Đề tài Đánh giá thực trạng công viên Thống Nhất

Trong khi Hà Nội đang ngày càng phát triển thì tình trạng trái tim thủ đô càng ngày thoi thóp. Nó đang dần thu hẹp bởi các hoạt động lấn chiếm sử dụng sai mục đích. Với tình trạng không quản lý chặt như hiện nay thì khoảng 10 năm nữa có lẽ mặt tiền công viên sẽ biến mất, thay vào đó là hàng quán mọc ra như tình trạng của nhiều công viên hiện nay của Hà Nội. Bên trong công viên sẽ không còn khoảng không thoáng đãng như hiện nay mà là nhà hàng, câu lạc bộ thể dục thẩm mĩ Họ sẽ giải thích rằng vì công viên không có tiền để duy trì hoạt động nên họ cho thuê mặt bằng để hỗ trợ công viên, như vậy công viên không còn là công viên nữa.

doc39 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2628 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Đánh giá thực trạng công viên Thống Nhất, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU * * * Hà Nội được xác định là đô thị loại đặc biệt với chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Được xây dựng từ năm 1010 theo “Thiên đô chiếu” của vua Lý Công Uẩn, trải qua các thời kỳ thăng trầm, Hà Nội vẫn luôn phát triển và khẳng định vai trò xứng đáng là thủ đô của cả nước. Diện tích Hà Nội được xác định là 924 km2 gồm 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 50 công viên, vườn hoa với tổng diện tích khoảng 400 ha, tức là chỉ chiếm khoảng 2% diện tích toàn thành phố, trong đó công viên Thống Nhất là công trình văn hóa lịch sử điển hình của Hà Nội. Công viên Thống Nhất xưa kia vốn là vùng đầm hồ và bãi rác của 3 làng Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang, phía đông là đất các làng cổ Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang. Phía bắc là làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa, Liên Thủy. Phía tây là làng Liên Thủy, Kim Liên (hồ Bảy Mẫu là của làng Kim Liên). Phía nam là làng Phúc Lâm Tiểu và Vân Hồ. Từ cuối năm 1958, khu vực này được cải tạo, các thế hệ sinh viên cùng với nhân dân Hà Nội đã đóng góp hàng vạn ngày công lao động đào đắp thành công viên với hồ nước lớn và hai hòn đảo nhỏ. Công trình khánh thành ngày 30/5/1961 mang tên Công viên Thống Nhất với niềm hy vọng để sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Theo UBND thành phố, công viên Thống Nhất hiện trong tình trạng xuống cấp, tệ nạn xã hội khá phổ biến, cần được đầu tư cải tạo nâng cấp. Tuy nhiên lại chưa có một công trình nghiên cứu khoa học thực sự nào đề cập đến vấn đề này. Thực sự “tình trạng xuống cấp” của công viên đang ở mức độ nào, với hiện trạng như thế, liệu công viên có đáp ứng được nhu cầu của nhân dân hay không? Và liệu có nên biến công viên Thống Nhất thành một Wald Disney giữa lòng Hà Nội hay không? Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, nhóm nghiên cứu chúng tôi quyết định thực hiện đề tài: “Đánh giá thực trạng công viên Thống Nhất” để góp phần giải quyết những bất cập của vấn đề. PHẦN I - MỘT SỐ KHÁI NIỆM CHUNG 1. Định nghĩa công viên. Công viên là nơi mà được xây dựng trong nội thành và vùng ven thành phố (thường từ 10ha trở lên) để phục nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, học tập nghiên cứu của cư dân đô thị, ngoài ra còn có tác dụng cải thiện môi trường. 2.Vai trò chức năng của công viên. 2.1. Chức năng của công viên. Xét theo phương diện đáp ứng nhu cầu của nhân dân công viên, vườn hoa có bốn chức năng chính: Phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của nhân dân. Phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí đối với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Phục vụ cho nhu cầu thể dục, thể thao của nhân dân. Phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân dân. 2.2. Vai trò của công viên. Công viên có vai trò rất quan trọng, nó là một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng của một đô thị. Sở dĩ có thể nói như vậy vì công viên có những vai trò sau: Công viên vườn hoa mang lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Công viên là nơi tập thể dục - thể thao. Nó giúp những người sống gần công viên thích tập thể dục và có sức khỏe tốt, năng lượng dồi dào. Thật vậy, Theo Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật của Mỹ ( The Center for Disease Control, USA), những người Mỹ sống gần công viên thích tập thể dục và có sức khỏe tốt, năng lượng dồi dào. Đặc biệt, với đối tượng trẻ em, những hoạt động vui chơi, giải trí sẽ giúp nâng cao trí tuệ phát hiện năng khiếu và do đó sẽ tạo ra một lớp người mới toàn diện hơn cho xã hội. Tạp chí The Trust for Puplic Land đã xuất bản khá nhiều bài nghiên cứu về vấn đề này và đã chỉ ra rằng: Trẻ em rất cần công viên để có không khí trong lành, tập thể dục, để vui chơi cùng gia đình và bạn bè. Sống xa công viên là một lời đe dọa tới sức khỏe của trẻ em và cả cộng đồng. Trẻ em không được chơi ngoài trời sẽ không thể luyện tập thể dục đều đặn được và chúng có thể giáp mặt với những bệnh: bệnh đái tháo đường, bệnh béo phì, và bệnh hen. Ở một số thành phố của Mỹ, điển hình là Los Angeles chỉ có một phần ba trẻ em có thể tiếp cận với công viên. Hoặc tại Việt Nam, thay vì những sân chơi như bãi cỏ, trò chơi trong công viên thì chỗ chơi của các em là đường phố hay vỉa hè. Công viên vườn hoa mang lại lợi ích kinh tế. Thật vậy, các công viên thực sự đã đem lại lợi ích kinh tế cho thành phố. Các nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng công viên làm tăng giá trị “lợi nhuận và phi lợi nhuận”. Ở các thành phố trên khắp thế giới, việc trồng thêm nhiều cây cỏ có thể giúp mọi người thư giãn hơn và giảm bớt các chi phí chạy máy điều hòa cũng như tiết kiệm năng lượng. “ Vào thế kỷ 21, công viên có thể và phải là động cơ của sự tăng trưởng kinh tế.”, theo lời Phó tổng thống Al Gore. Công viên và những khoảng không gian mở đã tạo ra một cuộc sống chất lượng cao, thu hút cư dân đến thành phố, làm cho thành phố phát triển năng động hơn. Một ví dụ cho vấn đề này, vào đầu những năm 1980, Chattanooga, Tennessee, phải chịu đựng cuộc khủng hoảng kinh tế. Những nhà máy còn lại phải đối mặt với trang thiết bị lạc hậu, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể, những cư dân bắt đầu rời khỏi thành phố. Để ngăn chặn điều này, chính quyền địa phương, những doanh nghiệp, nhóm cộng đồng quyết định cải thiện chất lượng cuộc sống ở Chattanooga bằng việc làm sạch không khí, mở rộng không gian