Đề tài Tìm hiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm trong vai trò nhà tư tưởng

1. Lý do chọn đề tài Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), tên huý là Văn Đạt, tên chữ là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông mất năm 1585, sống gần trọn trong thế kỷ XVI đầy biến động. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong một gia đình Nho học. Ông nổi tiếng thần đồng từ nhỏ nhưng mãi tới năm 44 tuổi mới đi thi Hương và liền năm sau đó đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), niên hiệu Đại Chính triều Mạc Đăng Doanh. Sau khi thi đỗ, ông được bổ chức Đông các hiệu thư, rồi được thăng chức Tả thị lang bộ Hình kiêm Đông các đại học sĩ. Năm 1542 (Nhâm Dần), ông cáo quan sau khi dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần không được vua chấp thuận. Mạc Phúc Hải gia phong ông là Trình Tuyền hầu, vì thế người đời quen gọi ông là Trạng Trình. Về làng, ông dựng Trung Tân quán, Bạch Vân am, khởi xướng việc lập chợ, xây cầu, sửa sang chùa chiền, mở lớp dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, có ý định xây dựng quê hương thành một vùng đất văn học. Trong thời gian này, ông đã đào tạo được lớp nhân tài cho đất nước trong đó có nhiều người đỗ đạt cao như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện Năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, thọ 95 tuổi. Vua Mạc sai Mạc Kính Điển làm khâm sai cùng các quan về dự tế, truy phong ông là Thượng thư bộ Lại, Thái phó Trình quốc công. Không chỉ là một tên tuổi lớn nhất được tôn vinh của triều “ngụy Mạc” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là tên tuổi lớn của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử nhưng những nhận định về Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hầu như không thăng giáng. Hậu thế vẫn tôn vinh ông bằng những “nhà tư tưởng”, “nhà chính trị”, “nhà thơ lớn”, “nhà văn hóa”, “nhà tiên tri”, Nhưng ở tất cả các bình diện ấy, nói đến cùng thì ông không thật xuất sắc. Ông không có công cứu nước phò nguy như các vị khai quốc công thần, không phải người đứng đầu các vương triều mà những tư tưởng có ảnh hưởng tới vận mệnh cả quốc gia, dân tộc. Ông cũng phải là một tài thơ xuất chúng lẫy lừng. Thế nhưng trước tòa án lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ chịu búa rìu của dư luận. Ngay cả những kẻ đối lập về chính trị đương thời cũng không dám đường đột phê bình, xúc phạm, dù bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhất. Vượt qua tất cả những sàng lọc nghiệt ngã nhất của lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được tôn vinh là “cây đại thụ tỏa bóng suốt thế kỷ 16”. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhận định và đánh giá lại Nguyễn Bỉnh Khiêm, gạt đi những gì mà ông không có và trả lại những gì đích thực là của ông. Cũng có khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cuộc đời, hành trạng, và tư tưởng của ông. Nhất là những năm gần đây, giới nghiên cứu đã có cách nhìn nhận và đánh giá lại vai trò và công lao của nhà Mạc đối với lịch sử phát triển của dân tộc. Theo đó, chúng ta cũng có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn với Nguyễn Bỉnh Khiêm, dần dần làm sáng tỏ con người còn nhiều vấn đề cần phải tranh luận này.

doc22 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2030 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tìm hiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm trong vai trò nhà tư tưởng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), tên huý là Văn Đạt, tên chữ là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông mất năm 1585, sống gần trọn trong thế kỷ XVI đầy biến động. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong một gia đình Nho học. Ông nổi tiếng thần đồng từ nhỏ nhưng mãi tới năm 44 tuổi mới đi thi Hương và liền năm sau đó đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), niên hiệu Đại Chính triều Mạc Đăng Doanh. Sau khi thi đỗ, ông được bổ chức Đông các hiệu thư, rồi được thăng chức Tả thị lang bộ Hình kiêm Đông các đại học sĩ. Năm 1542 (Nhâm Dần), ông cáo quan sau khi dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần không được vua chấp thuận. Mạc Phúc Hải gia phong ông là Trình Tuyền hầu, vì thế người đời quen gọi ông là Trạng Trình. Về làng, ông dựng Trung Tân quán, Bạch Vân am, khởi xướng việc