Mục lục
PHẦN MỞ ĐẦU 1
PHẦN NỘI DUNG: 1
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ LÝ LUẬN 4
1.1 Quan điểm về công nghiệp hóa – hiện đại hóa: 4
1.2 Vai trò của công nghiệp hóa – hiện đại hóa đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam: 4
1.3 Lý luận nguồn nhân lực: 6
1.4 Vai trò của nguồn nhân lực với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và với nền kinh tế tri thức ở nước ta: 7
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC Ở VIỆT NAM. 11
2.1 Thực trạng nguồn nhân lực nước ta: 11
2.1.1 Nguồn nhân lực từ nông dân : 11
2.1.2 Nguồn nhân lực từ công nhân: 12
2.1.3 Nguồn nhân lực từ trí thức, công chức, viên chức: 14
2.2 Hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực nước ta hiện nay: 17
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở VIỆT NAM. 26
PHẦN KẾT LUẬN: 30
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài;
Sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, vốn và tài nguyên. Đối với Việt Nam, cả hai nguồn tài chính và tài nguyên đều rất hạn chế nên nguồn lực con người đương nhiên đóng vai trò quyết định. So với các nước láng giềng chúng ta có lợi thế đông dân, tuy nhiên nếu không được qua đào tạo thì dân đông sẽ là gánh nặng dân số còn nếu được qua đào tạo chu đáo thì đó sẽ là nguồn nhân lực lành nghề, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Một đội ngũ nhân lực lành nghề và đồng bộ cũng tạo nên sức hấp dẫn to lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vì thế báo cáo chính trị đại hội Đảng lần thứ VIII đã chỉ rõ: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phương hướng chung trong nhiều năm tới là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “ nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Viêt Nam là nhân tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. báo cáo chính trị đại hội Đảng toàn quốc lần IX cũng nêu: “Phải tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa của nước ta có thể và cần rút ngắn thời gian”. Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế_xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều điều kiện nhưng chủ yếu nhất vẫn là phụ thuộc vào con người. điều khẳng định trên lại càng đúng với hoàn cảnh nước ta trong giai đoạn cách mạng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. So sánh các nguồn lực với tư cách là điều kiện, tiền đề để phát triển đất nước và tiến hành công nghiệp hóa thì nguồn nhân lực vai trò quyết định. Do vậy, hơn bất cứ nguồn lực nào khác nguồn nhân lực phải chiếm một vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế_xã hội nước ta. Đây là nguồn lực của mọi nguồn lực, là nhân tố quan trọng bật nhất để đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp phát triển. Do vậy, khai thác, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn có được một nguồn nhân lực có chất lượng tốt, chúng ta phải có những hoạt động tích cực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà, trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục và đào tạo.
Mỗi một giai đoạn lịch sử, một trình độ phát triển đòi hỏi một nguồn nhân lực phù hợp. Trong xu thế kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, nguồn nhân lực có sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được coi là một điều kiện để tăng trưởng nhanh, rút ngắn khoảng cách tụt hậu. Việt nam hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu với nguồn nhân lực có qui mô lớn, cơ cấu trẻ nhưng chưa thực sự là động lực để phát triển kinh tế. Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là một đòi hỏi vừa cấp bách, vừa cơ bản, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Do đó em chọn đề tài “Thực trạng và giải pháp để nâng cao hiệu quả của đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiên đại hóa ở Việt Nam”
2. Mục tiêu nghiên cứu;
Việc nghiên cứu đề tài này nhằm mục đích hệ thống hóa cơ sở lý luận về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nước ta, nêu lên tầm quan trong của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với nền kinh tế nước nhà cùng với vai trò, vị trí trung tâm của yếu tố con người trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; Vận dụng những lý luận đó để luận giải, đánh giá về nội dung, thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực nước ta từ đó đề xuất những phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Đối tượng nghiên cứu ;
Đề tài nghiên cứu về thực trạng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay từ đó dề ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu ;
Thu thập những thông tin, số liệu cụ thể về thực trạng nguồn lao động nước ta trong những năm qua. Phân tích, so sánh với các năm trước để đưa ra những nhận định chung về thực trạng nguồn nhân lực hiện nay và từ đó đề ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
5. Phạm vi nghiên cứu ;
Đề tài nghiên cứu các vấn đề về nguồn nhân lực ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay.
6. Phương pháp nghiên cứu ;
Trong đề tài có sử dụng các phương pháp phân tích, so sánh, thống kê, tổng hợp và dự báo.
7. Đóng góp của đề tài ;
- Góp phần làm rõ khái niệm, vai trò và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển kinh tế - xã hội.
- Phân tích thực trạng nguồn nhân lực hiện nay.
- Nêu một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam.
8. Cấu trúc đề tài ;
Ngoài phần mở đầu và kết luận đề tài được thể hiện qua 3 chương
+ Chương 1. Một số vấn đề cơ bản về lý luận ;
+ Chương 2. Thực trạng về nguồn nhân lực và hiệu quả đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam ;
+ Chương 3. Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam ;
32 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1780 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thực trạng và giải pháp để nâng cao hiệu quả của đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiên đại hóa ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đã đề ra đường lối công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phân tích những tác động cơ bản của công nghiệp hóa đối với nền kinh tế đất nước hiện nay càng làm rõ được ý nghĩa, vị trí, vai trò trung tâm của công nghiệp hóa.
Công nghiệp hóa ở nước ta trước hết là quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đó là một quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm cải tiến một xã hội nông nghiệp thành một xã hội công nghiệp, gắn với việc hình thành từng bước quan hệ sản xuất tiến bộ, ngày càng thể hiện đầy đủ hơn bản chất ưu việt của chế độ xã hội mới – xã hội chủ nghĩa.
Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm là nền nông nghiệp lạc hậu, bình quân ruộng đất thấp, 80% dân cư nông thôn có mức thu nhập rất thấp, sức mua hạn chế. Vì vậy công nghiệp hóa là quá trình tạo ra những điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết về con người và khoa hoc – công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để không ngừng tăng năng suất lao động làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
Quá trình công nghiệp hóa tạo ra cơ sở vật chất để làm biến đổi về chất lực lượng sản xuất, nhờ đó mà nâng cao vai trò của con người lao động – nhân tố trung tâm của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện vật chất cho việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nền kinh tế tăng trưởng và phát triển nhờ thành tựu công nghiệp hóa mang lại, là cơ sở kinh tế để củng cố và phát triển khối liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là góp phần tăng cường quyền lực, sức mạnh và hiệu quả của bộ máy quản lý kinh tế nhà nước.
Quá trình công nghiệp hóa tạo điều kiện vật chất để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ vững mạnh trên cơ sở đó mà thực hiện tốt sự phân công và hợp tác quốc tế.
Sự nghiệp công nghiệp hóa thúc đẩy sự phân công lao động xã hội phát triển, thúc đẩy quá trình quy hoạch vùng lãnh thổ hợp lý theo hướng chuyên canh tập trung làm cho quan hệ kinh tế giữa các vùng, các miền trở nên thống nhất cao hơn.
