Kết cấu kinh tế của đô thị Vị Hoàng (thế kỉ XIX)

Kết luận Ra đời muộn hơn Thăng Long, Phố Hiến, đô thị Vị Hoàng vừa có những nét chung của đô thị Việt Nam thời trung đại, nhưng đồng thời lại sở hữu những điểm độc đáo riêng, mang dấu ấn của bối cảnh lịch sử và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước thời kì này. Nhìn vào kết cấu kinh tế của đô thị Vị Hoàng có thể dễ dàng nhận thấy, đô thị này có vai trò chủ yếu là điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa trên thủy trình xuôi ngược Bắc Nam, từ lục địa ra biển và ngược lại của các tàu thuyền vận tải, buôn bán nội địa, thuyền nhà Thanh hay thuyền công của Nhà nước nhờ có vị thế thuận lợi. Từ cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá của đất nước là sự hình thành các tuyến giao thương đường dài giữa miền Thanh Nghệ, miền Trung với Đàng Ngoài; giữa miền thượng du, trung du với khu vực đồng bằng ven biển. Và như vậy, không thể phủ nhận vị trí đắc địa của cảng, bến sông Vị Hoàng khi toạ lạc tại đầu mối các tuyến giao thông thuỷ bộ, tập trung nhiều luồng hàng, mặt hàng phong phú. Đô thị Vị Hoàng không thể so sánh với Thăng Long – Kẻ Chợ về quy mô cũng như các giao dịch thương mại, lượng hàng – tiền được trao đổi. Tuy nhiên, sự hiện diện của đô thị Vị Hoàng như một trung tâm tập kết, trao đổi và sản xuất hàng hóa ở nơi giao điểm của các tuyến đường thủy bộ, các luồng hàng hải từ thượng du xuống miền duyên hải ven biển, từ miền Trung ra khu vực Bắc Bộ đã tạo ra những chấm phá quan trọng trên bức tranh kinh tế Việt Nam giai đoạn tiền thuộc địa. Ở mức độ nào đó, có thể coi thực trạng kinh tế ở Vị Hoàng là sự phản ánh trung thực tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đang diễn ra những chuyển biến quan trọng, khi chế độ phong kiến với quan hệ sản xuất lỗi thời đang phải tiếp nhận và chịu nhiều thử thách từ những biến động xã hội đế sự xuất hiện của hàng loạt các nhân tố mới trong lĩnh vực thương mại và sản xuất hàng hóa, bước đầu hướng đến nhu cầu thị trường nội địa và khu vực.

pdf13 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 12/01/2022 | Lượt xem: 322 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kết cấu kinh tế của đô thị Vị Hoàng (thế kỉ XIX), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 32 (57) - Thaùng 9/2017 21 Kết cấu kinh tế của đô thị Vị Hoàng (thế kỉ XIX) The economic structures of Vi Hoang township in the 19 th century TS. Trần Thị Thái Hà, Trường Đại học Sài Gòn Tran Thi Thai Ha, Ph.D., Saigon University Tóm tắt Thế kỉ XVII – XVIII - XIX chứng kiến một thời kì phát triển thịnh đạt của thương nghiệp Đại Việt dưới tác động của nhiều yếu tố ngoại sinh và nội sinh. Sự phát triển của các hoạt động buôn bán trao đổi đã làm hình thành một số tụ điểm buôn bán có tính chất địa phương hay đô thị lớn nhỏ trên khắp mọi miền của đất nước mà Vị Hoàng (Nam Định) là một trường hợp tiêu biểu, đại diện cho khu vực đông nam hạ châu thổ sông Hồng. Ra đời và hưng thịnh muộn hơn so với Thăng Long – Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An, đô thị Vị Hoàng không có được dáng dấp của một trung tâm thương mại phồn thịnh trong giai đoạn sôi động của các hoạt động hải thương quốc tế. Mặc dù vậy, với những lợi thế riêng của mình về vị trí, về tiềm năng của vùng hạ châu thổ gần sông cận biển, Vị Hoàng từng bước vươn lên, khẳng định vai trò là một tiền cảng của Thăng Long – Hà Nội trong thế kỉ XVIII – XIX, một đô thị cảng sông cận biển quan trọng của khu vực Bắc Bộ thời kì tiền thuộc địa trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng an ninh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về kết cấu kinh tế của đô thị Vị Hoàng thế kỉ XIX gồm các chủ thể như mạng lưới chợ, bến, phố hàng buôn bán và sản xuất thủ công nghiệp. Trong đó cảng bến sông, chợ Vị là yếu tố đóng vai trò then chốt. Từ khóa: đô thị, chợ Vị Hoàng, phố Vị Hoàng, đô thị Vị Hoàng, Nam Định, Đò Chè, Bến Gỗ, Bến Củi, Bến Thóc. The period of the prosperous development of Dai Viet commerce was witnessed for 3 centuries (from the 17 th to 19 th century), forming some local commercial centres or townships nationwide, one of which was Vi Hoang town (Nam Dinh province) in southeast lower section of Red River Delta. Vi Hoang emerged and prosperously developed later than some centres like Thang Long-Ke Cho, Pho Hien or Hoi An, but thanks to its potential and favourable situation, it had gradually affirmed its role as a prior-port to Thang Long-Ha Noi capital in the 18 th and 19 th centuries and as an important river port township by sea in Tonkin during the prior-colonial period. This article presents the economic structures of Vi Hoang township in the 19th century consisting of essential parts such as outlet net, river wharves, trade stands, arts and crafts. Accordingly, river wharves and Vi Hoang market took a key role in economic operations of Vi Hoang centre. Keywords: township, Vi Hoang market, Vi Honag township, Nam Dinh, Do Che, Wood Wharf, Firewood Wharf, Rice Wharf. 