các phong cách nghệ thuật
đa dạng và độc đáo.
Các công trình nghệ thuật kiến trúc và
điêu khắc trong nền nghệ thuật cổ điển
Đông Nam Á thể hiện sự tiến triển của cả
hình thức lẫn nội dung tôn giáo (cụ thể ở
đây là Ấn Độ giáo và Phật giáo) theo từng
thời kỳ lịch sử. Dấu ấn tôn giáo trong nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc của nền nghệ
thuật cổ điển Đông Nam Á tuy vô cùng
đậm nét, nhưng cũng có sự hòa trộn với
những yếu tố tín ngưỡng bản địa và cảm
hứng nghệ thuật của chủ thể sáng tạo, đóng
góp vào kho tàng văn hóa nghệ thuật của
nhân loại.
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Nguyễn Đức Quân
138
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ngô Văn Doanh (2003), Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb Trẻ.
[2] Ngô Văn Doanh, Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (2000), Nghệ thuật Đông Nam Á, Nxb
Lao Động.
[3] Lê Phụng Hoàng, Hà Bích Liên, Trần Hồng Ngọc (1998), Các công trình kiến trúc nổi
tiếng trong lịch sử thế giới cổ trung đại, Nxb Giáo dục.
[4] Trương Sĩ Hùng (Chủ biên, 2003), Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb Thanh Niên.
[5] Phan Khoang (1967), Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777 – Cuộc Nam tiến của dân tộc
Việt, Nxb Sài Gòn.
[6] Lương Ninh (Chủ biên) (1999), Lịch sử văn hóa thế giới cổ - trung đại, Nxb Giáo dục.
[7] Dawn F. Rooney (1994), Angkor an introduction to the temples, Asia Books.
[8] Emmanuel Guillon (2001), Cham Art treasures from the Da Nang museum, Vietnam,
River Books Ltd.
[9] Philip Rawson (1995), The Art Of Southeast Asia, Thames and Hudson.
[10] Robert E. Fisher (Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch) (2002), Mỹ thuật và kiến
trúc Phật giáo, Nxb Mỹ thuật.
[11] SEAMEO Regional Centre for History and Tradition (2001), Cultural Classics,
University Estate, Yangoon, Myanmar.
[12] Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch (2003), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Văn hóa
Thông tin.
Ngày nhận bài: 20-12-2018. Ngày biên tập xong: 28-12-2018. Duyệt đăng: 21-01-2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dau_an_ton_giao_trong_kien_truc_va_dieu_khac_cua_nghe_thuat.pdf