Công nghiệp hóa không những có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng phát triển cao mà còn tạo tiền đề vật chất để xây dựng, phát triển và hiện đại hóa nền quốc phòng an ninh. Sự nghiệp quốc phòng và an ninh gắn liền với sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.
Thành tựu công nghiệp hóa tạo ra tiền đề kinh tế cho sự phát triển đồng bộ về kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. Thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa nền kinh tế quốc dân là nhân tố quyết định sự thắng lợi của con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Chính vì vậy mà công nghiệp hóa kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
1.3 Lý luận nguồn nhân lực:
Ngày nay khi vai trò của nguồn nhân lực đang ngày càng được thừa nhận như một yếu tố quan trọng bên cạnh vốn và công nghệ cho mọi sự tăng trưởng thì một trong những yêu cầu để hòa nhập vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới là phải có được một nguồn nhân lực có đủ sức đáp ứng được những yêu cầu về trình độ phát triển của khu vực, của thế giới, của thời đại.
Nguồn nhân lực là toàn bộ những người lao động đang có khả năng tham gia vào quá trình lao động và các thế hệ nối tiếp sẽ phục vụ cho xã hội.
Nguồn nhân lực với tư cách là một yếu tố của sự phát triển kinh tế - xã hội là khả năng lao động của cả xã hội được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Với cách hiểu này nguồn nhân lực tương đương ngồn lao động.
Nguồn nhân lực còn có thể hiểu là tổng hợp cá nhân những con người cụ thể tham gia vào quá trình lao động. Với cách hiểu này nguồn nhân lực bao gồm những người từ giới hạn dưới độ tuổi lao động trở lên.
Nguồn nhân lực được xem xét trên góc độ số lượng và chất lượng. Số lượng nguồn nhân lực được biểu hiện thông qua chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực. Các chỉ tiêu này có mối quan hệ mật thiết với các chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng dân số. Quy mô dân số càng lớn, tốc độ tăng dân số càng cao thì dẫn đến quy mô và tốc độ tăng nguồn nhân lực càng lớn và ngược lại. Tuy nhiên, mối quan hệ dân số và nguồn nhân lực được biểu hiện sau một thời gian nhất định ( vì đến lúc đó con người muốn phát triển đầy đủ, mới có khả năng lao động ).
Khi tham gia vào các quá trình phát trển kinh tế - xã hội, con người đóng vai trò chủ động, là chủ thể sáng tạo và chi phối toàn bộ quá trình đó, hướng nó tới mục tiêu nhất định. Vì vậy, nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần là số lượng lao động đã có và sẽ có mà nó còn phải bao gồm một tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng làm việc, thái độ và phong cách làm việc … tất cả các yếu tố đó ngày nay đều thuộc về chất lượng nguồn nhân lực và được đánh giá là một chỉ tiêu tổng hợp là văn hóa lao động. Ngoài ra, khi xem xét nguồn nhân lực, cơ cấu của lao động – bao gồm cả cơ cấu đào tạo và cơ cấu ngành nghề cũng là một chỉ tiêu rất quan trọng.
Cũng giống như các nguồn lực khác, số lượng và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng lao động, những người lao động phải được đào tạo, phân bổ và sử dụng theo cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả cao trong sử dụng. Một quốc gia có lực lượng lao động đông đảo, nhưng nếu phân bổ không hợp lý giữa các ngành, các vùng, cơ cấu đào tạo không phù hợp với nhu cầu sử dụng thì lực lượng lao động đông đảo đó không những không trở thành nguồn lực để phát triển mà có thể còn là gánh nặng cản trở sự phát triển.
1.4 Vai trò của nguồn nhân lực với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và với nển kinh tế tri thức ở nước ta:
Ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và thông tin, sự giao lưu trí tuệ và tư tưởng liên minh kinh tế giữa các khu vực trên thế giới. Sự ra đời của nhiều công ty xuyên quốc gia đã tạo ra tỷ lệ tăng trưởng chưa từng thấy. Tình hình đó đã dẫn đến sự quốc tế hóa kinh tế thế giới, gây nên những đảo lộn về chính trị xã hội sâu sắc mang tính toàn cầu và đang đi đến thiết lập một trật tự thế giới mới . Trong bối cảnh đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực kinh tế năng động nhất. Một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng là vai trò của nguồn nhân lực.
Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trên các trụ cột chủ yếu là công nghệ thông tin,công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Để có được nền kinh tế tri thức cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc để phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; Đồng thời phải đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo hay nói cách khác phải đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực. Các nước muốn phát triển nền kinh tế tri thức cần phải đầu tư cho phát triển con người mà cốt lõi là phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đầu tư phát triển nhân tài. Nhà kinh tế học người Mỹ, Ông Garry Becker – người được giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1992 đã khẳng định: “không có đầu tư nào mang lại nguồn lợi lớn như đầu tư cho giáo dục” (nguồn: The Economist 17/10/1992). Nhờ có sự đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực mà nhiều nước chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng trở thành nước công nghiệp phát triển.
Việt Nam là nước đang phát triển có lực lượng sản xuất ở trình độ thấp. Nền kinh tế tri thức đối với Việt Nam là khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Do vậy, có ý kiến cho rằng Việt Nam phải xây dựng xong công nghiệp hóa, hiện đại hóa để làm tiền đề cho kinh tế tri thức ra đời và phát triển, kinh tế tri thức không chỉ bao gồm các nghành mới xuất hiện dựa trên công nghệ cao, mà còn cả các nghành truyền thống được cải tạo bằng khoa học công nghệ cao. Do đó không nên chờ cho đến khi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết thúc mới tiến hành xây dựng kinh tế tri thức, mà ngay trong giai đoạn này, để phát triển và theo kịp các nước phát triển trên thế giới, chúng ta phải đồng thời quan tâm tới những lĩnh vực mà chúng ta có thể tiếp cận.
Đối với Việt Nam, một đất nước nông nghiệp, rõ ràng chúng ta không thể xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức như các nước công nghiệp phát triển. Thực ra đó là sự tiếp tục quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở trình độ cao hơn, dựa trên chất xám của con người. Mặt khác do xuất phát điểm của lực lượng sản xuất ta thấp, mà tiếp cận kinh tế tri thức ở Việt Nam phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tức mang những đặc thù của mình. Do đó việc xác định nội dung các nghành kinh tế trrong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuẩn bị các điều kiện vật chất và con người để tiếp cận kinh tế tri thức trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mọi cấp, mọi nghành, nhất là các cấp hoạch định chiến lược. Trong việc chuẩn bị ấy, việc nghiên cứu thực trạng mạnh yếu và tìm ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực là quan trọng và cấp bách nhất trong giai đoạn hiên nay.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước thì nếu chỉ có lực lượng lao động đông và rẻ thì không thể tiến hành công nghiệp hóa, mà đòi hỏi phải có một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao. Chính nhờ lực lượng có trình độ chuyên môn cao mà Nhật Bản và các nước Nics (Các nước công nghiệp mới) đã vận hành có hiệu quả công nghệ nhập khẩu hiện đại, sản xuất ra nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh cao với các nước phát triển trên thế giới.
