Đề tài Bình - Trị - Thiên xây dựng và củng cố hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp

MỞ ĐẦU Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và nhân dân Việt Nam đã ghi nhận hai chiến thắng oanh liệt, đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đế quốc Mỹ, là hai đế quốc lớn, sừng sỏ vào bậc nhất của thế giới. Những thắng lợi đó, là công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân. Đảng ta có những sách lược, chiến lược đúng đắn. Và có sự đóng góp về sức người sức của của nhân dân, có sự động viên tinh thần của những người ở nhà đối với tiền tuyến. Đó là hậu phương. Càng khẳng vai trò của hậu phương thật là to lớn đối với tiền tuyến trong chiến tranh nhân dân, là nhân tố thường xuyên quyết định đến thắng lợi của chiến tranh. Chiến tranh càng hiện đại vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến càng tăng lên. Trong hai cuộc chiến tranh hiện đại của Việt Nam, hậu phương được tổ chức chặt chẽ theo một đường lối đúng đắn, sáng tạo và bằng những biện pháp có hiệu quả. Việc giải quyết thành công vấn đề hậu phương trong hai cuộc kháng chiến nói trên đã góp phần giải thích tại sao dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc to có tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và khoa học có công nghệ mạnh hơn ta rất nhiều. Trong chiến công chung của cả nước cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp có phần đóng góp to lớn, hiệu quả của quân và dân Liên khu IV. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ta có ba vùng tự do làm hậu phương: vùng tự do Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, vùng tự do Nam Ngãi - Bình Phú. Mặt Trận Bình - Trị - Thiên là một mặt trận ác liệt, nhưng chính nơi này đã là một hậu phương. MỤC LỤC MỞ ĐẦU I. Cơ sở lý luận I.1 Tầm quan trọng của hậu phương trong chiến tranh I.2. Xây dựng hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) II. Bình - Trị - Thiên xây dựng và củng cố hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp. II.1. Hậu phương tại chỗ trên chiến trường Bình Trị Thiên (1948-1950) II.2. Chiến khu Ba Lòng - hậu cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Quảng Trị và phân khu Bình - Trị - Thiên II.2.1. Quá trình xây dựng và vai trò của chiến khu Ba Lòng II.2.2. Về công tác xây dựng Đảng KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1954). Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997 2. Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Một số vấn đề lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu IV (1945-1954), Hà Nội, 2000

doc24 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2404 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Bình - Trị - Thiên xây dựng và củng cố hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và nhân dân Việt Nam đã ghi nhận hai chiến thắng oanh liệt, đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đế quốc Mỹ, là hai đế quốc lớn, sừng sỏ vào bậc nhất của thế giới. Những thắng lợi đó, là công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân. Đảng ta có những sách lược, chiến lược đúng đắn. Và có sự đóng góp về sức người sức của của nhân dân, có sự động viên tinh thần của những người ở nhà đối với tiền tuyến. Đó là hậu phương. Càng khẳng vai trò của hậu phương thật là to lớn đối với tiền tuyến trong chiến tranh nhân dân, là nhân tố thường xuyên quyết định đến thắng lợi của chiến tranh. Chiến tranh càng hiện đại vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến càng tăng lên. Trong hai cuộc chiến tranh hiện đại của Việt Nam, hậu phương được tổ chức chặt chẽ theo một đường lối đúng đắn, sáng tạo và bằng những biện pháp có hiệu quả. Việc giải quyết thành công vấn đề hậu phương trong hai cuộc kháng chiến nói trên đã góp phần giải thích tại sao dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc to có tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và khoa học có công nghệ mạnh hơn ta rất nhiều. Trong chiến công chung của cả nước cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp có phần đóng góp to lớn, hiệu quả của quân và dân Liên khu IV. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ta có ba vùng tự do làm hậu phương: vùng tự do Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, vùng tự do Nam Ngãi - Bình Phú. Mặt Trận Bình - Trị - Thiên là một mặt trận ác liệt, nhưng chính nơi này đã là một hậu phương. I. Cơ sở lý luận I.1 Tầm quan trọng của hậu phương trong chiến tranh Nói về tầm quan trọng của hậu phương, Lênin viết: “Muốn tiến hành chiến tranh một cách nghiêm chỉnh, phải có một hậu phương được tổ chức một cách vững chắc. Quân đội ưu tú nhất, những người tận tuỵ nhất đối với sự nghiệp của cách mạng cũng sẽ bị quân thù tiêu diệt ngay, nếu không được vũ trang, tiếp tế và huấn luyện đầy đủ”. Stalin cũng nói: “Không có quân đội nào trên thế giới không có hậu phương vững chắc mà lại có thể chiến thắng được (cố nhiên là chúng ta nói một cuộc chiến thắng bền vững và lâu dài). Hậu phương có một tầm quan trọng bậc nhất đối với tiền tuyến. Chính hậu phương và chỉ có hậu phương mới cung cấp cho tiền tuyến chẳng những các nhu cầu đủ mọi loại, mà còn cả binh lính, cả tình cảm lẫn tư tưởng nữa. Hậu phương không vững chắc nhất là hậu phương thù địch, sẽ nhất định biến những đội quân ưu tú nhất và cố kết nhất thành một đám quần chúng không vững chắc và nhu nhược…”. V.I.Lênin còn nói: “…Kinh nghiệm cuộc nội chiến ở Nga đã chỉ cho chúng ta và những người Cộng sản tất cả các nước thấy rằng trong khói lửa nội chiến, nhiệt tình cách mạng càng cao thì nội bộ trong nước càng được củng cố mạnh mẽ. Chiến tranh là sự thử thách đối với hết thảy mọi lực lượng kinh tế và lực lượng tổ chức của mỗi dân tộc. Chiến tranh dù đã làm cho công nhân và nông dân phải vô cùng gian lao vất vả, bắt họ chịu đói, chịu rét, nhưng cuối cùng vẫn có thể căn cứ vào kinh nghiệm hai năm mà nói rằng chúng ta đang thắng và chúng ta sẽ thắng, vì chúng ta có một hậu phương, một hậu phương