xanh, xây dựng nhiều công viên. Và hôm nay Chattanooga sôi động với hoạt động kinh tế. Điều đó thể hiện sự quan trọng của công viên và những khoảng không gian xanh đối với kinh tế trong tương lai của thành phố. Sự phục hồi của Chattanooga minh họa vai trò mới của công viên và những khoảng không gian xanh trong thành phố trong việc thu hút cư dân, những doanh nghiệp và hoạt động kinh tế đến những cộng đồng. Công viên còn tạo lợi ích kinh tế bằng việc thu hút khách du lịch làm tăng doanh thu cho ngành dịch vụ của thành phố. Một công viên có đầy đủ các chức năng đặc biệt là vui chơi giải trí sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch và nó sẽ trở thành một địa điểm du lịch quan trọng của thành phố. Vào năm 1996, thể thao câu cá đã đóng góp 1 tỉ vào kinh tế California. Công viên vườn hoa mang lại lợi ích cho môi trường sống thành phố. Cây cối công viên chính là lá phổi xanh của đô thị vì chúng cải thiện đáng kể tình hình ô nhiễm không khí, ngăn chặn bão lũ trong suốt mùa mưa. Cây xanh không thể thiếu vắng trong cân bằng sinh thái và môi trường. Cây xanh đô thị lại càng có vai trò to lớn hơn. Nó đã hấp thụ một lượng lớn khí Cacbonic do con người và các nhà máy thải ra, bổ sung nguồn oxy đáng kể cho con người sử dụng, làm dịu đi cái oi nóng mùa hè, chắn đỡ những nguồn gió bấc lạnh lẽo mùa đông, giảm bớt tiếng ồn của hàng vạn xe có động cơ qua lại hằng ngày. Sau những ngày làm việc căng thẳng đi dạo hay ngồi dưới vòm cây, tâm hồn sẽ trở nên thư thái. Không những thế công viên cây xanh còn có chức năng điều hoà khí hậu thành phố. Chỉ một chút xanh trong các thành phố cũng làm hạ nhiệt cái nóng và ẩm ướt của mùa hè do trái đất ấm lên. Các nhà khoa học Anh tìm thấy việc có thêm 10% không gian xanh có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt tới 3,8 độ C. Những công viên và các khoảng xanh có thể làm chậm lại những dự đoán nhiệt độ tăng đến năm 2080, khi mà mùa hè được cho là sẽ nóng hơn, khô hơn và mùa đông thì ẩm ướt hơn. Trong các ngày nắng, các khu vực đô thị như những giao lộ trong các thành phố tại Mỹ có thể cao hơn 12 độ C so với những vùng nông thôn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy việc bổ sung các mảng xanh có thể làm giảm tối đa hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị" này, do thực vật có thể thu và giữ nước hiệu quả hơn các toà nhà chọc trời hay các bãi đỗ xe. Công viên vườn hoa mang lại lợi ích xã hội. Công viên còn đóng vai trò là nơi học tập, nghiên cứu của người sử dụng. Các giáo viên báo cáo rằng công viên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục qua các buổi dã ngoại tập thể, những buổi học ngoại khóa ở công viên (đặc biệt là những buổi học về môi trường, tự nhiên). Công viên cũng là nơi để có thể nghỉ ngơi, thư giãn. Các tài liệu của cảnh sát đã chỉ ra rằng số vụ bắt giữ các đối tượng dưới tuổi vị thành niên sau khi công viên được mở trong cộng đồng người có thu nhập thấp. "Cây xanh khiến cho cuộc sống thêm dễ chịu. Nhiều nghiên cứu cũng chứng tỏ nó có thể cải thiện sức khoẻ và tinh thần của người, mang lại cảm giác thoải mái và giảm tội phạm", Ennos nói. Cuối cùng, công viên là nơi gắn kết cộng đồng. Các nhà quy hoạch đô thị nhận thấy công viên làm tăng mối liên kết cộng đồng. Những khu vực công cộng này là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng nhân dân đô thị, là nơi mà mọi người thực hiện nhu cầu giao tiếp xã hội, qua đó diễn ra sự kế thừa và biến đổi những giá trị văn hóa, những phong tục tập quán, tạo nên các giá trị riêng của mỗi đô thị. Bời vì công viên, vườn hoa là nơi mà tất cả mọi người không phân biệt lứa tuổi, không phân biệt địa vị xã hội đều có thể đến để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản như nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí, giao tiếp…Điều đó giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng xã hội và góp phần tạo ra mối liên kết cộng đồng bền vững. PHẦN II - DƯ LUẬN VỀ THỰC TRẠNG CÔNG VIÊN THỐNG NHẤT 1. Thực trạng chung công viên Hà Nội. Công viên Hà Nội vừa thừa vừa thiếu. Theo thồng kê năm 2003, diện tích không gian xanh 9 quận nội thành là 236,8ha với mật độ 4,7m2/người, trong đó công viên là 175,5 ha với mật độ 0,9m2/người, diện tích công viên nội thành cũ là 135,3 ha đạt 1,28 m2/người (số liệu 2004) (Nguồn số liệu www.quihoach. Info) Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 400 ha công viên, vườn hoa. Theo quy hoạch được phê duyệt năm 1998, thành phố sẽ nâng diện tích công viên, cây xanh lên 8 m2/người vào năm 2010 và phấn đấu đạt 12-15 m2/người năm 2020. Tuy nhiên, hiện diện tích này mới đạt 0,9 m2/người (nguồn dothi.net). Xét trong nội thành Hà Nội chỉ tính được trên đầu ngón tay các công viên cây xanh lớn như Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ… số lượng ít, diện tích nhỏ so với quy mô thành phố cũng như mật độ dân cư. Dưới đây là diện tích của các công viên lớn trên địa bàn nội thành. Về mặt thời gian sử dụng công viên, lượng người sử dụng công viên trong những ngày lễ rất chênh lệch so với ngày thường. Trong những ngày lễ như 2-9, 10-3, 30-4 lượng người sử dụng công viên tăng đột biến. Trong những ngày cuối tuần và ngày lễ các bậc phụ huynh được nghỉ đưa con cái đi chơi hay đồng thời cũng tranh thủ nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng đẩy công viên vào tình trạng quá tải. Một thực trạng điển hình ở các công viên ở Hà Nội là tình trạng “đông cục bộ” tức là chỉ vào một vài thời điểm trong ngày là có người ở công viên, ngoài thời điểm đó công viên vắng vẻ gần như không có người. Theo như ý kiến của bà Nguyễn Thị Dung nhân viên của công viên Nghĩa Đô thì người dân chỉ tập chung đến đây vào sáng sớm hay sẩm tối, còn những thời điểm khác trong ngày công viên hoàn toàn vắng lặng. Còn ông Ngô Văn Hắc, phụ trách Ban quản lý công viên India Ganhdi cho hay hết giờ tập thể dục thi ai nấy đều về vì trong công viên không còn gi hấp dẫn.Trích “Công viên Hà Nôị vừa thừa vừa thiếu” của tác giả Ngọc Châu tại trang Web dothi.net. Cơ sở vật chất công viên ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đó là tình trạng xuống cấp ở rất nhiều công viên, đường đi lại nhiều chỗ xuỗng cấp, gồ ghề, hay như hệ thống thoát nước ở công viên yếu kém, thiếu nhà vệ sinh, ghế đá, thùng rác, cơ sở vật chất phục vụ người dân còn thiếu thốn… Ngoài ra, tình trạng chung của các công