Để đảm bảo thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Với tư cách là mục tiêu và động lực phát triển, con người có vai trò to lớn không những trong đời sống kinh tế mà còn trong lĩnh vực hoạt động khác. Bởi vậy phải quan tâm nâng cao chất lượng con người, không chỉ với tư cách là người lao động sản xuất, mà với tư cách là công dân trong xã hội, một cá nhân trong tập thể, một thành viên trong cộng đồng nhân loại… Không thể thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa nếu không có đội ngũ đông đảo những công nhân lành nghề, những nhà khoa học kỹ thuật tài năng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, những nhà doanh nghiệp tháo vác, những nhà lãnh đạo, quản lý tận tụy, biết nhìn xa trong rộng.
Vào những năm 80, quan điểm phát triển nguồn nhân lực đã trở thành vấn đề quan tâm đăc biệt ở Châu Á – Thái Bình Dương. Con người được coi là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển. Trong thời đại mới, muốn giải quyết hài hòa các yếu tố cung và cầu có liên quan đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực thì cần xem xét khía cạnh nguồn nhân lực theo quan hệ một phía. Phải thấy được vai trò sản xuất của nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi của học thuyết về con người. Và vai trò sản xuất của nguồn nhân lực có quan hệ chặc chẽ với vai trò tiêu dung được thể hiện bằng chất lượng cuộc sống. Cơ chế nối liền hai vai trò là trả công cho người lao động tham gia các hoạt động kinh tế và thu nhập đầu tư trở lại để nâng cao mức sống của con người tạo nên khả năng nâng cao mức sống cho toàn xã hội và làm tăng năng suất lao động… Các nước nghèo ở Châu Á đều nhận thức do tốc độ tăng dân số quá nhanh, nhiều quốc gia coi việc giảm đói nghèo còn quan trọng hơn cả giáo dục, đó là một thiệt hại to lớn.
Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý vĩ mô của nhà nước với mục tiêu bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, an ninh quốc gia và sự bền vững của môi trường. Nền kinh tế việt Nam chỉ có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả kinh tế xã hội cao khi nền kinh tế ấy thực sự dựa trên cơ sở công nghiệp hóa hiện đại hóa, trong đó phải lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững.
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC Ở VIỆT NAM.
2.1 Thực trạng nguồn nhân lực nước ta:
Dù ở thời đại nào, nguồn nhân lực cũng luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sức mạnh của một quốc gia. Bởi chúng ta biết rằng mọi của cải vật chất đều được làm nên từ bàn tay và trí óc con người. Việt Nam chúng ta đang có nguồn nhân lực dồi dào với dân số cả nước gần 86 triệu người (tính đến ngày 1/4/2009, dân số Việt Nam là 85.789.573 người) nước đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực. Trong đó số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh và chiếm một tỷ lệ cao khoảng 67% dân số cả nước. Cơ cấu dân số vàng ở nước ta bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2040, kéo dài trong khoảng 30 năm. Rõ ràng Việt Nam đang có thế mạnh lớn về nguồn lao động nhưng tại sao chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy kinh tế đi lên? Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, trong đó chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của nước ta được xem là nguyên nhân mấu chốt.
2.1.1 Nguồn nhân lực từ nông dân :
Như chúng ta đã biết, trong số gần 86 triệu người ở Việt Nam thì nông dân chiếm khoảng 73% dân số của cả nước. Số liệu trên đây phản ánh một thực tế là nông dân nước ta chiếm tỷ lệ cao về lực lượng lao động xã hội. Theo các nguồn số liệu thống kê có được. hiện nay, cả nước có khoảng 113.700 trang trại, 7.240 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; có 217 làng nghề và 40% sản phẩm từ các ngành, nghề của nông dân được xuất khẩu đến hơn 100 nước. Như vậy, so với trước đây, nông thôn nước ta đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nông dân ở nước ta vẫn chưa được khai thác, chưa được tổ chức, vẫn bị bỏ mặc và đã dẫn đến sản xuất tự phát, manh mún. Người nông dân chẳng có ai dạy nghề trồng lúa. Họ đều tự làm, đến lượt con cháu họ cũng tự làm. Có người nói rằng, nghề trồng lúa là nghề dễ nhất, không cần phải hướng dẫn cũng có thể làm được. ở các nước phát triển, họ không nghĩ như vậy. Mọi người dân trong làng đều được hướng dẫn tỷ mỷ về nghề trồng lúa trước khi lội xuống ruộng. Nhìn chung, hiện có tới 90% lao động nông, lâm, ngư nghiệp và những cán bộ quản lý nông thôn chưa được đào tạo. Điều này phản ánh chất lượng nguồn nhân lực trong nông dân còn rất yếu kém. Sự yếu kém này đã dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn đang trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống, hiệu quả sản xuất thấp. Việc liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chỉ là hình thức.
Tình trạng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn dôi ra, không có việc làm. Từ năm 2000 đến năm 2007, mỗi năm nhà nước thu hồi khoảng 72 nghìn ha đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị và rơi vào túi những ông có chức, có quyền ở địa phương, gây nên bất hợp lý trong chính sách đối với người nông dân.
Chính vì nguồn nhân lực trong nông thôn không được khai thác, đào tạo, nên một bộ phận nhân dân ở nông thôn không có việc làm ở các khu công nghiệp, công trường. Tình trạng hiện nay là các doanh nghiệp đang thiếu nghiêm trọng thợ có tay nghề cao, trong khi đó, lực lượng lao động ở nông thôn lại dư thừa rất nhiều.
Vấn đề lao động và việc làm ở nông thôn Việt Nam đang rất đáng lo ngại. Nông dân ở những nơi bị thu hồi đất thiếu việc làm; chất lượng lao động thấp, nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chính sách đối với nông dân, nông thôn, nông nghiệp chưa rõ ràng.
2.1.2 Nguồn nhân lực từ công nhân:
Về số lượng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay có khoảng dưới 5 triệu người, chiếm 6% dân số của cả nước, trong đó, công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ thấp, khoảng gần 2 triệu người, bằng khoảng 40% so với lực lượng công nhân nói chung của cả nước; lực lượng công nhân của khu vực ngoài nhà nước có khoảng 2,70 triệu, chiếm gần 60%. Xu hướng chung là lực lượng công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước ngày càng ít đi, trong khi đó, lực lượng công nhân của khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng lên. Công nhân có tay nghề cao chiếm tỷ lệ rất thấp so với đội ngũ công nhân nói chung. Trình độ văn hóa, tay nghề, kỹ thuật của công nhân còn thấp. Số công nhân có trình độ cao đẳng, đại học ở Việt Nam có khoảng 150 nghìn người, chiếm khoảng 3,3% so với đội ngũ công nhân nói chung ở Việt Nam. Số công nhân xuất khẩu lao động tiếp tục tăng, tuy gần đây có chững lại. Từ năm 2001 đến năm 2006, Việt Nam đã đưa được gần 375 nghìn người lao động đi làm việc tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ, tăng gấp 4 lần so với thời kỳ 1996-2000 (95 nghìn người). Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài có khoảng 500 nghìn người, làm việc tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề.