1. Đặt vấn đề Thế kỉ XVII – XVIII - XIX chứng kiến một thời kì phát triển thịnh đạt của thương nghiệp Đại Việt dưới tác động của nhiều yếu tố ngoại và nội sinh. Sự phát triển của các hoạt động buôn bán trao đổi đã làm hình KẾT CẤU KINH TẾ CỦA ĐÔ THỊ VỊ HOÀNG (THẾ KỈ XIX) 22 thành một số tụ điểm buôn bán có tính chất địa phương hay đô thị lớn nhỏ trên khắp mọi miền của đất nước mà Vị Hoàng (Nam Định) là một trường hợp tiêu biểu, đại diện cho khu vực hạ châu thổ sông Hồng. Ra đời và hưng thịnh muộn hơn so với Thăng Long – Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An, đô thị Vị Hoàng không có được dáng dấp của một trung tâm thương mại phồn thịnh trong giai đoạn sôi động của các hoạt động hải thương quốc tế. Cho đến nay chưa có bất kì chứng cứ nào cho thấy sự hiện diện của thương nhân Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản ở Vị Hoàng trong thế kỉ XVII – XVIII; thương điếm của các nước phương Tây cũng chưa từng được đặt ở Vị Hoàng, và đây có lẽ cũng là một gợi ý, giải thích cho sự khuyết thiếu những ghi chép về đô thị này trong các tài liệu của thương nhân phương Tây có mặt ở nước ta lúc đó. Mặc dù vậy, với những lợi thế riêng của mình về vị trí, về tiềm năng của vùng hạ châu thổ gần sông cận biển, Vị Hoàng từng bước vươn lên, khẳng định vai trò là một tiền cảng của Thăng Long – Hà Nội trong thế kỉ XVIII – XIX, một đô thị cảng sông cận biển quan trọng của khu vực Bắc Bộ thời kì tiền thuộc địa trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng an ninh. Trong bài viết này, trên cơ sở các nguồn tư liệu, chúng tôi cố gắng phác họa kết cấu kinh tế của Vị Hoàng thế kỉ XIX gồm các chủ thể như mạng lưới chợ, bến, phố hàng buôn bán và sản xuất thủ công nghiệp. Trong đó cảng bến sông, chợ Vị là yếu tố xuất hiện đầu tiên và đóng vai trò then chốt, có ảnh hưởng đến toàn bộ các yếu tốt khác. 2. Vài nét về đô thị Vị Hoàng Từ giữa thế kỉ XVIII, khi kinh tế hàng hóa tuy vẫn tiếp tục phát triển nhưng chậm chạp và không có bước đột biến mạnh mẽ, (trong đó sự suy giảm vai trò của thương lái phương Tây vừa như hiện tượng, vừa là nguyên nhân) khiến cho các đô thị lớn ở giai đoạn trước như Hội An, Phố Hiến lụi tàn dần thì những đô thị cảng – bến như Vị Hoàng dưới tác động của Nhà nước phong kiến lại bộc lộ sức sống mới, dần vươn lên khẳng định vai trò của mình trong đời sống đất nước. Đô thị Vị Hoàng được ra đời trên đất của làng Vị Hoàng – một làng cổ nằm ven phủ Thiên Trường xưa (thời Trần) và ngày nay chính là trung tâm của thành phố Nam Định. Trước đó, liên tục trong các thế kỉ XV – XVIII, vùng đất Thiên Trường – Nam Định luôn đóng vai trò trung tâm của các hoạt động công – nông – thương – chài ở khu vực hạ châu thổ đồng bằng sông Hồng. Vốn có đồn binh và kho lương lớn của nhà nước phong kiến đặt tại đây, lại sở hữu vị trí địa – chiến lược quan trọng, Vị Hoàng đã trở thành trị sở của lộ Sơn Nam Hạ vào năm 1741. Từ sau đó, vùng đất Vị Hoàng lại càng có thêm những điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh vốn có về sông, cảng, bến, chợ và dần dần hội tụ những điều kiện để trở thành phố Vị Hoàng ven sông. Đến thế kỉ XIX, nhất là nửa sau thế kỉ XIX, với vị thế của một trấn sở, rồi tỉnh lị của Nam Định, Vị Hoàng đã thực sự trỗi dậy trong diện mạo của một đô thị hoàn chỉnh, có phần “đô” và phần “thị” khá cân đối. Đô thị Vị Hoàng sở hữu cảng/ bến sông sầm uất, trù mật, gần biển; là điểm trung chuyển của các luồng hàng, luồng tiền giữa các vùng miền trong nước: từ miền Nam, miền Trung ra Bắc, từ biển/ duyên hải vào sâu trong nội địa, từ đồng bằng tới miền núi và ngược lại. Đặc biệt, Vị Hoàng có mối liên hệ mật thiết với thị trường miền Nam Trung Hoa thông qua các thương lái Hoa kiều, thương nhân đến từ Triều Châu, Phúc Kiến, Huệ Châu, Quỳnh Châu Cùng với những tác động TRẦN THỊ THÁI HÀ 23 của hàng loạt các yếu tố khách quan và chủ quan như điều kiện địa hình, sông ngòi, nguồn nhân lực; hay sự gia tăng các hoạt động buôn bán trao đổi thời kì này giữa các thị trường trong nước với các trung tâm đô thị trên một lãnh thổ thống nhất, đã thúc đẩy sự phát triển của Vị Hoàng. Cho đến cuối thế kỉ XIX, trước khi thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phố Vị Hoàng vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ làng lên phố dưới những tác động tích cực của các nhân tố khách quan và chủ quan. Khu vực tập trung đông dân cư và các hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của thương nhân, thợ nghề thủ công từ các nơi về làm ăn sinh sống ở Vị Hoàng là cảng - bến sông, chợ Vị Hoàng và các phố hàng nằm về phía đông của tòa thành cổ, trên phần đất các thôn Thị Thượng, Khoái Đồng, Thị Hạ của làng Vị Hoàng - làng gốc của đô thị Vị Hoàng. Sự nhộn nhịp, tấp nập tàu bè và thương nhân qua lại tại các cảng – bến, chợ - bến cũng như sự hình thành các phố hàng buôn bán, sản xuất thủ công nghiệp đã phá vỡ tính khép kín của một làng quê như Vị Hoàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân Vị Hoàng vẫn dè dặt trong các hoạt động mới mẻ này. Điều này phần nào lí giải nguyên nhân của tình trạng nửa làng nửa phố kéo dài trong hàng thế kỉ ở Vị Hoàng, và vai trò nhạt nhòa của người Việt trong bức tranh kinh tế của phố Vị Hoàng trước sự vượt trội của người Hoa. Cùng với những trụ sở hành chính, trường thi Hương, thì các phố hàng buôn bán, cảng bến Vị Hoàng và chợ Vị đã trở thành một cái tên, một địa chỉ quen thuộc với người đương thời. 3. Hoạt động kinh tế của đô thị Vị Hoàng 3.1. Bến sông Vị Hoàng và sở quan tân Phố Vị Hoàng thuộc loại hình đô thị sông (ville-fleuve), được dân gian mô tả rất rõ ràng: “Thượng Phụ Long, hạ Đồn Thuỷ”. Sông Vị Hoàng là một đường trục chính của đô thị, các tuyến phố đều toả ra từ phía bờ sông. Tài liệu châu bản của triều Nguyễn thường nhắc đến cụm từ “bến Vị Hoàng” với mật độ thuyền bè qua lại đây khá đông đúc. Có những đoàn thuyền chở vật hạng các loại của nhà Nguyễn lên tới 136 chiếc cùng cập bến Vị Hoàng [2;111]. Ngay từ thời kì đó, sách cũ còn ghi lại “phàm việc vận chuyển lương tiền từ trấn Sơn Nam Hạ vào Nghệ An bằng đường thuỷ đều xuất phát từ bến này, đi xuống dưới theo ngã ba Độc Bộ, chuyển lên bến sông Non Nước rồi vào cảng Vân Sàng. Vận chuyển đường bộ cũng từ đây đi xuống ngã ba Độc Bộ rồi thẳng ra cống cửa Liêu Hải” [6;452]. Qua đó cho thấy, bến Vị Hoàng trong thời gian tồn tại của mình không thể chỉ là một bến sông mà phải thực sự là một cảng sông lớn, đủ sức chứa nhiều tàu thuyền. Tuy nhiên, trong quá trình điền dã tại địa phương cũng như trong các cuốn địa chí còn lại đến nay, không thấy có địa danh “bến Vị Hoàng”. Phải chăng địa danh “Đò Quan” còn lại ngày nay chính là cách mà dân gian gọi bến Vị Hoàng xưa? Là một