vững chắc,…” Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng vậy, không phải có sức mạnh quân đội, vũ khí hiện đại là có thể giành thắng lợi lớn mà song song với xây dựng lực lượng quốc phòng, lực lượng vũ trang thì hậu phương phải vững chắc. “Song cái làm cho quân đội có sức mạnh, không phải chỉ là những đức tính riêng của nó. Quân đội không thể tồn tại lâu dài được nếu không có hậu phương vững chắc. Muốn cho tiền tuyến đứng vững thì quân đội phải nhận được tiếp viện, đạn dược, lương thực một cách đều đặn”. Như vậy, vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến là rất to lớn. “… Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ tổ quốc, nên chúng ta mới tự nhủ rằng: muốn tự vệ được phải có một quân đội mạnh và đoàn kết tốt, một hậu phương vững chắc, và muốn có một quân đội mạnh và đoàn kết tốt, thì trước hết phải thiết lập được một hệ thống tiếp tế được tổ chức tốt”. Cả Mác, Angghen, Lênin và Stalin đều đánh giá cao nhấn tố chính trị - tinh thần và yếu tố trang bị vũ khí của sự thử thách khắc nghiệt của chiến tranh nói chung và hậu phương nói riêng. Stalin cho rằng: “Lịch sử chiến tranh dạy rằng chỉ có những nước nào mạnh hơn đối phương của mình về mặt phát triển và tổ chức kinh tế, về kinh nghiệm, tài nghệ và tinh thần chiến đấu của quân đội, về tinh thần kiên cường và đoàn kết của nhân dân trong suốt cả quá trình chiến tranh thì mới chịu đựng được sự thử thách đó”. Còn điều kiện vật chất kỹ thuật “không có tinh thần dũng cảm tất nhiên không giành được thắng lợi. Nhưng chỉ dựa vào tinh thần dũng cảm thì vẫn chưa có thể đánh được quân đội của kẻ thù rất đông, được vũ trang mạnh mẽ, sĩ quan được huấn luyện kỹ càng, quân trang, quân dụng được cung cấp đày đủ. Để có thể chống lại sự tiến công của một kẻ địch như vậy, sau đó lại phản công và hoàn toàn đánh bại chúng thì ngoài việc dựa vào tinh thần dũng cảm vô song của quân đội ta ra, còn cần phải có những vũ khí hiện đại nhất với số lượng thật đầy đủ; thêm vào đó còn phải tổ chức thật tốt việc cung cấp với số lượng theo yêu cầu…”. Để đảm bảo được cả tinh thần và vật chất không gì ngoài hậu phương có thể. Hậu phương sẽ là nơi cung cấp cho tiền tuyến vũ khí, đạn dược, quân đội và cả tinh thần cổ vũ động viên nữa… Xưa nay, trong các cuộc chiến tranh, hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên quyết định thắng hay bại của hai bên. Tôn Tử coi vật chất là chỗ dựa chủ yếu của hành động quân sự, là cơ sở để tiến hành chiến tranh, qua đó nhấn mạnh chiến tranh phải “dựa vào hậu phương hùng mạnh, dựa vào lực lượng hùng hậu; quân đội nào tách khỏi hậu phương hùng mạnh thì không thể giành được thắng lợi trong chiến tranh, không thể tồn tại được. Hồ Chí Minh nói: “Khi có chiến tranh phải huy động và tổ chức tất cả lực lượng trong nước chống giặc”. Nhìn chung, vai trò của hậu phương đều được các nhà chiến lược, các nhà quân sự đánh giá cao, những người lãnh đạo và cầm quân đều phải quan tâm thường xuyên. Bởi vì, chiến tranh là sự thử thách toàn diện với mỗi bên tham chiến, cơ sở vật chất mạnh hay yếu, dồi dào hay thiều thốn là điều kiện quan trọng tác động đến thắng hay bại của chiến tranh. Các nhà quân sự phương Tây nhất là trong giới thực dân thường cho rằng bên nào có kinh tế mạnh hơn, lực lượng vật chất dồi dào hơn, thì bên đó sẽ thắng trong chiến tranh. Tuy nhiên điều kiện vật chất không thể đóng vai trò chủ yếu cho thắng lợi của cuộc chiến. Lịch sử chiến tranh đã từng chứng kiến những trường hợp bên có hậu phương lớn, có lực lượng vật chất dồi dào lại bị bên có lực lượng vật chất ít hơn và yếu hơn làm cho hao mòn suy sụp và cuối cùng phải chịu thất bại. Đó là trường hợp thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã bị nhân dân Việt Nam đánh thua liểng xiểng và phải chịu chấm dứt chiến tranh, rút quân viễn chinh về nước. Nhất là khi so sánh hậu phương của hai bên trong kháng chiến chống Mỹ, ai cũng thấy rõ sự chênh lệch nghiêng về phía Mỹ quá lớn. Hầu như các nước trên thế giới đều cho rằng kháng chiến chống Mỹ là phiêu lưu, mạo hiểm; đòi đánh thắng Mỹ là hão huyền, ảo tưởng. Nhưng đó là cuộc chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân kháng chiến làm cho sức mạnh của hậu phương chuyển ra tiền tuyến trở thành nguồn vô tận. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”, vì vậy, nói đến hậu phương là nói đến nhân dân. Nhân dân vừa là chủ thể trong việc xây dựng hậu phương, vừa là đối tượng phục vụ của hậu phương để kháng chiến đến thắng lợi. I.2. Xây dựng hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) Xây dựng hậu phương trong kháng chiến chống Pháp là một quá trình phấn đấu đầy gian khổ, đấu tranh liên tục, một mất một còn giữa quân và dân cả nước ta với kẻ thù xâm lược. Do chưa có kinh nghiệm, lại thường xuyên bị bao vây đánh phá nên việc tổ chức chỉ đạo xây dựng và bảo vệ hậu phương không tránh khỏi những sai lầm, tổn thất. Nhưng vừa chống chọi với kẻ thù, vừa xây dựng tiềm lực mọi mặt của hậu phương bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi là một kỳ tích của quân và dân ta. Trong chiến tranh bên nào cũng cố gắng xây dựng hậu phương của mình. Bên nào có hậu phương được tổ chức vững chắc và hùng hậu, bên đó đã nắm một trong những nhân tố quyết định thắng lợi. Chế độ tiến bộ và cuộc chiến tranh chính nghĩa cho phép động viên cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, tạo nên hậu phương vững chắc hơn. Nước Pháp vốn bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Pháp thêm điêu đứng do hậu quả của chiến tranh Đông Dương, đối với Pháp, cái họa bại vong không chỉ ở Việt Nam mà còn ở ngay trên chính nước Pháp. Nhân dân ta thắng vì có một hậu phương vững vàng, dựa trên chế độ dân chủ nhân dân. Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân lao động đã thực sự làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình. Nhân dân ta sẵn sàng hy sinh để bảo vệ, giữ gìn quyền thiêng liêng ấy. Do tính chất và đặc điểm cuộc kháng chiến theo đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng, hậu phương của ta được xây dựng ở các vùng tự do, vùng tranh chấp và vùng sau lưng địch, song chủ yếu là ở ba vùng tự do chính là: vùng tự do Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh và vùng tự do Liên khu V. Tuy chưa dựa trên cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nhưng hậu phương của ta vẫn có đủ khả năng cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến lâu dài. Kháng chiến càng phát triển thì hậu phương càng vững mạnh. Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu vào lúc nhân dân ta vừa giành được chính quyền. Mười sáu tháng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa tạm thời hoà hoãn, chưa đủ để nhân dân ta khắc phục những hậu quả và giải quyết những di sản nặng nề của đế quốc, phong kiến và chiến tranh để lại. Ta phải mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trong khi hậu phuơng còn nhiều yếu kém về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Xây dựng một hậu phương vững chắc trong điều kiện đó cần phải có thời gian lâu dài. vì thế chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng hậu phương do Đảng ta đề ra phản ánh quy luật tất yếu của cuộc kháng chiến. Thực tiến của việc xây dựng hậu phương kháng chiến cho thấy đó là quá trình tạo sức mạnh, là quá trình tự xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực chất đây là xây dựng một chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân. Xuất phát từ yêu cầu kháng chiến và khả năng thực tế, việc xây dựng hậu phương trong kháng chiến nhằm mục tiêu cơ bản: đủ ăn, đủ mặc, đủ vũ khí để đánh giặc, ai cũng được học hành. Chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm tô và tạm cấp ruộng đất của bọn thực dân phản động, tạm cấp ruộng công, ruộng vắng chủ, ruộng bỏ hoang cho nông dân đã giải quyết được vấn đề quyền làm chủ của người lao động. Ở một số vùng tự do đã tiến hành cải cách ruộng đất, càng làm cho người lao động nhận rõ bản chất của chế độ mới. Thực hiện tốt chính sách ruộng đất ngay trong kháng chiến là một nhân tố có ý nghĩa quyết định để xây dựng và củng cố hậu phương. Nhờ đó tinh thần và lực lượng kháng chiến của hàng triệu nông dân được phát huy mạnh mẽ, khối liên minh công nông được tăng cường, chính quyền nhân dân và mặt trận thống nhất được củng cố, sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân tăng lên, mọi mặt hoạt động của kháng chiến đều được đẩy mạnh. Xây dựng hậu phương kháng chiến về mọi mặt, ngay trong quá trình kháng chiến là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch thì điều quan trọng hàng đầu làm chuyển hóa so sánh lực lượng là phải vừa chiến đấu vừa xây dựng, tích luỹ lực lượng. Phải vừa tích cực tiêu diệt sinh lực địch vừa tích cực bồi dưỡng lực lượng ta. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, xây dựng hậu phương vững chắc là một yêu cầu cấp bách đối với từng chiến trường cũng như với cả nước. Kháng chiến lâu dài phải có lực lượng toàn dân tham gia, phải có sức mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và xã hội, trong đó quân sự đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt sinh lực địch, tạo sự biến đổi so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Vận dụng các chủ trương của Trung ương, các liên khu uỷ, tỉnh uỷ đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể trên các lĩnh vực xây dựng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của cuộc kháng chiến. Xây dựng để đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi, đồng thời kháng chiến để đảm bảo cho xây dựng thành công. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng hậu phương, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng này, đã lãnh đạo nhân dân đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Giải quyết từng bước, hợp lý khoa học cả hai nhiệm vụ chiến lược là một thành công lớn của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Nhờ có hậu phương vững chắc mà tiền tuyến lớn thắng to và nhờ những thắng lợi ở tiền tuyến mà hậu phương được xây dựng và củng cố vững chắc, xứng đáng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến. II. Bình - Trị - Thiên xây dựng và củng cố hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp II.1. Hậu phương tại chỗ trên chiến trường Bình - Trị- Thiên (1948-1950) Bình Trị Thiên là nơi trực tiếp chiến đấu chống thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân toàn Liên khu mà trực tiếp là nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân Bình - Trị - Thiên đã tổ chức tốt cuộc chiến đấu ngoan cường tiêu hao tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giam chân một lực lượng lớn quân đội Pháp, ngăn không cho chúng đánh ra vùng tự do trong Liên khu và trong cả nước, phối hợp với quân và dân Lào đánh địch ở Trung Lào đưa cuộc kháng chiến giành thắng lợi cuối cùng. Nói về Bình - Trị - Thiên xây dựng và củng cố hậu phương, điều đặc biệt là việc xây dựng hậu phương tại chỗ ngay trên chiến trường Bình Trị Thiên (1948-1950). Nằm ở phía nam Liên khu IV, Bình - Trị - Thiên trải dài hơn 300 km dọc theo bờ biển Đông và dãy Trường Sơn, ngăn cách hai đầu với các tỉnh bạn ở phía bắc là Đèo Ngang, phía nam là đèo Hải Vân. Điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, nhiều bão lũ. Địa hình dài và hẹp bị chia cắt bởi nhiều sông lớn, ngắn và dốc nên phù sa đổ ra biển, ít ngưng tụ trong lòng đồng bằng, vùng rừng núi phía đông Trường Sơn khá hiểm trở. Quá trình chống ngoại xâm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống thiên tai. Từ tháng 4-1947, thực dân Pháp mở rộng chiếm đóng các thị xã, thị trấn, vùng đồng bằng đông dân, các trục đường giao thông. Các cơ quan chỉ đạo kháng chiến và phần lớn bộ đội, du kích phải dồn lên núi. Cơ sở ở thôn xã vùng đồng bằng bị tê liệt. Để tiến hành kháng chiến, một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng là phải xây dựng nơi đứng chân, xây dựng hậu phương nơi kháng chiến tại chỗ nhằm giải quyết