Vì đồng lương rẻ mạt, công nhân không thể sống trọn đời với nghề, mà phải kiêm thêm nghề phụ khác như đi làm xe ôm trong buổi tối và ngày nghỉ, làm nghề thủ công, buôn bán thêm, cho nên đã dẫn đến tình trạng nhiều người vừa là công nhân, vừa không phải là công nhân. Trong các ngành nghề của công nhân, tỷ lệ công nhân cơ khí và công nghiệp nặng còn rất thấp, khoảng 20% trong tổng số công nhân của cả nước, trong khi đó, công nhân trong các ngành công nghiệp nhẹ, chế biến thực phẩm lại chiếm tỷ lệ cao, khoảng 40%. Sự già đi và ít đi của đội ngũ công nhân Việt Nam đã thấy xuất hiện. Với tình hình này, công nhân khó có thể đóng vai trò chủ yếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về mặt chính trị, thực chất, công nhân Việt Nam chưa có địa vị bằng trí thức, công chức, viên chức, rất khó vươn lên vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội và trong sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự quan tâm chưa đầy đủ và chưa có chính sách có hiệu quả trong việc xây dựng giai cấp công nhân.
2.1.3 Nguồn nhân lực từ trí thức, công chức, viên chức:
Nếu tính sinh viên đại học và cao đẳng trở lên được xem là trí thức, thì đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm gần đây tăng nhanh. Riêng sinh viên đại học và cao đẳng phát triển nhanh: năm 2000, cả nước có 899,5 nghìn người; năm 2002: 1.020,7 nghìn người; năm 2003: 1.131 nghìn người; năm 2004: 1.319,8 nghìn người. Năm 2005: 1,387,1 nghìn người; năm 2006 (mới tính sơ bộ): 1,666, 2 nghìn người,… Cả nước đến nay có 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 1.131 giáo sư; 5.253 phó giáo sư; 16 nghìn người có trình độ thạc sĩ; 30 nghìn cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ; 52.129 giảng viên đại học, cao đẳng, trong đó có 49% của số 47.700 có trình độ thạc sĩ trở lên, gần 14 nghìn giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 11.200 giáo viên dạy nghề và 925 nghìn giáo viên hệ phổ thông; gần 9.000 tiến sĩ được điều tra, thì có khoảng 70% giữ chức vụ quản lý và 30% thực sự làm chuyên môn. Đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 300 nghìn người trong tổng số gần 3 triệu Việt kiều, trong đó có khoảng 200 giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy tại một số trường đại học trên thế giới. Số trường đại học tăng nhanh. Tính đến đầu năm 2007, Việt Nam có 143 trường đại học, 178 trường cao đẳng, 285 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1.691 cơ sở đào tạo nghề. Cả nước hiện có 74 trường và khối trung học phổ thông chuyên với tổng số 47,5 nghìn học sinh tại 63/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 7 trường đại học chuyên. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông chuyên so với tổng dân số của cả nước đạt 0,05%, còn chiếm rất thấp so với thế giới.
Cả nước có 1.568/3.645 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2007-2008.
Đầu năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã trình lên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự án đào tạo 20 nghìn tiến sĩ trong giai đoạn 2007-2020 ở cả trong nước và ngoài nước.
Nhà nước đã dành một khoản ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo là 76.200 tỷ đồng, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 14,1% so với thực hiện năm 2007.
Bên cạnh nguồn nhân lực là trí thức trên đây, nguồn nhân lực là công chức, viên chức (cũng xuất thân từ trí thức) công tác tại các ngành của đất nước cũng tăng nhanh:
Tổng số công chức, viên chức trong toàn ngành xuất bản là gần 5 nghìn người làm việc tại 54 nhà xuất bản trong cả nước (trung ương 42, địa phương 12).
Tổng số nhà báo của cả nước là 14 nghìn phóng viên chuyên nghiệp và hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục nghìn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị quảng cáo, phát hành, làm việc tại 687 cơ quan báo chí, hơn 800 báo, tạp chí, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình.
Đội ngũ công chức, viên chức của ngành thuế Việt Nam hiện có gần 39 nghìn người; ngành hải quan của Việt Nam là 7.800 người, ngành kho bạc là 13.536 người.
Tính đến tháng 6-2005, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách pháp luật của các cơ quan trung ương là 824 người, trong đó có 43 tiến sĩ luật (chiếm 5,22%), 35 tiến sĩ khác (chiếm 4,25%), 89 thạc sĩ luật (chiếm 10,08%), 43 thạc sĩ khác (chiếm 5,22%), 459 đại học luật (chiếm 55,70%), 223 đại học khác (chiếm 27,06%), 64 người có 2 bằng vừa chuyên môn luật, vừa chuyên môn khác (chiếm 7,77%),… Cả nước có 4.000 luật sư (tính ra cứ 1 luật sư trên 24 nghìn người dân).
Trí thức, công chức, viên chức trong các ngành nghề khác của các cơ quan trung ương và địa phương cũng tăng nhanh.
Tổng nhân lực các hội, liên hiệp hội, viện, trung tâm (NGO) hiện có 52,893 người.
Bên cạnh sự tăng nhanh từ nguồn nhân lực trí thức, công chức, viên chức đã dẫn ra trên đây, thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực từ trí thức, công chức, viên chức còn quá yếu. Có người tính rằng, hiện vẫn còn khoảng 80% số công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền chưa hội đủ những tiêu chuẩn của một công chức, viên chức như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc. Có 63% tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, không ít đơn vị nhận người vào làm, phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Trong số 37% sinh viên có việc làm, thì cũng không đáp ứng được công việc. Bằng cấp đào tạo ở Việt Nam chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận. Năm 2007, số sinh viên tốt nghiệp đại học là 161.411. Theo ước tính, mỗi tấm bằng đại học, người dân bỏ ra 40 triệu đồng, còn nhà nước đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, với tỷ lệ 63% số sinh viên ra trường chưa có việc làm, cho thấy kinh phí đầu tư của sinh viên thất nghiệp (161.411 sinh viên x 63% x 70 triệu), ít nhất thất thoát 7.117 tỷ đồng (trong đó, 4.067 tỷ đồng của dân và 3.050 tỷ đồng của nhà nước).
Việt Nam có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên. Con số này có thể nói tương đương với 2,6 triệu trí thức nước nhà.
Nói tóm lại, nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức (trong đó có công chức, viên chức) ở Việt Nam, nhìn chung, còn nhiều bất cập. Sự bất cập này đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế. Trong những năm đổi mới, kinh tế đất nước tuy có tăng từ 7,5 đến 8%, nhưng so với kinh tế thế giới thì còn kém xa. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) và tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), công bố ngày 26-9-2007, kinh tế Việt Nam xếp thứ 91/178 nước được khảo sát.