địa phương nằm trên lưu vực sông Hồng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Nam Định được bao bọc, chia cắt bởi hàng loạt các sông lớn nhỏ, trong đó: Sông Hồng là dòng chảy chính, ôm mặt phía đông của tỉnh rồi đổ ra biển. Sông Đáy bao quanh tỉnh ở mặt phía tây. Giữa hai dòng chảy chính đó là hàng loạt các sông như Ninh Cơ, sông Sắt, sông Quần Liêu, sông Giao Thủy, sông Cốc tạo nên tuyến giao thông thuỷ hết sức thuận lợi, nối các đơn vị hành chính lớn nhỏ trong tỉnh. Lớn nhất và có giá trị nhất về mọi mặt, hơn nữa lại trực tiếp liên quan đến đô thị Vị Hoàng KẾT CẤU KINH TẾ CỦA ĐÔ THỊ VỊ HOÀNG (THẾ KỈ XIX) 24 phải kể đến sông Hồng, sông Đáy và sông Vị Hoàng. Tuy dòng chảy không dài và không trực tiếp đổ ra biển Đông, nhưng sông Vị Hoàng có lợi thế đặc biệt vượt trội so với nhiều dòng/nhánh sông khác ở khu vực châu thổ sông Hồng cả trên nhiều phương diện bởi hai điểm đầu-cuối của nó đều là những ngã ba sông quan trọng, án ngữ tuyến đường thủy từ biển vào lục địa, lên kinh đô Thăng Long hay từ kinh đô ra biển. Như cây cầu tự nhiên, sông Vị Hoàng nối thông hai con sông lớn (sông Đáy, sông Hồng) của khu vực hạ châu thổ. Đây đồng thời cũng là hai tuyến thương mại chủ đạo từ miền núi, trung du xuống vùng đồng bằng ven biển và ngược lại; hoặc từ miền đất phía nam đến với Phố Hiến, Thăng Long. Như vậy có thể thấy rằng sức sống của đô thị Vị Hoàng chính là ở dòng sông Vị Hoàng, trong sự kết nối, liên thông với hai dòng chảy lớn đổ ra Biển Đông là sông Hồng và sông Đáy. Từ các thế kỉ XVII - XVIII, khi quan hệ giao thương, trao đổi buôn bán hàng hóa phát triển không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội địa, thì sông Vị Hoàng cũng đã sớm tham gia vào hoạt động giao thương quốc tế thời kì này thông qua cửa Độc Bộ/ Đáy và cảng, bến ven sông. Đặc biệt, cửa Độc Bộ/Đáy/Liêu – nơi sông Vị Hoàng đổ vào sông Đáy là một trong hai tuyến đường thuỷ quan trọng (1) cho các tàu thuyền buôn chuyên chở hàng hóa đến với các trung tâm kinh tế - đô thị lớn của nước ta là Phố Hiến và Thăng Long. Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền nước ngoài qua lại cửa Độc Bộ không nhiều (chủ yếu là thuyền Trung Quốc, Xiêm) mà không có thuyền buôn phương Tây. Sang thế kỉ XIX, nhà Nguyễn sử dụng triệt để cửa Đáy và bến sông Vị Hoàng cho việc chuyên chở tiền, thóc gạo hay đủ loại vật hạng từ các trấn Bắc thành vào kinh đô Huế, đồng thời cho phép các thương thuyền Trung Quốc vào, ra buôn bán. Chính vì lí do đó, bến Vị Hoàng – hay cảng sông Vị Hoàng là một cảng bến quan trọng của nhà Nguyễn ở miền Bắc trước khi thực dân Pháp xâm lược, lượng tàu bè ra vào bến Vị Hoàng ở thế kỉ XIX qua cửa Liêu, Lác được ghi nhận trong tài liệu của nhà Nguyễn rất đông đúc, đủ các hạng thuyền. Kích cỡ các hạng thuyền vận tải của nhà Nguyễn cho phép ta hình dung về quang cảnh bến cảng Vị Hoàng cũng như sức chứa của nó (2). Các thuyền công của nhà nước được phái đi làm nhiệm vụ đều được Bộ Hộ ghi chép tỉ mỉ rõ ràng ngày giờ xuất phát, số lượng thuyền, hạng thuyền, người hộ tống. Quan Tổng đốc Nam Định có nhiệm vụ ghi chép chi tiết ngày, giờ đoàn thuyền đến bến sông Vị Hoàng, số lượng thuyền và hành trình trong bản báo cáo gửi về Kinh. Ngoài thuyền của nhà nước chở hàng hoá về Kinh, thuyền buôn của người Việt xuôi ngược vào Nam ra Bắc, thì bến Vị Hoàng còn là nơi đến của các thuyền buôn của Trung Quốc mà tài liệu của nhà Nguyễn gọi chung là “thuyền nhà Thanh”. Chỉ tính riêng trong 9 tháng (từ tháng 2 đến tháng 10) của năm Minh Mạng thứ 5 (1824), châu bản triều Nguyễn ghi nhận có 28 thuyền nhà Thanh đã qua cửa Lác để vào Bắc thành buôn bán [3: 229]. Đối với các thuyền buôn, mà đặc biệt là thuyền buôn nhà Thanh có chở hàng hoặc không, thì trước khi lên Bắc thành đều phải qua bến Vị Hoàng khai báo minh bạch số người đến và các loại hàng hoá vật phẩm mang theo để quan sở tại hội khám, thu thuế. Quan Tổng đốc Nam Định có nhiệm vụ báo cáo về Kinh tên chủ thuyền, xuất xứ, mục đích của họ. Năm 1831, nhà Nguyễn đặt ra những quy định đánh thuế TRẦN THỊ THÁI HÀ 25 đối với thuyền buôn nhà Thanh. Đến năm 1834, Minh Mạng quy định lại ngạch thuế đối với thuyền buôn nước ngoài. Lấy lí do đường biển thuận lợi, thuyền buôn qua lại ngày một nhiều, Nam Định và Hà Nội không kém gì Gia Định nên từ tháng giêng năm 1835, Nam Định và các tỉnh ngoài Bắc Kì chịu mức thuế toàn ngạch như của Gia Định [14; 429]. Không chỉ có lợi thế là giao điểm của các tuyến giao thông đường thủy, mà Vị Hoàng còn là nơi giao thủy của hai luồng nước: luồng nước mặn từ biển vào và nước ngọt từ đất liền chảy ra do nằm ở vị trí hạ đồng bằng giáp biển. Thuyền bè muốn ra khơi phải chờ con nước. Sự tập trung của các thuyền bè ở Vị Hoàng trong thời gian chờ đợi con nước cũng là một yếu tố góp phần tạo nên sự đông đúc, nhộn nhịp của cảng sông này. Về tuyến đường thủy xuất phát từ Vị Hoàng, nối Vị Hoàng với các địa phương lân cận hay với một số xã, huyện trong tỉnh Nam Định, Khiếu Năng Tĩnh cho biết có 2 tuyến chính: Một tuyến từ bến Đò Quan phố Nam Long, và một tuyến từ sông Hồng [19; 18]. Với chiều dài 39 dặm, sông Vị Hoàng chảy qua các huyện Mĩ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực. Trên dòng chảy đi qua các huyện, nhiều bến đò ngang của sông Vị Hoàng đã hình thành nối đôi bờ của dòng sông. Để sang địa phận huyện Đại An, sông Vị Hoàng có 4 đò ngang: Cốc Thành, Bình A, Đông Cao, Độc Bộ. Ở huyện Vụ Bản, sông Vị Hoàng có 3 đò ngang: Cố Bản, Đồng Kĩa, Thi Liệu. Các bến Kinh Lũng, Thi Nam thuộc huyện Nam Trực. Trên địa phận của huyện Mĩ Lộc, thuộc sông Vị Hoàng có 3 bến đò: Phong Lộc, Đại An, Lương Xá [19;18-19]. Năm 1839, nhà Nguyễn thực hiện: Định rõ lệ thuế của những cửa quan, bến đò dọc sông lớn từ Hà Nội đến Nam Định. Đò chở khách, trừ hành khách nào đi không, chiếu lệ thu mỗi người 6 đồng tiền, còn những người có quang gánh, mà trong