lập chợ, xây cầu, sửa sang chùa chiền, mở lớp dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, có ý định xây dựng quê hương thành một vùng đất văn học. Trong thời gian này, ông đã đào tạo được lớp nhân tài cho đất nước trong đó có nhiều người đỗ đạt cao như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện… Năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, thọ 95 tuổi. Vua Mạc sai Mạc Kính Điển làm khâm sai cùng các quan về dự tế, truy phong ông là Thượng thư bộ Lại, Thái phó Trình quốc công. Không chỉ là một tên tuổi lớn nhất được tôn vinh của triều “ngụy Mạc” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là tên tuổi lớn của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử nhưng những nhận định về Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hầu như không thăng giáng. Hậu thế vẫn tôn vinh ông bằng những “nhà tư tưởng”, “nhà chính trị”, “nhà thơ lớn”, “nhà văn hóa”, “nhà tiên tri”,… Nhưng ở tất cả các bình diện ấy, nói đến cùng thì ông không thật xuất sắc. Ông không có công cứu nước phò nguy như các vị khai quốc công thần, không phải người đứng đầu các vương triều mà những tư tưởng có ảnh hưởng tới vận mệnh cả quốc gia, dân tộc. Ông cũng phải là một tài thơ xuất chúng lẫy lừng. Thế nhưng trước tòa án lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ chịu búa rìu của dư luận. Ngay cả những kẻ đối lập về chính trị đương thời cũng không dám đường đột phê bình, xúc phạm, dù bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhất. Vượt qua tất cả những sàng lọc nghiệt ngã nhất của lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được tôn vinh là “cây đại thụ tỏa bóng suốt thế kỷ 16”. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhận định và đánh giá lại Nguyễn Bỉnh Khiêm, gạt đi những gì mà ông không có và trả lại những gì đích thực là của ông. Cũng có khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cuộc đời, hành trạng, và tư tưởng của ông. Nhất là những năm gần đây, giới nghiên cứu đã có cách nhìn nhận và đánh giá lại vai trò và công lao của nhà Mạc đối với lịch sử phát triển của dân tộc. Theo đó, chúng ta cũng có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn với Nguyễn Bỉnh Khiêm, dần dần làm sáng tỏ con người còn nhiều vấn đề cần phải tranh luận này. 2. Lịch sử vấn đề Đã có rất nhiều học giả để tâm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhằm làm sáng tỏ một số phận tài ba, và để đánh giá một cách thật công bằng về một danh nhân văn hoá của đất nước. Trạng Trình có ảnh hưởng lớn tới đất nước và con người Việt trong suốt thế kỷ XVI với nhiều biến động của lịch sử, xã hội, con người. Tìm hiểu về Trạng Trình là công việc gặp nhiều khó khăn bởi tài liệu của người cùng thời viết về ông, vì nhiều lí do đã rất ít ỏi và nếu có thì phần nhiều chưa thật chính xác. Cuốn sách đầu tiên ghi chép và nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm là cuốn Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phả ký do Vũ Khâm Lân biên soạn. Cuốn sách được sưu tập với sự giúp đỡ của người cháu trực hệ bảy đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nguyễn Thì Đương. Tuy đây là cuốn sớm nhất nhưng cũng được ghi chép sau khi ông đã mất 190 năm. Đến thế kỷ XIX, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng ghi chép được một số tài liệu ít ỏi về Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng phần lớn lại dựa vào cuốn Phả ký của Vũ Khâm Lân. Thời thuộc Pháp, cuốn Tuyết Giang Phu tử của Chu Thiên là một công trình nghiêm túc quy tụ được những nét chính về thời đại và cuộc đời danh nhân. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, giới nghiên cứu nước ta rất quan tâm tới vấn đề Trạng Trình. Có nhiều công trình nghiên cứu với mục đích tìm hiểu giá trị đích thực của một tài thơ, một nhân cách lớn trong nền văn học Việt Nam. Những tác phẩm Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Nguyễn Đổng Chi, giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII của Đại học Tổng hợp và giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam của trường Đại học Sư phạm mang lại một hình dung rõ ràng hơn về thời đại và con người Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra, chúng ta có hai quyển sách viết về thơ Trạng Trình, đó là cuốn: Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ triết lý của Lê Trọng Khánh - Lê Anh Trà; năm 