Có thể rút ra mấy điểm về thực trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam:
- Nguồn nhân lực ở Việt Nam khá dồi dào, nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức, chưa được quy hoạch, chưa được khai thác, còn đào tạo thì nửa vời, nhiều người chưa được đào tạo.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất.
- Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức,… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ đất nước.
2.2 Hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực nước ta hiện nay:
Trong hầu hết các Đại hội Đảng và trong nhiều văn kiện quan trọng khác nhau của Đảng đã khẳng định:
Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa; khẳng định con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực, cả về khả năng lao động, năng lực sáng tạo và tính tích cực chính trị - xã hội, cả về đạo đức, tâm hồn và tình cảm chính là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…Mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đều nhằm quán triệt tư tưởng chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam…
Tuy nhiên, từ ý tưởng trên đi tới đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện là cả một cuộc trường chinh gian khổ.
Sau 22 năm đổi mới, nước ta đứng trước thực tế:
Kinh tế tăng trưởng và phát triển liên tục, 10 năm qua tăng trưởng trung bình 7%; 5 năm qua tăng trưởng trung bình 7,5%. Năm 2007 – năm đầu tiên là thành viên của WTO, chỉ số tăng trưởng GDP là 8,5%, của xuất khẩu 20,5%, thu hút FDI tăng 17%. Năm 2007, Việt Nam được đánh giá là nước thứ 6 trong “top ten” của thế giới về thu hút FDI cho các năm 2008-2009 (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn độ, Nga, Brazil), xếp hạng môi trường kinh doanh được nâng cấp lên 13 bậc¨…. Nhờ GDP tính theo đầu người tăng gấp 4 lần so với trước đổi mới, nên đời sống của nhân dân nhìn chung được nâng cao rõ rệt. Việc Việt Nam ngày 16-10-2007 được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc khóa 2008-2009 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Song chính những thành tựu đạt được này đối chiếu với công sức bỏ ra, với những điều kiện và cơ hội cho phép, phải chăng Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng của mình?
Trong phát biểu của mình tại những cuộc hội đàm chính thức hai năm qua với người đứng đầu chính phủ các nước phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá quan hệ song phương phát triển chưa đúng tầm; điều này cũng hàm ý tự khẳng định sự phát triển chưa đúng tầm về phía nước ta. Nếu so sánh với các NICs ở châu Á sau 30 năm phát triển đầu tiên, nước ta phát triển như hiện nay là chậm, mặc dù điều kiện ngày nay của nước ta thuận lợi hơn nhiều về mọi mặt so với họ thời đó. Có không ít ý kiến các học giả trong và ngoài nước cho rằng chưa bao giờ Việt Nam hội đủ được thiên thời, địa lợi, nhân hòa như ngày nay, mức độ đạt được sau 32 năm phát triển – trong đó có 22 năm đổi mới – như thế là thấp. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, từ năm 2000 đến nay, đầu tư toàn xã hội ước chừng chiếm khoảng 30 – 40% GDP/năm, so với chỉ số tăng trưởng của những năm này ta có chỉ số ICOR hàng năm là xấp xỉ 5 hoặc <5, nghĩa là quá cao; lẽ ra chỉ số này chỉ nên là 3 – 3,5 so với mức tăng trưởng. Nói cách khác, với tổng đầu tư hàng năm như thế cho thấy tốc độ tăng trưởng và hiệu quả chung của nền kinh tế như thế là dưới khả năng cho phép, kết cấu hạ tầng vẫn phát triển rất chậm; thực trạng này có nguyên nhân quan trọng liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta…
Giáo dục, đào tạo, và khoa học 22 năm qua phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước đã nêu trên. Nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn trước, thể hiện rõ nét nhất ở năng xuất lao động của toàn xã hội đã thay đổi hẳn cục diện phát triển kinh tế nước ta kể từ khi tiến hành đổi mới, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ nhì thế giới trong những năm gần đây, trình độ giáo dục phổ cập và số lượng học sinh, lực lượng lao động có đào tạo, số người tốt nghiệp các bậc học tăng nhanh so với nhiều nước, đặc biệt trong vòng 10 năm 1993 -2002 tỷ lệ đói nghèo giảm còn một nửa (từ 57% xuống còn 28%).
Trên đây là so sánh ta hôm nay với ta cách đây 22 năm, Đấy là chuyện ta so với ta.
Nếu so kết quả đạt được với công sức bỏ ra, có lẽ phải nói lãng phí phạm phải trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển con người là tổn thất lớn nhất so với bất kỳ lãng phí nào khác đã phạm phải trong 22 năm đổi mới, với nhiều hệ quả lâu dài nhất.
Nước ta còn phải làm hai so sánh nữa:
Một là, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động so với các nước chung quanh, khoảng cách phát triển không thu hẹp được bao nhiêu; nếu lấy chỉ số thu nhập tính theo đầu người làm thước đo chung nhất, khoảng cách này có xu hướng đang rộng thêm.
Sau 20 năm đổi mới GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2006 tăng gấp 4 lần năm 1986. Số liệu này khẳng định tất cả những gì đã làm được.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của IMF năm 2006:
GDP danh nghĩa toàn thế giới tính theo đầu người năm 2005 là 7263 USD, của Việt Nam là 650 USD, nghĩa là gần bằng 9% mức của thế giới – nghĩa là khoảng cách của nước ta so với thế giới bên ngoài là rất lớn.
So sánh với các nước láng giềng chung quanh, cùng nguồn thống kê nêu trên cho thấy: Mặc dù gần một thập kỷ liên tiếp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng GDP danh nghĩa tính theo đầu người của Việt Nam năm 2005 bằng 33% của Trung Quốc (1940 USD); 2,1% Singapore (29765 USD), 3,6% Hàn Quốc (17865 USD); 4,2% Đài Loan (15387 USD); 12% Malaysia (5376 USD); 21% Thái Lan (2993 USD); 43% Indonesia (1500 USD); và 50% Philippines (1278 USD).
Năm 1986 – năm bắt đầu công cuộc đổi mới – thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200 USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines 440 USD, kém Hàn Quốc 6940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1100 USD, Thái lan 2140 USD, Malaysia 4520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD… Nghĩa là khoảng cách thu nhập của ta so với những nước này đang ngày càng rộng ra.
(Tham khảo thêm thống kê của IMF 2007).
Hai là, khả năng phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới mức trần, nước ta đứng trước đòi hỏi phải bằng mọi cách chuyển từ lợi thế so sánh dựa trên lao động giá rẻ, nhờ cậy vào tài nguyên và môi trường sang tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người. Ngay trước mắt, thời cơ đang đem lại cho đất nước khả năng đột phá sang một giai đoạn phát triển mới, có thể khắc phục tình trạng tụt hậu. Song nước ta đang vấp phải 3 trở lực lớn: chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực, sự bất cập lớn của kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuât, thể chế và năng lực quản lý hẫng hụt nhiều mặt.