các vấn đề tiềm lực, đảm bảo yêu cầu huấn luyện và hoạt động của lực lượng vũ trang, tạo điều kiện duy trì và phát triển chiến tranh du kích ở các địa phương. Trong năm đầu tiên của cuộc kháng chiến, dựa vào vùng rừng núi Đông Trường Sơn, các tỉnh đã xây dựng nhiều chiến khu: Hoà Mỹ. Lương Miêu, Dương Hòa, Khe Trái, Cầu Nhị (Thừa Thiên); xóm Nhà Gỗ, Ba Lòng, Thuỷ Ba, Cẩm Phổ, Cùa, Hòn Linh, Khe Mương (Quảng Trị); Đan Quế, Rào Đá, Xóm Mít, Bang Rợn (Quảng Bình). Đây là những hậu cứ khá vững chắc nhờ địa hình hiểm trở, tiến có thể công, lui có thể thủ. Cùng với việc xây dựng chiến khu ở miền núi, các cấp uỷ đảng chủ trương đưa cán bộ đảng viên và lực lượng vũ trang trở về vùng đồng bằng bám đất, bám dân, từng bước phục hồi cơ sở chính trị, bao gồm cơ sở Đảng, chính quyền, lực lượng dân quân du kích. Đến cuối năm 1947, những khu du kích, căn cứ du kích ở vùng đồng bằng Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên), Triệu Phong, Hải Lăng, Do Linh (Quảng Trị), Bố Trạch (Quảng Bình) được xây dựng. Phong trào xây dựng làng chiến đấu được xây dựng khắp nơi, trong đó có làng Cự Nẫm (Quảng Bình) là làng chiến đấu kiểu mẫu nổi tiếng trong cả nước. Chiến tranh du kích có điều kiện sinh sôi nảy nở, kết hợp với phong trào phá tề, trừ gian, hoạt động của lực lượng vũ trang được đẩy mạnh. Nhờ đó các căn cứ ở đồng bằng và miền núi được mở rộng và xây dựng thêm. Địch buộc phải giới hạn phạm vi kiểm soát trong các đô thị, ven các đường giao thông quan trọng, nhất là các đường số 1, số 9, và một số khu vực ở đồng bằng như Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Sau thất bại ở Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp đã điều chỉnh chiến lược, tăng cường thêm lực lượng, ngoài ra chúng còn tăng cường các cuộc tiến công lên các chiến khu vùng rừng núi: Đơn Quế, Bang, Rợn, Thuận Đức (Quảng Bình), Ba Lòng (Quảng Trị), Hoà Mỹ, Lương Miêu, Dương Hòa (Thừa Thiên). Bộ đội và du kích của ta dựa vào địa thế hiểm trở kiên quyết đánh trả, làm địch tổn thất nặng nề, bảo vệ được cơ quan lãnh đạo kháng chiến và bảo toàn lực lượng. Tháng 4-1948 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, chủ trương đưa các đại đội độc lập vào vùng sau lưng địch xây dựng cơ sở chính trị và quân sự, lập nhiều làng chiến đấu ở đồng bằng, khu chiến đấu ở miền núi, xây dựng căn cứ du kích, phát triển chiến tranh du kích. Tháng 4-1948, Hội nghị cán bộ phân khu Bình - Trị - Thiên đánh giá tình hình, đề ra nhiều chủ trương, Hội nghị quyết định “động viên cán bộ, đảng viên, chiến sỹ cứu quốc dũng cảm luồn sâu vào vùng sau lưng địch, phát huy lòng yêu nước của nhân dân và phát triển cơ sở kháng chiến làm chỗ đứng chân cho bộ đội đánh địch từ sau lưng chúng, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta”. Tháng 5-1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu IV lần thứ nhất chỉ rõ thủ đoạn chủ yếu của địch để bình định Bình - Trị - Thiên là càn quét, chà đi, xát lại quyết liệt. Vấn đề đặt ra lúc này là phải lãnh đạo nhân dân vừa biết đánh giặc vừa kiên quyết đánh giặc, đánh bại thủ đoạn càn quét của địch. Muốn vậy phải xây dựng cơ sở quần chúng, lãnh đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh, vận động toàn dân đánh giặc giữ làng; trừng trị bọn Việt gian, giải tán hội tề, vận động binh lính địch; phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với họat động quân sự. Thực hiện chủ trương “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” của Bộ Quốc - Tổng chỉ huy, các đơn vị bộ đội ở Bình - Trị - Thiên phân tán một bộ phận thành những đại đội độc lập luồn sâu vào vùng sau lưng địch, các đại đội độc lập vừa chiến đấu, vừa công tác, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân dân tránh giặc, đánh giặc, cất giấu tài sản, xây dựng lực lượng dân quân du kích, phát động chiến tranh du kích. Thực hiện chủ trương chung, những cán bộ, đảng viên trước đây bị bật đất, sau khi được học tập và được cán bộ tỉnh, huyện hướng dẫn, động viên, lần lượt trở về, được nhân dân hết lòng che chở, nuôi dưỡng, từng bước chắp nối lại liên lạc với nhiều cơ sở trong các vùng sâu, khôi phục lại tổ chức đảng, tổ chức quần chúng. Nhân dân hăng hái tham gia các đoàn thể Việt Minh, tham gia dân quân, xây dựng làng chiến đấu, sẵn sàng tham gia đánh giặc cùng bộ đội. Phần lớn các chi bộ ly hương trở về hoạt động và lãnh đạo quần chúng. Số lượng đảng viên tăng nhanh. Cuối năm 1948, tỉnh Quảng Bình có 72 chi bộ, 2170 đảng viên (tăng 600 đảng viên so với trước tháng 5-1948), Quảng Trị có 70 chi bộ, 2626 đảng viên, Thừa Thiên Huế có 103 chi bộ, 2049 đảng viên, số đảng viên trong quân đội tăng gần gấp đôi. Có lực lượng vũ trang trở về hoạt động tác chiến, phong trào đồng bằng lớn mạnh hẳn lên. Nhờ sự dìu dắt của các đại đội độc lập, lực lượng dân quân du kích phục hồi và phát triển. Đến cuối năm 1948, Quảng Bình có 929 du kích tập trung, 1670 du kích xã; Quảng Trị có 706 du kích tập trung, 929 du kích xã; Thừa Thiên có 496 du kích tập trung, 1257 du kích xã. Nhiều nơi du kích xã đã dũng cảm phục kích, chặn đánh những toán địch đi lùng sục, cướp phá...Cùng với hoạt động tác chiến của bộ đội, du kích, phong trào phá tề, trừ gian phát triển cao, được tổ chức thành từng đợt. Trên cơ sở đó, chính quyền nhân dân được xây dựng, nhiều nơi hoạt động công khai. Chiến tranh nhân dân đã làm cho hệ thống chiếm đóng của địch bị ruỗng nát. Hệ thống đồn bốt dầy đặc không thể ngăn cản nổi những hoạt động của Việt Minh, mà còn bị bao vây trở lại, bị chia cắt và bị cô lập ở nhiều nơi. Địch phải rút bỏ nhiều vị trí, từ 194 đồn đầu năm 1948 xuống 127 đồn vào cuối năm. Nhiều nơi vốn là vùng chiếm đóng của địch đã được thay bằng những khu du kích mạnh mẽ. Những vùng nông thôn rộng lớn như Khu 3 (Phú Lộc), Phú Hưng, Phú Tài (Phú Vang), Phong Chương (Phong Điền), Quảng Điền (Thừa Thiên), Chợ Cạn phía đông Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị)...trở thành căn cứ du kích, không còn đồn