1983 nhóm Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn đã biên soạn cuốn Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong những cuốn sách trên, các nhà khoa học đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc tìm hiểu và định giá cuộc đời cũng như tài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm ngày mất danh nhân năm 1985 tại Hải Phòng, chúng ta có thêm cuốn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, kỷ yếu hội thảo. Năm 1991, Bộ Văn hoá thể thao và thông tin cùng Viện Khoa học xã hội đã công bố cuốn sách: Nguyễn Bỉnh Khiêm - danh nhân văn hoá. Cũng trong năm 1991, tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị khoa học nhân 500 năm ngày sinh Trạng Trình. Sau đó kỷ yếu của hội thảo đã được xuất bản thành cuốn sách: Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hoá dân tộc. Trong ba cuốn sách này, nhiều ý kiến mới về con người và thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm được đề cập tới, những vấn đề trước đây còn nhiều băn khoăn thì nay được đưa ra thảo luận. Các học giả cũng đã đi đến nhất trí trong việc đánh giá tài thơ, đức độ Trạng Trình, cũng như nhìn nhận lại một triều đại trong lịch sử Việt Nam. Gần đây nhất là công trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm của Trần Thị Băng Thanh và Vũ Thanh tuyển chọn, giới thiệu. Công trình tập trung những bài viết từ trước tới nay về Nguyễn Bỉnh Khiêm được tập hợp một cách hệ thống và khoa học. Cuốn sách đã đưa lại một cái nhìn toàn diện hơn về con người và thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong những cuốn sách này, các nhà nghiên cứu ít nhiều đã nói tới con người chính trị, con người tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, và cũng cố gắng lý giải những câu hỏi được đặt ra về cuộc đời, hành trạng và tư tưởng của ông. Những nỗ lực tiến gần tới Trạng Trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng đến gần con người mà lịch sử và thời gian đã phủ lên quá nhiều huyền thoại này không phải là đã tới được đích cuối cùng. Trạng Trình vẫn còn rất nhiều vấn đề cần hậu thế làm sáng tỏ 3. Mục đích và ý nghĩa của đề tài Nhìn nhận lại một danh nhân lớn của đất nước là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi xung quanh danh nhân ấy còn quá nhiều câu hỏi cần giải đáp. Thông qua việc nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm ở mặt tư tưởng, cùng với những kết quả mà các nhà nghiên cứu đã đạt được trong việc nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm từ trước tới nay, người viết xin đưa ra một vài kiến giải cá nhân về con người, nhân cách và tài năng của Trạng Trình. Trong quá trình đó người viết cũng sẽ cố gắng lí giải sức hấp dẫn kỳ lạ của Nguyễn Bỉnh Khiêm với hậu thế. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu mà tiểu luận hướng tới là Nguyễn Bỉnh Khiêm mà cụ thể là tìm hiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm trong vai trò nhà tư tưởng. Cùng với những gì đã có, chúng ta dựng lại chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm một cách rõ ràng nhất, dựa trên những điều được coi là khả tín. Vì điều kiện thời gian không cho phép, người viết chỉ khảo sát Nguyễn Bỉnh Khiêm ở mặt tư tưởng, chứ không đi vào nghiên cứu toàn diện về ông. Và phạm vi khảo sát là những cuốn sử, sách viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm của người đương thời và hậu thế, và trong chính những sáng tác của ông. PHẦN NỘI DUNG 1. Nhà tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm qua sử sách Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Ông vừa là người chiêm nghiệm, nhà thông thái, lại vừa là người đại diện cho tinh thần văn hóa của thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà sứ giả nhà Thanh, Chu Xán lại từng phát biểu: “An Nam lý học hữu Trình tuyền”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà bạn đồng triều với Nguyễn Bỉnh Khiêm là Giáp Hải lại ca ngợi: “Chu Liêm Khê hậu hữu Y Xuyên - Lý học vu kim hữu chính truyền” (Sau Chu Liêm Khê có Trình Y Xuyên - Lý học đến nay đã có bậc chính truyền) [10;615]. Còn môn sinh của ông thì ca ngợi trong Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn rằng: “ Nghĩa cứu Thi, Thư lục tịch, xanh thuyền Chu tử chi tân nhai; Lý minh “Thái ất” nhất kinh, nhiên lê chiếu Dương Hùng chi tạng phủ. (…) Tàng vãng tri lai Thiệu Nghiêu Phu môn hộ (…) Phỉ thanh danh ư Chu ung Lỗ phán, tâm hùng ký túc trường đồ; (…) Dự vĩnh đằng ư Lý học chi thuyên, lưỡng quốc anh hùng vô đối thủ. (Sáu bộ Thi, Thư suốt nghĩa, bơi thuyền đến bến thầy Chu; Một kinh Thái ất thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương tử. (…) Suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu môn hộ. (…) Tiếng nức trường Chu, lớp Lỗ, đường dài ngựa tốt ruổi rong. (…) Một mình Lý học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ). [10;618] Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tự bộc lộ: “Lý đạo nhất trung chi đạo đại - Văn khoa tam thượng tiếu tài sơ” (Lý hiểu một trung hay đạo lớn - Văn đầu ba khóa thẹn tài sơ - Trung Tân quán ngụ hứng). Qua một vài dẫn chứng của người đương thời, trong đó có cả Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy ông là người am hiểu Kinh Dịch và Lý học. Vậy ông đã học tập tư tưởng triết học ở đâu, của ai? Tư tưởng triết học ở ông thể hiện ở những mặt nào, và ông có đóng góp gì trên lĩnh vực này? Theo các tài liệu đã nói ở trên thì ta có thể khẳng định Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học Tống Nho, chứ không phải Nho giáo Tiên Tần hay Hán Nho như các thời đại trước. Cuộc cải cách toàn diện của Lê Thánh Tông thế kỷ XV đã đưa Tống Nho lên địa vị độc tôn. “Với tính chất hỗn dung của nó, Tống Nho đã vay mượn nhiều trường phái triết học khác, trong và ngoài Bách gia chư tử, như Lão Trang, Phật giáo, Âm dương gia… để trang bị lại và cách tân Nho giáo thành một hệ thống triết học tương đối hoàn chỉnh, lấy Mạnh Tử làm chỗ dựa để phát triển học thuyết “tâm tính” và lấy Kinh Dịch làm nền cho học thuyết “lý khí” [10;106]. Với mục đích lấy thực học làm cứu cánh như Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã tìm thấy ở Tống Nho môi trường thuận lợi để đào luyện trí tuệ, mở mang kiến thức ra ngoài giới hạn Nho giáo nguyên thủy. Cũng theo các tài liệu này thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt giỏi về Lý học. Lý học là một ngành của Nho giáo, nghiên cứu về cái lẽ biến hóa của Trời Đất, để có thể đoán biết vận mệnh tương lai. Nho giáo đời Tống vượt lên đến chỗ cao siêu, chính là vì chịu ảnh hưởng của cả Lão học và Phật học, sau lập ra phái Lý học. Theo Trần Trọng Kim, phái Lý học đời nhà Tống có tất cả ba thuyết: * Thuyết thứ nhất (Tượng Số học) có Thiệu Ung làm đại biểu, nhưng về sau không thịnh hành được là vì học theo thuyết ấy cần phải là người tinh thâm thuật số học mới được. * Thuyết thứ hai (Đạo học) có Chu Đôn Di làm đại biểu, rồi có Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di, mở rộng thêm ra. Sau đến đời Nam Tống có Chu Hi tập đại thành mà lập ra học thuyết nói về sự học vấn. Cái học của Chu Hi chuyên trị về mặt công truyền, rất thịnh hành ở đời Minh và đời Thanh. * Thuyết thứ ba (Tâm học) có Lục Cửu Uyên, đồng thời với Chu Hi, theo cái Tâm học của Mạnh Tử, chuyên trị về sự tôn đức tính. Thuyết này đến đời nhà Minh có Vương Thủ Nhân (Vương Dương Minh) mở rộng thêm ra và lập thành một phái Tâm học có tinh thần rất mạnh." (Nho giáo). Như đã nói ở trên, phái Lý học chia làm ba nhóm là: Tượng Số học, Đạo học và Tâm học, nhưng thông thường, khi nói đến Lý học người ta cho rằng đó là Tượng Số Học. Cũng theo Trần Trọng Kim, Tượng Số học bắt đầu từ Dương Hùng, đời Tây Hán, với quyển sách của ông tên là Thái Huyền, nghiên cứu hình nhi thượng học của Nho giáo. Kinh Dịch thì lấy Âm Dương làm gốc, còn sách Thái Huyền thì lấy ba số: 1, 2, 3 làm gốc, do ảnh hưởng Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Tượng Số sau đó đến Trần Đoàn thời Tống sơ, rồi đến Thiệu Ung tức là Thiệu Khang Tiết (1011-1077). Thiệu Khang Tiết là người có tài đức, học rất rộng, hiểu rõ bí quyết của Hà đồ và Tiên Thiên Tượng Số, viết ra sách Hoàng Cực Kinh Thế. Học vấn của Thiệu Khang Tiết rất cao, người theo được phải có thiên tư đặc biệt, cho nên về sau, không có người mở rộng học thuyết này. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm theo như sử sách ghi lại thì được thầy học của mình là Lương Đắc Bằng trao lại cho quyển sách Thái ất thần kinh mà có người tặng thầy khi đi sứ Trung Quốc. Đó chính là sách Thái huyền của Dương Hùng. “Nhờ đó ông hiểu được lẽ huyền vi và nắm được chân truyền” [10;625]. Phả ký cũng ghi chép rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm “rất tinh về lý thuyết Kinh dịch”. Như vậy có thể thấy là Nguyễn Bỉnh Khiêm quan tâm tới những vấn đề triết học, và chắc chắn rằng ông đã nghiên cứu “hình nhi thượng” của Nho giáo, lấy Tượng Số học mà xét vận mệnh của Trời Đất, rồi suy diễn ra sự hành động của vạn vật. Trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm có cốt cách của một vị đạo sĩ thâm trầm. Hơn nữa, những năm còn nhỏ ông theo học ở chùa, vì vậy chắc chắn Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng am hiểu Phật giáo nữa. Vì vậy, tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm không đơn giản chỉ là ảnh hưởng của riêng triết học Tống Nho, mà là sự giao thoa của cả Nho, cả Lão Trang, và Phật nhưng tư tưởng Tống Nho vẫn là chủ đạo, những hệ tư tưởng ngoài Nho không những không cản trở Nguyễn Bỉnh Khiêm trong nhận thức mà ngược lại ở ông có quá trình lấy, thêm, bỏ, bớt để hoàn thiện nhận thức của mình. 1.2. Nhà tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm qua thơ văn Dù được ca tụng như một trong những nhà tư tưởng lớn của nước ta nhưng xét cho cùng thì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giống như các nhân vật còn lại. Nghĩa là ông cũng không để lại các tác phẩm chuyên bàn về triết học, kể cả là loại tiên chú, phu thuyết giải thích những kinh điển như nhiều học giả thường làm. Nghiên cứu triết học Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng ta lại phải đi khảo sát văn thơ của ông. Vậy chúng ta phải nhìn nhận diện mạo tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế nào cho đúng? Trong Lí học, Nguyễn Bỉnh Khiêm quan tâm nhiều nhất đến quan niệm về thái cực - khởi nguyên của trời đất, tính mâu thuẫn đối lập của sự vật, nguyên lý lưu động, biến đổi của vạn vật,… Trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm, vấn đề bản thể được ông nghiền ngẫm và trình bày, tuy không nhiều nhưng khá rõ ràng. Khi cắt nghĩa khởi nguyên của trời đất, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xuất phát từ nguyên lý của Dịch, xem Thái cực là hình thái chuyển hóa đầu tiên của bản thể, dẫn tới sinh thành nên vũ trụ. Nhưng trong cách diễn đạt của ông vẫn có một sắc thái riêng, mang dấu ấn tư tưởng ông, và rất sáng rõ chứ không quanh co, thần bí như Kinh dịch: Thái cực sơ triệu phân, Tam tài định quyết vị. Khinh thanh thượng vi thiên, Trọng trọc hạ vi địa. Trung tập nhi vi nhân, Bẩm thụ thị nhất khí. (Thái cực lúc mới phân chia, Vị trí của thiên, địa, nhân đã định. Trong, nhẹ bay lên là trời, Đục, nặng lắng xuống là đất. Ở giữa kết tụ là người, Sinh ra vốn cùng một khí) (Cảm hứng) Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hình dung về khởi nguyên tạo lập vũ trụ một cách khá đơn giản và nhất quán. Ông đặt Thái cực lên đầu, song cốt lõi tư tưởng lại đặt vào “khí”. Trong quan niệm phương Đông, khí là một thứ thuộc về vật chất, là tinh túy của vật thể. Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng khởi nguyên của vũ trụ là khí và Tam tài: trời, đất, người đều do khí sinh ra. Ta có thể thấy luận điểm của ông rất giống với Trương Tải: “Thái hư vô hình, khí chi bản thể; kỳ tụ kỳ tán, biến hóa chi khách hình nhĩ” (Thái hư là vô hình, nhưng bản thể của nó là khí; khí khi tụ khi tán, biến hóa mà thành hình thể của ngoại giới - Chính mông, “Thái hòa”). Như vậy thì con người và vạn vật đều được sinh ra một cách tự nhiên, trời cũng thuộc giới tự nhiên, “Sinh ý vô tư vạn vật đồng” (Cái ý sinh thành của trời không có thiên lệch, muôn loài đều như nhau cả). Đây là quan điểm thô sơ của triết học duy vật, là nhận thức của Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà triết học sáng lập lên học thuyết, tuy rằng một cách vô thức nhưng là biểu hiện của tư duy triết học đúng hướng. Chúng ta có thể xét thêm vấn đề này trong bài thơ Kê noãn của ông. Dưới con mắt quan sát của Nguyễn Bỉnh Khiêm, quả trứng gà là một tiểu vũ trụ, nó cũng phải trải qua quá trình khép kín, từ khi bắt đầu hình thành tới khi phát triển: Ngoại trang thái tố song tằng bạch Nội trữ đan biêm nhất điểm hoàng. Thái cực vị phân do hỗn độn, Lưỡng nghi tương hợp thủy khôi trương. (Ngoài lồng thái tố hai lần trắng, Trong chứa đan biêm một điểm vàng. Thái cực chưa chia còn hỗn độn, Hai khí hợp lại mới khai trương) (Kê noãn) Đây là một quá trình tuân theo nguyên lí của Dịch học về sự vô thủy vô chung của Thái cực. Chính cách hiểu tương đối về hình thái cũng như cấu trúc của quả trứng với tính cách là một tiểu vũ trụ bao hàm trong nó cả trời và đất đã làm cho quan điểm triết học tự nhiên của ông phù hợp với việc xem xét quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ. Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là nhà thơ Việt Nam nói nhiều nhất đến Chu dịch. Bài Độc “Chu dịch” hữu cảm nói lên lòng ngưỡng mộ và sùng kính của nhà thơ đối với tác phẩm này, coi đó là pho sách đã khái quát muôn vàn sự vật cổ kim khác biệt đa dạng vào trong một cái duy nhất - Dịch lý. Đặc biệt, ông rất có hứng thú với Dịch lý và nói tới Dịch lý với một hứng thú khác thường. Ta không thể nói về những kiến giải, về trình độ sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm bởi cứ liệu không cho phép mà ta chỉ có thể nói về hứng thú và khuynh hướng của ông về Dịch lý. Có thể thấy hầu như bài Ngụ hứng hay Hữu cảm nào ông cũng xa gần đề cập đến các khái niệm của Dịch lý như cơ ngẫu, doanh hư, âm dương, tiêu trưởng, hoặc dùng các tên quẻ, các mệnh đề của lời quẻ, lời hào để diễn đạt tư tưởng của mình. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều bài đề cập đến những vấn đề của trời, đất, sự biến đổi, tuần hoàn của sự vật, sự chuyển hóa giữa hai mặt đối lập,… Cũng như các nhà triết học Á Đông khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng mọi sự vật, hiện tượng đều luôn luôn biến động không ngừng. “Sinh ra, diệt đi, hết rồi lại bắt đầu”. Ông hay nhắc đến sự biến đổi, chuyển hóa của hai mặt đối lập: Vũng nọ ghê khi làm bãi cát, Doi kia có thuở lút hòn Thai. Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng, Dại dột nào hay tiểu có đài. Đã khuất bao nhiêu lại có duỗi, Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai. (Thơ Nôm bài 2) Ta thấy trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nhắc tới “đạo Trời”. “Đạo Trời” ở đây chính là những vấn đề về lẽ tương sinh, tương khắc, quy luật biến đổi của vạn vật,… “Thế gian có doanh là có hư, có dữ là có lành, có khen là có chê, có vắn là có dài, có họa là có phúc, có nhọn là có cùn, có giàu là có nghèo, có vinh là có nhục, có được là có thua…” mọi sự biến hóa của vạn vật đều từ lẽ tương sinh tương khắc mà ra. Quan niệm về sự biến đổi, lưu động của Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa vượt lên khỏi phép tuần hoàn trong triết học tự nhiên của Kinh Dịch, nghĩa là còn mang nặng tính chất phác, giản đơn: Sen, mùa trước đổi, mùa sau mọc, Triều, cửa này ròng, cửa khác cường. Âm đã lại dương, đành máy nhiệm, Bĩ thôi thì thái, ấy cơ thường. Dù gấp bao nhiêu, dù lại giương. (Thơ Nôm bài 98) Ông vận dụng cái nhìn triết học vào việc nhận xét tình hình xã hội. Ông cũng thấy ở xã hội cái quy luật biến đổi, tuần hoàn: Thế vận bất trung bĩ. Thảm thư âm nhi dương, Sinh tiêu chung phục thủy. (Thế vận đâu có thể cuối cùng bế tắc. Thảm khốc rồi đến thư thái, Sinh ra, diệt đi, hết rồi lại bắt đầu) (Cảm hứng) Thế nhất trị nhất loạn, Thời hữu khuất hữu thân. (Thế gian cứ một hồi trị, lại một hồi loạn, Thời cục cứ một khi co, lại một khi duỗi) (Cảm thời cổ ý) Mặc dù còn đơn giản nhưng trong sự phát triển của triết học Nho giáo, chưa có nhà thơ nào lại hào hứng vận dụng triết học trong cái nhìn cuộc sống, xã hội và cả trong thơ ca như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Triết học trở thành một nguồn cảm hứng của thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, trở thành quan điểm, nhân sinh quan của ông khi ông nhìn nhận thế giới. Chính vì thế mà những điều ông trình bày không còn là những nhận thức khô khan rút từ triết học mà nhuần nhuyễn như sự suy tư, chiêm nghiệm thực tiễn của ông. Bát quái tượng suy thiên vãng phục, Sổ thanh quyên nghiệm thế hưng suy. (Suy từ Tượng của 8 quẻ, biết sự vãng phục của đất trời, Nghiệm qua vài tiếng đỗ quyên, hiểu lẽ hưng suy ở đời.) (Trung Tân quán ngụ hứng, bài 10) Tự tín đắc giai chung hữu thất, Thùy tri nhu khả chế ư cương. Dục quan tạo hóa sinh tiêu xứ, Thái cực đồ trung thí tế tường. (Tự tin cái gì là được thì cuối cùng đều là mất, Ai biết đâu mềm mà lại chế ngự được cứng. Muốn biết rõ chỗ nảy sinh, chỗ tiêu đi của tạo hóa, Hãy nhìn kỹ vào Thái cực đồ) (Khiển hứng) Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng hay xuất hiện quẻ Bác và quẻ Phục, hai quẻ lớn trong Kinh dịch có ý nghĩa triết học, diễn tả sự vận động, tuần hoàn của vạn vật, đất trời. Nhất chu khí vận chung nhi thủy Bác Phục đô