Trong các chuyến đi thăm chính thức các nước phát triển của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2007, Việt Nam được các nước chủ nhà coi là đối tác đầy triển vọng, những công trình hợp tác kinh tế được ghi nhớ lên tới nhiều chục tỷ USD, nhiều công trình đầu tư lớn, dự án lớn được được cam kết ở mức sâu hơn trên những lĩnh vực quan trọng – nghĩa là chỉ còn chờ phía ta bật đèn xanh để đi vào đàm phán cụ thể: phát triển hệ thống đường xá toàn quốc, phát triển ngành hàng không, mở rộng khả năng sản xuất nhiệt điện, (vấn đề điện năng lượng hạt nhân đang được đề cập), phát triển toàn diện ngành dầu khí, phát triển những khu công nghệ cao, phát triển thị trường tài chính, phát triển thị trường địa ốc, mở rộng ngành công nghiệp du lịch..; ngay trong nước thị trường tài chính có triển vọng thu hút những nguồn vốn lớn… Lần đầu tiên nước ta đứng trước tình hình không thiếu vốn và cơ hội, có nhiều dự án lớn, nhưng lại thiếu trầm trọng năng lực quy hoạch và quản lý, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng những dự án lớn này. Tiến độ nhiều dự án lớn đã triển khai thường chậm một, hai năm so với kế hoạch hoặc hơn nữa. Trên hết cả, khoảng 2/3 GDP của nước ta dành cho xuất khẩu, cạnh tranh hàng giá rẻ với chất lượng thấp và dịch vụ thấp ngày càng không còn đất sống trước những làn sóng hàng hóa rẻ Trung Quốc khắp thế giới, chỉ còn một con đường cạnh tranh bằng hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ cao. Trong khi đó cơ hội không biết chờ đợi. Nói riêng về điện: năm 2006 ta thiếu 1,1tỷ kwh; năm 2007 thiếu 6,6 tỷ kwh, năm 2008 Tập đoàn Điện (EVN) dự báo thiếu 8,6 tỷ kwh, mọi kế hoach sản xuất điện EVN đã cam kết với Chính phủ đều chậm vài năm, thế nhưng từ nhiều năm nay không một dự án đầu tư nhiệt điện nào của nước ngoài dù khả thi về mọi mặt, kể cả dự án BOT, có thể vào VN; một ví dụ này nói lên nhiều điều.
Phải chăng đất nước đứng trước một nghịch cảnh: Kinh tế phát triển mạnh và cơ hội đang đến với đất nước rất lớn, nhưng trong khi đó giáo dục – đào tạo – khoa học và vấn đề phát triển nguồn nhân lực nói chung sau thời kỳ giành được những một số thành tựu ban đầu theo xu hướng phát triển đại trà, ngày nay đang đi tới một điểm nóng, với nhiều hệ quả trầm trọng. Trong phát triển con người và nguồn nhân lực, nhiều yếu kém và tiêu cực tích tụ lâu năm đang dồn nén lại thành nguy cơ có thể làm cho đất nước bó tay trước cơ hội lớn. Bản thân ngành giáo dục - đào tạo - khoa học, và nhìn chung là toàn hệ thống phát triển nguồn nhân lực đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng: đào tạo nhiều mà dùng được ít, số người được đào tạo thất nghiệp cao, chi phí của toàn xã hội quá lớn so với những gì gặt hái được, có nhiều hậu quả lớn phải xử lý tiếp (ví dụ vấn đề đào tạo lại, việc bố trí người không đúng việc, không chuẩn bị kịp cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước, phát sinh bộ máy cồng kềnh khiến cho quan liêu tham nhũng không thể tránh được…). Đất nước đứng trước tình hình: không đẩy nhanh phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học thì bất cập, đẩy nhanh thì thiếu nhiều nguồn lực, đẩy nhanh theo hướng đang làm sẽ có thể đi tới đổ vỡ lớn hơn, hướng đúng là gì chưa rõ, ý kiến đang rất khác nhau.
Đây là vấn đề cần tìm hiểu và kết luận dứt khoát. Chưa lúc nào trong xã hội tỏ ra lo lắng bức xúc về tình hình giáo dục – đào tạo – khoa học với nhiều lý lẽ rất xác đáng như ngày nay.
Trước hết nói về công sức bỏ ra rất lớn.
Trên thực tế, tính theo thu nhập trên đầu người, Việt Nam có lẽ là nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới: trung bình khoảng 8% GDP/năm, ở Mỹ mới chỉ là 6%, Trung Quốc là 2,7%..; nếu tính theo thu nhập của hộ gia đình tỷ lệ chi cho giáo dục ở nước ta còn cao hơn nữa. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo năm 2000 là 11,5%, năm 2005 là 13%, năm 2007 là 20%. Nhiều quốc gia mơ tưởng chỉ số này dành cho giáo dục của họ. Gần đây còn có nhiều quyết sách khác về tài chính – kể cả việc cho sinh viên vay tiền ngân hàng để chi cho học tập – hỗ trợ việc phát triển giáo dục. Nghĩa là cả nước nỗ lực rất lớn cho phát triển giáo dục nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung.
Thực trạng hiện nay:
Báo cáo khảo sát “200 doanh nghiệp top của Việt Nam” của UNDP – Hà Nội xuất bản tháng 9-2007 cho biết: Qua phỏng vấn, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng:
- họ phải đào tạo lại hầu hết mọi người ở mọi cấp bậc - học nghề, đại học, sau đại học - mà họ nhận vào doanh nghiệp của mình.
- họ không tin tưởng vào hệ thống đại học và các viện nghiên cứu của trong nước, vì chất lượng giảng dạy thấp; nội dung thấp và lạc hậu; khả năng nghiên cứu nghèo nàn; sách vở và thiết bị đều thiếu, không đồng bộ, cũ kỹ, rất yếu về ngoại ngữ, năng lực tổ chức và quản lý thấp…
Tình hình chung nguồn nhân lực của nước ta hiện nay là: Sau 30 năm công nghiệp hóa, vẫn còn khoảng 70% lao động cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ học sinh trên triệu dân, tỷ lệ số trường các loại trên triệu dân, tỷ lệ số trường đại học trên triệu dân; tỷ lệ tốt nghiệp đại học trên triệu dân, tỷ lệ có học vị tiến sỹ trên triệu dân của nước ta đều cao hơn tất cả các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người tương đương như Thái Lan, nhưng chất lượng đang có nhiều vấn đề. Điều tra của Bộ giáo dục và đào tạo năm 2006 cho thấy cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và có nhiều người không làm đúng nghề mình đã học, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có FDI và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu lực nguồn lực chuyên nghiệp. Khoảng 2/3 số người có học vị tiến sỹ trong cả nước không làm khoa học mà đang làm công tác quản lý; số bài báo khoa học được công bố hàng năm chỉ bằng khoảng ¼ của Thái Lan và bằng 0,00043% của thế giới, mặc dù số tiến sĩ của ta hàng năm nhận bằng thường nhiều hơn của Thái Lan, có năm cao gần gấp đôi…
Nguồn nhân lực nước ta đứng trước tình hình: trẻ (tính theo tuổi đời trung bình – một ưu thế lớn), đông (một ưu thế lớn khác, nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới), nhưng tỷ lệ tính trên triệu dân của số người có nghề và có trình độ chuyên môn rất thấp so với tất các nước trong nhóm ASEAN và Trung Quốc; số cán bộ kỹ trị và có trình độ quản lý cao rất ít so với dân số cũng như so với quy mô nền kinh tế.