viên đó là không có khu vui chơi riêng dành cho trẻ em. Ông Tuất một người gốc Hà Nội sống lâu nay ở Vũng Tàu cho hay “Công viên hiện nay quá nhỏ và buồn tẻ so với nhu cầu thực tế. Người già như tôi thì chỉ cần không gian rộng để vãn cảnh, nhưng như thế chưa đủ với thanh niên và trẻ em”. Trích dẫn bài “Công viên Hà Nội vừa thừa vừa thiếu” (tác giả Ngọc Châu - dothi.net). Công viên Tuổi trẻ, công trình phải mất 20 năm giải toả quy hoạch và có mức đầu tư hơn 18 tỷ nhưng mới chỉ xây dựng được khoảng 30% các hạng mục công trình, cũng chỉ phục vụ thiếu nhi trong những ngày hè và chương trình hoa đăng trong những ngày tết. Ngày thường công viên không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Một khu nhà trong công viên vừa được chuyển chức năng phục vụ vui chơi giải trí thành lớp học - trích dẫn bài của tác giả Trịnh Vũ trong bài “Những góc tối ở công viên Hà Nội” trên vnexpress. Công tác quản lý công viên cũng có nhiều vấn đề. An ninh trật tự tại các công viên yếu kém. Thực trạng này không chỉ diễn ra tại một công viên mà còn là thực trạng chung của các công viên ở Hà Nội. “5h sáng, trên ghế đá, cạnh gốc cây trong công viên Thủ Lệ rất nhiều thanh niên đang ngủ vật vờ. Quanh đó là những ống tiêm, mảnh giấy bạc - dấu tích một đêm mê mệt với nàng tiên nâu. Đây là khu công viên rộng, đẹp lại có nhiều cây xanh nên rất đông người chạy tập thể dục. Tuy nhiên, ai cũng không quên chú ý dưới chân, để tránh những kim tiêm. Là vườn thú duy nhất của miền Bắc nên Thủ Lệ thu hút rất đông khách tham quan, thế nhưng nạn trộm cắp thường xuyên diễn ra ở đây. Vào những ngày cuối tuần, lễ tết, công viên chật cứng khách, cũng là dịp để những tên móc túi hành nghề, người bị mất đồ cũng chẳng biết kêu ai. Và nếu người nào "lỡ" nhìn thấy những tên lưu manh đang rạch túi, lấy đồ của người khác cũng chỉ im lặng và lảng sang chỗ khác vì sợ sẽ bị trả thù. Không những vậy, tối đến quanh hồ Thủ Lệ xuất hiện nhiều quán cóc và bà chủ cũng là người dẫn mối cho gái làng chơi, đồng hành là đám ma cô lượn lờ quanh đó bắt khách. Địa điểm hành nghề mại dâm chính là công viên, mà theo họ vừa "tiện, rẻ, lại thoải mái". Tại một số công viên còn có hiện tượng lừa đảo bằng các hình thức rất tinh vi để lừa lấy tiền của những người cả tin. Lực lượng an ninh thì mỏng, kèm theo tình trạng bán hàng rong tràn lan, công khai trong sự bất lực của lực lưởng bảo vệ. Về mặt vệ sinh môi trường tại các công viên cũng có nhiều điều đáng phải bàn. Thùng rác đặt tại các công viên hoạt động không hiểu quả. Hiện tượng người dân xả rác tại các công viên là tình trạng phổ biến, điều này gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. 2. Thực trạng công viên Thống Nhất. Cũng như các công viên khác, công viên Thống Nhất ở vào thực trạng chung, thiếu diện tích, cơ sở vật chất xuống cấp không thu hút được người dân đặc biệt là lớp trẻ. Tình trạng đông cục bộ vào những giờ cao điểm, hoặc vào các ngày nghỉ lễ cũng diễn ra ở đây. Bên cạnh đó, ở công viên Thống Nhất, thực trạng về vệ sinh, an ninh, an toàn là vấn đề nổi bật. Về mặt vệ sinh Tại công viên Thống Nhất tình trạng mất vệ sinh đang diễn ra hàng ngày. Tuy rằng vẫn có lực lượng lao công làm trong công viên nhưng dường như con số đó chưa đủ so với diện tích của công viên Thống Nhất. Bước chân vào công viên, tình trạng đường đi còn nhiều rác, mặt hồ ô nhiễm nặng nề. Vào những ngày hè nóng nực, đi ven hồ có thể ngửi được mùi tanh của cá và cả mùi rác thải hòa quyện với nhau. Thùng rác trong công viên thì ít mà nhiều cái còn hỏng, cách sắp xếp chưa hợp lý dẫn đến tình trạng sử dụng không hiểu quả gây lãng phí. Một vấn đề cấp thiết khác được nhiêu người phản ánh đó là tình trạng nhà vệ sinh còn quá ít. Cả khuôn viên rộng lớn của công viên Thống Nhất mới đếm được có vài nhà vệ sinh. Số lượng thì ít mà các nhà vệ sinh này lại đặt những vị trí khuất, khó tìm. Với những ai lần đầu vào công viên thì việc đi tìm nhà vệ sinh thật khó khăn. Số lượng ít lại không có biển chỉ dẫn họ phải rất vất vả mới tìm được nhà vệ sinh. Trích dẫn trong bài “Các công viên ở Hà Nội đang SOS” của tác giả An Thanh Lương trên trang web vietbao.vn cho hay: “ Tại đảo tròn nơi được coi là đẹp nhất công viên này, các hàng cây trơ trụi lá, thảm cỏ xanh biến mất, thay vào đó người ta làm một cái nhà chứa đồ nghề của người làm vườn vừa xấu, vừa vô lí làm phá vỡ hết cảnh đẹp của hòn đảo. An ninh trật tự Công viên Thống Nhất cũng trở thành bãi đắp cho dân nghiện hút. Chúng thường tụ tập vào đây để chích, hít thuốc. Có những hôm con nghiện bị sốc thuốc nằm sùi bọt mép trên cỏ. Kim tiêm vứt lỏng chỏng khắp nơi. Một công nhân dọn vệ sinh cho biết: “Sáng nào chúng tôi cũng gom cả túi nilon kim tiêm lớn, ai cũng sợ bị đâm vào tay mà lây bệnh truyền nhiễm…”. Những tên bán lẻ hàng trắng cũng chọn khu vui chơi này để họp chợ và cảnh mua bán thì diễn ra công khai. Tuấn, một con nghiện ở ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, hầu như ngày nào cũng có mặt ở đây. Gia đình sau nhiều lần cho anh ta đi cai nghiện không được đã cấm cửa. Vào đây Tuấn vừa có chỗ ngủ, lại dễ dàng mua hàng, chích thuốc không sợ bị ai dòm ngó. Anh Nguyễn Thanh Sơn, Tổ trưởng bảo vệ Công viên Thống Nhất, cho biết: "Chúng tôi không thể kiểm soát xuể, dẹp góc này chúng dạt sang góc khác. Bảo vệ được trang bị gậy, dùi cui nhưng không được phép đánh người. Đuổi mãi con nghiện khùng lên cầm xylanh doạ đâm, ai cũng sợ vì chẳng biết chúng có nhiễm HIV thật không. Hơn nữa kinh phí đầu tư cho an ninh chủ yếu trông chờ vào vé cửa, nhưng giá vé lại luôn phải đảm bảo thấp nhất để phục vụ cộng đồng nên luôn eo hẹp". Trên hai đảo của công viên Lê Nin, từ sáng cho đến tối lúc nào cũng là điểm hẹn của những đôi trai gái, họ tự tình một cách thoải mái, thậm chí còn ân ái giữa trời mặc cho những đôi mắt tò mò xung quanh. Nhiều đám học sinh tan trường định vào đây chơi đều phải bỏ chạy vì cảm thấy quá ngượng. Em Lan, học sinh trường THCS Đống Đa, nói: "Hôm ấy bọn em định lên đảo chơi cho mát nhưng thấy toàn cặp ngồi hôn hít, có đôi còn làm những việc ghê hơn nữa khiến đứa nào cũng đỏ hết cả mặt. Từ đó không bao giờ bọn em ra đấy nữa". trích dẫn bài của tác giả Trịnh Vũ trong bài “Những góc tối ở công viên Hà Nội” trên vnexpres An toàn cho những người ở trong công viên Nội quy công viên rõ ràng có khoản mục nhưng không hiểu sao vẫn có rất nhiều người phóng xe trong công viên như chỗ không người. Những người đi bộ phải đi lép vào hè để tránh những chiếc xe có thể đâm vào họ bất cứ lúc nào. Ai cũng biết công viên Thống Nhất có hồ Bảy Mẫu rất đẹp nhưng nó lại không có hàng lang an toàn cho mọi người. Với những trẻ nhỏ vào trong công viên thì với sự tò mò của chúng thì rất có thể sẽ ngã xuống hồ nếu không có sự chú ý của người lớn. Không thiếu những góc của công viên còn đầy xilanh của những tên nghiện vào đây để chích. Ai đi cũng phải cảnh giác vì sao biết đuợc chuyện gì xảy ra khi dẫm phải. Có người dân còn phản ánh, buổi tối tại công viên, khi có những đôi trai gái vào đây nói chuyện tâm sự thì có tình trạng dọa nạt xin đểu. Thực trạng của công viên Thống Nhất cũng như thực trạng của nhiều công viên khác ở Hà Nội đó là tình trạng xuống cấp, bỏ phí hay lấn chiếm sử dụng sai mục đích phục vụ cộng đồng của công viên. Đặc biệt hiện nay dư luận đang rất quan tâm tới dự án biến công viên thành một Disney Land với nhiều ý kiến trái ngược của người dân, chuyên gia và cả sự đóng góp ý kiến của những người nước ngoài yêu quí Hà Nội. Bài báo“Các công viên ở Hà Nội đang SOS” của tác giả An Thanh Lương trên trang web vietbao.vn đưa ra một vài con số để so sánh. “Quanh khu vực Hồ Bảy Mẫu có khoảng 5000 cụ già hưu trí sinh sống, hàng ngày có khoảng 1000 cụ tham gia tập thể dục trong công viên. Trong khi đó Hà Nội có hơn một triệu trẻ em cần nơi vui chơi mà không có chỗ. Chúng ta nói “Trẻ em là tương lai của thế giới” vậy mà chúng ta đã hy sinh quyền lợi của trẻ em để phục vụ một thiểu số người già liệu có thỏa đáng. Như ý kiến đóng góp của KTS Trần Thanh Vân “Bởi nếu Disneyland và các nhà hàng, trung tâm thương mại, sân khấu mà xuất hiện sẽ không khác gì đại họa đối với Công viên Thống Nhất  thanh bình này! “ Bài viết của tác giả Hoàng Huy trên vietnamnet.vn Sau đây chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của 2 người nước ngoài tâm huyết với Hà Nội đó là ông Michael Digregorio PH.D, cán bộ chương trình Quỹ Ford và bà Giám đốc vùng Quỹ HeathBridge (Canada) Debra Efroymson.Trích dẫn của bài viết “Đất NewYork đắt hơn đất Hà Nội nhưng Mỹ vẫn giữ công viên” của tác giả Tràng An Nguyễn trên vietnamnet.vn Ông Michael Digregrio PH.D cho hay “Mặt tiền công viên trở thành trụ sở nhiều công ty, điểm rửa xe, bán xăng, quán bia, phòng tập thể hình... 47 năm qua, công viên đã mất đi rất nhiều diện tích so với ban đầu vào những mục đích phi công cộng. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất công cộng có thể có những "lý do chính đáng" vào thời điểm ngắn hạn nhưng lại để lại hậu họa lâu dài. Nếu tiếp tục tư duy theo kiểu đó thì chỉ một thời gian ngắn nữa Hà Nội của các bạn sẽ không còn công viên!". còn đối với bà Debra Efroymson nói về tầm quan trọng của không gian xanh thì cho biết :“Trên khắp thế giới hiện nay, các thành phố đang tiến hành tất cả những gì có thể để gây dựng, bảo tồn và nâng cấp chất lượng những không gian công cộng của họ. Người dân nhiều nơi khi nói về thành phố mình ở đều tự hào nhắc đến những công viên xinh đẹp "không của ai cả". Ở Copenhagen (Đan Mạch), trong vòng 40 năm qua, chính quyền thành phố đã phá bỏ nhiều bãi đậu xe để dành diện tích đất làm không gian công cộng cho cư dân thành phố và du khách có chỗ nghỉ ngơi, giao tiếp với nhau. Trung tâm thành phố Boston (Mỹ) có nhiều bồn phun nước với cây xanh bao quanh để dân thư giãn mát mẻ trong hè oi bức”. Ý kiến của các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trên vietnamnet.vn thì cho rằng: “Phát triển không gian xanh chưa gắn kết hợp lý giữa xây dựng mới và cải tạo khai thác quĩ công viên hiện có, nhất là nội thành. Ví dụ: Công viên Thống Nhất đã bị xây xen các công trình Rạp Xiếc, khách sạn SAS, văn phòng, khu nhà ở… Và bây giờ vẫn đang diễn ra nhiều bất cập trong khai thác quĩ đất hiện có, trong phương thức quản lý cũng như huy động vốn đầu tư xây dựng –nên quĩ đất dành cho phúc lợi công cộng ngày càng hạn hẹp” trích TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội. Hay như KTS Phạm Thanh Tùng - Phó Tổng biên tập báo xây dựng thì cho rằng từ khi mới hình thành công viên năm 1960 đến nay, công viên Thống Nhất và Hà Nội nói chung đã mất quá nhiều cây xanh, mặt nước- hậu quả của tầm nhìn hẹp, cách quản lý duy ý chí của các cấp chính quyền. PHẦN III - ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG VIÊN THỐNG NHẤT 1. Các câu hỏi nghiên cứu. Xuất phát từ thực trạng công viên Hà Nội nói chung và của công viên Thống Nhất nói riêng đã đặt ra cho nhóm nghiên cứu một số câu hỏi: Thứ nhất, diện tích và phân bố không gian công viên Thống Nhất đã hợp lý chưa? Thứ hai, công viên đã phát huy hết các vai trò hay chưa, đã phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của người dân chưa? Thứ ba, cơ sở vật chất của công viên Thống Nhất có đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, có thu hút họ đến công viên hay không? Thứ tư, công tác quản lý các công viên có hợp lý hay không? Thứ năm, công viên Thống Nhất mới chỉ phục vụ cho những người dân xung quanh hay là còn phục vụ cho cả những người ở xa công viên? 2. Phương pháp nghiên cứu. Để trả lời các câu hỏi trên, nhóm nghiên cứu đã trực tiếp tới công viên Thống Nhất tiến hành khảo sát. Đếm số người vào, ra công viên tại tất cả các cổng từ 4h- sau 19h: Số người hiện đang sử dụng công viên = số người hiện có trong công viên + số người vào công viên – số người ra công viên. Chốt tại các khoảng thời gian khác nhau để đánh giá thời gian phục vụ của công viên, xem xét khoảng thời gian nào có nhiều người vào, khoảng thời gian nào có ít người vào. Vẽ biểu đồ sử dụng công viên để phân tích. Phát phiếu điều tra để đánh giá vai trò, chức năng phục vụ của công viên: phân công đứng tại các cổng, phát phiếu cho người đi ra công viên, cứ 10 ra thì phát 1 phiếu để đảm bảo tính chất ngẫu nhiên. Tất cả có 1000 phiếu điều tra được phát ra từ 4h-22h thu về được 756 phiếu, xác suất là 75,6%. Như vậy, có thể khẳng định phiếu thăm dò ý kiến đã đạt yêu cầu, người dân đã hiểu được các câu hỏi trong phiếu. Từ các số liệu thu thập được, kết hợp với các biểu đồ để đánh giá toàn diện chất lượng phục vụ của công viên. Tuy nhiên, có hai câu hỏi là: “Cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí” chỉ có 38,5% người được hỏi trả lời là vì mục đích của họ đến công viên chỉ là thể dục thể thao nên họ không quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí. “Cơ sở vật chất phục vụ học tập” chỉ có 2,88% người được hỏi trả lời là vì họ không hiểu mục đích học tập khi đến công viên là như thế nào. Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã gặp một số khó khăn. Khoảng thời gian chúng tôi tiến hành phát phiếu là những ngày rét. Điều đó ảnh hưởng phần nào đến kết quả nghiên cứu. Do đó, trong công tác nghiên cứu chúng tôi đã loại bỏ yếu tố mùa và thời tiết. Do lực lượng tham gia nghiên cứu ít, thời gian và tiền bạc có hạn, cho nên chúng tôi vẫn chưa giải quyết được một câu hỏi lớn “Công viên Thống Nhất mới chỉ phục vụ cho những người dân xung quanh hay là còn phục vụ cho cả những người ở xa công viên?”. Không những thế, nếu giải quyết được vấn đề này tại các công viên vườn hoa khác ở Hà Nội thì chúng tôi còn có thể trả lời được một câu hỏi lớn hơn: “Phân bố không gian của các công viên vườn hoa ở Hà Nội đã hợp lí chưa?”. Bỏ qua những khó khăn trên, chúng tôi đã thu được một số kết quả khả quan. 3. Kết quả nghiên cứu. 3.1. Về diện tích và phân bố không gian của công viên Thống Nhất. Theo điều tra của nhóm nghiên cứu, diện tích công viên Thống Nhất 27,8 ha mặt đất và 21ha mặt nước. Trên mặt hồ có hai đảo nhỏ, diện tích 1,2ha. Nói chung, với diện tích như vậy, công viên Thống Nhất vẫn còn khá nhỏ chưa xứng tầm một công viên lớn của thủ đô. Hình 1 – Vị trí công viên Thống Nhất tại Hà Nội Chúng ta có thể thấy rõ điều đó ở bản đồ trên. Phần diện tích của công viên so với toàn diện tích Hà Nội (chưa xét đến quy hoạch mở rộng không gian Hà Nội về phía Tây) chiếm tỷ lệ quá nhỏ, khoảng chưa đến 0.3/1000 trong khi ở Luân Đôn, chỉ tính riêng công viên Regent Park đã chiếm 1/1000 tổng diện tích Luân Đôn. Phân bố không gian của công viên cũng chưa thật sự hợp lý. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trên bản đồ dưới đây. Hình 2 - Bản đồ công viên Thống Nhất Ở đây, ta có thể thấy rõ khu diện tích giáp với đường Trần Nhân Tông tập trung mật độ dày đặc các công trình trên một diện tích đất hẹp. Điều đó có thể thuận lợi cho người sử dụng khi các công trình được đặt gần nhau nhưng sẽ gây ra hiện tượng quá tải khi mật độ người sử dụng quá đông đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ tết khi mà nhu cầu đến công viên vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn của người dân tăng cao. Trong khi đó, phần diện tích mặt nước chiếm phần lớn trong tổng diện tích công viên lại hầu như không có gì. Đó là một sự lãng phí không gian bởi vì chúng ta có thể xây khá nhiều công trình vui chơi mặt nước, các nhà chòi ngắm cảnh, nhà chòi câu cá… xung quang hồ để vừa thu hút thêm người sử dụng, vừa giúp tránh việc tập trung quá đông các công trình lại một chỗ trên phần diện tích đất nhỏ hẹp. 3.2. Về vai trò và chức năng của công viên Thống Nhất. Trung bình một ngày có khoảng 14000 người đến công viên, trong đó đa phần nhằm mục đích tập thể dục thể thao. Hình 3 - Mục đích đến công viên của người dân Như vậy, ta có thể thấy rõ ngoài chức năng phục vụ cho nhu cầu tập thể dục thể thao của nhân dân, các chức năng khác của công viên như phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi giải trí… hầu như không thể hiện vì có quá ít người sử dụng, thậm chí không có ai sử dụng công viên vì mục đích học tập. Mặt khác, trong một ngày, lượng người sử dụng công viên vào các khoảng thời gian cũng rất chênh lệch. Người dân chủ yếu sử dụng công viên vào buổi sáng từ trước 7h và buổi chiều từ 17h-19h phù hợp với mục đích chính của họ là đi tập thể dục thể thao. Đó cũng là khoảng thời gian thuận lợi cho các hoạt động này, tốt cho sức khỏe của người tập và không ảnh hưởng tới thời gian làm việc hằng ngày. Các giờ khác, số lượng người sử dụng công viên là không đáng kể. Hình 4 - Biểu đồ về số người sử dụng công viên ở các thời điểm khác nhau Sự quá khác biệt về lượng người sử dụng công viên ở các khoảng thời gian khác nhau như vậy sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại những giờ cao điểm (sáng sớm và chiều tối) trong khi vào các giờ khác lại thường xuyên vắng khách. Điều đó cho thấy các chức năng của công viên không được sử dụng hết. Hơn nữa, đa phần những người đến công viên để tập thể dục thể thao đi khá thường xuyên. Hình 5 - Tần suất đến công viên của người dân 83% số người đến công viên vì mục đích tập thể dục thể thao tương ứng với 74% số người đến công viên hằng ngày, khiến cho hiện tượng quá tải cục bộ vào các giờ cao điểm diễn ra hằng ngày. Điều đó cho thấy chỉ có một chức năng của công viên là thường xuyên được sử dụng còn các chức năng khác hầu như không thể hiện. Và nếu cứ tiếp diễn như thế thì vai trò của công viên Thống Nhất, một trong những công viên lớn của thủ đô, có lịch sử lâu đời sẽ chỉ còn là một sân tập thể thao chứ không phải là một công viên đúng nghĩa. Nguyên nhân hiện tượng này có thể do trình độ hiểu biết của nhân dân vẫn còn hạn chế, họ chỉ biết đến công viên như là một khu đất công cộng không khác gì những khoảng đất trống của khu tập thể hay một vườn hoa công cộng nào đó. Trong khi đó, công viên không chỉ có một chức năng là khu đất phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao của người dân, nó còn là nơi cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi giải trí lành mạnh, là không gian sinh hoạt chung của tất cả mọi người không phân biệt tầng lớp, là không gian xanh với phong cảnh đẹp giúp tăng mỹ quan đô thị, là lá phổi xanh của thành phố và cũng là một công trình văn hóa lịch sử có giá trị của thành phố. Một nguyên nhân khác cũng có thể gây ra hiện tượng này đó là do công tác quản lý của công viên còn yếu kém, cơ sở vật chất của công viên không đáp ứng được các mục đích khác của nhân dân ngoài việc đến công viên để tận dụng không gian tập thể dục thể thao. 3.3. Về cơ sở vật chất của công viên Thống Nhất. 3.3.1. Khái quát chung. Nhìn chung, hiện trạng cơ sở vật chất của công viên Thống Nhất đã và đang xuống cấp do sự thiếu ý thức của người dân, do thiếu kinh phí để cải tạo sửa chữa, do sự quy hoạch cơ sở hạ tầng không hợp lí. Cơ sở vật chất Tổng số Cũ, xuống cấp Hỏng Số lượng ghế đá 220 82 02 Số lượng thùng rác 37 17 0 Cột đèn 239 67 19 Công trình vệ sinh công cộng 04 03 0 Chòi trú mưa 02 0 0 Công trình vui chơi giải trí 20 15 0 Dụng cụ tập thể dục thể thao 03 03 0 Đèn chiếu sáng quanh hồ 83 13 07 Bãi để xe 6 - - Bảng thống kê cơ sở vật chất của công viên Hơn nữa về mặt số lượng, các công trình này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Điển hình là: như số ghế đá trong công viên. Hình 6 – Mức độ phục vụ của ghế đá công viên tại các thời điểm Ta thấy, tại những giờ cao điểm, 1 ghế đã phải phục vụ cho khoảng 4-5 người, trong khi công suất của ghế đá tối đa chỉ là từ 2-3 người. Với số lượng và chất lượng như vậy thì khó có thể đáp ứng được mong muốn của người sử dụng công viên. Mà cụ thể chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau. 3.3.2. Cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao. Như phân tích ở trên chức năng chủ yếu hiện tại của công viên Thống Nhất là phục vụ cho mục đích thể dục thể thao của người dân: Đa số người dân được hỏi họ đều trả lời đến công viên hằng ngày và để tập thể dục thể thao. Tuy nhiên cơ sở vật chất để phục vụ cho mục đích này hiện tại ra sao? Để trả lời cho câu hỏi đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế, hỏi ý kiến của người dân và đã thu được một số kết quả được thể hiện trên biểu đồ sau: Hình 7-Cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao Qua biểu đồ trên ta có thể dễ dàng thấy được một cách khái quát về chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cho việc thể dục thể thao hàng ngày của người dân. Đa số các ý kiến được hỏi đều cho rằng chất lượng các công trình phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao ở mức độ trung bình, kém và rất kém, chiếm đến 85%, chỉ có 14% ý kiến cho rằng tốt và đặc biệt là chỉ có duy nhất 1% số ý kiến cho rằng chất lượng phục vụ là rất tốt. Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành khảo sát tất cả các dụng cụ và công trình phục vụ cho mục đích thể dục thể thao. Kết quả thu được là : trong công viên mới chỉ có một đường chạy vòng quanh hồ, một số đường chạy nhỏ, tuy nhiên những đường chạy này lại trùng với đường đi bộ của người dân, điều đó đôi khi cũng gây khó khăn cho việc tập thể dục thể thao, hơn nữa chất lượng của các đường chạy này cũng không thật sự tốt, đường chạy trong công viên quá xấu, gồ ghề, hệ thống thoát nước kém, nên khi trời mưa thì thường bị ngập lụt. Hình 8 – Đường đi trong công viên Ngoài ra công viên còn có một số khu vực để phục vụ cho hoạt động tập thể dục nhịp điệu của chị em phụ nữ, tuy vậy diện tích của các khu này cũng rất nhỏ, không thể phục vụ được nhiều người tập cùng lúc; trong công viên còn có rất nhiều các sân chơi cầu lông, tuy nhiên điều đáng nói là đa số các sân này lại nằm ngay trên đường đi, điều đó gây cản trở cho việc đi lại của người dân, có nhiều lúc còn xảy ra va chạm giữa những người chơi và người đi bộ, gây nên sự mất an toàn. Đối với nam giới, dụng cụ tập thể thao cho họ duy nhất chỉ là mấy chiếc xà đơn, số lượng rất hạn chế mà lại còn khá cũ, không thể đáp ứng và phục vụ tốt cho nhu cầu của phái mạnh được. Hình 9 – Khu vực tập xà Như vậy, qua phân tích ở trên ta có thể thấy rằng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao của người dân còn hết sức sơ sài, thiếu cả về số lượng và chất lượng. Điều đó cũng cho thấy chức năng phục vụ thể dục thể thao là chưa tốt, công viên cần điều chỉnh và xem xét lại chức năng này để phục vụ tốt hơn cho người dân. Cụ thể, công viên cần tu bổ, cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới các con đường; cần tách đường chạy với đường của người đi bộ; công viên nên xây dựng các khu vực tập thể dục thể thao riêng biệt như khu cho người chơi cầu lông, khu tập thể dục nhịp điệu, hay khu tập cho phái mạnh. Diện tích của các khu cũng cần được mở rộng do nhu cầu tập của người dân ngày càng tăng. Đặc biệt là công viên cần mua mới và lắp đặt nhiều thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc tập thể dục thể thao hơn nữa, hiện nay số lượng các dụng cụ này là rất thiếu, mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân; hiện nay đã quá tải, về dài hạn chắc chắn là sẽ rất thiếu. 3.3.3. Cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí. Trong quá trình đô thị hóa hiện nay, Hà Nội ngày càng trở nên quá tải về mọi mặt. Để tìm được một nơi vui chơi giải trí là rất khó khăn. Vì thế có được những khu vui chơi công cộng như là công viên Thống Nhất là rất quý giá. Nhưng liệu cơ sở vật chất của công viên đã đáp ứng được nhu cầu của người dân hay chưa? Qua điều tra thì đa số ý kiến người dân cho rằng cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí là kém(45%) và rất kém (10%), 26%số ý kiến cho rằng là trung bình. Còn lại một phần nhỏ ý kiến cho rằng là tốt chiếm khoảng 19%. Hình 10 - Cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí Thật vậy, cơ sở vật chất còn rất sơ sài, cũ kĩ, ít về số lượng, kém về chất lượng, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân đang ngày càng đòi hỏi cao hơn. Thực tế công viên có khoảng 20 cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí. Trong số đó thì chỉ có 5 cơ sở vật chất phục vụ vui chơi đạt tiêu chuẩn quốc tế do UNICEF tài trợ mới được xây dựng. Các công trình còn lại đa số đã cũ, tính hấp dẫn cũng giảm sút nhiều, do đó không thể thu hút được sự chú ý của nhân dân, nhất là với giới trẻ đặc biệt là với đối tượng trẻ em. Ngày nay, phần lớn trẻ em đến công viên Thống Nhất cũng không phải là vì mục đích vui chơi giải trí nữa mà chỉ đi theo bố mẹ ông bà tập thể dục. Hình 11 – Công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế do UNICEF tài trợ 3.3.4. Cơ sở vật chất phục vụ nghỉ ngơi thư giãn. Sau những buổi làm việc vất vả, những giờ lên lớp căng thẳng … trong thời đoạn xã hội đang có bước chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay, rất nhiều người mong muốn có một không gian xanh để cân bằng trạng thái tinh thần của mình. Vì vậy họ đã chọn đến công viên để được đi dạo, ngắm cảnh, câu cá, hít thở không khí trong lành… Nhưng khi được hỏi thì đa số ý kiến của người dân cho rằng cơ sở vật chất phục vụ nghỉ ngơi thư giãn chỉ ở mức trung bình và kém, thậm chí là rất kém. Chỉ có khoảng 22% trong số đó cho rằng là tốt. Hình 12 - Cơ sở vật chất phục vụ nghỉ ngơi thư giãn Thực tế nhận định trên của người dân là hoàn toàn khách quan bởi qua điều tra thực tế thì: Số lượng ghế đá trong công viên là quá ít, chỉ có khoảng 220 ghế đá và chất lượng thì không tốt lắm, một số ghế bị gãy, hỏng. Đèn chiếu sáng của công viên có khoảng 240 cột đèn, khoảng 85 đèn chiếu sáng quanh hồ, tuy nhiên có nhiều cái bị vỡ, hỏng, cháy… mà chưa được thay thay thế, sửa chữa; Đường đi dạo thì mấp mô, gồ ghề… Hình 13 – Ghế đá hỏng trong công viên Hình 14 – Cột đèn không hoạt động trong công viên 3.3.5. Cơ sở vật chất phục vụ học tập. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thì chức năng phục vụ học tập của công viên hầu như chưa có gì, trong 1000 phiếu mà nhóm nghiên cứu phát ra chỉ có 21 phiếu trả lời về chức năng này của công viên. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có quá ít người trả lời câu hỏi đó như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, đó là bởi vì họ chưa hiểu câu hỏi, họ không biết rằng công viên còn có chức năng phục vụ cho việc học tập. Quả thực người dân không biết đến chức năng đó cũng là điều dễ hiểu vì công viên Thống Nhất không hề phục vụ chức năng này, công viên hoàn toàn thiếu về chức năng phục vụ học tập. Trong cả công viên, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực tế và thấy rằng không hề có một biển chỉ dẫn nào về các loài cây, không có biển giới thiệu về lịch sử công viên, không có khu nào giới thiệu về quá trình sinh trưởng phát triển của các loài cây. Từ thực tế trên, công viên cần phải bổ sung chức năng phục vụ nhu cầu học tập của người dân, cần có thêm nhiều biển chỉ dẫn các loài cây giúp cho việc học tập của trẻ em; cần xây dựng một khu riêng để giới thiệu về quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài cây trong công viên. Đặt thêm nhiều biển giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của công viên qua các giai đoạn để người dân nắm được. 4. Về công tác quản lý công viên. 4.1. Vệ sinh môi trường trong công viên. Trong tổng số những phiếu trả lời thì có 35% trả lời với lựa chọn là trung bình và có 40% người dân được hỏi đưa ra lựa chọn là yếu kém, và có 6% cho rằng tình trạng vệ sinh môi trường ở công viên là rất kém. Như vậy có thể khẳng định là tới 81% số người được hỏi đánh giá vệ sinh công viên ở mức trung bình và yếu kém. Hình 15 - Vệ sinh môi trường của công viên Những ý kiến đánh giá đều có chung nhận xét đó là hồ nước trong công viên là rất ô nhiễm, tình trạng cá chết nổi trên mặt nước là rất nhiều chưa kể rất nhiều rác thải được thải xuống lòng hồ như một kho rác vậy. Đi dọc quanh bờ hồ có thể thấy được rác thải cùng các sinh vật trên nổi trên bề mặt hồ rất nhiều nhưng không có cán bộ vệ sinh nào đi thu gom. Hình 16 – Rác thải trong hồ Bảy Mẫu Vào những ngày hè, thời tiết nóng nực thì đi ven hồ có thể ngửi thấy mùi rác thải bốc lên rất khó chịu.Tình trạng thoát nước kém ở công viên cũng là nỗi bức xúc của nhiều người dân. Ngoài ra còn tình trạng các thùng rác trong công viên đã thiếu nhưng lại còn hỏng kết hợp với cách sắp xếp không hợp lý khiến cho hiệu quả sử dụng thùng rác chưa cao. Hình 17 – Hình ảnh thường thấy tại công viên Thống Nhất Theo như thống kê của nhóm nghiên cứu thì công viên có 40 thùng rác chưa kể lượng bị hỏng so với diện tích mặt đất là 6.8ha vậy trung bình 1838m2 mới có một thùng rác. Bên cạnh đó là tình trạng ý thức của người dân chưa tốt. Một bộ phận nhỏ người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung của công viên, xả rác bừa bãi và có những hình thức thiếu văn minh. Nhưng chúng ta cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ý thức của người dân vì thực sự cơ sở vật chất của công viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ví dụ: như tình trạng thiếu nhà vệ sinh ở công viên. Cả khuôn viên rộng lớn của công viên nhưng chỉ có 4 nhà vệ sinh, chưa kể lại đạt ở những vị trí khuất chưa hợp lý nên hiệu quả càng thấp. Chưa kể tình trạng nhà vệ sinh mở cửa muộn và đóng cửa sớm. Khi người sử dụng công viên có nhu cầu nhưng không tìm thấy địa điểm thì buộc người dân phải làm sai, không đúng quy định. Như vật đây là yếu tố khách quan ảnh hưởng tới chất lượng vệ sinh môi trường. Trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh còn thô sơ, chủ yếu sử dụng lao động thủ công, không thể đáp ứng đủ. Hình 18 – Hót rác bằng tay Tóm lại, qua khảo sát và nghiên cứu chúng tôi rút ra nhận định rằng tình trạng vệ sinh ở công viên là chưa được, cần được quan tâm hơn. Để làm được việc đó: Thứ nhất, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý vệ sinh môi trường cần được cải thiện. Đó là việc tu sửa, làm mới các thùng rác tại công viên, cũng như cần bổ sung thêm các thùng rác mới tại các địa điểm còn thiếu. Xây thêm các nhà vệ sinh công cộng. Đồng thời phải nghiên cứu cách sắp xếp, phân bổ hợp lý vị trí các nhà vệ sinh công cộng để thu lại hiệu quả tối ưu cho công viên. Ngoài ra có thể nghiên cứu trang bị thêm các công cụ hiện đại hơn để tăng hiệu quả làm việc cho những lao động trong công viên. Thứ hai, phải có chế tài nghiêm khắc để xử phạt những người vi phạm xả rác ra công viên để nâng cao ý thức của người dân. Thứ ba, cần vệ sinh lại hồ bẩy mẫu tại công viên cho sạch hơn và cải tạo lại hệ thống thoát nước của công viên. 4.2. An ninh trật tự trong công viên. Hơn nửa câu trả lời điều tra đều cho rằng an ninh trật tự trong công viên vào ban ngày là tốt chiếm 51% số phiếu trả lời, xấp xỉ 1/3 (34%) câu trải lời thì cho rằng an ninh trật tự chỉ ở mức trung bình, một bộ phận nhỏ cho rằng tình trạng an ninh ở mức kém chiếm 14%, còn lại 1% thấy tình trạng an ninh ở công viên là báo động. Hình 19 - An ninh trật tự trong công viên Thực sự những ý kiến cho rằng công viên chưa tốt chiếm 15% xấp xỉ 1/7 tức là cứ có 7 người vào công viên thì có 1 người cho rằng tình trạng an ninh ở công viên là báo động. Như vậy con số này không hề nhỏ chút nào. Đó là những nhận xét ban ngày, còn buổi tối hầu như những người dân được hỏi cho rằng buổi tối ở đây rất báo động. Có thể nêu ra một số nguyên nhân như sau: Thứ nhất, lực lượng an ninh bảo vệ còn mỏng. Với diện tích của công viên Thống Nhất là 27.8ha, với 6.8ha mặt đất, cộng với địa hình phức tạp như nhiều bụi râm, góc khuất tạo điều kiện thuận lợi hành vi trấn lột, xin đểu, móc túi... Trong khi đó lực lượng bảo vệ chỉ có khoảng chục người. Nếu như chia bình quân thì ta thấy một người bảo vệ phải đảm bảo an ninh cho một khu với diện tích là 6800m2. Như vậy thì không thể bảo đảm được. Thứ hai, lượng đèn chiếu sáng còn chưa đủ. Với cùng câu hỏi an ninh trong công viên được đánh giá như thế nào thì có tới 85% người hỏi cho rằng ban ngày an ninh ở mức trung