gánh có hơn 10 thứ lặt vặt tới 30-40 cân, đáng giá độ 19 quan tiền trở lại, gọi là đồ thập vật, từ là hàng đáp đò, do phu đò chiếu thu thuế bến mỗi gánh 6 đồng tiền mà không được thu thuế người nữa; nếu chưa đến 3-4 thứ đồ vật đã thành khí, nặng ước 40 cân, đáng giá 20 quan tiền trở lên, tức là hàng buôn thì cho phép nhân viên thuế quan cứ lệ 40 phần lấy 1 phần mà đánh thuế, lại trích mỗi gánh 6 đồng tiền giao trả về thuế bến [16;513-514]. Theo sông Vị Hoàng có thể ra biển qua hai cửa Liêu và Lác, vì vậy để tận thu nguồn thuế từ các thuyền buôn, vào năm 1839 nhà Nguyễn đặt thêm sở thuế quan ở xã Vị Hoàng trên cơ sở bản tấu trình của Tổng đốc Định – Yên Trịnh Quang Khanh: Nam Định từ khi đặt ra giới phận từng hạt đến nay, thuyền buôn về phía xuôi ngày càng tụ họp, các thuyền đi đến Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội và các phủ Thái Bình, Kiến Xương thuộc Nam Định thì đã có các sở thuế quan ở Vạn Ninh (thuộc Nam Định), Thuần Mĩ (thuộc Hải Dương), Mễ Sở (thuộc Hưng Yên) trưng thu thuế lệ, duy đến các phủ Thiên Trường, Nghĩa Hưng thuộc Nam Định và Ninh Bình thì không có thuế quan, kể thì cùng là thuyền buôn mà có thuyền đánh thuế, có thuyền không đánh thuế, thực chưa công bằng. Xin ở bến sông ở xã Vị Hoàng đặt một sở thuế quan và ở Phù Sa (tên xã ở ngã ba sông Vị Hoàng và Ninh Bình) đặt một chi nhánh thuế quan, phàm thuyền bè qua lại buôn bán chiểu hàng hoá theo lệ tính thuế. [16;460] Những thông tin từ các trạm thu thuế quan tân thời Nguyễn cho biết dường như lượng thuế thu được từ các cửa sông phía Nam châu thổ chiếm ưu thế hơn so với các cửa sông ven biển vùng Đông Bắc, nhất là KẾT CẤU KINH TẾ CỦA ĐÔ THỊ VỊ HOÀNG (THẾ KỈ XIX) 26 khi trạm tuần ti ở Vị Hoàng được thành lập [17;695]. Điều đó dễ dàng được lí giải bởi lẽ trong khoảng nửa đầu thế kỉ XIX, các cửa sông ven biển của hệ thống sông Hồng và sông Đáy được nhà Nguyễn chọn làm hải khẩu cho các hoạt động ngoại thương chính thức ở vùng duyên hải phía bắc đối với người Hoa. Số thuế nhà nước thu được hằng năm từ thuyền buôn ở bến Vị Hoàng không phải là nhỏ. Theo Đại Nam thực lục thì ở Nam Định có 2 sở quan tân, lệ thuế nộp nửa bạc nửa tiền. Trên cơ sở đó, năm 1844, nhà nước đã xác định số thuế mỗi năm mà sở quan tân ở Vị Hoàng phải thu là 43.000 quan [16;695], có giá trị tương đương với khoảng 430 lạng vàng (1lạng = 37,7831gr) [1;23] theo giá thị trường những năm 30-40 của thế kỉ XIX. 3.2. Hệ thống chợ Do đặc điểm của địa hình mà ở Vị Hoàng – Nam Định phổ biến loại hình chợ - bến. Bến là chợ và chợ cũng đồng thời là bến. Dựa vào kết quả khảo sát thực địa cũng như những thông tin từ tấm bản đồ của H. Rivière hiện còn lưu tại Bảo tàng Nam Định, có thể khẳng định rằng: phố Vị Hoàng khi xuất hiện chắc chắn cũng dưới hình thức của một chợ - phố nằm cạnh bến sông Vị Hoàng. Trên phạm vi làng Vị Hoàng và phố Vị Hoàng từng có ngôi chợ Vị Hoàng khá nổi tiếng. Địa bạ của làng Vị Hoàng cho biết có địa danh Thị Thượng, có lẽ có nguồn gốc xuất xứ từ chợ Vị Hoàng (còn có tên gọi khác là chợ Thượng, chợ Trên, chợ Thị Thượng). Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Chợ Vị Hoàng, có một tên nữa là chợ Vị Xuyên, ở phía đông huyện Mĩ Lộc thuộc địa phận xã Vị Hoàng, buôn bán tấp nập, là chợ lớn trong tỉnh” [18;403]. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cho biết thêm: “Từ cửa Đông Bắc bên trái trấn thành, 50 tầm đến chợ xã Vị Hoàng” [6; 45]. Đồng Khánh dư địa chí cho biết thêm: “Dân tứ chiếng ở đông đúc xung quanh tỉnh lị, Người buôn bán đầy chợ” [7; 298]. Trong Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (1876), Trương Vĩnh Kí đã đánh giá Nam Định là tỉnh mạnh thứ nhất Bắc Kì “Ruộng nương tốt, nhân vật thịnh, buôn bán lớn, chợ búa đông” [11; 22]. Ngoài ra, các cuốn địa chí địa phương đều ít nhiều đề cập đến chợ Vị Hoàng. Khiếu Năng Tĩnh còn chỉ rõ vị trí của chợ Vị Hoàng sau này là thuộc phố Định Hữu. Chợ Vị Hoàng theo lời kể của các cụ cao niên còn nhớ việc xưa nay, là nơi buôn bán trên bến dưới thuyền. Chợ vừa cận kề bến sông, lại vừa nằm ngay trên trục của con đường chạy dọc theo làng Vị Hoàng, qua trước cửa đình. Dân làng thường quen gọi là chợ Trên hay chợ Nhớn. Vốn là chợ làng, tháng họp 6 phiên vào các ngày 5, 7, 15, 17, 25, 27 nhưng do có bến sông nên các hoạt động buôn bán ở chợ Vị Hoàng luôn diễn ra tấp nập, nhộn nhịp [8; 164]. Vì nằm gần kề bến sông, nơi tụ bến của thuyền bè xuôi ngược qua tuyến sông Đáy và cả sông Hồng, nên chợ Vị Hoàng còn là điểm đến của các mặt hàng nông thuỷ hải sản từ các chợ lớn của vùng. Vị Hoàng duy trì mối liên hệ với các chợ lớn của hầu hết các huyện trong tỉnh qua hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện. Từ các chợ lớn ở Giao Thủy, Phong Doanh, Nam Chân đã thu gom về Vị Hoàng thóc gạo, ngô, khoai, đậu đỗ cùng cá, tôm, muối, mắm, thịt lợn, thịt trâu bò, gà, vịt, trứng gia cầm các loại... Sau rau, gạo, thịt, cá là vô vàn các loại rau, quả được trồng từ các làng ven Vị Hoàng hoặc các làng xã khác trong tỉnh; đặc biệt có nhiều thứ đặc sản được liệt vào hạng tiến vua như chuối ngự, táo Cầu Gia, cam, quýt, và hàng loạt các sản phẩm của thủ công nghiệp dân gian phục vụ sinh hoạt, TRẦN THỊ THÁI HÀ 27 sản xuất đã dồn về, làm phong phú thêm các mặt hàng ở chợ Vị. Thứ được bán chạy nhất ở chợ Vị là thóc, gạo. Vốn là một vùng có thế mạnh về nông nghiệp trồng lúa, vùng đất Thiên Trường có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều địa phương khác về khả năng sản xuất một mặt hàng có giá trị thương mại cao là lúa gạo. Hơn nữa, diện tích trồng trọt lớn và không ngừng được mở rộng nhờ công cuộc khai hoang, lấn biển, đắp đê ngăn mặn; năng suất thu hoạch cao, đảm bảo nguồn cung cho thị trường toàn vùng. Cùng với sự phát triển của các luồng thương mại nội địa thông qua mạng lưới chợ ở các địa phương, thì lúa gạo ngày càng khẳng định vai trò là một