tòng thái cực tiên. (Khí vận xoay vòng, hết rồi lại bắt đầu, Quẻ Bác đến quẻ Phục, đều theo đạo Thái cực sắp đặt trước) (Cảm hứng thi) Quan niệm về lẽ biến dịch của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở đây giống với Chu dịch. Vũ trụ vạn vật là biến dịch không ngừng, không dứt và nguyên nhân của sự biến dịch đó là sự giao hòa, cảm ứng giữa hai năng lực âm và dương. Âm dương giao hòa tương tác với nhau thì vạn vật biến đổi hanh thông, còn nếu âm dương tách biệt thì vạn vật sẽ bế tắc. Vũ trụ vận động cứ một hồi bế tắc (bĩ) thì một hồi hanh thông (thái), cứ như thế mãi không ngừng, đó gọi là luật phản phục. Kế thừa Chu dịch, Nguyễn Bỉnh Khiêm quan niệm vạn vật, cả tự nhiên và xã hội đều luôn luôn biến đổi, chuyển động nhưng là biến đổi và chuyển động trong một vòng tròn. Sự vật đi từ đầu tới cuối rồi lại trở về trạng thái ban đầu để thực hiện vòng tuần hoàn tiếp theo chứ không phải là biến đổi theo hướng tiến lên. Trong khi chiêm nghiệm nguyên lý vãng phục, tuần hoàn của vạn vật, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nêu lên những hiện tượng mâu thuẫn, đối lập mà ông khái quát thành thuộc tính của sự vật. Trong thơ ông, những cặp phạm trù đối lập xuất hiện khá thường xuyên: doanh - hư, dữ - lành, khen - chê, vắn - dài, họa - phúc, giàu - nghèo, vinh - nhục, được - thua, cao - thấp, trên - dưới, tiêu - trưởng, âm - dương, thăng - giáng, tiểu - đài, … Cũng theo ông, vạn vật sở dĩ lưu động, phát triển là do có sự thúc đẩy từ bên trong. Chính sự phủ định, thay thế từ bên trong của các mặt đối lập, mâu thuẫn trong cùng một sự vật làm cho vạn vật biến đổi, tuần hoàn. Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa, Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi. Mới biết doanh hư đà có số, Ai từng dời được đạo trời. (Thơ Nôm bài 48) Đó chính là luật thừa trừ (san sẻ cho đều) mà Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nói tới. Thế gian vốn có cái nọ thì không có cái kia: Mùi nọ có bùi, không có ngọt. Thức kia chầy thắm, lại chầy phai. (Thơ Nôm bài 39) Lấy khi đầm ấm bù khi lạnh, Chứa thuở khô khan có thuở dào. (Thơ Nôm bài 44) Đại địa thấp, Nam nhạc khỏe, Cửu tiêu thẳm, Bắc thần cao. Lấy khi đầm ấm bù khi lạnh, Chứa thuở khô khan có thuở nào. (Thơ Nôm, bài 44) Luật thừa trừ đắp đổi là trong sự vận động gồm hai mặt đối lập thì cái thừa sẽ bù vào cái thiếu, cái thái quá sẽ san sẻ cho cái bất cập. Dựa vào đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm quan sát và chiêm nghiệm sự đời. Nhận ra được cái quy luật phát triển của vạn vật mà ông có được cái tâm thế khác người: Thửa nơi doanh mãn là nơi tổn, Hãy gẫm cho hay mới khỏi âu. (Thơ Nôm, bài 9) Cơ ngẫu tòng lai doanh cánh hư, Âm dương tiêu trưởng nghiệm thừa trừ. (Lẻ rồi chẵn, đầy rồi vơi, Khí âm dương lúc tiêu lúc trưởng đủ chứng nghiệm lẽ thừa trừ) (Độc Chu Dịch hữu cảm) Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng hay nhắc đến hai khí âm - dương. Ông quan niệm về sự biến dịch: Tái nhất âm hề phục nhất dương, Tuần hoàn vãng phục lý chi thường. (Một khí âm vừa qua thì một khí dương lại đến, Xoay vòng ra đi và trở lại là lẽ thường) (Khiển hứng) Những cặp đối lập trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giống như hai khí âm dương, tuy đối lập nhưng vẫn chuyển hóa lẫn nhau, vừa có giá trị đối lập lại vừa hòa đồng: âm vẫn là âm nhưng trong âm có dương, dương vẫn là dương nhưng trong dương có âm. Cũng như thịnh vốn là thịnh nhưng trong thịnh có suy, họa vốn là họa nhưng trong họa có phúc,… Những cặp đối lập này như Nguyễn Bỉnh Khiêm nói “dựa vào nhau, náu trong nhau, thực là vô cùng”. Tất cả những điều đó là sự phản ánh quy luật biện chứng thô sơ về sự phát triển giữa các mặt đối lập mà Lý học đã quan niệm. Hiểu được điều đó nên Nguyễn Bỉnh Khiêm có được một lối ứng xử thông minh giữa thế xuất và xử. Hòa trong cặp đối lập ấy, ông đã nhìn nhận cuộc đời và xã hội đương thời như nó vẫn thế và nó sẽ thế. Chính sự thông hiểu về Kinh dịch và Lý học đã giúp cho Nguyễn Bỉnh Khiêm có một cơ sở để cảm nhận mọi tình thay đổi của xã hội. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đồng nhất quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Tự nhiên có vòng tuần hoàn, vãng phục của mình thì trong xã hội, trong đời người, những sự kiện, biến cố cũng phát sinh, phát triển theo theo quy luật của mình. Nẻo có công danh thì có lụy (Thơ Nôm bài 16) Vinh nhục một cơ hằng đắp đổi, Ắt là từng thấy một hai phen. (Thơ Nôm bài 36) Có thuở được thời mèo đuổi chuột Đến khi thất thế kiến tha bò. (Thơ Nôm bài 75) Một cơ yêu nhục đổi thay đều Yêu bao nhiêu, thì nhục bấy nhiêu (Thơ Nôm bài 25) TIỂU KẾT Có thể nói đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là ở việc vận dụng cái nhìn của Kinh dịch để nhìn ra quy luật của xã hội. Ở ông, cái kinh viện sử sách kết hợp nhuần nhuyễn với tâm thức dân gian, và tâm lý dân tộc. Dựa vào sự hiểu biết triết học tự nhiên, hết hợp với sự thể nghiệm những tư tưởng ấy trong xã hội đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm cách chứng minh một số quan điểm, quan niệm về nhân sinh, giải thích được những thay đổi nhìn thấy của xã hội đương thời - thế kỷ loạn lạc và đau thương nhất trong lịch sử dân tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn ra được mâu thuẫn giữa các mặt đối lập nhưng chưa thấy được hướng biến đổi của sự vật, không thấy được động lực phát triển là sự đấu tranh, phủ nhận nhau giữa các mặt đối lập. Ông nhìn sự biến đổi, tuần hoàn đơn giản chỉ là sự lặp lại đơn điệu mà không hề có phát triển, tiến lên. Âm qua thì dương lại, kết thúc rồi lại bắt đầu, vũ trụ và xã hội cứ mãi luẩn quẩn như thế trong cái nhìn và cách biện giải của Tống Nho. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ triết học nhưng ta không thấy suy tư nhiều về những vấn đề triết học. Nhưng hướng suy nghĩ của ông lại tập trung vào các vấn đề xã hội, nhân sinh. Trên những vấn đề lớn như thế giới quan, lịch sử quan có vẻ như ông chấp nhận hoàn toàn kiến giải của Tống Nho. Vì không thấy ở đâu ông bàn thêm về vấn đề khởi nguyên của trời đất hay mối quan hệ giữa lý và khí. Nói cho cùng thì với trình độ phát triển của Việt Nam thời đại ấy, giới trí thức gần như hoàn toàn chấp nhận tư tưởng Tống Nho, nếu có bàn cãi thì cũng chỉ là tư biện từng điểm mà thôi. Tượng số học là xu hướng đã có từ trước và phát triển rất mạnh ở Trung Quốc với nhiều nhân vật triết học lớn. Chúng ta không chắc được Nguyễn Bỉnh Khiêm có cống hiến gì mới cho địa hạt đó không nhưng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có vai trò tiêu biểu, có thể coi là một cột mốc đánh dấu quan trọng. Nho giáo thịnh hành ở Việt Nam từ thế kỉ XV. Khi tầng lớp sĩ phát triển đông đảo, trở thành tầng lớp xã hội có vị thế thì văn chương cử tử đã trở thành điển phạm cho người đi học, đi thi. Trong bối cảnh xô bồ của một nền học vấn mà hầu như tất cả kẻ sĩ đều chỉ biết học và nói những giáo điều lại có một nhân vật chú tâm vào những vấn đề của triết học như vũ trụ quan, quy luật biến đổi, tính mâu thuẫn của các sự vật, hiện tượng,… trở thành một nhân vật được quan tâm nhiều hơn cả. Những nhân vật như vậy ở nước ta không nhiều, trước ông có Chu Văn An và sau ông có Nguyễn Thiếp. Dù triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể sánh với các nhà tư tưởng, triết học nổi tiếng nhưng xét trên bình diện chung với trí thức dân tộc đương thời thì ông có một chỗ đứng khác hẳn. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bùi Văn Nguyên. Nguyễn Bỉnh Khiêm: Truyện danh nhân. Nxb Hải Phòng, 1986 2. Đinh Gia Khánh. Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đinh Gia Khánh chủ biên. Nxb Văn học 1983 3 . Lê Quý Đôn. Đại Việt thông sử. Ngô Thế Long dịch. Nxb VHTT, 2007. 4. Lương Cao Rính. Giai thoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nxb VHTT, 2009. 5. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư, (Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long dịch theo bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697). Nxb KHXH, 2009. 6. Nguyễn Huệ Chi chủ biên. Nguyễn Bỉnh Khiêm danh nhân văn hóa. Bộ VHTT - TT, 1991. 7. Phạm Đan Quế. Giai thoại và sấm ký Trạng Trình. Nxb Văn nghệ TPHCM, 1992. 8. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Tổ phiên dịch Viện sử học dịch và chú giải. NxbGD, 2008 9. Trần Ngọc Vương. Nguyễn Bỉnh Khiêm hư và thực. TCVH số 6 tháng 6/ 2001. 10. Trần Thị Băng Thanh, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu. Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm. Nxb GD, 2001. 11. Trần Trọng Kim. Nho giáo. Nxb VHTT, 2001. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên. Đại cương lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docT432 t4327903ng Nguy7877n B7881nh Khim.doc