bình và tốt nhưng với cùng câu hỏi đó thì buổi tối có tới xấp xỉ 100% người hỏi cho rằng an ninh không tốt. Sự khác biệt như vậy theo chúng tôi chính là yếu tố ánh sáng vì cùng một địa điểm, cùng một câu hỏi lại nhận được đáp án khác nhau như vậy. Bên cạnh đó cũng có số liệu về số bóng đèn được chiếu sáng trong công viên. Có tổng số 239 đèn cộng với 83 đèn chiếu sáng quanh hồ như vậy có tổng số 322 đèn chiếu sáng, trong đó còn có lượng đèn hỏng, mờ, so với diện tích công viên thì khả năng chiếu sáng của số đèn là không thấm vào đâu cả. Thứ ba, yếu tố khách quan đó chính là vị trí của công viên. Nằm ngay giữa trung tâm thành phố lại tiếp giáp với nhiều con đường lớn, khả năng tiếp cận công viên dễ dàng khiến cho đây là địa điểm lý tưởng để các đối tượng hoạt động. Ngoài ra, bên trong công viên lai có nhiều cây cối bụi rậm càng dễ tạo điều kiện thực hiện hành vi phạm tội. Để giải quyết các vấn đề đó, chúng tôi cho rằng cần tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh cũng như tăng cường tuần tra trong công viên để đảm bảo tình trạng an ninh tốt, đặc biệt là vào các buổi tối. Tăng cường khả năng chiếu sáng của công viên, sửa chữa, lắp mới và thay thế những bóng đèn hỏng. Nghiên cứu vị trí để bóng đèn sao cho hợp lý và tiết kiệm. Một câu hỏi đặt ra có nên tăng cường các hàng rào an ninh bao quanh công viên? Theo chúng tôi là không cần thiết. Một thực tế là có sự khác biệt giữa hai thành phố lớn đó là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nếu như trong Hồ Chí Minh đã phá bỏ hàng rào bao quanh công viên từ nhiều năm nay thì Hà Nội vẫn giữ nguyên. Không phải để bảo vệ công viên vì thực tế việc tiếp cận công viên tuy có hàng rào nhưng lực lượng an ninh mỏng lẻ là rất dễ dàng. Việc tồn tại của các hàng rào này không cản được những tên lưu manh thâm nhập vào công viên mà là hàng rào đối với người dân vào phải thu phí. Một ví dụ khác đó là công viên Bặch Đằng ở Hải Dương, trước kia khi có hàng rào xung quanh công viên thì có nhiều phần tử xấu vẫn vào công viên để tiêm trích cũng như móc ví, trấn lột… nhưng từ khi công viên cải tạo, phá bỏ hàng rào xung quanh, không gian trở nên quang đãng hơn nên cũng ít thấy những thành phần nghiện hút lai vãng tới nữa. KẾT LUẬN Trong khi Hà Nội đang ngày càng phát triển thì tình trạng trái tim thủ đô càng ngày thoi thóp. Nó đang dần thu hẹp bởi các hoạt động lấn chiếm sử dụng sai mục đích. Với tình trạng không quản lý chặt như hiện nay thì khoảng 10 năm nữa có lẽ mặt tiền công viên sẽ biến mất, thay vào đó là hàng quán mọc ra như tình trạng của nhiều công viên hiện nay của Hà Nội. Bên trong công viên sẽ không còn khoảng không thoáng đãng như hiện nay mà là nhà hàng, câu lạc bộ thể dục thẩm mĩ… Họ sẽ giải thích rằng vì công viên không có tiền để duy trì hoạt động nên họ cho thuê mặt bằng để hỗ trợ công viên, như vậy công viên không còn là công viên nữa. Hồ Bẩy Mẫu cũng không sạch như bây giờ mà thay vào đó là màu đen của rác thải sinh hoạt. Đó không còn là hồ điều hòa mà sẽ là “bể phốt” của khu dân cư xung quanh công viên. Người ta sẽ không thể tạt vào công viên để tránh cái nóng ngột ngạt của Hà Nội khi vào hè mà thay vào đó họ sẽ trong phòng và bật điều hòa. Đặc biệt, nếu dự án biến công viên Thống Nhất thành một Wald Disney giữa lòng Hà Nội, thì công viên sẽ không còn vẻ thanh bình yên tĩnh vỗn có của nó mà là nơi ra vào nhộn nhịp của những người có tiền. Trên thế giới có nhiều đô thị khác nhau, các đô thị đều na ná nhau về mặt hình thức nhưng thứ đem lại sự khác nhau giữa các đô thị chính là công viên gắn với đô thị đó. Chính vì vậy chúng ta cần xây dựng một công viên Thống Nhất với những đặc trưng riêng của riêng người Hà Nội. Như vấn đề đã được được phân tích ở trên, tình trạng của công viên Thống Nhất đang xuống cấp từng ngày từng giờ mà chưa được sửa chữa kịp thời, cơ sở vật chất nghèo nàn thêm vào đó, các chức năng của công viên không được sử dụng tối đa gây lên sự hoạt động không hiệu quả của công viên. Giải pháp đề ra cần phải có một quy hoạch chi tiết lại công viên Thống Nhất để đảm bảo các nguyên tắc mà UBND Thành phố Hà Nội đề ra tại công văn 1506/VP-XDĐT ban hành  ngày 17/8/2007: Công viên Thống Nhất phải được bảo tồn là công viên văn hóa, nghỉ ngơi, thư giãn, môi trường sinh thái; bảo tồn các vườn hoa, cây xanh, đảo, hồ. Các trò chơi trong công viên cần được nghiên cứu, chọn lọc kỹ, mang tính văn hóa, giáo dục. Nghiên cứu khai thác mặt nước hồ hợp lý, tách nước thải, không cho xả trực tiếp vào hồ. Mọi công dân đều có quyền vào nghỉ ngơi, tham quan và hoạt động thể dục dưỡng sinh trong công viên bình thường như hiện nay mà không phải trả bất kỳ một khoản thu nào nếu không tham gia các dịch vụ giải trí có thu tiền. Các kỷ vật, cây trồng lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo dưỡng thường xuyên. Song song với quá trình quy hoạch thì phải điều chỉnh lại quy chế chính sách để đảm bảo mức thu nhập cho cán bộ công nhân viên của công viên, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra. Hy vọng, trong tương lai chúng tôi sẽ có điều kiện tiếp tục thực hiện và phát triển đề tài này lên mức cao hơn. Không chỉ giải quyết các vấn đề của công viên Thống Nhất mà còn mở rộng ra tổng thể các công viên vườn hoa tại Hà Nội. MỤC LỤC Trang MỤC LỤC Trang Hình 1 – Vị trí công viên Thống Nhất tại Hà Nội 17 Hình 2 – Bản đồ công viên Thống Nhất 18 Hình 3 – Mục đích đến công viên của người dân 19 Hình 4 – Biểu đồ về số người sử dụng công viên ở các thời điểm khác nhau 20 Hình 5 – Tần suất đến công viên của người dân 20 Hình 6 – Mức độ phục vụ của ghế đá công viên tại các thời điểm 22 Hình 7 – Cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao 23 Hình 8 – Đường đi trong công viên 24 Hình 9 – Khu vực tập xà 25 Hình 10 – Cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí 26 Hình 11 – Công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế do UNICEF tài trợ 27 Hình 12 – Cơ sở vật chất phục vụ nghỉ ngơi thư giãn 27 Hình 13 – Ghế đá hỏng trong công viên 28 Hình 14 – Cột đèn không hoạt động trong công viên 28 Hình 15 – Vệ sinh môi trường của công viên 30 Hình 16 – Rác thải trong hồ Bảy Mẫu 30 Hình 17 – Hình ảnh thường thấy tại công viên Thống Nhất 31 Hình 18 – Hót rác bằng tay 32 Hình 19 – An ninh trật tự trong công viên 33

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc31763.doc
Tài liệu liên quan