sản phẩm có giá trị cao, khả năng trao đổi lớn, số lượng người tham gia mua – bán chuyên lẫn không chuyên cũng đông nhất và đa dạng nhất. Giá lúa gạo trên thị trường ở những thời điểm nhất định đã trở thành thước đo của sự bình ổn về chính trị và tình hình tài chính quốc gia. Chính các Hoa thương là những người sớm phát hiện ra giá trị của mặt hàng này và nhiều người trong số họ đã lập các cơ sở thu mua, vận chuyển, buôn bán gạo như một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận trên lãnh thổ Đại Việt mà Thiên Trường – Vị Hoàng là một trung tâm sản xuất, cung ứng, trao đổi lớn của miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước năm 1945. Địa danh Bến Thóc hiện còn trên bản đồ hành chính của thành phố Nam Định và vị trí ven bờ sông của nó phải chăng có mối liên quan đến hoạt động kinh doanh này ở Vị Hoàng xưa là vấn đề mà chúng tôi đang tìm kiếm thông tin để làm rõ. Sau thóc, gạo là sản phẩm tơ lụa các loại, chiếm vị trí khu vực trung tâm của chợ Vị Hoàng. Ở giữa chợ là khu chuyên bán hàng vải, bày bán những tấm vải nâu Đồng Lầm, những tấm vải láng thâm, vải chéo go, lĩnh, đũi, sồi, tơ lụa, vóc, nhiễu, lưỡng, the, lượt, là, những tấm vải vuông ta dệt bằng khung cửi để các bà các cô mua về may áo dài tứ thân hay may quần cũng rất đẹp [9;40]. Ngoài ra, mặt hàng thường nhật được bày bán ở chợ, thu hút đông đảo người dân tham gia buôn bán trao đổi là các loại rau, màu (khoai, ngô, đậu nành, lạc, vừng, bắp cải, hành, rau quan âm, rau các loại,), hoa quả (cam đường, vải, dưa hấu, dừa, hồng không hạt, bách nhãn lê,), trầu không, cau, thuốc lào, cây cảnh các loại được trồng ở các xã, huyện lân cận cũng có mặt tại chợ Vị Hoàng. Bên cạnh các sản phẩm từ nông nghiệp trồng trọt thì còn có các sản phẩm từ chăn nuôi gia đình, đánh bắt thủy hải sản như lợn, trâu, bò, chó, thỏ, vịt, gà, mèo, trứng gia cầm các loại; tôm, cá tươi, mắm, muối; các mặt hàng làm từ mây, tre, nan cho cuộc sống sinh hoạt của người dân như nong, nia, sàng, thúng, dành, sọt, rổ, rá, dậm, đơm, đó, vó, lờ; các loại công cụ sản xuất nông nghiệp... Các bến như Bến Thóc, Bến Giá Nứa, Bến Gỗ, Bến Củi, Bến Đò Chè, Đò Quan, Đò Bái không chỉ đón đưa người từ các huyện, xã lân cận đến với Vị Hoàng mà còn là nơi neo đậu của thuyền bè xuôi ngựơc chở hàng hoá từ miền Trung ra, miền thượng du và kinh đô Thăng Long xuống làm cho hoạt động của chợ Vị Hoàng thêm sôi động. Sự nhộn nhịp của khu vực chợ, bến sông Vị Hoàng có sức hấp dẫn đối với lớp thợ thủ công, thương nhân cũng như dân nghèo từ các huyện lân cận hay xa hơn là từ các địa phương khác của châu thổ sông Hồng đổ về đây sinh cơ lập nghiệp, ở xen kẽ với người làng. Nhà cửa, phố xá mọc lên san sát, dần hình thành nên các khu phố của từng ngành nghề chuyên sản xuất hoặc buôn bán những mặt hàng nhất định. KẾT CẤU KINH TẾ CỦA ĐÔ THỊ VỊ HOÀNG (THẾ KỈ XIX) 28 Bến - cảng sông Vị Hoàng luôn là điểm đến, dừng nghỉ, neo đậu của các tàu thuyền buôn lớn và từ đây, hàng hóa được đưa đến chợ Vị Hoàng. Bên cạnh đó, cùng với hoạt động của hàng loạt các chợ - bến phụ cận như Đò Chè, Bến Thóc, Bến Giá Nứa, Đò Quan, Đò Bái mà chợ Vị Hoàng hoàn toàn thoát khỏi sự gò bó trong khuôn khổ chật hẹp của một chợ làng thông thường. Hơn thế, với tất cả những điều kiện khách quan thuận lợi, chợ Vị Hoàng đã vươn lên thực hiện chức năng của một điểm trung chuyển, một trung tâm trao đổi buôn bán hàng hoá lớn trong toàn vùng. Vậy nên, cảnh người buôn bán đầy chợ, ghe thuyền tấp nập, phố hàng san sát như miêu tả của tài liệu đương thời là sự phản ánh chân thực hình ảnh cuộc sống thường nhật vô cùng nhộn nhịp ở đô thị Vị Hoàng nói chung và khu vực chợ bến Vị Hoàng nói riêng. Cùng với sự xuất hiện của các phố hàng buôn bán và sản xuất thủ công nghiệp thì chợ Vị Hoàng trong thời gian tồn tại của mình đã trở thành là một chợ lớn của thành Nam. Có thể khẳng định rằng trước khi có chợ Rồng thì Vị Hoàng là chợ lớn nhất, là trung tâm buôn bán trao đổi hàng hóa của thành Nam với các làng, xã, huyện, phủ trong tỉnh cũng như với các địa phương lân cận. Ngoài chợ Vị Hoàng, trên địa phận của làng, còn có một ngôi chợ nhỏ hơn, tên là chợ Hạ hay còn gọi là chợ Thị Hạ, chợ Dưới nằm ở thôn Thị Hạ của Vị Hoàng. Xung quanh chợ Hạ còn có một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ như: phải chăng đây chính là chợ Phượng đã có từ thời Trần? Chợ Phượng, chợ Hạ và chợ Đò Chè liệu có phải là một hay không? Chợ Thị Hạ hầu như không được nhắc đến trong bất kì cuốn địa chí nào biên soạn thời phong kiến. Thông tin về chợ Thị Hạ tản mát trong các tài liệu chép tay nhưng hoàn toàn mờ nhạt và thiếu cơ sở tin cậy để kiểm chứng. Lớp người cao tuổi nhất ở Nam Định ngày nay cũng không biết đến chợ này, vì vậy việc xác định địa điểm của chợ cũng như những hoạt động trao đổi hàng hoá từng diễn ra ở đây là điều chúng tôi chưa thể thực hiện cho đến thời điểm hiện tại. Chợ Đò Chè, Bến Gỗ, Bến Củi, Bến Nứa, Bến Thóc là một dạng chợ - bến, nhưng nếu so sánh với chợ Vị Hoàng, thì tính chuyên doanh của những chợ này khá rõ nét. Trường hợp Bến Nứa (hay còn có tên Giá Nứa), chợ Đò Chè rất rõ nét: Bến Giá Nứa là nơi chuyên đón các bè gỗ, tre, nứa từ miền ngược xuống hay từ Thanh Hoá ra. Do vậy mà mặt hàng chính ở chợ - bến này như tên gọi của nó đã thể hiện. Tre nứa được sử dụng rộng rãi trong xây dựng nhà cửa, đình làng, chùa, đền; phục vụ việc đóng cọc tu bổ đê điều, hoặc kết thành bè chuyên chở đất đá để kè, đắp các đoạn đê xung yếu Không có gì đáng ngạc nhiên khi buôn bán tre nứa trở thành một hoạt động sôi nổi dọc theo tuyến sông Đáy giai đoạn trước năm 1945. Trong một công trình của mình về làng Việt, học giả John Kleinen đã đề cập đến hiện tượng này [13;52]. Dọc theo bờ sông là những ngôi nhà của các gia đình làm nghề buôn bán nứa bè, gỗ bè. Phía trước nhà, họ dựng những chiếc giá để giữ cho những cây nứa, tre gác lên đó được ngay ngắn. Tên gọi Giá Nứa có lẽ đã bắt nguồn từ thực tế này. Chợ Đò Chè không họp theo phiên như chợ Vị Hoàng, mà vào bất kì ngày nào hàng hóa cũng được bày ra bán. Sở dĩ có tên gọi Đò Chè vì tại đây người ta thường đón các chuyến chè tươi chở từ vùng Bồng Lạng của Hà Nam để cung cấp cho dân phố cũng như các huyện phía nam của tỉnh. Loại chè này chủ yếu phục vụ cho tầng lớp TRẦN THỊ THÁI HÀ 29 bình dân, còn chè mạn (Mạn Hảo – xuất xứ từ miền trung du Tây Bắc của Đại Việt) là mặt hàng cao cấp của giới thượng lưu thì việc buôn bán do người Hoa nắm giữ. Đôi khi, tại chợ - bến cũng bắt gặp những người nông dân mang mớ tôm, cá mới đánh bắt, hay mớ rau, ổ chó ra bán cho những chủ thuyền, chủ bè. Tuy nhiên, đây không phải là hoạt động thường xuyên của khu vực chợ - bến này. Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: xung quanh chợ Vị Hoàng, trong phạm vi gần là hàng loạt các chợ như: Chợ xã Dương Lai (cách trấn thành 428 tầm), chợ Trình (xã Trình Xuyên, cách trấn thành 460 tầm); chợ Côi (xã Đăng Khôi, cách trấn thành 535 tầm) thường bán trâu bò; chợ Vĩnh (cầu Vĩnh Tế, cách trấn thành 370 tầm); chợ Hữu Bị (xã Hữu Bị, cách trấn thành 758 tầm); chợ Tiểu Phấn (xã Tiểu Phấn, cách trấn thành 420 tầm); chợ Gừng (xã An Nội, cách trấn thành 697 tầm) Có những loại chợ chuyên bán một loại sản phẩm như chợ gạo, chợ sắt ở Vân Chàng. Chợ Chùa ở Vân Chàng bán nhiều mặt hàng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là khoai lang. [6;453-456] Đáng chú ý là thời kì này, ở Nam Định còn có một số tụ điểm buôn bán khá sầm uất, là những “tiểu đô hội” như chợ Đình, chợ Quán ở làng Hành Thiện, phố Độc Bộ ở Ý Yên, phố Chân Ninh ở Trực Ninh. Sự hiện diện của các phố như Độc Bộ, Chân Ninh góp thêm những bằng chứng xác thực về bước phát triển của hoạt động trao đổi hàng hoá khu vực hạ châu thổ đồng bằng sông Hồng thế kỉ XVII - XVIII. Khoảng cách từ phố Vị Hoàng đến Độc Bộ và Chân Ninh không xa, trong vòng bán kính từ 10-15 km. Cũng giống như Vị Hoàng, Độc Bộ và Chân Ninh đều có vị trí cạnh sông, có thể liên thông với Vị Hoàng một cách thuận tiện và nhanh chóng bằng đường thuỷ cũng như đường bộ. Như vậy, ngay trong phạm vi địa phương, từ ba điểm tập trung dân cư, buôn bán và sản xuất thủ công nghiệp như Vị Hoàng, Độc Bộ và Chân Ninh đã tạo nên mạng lưới thương nghiệp nhỏ. Trong đó, Vị Hoàng nổi trội hơn cả và ở mức độ nhất định đã tác động qua lại với Độc Bộ, Chân Ninh. Ở cự li xa hơn, qua sông Hồng, hàng hoá vật phẩm đến Vị Hoàng còn có thể từ vùng Châu Cầu (Hà Nam) hay Bình Lao, Hàm Giang (Hải Dương), Vân Sàng (Ninh Bình). 3.3. Phố hàng sản xuất và buôn bán Vị Hoàng xưa không chỉ là một trung tâm thương nghiệp quan trọng mà còn là nơi có nhiều ngành nghề thủ công phát triển. Với vị trí đắc địa của mình, Vị Hoàng thu hút về đây đông đảo thương nhân, thợ thủ công của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các địa phương thuộc trấn Sơn Nam như một số khu vực của Hà Nội và Hà Tây cũ, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình Theo thần phả của hàng loạt đình, đền, miếu trên địa bàn thành phố Nam Định ngày nay thì có rất nhiều thợ thủ công tài hoa từ các làng nghề tìm về Vị Hoàng sinh cơ lập nghiệp. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, ở miền Bắc, sau Thăng Long, phố Vị Hoàng xưa là nơi tập trung nhiều nghề thủ công truyền thống. Có ít nhất ba nguyên nhân chính dẫn đến việc những người thợ thủ công giỏi từ Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình đã tập trung về Vị Hoàng, đó là: Thứ nhất, việc xây dựng và kiến thiết hành cung Thiên Trường trong thế kỉ XIII – XIV với vóc dáng như một thứ đô, kiểu cách và quy mô cho xứng với các bậc đế vương đòi hỏi phải có bàn tay và trí óc của những người thợ giỏi từ nhiều địa phương được trưng tập về đây làm việc. KẾT CẤU KINH TẾ CỦA ĐÔ THỊ VỊ HOÀNG (THẾ KỈ XIX) 30 Thứ hai, trong thời kì giặc Minh xâm lược cũng như sau này, khi cuộc chiến Nam - Bắc triều rồi chiến tranh Trịnh - Nguyễn liên miên khiến đời sống nhân dân bất ổn, thì người ta “đói lên Bắc chạy giặc về Nam”. Những người thợ thủ công đã cùng gia đình, họ hàng thân thuộc tản cư xuống phía nam, về Vị Hoàng. Thứ ba, vào giữa thế kỉ XVIII, Phố Hiến đang dần mất đi vị thế của mình vì nhiều nguyên nhân, trong khi Vị Hoàng trở thành trấn lị của Sơn Nam Hạ lộ (1741), với tiềm năng sẵn có và triển vọng phát triển thì một số hộ gia đình/ dòng họ các thợ nghề cũng đã di dời từ Phố Hiến sang Vị Hoàng để tiếp tục hoạt động vừa sản xuất, vừa kinh doanh. Có lẽ bởi những nguyên nhân trên mà ở đô thị Vị Hoàng từng tồn tại rất nhiều nghề thủ công, tương tự như ở Thăng Long. Phố Vị Hoàng theo quy hoạch dân gian được giới hạn bởi “Thượng Phụ Long, hạ Đồn Thủy”, trải dọc bên bờ sông Vị. Theo tấm bản đồ của H. Riviere vẽ năm 1883 thì các khu phố của Vị Hoàng đều hình thành bên dòng sông Vị Hoàng, đặc biệt là sự hiện diện của những phố có tên gọi bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Các phố ở Vị Hoàng – Nam Định thuộc khu phố buôn bán xưa xuất hiện chính xác từ thời điểm nào là vấn đề rất khó xác định vì thiếu tài liệu gốc làm căn cứ. Tất cả các tư liệu địa chí, tư liệu thành văn thu thập được trong quá trình điền dã cũng như các văn bia, thần tích, thần phả đều không đem lại câu trả lời cho vấn đề trên. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, trước khi thực dân Pháp chiếm Nam Định năm 1883 thì một số đường phố ở đây đã hình thành. H. Riviere thể hiện rất rõ một số tuyến phố trên bản đồ như phố Hàng Tiện, Hàng Đồng, phố Khách. Ngoài ra, trong nhiều tài liệu khác cũng cung cấp tên gọi của các phố, qua đó cho thấy số lượng các phố, đường ở Nam Định vào cuối thế kỉ XIX có thể lên đến vài chục. Một điều dễ dàng nhận thấy là sự trùng lặp, giống nhau về tên gọi rất nhiều con phố ở Vị Hoàng với Thăng Long – Hà Nội, đó là sự bắt đầu bằng chữ “Hàng” và sau đó là tên của một nghề hay một sản phẩm của nông - lâm - ngư - thủ công nghiệp truyền thống. Nếu ở Thăng Long, phường thủ công vừa là đơn vị hành chính, vừa là đơn vị kinh tế thì hiện tượng này không xuất hiện ở Vị Hoàng. Sự giống và khác biệt ở một số địa danh thuộc không gian hành chính giữa hai đô thị chỉ có thể giải thích ở ảnh hưởng lan tỏa của Thăng Long tới các đô thị vệ tinh. Từ “phố” xuất hiện ở Thăng Long muộn hơn từ “phường”, bởi trong thư tịch cổ, từ thời Trần đã chia Thăng Long thành 61 phường. Lúc đầu “phố có nghĩa là một bến, bờ, một đường dọc bờ sông phố gắn liền với hoạt động buôn bán, thương mại. Ngay cả các xưởng thủ công ở các phố cũng gắn liền với việc buôn bán của chính mặt hàng đó” [10;107). Vị trí khu vực phố hàng buôn bán của Vị Hoàng - Nam Định xưa, sách Đại Nam nhất thống chí chỉ rõ nằm về phía đông của thành tỉnh, gần (kề) bến sông: “Còn như nơi đô hội ở phía đông tỉnh thành, hàng chợ liên tiếp, buôn bán giao thông, thuyền bè tấp nập; dân đông mà của nhiều, thực là một khu giàu rộng, một trấn quan trọng của Bắc Kì” [18; 387]. Đồng Khánh dư địa chí đã miêu tả: “Dân buôn bán bốn phương tấp nập, phố chợ châu đầu vào nhau, nhà vách liền kề, ghe thuyền san sát, các nghề thợ cũng bày hàng ở chợ. [7; 307]. Nam Định địa dư chí có đôi dòng nhắc đến 7 phố Vị Hoàng: “Tỉnh thành đặt khu trên các hạt phủ huyện, thuộc về địa phận các làng Vị Xuyên, Năng Tĩnh trong huyện TRẦN THỊ THÁI HÀ 31 Mĩ Lộc Sau lưng đất đồng bằng, trước mặt sông Vị Hoàng, bên tả phía đông phố xá la liệt gọi là 7 phố Vị Hoàng” [5;5] 7 phố Vị Hoàng có thể chính là những phố được hình thành đầu tiên. Tuy nhiên, tên của 7 phố Vị Hoàng đầu tiên đó cụ thể như thế nào thì Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục và Nam Định địa dư chí đều không viết rõ. Chúng tôi cho rằng các phố đầu tiên này có lẽ được hình thành bắt đầu từ khu vực mom sông gần bến đò Phụ Long và chợ Vị Hoàng kéo dài cho đến chợ Đò Chè, chủ yếu nằm trên phần đất của thôn Thị Thượng xưa. Xung quanh chợ Vị Hoàng, dân làng Vị Hoàng mở hàng quán buôn bán. Sau này cư dân từ các địa phương khác như Thăng Long và khu vực ven đô, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Kinh Bắc, Thanh Hóa và một số xã, huyện của tỉnh Nam Định đến làm nghề, buôn bán rồi cư ngụ trên đất làng, ở xen kẽ với người làng, mở mang thành các con phố. Nhà cửa mọc lên san sát, phố xá định hình, theo các ngành nghề buôn bán mà ở thành từng khu vực. Qua khảo sát thực tế kết hợp với các nguồn tài liệu cho thấy, 7 phố Vị Hoàng là các phố: Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song, Hàng Sắt, Bến Ngự. Xét về phạm vi phân bố, 7 phố nêu trên nằm trải theo dòng sông Vị, thuộc thôn Thị Thượng (phần tiếp giáp với Phụ Long) đến thôn Thị Hạ, kết nối hai chợ Thượng, Hạ của làng. Những hoạt động trao đổi hàng hoá đã kích thích sự phát triển của thủ công nghiệp, thương nghiệp trong vùng và đồng thời kéo theo sự hưng thịnh của một khu vực chợ bến bên sông Vị Hoàng. Đến cuối thế kỉ XIX, ở Vị Hoàng đã có thêm hàng loạt các phố hàng mới ngoài 7 phố đầu tiên đã nêu ở trên. Theo thống kê của Hoàng Chương Dương thì Vị Hoàng xưa có 37 phố cổ gọi theo mặt hàng sản xuất buôn bán, 4 phố gọi theo bến sông, 1 phố gọi tên bờ sông, 3 phố gọi theo cửa thành (Nam, Đông, Bắc) cùng phố Cửa Trường, ngõ Văn Nhân và Hàng Kẹo thành 45 phố cổ [4;133-134]. Một số phố còn được nhắc đến như: song song với đường Trần Hưng Đạo ngày nay chạy tới sông Vị Hoàng là các phố Hàng Màn, Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn (thời Pháp đặt tên chung là Rue France, nay thuộc Hai Bà Trưng, Hàng Cau (thời Pháp là Jules Ferry). Nằm sau dãy phố này là Hàng Mã, Hàng Mũ (năm 1921 Pháp đặt là Hà Nội), tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu (thời Pháp, các phố này được đặt tên chung là Mareschal Foch, nay là phố Hoàng Văn Thụ). Tiếp đó một con đường khác cũng từ khu vực chợ Rồng ngày nay ra tới sông Vị là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, Hàng Cấp (thời Pháp đặt tên đường này là Henri Riviere). Ra bờ sông Vị còn một đường phố gồm Hàng Đường và Hàng Đồng, hai phố này thời Pháp mang tên chung là Rue de Cuivre, nay là Hàng Đồng. Từ chợ Rồng lên phía Bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà, nay là phố Lý Thường Kiệt. Từ bờ sông vào chân tường thành xưa có một dãy phố chạy song song với Hàng Đồng gồm Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm (nay là phố Bắc Ninh). Về phía Nam của chợ Rồng, bên bờ sông hơi lùi vào trong là phố Hàng Nồi (nay là Nguyễn Thiện Thuật). Song song với bờ sông là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế (nay là phố Phan Đình Phùng) và phố Hàng Thao [4; 133-134]. Các phố hàng là nơi sinh sống và làm nghề của những người có chung quê hương bản quán hoặc cùng làm một nghề. Họ đã KẾT CẤU KINH TẾ CỦA ĐÔ THỊ VỊ HOÀNG (THẾ KỈ XIX) 32 lập nên những ngôi đền thờ tổ nghề hoặc đình thờ thành hoàng bản quán ở ngay trên phố nghề xưa (một số hiện nay vẫn còn tồn tại, nằm rải rác trên các con phố của thành phố Nam Định. Nhiều di tích nằm lẫn trong khu vực dân cư, phố xá hoặc bị lấn chiếm, phá rỡ trong quá trình phát triển, đô thị hóa của thành phố Nam Định hiện đại). Qua gia phả, văn bia câu đối thờ trong các di tích còn lại này cho thấy một thực tế là hầu hết người ở phố đều từ các địa phương khác đến đây sinh cơ lập nghiệp, không phải là dân gốc của làng Vị Hoàng. Người Hoa sinh sống rải rác ở các phố hàng, nhưng đông đảo nhất là trên phố Khách (nay là Hoàng Văn Thụ) và Hàng Sắt dưới. Họ luôn tỏ rõ sự thông thạo trong kinh doanh buôn bán, quản lí tài chính và tinh thần tương trợ cao trong nội bộ cộng đồng. Đánh giá về tình hình kinh tế của Nam Định như một trong những đô thị nổi bật của xứ Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỉ XIX, Ch.Lemire đã viết: Nam Định là thành phố lớn của tỉnh Nam Định, nằm dọc 4 km bên bờ sông Nam Định, với những ngôi nhà được xây bằng gạch và nhiều ngôi nhà khác theo lối kiến trúc của người Hoa khác với nhà của người bản xứ. Những con phố, cũng như chợ búa, dọc bên bờ sông đều rất đông vui nhộn nhịp Các hãng vận tải đường sông và nhiều xà lan chạy máy hơi nước đi qua Nam Định để đến Hưng Yên” [12;99]. 