địch, Nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Một trung đoàn bộ đội có thể đứng chân nghỉ ngơi, chỉnh đốn đội ngũ và xuất phát đánh địch từ sau lưng chúng. Ngay ở xung quanh thành phố Huế, một vành đai du kích hình thành, tạo nơi đứng chân cho đại đội biệt động tiến hành các hoạt động trong thành phố. Mỗi căn cứ của ta khi mới hình thành nằm giữa vòng vây của địch, nhưng nhiều căn cứ du kích hợp thành một cái lưới bủa vây quân địch. Cùng với quá trình xây dựng là cuộc chiến đấu để bảo vệ các chiến khu va căn cứ du kích. Nhiều nơi dân quân du kích tự động đánh giặc giữ làng. Ở Bố Trạch, một số xã của Quảng Trạch (Quảng Bình), Do Linh (Quảng Trị), Phú Vang, Hương Thuỷ, Phong Điền (Thừa Thiên) hễ thấy bóng địch là dân quân du kích nổ súng chiến đấu. Dân quân du kích làng Cự Nẫm cùng đại đội 4 của huyện kết hợp đánh trong làng và ngoài làng cuộc càn của hàng tiểu đoàn địch trong ba ngày ròng rã (3-1948), tiêu diệt gần 50 tên, phần lớn là lính Âu - Phi, phá huỷ 4 xe quân sự, bắn cháy 1 ca nô... Năm 1948, quân dân Bình - Trị - Thiên đã làm thất bại một bước âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt của địch”, “Biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta”, đó là thành công lớn nhất của ta trong năm 1948. Không bình định được vùng kiểm soát, đó là thất bại lớn nhất của địch trong năm nay” (Văn kiện Đảng 1945-1954, T2,Q2. BNCLSĐTW, HN, 1979, tr7). Bước vào năm 1949, phong trào chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên tiến thêm một bước mới. Hội nghị Liên khu uỷ họp mở rộng (12-1948) chủ trương: Tích cực gây cơ sở đảng trong vùng địch kiểm soát, thi đua xây dựng chi bộ tự động công tác; làm tốt công tác bồi dưỡng và đề bạt cán bộ. Thực hiện chủ trương trên, chỉ trong một thời gian ngắn, ở các nơi gần vị trí địch, dọc đường giao thông đã có các chi bộ hoặc đảng viên hoạt động. Trong các căn cứ, chi bộ đảng phát huy vai trò lãnh đạo nhân dân và dân quân du kích đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng làng chiến đấu, bám sát giặc, đánh giặc giữ làng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân trưởng thành. Đến giữa năm 1949, dân quân du kích đã có bước tiến đáng kể về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến. Các bí thư hoặc phó bí thư chi bộ trực tiếp làm xã đội trưởng hoặc chính trị viên xã đội. Nhiều nơi dân quân du kích tự bảo vệ được xóm làng, phối hợp chiến đấu với bộ đội có hiệu quả. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện được xây dựng. Các đơn vị bộ đội chủ lực được bổ sung quân số. Các đại đội độc lập được rút về để xây dựng tiểu đoàn tập trung. Hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang được đẩy mạnh với nhiều hình thức: tập kích, phục kích, quấy rối, địch vận, bao vây đồn bốt, phá hoại đường sá, ngăn cản giao thông; dùng chông, mìn, cạm bẫy, lựu đạn, bắn tỉa...Nhiều cuộc càn quét quy mô lớn của địch vào chiến khu vùng núi hoặc căn cứ du kích đồng bằng bị đập tan. Từ giữa năm 1949, dựa vào căn cứ du kích, quân dân Bình - Trị - Thiên đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, làm rối loạn hậu phương của địch, làm cho lực lượng địch bị dàn mỏng và giam chân ở khắp nơi. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên phát triển phong trào du kích vây đồn tiến tới bao vây kinh tế địch. Có tới 47 trong tổng số đồn bốt địch ở Thừa Thiên bị du kích bao vây. Mỗi lần tiếp tế cho một đồn, địch phải sử dụng hàng tiểu đoàn lưu động để mở đường. Ở Quảng Bình phong trào rào làng kháng chiến ngày càng mở rộng, thu hút mọi người, mọi lứa tuổi tham gia. Mặc dù địch tăng quân lên hơn 10400 tên vẫn không thoát khỏi thế bị động. Chiến tranh nhân dân với nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân làm cho các căn cứ du kích ngày càng mở rộng và củng cố. Một vùng đồng bằng từ Khu 3 Phú Lộc (Thừa Thiên) đến gần sát Cửa Việt (Quảng Trị) không còn đồn bốt địch, trở thành nơi cung cấp sức người sức của cho kháng chiến. Các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương có thể bám trụ để nghỉ ngơi, luyện tập và hoạt động dài ngày, được cung cấp lương thực, thực phẩm và bổ sung quân số. Vùng kiểm soát của địch bị thu hẹp và bị uy hiếp thường xuyên. Giữa năm 1949, Bộ chỉ huy Phân khu quyết định rút 2 đại đội bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên, một đại đội độc lập ở Phú Lộc, 7 trung đội bộ đội địa phương huyện và thị xã của tỉnh Quảng Trị để thành lập một tiểu đoàn, tăng cường cho trung đoàn chủ lực 95. Đông Xuân 1949-1950, Bộ chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên - Trung Lào mở chiến dịch Lê Lai, chia thành hai đợt, hoạt động trên hai hướng chính là nam Quảng Bình và nam Quảng Trị, bắc Thừa Thiên, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2000 tên địch, mở rộng vùng tự do và căn cứ du kích, nhất là ở đồng bằng nam Quảng Bình. Phong trào phá tề được tiến hành triệt để. Tháng 8-1949, quân dân Bình - Trị - Thiên nổi dậy trên quy mô lớn, phá tan 698 ban hội tề (trong tổng số 710 ban). Việc phá chính quyền địch kết hợp chặt chẽ với xây dựng chính quyền ta. Ba tỉnh tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân xã. 90% các xã ở Quảng Trị và Thừa Thiên có hội đồng nhân dân và uỷ ban kháng chiến hành chính. Các căn cứ du kích được củng cố. Để đối phó với chiến tranh nhân dân của ta, từ đầu năm 1950 địch áp dụng kinh nghiệm về hệ thống Delatour ở Bình - Trị - Thiên, xây dựng nhiều tháp canh bằng gạch hoặc bằng bê tông, cùng với các đồn nhỏ. Ngoài ra địch còn tăng cường lực lượng cơ động, từ tiểu đoàn lên binh đoàn cơ động trong tỉnh, tiểu đoàn cơ động trong mỗi tiểu khu, kết hợp với không quân và pháo binh tổ chức chi viện và ứng cứu lẫn nhau một cách linh hoạt, hình thành một hệ thống kép kín, dồn dân vào các khu chiêu an. Tiến hành đôn quân, bắt lính, phát triển nguỵ binh; sử dụng máy bay, tàu chiến, đại bác đánh phá vùng tự do. Tháng 7-1950, Bộ chỉ huy mặt trận mở chiến dịch Phan Đình Phùng, hướng chính là nam Quảng Bình - bắc