Nền tảng khoa học để phát triển các đội ngũ nguồn nhân lực nước nhà được giáo sư Phạm Duy Hiển đánh giá khái quát: “Với năng lực KHCN như hiện nay, làm sao Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”?
Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2005: Nguồn nhân lực Việt Nam về chất lượng được xếp hạng 53 trên 59 quốc gia được khảo sát, song mất cân đối nghiêm trọng:
- Ở Việt Nam cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 4 và 10;
- Ở Việt Nam cứ 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học, trong khi đó của thế giới là 100, của Trung Quốc là 140 mặc dù mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Trung Quốc khoảng gấp đôi của nước ta.
Tác động sâu xa và lâu dài về mặt văn hóa của những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục là nhiều giá trị cao quý bị mai một, với nhiều di chứng khó sửa: suy nghĩ lệch lạc về cái học trở thành hiện tượng xã hội phổ biến; tư tưởng bằng cấp, tình trạng chạy trường chạy điểm, bằng thật học giả, gian lận, nói dối... tràn lan; bệnh hình thức và thành tích chủ nghĩa để lại nhiều hậu quả trầm trọng; giác ngộ ý thức làm chủ bản thân và vai trò chủ nhân của đất nước bị hạn chế; tình trạng dạy và học nhồi sọ cản trở đáng kể sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như của của đất nước, chẳng những không khuyến khích tự do tư duy sáng tạo mà còn ảnh hưởng đến khả năng đề kháng sự nô dịch sùng ngoại; trong xã hội không hiếm tư tưởng “ăn đong” và tư tưởng làm thuê, không hiếm hiện tượng vùi dập và bỏ phí người tài... Tất cả những yếu kém này vừa đang cản trở khả năng phấn đấu của từng cá nhân, vừa tiếp tục khoét sâu các mặt suy yếu của xã hội, của đất nước. Đã thế, lại có khuynh hướng đổ hết mọi tội lỗi lên cơ chế thị trường! Trong dân gian đã thốt lên sự than vãn: “Bao giờ cho đến ngày xưa!..” Tiến sâu vào thời kỳ phát triển hiện đại và hội nhập, nhưng nhìn chung trong cả nước ý thức luật pháp đối với nhà nước pháp quyền, cũng như ý thức tự chủ đối với xã hội dân sự của những người trong hệ thống bộ máy nhà nước cũng như của người dân còn nhiều mặt hạn chế.
Kết quả chung là: Con người Việt Nam có nhiều tố chất và ưu thế không được nuôi dưỡng và phát huy đúng hướng, chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung thấp về nhiều mặt so với các nước ASEAN và Trung Quốc, năng suất lao động cũng thấp hơn
Những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên có thể như sau:
- Không quan tâm và không kế thừa, phát huy những thành tựu giáo dục của nước ta đã tích lũy được trước đổi mới cũng như những thành tựu của thế giới, không khai thác lợi thế nước đi sau, thậm chí ít nhiều hoang tưởng, duy ý chí hoặc nhân danh phát huy sáng tạo đi tìm một con đường riêng, nhưng thực tế là lạc lõng.
- Tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội đã làm sai lệch những ý tưởng, những mong muốn tốt đẹp dành cho phát triển con người và nguồn nhân lực – điển hình là sự ra đời của khái niệm “xã hội hóa” với nội dung bị bóp méo theo khuynh hướng đẩy việc phát triển con người và nguồn nhân lực ngày càng đi vào con đường thương mại hóa, nhiều công việc thuộc giáo dục và đào tạo trở thành hàng hóa và dịch vụ kiếm lợi nhuận, đã xẩy ra siêu lợi nhuận.
- Không lường đúng những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là khả năng rất giới hạn của nguồn lực và một bên là đòi hỏi lớn của phát triển – (cụ thể ở đây là phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực – của một nước nghèo, đông dân, đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi nhanh như nước ta); không lường đúng những mặt phức tạp và những khó khăn rất đa dạng, sâu xa của lĩnh vực thiết yếu bậc nhất và rất nhạy cảm nhất này trong đời sống quốc gia, không nhận thức đúng những yếu kém lớn về năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước. Duy ý chí và bệnh thành tích đầu độc trầm trọng thêm tình trạng này.
- Tri thức, tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học được giao nhiệm vụ trực tiếp làm chính sách quốc gia về giáo dục – đào tạo – khoa học, của những người được trực tiếp giao nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý lĩnh vực phát triển giáo dục và nguồn lực con người, và nhìn chung là trình độ của đội ngũ này dưới tầm so với đòi hỏi của nhiệm vụ. Xét theo lương tâm nhà giáo, theo bản lĩnh người trí thức thì còn phải nêu ra nhiều yếu kém nghiêm trọng khác nữa của đội ngũ này.
- Bao trùm lên tất cả là tác động của những yếu kém nằm trong những nguyên nhân tổng hợp của thực trạng kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước.
CHƯƠNG 3:
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở VIỆT NAM.
Nhìn rõ được thực trang về nguồn nhân lực của nước ta để chúng ta phát huy những điểm mạnh, khắc phục và hạn chế những điểm yếu đồng thời đưa ra được những yêu cầu đối với giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Một mặt phải trực tiếp giải quyết vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực, về trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kỹ thuật, mặt khác phải giải quyết vấn đề nâng cao thể lực người lao động và phân phối nguồn lao động một cách hợp lý.
Hiện nay, mục tiêu phát triển của đất nước đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vấn đề còn đang xác định là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
Tạo nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước sẽ góp phần quan trọng có tính quyết định để thực hiện mục tiêu trên. Xin được nêu một số giải pháp về phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam sau:
Một là: Phải xác định cho rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên nhiên như ở Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người.
Hai là: Nâng cao hơn nữa đến chất lượng con người và chất lượng cuộc sống. Chất lượng con người, trước hết, phải tính đến vấn đề chất lượng sinh nở. Ngành y tế phải có những quy định cụ thể về chất lượng sinh nở như kiểm tra sức khỏe, bệnh tật, tính di truyền,… trước khi đăng ký giá thú và vợ chồng quan hệ để sinh con. Hiện nay, tại Việt Nam, đang có tình trạng đẻ vô tội vạ, đẻ không tính toán, cân nhắc, nhất là ở nông thôn, làm cho những đứa con sinh ra bị còi cọc, không phát triển được trí tuệ. Thậm chí có những người bị nhiễm chất độc da cam mà vẫn đẻ ra những đứa con dị tật. Có người tính rằng, tại Việt Nam, cứ 10 đứa trẻ sinh ra, có 1 đứa bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, phải tăng cường chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng.