4. Kết luận Ra đời muộn hơn Thăng Long, Phố Hiến, đô thị Vị Hoàng vừa có những nét chung của đô thị Việt Nam thời trung đại, nhưng đồng thời lại sở hữu những điểm độc đáo riêng, mang dấu ấn của bối cảnh lịch sử và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước thời kì này. Nhìn vào kết cấu kinh tế của đô thị Vị Hoàng có thể dễ dàng nhận thấy, đô thị này có vai trò chủ yếu là điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa trên thủy trình xuôi ngược Bắc Nam, từ lục địa ra biển và ngược lại của các tàu thuyền vận tải, buôn bán nội địa, thuyền nhà Thanh hay thuyền công của Nhà nước nhờ có vị thế thuận lợi. Từ cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá của đất nước là sự hình thành các tuyến giao thương đường dài giữa miền Thanh Nghệ, miền Trung với Đàng Ngoài; giữa miền thượng du, trung du với khu vực đồng bằng ven biển. Và như vậy, không thể phủ nhận vị trí đắc địa của cảng, bến sông Vị Hoàng khi toạ lạc tại đầu mối các tuyến giao thông thuỷ bộ, tập trung nhiều luồng hàng, mặt hàng phong phú. Đô thị Vị Hoàng không thể so sánh với Thăng Long – Kẻ Chợ về quy mô cũng như các giao dịch thương mại, lượng hàng – tiền được trao đổi. Tuy nhiên, sự hiện diện của đô thị Vị Hoàng như một trung tâm tập kết, trao đổi và sản xuất hàng hóa ở nơi giao điểm của các tuyến đường thủy bộ, các luồng hàng hải từ thượng du xuống miền duyên hải ven biển, từ miền Trung ra khu vực Bắc Bộ đã tạo ra những chấm phá quan trọng trên bức tranh kinh tế Việt Nam giai đoạn tiền thuộc địa. Ở mức độ nào đó, có thể coi thực trạng kinh tế ở Vị Hoàng là sự phản ánh trung thực tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đang diễn ra những chuyển biến quan trọng, khi chế độ phong kiến với quan hệ sản xuất lỗi thời đang phải tiếp nhận và chịu nhiều thử thách từ những biến động xã hội đế sự xuất hiện của hàng loạt các nhân tố mới trong lĩnh vực thương mại và sản xuất hàng hóa, bước đầu hướng đến nhu cầu thị trường nội địa và khu vực. TRẦN THỊ THÁI HÀ 33 Chú thích 1. Tuyến thứ hai đi vào cửa sông Thái Bình, còn gọi là sông Đàng Ngoài, qua Domea và Batsha. 2. Thuyền hiệu Ba: Dài 6 trượng 6 thước 1 tấc; ngang 1 trượng 6 thước, sâu 8 thước 2 tấc; không có mái chèo. Thuyền hiệu Lãng: Dài 5 trượng 8 thước 7 tấc; ngang 1 trượng 5 thước, sâu 8 thước 2 tấc, 44 mái chèo. Thuyền lê hạng lớn: Dài 5 trượng 2 thước 6 tấc; ngang 7 thước 2 tấc; sâu 3 thước 1 tấc, 36 mái chèo. Thuyền ô, thuyền son, thuyền sai: Đều dài 4 trượng 8 thước; ngang 8 thước 4 tấc, sâu 3 thước 2 tấc, 30 mái chèo. Thuyền sam bản: Dài 3 trượng 6 thước 5 tấc; ngang 8 thước 5 tấc; sâu 2 thước 2 tấc 5 phân; 32 mái chèo. Thuyền khoái: Dài 3 trượng 3 thước, ngang 3 thước 3 tấc, sâu 1 thước 3 phân; 12 mái chèo. Thuyền sam bản nhỏ: Dài 1 trượng 8 thước, ngang 3 thước 3 tấc, sâu 1 thước 7 tấc, 10 mái chèo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Bang (1999), Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế. 2. Châu bản, Minh Mệnh năm thứ 4 (1823), Xuất xứ: Trấn Nam Định, tờ 111, tập 6, Trung tâm lưu trữ quốc gia I. 3. Châu bản, Minh Mệnh năm thứ 5(1824), Xuất xứ: Bắc thành, tờ 41, tập 8, Trung tâm lưu trữ quốc gia I. 4. Hoàng Chương Dương (2013), “Phố cổ thành Nam”, Văn hiến Nam Định, Nxb Văn hóa thông tin, Nam Định. 5. Ngô Giáp Đậu (2007), Nam Định địa dư chí, Bản dịch của Dương Văn Vượng, bản đánh máy lưu tại Bảo tàng Nam Định. 6. Lê Quang Định (2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Huế. 7. Đồng Khánh dư địa chí (2006), Nxb Thế giới, Hà Nội. 8. Trần Thị Thái Hà (2017), Từ hành cung Tức Mặc – Thiên Trường đến đô thị Vị Hoàng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. 9. Nguyễn Thừa Hỷ (1993), Thăng Long – Hà Nội thế kỉ XVII-XVIII-XIX, Hội sử học Việt Nam. 10. Trần Nhật Hanh, Quê hương tôi có dòng sông Vị. Tài liệu chép tay, do ông Trần Nhật Tân, quân nhân hưu trí tại đường Nguyễn Tri Phương, Thành phố Đà Nẵng cung cấp. 11. Trương Vĩnh Kí (1881), Chuyến đi Bắc Kì năm Ất hợi (1876), Bản in Nhà hàng C.Guilland et Martinon, Sài Gòn. 12. Ch.Lemire (1899), Ch. Lemire (1899), Les cinq pays l’Indo-chine fraçaise. L’établissement de Kouang-Tchéou. Le Siam (leur situation économique par Ch. Lemire. Résident honoraire de France). A.Challamel, Editeur libraire coloniale, 17, rue Jacob, Paris. 13. John Kleinen (2012), Làng Việt, Đối diện tương lai hồi sinh quá khứ, Nxb Lao động, Hà Nội. 14. Nguyễn Quang Ngọc (1993), Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỉ XVIII – XIX, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội. 15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004a), Đại Nam thực lục, tập IV, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 16. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004b), Đại Nam thực lục, tập V, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 17. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006a), Đại Nam thực lục, tập VI, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 18. Quốc sử quan triều Nguyễn (2006b), Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb Thuận Hóa, Huế. 19. Khiếu Năng Tĩnh (1999), Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Tài liệu do phòng Địa chí – Thư mục Thư viện tỉnh Nam Định sưu tầm, chỉnh lí và chế bản theo bản dịch của Dương Văn Vượng. Ngày nhận bài: 18/8/2017 Biên tập xong: 15/9/2017 Duyệt đăng: 20/9/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfket_cau_kinh_te_cua_do_thi_vi_hoang_the_ki_xix.pdf