Quảng Trị, gây cho địch nhiều tổn thất, tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, thu hút và giam chân một lực lượng lớn của địch, buộc chúng phải điều quân tăng viện, đến tháng 8-1950 lên đến 20700 tên. Nhưng các đơn vị chủ lực ta cũng bị tiêu hao nhiều về lực lượng và vũ khí, và còn ảnh hưởng đến sức chiến đấu lâu dài về sau. Thực tiễn đó chứng tỏ trên một chiến trường nhỏ hẹp, địch còn mạnh, bộ đội ta còn thiếu thốn về vũ khí, trang bị, hạn chế về năng lực tổ chức chỉ huy tác chiến, thì việc tập trung chủ lực mở những chiến dịch quy mô lớn dài ngày là chưa phù hợp. Đó là biểu hiện của tư tưởng ham ăn to, thắng lớn; nặng về tác chiến, nhẹ xây dựng; nặng về chủ lực, nhẹ về dân quân du kích; chưa nắm vững phương châm hoạt động ở vùng sau lưng địch phải lấy du kích là chính. Trong khi bộ đội địa phương được điều động đi tăng cường cho chủ lực nhưng không có lực lượng thay thế, làm cho thế hỗ trợ lẫn nhau giữa ba thứ quân bị giảm sút mạnh. Tình hình ấy làm cho chiến tranh du kích ở địch hậu không phát triển được mặc dù chủ lực mở chiến dịch lớn. Căn cứ du kích ở đồng bằng bị địch càn phá dữ dội. Nhìn chung đến cuối năm 1950, các chiến khu ở vùng núi vẫn được duy trì, nhưng căn cứ du kích ở đồng bằng lùi trở lại tình trạng khu du kích, thậm chí có nơi chỉ còn cơ sở chính trị. Phong trào kháng chiến gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần tự lực và niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi, quân dân Bình - Trị - Thiên lại từng bước vươn lên, giành thắng lợi. II.2. Chiến khu Ba Lòng - hậu cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Quảng Trị và phân khu Bình - Trị - Thiên Ngoài việc xây dựng hậu phương tại chỗ trên chiến trường góp phần vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bình - Trị -Thiên còn có nhiều chiến khu, bảo đảm cho mặt trận. Đó là chiến khu Ba Lòng - một hậu cứ vững chắc của tỉnh Quảng Trị và phân khu Bình - Trị - Thiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là minh chứng hùng hồn về sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài học có ý nghĩa quyết định để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi là coi trọng việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng đã minh chứng rằng, căn cứ địa chỗ dựa để tiến hành chiến tranh, là yếu tố có vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất cứ loại hình chiến tranh nào. Thấm nhuần quan điểm đó, ngay từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong các thời kỳ hoạt động bí mật, Đảng bộ Quảng Trị đã lấy miền Tây Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh xây dựng các căn cứ địa làm bàn đạp xây dựng phong trào ở nội thị. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, việc xây dựng các khu căn cứ cách mạng ở Quảng Trị đã được tiến hành một cách khẩn trương, có bài bản đó là khu Thuỷ Ba ở huyện Vĩnh Linh. Chiến khu Cùa ở Cam Lộ và chiến khu Ba Lòng ở vùng Tây Triệu Hải...Tất cả các căn cứ địa đã tạo thành một thế liên hoàn, một hành lang đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ trung tâm đầu não cách mạng đến tận các địa bàn, nơi đây không chỉ là hậu cứ vững chắc chỗ dựa cho tỉnh Quảng Trị mà còn là chỗ dựa cho cả phân khu Bình - Trị - Thiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ba Lòng ở vào vị trí trung tâm của khu vực Bình Trị Thiên. Do đó, việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các tỉnh bạn rất thuận lợi; đồng thời, Ba Lòng lại rất gần thị xã Quảng Trị (cách khoảng 10km về về phía tây) và thị xã Đông Hà (khoảng 20km về phía tây nam). Đây là những vị trí đầu não của quân Pháp và đội quân ứng chiến của chúng. Với vị trí này trong điều kiện thời cơ cho phép, Ba Lòng có thể làm bàn đạp xuất quân về xây dựng lực lượng ở đồng bằng, cũng như theo dõi nhanh chóng tình hình địch để có kế hoạch tấn công kịp thời. Căn cứ Ba Lòng có ưu thế như chiến khu Việt Bắc, căn cứ Lam Sơn... đều án ngữ những con đường giao thông quan trọng, có điều kiện liên lạc quốc tế, Ba Lòng là nơi thuận tiện cho việc đi lại các nơi; từ Ba Lòng toả đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam cũng như từ đây đi ra miền tây Quảng Bình và các vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn và dễ dàng đến biên giới Việt Lào. Vói những con đường đó, từ Ba Lòng quân ta có thể tiến công địch từ khắp mọi phía bằng bộ binh, đồng thời hệ thống giao thông này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào, từ đồng bằng Triệu Hải lên Ba Lòng và từ Ba Lòng đi các nơi. Tất cả những điều đó khẳng định vùng đất Ba Lòng hội đủ những điều kiện để thành lập một chiến khu an toàn và phát triển. II.2.1. Quá trình xây dựng và vai trò của chiến khu Ba Lòng Quảng Trị có địa hình nhỏ hẹp, lại có vị trí quan trọng về mặt chiến lược của khu vực Bình - Trị - Thiên, nên kẻ thù đưa một lực lượng lớn vào vùng này nhằm quyết tâm chiếm giữ chặt hành lang Thái Phiên - Thuận Hoá - Đông Hà - Lao Bảo - Savằnnkhét, bám chặt con đường số 9 với âm mưu chia cắt Việt Nam ra làm đôi, dùng nơi đây làm địa bàn cho bọn bù nhìn dựng lại ngai vàng mục nát bị nhân dân đánh đổ. Vì vậy, đầu năm 1947, thực dân Pháp ồ ạt tiến đánh và cô lập Quảng Trị chia cắt ba tỉnh Bình trị Thiên. Đến ngày 30/3/1974 cơ bản thực dân Pháp đã chiếm được toàn bộ Quảng Trị, dùng nơi đây làm bàn đạp tiến công ra Quảng Bình. Do thế địch mạnh nên Quảng Trị, Huế thất thủ. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị họp và quyết định bám trụ địa bàn hoạt động, muốn vậy phải xây dựng căn cứ địa cả ở đồng bằng (căn cứ lõm) và ở chiến khu. Để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài, bộ đội và cơ quan kháng chiến của tỉnh vừa chặn đánh địch vừa rút dần từng bước lên chiến khu Thuỷ Ba. Và ngày 14/4/1947, Tỉnh uỷ Quảng Trị họp tại Teng Teng (vùng núi Triệu Phong) và quyết định xây dựng Ba Lòng thành Chiến khu của tỉnh, vì nơi đây có địa thế rất lợi hại, quân dân ta “tiến có thể đánh và lui có thể giữ”. Thực hiện chủ trương trên, các cơ quan Đảng, chính quyến, mặt trận, đoàn thể và lực lượng vũ trang đã khẩn trương xây dựng cơ sở đóng tại Ba Lòng, thời gian đầu, được sự giúp đỡ đùm bọc tạo điều kiện mọi mặt của đồng bào Kinh cũng như dân tộc Vân Kiều ở nơi đây, nên các cơ quan dân chính - Đảng và lực lượng vũ trang sớm ổn định, tập trung xây dựng chiến khu vững mạnh về mọi mặt, làm hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng ở Quảng Trị và chỗ đứng chân vững chắc cho lực lượng vũ trang phân khu Bình - Trị - Thiên. II.2.2. Về công tác xây dựng Đảng Tại chiến khu Ba Lòng, Đảng bộ Quảng Trị đã tiến hành ba kỳ đại hội đó là đại hội lần thứ hai (tháng 11/1947) với chủ trương: “Lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, xây dựng cuộc sống, vừa kiên quyết đánh giặc, phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh bại các cuộc càn quét của chúng. Củng cố khối đoàn kết toàn dân, ra sức xây dựng cơ sở Đảng”. Đại hội lần thứ III (3/1949) nghị quyết đề ra là “Phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức đánh các trận lớn, xây dựng chính quyền của ta, bóp chết chính quyền địch, ra sức phát triển mạnh kinh tế, văn hóa, giáo dục...chú trọng huấn luyện cán bộ, đảng viên” và Đại hội Đảng bộ lần thứ IV (4/1950) xác định tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang mạnh chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển sang tổng phản công và nhiệm vụ của đảng viên là hạt nhân lãnh đạo toàn dân kháng chiến ở các địa bàn. Nhìn chung công tác xây dựng Đảng được Tỉnh uỷ quan tâm. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều được quán triệt, triển khai nhanh chóng xuống tận các đảng viên. Về công tác xây dựng chính quyền: Chiến khu Ba Lòng luôn được bảo vệ an toàn, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng quyết định đến sự phát triển của phong trào cách mạng Quảng Trị. Công tác xây dựng Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được coi trọng ngay từ đầu nên tất cả các tổ chức đều có trụ sở ở Ba Lòng, được các tầng lớp nhân dân và các đoàn thể của Ba Lòng che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng. Mùa đông năm 1950 Bình Trị Thiên bị lụt lớn, từ chiến khu Ba Lòng theo chân cán bộ toả về các thôn, xóm, các bản, làng, trở thành quyết tâm của nhân dân, từng đoàn cán bộ và dân công gồng gánh lên miền rừng núi phía Tây quyên góp lúa, ngô, sắn. Nhân dân Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên sôi nổi phong trào góp gạo nuôi quân, hào hứng, nhiệt tình với cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ”. Sự lớn mạnh, trưởng thành của Mặt trận Bình - Trị - Thiên và lực lượng vũ trang Quảng Trị đều gắn với sự phát triển của chiến khu Ba Lòng. Chính sự bền vững của chiến khu là điều kiện cốt yếu cho Bộ chỉ huy Mặt trận Bình - Trị - Thiên và Tỉnh đội Quảng Trị đề ra những kế hoạch, phương án tác chiến có hiệu quả. Chiến khu Ba Lòng là một trong những nơi góp phần đáng kể trong việc đào tạo, nuôi dưỡng, rèn luyện nhiều cán bộ của Đảng trong quân đội, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy tài giỏi như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Trần Sâm, Trung tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Lê Tự Đồng, Thiếu tướng Lê Chưởng... Cùng với nhiệm vụ tổ chức, xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang...Tỉnh uỷ và uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông vận tải...Từ nhận thức “Xây dựng kinh tế là một khâu hết sức quan trọng của việc xây dựng căn cứ hậu phương”, các cơ quan, ban ngành ở chiến khu đều chú trọng tăng gia sản xuất. Các trại sản xuất của Tỉnh đội, cơ quan, Thanh niên, Nông dân, Phụ nữ phát triển rộng khắp tạo ra một khí thế thi đua sôi nổi. Ở các thôn xóm, các tổ đổi công, vần công ra đời. Ở các trại sản xuất đều tích cực chăn nuôi gia súc gia cầm. Cùng với những biện pháp trên, chính sách giảm tô và cải cách ruộng đất đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chiến khu còn nhận được sự tiếp tế to lớn của nhân dân trong tỉnh và tỉnh bạn. Mặc dù phải vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh nhưng nhân dân đồng bằng Triệu Hải, Thanh - Nghệ - Tĩnh vẫn ngày đêm chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm đến chiến khu an toàn. Giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm là thực sự góp phần to lớn vào việc ổn định và phát triển chiến khu lâu dài. Đó là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đầu não tỉnh và Phân khu lãnh đạo cuộc kháng chiến mau chóng thắng lợi. Cuối năm 1948, ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp ra đời, nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ chiến khu được đưa về địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất. Ngành thương nghiệp cũng phát triển mạnh. Phong trào bình dân học vụ phát triển rộng khắp trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội và thôn xóm, chiến sỹ miệt mài tranh thủ học trưa, học tối. Chiến khu Ba Lòng không những là điểm thu hút mạnh mẽ các hoạt động văn hóa kháng chiến của tỉnh Quảng Trị mà còn là nơi tập hợp đông đảo những người làm công tác văn hóa, văn nghệ của tỉnh Bình - Trị - Thiên. Chính tại mảnh đất này đã tạo điều kiện để sản sinh ra một tầng lớp cán bộ văn hoá văn nghệ tài năng, đầy nhiệt huyết cách mạng như: Dương Tường, Vĩnh Mai, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hồng Chương, Lê Chưởng, Lương An... Tại chiến khu luôn tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ. Trong quá trình xây dựng chiến khu, một vấn đề hết sức quan trọng đó là y tế. Do địa hình của chiến khu đóng tại miền rừng núi, nên cán bộ và nhân dân rất dễ mắc các bệnh như bệnh sốt rét, bệnh ngoài da. Chiến khu đã nhanh chóng xây dựng được bệnh viện dân y và quân y, tăng cưòng thêm các bác sỹ, y tá, trang bị thêm các giường bệnh với trang bị y tế tương đối đầy đủ, có các khoa nội, ngoại riêng. Đội ngũ y tá, y sỹ ở các đơn vị, vùng du kích, giải phóng của ta được bệnh viện tại Ba Lòng