Khi có chất lượng con người, phải tính đến chất lượng cuộc sống, có nghĩa là phải nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần của con người sinh ra, bảo đảm cho họ có thể lực dồi dào, có trí tuệ minh mẫn. Về vấn đề này, Việt Nam còn kém xa so với nhiều nước.
Ba là: Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Bốn là: Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ có biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài của nguồn nhân lực, trong đó có vấn đề khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, tạo một chuyển biến thật sự mạnh mẽ trong việc khai thác, đào tạo, sử dụng từ nguồn nhân lực trong công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ,…
Năm là: Nhà nước phải có kế hoạch phối hợp tạo nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức; có kế hoạch khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các nguồn nhân lực cho đúng.
Sáu là: Không ngừng nâng cao trình độ học vấn. Hiện nay, nhìn chung, trình độ học vấn bình quân của cả nước mới khoảng lớp 6/ đầu người (có người tính là lớp 7). Tỷ lệ biết chữ mới đạt khoảng 93% (có người tính là 94 - 95%). Vì vậy, vấn đề đặt ra một cách gay gắt là phải bằng mọi biện pháp và đầu tư để nâng cao trình độ học vấn của cả nước lên, bằng không, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện toàn xã hội học tập và làm việc.
Bảy là: Đảng và Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, đúng đắn đối với việc việc sử dụng, trọng dụng nhân tài, nhất là trọng dụng các nhà khoa học và chuyên gia thật sự có tài năng cống hiến. Phải có sự phân biệt rành mạch giữa tài thật và tài giả, giữa những người cơ hội và những người chân chính trong các cơ quan công quyền. Không giải quyết được vấn đề này một cách rõ ràng, thì nhân tài của đất nước sẽ lại "rơi lả tả như lá mùa thu", "vàng thau lẫn lộn", làm cho những người thật sự có tài năng không phát triển được, trong khi đó, những người cơ hội, “ăn theo nói leo”, xu nịnh, bợ đỡ lại tồn tại trong các cơ quan công quyền.
Tám là: Chính phủ cần có những quyết định đúng đắn về việc được phép đầu tư vào cái gì trong nguồn nhân lực; cải thiện chính sách tiền tệ và tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa giáo dục là những vấn đề quan trọng vào thời điểm hiện nay.
Chín là: Cải thiện thông tin về nguồn nhân lực theo hướng rộng rãi và dân chủ, làm cho mọi người thấy được tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực của nước ta và trên thế giới. Mở những đợt tuyên truyền rộng rãi, thấm sâu vào lòng người về nguồn nhân lực, chất lượng sinh, sống, thông tin về học tập, giáo dục ngành nghề trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, học sinh.
Mười là: Hằng năm, Nhà nước cần tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực ở Việt Nam, đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút ra những kinh nghiệm, trên cơ sở đó mà xây dựng chính sách mới và điều chỉnh chính sách đã có về nguồn nhân lực ở Việt Nam, như chính sách hướng nghiệp, chính sách dạy nghề, học nghề, chính sách quản lý nhà nước về dạy nghề, học nghề; chính sách dự báo nhu cầu lao động và cân đối lao động theo ngành nghề, cấp trình độ; chính sách thu hút các thành phần kinh tế tích cực tham gia vào lĩnh vực tạo nguồn nhân lực cho đất nước; chính sách chi ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực; chính sách đối với các tổ chức NGO có liên quan đến vấn đề nhân tài, nhân lực; chính sách đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, công nhân, trí thức, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Chính phủ và các cơ quan chức năng phải có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Nói tóm lại, nếu không làm tốt vấn đề tạo nguồn nhân lực cho đất nước, thì khó lòng đạt được mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên thực tế, có nhiều quốc gia đang phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng rất ít nước tiếp tục đi lên được để trở thành một nước công nghiệp, vì những nước này, không có chính sách hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực.
PHẦN KẾT LUẬN
Trong bất kì xã hội nào, một đất nước nào, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nguồn nhân lực đó được đào tạo một cách có chất lượng tốt, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực thì lực lượng sản xuất mới có thể phát triển mạnh được, trình độ lực lượng sản xuất mới có thể nâng cao hơn, bởi lẽ lực lượng sản xuất bao gồm tư liệu sản xuất và con người. Con người là nguồn nhân lực, lực lượng sản xuất phản ánh mối quan hệ, sự tác động kích thích của con người vào tư liệu sản xuất, con người có được đào tạo, được trang bị thì mới có thể có trình độ để sử dụng tư liệu sản xuất một cách hiệu quả. Điều này càng trở nên quan trọng và cấp thiết khi tư liệu sản xuất ở đây là máy móc, công nghệ khoa học kỹ thuật, những tư liệu sản xuất này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có đầy đủ trình độ thì mới có thể thực hiện có hiệu quả được. Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề không dễ thực hiện vì thực hiện được vấn đề này có nghĩa là chuyển đổi từ lực lượng sản xuất thấp kém sang một lực lượng sản xuất có trình độ cao, hiện đại. Điều này càng trở nên khó khăn với những nước có nền kinh tế kém phát triển thậm chí với những nước đang phát triển, những nước có nền kinh tế cơ bản là nông nghiệp,có nguồn vốn ít ỏi và khoa học thấp kém. Nước ta là một nước đang phát triển và cũng đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhũng khó khăn kể trên nước ta đều có cả. Song dựa vào đâu mà Đảng và nhà nước ta đã quyết định thực hiện chiến lược này. Điều đó đã được Đảng và nhà nước ta thông qua thực trạng nguồn nhân lực của nước ta thấy được những lợi thế mà nước ta có được hoàn toàn có khả năng thực hiện được sự nghiệp này. Nước ta có dân số lớn, có nguồn lao động dồi dào đặc biệt là lực lượng lao động trẻ ở độ tuổi từ 14 đến 35, nhóm có ưu thế về sức khỏe, sức vươn lên, năng động và sáng tạo. Đường lối đổi mới của Đảng đã mở ra khả năng phát triển nền kinh tế, quản lý nhà nước về nguồn nhân lực ngày càng được quan tâm. Chúng ta có rất nhiều lợi thế khác, bên cạnh đó có những khó khăn và thách thức, song phân tích được thực trạng Đảng và nhà nước ta đã có giải pháp khắc phục giải quyết hợp lý,đảm bảo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ đi đến thắng lợi. Điều quan trọng nhất là chúng ta bởi lẽ chúng ta có truyền thống là dân tộc anh hùng, đoàn kết và có lòng yêu nước cao cả, sự thông minh vốn có chắc chắn chúng ta sẽ là một nước phát triển trong tương lai và sẽ tạo ra nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- thuc_trang_va_giai_phap_1182.doc