giúp đỡ, đào tạo nên đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ, nhân dân. Lực lượng y tế vượt qua khó khăn gian khổ, luồn sâu vào vùng địch tổ chức khám chữa bệnh, tiêm phòng dịch bệnh cho nhân dân. Công tác giao thông vận tải được đặc biệt chú trọng. Hệ thống giao thông chằng chịt đã tạo điều kiện cho sự liên lạc giữa chiến khu và nhiều nơi khác. Chiến khu Ba Lòng còn là nơi nhiều cán bộ cao cấp cua Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và nhiều đoàn cán bộ, học sinh từ khu 5 và Nam bộ ra Bắc học tập đã được tiếp đón nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn và bí mật. Sự tồn tại của chiến khu Ba Lòng là cái gai nhọn làm điên đầu các tướng Pháp. Nhiều lần chúng tổ chức các trận càn quy mô lên Ba Lòng nhưng đều thất bại. Chiến khu Ba Lòng luôn đứng vững giữa sự che chở, bảo vệ của núi rừng trùng điệp, của những người con quê hương Quảng Trị và ba tỉnh Bình - Trị - Thiên. Sự ra đời của chiến khu Ba Lòng do yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân Quảng Trị. Hình thức tổ chức ở chiến khu tương đối đầy đủ, tạo ra một chỉnh thể tổ chức xã hội với đủ bộ máy Đảng, chính quyền, quân đội, toà án, công an. Các cơ quan kinh tế: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, ngân hàng. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng; các tổ chức văn hóa, giáo dục, y tế... Với cơ cấu và tổ chức hoạt động đó, Ba Lòng thực sự là trung tâm đầu não kháng chiến của Quảng Trị và lực lượng vũ trang phân khu Bình - Trị - Thiên. Xây dựng Ba Lòng trở thành chiến khu cách mạng của tỉnh, ngoài yếu tố lợi thế của địa hình ở Ba Lòng, còn thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đảng bộ và quân dân Quảng Trị. Trong hệ thống các chiến khu cách mạng miền Trung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ba Lòng là một trong những chiến khu được bảo vệ an toàn nhất, là chỗ dựa vững chắc nhất cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng Trị. Kẻ thù dã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn chính trị, quân sự xảo quyệt nhưng vẫn không tiêu diệt được cơ quan đầu não của tỉnh. Ngọn lửa kháng chiến vẫn được duy trì một cách tập trung, thống nhất. Cũng tại chiến khu này, nhiều tổ chức kháng chiến của huyện, tỉnh và lực lượng vũ trang được củng cố nhanh chóng. Chiến khu Ba Lòng là chỗ dựa về mặt tinh thần của nhân dân Quảng Trị. Trong những năm chiến tranh vô cùng gian khổ, chiến khu Ba Lòng đã làm cho niềm tin của nhân dân vào cuộc kháng chiến được củng cố mạnh mẽ. Chiến khu Ba Lòng là hình ảnh của chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân, đó là nhân tố thúc đẩy tinh thần, chủ động, sáng tạo của nhân dân trong kháng chiến. Chiến khu Ba Lòng là một trong những mắt xích quan trọng để tạo thành hệ thống chiến khu cách mạng miền Trung và cả hệ thống chiến khu ba miền. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến cho thấy, các căn cứ địa của cả nước cũng như các căn cứ địa trên chiến trường Quảng Trị đều được xây dựng trong thế liên hoàn với nhau. Nhờ đó, mặc dù kẻ thù tìm mọi cách bao vây phong toả, các căn cứ địa vẫn vững vàng thế trận, các hành lang chiến lược vẫn đảm bảo sự thông suốt từ Bắc tới Nam, từ chiến khu về đồng bằng, từ địa bàn này đến đại bàn khác. Phát huy truyền thống trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ba Lòng vẫn luôn giữ được vai trò, vị trí quan trọng của một căn cứ địa ở chiến trường Quảng Trị. Từ nơi đây các cơ quan lãnh đạo của tỉnh tiếp tục chỉ đạo quân dân Quảng Trị anh dũng chiến đấu giành thắng lợi. Vì vậy các địa phương ở Ba Lòng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ngày nay đang từng bước đổi mới đi lên. KẾT LUẬN Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi năm 1954, để lại cho chúng ta nhiều bài học về chiến tranh cách mạng, trong đó có những bài học về xây dựng, tổ chức căn cứ địa hậu phương. Chiến thắng đó càng cho ta thấy tầm quan trọng của hậu phương trong chiến tranh, là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Quân và dân Bình - Trị - Thiên cũng có những đóng góp không nhỏ vào chiến công chung đó. Vừa chiến đấu vừa xây dựng hậu phương, hơn thế nữa lại là hậu phương tại chỗ ngay trên chiến trường khói lửa. Với tinh thần tự lực và niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi, quân dân Bình - Trị - Thiên đã từng bước vươn lên, vượt qua mọi thử thách, các chiến khu ở vùng núi và khu du kích ở đồng bằng vẫn được duy trì. Chiến khu Ba Lòng là một chiến khu được bảo vệ an toàn và là chỗ dựa vững chắc nhất cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng trị và cả phân khu Bình - Trị - Thiên. Do vai trò to lớn như vậy của hậu phương, nên việc xây dựng hậu phương luôn là một nhiệm vụ quan trọng. Ngay trong thời bình này, Đảng ta luôn ý thức được rằng hậu phương vững chắc nhất là lòng dân, được nhân dân tin yêu và ủng hộ, chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, đưa đất nước tiến lên, giữ vững hoà bình mà bao thế hệ cha ông đã đổ bao xương máu để giành lại. MỤC LỤC MỞ ĐẦU I. Cơ sở lý luận I.1 Tầm quan trọng của hậu phương trong chiến tranh I.2. Xây dựng hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) II. Bình - Trị - Thiên xây dựng và củng cố hậu phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp. II.1. Hậu phương tại chỗ trên chiến trường Bình Trị Thiên (1948-1950) II.2. Chiến khu Ba Lòng - hậu cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Quảng Trị và phân khu Bình - Trị - Thiên II.2.1. Quá trình xây dựng và vai trò của chiến khu Ba Lòng II.2.2. Về công tác xây dựng Đảng KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1954). Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997 2. Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Một số vấn đề lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu IV (1945-1954), Hà Nội, 2000

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • dochau_phuong_binh_tri_thien_trong_kccp_2664.doc
Tài liệu liên quan